Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2020

Một thế giới giàu suy tưởng, kích thích suy tưởng

Một thế giới giàu suy tưởng, 
kích thích suy tưởng
(Đọc Tôi là Bêtô của Nguyễn Nhật Ánh, Nxb Trẻ 2007)
Trong số trên 20 truyện dài đã xuất bản của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Tôi là Bêtô mang dáng vẻ lạ lùng, mới mẻ hơn cả. Nếu như phần lớn các truyện dài của anh, các nhân vật chính thường là con người, những cô cậu học trò tuổi mới lớn, thì ở truyện này nhân vật chính lại là hai chú cún - Bêtô và Binô. Bêtô chính là nhân vật trung tâm của câu chuyện. Là nhân vật kể chuyện của tác phẩm. Nói cách khác, thế giới được khám phá, cảm nhận thông qua những suy cảm hồn nhiên mà tinh tế của một chú cún con “được “nhân hóa” như một cậu bé ở tuổi vừa là trẻ con, vừa đang chuẩn bị làm người lớn”. Đọc vào những suy cảm của Bêtô, cuộc sống, những quan hệ người dần dần hiện ra vừa mộc mạc, trong trẻo vừa đằm sâu, triết lý. Có người cho rằng “đây là cuốn sách người lớn nhất của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh”, đánh dấu một bước chuyển, một hướng tự làm mới mình trong sáng tác của nhà văn.
Điểm mới khá ấn tượng với bạn đọc có lẽ là cách trình bày, tổ chức truyện kể. Toàn truyện khoảng trên 22.000 chữ (chính xác là 22.382 chữ) được sắp xếp, đánh số thành 102 mẩu tất cả; mỗi mẩu trên dưới 200 chữ, có kèm hình ảnh minh họa nhỏ nhắn, dễ thương của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường, chiếm độ 2 trang sách khổ 12x20cm. Một số mẩu chỉ là những mẩu nghị luận. Một, hai mẩu lại là một bài thơ, đứng một mình (55), hoặc có thêm lời giới thiệu ngăn ngắn (57). Gọi là cấu trúc xâu chuỗi hay kết cấu lắp ghép đều được bởi chúng khá nhất quán về điểm nhìn, về giọng kể, về lối triển khai ý tưởng… Quả thật linh hoạt và khá hiện đại!
Nếu như trong nhiều truyện dài của Nguyễn Nhật Ánh, phần lớn các nhân vật thường ở tuổi mới lớn, có những nét tính cách và sự biểu hiện na ná nhau, có thể là nhân vật chính hơn một cuốn truyện thì ở truyện này - Tôi là Bêtô - hệ thống nhân vật được mở rộng đa dạng, gồm cả trẻ con (những chú cún và những con mèo được nhân hóa), tuổi trăng tròn (chị Ni), trung niên (ba mẹ chị Ni), người già (lão Hiếng), thậm chí rất già (bà cố chị Ni)… Hầu hết các nhân vật đều được khắc họa một nét tính cách nổi bật, dễ nhớ: Bêtô thật thà, tình cảm; Binô, nhà hiền triết thích suy tư; chị Ni thấu cảm, bao dung; bà cố thương yêu trẻ con và loài vật; ông ba thèm quê, nhớ quê; lão Hiếng độc ác một cách hả hê… Vậy là, thế giới tuổi thơ trong truyện đã được mở rộng theo cách cảm nhận, tầm cảm nhận của một chú cún con. Thế giới ấy phong phú cung bậc, sắc thái, biểu hiện của thế giới người: niềm vui, nỗi buồn, sợ hãi, dũng cảm, hèn nhát, tình bạn, tình yêu, tình bà cháu, tình cha con/mẹ con, tình bà con, ký ức, ước mơ, sống - chết, thiện - ác… Tuy nhiên, điều mới mẻ thú vị nhất trong thế giới này, theo tôi, đó là một thế giới giàu suy tưởng, kích thích suy tưởng.
Mượn cái nhìn, cách cảm, cách nghĩ, cách diễn đạt của một chú cún trẻ con, Nguyễn Nhật Ánh có khá nhiều “chiêu” để gài, lồng những nhận xét, nhận định đầy tính chiêm nghiệm về cuộc đời và con người, xoay quanh nhiều vấn đề vi mô cũng như vĩ mô. Chiêu đầu tiên, tôi tạm gọi là chiêu tận dụng những ưu thế của ngôn ngữ. Một chiêu có thể bao gồm nhiều “thức”; thức lại có thể vận dụng nhiều kiểu biến hóa khác nhau. Quan sát, suy ngẫm lối ra chiêu của nhà văn cao thủ này, chúng ta thấy khi thì anh tận dụng tính nhiều nghĩa của từ (nhà tôi, gặm: gặm nhấm lịch sử, gặm nhấm kỷ niệm và gặm xương, sủa…); khi thì anh cắt nghĩa lại, mở rộng thêm hàm nghĩa một số thành ngữ, tục ngữ (mỡ để miệng mèo, chó sủa là chó không cắn, lời chào cao hơn mâm cỗ, chó ngáp phải ruồi…); khi anh lại đối chiếu giữa nghĩa hiển ngôn và nghĩa hàm ngôn (từ điển “TRẺ CON - NGƯỜI LỚN”); khi anh dùng nhiều mẩu chuyện khác nhau để đào sâu ý nghĩa một nhóm từ đặc biệt (nhìn thấy nắng sau những ngày mưa); khi sử dụng loại câu ý nghĩa tương phản, biện chứng:
- Tươi như hoa lan hoa huệ nghe nói cũng là một cách héo.
- Nếu giỏi nguỵ trang, kẻ ác có thể nở nụ cười từ bi và thốt lên những lời ngon ngọt như vớt ra từ một hũ đường.
- … thú vị là vồ được một con chuột nhắt rồi thả cho nó chạy đi.
- … một nhà tư duy giỏi vẫn có thể là một nhà hành động tồi.
- … đứa bạn xấu bao giờ cũng là đứa bạn quyến rũ nhất.
- Được sợ hãi, đúng là một cái thú.
- Thơ ca là thứ vô cùng phù phiếm nhưng vô cùng thiêng liêng.
Chiêu thứ hai liên quan đến nghệ thuật xây dựng nhân vật, tạm gọi là chiêu sắp xếp, nhào nặn nhân vật. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từng cho rằng “Trong tất cả các tác phẩm viết cho trẻ em của tôi,… tình bạn là một yếu tố quan trọng và luôn được đề cao.” Bộ ba nhân vật Bêtô, Binô và Laica trong truyện mang đến cho người đọc một sự chiêm nghiệm về tình bạn. Giữa ba người bạn ấy có thể tồn tại sự hòa hợp và đối lập, những nét giống nhau và khác biệt. Có thể chia sẻ, bổ sung, giúp đỡ nhau giàu có, tốt đẹp hơn về đời sống tinh thần. Binô là một kiểu nhân vật suy tưởng. Cậu thích suy tư, lý giải nhiều vấn đề, mang đến một cách nhìn, cách hiểu mới cho chúng. Thích gom nhặt những điều thú vị từ cuộc sống, bởi cậu nghĩ rằng khám phá những điều thú vị đó... chính là làm giàu thêm ý nghĩa của cuộc sống và bổ sung thêm lý do để cuộc sống trở nên đáng sống. Việc làm này biểu lộ một cách sống tích cực, có tầm triết lý. Có điều chính con người thích sưu tầm những điều thú vị có lúc tự nhiên nhút nhát, vô tình đánh mất những điều thú vị không dành cho những trái tim nhút nhát... Gắn bó với đám cún con ấy có hai nhân vật lớn tuổi - bà cố và ba chị Ni - càng lớn tuổi, con người ta càng nói ít đi. Họ nghĩ nhiều hơn. Họ đúc kết những nghĩ suy, trải nghiệm dưới những nhận định khái quát bất ngờ:
- Cún thế mới là cún chứ. Một con cún không nghịch ngợm là một con cún bỏ đi. (Lời của bà cố chị Ni)
- Một dân tộc bảo thủ trong ăn uống là một dân tộc giàu bản sắc. Mặn ngọt cay chua trong từng món ăn gợi lại mặn ngọt cay chua trong cuộc đời. Suy cho cùng con người ta chủ yếu ăn uống bằng tâm trạng.(Lời ba chị Ni)
Chiêu thứ ba gắn bó nhiều hơn với từng mẩu chuyện, mẩu nghị luận. Tạm gọi là chiêu thiết lập mô hình. Mẩu chuyện có mô hình kể; mẩu nghị luận có mô hình triển khai ý tưởng. Một số mẩu nghị luận trong tác phẩm (7, 20, 22, 38, 43, 64, 101...) có mô hình từa tựa mô hình giải thích, chứng minh hay bình luận trong văn nghị luận. Khá nhiều mẩu chuyện trong Tôi là Bêtô, nhân vật kể chuyện cún con cùng tên thường thể hiện "ý đồ" so sánh, thiết lập tương quan giữa loài vật và loài vật, giữa loài vật và con người, giữa những hình ảnh cụ thể và ý nghĩa trừu tượng, giữa ý nghĩa gần gũi, giản dị và ý nghĩa sâu xa, cao cả... theo một logic nhất định nhằm "gài" vào đó vô vàn những thông tin, những phát hiện kích thích suy tưởng. Những thông tin và phát hiện ấy không phải bao giờ cũng mới mẻ, sâu sắc, cũng thu được sự đồng thuận, đồng tình từ phía người đọc. Người đọc có "cớ" bàn lại, nói thêm tùy theo độ liên tưởng và tầm cảm nhận của mình. Khó lãnh đạm, thờ ơ, "im lặng đáng sợ" trước tác phẩm. Tự nhiên, mỗi người sẽ tự mở ra một cuộc trò chuyện trong tâm tưởng cùng tác phẩm. Thành công này thật đáng mong đợi với mọi nhà văn!
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ngày càng có số "fan" hâm mộ đông đảo trong và ngoài nước. Một số truyện của anh đang được chuyển thành truyện tranh (5 tác phẩm Trước vòng chung kết, Bong bóng lên trời, Bồ câu không đưa thư, Những chàng trai xấu tính, Nữ sinh). Anh đang có "duyên" với những bạn đọc Nhật Bản. Từ nhiều năm rồi, nhà văn nhận được rất nhiều những trang thư viết tay của những người hâm mộ. Anh xem chúng như "kỷ vật quý giá và cất giữ rất cẩn thận" bởi luôn tâm niệm rằng tâm hồn chúng ta được sinh ra là để chờ đáp lại niềm yêu mến đến từ một tâm hồn khác. Nó giống như chiếc ống sáo, sẵn sàng reo lên khi ngọn gió mùa hè thổi qua...
Khánh Sơn, 21-9-2009
Phan Đình Dũng
Theo https://www.vanchuongviet.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bản năng - Truyện ngắn của Mrozek Slawomir

Bản năng - Truyện ngắn của Mrozek Slawomir Sau khi bị bội tình tôi tậu một con chó. Tôi muốn nó phải là bạn chung thủy của tôi. Để được vậ...