Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2022

Con họa mi nông nổiXXXXX

Con họa mi nông nổi

Trận lốc biển có kèm với sóng thần ở khu vực Chuôi Vồ cách nay vài năm tàn hại ghê gớm, hẳn chưa phai trong kí ức mọi người? Suốt một vệt từ Quảng vào Thuận nằm phơi trần ra, hốc hác, ngổn ngang phát hãi. Người ta bảo đận ấy, ngay cả đến rừng già thâm u cũng không thoát nổi ông giời. Chim muông - may nhờ có đôi cánh - sải hoảng vào mạn trong, cơ man nào kể. Không hiểu hư thực thế nào. Chỉ biết thành phố nhỏ nơi tôi ở vừa mới chiều hôm trước còn xanh mơ xanh mớt và đìu hiu đến dịu dàng, bỗng dưng sáng sớm sau tất cả đã thay đổi : các chóp nhọn nhà thờ, gác chuông chùa chiền , tháp nước cho tới mọi mái nhọn mái bằng nhấp nhô xô xúi thảy đều trắng bệch một lớp phân chim.  Dầy dặn và vững chắc cứ như phố xá đương để trở đại tang ai. Hàng quán chỗ chúng tôi bầy rặt thứ thịt chim : sống sít có, nguội ngặm có, thơm nức có, hươm vàng bắt mắt … thôi thì trăm vành vạn cách không nhời nào kể xiết. Giá chim bổi sụt từng giờ. Vỉa hè - đoạn từ cột đồng hồ Ba Mặt cho thấu đến xa lộ - chiếu chim trải cách quãng non sải chân một hàng mà dân thạo chim nhắm mắt ơ hờ như điếc. Tiếng la ó loạn xạ của bao nòi chim hiếm làm cho âm thanh thường khi của phường phố tựa hồ bị nhoè đi hay là vữa tơi ra. Rõ đến hãi !
 
Ấy vậy mà cậu Phong tôi lại đi rước ngay con Lãng về. Những năm chỉ vàng bốn số. Đấy là chưa cộng thêm con Hồng với lại con Giao thừa ( một con chích chòe lửa , con kia họ chìa vôi quẹt mỏ như ăn vụng ) cả thảy một đống tiền ! Cậu còn hạ gịọng : " Giá âm phủ", ý nói không đáng mụn tiền cậu tiêu rốn theo lệ cách nhật bằng các thứ lẻ ( ba , năm , bảy ) hằng tuần ở đằng Cổng Kho theo lối thư giãn bình dân của cậu. Chết nỗi ! từng ấy triệu bạc, nói khí không phải, thử vào tay tôi xem, ba lô mũ cối cứ là tôi giông phứt về Đanh với U. Với cả Liễu nữa -  còn phải nói ! - thừa sức triển khai một tiệc mặn ra trò, có nhạc sống phố huyện điệu về. Chơi hẳn thuốc Du lịch ( thứ nửa đỏ nửa đen ) mỗi bàn ; còn rượu hử ? Đặt hẳn bên Sổ, lấy tinh men Làng Vân phựt lửa cái xanh lè, xém râu như bỡn. Chỗ dôi ra cộng với tiền mừng cưới ? Bắt nhẹ con "Phượng Hoàng"( ) tầm tầm. Xích truồng cũng cân ! Chân chạy mà lại ! Đầu chợ, cuối mom quanh quẩn chứ có bảo quần chùng áo dài tung tẩy gì đâu? … Tươm chán ! Thế là thoát cái cảnh hiện giờ : hăm bốn trên hăm bốn chỉ toàn là ư ử hóng : " Bằng lòng đi em…" đã ê cả hàm bên mớ lồng chim nhà cậu, lại hoài của ba năm nghĩa vụ tận ngoài đảo xa xôi …
 
Cậu Phong dặn tôi đặc trách con Lãng mới sắm. Nó là một con hoạ mi mà chỉ cần dòm sơ đã có thể "kiện toàn" ngay một câu : "Hớ!". Song tôi nhầm. Đúng là Lãng có hơi xấu dáng đôi chút. Là nói bộ mã ngoài gồm màu lông hơi cu cũ như thể lớp ngói đình  sắp sửa lên rêu và cái dáng bụi đời của gã so với những con chim thuộc nuôi đầy vườn nhà cậu. Giọng hót mê ly, đầy vơi, dầy mỏng khác thường và vô cùng ngẫu hứng của gã, tôi kể sau.
 
 
Hôm Lãng và hai con kia được tài xế chở về, cậu tôi viết kèm : "Chăm kỹ con họa mi. Thằng lái học lại nó đã thuộc( ), không phải con bổi đâu".Tôi đưa giấy cho tay lái xe hỏi : " Là sao ?".
-  Nhà tao tứ đại đồng  đường, chim có mà thiếu giống. Hơi đâu tìm hiểu cu gáy, cú mèo như cái ông Phong rửng mỡ nhà mày ?
Hắn quay mũi xe , mặc tôi xoay sở.
Tôi đem áo lồng ra khoác và treo ba đứa theo hình chân vạc. Con chích choè với lại con chìa vôi nín thít như mọi anh mới về nhập khẩu còn tò te. Khắp vườn, dưới những chạc cây nắng mới hong vàng, tiếng hót lần lượt cất lên, nối nhau, đuổi nhau, loang ra, tụ lại , vút lên, tràn xuống chan chứa âm thanh như ta đang được đứng giữa rừng vào lúc sớm mai, những tia nắng đầu tiên vừa dụi lên mắt lá vừa nâng bổng các tiếng động của ngày mới lên trời. Đấy là giọng hót của những con nhồng, sáo sậu, khổng tước … tôi đã quá quen.
Tôi biết việc của mình. Nào cóng sâu lúc nhúc những con sâu tàu in hình các anh cuống chiếu ta, nào nước tắm, rồi nào là bột trứng, hạt kê …Xong được cái ăn lại chuyện ở : tới phiên chùi cọ ngăn kéo, giặt dịa, tắm rửa, kì cọ trong ngoài những cái lồng. Chúng sẽ hót cả ngày như thế như là khoe khoang, bằng lòng với cái khu rừng giả vờ của cậu Phong tôi cũng như thứ khuôn khổ tự do bằng cật tre đánh bóng úp sùm sụp quanh chúng. Tôi cũng đã thuộc từng tiếng, từng giọng của mỗi con trong lồng kia rồi. Thuộc đến phát ngấy. Cho nên chẳng vội gì. Cậu đã dặn o bế con Lãng thì nào đi lo món hạt kê tẩm bột trứng cho Lãng nhấm nháp. Cốt sao cho em hay ăn chóng lớn để còn hót cho hay, vờn cho đẹp, xứng đáng với năm chỉ vàng y tậu chim mùa bão chứ nhỉ ?
Vừa mới hối hả bưng được cóng thức ăn ra tới bìa sân, tôi bất đồ phải chùn gót. Có một âm thanh gì lạ lắm vừa mới cất lên. Nó trong vắt và gần gũi như thể mình có thể nhìn thấy, sờ tay lên được. Nó chảy ra long lỏng từ phía chiếc lồng nhốt Lãng. Dần dần, nó - tiếng con họa mi, bây giờ thì tôi đã hiểu - dầy dặn, dồn dập, mải miết như người ta giải ra một cách thật thô phũ, từng nong thuỷ tinh vụn, sặc sỡ, lóng lánh ánh mặt trời. Chúng tãi lên mặt sân lát gạch bát tràng lúc này đương nắng tháng năm : gạch thật nỏ và sắc thì đỏ đến dịu dàng dưới giai điệu huyền hoặc kia. Song, tôi đoảng quá, tôi tả lại chưa thật đúng với tình trạng có thật lúc ấy bởi vì những đợt sóng âm thanh cứ vùn vụt loang ra gấp gáp, tạo thành các cái quầng như quầng nhật thực. Nó nới ra mỗi lúc mỗi rộng hơn làm cho cả khu vườn chìm ngập, đảo điên khác thường. Dường như mọi cái mơ hồ hơn, tôi tối lại ; sau đó thì lại sáng tỏ ra …
Tôi bỗng thấy Đanh xá quê tôi hiện lên rõ mồn một. Nhưng sao nó lại đu đưa như có ai đặt cả làng lên một cái võng lớn và đánh bổng lên thế nhỉ ? Rồi đến tiếng rơi ươn ướt, ngập ngừng của mấy bông hoa gạo chín nẫu xuống bờ đê nhẵn thín. Cả tiếng nó lăn âm ẩm xuống bờ thoải của dốc đê. Và mặt sông lõm xuống sau tiếng "chũm" uể oải của bông hoa đã làm xong đời sống của mình. Và Liễu, em ...
 
Chiều  trên đê quai sũng nước mưa. Thứ mưa nhờ nhờ như thể gió bấc đương đe rằng nó sửa soạn thổi về. Lão "xã đội" ác như hùm phi "Mô-kích" rát rạt sau lưng hai đứa chúng tôi.  Liễu bị lão túm được, xách em lên yên sau. Hàng xoan chìm trong mưa hay là trong nỗi uất ức mù mịt không rõ nữa, làm nhòa cả hình Liễu với cái dáng ngồi khật khưỡng đằng sau xe. Mấy hôm sau, u phải lên xã xin trả lại hai sào khoán mười  để cho tôi xuống huyện đăng kí nhập ngũ mới yên mọi bề. Đanh xuyên,  chợ làng ầm ì tiếng người lẫn tiếng than thở của nước sông bến chợ … cứ đu đa đu đưa theo cái tiếng hót say khướt của Lãng. Tôi chợt hiểu chính Lãng đã dìu tôi trở về Đanh xá và kí ức đã có vẻ thăm thẳm của tôi bằng giọng hoạ mi tuyệt vời của gã. Giọng ca ấy còn làm cho những chị hồng yến õng ẹo, những gã khổng tước thiển cận cùng các cậu nhồng đất chuyên bắt chước tiếng người phải im bặt,  ngó nghiêng một cách dè chừng sau những lùm cây đã được nằm khuất nẻo đó đây trong vườn. Phải chăng chúng đương mường tượng ra một cuộc thay đổi trong cánh rừng nhân tạo này ? Đúng lúc ấy, Lãng thôi bông đùa. Khu vườn thin thít rất kinh.
 
Những ngày sau, Lãng khặc khừ như vẻ ốm. Tôi nhỏ nhẹ dỗ dành gã, cho gã ăn chút một như nựng đứa em hay hờn dỗi. Thi thoảng tôi mở áo lồng cho Lãng thỏa thuê ngắm nghía cây trái, suối phun, lối sỏi và nghe ngóng lũ chim trong vườn đua đòi làm dáng. Lãng tỏ ra thờ ơ. Gã ngó xa xăm như một kẻ viển vông nhưng không phải biếng nhác. Đôi mắt - thứ đẹp đẽ nhất trên "người" gã - kéo sướt một quầng lóng lánh ra sau. Lãng nhìn tôi. Cám cảnh ? Có nhẽ vậy ! Lâu lâu Lãng mới rúc lên những tiếng rời rạc nghe như có con suối nào nức nở vì sắp cạn nước mà đá lấp thì mỗi lúc mỗi to và nhiều vô kể nơi trước mặt. Tôi và Lãng trở nên tri kỷ chính là nhờ giọng hót của nó, bởi nó  bí ẩn, biến ảo và đầy bất ngờ. Giọng hót không hề có ở những con chim đắt giá khác trong vườn cậu Phong. Giọng hót luôn luôn mới của Lãng cơ hồ như còn làm vơi đi vô khối phiền não bao giờ cũng nêm chật cả lòng tôi.
 
Cậu Phong ở ngoại quốc về. Tôi khoe về Lãng .Cậu bảo : " Thế à?" rồi cậu lại cưa cưa sợi chỉ trong các kẽ răng như người ta xỉa răng. " Để đấy, mai phục quả sinh nhật cậu sắp tới. Cho thiên hạ lác mắt vì nó".
 
Cậu bảo tôi mở vali. Vô số của lạ chỉ những kẻ sẵn tiền như cậu người ta mới ẵm về. Tôi bới đến va li thứ ba mới thấy chiếc hộp cáctông cậu dặn tìm. " Họa mi cụ đấy", cậu bảo. Tôi xuýt xoa vì thật là từ cha sinh mẹ đẻ bây giờ mới thấy một con chim nhân tạo đẹp đến vậy. Cậu sai tôi treo nó lên vòm cuốn ở đại môn. Tôi vâng nhời. Con chim nhựa dán rất khéo bằng sợi ny-nông làm giả lông. Nó đậu trong một cái kiềng vàng choé, đu đưa dưới vòm cửa hình gọng dù, lại được chiếu sáng bằng một chùm đèn màu dấu ở trong khe rèm sặc sỡ  hắt lên, trông y hệt con họa mi thật. Tự nhiên tôi cảm thấy lo lo rằng biết đâu mai kia con Lãng giáp mặt cái nhà ông "cụ" cậu tôi mới nhập về này, không chừng Lãng cứng họng. Rồi ra chẳng hót nổi những giai điệu có màu, có ảnh như mọi khi thì tiếc quá đi mất thôi ! Là tôi đoán già đoán non về thói ghen  ăn tức ở, vốn hay  thấy trong các người đông đúc ở đời ấy mà ! Lo hão ? Có nhẽ vậy !
 
Cậu tôi bấm "rờmốt". Ôi chao ! tiếng hót của con chim máy phựt ngay lên. Tiếng chim máy réo rắt chan lên những chỗ lõm và rỗng. Vườn kiểng bỗng như đổi sang mùa nào ấy ! Lá mơn mởn thay chỗ cho màu xanh đậm của hàng  liễu rủ thướt tha, của những mắt na xếch chéo, những hàng lan vâng phục bên rặng ruối xanh thăm thẳm mọi ngày. " Đấy là giao hưởng bốn mùa. Bài kế theo là Đanuýp xanh ở tận đông Âu.  Nghe đã lắm ! Mày chịu khó mở máy đúng lịch  để lũ chim luyện theo. Nhà mình sẽ có bầy chim không hót kiểu sáo, kiểu mồng cũ rích. Chim hót như đàn trong cat-xet mới ác chứ! ". " Nhỡ bọn nó không hót như là máy thì sao cậu?" - tôi đắn đo - " Ngu như giai Đanh ! " - cậu chửi toáng lên - " chim nào mà chả có tật bắt chước ? Khác chi cái giống người khôn ngoan cánh mình khoái tập tọng ăn xài chơi nhởi ? Mày có nhớ câu chuyện thằng nhà giàu hợm của nuôi con sáo đã bóc lưỡi không ? Về sau sáo văng tục như ranh  …Cố lên, xong tiệc sinh nhật, ta thưởng cho cú phép năm".Tôi sướng như có cờ. Cậu Phong nói phải ! Cứ nghe riết, rồi thì cả bầy chim trong vườn sẽ phải rèn giũa cho được na ná, hao hao ; rồi ra như in như hệt "cụ" chim sắt kia cho mà xem. Nhà cậu tôi bấy giờ thành một vườn chim độc đáo nhất địa phương này ! Ông Phong này ông ấy  sáng suốt đáo để. Hèn gì có người bảo "nghề chơi cũng lắm công phu", ngẫm chả sai tí nào.
 
Từ hôm ấy tôi chuyên tâm hơn vào công việc răn dạy bầy chim kiểng trong vườn cậu. Sáng ra, tôi mở áo lồng cho chúng thật sớm. Treo từng đứa vào chỗ xong tôi mới cầm "rờmốt" lên, kiểm tra pin "nguồn" - như lời cậu dặn dò - bởi "hết pin là ngọng, còn líu lo nỗi gì ?" - cậu vẫn nhắc nhở thế - Giọng điện tử nghe khoẻ thật ! Chỉ bấm "vôlum" số ba thôi, con chim giả đã nhỏng cổ lên, quản tóp lại, cườm giãn ra y như chim sống bằng thịt vậy. Tiếng hót của nó - thực ra nghe kỹ thì là tiếng sáo mồm người ta thổi nhoen nhoét xen với sáo gỗ, sáo trúc - trầm bổng du dương như là âm giai của những bản đàn đã nghe ở đâu rồi thì phải.
 
Tiếng các thứ đàn kéo, đàn gảy và sáo kèn phải dùng hơi mà thổi vào - khi khoan khi nhặt, lúc do dự một mình, lại có lúc xoắn xuýt lấy nhau - như khiêu khích lũ chim khờ dại thích khoe khoang giọng mình và cũng hay học lỏm thiên hạ. Trong khhi ấy thì tiếng con chim điện tử vang lên, trùm kín khu vườn, len lỏi từ  đám cỏ ướt át dưới đất lên mỗi chiếc lá, nhành lá và tràn ngập không gian khiến cho bầy chim như bị trôi trong giòng âm thanh do chim máy nhè ra. Bơi trong ấy, ngập trong ấy, âm nhạc lôi cuốn bọn chim vào thế giới mới, xa lạ, mộng mị, vờ vịt một cách kẻ cả….Chúng cũng không tài nào ra thoát được giọng mẫu mực của con chim nhựa vì tôi mà thấy con nào uể oải, chán nản, tôi tăng "vôlum" lên ngay. Cũng có khi tôi giảm khẩu phần ăn của chúng xuống để ép từng cu cậu phải biết lễ độ. Chẳng mấy nỗi vườn  chim cậu Phong đã sắp thành dàn đồng ca với những bản "bốn mùa", "Đanuýp" đều tăm tắp. Nghe hơi cứng, nhưng tươm chán vì đôi khi với những lỗi bất ngờ của chúng, tôi lại được nghe lại từng giọng sáo, yểng hay nhồng ngày xưa. Cái cảm giác bần thần mỗi khi nghe lại từng giọng hót đã phai của chúng, tuy chỉ thoáng qua, cũng làm cho tôi áy náy vì thấp thỏm hãi chúng không chịu quên cái giọng hót của dòng giống xửa xưa của chúng thì sao.
 
Thế còn Lãng ?
Đúng vào hôm con họa mi điện tử nhập vườn và gióng lên những tiếng hót khác lạ đầu tiên, tôi để ý thấy Lãng nghe ngóng rất chăm chú. Đôi khi nó khe khẽ hót theo một giai điệu nào đấy. Đấy là thứ âm ba ngọt ngào, êm ái như sóng gợn trên mặt sông xa vời …từ băng catxet. Những ngày kế, trong khi bầy chim sặc sỡ cúi đầu, uốn lưỡi bắt chước cho kỳ đúng giọng máy  thì Lãng dửng dưng. Nó nhẩn nha tắm táp, lau miệng, chải lông trong khu rừng chật hẹp đầy tre cật và cóng sứ trắng hếu. Lâu lâu nó mới khẽ cất lên một giọng trầm rất lạ. Nó trầm mặc kiểu như nhớ nhung một cái gì đã chót đánh rơi, đánh vãi. Nó loay hoay trong lồng. Treo ngược mình trên nóc. Lại buông rơi tự do tới đáy lồng. Lâu lâu nó ồ ồ cất lên giọng rên xiết não nùng nghe như tiếng nước khó nhọc luồn dưới lớp đá kềng càng vì suối khê. Tôi không hiểu đấy là cách Lãng phản đối giọng hót đã bị nấu chín trong cái băng catxet giấu dưới bụng con chim nhựa diêm dúa trong vòm nhà.  Nó không ưa giọng hót đóng hộp. Nó nhớ những tiếng tươi, tiếng sống của rừng, của núi của nó và của muôn loài quanh nó. Tôi không hiểu, nên càng ép Lãng tập tành thật khắt khe theo một chương trình riêng. Lãng nhìn tôi xót xa, thương hại và thỉnh thoảng gã cũng chiều ý tôi, gắng gỏi gào lên vài tiếng hờn ư ử. Tôi đồ chừng đoản khúc này rút từ bản  "Múa kiếm" nhốt trong cũi catxet và tuôn ra từ cái vòm hình chiếc dù  nhưng bằng xi măng ở cửa chính ngôi biệt thự cậu Phong tôi.
 
Tiệc sinh nhật cậu Phong mở vào giấc sáng. Cậu bảo "cho nó độc !". Tôi thừa hiểu ý cậu muốn khoe khoang bầy chim biết hót như máy của cậu đấy thôi.
 
Khách khứa tinh người sang trọng. Thoả mãn bầy ra ở cái cách họ ngồi, đi lại và họ nói năng. Tôi ngốt người lên vì phải chặt đá phụ cánh nhà bếp. Ấy là cậu đã đặt nhà hàng chở đồ lề cũng như thợ nấu từ trên trung tâm về hì hục cả đêm qua. Nhưng không sao, tôi chắc mẩm xong tiệc này được cậu đãi suất phép năm. Một công đôi việc : về thăm u  tôi kết hợp việc thay áo cho ông ngoại nữa ( cậu cử tôi làm đại diện vì cậu bận làm ăn đương phất ). Sao cũng được, miễn là về tới Đanh, thấy mặt Liễu  cho nó bõ hơn ba năm trời đằng đẵng.
 
Tôi phấp phỏng chầu trực cái thời điểm biểu diễn của dàn đồng ca chim chóc trong vườn. Quả nhiên vừa nhận ra cái nháy mắt ý tứ của cậu, tôi tíu tít chạy khắp vườn đi mở áo lồng và cuống cả lên khi một con nào đấy còn bỏ dở bữa ăn trong cóng sâu đã trộn trứng. Suất đúp ! Riêng con họa mi ngoại quốc tôi treo lấp trong lùm hoa dã quỳ và đã thay hẳn bốn viên pin mới cứng hồi sáng sớm nữa kia.
 
Cậu Phong thò tay xuống gầm bàn. Tôi đoán cậu chỉnh cái "rờmốt" để tạo bất ngờ cho khách sinh nhật. Nhưng tôi lại thấy cô bạn gái ngồi cạnh cậu đỏ mặt, nhấp nhô bả vai như là hai tay cô đương phải buông nắm thứ gì đó dưới bụng cô.   Rượu rớt xuống tong tong. Song không ai để ý vì tiếng chim đã lánh  lót loang ra. Đúng vào lúc giọng con mồi vừa phủ kín bề mặt khu vườn xanh mọng sáng mai thì bầy chim nuôi bắt ngay vào nhịp. Bàn ăn dưới giàn hoa hiên bùng lên những đợt sóng leng keng của pha lê chạm nhau và những lời khen nức nở cái thú chơi tao nhã, hơn đời của cậu tôi. Ý nói thú thư giãn sau những giờ mệt nhọc ở chốn trần thế bạc bẽo như tiền (!). Thứ thức ăn tinh thần ấy chơi vơi trên lưng chừng bàn rồi sà xuống, vồ vập lấy hương vị, mầu sắc, mời gọi cũng rất cao cả của vật chất. Những vuông tròn cao thấp ê hề, có sức lay động mọi chỗ trên thân người dùng, quyến họ về chỗ có thật của đời người hơn nhiều lý thuyết khô khỏng khác. Chóng cả mặt.
Bỗng cậu hỏi :
- Lãng đâu ?
Tôi chỉ gã họa mi đương phớt tỉnh dưới cành dã quỳ Hồng Công của cậu . "Sao thế?" - cậu gắt phủ đầu -  Tôi vội nhón gót, ghé miệng sát lồng Lãng "xuỳ" một tiếng day dứt như muốn than với gã suất phép năm của tôi nằm trọn vẹn trong bài biểu diễn này của gã đây.
 
Lãng ngẩn ra đăm chiêu. Nó nhảy phóc qua cóng trứng kiến để nhúng mỏ vào thau nước tắm bằng sứ nội phủ tôi đã sắp sẵn ra đấy. Bàn tiệc như cũng nín thở, nhìn vụng sang khi Lãng bí ẩn rũ bỏ dáng khờ khạo ban đầu. Nó nghiêng đầu. Và như  yên chí rằng cái dàn hợp xướng máy móc đã thôi hẳn những khúc ca đồng âm, đồng điệu, đồng mọi thứ vớ vẩn hót leo theo con chim máy đúc sẵn dưới tán cây dã quỳ nhập khẩu đằng kia rồi; gã "grừ" trong cuống họng rồi mới nghến cổ lên gài gại mỏ vào khuỷu chân. Cử chỉ e dè như sắp trình bầy một khúc tráng ca quan trọng nhất nào đấy không bằng. Cậu Phong rót trộm rượu ra khăn trải bàn vì con Lãng bỗng dồn dập hót vang lên. Song không phải tiếng sáo gỗ trầm buồn hay tiếng vĩ cầm  réo rắt bật ra từ chiếc bụng bằng nhựa của con chim mẫu mà Lãng phải nhại theo. Giọng Lãng lọc cọc như bánh xe gỗ lăn trên những con đường mấp mô trong rừng ngả màu chiều muộn. Rừng ắt hẳn sau trận lốc thế kỷ nên mới xác xơ, ngổn ngang và giận dữ đến thế. Tiếng nước chảy xiên, kéo theo những bầy lá khô nhẹ cùng với tiếng rơi bồi hồi của cành gãy … tí tách như là nước mắt đại ngàn than vãn . Rõ ràng không phải giọng chim họa mi tí nào .
 
Lãng cứ rướn thân lên, ngẫu hứng một cách lạc điệu chẳng còn ra thể thống gì cả. Cho tới khi cậu Phong tôi chồm tới, giật tung nan lồng, lẩm bẩm thành tiếng: "Tiên sư nó!" Chẳng hiểu cậu tôi ám chỉ ông thầy giáo thứ nhất nào và của ai (cậu, hay tôi, hay là con Lãng?). Thế mà Lãng vẫn say sưa khoan nhặt một điều gì thật sự xa lơ xa lắc. Mắt Lãng ươn ướt như đương ghi nhận cảm xúc cuối về bàn tay cậu tôi.

20/11/1995
Minh Chung
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...