Nhìn nhận yếu tố tượng trưng,
siêu thực trong Thơ mới
1. Vài nét
về chủ nghĩa tượng trưng và chủ nghĩa siêu thực liên quan đến
phong trào Thơ mới
. Chủ nghĩa tượng
trưng là một trào lưu nghệ thuật và là một quan điểm triết học - mỹ học
xuất hiện ở Phương Tây cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, bao gồm nhiều hiện tượng
văn học - nghệ thuật như: thơ, kịch, tiểu thuyết, hội họa… Chủ nghĩa tượng
trưng quan niệm nghệ thuật không phải phản ánh thế giới thực tại, thế giới của
hiện tượng mà là một thế giới siêu tưởng, một thế giới mơ hồ của sự tương hợp
giữa ánh sáng, sắc màu, âm thanh, mùi hương và nhạc điệu. Chủ thể tiếp nhận thơ
tượng trưng cùng một lúc có thể cảm ứng tổng hòa thế giới âm thanh, sắc
màu, mùi hương bằng tất cả các giác quan tương ứng. Các nhà tượng trưng
xem thế giới hữu hình chỉ là hình ảnh, là cái bóng, là biểu trưng cho một thế
giới mà ta không thấy được. Họ quan niệm chính cái không nhìn thấy đó mới là bản
thể của thế giới. Nhà thơ nhận thức thế giới bằng trực giác, bởi chỉ có trực
giác mới nắm bắt được cái đằng sau, vô hình, mới ứng cảm được thế giới đích
thực mà ta không nhìn thấy. Họ cho rằng, nghệ thuật, muốn phản ánh thế giới
phải tìm ra những “hiện thực ẩn dấu” và thể hiện nó bằng các biểu trưng thẩm mỹ. Nhà
thơ, cùng lúc, phân thân và hội tụ các năng lực cảm biến thế giới bên trong
và thế giới bên ngoài để bừng tỉnh trong không gian, thời gian, trong tiềm thức,
vô thức, trực giác, trực cảm, trong ấn tượng, tượng trưng... để làm nên những “niềm kinh dị”, những vô nghĩa lý nhưng hợp lý, những khả giải và bất khả giải
trong thơ.
. Chủ
nghĩa siêu thực là trào lưu văn nghệ xuất hiện vào khoảng sau
chiến tranh thế giới thứ nhất ở Pháp do Andre Breton và P.Soupault đề
xướng với sự tham gia của L.Aragon và P.Eluard. Quan điểm và thi pháp
của họ chống lại sự sùng bái các trào lưu văn học hiện thực và
lãng mạn thế kỷ 19, đưa ra một phương pháp sáng tác mà họ gọi là
“lối viết tự động”, tức là ghi lại những ảo giác tự phát theo
“trạng thái của những người bị thôi miên”... nói tóm lại, là theo
chủ quan của người nghệ sĩ thoát ly mọi liên hệ với thực tế xã hội.
Họ chủ trương “giải phóng” thơ khỏi những qui cách, lề lối gò bó
trước đó mà họ cho là khuôn sáo, hàn lâm, chủ trương dùng những từ
ngữ kiểu cách, kỳ lạ, âm luật và cú pháp thất thường. Đề tài của
họ là những mơ tưởng huyền ảo quái dị, là sự đau khổ nhớ nhung quá
khứ, là tình yêu. Họ cho rằng chỉ với lối sáng tác ấy người ta mới
đạt đến một hiện thực cao hơn hiện thực tầm thường hằng ngày, một
“siêu hiện thực”, chữ mà A. Breton đặt ra. (Bách khoa toàn thư
Việt Nam).
2. Các yếu tố tượng trưng -
siêu thực thể hiện qua một số bài thơ tiêu biểu trong phong trào Thơ Mới
Việt Nam
Ở Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng không dễ dàng trong
việc xếp đặt các nhà Thơ Mới Việt Nam theo một trường phái nhất định: lãng
mạn, hoặc tượng trưng hay siêu thực, mà Thơ mới, ta
thường hiểu chủ yếu là được sáng tác theo quỹ đạo chủ nghĩa lãng mạn Pháp thế
kỷ XIX, sau đó, men tới chủ nghĩa tượng trưng và chủ nghĩa siêu thực. Hiện tượng
đan xen giữa các yếu tố lãng mạn, tượng trưng, siêu thực như trong nhiều bài thơ
của Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Xuân Diệu là điển hình. Nói cách khác, trong
thơ của các nhà Thơ mới Việt Nam 1932 - 1945, có ít nhất là một đến hai nhà thơ
hiện đại Pháp hiện diện, tùy theo từng yếu tố đậm nhạt của các trường phái,
khuynh huớng, chủ nghĩa khác nhau mà họ chịu ảnh hưởng, tiếp thu một cách chủ động,
tự giác và sáng tạo.
. Sự
tương ứng các giác quan - đặc trưng rõ nét trong thơ
tượng trưng
Quan niệm Tương ứng các
giác quan trong thơ tượng trưng của Baudelaire đã ảnh hưởng sâu sắc đến
Thơ mới Việt Nam. Mùi hương, màu sắc và âm thanh tương
hợp lẫn nhau. Xuân Diệu là nhà thơ đã thể hiện cảm quan hết sức tinh nhạy, bằng
sự tương hợp các giác quan, ông có thể “nghe” được những âm thanh bí ẩn huyền
diệu của đất trời, cảm nhận được các “gam” của sắc màu không gian, và “chiết
suất” hương thơm tạo vật muôn loài qua thơ: “Này lắng nghe em khúc nhạc
thơm,/ Say người như rượu tối tân hôn;/ Như hương thấm tận qua xương tuỷ,/ Âm
điệu, thần tiên, thấm tận hồn./ Hãy tự buông cho khúc nhạc hường,/ Dẫn vào thế
giới của Du Dương:/ Ngừng hơi thở lại, xem trong ấy,/ Hiển hiện hoa và phảng
phất hương”. (Xuân Diệu - Huyền diệu).
Sự tương ứng các giác quan tạo nên hiệu ứng lan
tỏa, đan xen nhiều tầng cảm xúc và thực sự đem lại cho thơ những cảm
nhận mới lạ. Một khúc nhạc, đối với Xuân Diệu, không phải chỉ để thưởng
thức một cách thuần túy bằng những cung bậc “du dương” của thanh
nhạc (tương ứng với thính giác) mà cùng một lúc, nhiều giác quan ứng
cảm, hợp phối để có thêm khúc nhạc hường (màu của nhạc), rồi lan
tỏa thành khúc nhạc thơm (hương của nhạc) và rồi, hãy uống thơ
tan trong khúc nhạc (vị của nhạc). Chỉ một khổ gồm bốn câu thơ, Xuân Diệu
đã tổng hòa bốn giác quan tương ứng, nghe - nhìn - ngửi - uống,
nhà thơ như đã nhập thần, hóa thân, hòa tan vào khúc nhạc đất trời Huyền
diệu.
Sự tương ứng các giác quan cũng thể hiện rất
rõ nét trong một số bài thơ của Huy Cận. Thế giới thơ ông là một thế giới ngát
mùi hương với âm thanh, sắc màu xen lẫn, cùng các giác quan giao hòa, cảm
ứng, phức hợp hơn là cụ thể; mỗi câu thơ luôn mở ra nhiều tầng cảm xúc, khơi
gợi, dẫn dắt bước chân người thơ dập dìu đi giữa đường thơm:
"Đường
trong làng: hoa dại với mùi rơm…/ Người cùng tôi đi dạo giữa đường thơm;/ Lòng
giắt sẵn ít hương hoa tưởng tượng./ Đất thêu nắng, bóng tre rồi bóng phượng/ Lần
lượt buông màn vướng nhẹ chân lâu:/ Lên bề cao hay đi xuống bề sâu?/ Không biết
nữa.- Có chút gì làm ngợp/ Trong không khí… hương với màu hoà hợp…". (Huy
Cận - Đi giữa đường thơm).
Mùi hương, màu sắc, âm thanh cùng tương hợp gây hiệu
ứng mơ hồ lẫn lộn giữa các giác quan. Nghĩ về sự tương ứng các
giác quan trong thơ, ta liên tưởng đến Appollinaire, nhà thơ lãng mạn Pháp,
người đã phát hiện ra “hương thời gian” qua bài Mùa thu chết:
“Ôi ngát hương thời gian mùi thạch thảo”, thế rồi, đến Đoàn Phú Tứ, Thơ
mới còn có thêm một cảm quan mới về thời gian, đó là“màu thời gian”: "Màu
thời gian không xanh/ Màu thời gian tím ngát/ Hương thời gian không
nồng/ Hương thời gian thanh thanh". Với “màu thời gian”,
Đoàn Phú Tứ đã góp thêm cách cảm nhận mới, ông đã điểm thêm vào
diện mạo thời gian, làm cho thời gian vừa có hương, lại vừa có sắc.
Ngoài quan niệm Tương ứng các giác quan, chủ nghĩa
tượng trưng rất chú trọng tiết điệu, âm nhạc trong thơ. Verlaine đã từng viết:
Trước hết cần phải có âm nhạc (De la musique avant toute chose). Thực
vậy, âm nhạc trong thơ tượng trưng được khai thác triệt để, âm nhạc được chú trọng
đến mức nhiều khi từng chữ thơ chỉ cần vang mà không cần nghĩa như: Đáy
đĩa mùa đi nhịp hải hà của Nguyễn Xuân Sanh, Miệng lưỡi khong khen của
Hàn Mặc Tử, Đồng trăng lục nhạt của Huy Cận..vv.
Yếu tố nhạc trong thơ tượng trưng được
khai thác tối đa ở thơ Bích Khê; toàn bộ thơ Bích Khê, trước hết, được dựng lên
trên một nền nhạc; trong rất nhiều sáng tác, ông đã dụng ý chọn những từ ngữ
thanh bằng (bình thanh) đưa vào trong mỗi câu thơ, mỗi khổ thơ, thậm chí nguyên
cả bài thơ. Trên nền nhạc -thơ hòa phối ấy, âm thanh, màu sắc, mùi hương
cứ truyền lan vang tỏa, tạo nên sự liên tưởng trùng phức, đầy mê hoặc: “Ô!
Hay buồn vương cây ngô đồng./ Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông” - Câu
thơ mà Hoài Thanh cho là hay vào bậc nhất trong thơ Việt Nam.
Trong
một bài thơ khác, bài Hoàng hoa, dài 18 câu, Bích Khê cũng đã “thiết kế”
toàn những thanh bằng, từ đầu cho đến cuối bài thơ:
"Lam nhung ô! Màu lưng chừng
trời;/ Xanh nhung ô! Màu phơi nơi nơi./ Vàng phai nằm im ôm non gầy;/ Chim yên
eo mình nương xương cây./ Đây mùa Hoàng hoa, mùa Hoàng hoa:/ Đông nam mây đùn
nơi thành xa…/ Oanh già theo quyên quên tin chàng!/ Đào theo phù dung: thư
không sang!/ Ngàn khơi, ngàn khơi, ta ngàn khơi!:/ Làm trăng theo chàng qua
muôn nơi;/ Theo chàng ta làm con chim uyên/ Làm mây theo chàng bên nhung yên./
Chàng ơi! hồn say trong mơ màng,/- Hồn ta? Hay là hồn tình lang?/ Non yên tên
bay ngang muôn đầu…/ Thâm khuê oan gì giam xuân sâu?/ - Ai xây bờ xanh trên
xương người?!/ Ai xây mồ hoa chôn đời tươi?! (Bích Khê -
Hoàng hoa)
Nói về nghệ thuật trong thơ tượng trưng, Chế Lan Viên đã
từng tâm đắc khi viết tựa cho cuốn Tinh huyết của Bích Khê: “Với kỹ thuật
tượng trưng khi tả chiếc lá rụng thì người thơ không nói về chiếc lá lìa cành
mà nói đến cái trống vắng của cây khi lá rơi”. Mallarmé cũng nói: “Câu thơ
không phải chỉ là một số chữ, mà phải là những ý niệm và chữ phải tự xoá mờ đi,
nhường chỗ cho cảm giác”.
Bài thơ hiện
lên toàn những từ ngữ mang hình ảnh tượng trưng, ám gợi, rất mơ hồ về nghĩa; chỉ
có thanh âm của nhạc-thơ cứ vang rung trùng điệp. Nếu không có tiêu đề Hoàng
hoa, một điển tích lấy từ Kinh Thi nói về người lính đi thú phương xa nhớ nhà,
có lẽ ta sẽ mất hẵn sự gợi ý liên tưởng, khi tìm hướng để cảm nhận
bài thơ!.
. Trường Thơ Loạn, một trường thơ mang yếu tố siêu thực - Sự mở rộng nội hàm
cái đẹp của Thơ Mới tượng trưng
Quan niệm cái đẹp của
Baudelaire đã lan sang các nhà thơ mới Việt Nam, nhất là Trường thơ
loạn. Trường thơ loạn đã bẩy cái đẹp qua một địa hạt khác, các nhà
thơ đã mở rộng nội hàm cái đẹp để tiệm cận với cái kinh dị, cái ghê rợn, cái
xấu và đem những cái ấy làm thi liệu cho thơ, đẩy thơ đến bờ chủ nghĩa siêu thực: Hồn,
máu, sọ người, xương khô, tủy, đám ma… tràn đầy trong thơ Hàn Mặc Tử và Chế
Lan Viên: “Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút;/ Mỗi lời thơ đều dính
não cân ta!/ Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt,/ Như mê man chết điếng cả làn
da”. (Hàn Mặc Tử - Rướm máu )
Ở trên, chỉ là khổ đầu bài thơ Rướm
máu của Hàn Mặc Tử; và đây, khổ thứ hai bài Xương khô, thơ Chế Lan
Viên: “Trên một nắm mộ tàn ta nhặt được/ Khớp xương ma trắng tựa não cân
nguời,/ Tuỷ đã cạn, nhưng vẫn dầm hơi ướt,/ Máu tuy khô, còn đượm khí tanh hôi.”
Qua hai khổ thơ đã
dẫn, ta có thể nhặt ra đủ thứ ghê rợn, kinh người: hồn, não, máu, chết, nắm
mộ tàn, khớp xương, ma, dầm hơi ướt, khí tanh hôi…
Hàn Mặc Tử đã sáng tạo một thế giới thơ kỳ lạ, bí hiễm, thơ
ông vừa lãng mạn, vừa tượng trưng - siêu thực, vừa có chất cổ điển, lại vừa hết
sức tân kỳ. Cho đến nay, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng chưa thể khám phá hết
thơ Hàn Mặc Tử - một thế giới vô cùng huyền nhiệm: “Tất cả những vật gì
linh thiêng hay muốn được linh thiêng, mãi mãi đều cần có huyền nhiệm bao quanh (Mallarmé). Thế
giới thơ Hàn Mặc Tử rộng rinh không bờ bến như ông đã trình bày trong Thơ
điên: “Tôi sống mãnh liệt và đầy đủ. Sống bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng lệ,
bằng hồn, tôi đã phát triển hết các cảm giác của tình yêu. Tôi đã vui, buồn,
giận, hờn đến gần đứt sự sống. Thôi mời cô cứ vào… Ánh sáng lạ trong thơ tôi sẽ
làm cho gò má cô đỏ gấc. Và một khi cô đã vào là cô sẽ lạc, vườn thơ tôi rộng
rinh không bờ bến. Càng đi xa, càng ớn lạnh”.
Mắc phải trọng bệnh khi còn rất trẻ, người thơ tài
hoa Hàn Mặc Tử hoàn toàn tuyệt vọng; trên đỉnh đau thương tột cùng,
thơ ông viết ra như người đến từ một cõi khác, Thơ điên, một hiện
tượng thơ khác lạ trong dòng chảy thơ Việt đến hồi bấy giờ. Cũng có
thể Hàn Mặc Tử chưa hề chịu ảnh hưởng bởi trường phái siêu thực
nhưng “lối viết tự động” thoát ra từ bản năng vô thức đã làm thơ ông
ít nhiều mang sắc thái của trường thơ siêu thực.
. Đinh Hùng, “Mê hồn ca” - mang
đậm yếu tố siêu thực
Không như những nhà Thơ
Mới khác, Đinh Hùng - Người kiến trúc chiêm bao (chữ dùng của Đỗ
Lai Thúy), trong chiêm bao của chiêm bao, ông đã kiến trúc một thiên
nhiên ảo diệu, thần bí. Thiên nhiên của thời hồng hoang, thái cổ còn tinh khôi,
nguyên thuỷ. Ở đó, lóe lên ngọn lửa của đêm hồng hoang man rợ, “sông núi giao
thần”; trong không gian Thái Cổ ấy, người thơ cùng Người gái thiên
nhiên - Kỳ nữ kết tình ân ái “làm đôi người cô độc
thủa sơ khai”:
"Chúng
tôi gặp nhau bên dòng suối ngọt,/ Làm đôi nguời cô độc thuả sơ khai,/ Nàng bâng
khuâng đốt lửa những đêm dài,/ Ta từng buổi bơ vơ tìm bộ lạc./ Nàng là Gái -
Muôn - Đời không đổi khác:/ Bộ ngực tròn nuôi cuộc sống đương xuân./ Ta đến đây
làm chủ hội phong trần,/ Lấy hoa lá kết nên Tình Thái Cổ ". (Đinh
Hùng - Người gái thiên nhiên)
Đến
Đinh Hùng, có thể nói, những sáng tác buổi đầu thơ ông (Mê hồn ca) đã
nghiêng hẳn sang trường thơ siêu thực, ngôn từ thơ ông được chuốt trau bóng bẩy,
lời lẽ trang trọng, ý tưởng thơ kỳ lạ, bí hiểm, giọng thơ buồn đau , bi thiết:
“Trăng ơi! đừng bỏ
kinh thành./ Hồn Cố Đô vẫn thanh bình như xưa./ Nhỡn tiền chợt sáng thiên
cơ,/ Biết chăng ảo phố mê đồ là đâu?/ Ta say ánh lửa tinh cầu,/ Dựng
lên địa chấn, loạn màu huyền không”. (Đinh Hùng - Sông Núi giao thần)
Đọc Mê
hồn ca, ta như lạc bước vào thế giới khác, một thế giới biệt lập với thế giới
hiện hữu, thế giới đó do thi nhân “ kiến trúc ” trên một nền chiêm bao; và
trong chiêm bao ấy, nhà thơ tiếp tục tạo ra những giấc mơ kỳ diệu, giấc mơ về
thế giới, con người của thời hồng hoang, nguyên thủy với những bóng hình man rợn: Rồi
những đêm sâu bỗng hiện về,/ Vượn lâm tuyền khóc rợn trăng khuya./ Đâu đây u uất
hồn sơ cổ,/ Từng bóng ma rừng theo bước đi.” (Đinh Hùng - Những hướng
sao rơi ).
Đinh
Hùng đã đi vào Mê hồn ca với một không gian siêu thực, mộng mị, lẫn
lộn giữa cõi dương thế với âm phần: “Trời cuối thu rồi- Em ở đâu?./ Nằm bên đất
lạnh chắc em sầu?/ Thu ơi đánh thức hồn ma dậy,/ Ta muốn vào thăm nấm mộ
sâu./... Thần chết cười trong bộ ngực điên,/ Ta nghe em thở tiếng ưu
phiền./ Nỗi lòng xưa dậy tan Thanh Vắng./ Hơi đất mê người- Trăng hiện
lên”. (Đinh Hùng - Gửi người dưới mộ).
Từ bỏ thế giới thực tại, đi sâu vào thế giới siêu
nhiên, siêu cảm, có thể nói thơ Đinh Hùng đã vượt qua từ trường của thơ
lãng mạn và men tới lãnh địa của siêu thực: Mê hồn ca được kiến tạo không
phải để phản ánh hoặc tô điểm cho thế giới thực tại, mà độc lập với thế giới thực
tại. Đây là điều hầu như không có ở các nhà thơ Lãng mạn. (Đỗ Lai
Thúy - Mắt thơ I, trang 178 - HN 2000). Chính vì vậy mà Nguyễn Tấn
Long - nhà nghiên cứu văn học trước đây đã nhận xét: “Từ bỏ một thế
giới hiện hữu, tìm về một một thế giới thuở sơ khai, tạo dựng một
không gian mới cho tâm tư, thi nhân không sống bằng thực tại, mà sống
bằng nguồn siêu tưởng...” Vậy nên, một lần nữa, có thể
nói, với Mê hồn ca, thơ Đinh Hùng đã vươn sang trường thơ siêu
thực, và chính ông đã góp phần tạo tiền đề cho nhóm Dạ đài và Xuân
thu nhã tập ra đời sau đó.
Tóm lại, trong dòng chảy văn học, hiện tượng kế thừa, tiếp
thu những thành tựu tư tưởng, nghệ thuật là hiện tượng phổ biến, như một quy luật.
Kế thừa thơ truyền thống dân tộc, tiếp thu chủ nghĩa lãng mạn, tượng trưng, siêu
thực của văn học Pháp, thanh niên trí thức Việt Nam đầu thế kỷ XX đã sáng tạo
ra một thời đại thi ca hoàn toàn khác trước. Phải nói rằng Thơ
mới 1932 - 1945 là một sự tích hợp nghệ thuật kỳ diệu, độc đáo trong lịch sử
văn học Việt Nam và nó đã đi trọn hành trình thi ca trước lúc hạ cánh để chuyển
sang bước ngoặt mới khi lịch sử đã sang trang. Một thế kỷ thi ca
Pháp với những đỉnh thơ lừng danh như: Lamartine, V.Hugo, Chateaubriand,
Baudelaire, Verlaine, Valéry, Mallarmé... đã được các nhà thơ mới thâu tóm, tiếp
biến trong vòng 13 năm! Thơ mới, một hiện tượng độc đáo có một
không hai trong tiến trình thơ Việt Nam. Chỉ trong một thời gian ngắn
của lịch sử, Thơ mới đã khởi đi từ lãng mạn, đến tượng trưng và siêu
thực. Ba trào lưu thơ đã tích hợp, tổng hòa, đan xen nhau trong trong khá nhiều
tác giả, tác phẩm tiêu biểu, làm cho Thơ mới trở nên giàu có, đa thanh, đa sắc,
trong đó, ngoài sự hiện diện tiên phong của chủ nghĩa lãng mạn,
còn có phần đóng góp không nhỏ của nghệ thuật tượng trưng - siêu
thực, được các nhà thơ mới tiếp biến đầy sáng tạo.
Trần Thế Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét