Mãi đừng xa tôi (nguyên tác bằng tiếng Anh: Never let me go, Trần Tiễn Cao Đăng chuyển ngữ) là cuốn tiểu thuyết của nhà văn Anh gốc Nhật Bản Kazuo Ishiguro. Tác phẩm được sáng tác năm 2005, được tạp chí Time Magazine xếp vào danh sách 100 cuốn tiểu thuyết Anh hay nhất từ năm 1923 đến năm 2005, đưa Ishiguro đến vinh quang giải Nobel Văn chương năm 2017.
Tạp chí Time đã nhận định bảo chứng cho cuốn tiểu thuyết này như sau: “vừa hấp dẫn vừa xúc động lòng người… một tiểu thuyết kỳ tài, với sự căng thẳng thắt gút và với nỗi đớn đau chôn chặt”. Lời nhận định nửa kín nửa mở ấy trên bìa gấp cuốn sách gây tò mò cho bạn đọc đến mức không thể không xông pha vào ma trận ngôn từ đầy ẩn ý và biểu tượng của tác phẩm.
Mãi đừng xa tôi thuộc thể loại tiểu thuyết khoa học giả tưởng về một giải pháp khoa học nhân danh vì con người, phục vụ con người nhưng rất phản nhân văn, đang bị loài người tẩy chay, lên án – phương pháp nhân bản vô tính.
Năm 1996, cừu nhân bản vô tính Dolly ra đời. Đây là động vật có vú đầu tiên được nhân bản vô tính. Với sự hiện diện của cừu Dolly, giới khoa học đã dự báo: “Về mặt lý thuyết, sinh sản vô tính người hoàn toàn có thể thực hiện được khi bản đồ gene người được công bố năm 2000.” Tuy nhiên, từ quan sát cừu Dolly, giới khoa học nhìn ra nhiều cảnh báo. Đó là nó có dấu hiệu bị lão hóa khi mới một tuổi, bị viêm khớp lúc năm tuổi và chết lúc sáu tuổi – một nửa của tuổi thọ trung bình của loài cừu. Cừu Dolly đã nhận “cái chết êm ái” (một mũi tiêm) để thoát khỏi bệnh viêm phổi hành hạ.
Vì những lẽ trên, những dự báo khoa học cho thấy nhân bản vô tính người sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề đạo đức như tỉ lệ rủi ro rất lớn (tỉ lệ tế bào sống sót rất thấp, trong khi tế bào trứng để nhân bản là nguồn tài nguyên không dễ có), dễ sẩy thai (do nhau thai quá khổ, máu lưu thông khó, vì vậy bào thai khó phát triển), sức khỏe kém, v.v…
Điều mà những nhà nhân văn học lo ngại nếu như nhân bản vô tính con người được tiến hành thì vấn đề không chỉ là những kết quả y khoa nói trên có thể tạo ra những cá thể người khiếm khuyết mà quan trọng là, con người đã bị đối xử như vật liệu thô, cung ứng các nội tạng để thay thế cho các nội tạng bị bệnh, bị phá hủy. Và như thế, đó là vấn đề thuộc về đạo đức. Tiến sĩ Robert Lanza (Mỹ) đã nói về cơn ác mộng nhân bản người: “Rất nhiều người coi việc nhân bản vô tính là một việc làm rất đáng ghê tởm, không tự nhiên và đáng lo ngại”.
Trên tinh thần cảnh báo về một tương lai đen tối của giá-trị-người, nhà văn Kazuo Ishiguro đã nghiền ngẫm viễn cảnh thê thảm của những cá thể người nhân bản vô tính nhằm mục đích hiến tạng. Tiểu thuyết khoa học giả tưởng cho phép nhà văn phát huy tối đa trí tưởng tượng về thế giới tâm hồn nhạy cảm của những con người được sinh ra bất bình thường nên cũng không được đối xử là con người. Bi kịch ở chỗ là họ có đầy đủ bản tính người, tâm hồn người với tất cả buồn đau, sợ hãi, cảm xúc tình bạn tình yêu, ham muốn khát khao… nhưng lại bị đối xử là “giống gì khác chứ không hẳn là người”!
Tác phẩm lấy bối cảnh nước Anh năm 1990. Câu chuyện xoay quanh mối quan hệ giữa ba người bạn: Kathy (người kể chuyện), Tommy và Ruth. Truyện mở ra từ những dòng hồi ức của Kath hồi thiếu thời trong trường nội trú Hailsham. Đó là ngôi trường đặc biệt, dành để nuôi dạy những đứa trẻ được nhân bản vô tính với mục đích cho những lần hiến tạng cho con người khi chúng trưởng thành. Giờ đây, khi Ruth không còn trên cõi đời, Tommy “đã xong hẳn” sau lần hiến thứ tư, Kath đã ba mươi mốt tuổi, làm nghề chăm sóc hơn mười một năm, “nhận ra mình đang đi trên một con đường chưa bao giờ đến”, cô cảm thấy cô đơn và bất an biết bao!
Tác phẩm gồm 23 chương chia thành ba phần: phần thứ nhất 9 chương, phần thứ hai 8 chương, phần cuối 6 chương. Phần thứ nhất tại trường nội trú Hailsham với những thắc mắc, những câu hỏi không bao giờ được giải đáp, chính là để chuẩn bị cho những ưu tư, day dứt về giá-trị-người của thế giới những con người có mặt trên đời không ngoài gì khác chỉ là để hiến tạng! Phần hai là giai đoạn họ rời trường năm mười sáu tuổi, đến Nhà Tranh để chuẩn bị tâm thế hiến tạng. Phần cuối, ngắn nhất, vì đó là quãng thời gian đi đến kết cục rất nhanh khi Ruth và Tommy là người hiến tạng, Kath là người chăm sóc. Kath làm công việc này “rất cừ” – những người hiến được Kath chăm sóc hồi phục nhanh đến độ ngoạn mục và giữ được sự “bình thản”, không “bị kích động” – nên cô được “quyền chọn người chăm sóc”. Cô trở thành người chăm sóc Ruth sau khi Ruth trải qua lần hiến tạng thứ nhất “diễn ra hoàn toàn không suôn sẻ”. Sau khi Ruth “xong hẳn” sau lần hiến tạng thứ hai, Kath trở thành người chăm sóc Tommy sau khi anh đã qua hai lần hiến.
Những ngày tháng tại Hailsham, những cô cậu nhỏ chỉ có bạn bè và giáo viên, giám thị trong một khuôn viên rộng được bao bọc bởi hàng rào thành một thế giới cách biệt. Họ được học hành, chơi thể thao, phát huy “khả năng sáng tạo” nghệ thuật như làm thơ, vẽ tranh,... Họ còn được tự do yêu nhau, khá tự do quan hệ tình dục mà sau này Kath mới nhận ra tất cả chỉ để họ phát triển thành những con người thật sự - “những kẻ phức tạp tinh tế”. Mỗi năm bốn mùa - xuân, hạ, thu, đông - họ lại có một cuộc kiểu như triển lãm, là dịp “bán” đi tất cả những gì họ đã làm được trong ba tháng kể từ lần trao đổi trước. Đồng thời đó là dịp họ làm đầy lên bộ sưu tập của mình khi đem những “đồng tiền” “bán” được hàng để “mua” lại những thứ mình thích, như tranh vẽ, đồ gốm, tượng, kể cả những bài thơ…
Vậy phải chăng Hailsham khá êm đềm và đầy mơ mộng là nơi chuẩn bị để có được những bộ phận nội tạng tốt nhất? Điều đáng nói là, cuộc chuẩn bị âm thầm đó bị che đậy bởi “luật không bàn về sự hiến tạng”. Các bạn trẻ được giáo dục là họ không thể có con, họ phải tránh bị bệnh về tình dục, nhưng vì sao lại thế thì họ không được nói cho biết. Họ có ước mơ, khát vọng nhưng lại không được giáo dục ước mơ, khát vọng. Chẳng hạn, Kathy có niềm ước mơ làm mẹ qua hành động cô ôm chiếc gối ru khẽ đứa con đầu lòng tưởng tượng theo điệu nhạc bài hát [giả tưởng] Mãi đừng xa mẹ. Cảnh tượng ấy bị Madame - một giám thị chỉ xuất hiện khi Hailsham tổ chức các cuộc triển lãm, và sau khi Madame rời trường thì một vài bức tranh vẽ của học sinh lại biến mất - bắt gặp nhưng rồi cũng bị chìm đi, không một ai nhắc nhỏm.
Họ bị che giấu sự thật. Chính vì vậy, giáo viên trường nội trú Hailsham phần lớn là né tránh sự thật về số phận các cô cậu học trò nhỏ. Chỉ riêng cô Lucy - người có “phong cách mạnh mẽ” - thì cứ “run bần bật” giận dữ mỗi khi muốn tiết lộ bí mật cho học sinh của mình nhưng lại không thể làm trái quy chế nhà trường. Vì thế, trường nội trú Hailsham tưởng chừng đâu là tháng ngày êm đềm nhất thì hóa ra lại là chuỗi ngày mù mờ nhất, thường trực một dấu hỏi âm thầm to tướng về tương lai.
Sau trường Hailsham, họ được phân ra, chuyển đến một số nơi “có mối liên hệ rất mong manh với Hailsham” như Lâu đài Trắng xứ Wales, Nông trại Liễu ở Dorset… Riêng bộ ba Kathy, Tommy và Ruth đến Nhà Tranh. Một câu hỏi lớn ám ảnh trong giai đoạn này chính là nguyên mẫu của họ, “ai cũng băn khoăn về chuyện ai là nguyên mẫu của mình”. Một chuyến đi của họ đến Norfork để đi tìm nguyên mẫu của Ruth với hy vọng mơ hồ của Ruth rằng cô sẽ thực hiện được giấc mơ “sẽ có một cuộc sống giống y như nguyên mẫu” của mình trong một văn phòng sáng choang.
Còn Kath, vẫn băn khoăn về nguyên mẫu của cô ấy, bởi vì ngay từ thời còn ở Hailsham, Kath thường tìm xem tạp chí sex, có những khát khao tình dục với những người tình một đêm, thậm chí “muốn làm chuyện đó với bất cứ ai”. Giả thiết mà Ruth đưa ra cho Kath không phải không có căn cứ: “Chúng ta được lấy mẫu từ những thứ rác rưởi. Nghiện ngập, đĩ điếm, rượu chè, lang thang đầu đường xó chợ. Có khi còn bị kết án không chừng, đó là chưa kể còn bị tâm thần. Chúng ta từ đó mà ra đấy.”
Phần thứ ba có hai sự kiện lớn với ba nhân vật. Đó là lần cả ba đi xem chiếc tàu đắm trên đầm lầy và chuyến đi của Kath với Tommy đi tìm Madame với hy vọng Tommy sẽ được hoãn lần hiến tạng thứ tư bởi một lời đồn: những cặp đôi yêu nhau thật sự sẽ được tạm hoãn vài ba năm, có khi hoãn vĩnh viễn.
Hình ảnh “con thuyền vẫn bị mắc cạn trên đầm lầy dưới ánh mặt trời nhợt nhạt”, “thấy rõ lớp sơn của nó đã nứt nẻ, bộ khung gỗ của buồng lái nhỏ sắp sụp đến nơi. Đã có thời nó được sơn màu thiên thanh, nhưng bây giờ trông nó hầu như trắng phớ dưới bầu trời” thật bi thương và ám ảnh! Câu hỏi tại sao chiếc thuyền chết dần tồn tại trên bãi lầy mà câu trả lời là câu chuyện của ba người về những người đã “xong hẳn” sau lần hiến thứ hai, thứ ba… cùng kết cục của Ruth sau đó ít lâu, “dứt hẳn” sau lần hiến tạng thứ hai của cô ấy.
Khi Tommy nhận được thông báo cho lần hiến tạng thứ tư thì trong anh dấy lên một khát khao mãnh liệt là được hoãn. Anh đã chuẩn bị khá kỹ cho chuyến đi đến gặp Madame - người mà anh và Kath tin rằng có thể giúp cho những cặp đôi yêu nhau có thể “tạm hoãn” hiến tạng. Không những thế, Tommy còn cẩn trọng chuẩn bị những bức vẽ về những “con vật tưởng tượng”, những “sinh vật hoang đường” để chứng minh rằng “mình là người đặc biệt”. Thương thay, tại đó, họ gặp lại cô Emily - cô giáo cũ của Hailsham - để nghe nhiều sự thật tê tái mà trước đây họ còn hồ nghi. Các tác phẩm nghệ thuật của học sinh Hailsham biến mất một cách bí ẩn chính là vì “chúng tôi lấy tác phẩm của các em đi vì chúng tôi nghĩ chúng sẽ phát lộ tâm hồn của các em. Hoặc nói chính xác hơn, chúng tôi làm vậy để chứng minh rằng các em cũng có tâm hồn”, “chúng tôi chứng tỏ cho thế giới thấy, nếu các học sinh được nuôi dạy trong môi trường nhân đạo, có văn hóa thì lớn lên chúng có thể trở nên nhạy cảm và thông minh như bất cứ người thường nào”.
Nhưng dẫu có chứng minh được điều đó thì cô Emily và Madame Marie-Claude, cả cô Lucy vẫn không thể “chở che”, không thể “phản đối toàn bộ cung cách tiến hành chương trình hiến tạng”. Số phận học sinh Hailsham tuy về điều kiện vật chất hơn hẳn những trung tâm khác, vẫn “bị đối xử tàn tệ”: “Dù người ta áy náy đến thế nào về sự hiện hữu của các em, mối quan tâm lớn nhất của người ta vẫn là con cái họ, vợ chồng họ, cha mẹ họ, bạn bè họ đừng chết vì ung thư, vì bệnh ở thần kinh vận động, vì bệnh tim. Thành thử suốt một thời gian dài các em cứ bị giữ trong bóng tối, và người ta cố hết sức để đừng nghĩ tới các em. Mà dù có nghĩ đi nữa, người ta cũng cố tự thuyết phục mình rằng các em không thực sự giống chúng tôi. Rằng các em thấp kém hơn con người, nên điều đó chẳng hệ trọng gì”.
Đó là những sự thực trần trụi làm Tommy đau đớn, tuyệt vọng thét lên “hoảng loạn”, “cuồng nộ” khi anh đề nghị Kath dừng xe, và “anh cần ra ngoài một chút” trên đường về lại trung tâm Kingsfield. Tommy cũng vứt những bức tranh anh đã từng chăm chút vẽ ra ngoài khung cửa xe vì giờ đây chúng chẳng có chút ý nghĩa gì nữa cả.
Riêng Kathy, cô đã lý giải những giọt nước mắt của Madame lúc cô còn là học sinh nội trú của Hailsham khi cô ghì chặt một chiếc gối, mắt nhắm lại và múa theo bài hát Mãi đừng xa mẹ. Nhắm mắt, nhưng cô vẫn có cảm giác có ai đang quan sát mình. Khi mở mắt ra, cô kịp thoáng thấy Madame mắt đẫm lệ nhưng đã nhanh chóng biến mất. Giờ đây, Kath được nghe lời giải thích từ Madame: “Tôi khóc vì một lý do hoàn toàn khác […] tôi thấy một thế giới mới đang đến nhanh chóng. Khoa học hơn, hiệu quả hơn, thì đúng. Nhiều cách chữa hơn cho những căn bệnh trước kia. Hay lắm. Nhưng là một thế giới nghiệt ngã, độc ác. Còn đây tôi thấy một cô bé, mắt nhắm tịt, ghì chặt vào ngực mình cái thế giới tử tế và nhân hậu […] cảnh đó khiến tôi đau lòng”.
Trên đường cùng Tommy trở về, Kath “chỉ chọn đi những con đường tối nhất” mà cô biết, “cảm thấy dường như những con đường phụ tối tăm kia của đất nước này chỉ tồn tại cho những kẻ như chúng tôi, trong khi các xa lộ lớn đèn điện sáng trưng với những bảng quảng cáo đồ sộ và những quán cà phê thượng hạng thì dành cho tất cả những người khác”. Kath ôm lấy Tommy đang vùng vẫy la thét “cho tới khi anh không la hét nữa. Rồi tôi nhận ra anh cũng đã choàng tay ôm lấy tôi. Và chúng tôi cứ đứng như thế, trên đỉnh cánh đồng kia, lâu tưởng đến hàng thế kỷ, không nói gì hết, chỉ ôm nhau, trong khi gió cứ quật tơi bời vào chúng tôi, giật đùng đùng quần áo chúng tôi, và trong một khoảnh khắc, có cảm giác như chúng tôi ôm nhau như thế bởi đó là cách duy nhất để chúng tôi không bị gió cuốn phăng vào đêm tối”. Tác phẩm là tiếng kêu thống thiết về sự bất công của loài người ích kỷ khi tạo ra những nhân bản người với thế giới tâm hồn người hết sức tinh tế, với “cái ngã nội tại” của từng người nhưng lại bị đối xử chỉ là nguồn cung cấp nội tạng để thay thế.
Tommy sau khi nhận chân sự thật, anh đã “chấp nhận sự thật” trong “trống rỗng”, đến với lần hiến thứ tư trước khi “tắt nghỉ ” vĩnh viễn sau khi đã từ chối Kath là người tiếp tục chăm sóc. Có lẽ, Tommy không muốn Kath chứng kiến giây phút mình “xong hẳn”. Kath “đã mất Ruth”, “rồi mất Tommy”, cô hoàn toàn đơn độc và hoang mang. Giờ đây, Hailsham cũng đã đóng cửa, Kath đang trong những ngày tháng cuối cùng của mười hai năm dài dặc trong vai trò người chăm sóc. Cô lái xe từ nơi này đến nơi khác, “lái đến nơi tôi phải đến, dù đó là nơi nào đi nữa”. Kết thúc truyện đã “làm rung lên những chiếc chuông báo động ở xa xăm” cho những giải pháp khoa học phi nhân văn của nhân loại.
Cuốn tiểu thuyết chọn thủ pháp dòng ý thức - một thủ pháp nghệ thuật của văn học thế kỷ XX - để câu chuyện được hồi kể qua nhân vật Kathy. Truyện mở đầu khi Kathy ở tuổi ba mươi mốt, đã làm người chăm sóc hơn mười một năm và kết thúc cũng tại thời điểm ấy. Dòng hồi tưởng đan cài tiềm thức mơ hồ của Kath cho phép đồng hiện hiện tại và quá khứ, thực tại và những giấc mơ, những hình ảnh bất chợt bắt lấy và những liên tưởng không đầu không cuối. Những độc thoại dày đặc đan xen với những đối thoại đậm tính phán đoán mơ hồ là kỹ thuật để nhà văn bóc tách qua từng chương truyện, phần truyện, mang tới một tình huống nhận thức về một vấn đề khoa học giả tưởng cho độc giả. Hai mươi ba chương sách giải mã quá trình Kath và Tommy đi tìm tình yêu đích thực cũng là đi tìm câu trả lời cho những bí ẩn day dứt suốt cuộc đời ngắn ngủi của họ: ta là ai, tại sao ta tồn tại trên cuộc đời này, tương lai của ta ra sao? Bởi vậy, tạp chí Entertainment Weekly đã nhận định về cuốn tiểu thuyết như sau: “Gây bứt rứt đến cùng cực, tiết chế đến độ hoàn hảo… Sức mạnh không cưỡng nổi của cuốn sách này là nhờ năng lực vô song của Ishiguro trong việc phô bày phần cốt lõi tăm tối của nó một cách cẩn thận, từng tí một”.
Liên quan đến những liên tưởng nội tâm, Kazuo Ishiguro đã phác họa nhiều hình ảnh biểu tượng, trong đó có một biểu tượng trở đi trở lại ám ảnh nội tâm nhân vật và người đọc: cái hàng rào kẽm gai! Kathy hồi nhớ tiết dạy tiếng Anh của cô Lucy tại Hailsham, học sinh đang làm thơ bỗng dưng lại chuyển sang những hàng rào điện trong các trại tù binh hồi Thế chiến II. Trong khi quan sát học sinh của mình giả vờ chạm tay vào hàng rào điện, cô Lucy bỗng nói: “Cũng chẳng khác gì hàng rào ở Hailsham không cắm điện. Đôi khi các em vẫn gặp những tai nạn khủng khiếp”. Lần cả ba cùng nhau đi tìm cái thuyền mắc cạn trên đầm lầy, phải chui qua một hàng rào kẽm gai, Kath nhận ra “Ruth trông thật sự lo lắng”. Đó là lần cuối cùng Ruth ra khỏi trung tâm Dover trước khi tiến hành cuộc hiến tạng thứ hai, cũng là lần “xong hẳn” của cô. Còn Kath, khi còn lại một mình trên cõi đời, “thấy mình đang đứng trước nhiều hecta đất cày. Có một hàng rào ngăn không cho tôi bước vào cánh đồng, gồm hai hàng dây kẽm gai […]. Và dọc hàng rào, đặc biệt là dọc hàng kẽm gai bên dưới có đủ thứ rác rưởi mắc vào chằng chịt”. Đó là lằn ranh giữa số phận họ - những người nhân bản có mặt trên đời chỉ để phục vụ cho việc hiến tạng, thực chất là để thay thế khi ai đó cần đến - với thế giới loài người vô cảm, lạnh lùng, độc ác. Họ bị “lừa gạt”, bị bưng bít sự thật, bị phân biệt đối xử chẳng khác gì “những thứ rác rưởi” bên trong hàng rào kẽm gai. Cuối cùng, họ sẽ tan loãng âm thầm, không một dư thanh bên trong khuôn viên bị bao bọc bởi những hàng rào điện vô hình.
Văn chương sẽ không chút giá trị nếu không vì con người. Văn học có và cần có chức năng cảnh báo loài người. Tác phẩm của những nhà văn luôn day dứt, băn khoăn về con người sẽ biết cất lên những lời dự báo tiên cảm cho nhân loại. Có lẽ đó cũng là tiêu chí cho giải Nobel Văn học. Tác phẩm Trăm năm cô đơn (Gabriel Garcia Márquez - Nhà văn đoạt giải Nobel năm 1982) là một tiểu thuyết hiện thực huyền ảo về một dòng họ sống khuất nẻo trong một thung lũng, loạn luân chung chạ. Đứa cháu cuối cùng của dòng họ có đuôi lợn, báo hiệu sự tuyệt diệt của cả dòng họ qua một trăm năm. Dường như ngoài những vấn đề thuộc xã hội châu Mỹ Latinh, nhà văn muốn cảnh báo: trong xã hội hiện đại, nếu các quốc gia, dân tộc cứ đóng cửa, bế quan tỏa cảng thì sẽ không khác gì những quái thai của thời đại.
Mãi đừng xa tôi (Kazuo Ishiguro) dựng lên một thế giới nhân vật giả tưởng đan cài nhiều nhân vật “thật tưởng” để gióng lên tiếng chuông khẩn thiết cứu lấy giá trị người khi sinh sản vô tính phi tự nhiên đã dấy lên nhiều tranh cãi về đạo đức, thậm chí nhiều người còn cho là thảm họa. Kazuo Ishiguro bằng trực giác đã tiên cảm viễn cảnh đen tối của những cá thể người nhân bản khi họ có một thế giới nhân cách, tâm hồn như những con người bình thường nhưng lại bị đối xử không phải là người. Từ đó, nhà văn là người tiên liệu sự phi nhân đạo của mặt trái của thành tựu công nghệ sinh học nhân bản vô tính. Sâu thẳm hơn, tác phẩm đánh động mỗi bạn đọc trách nhiệm nhận thức lại về tình yêu, tình bạn, tình người, buộc người đọc suy tư không dứt về giá trị con người của chính mình trong mối liên hệ với xã hội.
Hội đồng trao giải Nobel đã nhận định về Kazuo Ishiguro: “Bằng những cảm xúc dạt dào, văn chương của Kazuo Ishiguro đánh thức góc sâu thẳm, huyền bí trong chúng ta về mối liên hệ với thế giới” ([1]). Phải chăng, đến nay, giải pháp nhân bản vô tính để cấy ghép nội tạng chưa trở thành hiện thực có phần đóng góp không nhỏ của Mãi đừng xa tôi của nhà văn - nhà tiên tri Kazuo Ishiguro?.
Chú thích:
[1] Nobel Văn học 2017 vinh danh Kazuo Ishiguro, Báo Người lao động ngày 5/10/2017.
[1] Nobel Văn học 2017 vinh danh Kazuo Ishiguro, Báo Người lao động ngày 5/10/2017.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét