Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2022

Người đàn bà và bầy chim sẻXXXXX

Người đàn bà và bầy chim sẻ

1. Tôi thường chọn cho mình chỗ ngồi trong một góc khuất.Từ đó vừa có thể nhâm nhi hương vị cà phê thơm tho buổi sáng, vừa có thể nhìn ngắm lối đi dưới lá qua các con đường yên tỉnh.Sống trong thành phố nhiều năm tôi chưa thấy khu dân cư nào lại có sức hấp dẫn và quyến rũ đến vậy.Từ chỗ ngồi khiêm tốn nơi quán cóc vĩa hè, với bàn ghế lên nước bóng loáng, đến những gương mặt chưa một lần gặp gở.Vậy mà chỉ cần chung bàn hay sau một vài câu trao đổi, tưởng đã thân quen tự bao giờ.Tuy nhiên,điều đó cũng chẳng làm tôi quan tâm hơn sự xuất hiện bất ngờ của người đàn bà cùng với bầy chim sẻ trong mỗi buổi sáng sớm.
 
Để thỏa mãn cho tính hiếu kỳ.Tôi buột phải có mặt ở quán cà phê sớm hơn thường lệ.Hy vọng sẽ khám phá ra điều bí ẩn quanh chuyện người đàn bà và bầy chim sẻ.
 
Thấy tôi ngồi trầm tư trước tách cà phê nghi ngút khói.Ông chủ quán tỏ ra thân thiện, bước tới cạnh bên hỏi han:
- Cậu có hẹn với ai chăng ?
- Ông biết ?
- Trông cậu thấp thỏm,nôn nao đứng ngồi không yên thế kia.
 
Từ đám cây lá rậm rạp cạnh khu biệt thự liên kế, tiếng kêu chíp chíp rộn rả do bầy chim ẩn mình trong tối vang lên .Tiếng kêu vô tình cắt ngang cuộc chuyện trò.Không hẹn,cả hai cùng quay nhìn ra phía sân, bắt gặp gương mặt phúc hậu nơi người đàn bà hiện ra sau mảng sáng lờ nhờ.Bà ta đang bước từng bước đi lầm lủi, trước khi băng qua ngã tư vắng người, để kịp tới đứng dưới mái hiên dãy nhà biệt thự.
- Người đàn bà sẽ làm gì ? Tôi bối rối hỏi ông chủ quán.
- Vẫn là chuyện thường ngày.
- Là sao ?
- Nghĩa là bà ta sẽ cho bầy chim háu đói ăn một bữa ăn no nê.
- Có phải là trò chơi ?
- Không ! Chỉ là sự biểu hiện nơi tấm lòng nhân ái.
 
Nhác trông thấy bóng người đàn bà với chiếc lon sắt đựng lưng thóc trên tay.Bầy chim chộn rộn hẳn lên bởi những tiếng kêu chíp chíp cùng với tiếng lao xao trong vòm lá.Hẳn là bầy chim đang đói ăn.Người đàn bà hiểu điều ấy nhưng không mấy vội.Bà khẽ đưa mắt nhìn qua dãy nhà liên kết lợp tôn fibro quan sát trong chốc lát.Sau đó mới đặt tay vào chiếc lon, vốc từng nắm thóc ném lên mái nhà, gọi bầy chim bay đến.Mới đầu có vài con tỏ ra thận trọng.Chỉ dám đứng nhìn từ xa với cặp mắt láu liên hình hạt đậu trông thật dễ thương.Trong khi vài con khác dạn dĩ,háu đói đã bay bổ nhào từ trên cây xuống,gắp vội vàng từng hạt thóc giữa chiếc mõ cứng rồi bay vọt lên cao.
- Người đàn bà nhân hậu ! Tôi buột miệng khen.
- Cậu nhận xét không tệ.
- Bà ta . . .
- Còn chuyện khác kể ra chưa chắc cậu đã tin.
Nghe, song tôi cố làm ra vẻ không quan tâm, hỏi::
- Có hơn chuyện bầy chim sẻ ?
 
Ông chủ quán lợi dụng lúc chưa có khách,kéo ghế ngồi cạnh tôi kể trong sự hào hứng.Rằng người đàn bà đáng tội, hiện đang sống thui thủi một mình trong căn nhà rộng thênh thang.Có lẽ do sợ hãi trước cuộc sống đơn chiếc,người đàn bà thường nuôi những con vật bên cạnh để sớm tối bầu bạn.Vốn là con người từng trải, bà ta không mấy tin tưởng vào bất kỳ ai, cho dù là con cháu hay họ hàng.
- Co nghĩa là bà ta không có chồng con gì ?
- Có chồng.
- Ông chồng đi làm ăn xa hay sao ?
- Đã mất cách đây nhiều tháng.
- Đó là nỗi buồn khiến người đàn bà phải thức dậy từ sớm để lo cho bầy chim ?
- Không phải chỉ bầy chim thôi.
- Còn gì khác chăng ?
- Một con mèo.
- Đâu có gì lạ !
 
Theo ông chủ quán.Con mèo to chẳng khác gì con lợn con, nếu như bộ lông mượt mà không phải màu sô-cô-la.Điều này ông nhớ rất rõ, nhờ lần mang cà phê đến phục vụ tận nhà người đàn bà.Suýt chút nửa ông đã đánh rơi tách cà phê, khi  nhìn thấy con vật nuôi mập ú đến lạ thường, được bà chủ nhà nâng niu trên đôi tay.Quá ngạc nhiên, ông rắp tâm tìm hiểu xem bằng cách nào, người đàn bà biến con mèo ra nông nỗi ? Ông để ý thấy ngày nào từ chợ về, người đàn bà cũng mua  thật nhiều cá.Cá kho dành cho chủ cũng là thức ăn chia cho mèo.Cá chiên của chủ cũng là cá rán khoái khẩu của mèo.Ngày qua ngày, nhờ được quan tâm cho ăn uống đầy đủ.Con mèo biến dạng, không còn là con mèo xinh đẹp như thuở ban đầu mà nặng nề,xấu xí hơn từ dáng đi đến thế nằm.Suốt ngày mèo ta nằm ườn ra trên sofa.Lim dim hai mắt hoặc liếm chiếc mũi ướt đỏ màu son.Chờ đợi trông thấy chủ bước đến ngồi xuống ghế,mèo ta vươn vai đứng lên đi tới dụi đầu vào chân hoặc người chủ nhân nhắc nhở sự có mặt.
 
Ngoài sân.Sau vốc lúa cuối cùng ném lên mái nhà.Người đàn bà cố nán lại nhìn bầy chim tranh nhau mổ từng hạt thóc.Tiếng lộc cộc vang lên từ chiếc mỏ cứng gỏ xuống mái fibro nghe như ai đó đang khảy lên khúc nhạc nghe vui tai.
 
2.
Như mọi buổi sáng.Tôi vẫn cứ là người khách bước tới quán cà phê đầu tiên.Bất kể trời mưa hay trời nắng.Không dè, chính từ thói quen đó giúp hình thành quan hệ giữa tôi và ông chủ quán thêm mật thiết.Có lẽ, cũng nhờ vậy mà câu chuyện về người đàn bà và bầy chim sẻ thêm phần hưng phấn ?
- Chào ông chủ buổi sáng.Tôi bắt tay người chủ quán ngay trước cửa hàng.
- Chào cậu.
- Người đàn bà chúng ta thế nào rồi ?
 
Sở dĩ tôi hỏi ông chủ quán câu hỏi đó, vì trước đây vài hôm tôi đau khổ chứng kiến sự tuyệt vọng nơi người đàn bà khi đứng dưới mái hiên dãy nhà liên kế chờ đợi mõi mòn bầy chim sẻ qua suốt buổi sáng.
- Bầy chim vẫn bặt âm vô tín.Ông chủ quán thở dài thay cho câu trả lời.
- Tôi muốn biết tình hình sức khỏe của người đàn bà chứ chưa nói đến chuyện chim chóc.
- Hàng xóm nói bà ta nằm lì trên giường khóc suốt .
- Tội nghiệp ! Không khéo bà ta đổ bệnh mất ?
- Nghe nói trong cơn mê sảng người đàn bà thấy bầy chim hiện về kêu cứu.
- Có chuyện đó thật sao ?
- Tôi chỉ nghe loáng thoáng vậy.
- Chắc chỉ là tin đồn ?
- Người ta còn kháo nhau: “ sáng qua bỗng dưng có hai con chim sẻ từ bên ngoài bay vào đậu trên tay người đàn bà kêu chíp chíp nghe thảm thương; đồng thời để rơi những giọt nước mắt nóng hổi trước khi bay đi “.
- Lạ !
- Sau đó người đàn bà chợt tỉnh,lao vội về hướng cửa sổ và nhìn theo bóng chim cho đến khi chúng mất hút cuối đường “.
- Ông có nghi ngờ điều gì không ?
- Ồ ! Suốt ngày tôi bị dính vào cái quán quái quỉ này;ngoài cái phin, cái tách cà phê ra, trời có sập cũng chẳng hay biết gì.
- Dù sao ông cũng là “ tai mắt “ của khu phố văn hóa ?
- Cậu vu cho tôi ăn lương nhà nước không bằng !
- Ông hiểu lầm mất rồi.Ý tôi khác kia.
- Là thế nào ?
- Người ta chẳng xem các tụ điểm đông người là nơi ghi nhận nhiều nguồn thông tin nhất đó sao.
Biết tôi cố ý trêu chọc.Ông chủ quán nói :
- Nếu tôi là cậu . . .
- Thì đã sao ?
- Tôi sẽ giúp đở bà ấy một cách tận tình.
- Bằng cách nào ?
- Cậu chẳng từng quen biết nhiều nơi, nhiều người lắm sao.Việc cỏn con như vậy cậu không thể nhờ ai đó tìm hiểu xem bầy chim hiện ra sao ?Trong thành phố này tôi nghe nói có rất nhiều thứ dich vụ.Mất thứ gì người ta cũng tìm ra được hết.Nào là dich vụ làm gia sư, làm luận văn tốt nghiệp,làm thí sinh thi hộ,làm chồng – vợ hờ,làm giấy tờ đáo hạn ngân hàng; cho đến việc khoan cắt bê – tông,rút hầm cầu,tìm kiếm đồ vật thất lạc,tìm chó,tìm mèo . . .tất cả địa chỉ đều dán trên khắp các cột đèn hay bất kỳ bờ tường xó xỉnh nào.
- Dạ ! Quen thì có quen,biết thì cũng có biết.Nhưng bầy chim có là con chó, con mèo đâu mà chuộc.
 
Chuộc ! Từ ngữ ban đầu gây chói tai khiến người nghe dễ nỗi giận.Lâu ngày quen thuộc, bởi nhờ có " chuộc " mà nhiều đồ vật bị mất vẫn tìm lại được.Và,nếu như không bị " chuột "đục khoét từ chỗ này tới nơi kia,hẳn xã hội đã yên lành.Xã hội yên lành thì bọn sâu dân mọt nước lấy đâu ra tiền mà đàn đúm mỗi ngày trong các nhà hàng,quán nhậu đông vui em gái.Không có nhà hàng, quán nhậu chưa chắc đã sinh ra " gái ghiếc",phòng trọ,nhà nghỉ,khách sạn . . . nhiều hơn xí nghiệp.Đâu có trộm cắp,giựt dọc đến nổi phải đẻ ra dịch vụ xin chuộc đồ vật do chính mình bị đánh cắp cùng với câu gửi gắm chẳng khác gì van xin được " hậu tạ ".
 
Bỗng dưng ông chủ quán kêu toáng lên.
- Ôi ! Trời ơi ! Không khéo chuyện này . . . ?
Tôi đoán được ý ông chủ quán nên đở lời.
- Hà ! Hà ! Không phải bọn săn bẫy chim là sát thủ thì còn ai vào đây ?
- Chúng bắt những con chim nhỏ bé ấy để làm gì ?
- Ông không biết đấy thôi.Có bao nhiêu cũng không đủ cung cấp cho bọn nhà hàng.
- Trời ạ ! Tôi cứ tưởng . . .
- Nếu không lên chảo làm món rô-ti thì ông nghỉ chúng vào tay ai ?
- Ít ra cũng là điểm bán thú nuôi hay trước các cổng chùa.
- Mô Phật ! Chim phóng sinh chỉ bán có vài ngày.
- Ít ra chúng còn được tự do.
- Tự do đâu chẳng thấy.Chỉ thấy sau vài ngày bị nhốt trong lồng,bầy chim khi được phóng sinh bay hết nổi, đành chịu làm mồi cho bọn chó mèo hoang.
- Cậu diễn tả nghe ghê bỏ mẹ.
- Theo tôi,đã bị bắt thì đàng nào cũng chết,cầu mong cho chúng sớm lên lò lửa chết nhanh hơn sống kiếp tù tội.
 
Nghe tôi phán một câu xanh dờn.Suýt chút nữa ông chủ quán đầy thiện tâm đã phải " té "cà phê đá ra quần.May sao ông vẫn giữ được chút bình tỉnh nhờ câu chửi tục đúng giọng Hà Nội năm tư.
- Cậu nói sao ?
- Tốt nhất là không nên có những người như ông, như tôi, như thằng bán nhà hàng,như thằng bán chim.Tức là không ai có nhu cầu thì chẳng có con vật vô tội nào bị săn đuổi,sát hại nhiều như hiện nay.
Đột nhiên ông chủ quán quát lên như ra lệnh :
- Tôi cấm cậu không được đem chuyện này kể lại với ai. Người đàn bà tội nghiệp kia mà nghe được
- Thì đã sao ?
- Bà ta có thể bị hóa rồ.
 
Tôi chưa kịp nói thêm lời nào đã thấy xuất hiện bóng người đàn bà bên mảng tối nhờ nhờ ngoài sân vắng.Tội nghiệp ! Chỉ mới mấy hôm,kể từ khi bầy chim mất tích,nét mặt người đàn bà trông có phần tiều tụy thấy rõ.Bà ta đang cố sức lê từng bước chân nặng nề, đi tới đứng dưới mái hiên nơi dãy nhà liên kế.Hết dõi mắt nhìn lên vòm cây lại quay nhìn trên mái fibro.Hy vọng sẽ bắt gặp lại những sinh vật nhỏ bé đáng yêu với đôi mắt hình hạt đậu đen nhánh.
 
Để trả lời cho sự kỳ vọng nơi người đàn bà đáng thương kia; không gì khác hơn âm thanh của gió, của tiếng kêu khàn giọng côn trùng,của tiếng khóc tức tưởi thương tiếc cho bầy chim vô tội.
 
3.
 
Một tuần lễ qua đi.Những hạt thóc do người đàn bà ném lên mái tôn fibro đã nẩy mầm thành đám mạ non.Cứ mỗi lần có cơn gió thoảng qua.Tức thì đám mạ kia làm thức dậy hình ảnh những gợn sóng lấp loáng mởn xanh.Tiếc rằng, trên cái nền mởn xanh đằm thắm ấy thiếu hẳn tiếng chim chíp chíp kêu xôn xao cả một góc trời.
 
Lạ ! Kể từ sau ngày bầy chim đột nhiên biến mất.Cuộc sống người đàn bà luôn bị xáo trộn đổi thay đến khó hiểu.Thay vì nghỉ ngơi,chăm sóc chú mèo vốn rất được yêu quí trước đây.Người đàn bà tỏ ra nôn nóng,thuê hẳn một chiếc xe máy chở đi đâu đó đến tận xế trưa mới về.Điều khác thường xảy ra,đến con mèo cũng đánh hơi được sự bất thường của chủ nhân,để rồi lặng lẽ tìm tới xó xỉnh trong nhà, ngồi liếm lông chân bên sự tủi thân.
 
Đúng lúc kim đồng hồ chỉ chín giờ sáng.Người đàn bà chợt xuất hiện trước hiên nhà với nón lá đội đầu, khẩu trang che kín mặt;leo lên ngồi phía sau cho tài xế chở đi.Vốn đã sẳn chủ đích.Tôi bỏ dở tách cà phê đang uống, lẳng lặng đứng lên đi lấy xe,tức thì làm chiếc đuôi bám sát phía sau người đàn bà.
 
Sau một hồi vòng vo qua mấy con phố.Gã lái xe được lệnh dừng lại trước dãy ki-ốt chuyên bán chim chóc,chó mèo.Thấy khách là phụ nữ có dáng vẻ bề ngoài sang trọng,thêm gương mặt nhìn phúc hậu.Nhiều chủ cửa hàng chẳng tiếc lời đoan đả mời chào.Không phải vội vàng,người đàn bà nhẩn nha đi rảo quanh một lượt qua các cửa hang.Tới nơi đâu bà ta cũng dừng lại khá lâu.Cố ý quan sát từng chú chim nhảy nhót trong lồng một cách tỉ mĩ để, cuối cùng tưởng tượng ra chúng là những đứa con nhỏ bé mà mình đã nuôi nấng.Từ đó trong lòng bà nẩy sinh nhiều sự đau khổ và cảm thấy bị dằn vặt trước mỗi tiếng kêu chíp chíp nghe quặn lòng.Tiếng kêu giống như lời rên rỉ, cầu cứu từ những sinh linh nhỏ bé vô tội, phát ra từ bên trong những chiếc lồng chật chội hôi hám.Người đàn bà cầm lòng không đậu,tự đánh rơi những giọt nước mắt của mình trong sự thương hại.
 
Quay qua cô chủ trẻ đứng liền bên.Người đàn bà hỏi :
- Cô bắt những con chim này có khó lắm không ?
Cô chủ cười thật thà đáp :
- Tôi chỉ biết buôn bán.Việc gom bắt đã có mối lái lo.
- Người ta giao chim mỗi ngày hay phải chờ ?
- Muốn bao nhiêu cũng có.
- Chim ở đâu ra mà ngày nào họ cũng có đủ hàng cung cấp !
- Dân chuyên nghiệp họ " bẫy " chim ở khắp mọi nơi.
- Đó cũng là một trong những nguyên nhân làm hủy hoại môi trường.
- Nói như bà chắc bọn buôn bán chúng tôi phải giải nghệ từ khuya.
- Được vậy cũng tốt.Còn trẻ thiếu chi việc để làm- Tưởng cô gái nghe theo mình.Người đàn bà nói tiếp-Tôi quen nhiều nơi, xí nghiệp hay công ty,chọn nơi nào tôi xin cho.
- Lương cao không ?
- Cở triệu bạc.
Cô gái bĩu môi cười nói:
- Bà ơi ! Lương lậu kiểu đó chỉ đủ húp cháo thôi !
- Ơ ! Húp cháo thế nào. Nhiều người đang cố chạy chọt mà xin vào còn không được ?
Thấy người đàn bà ăn nói hiền hậu,cô gái không nở dùng lời chanh chua.
- Hôm nay bà mua chim về phóng sinh hả?
- Ủả ! Ngoài việc phóng sinh ra,người ta còn . . . ?
- Làm món ăn đặc sản trong các nhà hàng.
 
Lần đầu tiên người đàn bà nghe nói đến món chim nướng.Món ăn được giới thiệu như loại hàng cao cấp dành riêng cho giới ăn nhậu sành điệu.Chỉ nghe cô gái kể thôi,cũng đủ làm người đàn bà nổi rần gai ốc và ớn lạnh sương sống.Bà nhớ lại, kể từ khi người chồng quá cố đến nay, bà chưa hề có cơ hội nào đặt chân tới chốn đông người.Vì vậy, khó khăn lắm bà mới hình dung ra được cảnh tượng từng chú chim vô tội, bị cắt tiết pha rượu.Từng chú chim bị vặt trụi lủi lông, nướng trên vỉ than đỏ lửa kêu nghe xèo xèo.Chỉ cần tưởng tượng ra mùi mở,mùi thịt bị cháy xém xộc lên mũi,cũng đủ để người đàn bà lợm giọng nôn thốc nôn tháo dẫn đến hôn mê.
 
4
Buổi chiều kịp đến.
 
Trong lúc người đàn bà đứng chỉ dẩn chị giúp việc,quét dọn trên mái tôn fibro, thì điểm bán hàng cho nhân viên giao bầy chim đặt mua từ ban sang đến.Hàng là chiếc lồng sắt to, nhưng xem ra không còn thừa khoảng trống là bao so với bầy chim đông nghịt.Theo lệnh người đàn bà, chiếc lồng được đem đặt dưới mái hiên dãy nhà liên kế.Nơi trước đây hơn tuần lễ, mỗi sáng người đàn bà vẫn hay cùng lưng lon thóc trên tay bước ra,vốc từng nắm thóc ném lên mái nhà cho bầy chim sẻ háu đói bay đến ăn.
 
Những tưởng bầy chim lạ chỗ sẽ hoảng hốt bay tán loạn; nào ngờ chúng hiền khô với những cái đầu ló ra từ các khe hở bên chiếc lồng, tranh nhau hít thở không khí.Nhìn đôi mắt đen láy như hai hạt đậu cùng với chiếc miệng há rộng để lộ ra sau chiếc mõ cứng sắc lẹm,khiến người đàn bà động lòng từ tâm, vội quay vào nhà mang ra lon thóc thật to.Do đánh hơi được mùi thức ăn, bầy chim vừa tranh nhau đập cánh kêu soành soạch vào thành lồng, vừa cất tiếng kêu chíp chíp để gây sự chú ý.
 
Từng nắm thóc từ bàn tay người đàn bà nhân hậu được ném xuống cho bầy chim.Loáng cái,đến những hạt thóc cuối cùng rơi vãi quanh chiếc lồng cũng không còn hạt thừa.Thích thú với hình ảnh sinh động đang diễn ra, phần nào giúp mang lại cho người đàn bà chút cảm giác được an ủi và xoa dịu nỗi cô đơn.
- Cậu hả ? Giọng ông chủ quán nhẹ nhàng nói qua điện thoại.
- Dạ ! Có chuyện gì thưa ông ?
- Cậu đến ngay đi.
- Muộn hơn một chút được chứ ?
- Cậu bận lắm sao ?
- Nếu cần tôi sẽ tới ngay.
- Ừ ! Đến ngay nhé ! Có chuyện lạ đang đơi cậu đây.
 
Trên đường đi, tôi thật sự cảm thấy hối hận vì chưa có thời gian, kể cho ông chủ quán nghe chuyện tôi lặng lẽ theo sau người đàn bà ra tới điểm bán chim vào buổi sáng sớm.Kế đến nghe báo có chuyện lạ, tôi lẹ chân phóng ngay tới quán hẹn,dù trong đầu chưa hình dung ra chuyện gì.
 
Vừa quẹo vào con hẻm.Từ xa tôi đã thấy đám người hiếu kỳ kéo nhau đi về hướng quán cà phê khá đông.Hẳn đây chẳng phải là chuyện lạ mà ông chủ quán muốn tôi có mặt hay sao?Tôi bước xuống xe, vội rẻ đám đông, đi thẳng về phía có những tia nắng vàng hực buổi chiều hắt lên từ cuối chân trời.Và, trong sự ồn ào bàn tán của nhiều người, tôi kịp trông thấy người đàn bà đứng dưới tàn cây điệp trổ bông vàng chóe,cùng chiếc lồng chim bên cạnh.Tôi chợt hình dung tới sự có mặt của hai chú chim hôm nào đậu trên trên tay người đàn bà nơi giường bệnh.Tôi thầm hỏi:liệu những giọt nước mắt kia đã nói lên điều gì mà người đàn bà trở nên vui vẻ. Biến buổi chiều có thêm ý nghĩa qua việc mở nắp chiếc lồng, thả hết bầy chim bé nhỏ bay lượn rợp trời ?
 
Không biết làm gì hơn.Tôi cùng đám đông đành đứng chôn chân tại chỗ.Hết nhìn hình ảnh người đàn bà rạng rỡ bên nụ cười thật tươi:lại quay nhìn sang từng chú chim sẻ đáng yêu đang được tung lên cao, cũng chính từ đôi bàn tay người đàn bà. Ôi! Hạnh phúc thay buổi chiều có thực bên bầy chim sẻ cùng với người đàn bà nhân hậu. 
Cho đến tận bây giờ tôi mới thực sự vỡ ra bài học về nhân bản, thông qua tấm lòng nhân ái của một con người. 
26/4/2010
Minh Nguyễn
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...