Thứ Tư, 16 tháng 9, 2020

Tình hình nghiên cứu truyện ngắn hiện thực Việt Nam 1932-1945 từ góc nhìn tự sự học

 Tình hình nghiên cứu truyện ngắn hiện thực 
Việt Nam 1932-1945 từ góc nhìn tự sự học
Gần đây vấn đề tự sự học đang ngày càng được quan tâm nghiên cứu sâu rộng ở trên nhiều bình diện. Từ những thành tựu nghiên cứu tự sự học trên thế giới, các nhà lý luận trong nước đã tích cực giới thiệu và vận dụng trong nghiên cứu phê bình văn học Việt Nam. Người ta thấy rằng khi tìm hiểu từ góc độ tự sự học thì những vấn đề nội dung, tư tưởng, giá trị thẩm mỹ trong tác phẩm được nhìn nhận một cách toàn diện và có cơ sở lý luận vững chắc hơn. Việc nghiên cứu truyện ngắn hiện thực Việt Nam 1932- 1945 từ góc nhìn tự sự học cũng ngày càng được chú trọng và có nhiều triển vọng. Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy từ sau năm 2000 thì mới thực sự có những công trình nghiên cứu truyện ngắn giai đoạn này ở một số phương diện của lý thuyết tự sự. Còn những năm trước đó, gần như các công trình nghiên cứu từ góc độ xã hội học và thi pháp học là chủ yếu.
1.GIỚI THIỆU 
Văn học Việt Nam giai đoạn 1932-1945 là một mốc đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ trong dòng chảy của nền văn học dân tộc, thể hiện rõ nét sự vận động tư duy nghệ thuật theo hướng hiện đại. Đây cũng là giai đoạn có những biến động gay gắt trong lịch sử xã hội Việt Nam. Kéo theo đó là sự phát triển của các dòng văn học, trong đó có dòng văn xuôi hiện thực. Nói đến văn xuôi hiện thực, không thể không nhắc đến truyện ngắn - một thể loại từng đem lại những thành tựu đáng kể của văn học Việt Nam thời kỳ này. 
Góp mặt làm nên thành tựu về truyện ngắn hiện thực giai đoạn này phải kể đến: Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Tô Hoài, Bùi Hiển, Kim Lân, Nam Cao,... Họ đã làm nên một diện mạo truyện ngắn nhiều biến hóa phong phú và khẳng định đỉnh cao về nghệ thuật truyện ngắn so với trước đây. Thành tựu của nền văn xuôi hiện thực trong giai đoạn này đã thu hút sự nghiên cứu sâu rộng trên rất nhiều bình diện. Có người chuyên tâm nghiên cứu, khảo sát và tìm ra đặc điểm của văn xuôi hiện thực và đã đạt những kết quả nghiên cứu đáng ghi nhận. Có người thành công với những đề tài tìm hiểu về đặc điểm nội dung, phong cách của một vài tác giả tiêu biểu giai đoạn này. Việc tìm hiểu nghệ thuật tự sự của cả một giai đoạn với những đặc điểm chung và sự biến đổi của nó chưa được các nhà nghiên cứu chú ý nhiều. Sự thay đổi, chuyển dịch trong nghệ thuật tự sự của truyện ngắn ở từng giai đoạn nhỏ cũng chưa được chú ý khai thác. 
Vậy đã có những công trình nghiên cứu nào nghiên cứu về truyện ngắn hiện thực Việt Nam 1932-1945 từ góc nhìn của lý thuyết tự sự? Trước khi đi tìm hiểu nội dung này, thiết nghĩ cần khảo sát về những thành tựu của nghiên cứu tự sự học trên thế giới và tình hình giới thiệu cũng như nghiên cứu trong văn học Việt Nam. Bởi vì đó là cơ sở để có những công trình ứng dụng vào trong nghiên cứu truyện ngắn hiện thực Việt Nam 1932- 1945. 
2.NỘI DUNG 
2.1 Từ thành tựu nghiên cứu tự sự học trên thế giới... 
Tự sự học là một lĩnh vực xuất hiện rất sớm ở phương Tây. Đã có nhiều học giả nghiên cứu và chỉ ra một hệ thống lý thuyết hoàn chỉnh nhằm cung cấp công cụ giải mã tác phẩm cho người đọc. Thực chất đây là một nhánh của thi pháp học cấu trúc. Tự sự học đề cập đến cả lý thuyết và nghiên cứu về truyện kể, cấu trúc truyện kể và các cách tác động đến sự tiếp nhận của người đọc. Khởi nguồn của tự sự học có thể được xem là bắt đầu từ Aristotle với công trình "Thi pháp học" (Poetics). Nhưng tự sự học hiện đại được nhiều học giả uy tín thống nhất là được bắt đầu từ trường phái hình thức Nga với những tên tuổi tiêu biểu như V.Shklovski (1893-1984), B.Eikhenbaum (1886-1959), B.Tomachevski (1890-1957). Tuy các nhà Hình thức Nga chưa có một hệ thống những khái niệm công cụ về lý thuyết tự sự học, nhưng khi đề cao vấn đề "thủ pháp" trong nghiên cứu văn học, họ đã đề cập đến nhiều phương diện cơ bản của lý thuyết tự sự như: kết cấu văn bản tự sự, truyện kể và cốt truyện (Suizet và fabula), thời gian của truyện kể. 
Lịch sử nghiên cứu văn học ghi nhận chủ nghĩa cấu trúc đã góp phần hình thành bộ môn tự sự học với nhiều nhà tự sự học lỗi lạc. Năm 1966, số đặc biệt của Tạp chí "Truyền thông" (Communications) đã có ảnh hưởng rất lớn và được xem là một “kênh” mở đầu cho việc nghiên cứu vào lĩnh vực này. Nó bao gồm các bài báo của Roland Barthes (1915-1980), Claude Bremond (1929- ), Gérard Genette (1930- ), Greimas (1917-1992), Tz.Todorov (1939- ) và nhiều người khác. Những tác giả này nghiên cứu cấu trúc tự sự của văn bản và họ lập nên một chuyên ngành riêng gọi là tự sự học cấu trúc. Hệ hình tự sự học kinh điển chủ yếu nghiên cứu cấu trúc của truyện, mối quan hệ của các sự kiện tạo nên truyện, nghiên cứu diễn ngôn tự sự và các yếu tố tạo nên nó: người kể chuyện, điểm nhìn, ngôi kể, giọng điệu... Tự sự học kinh điển gần như chỉ dừng lại ở việc miêu tả các yếu tố hình thức của cấu trúc tự sự trong sự tĩnh tại, khép kín. 
Sau tự sự học kinh điển, tự sự học hậu kinh điển xuất hiện thêm nhiều đại diện tiêu biểu bên cạnh những đại diện chủ chốt như Tz.Todorov (hậu kỳ), Roland Barthes, G.Prince,... Theo quy luật phát triển nói chung, tự sự học hậu kinh điển không tách khỏi hoàn toàn những thành tựu đã có của tự sự học kinh điển mà đã có sự phát triển, kế thừa và mở rộng. Có thể kể tới một số công trình nghiên cứu đáng lưu ý của hệ hình tự sự học hậu kinh điển như: “Transparent Minds: Narrative Modes for Presenting Consciousness in fiction” (Dorrit Cohn, 1978); “Story and Discourse: Narrative Structure in Fiction and Film” (Seymour Chatman, 1978); "The narrative act: Point of view in prose fiction" (Susan Sniader Lanser, 1981); "Narratology: The form and functioning of narrative" (Gerald Prince, 1982). Đặc biệt năm 1985, xuất hiện một công trình nghiên cứu chuyên sâu về tự sự học của Mieke Bal, "Narratology: Introduction to the theory of narrative" (Tự sự học: Nhập môn lí thuyết truyện kể). Tiếp tục các vấn đề thuộc lý thuyết tự sự học, Seymour Chatman có bài nghiên cứu "A new point of view on "point of view" Coming to terms: the narrative of rhetoric in fiction and film" (1990) (Một cách nhìn mới về điểm nhìn. Đi đến thuật ngữ: Tự sự tu từ học trong tiểu thuyết và phim); Một công trình khác đáng lưu ý của Susana Onega và José Angel Garcia Landa, đó là: "Narratology: An introduction" (1996) (Tự sự học: Nhập môn). Bên cạnh đó, nhiều bài viết nghiên cứu công phu của các học giả về từng phương diện tự sự học cũng được công bố như: The art of first person (Nghệ thuật của ngôi thứ nhất) (Alyce Miller, 1999); The art of third person (Nghệ thuật của ngôi thứ ba) (Lynna Williams, 1999); Point of view (Điểm nhìn) (Valerie Miner, 1999). Nghiên cứu về lý thuyết tự sự vẫn tiếp tục được các học giả quan tâm ở nhiều nước trên thế giới. Vào những năm đầu của thế kỷ XXI, xuất hiện một số công trình nghiên cứu về tự sự học như: "Discourse Analysis as theory and Method" (Phân tích diễn ngôn như là lý thuyết và phương pháp) (Marianne Jorgensen và Louise Philips, 2002). "An introduction to narratology" (Nhập môn tự sự học) (Monika Fludernik, 2006). 
Ngày nay, tự sự học vẫn tiếp tục phát triển và có chiều hướng ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành nghiên cứu văn học của rất nhiều quốc gia. Tự sự học tiếp tục được mở ra với nhiều mô hình mới, có thể là tự sự học nữ quyền, tự sự học văn hóa, tự sự học tâm lý, tự sự học hậu hiện đại,... Diện mạo nghiên cứu về tự sự học còn phong phú, đa dạng và phức tạp hơn nhiều. Nó đã đang và sẽ tiếp tục là một lĩnh vực góp phần quan trọng vào việc mở rộng khả năng nghiên cứu để giải mã những bí ẩn của văn xuôi tự sự. 
2.2 Đến quá trình phát triển tự sự học trong nghiên cứu phê bình văn học Việt Nam 
Từ khi trở thành một hướng nghiên cứu độc lập dưới ảnh hưởng trực tiếp của trường phái Cấu trúc luận Pháp trong khoảng thập niên những năm 60 của thế kỷ XX, tự sự học thực sự thu hút được sự quan tâm rộng rãi trên khắp thế giới với những tên tuổi vĩ đại trong lĩnh vực này như: Tezvetan Todorov; Gerald Prince; G.Genette; Mieke Bal; V.Shkhlovsky; B.Eichenbaum; Boris Tomashevky,... Cho đến nay, tự sự học không ngừng phát triển và cung cấp cho người nghiên cứu những phương pháp tiếp cận tác phẩm một cách khách quan, khoa học. 
Lĩnh vực tự sự học ở nước ta còn là một lĩnh vực cần được đi sâu khai thác, tìm hiểu. Trước khi các học giả giới thiệu hệ thống lý thuyết tự sự tương đối hoàn chỉnh vào Việt Nam, đã có công trình "Những vấn đề thi pháp của truyện" (Nguyễn Thái Hòa, 2000), nghiên cứu lý thuyết tự sự dựa trên những phương diện cơ bản như người kể chuyện, lời kể và giọng kể, không gian và thời gian tự sự, các vấn đề diễn ngôn, mối quan hệ giữa thời gian kể và điểm nhìn... Vào thời điểm đó, Nguyễn Thái Hòa đã đưa vào khái niệm thời gian tự sự của G. Genette và phân tích rõ quan niệm của ông. Cũng trong công trình này, tác giả đã nhắc đến thuật ngữ "người đọc hàm ẩn", "người kể hàm ẩn" - là những thuật ngữ mà các học giả nghiên cứu lý thuyết tự sự rất quan tâm và tìm cách lý giải. Đây là một công trình gần như đề cập rất nhiều đến những vấn đề của lý thuyết tự sự sau này. Với sự lý giải sắc sảo, chặt chẽ, Nguyễn Thái Hòa đã đem đến cho người đọc một tư liệu nghiên cứu thực sự thiết thực cho những ai nghiên cứu về thi pháp của truyện nói chung và nghệ thuật tự sự nói riêng. 
Trần Đình Sử là một trong những người đầu tiên đưa tự sự học giới thiệu vào Việt Nam. Theo báo cáo đề dẫn Tự sự học không ngừng mở rộng và phát triển của ông, Tự sự học là ngành nghiên cứu còn non trẻ, xuất hiện và phát triển vào khoảng những năm 60 của thế kỷ XX ở Pháp nhưng đã nhanh chóng trở thành một trong những lĩnh vực học thuật được quan tâm phổ biến trên thế giới. Ở Việt Nam phải đến cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, tự sự học mới thực sự thu hút được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu. Trong khoảng hơn chục năm trở lại đây, tự sự học bắt đầu thu hút được sự quan tâm đúng mức. Đã xuất hiện những công trình dịch thuật và nghiên cứu về tự sự học rất có giá trị. Trong cuộc Hội thảo về Tự sự học lần thứ nhất được tổ chức tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2001, Tự sự học thực sự để lại dấu ấn và đánh dấu sự có mặt của mình trong ngành nghiên cứu văn học ở Việt Nam. Nhiều bài tham luận trong cuộc Hội thảo đã được tập hợp và in thành sách với tựa đề "Tự sự học - Một số vấn đề lý luận và lịch sử" (Trần Đình Sử và ctv., 2003). Cuốn sách tập hợp những bài viết có tính chất nhận định chung về tình hình nghiên cứu tự sự học ở Việt Nam và các bài viết của các tác giả trong và ngoài nước, thể hiện quan điểm về lý thuyết tự sự học. 
Từ sau cuộc hội thảo về tự sự học lần thứ nhất, xuất hiện nhiều công trình dịch thuật, nghiên cứu về tự sự học có giá trị. Có thể kể đến những công trình như: "Các khái niệm và thuật ngữ của các trường phái nghiên cứu văn học ở Tây Âu và Hoa Kỳ thế kỷ XX" (I.P.Ilin và E.A.Tzurganova và ctv., (Lại Nguyên Ân, Đào Tuấn Ảnh dịch, 2003); "Cấu trúc văn bản nghệ thuật" (Iu.M.Lotman, (Trần Ngọc Vương, Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Thu Thủy dịch), 2004); “Bản mệnh của lý thuyết” (Antoine Compagnon, (Lê Hồng Sâm và Đặng Anh Đào dịch), 2006); "Thi pháp văn xuôi" (Tzetan Todorov (Đặng Anh Đào, Lê Hồng Sâm dịch), 2011); "Lý luận văn học - Những vấn đề hiện đại" (Lã Nguyên, 2012);… Bên cạnh đó, nhiều bài viết nghiên cứu về những vấn đề tự sự học cũng được đăng tải trên các Tạp chí như: Tiếp cận G.Genette qua một vài khái niệm trần thuật (Lê Phong Tuyết, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 8, 2005); "Người kể chuyện trong văn xuôi", (Lê Phong Tuyết, Tạp chí Văn học nước ngoài, số 5, 2008); "Mối quan hệ giữa người kể chuyện và tác giả", (Cao Kim Lan, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 8, 2009). 
Càng ngày, lý luận về Tự sự học không ngừng nảy sinh và biến đổi phức tạp. Yêu cầu riết róng đặt ra cần phải có những cuộc bàn luận, trao đổi học thuật của các nhà nghiên cứu về Tự sự học để cung cấp cho người đọc một hệ thống lý thuyết hoàn chỉnh. Trong cuộc hội thảo về Tự sự học lần II năm 2008, Trần Đình Sử tiếp tục cho thấy sự quan tâm và đánh giá sâu sắc về Tự sự học qua bài tham luận "Tự sự học không ngừng mở rộng và phát triển". Bên cạnh đó, một số công trình lý thuyết tự sự học được nghiên cứu, dịch và giới thiệu đến bạn đọc, có thể kể đến như: "Dẫn luận về Tự sự học của Susanna Onega và J.A.Garcia Landa" (Lê Lưu Oanh và Nguyễn Đức Nga, 2008); Tự sự học: tên gọi, lược sử và một số vấn đề lý thuyết (Lê Thời Tân, 2008); Giới thiệu lý thuyết tự sự của Mieke Bal (Nguyễn Thị Ngọc Minh, 2008);... 
Trong những năm gần đây, người ta tập trung nhiều vào hướng nghiên cứu diễn ngôn tự sự. Năm 2010, Hoàng Tố Mai có một bài nghiên cứu mang tính ứng dụng cao "Diễn ngôn gián tiếp tự do trong truyện ngắn Cá sống của Nguyễn Ngọc Thuần" (Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 9). Năm 2011, Nguyễn Thị Ngọc Minh giới thiệu đến bạn đọc bản dịch "Một số định nghĩa và quan điểm nghiên cứu diễn ngôn" (Mills Sara), (Tạp chí Văn học nước ngoài, số 8). Năm 2013, được xem là năm xuất hiện khá nhiều công trình, bài viết dịch thuật và nghiên cứu về diễn ngôn. Có thể kể đến một số công trình, bài viết tiêu biểu như: "Trần thuật học như là khoa học phân tích diễn ngôn trần thuật" (V.I Chiupa) (Lã Nguyên dịch), đăng trên trang web: http://phebinhvanhoc.com.vn; "Phân tích diễn ngôn, một số vấn đề lý luận và phương pháp" (Nguyễn Hòa), "22 định nghĩa về diễn ngôn" (nhiều tác giả); "Các lí thuyết diễn ngôn hiện đại: kinh nghiệm phân loại" (O.F. Rusakova) do Lã Nguyên dịch, đăng trên: http://phebinhvanhoc.com.vn. Có thể xem đây là một công trình hữu dụng cho những ai quan tâm đến phương diện quan trọng của lí thuyết tự sự. 
Cũng trong năm 2013, cùng với Lã Nguyên, Trần Đình Sử và Lê Thời Tân đã giới thiệu đến bạn đọc một số vấn đề diễn ngôn như: khái niệm, phương pháp tiếp cận... Một số bài viết có thể kể đến: "Khái niệm diễn ngôn trong nghiên cứu văn học hôm nay" (Trần Đình Sử), trên http://trandinhsu.wordpress.com; "Diễn ngôn: xung quanh chuyện từ dùng và thuật ngữ đối ứng" và bài "Tiếp cận diễn ngôn của các đại biểu tự sự học cấu trúc luận cùng chuyện phân biệt hai chiều đồng đại - lịch đại và tính cách nguyên - thứ sinh của dụng ngữ Nói - Viết" (Lê Thời Tân) được đăng trên website http://phebinhvanhoc.com.vn. Các bài viết dịch thuật cũng như nghiên cứu về diễn ngôn ở trên đã cho người đọc hình dung rõ nét về một diện mạo bức tranh nghiên cứu vấn đề diễn ngôn ở Việt Nam. 
Như vậy, điểm qua một vài công trình dịch thuật, nghiên cứu về tự sự học ở Việt Nam, có thể thấy tự sự học càng ngày càng khẳng định được vị trí quan trọng trong nghiên cứu văn học ở nước ta. Nhiều phương diện của lý thuyết tự sự học được vận dụng nghiên cứu trong những hiện tượng văn học cụ thể, góp phần làm sôi động tình hình nghiên cứu tự sự học, bên cạnh những vấn đề thời sự của lý luận văn học. Những công trình trên đây là nguồn tư liệu quý để giúp người đọc tiếp cận tác phẩm từ góc nhìn của lý thuyết tự sự. Không thể phủ nhận, hơn một thập kỷ qua, ngành nghiên cứu văn học ở Việt Nam đã có những thành tựu nhất định trong lĩnh vực dịch thuật, giới thiệu cũng như nghiên cứu ứng dụng tự sự học. Dự báo trong những năm tới, nghiên cứu tự sự học vẫn còn tính thời sự, bởi không ít vấn đề vẫn còn tiếp tục được đặt ra tranh luận tưởng như đã hoàn chỉnh và bất biến. 
2.3 Về tình hình nghiên cứu truyện ngắn Việt Nam 1932-1945 từ góc nhìn tự sự học 
2.3.1 Giai đoạn trước năm 1945 
Các nhà nghiên cứu, phê bình chủ yếu hướng đến cách tiếp cận xã hội học, ít chú ý đến nghệ thuật tự sự. 
Kể từ trước năm 1945, hầu như truyện ngắn hiện thực chưa được nghiên cứu, khai thác ở mức độ khái quát của giai đoạn mà chỉ rải rác xuất hiện những bài giới thiệu, phê bình về tác phẩm của một số tác giả cụ thể như: Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Thạch Lam,… Điều này cũng dễ hiểu vì tác phẩm giai đoạn này chưa có độ lùi về thời gian nhất định. Hoạt động nghiên cứu, phê bình dường như diễn ra song song với hoạt động sáng tác cho nên có sự tương tác qua lại giữa sáng tác và nghiên cứu phê bình. Những bài nghiên cứu về tác phẩm giai đoạn này mang tính chất thời sự và thường được đăng tải trên các tờ báo và tạp chí đương thời. 
Vào những năm 1932-1936, xuất hiện các bài báo phê bình về truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan như: “Phê bình câu chuyện Ngựa người và người ngựa” (Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu), in trong Thanh Nghệ Tĩnh tuần báo, số 2, tháng 8-1934, “Nhân xem quyển Kép tư bền, Nguyễn Công Hoan, nhà văn có nhiều hi vọng” (Hoài Thanh), in trong báo Tràng An, ngày 28/6/1935), “Phê bình Kép tư bền (Tập truyện ngắn của ông Nguyễn Công Hoan” (Thiếu Sơn), in trong báo Sống, số 21, 7/1935. (Các bài viết trên được in lại trong 10 thế kỷ bàn luận văn chương, tập 2);... Đó được xem là những bài mở đường cho hoạt động phê bình diễn ra sôi nổi trên các tờ báo. Trong các bài báo, các tác giả đều đưa ra các nhận định của mình về những truyện ngắn đặc sắc của Nguyễn Công Hoan, có ý nghĩa cho sự khởi đầu của một phong trào phê bình về văn xuôi hiện thực nói chung và truyện ngắn hiện thực nói riêng thời kỳ này. 
Thời kỳ 1936-1939, Vũ Trọng Phụng được biết đến với vai trò là “Ông vua phóng sự đất Bắc”. Mặc dù được bàn đến hết sức sôi nổi trên các mặt báo, cũng như có vấn đề đã trở thành đề tài tranh luận của các nhà phê bình (Xoay quanh vấn đề “Dâm hay không dâm” trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng), nhưng hầu như truyện ngắn của Vũ Trọng Phụng không được nhắc tới, mặc dù truyện ngắn của ông đã xuất hiện từ năm 1931. Thời kỳ này, Nguyên Hồng cũng chính thức bước vào văn đàn với truyện ngắn đầu tay “Linh hồn”, in trên Tiểu thuyết Thứ bảy. Nguyên Hồng bắt đầu được báo chí nhắc tới, tuy chỉ là những nhận xét vắn tắt nhưng cũng báo hiệu sự xuất hiện của một cây bút hiện thực mới trên văn đàn. Tác phẩm của nhà văn Nam Cao bắt đầu được chú ý kể từ năm 1941, khi Lê Văn Trương viết lời giới thiệu cho tập “Đôi lứa xứng đôi” cho Nxb Đời Mới. Nhưng mãi đến những năm thập niên 60 thì tác phẩm của Nam Cao mới được giới nghiên cứu phê bình thực sự quan tâm. 
Có thể thấy, thời kỳ này hoạt động nghiên cứu phê bình về các tác giả hiện thực vẫn còn thưa vắng. Các công trình dừng lại ở mức giới thiệu, phê bình về tác giả, tác phẩm, chưa kể truyện ngắn của họ chưa thực sự được lưu tâm, ngoại trừ sự đánh giá một vài truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan. Tuy nhiên, vẫn có những công trình đã đề cập tới văn xuôi hiện thực thời kỳ này, nhưng chủ yếu ở góc độ nội dung tác phẩm. Khai thác ở khía cạnh nghệ thuật vẫn còn là vấn đề bỏ ngỏ. 
Trước năm 1945, đáng lưu ý nhất phải kể đến những công trình như: “Nhà văn hiện đại” (Vũ Ngọc Phan, 1942); “Việt Nam văn học sử yếu” (Dương Quảng Hàm, 1943). Đây là hai công trình nghiên cứu công phu một cách có hệ thống về rất nhiều nhà văn tiêu biểu. Trong đó, các nhà văn viết theo khuynh hướng tả thực cũng đã từng được nhắc tới. Tuy nhiên, ở góc độ nghệ thuật dựng truyện các nhà nghiên cứu này chưa thực sự quan tâm. Bên cạnh đó, trong công trình Việt Nam văn học sử yếu, các nhà văn như Tô Hoài, Bùi Hiển, Kim Lân, Nam Cao không được Dương Quảng Hàm nhắc tới. 
Nhìn chung, thời kỳ trước năm 1945, phê bình dòng văn xuôi hiện thực 1930-1945 đã thực sự có những hoạt động sôi nổi trên các tờ báo và văn đàn, cả trong các hoạt động xuất bản, phê bình, tranh luận về những hiện tượng văn học nổi bật. Việc giới thiệu các tác giả, tác phẩm tiêu biểu được lưu tâm. Nhưng riêng về truyện ngắn hiện thực thì chưa được dành cho một vị trí xứng đáng trong hoạt động phê bình, nghiên cứu. Hơn nữa, giai đoạn này, các nhà phê bình nghiên cứu chủ yếu hướng đến cách tiếp cận xã hội học, đánh giá cao ý nghĩa xã hội, nội dung phản ánh trong tác phẩm của các nhà văn. Các học giả còn ít chú ý đến nghệ thuật tự sự. 
2.3.2 Giai đoạn từ 1945 đến 1986 
Các nhà nghiên cứu phê bình chủ yếu hướng đến cách tiếp cận bản chất hiện thực của văn học, bước đầu có những công trình hướng đến khai thác những phương diện nghệ thuật tự sự. 
Kể từ sau cách mạng tháng Tám năm 1945 đến 1954, xuất hiện không nhiều công trình nghiên cứu, bài giới thiệu, phê bình về văn học 1932-1945. Một số tác giả được giới thiệu trên các tờ báo vẫn là Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng. Đặc biệt là những ý kiến tranh luận về “hiện thực Vũ Trọng Phụng”. Từ sau năm 1954, do đã có độ lùi về thời gian nhất định, bắt đầu xuất hiện những công trình nghiên cứu mang tính khái quát về giai đoạn văn học 1930-1945. Có thể kể đến một số công trình nghiên cứu tiêu biểu sau: “Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam” (Vũ Đình Liên và ctv., 1957); “Văn học Việt Nam 1930-1945” (Bạch Năng Thi, Phan Cự Đệ, 1961); “Lịch sử Văn học Việt Nam”, tập V (Nguyễn Trác và ctv., 1962); “Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam 1930-1945” (Vũ Đức Phúc và Nguyễn Đức Đàn, 1964). Các công trình nghiên cứu trên đây đều ít nhiều nói tới thành tựu của văn xuôi hiện thực. Có công trình giới thiệu các nhà văn hiện thực ở mức độ khái quát, có công trình đi vào những nhận xét, đánh giá xác đáng về nội dung, cơ sở hiện thực. Điểm chung của các công trình này đó là mới chú ý nghiên cứu ở mức độ khái quát về nội dung của văn xuôi hiện thực, yếu tố nghệ thuật chưa thực sự được lưu tâm.
Đến năm 1968, Nguyễn Đức Đàn cho xuất bản công trình “Mấy vấn đề văn học hiện thực phê phán Việt Nam”. Ông đã có những nhận định, đánh giá hoàn thiện hơn so với những nghiên cứu trước đây của ông. Trong công trình này, ông cũng đã chú ý đến thể loại truyện ngắn. Ở mỗi thời kỳ 1930-1935; 1936-1939; 1940-1945, tác giả đều có những nhận định bước đầu khái quát ở góc độ nội dung tác phẩm. Bên cạnh đó, ông đã bước đầu có những nhận xét khái quát về nghệ thuật ở một số vấn đề như: chi tiết, tình huống, kết cấu truyện, chẳng hạn, nhận xét về tình huống truyện tác giả cho rằng: “Một đặc điểm của các tác phẩm hiện thực là các nhà văn cố gắng miêu tả sự phát triển của tính cách nhân vật cũng như quá trình diễn biến của các tình huống cho phù hợp với logic lịch sử” (Nguyễn Đức Đàn, 1968, tr.194). Như vậy, Nguyễn Đức Đàn đã bước đầu có những đánh giá trực tiếp liên quan đến truyện ngắn và hé mở những khám phá ở góc độ nghệ thuật của tác phẩm. 
Ở miền Nam, các nhà nghiên cứu chưa thực sự quan tâm đến truyện ngắn hiện thực 1932-1945. Tuy nhiên, đã có một số công trình nghiên cứu bước đầu về dòng văn học này như: “Việt Nam văn học sử giản ước tân biên”, tập III: Văn học hiện đại 1862-1945, của Phạm Thế Ngũ (Quốc học tùng thư, Sài Gòn, 1963); “Văn học sử Việt Nam từ khởi thủy đến 1945” của Bùi Đức Tịnh (xuất bản lần đầu tại Sài Gòn, 1967). Trong công trình này, tác giả đề cập một cách có hệ thống về các thời kỳ phát triển của văn học Việt Nam. Tuy đề cập khá đầy đủ các nhà văn, nhưng tác giả chỉ dừng lại ở việc giới thiệu hết sức sơ lược về sự nghiệp và nội dung phản ánh của các tác giả Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Học Phi, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Bùi Hiển, Kim Lân, Nam Cao,... Do chỉ dừng lại ở việc lược khảo nên tác giả chưa thực sự đi vào bàn bạc đến các vấn đề thi pháp cũng như nghệ thuật viết truyện của các nhà văn này. Công trình "Lịch sử văn nghệ Việt Nam - Nhà văn tiền chiến 1930- 1945" (Thế Phong, 1974) chủ yếu đi sâu tìm hiểu về các nhà văn Tự lực văn đoàn, các nhà văn thuộc nhóm Hàn Thuyên, Xuân Thu nhã tập, các nhà thơ điển hình tiền chiến. Nói về các nhà văn điển hình, tác giả có nhắc đến khái quát truyện ngắn của Tô Hoài, và lối tả chân phong kiến của Nguyễn Công Hoan. Đôi khi, ông có nhắc đến nghệ thuật của Tô Hoài thông qua những chi tiết hay truyện ngắn riêng lẻ. Nhận xét về Nguyễn Công Hoan, ông đề cập đến một con người điển hình tả chân phong kiến, song cũng mới dừng lại ở mức khái quát. Tác giả chưa đề cập đến nhiều truyện ngắn hiện thực của các tác giả khác trong giai đoạn này. Một vài truyện được ông nhắc tới cũng chủ yếu điểm qua về mặt nội dung, phương diện nghệ thuật vẫn còn bị bỏ ngỏ. 
Kể từ sau khi thống nhất đất nước, hoạt động nghiên cứu phê bình có điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn. Văn học hiện thực nói chung cũng được dành cho một vị trí xứng đáng trong hoạt động nghiên cứu phê bình. Công trình “Tổng tập Văn học Việt Nam, tập 30A” (1984) do các tác giả Trần Hữu Tá, Nguyễn Đăng Mạnh, Hoàng Dung viết. Các tác giả cũng chỉ ra những đóng góp cũng như những mặt còn tồn tại trong văn học thời kỳ này. Điểm đáng lưu ý là bên cạnh những nhận định về nội dung là các nhận định về hình thức tác phẩm. Các tác giả cũng đã thấy rõ vai trò của truyện ngắn trong thời kỳ 1932-1945, thấy rõ “những đóng góp quan trọng” của các cây bút hiện thực trong vấn đề ngôn ngữ văn học. 
2.3.3 Giai đoạn từ 1986 đến 2000 
Bên cạnh hướng tiếp cận xã hội học, các nhà nghiên cứu đã chú ý nhiều đến hướng tiếp cận phong cách học, tiếp cận thi pháp học, và tự sự học. 
Bên cạnh một số công trình nghiên cứu trên, kể từ sau năm 1986, văn học hiện thực 1932-1945 thực sự thu hút được đông đảo giới nghiên cứu. Giai đoạn này, công tác nghiên cứu, phê bình văn học đã có một bước phát triển mới. Rất nhiều công trình nghiên cứu, bài báo đề cập đến ở nhiều khía cạnh khác nhau, từ diện mạo về tác giả, tác phẩm đến thể loại. Một điểm đáng lưu ý nữa so với các công trình nghiên cứu giai đoạn trước, nhiều công trình nghiên cứu về dòng văn học hiện thực 1930-1945 đã hướng vào khai thác tác phẩm ở các chiều kích khác nhau của phương diện nghệ thuật. 
Thời kỳ này, xuất hiện nhiều công trình nghiên cứu về tác giả, tác phẩm giai đoạn 1932-1945. Trước đây, truyện ngắn của Vũ Trọng Phụng chưa được ghi nhận thì bây giờ đã có những người nghiên cứu đề cập, chẳng hạn: “Truyện ngắn và kịch ngắn của Vũ Trọng Phụng” (Lê Thị Đức Hạnh, báo Người Hà Nội, số 127, 11/1989) và “Truyện ngắn Vũ Trọng Phụng” (Nguyễn Thành, Tạp chí Văn học, số 6, 1995). Đây cũng là thời kỳ nở rộ những công trình nghiên cứu về truyện ngắn của các tác giả hiện thực thời kỳ này ở góc độ thi pháp. Nhưng nhìn chung, vẫn chưa có công trình nào khái quát toàn bộ quá trình biến đổi của nghệ thuật trần thuật cả giai đoạn 1932-1945. Công trình “Văn học Việt Nam 1900-1945” (Phan Cự Đệ và ctv., 1997) có đề cập tới tình hình chung của văn học hiện thực phê phán 1930-1945 trên phương diện nội dung tư tưởng. Một số tác giả hiện thực như Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Nam Cao cũng được các nhà nghiên cứu chú ý. Tác giả chưa chú trọng nhiều đến truyện ngắn hiện thực, vì vậy đặc điểm về nội dung cũng như nghệ thuật của truyện ngắn thời kỳ văn học này chưa được nhắc tới. 
Trong “Giáo trình Lịch sử Văn học Việt Nam 1930-1945” (Nguyễn Đăng Mạnh, 2000), tác giả dành cho trào lưu văn học hiện thực phê phán 1930-1945 một vị trí xứng đáng. Bên cạnh việc nêu lên khái niệm, quá trình vận động, phát triển của chủ nghĩa hiện thực phê phán trong văn học Việt Nam 1930-1945, tác giả còn điểm qua một số cây bút tiêu biểu của trào lưu văn học hiện thực phê phán 1930-1945. Nói về quá trình vận động, phát triển của chủ nghĩa hiện thực phê phán trong văn học giai đoạn này, tác giả cũng chia ra làm ba giai đoạn nhỏ và chỉ ra những nét chính về nội dung, tư tưởng. Vấn đề nghệ thuật chưa được đề cập ngoại trừ khi nói về các cây bút tiêu biểu tác giả có điểm qua. Có thể thấy, Nguyễn Đăng Mạnh chỉ dừng lại ở việc đánh giá những khía cạnh về đề tài, nội dung tư tưởng, giá trị hiện thực mà chưa chú tâm tới việc đánh giá những giá trị nghệ thuật của VHHT giai đoạn này. Tuy chỉ dừng lại ở mức độ "khái quát" hay "điểm qua" nhưng một số nhận xét, đánh giá được xem như là những gợi ý quan trọng để người viết tìm hiểu về truyện ngắn hiện thực giai đoạn này. 
Một công trình đề cập đến khá nhiều phương diện nghệ thuật của truyện ngắn hiện thực phải kể đến "Quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam 1900-1945" (Mã Giang Lân, 2000). Đây là một công trình tập hợp những bài viết của nhiều tác giả về những vấn đề như: Vai trò của ngôn ngữ trong tiến trình hiện đại hóa VHHT, báo chí và quá trình hiện đại hóa VHVN, sự chuyển biến của thể loại tiểu thuyết trong VHVN đầu thế kỷ XX. Đáng lưu ý, trong công trình này có phần nghiên cứu "Sự phát triển truyện ngắn Việt Nam 1900-1945" của Bùi Việt Thắng. Viết về thành tựu truyện ngắn dân tộc giai đoạn 1930-1945, tác giả ghi nhận sự thành công của những tên tuổi truyện ngắn như Nguyễn Công Hoan, Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Nam Cao, Tô Hoài, Bùi Hiển, Kim Lân, Vũ Trọng Phụng,... Đồng thời, tác giả khẳng định sự đóng góp của các nhà văn này trong lĩnh vực phản ánh hiện thực đời sống xung quanh, mặt khác ông cũng khẳng định những thành tựu về sự đa dạng phong cách, bút pháp của các nhà văn này. 
Từ sau 1986, ở miền Nam tình hình nghiên cứu về dòng văn học hiện thực cũng ít nhiều được chú ý hơn. Có thể kể đến một số công trình như: “Văn học Nam Bộ từ đầu đến giữa thế kỷ XX (1900- 1954)” (Hoài Anh, Thành Nguyên, Hồ Sĩ Hiệp, 1988); “Phê bình văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX (1932-1945)” (Nguyễn Thị Thanh Xuân, 2004). 
Trên đây chỉ là một số công trình nghiên cứu tiêu biểu trong suốt một chặng đường dài của lịch sử nghiên cứu, phê bình về giai đoạn văn học hiện thực 1930-1945. Các công trình nghiên cứu kể trên, về cơ bản là khái quát đầy đủ đặc điểm nội dung của cả dòng văn học hiện thực chứ chưa đi riêng vào thể loại truyện ngắn, càng chưa chú tâm nghiên cứu từ phương diện nghệ thuật trần thuật mặc dù một số công trình cũng có điểm qua đôi nét về nghệ thuật nhưng còn dừng lại ở mức khái lược. Tuy nhiên, hoạt động nghiên cứu, phê bình về dòng văn học này vẫn luôn diễn ra thường xuyên. Với những phương pháp tiếp cận mới từ nghệ thuật tự sự học, thi pháp, lý thuyết tiếp nhận để giải mã vấn đề thì đây vẫn còn là một nguồn mạch đầy hứa hẹn. 
2.3.4 Giai đoạn từ năm 2000 cho đến nay 
Đây là giai đoạn nở rộ với nhiều cách tiếp cận trong công tác nghiên cứu phê bình văn học. Bên cạnh phong cách học, thi pháp học, tiếp cận từ tự sự học đã được nhiều người nghiên cứu hướng tới. 
Như đã dẫn ở phần trên, năm 2001 là năm đầu tiên tự sự học chính thức được giới thiệu vào Việt Nam như một lý thuyết văn học mới giàu tiềm năng. Kể từ đó việc giới thiệu nhiều phương diện khác nhau của lý thuyết tự sự được chú ý bàn luận sôi nổi. Bên cạnh đó, là những công trình có tính chất nghiên cứu ứng dụng những thành tựu của lý thuyết tự sự vào thực tiễn văn học. Giai đoạn này có nhiều thành tựu khá nổi bật trong nghiên cứu truyện ngắn hiện thực Việt Nam 1932-1945. Kể từ khi lý thuyết tự sự học được giới thiệu vào Việt Nam, đã có nhiều công trình vận dụng, nghiên cứu trong thực tiễn đời sống văn học. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy có hai hệ thống nghiên cứu tách biệt rõ ràng về truyện ngắn hiện thực Việt Nam 1932-1945. 
Một là, những công trình không tập trung nghiên cứu cụ thể về nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn hiện thực 1932-1945, nhưng vẫn đề cập đến một số bình diện của nghệ thuật tự sự như: kết cấu, giọng điệu, ngôi kể, người kể chuyện, ngôn ngữ. Những bình diện này xuất hiện rải rác trong các bài viết, các công trình mang tính chất khái quát, điểm qua mà chưa thực sự đi sâu vào phân tích hay chứng minh một cách hệ thống theo những luận điểm của lý thuyết tự sự. 
Hai là, xuất hiện một số lượng đáng kể những công trình luận văn, luận án ứng dụng lý thuyết tự sự vào nghiên cứu truyện ngắn của các tác giả giai đoạn này. Có nhiều công trình mới chỉ khảo sát ở từng tác phẩm hoặc nhóm tác phẩm của một tác giả cụ thể, hoặc chọn một hay một vài phương diện của nghệ thuật tự sự để soi chiếu vào truyện ngắn của từng tác giả riêng biệt. Chưa có công trình nào bao quát, toàn diện về truyện ngắn hiện thực xuyên suốt giai đoạn 1932-1945 từ hệ thống những phương diện của lý thuyết tự sự để qua đó cho người đọc thấy được sự vận động, biến đổi của nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn qua từng giai đoạn nhỏ. 
Trần Đăng Suyền là một nhà nghiên cứu rất quan tâm đến văn học hiện đại giai đoạn 1930- 1945, đặc biệt là mảng văn học hiện thực phê phán. Trong bài viết "Cảm hứng chủ đạo và những xung đột nghệ thuật cơ bản trong văn học hiện thực phê phán giai đoạn 1930-1945" (2002), tác giả tập trung vào phân tích cảm hứng chủ đạo trong sáng tác của các nhà văn như: Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Nam Cao. Bằng ngòi bút phân tích sâu sắc, Trần Đăng Suyền đã khái quát khá rõ cảm hứng sáng tác của mỗi nhà văn. Tuy nhiên, phương pháp tiếp cận, phân tích của tác giả vẫn còn nghiêng về cách tiếp cận truyền thống để lý giải. 
Văn học Việt Nam thế kỷ XX (Phan Cự Đệ, 2004) cũng là một công trình đáng lưu ý, trong chương viết về truyện ngắn giai đoạn 1930-1945, bên cạnh việc triển khai, mở rộng các vấn đề về nội dung mà ông đã từng nghiên cứu trước đây, ông còn điểm qua những nét về nghệ thuật: kết cấu, tình huống, giọng điệu. So với các công trình trước đây, Phan Cự Đệ đã có những đánh giá về nghệ thuật nhiều hơn, nhưng phần lớn tác giả đánh giá, nhận định một cách khái quát nhất những nét điển hình, tiêu biểu về kết cấu, tình huống, giọng điệu của một vài tác giả. Các phương diện nghệ thuật được ông bàn tới cũng chưa được lý giải, minh chứng bằng việc phân tích cặn kẽ truyện ngắn hiện thực của nhiều nhà văn giai đoạn này. 
Chuyên luận “Ba phong cách truyện ngắn trong văn học Việt Nam những năm 1930-1945” (Trần Ngọc Dung, 2004) đã khẳng định ba phong cách nghệ thuật độc đáo của Nguyễn Công Hoan, Thạch Lam, Nam Cao. Tác giả đã chỉ ra những nét nổi bật của ba phong cách truyện ngắn trên ở một số vấn đề như: nhân vật, kết cấu, tình huống, giọng điệu trần thuật. Trong công trình này, một số phương diện của lý thuyết tự sự cũng được tác giả vận dụng để phân tích. Một số phương diện được tác giả bàn tới chẳng hạn như kết cấu, tình huống, và tác giả cũng đưa ra nhiều gợi ý quan trọng. Chẳng hạn, nói về kết cấu trong truyện ngắn Nam Cao, tác giả nhận thấy một kiểu kết cấu nổi bật, đó là kết cấu phức hợp: “kết cấu hai bình diện nội dung, hai tầng tư tưởng”. Tác giả cũng đề cập đến nghệ thuật trần thuật và chỉ ra nét nổi bật với nghệ thuật “trần thuật chủ yếu theo quan điểm nhân vật”, “trần thuật nhiều giọng điệu”. Đáng lưu ý, phần cuối của chuyên luận, tác giả đã “đề xuất một vài phán đoán sơ bộ về quy luật phát triển của truyện ngắn Việt Nam giai đoạn văn học 1930-1945”, đó là quy luật: từ truyện khách quan, truyện biến cố đến truyện tâm lý, từ kết cấu đơn giản đến kết cấu phức tạp. Nhìn chung, nói như tác giả “chuyên luận chủ yếu nhằm giải quyết một vấn đề có tính văn học sử” nên người đọc khó có thể tìm thấy ở đó một cách tiếp cận toàn diện truyện ngắn hiện thực từ góc độ lý thuyết tự sự. 
Trong công trình nghiên cứu “Truyện ngắn Việt Nam, lịch sử - thi pháp - chân dung” (Phan Cự Đệ, 2007), có riêng một phần để nói về truyện ngắn Việt Nam hiện đại thời kỳ 1932-1945. Trong đó, bên cạnh việc khái quát những đặc điểm về nội dung, tác giả còn chỉ ra một số những đặc điểm về nghệ thuật của một số cây bút truyện ngắn tiêu biểu giai đoạn này, chẳng hạn: vấn đề cốt truyện trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan, vấn đề kết cấu, ngôi kể trong truyện ngắn của Nam Cao. Phan Cự Đệ cũng đặc biệt chú ý đến nghệ thuật viết truyện của Tô Hoài ở lối dẫn truyện, kết cấu truyện, giọng điệu trần thuật cũng như các thủ pháp khắc họa tính cách nhân vật. Các nhận định mặc dù mới chỉ dừng lại ở mức khái quát song phần nào đã cho thấy những nhận xét, đánh giá hết sức xác đáng của ông. Như vậy, Phan Cự Đệ đã đề cập đến một số phương diện của lý thuyết tự sự như: tình huống, kết cấu, song sự tiếp cận của tác giả phần lớn vẫn tiếp cận từ phương pháp truyền thống. Tác giả chỉ dừng lại ở việc khái quát, điểm qua mà chưa đi sâu phân tích, chứng minh, cũng như chỉ ra sự vận động biến đổi trong nghệ thuật tự sự của truyện ngắn giai đoạn này. 
Mới đây, công trình Sự vận động của dòng văn học hiện thực Việt Nam 1930-1945 (Nguyễn Duy Tờ, 2012), một lần nữa khẳng định “giá trị của dòng văn học phong phú, gợi mở và nhiều màu vẻ này” (nhận xét của Hà Minh Đức). Tác giả của công trình đã chỉ ra những tiền đề xã hội, tư tưởng thẩm mỹ của dòng văn học hiện thực 1930-1945, chỉ ra các giai đoạn vận động, phát triển trong tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Đồng thời, ông cũng đi vào khai thác tác phẩm của năm tác giả hiện thực tiêu biểu. Nguyễn Duy Tờ nghiên cứu sự vận động của dòng văn học hiện thực ở cả thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết ở phương diện nội dung và ở cả phương diện nghệ thuật. Ở phương diện nghệ thuật, tác giả chú ý vào sự vận động của không gian hiện thực, nhân vật và kết cấu. Truyện ngắn hiện thực chưa được tách thành mảng riêng và sự vận động trên các phương diện nghệ thuật như chủ thể trần thuật, cốt truyện, tình huống, nhịp điệu và giọng điệu trần thuật chưa được tác giả chú ý khai thác. 
Bên cạnh những công trình nghiên cứu trên, giai đoạn này có một số lượng không nhỏ các công trình luận án nghiên cứu về văn xuôi hiện thực giai đoạn 1930-1945 nói chung, truyện ngắn hiện thực nói riêng trên rất nhiều phương diện và phương pháp tiếp cận khác nhau. Có thể kể đến một vài công trình luận án dưới đây: "Đặc điểm văn xuôi hiện thực Việt Nam 1940-1945" (Vũ Khắc Chương, 2001) đã tiếp cận văn xuôi hiện thực Việt Nam từ các phương diện nhân vật, cách dựng truyện, lời văn nghệ thuật. Về cách dựng truyện tác giả tập trung vào chủ thể kể chuyện, về điểm nhìn trần thuật, chi tiết, tình tiết, cốt truyện. Đây cũng là những vấn đề được tác giả nghiên cứu kỹ lưỡng dựa trên những tác phẩm của các nhà văn Nam Cao, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Bùi Hiển, Bùi Huy Phồn, Đỗ Đức Thu. Những vấn đề đó đã được tác giả vận dụng đặc điểm của lí thuyết tự sự để nghiên cứu. 
Công trình “Các loại hình cơ bản của truyện ngắn hiện đại (trên cơ sở cứ liệu truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1930-1945) (Nguyễn Văn Đấu, 2001), nghiên cứu ba loại hình cơ bản của truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1930-1945: Truyện ngắn Kịch hóa; truyện ngắn - trữ tình hóa; truyện ngắn - tiểu thuyết hóa. Trong đó, loại hình truyện ngắn - kịch hóa và truyện ngắn - tiểu thuyết hóa được tác giả nghiên cứu sâu vào truyện ngắn hiện thực của các tác giả như: Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Bùi Hiển, Kim Lân, Nam Cao, Nguyên Hồng. Vận dụng nghiên cứu theo hướng cấu trúc - chức năng, tác giả khảo sát loại hình truyện ngắn trên ba bình diện như là ba phạm trù cơ bản của tự sự là cốt truyện, nhân vật và trần thuật. Ở loại hình truyện ngắn kịch hóa, tác giả xoáy sâu vào ngòi bút của Nguyễn Công Hoan. Ở loại hình truyện ngắn - tiểu thuyết hóa, tác giả lại tập trung nhiều vào truyện ngắn của Nam Cao. Mặc dù không đi sâu vào khai thác từ góc độ tự sự học, nhưng tác giả đã chỉ ra những điểm đáng lưu ý trong truyện ngắn Nam Cao trên một số phương diện như: “Truyện có kết cấu phức hợp bao gồm nhiều chuyện lồng vào nhau. 
Công trình “Truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1940-1945”, (Đinh Thị Cẩm Lê, 2001) là một công trình nghiên cứu toàn diện quan niệm mới về con người đến những giá trị tư tưởng mới trong truyện ngắn quốc ngữ Việt Nam giai đoạn 1940-1945. Đáng lưu ý là những cách tân nghệ thuật quan trọng mà tác giả đã chỉ ra chẳng hạn như sự đổi mới về kết cấu thể hiện ở sự nới lỏng cốt truyện, kết cấu nhiều lớp nghĩa, kết cấu tâm lý, kết cấu mở; hay sự đổi mới trong nghệ thuật trần thuật thể hiện ở sự chuyển đổi điểm nhìn, gia tăng độc thoại nội tâm, giọng điệu trần thuật mới mẻ. Tất cả những cách tân nghệ thuật trên được tác giả khai thác trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Kim Lân là chủ yếu. 
Công trình: Loại hình truyện kể (qua văn xuôi Việt Nam 1930-1945), (Phùng Quý Sơn, 2013) nghiên cứu văn xuôi Việt Nam 1930-1945 từ góc nhìn của loại hình truyện kể, qua đó tác giả khái quát thành ba mô hình truyện kể cơ bản như: truyện kể lãng mạn, truyện kể bi kịch, truyện kể trào phúng. Văn xuôi Việt Nam giai đoạn này được tác giả khảo sát tương đối toàn diện từ truyện ngắn cho tới tiểu thuyết, trong đó mỗi loại hình truyện kể lại tương ứng với những nhóm tác phẩm khác nhau. Từ việc phân tích cụ thể những tác phẩm tiêu biểu, tác giả chỉ ra những đặc trưng cơ bản của mỗi loại hình truyện kể. Cách tiếp cận này giúp cho tác giả nhận diện được cấu trúc chung của tác phẩm văn xuôi Việt Nam 1930-1945. Kết quả của công trình góp phần làm phong phú thêm diện mạo nghiên cứu văn xuôi Việt Nam 1930-1945 bên cạnh các hướng tiếp cận khác từ thi pháp học, tự sự học. 
Cũng nghiên cứu về văn xuôi hiện thực giai đoạn 1930-1945, một số công trình luận án lại tiếp cận từ nhiều phương diện khác như: “Điển hình hóa trong văn xuôi hiện thực phê phán Việt Nam (giai đoạn 1930-1945) (Nguyễn Thị Thu Thủy, 2006); “Các khuynh hướng tư tưởng thẩm mỹ trong văn xuôi hiện thực Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX (1900-1945)”, (Nguyễn Đại Dương, 2009); “Sự thể hiện làng quê trong văn xuôi hiện thực trước cách mạng tháng 8 năm 1945”, (Nguyễn Kim Hồng, 2002);… Qua các công trình nghiên cứu kể trên, chúng tôi nhận thấy có một số công trình nghiên cứu ít nhiều đã có đề cập đến một số phương diện của nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn giai đoạn này, nhưng chưa có công trình nào thực sự nghiên cứu một cách toàn diện và hệ thống truyện ngắn hiện thực Việt Nam 1932-1945 trên các phương diện của lý thuyết tự sự, qua đó khẳng định sự vận động biến đổi của truyện ngắn giai đoạn này trong quá trình hiện đại hóa văn học nói chung. 
Ngoài các công trình nghiên cứu có tính chất hệ thống về cả giai đoạn trên còn xuất hiện rất nhiều bài viết, công trình nghiên cứu về từng tác giả riêng biệt. Đã có không ít luận văn, luận án nghiên cứu về phong cách, về thi pháp truyện của một vài tác giả nổi bật giai đoạn này như: Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Kim Lân, Nam Cao, Bùi Hiển,… Có thể kể đến một số luận án nghiên cứu như: "Thi pháp truyện ngắn Nam Cao" (Nguyễn Hoa Bằng, 2000); "Những phương diện chủ yếu của thi pháp văn xuôi tự sự Nam Cao trước Cách mạng tháng Tám" (Đinh Ngọc Hoa, 2001); “Phong cách nghệ thuật Nam Cao” (Phan Văn Tường, 2004). Bên cạnh Nam Cao, một số tác giả khác cũng được quan tâm nghiên cứu qua các công trình như: "Phong cách nghệ thuật Tô Hoài" (Mai Thị Nhung, 2006); “Lời văn nghệ thuật của Nguyên Hồng” (Lê Hồng My, 2005). 
Nhìn chung, trong các công trình nghiên cứu về thi pháp và phong cách, phần nhiều các tác giả đánh giá khái quát những đặc điểm cơ bản và chính yếu của thi pháp truyện ngắn nhằm tiếp cận các giá trị của truyện ngắn trên phương diện nội dung và nghệ thuật. Có những công trình đề cập tới và phân tích một vài đặc điểm của nghệ thuật tự sự như kết cấu, giọng điệu, ngôn ngữ, người kể chuyện, thời gian và không gian nghệ thuật. Các công trình này, phần nhiều vẫn còn vận dụng các phương pháp tiếp cận truyền thống, kết hợp với việc tiếp cận tác phẩm từ thi pháp học, phương pháp tiếp cận từ lý thuyết tự sự học chưa được các tác giả vận dụng triệt để trong các công trình này. Mặc dù đã có một vài công trình tiếp cận từ phương pháp tự sự, nhưng chưa đi sâu vào các phương diện nghệ thuật tự sự một cách hệ thống, cũng như chưa khảo sát trên diện rộng về tác phẩm của cả giai đoạn 1932- 1945 để thấy rõ quá trình vận động chuyển dịch trong nghệ thuật tự sự của mỗi giai đoạn nhỏ. Trong khoảng chục năm trở lại đây, nhiều luận văn thạc sĩ tập trung nghiên cứu truyện ngắn hiện thực của các tác giả như: Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Tô Hoài, Bùi Hiển, Kim Lân, Nguyên Hồng, Nam Cao. Đáng lưu ý là những công trình này đã thường xuyên vận dụng nhiều khía cạnh của lí thuyết tự sự để nghiên cứu. Có nhiều công trình luận văn tiếp cận từ phương pháp nghiên cứu tự sự học về truyện ngắn hiện thực giai đoạn 1932-1945 qua các công trình nghiên cứu về truyện ngắn của các tác giả riêng biệt, chứng tỏ việc tiếp cận tác phẩm từ lý thuyết tự sự vẫn đang là vấn đề được quan tâm sau rất nhiều công trình nghiên cứu về phong cách nghệ thuật của các nhà văn giai đoạn này. 
Các công trình luận văn tiếp cận truyện ngắn hiện thực từ một số phương diện của tự sự học như: "Lời văn nghệ thuật trong truyện ngắn trước 1945 của Nam Cao" (Võ Đình Hóa, 2001); "Cảm hứng chủ đạo và nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Kim Lân" (Nguyễn Quốc Thanh, 2006); "Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan trước Cách mạng tháng Tám năm 1945" (Hà Mỹ Hạnh, 2009); "Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Nam Cao" (Phạm Thị Lương, 2011); "Đặc trưng truyện ngắn Vũ Trọng Phụng" (Nguyễn Phước Bảo Khôi, 2011); "Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Tô Hoài" (Nguyễn Văn Quản, 2012); "Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan" (Ngô Thanh Hiền, 2012); "Nghệ thuật trần thuật trong truyện và tiểu thuyết của Nguyên Hồng trước Cách mạng tháng Tám" (Nguyễn Thị Yến, 2013),... Từ đây có thể khẳng định rất nhiều người quan tâm đến cách tiếp cận truyện ngắn hiện thực của các tác giả giai đoạn 1932-1945 từ các bình diện của lý thuyết tự sự. Có thể thấy, phần lớn các luận văn ứng dụng lí thuyết tự sự dừng lại ở việc nghiên cứu truyện ngắn của một tác giả cụ thể và tập trung nghiên cứu nhiều trên các phương diện: người kể chuyện, ngôn ngữ, giọng điệu trần thuật, điểm nhìn trần thuật, nhân vật. Vấn đề tình huống truyện, hay chi tiết nghệ thuật chưa thực sự được chú ý, nhất là vấn đề diễn ngôn trần thuật vẫn còn là vấn đề cần được lưu tâm và nghiên cứu. 
Bên cạnh những công trình nghiên cứu là luận án, luận văn, còn có các bài viết trên các Tạp chí khoa học, các Tạp chí chuyên ngành cũng đề cập đến những khía cạnh của nghệ thuật tự sự trong từng tác phẩm hoặc nhóm tác phẩm trong giai đoạn này, chẳng hạn: "Diễn ngôn hội thoại và độc thoại nội tâm trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao" (Nguyễn Thị Thu Hằng, Tạp chí Khoa học Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, số 52, 2013 "Đặc trưng phong cách ngôn ngữ trần thuật của Nam Cao" (Lê Hải Anh, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 3, 2006). Ngoài những công trình, bài viết của các nhà nghiên cứu trong nước, một số nhà nghiên cứu nước ngoài như: N.I.Niculin, Marian Tkachev,… cũng quan tâm đến tác phẩm của một số tác giả văn học Việt Nam giai đoạn này, như: Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyễn Công Hoan. Nhà nghiên cứu N.I.Niculin nghiên cứu rất nhiều về văn hóa cũng như văn học Việt Nam. Ông viết về Nguyễn Công Hoan “vốn có năng lực tuyệt vời, tinh tế nhìn thấy những tình huống hài hước và có tài nhận ra đằng sau những sự việc thoạt tưởng nhỏ nhặt, các vấn đề quan trọng của thời đại” (N.I.Niculin, Hồ Sĩ Vịnh - Nguyễn Hữu Sơn (tuyển chọn), 2010). 
3. KẾT LUẬN 
Có thể nói, đã có nhiều công trình nghiên cứu chủ yếu đề cập đến các vấn đề về nội dung tác phẩm, nếu có nói về nghệ thuật thì chỉ điểm qua hoặc là đi vào chi tiết ở một vài khía cạnh và dùng một số truyện tiêu biểu làm dẫn chứng. Những công trình mang tính khái quát nhất, thành công nhất khi nghiên cứu văn xuôi hiện thực giai đoạn này cũng là những công trình đề cập đến đặc điểm, sự vận động về nội dung tác phẩm. Nhìn chung, nhiều tác giả nghiên cứu truyện ngắn 1932-1945 với tư cách là những trào lưu, phong cách, những sáng tác có giá trị đặc sắc. Các nhà nghiên cứu phê bình đều cho thấy giai đoạn này không chỉ có sự phong phú về số lượng tác giả, tác phẩm mà còn có sự đa dạng của các phong cách và loại hình truyện ngắn. Có những công trình nghiên cứu vận dụng lý thuyết tự sự để tìm hiểu truyện ngắn của một vài tác giả tiêu biểu đã đạt được những thành công nhất định. Qua đây, có thể khẳng định việc vận dụng tự sự học vào nghiên cứu VHVN nói chung và nghiên cứu truyện ngắn hiện thực giai đoạn 1932-1945 nói riêng vẫn tiếp tục thu hút được sự quan tâm của nhiều người nghiên cứu. 
Những nghiên cứu gợi mở trên đây có thể coi là nền tảng, là cơ sở để những ai quan tâm vận dụng, khảo sát mang tính hệ thống tác phẩm trên từng giai đoạn, từ đó định hướng mở rộng nghiên cứu những vấn đề của lý thuyết tự sự trong truyện ngắn hiện thực giai đoạn này trên các phương diện như: người kể chuyện, cấu trúc, diễn ngôn tự sự,… Từ việc tìm hiểu truyện ngắn hiện thực Việt Nam 1932-1945 dưới góc nhìn của tự sự học, người nghiên cứu cũng có thể chỉ ra được sự vận động, biến đổi của nghệ thuật tự sự trong mỗi chặng đường phát triển của truyện ngắn trong quá trình thay đổi tư duy nghệ thuật theo hướng hiện đại hóa. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO: 
Antoine Compagnon, 2006. Bản mệnh của lý thuyết - Văn chương và cảm nghĩ thông thường. Nxb Đại học Sư phạm. Hà Nội, 415 trang. 
Bùi Việt Thắng, 2000. Truyện ngắn - Những vấn đề lý thuyết và thực tiễn thể loại. Nxb Đại học quốc gia. Hà Nội, 456 trang. 
Dorrit Cohn, 1978. Transparent Minds: Narrative modes for presenting consciousness in fiction. Princeton University Press. USA, 514 pages. 
Dương Quảng Hàm, 1943. Việt Nam văn học sử yếu. Nxb Hội nhà văn. Hà Nội, 496 trang. 
Đinh Ngọc Hoa, 2001. Những phương diện chủ yếu của thi pháp văn xuôi tự sự Nam Cao trước Cách mạng tháng Tám. LATS Văn học Việt Nam. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 229 trang. 
Đinh Thị Cẩm Lê, 2011. Truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1940-1945. LATS Văn học Việt Nam hiện đại. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 226 trang. 
Gérard Genette,1972. Narrative discourse an essay in method. First published by Cornell University Press. Ithaca New York, 285 pages. I.P. Ilin và E.Tzurganova (chủ biên), 2003. Các khái niệm và thuật ngữ của các trường phái nghiên cứu văn học ở Tây Âu và Hoa Kỳ thế kỷ XX. Đào Tuấn Ảnh, Trần Hồng Vân, Lại Nguyên Ân dịch. Nxb Đại học quốc gia. Hà Nội, 476 trang. 
Iu.M.Lotman, 2004. Cấu trúc văn bản nghệ thuật. Người dịch: Trần Ngọc Vương, Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Thu Thủy. Nxb Đại học quốc gia. Hà Nội, 540 trang. 
Lã Nguyên, 2012. Lý luận văn học - Những vấn đề hiện đại. Nxb Đại học Sư phạm. Hà Nội, 331 trang. 
Lê Huy Bắc, 2011. Nghệ thuật tự sự trong tác phẩm của Honoré de Balzac. Nxb Giáo dục. Việt Nam, 375 trang. 
Lộc Phương Thủy (chủ biên), 2007. Lí luận - phê bình văn học thế giới thế kỷ XX. Tập 1; Nxb Giáo dục. Hà Nội, 610 trang. 
Lộc Phương Thủy (chủ biên), 2007. Lý luận - phê bình văn học thế giới thế kỷ XX. Tập 2; Nxb Giáo dục. Hà Nội, 955 trang. 
M.H. Abrams, 1957. A glossary of literary terms. Seventh edition in 2005. United State of America, 366 pages 
Marianne Jorgensen and Louise Phillips, 2002. Discourse analysis as theory and method. Published by SAGE Ltd, 6 Bonhill Street. London, 229 pages. 
Mieke Bal, 1985. Narratology introduction to the theory of narrative. University of Toronto Press. London, 254 pages. 
Monika Fludernik, 2009. An Introduction to narratology (translated from the German by Patricia Hausler - Green Field and Monika Fludernik). Published in Taylor and Francis e - Library. New York, 187 pages. 
N.I.Niculin, 2010. Dòng chảy văn hóa Việt Nam. Nxb Thanh niên. Sài Gòn, 356 trang. 
Ngô Tự Lập, 2014. Văn chương như là quá trình dụng điển. Nxb Dân trí. Hà Nội, 247 trang. 
Nguyễn Duy Tờ, 2012. Sự vận động của dòng văn học hiện thực Việt Nam 1930-1945. Nxb Thuận Hóa. Tp. Hồ Chí Minh, 288 trang. Nguyễn Đại Dương, 2009. Các khuynh hướng tư tưởng thẩm mỹ trong văn xuôi hiện thực Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX (1900 - 1945). LATS Văn học Việt Nam. Viện Văn học. Hà Nội, 185 trang. 
Nguyễn Đăng Mạnh, 1999. Giáo trình Lịch sử văn học Việt Nam 1930-1945. Nxb Đại học quốc gia. Hà Nội, 208 trang. 
Nguyễn Đức Đàn, 1968. Mấy vấn đề văn học hiện thực phê phán Việt Nam. Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội. 
Nguyễn Hoa Bằng, 2000. Thi pháp truyện ngắn Nam Cao. LATS Văn học Việt Nam. Viện văn học, Hà Nội. 221 trang. 
Nguyễn Thái Hòa, 2000. Những vấn đề thi pháp của truyện. Nxb Giáo dục. Hà Nội, 206 trang. 
Nguyễn Thị Ngọc Minh, 2012. "Ba cách tiếp cận diễn ngôn". Ngày truy cập: 17/4/2012. Nguồn: http://phebinhvanhoc.com.vn 
Nhiều tác giả, 2013. "22 định nghĩa về diễn ngôn". Lã Nguyên dịch. Ngày truy cập: 28/2/2013. Nguồn: http://phebinhvanhoc.com.vn Phan Cự Đệ (chủ biên), 2004. Văn học Việt Nam thế kỷ XX. Nxb Giáo dục. Hà Nội, 969 trang. Phan Cự Đệ, 2007. Truyện ngắn Việt Nam - Lịch sử, thi pháp, chân dung. Nxb Giáo dục. Hà Nội, 786 trang. Phan Cự Đệ, Trần Đình Hượu, Nguyễn Trác, Nguyễn Hoành Khung, Lê Chí Dũng, Hà Văn Đức, 2005. Văn học Việt Nam 1900 – 1945. Nxb Giáo dục. Hà Nội, 665 trang. 
Phong Tuyết, 2013. Tự sự học Pháp: “Ngữ pháp chuyện mười ngày”. Ngày truy cập: 1/3/2013. Nguồn: http://vienvanhoc.vass.gov.vn/ 
Phùng Quý Sơn, 2013. Loại hình truyện kể (qua văn xuôi Việt Nam 1930-1945). LATS Ngữ văn. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 171 trang. 
Seymour Chatman, 1978. Story and discourse narrative structure in fiction and film. Cornell University press, New York. In the United States of America, 275 pages. 
Susana Onega and Jose Angel Garcia Landa, 1996. Narratology: An introduction. London and New York: Longman, 324 pages. 
Tzvetan Todorov, 2011. Thi pháp văn xuôi. Nxb Đại học Sư phạm. Hà Nội, 250 trang. 
Trần Đăng Suyền - Nguyễn Văn Long (đồng chủ biên), 2008. Giáo trình văn học Việt Nam hiện đại (từ đầu thế kỷ XX đến 1945). Tập I Nxb Đại học sư phạm. Hà Nội, 333 trang. 
Trần Đình Sử (chủ biên), 2007. Tự sự học - Một số vấn đề lý luận và lịch sử. Tập 1. Nxb Đại học Sư phạm. Hà Nội, 523 trang. 
Trần Đình Sử (chủ biên), 2008. Tự sự học - Một số vấn đề lý luận và lịch sử. Tập 2. Nxb Đại học Sư phạm. Hà Nội, 525 trang. 
Trần Ngọc Dung, 2004. Ba phong cách truyện ngắn trong văn học Việt Nam những năm 1930-1945: Nguyễn Công Hoan - Thạch Lam - Nam Cao. Nxb Thanh niên. Hà Nội, 223 trang. 
Trần Văn Toàn, 2010. Tả thực với hiện đại hóa văn xuôi nghệ thuật quốc ngữ giai đoạn giao thời. LATS Văn học Việt Nam. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 216 trang. 
V.I.Chiupa, 2013. "Trần thuật học như là khoa học phân tích diễn ngôn trần thuật". Ngày truy cập: 13/9/2013. Lã Nguyên dịch. Nguồn: http://phebinhvanhoc.com.vn 
Vũ Khắc Chương, 2001. Đặc điểm văn xuôi hiện thực Việt Nam 1940 - 1945. LATS Ngữ văn. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. Hồ Chí Minh, 240 trang. 
Vũ Ngọc Phan, 2005. Nhà văn hiện đại. Tái bản lần thứ 6. Nxb Văn học. Tp.Hồ Chí Minh. 1185 trang.
23/5/2016
Phạm Thị Lương
Theo http://dastic.vn:8080/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà th...