Thứ Hai, 30 tháng 5, 2022

Đã đến lúc quay về nhàXXXXX

Đã đến lúc quay về nhà

1. Ra khỏi Bệnh viện Mắt, hai ông cháu lên taxi. Thảo nói nơi đến. Bác tài gật đầu. Xe lăn bánh. Ông Hiếu ngả người ra lưng ghế, thở phào nhẹ nhõm: - Vậy là tốt rồi! - Có tái khám nữa không ông nội? - Không. Thảo làu bàu: - Xong mắt đến răng, cô Út nói tuần tới cháu lại đưa ông đi... - Ôi dào, đã tới lúc thay phụ tùng hết ráo bộ máy cũ kỹ này mới có thể chạy tốt được - may mà chưa phải thay tim. - Tim à? Lúc nãy trong phòng đợi ông có vẻ bồn chồn sao ấy, tim nội có sao không vậy? - Nếu ông bảo đúng là không qua được mắt cháu, hẳn cháu sẽ mừng đến bể cả mũi mất. - Đúng quá, sai sao được, cháu biết cả nguyên do tại sao. - Dóc, tại sao nào? - Tại cái bà rất chi là đẹp lão ngồi chỗ ngoài cùng hàng ghế ngay trước mặt ông cháu mình, không chỉ nhìn miết bà ấy mà chốc chốc ông còn đẩy mãi cái mục kính lên dù nó vẫn đứng yên trên sống mũi. - Ở thì, tại vì bà ấy là một người quen cũ dễ chừng cả vài chục năm chưa gặp lại. - Cả vài chục... Ông có nhầm không? - Không, thoạt tiên cứ ngờ ngợ rồi ông bỗng nhận ra. - Bằng giác quan thứ sáu hay sao nội? Cháu không tin chừng ấy năm... - Có những gương mặt đến trăm năm vẫn không hề lạ nếu nó đã khắc đậm vào ký ức ta cháu à? - Sao ông không chào bà ấy một tiếng? - Nhớ lúc ông cháu mình mới vào ngang qua bà ấy không? Dù nhìn ông lom lom nhưng rồi bà cứ tỉnh khô nên... - Nên ông dỗi chứ gì? - Bậy, người ta không nhớ thì mình cũng làm mặt lạ luôn cho nó tiện. - Ông là đại trượng phu hơi đâu chấp nhất... - Chừng nào lớn bằng cỡ tuổi ông cháu sẽ hiểu. - Cháu không hiểu nổi đâu. - Hiểu mà! Thảo lấy máy di động ra bấm nhắn tin: Thao can gap Nam gap, cang som cang tot. Lieu hon do nghen! Ông Hiếu nói: - Lúc nãy trong bệnh viện cháu đã nhắn chừng... Cô gái cất máy, nói vui: - Dạ, chừng một ngàn, bây giờ là lần thứ một ngàn lẻ một. Hai ông cháu cùng cười.
 
2. Về tới nhà vào khoảng quá trưa, bà Ngà nói với bà Nhã đã lấy giấy hẹn ngày mốt mổ mắt. Bà Nhã định đi hâm nóng cơm canh, bà Ngà bảo ăn ngoài phố rồi, đoạn vào phòng riêng đóng kín cửa. Bà Nhã tìm gặp cậu con trai trong bếp. Nam đang bưng tô cơm “cõng” thịt kho vừa ăn vừa đọc báo một cách lơ đãng. Bà Nhã ngạc nhiên: - Ủa, sao ngoại nói đã ăn trưa rồi? - Chỉ một tô phở thì nhằm nhò gì, ngại ngoại mắng là đứa tham ăn nên thay vì kêu tô thứ hai giờ con bổ sung thêm... - Liệu có đau ốm gì không mà vừa về tới, ngoại vội đi nằm vậy? - Bình thường thôi, mẹ khéo lo? Gã trai cười, mắt không rời trang báo.
 
Trong phòng riêng, ánh sáng dịu lọc được qua rèm cửa sổ và từ chụp đèn trên tủ thấp đầu giường, bà Ngà mở ngăn kéo lấy ra mấy cuốn album, vài phong bì lớn đựng đầy ảnh, đa số là ảnh cũ - đen trắng nhiều hơn ảnh màu - bày ra giường, tỉ mẩn lật xem từng tấm, chốc chốc săm soi những dòng chữ, ngày tháng gì đó ghi ở bề lưng, thoáng mỉm cười, thoáng ngây ngẩn, hoặc thoáng cau mày hệt một người cùng lúc thưởng thức nhiều loại rượu khác nhau, độ nồng cay ngọt của mỗi thứ tạo một cảm xúc riêng tư. Có cảm xúc kỳ diệu tới nỗi khiến tóc bà vụt xanh mướt vài khoảnh khắc rồi bạc trắng trở lại.
 
3. Quán cà phê sân vườn lọt thỏm giữa khu phố sầm uất. Đêm chưa ngả vào khuya. Nhiều đôi trẻ ngồi chụm đầu vào nhau dọc các dãy bàn kê rải rác dưới các tận cây lập lờ đèn xanh đỏ. Nhạc hòa tấu vừa nghe, chẳng có tiếng trống giật cục hoặc loa rè bởi những bè trầm xen kẽ bè ré. Lấy chiếc ống hút từ ly cam vắt ra, Thảo nghịch ngợm uốn thành chiếc vòng đeo vào cổ tay Nam, nói: - Hôm gặp ở Bệnh viện Mắt sao anh giả ngơ em vậy? - Đi với bà ngoại nên... - Không dám quay cổ ngoái lại và cả lấy máy ra đọc tin nhắn sao? - Gặp bất ngờ, chưa "lập trình" sẵn biết nói gì làm gì chứ! - Xạo, bữa nay nhắn người ta ra đây bộ anh có "lập trình" và xin phép ngoại rồi hả? Mà nè, từ hôm đó đến giờ bà ngoại có gì khác lạ không? - Lâu nay tò mò đâu phải là thuộc tính của... người ta? - Bây giờ người ta lỡ sinh tật không "kết" anh nữa mà mến bà ngoại anh thì sao? - Nếu trái đất có bất thần quay ngược chiều ngoại anh cũng cứ tỉnh rụi, à mà quên... hình như có thì phải. Thảo rạng rỡ như lân nghe pháo: - Thật hả? - Cũng đơn giản thôi, không dưng bà lục ra một tấm ảnh thời còn là nữ sinh Trường Gia Long chụp chung với một nhóm bạn trai gái đi picnic ở Lái Thiêu, bảo anh mang tới tiệm chuyên phục hồi ảnh cũ phóng lớn lộng khuôn kính treo trong phòng riêng.- Cái này gọi là bị hoài niệm hành, bà anh mắc "bệnh" hoài cổ mất rồi, không chừng trong bức ảnh nọ có cả ông nội em thời còn trai trẻ.
 
Và, câu chuyện cứ thế tiếp tục dây cà ra dây muống. Cô sinh viên năm 2 Đại học Ngoại thương và cậu học trò năm 4 Kiến trúc tha hồ tưởng tượng về mối quan hệ tình cảm của hai người lớn vào thời xa xưa. Nhưng rồi con mà tò mò trong cả hai cũng bảo: Dẫu có mường tượng cách chi, chuyện ảo cũng không thể hấp dẫn bằng chuyện thật.
 
*
 
4. Qua sự trung gian sốt sắng của bọn trẻ, sau cùng bà ngoại cũng đồng ý mời ông nội đến nhà vào một buổi tối đẹp trời. Họ ngồi ở phòng khách, vừa "hàn huyên" vừa ăn trái cây, uống nước suối. Bà Ngà bảo đã nhận ra ngay ông Hiếu hôm tình cờ gặp Bệnh viện Mắt nhưng cố tình phớt lờ. Quả là có một câu chuyện tình - như Thảo và Nam từng tưởng tượng - nhưng nhân vật chính lại vắng mặt.
 
Dạo đó bà Ngà vừa góa chồng - một trung úy pháo binh quân đội Sài Gòn bị chết trận, và cô con gái mới lên mười thì bà gặp luật sư Tuyên, sau đó phải lòng ông ta. Tuy chưa qua thủ tục cưới xin, họ đã ăn ở với nhau như vợ chồng. Sau ngày 30-4-1975 thời cuộc đổi thay, cùng với một nhóm bạn - trong đó có ông Hiếu - họ góp vốn tậu tàu, lén lút tổ chức vượt biên qua ngã Cà Mau. Do chung chi không ổn sao đó, giữa chừng "động ổ", tàu khởi hành sớm hơn dự tính, một số thành viên của chuyến đi sợ bị phát hiện không chực sẵn ở các vị trí gần bến bãi bí mật chẳng tập trung kịp thành ra lỡ chuyến, trong số đó mẹ con bà Ngà.
 
*
 
Đây là một "sự cố đáng tiếc", chẳng ai muốn nhắc nhưng chưa thể nào quên, riêng ông Hiếu lúc này thì cảm thấy cần nói lại cho rõ: - Hụt chuyến đi ấy chị oán hận bọn này cũng phải, nhưng lúc đó thời gian quá gấp rút, trở tay không kịp sẽ đổ bể rồi không ít người bị vướng vào tù tội. Bà Ngà lắc đầu, cười nhạt: - Ngụy biện, rõ ràng các anh là bọn lừa đảo. Hồi đó của nả chắt chiu được hơn mươi cây vàng tôi giao hết cho anh Tuyên, bị kẹt lại trắng tay, anh thừa biết mẹ góa con côi tôi sống cay cực, khổ sở đến cỡ nào! - Của nả thì tôi không rõ, chí chắc một điều là Tuyên đã nhiều lần tìm cách liên lạc với chị nhưng đều bặt vô âm tín. - Có, tôi nhận được khá nhiều điện tín và thư, nhưng rồi cho rằng lòng anh ấy đã khác, mình đã bị lừa cả tình lẫn tiền, mất cả chì lẫn chài, không muốn lặp lại sai lầm lần nữa... Bà Ngà như cố thu nhỏ người lại trên ghế, giấu mặt trăng đôi bàn tay có những ngón gầy xanh như là rễ của một loại cây kỳ lạ nào đó thoắt mọc từ những năm tháng không vui trong quá khứ. Ông khách thấy không tiện nán lại, đành đứng lên nhỏ nhẹ nói lời kiếu từ.
 
5
 
5. Chiều dịu nắng với gió, hai bà cháu ngồi hóng mát trước thềm nhà. Bà Ngà ngả người trên ghế xếp, Nam bó gối ở bậc cấp kế bên. Nam nói: - Hôm qua ông Hiếu đi Nha Trang về gửi biếu hộp yến sào kèm lời thăm hỏi sức khỏe bà. - Ờ, biết rồi! Bà cứ ngỡ ông ấy đi Mỹ rồi chứ. - Ông ấy không đi nữa, đang chuẩn bị mở công ty làm ăn lớn ở đây. Ông bảo lang bạt chừng ấy năm đủ rồi, đã đến lúc quay về nhà. Cả bạn ông, ông Tuyên, cũng thế. - Thì ra chuyến này ông Tuyên cũng về à? - Dà, tình bạn của họ cảm động lắm. - Bà biết! - Nhưng không như bà tưởng đâu.
 
Đoạn Nam kể: - Theo lời ông nội nhỏ Thảo, đêm hôm ấy con tàu vượt biên ra tới hải phận quốc tế chưa bao xa thì bị bọn hải tặc đánh cướp. May mắn sống sót, được một tàu buôn cứu, bị cầm chân ở trại tị nạn Thái Lan hơn một năm hai ông mới được sang Mỹ định cư. Ban đầu họ cùng ở Houston, cùng làm nhân công tại một xưởng sản xuất đồ hộp dành cho các con vật cưng như chó, mèo v.v... Sau đó được người quen giúp đỡ, ông Hiếu chuyển sang Chicago làm phụ việc vặt ở một công ty lắp ráp máy điện tử. Vốn là thầy giáo Anh văn, có vốn Anh ngữ kha khá, vừa làm ông vừa đi học thêm kiếm được mảnh bằng kỹ sư điện tử, từ đó cuộc sống ổn định hơn, thu nhập nhấm khá dần lên. Ông Hiếu đùm đề vợ con, ông Tuyên vẫn độc thân. Vào các kỳ lễ tết họ thường qua lại thăm nhau. Cho đến một ngày phát hiện mình bị mắc bệnh hiểm, ông Tuyên đâm ra chán nản tuyệt vọng, vờ như quên hẳn bạn. Ông Hiếu đi tìm, vở lẽ, hằng tháng đều đặn gửi tiền giúp bạn điều trị, thuốc thang...
 
Mãi đến năm ngoái khi cuộc sống ông Tuyên chỉ còn đếm từng tháng, từng ngày họ giao hẹn với nhau: Mỗi ngày dù đang ở bất cứ đâu, vào lúc 10 giờ sáng ông Hiếu cũng gọi điện thoại một lần về Houston gặp bạn. Ngày nào đó hễ gọi không nghe thấy trả lời tức ông Tuyên đã "ra đi". - Cái ngày nào đó tới chưa? - Bà Ngà buột thốt, giọng thoáng chút hớt hãi bất chợt. Nam quay nhìn bà, chậm rãi buông từng tiếng: - Rất tiếc, nó tới rồi ngoại à? - Sao lúc nãy cháu bảo chuyến này ông Tuyên cùng về? - Dạ, cùng về với ông Hiếu nhưng thay vì sóng vai cùng bạn bước xuống máy bay, ông ấy được gói ghém cẩn trọng trong... va li. - Nghĩa là... - Bà Ngà lạc giọng bỏ lửng câu nói và, từ tóc tai đến áo xống vụt trắng xóa, trông bà mỏng manh như một vệt khói giữa lòng ghế xếp chợt rộng mênh mông.
 
6. Bây giờ mối oán hận bao năm canh cánh bên lòng đã tan biến, không riêng gì rằm, mồng một mà cả những ngày thường, bà Ngà hay đi chùa Xá Lợi. Mỗi lần đến chùa, sau khi dâng hương hoa cúng Phật ở chánh điện, bao giờ bà cũng ghé qua gian thờ tĩnh cốt thắp nén nhang cho vong hồn người từng đầu gối tay ấp với mình, người đã không may qua đời vì bệnh AIDS và đã "về nhà" sau bao ngày sống tha phương. 
12/12/2007
Mường Mán
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...