Rừng trong phố
Có người bạn thân công tác ở xa về thăm quê, tôi cùng các bạn
thời học trung học phổ thông đưa bạn ra một quán nhỏ bên đồi cọ dầu uống nước để
hàn huyên tâm sự. Từ đây nhìn ra, trước tầm mắt là cánh rừng cọ dầu phủ kín những
triền đồi; chúng tôi vừa lai rai, vừa ôn lại kỷ niệm thời hoa niên gắn bó với
những đồi sim, mua trơ trọi sau chiến tranh mà phải trải qua bao năm tháng giờ
đây mới xanh lại cánh rừng nhờ sự kiên trì nhẫn nại, chăm chút của bao người.
Người ta nói Đông Hà có nét duyên thầm nhờ có con sông Hiếu chảy vắt qua giữa
lòng thành phố, điều đó tôi đã viết trong bút ký “Dòng sông ký ức” (Tựa đề tập
sách cùng tên, Nhà xuất bản Văn học- 2012); nhưng còn một nét riêng nữa mà ít
có thành phố nào có, đó là rừng trong phố. Bây giờ đi qua đường Hùng Vương nối
dài, hiển hiện trong phố là cánh rừng cọ dầu hàng chục héc ta làm xanh lại một
khoảng trời, ít ai nghĩ có được như thế là nhờ bàn tay ươm trồng, chăm chút của
thế hệ chúng tôi, để bây giờ có cánh rừng chạy hút tầm mắt trong phố mới Đông
Hà.
Khởi nguyên việc trồng rừng cọ dầu là chủ trương của tỉnh với
dự tính là vừa phủ màu xanh trên những ngọn đồi trơ trọi sau chiến tranh, vừa
có nguồn nguyên liệu cho dự án nhà máy chế biến dầu cọ về sau. Thực hiện chủ
trương này, một cánh rừng cọ dầu được trồng lên với bàn tay ươm trồng của những
công nhân lâm nghiệp, trong đó có công sức của các thế hệ học sinh Trường cấp 3
Đông Hà (nay là Trường THPT Đông Hà) những năm tám mươi của thế kỷ hai mươi. Số
là hồi đó Bộ Giáo dục có chủ trương rèn luyện tinh thần lao động của học sinh,
vì thế mỗi tuần nhà trường tổ chức một buổi lao động, thường gọi là lao động xã
hội chủ nghĩa, mỗi năm có một đợt đi lao động dài ngày ở địa phương, như hồi đó
chúng tôi đi lao động đào đắp mương thuỷ lợi ở Cam Tuyền, Cam Lộ; có năm thì đi
lấy đót ở trên rừng về ủng hộ cho các cơ sở làm chổi để bán ra thị trường, đó
còn là mặt hàng xuất khẩu qua các nước Đông Âu. Riêng buổi lao động hàng tuần,
chúng tôi thường đi chăm sóc rừng cây cọ dầu ở quả đồi phía tây nam của trường.
Vì thương và lo cho lũ học trò tinh nghịch, hiếu động nên thầy Nguyễn Công, chủ
nhiệm lớp chúng tôi trước mỗi buổi lao động đều đi tiền trạm, khảo sát khu vực
đất được giao để đào hố, bỏ phân xanh quanh gốc cây cọ dầu. Biết trên đồi còn
nhiều bom đạn còn sót lại sau chiến tranh, thầy Công dặn chúng tôi khi đào hố
phải canh chừng bom đạn và phải phân tán lực lượng, đừng đứng tập trung một chỗ
để đề phòng rủi ro. Tinh thần được thầy quán triệt là lao động phải có kỷ luật,
kỹ thuật và năng suất cao; phải chú ý đến từng nhát cuốc khi đào hố, nếu gặp vật
cứng nghi bom, đạn thì phải dừng ngay quan sát, nhờ người xử lý rồi mới làm tiếp.
Vì quá vô tư, chúng tôi vừa làm, thỉnh thoảng còn giả tiếng đạn nổ và làm động
tác ngã lăn quay làm mấy bạn gái cùng lớp một phen hú vía, mặt xanh như tàu lá.
Đào hố xong, chúng tôi lấy liềm đi bứt lá cây sim, mua bỏ xuống hố xung quanh
cây cọ rồi lấp đất kín, để cây hoai mục theo thời gian thành nguồn phân hữu cơ
nuôi cây, chứ hồi đó làm gì có phân công nghiệp như bây giờ để bón cho cây. Làm
xong, chúng tôi đua nhau chạy nhảy trên đồi tìm những quả sim tím chín mọng, những
quả muồng màu đen nhánh ngọt lịm cho vào miệng nhai ngon lành, môi miệng đứa
nào đứa nấy tím ngắt. Kết thúc mỗi buổi lao động, thầy chủ nhiệm nhận xét về chất
lượng buổi lao động, có lẽ điều làm thầy an lòng nhất là không xảy ra sự cố đào
trúng quả bom mìn nào, đảm bảo an toàn nên biểu dương toàn lớp rồi thầy trò mặt
mày hớn hở ra về, bỏ lại phía sau cánh rừng cọ dầu tĩnh lặng với những mảnh bom
đạn mà chúng tôi gặp phải được nhặt nhạnh chất lại thành từng đống.
Đã có rất nhiều buổi lao động như thế suốt ba năm học cấp 3,
nhưng điều may mắn là lớp chúng tôi chưa bị tai nạn đáng tiếc nào. Chỉ duy có
hôm đi lao động dài ngày ở Cam Tuyền, khi đào đắp đất làm kênh mương thuỷ lợi,
một bạn ở lớp bên thấy một quả bom bi còn sót lại trong đất bật ra, nhanh như
chớp bạn ấy nhặt và ném nó ra xa. Một tiếng nổ chát chúa vang lên làm cho hàng
trăm học sinh đứng chết lặng. May mà quả bom bi nổ ở cự li xa không gây sát
thương cho một ai cả. Tức khắc các thầy cô cho dừng lao động để quán triệt an
toàn lao động, nhưng sau đó công việc vẫn tiếp tục như chưa hề có sự cố đã xảy
ra. Có lẽ lứa chúng tôi đã trải qua những năm tháng chiến tranh, quen với tiếng
súng đạn nên dạn dĩ đi nhiều, mặc dù thỉnh thoảng đây đó vẫn xảy ra những tiếng
nổ sau chiến tranh làm chết và gây thương tật cho bao người; kể cả một số học
sinh khi cuốc đất khai hoang cùng gia đình để trồng hoa màu kiếm cái ăn trong
những năm tháng đất nước còn gặp khó khăn, bát cơm ăn còn độn với sắn khoai.
Nương dưới sự nhọc nhằn của ông bà, cha mẹ, anh chị, chúng tôi rồi cũng lớn
lên, học được con chữ để vào đời.
Đã thành thông lệ, hàng năm lớp học niên khoá 1980-1983 của chúng tôi đều tổ chức
gặp mặt để ôn lại những kỷ niệm năm tháng đã đi qua, làm nồng ấm thêm tình thầy
trò, bạn hữu. Mỗi lần gặp mặt, thầy Công lại bắt đầu theo dòng ký ức, trong đó
không thể thiếu ký ức về những buổi lao động xã hội chủ nghĩa năm nào. Những
lúc như thế, chúng tôi, một lứa học trò bên trời năm nào bây giờ đã “vào cầu” U
50 mà vẫn chọc ghẹo nhau đủ chuyện, như chuyện cặp này hồi đó hay để ý đến
nhau; đứa kia hồi đó hoang nghịch nhất lớp; đứa nọ vào lớp quần còn ống xăn, ống
thả lên trả bài, cả lớp cười mà bạn cứ đỏ mặt không biết chuyện gì...Thầy chủ
nhiệm khen lứa học trò chúng tôi là “thế hệ vàng”, lao động cũng giỏi mà học
cũng chăm, lớp có hơn ba mươi thành viên mà thi đỗ vào đại học, cao đẳng, trung
cấp chuyên nghiệp hơn hai phần ba. Mà cũng phong phú thật, lớp tôi ngày ấy bây
giờ có đứa học lên được học vị tiến sĩ, thạc sĩ, đứa trở thành kỹ sư, bác sĩ,
giáo viên, công chức, doanh nhân, nhưng cũng có đứa lui về với công việc ruộng
đồng hay chạy chợ mưu sinh...Nhưng chúng tôi về đây gặp mặt chỉ còn là tình bạn,
tình thầy trò, bởi “Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời/Mỗi số phận chứa một phần lịch
sử” (A.Evtushenco).
Ngày ngày đi làm, tôi vẫn đi qua cánh rừng cọ dầu trong phố. Ngắm nhìn cánh rừng
cọ chạy tít tắp, càng tiếc nuối tuổi học trò với bao kỷ niệm êm đềm đã qua đi
không bao giờ trở lại. Rừng cọ dầu đã lên xanh, là lá phổi xanh của thành phố,
là nơi cho những đôi lứa đến đây ngắm cảnh, chụp hình đồi cọ nằm bên những hồ
nước trong veo. Nhưng đáng trách nhất là có những kẻ đã vô tâm “ăn sẵn vào quá
khứ”, đem xe tới rừng cọ để đào bới, cẩu đi những cây cọ dầu đã có hàng chục
năm tuổi để đưa về trồng ở những nơi mà họ đang kinh doanh. Họ có biết đâu để
có những cánh rừng bạt ngàn như thế, thế hệ đi trước đã đổ bao mồ hôi, công sức,
kể cả máu... để trồng nên. Ở bên quán chay Cọ Dầu, người quản lý đang ươm những
cây cọ dầu non để trồng; thế mà tại sao có những người không chịu ươm lấy cây để
trồng mà cứ làm theo kiểu ăn xổi ở thì, cứ “ăn sẵn” vào công sức của thế hệ đi
trước.
Viết đến đây, tôi nhớ đến bài viết mới đây của nhà thơ Văn Công Hùng luận bàn về
“lũ và lũ” ở Tây Nguyên: “Chúng ta đã phải đánh đổi khá nhiều từ sự phát triển
nóng. Nhỡn tiền là sự tàn phá của thiên nhiên, sâu xa hơn là sự biến mất của
văn hóa, thứ văn hóa lấy rừng làm điểm tựa, lấy môi trường thân thiện làm trọng
tâm để cân bằng quan hệ người - người và người - rừng, tức là người và tự
nhiên”.
Đã đến lúc chúng ta phải chung tay để bảo vệ những cánh rừng. Mà rừng ở đâu xa,
nó ở ngay trong thành phố yêu dấu của mình.
19/9/2016 Minh Tứ
19/9/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét