Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2022

Một mảnh thiên đườngXXXXX

Một mảnh thiên đường

Gần hết cuộc đời phiêu dạt vẫn nặng lòng với quê nhà, bởi vậy mỗi năm tôi đều về  quê một lần để cúng giỗ Tổ tiên và thăm họ hàng lối xóm.
Khoảng gần chục năm sau khi chế chế độ bao cấp bị xóa bỏ, quê tôi như người bệnh gặp thầy gặp thuốc, cải tử hoàn sinh  thêm da thêm thịt. Những con đường đất ngoằn ngoèo, lầy lội được đắp đẽo thẳng thớn rải nhựa hoặc tráng bê tông, những ngôi nhà ngói, nhà đúc thay những căn nhà  tranh vách đất. Rồi có điện thắp sáng thay ánh đèn dầu tù mù, có tivi, xe gắn máy và có bếp ga thay rơm rạ khói chảy nước mắt. Nghĩ cứ đà này chả mấy quê mình cũng sẽ ngang ngửa với những miền quê ở Thái Lan, Úc, Đại Hàn… mà mình đã đi qua. Người ta nói xã hội chủ nghĩa là thiên đường thì đây là một mảnh, có lẽ thật!?.
 
Nhưng mấy năm gần đây bỗng chững lại, từng con đường tróc lở ổ lợn ổ gà, nhà cửa xuống cấp, ruộng đồng bỏ hoang… Mỗi lần về lại thấy quê mình cũ đi, già đi. Lần về quê năm nay tâm trạng nặng nề hơn bởi hình như con ma đói bị đuổi đi mười năm trước giờ ngấp nghé quay lại, và  buồn hơn là cái hồn quê như đang bị  xào sáo nát ra.
 
Từ đường 10 xe quẹo vào con đường làng. Vừa tránh một đống rơm thì thấy một người dắt chiếc xe đạp lao ra. Lái xe thắng gấp, chiếc xe đứng khựng lai, còn cách người dắt xe đạp chừng hai mét. Nhưng ông cụ nằm lăn ra đường. Lái xe vội nhảy xuống hỏi : “ Cụ ơi cụ có sao không?” Ông lão không nói, nhắm mắt cất tiếng rên. Lái xe đỡ ông lão dậy nhưng ông không chịu. Tôi xuối xe nhìn thì nhận ra đó là ông Thổ ở gần nhà tôi. Hồi tôi còn ở nhà, đang học cấp ba, ông Thổ làm thủ quỹ hợp tác xã. Bấy giờ ông mới gần bốn chục tuổi, nhanh nhẹn hoạt bát, nói năng hòa nhã và có tiếng thật thà, nên bà con xã viên bầu làm thủ quỹ. Bây giờ ông lão đã ngoài tám mươi,  đầu không còn sợi tóc nào...
 
Tôi nói với ông lão nói :
 
- Bác Thổ ơi, tôi là Diệp đây, bác có bị thương để tôi chở bác đi viện.
 
Ông Lão mở mắt nhìn tôi, nói ráo hoảnh :
- Đưa năm trăm ngàn đây, khỏi phải đi bênh viện!
 
Tôi  đưa năm trăm ngàn cho lão Thổ, lão cầm tiền soi lên đôi mắt đục ngầu, rồi lấy mấy ngón tay khô như que củi rờ mặt trước mặt sau đồng tiền, rồi gấp gọn bỏ váo túi. Xong  lão đứng dậy  dắt chiếc xe đạp lủi vào sau cái đống rơm.
 
Tôi  cảm thấy miệng mình đắng ngắt. Thì ra lão Thổ lợi dụng cái đống rơm đề ăn vạ cánh lái xe vào làng .
 
Mấy hôm sau nhà có đám giỗ, thằng cháu mời họ nội, họ ngoại và hàng xóm. Tôi thấy lão Thổ cũng mang  thẻ hương đến thắp cho ông bà tôi. Tôi đến chào, lão hỏi tôi:
 
- Đằng ấy  bây giờ làm chức vụ gì rồi ? Tôi nói :
 
- Về hưu làm dân lâu rồi  ! Bác vẫn khỏe chứ ? Lão  Thổ đáp:
 
- Ơn đảng và chính phủ tôi vẫn khỏe !
 
Mấy đứa cháu tôi kể, lão Thổ bây giờ khổ lắm. Hai vợ chồng đều ngoài tám chục tuổi nhưng sống ly thân, cùng một nhà ông một niêu, bà một niêu, ai kiếm được người đó ăn. Ông đi nhặt ve chai đồng nát còn bà vẫn phải mò mẫn dưới ruộng nhặt cỏ thuê ngày kiếm mươi ngàn và bắt thêm con cua con ốc về nấu sống nấu sít ăn qua ngày.  Hai ông bà có một người con trai và một người con gái, cà hai đều túng bấn không nuôi nổi con lấy gì nuôi cha mẹ .
 
Doi đất nằm giữa ngã ba sông, gọi là bãi Cò. Ở đó có một rừng tre từng đàn cò trắng về đậu ríu rít. Năm ngoái rừng tre  vẫn còn, nay đã bị chặt trụi lủi.  Lão Chín đấu thầu bãi Cò là bố vợ bí thư đảng ủy xã. Nghe nói cha con dấm dúi cho nhau nên sảy ra tranh chấp khiếu kiện mấy tháng trời. Cuối cùng  mấy hộ dân ở bãi Cò bị cưỡng chế phải  giao cho bố vợ bí thư mở trang trại. Lão Chín đi thăm Trung Quốc về  chặt hết tre trồng trúc lấy măng xuất khẩu. Ngày chặt tre đàn cò bay tớn tác, hàng chục con cò non chưa biết  bay biến thành mồi nhậu cho bố con lão Chín.
 
Tôi gặp lão Chín ở  ngã ba sông. Lão  mặc bộ quân phục cũ và đội mũ cối, mặt đỏ như gấc nổi từng múi thịt, nói năng bỗ bã ra dáng kẻ có tiền có quyền .
 
Tôi hỏi :
- Chú đầu tư vào dự án này cũng bộn tiền nhỉ ?
 
- Hừ, ba bốn trăm triệu chứ mấy !
 
- Liệu Trung Quốc nó có mua măng thật không ?
 
- Đéo biết  thế nào ? Nó không mua thì cho bò ăn .!
 
Lão Chín ngẫm nghĩ một lúc rồi bảo tôi :
 
- Thà có măng cho bò ăn còn hơn thằng Mịch nhà bác  nuôi đỉa  kinh bỏ mẹ !
 
Theo tay lão Chín chỉ tôi đến trang trại của Mịch người bà con với tôi. Khu đất của Mịch  gần bờ sông khoảng năm sáu sào, đắp bờ thấp chung quanh và làm một căn nhà thấp lè tè lợp tôn trong cái đầm nước nông choèn và kiến trúc đơn giản ấy Mịch vứt bừa bãi rơm rạ. Tôi lấy chiếc gậy khoắng thử một cái, thì  chao ôi,  hàng trăm con đỉa ngoi lên mặt nước  như rươi
 
Mịch mở trang trại này mấy năm rồi. Trước  nuôi vịt, nhưng hai năm liền bị dịch hết vốn, xoay qua nuôi dế. Nuội  cả dế giống lẫn dế thịt . Cũng cơm đùm cơm vắt tầm sư học đạo  và đàn dế phát triển hàng vạn con, đêm nó  gáy điếc cả tai. Nhưng bán không ai mua. Trẻ con trong xóm nó mua nhiều nhất là năm, sáu con  để chơi  dế đá. Hai bố con Mịch cho dế thịt vào bao chở ra Hải Phòng bán cho nhà hàng đặc sản. Lần thứ nhất nó mua trả tiền ngon lành, mừng lắm. Nhưng sau nó  bảo để chục triệu thanh toán một thể. Thế là cứ hết ngày này qua ngày khác, hết bịch dế này đến bịch dế khác, mà túi vẫn rỗng. Đòi vừa nó còn hứa sẽ trả, đòi gắt nó bảo chiều quay lại. Đến chiều quay lại nó ngâm nước cho bịch dế chết ném vào mặt  bố con Mịch nói : “ Địt mẹ mang về ăn đi, bố mày đéo mua nữa !”
 
Vừa qua mấy tay ba Tàu mò đến đây mua đỉa. Rồi một nhóm cò từ Quảng Ninh về đặt vấn đề nuôi đỉa xuất sang Trung Quốc làm thuốc chữa bênh hủi và sida, thế là Mịch  bỏ dế nuôi đỉa.
 
Từ đời ông bà ông vải đến giờ, làng tôi không ai nuôi cái loài hút máu này. Hồi còn  mười ba, mười bốn tuổi, đi dậm, bị đỉa cắn bứt không ra bây giờ còn khiếp. Bao nhiêu năm đồng ruông quê tôi đã hết cái thứ kinh khủng ấy, bây giờ  Mịch lại rước về. Làm sao giữ đươc cái loài nhuyễn thể hút máu trong mấy sào ruộng  be đắp sơ sài kia ? Chỉ một trận mưa lớn ngập bờ nó sẽ tràn ra và hậu quả khó lường. Vì chén cơm manh áo  mà nhắm mắt làm liều!
 
Mấy năm trước làng tôi có nghề dệt chiếu  sạch sẽ và có thu nhập tương đối ổn định. Mỗi nhà có một hai sào cói, tự cắt chẻ  phơi khô bó gọn xếp vào góc nhà. Đay ra chợ làng mua. Khung dệt chiếu thuê thợ mộc đóng mất khoảng năm, sáu trăm ngàn. Hai người một khuôn chăm chỉ dệt mỗi ngày được hai đôi chiếu, bán lời mỗi đôi năm chục ngàn. Nhà quê lúc nông nhàn như vậy là ổn. Mấy năm trước về quê, tôi thích đi xem chợ chiếu. Chợ họp mỗi tuần một phiên từ ba giờ sáng, nhà nào cũng có chiếu mang ra chợ bán. Từng đoàn người vai gánh chiếu tay xách đèn vừa đi vừa cười nói rôm rả trên đường làng. Chợ chiếu từ sân đình nối ra hai ngả đường, những lá chiếu cuộn tròn xếp hai bên đường tỏa mùi thơn nồng ấm cỏ khô… Trời vừa sáng chợ chiếu vừa tan, những chiếc xe tải chở đầy chiếu cói rời khỏi chợ, hẹn tuần sau quay lai.
 
Chiếu nhựa của Trung Quốc tràn sang, người mua chiếu cói giảm. Mấy người có tiền lại nhập máy dệt chiếu Trung Quốc về thay dệt thủ công. Một cái máy mỗi ngày  dệt sáu, bảy chục đôi chiếu, bằng mấy chục người dệt thủ công, tuy lá chiếu nhão nhưng giá rẻ nên người ta mua chiếu máy. Thế là bao nhiêu khung dệt chiếu thủ công bỏ xó.  Miếng cơm chim của người nghèo bị giật mất, và cái chợ chiếu cũng không còn.
 
Bây giờ làng tôi rộ lên làm tăm nhang đạo Hồi. Cũng mấy tay ba Tàu đến bán máy làm tăm nhang rồi đưa nguyên liệu cho mình  làm gia công.  Mỗi chiếc máy  mười lăm triệu đồng, một ngườì, một ngày chẻ được năm chục cân, mỗi cân đươc năm ngàn, vị chi cả máy lẫn người mỗi ngày kiếm hai trăm năm chục ngàn? Một số người đã mang nhà thế chấp ngân hàng vay tiền mua máy. Nhưng điềm chẳng lành đã xuất hiện, bọn ba Tàu không giao  nguyên liệu, thâm chí không nhận lại sản phẩm đã đưa gia công trước đó. Hình như chúng lại đánh lừa người dân quê tôi để bán những chiếc máy thì phải…
 
Làm ăn không hiệu hiệu quả, bị lừa, nhiều người bỏ tiền kiếm một suất lương  nhà nước cho chắc ăn. Vì thế mà sinh ra dịch vụ làm sổ hưu, sổ thương binh, sổ nạn nhân chất độc da cam.  Chẳng đi bộ đội, thanh niên xung phong ngày nào, chỉ  cần bỏ ra mười triệu lót tay trước, sau đó dành sáu, bảy tháng lương đầu tiên cho bọn quan gian là có sổ.  Đường dây làm sổ từ thôn lên xã, lên huyên , lên tỉnh rất bài bản. Hội cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong cũng nhảy vào kiếm chác. Mấy tay bác sỹ trong bệnh viện chỉ cần ký giấy sác nhận bị thương hoặc nhiễm chất độ da cam là kiếm bac  triệu.
 
Lão Thập ở xóm tôi làm bác sỹ ở bệnh viện huyện bị phát hiện ký hơn một trăm giấy chứng thương và giấy xác nhận bị nhiễm Diosin giả. Lão bảo bị gài bẫy ký lúc say sỉn . Mà đúng tay bác sỹ này hay say sỉn thật . Vừa mới mấy ngày trước đây lão đi đưa dâu đứa cháu gọi bằng cậu ruột. Nhà trai mời lão ngồi mâm trên với ông nội và ông bác chú rể. Lão uống  say bí tỉ nói huyên thuyên rồi bất ngờ đứng dậy tè vào lưng ông nội chú rể làm cả họ nhà gái không tìm được lỗ nẻ mà chui.
 
Lão Thẹo thiếu tá, nguyên chủ tịch hội cựu chiến binh cũng ký xác nhận cho mấy chục người chưa hề đi bộ đội ngày nào , là lính cùa lão ở chiến trường C.  Không hiểu sao một sỹ quan từng vào sinh ra tử như Thẹo mà bây giờ đổ đốn ra bần tiện, tham lạm đến thế?. Với lương thiếu tá về hưu, vợ chết từ lâu, con cái đếu ở riêng, lão đã gửi tiết kiệm được bốn, năm trăm triệu. Vậy mà buổi sáng lão ra chợ mua hai ngàn bún riêu, húp hết nước lại xin thêm. Trưa lão nấu một niêu cơm, ăn mấy chén còn dành đến tối ăn cơm nguội. Thức ăn chủ yếu là những con tôm, con cá ươn người ta bán rẻ khi vãn chợ, lão mua về rang mặn phơi khô ăn dần. Hồi giáp tết năm ngoái gia đình góp tiền xây mộ bố lão,  lão không góp. Lão bảo “ Để tao cúng cái bát nhang ”. Ai ngờ ngày khánh thành, lão nhặt cái bát nhang mẻ của người ta vứt ở bãi tha ma chùi sạch rồi đặt lên mả bố. Mấy người em gái, em trai lão phản đối rầm rầm, lão thề sống thề chết là mới mua ở cửa hàng thằng cháu ngoại ngoài chợ. Thằng cháu ngoại nghe tin tức tốc chạy ra chỉ vào mặt lão mắng : “ Cái bát nhang mà biết nói năng thì ông khổ đấy ông ạ ! Ông ký xác nhận bộ đội giả thiếu gì tiền mà ông làm vậy. Thôi để cháu biếu cụ cái bát nhang khác ”.
 
Cách nhà tôi không xa có cây đa cổ thụ, gọi là cây đa đồng Dè. Khi còn bé tôi và mấy đứa bạn thường cột trâu dưới gốc đa chơi đáo lỗ. Chơi đáo chán thì lấy nhựa đa phơi khô  nhai như kẹo cao su. Mùa đa chín chúng tôi leo chót vót lên tận ngọn hái từng chùm tím mọng chia nhau ăn. Có những buổi chiều mùa đông rét căm căm rủ nhau nhóm lửa ngồi sưởi. Gốc đa ấy cũng là nơi nhiều đôi trai gái ngồi tâm tình trước khi ra trận hồi chiến tranh… Năm nào về quê tôi cũng ra gốc đa đứng một mình tần ngần nhớ lại những kỷ niệm.
 
Mấy năm nay nạn ma túy tràn về quê tôi, bọn choai choai mười lăm, mười sáu bị dính nhiếu nhất. Cái gốc đa đồng Dè là một trong những điểm chúng thường tụ tập nhậu nhẹt, hút chích. Thằng Tâm con lão Tộ  mười tám tuổi, làm phó bí thư chi đoàn hẳn hoi mà cũng nghiện. Mùng bốn tết năm ngoái nói rủ bạn bè ra gốc đa nhậu nhẹt hút trích đến khuya rồi cãi lộn nhau. Thằng Tâm rút dao đâm thằng bạn chết ngay tại chỗ. Nó bỏ trốn, công an truy lùng ráo riết. Đến ngày thứ tư thì người ta phát hiện thằng Tâm treo cổ trên tít ngọn đa. Lão Tộ không muốn hình ảnh thằng con treo lủng lẳng trên ngọn đa ám ảnh, mới khoét một lỗ ở gốc đa rồi đêm khuya mang nước sôi đổ vào làm cây đa chết đứng.
 
Người làng không biết  đồn lên rằng cây đa đồng Dè chết là điềm xấu . Và cái điềm xấu ấy nó vận vào trưởng thôn Tham, chủ tịch Lợi, bí thư Quyền và trưởng ban địa chính Danh.
 
Số là xã có con kinh bị ngẽn dòng,  trên cấp kinh phí hơn năm trăm triệu để nạo vét. Chủ tịch xã làm chủ dự án này. Tiền nạo vét hết có năm mươi triệu còn tiền đền hoa màu cho dân hai bên kinh hơn bốn trăm triệu.  Trưởng thôn Tham và địa chính Danh lập danh sách và thống kê cây cối của từng hộ dân. Hai tay này móc ngoặc với từng người khai khống số cây cối lên. Nhà có năm cây chuối ba cây cam thì khai lên ba chục cây chuối năm chục cây cam. Nhà có vài cây mít chưa ra quả khai một vườn mít mỗi năm thu hàng tấn quả…Nói tóm lại là số cây trái ảo gấp mười lần số cây trái thật. Chủ tịch xã kiêm chủ dự án ký tên đóng dấu đỏ chót.
 
Hôm lĩnh tiền đền bù trưởng thôn chực sẵn ở văn phòng Uỷ ban. Các hộ lĩnh tiền ở phòng thủ quỹ ra, Tham chặn lại thu lại tiền đền bù  số cây ảo. Người dân ký nhận một triệu thì chỉ được một trăm ngàn, chín trăm bọn Tham nẫng. Có người đã nói thẳng với trưởng thôn Tham : “ Nhẽ ra số tiền đền bù cây ảo các ông phải chia cho chúng tôi một ít. Các ông húp nước cả căn thế này thì không trôi đâu!?”. Trưởng thôn Tham nói: “Ông có giỏi thì gặp bí thư, chủ tịch. Tôi thiên lôi chỉ đâu đánh đó!” 
Mấy cựu chiến binh quyết làm cho ra nhẽ một phen và kết quả trưởng thôn Tham lãnh hai năm tù giam, địa chính Danh bốn năm tù giam, chủ tịch xã hai năm tù cho hưởng án treo còn bí thư bị cách chức. 
Năm ngoái tôi về chủ tịch Lợi và bí thư Quyền đến thăm, nói năng cũng lễ phép. Bố Lợi cùng nhập ngũ với tôi năm 1965 khi Lợi chưa ra đời. Năm nay về Lợi không sang chơi dù nhà nó cách nhà tôi ba bước chân. Nghe nói từ hôm bị án treo  Lợi  ở rịt trong nhà không gặp ai, có việc ra đường cứ cúi gằm xuống. Tôi sang nhà Lợi gặp nó và nói : “ Vấp ngã thì phải biết đứng dậy mà làm lại cuộc đời. Tao tin mày sẽ làm lại được vì máy còn biết xấu hổi” Lợi cảm ơn tôi và nói mấy bữa nữa ra Quảng Ninh làm bảo vệ. 
Ngày cuối cùng ở quê năm nay tôi lên đền Đức Vua xem hầu bóng.  Voi, ngựa, xe pháo, võng lọng, vàng mã giả, người hầu bóng nam giả nữ, nói chung cái gì cũng giả. Khói nhang mù mịt và tiếng hát văn lảnh lót cất lên: “Mênh mang sương khói ngàn hương, chập chờn một mảnh thiên đường hư vô…”. 
24/9/2012
Minh Diện
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...