Thứ Hai, 30 tháng 5, 2022

XXXXChắt chắt - Ngọt ngào và cay đắng

Chắt chắt
Ngọt ngào và cay đắng

"Ai mua chắt chắt không?"- Trời quê tôi đã bước sang mùa mưa lũ, vậy mà chị vẫn đôi quang gánh, gánh chắt chắt đi từ ngõ này sang ngõ khác, từ xóm trên xuống xóm dưới. Vào những ngày gió lào quạt lửa, tiếng rao của chị nghe lánh lót, còn bây chừ nghe não nề, lê thê.
 
Mẹ tôi gọi: "Vào đây chị...". Ngồi trong nhà nhìn trời, tôi chặc lưỡi: "Trời mưa này có ai ăn chắt chắt mà rao...". Mẹ tôi mắng: "Thằng này biết chi, tao mua cho người ta kẻo tội". Chỉ quẩy gánh vào nhà mặt mày hớn hở, vô tư: "Mua đi bà chị, trời mưa hạ giá, 10 loong (lon) chị cho năm ngàn cũng được". Nhìn trời mưa rỉ rắc đã buồn, nghe chị nói càng buồn hơn, chừng ấy tiền chưa bằng tiền tôi ngồi đốt thuốc vô vị nhìn mưa buồn từ sáng đến giờ. Tôi lây tình cảm của mẹ: "Mẹ lấy thêm vài lon rồi trả cho chị chục ngàn luôn thể". Tôi ảnh hưởng mẹ nhiều, tính thương người chợt trở lại khi về bên mẹ.
 
Tôi dám quả quyết rằng loài hến, ngao thì có ở khắp nơi, nhưng còn con chắt chắt, món ăn ngọt ngào này thì chỉ có vài nơi, trong đó có Quảng Trị. Mà con chắt chắt cũng chỉ có ở sông Hiếu và sông Thạch Hãn. Tôi không biết nhiều về các loài sinh vật nhưng cũng hiểu lơ mơ chắt chắt thuộc loài hến, tuy hình dạng thì nó nhỏ hơn, cũng có lẽ vì vậy mà người ta gọi nó một cách dân dã là chắt chắt. Món ăn này từ dân xịn đến dân thường đều biết. Ngày hè nóng nực, mua vài ngàn là ăn đã đời, chỉ tội nấu nướng hơi bị mệt.
 
Mẹ tôi ghiền chắt chắt từ ngày não ngày nào nên ngày hè nóng nực không có món canh chắt chắt là bà không nuốt được chén cơm lưng. Còn nấu chắt chắt thì bà thuộc loại điệu nghệ. Chắt chắt mua về đem xa (rửa) thật kỹ vài ba nước để cho ráo rồi đun soong nước thật sôi, khi đó mới thả chắt chắt vào, bỏ ít muối hạt, dùng bó đũa đánh nhiều lần để gạt mặt (ruột chắt chắt) sang soong khác. Bị nước nóng vỏ chắt chắt nở ra, mặt rời vỏ, nổi lên theo nước sang soong khác. Cứ gạn qua gạn về cho hết mặt thì thôi.
 
Nước chắt chắt sau khi nấu xong có thể làm canh chan ăn ngay với cơm có thêm chút muối ớt, gừng, cảm giác ngọt lịm. Người thích ăn kiểu thông thường thì có thêm ít rau muống hay rau dền thái nhỏ đun vừa chín tới, chan với cơm hoặc bắp rang để ăn. Còn mặt chắt chắt nếu ăn bình thường thì đổ lẫn canh, nếu muốn làm món nhậu thì vớt ra cho vào chảo, bỏ ít dầu, gia vị xào lên, đem xúc bánh tráng, cam đoan ăn một nghỉ, còn ăn được chừng nào thì còn thèm chừng ấy. Món này được các quán bình dân khai thác làm món nhậu với bia tươi, rượu Kim Long khó mà say nếu đĩa chắt chắt chưa vơi, càng nhậu càng khoái khẩu. Có lần mấy anh bạn đồng nghiệp ở xa đến tôi dẫn đi nhậu món này cứ mê tẩn mê tơi, ngày nào cũng đòi địa chỉ có món nhậu gì mà nghe cái tên hay hay đó. Có thể nói món nhậu đặc sản này vừa ngon, vừa dân dã và cơ bản là rẻ, ba bốn "chiến sĩ" nhậu tới số cũng chỉ mất mấy chục ngàn tiền mồi là quá đát, bởi một đĩa chỉ có mươi mười lăm ngàn đồng...
 
Chắt chắt, món ăn quê ngọt ngào dân dã thì ai cũng biết, chỉ ít ai biết về người cào chắt chắt trên các bến sông. Ở Quảng Trị, theo như tôi được biết thì chỉ có mấy làng làm nghề này ở Mai Xá, Gio Linh cào trên sông Hiếu và làng Giang Hến ở Ái Tử, Triệu Phong, làng Lập Thạch ở Đông Lễ - Đông Hà cào trên sông Thạch Hãn. Người làm nghề này nghèo lắm vì chỉ khai thác được theo mùa. Mùa chắt chắt nhiều nhất là từ tháng ba đến tháng tám, nay người ta tận dụng cào đến cả tháng mười, mười một âm lịch. Sang mùa giá rét, chắt chắt càng ít đi, hơn nữa mùa này có cào được cũng ít người ăn.
 
Làm nghề cào chắt chắt, người ta chỉ sắm chiếc cào, đến mùa trầm mình xuống bờ cát ven sông xúc chắt chắt lẫn trong cát, rồi sàng cát xuống sông, lọc chắt chắt bỏ vào bao mang theo. Người cào giỏi ngày kiếm được vài chục lon đem bán quanh vùng kiếm được mươi mười lăm ngàn đồng, vậy mà tất cả tiền chi tiêu của gia đình đều từ đó mà ra. Bởi vậy có gia đình đi cào có cả cha mẹ, con cái để kiếm được nhiều chắt chắt, mong đắp đổi, cải thiện cuộc sống hàng ngày.
Nhưng cũng thật lạ, những làng nghèo như Lập Thạch, Mai Xá, nơi có nhiều người làm nghề cào chắt chắt lại là nơi sản sinh ra nhiều bậc anh tài, là những "làng đại học", tính ra có làng có hơn cả trăm người có học vị tiến sĩ, cử nhân... có người đảm nhiệm đến chức vụ Hiệu trưởng một trường Đại học danh tiếng của miền Trung. Hồi còn sống, bà ngoại tôi cắt nghĩa cái nghề cào chắt chắt trên sông: "Làm nghề này mới biết chịu thương chịu khó để nên người, biết đem cho người cái ngọt ngào còn nhận về mình cay đắng nhọc nhằn. Biết ăn, biết ở trời cho lại. Nhớ lấy mà cố công học hành tử tế nghe con".
 
Lại một mùa mưa lũ tràn về. Bữa ăn có món chắt chắt này chắc là bữa cuối cùng, vì đài báo gió mùa Đông Bắc tăng cường. Mưa, gió, rét, có ai còn dám xuống sông cào chắt chắt và hình như mùa này ít ai còn muốn ăn món ăn có tính hàn. Tôi bâng quơ nhớ đến chị gánh bán chắt chắt sáng nay, không biết những ngày tháng mưa rét tới nhà chị, làng chị sống bằng nghề gì để chờ mùa sau chắt chắt trở lại bến sông quê.
23/9/2008
Minh Tứ
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...