Thứ Hai, 30 tháng 5, 2022

Về làngXXXXX

Về làng

Cả công ty chào xáo cả lên bởi cái tin tổ chức cấp trên đề bạt anh Chiến, Trưởng phòng kế hoạch làm Phó giám đốc công ty. Tin chính xác một trăm lẻ một phần trăm bởi cô Mai văn thư hé lộ. Cấp trên đã gửi quyết định cho giám đốc Hội phải chiếu quyết định thi hành đề bạt từ ngày ...tháng...năm...
       
Buổi sáng, mấy cô người đẹp văn phòng công ty sau khi ngồi ngáp ngắn, ngáp dài, vòng vo chợ búa để mua thức ăn đồ uống để đầy góc phòng, lại tụm ba, tụm năm bàn tán. Cô Ba lắm mồm nhất văn phòng mở đầu:
- Thôi, thế là đời ông Hội đi tong, lên phó giám đốc là tay Chiến sẽ hốt ông về làng trong nay mai.
 
Cô Hoa góp chuyện:
- À, mà cái tay Chiến cũng được đấy, có bằng kỹ sư kinh tế, trẻ, chưa vợ, hào hoa. Phen này chúng mình được cơ chế thoáng nhé. Cái ông Hội làm ăn sao được, kiến thức bằng cấp không có, chỉ được cái bằng "đại học kháng chiến", lúc nào cũng băn hăn bó hó...
 
Cô Lợi thủ quỹ có vẻ e dè hơn:
- Biết con Mai nói có đúng không mà bàn luận cho mệt. Ông Hội nghe được thì liệu thần hồn.
 
Cô Lộc khóa đuôi câu chuyện:
- Này, này, im lặng là vàng. Đừng có mà bép xép, rách chuyện.
Ông Hội quả là rất thiêng, nhắc đến là ông xuất hiện. Cả văn phòng lặng im, cô đánh máy, cô lật sổ sách, cô lúi húi xếp giấy tờ. Ông Hợi vô tư:
- Chà, sáng nay vui vẻ quá hà, việc vàn đến đâu rồi, chiều nay mà chưa quyết toán được là không xong với tôi đâu - Ông nói rồi đi thẳng vào phòng giám đốc.
 
Cả phòng im thinh thít, nhìn theo lưng ông. Phải nói rằng ông Hội có cái thần, nghe giọng ông nói ai cũng nể sợ. Dáng ông bệ vệ, khuôn mặt chữ điền, đôi mắt như có lửa, chỉ tiếc hơi lùn một tí nhưng trông rất oai phong lẫm liệt khi diễn thuyết trước đám đông hay ra một quyết định công việc. Nghe nói hồi ông làm Đại đội trưởng lính Trường Sơn, cấp dưới theo lệnh ông một phép. Kỷ luật của ông là kỷ luật sắt. Chiến tranh chấm dứt, ông chuyển sang ngành thương nghiệp, về làm giám đốc Công ty. Cấp trên giao việc, ông cứ thế mà làm. Ông làm việc hùng hục, không cần có cấp phó. Ông muốn gì mọi người phải làm thế, không cãi, không bàn - đó là cách tốt nhất khi ông đã quyết định. Tính ông nóng như lửa, đố ai mà ngăn được. Ông đi vắng, Chiến trưởng phòng kế hoạch ở nhà tiếp khách đơn vị bạn tới quan hệ làm ăn hết hai két bia, về ông cắt, chỉ thanh toán tiền cơm, bia bọt Chiến tự bỏ tiền túi ra trả- Chấm hết, cấm cãi. Bão lụt cậu Am bỏ trực hai tiếng đồng hồ bị kẻ gian cạy cửa chôm lô hàng bạc triệu, phải bỏ tiền túi đền- đương nhiên. Với ông Hội, nguyên tắc là nguyên tắc, không có vòng vo chủ nghĩa tình cảm trong quản lý được, cũng như ông ngày trước khi đối mặt với kẻ thù chỉ biết nhằm thẳng quân thù ngéo cò là xong.
 
Gàn như ông có cái cũng được việc, ông nói cú một, chơi thì chơi, không chơi thì nghỉ. Tuy vậy cái cung cách làm việc của ông lắm lúc cũng làm cho không ai chịu nổi. Khách đến, nước chè đặc, hút thuốc Đà Lạt được như ông thì hút, không thì thôi. Cậu Chiến kế hoạch, cô Hoa kế toán tham mưu mời người ta bữa cơm có bia, ông cắt. Theo ông cơm ăn ngon, no là xong, uống iếc làm gì cho mệt. Ai ưa thì đi chỗ khác mà uống, đừng uống trước mặt ông. Cứ thế cho đến khi tóc ông đã lốm đốm sợi bạc, tuổi bước sang lục tuần.
 
Cái tin cô Mai văn thư hé lộ tưởng câu chuyện làm quà ai ngờ là thật. Mấy bữa nay ông Hội cứ ngồi trầm ngâm trước bàn làm việc, hút từng bao thuốc, không nói năng gì cả. Rồi giao ban đầu tuần, ông công bố quyết định của trên bổ nhiệm anh Chiến làm Phó giám đốc từ ngày...tháng...năm...Cả văn phòng công ty mừng nhưng không ai dám biểu hiện ra mặt. Ở công ty này, từ lâu Chiến đã tỏ rõ khả năng vai trò lãnh đạo của mình. Tất cả kế hoạch làm ăn của công ty, Chiến làm hết. Ba mươi tuổi, đẹp trai, nhanh nhẹn tháo vát, được đào tạo bài bản, giao thiệp rộng, làm ăn tính toán chắc, nhiều cô trông lên Chiến thèm rỏ con mắt, nhưng Chiến chưa ngó ngàng gì tới bởi anh ta phần lo sự nghiệp, phần nghe đâu còn chờ đợi cô người yêu học xong đại học.
 
Mới lên chức được hơn một năm, công ty nhờ Chiến mà đi lên trông thấy, lương tăng, chế độ thêm, công ty mở rộng mặt bằng, xây thêm nhà, ai ai cũng vui vẻ chăm chú làm ăn. Họp cốt cán công ty ông Hội đe Chiến khéo kẻo đi trật đường ray chết cả nút. Còn Chiến thì làm việc gì cũng một hai xin ý kiến giám đốc, một điều em hỏi anh điều này, anh quyết cho việc kia...Ông khó chịu nhượng bộ từng bước.
 
Thế rồi thêm một lần cô Mai văn thư tung ra một cái tin: Tổ chức có quyết định cho ông Hội nghỉ hưu, cả công ty lại một phen chào xáo. Lần này họ tin thật. Cô Ba, cô Hoa hỏi Chiến phó giám đốc, anh ta nói tin đồn nhảm, ngờ đâu tuần sau hóa ra tin thật. Cán bộ tổ chức đã về làm việc với ông Hội, ông đồng ý rút quân về làng, đồng ý bổ nhiệm Chiến lên thay ông làm giám đốc. Ông mệt mỏi bởi cái cơ chế và cung cách làm ăn bây giờ rồi. Phiên họp chuyển giao lãnh đạo diễn ra trong chóng vánh. Một số cán bộ, nhân viên không dấu diếm cảm xúc, mừng ra mặt. Số thuộc cấp được ông từng tin cẩn tỏ mặt buồn rầu nhưng không chắc là họ thương ông. Trước khi rời công ty, ông chỉ nói ngắn gọn:
- Tôi cầm súng hơn hai mươi năm, hơn mười năm làm giám đốc, bây giờ về nghỉ tôi không ân hận gì cả, mong các anh chị ở lại đoàn kết làm ăn đưa công ty đi lên.
Tân giám đốc Chiến nói lời cảm ơn cũng ngắn gọn, trong đó có ghi nhận công lao của ông đóng góp cho công ty trong một thời gian dài. Cán bộ nhân viên trong công ty chỉ đưa mắt nhìn nhau.
 
*
Sau vài ngày nhận thông báo nghỉ hưu, ông bàn với vợ con bán tất tần tật nhà ở phố để về làng vì tuổi tác ông đã xế chiều rồi. Vợ ông chỉ thở dài không nói gì. Con trai ông phản đối, không chịu về. Cuối cùng ông để nhà lại cho con trai rồi đưa vợ về quê.
 
Nghe tin ông Hội về làng, bà con chú bác đến thăm chật cả nhà. Về hôm trước, hôm sau một vinh quang lại khoác lên ông lúc tuổi già xế bóng. Bây giờ các bậc vai vế trong tộc họ của ông đã khuất núi. Nghiễm nhiên ông được tín nhiệm làm trưởng họ, phần vì tuổi tác, phần vì ông từng "làm quan" như cách nói của người dân quê. Ngôi nhà của ông bà để lại, vợ chồng ông đủ ở, chỉ sửa sang thêm đôi chút. Chú Tư em kế ông đã ra đám ruộng đầu làng cất nhà để trông coi ruộng vườn, còn ông ở đây lo hương khói cho tổ tiên, ông bà.
 
Cả họ họp lại đề xuất: Ông đi làm quan lâu rồi mới về phải tạ làng một con bò để nở mày, nở mặt, nhân thể làm lễ lên lão cho ông, cũng là dịp để ông "đăng quang" chức trưởng họ.
Chú Tư bàn:
- Bà con nói phải, bác về làng phải sống với họ, với làng. Chưa may kịp áo xống, bác cứ lấy bộ khăn áo của tui mà ra trình làng.
- Tui cả đời chưa quen, khó coi quá - Ông Hội chần chừ.
 
Rồi cái ngày ấy cũng đến, ông khăn đen, áo dài ra trước sân đình. Lúc tế lễ, hàng trăm, hàng ngàn con mắt từ trẻ, già, trai, gái nhìn vào ông. Người ta hô lạy, ông lạy, người ta hô lui, ông lui, người ta hô tiến, ông tiến. Tội nghiệp, suốt gần cả đời đi làm cách mạng, ông có biết tục cúng kỵ bao giờ. Khi chủ lễ hô bằng tiếng Hán tiến đến ba bước, ông tiến năm bước, hô lạy ba lạy, ông lạy bảy lạy. May có chú Tư cứ bám riết ra hiệu cho ông. Nhìn ông lúng ta lúng túng, ai cũng bấm bụng cười.
 
Từ ngày lên chức trưởng họ, bà Hội lo cho ông lắm. Nhiều lần thấy ông khổ sở, bà bàn hay kiếm cớ để về trên thành phố, nhưng ông gạt đi: "Nhà ai trông, ai lo hương khói, ai lo việc họ, việc làng". Khổ nổi thân già, cứ quanh năm suốt tháng quỳ lạy, từ béo tốt ông trở nên xanh xao, gầy gò. Tuần nào, tháng nào ông cũng xênh xang áo mũ đi cưới, đi hỏi, đi kỵ giỗ...vì cuộc nào mà thiếu được trưởng họ. Đồng tiền làm ra thì khó mà nó cứ đội nón ra đi đều đều. Bà Hội kêu ca, ông "bỏ nhỏ" với tổ hưu trí khi phát lương hưu cho ông, giấu giúp ông một khoản để ông lo việc hội hè giỗ kỵ...
 
*
Cuối năm đang bận trăm công nghìn việc giỗ chạp họ, làng thì ông nhận được giấy mời của công ty cũ, in trang trọng, ghi rõ: "Kính mời ông Nguyễn Văn Hội, nguyên giám đốc công ty đến dự lễ tổng kết mừng công cuối năm của công ty". Ông đưa bà Hội xem, rồi bảo:
- Người ta nghĩ tới mình, mời mình mà không đi cũng không tiện!
Bà Hội khuyên:
- Thôi, nghĩa tình trước sau, ông thu xếp lên thành phố một chuyến, nhân thể thăm con, một năm nay nó không về.
 
Sáng hôm sau từ tờ mờ sáng, bà Hội đã chuẩn bị cho ông một lô một lốc đồ lỉnh kỉnh gửi cho cậu hai nào nếp, gà, đậu đỗ...Ông ra ngã tư đón xe về thành phố. Ông lên vừa kịp. Lâu ngày gặp lại, ông choáng ngợp, các cô các cậu ở công ty bây giờ mốt quá. Thanh niêm com lê, caravát, phụ nữ váy xòe, váy cộc...làm ông lóa mắt. Còn căn phòng làm việc cũ của ông người ta đã phá đi rồi. Bằng khen, Huân chương họ cũng đã chuyển ra hội trường. Bây giờ thay cho cái bàn gỗ cũ kỷ là bộ sa lông đệm, thay cho chiếc quạt chạy èo uột là chiếc máy lạnh nhã hơi nước dịu êm. Rồi điện thoại di động từ túi quần cậu Chiến giám đốc, của các trưởng phó phòng thỉnh thoảng lại kêu tích tích, reng reng...thôi thì đủ âm thanh.
 
Trong buổi lễ, người ta mời ông lên hàng ghế đầu. Tan hội nghị cả công ty cùng quan khách đi khách sạn. Bia lon nổ tí tách. Người ta chúc ông. "Ừ, thì uống, đã sao". Ông say mèm từ lúc nào không rõ, trước mặt ông mọi thứ quay cuồng. Mặt ông đỏ gay, miệng nói lảm nhảm. Được thể cánh trẻ cứ tung hô ông rồi cười rủ rượi mời ông ở lại chơi vài ba ngày. Rồi tất cả lại chúc. Ông thấy người chếnh choáng. Chợt nhớ ngày mai có việc làng cuối năm, ông lách đám đông chạy vội ra. Giám đốc Chiến cho xe đưa về, ông sợ phiền gạt đi. Ra cổng, cô Mai văn thư dúi vào tay ông một túi to tướng - quà của công ty cuối năm, ông ôm lấy đi thục mạng. Bóng ông khật khưởng xa dần. Khi không còn ai bên mình, ông lẩm bẩm: "Ừ phải về thôi, về để mai kịp việc làng, không có mình là không được đâu" 
24/7/2008
Minh Tứ
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...