Thứ Hai, 30 tháng 5, 2022

Giã từ bóng đêm tội lỗiXXXXX

Giã từ bóng đêm tội lỗi

Thương bừng tĩnh. Một căn phòng sang trọng đầy xa lạ. Chuyện vừa xảy ra như một cơn ác mộng. Đây là đâu? Nhìn thân xác ông chủ trần như nhộng ngáy pho pho bên chiếc giường đệm trải ra bề bộn, bàn bên lỏng chỏng bia lon, rượu ngoại, Thương bắt đầu nhớ lại. Thì ra Thương đang ở trong một khách sạn sang trọng bậc nhất của thành phố này. Mới cách đây chưa đầy tiếng đồng hồ, Thương hoàn toàn là con gái, vậy mà giờ...Thương gục xuống, uất nghẹn, toàn thân run rẫy như vừa trải qua cơn sốt...

 
Hắn là một thằng đểu, khác xa với bản mặt lần đầu tiên khi xuất hiện ở cái làng quê nghèo nàn lam lũ của Thương. Vậy mà cả xã, cả thôn đều tin hắn, một giám đốc công ty ăn uống ở thành phố về nông thôn tuyển nhân viên, góp phần giúp địa phương giải quyết việc làm cho con em chưa có ngành nghề.
 
Ông Cung, Chủ tịch xã thấy hắn xuất hiện với chiếc Tozota đời mới, áo quần bảnh bao với tấm danh thiếp thơm lừng có địa chỉ, chức danh rõ ràng đã quýnh lên. Theo tấm danh thiếp, tên hắn là Cường - Văn Cường.
 
Sau một chầu bia mang theo trong xe để chiêu đãi cán bộ xã, ông Cung đưa hắn đến từng nhà trong xóm để tuyển nhân viên. Theo tiêu chuẩn hắn đưa ra, được tuyển vào công ty của hắn không có gì là khó ngoài những cô gái hình thức đẹp, lanh lẹ, có khả năng tiếp thị. Hắn đi qua nhiều nhà, ở đâu cũng diễn đi diễn lại một bài đã chuẩn bị sẵn: "Công ty của tôi mới thành lập một năm nay, làm ăn cũng được, lương bổng hậu hĩnh, sòng phẳng. Chỉ mỗi bây giờ mở rộng kinh doanh không có người làm công tác tiếp thị..."
 
Cuối cùng hắn dừng lại khá lâu trước nhà ông Đỉu. Thấy hắn đến và qua lời giới thiệu của ông chủ tịch xã, ông Đỉu gọi Thương pha nước mời khách. Loáng thấy Thương, mắt hắn sáng lên, cái mặt dẹt bạnh ra, ria mép giật giật. Khi biết Thương là đứa cháu gái ông Đỉu, ở với ông từ khi cha mẹ mất sớm, hắn tỏ vẻ rưng rưng xúc động:
- Tôi làm kinh doanh nhưng rất hiểu chuyện xã hội và thông cảm với hoàn cảnh của chú đây. Hay là chú cho em Thương lên làm ở công ty tôi cho nó nhàn hạ, lại có tiền giúp đỡ gia đình và các em.
Chú Đỉu cũng không kém phần xúc động:
- Cháu nó mồ côi từ nhỏ ở với vợ chồng tui, học hành không được mấy, lại chẳng có nghề ngỗng gì. Cứ để cháu chân lấm tay bùn vợ chồng tui cũng tủi với vong linh vợ chồng bác ấy. Ơn chính quyền xã, ơn anh giúp cho nó có việc làm tui không biết nói gì hơn...
Nói đoạn chú úp mặt khóc hu hu...làm ai nấy đều mũi lòng. Thật tội nghiệp, quanh năm trần lưng ngoài đồng ruộng mà vợ chồng chú không nuôi nổi tám miệng ăn. Con cái học hành chữ được, chữ mất. Nhà ở tềnh toàng, khách đến thăm không có đủ ly uống nước.
 
Hắn chắp tay sau lưng đi đi lại lại ra vẻ đăm chiêu suy nghĩ, rồi hắn biếu chú năm trăm ngàn đồng và xin phép ra về, hẹn ngày trở lại.
 
Thương chú thím và các em, lại nghe nói được việc làm trên thành phố, một điều nằm mơ cũng chẳng thấy nên Thương đồng ý khăn gói lên đường theo lão Cường về thành phố một tuần sau đó.
 
Hôm ra đi chú thím làm con gà khấn ông bà cầu mong cho cháu toại nguyện mọi điều, cũng là dịp mời người ta chén rượu. Bà con trong xóm đến thăm ai cũng mừng cho nhà chú có phúc được gặp người tốt. Mấy đứa bạn Thương đến chia tay cứ thì thầm bảo bao giờ có việc gì trên thành phố tin giúp cho chúng lên cùng.
 
Buổi đầu đến đây với Thương thật lạ lẫm, chẳng có công ty nào cả ngoài một nhà hàng nằm lưng chừng dốc thành phố mà lão Cường là ông chủ. Thương đến, hàng chục cặp mắt săm soi nhìn cô, từ bà chủ gầy đét có con mắt soi mói đến những nhân viên nhìn cô với cặp mắt ghen tức.
 
Thương không sắc nét nhưng có một vẻ đẹp rất hồn nhiên của đồng quê, đôi mắt tròn ngơ ngác dưới hàng mi cong vút. Khuôn mặt bầu bĩnh của Thương lại được điểm tô thêm một lúm đồng tiền tròn vành vạnh mỗi khi cô cười. Thấy ông chủ quan tâm nhiều đến Thương, số nhân viên cũ ganh ghét, còn bà chủ thì kêu Thương vào phòng riêng đe nẹt phủ đầu: "Lên đây rồi lo liệu mà làm, đừng có đú đởn rồi không có đồng xu dính túi nào. Cứ coi tụi nó làm mà làm theo".
 
Công việc của Thương là bưng bê thức nhắm, rót bia mời khách như các cô gái khác. Rồi lại phải cùng ngồi với khách cụng ly, chịu những lời cợt nhã, những gã đàn ông say say tĩnh tĩnh sờ soạng...làm Thương thấy ê mặt. Được một tuần, Thương khóc lóc xin ông bà chủ cho về thăm nhà. Ông chủ ra chiều thông cảm gọi riêng cô vào phòng gợi ý: "Hay là tôi chuyển Thương qua bên khách sạn chỗ bạn tôi làm phụ trách lễ tân cho dễ chịu hơn. Tôi sẽ lo cho em".
 
Thương gật đầu đồng ý bởi muốn thoát ngay khỏi nơi này. Thế là hắn đưa Thương tới khách sạn này. Hắn bảo trước khi vào gặp bạn hắn, phải vào phòng này chuẩn bị trang điểm một tí và để hắn căn dặn một số điều. Thương băn khoăn cầm ly nước ngập ngừng uống từng ngụm, từng ngụm, rồi cô không biết những gì xảy ra tiếp theo nữa.
 
Lão Cường dụi mắt tĩnh giấc vội mặc áo quần rồi đến gần bên Thương vỗ về.
- Tôi thương em thật mà, tôi muốn em mãi mãi là của tôi.
- Đồ hèn hạ, đồ khốn nạn... - Thương gạt hắn ra, đôi mắt ngây thơ bỗng hằn lên những tia nhìn dữ dội.
 
Còn bao nhiêu từ ngữ có được, Thương trút lên đầu hắn, cái tên lừa đảo ấy. Bây giờ cô thấy ghét cay ghét đắng cái bản mặt phì nộn, cái mũi thấp tè, cái bộ ria mép đểu giả và cả những lời như rót mật vào tai của hắn.
 
Chờ cho Thương nguôi cơn tức giận, hắn lại rỉ rả cái giọng đường mật:
- Thôi đằng nào em cũng là của tôi rồi. Bây giờ em về nhà với tôi, chịu khó một thời gian rồi tôi còn lo nhà cửa cho em, tôi sẽ không để em phải khổ đâu. Ở đâu cũng thế, phải chịu khó làm ăn...
 
Hoang mang, căm tức lẫn lộn, Thương chẳng biết làm gì được cái lão chủ đểu giả ấy. Bây giờ mà về quê thì khác nào làm khổ thêm cho chú thím, tủi hổ với bạn bè. Cuối cùng Thương bất lực phải quay lại cái nơi mà cô không bao giờ muốn.
 
Như để xoa dịu, lão Cường sắm sanh cho Thương đủ thứ, nào áo quần mốt, nào nhẫn vàng. Lão nói với vợ là cho Thương mượn làm vốn và để cột chặt Thương với "hợp đồng", còn mỗi lần chỉ có hắn với Thương, hắn nói tất cả là của Thương, rồi hắn sẽ cho nhiều hơn, kể cả  cái nhà hàng này nữa...
*
Cũng lạ, từ khi có Thương và mấy cô gái cũng ở quê lên, nhà hàng bỗng tấp nập khách vào ra ăn uống. Từ không quen, Thương bắt đầu biết ăn diện, phấn son. Bây giờ cô không còn vương lại chút nào hương đồng cỏ nội. Cô cũng biết cười nói cợt nhã mời khách, cũng biết nhào nặn ra một hoàn cảnh éo le bi kịch giả tạo, cũng biết lúc xưng tên này, tên nọ, nào là Hoa, là Mai, là Cúc...gồm những cái tên vô hại, thích gì thì xưng thế để tâm sự kéo dài thâu đêm suốt sáng với khách cho có thêm tiền bởi chế độ khoán doanh thu của chủ.
 
Hằng đêm, tiếp xúc với đủ hạng người, giám đốc, cán bộ nhà nước, thanh niên choai choai, người say có, người tĩnh có, cô chấp nhận hết, thậm chí còn hạ thấp mình khi nhận những đồng tiền bất nhã của khách. Tâm hồn Thương như bị trơ lì đi, trừ mỗi tuần cô xin phép bà chủ thong dong một mình dọc con phố nhỏ đến bưu điện gửi chút tiền kiếm được giúp chú thím và các em trải qua những ngày mùa thất bát mà không một lời tiết lộ cô đang làm gì, ở đâu.
 
Như dòng đời thác lũ, Thương ngụp lặn trong thế giới của men say, của những sự thô bạo, trâng tráo từ những kẻ sẵn tiền thích đú đởn để rồi đêm đêm khi vắng lặng trở về, cô tủi hờn úp mặt vào gối khóc thầm với tấm thân đầy rệu rã khi chợt nghĩ đến ngày mai.
 
Lão chủ cũng một vài lần tỏ ra ghen tức khi thấy Thương thay đổi quá nhanh. Nhiều khi Thương để ý cái mặt dẹt phục phịch, xảo trá của lão cũng biến sắc đi khi nhìn thấy cô trong vòng tay của những người đàn ông lạ. Hắn chưa hết cơn thèm khát, thỉnh thoảng vẫn lén tặng quà và rủ Thương đi chơi đây đó nhưng Thương cự tuyệt. Càng cự tuyệt, hắn càng tức tối, còn bà chủ thì ngày càng để mắt soi mói ghen thầm. Nhiều khi bà gắt gỏng Thương những chuyện không đâu, vô lối. Vợ chồng lão chủ càng tức tối, Thương càng thấy thích bởi giờ đây tâm hồn trong trắng của cô đang len vào những cơn độc địa, trả thù.
 
Trên con đường xuống dốc của tâm hồn cạn kiệt vì thất vọng, tưởng rằng sẽ chẳng bao giờ Thương biết đến tình yêu là gì. Trong hàng trăm, hàng ngàn khách hàng Thương đều thấy họ có chung là sẵn tiền, buông thả, không hơn không kém. Nhưng trớ trêu thay khi gặp một người khách tên Hòa, dáng thư sinh nho nhã làm Thương chú ý.
 
Hòa đến với bạn bè rủ rê, cũng uống, cũng quậy nhưng bỗng dừng lại khi hắn nhìn thấy Thương. Mỗi lần gặp Hòa, tâm sự với hắn về cái bi kịch giả dối của mình, đêm về Thương ân hận. Hòa không phải thuộc hạng người như bao khách hàng mà cô thường gặp. Cũng vui nhộn, cũng quậy phá nhưng nhiều khi thấy hắn thẩn thờ, tội nghiệp như một gã cố "làm người lớn" cho oai. Thỉnh thoảng Hòa lại đến, chỉ gọi thức uống rồi chờ bằng được Thương, nói năm ba câu rồi mới quay về. Cái thói quen Hòa tạo ra bỗng dưng làm Thương thấy cảm giác thiêu thiếu khi bẵng đi hắn không đến. Sau này khi nhận lời đi chơi với Hòa, Thương mới biết hắn chân thành và có tình cảm thực sự với Thương.
 
Nghe chuyện của hắn cũng hoàn cảnh mùi mẫn không kém. Hòa cũng ở nhà quê, nhà có phần khá giả nhưng thiếu tình cảm gia đình vì cha mẹ bỏ nhau. Hắn vừa tốt nghiệp đại học kinh tế lên thành phố này chạy việc và đang trong thời gian thử việc ở một công ty nọ. Vì đang xin việc, Hòa nói lâu lâu cũng phải tỏ ra dân chơi biết điều, dẫn anh em trong phòng đi chơi bời để lấy tình cảm, mặc dù những cuộc như thế tốn kém hàng chục tháng lương của hắn.
 
Khi đã quen thân, Hòa nói hắn rất yêu Thương, khi nào ổn định việc làm hắn sẽ cưới Thương về làm vợ, kiếm một công việc lương thiện nào đó. Nghe hắn nói, Thương tin và từ bao giờ không rõ, Thương đem lòng yêu, một tình yêu mà cô chưa bao giờ có được. Sau bao đêm dằn vặt, sợ rồi hạnh phúc sau này đổ vỡ, Thương quyết định nói rõ quá khứ với Hòa nếu hắn chấp nhận được.
 
Lần ấy nghe xong (tất nhiên là Thương nói rằng giả sử mình không còn trong trắng hắn có yêu không?), mặt hắn có thay đổi nhưng rồi hắn trở lại bình thường, ôm lấy Thương trong vòng tay êm ái:
- Dù em thế nào đi nữa anh vẫn yêu thương. Anh cần em, anh xa nhà rất thiếu tình cảm.
- Anh hứa đừng bỏ rơi em- Thương xúc động.
Hắn gật đầu ôm chặt lấy cô thêm. Không ghìm được tình cảm mãnh liệt của mình, Thương đã hiến dâng cho hắn tất cả. Sau đó tháng đôi ba lần Hòa lại rủ rê Thương đi chơi, rồi bẵng đi một thời gian dài chờ đợi hắn không đến nữa.
 
Thôi thế là hết, thêm một lần nữa cô rơi vào tình trạng hoang mang cực độ. Nhưng lần này Thương không khóc mà hận mình. Lời cuối cho một tình yêu cô lỡ trót nói rồi, cả tình yêu cô cũng đã trao cho hắn. Cõi lòng cô tan nát. Từ đó trái tim Thương đã khép lại. Những ngày dài còn lại của Thương ở cái thành phố xô bồ này chỉ là trống rỗng. Thương định bụng làm thêm một thời gian kiếm thêm ít tiền sau đó về quê sinh sống.
 
 
Rồi lại tiếp những ngày ê chề bởi những gì Thương được chứng kiến. Những gã say đánh lộn vì giành em út, những bà vợ già đến nhà hàng đánh ghen, mà bản thân Thương cũng suýt một lần mắc mớ. Rồi nghe đâu sắp tới người ta sẽ đóng cửa những nhà hàng kinh doanh ăn uống có đội ngũ em út làm tiếp viên như nhà hàng này.
 
Như người chết đuối vớ được phao, một hôm ngồi tiếp bia cho lão râu xồm, giám đốc một công ty xây dựng, nghe gã cho biết có anh bạn của gã, cũng là giám đốc một công ty xây dựng cần người giúp việc gia đình, chăm sóc con cái. Thương bám lấy hỏi riết, cuối cùng gã dàn xếp cho hai bên gặp nhau, địa điểm cũng tại nhà hàng này.
 
Gã đến, không như những khách hàng khác, sau cốc bia gã đi thẳng vào chuyện hợp đồng. Gã tự giới thiệu tên là Phi, công việc luôn đi đây đi đó nên luôn vắng nhà, cần có người lo bếp núc và chăm sóc cho hai đứa con bởi vợ gã đang đi nước ngoài dài hạn. Làm việc bình thường, mỗi tháng được trả sáu trăm ngàn đồng. Chấm hết.
 
Thương đồng ý và xin ông bà chủ cho nghỉ làm ở nhà hàng để đến nơi làm mới. Dù rất ghét cô gái nhà quê hay làm chồng để ý nhưng bà chủ vẫn một mực năn nỉ Thương ở lại, hứa sẽ trả hậu hĩnh hơn và đối xử tốt hơn. Chắc bà ta sợ nhà hàng mất khách khi vắng Thương- hoa khôi đầu bảng của nhà hàng, đầu mối của nhiều khách xịn.
 
Khi thấy Thương nằng nặc đòi đi, bà xẳng giọng buộc Thương phải thanh toán ngay các khoản tiền ăn, ở, lại cả tiền học nghề tiếp viên nhà hàng từ bấy đến nay. Thương bực dọc vét hết số tiền dành dụm được trả cho bà ta rồi lên đường.
 
*
Tới nơi mới, Thương vào việc ngay. Công việc nhẹ nhàng nhưng bình yên, hàng ngày chỉ lo đi chợ, nấu ăn, giặt giũ, chỉ hơi khổ với hai thằng con trai ngỗ ngáo, đứa lên mười, đứa lên mười ba con của gã Phi. Gã đi vắng suốt ngày lẫn đêm, ít khi ăn cơm nhà. Người hàng xóm xì xào Thương mới biết gã đang có nhân tình nên đi suốt. Chẳng vậy mà gã phó thác tất cả việc nhà cho Thương.
 
Một hôm gã về nhà hơn nửa đêm, người trong trạng thái say mèm. Gã bấm chuông rồi chếnh choáng bước vào. Thương phải dìu gã về phòng. Từ tấm thân đang mềm nhũn, vừa chạm chân xuống giường, gã chồm lên vật ngã Thương xuống giường rồi nói thều thào: "Hôm nay em ngũ lại đây với tôi...Tôi buồn quá". Thương đẩy gã lăn đùng ra đất rồi chạy về phòng đóng kín cửa. Suốt đêm cô không ngủ được, cứ thấp thỏm lo sợ.
 
Sáng dậy, gã xem như không có việc gì xảy ra. Gã ăn sáng xong, bình thản ra đi trước khi dặn cô kêu tay thợ quét vôi quét lại tường nhà bên ngoài bởi tường đã quá bẩn do lũ con nghịch ngợm vẽ bậy.
Gã đi, Thương nhờ tay xe ôm kêu người quét vôi nhà hộ.
 
Loáng sau, một thanh niên mặt mày tối tăm, áo quần đầy vôi vữa xuất hiện, duy chỉ còn đôi mắt cương nghị là có thể tin cậy được. Nhận việc xong, anh ta cắm cúi làm một mạch từ sáng đến chập tối, chỉ thấy giữa bữa anh ta lấy trong túi xách ra cái bánh mì khô cứng ngấu nghiến. Thương cảm tình mời anh ta vào nhà, anh không dám.
 
Đêm sập xuống, nhận tiền công xong, nhìn thấy vẻ ngơ ngác của anh ta, Thương hỏi:
- Bây giờ anh về đâu ?
Anh ta thú thật:
- Ra bến xe hoặc ga tàu ngủ tạm qua đêm, mai ai gọi việc gì thì làm tiếp.
 
Trời nổi cơn giông. Trên trời sấm chớp nhì nhằng. Không hiểu sao Thương cảm thấy thương cho anh ta quá.
- Hay là anh ở tạm đây ngớt mưa rồi hãy đi - Thấy anh ta chần chừ, Thương tiếp: - Anh đừng ngại, ông chủ về tôi sẽ báo lại.
- Thế mà từ sáng đến giờ tôi cứ tưởng cô là cô chủ.
- Không, tôi cũng là người làm thuê như anh.
- Thôi, hay cho tôi ngủ nhờ ở hiên nhà một đêm.
 
Thương không biết nói gì hơn. Cô lẳng lặng vào nhà chuẩn bị bữa cơm tối. Hai đứa con ông chủ ăn xong, xem ti vi, đi ngủ đã lâu mà ông chủ vẫn chưa về. Đến khuya quãng độ hôm trước gã Phi về, người lại sặc sụa mùi bia rượu. Gã không ăn cơm mà nói mời Thương lên phòng bàn thêm về hợp đồng tháng tới. Thương dè chừng đi theo.
 
Khi cả hai người đã ngồi trong phòng, gã chủ khép kín cửa lại rồi lấy chai rượu ngoại ra uống. Gã mời Thương một ly, cô từ chối không uống. Gã xuống giọng tử tế:
- Lâu nay, từ khi cô về đây giúp tôi, tôi chưa có dịp nói chuyện với cô - Gã rít một hơi thuốc thật sâu - Nhà này vợ tôi đã bỏ đi, cô cứ tự nhiên. Nếu cô biết chiều tôi thì tất cả tài sản này sẽ thuộc về cô.
- Dạ em là người ăn kẻ ở trong nhà, em không dám.
Gã sấn tới chệnh choạng:
- Thôi đừng giả bộ nữa, chiều anh đi, em sẽ có...có tất cả.
 
Bỗng cái thân hình hộ pháp của gã đổ lên tấm thân mảnh mai của Thương. Cô cố vùng vẫy nhưng không thoát ra được. Gã xé toạc áo cô, rồi xiết lấy cô như gọng kìm. Cô lấy hết sức đẩy gã ra rồi hét toáng lên: "Cứu tôi với".
 
Bất thần cánh cửa phòng bị đạp bật tung. Anh thợ vôi xuất hiện túm lấy cổ áo gã kéo ra. Bực tức như con thú mất mồi gã thét lên: "-A, con điếm, mày dám chứa đồ giẻ rách này trong nhà tao hả".
Bốp, bốp.. Gã tát Thương hai cái nãy lửa rồi quay lại túm lấy anh thợ quét vôi đấm một cái cực mạnh vào sống mũi, máu tuôn ra xối xả. Tiện cái ghế, gã phang một cái vào anh thợ quét vôi nghe tiếng rắc, gãy đổ. Thương sụp xuống ôm lấy anh ta rồi dìu ra cổng kêu xích lô đưa anh vào bệnh viện.
 
Ở bệnh viện, những người bệnh cùng phòng tưởng Thương và anh thợ quét vôi là đôi vợ chồng. Khi hỏi tên để làm bệnh án, Thương mới biết anh tên là Sinh. Bệnh án ghi anh bị dập sóng mũi và gãy tay trái do chấn thương mạnh khi đang đi quét vôi - Thương khai như thế.
 
Cô ở ngay luôn trong bệnh viện, có chút tiền dành dụm dắt lưng, cô ngày đêm chăm sóc anh, mong cho anh chóng lành. Cô cũng đã dằn lòng quyết không bao giờ trở về căn nhà của gã Phi kia nữa. Cũng từ hôm đó, gã không hề đến thăm, chỉ thấy gã nhờ một anh xe ôm đưa tới bệnh viện một gói hành trang của anh Sinh và một gói đồ đạc của Thương.
 
Sắp xếp lại áo quần, Thương thấy một mảnh giấy bật ra. Dòng chữ của lão chủ ghi ngệch ngoạc: "Tôi thật không ngờ là em đã có chồng và hãy tha thứ cho tôi về sự lỗ mảng với hai người cái đêm hôm đó. Tôi gửi em năm trăm ngàn đồng gọi là tiền công những ngày em về giúp việc ở đây. Chào". Thương uất hận thả rơi xấp tiền xuống đất. Một bệnh nhân bên cạnh nhặt lại bỏ vào túi cô rồi bảo: "Cô bị rơi tiền, ở chỗ đông người hãy cẩn thận". Thương không nói gì cả.
 
Rồi một đứa bạn ở chỗ làm cũ lần ra và tới thăm, đưa cho Thương một phong thư từ quê nhà của chú Đỉu. Trong thư chú viết là đã biết hết chuyện Thương ra thành phố sống như thế nào. Chú khuyên Thương nên về lại quê, sống chết có gia đình chú thím lo. Chú nói nếu Thương không về, chú sẽ không bao giờ nhận tiền giúp đỡ của cô nữa.
 
Khi Sinh hồi phục, không hiểu sao Thương lại kể cho anh nghe tất cả những ngày tủi nhục đã qua, cả gốc gác, cả những niềm đau thời con gái. Nghe ra họ mới biết là người cùng quê. Anh ở bên này sông, còn Thương ở bên kia sông. Thương cũng kịp hiểu về Sinh. Anh là quân nhân xuất ngũ về quê không kiếm được việc làm đành lên thành phố hành nghề quét vôi, cũng sống nay đây mai đó, kiếm được chút tiền về giúp mẹ già đã ở tuổi gần đất xa trời.
Những ngày còn lại ở bệnh viện, họ cứ muốn ở mãi bên nhau không rời. Đêm trước rời bệnh viện, Sinh cầm tay Thương nói cái điều mà mấy hôm nay anh đã nghĩ rất nhiều: "Tụi mình là người cùng quê, cùng cảnh ngộ. Tôi có ý định hay tụi mình cùng về quê sinh sống. Ở đây người ta sống khác quá. Nếu Thương không chê tôi nghèo thì về sống với tôi, lúc gian khó có nhau...".
 
Nghe xong Thương khóc nhiều lắm. Cô kể hết, kể hết những tháng ngày sống trong bóng đêm tội lỗi. Sinh gạt đi: "Em kể mà làm gì. Hôm tôi nghe em kêu cứu, tôi đã hiểu hết nỗi tủi nhục của em. Thôi, tụi mình về quê đi, không đâu bằng miền đất quê mình".
 
Thương xúc động cầm lấy tay Sinh không nói nên lời.
Ngoài kia phố đã lên đèn. Những dòng người, xe hối hả chen chúc trong dòng chảy bất tận. Phố vẫn nhộn nhịp nhưng bây giờ Thương không còn cảm thấy là chốn phồn hoa như những ngày đầu cô mới đặt chân lên thành phố này. 
14/10/2008
Minh Tứ
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...