Thứ Hai, 30 tháng 5, 2022

XXXXXThương nhớ một thời Văn khoa

Thương nhớ một thời Văn khoa

Tôi muốn gọi tên Văn khoa là muốn nói đến tiền thân của khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Huế. Sau này nhân kỷ niệm 60 năm Đại học Huế, khoa Ngữ Văn của Đại học khoa học Huế bây giờ chính thức lấy ngày thành lập Đại học Văn khoa Huế làm ngày thành lập khoa, theo dòng chảy lịch sử, chứ không còn lấy ngày thành lập khoa sau năm 1975 của Trường Đại học Tổng hợp Huế. May mắn cho thế hệ chúng tôi khi vào học khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp còn được học một số giáo sư trước đó đã từng dạy Đại học Văn khoa Huế. 
Tôi đến với nghề báo sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ Văn Đại học Tổng Huế như là một cơ duyên. Ngày mới viết báo khi đang còn là sinh viên, tôi bị nhà trường kỷ luật vì sự cố viết về cơ sở sản xuất Aga - Aga của trường, do thầy hiệu trưởng làm chủ đề tài thể nghiệm là không đúng sự thật, may mà không bị treo bằng tốt nghiệp nhờ các thầy trong trường, trong khoa bênh vực, có dịp tôi sẽ kể lại ở phần sau. Còn bài báo đầu tiên tôi viết về ký ức thời sinh viên Văn khoa cho báo Thừa Thiên Huế sau khi rời Huế 10 năm có cái tựa “Cảm nhận Huế từ những ngày ngày xa Huế”. Sau đó Tạp chí Đại học Huế đăng lại đã lấy một câu trong ca khúc “Thương về miền Trung” của nhạc sĩ Châu Kỳ mà tôi có trích trong bài để đặt lại tít bài nghe rất lâm ly: “Huế ơi! Tôi vẫn còn thương”. Vâng, với Huế, với bạn bè Văn khoa một thuở, với người con gái đi qua thời ngây thơ vụng dại tôi đã từng thương và mãi mãi sẽ còn thương.
 
Tôi không phải là người con của xứ Huế, nhưng Huế trong tôi là cả một trời kỷ niệm thời sinh viên. Những năm tháng sống ở cố đô, Huế với tôi thật gần gũi, bình dị như Quảng Trị quê hương tôi, một mảnh đất phóng túng đầy nắng gió cách Huế không bao xa, dù biết rằng Huế rất riêng, rất riêng với tính cách Huế; rất riêng với kinh thành có kỳ đài sừng sững, thành cổ rêu phong; là sông Hương, núi Ngự thơ mộng; là lăng tẩm, chùa chiền cổ kính; cả mùa hoa phượng đỏ ối phía dòng Hương của những mùa hè dịu ngọt... Thế mà thật lạ, tôi cảm nhận ra Huế bắt đầu từ những ngày xa Huế. Đấy là kỷ niệm những đêm mùa đông đói quay đói quắt vẫn cùng bạn bè sấp mặt học chữ Hán Nôm nguệch ngoạc, Tiếng Nga ngắc ngứ; là những đêm hè nóng bức, cái nóng như tăng thêm bởi âm thanh xập xình của nhà máy điện di-e-den nằm cạnh cư xá 27 - Nguyễn Huệ nhưng vẫn ngồi hát sáng đêm; là những đêm thơ bốc lửa nghi ngút hương trầm với những giọng thơ hào sảng của bạn bè trong đêm xa vắng; là những bữa chờ cơm tập thể ngồi tán dóc chuyện từ Á sang Âu, tranh luận từ văn chương đến thế sự... Chuyện thời sinh viên Văn khoa thì nhiều, nhưng có lẽ nhớ nhất vẫn là chuyện yêu đương, chuyện học hành, chuyện ở cư xá với bạn bè trong những ngày đói quay đói quắt, nhớ về tình đồng môn, tình huynh đệ…
 
Trong cuộc sống, đôi khi trong tất bật đời thường, cuộc sống cứ cuốn mình đi với bao bận rộn, lo toan. Mới đây, bỗng dưng một buổi sớm mai bình yên tôi bất chợt nhận được cuộc điện thoại từ Hà Nội của Đinh Như. Hắn bảo: “Mày nghe đây, tao đang ngồi uống cà phê với người yêu cũ của mày. Nói chuyện với nàng nhé!”. Tôi chau mày, huy động ký ức, chờ đợi. Phía đầu dây bên kia giọng con gái Hà Nội cất lên: “Nhớ mình không!?”. Tôi bần thần phút chốc. Chợt nhớ thoáng qua mấy cô bạn Hà Nội từng quen để hỏi lại, từ Phương Xuân, Vi Hà…, để em trách mình quá vô tâm. Cuối cùng tôi cũng nói được một câu: “Có phải Dung Lan đó không?”. “Ừ, giờ thì được rồi!”.
 
Tôi sững sờ. Mới đó cũng đã hơn ba mươi năm rồi còn gì. Tôi hỏi Dung Lan một lô một lốc câu hỏi làm em không kịp trả lời. Bây giờ Dung Lan đang làm ở Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Em nói hôm nào vào miền Trung công tác hai anh em sẽ gặp lại nhau! Cuộc nói chuyện ngắn ngủi làm tôi bần thần cả ngày hôm đó, không làm được việc gì cả. Ký ức mấy chục năm trước cứ ào ạt tràn về…
 
Mùa thu những năm 80 của thế kỷ XX, một lứa bên trời sinh viên khoa Ngữ Văn chúng tôi mới chập chững vào đời với bao đam mê, háo hức. Những năm đất nước đang đắm chìm trong chế độ bao cấp với bao khó khăn, mới thi đỗ đại học, chúng tôi cứ ngỡ từ đây sẽ thoát ly gia đình, trở thành người của Nhà nước, được Nhà nước nuôi ăn học thành tài. Suy nghĩ của chúng tôi ngày ấy như một tờ giấy, trong veo. Ngày mới vào trường, nhập cư xá, trông mấy anh chị học ở khóa trên, sinh viên để tóc dài, mang áo bó chẽn, quần ống loe, còn các nữ sinh viên thì ríu ra ríu rít đủ loại ngữ âm vùng miền, phong cách rất năng động mà thấy ngỡ ngàng. Vào năm học mới, không khí cư xá rộn ràng kẻ vô người ra. Tân sinh viên mới vào các khoa thì ngập ngừng, ánh mắt dò hỏi, còn các anh chị sinh viên các khóa trước, nhất là khoa Ngữ Văn, khoa Ngoại Ngữ thì đang tất bật tập tành văn nghệ chuẩn bị cho chương trình chào đón năm học mới…
 
Mấy đêm đầu chúng tôi rủ nhau lên Câu lạc bộ của trường xem các anh chị sinh viên khóa trước khiêu vũ. Đây là vũ trường duy nhất của thành phố hồi đó nên có nhiều sinh viên của trường khác đến tham gia. Những giai điệu nhạc Pháp, nhạc Nga dìu dặt vang lên, từng đôi từng đôi sinh viên thướt tha trong những điệu van, tăng gô… êm ái. Rồi càng về cuối là những điệu chachacha, disco làm sôi động cả câu lạc bộ trước khi kết thúc cao trào. Có lẽ những hôm lên câu lạc bộ của trường xem khiêu vũ đã dẫn đến một kết nối tự nhiên, các bạn gái bên khoa Ngoại Ngữ đã tự nguyện dạy khiêu vũ cho sinh viên khoa Ngữ Văn để có thể tham gia khiêu vũ ở câu lạc bộ của trường. Không dưng mấy anh chàng Văn khoa vốn tính thích bay bướm, hay làm thơ, viết văn bây giờ lại vụng về tay, chân bước đi bước về theo sự hướng dẫn của mấy bạn gái bên khoa Ngoại Ngữ. Mà cũng phải biết ơn các em Ngoại Ngữ rất kiên nhẫn bày vẽ, nắn nót từng cử chỉ cho mấy anh Văn khoa lóng nga long ngóng, vụng về.
 
Sinh viên khoa Ngoại Ngữ hồi đó hầu hết là nữ, mỗi lớp chỉ có vài bạn nam. Sinh viên khoa Ngoại Ngữ là hàng xóm của chúng tôi, vì dãy nhà cư xá của các bạn nữ nằm trước dãy nhà của chúng tôi, chỉ cách một hàng cây lá đỏ (là tự tôi đặt tên như thế, vì khi mùa đông về lá cây ngã vàng rồi chuyển sáng màu đỏ, chứ thực ra tên của hàng cây này là cây lội). Hằng ngày, chúng tôi cũng có lúc để mắt đến dãy nhà phía trước. Trong số các bạn gái bên khoa Ngoại Ngữ cùng khóa, tôi để ý đến Dung Lan vì em có khuôn mặt buồn, nhân hậu. Dung Lan ít nói nhưng giọng nói rất dễ nghe, như là ngữ âm con gái Đà Nẵng pha chất giọng miền Bắc. Cũng chỉ là một cảm xúc vu vơ trong khoảng thời gian trải ra trước mắt của tuổi đôi mươi. Hồi đó tân sinh viên Văn khoa anh nào anh nấy đều bắt đầu biết vay mượn cảm xúc, tập tành làm thơ, viết văn. Tôi cũng bắt đầu làm những bài thơ nhỏ, nhưng tuyệt nhiên giấu kín, không đọc ở những đêm thơ hoành tráng của lớp, của khoa mà chỉ đọc cho bạn hữu sau khi đã nốc rượu say bí tỉ. Cứ nghĩ về em, với những cảm xúc yêu đương lứa đôi mà không nói được thành lời, tôi trút hết vào thơ, những vần thơ con cóc, đại loại như: “Lá vàng rơi lả tả xuống sân trường/ Đêm nay buồn lang thang về cư xá/ Sao em cứ vô tình như người xa lạ/ Để ta đi - về trong cảm giác cô đơn”… Hay mô tả tâm trạng riêng mang, cao thượng, trả hết cho người: “Thì thôi không là gì nhau/Xin em đừng cứ làm đau cõi lòng/ Cuộc đời em còn mênh mông/ Để anh khép lại trong lòng nỗi đau”…
 
Thấy thơ thẩn không hóa giải được tình cảm với người bạn gái ở phía trước cửa phòng, một buổi chiều tôi đánh bạo rủ Dung Lan đi chơi để nói chuyện riêng tư. Em đồng ý đi cùng tôi, bắt đầu từ cư xá 27 - Nguyễn Huệ đi về phía nhà thờ “Dòng Chúa cứu thế”. Không biết làm gì hơn, tôi và Dung Lan ngồi bên bậc thềm của nhà thờ, nói chuyện vu vơ. Tôi chân thành rằng rất quý, thương em và mong muốn hai đứa có một tình bạn đẹp. Dung Lan lặng im không nói gì. Rồi chúng tôi chuyển đề tài, nói qua chuyện học, chuyện bạn bè, chuyện khoa Ngữ Văn, khoa Ngoại Ngữ…, những câu chuyện không đầu không cuối. Cứ như thế cho đến chiều tối chúng tôi mới trở về để ăn cơm cư xá. Ngày đó tôi mới đi học xa nhà và cũng không có đủ tiền để mời bạn gái ly nước hay ăn vặt một cái gì đó như bọn trẻ bây giờ. Sau lần ấy, tôi không biết làm gì thêm để tiến triển tình bạn, tình yêu đơn phương của tôi với Dung Lan. Ngày ngày tôi vẫn gặp em và cũng không nói gì thêm. Mỗi ngày đi qua càng thêm cảm giác em bây giờ “đã xa một tầm tay”… Thế đấy, chuyện của tôi với Dung Lan cũng chừng đó, cho đến bây giờ mới gặp nhau qua điện thoại, nói mấy lời thì kỷ niệm xưa… đã trôi qua hơn ba mươi năm, có lẻ.
 
Chuyện của tôi với Dung Lan chỉ có thế và cũng chỉ dừng lại như thế. Nhưng mà chuyện đó không lọt qua được con mắt lém lỉnh của Đinh Như. Đã ba thập niên trôi qua hình như hắn còn lờ mờ nhớ chuyện ngày xưa. Mới đây tôi hỏi hắn: “- Thế hồi ấy mày cũng yêu Dung Lan à!”. “- Đâu có, chỉ chơi thân thôi”. “-Trung thực đi, có gì thì khai mau. Giờ kể cũng chẳng chết ai!”. “- Cũng chỉ thế thôi!”. Đinh Như cười. Mà hồi đó cũng có thể như thế mà thôi. Riêng Đinh Như sau này cũng gắn bó cuộc đời với một nàng cùng khóa.
 
Trong khóa học của tôi, nhìn lại chỉ có ba cặp thành đôi lứa mà tình yêu nảy nở từ thời Văn khoa Huế. Trước hết là cặp đôi Võ Xuân và Thúy Thanh. Chúng tôi gọi đây là cặp đôi hoàn hảo. Vui hơn là cặp này thành đôi nhờ có bàn tay tác thành, vun vào của tôi với Trương Duy. Hồi đó tôi với Võ Xuân, Trương Duy là bộ ba chơi thân với nhau. Ba đứa từng mang chung quần áo, luôn chia ngọt sẻ bùi với nhau, được mấy bạn cùng khóa gọi là “Băng cùi”, mà đã là “cùi” thì còn gì nữa để mất!
Trương Duy sau này trở thành nhà báo, làm ở báo ngành nội chính, sau chuyển sang làm báo tổ chức mặt trận. Đang viết thăng hoa, được đề bạt làm trưởng văn phòng miền của tờ báo, không biết vì sao hắn đùng đùng bỏ báo về viết blog… Viết blog quá hăng, rồi không dưng trở thành “nhà bất đồng chính kiến”, như cách nói đùa của bạn bè. Mà cũng lạ, Trương Duy viết báo không nổi bật, chỉ có thể nói là có tư chất riêng chứ chưa phải là kỳ cựu cho lắm, thế mà viết blog thì có nhiều bài đình đám. Người ta, tức là nhà chức trách đã cảnh báo nhiều lần về những bài viết đi quá giới hạn, nhưng Trương Duy không nghe; đã hai lần vướng vòng lao lý do chuyện viết lách, chơi ngông. Giờ đây Trương Duy đang ngồi bóc lịch ở một nhà giam ngoài Hà Nội, không biết ngày nào mới được trở về với đất Quảng yêu thương. Còn tôi ra trường lên làm báo ở Tây Nguyên, sau chuyển công tác về quê nhà Quảng Trị; Võ Xuân thì đi dạy học, trở thành phó giáo sư, tiến sĩ ngôn ngữ, giảng dạy ở Đại học Quy Nhơn.  Cả ba đứa “Băng cùi” thời Văn khoa ngày ấy vẫn đi lại chơi thân với nhau, dù đứa nào cũng đã có gia đình, vợ con. Trương Duy hay nhắc chuyện cũ mỗi khi gặp lại và kể trên trang cá nhân về câu chuyện ba đứa thế này: “Mình, Võ Xuân và Trường Đức hồi đó bị gọi là ba thằng “cùi”. Đói quá nên áo quần đem đi cầm hết để chống đói. Có bận suốt một tuần ba thằng còn mỗi hai bộ rưỡi. Không đủ áo quần mặc, vậy là phải chia nhau luân phiên lên lớp. Hôm nay mình cáo ốm nằm nhà để Võ Xuân, Trường Đức đi học. Mai Võ Xuân nằm nhà để mình và Trường Đức lên lớp. Ngày kia đến phiên Trường Đức nghỉ để mình và Võ Xuân đi học”. 
 
Vậy đó, ba đứa gắn bó với nhau như thế mà không bao lâu sau Võ Xuân tách ra để đến với Thúy Thanh, bỏ lại hai thằng bạn “cùi” tội nghiệp. Chuyện bắt đầu từ hôm ba đứa chúng tôi chuẩn bị đi thực tập, bèn nghĩ đến một tháng ba đứa đi thực tập sẽ có ba suất gạo tháng. Cả ba đứa bàn đi tính lại, nghĩ ra cao kiến là bán ba suất gạo tháng chế độ cho cô Dương ở trong trường để lấy ít tiền đi chơi trước ngày lên đường đi “ăn bám nhân dân” nơi đến thực tập. Đó là cách chúng tôi học theo lớp đàn anh đi trước. Hôm ấy bán được ba suất gạo tháng, lần đầu tiên cầm trong tay số tiền lớn, cả ba đứa kéo nhau đi lót dạ mỗi đứa một tô cháo bánh canh rồi mua chai rượu Nàng Hương, gọi thêm đĩa mồi, nhậu lai rai; rồi kêu thêm mấy “Nàng Hương” nữa, chỉ một loáng là say không biết trời đất gì nữa, sau đó dìu nhau loạng choạng về cư xá trong đêm mưa phùn xứ Huế ướt sũng. Sáng ra, tôi và Trương Duy lồm cồm bò dậy rửa mặt, đánh răng qua loa rồi lê lết tấm thân tàn lên giảng đường, còn Võ Xuân thì nằm liệt giường liệt chiếu. Chừng nửa buổi sáng cư xá vắng lặng, Võ Xuân bò ra trước cửa nôn khan. Thúy Thanh ở khoa Ngoại Ngữ, dãy nhà phía trước hôm ấy ở nhà thấy vậy chạy qua đỡ hắn dậy, cạo gió, xoa dầu, lát sau về phòng chế biến, bưng qua cho hắn tô cháo hành nóng sốt, bắt ăn giải rượu. Khi Võ Xuân có chất bột vào đã tỉnh táo trở lại, Thúy Thanh nói như “ra lệnh”: “Từ bữa nay anh phải bỏ nhậu đi nghe chưa?”. “Dạ nghe. Từ nay anh sẽ bỏ nhậu!”. “Nhớ nhé! con trai bọn anh nói rồi hay quên lắm đó”. “Anh hứa mà, sẽ nghe lời em!”…
 
Võ Xuân nhe răng cười, bộ dạng tội nghiệp. Mà thật, nhìn hắn khuôn mặt đen, xù xì, người thì còi cọc, nhưng khi cười trông hắn hiền, dễ thương chi lạ. Thúy Thanh cũng thế, người gầy như que củi chứ có hơn gì, chỉ có cái chất giọng Bắc pha Huế của nàng nghe cứ ngọt lịm. Hai “que củi” không nói gì thêm, nhìn nhau tình tứ. Chiều hôm đó ra chiều bí mật, Võ Xuân gọi tôi và Trương Duy đi uống cà phê, bởi hắn mới ra cầm đồ bà Hoàng trước cư xá được ít tiền. Hắn kể chuyện ban sáng cho tôi và Trương Duy nghe rồi nói: “Có lẽ tao sẽ mời Thúy Thanh đi cà phê!”. “Dính với nàng rồi hả?” - Trương Duy hỏi. “Thì cũng chỉ tỏ lòng cảm ơn thôi mà!”. “Vậy thì tiến hành thôi, tối nay cho nóng đi!” - Tôi đề nghị.
 
Ngay tức khắc Võ Xuân bắn tin mời Thúy Thanh. Kế hoạch của ba chúng tôi thế mà thành. Võ Xuân và Thanh Thúy trở thành “kênh” thông tin nối từ khoa Ngữ Văn sang khoa Ngoại Ngữ vốn rất thân tình. Cả cư xá từ đó thấy băng “cùi” chỉ còn có Trương Duy và tôi là hay đi chơi với nhau, còn Võ Xuân cứ rảnh là cặp kè Thúy Thanh đi đi về về, như là chuyển đi thông điệp đến mọi người từ nay họ là của nhau. Tình yêu của hai đứa trong thời buổi khó tiến triển nhanh. Đặc biệt khi học lên năm hai, Thúy Thanh đi Liên Xô một năm vì hồi đó bên khoa Ngoại Ngữ, sinh viên học Nga Văn được một năm đi học chuyển tiếp ở bên ấy. Thúy Thanh đi rồi, Võ Xuân trở lại với băng “cùi”. Hồi đó kinh tế quá khó khăn, nhưng tôi và Trương Duy phải dành dụm, tìm kiếm tiền góp cho Võ Xuân, để cho chàng có tiền lệ phí mỗi tuần gửi cho nàng một bức thư ở tận bên Đông Âu. Thật là kiên trì, mà có khi là nhờ nỗi nhớ, tình yêu xa cách nghìn trùng, Võ Xuân cứ duy trì như thế cho đến hết một năm, vì hồi đó ngoài những cánh thư, sinh viên nghèo làm gì có tiền để điện thoại đường dây quốc tế.
 
Tôi nhớ hồi đó Võ Xuân rất thích thơ Nguyễn Tất Nhiên và hay đọc thơ của nhà thơ này như để lý giải cho khó khăn trong tình yêu hiện tại của hắn cũng như bạn bè:
…“Tình cũng khó theo thời cơm áo, khó/ Ta dìu nhau đi dưới bóng nợ nần/ Em bắt đầu thấy ân hận, chưa em?/ Vì lỡ nói thương anh, cái thằng quanh năm túng thiếu/ Ân hận, có, thì hãy nên, ráng chịu/ Hãy xem như cảnh ngộ đã an bài/ Như địa cầu không thể ngược vòng quay/ Như Chúa, Phật phải gay go trước giờ lên ngôi Phật, Chúa/ Tình cũng khó theo thời cơm áo, khó/ Nên mới yêu, mà cư xử rất vợ chồng/ Rất thiệt tình khi lựa quán bình dân/ Khi nói thẳng: "Anh gọi cà phê đen bởi hụt tiền uống cà phê đá"/ Mỗi cuộc sống thăng trầm, phải mua bằng nhục nhã/ Mỗi mặt trời, phải trả giá một hoàng hôn”…(Hai hàng me ở đường Gia Long - Nguyễn Tất Nhiên)
Còn nhớ hôm tôi đi Hà Nội công tác trở về Quy Nhơn để nghỉ lại, sau đó đi xe chuyển tiếp lên Pleiku. Dịp đó Võ Xuân và Thúy Thanh giữ tôi ở lại để dự lễ cưới. Đám cưới của hai đứa tổ chức nhẹ nhàng, ở hội trường Trường Đại học Quy Nhơn, có đại diện gia đình, ban giám hiệu nhà trường, các thầy cô giáo trong khoa Ngữ Văn của Võ Xuân và khoa Ngoại Ngữ của Thúy Thanh. Tôi là bạn phương xa đến dự nên cũng được MC giới thiệu, thật là vinh dự. Thực đơn mời khách chỉ có bánh kẹo, nước giải khát. Sau lễ cưới, bạn bè ở Quy Nhơn của cô dâu chú rể và tôi về phòng tập thể của Võ Xuân và Thúy Thanh uống rượu. Rượu đế được thủ sẵn nhiều chai dưới gậm gường từ chiều, còn thức nhắm chỉ có xoài chấm muối ớt và nước mắm đường, thế mà anh em bạn hữu cứ nâng lên đặt xuống bao lần để chúc phúc cho Võ Xuân và Thúy Thanh. Cuộc rượu mừng cứ thế nối dài cho đến qua đêm, cô dâu và chú rể coi như không có đêm tân hôn.
 
Chừng 4 giờ sáng, một anh bạn ngồi nhậu cùng biết tôi phải ra bến xe Quy Nhơn để lên Pleiku cho kịp chuyến xe sáng cứ nằng nặc đòi chở tôi đi, vì theo như lời anh ta thổ lộ là anh rất có cảm tình với những người lính. Hôm đó thấy tôi mặc áo bộ đội, anh ta cho rằng tôi là lính Tây Nguyên, tôi giải thích gì anh cũng không nghe. Nói là làm, anh ta lôi tôi xuống sân, lấy xe đạp chở tôi một mạch ra bến xe. Khi đã ngồi trên xe đò, ngoái lại thấy bóng anh với chiếc xe đạp cứ vật vưỡng qua về, rồi khuất dần vào màn đêm. Làm báo xa nhà, tôi càng thấy ấm lòng vì có những người bạn đường ngẫu nhiên mà dễ thương như thế, cho dù sau này không bao giờ có dịp được gặp lại nhau.
 
Lại nói về chuyện Đinh Như. Hồi đi học tính hắn vui nhộn, người thấp đậm, mặt non tơ như con nít. Cứ đêm đêm, hắn ngồi một mình bên chiếc ghế đá, cầm ghi ta và hát. Hắn hát tình ca hay số một, có lẽ nhờ tài đó mà sau này làm báo đi nhiều, hắn nổi tiếng hát hay, có khi hay cả hơn viết báo. Đùng một cái khi đang công tác ở Tây Nguyên, tôi nghe hắn cưới Phương Hoa. Cũng hơi bất ngờ, bởi hồi đi học hắn có thổ lộ yêu đương gì với Phương Hoa đâu. Ngày ấy, Phương Hoa lớn hơn tôi và hắn một tuổi. Vì đi bộ đội về, lại làm lớp phó nên chúng tôi tôn trọng và gọi Phương Hoa là chị, dù không hơn kém nhau tuổi là mấy. Không biết cơ duyên nào, ra trường hai anh chị lại kết với nhau, cùng ở lại thành phố Huế và cùng được tuyển vào làm phóng viên ở báo Ba tỉnh. Nếu chuyện cặp đôi Võ Xuân và Thúy Thanh là chuyên yêu liên khoa Ngữ Văn - Ngoại Ngữ thì chuyện Đinh Như và Phương Hoa lại là đồng môn khoa Ngữ Văn, là cặp đôi duy nhất cùng khóa học, còn chúng tôi sau này đi tứ tán khắp nơi, lấy vợ lấy chồng khắp mọi miền đất nước. Đinh Như tính tình vui vẻ, phóng khoáng, trực tính nhưng chịu khó để ý thấy hắn có chiều sâu nội tâm, sau những cuộc vui cũng có phút giây lắng đọng. Với lối làm báo quyết liệt, có thể dùng ngôn ngữ báo chí gây “thương tích” cho đối phương, sau này chuyển về làm ở báo Địa phương, cây bút Đinh Như tung hoành nổi tiếng trên mặt trận chống… tiêu cực. Hồi đó, người ta biết Đinh Như như là một cây bút có thẩm quyền chống tiêu cực, tệ nạn xã hội. Chuyện lớn, chuyện nhỏ khắp cơ quan, ban ngành, khắp hang cùng ngõ hẻm đều bị Đinh Như liều mạng phơi bày hết lên trên mặt báo. Viết báo thì nhiều, nhưng bài báo mà nhiều người nhớ nhất của Đinh Như là phóng sự “Chuyện từ Ngã ba sung sướng”, viết về thân phận chị em làm nghề mại dâm ở bãi xe C15 mà người ta hay gọi là “Ngã ba sung sướng”. Bài báo này sau đó còn được đăng trên báo Trung ương. Từ làm Thư ký tòa soạn báo Địa phương, một thời gian sau Đinh Như tự làm mới mình bằng việc chuyển công tác về báo Trung ương, làm đến chức phó tổng biên tập báo kiêm giám đốc một kênh truyền hình. Có lẽ trong khóa học của chúng tôi, Đinh Như là đứa thành đạt nhất khi làm đến hàm thứ trưởng, có thư ký và xe riêng đưa đón hằng ngày.
 
Trong khi Đinh Như ngang dọc vẫy vùng thì Phương Hoa vẫn ở lại quê nhà, làm Thư ký tòa soạn báo Địa phương. Cặp đôi này tính khí xem ra đối nghịch nhưng vẫn gắn bó với nhau. Đinh Như xốc nổi, xông pha, giao du rộng, thích đi đây đi đó, còn Phương Hoa thì sống tự tin nhưng khép kín, ít xuất hiện ở đám đông, mặc dù trước đây làm phóng viên cũng có một số tác phẩm gây được dấu ấn trong lòng bạn đọc nhờ sự miệt mài, sâu sắc, cẩn trọng và yêu nghề. Tôi với Đinh Như có nhiều cái chung. Chung lớp đại học, chung công việc làm báo. Tôi chuyển công tác từ Tây Nguyên về quê một thời gian ngắn thì làm Thư ký tòa soạn đầu tiên của báo Địa phương (cứ tạm gọi như vậy vì trước đó có một ông phó tổng biên tập kiêm thư ký toà soạn), rồi sau đó công việc này được chuyển giao cho Đinh Như, sau đó là Phương Hoa. Tôi cùng tuổi với Đinh Như và cũng lấy vợ hơn mình một tuổi, lại cùng tuổi cọp, trong khi hai đứa tôi tuổi mèo. Nhưng khi Đinh Như lên công tác ở báo Trung ương, tôi thì vẫn ở lại với quê nhà, làm báo Địa phương. Hai đứa đi hai ngã nhưng chúng tôi vẫn thân nhau, chia sẻ với nhau nhiều giá trị trong cuộc sống, công việc, tình yêu, tình bạn ngày đã qua…
 
Lại nói về cặp đôi thứ ba, đó là Hồng Thu - Anh Chung. Hai anh chị cũng bắt đầu kết nhau khi Hồng Thu đang học ở khoa Ngữ Văn, còn Anh Chung là cựu sinh viên khoa Ngữ Văn khóa đầu, ra trường làm phóng viên ở báo Ba tỉnh. Hồi đó sinh viên đang học trong trường nhìn thấy mấy anh chị khóa trước trở về thăm trường mà ngưỡng mộ, toàn những anh tài, có mặt khắp nơi trong nước, có người còn giảng dạy ngôn ngữ ở tận Hoa Kỳ như chị Phạm Thị Hòa, người sắc nét, còn học giỏi thì không ai theo kịp. Hồi kỷ niệm ngày thành lập trường, thấy chị Hòa lên kể về kỷ niệm thời sinh viên và đọc thơ, bao nhiêu đàn anh, đàn em Văn khoa ngước lên chị mà… khao khát. Bây giờ chị định cư hẵn ở Hoa Kỳ sau khi người chồng, cũng là một giáo sư ngôn ngữ qua đời. Hay như nhà thơ Phạm Dũng, cựu sinh viên khoa Ngữ Văn khóa đầu tiên, nghe anh đọc thơ mà chân tay rã rời, nhất là những bài thơ đăng trong tập “Lời người dưới mộ”. Nghe nói anh trai của anh, cũng là bạn học cùng khóa - Phạm Kim Anh cũng là một tiểu thuyết gia nổi tiếng, là tác giả tiểu thuyết “Đêm mờ sương” gây chấn động một thời. Trong khóa Ngữ Văn đầu tiên, sau này tôi chơi thân với nhà thơ Hồ Thế Hà, nhà thơ Văn Công Hùng, nhà nghiên cứu văn học Phạm Phú Phong, nhà nghiên cứu văn học dân gian Y Thi, nhà báo Phan Thanh Bình, nữ nhà báo Ngọc Anh, Đại tá công an Nguyễn Văn Hạnh … Cũng lạ, tôi học sau 7 khóa mà sau này ra trường vẫn chơi thân với các anh chị bề trên, khóa đầu, toàn là những anh tài “tai to mặt lớn”… khi vào đời.
 
Anh Chung học Ngữ Văn khóa đầu, lại đẹp trai, dáng phong lưu, miệng dẻo, tán gái đâu đổ đấy. Không biết vì sao Hồng Thu lớp tôi lại lọt vào con mắt đa tình của anh ta. Anh Chung hồi đó lại làm phóng viên, nhà ở thành phố, lại có điều kiện kinh tế nên có nhiều em theo chết mê chết mệt. Thế mà thật lạ, có vẻ như anh ta, con người bất kham lại bị thuần phục bởi Hồng Thu. Đến nỗi sau này Hồng Thu trở về Đà Nẵng, Anh Chung phải bỏ quê, bỏ xứ theo nàng vào phố biển lập nghiệp. Khi yêu, nó biến ta thành một con người khác - Câu triết lý tình trường đó vận vào Anh Chung có khi là đúng. Về chuyện nghề, Anh Chung có nhiều giai thoại. Chẳng hạn, người ta nói sống trên đời này Anh Chung chẳng hề sợ ai, chỉ sợ mỗi tổng biên tập của anh ta là Đàm Duy, bởi sợ bị tổng biên tập phân công… viết bài. Ý người ta thêu dệt chuyện này nói Anh Chung lười, làm phóng viên chỉ thích đi chơi, đánh bài, không thích viết bài hoặc giả như viết bài là sự khó khăn đối với Anh Chung… Nghe người ta đồn thổi như thế nhưng chơi với Anh Chung thấy thích vô cùng. Anh Chung sống hào hoa, nhậu vui, chơi tới bến và lúc nào cũng thể hiện mình là dân “anh chị”, chuyện gì cũng biết, ngõ ngách nào cũng đã từng, và “sếp” cỡ nào cũng đã từng chơi với Anh Chung như người anh em…
 
*
Chuyện bạn bè, chuyện yêu đương thời Văn khoa thì kể mãi không hết. Bây giờ kể sang chuyện ở cư xá với bạn bè trong những ngày mùa đông xứ Huế đói quay đói quắt. Hồi đó ở cư xá 27 - Nguyên Huệ, chúng tôi ở giường tầng, một phòng có mười đến mười hai bạn. Chuyện học hành không cần nói làm chi, vì dù chương trình học có khó đến mấy, ngày ấy trên “đỉnh cao của tính nhân văn”, các thầy cô đều cho qua, như chuyện học Tiếng Nga, chữ Hán Nôm, học các môn triết học, kinh tế chính trị… dù rất khó, nhiều đứa phải thi đi thi lại mấy lần rồi cũng qua đẹp. Ở Huế mùa hè cũng như mùa đông những năm tháng ấy làm sao quên được. Đêm hè, cái nóng cứ hầm hập đổ xuống mái nhà cư xá, trong khi trong phòng thì có lấy một cái quạt gió nào. Hồi đó những đêm hè nóng bức, chúng tôi thường rủ nhau di tản ra công viên bên cầu Tràng Tiền hay xuống nhà thờ “Dòng Chúa cứu thế” nằm vạ vật cho qua cái nóng bức của mùa hè cư xá. Còn chuyện ăn đói mặc rét vào mùa đông thì ai có qua thời ấy sẽ nhớ đến… một đời.
Hồi đó đất nước đang khó khăn, người dân cả nước ăn cơm độn khoai, sắn, bo bo. Đang là thời bao cấp, mỗi cán bộ được cấp một sổ gạo, mỗi tháng cầm sổ ra cửa hàng lương thực được mua phân phối được mười ba ki lô gam lương thực. Còn sinh viên như chúng tôi được ưu đãi hơn, mỗi tháng được cấp mười sáu ki lô gam lương thực, nhưng ăn bếp tập thể cư xá năm đầu mới vào phải ăn cơm độn với sắn. Những bát cơm chỉ có cơm bám quanh lát sắn dày, có khi nhà bếp ngâm sắn không kỹ nên khi nấu lõi sắn vẫn chưa chín, khô cứng, thế mà đưa nào đưa nấy cũng đều phải nhắm mắt ăn để chống đói. Còn thức ăn thì chỉ có ít cá khô kho, bát canh rau muống nấu muối mặn chát, còn gọi là “canh toàn quốc” (canh toàn nước). Bạn nào muốn ăn thêm thì đến thùng nước mắm lấy ít nước mắm dùng chung mà kỳ thực chỉ là thùng nước muối có pha loãng ít nước mắm cho có mùi vị. Ăn uống như vậy, mỗi soong cơm được chia ra cho mỗi tốp 5 bạn. Đang tuổi ăn, tuổi lớn, dù thức ăn chẳng có gì nhưng chúng tôi vẫn ăn hết khẩu phần cơm một cách ngon lành. Cái thời bao cấp mọi thứ được phân phối bằng tem phiếu, một bữa ăn ngon dường như là một thứ xa xỉ đối với những sinh viên tá túc ở cư xá. Quanh năm suốt tháng sinh viên ở cư xá có mấy bữa được ăn ngon và ăn no. Cơm thì là thứ gạo dự trữ lâu năm trong nhà kho khi ăn như cơm hẩm, khó nuốt. Cá thì chủ yếu là cá khô cũng là thứ thực phẩm để lưu kho lâu ngày đã hết chất. Mỗi tháng tiêu chuẩn của mỗi sinh viên có mấy lạng thịt heo chỉ được ăn trong một ngày. Mỗi lần ăn cơm có thịt, được gắp mấy miếng thịt heo, chủ yếu là thịt mỡ nổi lều phều trên soong và chan nước mở vào cơm ăn có cảm giác dễ nuốt hơn và đêm về cái đói đỡ hành hạ… hơn.
 
Có lẽ món “đặc sản” mà cánh sinh viên các trường đại học ở Huế hồi ấy nhớ nhất vẫn là quán sắn (củ mỳ), cháo bánh canh ở đường Bến Nghé cạnh Trường Đại học Sư phạm; quán cháo lòng, quán xôi ở bên sông An Cựu, cạnh Trường Đại học Tổng hợp. Khách hàng của những quán này chủ yếu là sinh viên, mà hầu như cũng chỉ dành cho sinh viên. Đêm đông, khi trời lạnh, cái đói cồn cào sinh viên xa nhà, những hàng quán nơi đây dập dìu sinh viên viên nam, nữ mặt mày tái xanh tái xám, như những lữ khách ghé quán cắm cúi khẽ kêu một tô cháo bánh canh hay đĩa sắn luộc ăn ngấu ăn nghiến xong vẫn thấy thòm thèm vì không có tiền để có thể… kêu thêm một tô hay một đĩa nữa. Nhưng đó là những sinh viên vừa mới được gia đình ở quê tiếp viện tiền ăn, còn bao nhiêu sinh viên đang nằm lỳ trong cư xá với cái bụng rỗng, thao thức, làm thơ, kể chuyện tiếu lâm để đánh lừa dạ dày chờ đêm qua mau.
Cái thời sinh viên những năm 80 của thế kỷ XX là như thế, bây giờ tôi kể chuyện đói, rét thời ấy cho các con tôi nghe, chúng cứ há hốc mồm, ngỡ như chuyện cổ tích xa xăm. Sau này ra trường, ăn uống có đỡ hơn, mỗi khi nhớ về thời sinh viên ở Huế, cứ mãi ám ảnh những cơn đói quay đói quắt, bỗng thấy thương hơn một thời đã qua. Có lẽ đã qua cái thời khó khăn đó rồi, ai cũng thành người tử tế, biết chia sẻ nhiều hơn với những gian lao của đất nước, của đồng bào mình.
*
Trong số bạn bè cùng khóa thời ở Huế, người đi xa nhất là Dương Ngọc, bây giờ đã phiêu dạt định cư ở Las Vegas, Hoa Kỳ. Hồi mới vào khoa Ngữ Văn, thầy cô đọc tên Dương Ngọc hay nhầm hắn là con gái. Hắn là trai Huế, nhà ở bên bờ sông Bồ thuộc huyện Phong Điền. Nhìn khuôn mặt hắn trắng trẻo, non tơ, dáng người thanh tú như công tử nhà giàu. Chỉ duy đôi mắt thẳm sâu, dưới cặp lông mày rậm như nhìn xoáy vào người đối diện, đủ thấy hắn là người có nghị lực và sâu sắc. Cuộc đời Dương Ngọc sau này tôi mới biết cũng sâu thẳm nỗi niềm. Cha Dương Ngọc trước năm 1975 có tham gia chế độ cũ cho nên sau ngày đất nước thống nhất, ông phải đưa cả nhà đi kinh tế mới ở tỉnh Sông Bé (bây giờ là tỉnh Bình Dương và Bình Phước), để lại một mình Dương Ngọc với căn nhà ở bên bến sông Bồ, cũng là quê hương của nhà thơ Tố Hữu và vị tướng nổi tiếng - đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Nhớ hồi học năm ba thì phải, Dương Ngọc yêu một cô bạn ở hàng xóm. Tình yêu đang thăng hoa thì bất ngờ bị tác động của gia đình, cô bạn gái của Dương Ngọc quay đi tìm người yêu khác, đó là một đứa con nhà giàu cùng xóm đi xuất khẩu ở Tiệp Khắc về, có của ăn, của để. Đau buồn vì mất người yêu, vì nhân tình thế thái, Dương Ngọc làm một bữa nhậu, thịt một con chó mời cả lớp chúng tôi di chuyển bằng xe đạp từ thành phố về quê hắn chơi, tắm sông, ăn uống, đàn hát khuấy động cả một góc trời. Biết câu chuyện tình buồn của hắn, Trương Duy cải lời một bài hát, hát to để cho gã hàng xóm đã cướp đi mối tình đầu trên tay Dương Ngọc nghe thấy: “Nhà bên cạnh thì họ giàu lắm/ Còn bên anh có cái gì đâu em”.
 
Mà cũng đúng là Dương Ngọc chẳng có gì thật. Sau này qua chắp nối thông tin mới biết sau ngày ra trường, Dương Ngọc vào Nam, cũng từng làm nhiều nhà - nhà báo, nhà giáo, công nhân... Rồi thì cuộc sống đưa đẩy Dương Ngọc đến một nơi cách quê nhà một nửa vòng trái đất. Mười tám năm vật lộn với hành trình kiếm sống và hội nhập nơi xứ người, Dương Ngọc đã đi nhiều nơi trên đất Mỹ, nghiệm ra được nhiều điều. Dù thế giới quan của Dương Ngọc đã có nhiều thay đổi, nhưng có một điều chẳng bao giờ thay đổi, đó là tình bạn hữu, tình đồng môn một thời ở Huế. Ở trên đất Mỹ đã lâu nhưng Dương Ngọc vẫn nhớ: “Khóa học của mình là tổng hợp của ba mươi mốt tính cách đến từ miền Trung, một dải đất hẹp, khô cằn của một đất nước sau chiến tranh. Có đứa suốt ngày là con mọt sách, luôn ở trong phòng với cặp kính cận trên mắt, bài thi bài kiểm tra lúc nào cũng đạt điểm cao. Có đứa thì hầu như lúc nào cũng thơ thẩn, tham gia hết hội này đến đêm thơ nọ, ra mắt nào là tập san văn học, tập thơ, hồi ký... Nhưng cũng có đứa bất cần, học chỉ mong đủ điểm, lên giảng đường cho đủ mặt, quan niệm đơn giản: Đại học là học đại. Trong đám lộn xộn đó, thật không ngờ sau này lại có một số đã trở thành nhà báo dũng cảm, tâm huyết... Một lời chia vui đến những người bạn thành đạt trên đường công danh, hạnh phúc trên đường đời. Dẫu thân hay là không thân, tụi mình cũng đã có chung với nhau bốn năm đại học. Mỗi đứa mỗi ngã rẽ, mỗi số phận. Chỉ cần luôn hướng về nhau, tụi mình sẽ mãi vẫn là bạn”.
Nói thêm về tình huynh đệ gắn bó của sinh viên, cựu sinh viên Đại học Tổng hợp Huế. Sau này dù trường đã đổi tên thành Trường Đại học Khoa học, nhưng một lứa bên trời chúng tôi ngày ấy đều thích cái tên cũ - Đại học Tổng hợp. Đã có biết bao thế hệ ra trường, công tác, có người thành danh, có người thất bại nhưng bạn bè cựu sinh viên mỗi khi có dịp gặp lại nhau đều tự hào nhận nhau là “Dân Tổng hợp”. Mà cũng lạ, dù học bất cứ ngành nào, khi gặp nhau trên đường đời “Dân Tổng hợp” lại dâng trào kỷ niệm, tự nhiên sống với nhau hết mình, chừng nào có thể. Sau này tôi cũng có học thêm một vài trường đại học, lấy thêm mấy tấm bằng cử nhân để phù hợp với công việc, nhưng không thể tìm được thêm cảm giác tình huynh đệ sâu sắc của Đại học Tổng hợp Huế.
 
Mà “Dân Tổng hợp” cũng có nhiều chuyện đáo để lắm. Tôi nhớ lần kỷ niệm ngày thành lập trường, anh Nguyễn Thanh, cựu sinh viên khóa Ngữ Văn thuộc tốp những khóa đầu, đương kim bí thứ tỉnh ủy một tỉnh ở Nam Trung Bộ lên phát biểu một câu làm ‘mếch lòng” các thầy cô ở khoa hiện tại. Anh nói rằng: “Người ta hỏi tôi vì sao sinh viên ngày trước của khoa Ngữ Văn ra trường làm việc rất giỏi, còn sau này càng ngày càng kém đi. Tôi cho rằng đó là nhờ sinh viên những khóa đầu được học các thầy cô giỏi ở ngoài Hà Nội”...”. Anh nói như thế trong bối cảnh lúc đó là rất tế nhị. Mà tôi nghĩ cũng có khi như thế thật. Thời chúng tôi học khoa Ngữ Văn, có rất nhiều giáo sư, tiến sĩ nổi tiếng ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội vào thỉnh giảng, như các giáo sư, tiến sĩ ngôn ngữ học: Hoàng Trọng Phiến, Nguyễn Tri Niên; Cao Xuân Hạo, Phan Ngọc; các giáo sư tiến sĩ văn học: Lưu Đức Trung, Phan Vĩnh…; các giáo sư Đại học Văn khoa trước 1975 như: Tôn Thất Bình, Vương Hữu Lễ, Nguyên Văn Uyên, Phan Đăng… Có lẽ được, tiếp xúc với những “cây đa, cây đề” có thể nói là hàng đầu nền học vấn quốc gia về khoa học xã hội của cả hai miền Nam - Bắc thời ấy mà sinh viên học những khóa đầu của khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp có chất lượng, ra trường làm việc giỏi giang chăng?. Điều đó còn gây nhiều tranh cãi sau đó, thậm chí có người còn công kích phát ngôn của anh Nguyễn Thanh trên mạng xã hội, rằng: “Chả (cha ấy) ăn nói kẻ cả, cứ nhầm tưởng mình đang ở cương vị bí thư tỉnh ủy chứ không phải tư cách là của một… cựu sinh viên khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp”. Người thì cho rằng Nguyễn Thanh có ý chê bai đội ngũ các thầy cô giáo hiện tại ở khoa Ngữ Văn là yếu kém…, thôi thì trăm nẻo “bình loạn”.  Tôi nghĩ rằng mạng xã hội làm kết nối mọi người lại trong một mái nhà chung, làm ấm áp thêm tình người, nhưng cũng chính mạng xã hội đã làm phân rã, phân tâm bao người có khi chỉ vì một chuyện “nhỏ như con kiến”.
 
Chuyện dư âm sau ngày kỷ niệm thành lập khoa Ngữ Văn Trường Đại học Tổng hợp là vậy, rồi qua thời gian mọi chuyện cũng rơi vào quên lãng. Nhưng sau này tôi nghiệm ra một điều rằng, có một cố tật chung của các cựu sinh viên Văn khoa là nói dóc. Nói dóc nhưng là chuyện thật một trăm phần trăm. Như hồi ức của nhà báo Nguyễn Thế Thịnh là chuyện thật nhưng nghe cứ như đùa, rằng: “Ngày xưa tụi mình làm sinh viên khoa Ngữ Văn ở Huế. Hồi đó có phong trào công an đứng ở các đường phố, những ai mặc quần loe đều bị rọc, để tóc dài bị húi… Thế nhưng, nếu đưa Thẻ sinh viên đang học khoa Ngữ Văn trường Đại học Tổng hợp hoặc học Âm nhạc, Mỹ thuật (hồi đó đang là trường Cao đẳng Nghệ thuật, nay đã nâng lên Đại học) thì mấy chú công an bảo: “Dân văn nghệ sĩ, cho đi”. Ghê chưa, mới sinh viên văn khoa, âm nhạc, mỹ thuật đã được xếp vào hàng văn nghệ sĩ!. Tụi mình được mặc quần loe, áo chẽn, đi sa pô cao, mặt vác lên trời, nhìn những sinh viên ngành khác bị rọc quần, cắt tóc, thấy hãnh diện vô cùng. Thế này nữa, hằng tháng, khoa Ngữ Văn tổ chức đêm thơ. Trước sân trường dựng cái sân khấu, mọi người đăng ký, lên đọc thơ sang sảng. Sinh viên các khoa khác, trường khác đến xem đông nghịt như bữa nay xem ca nhạc. Các em nhìn nhìn các anh khoa Ngữ Văn ngưỡng mộ chín muồi muốn rụng…”.  Chuyện này nữa Nguyễn Thế Thịnh “tám” mới khủng: “Học Ngữ Văn Tổng hợp Huế ra viết báo rất hay. Thật. Hay hơn học báo ra viết báo. Nếu không viết báo hay thì làm lãnh đạo. Có hai cha làm ủy viên trung ương, bí thư tỉnh ủy; một cha làm chủ tịch tỉnh, còn hàm vụ trưởng, giám đốc sở này sở nọ thì vô vàn”… Còn Trương Duy thì có “khiêm tốn” hơn Nguyễn Thế Thịnh nhưng cũng “một tấc tới trời”. Trương Duy viết về khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp Huế ngày ấy trên blog hẳn hoi: “Một thời, cái danh Tổng hợp là thương hiệu tạo cảm tình và ấn tượng mạnh cho những lá đơn xin việc. Dọc dài miền Trung, đến đâu cũng đụng dân Tổng hợp Huế. Chỉ riêng làm báo, dân Tổng hợp toàn loại anh hào. Đến mức, nhiều nơi nhiều người cứ mặc nhiên hiểu: Đứa nào làm báo giỏi thì đích thị dân Tổng hợp. Cũng chẳng hiểu sao hồi đó dân Tổng hợp ra trường làm báo đông đến vậy, dù không hề được đào tạo nghề báo. Như cái lớp Ngữ Văn khóa chúng tôi, được học vỏn vẹn mỗi giáo trình “Ngôn ngữ báo chí” vài chục tiết của thầy Nguyễn Tri Niên ngoài Hà Nội vào thỉnh giảng, vậy mà ra trường có đến gần hai mươi đứa đi làm báo. Có lẽ đây là khóa đào tạo ra nhiều nhà báo nhất”…  
*
Trở lại tính cách Huế, bỗng dưng tôi nhớ trước ngày rời cố đô lên đường nhận công tác ở một phương trời xa, tôi dành trọn một buổi chiều lang thang khắp mọi nẻo đường trong cơn mưa phùn cuối thu. Từ cư xá 27 - Nguyễn Huệ, tôi chậm rãi bước qua những ngả đường Hùng Vương, qua cầu Tràng Tiền, về Gia Hội, ngược lên cửa Thượng Tứ, vào Thành nội và cuối cùng dừng chân ở một góc phố nhỏ mà tôi thường đến đó vào mỗi buổi chiều buông, để ngập ngừng, chân muốn bước đến mà lòng cứ bảo rằng không. Chia tay với Huế với tôi ngày ấy cũng đồng nghĩa với chia tay thời trai trẻ một đi không trở lại.
 Vậy mà dù đã đi xa, tôi vẫn ám ảnh, bàng bạc bởi tính cách của Huế. Nhớ hồi ở Pleiku, thật tình cờ, tôi có thêm một gia đình nhỏ khi gặp Xuân Tình, một người con gốc Huế, gia đình lên Gia Lai lập nghiệp. Hồi đó Tình theo học ngành phát thanh - truyền hình ở Pleiku. Em nhận tôi làm người anh kết nghĩa và đưa tôi về giới thiệu với gia đình ở thị trấn Chư Sê. Cứ mỗi chiều cuối tuần, tôi lại có nơi chốn đi về làm ấm lại cõi lòng trong những năm tháng xa quê. Và, bỗng dưng tôi trở thành người Huế khi nào không hay khi trên những nẻo đường đi qua, nhiều người Huế lên cao nguyên lập nghiệp mà tôi gặp đều nhận tôi là đồng hương. Mà cũng đúng thôi, vì hồi ấy Bình-Trị-Thiên là một. Tiếp xúc với nhiều người Huế và gia đình người Huế đi làm ăn xa xứ, tôi cảm nhận ra rằng họ đều giữ tính mực thước trong giao tiếp và sinh hoạt gia đình, chăm chỉ trong làm ăn, đùm bọc nhau trong hoạn nạn, cố kết trong một cộng đồng rất vững chắc. Họ luôn chăm chút cho đời sống gia đình và luôn nuôi dưỡng trong mình nỗi hoài vọng cố hương.
Xin nói thêm về sự ám ảnh của Huế. Một lần ra Hà Nội công tác, tôi lại có dịp gặp thêm một nét Huế giữa lòng thủ đô. Đấy là dịp tôi được tham quan Hội chợ ẩm thực và công nghệ thực phẩm tại Cung Văn hoá hữu nghị Việt Xô do Sở Thương mại Hà Nội - Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Tạp chí Nghệ thuật ăn uống tổ chức. Một gian hàng Huế Ngự Thiện nhỏ gọn nằm trong khuôn viên hội chợ nhưng luôn tấp nập khách vào ra với những món ăn độc đáo như chè thịt quay, bún bò, bánh bèo, bánh bột lọc, nem lụi, chả giò rế... mỗi tô, mỗi đĩa giá chỉ từ 4.000 - 6.000 đồng. Thì ra cái sự ăn uống của người Huế không chỉ phục vụ cho cái dạ dày mà đã nâng lên thành nghệ thuật ẩm thực được khách thập phương trong và ngoài nước biết đến. Hèn gì mà có lần anh bạn của tôi từ Sài Gòn ra chơi đã rủ rê tôi đi xe máy hàng chục cây số chỉ để được thưởng thức món cơm hến do chính người Huế nấu bán rong trên đường phố mới chịu quay về.
 
Sau này khi thực sự xa Huế, mới thấm thía hơn nỗi nhớ Huế, càng hiểu sâu sắc thêm những lời mà thầy Tạ Đình Nam (thầy đã mất cách đây chục năm) phân tích trong bình giảng thơ: “Bối cảnh thiên nhiên xứ Huế như được sắp đặt, bố trí trong một khuôn khổ xinh xắn, mực thước rất phù hợp với tính cách chung của người Việt Nam. Huế là mảnh đất có đầy đủ địa hình, là hình ảnh thu nhỏ của địa hình Việt Nam, vì thế không thể tìm thấy ở đâu một sự hài hoà giữa thiên nhiên và con người một cách nhuần nhuyễn như ở đất này. Chính Huế đã mang trong mình nét hài hoà của phong cách dân tộc, là sự mực thước vừa phải, gọn gàng, xinh xắn... từ con sông, đồi núi, lăng tẩm đến những ngôi nhà, khu vườn Huế nên Huế luôn trở thành trung tâm của sự rung động…”.
 
Nhưng với riêng tôi, Huế còn là nơi mang kỷ niệm buồn đau, là nơi tôi ra đi với cái án kỷ luật bị khiển trách trước toàn Trường Đại học Tổng hợp (có được hội đồng kỷ luật nhà trường giảm nhẹ chút ít) do bị quy kết sinh viên chưa ra trường đã viết báo sai sự thật về nhà trường. Đó là dịp năm thứ tư khi Hán Văn Chánh, quê ở tỉnh Ninh Thuận học cùng khóa với tôi, là sinh viên bên khoa Sinh học. Đang thời gian làm luận văn tốt nghiệp về đề tài: “Thử nghiệm sản xuất chất Aga chiết xuất từ rau câu” do tiến sĩ Trương Văn Lung hướng dẫn. Chánh nhờ tôi đọc, viết lời mở đầu và kết thúc, bởi như lời Chánh là bạn “văn hay chữ tốt”. Tôi nhận lời và đọc bản luận văn này, thấy có nhiều số liệu, phân tích mới, hay nên ghi chép lại trong sổ tay để viết báo. Tôi viết tin, sau đó là bài viết về quy trình sản xuất thử nghiệm Aga từ chiết xuất rau câu của Trường Đại học Tổng hợp gửi đăng báo Ba tỉnh. Có lẽ thấy vấn đề mới, chất Aga lại là loại vật liệu quý dùng trong các loại thực phẩm đóng hộp rất quý, trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở nào sản xuất nên thư ký tòa soạn báo trình ban biên tập cho đăng tin ở trang một, tuần sau đó lại cho đăng tiếp bài về đề tài này ở trang ba của báo. Báo phát hành, đang dịp Trường Đại học Tổng hợp họp hội nghị cán bộ, viên chức nhà trường. Tại đây, sau khi đã đọc báo, một số người cho rằng cơ sở sản xuất của nhà trường đang sản xuất thử sao lại cho đăng công khai trên báo. Mà đăng như thế thì các cơ quan quản lý, cơ quan thuế họ tới làm việc thì sao! Cũng có ý kiến cho rằng đây là đề tài thử nghiệm, kinh phí do Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp cấp, làm thử nghiêm, chưa tổng kết, sao lại công bố tùm lum trên báo..., thôi thì bao nhiêu câu hỏi đặt ra. Đang đi làm thử việc ở báo Ba tỉnh, tôi có giấy gọi của nhà trường lên gặp Hiệu trưởng. Giáo sư Hoàng, Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp cũng chính là chủ nghiệm đề tài chiết suất Aga mà tôi đã viết. Vừa thấy tôi, thầy đập bàn nói ngay: “Ai đã cung cấp tài liệu cho cậu để viết? Mà cậu viết như thế để nhằm mục đích gì?”. Tôi cố giải thích cho thầy hiểu và thông cảm, nhưng thầy không nghe, bảo về làm kiểm điểm để Hội đồng kỷ luật của trường sẽ xem xét. Thầy hiệu trưởng còn cho biết khả năng có thể dừng công nhận tốt nghiệp đại học của tôi, vì lý do sinh viên đang học trong trường mà viết báo làm ảnh hưởng đến nhà trường, trước khi thầy lên xe đi họp ở Thành phố Hồ Chí Minh, bỏ lại tôi với tâm trạng buồn bã, hoang mang.
Rồi tôi cũng nhận được giấy triệu tập của Hội đồng kỷ luật Trường Đại học Tổng hợp. Hôm ấy trời Huế mưa tầm tã. Tôi chỉ có mảnh ni lông che thân ngắn ngủn (hồi đó không có tiền để mua áo mưa) nên lên đến Văn phòng trường ở số 3 - Lê Lợi, người ướt sũng. Tôi được thầy trưởng phòng đào tạo của trường hướng dẫn ngồi đợi ở bên ngoài hành lang, chờ Hội đồng kỷ luật nhà trường họp xong sẽ thông báo ngay kết quả. Chủ tịch Hội đồng kỷ luật là giáo sư Nguyễn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp. Chờ đợi mãi, xem chừng hội đồng làm việc kỹ lắm, người tôi nóng ran như lên cơn sốt, mặc dù đang bị mưa ướt sũng. Rồi cũng đến lúc tôi được một thầy trong Hội đồng kỷ luật nhà trường ra gọi tôi vào nghe kết luận của Hội đồng kỷ luật nhà trường. Giáo sư Nguyễn, Chủ tịch Hội đồng kỷ luật cho tôi hay mội dung cuộc họp và kết luận của hội đồng, đại ý: “Hội đồng kỷ luật nhà trường đã phân tích về việc thông tin trên báo chí của em viết về cơ sở sản xuất Aga-Aga của trường. Xét thấy như nhận định của các thầy ở bên Khoa Ngữ văn, bên Đoàn Thanh niên, cho rằng em viết các bài báo về cơ sở sản xuất Aga - Aga của nhà trường xuất phát từ động cơ tốt. Tuy nhiên vì đây chỉ mới là sản xuất thử nghiệm, chưa thành công; nhất là chưa có ý kiến của lãnh đạo trường mà em đã đưa lên báo làm ảnh hưởng nhất định đến nhà trường, đã gây dư luận xấu. Em phải đặc biệt rút kinh nghiệm, nhất là rồi đây nếu em còn hoạt động báo chí. Vì vậy Hội đồng kỷ luật nhà trường quyết định kỷ luật em với mức khiển trách. Vậy em có ý kiến, nguyện vọng gì không?”. Khác với lần gặp giáo sư Hoàng hiệu trưởng, lần này từ giáo sư Nguyễn cho đến các thành viên trong Hội đồng kỷ luật nhà trường đều nhìn tôi với ánh mắt thông cảm, sẻ chia. Tôi không biết nói gì hơn, chỉ cảm ơn các thầy trong Hội đồng kỷ luật nhà trường và nêu nguyện vọng ngay hôm nay xin được làm thủ tục nhận công tác để ngày mai kịp lên đường đi Tây Nguyên. Giáo sư Nguyễn đồng ý và chỉ đạo cho Phòng đào tạo đáp ứng nguyện vọng của tôi. Giáo sư Nguyễn Đình, Phó Trưởng khoa Ngữ Văn dự buổi họp kỷ luật đã vỗ vai mừng tôi “tai qua nạn khỏi”, chúc tôi lên đường may mắn, khuyên tôi hãy coi đây là bài học khi vào đời. Ngay chiều hôm đó tôi qua phòng đào tạo làm thủ tục và ngay ngày hôm sau tức tốc lên đường. Điều rất vui là lên đến Pleiku nhận công tác đúng một tuần, tôi đọc báo Nhân Dân, thấy mục “Qua các báo trong nước” đăng lại bài viết về sản xuất Aga - Aga của tôi một cách trang trọng trên trang hai tờ báo này. Ngày ấy tôi rời Huế với nỗi buồn riêng mang, nghĩ rằng sẽ không bao giờ trở lại. Nhưng đó là suy nghĩ bồng bột của một thời trai trẻ.  Mọi chuyện rồi cũng qua đi. Dịp trở về thăm nhân kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Trường Đại học Tổng hợp, theo gợi ý của thầy Phạm Phú Phong, tôi đã đăng đàn kể lại chuyện vụ viết báo về Aga - Aga như là một kỷ niệm đầu tiên khi mới bước vào đời.
 
Bây giờ, “Hội những người mặc quần loe”, chữ dùng của nhà báo Nguyễn Thế Thịnh chỉ các bạn cựu sinh viên Văn khoa gặp mặt kỷ niệm ngày thành lập khoa, thành lập trường ở tỉnh này, thành phố kia. Những dịp như thế có năm tôi dự năm không vì những lý do khác nhau. Với bạn hữu một thời, chẳng thể mong có ngày ngồi lại với nhau đông đủ khi tóc đã… pha sương, bởi mỗi đứa mỗi chân trời, góc bể, cũng có đứa đã về với đất đai, nghìn trùng. Nhưng như tâm sự của một bạn đồng môn, rằng nếu chúng ta luôn nghĩ về những điều tốt đẹp, là mãi mãi giữ được tình bạn, dù xa xôi cách trở nhưng vẫn luôn ở bên nhau. Với Huế, với bạn hữu một thời, trong tôi vẫn vẹn nguyên những kỷ niệm vui, buồn. Thỉnh thoảng trên đường đi ngang về tắt, bắt gặp lại những con đường, màu hoa phượng thắm, nhớ thời sinh viên đến cháy lòng. Cũng có lúc nuối tiếc chút ngây thơ vụng dại, sao ngày ấy không cùng em đi hết con đường có lá vàng rơi trong đêm thanh vắng! Sao không nói với em một lời trước lúc chia xa!... Một đôi lần kỷ niệm xưa thức dậy, lòng nôn nao muốn tìm về góc phố cũ. Nhưng từ một phía khác của con tim mách bảo rằng, hãy để kỷ niệm ngủ yên với thời gian, để rồi có những khoảng trống vô hình cồn cào nỗi nhớ Huế, nhớ em. “Người ơi! / Nếu còn vầng trăng soi dòng Hương/ Núi Ngự còn thông reo chiều buông/ Tôi vẫn còn thương”…
Đông Hà, 6/2021 
Minh Tứ
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...