Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2020

Bay qua thời gian

Bay qua thời gian
"Xin trả về cho nhau những dấu yêu cuối cùng. 
Vì thời gian trôi mau không giữ được tình ta. 
Dù lòng còn yêu nhau đã nói yêu mãi hoài...".
Nguyễn Thị Châu Giang 
Buổi chiều xuống rất nhanh. Chúng được báo hiệu bằng vạt mây đỏ sẫm cuối trời. Chen chúc xung quanh là những tảng mây lớn nặng nề màu hạt dẻ, trên đó bám theo những vẩy mây trắng như những cụm lông cừu nhỏ. Không nghe được tiếng chim kêu. Chỉ nhìn thấy những cái bóng bé nhỏ của đàn chim chậm rãi bay về phương Nam. Bây giờ rõ hơn một chút, phía dưới kia những ngọn cây nhọn hoắt bắt đầu ngả sang nâu đen, những con sông sáng ánh thiếc, những tòa nhà cao tầng như những bệt màu trắng sổ mạnh trên cái nền lờ nhờ xám của bóng tối đang dần phủ xuống thành phố.
Máy bay sắp hạ cánh. Tiếng máy bay ầm ì nhọc mệt đè nặng lên trái tim tôi một cảm giác bất an và lo lắng. Tôi tưởng tượng ra một sân bay mênh mông đông nghẹt người. Những người to cao, tóc vàng mắt xanh. Những người không nói cùng ngôn ngữ. Những người xa lạ. Chắc chắn họ sẽ không để ý đến tôi. (Thật khủng khiếp là họ sẽ không để ý đến tôi). Điều đó càng mang lại cảm giác cô độc ghê gớm giữa thế giới to rộng này. Rồi người ra đón tôi và tôi sẽ lạc vào trong đó mà không tìm được ra nhau. Tôi sẽ làm gì nếu chúng tôi không gặp nhau.
Ở cuối chân cầu thang máy bay, cô gái trẻ có mái tóc hung đỏ đi cùng chuyến với tôi đã gặp được người yêu- một anh chàng nhỏ nhắn đeo khuyên ở mũi và tóc nhuộm một chút đỏ ở mái như một cái mào Vẹt. Họ ôm nhau, hôn nhau say đắm. Tôi đi ngang qua, len lén nhìn họ. Vô tình lúc ấy tôi trông thấy cô khóc. Nước mắt không chảy thành dòng mà viên lại thành từng giọt to, đục. Những giọt nước mắt của cô, mùi hương lài có lẽ tỏa ra từ những nếp váy nhàu nhò của cô làm tôi cảm động. Tôi liền vẽ ra trong đầu mình một câu chuyện tình lâm li bi đát. Tất nhiên không phải cứ gặp nhau, ôm nhau, hôn nhau và khóc là những tình tiết của một câu chuyện buồn. Nhưng rõ ràng bất cứ giọt nước mắt nào trong hoàn cảnh này cũng dễ dàng gợi lên sự thương cảm và sầu nhớ. Trong tình trạng hiện thời của tôi, không gì hay hơn là tưởng tượng ra một câu chuyện như thế. Bởi ngay lúc đó tôi thật sự muốn mình được khóc.
Phòng nhận hành lý, trần thấp lè tè và tăm tối. Những chiếc bánh xe lăn kêu kót két. Hành lý đổ xuống băng chuyền ồn ĩ. Bỗng nhiên ánh sáng từ trên cao, qua những lỗ hổng trên tường, đồng loạt ào xuống. Trong ánh sáng xanh nhợt nhạt đó, tôi nhìn thấy một người đàn ông to lớn, tóc bạc, mặc áo sơ mi trắng, đeo một chiếc xà cột bằng da nâu cứng. Trên tay ông cầm một tờ giấy ghi nguệch ngoạc hai chữ "Miss Giang" và trên ngực áo đeo một tấm bảng nhỏ đề tên của ông "Robert Palmer - người dẫn đường". Chúng tôi bắt tay nhau. Bàn tay ông mập mạp và ấm áp. Đôi mắt ông ánh lên những tia lửa nhỏ màu vàng. Từ chiếc áo khoác cũ kĩ dài chấm đầu gối của ông phả ra mùi bánh mì ủ lâu ngày lên men và mùi rượu hoa quả.
Ông đến từ New York, một thành phố ồn ào, náo nhiệt và hiện đại nhất của nước Mỹ rộng lớn. Nhưng ông hoàn toàn không cho ta cái vẻ gì là một người đã từng sinh ra, lớn lên và trải qua mấy mươi năm cuộc đời ở nơi đo,ù ngoại trừ sự nhanh nhẹn và năng động ít khi thấy có ở một ông già. Ông chỉ đi duy nhất một đôi giày to bằng da đen sờn vàmặc chiếc áo choàng cũ ngả vàng mỗi khi trời trở rét. Mỗi khi áp mặt vào tấm áo choàng, như lần đầu gặp ông ở sân bay, thoảng nghe mùi hương bánh mì và rượu quả lên chua từ chiếc áo, thậm chí từ đôi bàn tay khô nhám của ông, tôi lại tự hỏi sao mà nó quen thuộc và ấm áp. Có lẽ vì nó luôn thường xuyên gợi lại trong trí tôi những hình ảnh thân thương của ông tôi và ba tôi, trong những căn phòng tối thơm mùi mì nấu cải xanh.
Tôi thường nghĩ về nước Mỹ qua ông. Trong cái cách đi bộ hối hả, sải chân bước dài đến cả mét, đầu chúi về trước, tay giữ chặt chiếc xà cột để nó không đập bồm bộp vào đùi. Trong cách ông luôn chọn những quán hàng ăn rẻ tiền nhất và sục sạo vào những cửa hiệu bán các đồ lặt vặt tuồng như đã tồn tại cả hàng trăm năm. Trong cách ông cười tươi tỉnh với tôi vào buổi sớm mai và dáng ngồi cô độc của ông trên ghế đá ngoài bờ sông Iowa.
Bằng cách đó tôi đã hiểu rằng nước Mỹ không phải là thiên đường. Đằng sau bộ mặt xinh đẹp đến mê đắm của nước Mỹ còn có những cuộc đời cô đơn và buồn thảm. Sự đào thải khắc nghiệt trong công việc làm ăn, sống và tồn tại luôn làm con người căng thẳng. Họ sống lạnh lùng với nhau một phần cũng là vì đã quá mệt mỏi.
Chúng tôi rời sân bay, bắt đầu cho chuyến viễn du dài một nghìn bảy trăm năm mươi hai giờ. Bắt đầu cho một giấc mơ có thực trong cuộc đời. Chiều vẫn còn phảng phất hơi nóng của một ngày mùa hè tràn ngập ánh mặt trời. Nhưng lúc này phía ngoài bờ sông Potomac đã thổi vào những làn gió mỏng và mát, đủ làm lay động những tàn cây xanh biếc và thổi dạt những đám mây mỡ gà trên trời xa.
Chúng tôi ở trong một khách sạn nhỏ nhưng rất xinh đẹp số 2000 trên đường N. Nó giống như một ngôi nhà cổ nằm trầm mặc giữa vườn cây xanh với những chiếc lá con li ti ánh bạc, với những chú sóc nâu đuôi dài chỉ tìm cách leo lên cửa sổ, giương đôi mắt tròn đen nhánh tò mò nhìn vào trong phòng một cách không giấu giếm. Thỉnh thoảng chúng để lại trên bệ cửa những vỏ hạt dẻ bị cắn nham nhở hay những bông hoa lạ màu trắng xanh, bé như những cái khuy. Máy lạnh chạy rầm rĩ suốt đêm. Chẳng mấy chốc nó đã làm căn phòng có những tấm rèm hoa sặc sỡ lạnh ngắt như trong tủ lạnh.
Trong cầu thang máy của khách sạn, tôi thường hay gặp một anh chàng người Mexico phục vụ ở phòng ăn. Nhưng đáng lẽ đứng thường trực ở phòng ăn thì anh ta luôn tìm cách chạy lăng xăng đâu đó, lên lầu xuống lầu, trong tay lúc nào cũng cầm một chiếc khay bằng bạc và một bộ nĩa cũng bằng bạc lấp lóa. Đó là một anh chàng lực lưỡng, điển trai với nước da vàng, mái tóc đen chải keo bóng nhẫy và có một bộ ria mép của Ret Butler. Mỗi lần gặp tôi anh chàng lại cười một nụ cười đẹp mê hồn và hỏi, cô thấy thoải mái chứ. Tôi thường không hy vọng gì ở trí nhớ của những người phục vụ hoặc bán hàng. Không phải vì tính đãng trí hay vô tâm mà vì những cuộc gặp gỡ trong cuộc đời họ nhiều đến độ, nó giống như một hộp thư điện tử quá tải, phải delete bớt trước khi nhận thêm thư vào hộp. Nên khi anh chàng bảo sẽ nhớ tôi lắm thì tôi bật cười thành tiếng. Điều đó làm phật lòng anh. Mặt anh ta đỏ lên và anh ta đưa ngón tay cái lên miệng tỉ mẩn gặm nó.
Nhưng quả thật anh chàng đã không quên tôi. Sau một tháng rưỡi rong ruổi khắp mọi nơi, tôi quay trở về khách sạn. Tôi gặp lại anh ở trong cầu thang máy, tay vẫn cầm chiếc khay và bộ nĩa bạc, bàn chân nhịp nhịp như luôn muốn nhảy theo một điệu vũ nhạc nào đó trong đầu. Trông thấy tôi, miệng anh ta vo tròn lại và kêu lên bối rối, cô về hồi nào vậy. Cô trông chẳng khác chút nào cả.
Vậy là buổi sáng đó, trong vườn hoa cúc kim nở rộ, tôi được ăn một bữa sáng khá thịnh soạn với sự phục vụ tận tình của anh ta, mặc dầu cả hai chúng tôi đều biết rằng điều đó vi phạm vào luật của khách sạn. Nhưng dù sao, đây cũng là bữa ăn sáng cuối cùng của tôi trong khách sạn Cánh đồng mùa hè số 2000 đường N.
Anh ta luôn luôn hỏi, vậy là cô sẽ ra đi thật sao. Tôi nhìn ra ngoài hồ bơi. Có hai đứa trẻ đang nghịch trên bờ. Trời lạnh, chúng khoác những chiếc áo ấm dày và đầu đội mũ len. Một đứa mặc áo len đỏ. Một đứa khoác áo da xanh nhạt. Chúng nói gì đó và cười, và đuổi bắt nhau vui vẻ. Tôi biết chắc tôi sẽ không khóc. Nhưng vì cảm động mà tôi phải quay mặt đi hoặc chúi đầu vào dĩa thức ăn. Khi bên tôi, anh bạn vẫn lặp lại những câu hỏi buồn rầu bằng một giọng tịt mũi, cô sẽ đi thật sao. Chúng ta sẽ không còn gặp lại nhau nữa phải không? Có ai đó yêu cầu sự giúp đỡ của anh ta. Anh miễn cưỡng ra đi, sau khi để lại một nụ cười mê hồn của Alaine Delon làm tim tôi thổn thức. Từ giây phút đó trở đi, chúng tôi không còn cơ hội gặp lại nhau nữa.
Những giờ rảnh rỗi, trong khi đợi bạn từ Virginia lên đón đi chơi, tôi thích ra ngồi ngoài ban công của khách sạn. Không khí thơm ngây ngất mùi hoa cỏ dại. Những đám mây chạy đuổi bắt nhau tung những cuộn mây nhỏ trắng xóa như những bọt sóng. Khu vườn bé có những bộ bàn ghế bằng sắt xinh xắn sơn trắng kê dọc lối đi rải sỏi, trên những bờ cỏ xanh ngắt, yên tĩnh và vắng người. Phía sau hàng rào sắt bao quanh khu vườn là con đường rậm rạp bóng cây, những chiếc xe hơi đậu một hàng dài vô tận. Phía sau đó nữa, có thể lắm chứ, là một cái hồ xanh trong như con mắt biếc hoặc chính là dòng Potomac lững lờ trôi như một chiếc băng đô bằng lụa xám cột ngang mái tóc xanh của thành phố.
Tôi ngồi đó cho đến khi chuông trong phòng kêu lên những tiếng rụt rè. Lần này là những người đến mua tranh. Chúng tôi ngồi xệp xuống sàn trải thảm, bày tranh trên chiếc bàn gỗ nhỏ. Anh chị Trịnh Thục có vẻ xúc động. Họ mỉm cười bối rối. Và ngượng nghịu đi lại, từ phòng khách vào đến căn bếp nhỏ ( trong khách sạn này, mọi phòng đều được bố trí như một căn hộ nhỏ) và từ đó lộn trở lại phòng khách. Sự xúc động của họ đến từ nỗi nhớ Việt nam da diết. Mặc dầu mới gặp tôi cách đó vài tháng ở Sài Gòn vào những ngày nhiều mưa nhiều nắng, nhưng họ vẫn háo hức nghe những tin tức về Việt nam, tựa như họ đã không được nhìn thấy quê hương hàng chục năm trời và nghẹn ngào kêu lên, trời ơi, những bức tranh này làm tôi nhớ Việt nam ghê gớm.
Buổi chiều, tôi đến thăm nhà anh chị ở khu Fair Fax. Trong những căn phòng ấm áp thơm mùi hoa cỏ dại và nến, những bức tranh lồng khung mạ vàng được treo trang trọng trên tường. Những bức tranh này một thời gian dài cũng đã được treo trang trọng trên tường nhà tôi. Tôi thuộc lòng từng ngày tháng, hoàn cảnh và nơi chốn ra đời của mỗi bức tranh. Chúng lưu giữ trong hồn giấy và sắc màu lung linh ấy những kỷ niệm vô cùng tươi đẹp đã đi qua cuộc đời tôi.
Tôi đứng lặng trước chúng, lòng xao xuyến. Niềm vui sướng kỳ diệu vì không ngờ lại được gặp mặt lại những đứa con tinh thần của mình, ở một nơi cách xa nửa vòng trái đất và sự đau đớn sâu sắc vì biết chắc rằng tôi đã vĩnh viễn mất chúng làm ngực tôi nghẹn lại. Nhưng cùng lúc đó, tôi hiểu rằng mình đang được hạnh phúc. Vài chục năm nữa, vật đổi sao dời, xa cách không một lần gặp mặt tưởng có thể quên hết đi chuyện ngày qua, nhưng khi nhìn những bức tranh, họ sẽ thấy rằng Việt nam luôn bên cạnh họ và thấp thoáng sẽ có hình bóng tôi ở một nơi sâu thẳm nào đó trong nỗi nhớ da diết của họ.
Vì lẽ đó, sự vô giá của bức tranh, ngoài giá trị nghệ thuật, còn nằm ở tính vĩnh cửu của thời gian. Trước khi vẽ một bức tranh tôi chỉ mơ hồ cảm giác được điều đó. Nhưng khi đứng giữa những căn phòng rộng lớn có mái vòm lấp lánh những chùm đèn pha lê và lộng lẫy những khung tranh phết vàng đồ sộ của các viện Bảo tàng, tôi hiểu nó rõ ràng hơn.
Hơi thở của không khí và thời gian thổi tràn ngập trong phòng. Tôi nghe thấy tiếng kẹt cửa khe khẽ và Van Gogh lách mình bước ra ngoài phố , đầu đội một chiếc mũ dạ màu xanh dương có viền lông đen trước trán nhàu nhò và cũ bẩn. Một giờ sau ông quay trở về căn phòng nghèo nàn của mình, trên tay ôm một bó lèo tèo vài bông hướng dương sắp héo rũ. Ông cắm hoa vào lọ, ngồi vào chiếc ghế gỗ cũ kĩ đến độ nó chỉ muốn sụp xuống vào bất kì lúc nào, vừa vẽ vừa chống lại cái đói, cái rét. Sự u ám của đời sống làm sáng rực lên những mảng màu trên tranh. Sự yếu đuối và bất định trong tâm hồn làm những nét bút thêm đầy đặn và mạnh mẽ. Đó dường như là cách để chống lại nỗi đau đớn và cô đơn của tâm hồn và thể xác. Đó dường như cũng là lúc, tận cùng của nỗi thống khổ hoạ sỹ lại tìm gặp được một niềm hạnh phúc vô biên không thể nói thành lời. Nó như một tia chớp sáng rạch ngang bầu trời đêm. Và chỉ có hội hoạ mới đủ sức để nuôi dưỡng nó.
Nếu chỉ có tài năng mà không có lòng yêu mãnh liệt đối với cuộc sống, con người và thiên nhiên, hẳn niềm hạnh phúc ấy không thể nào đến để tạo ra những tuyệt tác và đám hậu sinh chúng ta có được sự xúc động chân thành đến như vậy khi đứng trước chúng.
Kỳ lạ thay là tình yêu vĩ đại ấy. Nó biến sự chết lặng của những miếng màu bẹp dí trên vải thành sự xao động của hoa lá trong vườn đêm, thành tiếng sột soạt của tơ lụa óng mịn, thành mùi hương mê đắm của biển và ánh mặt trời rực rỡ…
Những bức tranh diễu hành qua mặt tôi. Trái tim nức nở và mắt nhòa lệ. Ngay lập tức tôi thấy mình đang đi giữa ánh sáng mờ ảo của những phòng tiệc lớn vào cái thời cách đây vài trăm năm với những chiếc lông chim và tà áo lụa dài chạm vào da mát rượi, với những bờ vai nõn nà và những lọn tóc giả bằng tơ óng, thậm chí đôi khi còn như rơi vào giữa một cuộc chiến đẫm máu với giáo mác gươm đao sáng lòe. Hoặc tự nhiên thấy mình đang lạc bước trên những đường phố tuyệt đẹp của Paris hay nằm dài trên những đụn rơm thơm nồng nàn của xứ Provence ngắm mây trời bay…
Ai là người có thể cùng một lúc đưa lại cho ta những cảm giác tuyệt vời như thế ngoài Hội họa?
Ở những bảo tàng Mỹ thuật hiện đại như Moma ở San Francisco hay New York, tôi đã đến mà không phải để tìm thấy những cảm xúc êm ái và ngọt ngào như vậy. Thường ở những nơi này, họ trưng bày những bức tranh trừu tượng hoặc nghệ thuật xếp đặt và Video. Chỗ dòng đề chất liệu, luôn là từ "mixed" ( trộn lẫn). Kết quả của mỗi một tác phẩm là sự trộn lẫn giữa âm thanh, ánh sáng, mùi vị, đồ vật, kĩ thuật, cảm xúc…Nó bề bộn như cuộc sống hiện đại với đủ thứ lo âu và khao khát. Nó thảy chúng ta vào một cái túi tối đen rồi đột ngột lôi chúng ta ra ngoài ánh sáng chói chang. Nó dồi chúng ta trên những ngọn sóng dữ tợn nhất của bão tố, quất vào mặt ta những ngọn gió buốt nhất của giá rét, gõ vào tai ta những tiếng động ầm ĩ nhất…cho đến khi tim ta rướm máu, tay chân ta mỏi nhừ và đầu óc ta căng ra như một quả bóng thì nó tống ta ra cửa. Ấy vậy mà bỗng nhiên, như một phép màu xảy ra, khi hít thở khí trời và đối mặt với cuộc đời thực, ta bỗng thấy cuộc sống tươi đẹp lên bội phần. Đáng để cho ta yêu và sống thực đàng hoàng với những năm tháng sẽ đến. Và chúng ta ra về. Lòng tràn ngập niềm biết ơn vô hạn.
Một lần, tôi và Vinh ghé thăm Bảo tàng Mỹ thuật ở San Francisco. Vinh là bạn cũ của tôi từ năm lớp Tám. Đến khi lên cấp Ba mỗi đứa mỗi nơi. Trong trí tôi Vinh vẫn chỉ là một cậu bé con nhỏ người, ngồi bàn cuối cùng trong một lớp học tăm tối, ẩm thấp, thỉnh thoảng bay lên mùi phân mèo và mùi mưa ướt át. Nhưng Vinh bây giờ đã khác. Cậu to cao, đẹp trai hơn với mái tóc đinh chải keo bóng loáng, với áo sơ mi trắng và áo khoác ngoài bằng da nâu thoang thoảng mùi nước hoa ( trong đêm lạnh và sương mù của San Francisco, nó trở nên vô cùng quyến rũ). Nhưng quan trọng là trông cậu tự tin hơn. Sự tự tin đó tỏa ra từ ánh mắt sáng và tiếng cười giòn giã.
Cậu nhìn đời bằng đôi mắt háo hức của kẻ muốn chinh phục và chiến thắng. Điều đó có thể lý giải được vì có thể gọi cậu là một trong những người Việt Nam trẻ tuổi có những bước đầu thành công trên một đất nước xa lạ không phải là quê hương của mình khi được nhận bằng kỹ sư vi tính và có chân trong hãng Microsoft. Để xua tan cơn buồn ngủ, trên đường xuống Los Angeles, trong khi tôi bắt đầu gà gật, cố gắng dấu đi những tiếng thở dài cứ chực bật ra thì cậu có thể nói không biết mệt mỏi về cái mớ bòng bong giữa triết học và chính trị. Tham vọng làm chính trị của cậu không bị che giấu nên cứ sáng rực lên trong mắt, dù cậu hiểu rằng, cơ hội cho cậu ở đất Mỹ là hoàn toàn không thể.
Giờ đây chúng tôi thay đổi vị trí cho nhau. Tôi say sưa với những tượng và tranh bao nhiêu cậu trông lại càng thảm hại bấy nhiêu. Cậu ngồi trên một ghế băng dài, mặt thẫn ra và luôn tay đưa lên che miệng ngáp, nước mắt chảy dàn dụa trên mặt. Rồi cậu thốt lên yếu ớt " Trời ơi mình đói quá. Đói đến run cả tay chân" như một lời bào chữa cho sự uể oải của mình.
Ngoài sân, một cái sân rộng lót gạch xám dựng đứng những cây cột bằng thạch cao trắng cao vút, một đám cưới đang diễn ra dưới chân tượng "Suy tư" của Rodin. Những cô nàng phù dâu mặc những chiếc áo dài lụa xám như sương khói. Nắng tỏa một lớp bụi vàng óng ánh lên người các cô, biến các cô thành tiên nữ và khung cảnh đẹp như thần tiên. Vang trong gió những tiếng cười hồn nhiên và những chiếc chuông bạc đính trên thắt lưng của họ rung lên những tiếng trong trẻo, chúc phúc cho đôi vợ chồng son.
Tôi ngồi xuống bậc tam cấp đá mát lạnh. Trong không khí bay lên những bọt tròn nhỏ đầy màu sắc. Chúng đột ngột vỡ ra làm bóng tối màu nâu đất phủ quanh bức tượng người đàn ông đang ngồi trầm tư chuyển sang xanh non và lấp lánh những tia lửa nhỏ. Tôi cảm giác người đàn ông sắp cử động. Chàng sẽ hạ bàn tay chống cằm xuống, đầu chàng sẽ ngẩng cao và từ khóe mắt sẽ rỉ ra hai dòng nước.
Chàng đang nghĩ gì? Ngồi giữa trời đất bao la, trầm mình qua mưa gió, chàng nghĩ về một tình yêu bất tử hay một hạnh phúc dài lâu của đời người? Chàng nghĩ về sự bất hạnh hay nỗi đau khổ đời đời của nhân loại?
Hay chàng đang nghĩ thời khắc thật ngắn ngủi và ngày trôi qua như gió như mây, mọi thứ danh lợi đều là phù du. Sao người với người không biết thương yêu mà cứ mãi dằn vặt nhau cho đau khổ?
Chúng ta đứng dưới chân chàng, nghĩ về những điều chàng đang nghĩ. Bỗng nhiên từ một nơi xa xăm nào vọng lên một tiếng thở dài buồn bã. Chúng rền rĩ chạy trên đầu tôi như ngọn gió ướt đẫm sương mù từ ngoài cầu tàu Người Đánh Cá thổi lại. Thứ gió này tôi thường cảm thấy mỗi khi đi dạo ngang qua Đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam, nằm trong công viên Washington DC mặc dù ở đây không có biển, không có cầu cảng, không có sương mù. Chỉ có dòng Potomac trong xanh và những hàng cây xinh đẹp tỏa vào không gian hương thơm mát. Những đám đông thường đến đây đi dạo trên những đường lát ximăng xám rậm rạp cỏ hoặc đến ngồi trên những ghế đá trong ánh nắng của ban mai hay chiều tà đột ngột chuyển sang màu xanh nước biển.
Buổi sáng đầu tiên ở nước Mỹ, Mary dẫn chúng tôi tới đây. Mary vâm váp, tóc vàng óng. Chiếc váy đen hai dây dài ngang đầu gối lộ ra đôi vai to khỏe và nước da nâu óng lốm đốm tàn nhang. Mary làm hướng dẫn viên du lịch, cô nói nhiều, nói nhanh, hàm răng sáng lên lấp lánh. Các từ cứ ríu ríu vào nhau, lại được thể hiện bằng một giọng hơi thé, cuối câu không hạ xuống thấp mà cứ mải bay lên cao nên rất khó nghe. Mỗi lần ngừng lại, cô lại thở dốc, uống một ngụm nước to và đưa khăn lên thấm mồ hôi rịn đầy trên trán. Khi biết tôi đến từ Việt Nam, cô có vẻ hào hứng, cô thường dành cho tôi những nụ cười âu yếm và những cái xiết tay mạnh mẽ trong suốt chuyến đi. Cô chỉ bức tường đá khắc tên những người lính Mỹ đã nằm xuống trong cuộc chiến tranh Việt Nam, hỏi tôi nghĩ gì?
Tôi đã đứng nhìn những bức tường ấy rất lâu. Mặc dầu nắng lên lấp lóa trên mấy tàn cây, rọi xuống những đốm hoa nắng vàng óng như những đóa cúc nhỏ nhưng màu đen của đá lạnh vẫn mang lại cho tôi một cảm giác nặng nề. Giữa khung cảnh thanh bình, trời rất xanh, gió lại dịu dàng và không khí trong trẻo, bức tường dựng lên đột ngột như một cái gai khổng lồ, luôn sẵn sàng làm tứa máu ký ức.
Hơn hai mươi bốn năm đã trôi qua, nhưng không phải tất cả mọi điều đều đã trôi qua. Chắc chắn rằng những vết thương trong lòng những cựu binh Mỹ và Việt Nam không bao giờ còn lành lại được nữa. Ngày hoặc đêm, nó đều đã trở thành nỗi ám ảnh. Bên những bức tường như thế này, tất cả đều là những người bại trận. Bại trận trong quá khứ và đời sống bất an của mình.
Giờ đây, những bé em đang chạy đuổi theo quả banh trên luống cỏ, những cặp tình nhân khoác vai nhau thả bộ trên đường và ngay cả tôi cũng đứng ngoài nó, không thuộc về những mất mát và đau khổ đã khắc sâu trên bức tường đồ sộ của nước Mỹ, trên những bức tường mà nếu dựng lên ở Việt Nam, sẽ cao bao nhiêu, dài bao nhiêu và rộng lớn biết bao nhiêu.
Trong đám đông người dự buổi tham quan ngày hôm đó, không hiểu sao tôi thấy rất quí mến cô Plack vợ của David Plack, nhân viên chương trình Viết văn quốc tế dù tôi và cô không nói chuyện với nhau nhiều, thậm chí cả tên của cô tôi cũng không kịp hỏi. Cuộc sống của tôi, tôi vẫn thường ngẫm ngợi, thấy thật lạ kỳ. Có một vài việc chỉ thoảng qua mà không cách nào quên được. Chúng day dứt và trở thành sự ám ảnh trong trí.
Cô Plack không đẹp, giọng nói nhỏ và hơi thé, không chuẩn âm vì cô người Tây Ban Nha. Mái tóc hạt dẻ cắt ngắn, lộ khuôn mặt xương với đôi mắt to màu thép xanh có những ánh nhỏ đen thẫm nở xòe như một đóa pháo bông tí hon và hàng lông mi rậm rạp tựa bóng một hàng cây phủ xuống mặt hồ phẳng lặng. Trong chiếc váy vải hoa xanh nhạt cũ mỏng, tưởng chỉ cần vò mạnh tay chúng cũng bở vụn ra như cám, cô mảnh mai dịu dàng như những cây liễu mùa thu mọc quanh hồ công viên quốc gia Iowa. Mỗi một nụ cười của cô, mỗi một cử chỉ của cô đều rụt rè bối rối, e thẹn như một cô gái nhỏ chưa chồng.
Mỗi lần quay lại nhìn cô, bắt gặp ánh mắt trìu mến của cô nhìn chồng, lòng tôi thấy nhẹ bỗng. Tôi hay mơ hồ về một thứ tình yêu vượt biên giới. Nó có vẻ chắp nối và không thật, ít nhất là trong sự khác biệt về ngôn ngữ và sâu xa hơn là sự khác biệt về cội nguồn dân tộc. Có thể bởi vì chúng ta là người Châu Á, chúng ta vốn thấy những điều đó là lạ lẫm. Nhưng nhiều khi chúng ta quên mất rằng tình yêu có tiếng nói bí ẩn và ma lực của nó thì vô cùng. Chúng ta là những linh hồn nhỏ lang thang cô độc trong thế giới mênh mông này. Duyên cơ may gặp nhau thật vô cùng quí hiếm. Lại cứ như gió như mây thản nhiên bay đi mất. Trong đêm khuya, cuối một ngày của sự gặp gỡ và chia ly, tôi vẫn thường một mình nhẩm đọc bốn câu thơ của Bùi Minh Quốc "Có khi nào trên đường đời tấp nập. Ta vô tình đã đi lướt qua nhau. Bước lơ đãng chẳng ngờ đang để mất. Một tâm hồn ta đợi đã từ lâu...". Khi tôi chợt nghĩ rằng đi bên cạnh David bây giờ không phải là cô ấy, mà là một người con gái Mỹ, cũng nhỏ nhắn đáng yêu, không phải như đám liễu thu bên hồ thì cũng như đám xa trục thảo trên cánh đồng và David vẫn thấy hạnh phúc thì trong sâu thẳm của tôi có một cây kim nhỏ nhô lên và cọ quạy. Tự nhiên mà thấy tình yêu có vẻ giản đơn, lớp vỏ bọc lấp lánh muôn sắc màu quanh nó giảm đi mười phần đẹp đẽ.
Thật chẳng hay ho gì khi đứng ngắm họ mê mải để nghĩ ngợi những điều mà mọi người cho là vô lý. Nhưng tôi vẫn một mực nhất quyết rằng, trong đời có thể yêu nhiều lần nhưng trong những lần yêu đó vẫn chỉ có duy nhất một tình yêu có thể vượt lên trên hết mọi sự tầm thường của sự sống và cái chết khi gặp được đúng một nửa còn lại của mình.
Ôi lại là cái câu "một nửa còn lại của mình", xem có vẻ sách vở và buồn cười. Nhưng chẳng phải có người suốt một đời chỉ sống trong cô đơn mặc dù đã qua nhiều lần yêu và cưới, lại có người mãi mãi hạnh phúc bền lâu với chỉ một người?
Chúng ta xem như những nửa bóng xanh đỏ tím vàng... bay trong không trung. May mắn thì nửa vàng gặp được nửa vàng hòa hợp. Kém may mắn hơn thì nửa vàng ghép với nửa đỏ, nửa xanh ghép với nửa tím, cũng thành bóng tròn nhưng sắc màu đối chọi. Vô duyên thì nhìn thấy nhau đấy mà lại bay trượt qua nhau, hoặc suốt đời chẳng bao giờ gặp mặt nhau.
Với những điều này, đôi khi thời gian lại chiếm một vị trí quan trọng. Trong những ngày ở Virginia, tôi được xem bộ phim Video " Cánh cửa trượt"với cô đào Gwyneth Paltrow xinh đẹp thủ vai chính- Helen, một cô gái bị mất việc làm và bạn trai ngoại tình. Nhưng số phận của Helen lại được quyết định bởi những cánh cửa trượt của chiếc tàu điện ngầm ở Luân Đôn. Từ sở làm về, nếu như lên được tàu trở về nhà, cô sẽ phát hiện người yêu đang ngủ với người con gái khác, cuộc sống của cô sẽ rẽ sang một con đường mới. Còn nếu như bị trễ tàu, tương lai của cô sẽ hoàn toàn khác hẳn. Sẽ lại sống trong sự dối trá và chán chường. Hai câu chuyện song song với nhau trong phim mô tả hai cuộc sống của Helen theo hai hướng khác nhau: nếu trễ tàu và nếu không trễ tàu...Chỉ cần một giây đồng hồ cũng có thể thay đổi cuộc đời chúng ta. Cũng có thể biến chuyện không thành có, biến sự va chạm bất hạnh này thành niềm hạnh phúc mới mẻ, tinh khôi.
Tôi nằm vục đầu trong chiếc chăn bông thơm mùi hồ dán, nghĩ mãi về hai từ "khoảnh khắc" mà không sao ngủ được. Ngoài cửa sổ bình minh lên loang lổ sau những rặng cây màu tím nhạt. Con chim bé xíu có chiếc mỏ đỏ hung hăng gõ tóc tóc vào mặt kính cửa sổ đẫm nước, tóc tai dứng đứng cả lên. Trời mưa nhẹ, phủ một lớp bột xám lên những đám lá phong đang nhuộm vàng. Một sớm thu thường bắt đầu trong trẻo và ướt át như thế.
Vào những ngày tháng này đêm rất đẹp. Trờiø đôi khi xanh màu lá vì ánh vàng lấp lánh từ những rừng thu hắt lên. Đêm xanh xao thơm mùi lá và đất ẩm ướt. Gió thổi rầu rĩ qua những vòm cây. Sương bay chập chờn trong không khí thành những đám khói xám trắng, ánh lên một chút phấn hồng nhờ ánh đèn xe. Tôi thích ngồi trên xe, xuyên qua đêm, xuyên qua những con đường mòn đến tận ba bốn giờ sáng mới quay về nhà. Qua ánh đèn xe mù mịt tôi nhìn thấy những vụng nước nhỏ đọng đầy ánh trăng nằm lặng lẽ dưới những thân cây tím sẫm, sáng lên trong bóng tối như những miếng gương vỡ tráng bạc. Thấy vài chiếc lá phong màu huyết dụ hoặc vàng chanh đâm xuyên qua đám khói như một cánh bướm nhỏ rồi dịu dàng chạm đất. Thấy cả nỗi buồn mơ hồ và sự cô độc của đêm tràn ngập trong lòng.
Trong những chuyến đi này thường có Ma (Minh Anh) đi cùng tôi. Đó là một cậu bé già dặn trước tuổi, gầy và cao với những nét đẹp hơi lạnh và đôi mắt dài đa cảm. Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, cậu sang đây theo chương trình du học tự túc. Vậy mà sống giữa một đất nước của quần Jean áo thun, cậu chỉ mặc quần Tây, áo sơ mi dài tay. Mùa hè xắn lên trên khuỷu tay, mùa đông cài măng séc. Tất cả mọi người ở nơi đó và chính cậu cũng tự nhận mình là người lập dị.
Ma để tóc dài ngang vai, những sợi tóc mềm dính bết vào nhau được cột túm một chùm sau ót bằng dây thun (nhưng nói cách nào đi nữa, nó vẫn làm cậu trông đáng yêu và lãng mạn hơn). Cô nàng da đen to béo ở Costco của Tuấn và Phú rất yêu mái tóc của cậu. Cô ấy đứng gác ở cửa ra vào, đắm đuối nhìn theo mái tóc của Ma mỗi khi cậu đi ngang qua và bối rối mỉm cười. Giây phút đầu tiên nhìn thấy cậu, mái tóc đã như là khởi đầu của một chuỗi hồi ức tươi đẹp về sau này của tôi khi nhớ đến cậu.
Nhớ một cậu bé hè cũng như đông, chỉ đi lẹt quẹt một đôi dép lê, hở những ngón chân có lớp da hồng nhăn nheo vì lạnh và gót chân bám đầy đất. Nhớ một cậu bé thông minh nhưng lười biếng, có thể bỏ hàng chục giờ đồng hồ để chơi game nhưng chỉ cần nửa giờ đọc sách. Nhớ một cậu bé đãng trí đến độ suốt một học kì đến lớp, thi đạt điểm giỏi mà không biết mình học nhầm lớp trên. Nhớ một cậu bé với năm trăm lẻ bốn giờ của yêu thương dịu dàng êm ái. Tình cảm cậu dành cho một người con gái từ xa đến có gì thật cảm động và khác người. Và đẹp vì cậu hồn nhiên dám phơi bày nó trước mắt mọi người tình cảm của mình, mặc cho những lời chọc ghẹo và mặc cho nó đầy tuyệt vọng. Cậu chải tóc gọn gàng, chân rửa sạch sẽ, đi giày bata cột dây lịch sự, nhịn tiền tiêu vặt để mua một chiếc vé xem hát giá bốn mươi lăm đô, nấu những món ăn người con gái đó yêu thích, đứng hơn hai giờ bên một cây phong lá đỏ để chọn hái những chiếc lá đẹp nhất, rực rỡ nhất tặng cô và gần ba giờ sáng vẫn còn ngồi bên đàn dạo khúc nhạc tình của Bethoven, để đầu dây bên kia, ở một tiểu bang cách Virginia hai giờ đồng hồ, cô gái nằm ôm điện thoại ngủ ngon lành.
Cái tình của cậu mới thật lạ lùng. Nó đắm say nhưng tỉnh táo. Nó mơ hồ như buổi chiều đầy mây mù nhưng lại rõ ràng như buổi sáng mùa hè đầy nắng. Trong cùng lúc, nó được sống rạch ròi khi như tình chị em khi như tình trai gái. Nó làm cậu đau khổ nhưng nhẹ nhõm. Nó làm người con gái cảm thấy lúng túng nhưng thật sự hạnh phúc.
Hạnh phúc ấy đến từ sự biết ơn nên trong trẻo và dịu dàng. Mỗi khi nghĩ về nó tự thấy lòng thật ấm áp. Như là những lúc ngắm nhìn lại những chiếc lá phong ép khô còn giữ được sắc đỏ tươi, để hiểu rằng người đã xa nhưng tấm chân tình ấy vẫn còn nguyên vẹn.
Có thể bây giờ là mãi mãi, không còn ai nhặt lá thu phong, chơi đàn giữa đêm khuya vắng. Không còn ai giận hờn, an ủi. Tóc cũng không còn dài đến ngang vai. Trên cây tình yêu hoa lại một lần nữa nở rộ. Những kỉ niệm sẽ vì thế phai nhạt dần đi. Nhưng trong trí tôi thỉnh thoảng lại vang lên hai câu thơ của cậu "Minh nguyệt mỏi mắt tìm ngọc cũ . Anh hùng khổ dạ nhớ sông xưa". Đôi mắt của cậu, người em, người bạn của tôi đêm cuối cùng mới thật to và xanh trong.
Tôi nhớ cậu, là nhớ lại tất cả những kỷ niệm đã có với Tuấn, Phú, Nhơn, Tèo, Sơn trong một căn hộ cho thuê trên tầng một của tòa nhà số 7 300 khu Monticello. Chỉ có Phú và Tuấn là theo cha mẹ sang đây định cư. Những người còn lại, cũng như Ma, du học tự túc tại trường Nova (riêng Sơn học ở trường Mason).
Một phần ba thời gian của chuyến viễn du tôi trú chân tại đây. Căn phòng có hai phòng ngủ, một phòng khách, một bếp, một công trình phụ giá chín trăm đô một tháng và có khung cửa kính lớn trông xuống bãi để xe. Đứng ngoài ban công sẽ nhìn thấy được những cây cành đang trút lá và một bầu trời đêm đen thẫm lấp lánh trăng sao trong khi gió thổi như giông bão. Chỉ có một điều phiền toái là đêm khuya, việc đóng mở cánh cửa gặp khó khăn. Chúng cứ kêu lên ken két và lập tức sáng hôm sau, một cái đầu bù xù ngái ngủ sẽ thò vào cửa càu nhàu vì đêm qua bị quấy rối.
Chỉ vào buổi tối chúng tôi mới gặp mặt nhau đầy đủ, ăn những bữa ăn nấu vội nhưng thật sự là những bữa ăn vui vẻ, ấm cúng. Thời gian đó tôi ngốn một số lượng phim khổng lồ và chỉ chịu đi ngủ khi đồng hồ chỉ ba, bốn giờ sáng. Những phim này, có cuốn tôi đã xem ở nhà, nhưng giờ coi lại, với những người bạn của tôi, bỗng nhiên tươi mới và sâu sắc hơn hẳn. Là vì sau mỗi lần coi như vậy, tôi vẫn thường hay tranh luận với Phú, cậu bạn nhỏ thó có nụ cười rất tươi làm sáng gương mặt ốm nheo, người đã bỏ hàng mấy giờ đồng hồ lái xe từ Philadelphia về Virginia để kịp gặp tôi, vào buổi tối đầu tiên tôi đặt chân lên nước Mỹ.
Phú không đẹp trai, lại hiền lành, nhút nhát và hay khóc. Hoặc chỉ bởi vì cậu tốt quá, làm gì cũng muốn dành điều tốt đẹp nhất cho bạn bè, làm gì cũng nhường nhịn, lo lắng sợ bạn bè phật ý, thường đến cuối cuộc chơi mới tự mình lùi vào trong một góc tối, trái tim run rẩy vì tiếc nuối những điều lẽ ra phải làm thì lại để vụt bay qua mất. Vì thế mọi người chơi với cậu, cảm thấy cần cậu nhưng trong thâm tâm có chút gì coi thường cậu. Tội nghiệp cậu. Nhưng tôi không biết nói gì. Tôi chỉ ngồi im lặng bên cậu, xiết nhẹ bàn tay nóng ran như lên cơn sốt của cậu, hy vọng sẽ làm lòng cậu nhẹ nhõm hơn.
Đôi khi tôi đột ngột quay lại và như trong bóng tối mênh mông thơm mùi bắp rang của rạp chiếu phim "
ABM" bên thành phố Crystal, khi chỉ có độc hai chúng tôi ngồi coi cuốn phim "Những cậu con trai đừng khóc", tôi nhìn thấy những giọt nước mắt nóng hổi sáng long lanh trên gò má cậu.
Tôi hiểu sự cô đơn là nỗi sợ hãi trong lòng cậu. Đó là lý do vì sao cậu không muốn mất bạn bè, vì bất cứ một lý do nhỏ nhặt nào.
Cũng vì sự cô đơn ấy nên mỗi lần cầm điện thoại, Nhơn có thể nói chuyện hàng ba bốn giờ liền không ngừng lại được. Bọn bạn thường hay kể về Nhơn, bằng một giọng bông phèng nhưng âu yếm, về giấc ngủ và nhu cầu nói điện thoại của cô. Chỉ cần ngồi lên xe trong vòng năm phút, dù nhạc bật rock muốn vỡ cả loa, sau vài cái nhún nhảy là cô đã ngoẹo đầu ngủ ngon lành. Thỉnh thoảng cô nhỏm đầu dậy, đôi mắt đen láy nhìn không chớp qua cửa kính, thốt lên thảng thốt, trời ơi đẹp quá. Người bạn đường vội quay lại bắt chuyện, khen trời xanh mây trắng bay thật đẹp thì cô đã lại lịm sâu vào giấc ngủ. Trong cách cô bình yên ngủ, trong cách cô cười dòn khoe hàm răng sáng bóng, trong cách cô chọc ghẹo mấy cậu bạn trai, trong cách cô bạo mồm buông ra câu chửi thề đầy tự nhiên và nhẹ nhõm, chẳng ai nghi ngờ gì nữa, cô sống vô tư và đơn giản. Thậm chí đôi khi nó còn làm người ta bực cô.
Nhưng bình minh của một ngày ấy, ánh lấp lánh màu hồng ngọc của những tia nắng rọi qua cửa kính phủ lớp bụi mỏng đã vô tình làm vỡ vỏ bọc bên ngoài của cô.
Cô nằm run rẩy trên giường, bé bỏng và yếu ớt như một con chim non bị trúng thương. Gương mặt xinh đẹp và đôi mắt thiên thần ướt đẫm nước. Vì cố kìm tiếng khóc nên ngực cô chỉ phát ra những tiếng nấc nghẹn. Tôi ngồi bó gối nhìn cô, trên một chiếc nệm nhỏ bề bộn sách vở, không biết nói gì. Tôi chỉ biết là nên để cô khóc. Khóc cho một tuổi thơ cơ cực và mất hết tương lai. Khóc cho những ước mơ bị gãy cánh khi bước chân vào đời. Khóc cho những năm tháng cũ phải trả một giá khá đắt để có một ngày mai sáng sủa hơn. Khóc vì một tình yêu đầy tuyệt vọng. Khóc vì những điều phiền muộn này không thể nói được cùng ai. Chỉ có tôi. Nhưng tôi không ở bên cô mãi. Một vài ngày nữa tôi sẽ phải ra đi.
Nên khi tất cả mọi người đều thấy cô cười, cười rất nhiều rất tươi thì tôi chỉ luôn thấy những giọt nước mắt ngập ngừng lăn trên gò má mịn màng của cô. Và tiếng cô thì thầm bối rối "Khóc được rồi tao thấy nhẹ như không. Ngày mai lại có thể đùa vui. Mặc ai bảo mình hời hợt cũng được. Sống ở đây, ngày nào thần kinh cũng căng ra, không biết tự làm vui mình thì chỉ suy sụp mà chết".
Về sau, khi cô rời Virginia sang Texas học, mùa đông dường như dừng chân lại rất lâu trong căn phòng nhỏ. Mọi người không thể ngờ sẽ nhớ cô nhiều đến thế. Đôi khi lại thảng thốt bắt gặp mình đang đợi tiếng kẹt cửa và mong chờ cánh cửa sẽ mở ra. Cô sẽ bước vào mang theo ngọn gió xuân ấm áp và tiếng cười giòn tan vô tư lự.
Lúc đó mọi người hiểu rõ ràng hơn, không phải chỉ lần này, mà rất nhiều lần khác nữa, vì vô tình họ đã đánh mất những khoảnh khắc lý ra đã rất ấm êm và hạnh phúc trong đời sống vốn đầy bất an của mình.
Tôi thường ở nhà hoặc vào Washington
DC một mình. Sáng sớm họ đã ra khỏi nhà và chỉ trở về trong buổi tối muộn. Người đi học ban ngày buổi tối về lại đi làm thêm ngoài quán ăn Nam Việt đến mười một, mười hai giờ khuya. Công việc nặng nhọc là đứng bếp, rửa chén. Nhẹ nhàng hơn như Nhơn và Tèo, làm phục vụ bàn. Tiền tip vừa đủ trả tiền nhà, tiền học. Buồn ngủ cũng chỉ dám chợp mắt một lát rồi ngồi vào máy, hì hụi học bài đến ba, bốn giờ sáng. Ngày mai sẽ lại tiếp tục như một ngày đã qua. Buồn ngủ và mệt mỏi trở thành bệnh kinh niên. Có dịp nó bùng lên, làm đảo lộn mọi sắp xếp đã có sẵn.
Anh chị họ tôi cũng ở trong một căn hộ cho thuê (và có lẽ suốt đời họ sẽ ở như vậy), nhưng nó nhỏ và rẻ tiền hơn trên đường Parkwood. Buổi tối hôm gặp chị, trời giá lạnh và lây rây mưa. Những sợi mưa bạc xuyên qua những tàn lá xanh sẫm, bay vướng vào người như tơ. Những kính cửa run rẩy. Mùi bữa ăn chiều vẫn còn phảng phất quanh phòng khách. Dưới ánh đèn vàng, chị nhỏ bé, xinh xắn trong chiếc áo đầm đỏ rực rỡ của một cô thiếu nữ. Hương nước hoa, có lẽ từ mái tóc nâu của chị thoảng qua rất nhanh. Chỉ khi ngồi sát bên cạnh chị tôi mới trông rõ quầng thâm dưới lớp phấn dầy và những nếp nhăn chạy vòng quanh mắt. Thời gian quả thật là chẳng tha một ai. Chị ấy đã già rồi. Chẳng mấy chốc nữa sẽ lại đến lượt tôi.
Hầu như tất cả mọi thời gian trò chuyện của chúng tôi đều dành cho riêng chị. Thời khóa biểu của chị bảy ngày như một. Sáng tám giờ rưỡi chị đến làm việc cho một tiệm làm móng tay của người Mỹ. Tối chín, mười giờ mới về đến nhà, tay chân rã rời. Tối thứ bảy, chủ nhật lại đi hát cho những đám cưới của người Việt. Bệnh cũng không dám nghỉ vì sợ mất khách. Còn anh làm thợ hớt tóc, lượng công việc có ít hơn nhưng cũng trải dàn đều khắp tuần. Hẹn một ngày chở chị vào Washington DC xem hội hoa đào bên dòng Potomac, nhưng bảy mùa xuân qua vẫn chỉ là lời hứa với nhau. Dần dần chị tự cảm thấy mình như một cái máy. Giận dỗi, yêu thương...mọi cảm giác dường như đông cứng lại. Chỉ có nỗi lo sợ không có tiền để trả nợ nhà, xe... cùng tất cả các chi phí khác trong cuộc sống của hai vợ chồng và gửi về Việt Nam phụ giúp bố mẹ chồng đốt nóng cơ thể, giúp cho chị không quỵ ngã.
Cho đến bây giờ, trong trí chị, Việt Nam vẫn như ngày chị đi. Cuộc sống vẫn bần hàn. Nhà cửa vẫn lụp xụp. Sợ nhất là nhà vệ sinh chật hẹp và hôi hám. Khi tôi bảo Việt Nam giờ khác nhiều. Có nhà ở còn sang hơn cả nhà Mỹ thì chị ngẩn người, luôn miệng hỏi "Really?". Rồi chị buồn bã bảo, Việt Nam bây giờ xa cách chị nhiều.
Chị có điều gì muốn giấu tôi. Mỗi lần định nói ra lại lúng túng dừng lại. Đôi môi run rẩy. Mắt hoe đỏ như sắp khóc đến nơi. Những ngón tay xanh xao của chị níu chặt mép váy cho đến kì nổi gân lên mới thôi. Đêm cuối cùng chia tay nhau trên những bậc tam cấp tối mờ dưới sân rụng đầy lá, chị ôm tôi trong vòng tay mảnh dẻ của mình, nói khẽ, anh chị chắc sẽ chia tay nhau. Chị phát hiện ra ảnh có bồ. Tha thứ bao nhiêu lần rồi vẫn vậy. Em bảo, sống cùng nhau làm sao được nữa khi nằm bên nhau tâm trí lại thơ thẩn đến với người khác. Mà em về đừng cho ba má ảnh biết.
Chị chỉ ngạc nhiên, chị đã làm hết tất cả mọi việc để lo toan cho cuộc sống của anh chị, lo cho cả gia đình bên chồng mà anh ấy vẫn phụ chị. Thôi để chị đi. Chị ước gì có em ở mãi đây bên cạnh chị. Hai chị em tâm sự với nhau cho đỡ buồn.
Dùng dằng mãi chúng tôi mới chia tay. Chị đi rồi. Xe của chị đã lao vào trong đêm, nhưng mùi hương từ mái tóc chị vẫn vương vất ở lại. Nước mắt của chị bám trên má tôi thành những giọt hương mát lạnh. Tôi tưởng tượng ra một căn phòng nhỏ suốt ngày vắng bóng người. Năm này sang tháng nọ. Sự vắng lặng đó làm cho lửa cũng trở nên nguội lạnh chứ nói gì đến tình người.
Những ngày ở Mỹ tôi bỏ thói quen dậy muộn. Thời gian bây giờ đối với tôi thật hiếm hoi và đáng quí. Tôi luôn cảm thấy tiếc mỗi giờ phút sắp trôi qua. Tôi thường dậy khi trời còn mờ sáng. Sau tấm rèm cửa nắng xanh màu lá nõn uyển chuyển bay trên những nóc nhà cao tầng của thành phố New York và những tấm kính cửa bắt đầu sáng lên lấp lánh. Tôi mặc vội áo khoác, mở cửa bước xuống con đường vắng vẻ. Lúc này Lola vẫn ngủ say, mặt dúi vào gối. Hai cánh tay, hai cẳng chân trần to béo và đen bóng dang rộng, thò hẳn ra ngoài chăn.
Lola không phải là một cô gái đẹp nhưng biết làm điệu. Lại hồn nhiên, vô tư mặc dù đã có đứa con trai bốn tuổi và cuộc hôn nhân lần thứ Nhất gãy đổ, tiếng Anh cũng rất chuẩn nên tất cả mọi người đều yêu quí cô.
Tôi và Lola thuê chung phòng để tiết kiệm tiền đi chơi những nơi khác. Căn phòng nhỏ với hai chiếc giường nhỏ luôn luôn bề bộn quần áo, sách vở và tràn ngập mùi dầu thơm đặc biệt của nước Nigieria, rõ nhất là sau khi cô bước ra từ nhà tắm. Vì những cánh cửa sổ thường được khép lại nên cái mùi này không bay đi mà luẩn quẩn trong phòng cả ngày. Hôm đầu tiên nó làm tôi khó chịu, nhức đầu. Sau thành quen, thành nghiện. Những hôm về phòng đã được dọn dẹp sạch sẽ, mùi nước hoa xịt phòng át đi mùi hương của Lola, lại thấy nhớ.
Lola thường bôi nó lên mái tóc xoăn tít. Lên bộ váy sặc sỡ. Lên nước da đen nhẫy. Tôi không thể hình dung được nếu Lola dùng một loại nước hoa nào của Lancôme hay Christine Dior sẽ ra sao. Rõ ràng với một người như cô mọi chuyện đều có thể. Nhưng tôi không mong muốn điều đó và không tin điều đó. Cho dù tháng mười này cô sẽ cưới chồng ở NewYork và trong tương lai sẽ chuyển tới Luân Đôn.
Trong khi tất cả mọi người không thích thì tôi lại có cảm tình đặc biệt với nó. Bởi vì mùi hương này như là Nigieria của cô vậy. Người ta không thể quên hay lầm lẫn Tổ quốc được.
Nó thơm vị hắc, đặc quánh và béo ngậy. Nhấm nháp một chút, nó bắt đầu ngọt lên dần dần. Đến khi vị ngọt đã đông lại trên đầu mũi thì đột ngột tan ra, dịu dàng trở về vị hăng hắc ban đầu. Lần này nhẹ nhàng chứ không dồn dập như lúc đầu. Thêm vài lần đặc lại và tan ra như thế, nó đưa lại cảm giác nhẹ nhàng khó tả. Trong hơi lạnh của những ngày đầu thu nó làm không khí ấm lên và đầy quyến rũ.
Lola ồn ào và náo nhiệt. Cô ít buồn, thích ăn ngon, uống rượu mạnh, đọc thơ và hát ầm ĩ ngoài đường phố với một phong cách rất Mỹ. Mỗi khi có chuyện gì làm cô hứng thú, đôi môi dầy màu hồng nhạt lại trề xuống và đôi mắt vốn dĩ đã to của cô mở lớn, như một cái hồ sâu thẳm ai chẳng may trượt chân rơi xuống sẽ khó bơi vào được đến bờ.
Thỉnh thoảng Lola về lại mang theo một đống áo quần hoặc sách đại hạ giá. Cô tống chúng vào trong một cái túi kéo khổng lồ. Giá cả của những thứ vật dụng tốt và đẹp ấy rẻ đến độ làm cho tôi, một người luôn nhạt nhẽo với chuyện mua sắm cũng phải phát thèm và rối rít hỏi cô cửa hàng nằm ở đâu.
Nhưng phải may mắn mới gặp được đợt hàng giảm giá đặc biệt của các cửa hàng. Đó thường là vào những dịp lễ như Lễ Lao Động, Halloween, Giáng sinh... hay sắp tung ra một đợt mốt mới. Thời kỳ này, thời trang của các cô gái Mỹ vẫn là kiểu áo tay lỡ và đầm xẻ hai tà Hàn Quốc, màu tro, ruốc hoặc đen trắng. Ngay cả những cô nàng to béo cũng diện những chiếc áo Hàn Quốc ôm sát người, tự tin đi lại trên đường phố, mặc dù trông các cô giống một khúc giò thơm phức mùi nước hoa đang chuyển động. Trong tiệm Gab, một cái thắt lưng Ý giá hai mươi mốt đô có hôm hạ xuống giá bốn đô rưỡi, một cái mũ lưỡi trai mười lăm đô còn hai đô bảy mươi lăm...Hàng vẫn còn mới và thơm mùi hồ. Ngày nào trong siêu thị cũng có khách, nhưng vắng. Họ chỉ đi dạo theo kiểu "Window shopping" ( mua sắm qua cửa kính) như một cách để giải trí. Người Mỹ cũng như người Việt, không phải lúc nào cũng sẵn tiền để vung tay. Đợi đến đợt giảm giá họ mới mua hàng. Và mua nhiều.
Chị họ tôi hồi mới sang, thời gian đi shopping còn nhiều hơn thời gian ở nhà và làm việc cho tiệm Mac Donald's. Vui cũng đi. Buồn cũng đi. Rảnh rỗi cũng đi. Mà bận rộn lắm cũng phải nhín chút thời gian để đi. Không đi thì nhớ. Giống như lên cơn ghiền. Nó nhiều thứ đẹp quá mà, chị ngượng ngùng phân bua, lại to rộng đi cả ngày không hết, không chán. Mình không có được cái đẹp đẽ sung sướng thực chất của nó thì hưởng nó trên bề mặt cũng được. Tôi nghe chị nói, thấy thật thương, thật xót. Cái câu của chị hiểu rộng ra có nhiều ý. Ngẫm lại mình, trong vạn sự, trong đời sống, trong tình yêu, trong sự cô đơn, trong thời gian... đều không thể nắm bắt được thực chất của nó.
Tôi ngồi trên một ghế băng nhỏ bằng đá trong một siêu thị nhỏ của Iowa chờ Sandy mua bánh mì. Giá cả ở Iowa so với Chicago hoặc New York giống như ở Hội An với Sài Gòn. Người dân ở đây cũng hiền lành, dễ thân thiện hơn. Hai tuần ở đó hầu như ngày nào chúng tôi cũng có một bữa tiệc tổ chức tại nhà của các nghệ sĩ hoặc giáo sư trong trường. Tôi không thích đến những buổi tiệc đông người. Nhưng chính ở đây, trong những căn nhà thơm mùi vỏ cây sấy khô này, trong những bữa tiệc của bia vàng óng và rượu vang thơm phức tôi tìm được những tình cảm vô cùng đáng quí.
Một bà già bé nhỏ mặc một chiếc áo dài trắng bằng vải thô, trên vai khoác chiếc khăn lụa màu vàng, không hiểu sao chúng cứ sáng lên lấp lóa, hai mút khăn như hai bàn tay vẫy, đứng đón chúng tôi dưới chân cầu thang gỗ ẩm và tối. Bàn tay bà nhỏ nhắn, ấm nóng và thơm mùi dầu. Bà tên là Hualing Nieh Engle, người Mỹ gốc Hoa, sáng lập viên của chương trình viết văn quốc tế trường Đại học Iowa.
Chúng tôi theo bà lên lầu. Trong bóng tối những nếp váy chạm vào nhau loạt soạt. Mùi dầu nóng làm tôi thấy dễ chịu, như đang được về nhà mình.
Người đã đến rất đông, ngồi trên những ghế nệm bọc nhung đỏ trong phòng khách hoặc đứng ngoài ban công đầy gió. Họ lịch lãm và duyên dáng trong những bộ lễ phục trong khi chúng tôi áo quần xộc xệch, thậm chí Gleb còn đánh một chiếc quần cộc ngang đầu gối màu xanh lá mạ. Bà Hualing nhỏ bé, gần như là lướt đi trên sàn với tiếng loạt soạt của áo lụa mới, mời mọi người dùng bữa bằng một giọng nhẹ và trong vắt.
Cho đến lúc này tôi đã quen với kiểu ăn của Mỹ. Thức ăn thường béo ngậy vì pho mát, vì hương vị được tổng hợp từ đủ loại thịt trộn rau quả ướp lạnh, vì màu sắc lờ nhờ không gây được cảm tình và nó nhiều bằng gấp ba lần suất ăn của một người bình thường. Có lẽ vì thế người ta bảo dân Mỹ phàm ăn và số lượng người béo phì ngày càng tăng lên đáng kể.
Nhưng thật sự là chúng tôi đã có một bữa ăn ngon tuyệt vời ở nhà của Sandy. Đó là đêm cuối cùng ở Iowa, sau hai tuần thân thiện và gần gũi, nên ai cũng có vẻ buồn buồn. Trời bắt đầu vào thu. Những rừng sồi bao quanh khu nhà của Sandy lá vẫn xanh biếc nhưng trên các bờ dậu, những chiếc lá thon nhỏ đã bắt đầu chớm đỏ như những cặp môi son thiếu nữ. Gió thổi hơi ẩm vào nhà đánh thức những bông cúc kim vàng nhạt đang thiếp ngủ trên bệ cửa. Ánh sáng dịu dàng từ chùm đèn pha lê tỏa xuống làm bữa ăn thêm trang trọng và cảm động.
Mọi thứ đều giản dị nhưng tao nhã như chủ nhân của nó. Trên bàn người ta bày khoai tây hấp ăn với kem pho mát trắng tươi. Sườn heo rô ti màu huyết dụ theo kiểu Ấn đặt trên một chiếc đĩa sứ có viền vàng và chân bằng bạc. Một ít xà lách trộn với những quả ô liu tím thẫm đựng trong thố thủy tinh dùng với trứng luộc. Bơ chảy vàng óng trên những khoanh bánh mì nóng hổi. Có tới hai ba loại rượu trên bàn, như trong các bữa ăn Pháp. Sandy nói tiếng Pháp rất giỏi và yêu nước Pháp. Bà thường hay mơ màng về dòng nước xanh biếc trong lòng sông Seine, về ánh mặt trời màu hoàng yến khô ráo trên nóc nhà thờ Đức Bà Paris và mưa phùn ướt đẫm khu đồi Mongmac của các nghệ sĩ. Tôi không biết Paris đẹp và thơ mộng ngần nào, nhưng nhìn vào mắt bà tôi dám chắc chắn rằng trời Paris phải có màu xanh sâu thẳm như thế.
Bữa ăn chỉ có tôi, Sandy, Gleb và Kote. Chồng của Sandy đi công tác đã hơn một tuần. Hai đứa con trai đều đang làm việc ở Boston. Lâu lắm rồi bà không gặp chúng . Cái cảnh sống một mình, ăn một mình, ngủ cũng một mình thế này quen rồi. Đến khi ở với chồng, với con lại thấy lạ lẫm. Lại thấy gò bó. Ở đây, con cái lớn lên là đi chỗ khác. Sandy nói bằng một giọng nhẹ nhàng. Coi như nghĩa vụ của cha mẹ con cái đối với nhau chấm dứt.
Trong lúc dùng trà, một người Nga xa xứ đến đón Kote về nhà ông. Chúng tôi cũng dọn dẹp bàn ăn. Tối nay ở Hancher có biểu diễn ba lê. Nhưng khi chúng tôi đến nơi, màn cuối đã hạ. Gleb biến đi đâu mất hút. Sandy cười ý nhị, các cậu thanh niên bao giờ cũng thế. Có khi trong buổi tối này, cậu bé ấy sẽ gặp được một người trong mộng. Thấy tôi tỏ vẻ không tin, bà cười lớn, hãy đợi mà xem. Tình yêu đến với các nhà thơ rất nhanh và ra đi cũng rất nhanh. Cậu bé ấy lại là một người tình cảm...Mắt Sandy mơ màng. Điếu thuốc trên môi bà tỏa ra những vòng khói nhỏ xíu, cay cay ở mắt.
Mười hai giờ khuya tôi đang ngồi gà gật dưới phòng khách đợi bạn thì cánh cửa khách sạn bật mở. Gleb mặt đỏ bừng, đầu hơi chúi về trước làm đôi vai gồ lên như bị gù ( cái dáng đi này làm anh có vẻ buồn rầu và khổ sở), bước xăm xăm tới cầu thang máy. Theo sau anh là một cô gái cao ốm, tóc vàng, trang điểm nhợt nhạt, mặc bộ áo quần bằng lụa đen, trông ra còn cao hơn Gleb cả một cái đầu. Gleb không thấy tôi. Chẳng mấy chốc thì họ đã biến mất.
Sáng hôm sau, Gleb ngồi ở một góc xe, buồn thiu. Tôi quay xuống, nửa đùa nửa thật, đêm qua anh ngủ ngon chứ? Gleb chớp chớp hàng lông mi dài sau cặp kiếng cận, mặt đỏ bừng lên, lúng túng, ôi Khê đek, Khê đek. Miệng cười một nụ cười như mếu.
Khê- đek là tên Gleb đặt cho tôi. Không hiểu sao Gleb không bao giờ nhớ và gọi được tên tôi. Chúng tôi vốn ít chuyện trò với nhau. Nhưng dường như có một lúc nào đó chúng tôi đã phải lòng nhau.
Bởi vì Gleb là một anh chàng rất đẹp trai, tóc hung, da trắng, môi nhỏ và đỏ như con gái, ngoại trừ chiếc mũi hỉnh rất Nga xô viết và toàn thân ướp nồng mùi thuốc lá. Gleb giống như một sợi dây tình cảm gắn liền vào quá khứ, vào cái thời chúng ta say mê hát những bài hát Nga, đọc những tiểu thuyết Nga bằng một tình yêu đắm đuối và mạnh mẽ. Mỗi lần nhìn Gleb, lại thức dậy trong lòng tôi hình ảnh của những hàng thùy dương hát, của những đàn sếu bay và những đêm trắng tươi đẹp ngự trị dài lâu trên thành Leningrad.
Bởi vì ngay buổi đầu gặp mặt, anh chàng mặt lạnh như tiền, đưa tay cho tôi bắt mà không nói tiếng nào, không cười với tôi một lần nào. Đã thế tôi cũng làm lơ, không cần bắt chuyện nữa. Cho đến buổi tối trong sân nhà Slam ở Chicago, tôi phát hiện ra một anh chàng Gleb khác: hóm hỉnh, tinh tế và hồn hậu hơn nhiều vạn lần ấn tượng ban đầu của tôi.
Năm ngày liền ở Chicago tôi không gặp được một người Việt nào, đi đâu cũng thui thủi môt mình. Giờ ngồi giữa khu vườn nhỏ có chiếc cổng gỗ bám đầy dây trường sinh xanh biếc, trông những ngọn đuốc nhỏ cháy sáng trong các góc tối, nghe tiếng đọc thơ trong phòng vẳng ra, tôi thấy nhớ nhà không sao chịu nổi. Có một bàn tay đặt lên vai tôi nặng trĩu và một giọng nói ấm áp vang lên "Cô thấy cô đơn à?" . Tôi ngẩng lên. Trước mặt tôi là anh chàng Gleb với nét mặt vẫn khó đăm đăm. Tôi bảo, phải, tôi thấy cô đơn. Tôi nhớ nhà. Gleb choàng vai tôi, cười dịu dàng "Vậy thì đi vào uống bia đi. Bạn sẽ thấy dễ chịu hơn". "Nhưng tôi sẽ nhức đầu". Gleb bảo, à bạn sẽ bị Khê-đek và khăng khăng bắt tôi phải phát âm cho kì được chữ này trong khi tôi chẳng hiểu nghĩa của nó là gì. Về dò từ điển không có, tôi đành cho rằng đó là một từ tiếng Nga đã được bỏ quên lâu lắm từ ngày tốt nghiệp Phổ thông Trung học. Buổi sáng gặp lại, Gleb hỏi tôi vồn vã "Khow-are you?". Thế là tôi đã hiểu. Khê- đek là headache. Ở tiếng Nga không có chữ H mà chỉ có chữ X (khờ), nên bất kì chữ nào có mẫu tự H đều được Gleb đọc trại ra thành Khờ hết. Từ đó trở đi, gặp Gleb ở đâu, Lola cũng kêu ầm lên "Khow are you, Gleb?" làm anh chàng đỏ mặt tía tai.
Từ đó chết tên tôi là Khê-đek. Còn tôi gọi anh là Xlep ( khờ lép)- Bánh mì.
Sự tinh tế và ân cần của anh lúc đó đã làm tôi sửng sốt và ấn tượng. Giống khi anh nói cộc lốc "Đây là mùi vị Nga" khi hai chúng tôi dùng món salad gà với vốt ca trong quán ăn nhanh ở Maryland để lấy sức tìm đường về nhà. Anh cúi mặt xuống đĩa thức ăn. Tôi để ý thấy tay anh run lên nhè nhẹ. Anh nhìn chằm chằm vào mắt tôi, nài nỉ, đây là tối cuối cùng. Hãy uống một ly với tôi. Vì ly rượu này mà cả đoàn phát hoảng tưởng tôi đã mắc phải một căn bệnh nóng sốt trầm trọng. Sau đó suốt buổi tối là sự im lặng đến khó hiểu. Thậm chí chúng tôi cũng không nhìn nhau một lần nào. Cho đến khi chúng tôi ôm hôn nhau từ biệt, Bánh mì mới nói, như là câu tôi muốn nói nhưng cổ họng cứ nghẹn lại "Tôi sẽ nhớ bạn rất nhiều"
Và đó cũøng là vì tôi đọc được một câu thơ của anh trong bài "Nỗi buồn". Nỗi buồn như tuyết trắng phủ kín tâm hồn tôi. Tôi sẽ không nói nó hay hay dở. Tôi chỉ thấy nó giống như những gì tôi đang có. Những nỗi buồn thật đẹp và trong trắng. Những nỗi buồn thuộc về bản chất, hoang sơ và vĩnh viễn không mất đi. Trong nỗi buồn đó ta vui sướng nhận ra ta là Người và người nhận ra người với nhau.
Điều này cứ day dứt mãi, ranh giới giữa Niềm vui và Nỗi buồn và mọi cảm xúc.
Tuấn hay kể cho tôi nghe ngày mới sang nước Mỹ. Một ngày giữa mùa đông giá buốt. Tuyết phủ trắng khắp nơi. Trắng đến nao lòng. Đi giữa tuyết trắng, mặc không biết bao nhiêu áo mà vẫn rét run lên. Hồi đó nghĩ vì chưa quen thời tiết, nhưng thật ra không phải vậy. Thường khi trời có tuyết không khí khô ráo và ấm hơn nhiều. Chỉ tại cái lạnh từ trong lòng lạnh ra. Mà nếu là như vậy thì chẳng có áo nào khăn nào làm ấm nổi. Nhìn tuyết rơi nước mắt cũng rơi không cầm được.
Thứ tình yêu mà cậu nuôi nấng trong tim bao nhiêu năm trời cũng như tuyết. Có khi nó đông lại thành băng cứng. Có khi lại chảy tan ra dưới ánh mặt trời ấm áp đầu xuân. Nhưng bởi vì nó trong sáng và hồn nhiên quá, nên chỉ cần một vết dơ nhỏ cũng làm tổn thương. Tôi vẫn mong mỏi mối tình của cậu đơm hoa kết trái, nhưng lòng luôn mơ hồ sợ hãi sự xa cách sẽ giống như bão tuyết, làm cây cành trụi lá trơ trọi.
Mọi người bảo Washington DC và Virginia là thủ phủ của các loài hoa. Nhưng chỉ trên những đường phố New York, hướng về Times Square tôi mới thấy người ta bán hoa ngoài đường nhiều như vậy. Những bó hoa bọc giấy kiếng, cắm trong những xô thiếc xám hoặc những thùng gỗ nhỏ, nước ri rỉ chảy qua miệng nẹp bằng sắt thành những giọt trong và sáng như ngọc. Sang trọng hơn có những quầy nhỏ với hai cửa kiếng đục luôn luôn mở rộng vì lượng hoa quá nhiều phải đặt tràn ra lề đường. Những bông hoa to khỏe, sặc sỡ. Chúng là một tổng hợp hỗn độn của những màu sắc đối chọi nhưng vô cùng hài hòa. Trên những cánh hoa mỏng mảnh dường như còn bám đầy sương của những miền đất xa lạ. Chúng tựa đầu vào vai nhau, thầm thì hát với nhau những bài ca của màu sắc. Chỉ có điều lạ là ngay cả khi dúi đầu vào trong đám hoa khổng lồ, tôi vẫn không tìm ra được một chút hương nào gây ấn tượng. Chúng hầu như không có hương thơm, ngoài một chút ngai ngái của cỏ dại và lá cành tươi mới cắt. Điều đó làm tôi thất vọng. Giống như khi ngắm nhìn một cô gái đẹp. Nhưng sau vẻ đẹp kì diệu ấy đã là một dấu chấm hết.
Nhưng dù sao chúng vẫn làm sáng ngời lên những đường phố tập nấp ồn ào và làm dịu đi sự căng thẳng mà những tòa nhà cao chọc trời mang lại.
Trong khu vườn nhỏ bao quanh căn nhà gỗ ở khu Falls Church, bên những gốc dẻ bị cưa sát đất, bên những cây anh đào trụi lá, những cây liễu hoàn diệp xanh biếc và những cây phong cháy đỏ, ba mẹ Tuấn trồng rất nhiều hoa. Đó là lý do vì sao hôm nào trên bàn ăn hoặc trong phòng khách cũng có một bình hoa to rực rỡ, đông cũng như hè. Cách một vài ngày Nhơn lại sang nhà, nói đùa vài câu ồn ĩ phá tan sự vắng lặng của khu vườn rồi lại ào đi mất hút, mang theo một bó lớn cúc, tầm xuân hay sâu nhái với khuôn mặt bắt đầu ửng hồng vì sung sướng.
Ba mẹ Tuấn yêu hoa bằng một tình yêu da diết. Những người vốn yêu hoa như vậy tâm hồn thường quá đỗi nhạy cảm và dễ bị tan vỡ. Chỗ của họ không phải là ở một cuộc sống căng thẳng như thế này. Ở một nơi mà mọi thứ luôn trở thành lạc lõng và xa lạ.
Chúng tôi ngồi quanh chiếc bàn hình bầu dục. Bóng chiều bò qua những khe cửa gỗ luồn vào phòng làm cho mọi vật tối sầm lại. Ánh đèn vàng giúp cho khung cảnh ấm hơn. Nhưng không làm tan đi được nỗi buồn trong đôi mắt của người đàn bà xa xứ đang ngồi trước mặt tôi. Và vì không khóc được nên như có một màn sương mỏng phủ lên, nó ướt át và đầy đau đớn. Bà đứng dậy múc thêm thức ăn vào chiếc dĩa thủy tinh, khe khẽ thở dài. Món bì cuốn của bà ngày hôm nay rất ngon. Nhưng bà luôn miệng bảo rằng, bà không có thì giờ để chuẩn bị kĩ hơn. Vả lại, đồ ăn ở Mỹ bao giờ mùi vị cũng nhạt hơn so với nước ta. Nói đến chữ này, mắt bà lại chớp chớp. Mặt bà đỏ lên bối rối.
Không ai nói gì với bà. Tất cả họ đều ngồi yên lặng, mặt cúi gằm xuống chén thức ăn. Thỉnh thoảng chồng bà ho một tiếng rất khẽ. Rồi lại yên lặng trở lại.
Rồi có một ai nói một câu hài hước gì đó. Bà cũng mỉm cười. Màn sương mỏng hơi loãng ra nhưng ánh buồn trong mắt không thay đổi. Lúc này trông bà thật bé nhỏ. Sau cùng bà bảo, tôi chỉ thấy hạnh phúc và vui khi ở Việt Nam. Có lẽ tôi sẽ phải về Việt Nam sống. Trời ơi, ngay cả cái nắng của Sài Gòn cũng lãng mạn và dễ chịu hơn. Tôi không hiểu tại sao tôi lại có mặt ở đây. Bàn tay mảnh dẻ của bà đặt trên bàn run run. Những móng tay nhỏ nhắn sơn bạc ánh lên như những vỏ xà cừ nhỏ xíu.
Suốt những ngày tôi ở, bà chỉ nói một câu như vậy. Nhưng tôi nhìn thấy sức mạnh của tình yêu được bà nén chặt trong câu nói. Phần thời gian còn lại, bà trở nên lặng lẽ hẳn. Thỉnh thoảng bà nhìn tôi, mà có lẽ không phải là nhìn tôi. Bà nhìn vào khoảng không phía sau tôi, như hy vọng sẽ gặp được những hình ảnh thân yêu của Việt Nam ở đó. Khi tôi đón được ánh mắt bà, cái nhìn đột ngột trở nên thảng thốt và ngơ ngác. Nó làm trái tim tôi co thắt lại.
Đôi mắt của bà không hiểu sao luôn làm tôi nhớ đến Kote. Nhớ đến một ông già to cao, tóc bạc cắt sát đầu, lởm chởm như một cái bàn chải cùn bằng sợi cước. Ông mặc chiếc quần bố đen có hai túi khổng lồ ở đầu gối, trên đầu đội một chiếc nón két bằng nỉ đen, miệng lúc nào cũng thở ra đầy hơi thuốc và rượu mạnh. Và dù cho trời có lạnh giá cỡ nào đi nữa, ông vẫn phanh áo khoác để lộ chiếc áo thun in những dòng chữ viết bằng thứ tiếng của nước ông. Ông tỏ vẻ lơ đễnh với nước Mỹ, giống như đây chỉ là một cuộc viễn du khiên cưỡng và mỏi mệt. Hơn bao giờ hết, ông thích nằm dài trong phòng, trên chiếc giường con trải drap trắng muốt, viết thơ lên giấy bằng một cây viết chì to bản cụt ngủn.
Ở nước Mỹ, nhưng ông viết thơ về Georgia. Chỉ luôn viết thơ về Georgia. Mảnh đất ấy mang đến cho ông một nguồn cảm xúc mạnh mẽ và một tình yêu bất tận. Sống trong nó, ông hồn nhiên và thơ ngây như một đứa trẻ.
"Tôi không thể sống mà thiếu Georgia. Như thở mà thiếu khí trời được"
Tôi thuộc lòng câu nói của ông. Điều này có vẻ như đúng với cả chính tôi. Nhưng chỉ khi bước chân ra khỏi biên giới, ngoảnh nhìn lại Tổ quốc thân yêu trong ánh bình minh đang lên, tôi mới cảm nhận điều đó một cách rõ ràng hơn.
Với Kote, tình yêu Goergia không bao giờ nhỏ bé đi hay to lớn hơn được nữa. Nó đã trở thành máu thịt, thành hơi thở, thành đời sống hàng ngày mà ông đang sống. Mang trong người tình cảm ấy, nơi đâu cũng là Georgia của ông. Bầu khí nào cũng là bầu khí của quê hương ông hết.
Ông thích nói và nói nhiều, bằng một thứ Anh văn xiên xẹo trộn lẫn với tiếng Georgia. Mỗi khi ông cất tiếng, Lola lại trợn mắt và Gleb cúi mặt xuống bàn, giả như tìm đọc một thứ gì đó rất hấp dẫn làm anh phải nhếch khóe miệng xinh đẹp lên để mỉm cười. Nói chung phải khó khăn lắm người ta mới vỡ lẽ được ông muốn nói gì. Ông thường làm cho mọi người bật cười vì những câu phát biểu hoàn toàn lạc đề của mình. Ví dụ như khi người ta yêu cầu mỗi nhà văn, nhà thơ sẽ đọc tác phẩm của mình ở nhà sách Prairie Lights, ông đề nghị được đọc thêm tiếng Georgia. Mọi người nhất loạt hoan nghênh ý kiến đó và chuyển sang nói về vấn đề khác thì ông đột ngột đứng dậy, hỏi to đầy giận dữ "Tại sao tôi không thể đọc thơ của tôi bằng tiếng Georgia được?" làm mọi người choáng cả người. Hay nói lung tung nhưng Kote là một ông già tình cảm. Ông hay vuốt tóc tôi và kể về đứa con gái lớn đang sống ở Bỉ. Mắt ông đỏ lên và mũi bắt đầu sụt sịt như người cảm nặng. Cái đầu to lớn nặng nề gục xuống một bên vai.
Rồi trong bất cứ bữa tiệc nào, sau khi đã uống cạn vài ly rượu, ông lại cất giọng hát những bài hát bằng tiếng Georgia. Ông chỉ những dòng chữ Georgia trên ngực áo (những chiếc áo thun này được treo trang trọng trong phòng đọc sách nhỏ và ấm cúng của Prairie Lights, như để minh họa cho những bài thơ viết về Tổ quốc vĩ đại và thân yêu của ông) và nói bằng một giọng khản đặc "Georgia nghèo nhưng tôi yêu Georgia. Georgia luôn ở trong trái tim tôi" .
Tình yêu Tổ quốc sâu sắc của ông càng ngày càng làm ông trở nên đáng yêu hơn đối với mọi người.
Khi đứng bên bờ dòng sông nhỏ của Indianola, chân cắm trong đám bùn đen mát lạnh và da bị ánh mặt trời trưa đốt cháy, tâm trạng tôi thật khó tả. Ngay lập tức tôi muốn ngồi bệt xuống giữa những đám cỏ dại mềm mại và thò tay xuống làn nước trong vắt để trấn tĩnh lại mình. Tôi bắc tay lên miệng làm loa hét lên một tiếng thật to. Tiếng hét bay lên lơ lửng trong không trung rồi đột ngột rơi tõm xuống nước, kéo theo nó là những vệt nắng sáng trắng và im lặng bao trùm khắp nơi.
Chỉ còn nghe tiếng gió lao xao rất nhẹ. Tôi ngẩng đầu lên và tự hỏi, tại sao tôi lại có những cảm xúc bối rối này. Tại sao tôi lại có cảm giác mất mát khi tôi đang có tất cả: Tổ quốc, tình yêu, tuổi thanh xuân và những năm tháng tươi đẹp? Tại sao tôi lại thấy nhung nhớ họ ngay khi cuộc viễn du chưa kết thúc và hồi còi tiễn biệt chưa lên tiếng?
Tại sao?
Tại sao...
Tại sao...
Tại sao tôi phải là tôi để đứng bất lực nhìn thời gian bay qua trên đôi cánh trắng, mang theo đi biết bao là những dấu yêu của cuộc đời. Mang theo đi biết bao nhiêu là hạnh phúc, nỗi đau, niềm vui, những gương mặt bạn bè... và làm nhạt phai tất cả.
Nhưng chính nhờ những nghi hoặc ấy, tôi mới hiểu là mình đã có được quá nhiều để sống bao dung và tử tế hơn.
Ngày chia tay, San Francisco lại tiễn tôi trong một buổi sáng đầy sương mù. Ngoài cầu cảng Người Đánh Cá vẳng vào tiếng sóng vỗ ầm ì và tiếng còi tàu buồn bã.
Người da đen đứng ở quầy kiểm tra hành lý nhìn tôi chăm chú rồi nhoẻn miệng cười, hai bàn tay to tướng đập vào nhau bồm bộp. Và theo một thói quen lịch sự, ông ta bảo, see you again.
Máy bay nặng nề cất cánh. Chẳng mấy chốc đã chìm vào mây. Ngoài cửa sổ bám đầy những tảng mây mùa đông xám ngắt màu chì. Nó có vẻ cứng đến độ mặt trời không tài nào xuyên thủng qua được.
Người tôi nhẹ dần. Nhẹ dần. Tôi nhắm mắt thật chặt. Tôi thấy thật sự là lúc này, tôi đang bay qua thời gian để quay về với những ngày tôi đã sống.
30/4/2014
Nguyễn Thị Châu Giang
Theo https://ngoisao.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nguyễn Huy Thiệp - Con sông vẫn "Thao thiết" chảy

Nguyễn Huy Thiệp - Con sông vẫn "Thao thiết" chảy Cuốn Anh hùng còn chi của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vừa được NXB Hội Nhà văn ph...