Thứ Hai, 30 tháng 5, 2022

Cánh cửa đóngXXXXX

Cánh cửa đóng

Thức dậy lúc gần sáng. Ra khỏi giường, quơ chân tìm đôi guốc. Hai bàn chân chạm phải mặt sàn xi măng lạnh ngắt. Lãng xoa hai tay vào nhau cho đỡ cóng. Tiếng mưa vắng hẳn trên mái. Da thịt gây gây cảm giác ấm nóng dưới lần vải phin mịn, chiếc áo len mặc phủ ngoài sù sì gần gũi dưới bàn tay vuốt. Đặt ngón tay ấn lên nút mở đèn mới chợt nhớ điện cúp từ hồi đêm – sau bản tin đài phát thanh loan có bão rớt. Cái ngáp bất thần như sợi dây muốn kéo ngược Lãng trở lại giấc ngủ. Căn phòng gọn, khoảng mùng trắng lênh đênh treo hẩng giữa khoảng tối nhạt.
 
Vốc nước đầu tiên vã lên mặt, rồi vốc thứ hai thứ ba, tỉnh táo hẳn. Từ hiên ngó ra, nước trắng xóa mặt đường. Hàng dâm bụt đẫm nét căng thẳng theo chiều dọc âm thầm. Điệu này là lụt cái chắc – tháng bảy nước chảy lên bờ mà. Năm nào trời cũng đúng hẹn. Lãng cho nước vào chiếc ấm con bắc lên hỏa lò. Lửa reo vui, ấm. Lũ ểnh ương rải rác đâu đó ngoài bờ mương, quanh quất bốn mặt vườn kêu hoài không mỏi miệng. Cái giống đó bực mình hết sức – mùa khô trốn mất tiêu – mùa mưa, không biết từ hang hóc mô chui ra kêu than inh ỏi. Tiếng kêu điệp điệp trùng trùng giữa đêm tình cờ thức giấc nghe buồn chi lạ, nhất là những đêm anh Ngãi không về, chiếc giường trở nên rộng mênh mông, mặc dù mình đã cẩn thận ôm thêm cái gối dài vẫn thấy trống trống sao ấy. Lãng nghĩ thầm – bất giác cười khan. Hồi còn con gái, mười sáu mười bảy tuổi còn ngủ với mẹ. Lấy chồng, ra ở riêng, khuya khoắt nằm trong lòng “chàng” lắm lúc cứ ngỡ còn nằm trong tay mẹ. Lãng với tay lôi thau áo quần trong xó ngách ra, múc nước trong chum dội rào rạt, hai tay nhịp nhàng vò xát, bọt xà phòng đùn trắng xóa giữa những ngón tay nhuyễn. Đôi vú không nịt đung đưa dưới lằn vải áo – đang ở thời căng sữa, ngực mình lớn nom rõ, tháng tới mẹ có cháu ngoại mặc sức mà nựng, anh Ngãi có con mặc sức mà cưng. Mới giặt xong có một bộ quần áo đã nghe thấm mệt. Người ta nói trong thời gian mang thai nghén phải vận động luôn luôn, đẻ mới dễ, mình thôi thì khỏi nói, lúc nào cũng muốn ngủ, chỉ ưa nằm. Cái tật lười biếng đeo đẳng đâu từ hồi còn đi học. Nhớ lại mấy mùa thi phát ớn: chữ nghĩa thu vào hai mắt không chịu nằm yên trong óc, cứ như nước đổ đầu vịt. Hồi đó, mỗi lần anh Ngãi ghé chơi là cứ y như là hai ba bài vạn vật tiêu ma. Cộng lại rồi trừ theo tỉ lệ ấy, lúc vác bút vào phòng thi đầu mình chỉ còn nguyên giấy trắng. “Cái tú tài một thi hai năm không xong, lấy chồng thì tài bộ hơn ai hết” câu nói đùa của chị Quỳnh rứa mà đúng, không chanh chua chút nào. Mình suýt buột miệng: “răng chị không giỏi lấy chồng như em đi”. May đã giữ miệng kịp không nói, bởi vì trông vào số tuổi chất đống của chị, không ai có can đảm thốt ra câu đó – dù là người vô duyên nhất. Anh Ngãi cứ nằng nặc mong sinh con gái. Con gì chẳng là con. Gái trai chi cũng rứt từ ruột ra. Có phải từ đất nẻ ra mô mà phân biệt, anh ấy thật kỳ cục. Nước réo sôi trong ấm, âm thanh ríu rít vui ấm. Lãng rót nước vào bình thủy rồi đặt chiếc ấm không lên đầu nóc tủ ăn. Lửa còn đậm đà trong hỏa lò hắt ra vùng sáng hẹp, nồng đượm. Lãng mò mẫm tìm cây đèn dầu thắp, đoạn tắt hỏa lò. Ngọn lửa bằng hạt bắp lay tạt theo luồng gió cửa ngoài. Áo quần rủ phơi trên sợi dây thép căng ngang chái bếp. Lãng lơ đãng nghe tiếng chuông đổ từ phía nhà thờ bên kia sông. Không khí thanh thoát tinh sương có vẻ lỗi nhịp với tiếng chuông. Nhưng tiếng chuông đều đặn mỗi ngày dường như không thể thiếu vắng. Hồi mới tới, mỗi sáng nghe tiếng chuông, cơ hồ Lãng thấy nao nức trong lòng một thôi thúc nào đó không rõ, bây giờ thấy dửng dưng, dửng dưng tựa khi nghe thiên hạ đàm tiếu câu chuyện không chút dính líu đến mình. Trời tối lem nhem ngoài sân. Mọi tiếng động bắt đầu bung ra khắp khu xóm. Lãng nghe rõ cả tiếng nước nhỏ xuống từ mấy chùm lá đầu tiên. Tiếng máy xe nổ hỗn loạn. Bốn năm chiếc xe tải mở đèn quét chói chang suốt bãi đậu. Tiếng nhạc văng vẳng trong mấy quán cà phê quanh bến xe. Sinh hoạt một ngày vừa bắt đầu. Khí lạnh xô dạt lao xao trong khói xăng, náo nức tiếng nổ động cơ, bước chân người chằng chịt, mọi thứ xếp chồng lên nhau vô trật tự và vô phương dung hợp. Bóng tối chưa chịu rút lui, vẫn còn dày khít giới hạn tầm mắt. Lãng đặt tay lên bụng mỉm cười vô cớ. Nhớ khuôn mặt rắn đen của Ngãi.
 
Nhớ những lỗ hổng không lấp kín được ngày tháng hai người. Những lỗ hổng thoạt tiên chỉ bằng khe hở giữa hai ngón tay, dần mở lớn ra đến độ khủng khiếp theo những chuyến đi dài ngắn hạn mơ hồ của Ngãi. Lỗ hổng chỉ lấp đầy khi Lãng sờ mó trực tiếp da thịt thân yêu của chồng. Những tối Ngãi trở về bất chợt. Ném cái mũ. Quăng vội chiếc xắc. Cười nói oang oang. Ôm chầm lấy vợ. Áp vào tường, áp xuống giường (hay áp vào bất cứ điểm tựa nào trong tầm đứng hai người) hôn rối rít. Ngãi dùng môi lau hết nước mắt mừng tủi trên mặt Lãng, lau luôn nụ cười tươi tắn của vợ. Sự đi đi về về bất thường của Ngãi là gốc ngọn chuyển cơn bồn chồn không yên trong dạ. Lãng nửa đùa nửa thật: “cứ sống mãi cái điệu ni có ngày em đau tim”. Ngãi trấn an vợ bằng một câu nói xưa hơn chuyện cổ tích: “Chết có số bạ mô chết đó chi được”. Đêm nằm áp tai lên ngực nghe tim Ngãi đập đều đặn Lãng cũng muốn tin người ta chết có số thật. Nhưng “số” là cái gì, vuông tròn thế nào? Ước gì cái “số” là một đồ vật hay cái chi đó cầm bằng tay ngắm bằng mắt được thì hay biết mấy. Ngãi nói đủ kiểu, ba hoa xích thố cho Lãng yên lòng. Anh đem lá số tử vi giảng giải cho Lãng hiểu (lá số tử vi do ông già Ngãi chấm đâu từ hồi còn bọc tả): số có thiên tướng phủ mệnh, ra ngoài có người giúp đỡ… con đàn cháu đống v.v… Lãng mù mịt rối mắt nhìn tờ giấy kẻ ô vuông, mực xanh đỏ vướng vít những cung mạng theo thứ tự lớp lang thủy hỏa thổ… Riết rồi Lãng cũng phát cưới. Căn nhà nhỏ chỉ vui nhộn những ngày có Ngãi. Những lúc đó Lãng đi đứng rộn ràng lăng xăng. Tưởng chừng mỗi bước tới đều vướng tay Ngãi, mỗi bước lui cũng va phải chang. Tưởng chừng mọi đồ vật, tấm màn chắn cửa, cái ly cái tách đều đổi mới dưới vẻ khác. Hạnh phúc nhỏ nhoi là sợi ràng buộc trăm năm. Biệt lập, Lãng thích như thế. Lãng sợ hãi những cặp mắt sắc cạnh dòm ngó của kẻ khác.
 
Hai người quyết định đến ở nơi này không ở chung với đại gia đình lắm lúc Lãng thấy lạc lõng giữa trùng vây những người thím, ông bác, bà o… Sống ở đó, Lãng có cảm tưởng nhất cử nhất động của mình đều nằm trong sự ước đoán gay gắt của mọi người. Giữa bữa giỗ, bữa kỵ nàng cảm thấy những tia mắt đậu ngứa ngáy soi mói trên gáy trên tay chân, gây gấy trên da thịt. Ngãi là con một. Nhưng không vì thế mà anh chiếm được tất cả cảm tình của mọi người. Ngày mới về làm dâu, Lãng thật tình cảm động trước mọi cử chỉ săn đón. Một tháng hai tháng, Lãng nhận ra dễ dàng trong cử chỉ trong mắt của bà Tưởng (mẹ Ngãi) của thím Tảo, o Sương đều có một cái đuôi. Một cái đuôi chồn tinh quái. Cái đuôi ngo ngoe sau sự tử tế chiều chuộng. Lãng chọn sự rời xa như con thú chạy trốn. Sợ có ngày bị dồn vào chân tường.
 
Trời sáng nhá nhem ngoài sân. Mưa lất phất hạt nhỏ. Anh Ngãi đi hôm mồng 8, hôm nay 23 rồi răng chưa thấy về. Lãng không tin bất cứ tai nạn nào chàng có thể gặp. Đồn đóng trên núi, mưa gió này lạnh phải biết. Hai thành phố cách nhau một ngọn đèn tưởng chừng xa ngái cả dặm trường mù mịt. Đêm ngó mấy trái sáng dáo dác phía núi, Lãng nghe tức tức nghẹn nghẹn, nước mắt ấm nóng cả cổ họng. Lãng thầm nhủ hôm nào lên đó một lần thăm chơi cho biết. Thời chiến. Bước chân ra khỏi nhà là óc miên man lo nghĩ đến tai nạn. Mới tuần trước, ông Ba tài xế xe tải hạng nặng từ Đà Nẵng ra chết bẹp dí trong Cabin lúc cho xe độ đèo Hải Vân đụng phải xe Mỹ. Xác chở về đặt nằm giữa bến xe, che dăm ba tấm tôn sơ sài. Cúng vái khóc lóc một đêm rồi tống tán. Chết cũng chẳng được vào nằm trong nhà cho ấm thân; người mình có những lề thói kiêng cử lạ kỳ. Chết đường chết xá quả thật là đại bất hạnh; sao quan tài buộc phải quàng giữa chỗ đông đảo người qua lại? Lãng ở đây chưa đầy 3 tháng đã chứng kiến nhiều cái chết khá ly kỳ. Một gã đàn ông trễ chuyến xe chiều, thuê giường ngủ lại bến đợi chuyến xe sáng. Sáng ra chủ quán thấy khách không trở dậy, đánh thức mới hay ông khách chết lúc nào rồi. Người cho rằng trúng gió, kẻ cả quyết tự tử, thật là mệt chuyện. Quanh cái chết mặc sức nhiều thuyết bay lượn. Những cái chết như thế quá dễ đâu có hiếm. Còn chết trận – thôi thì khỏi nói ngày nào mà chẳng có. Lãng ớn lạnh vòng tay trước ngực nghe ngóng chờ đợi. Chẳng biết chờ đợi cái gì nữa. Lãng đưa mắt ngó vũng nước trắng xóa mặt đường thấy ngài ngại. Còn cả một ngày chủ nhật, làm sao lấp đầy đây. Có lẽ nên về thăm mẹ. Nước non đầy đường thế này, mò về thăm bà chắc lại bị mắng: “Cái con chi mà không biết giữ gìn mưa gió như ri, lội đi ngộ bệnh một cái thì khốn”. Lâu lâu trở lại nhà nhận quyền chăm chút âu yếm của mẹ, cứ ngỡ mình chưa bước qua ngưỡng cửa đó: ngưỡng cửa chồng con, đàn bà chiu chít. Ở đó mọi thứ đã thuộc về thời con gái xa cũ. Thời con gái mỗi ngày bốn bận đi xe đạp tới trường. Thời con gái kẹp tóc tha hồ giỡn đùa bè bạn. Một chùm ổi chín trong vườn. Một lứa cau mới cũng đủ làm mình thấy bận rộn. Mùa cau, mẹ bổ từng quả sắp lên sàng phơi la liệt trước sân, hàng trăm miếng cau khô vàng au dưới nắng mới. Những chùm cau tươi xanh tốt mặn mà cho những cuộc se kết tình duyên. Vùng mẹ ở thật lắm cau. Vườn cau xanh mướt thẳng tắp, phơ phất lời ru buồn không chịu được, nhất là những trưa mùa hè nằm nghe ai đó ru dỗ: ru em em ngủ cho mùi, để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu, mua vôi chợ quán chợ cầu, mua cau tam phổ mua trầu chợ dinh, chợ dinh bán áo con trai, chợ Sam bán nón, chợ Trài bán kim. Nam Phổ và câu ru hát lỏm bỏm rơi xuống giấc ngủ như giọt mật rơi xuống từ nhụy hoa làm tươi mát da thịt. Ngày nào có con mình sẽ hát thật hay câu hát đó. Tiếc những năm còn ở với mẹ. Mình đã tự đóng khung ở vị trí khiêm tốn. Giữa hai chị em hình như luôn có một cái mương chia cách. Chị Quỳnh, tâm tính độc đoán và bất thường trong thế giới riêng của chị. Lãng chỉ như con sâu nhỏ đưa chiếc râu làm cần ăng ten mon men đi bên đời chị. Đối với chị, Lãng không phải là kẻ đồng hành, dù đồng hành trong nghĩa hạn hẹp nhất, chị có đời sống kiêu kỳ của đứa con gái tạm gọi là trí thức. Vốn liếng trí thức nọ chị đem dùng đâu đâu. Nhiều lần chị đã từ chối không bày dùm cho em một bài học khó, mặc dù biết chị dư sức. Chị Quỳnh, mãi đến nay chiếc mương chia rẻ vẫn còn đào sâu giữa chúng ta ra sao? Rả người vì chờ đợi anh Ngãi, em đâm thèm cuộc sống của chị. Chị thừa sức cưng dưỡng mọi thứ tự do chị muốn, nhưng mắt chị nhìn em lạnh băng thế kia. Không lẽ chỉ vì em là con riêng của mẹ. Nhiều lúc Lãng tủi hổ cố mường tượng ra khuôn mặt người đàn ông nào đó, đã có lần gặp gỡ mẹ để sinh ra Lãng. Lãng bất lực trong liên tưởng mơ hồ đó. Mãi lên mười Lãng mới biết, Lãng là con riêng của mẹ. Chính chị Quỳnh tiết lộ điều đó kèm theo cái tát nổ đom đóm mắt lần Lãng lỡ làm gẫy tay con búp bê của chị. Chuyện đó xa xưa lắm rồi, nhưng cái tát hình như còn làm nóng rát mặt đến bữa nay. Một cái mương đào sâu giữa chúng ta. Chị Quỳnh à, mẹ cũng thấy rõ cái mương đó và mẹ chỉ biết buồn. Bây giờ chị có đời sống riêng lẻ, ngoài mẹ ngoài em, cách mẹ cách em một ngọn đèo, tưởng chừng xa cả dậm trường mù mịt. Chị ở xa, như anh Ngãi xa em vậy đó.
 
Buổi chiều không thể kéo dài không khí nhàm chán lâu hơn được nữa – cuối cùng cũng phải chấm dứt. Lũ học trò rầm rộ kéo ra cửa. Màn mưa trời u u, mới 5 giờ rưỡi coi bộ muốn sụp tối. Quỳnh gấp cuốn sách cho vào cặp. Xòe bàn tay đưa lên miêng đàn áp cái ngáp vặt. Lớp học còn lại những dãy bàn ghế trống trơn. Lớp học chết. Vài tiếng chân muộn màng mất hút phía cầu thang, thấp thoáng bóng vài đồng nghiệp bước chậm. Tự dưng thấy mệt lạ. Bài học không mấy rắt rối, giảng giải đến rát cả cổ, bọn học trò rắn đầu nhiều đứa vẫn nghệt mặt ra không chịu hiểu. Quỳnh đâm cáu. Bây giờ mới thấy hối hận đã chọn môn này: Công thức định lý hệ luận. Những số những chữ lăng nhăng khô cứng. Tại sao hồi đi học không đủ đam mê để chọn môn văn chương, hay bất cứ cái gì khác – không phải toán, để thỉnh thoảng còn tán hươu tán vượn đỡ buồn. Toán mở miệng là công thức, chứng minh phát nản. Theo định lý này ta có, theo công thức nọ ta có, do đó suy ra… những câu thần chu ập lại mỗi ngày, mỗi niên khóa khác nào cái máy. Rầu thúi ruột. Ngó bọn trẻ lắm lúc cũng phát tội. Đứng trước bảng đen cầm cục phần loay hoay đánh vật với công thức, chữ và số, ngoặc đơn và dấu cộng trừ nhân chia, có khi suốt giờ đáp số vẫn nằm tận cõi vô thường không chịu hiện ra, mồ hôi dán sát lưng áo đưa đôi mắt đỏ ngầu xuống lớp cầu cứu, lòng thầm mong cô giáo đuổi về cho thoát nợ, dẫu có lãnh một con zéro cũng khoái hơn đứng chịu trận trước cái nhìn hau hau, như muốn lột trần của cô giáo.
 
Lớp học im vắng, quạnh quẽ như cảnh chợ chiều. Quỳnh như một khách thương vừa bị lỗ vốn nặng trong cuộc bán mua, còn ngồi nán lại. Quỳnh cuối nhìn vạt áo dài phủ trên đầu gối; chỉ một thời gian ngắn nữa không thể dấu được ai. Lúc đó bọn học trò sẽ công khai nhìn mình bằng cái nhìn như muốn lột trần cô giáo ra coi. Con Tiên, con Qui, con Giao, mấy gã mô phạm trong trường này nghĩ gì nhỉ? Kể cả lão hiệu trưởng đầu hói bốn mùa sặc mùi dầu nhị thiên đường. Nhất định bọn họ không chịu tha, mình sẽ là đề tài khá hấp dẫn cho những câu chuyện nhảm trong mọi lúc trà dư tửu hậu. Họ không chịu nói lớn, chỉ thì thầm rì rầm chỉ trỏ mỗi lần đương sự đi qua. Loại chuyện này thật hợp với lối “tuyên truyền rỉ tai” thiên hạ. Lúc đó mình sẽ phản ứng cách nào? Tỉnh bơ? Tỏ thái độ khinh bỉ bất cần đời? Hay tránh ra xa? Quỳnh nhăn mặt bối rối, y hệt đứa trẻ đứng trước bài toán khó. Lúc ngẩng đầu lên tưởng chừng dưới hộc bàn, ngoài cửa sổ, trên bốn bức tường trắng toát vây quanh lớp học đều có những con mắt soi mói phóng tới.
 
Giao đi ngang qua cửa dòm vào: “Chưa về sao còn ngồi đó bà?” Quỳnh xách cặp đứng bật dậy. Tay chân cố tạo cử chỉ tự nhiên cần có. Bốn chiếc guốc gỗ đều đặn tụt xuống mấy bậc tam cấp. Giao tươi mát bởi màu áo vàng khéo chọn, rất thích hợp với nước da trắng. Quỳnh đâm thèm nét mặt rạng rỡ hạnh phúc của bạn. Ra đến giữa sân, Giao đưa tay ngoắc ngoắc gọi anh Cung lúc anh Cung thoáng thấy chiếc xe màu cánh kiến chạy rà rà trước cổng. Gã đàn ông đeo kiếng cận thò đầu ra, bật mở cánh cửa: “Mời chị Quỳnh về luôn thể”. Quỳnh đẩy Giao vào xe cười:
- Ông bà về trước, tự dưng chiều ni tôi khoái đi bộ.
Chiếc xe thêm ga lướt đi, chới với tiếng cười của Giao hụt lại: “con bé lại dở chứng bất tử, can hết nổi”.
 
Gió đầy, mặt sông thoáng sau hàng cau cao. Quỳnh đi dọc lề đường, cố khử loại mọi ý nghĩ vẩn vơ trong óc. Dòng sông lớn, rác rưởi tấp ven bờ, sóng vang động bắn bọt ngầu trắng xóa. Quỳnh nghĩ, nếu bây giờ mình được ngồi trên một trong những chiếc ca nô kia, tốc độ sẽ giúp mình quên hết. Quên hết mọi thứ. Giữa muôn ngàn đợt sóng trùng vây chóng mặt. Chiếc ca nô chạy hoài không dừng nghỉ, không ghé bến không cập bờ, chạy đến lúc mình rã tan cùng bọt sóng. Sớm mai lũ học trò nhốn nháo, bạn bè thân quen xa gần truyền miệng nhau: “Con Quỳnh đã chết, chết chìm, số hắn cao tay mới chọn Hà Bá để trao thân gửi phận…” Có không? Một lời khôi hài cho cái chết của tôi? Hay chỉ toàn là nhếch mép chép miệng thương hại. Dẫu sao, một cái chết mất xác vẫn còn đẹp. Chết cũng cần đến vẻ đẹp? Thật quả rắc rối. Có lần Quỳnh nằm mơ thấy mình nằm chết khỏa thân giữa khu vườn ngập tràn bông huệ trắng. Xuống âm phủ (?) gặp Diêm Vương hỏi cớ sao cô đã chọn cái chết trần truồng? Quỳnh trả lời không do dự lúc chào đời mẹ sinh tôi trần truồng, lúc lìa đời tôi muốn được trần truồng như thế. Diêm Vương lắc đầu chán nản bỏ đi lẩm bẩm cô đã chọn cho cái chết của cô một vẻ đẹp. Một vẻ đẹp? Quỳnh cười ngất mỗi lần đem giấc mơ nọ ra kể cho bạn bè nghe, nhưng nó ám ảnh Quỳnh không ít. Mọi người đua nhau đi tìm vẻ đẹp cho đời sống, có ai nghĩ đến vẻ đẹp của cái chết đâu.
 
Cự. Áo trắng cà vạt xanh đen chững chạc. Đôi giày bóng mái tóc bồng cao. Từ nhà bưu điện đi ra dáo dác ngó quanh như thể tìm kiếm ai, bắt gặp Quỳnh trên lối đi, hắn cười:
- Cô giáo chiều nay lại về một mình ?
Quỳnh nở nụ cười thường lệ :
- Một mình chớ mấy mình nữa.
Hai người đi song song, nói chuyện loăng quăng đùa cợt quanh mấy vấn đề thuộc về nghề nghiệp, bởi lý do giản dị: cả hai cùng dạy một trường. Cự mới về đây cỡ một năm, đã có vài ba lần bị du đãng chận đập ngoài phố, bởi lối ăn nói ba hoa và tính ưa la cà ở mấy trà đình tửu điếm. Vừa tung hứng câu chuyện của Cự, Quỳnh vừa nghĩ thầm: “nó tán, thằng dịch vật” chịu khó tán, nói thế cũng hơi quá đáng đấy. Dạo sau này hắn có vẻ muốn thân thiện với Quỳnh hơn. Thỉnh thoảng hai người gặp nhau ở cầu thang sau một giờ dạy. Tình thân hữu mới “hàm tiếu”, hàm tiếu rồi “mãn khai” mấy hồi. Tới ngã tư Cự đề nghị tìm chỗ nghỉ chân. Hai người chọn một cái bàn, trong quán nước có cửa sổ mở ngó xuống mặt sông, vách gỗ mái tôn lan can sơn màu xanh dương. Giữa khoảng thời gian ngày ngã sang chiều, chiều sắp sang đêm. Khung cảnh thân mật lù mù khói thuốc, đề huề tiếng cười giọng nói và âm nhạc. Khuôn mặt Cự chìm sâu trong bóng tối, đốm lửa điếu thuốc đỏ rực kẹp giữa bàn tay che. Tiếng nói hắn đều đặn thả buông từng chuỗi tới Quỳnh. Cự có lối nói chuyện khá hấp dẫn. Hớp một ngụm bia để lấy đà, lúc này hắn say mê nhắc đến Ngẫu, một cô bạn của Quỳnh vừa lấy chồng tháng trước. Cự cố nằn nì (gần như thế) để Quỳnh hiểu rằng suốt cuộc đời hắn chưa biết nếm mùi thất tình bao giờ. Thành phố – quán nước bạn bè, con đường mỗi ngày bao nhiêu bận đi về, đời sống đều đặn đến sốt ruột, tưởng chừng nghìn năm không thể đổi khác. Trước mặt lao nhao lũ học trò vô chung vô thủy. Sau lưng tôi có gì? Có phải là tháng năm đang đuổi dồn tới, để mỗi đêm cuối năm, sau phút giao thừa tôi gật đầu nhận thêm cho mình một tuổi. Quỳnh ngậm chặt cái ống hút, ly nước ngọt nâu sánh chẳng phản chiếu hình ảnh nào, ngoài đôi mắt tối im sửng của chính mình.
- Hè này chị định về Huế không ?
- Có thể về mà cũng có thể không. Câu tự hứa và mọi dự định trở về, bao lần lần nữa. Còn gì ở đó mà về, về để nhìn tóc bạc trên đầu mẹ. Cố mường tượng thấy mình lúc già, nói năng lẩm cẩm đi đứng ngả nghiêng, tay chỉ đủ sức lê nổi cây gậy cũng đã thấy khiếp.
- Bao giờ mới chịu lấy vợ ông tướng ?
- Bao giờ ông già tôi thôi lấy vợ lẽ.
 
Ấu thời và người cha. Nhà đối với ông chỉ là cái quán. Ông đối với nhà như một khách vãng lai. Không trách khi ông nằm xuống, mẹ âm thầm bước đi thêm bước nữa. Không trách Lãng nó giữ riêng khoảng cách cố thủ cam chịu. Trong óc nó có lẽ mình mang hình ảnh một con ngựa, con ngựa bốn cái vó hiểm nghèo. Con ngựa cái.
- Con ngựa cái.
Cự cựa mình trên ghế:
- Quỳnh nói cái gì, con ngựa cái là thế nào?
Quỳnh giật mình cười nhẹ, cố che dấu vẻ lúng túng:
- À, tôi muốn nói người đàn bà ngồi bên bàn kia trông giống một con ngựa cái.
Cự đưa mắt theo hướng nhìn của Quỳnh.
- Tôi nghĩ bà ta giống cô đào cải lương hơn. Cự cười phá lên, ý hẳn hắn cho câu khôi hài của mình là ý nhị. Quỳnh chăm chú ngắm khuôn mặt của người bạn trai, tự dưng nẩy ý so sánh. Cự không giống “hắn” chút nào. Hắn có chiếc cằm bạnh hơn nhiều râu tóc ngắn và cứng… với số lượng đàn ông đông đảo trên mặt đất này, tại sao tôi chọn hắn. Cơn mưa tai ác. Cuộc gặp gỡ tình cờ, cộng thêm cơn bệnh của hắn đêm hôm ấy. Tự mình tình nguyện làm cơn lốc. Cơn lốc lạc lầm đường từ khi bắt đầu quay, Quỳnh ơi, mi là một cơn lốc ngu xuẩn.
- Chị nhất định chưa lấy chồng sao ?
- Bởi tôi chưa muốn sinh con
- Ý nghĩ đó khá thực tế đó chứ.
 
Chị. Giọng Cự khi phát âm tiếng đó sao giống hắn quá chừng. Chị Quỳnh ơi em đói bụng, chị Quỳnh ơi em nhức đầu, chị Quỳnh ơi em muốn… Chính mình đã buộc hắn phải gọi thế cơ mà. Kể cả lúc dưới mắt hắn mình hiện nguyên hình một con đàn bà. Tiếng chị nghe ngọt xớt như mía lùi. Nhiều lúc mơ hồ nghe giọng hắn hao hao giống Lãng những năm hai chị em còn nhỏ. Chỉ có khác là mình thường ưng thuận với lời gọi của hắn, với Lãng lắm lúc giả vờ không nghe.
 
Chiều pha bóng tối xuống nhanh trên mặt sông. Phía dưới gờn gợn sương mù. Đèn bật sáng. Quỳnh lảng tránh cái nhìn của Cự buông thõng:
- Thôi về.
Lúc này Cự mới chợt nhận ra vẻ xanh xao trên da mặt Quỳnh. Hắn xô ghế đứng lên cười nhẹ:
- Để tôi đưa Quỳnh về.
Trời cao hẩng lên đọt cây. Đêm rộng bề ngang và hút sâu chiều dọc. Đèn sáng lao xao dọc bờ đường. Suốt dọc đường về nhà, Cự ít nói hơn, lâu lâu vai hắn chạm khẽ vào vai Quỳnh. Đến đầu ngõ. Trong khoản tối dưới tán cây bông giấy, Cự quàng tay ngang lưng Quỳnh kéo vội về phía mình. Quỳnh buông xã cho Cự hôn không cục cựa. Lúc cảm thấy bàn tay gã đàn ông sờ soạng trên ngực mình, Quỳnh xô mạnh, rời ra quay lưng bước vội vào nhà. Cự líu nhíu câu chào nho nhỏ. Quỳnh nghe rõ tiếng chân mình lẻ loi gõ trên nền đá lát “nếu nó biết mình đang mang cái gì trong bụng từ hơn hai tháng nay, chắc nó tởm và chẳng bao giờ có cử chỉ cuồng nhiệt đó”. Đèn trong hành lang dịu sáng. Quỳnh bước lên mấy bật tam cấp nghe mình muốn khóc. Quỳnh vừa đi vừa ngoái lại nhìn ra ngõ. Cự không còn đứng ở đó. Căn phòng vợ chồng Giao đầy ắp tiếng cười. Quỳnh bước nhanh qua cửa, mong không ai thấy mình. Tiếng nhạc léo nhéo phát ra từ tivi lao xao đâu đó. Quỳnh thảng thốt dừng lại. Khuôn mặt tươi tắn của Giao ngoi lên từ cửa sổ:
- Đi đâu về muộn vậy bà, đêm nay “ông lính’ của mày về không?
- Không.
Tiếng không bật ra từ miệng Quỳnh, rơi hẩng mất tăm trong không khí. Một chiếc giường một căn phòng trống không đang đợi. Đêm nay.
*
 
Người đàn ông đi dưới những mái hiên dọc dài dãy phố. Chiếc nón lưỡi trai sụp nửa mặt. Hai tay thọc sâu trong túi quần. Hơi đêm rung động nhẹ nhàng, dễ chịu. Rẽ qua con hẻm đầy rác rưởi, qua cầu xi măng. Thành cầu, kè đá nghiêng bóng âm thầm. Một dãy phố khác mở ra mê ngủ, đường nét góc cạnh hòa lẫn điệp trùng vào nhau thành một tổng hợp phố chết, chỉ còn một hai giờ giữa còi giới nghiêm sẽ chạy rong khắp phố. Người đàn ông quẹt diêm châm thuốc hút, lơ đãng nhìn lẻ tẻ dăm ba cặp tình nhân dìu nhau lặng lờ câm nín: những nhân vật của một đoạn phim câm nào đó. Gã cảnh sát đứng lọt chững dưới cột đèn, điệu bộ nhàn tản – một ngày huýt còi múa tay chỉ dẫn người đi đường lúc này như không còn dính líu đến anh ta. Người đàn ông gỡ chiếc mũ cầm trên tay, chậm chạp băng qua ngã tư rồi dừng lại trước cái cổng um tùm cây lá. Mưa rây hạt nhẹ, loáng thoáng như sương. Từ cổng ngõ vào dãy hành lang sâu hút còn sáng đèn. Người đàn ông nghe rõ tiếng giày mình nghiến trên nền đá khuya trơn ướt. Đứng lại trước một căn phòng cửa đóng. Ánh sáng từ trong hắt lọt qua mấy kẽ hở. Người đàn ông đưa tay gõ. Đợi. Không tiếng trả lời. Đưa tay gõ lần nữa, mạnh dạn hơn. Có tiếng động nhẹ trong phòng – tiếng dép lê trên sàn, rồi bặt. Người đàn ông ghé vai ấn vào cửa. Mặt gỗ lạnh cứng.
- Quỳnh, chị Quỳnh ơi.
Tiếng gọi mất hút.
- Ngãi đây. Mở cửa. Lạnh quá chừng.
Đèn trong phòng vụt tắt. Dãy hành lang vắng ngắt. Mặt tường lờ mờ trắng màu bệnh viện.
- Mở cửa chị Quỳnh ơi. Còn thức đó chứ. Người đàn ông gọi lần nữa, giọng hấp tấp hơn.
- Không. Giọng đàn bà sắc cạnh như búa vỗ đầu đinh. Người đàn ông đứng im sửng trong thế chờ đợi nôn nóng. Hắn càng bối rối hơn khi nghe tiếng khóc nức trong phòng. Tiếng dội đập nhẹ nhàng trên vầng trán tối, ướt đẫm mồ hôi và nước mưa, đôi mày người đàn ông khẽ nhíu lại.
- Về với Lãng. Nó đang đợi. Đừng trở lại đây nữa. Tôi bắt đầu tởm anh.
 
Giọng nói ướt nhão, êm trầm, xa lạ móc nối với tiếng khóc dứt quãng thành chuỗi, chuỗi xích quật thúc liên hồi tâm trí kẻ đứng bên ngoài và kẻ ở trong. Tiếng khóc luồn từng sợi chỉ mỏng trong da thịt nhức nhối người đàn ông. Hắn cảm thấy mệt mỏi và chán nản. Sự buồn rầu dính cứng ở mỗi đầu ngón tay bất động. Thân thể hắn rỗng không như chiếc bình chứa khô hết nước. Bây giờ người đàn bà trong phòng là con ốc rút mình trong vỏ cứng, đêm tối là thứ nước biển a tòng bưng bít. Tiếng khóc là luồng sóng dữ xô người đàn ông trở lại bờ, không thể ra khơi xa được nữa. Cuộc phiêu lưu dừng lại ở đó, trước cánh cửa đóng. Tiếng khóc lênh đênh rời rã, rồi chợt im vắng đến vô cùng.
 
*
 
Đêm hôm ấy, Quỳnh ngủ giấc cuối. Để rồi chẳng bao giờ dậy nữa.
Buổi trưa, người đàn ông tên Ngãi trở lại đứng nhìn xác Quỳnh buồn rũ như cây sầu đông trốc gốc. Ngãi không tìm thấy ở đôi môi tái nhợt sủi bọt, tay chân có quắp của Quỳnh vẻ đẹp nào hết. Bởi vì ngoài Quỳnh, có ai nghĩ đến vẻ đẹp của cái chết nữa đâu.
 
*
 
Từ nghĩa trang ra.  Hai người đứng đợi xe ở một khúc quanh. Sau lưng là bãi đất trống lưa thưa cây lá. Lãng muốn nói câu gì đó để phá tan sự im lặng. Ít ra, cũng giảm bớt phần nào cái chết của Quỳnh, đang đè nặng tâm hồn hai người cái chết của người chị. Người chị từ ấu thời đã có đời sống độc đoán trong thế giới riêng biệt, không thể nào Lãng hiểu được. Ngay đến cái chết bây giờ cũng là một bí ẩn lớn đối với Lãng. Nghìn năm Lãng vẫn là con sâu nhỏ đưa chiếc râu làm cần ăng ten mon men đi bên đời chị. Lãng không thể là kẻ đồng hành. Nhìn nét mặt tư lự của Ngãi, Lãng càng bị hối thúc bởi ý nghĩ phải nói ra câu gì đó. Tiếng nói thường ngày thốt ra dễ dàng. Không dưng bữa nay thấy khó. Cuối cùng Lãng cũng tìm ra một lời để để nói:
- Tháng tới, mình đã có con.
Ngãi cười:
- Ừ, con gái.
Ngãi:
- Anh thích con gái thì tự nhiên em phải sinh con gái.
Lãng:
- Nghe nói quyền thế quá.
Lãng ỡm ờ:
- Thế anh đã chọn tên nào để đặt tên cho con gái mình chưa?
Ngãi buông thõng:
- Quỳnh.
Lãng sửng sốt:
- Nhưng chị Quỳnh đã chết.
Ngãi quàng tay qua vai vợ âu yếm:
- Đặt tên đó để nhớ đến chị. 
Lãng ngẩn lên nhì Ngãi im lặng. Không hiểu. Dưới đôi mắt mở lớn như muốn thu hết màu xanh của trời chiều, Lãng có nụ cười thật thà dễ thương như thóc với khoai.
25/10/2010
Mường Mán
Nguồn: Ý Thức số 3 - 1/11/1970
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...