Huế ơi! Tôi vẫn còn thươngCầu Tràng Tiền - Ảnh: Saigon Times
Tôi không phải là người con của xứ Huế, nhưng Huế trong tôi
là cả một trời kỷ niệm thời sinh viên. Những năm tháng sống ở cố đô, Huế với
tôi thật gần gũi, bình dị như Quảng Trị quê hương tôi, một mảnh đất phóng túng
đầy nắng gió cách Huế không bao xa, dù biết rằng Huế rất riêng, rất riêng với
tính cách Huế, rất riêng với kinh thành có kỳ đài sừng sững, thành cổ rêu
phong, là sông Hương, núi Ngự thơ mộng, là lăng tẩm, chùa chiền cổ kính, cả mùa
hoa phượng đỏ ối phía dòng Hương của những mùa hè dịu ngọt...
Thế mà thật lạ, tôi cảm nhận ra Huế bắt đầu từ những ngày xa
Huế. Trước ngày rời Huế lên đường nhận công tác ở một phương trời xa, tôi dành
trọn một buổi chiều lang thang khắp mọi nẻo đường trong cơn mưa phùn cuối thu.
Từ ký túc xá 27- Nguyễn Huệ, tôi chậm rãi bước qua những ngã đường Hùng Vương,
qua cầu Tràng Tiền, về Gia Hội, ngược lên cửa Thượng Tứ, vào Thành nội và cuối
cùng dừng chân ở một góc phố nhỏ mà tôi thường đến đó vào mỗi buổi chiều buông,
để ngập ngừng, chân muốn bước đến mà lòng cứ bảo rằng không. Chia tay với Huế với
tôi ngày ấy cũng đồng nghĩa với chia tay thời trai trẻ một đi không trở lại.
Ở Tây Nguyên, tôi được sống trong tình thân của anh em cựu
sinh viên Đại học Tổng hợp Huế. Và cũng thật tình cờ, tôi có thêm một gia đình
nhỏ khi gặp Tình, một người con gốc Huế, gia đình lên Gia Lai lập nghiệp. Hồi
đó Tình theo học ngành phát thanh - truyền hình ở Pleiku. Em nhận tôi làm người
anh kết nghĩa và đưa tôi về giới thiệu với gia đình ở thị trấn Chư Sê. Cứ mỗi
chiều cuối tuần, tôi lại có nơi chốn đi về làm ấm lại cõi lòng trong những năm
tháng xa quê. Và, bỗng dưng tôi trở thành người Huế khi nào không hay khi trên
những nẻo đường công cán, nhiều người Huế lên cao nguyên lập nghiệp mà tôi gặp
đều nhận tôi là đồng hương. Mà cũng đúng thôi, vì hồi ấy Bình-Trị-Thiên là một.
Tiếp xúc với nhiều người Huế và gia đình người Huế đi làm ăn xa xứ, tôi cảm nhận
ra rằng họ đều giữ tính mực thước trong giao tiếp và sinh hoạt gia đình, chăm
chỉ trong làm ăn, đùm bọc nhau trong hoạn nạn, cố kết trong một cộng đồng rất vững
chắc. Họ luôn chăm chút cho đời sống gia đình và luôn nuôi dưỡng trong mình nỗi
hoài vọng cố hương.
Nhưng ngay ở giữa lòng phố núi Pleiku, tôi vẫn ám ảnh bởi sắc
màu của Huế. Thi thoảng, nhà thơ Văn Công Hùng, anh bạn người Huế rủ tôi ra
quán cóc lưng chừng phố núi lai rai tìm cảm hứng thơ ca. Và trong một buổi chiều
bước thấp bước cao như thế, từ miền ký ức đồng vọng thẳm sâu, bắt gặp tà áo dài
trắng bay trên phố núi mù sương, Văn Công Hùng đã ngẫu hứng làm bài thơ "Gặp
Huế trên cao nguyên" làm cho làng thơ phố núi thêm phần khởi sắc: Tà
áo trắng vương trong chiều cao nguyên/Tiếng dạ láy trầm như còng/Ngực thở...".
Cái buổi chiều ấy đã ám ảnh, đeo đẳng Văn Công Hùng đến mười năm sau để bật ra
một câu thơ về áo dài - áo dài Pleiku hẳn hoi: Sương dâng tím những ngã đường
tan học/Áo dài ơi giữ sắc trắng cho trời"...
Dẫu tính cách rất khác với người Huế, nhưng có thể do có sự
tương đồng về địa lý và ngữ âm nên nhiều người ở xa cứ ngỡ tôi là người Huế.
Ngay cả người bạn gái Hà Nội đầu tiên tôi quen cũng ngỡ tôi là chàng trai xứ Huế.
Tôi hỏi em:
- Sao em sinh ra ở Hà Nội lại mang tên một dòng sông ở miền
Trung?
Hương Giang chân tình:
- Em cũng không biết nữa, bố mẹ em đặt tên vậy nhưng chưa bao
giờ em đặt chân đến Huế. Có dịp em mong được vào thăm miền Trung quê anh.
Ngày ấy Hương Giang làm ở báo Thiếu Niên tiền phong. Sau này
chúng tôi vẫn thân nhau, nhưng chưa có dịp nào được đón em về thăm miền Trung
vì biền biệt những năm tháng ấy tôi còn mãi đi xa.
Một lần ra Hà Nội công tác, tôi lại có dịp gặp thêm một nét
Huế giữa lòng thủ đô. Đấy là dịp tôi được tham quan Hội chợ ẩm thực và công nghệ
thực phẩm tại cung Văn hoá hữu nghị Việt- Xô do Sở Thương mại Hà Nội-Liên minh
HTXVN và Tạp chí Nghệ thuật ăn uống tổ chức. Một gian hàng Huế Ngự Thiện nhỏ gọn
nằm trong khuôn viên hội chợ nhưng luôn tấp nập khách vào ra với những món ăn độc
đáo như chè thịt quay, bún bò, bánh bèo, bánh bột lọc, nem lụi, chả giò rế...mỗi
tô, mỗi đĩa giá chỉ từ 4000 - 6000 đồng. Thì ra cái sự ăn uống của người Huế
không chỉ phục vụ cho cái dạ dày mà đã nâng lên thành nghệ thuật ẩm thực được
khách thập phương trong và ngoài nước biết đến. Hèn gì mà có lần anh bạn của
tôi từ Sài Gòn ra chơi đã rủ rê tôi đi xe máy hàng chục cây số chỉ để được thưởng
thức món cơm hến do chính người Huế nấu bán rong trên đường phố mới chịu quay về.
Huế trong tôi ngày đi xa luôn sống lại trong nỗi nhớ trường
xưa, bạn cũ. Đấy là kỷ niệm mùa đông những năm 80 của thế kỷ trước, đêm đêm đói
quay đói quắt vẫn cùng bè bạn sấp mặt học chữ Hán nôm nguệch ngoạc, tiếng Nga
ngắc ngứ; là những đêm hè nóng bức, cái nóng như tăng thêm bởi âm thanh xập
xình của nhà máy điện diezen nằm cạnh ký túc xá 27- Nguyễn Huệ nhưng vẫn ngồi
hát sáng đêm; là những đêm thơ bốc lửa nghi ngút hương trầm và những giọng thơ
hào sảng của bạn bè trong đêm xa vắng; là những bữa chờ cơm tập thể ngồi tán
dóc chuyện từ Á sang Âu, tranh luận từ văn chương đến thế sự...
Sau này khi thực sự xa Huế, mới thấm thía hơn nỗi nhớ Huế,
càng hiểu sâu sắc thêm những lời mà thầy Tạ Đình Nam (thầy đã mất cách đây mấy
năm) phân tích trong bình giảng thơ: Bối cảnh thiên nhiên xứ Huế như được sắp đặt,
bố trí trong một khuôn khổ xinh xắn, mực thước rất phù hợp với tính cách chung
của người Việt Nam. Huế là mảnh đất có đầy đủ địa hình, là hình ảnh thu nhỏ của
địa hình Việt Nam, vì thế không thể tìm thấy ở đâu một sự hài hoà giữa
thiên nhiên và con người một cách nhuần nhuyển như ở đất này. Chính Huế đã mang
trong mình nét hài hoà của phong cách dân tộc, là sự mực thước vừa phải, gọn
gàng, xinh xắn...từ con sông, đồi núi, lăng tẩm đến những ngôi nhà, khu vườn Huế
nên Huế luôn trở thành trung tâm của sự rung động.
Nhưng với riêng tôi, Huế còn là một kỷ niệm buồn, là nơi tôi
chia tay với em để mãi mãi không bao giờ gặp lại; là nơi tôi ra đi với cái án kỷ
luật bị khiển trách trước toàn Trường ĐHTH (có được hội đồng kỷ luật nhà trường
giảm nhẹ chút ít) do bị quy kết sinh viên chưa ra trường đã viết báo sai sự thật
về nhà trường (vụ chiết suất Aga-Aga). Ngày ấy tôi rời Huế với nỗi buồn riêng
mang, nghĩ rằng sẽ không bao giờ trở lại. Nhưng mọi chuyện rồi cũng qua đi, dịp
trở về thăm nhân 20 năm ngày thành lập trường, theo gợi ý của thầy Phạm Phú
Phong, tôi đã đăng đàn kể lại chuyện này như là một kỷ niệm lầm lỡ đầu tiên
trên đường đời.
Mùa xuân này, tôi rời xa Huế đúng hai mươi năm, có lẻ. Thỉnh
thoảng trên đường đi ngang về tắt, bắt gặp lại những con đường, màu hoa phượng
thắm, nhớ thời sinh viên đến cháy lòng. Bỗng nuối tiếc chút ngây thơ vụng dại,
sao ngày ấy không cùng em đi hết con đường có lá vàng rơi trong đêm thang vắng,
sao không nói với em một lời trước lúc chia xa...Một đôi lần kỷ niệm xưa thức dậy,
lòng nôn nao muốn tìm về góc phố cũ. Nhưng từ một phía khác của con tim mách bảo
rằng, hãy để kỷ niệm ngủ yên với thời gian, để rồi có những khoảng trống vô
hình cồn cào nỗi nhớ Huế, nhớ em. "Người ơi! /Nếu còn vầng trăng soi
dòng Hương/ núi Ngự còn thông reo chiều buông/ Tôi vẫn còn thương".
28/11/2008 Minh Tứ
28/11/2008
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét