Thứ Năm, 17 tháng 9, 2020

Sức sống của thể thơ Lục bát trong thơ ca Việt Nam hiện đại

Sức sống của thể thơ Lục bát 
trong thơ ca Việt Nam hiện đại
Lục bát là một trong những thể thơ truyền thống của dân tộc. Lục bát có ảnh hưởng lớn đối với văn học viết nói chung, thơ ca nói riêng. Lục bát thể hiện rõ sức sống của nó trong diễn ngôn thơ ca hiện đại. Kết hợp góc nhìn văn hóa học với góc nhìn ký hiệu học, bài viết khảo sát Tuyển tập Thơ Việt Nam thế kỷ XX nhằm làm rõ những hằng thể và biến thể của thể thơ lục bát trong thơ ca Việt Nam hiện đại.
1. Không nghi ngờ gì nữa khi nói: lục bát là thể thơ bắt rễ sâu nhất vào cơ tầng văn hóa Việt. Nếu coi văn học dân gian như chiếc nôi êm ái thì lục bát ca dao như dòng sữa mát lành đối với văn học viết nói chung, thơ ca nói riêng. Được nuôi dưỡng từ những trầm tích thâm sâu như thế nên đến thơ ca hiện đại, ít có nhà thơ nào không một lần “dan díu” với lục bát. Khởi nguồn từ ca dao, sau bao “dâu bể”, lục bát vẫn trở về với cái “Giận thì giận, thương càng thương” trong tâm tình dân tộc. Kết hợp góc nhìn văn hóa học với góc nhìn ký hiệu học, bài viết khảo sát Tuyển tập Thơ Việt Nam thế kỷ XX (trơ trữ tình) [8] nhằm làm rõ những mã ký hiệu đã ngưng tụ thành hằng thể cũng như một số biến thể của thể thơ lục bát trong thơ ca Việt Nam hiện đại.
2. Thơ Việt Nam thế kỷ XX (đã dẫn) là một tuyển tập thơ tập hợp 620 bài thơ của hơn 450 nhà thơ Việt Nam trong suốt một thế kỷ. Trên cơ sở nhiều tiêu chí khác nhau, ở một mức độ nào đó, có thể nói: những bài thơ trữ tình Việt Nam hay nhất thế kỷ XX, cơ bản, đều góp mặt trong tuyển tập này. Khảo sát về thể thơ, chúng tôi nhận thấy, do là một tuyển tập thơ xuyên qua cả hai thời kỳ văn học nên thể thơ đương nhiên hết sức phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, một điều ngạc nhiên là, lục bát vẫn là không hề “lép vế”; ngược lại, còn chiếm vị trí trung tâm. Trong 620 bài thơ thì có đến 139 bài được viết theo thể lục bát, chiếm 22,42%. Như vậy là, chỉ sau thơ tự do, lục bát chiếm gần một phần tư tuyển tập thơ hiện đại. Đưa ra một con số thống kê cụ thể như thế để thấy: chỉ xét về số lượng, lục bát vẫn trường tồn với tiềm năng lớn trong thơ ca. Một tương quan khác sẽ cho ta có thêm niềm tin về sức sống mạnh mẽ của lục bát dân tộc: Ở bài viết “Lục bát Thơ mới 1932-1945 - những đặc trưng cơ bản về chức năng và nội dung thể loại” [3], TS. Biện Thị Quỳnh Nga cũng qua sự thống kê với những con số để đi đến kết luận: “Trong cuộc “cạnh tranh” giành vị thế và đáp ứng yêu cầu của độc giả hiện đại so với các thể loại khác của Thơ mới, lục bát vẫn khẳng định được khả năng tồn tại và sức hấp dẫn mạnh mẽ của mình với hơn 148 tác phẩm, chiếm 13,82% (số liệu được thống kê từ cuốn Thơ mới 1932 -1945, tác giả và tác phẩm, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội)”. 13,83% đối với tuyển tập Thơ mới đã tăng lên thành 22,42% đối với tuyển tập thơ thế kỷ XX (trong đó có Thơ mới) đã nói với chúng ta về sự hồi sinh của lục bát, cũng đồng nghĩa với việc các nhà thơ ngày càng trở về nhiều hơn với thể thơ mang tính căn cốt, cội nguồn dân tộc này.
2.1. Số lượng bài thơ chỉ cho thấy sức sống hiện tồn của một thể thơ. Trong khi muốn nắm bắt những hằng thể và biến thể của lục bát, người nghiên cứu phải quan tâm đến tương quan trên nhiều phương diện: nội dung lẫn hình thức, cảm thức thẩm mỹ lẫn tư duy nghệ thuật,… Chưa có học giả nào khẳng định chắc chắn về thời điểm ra đời của lục bát nhưng mọi người đều dễ dàng đồng nhất rằng, những bài thơ lục bát cổ nhất còn lại chính là những bài ca dao. Ca dao hầu hết sáng tác theo thể lục bát (95% - theo Nguyễn Xuân Kính) [2]. Các thi nhân bình dân dùng lục bát để sáng tác ca dao phổ biến đến mức khiến chúng ta mặc định rằng lục bát là “thể thơ bản quyền” của ca dao. Chức năng, đồng thời là đặc trưng bản chất nhất của ca dao là trữ tình. Nếu tục ngữ thuộc phương thức luận lý, thì ca dao thuộc phương thức trữ tình. Từ xuất phát điểm ấy, tục ngữ sử dụng câu chữ dài ngắn khác nhau rất cơ động; trong khi, ca dao thường gắn chặt với thể thơ lục bát. Đôi khi, chúng ta cũng thấy một số câu tục ngữ được viết bằng thể thơ lục bát nhưng những trường hợp này rất ít và đều thuộc dạng mượn yếu tố trữ tình để phục vụ cho chức năng luận lý, kiểu như Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước thì thương nhau cùng. Như vậy, có thể thấy: ca dao, lục bát, trữ tình là những yếu tố luôn luôn đi liền, luôn luôn gắn bó mật thiết với nhau. Phần lớn các bài ca dao Việt đều được cấu thành từ đơn vị là một cặp lục bát. Ca dao than thân, trách phận hay ca dao tình nghĩa, ca dao tình yêu hay ca dao trào phúng, phản kháng… đều được cấu trúc theo lối này. Ít có những bài ca dao được viết “dài hơi” theo kiểu Tát nước đầu đình, Trèo lên cây bưởi hái hoa… Như vậy, xét ở mức độ phổ biến, tiêu biểu; một bài ca dao Việt Nam (14 tiếng) còn nhỏ gọn hơn thể thơ vốn lâu nay được coi là ngắn nhất thế giới như haiku của Nhật Bản; càng kiệm lời hơn một thể thơ được coi là bức tranh khảm trai hàm súc của Trung Hoa như thể thất ngôn tứ tuyệt (28 tiếng). Do đó, có khi ca dao mới là thể loại/ thể thơ “nhỏ gọn” nhất thế giới. Rất khả dĩ nhưng đó không phải là vấn đề để bàn tới trong bài viết này.
Nhìn từ cội nguồn thể thơ, lục bát hiện đại đã có nhiều sự biến thiên. Lục bát từ ca dao đi vào văn học viết đã có sự mở rộng về dung lượng thể loại rất lớn. Trong văn học viết, không có những bài thơ được cấu tạo từ một cặp lục bát như ca dao. Sự mở rộng này cũng không theo chiều tăng dần từ văn học trung đại đến văn học hiện đại mà “co duỗi” bất định tùy theo hệ hình, tư duy thể loại,… của mỗi phạm trù/ thời kỳ văn học. Dài có thể lên đến 3254 câu như Truyện Kiều, ngắn cũng phải bốn dòng, ngang với một bài thơ tứ tuyệt, như Chăn trâu đốt lửa của Đồng Đức Bốn, Ngã ba của Hồng Quang [8, tr.56, tr.605]. Tuy nhiên, trong tuyển tập chúng tôi khảo sát, những bài lục bát như Chăn trâu đốt lửa, Ngã ba là rất hiếm, chỉ có vài ba bài. Hơn 98% các bài thơ lục bát được viết từ tám dòng trở lên. Đặc biệt, những bài được trích từ các trường ca có dung lượng khá lớn. Việc tăng dung lượng rõ ràng là một thay đổi xuất phát từ mối tương quan giữa nội dung và hình thức. Trong phương thức truyền miệng, diễn xướng, đối đáp,…; với khả năng của những “thi nhân” nghiệp dư, khuôn khổ thể loại như trên cũng là điều dễ hiểu. Thơ ca là thể loại trữ tình nhất trong các thể loại trữ tình, để đáp ứng nhu cầu diễn giải, giãi bày tâm tư, một cặp lục bát quả là khó gói ghém cho hết những gì nhà thơ cần nói.
2.2. Mở rộng dung lượng trước hết bắt nguồn từ đòi hỏi của nội dung. Nhưng người Nhật Bản vẫn bằng lòng với thể thơ chỉ có 17 tiếng, người Trung Hoa vẫn rất nghiêm ngặt về số từ, số câu với thể thơ 28 tiếng. Việc mở rộng biên độ về dung lượng của lục bát ca dao rõ ràng phát xuất từ nhu cầu trữ tình: chính nhu cầu trữ tình đã dẫn đến việc phá vỡ khuôn khổ dung lượng nhỏ gọn của ca dao. Thực tế lịch sử văn học Việt Nam cho thấy, lục bát là thể thơ đa năng: có thể sử dụng để tự sự, để trữ tình, để trào phúng, châm biếm, để giải trí, mua vui,… Trong thơ ca trung đại, chức năng tự sự của lục bát được phát huy khi mà sứ mệnh chủ yếu của hệ hình văn học này là chở đạo, minh đạo. Thế nhưng, đến thơ ca hiện đại, lục bát đã trở về với chức năng trữ tình cố hữu của lục bát ca dao. Khảo sát tuyển tập thơ nói trên, chúng tôi nhận thấy, các thi nhân sử dụng lục bát theo hai hướng chủ yếu là: tự sự và trữ tình. Song, xu hướng lục bát trữ tình “lấn át” tuyệt đối so với lục bát tự sự. Trong 139 bài thơ lục bát, chỉ có vài chục bài “ngả sang” hướng lục bát tự sự. Thế nhưng, ở đây ranh giới giữa tự sự và trữ tình là hết sức mong manh. Với những bài thơ nằm ở số ít trên, tự sự cũng chỉ là nền tảng, là bệ đỡ để đôi cánh trữ tình được bay bỗng, thăng hoa. Hơn thế, nếu “nhìn sang” các thể thơ khác sẽ thấy, trong cuốn tuyển tập những bài thơ trữ tình Việt Nam thế kỷ XX, những bài thơ tự sự hay nhất, nằm lòng sâu nhất trong ký ức mọi người lại không thuộc về thể lục bát mà vinh dự đó thuộc về các thể thơ năm chữ, thơ bảy chữ, thơ hỗn hợp. Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp, Núi đôi của Vũ Cao, Màu tím hoa sim của Hữu Loan, Quê hương của Giang Nam,… là những cái tên sừng sững. Do vậy, có thể nói, lục bát hiện đại có thiên hướng phát huy chức năng/đặc tính trữ tình của lục bát ca dao. Chúng ta cũng nhận thấy cả hằng thể lẫn biến thể ở điểm này: mở rộng biên độ thể thơ là biến thể; nhưng sự mở rộng ấy không nằm ngoài việc quay trở về khai triển “mã” trữ tình trong hằng thể của lục bát ca dao. Sau một chặng đường dài vận động, lục bát hiện đại lại trở về với tính trữ tình của lục bát ca dao. Có thể coi đây là một kiểu lựa chọn của văn hóa Việt.
2.3. Việc trở về với thể thơ lục bát của các nhà thơ Việt Nam thế kỷ XX, xét theo chiều lịch đại, cũng giống như những người đã từng đi tới bao chân trời xa lắc nay quay trở về với “bến quê”. Kế thừa khả năng trữ tình của ca dao, lục bát hiện đại chất chứa cả một cuốn “bách khoa ngàn tâm trạng”, nhưng đó là những tình cảm mang đậm dáng nét tâm hồn Việt Nam; những tâm tình thuộc về hồn làng, hồn quê - thuộc về “hương đồng gió nội”. Đến với lục bát, các thi nhân như tìm lại được tất cả những gì nồng ấm nhất, thân quen nhất trong hữu thức lẫn vô thức của cá nhân mình. Qua 139 bài lục bát của tuyển tập thơ, các tác giả đã đi đến từng ngõ ngách tâm tư của đời sống hôm nay. Ở đây, chúng ta thấy quan hệ hai chiều của sự lựa chọn thẩm mĩ: thi nhân có nhu cầu bộc lộ những tình cảm gần gũi nhất trong nguồn mạch trữ tình dân tộc sẽ tìm đến thể thơ lục bát; và ngược lại, lục bát như một kí hiệu quyển tiềm tàng trong hữu thức lẫn vô thức của nhà thơ, để khi cần, lục bát cũng “đi tìm” để đến với nhà thơ.
Lục bát hiện đại vẫn bảo tồn những đặc tính của lục bát ca dao như tông nhịp chậm (tĩnh, âm tính), mềm mại, uyển chuyển,… Nhưng như đã thấy, lục bát hiện đại có xu hướng mở rộng về dung lượng khá lớn. Điều này do nhu cầu, đòi hỏi của việc biểu đạt nội dung. Nhiều bài lục bát không chỉ nhằm diễn tả một trạng thái, một cảm xúc mà là cả một dòng trạng thái, dòng cảm xúc; một số trường hợp, tác phẩm dung chứa nhiều trạng thái cảm xúc đan xen nhau. Đã là con người trong cõi đời thì ai cũng nằm trong vòng “ái, ố, hỷ, nộ…”, song, chính thể thơ mang tính thủ thỉ tâm tình như lục bát lại ưu trội hơn trong việc chuyển tải những thông điệp tình cảm của con người Việt Nam. Bên cạnh điều ấy, chúng ta cũng thấy nét riêng của lục bát hiện đại trong cách thức thực hiện chức năng trữ tình. Haiku của Nhật Bản, thất ngôn tứ tuyệt của Trung Hoa có dung lượng ngắn và cách lập ngôn khác biệt. Haiku không mô tả cảm xúc mà chủ yếu ghi lại sự việc xảy ra trước mắt, "luôn đón bắt những khoảnh khắc độc sáng để trong một hạt cát nhỏ xíu có thể bao hàm cả nhật nguyệt". Do vậy, tác giả thường ít sử dụng tính từ và trạng từ. Haiku sáng tạo theo nguyên lý mùa và tính tương quan hình ảnh: một hình ảnh lớn (vũ trụ) tương quan với một hình ảnh nhỏ (đời thường). Thất ngôn bát cú cũng dựa vào tương quan: động - tĩnh, sáng - tối, gần - xa,…; đồng thời chủ yếu dựa vào sức gợi của hình ảnh, hình tượng. Lục bát hiện đại không lập ngôn theo các tương quan trên mà hoặc trực tiếp giãi bày hoặc bằng các phương tiện nghệ thuật rất gần gũi trong văn hóa dân tộc: so sánh, ẩn dụ, lối nói luyến láy, đối đáp giao duyên,… Bằng cách trên, cách trữ tình của lục bát rất uyển chuyển, mềm mại, tinh tế, do vậy mà cũng rất dân tộc. Như vậy là, sự bảo tồn những mã văn hoá của lục bát hiện đại được bộc lộ qua cả hai phương diện: nội dung thể hiện lẫn cách thức thể hiện.
Lê Quốc Hán trong Bài thơ thời gian mở đầu bằng lối so sánh: Thời gian như chuyến tốc hành/ Mang theo lá đỏ và anh trở về. Ngay sau đó, cảm xúc bàng hoàng xen lẫn niềm tiếc nuối lại được trao gửi bằng lối ẩn dụ và hoán dụ đầy gợi cảm: Tóc xanh vừa lỗi lời thề/ Thoắt thành mây trắng cuối hè bay ngang. Tinh tế hơn khi cái muộn màng đến lỡ làng cả một mối duyên tình lại được biểu đạt bằng: Ngu ngơ chạm phải ao làng/Sen chưa kịp hái đã tàn trên tay. Các hình ảnh ao làng, hoa sen tự nó đã chạm vào tình cảm dân tộc; Lê Quốc Hán qua các phép tu từ cũng rất dân tộc đã thổi hồn thơ khắc khoải của mình vào tứ thơ. Ở một bài thơ khác, chỉ từ một tiếng ếch kêu trong “Đêm làng” đã mở ra bao suy tư về: quá khứ và hiện tại, mơ và tỉnh, phận mình và phận người,…
Ngọn đèn quán nước liêu xiêu
Mặt hồ rau muống cánh bèo nổi trôi
Có gì da diết bồi hồi
Tiếng hoang dã, tiếng đầy vơi, tiếng buồn.
Chính việc sử dụng từ láy, âm hưởng, cách ngắt nhịp cũng đã thể hiện những giai điệu rất dân tộc cho bài thơ. Đêm mưa của Tô Hoàn lại là một trường hợp đặc biệt về dung lượng, bài thơ chỉ có ba cặp lục bát. Thế nhưng, chính Nguyễn Bùi Vợi cũng nhắc đến khả năng trữ tình của thi phẩm: “Bài thơ này ít câu ít chữ nhưng đầy ắp nỗi niềm, viết như không vì tâm trạng người viết có sự dồn nén tình cảm lớn” [7, tr289]
Mưa rơi sợi thẳng sợi xiên
Cứ nhằm vào mẹ những đêm trắng trời
Con đi đánh giặc suốt đời
Vẫn không che được một nơi mẹ nằm.
Bài thơ sử dụng phép nhân hóa và lối nói sóng đôi rất khéo. Những hạt mưa lạnh lẽo, vô tư cứ tìm đúng chỗ mẹ nằm mà nhỏ xuống. Những làn mưa đêm trắng trời hay người mẹ bạc đầu lại phải thức trắng đêm vì mưa rét? Lục bát có thể ít hướng đến những cảm thức lớn lao mang tầm vũ trụ nhưng riêng cái sâu sắc, tinh tế trong tình đời, tình người thì được mở ra với những chiều kích vời vợi. Bài thơ kết thúc trong nỗi xót xa đau đáu. Một lần nữa phép chuyển nghĩa ẩn dụ đã chuyên chở thành công ý thơ này: Con đi đánh giặc suốt đời/ Vẫn không che được một nơi mẹ nằm.
Tự hỏi rồi tự trả lời hay nói cách khác, chủ thể trữ tình tự phân đôi để một mình đối đáp, cũng là phương thức thường gặp trong lục bát. Bên cạnh lối tự vấn lòng mình là lối so sánh, ví von; cách điệp cú pháp, điệp ngữ nhằm tạo mối liên kết, câu nọ gọi câu kia bắc cầu cho cảm xúc nối tiếp tuôn trào:
Mùa đông rụng lá ưu phiền
Sang xuân biết có nỗi niềm nhớ mong?
Biết là nỗi nhớ bằng không
Tôi ra cửa biển ngồi trông cánh buồm
Tôi rơi vào cuối ngọn nồm
Em rơi vào cuối nỗi buồn của tôi
Nỗi buồn như tấm gương soi
Gặp em không gặp thì tôi gặp mình
(Tôi ra cửa biển - Hải Kỳ) [8, tr. 386]
Ở một đất nước mà chiến tranh đã gây ra bao nhiêu vết thương dai dẳng; lục bát có sở trường trong việc diễn tả những thổn thức của người ở lại:
“Ra sông giặt áo cho chồng
Vắt vai cả một dòng sông mang về”
(Ra sông giặt áo cho chồng - Hồ Anh Tuấn)
Cả những tình cảm vốn khó nói như chuyện “Chồng chị, chồng em”, Đoàn Thị Lam Luyến cũng tỏ bày được nhờ vào khả năng trữ tình của lục bát:
“Gần được ấm, xa được êm
Biết thì ruộng hóa cũng nên mùa màng
Chị thản nhiên mối tình đầu
Thản nhiên em nhận bã trầu về têm…
2.4. Trong 139 bài lục bát, một điều thú vị là nhiều nhà thơ hiện đại lấy chính hình tượng lục bát làm nguồn cảm hứng, làm thi tứ cho tác phẩm của mình: Lục bát tuổi mười lăm - Đặng Nguyệt Anh, Lục bát ngày mưa - Phạm Ngọc Cảnh, Lục bát Tiên Điền - Yến Thanh, Nghe câu hát cũ - Phan Trọng Dật, Mưa - Nguyễn Ngọc Ly,… Đó là chưa kể đến các bài thơ được gợi hứng từ một điệu lý, từ một câu ca dao, một bài dân ca,… Có thể gọi những bài thơ này là “siêu lục bát”. Nơi những áng “siêu lục bát” trên, luôn có sự gặp gỡ, nối kết, tương liên giữa tâm hồn nhà thơ với lục bát truyền thống. Từ góc độ lý thuyết tiếp nhận, chúng ta nói đến mức độ tiếp nhận ký thác, tri âm. Từ góc độ liên văn bản, chúng ta nhìn thấy sự cộng hưởng hình tượng rất lớn. Bài Mưa của Nguyễn Ngọc Ly lấy hai câu ca dao rất nổi tiếng “Trời mưa bong bóng phập phồng/ Mẹ đi lấy chồng con ở với ai” làm đề từ để nối kết với tâm trạng của chủ thể trữ tình khi người mẹ một lần nữa sang đò:
Ấy là tôi nói ngày xưa
Mẹ tôi tái giá - đò đưa theo dòng
Không mưa cũng thể phập phồng
Lừa tôi ngõ trước, mẹ vòng lối sau.
Lời ca dao xưa và lời thổn thức bây giờ hô ứng liên hoàn làm một, hòa quyện đến mức khó mà phân tách được. Không biết mưa của ngày xưa hay mưa của hôm nay, chỉ biết một màn mưa mù mịt hòa vào cơn mưa nước mắt của mẹ vì phải “vòng lối sau” để tránh đi sự níu kéo khi nhìn thấy mặt con. Khổ thơ tiếp theo, nhân vật trữ tình trực tiếp thổ lộ sự tác động của những câu ca dao đến nỗi niềm của người hiện tại:
Ấy là tôi nói ca dao
Con chuồn chuồn ớt đậu vào đời tôi
Bà đừng ru nữa bà ơi
Vít thêm ngọn nắng mồng tơi giậu nhà
Ở những bài thơ này, tâm tình của hôm qua và hôm nay đã tạo nên sự giao hòa, để từ giao điểm đó, chủ thể thữ tình mở ra những lối suy tư của riêng mình. Đặng Nguyệt Anh trong Lục bát tuổi năm mươi đã van nài con tạo “Cất giùm tôi tuổi năm mươi” đặng quay về với cái thời “lúng liếng đong đưa”: “Để tôi về sống lại thời ngày xưa”. Một lần quay về như thế, nhà thơ bắt gặp được biết bao lời dân ca:
Dẫu rằng không hát trúc xinh
Mà ai cứ đứng sân đình đợi ai
Khoảnh khắc ngày xưa chỉ trở về trong hồi ức nên bài thơ kết thúc trong dư ba của sự tiếc nuối:
Có còn lúng liếng đong đưa?
Có còn cậu ấm. Ngày xưa có còn?
Chính sự khép mở của những hình ảnh lục bát ca dao đã làm cho Lục bát ngày mưa của Phạm Ngọc Cảnh thêm mịt mù tâm trạng:
Bếp nhà ai đốt nùn rơm
Tàu lăn qua ngọn khói thơm quê nghèo
Khói lan xanh cả ruộng bèo
Con cò mở cánh dập dìu muốn bay.
2.5. Trong thơ ca hiện đại, lục bát ca dao vừa có sự biến đổi về mặt nội dung vừa có sự biến đổi về hình thức thể thơ. Chính trong những biến thể này, chúng ta càng thấy rõ sức sống, sức ảnh hưởng của lục bát dân tộc. Lục bát truyền thống lúc này sẽ trở thành kí hiệu quyển cho các thi nhân đương đại thi triển những ý tưởng sáng tạo của mình.
Lục bát hiện đại đi vào những cảm xúc tế vi nhưng không phải là không thể hiện được những suy tư rộng lớn vượt lên các dòng tâm trạng “nhỏ nhặt” đời thường. Khi cần, các thi nhân vẫn gói trong những vần thơ mềm mại, uyển chuyển kia bao triết lý về cõi siêu hình, về kiếp phù sinh. Đây là nét mới, là biến thể về nội dung của lục bát thế kỷ XX so với lục bát ca dao:
Đưa tay dắt gió vào đêm
Linh hồn ta ngỡ bỏ quên cuối trời
Dấu chân xin cát chớ vùi
Cho ta lại được luân hồi kiếp sau
(Qua hoàng hôn - Mai Văn Phấn)
Vẫn là dấu vết trong cõi miền tâm linh người Việt, thi sĩ Bùi Giáng dùng lục bát để gói ghém thành công bao tâm tình khác của cõi đời:
Bỏ trăng gió lại cho đời
Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa
Bỏ người yêu, bỏ bóng ma
Bỏ hình hài của tiên nga trên trời
Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt, khóc người một con.
(Mắt buồn)
Mở rộng khảo sát ra ngoài tuyển tập thơ trên, chúng tôi nhận thấy: một số thi phẩm, bên cạnh việc “thừa hưởng” những mã thẩm mĩ của lục bát ca dao, nhà thơ có sự gia công thêm về hình thức thể thơ. Ở các thi phẩm này, “hồn cốt” lục bát được ẩn dưới một chiếc áo mới nhờ việc thay đổi cách ngắt dòng. Các biến thể theo hình thức trên chính là phương thức/ cách thế để lục bát trường tồn cùng trường diễn ngôn của thời đại:
Tháng ngày chạng vạng cơn mê
Oán ân chạng vạng
Bốn bề đong đưa
Đôi khi chạng vạng vần thơ
Làm sao soi đến bến bờ tương lai
Xin trăng sáng trọn đêm dài
Vén
Màng chạng vạng
Phủ dày hồn tôi.
(Chạng vạng - Nguyễn Văn Phương)
3. Vậy là, trải qua hàng ngàn năm, lục bát cũng “chìm nổi” theo những quy luật vận động riêng của văn học. Điều đáng mừng là, với nền thơ ca Việt Nam hiện đại, lục bát vẫn khẳng định được chỗ đứng của mình trong lòng dân tộc. Từ thời Thơ mới đến nay, lục bát có sự gia tăng về số lượng, nghĩa là ngày càng có nhiều nhà thơ “duyên nợ” với lục bát. Ca dao - dân ca vốn đi từ trái tim lên miệng. Lục bát đã thừa hưởng toàn bộ gia sản này của ca dao để từ đó bộc lộ tâm tình của nhà thơ trước cuộc sống hôm nay. Nhu cầu bộc lộ càng lớn và những điều kiện đi kèm càng thuận lợi thì lục bát càng có xu hướng nới rộng về dung lượng. Mở rộng dung lượng cũng xuất phát từ chính nhu cầu trữ tình, nhu cầu biểu đạt những tình cảm trong hằng số văn hóa dân tộc. Điểm chung đó đã dẫn đến sự gặp nhau, sự đồng vọng giữa lục bát hiện đại và lục bát dân gian. Lục bát hiện đại trở về với nguồn cội là một thể thơ dùng để tâm tình. Các thi nhân sáng tác bằng lục bát cũng sử dụng tương quan nhưng lại là một chiều tương quan khác: tương quan của lối đối đáp giao duyên; lối so sánh ví von; lối ẩn dụ, hoán dụ,… để tạo nên cái tinh tế, cái mềm mại, cái ngọt ngào trong cách trữ tình. Tâm tình thì thời nào, nền văn học nào cũng có nhu cầu thổ lộ. Nhưng lục bát hiện đại có thiên hướng rõ trong việc lưu giữ những kí ức thuộc tâm tình dân tộc, đồng thời viết tiếp những dòng ký ức mới để tết dệt nên một nét đẹp giàu bản sắc của văn chương Việt. Các thi nhân của nền thơ ca thế kỷ XX vẫn chung thủy với việc dùng cách thức riêng của người Việt để thể hiện tình cảm riêng của người Việt. Điểm mạnh, điểm yếu đều lộc lộ ở điều này. Cùng với lục bát trong quá khứ, lục bát hiện đại đã tạo nên một giá trị của văn hóa Việt. Nếu thi nhân đương đại biết kết hợp chiều sâu tâm tình vốn là “gene trội” trong văn hóa dân tộc với tính hàm súc cao độ của những hình tượng đa nghĩa, mang tính triết lý, thì lục bát sẽ còn ghi dấu ấn đậm hơn nữa không chỉ đối với văn học dân tộc mà còn có thể lan tỏa đối với văn học nhân loại.
Tài liệu than khảo:
1. Michel Gresset (1985), Intertextuality in Faulkner, Univ Pr of Mississippi.
2. Nguyễn Xuân Kính (1992), Thi pháp ca dao, NXB Khoa học Xã hội, tr.118.
3. Nhiều tác giả (2014), Văn học và ngôn ngữ - những góc nhìn mới, Nhiều tác giả, Nxb Đại học Vinh, tr.103-118
4. Biện Thị Quỳnh Nga (2007), “Vị thế và đặc trưng thi pháp thể loại lục bát trong Thơ mới 1932-1945”, Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Vinh, Tập XXXVI, Số 2B, tr. 29 - 36.
5. Bùi Văn Nguyên, Hà Minh Đức (1971), Thơ ca Việt Nam, hình thức và thể loại, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.
6. Phan Diễm Phương (1998), Lục bát và song thất lục bát, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
7. Chu Văn Sơn (2004), “Về bản sắc dân tộc và một hướng tìm kiếm trong thơ”, Tạp chí Văn học, số 11, 2004, tr. 41.
8. Nguyễn Bùi Vợi (chủ biên) (2015), Thơ Việt Nam thế kỷ XX (Thơ trữ tình), NXB Giáo dục, Hà Nội.
9. http://m.nguoiduatin.vn/.
25/5/2019
Trần Viết Thiện
Theo http://ukh.edu.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về Nhà văn Khái Hưng

Về Nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...