Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2022

Vườn maiXXXXX

Vườn mai

Về đến nhà, thấy lá mai rơi đầy ngõ, tôi chạy thẳng ra vườn, định hét thật to để đem đến cho cha tôi sự bất ngờ. Nhưng tôi chững lại. Có lẽ không gian tĩnh lặng, êm ả của khu vườn nhắc tôi đừng ồn ào. Cha tôi đang chăm chú lặt lá mai nên không biết sự xuất hiện của tôi. Khẽ khàng tiến lại gần cha hơn, lòng tôi se lại vì thấy những nếp nhăn trên khuôn mặt cha đã hằn sâu thêm. Tôi nhìn ra khắp vườn, chợt nghĩ: “Nếu chỉ để vui thú sao cha trồng nhiều mai đến thế?”. Bây giờ những cây mai đã quá cao và đa cành, nhưng mỗi năm khi xuân về, cha tôi chỉ cưa ít cành tặng cho họ hàng, bạn bè thân thuộc làm quà vào dịp tết. Ông thường nói: “Hồng, cúc, thược dược…chỉ để tô điểm cho ngày xuân thêm hương sắc, còn ngày tết là phải có mai. Đó là loại đồng hồ sinh học báo thời khắc giao thừa giữa năm cũ và năm mới. Ngày tết mai nở nhiều hoa, ra nhiều lộc là hứa hẹn một năm nhiều may mắn, làm ăn phát đạt…” Tôi đến sát bên cha, ông giật mình rời mắt khỏi cành mai. Thấy tôi, ông vội vàng xuống thang, những nếp nhăn trên mặt giãn ra. Tôi ào đến ôm choàng lấy cha, ghé sát tai cha thì thầm:
- Con bắt đền cha, sao năm nay cha lặt mai sớm vậy? con đã tính về trước vài ngày mà vẫn không kịp.
- Năm nay trời lạnh hơn mấy năm trước, con không thấy sao? Mà thôi, conđi đường chắc mệt, vào nhà nghỉ đã, chiều làm tiếp. Cha cũng có chuyện muốn nói với con.
 
Đã nhiều lần tôi nghe cha nói, ý tưởng trồng mai này của ông có cùng lúc mẹ tôi sinh tôi. Vườn mai, đó là cách gọi của cha con tôi, thực ra đó chỉ là một khoảnh đất nhỏ với gần chục gốc mai. Khi tôi biết bi bô chơi tha thẩn ở sân vườn thì những cây mai còn bé lắm. Lúc đó trong vườn còn có nhiều cây linh tinh khác, sau đó cha phải chặt đi nhường chỗ cho mai. Cha tôi định ngày lặt mai rất chính xác, vì thế cứ ba mươi, mồng một tết là mai nở vàng cả ngõ. Ngày tôi còn nhỏ, mỗi lần lặt mai, cha thường dắt tôi theo. Tôi chạy nhảy khắp vườn rồi lại nhìn cha làm. Tôi và mai cùng lớn bổng lúc nào không biết, chỉ biết là đã thành lệ, mỗi năm một lần vào dịp xuống lá mai, tôi lại được cha răn dạy nhiều điều. Mỗi tuổi mỗi lớn, tôi có cảm nhận những điều cha nói trong vườn mai không phải ngẫu hứng mà đều đã được định trước và càng ngày càng có ý nghĩa sâu xa hơn. Nhìn dáng vẻ của cha hôm nay, tôi dự cảm ông sắp nói với tôi chuyện gì đó rất hệ trọng.
 
*
Mặt trời không còn chiếu những tia nắng xuống vườn mai cũng là lúc cha con tôi vừa lặt hết lá cho cây mai cuối cùng. Trong cảnh chiều tà, những cây mai vừa tuốt hết lá với trăm ngàn cành con trần trụi, tua tủa như những cần ăng ten đang không ngừng phát sóng lên không trung. Tôi nhìn hút theo những ngọn mai cao vút và nghe như tim mình vừa bắt được tần số tiếp sóng của khoảng không tĩnh mịch đang ghi lại cuộc trò chuyện của cha con tôi chiều nay:
 
Ngày ấy, cha đã ra trường và đi làm được hai năm. Cả tháng cha mới về nhà vài lần. Lúc đó ở nhà chỉ có ông bà nội của con. Các bác, các cô đều đã có gia đình riêng. Một hôm, trong lúc che lại mái nhà bị dột, cha thấy trên hốc cột phía trong bàn thờ có rất nhiều lá bài lạ xếp lớp để trong một chiếc khăn điều bỏ ngỏ. Khi nghe cha hỏi, bà nội con có vẻ thất thần nói: “Chuyện thấy đâu để đó, không được nói lại với ai”. Cha nghĩ chắc là ông bà làm phép gì đó. Thực sự, sau đó cha cũng quên chuyện này vì bận việc ở công sở. Một buổi chiều, được nhắn về nhà gấp, cha chắc ông hay bà nội của con bệnh nên vội về ngay. Về đến nơi, trời đã nhập nhoạng mà nhà cửa vắng lặng, không lên đèn. Ông nội ngồi bó gối ở góc phản không trả lời câu chào của cha. Bà nội con nằm trên võng gật đầu có ý nói cha lại gần, rồi hỏi rất nhỏ:
- Con có lấy những lá vàng để trên cột kia không?
- Dạ, vàng nào ạ?
 
Cha thực sự ngạc nhiên, chưa kịp hiểu ra sao thì bà nội mếu máo.
- Vậy là sao hả con? Má mong con về để hỏi, hai hôm nay ba con khăng khăng…
- Không bà với nó thì ai? Còn ai biết trong nhà mình có vàng? Trời ơi! Tôi đã nói rồi, đói cho sạch… mà sao mẹ con bà không chịu hiểu?
Ông nội con giận giữ đập tay xuống phản, người ông run lên bần bật. Cha chạy lại bên ông nội đỡ lời:
- Ba ơi! vàng nào? Từ hồi nào đến giờ con có nghe ba nói nhà mình có vàng bao giờ đâu, sao ba lại nói chỉ có con với má biết là sao?
Không ngờ ông nội càng tức giận, ông đứng dậy chỉ vào mặt cha:
- Mày không biết thực à, vậy chứ bữa che lại mái nhà, mày nói gì với má mày?
Cha sực nhớ lại và càng ngạc nhiên hơn:
- Đó là vàng? Vàng gì lạ vậy, mà sao vàng lại để ở đó hở ba?
- Chớ nhà mình không rương, không hòm, không cất ở đó thì cất ở đâu? Toàn là vàng lá, vàng ròng… mà mày không biết nó là vàng thì mày lấy nó làm gì?
- Ba hỏi kỳ quá! Con đâu lấy, bữa đó con cũng không rờ tay tới nữa kia, con nghĩ đó là bùa iểm chi đó nên hỏi má, nhưng…
Ông nội bước vội đến võng bà nội hỏi:
- Vậy là chỉ có bà, bà lấy nó làm gì? Trả lại cho người ta. Tôi với bà có nghèo khổ hết đời cũng là cái số rồi, chừng đó cũng không thể giàu được!...
Đôi vai gầy của bà nội rung lên trong tiếng nấc:
- Ông ơi! Tôi ăn ở với ông gần trọn đời, nỡ lòng nào ông không tin tôi?...
 
Cha tôi ngừng kể và chuyển thang đến một cây mai khác, hình như ông cố kìm một tiếng thở dài rồi đều giọng nói tiếp:
 
Nhà ông bà nội con nghèo lắm. Dù nghèo, ông bà vẫn cố làm lụng vất vả để cha và các cô, các bác được ăn học. Riêng cha còn được ông bà gửi ra thành phố học và ở nhờ nhà một người quen. Vì vậy, ông bà nội không thể khước từ nhận giúp gia đình người quen đó cất giữ một ít vàng lúc Nhà nước cải tạo tư sản. Họ mang đến một gói vàng nói là hai chục lượng. Ông nội nhận gói vàng, không đếm lại vì cho rằng như vậy là khiếm nhã, sau đó để nguyên như vậy cất lên hốc cột trên trần nhà. Nhà bị dột, vàng ướt, ông nội lấy ra hong cho khô. Không ngờ hôm đó cha lại nhìn thấy. Ông nội con còn tự vật đầu mình tức tối vì vàng ướt thì có sao đâu mà phải mở ra hong, mà tại sao sĩ diện không đếm trước khi nhận chứ!? biết làm sao đây để mà nói với người ta…
 
Thực ra, khi họ đến đến xin nhận lại số vàng thì chỉ kêu thiếu một lá!? Ông nội con là người rất trọng danh dự. Việc ông nội nhận cất giữ hộ số vàng là do hàm ơn người đã cưu mang con mình học hành, không ngờ lại xảy ra chuyện thiếu hụt như vậy. Phía người ta thì cứ khăng khăng là đã đếm vàng kỹ trước khi giao. Xưa nay, ông bà nội vẫn tự hào với họ hàng, làng xóm về đức tính “đói sạch, rách thơm”, không hề tham của ai một cái gì. Bây giờ, dù chuyện chỉ có hai gia đình biết ông nội vẫn thấy khổ tâm vô cùng. Ông trở nên đổi tính, buồn bực, bỏ cả việc đồng, giam mình ở nhà. Bà nội con càng đau khổ buồn tủi vì bị ông nghi ngờ. Suốt thời gian sau đó, cha thường về nhà hơn, nhưng cứ bước chân về đến nhà là chạm phải sự im lặng và không khí nặng nề, u ám đáng sợ. Không ai nói với ai, người nọ nhìn người kia bằng ánh mắt ngờ vực, tức giận…
 
Cha đến nhà người ta, xin họ hãy xem lại vì có thể có sai sót nào đó trong khi giao vàng vội vã chăng? Song thật tàn nhẫn, họ một mực nói không thể có sự sai sót nào cả, đối với họ một lá vàng không đáng gì. Họ rất bực mình vì cho rằng ông bà nội con đã  lợi dụng lòng tin của họ để lấy bớt đi một lá vàng. Họ còn nói nếu không có sự thiếu hụt đó, họ sẽ gửi lại mấy lá vàng để trả ơn ông bà… Lúc đó, cha thật đau lòng vì cảm thấy bị xúc phạm mà không thể nói được gì, cha càng thương và hiểu thêm vì sao ông nội của con bị dằn vặt, day dứt đến thế. Cha vẫn tin ông bà nội của con không bao giờ có sự tham lam, xảo trá như vậy, dù lúc đó một lá vàng đối với nhà mình không nhỏ chút nào. Làm thế nào để ông bà nội được nguôi ngoai? Cha hy vọng thời gian sẽ khỏa lấp nỗi oan ức này, cha nói với ông nội: trời hiểu mình, mình hiểu mình là được. Cha đã lầm, ông bà nội con ngày càng suy sụp, không tự thoát khỏi mặc cảm về nỗi oan gia này. Cuối cùng, không cầm lòng nổi, cha đã phủ phục dưới chân ông nội, nhận là mình lấy lá vàng đó và đã tiêu xài hết rồi. Cha không bao giờ quên tiếng than của nội con lúc đó.
- Trời hỡi trời! thế là con giết cha rồi Út ơi! Tôi còn mặt mũi nào nhì ai nữa trời?
Nghe tiếng kêu trời của ông, bà nội đang nằm bệt trên giường, lồm cồm bò dậy, rập mình quỳ lạy:
- Ông ơi! Xin ông tĩnh tâm lại, chỉ vì thời vận quá ngặt nghèo, lương nó làm không đủ chi dùng, nhà mình thì thiếu hụt… Ông ơi! Tôi xin ông bớt giận để tìm cách nói khó lại với người ta…
 
Năm đó, ông bà nội con phải bán chậu mai mà ông nội đã chăm giữ hơn mười năm để mua vàng trả cho người ta, tất nhiên là không đủ một là vàng ròng, thôi thì thêm một lời xin lỗi “Con dại cái mang”…
Cũng từ đó, vô hình chung, cha luôn có một nỗi buồn day dứt. Cha luôn mang trong lòng mặc cảm vì sự thất vọng về đứa con trai út của ba mình. Với ông tội gian tham là tội không thể tha thứ. Chính vì vậy, nhiều lúc lòng kiêu hãnh trong cha trỗi dậy, bắt cha phải nói lại sự thật. Nhưng cứ nhớ đến cảnh nặng nề vừa qua của gia đình, cha lại kìm lòng lại và nghĩ khi thời gian đủ để lắng đọng tất cả. lúc đó sẽ giãi bày với ông bà nội sau…
 
Một tiếng thở dài bật ra từ lồng ngực cha tôi nghe nhức nhối. Từ đôi mắt nhân từ của ông, nước mắt chảy thành dòng. Tôi ngừng tay lặt mai đến bên cha, nắm cánh tay ông lắc nhẹ:
- Cha à! Chắc là ông bà nội con đã hiểu lòng cha rồi, cha đừng tự dằn vặt lòng mình đến vậy.
 
Cha tôi gật đầu, tay vuốt nhẹ lên mái tóc tôi và nói: không phải ý nguyện nào cũng đều thực hiện được con ạ! Ông nội của con đã ra đi quá đột ngột, cha về không kịp. Cha đau đớn vô cùng. Nỗi oan mà cha tự buộc cho mình kia đâu có ý nghĩa gì khi nó trở thành nỗi buồn thầm lặng, chất chứa trong lòng ông nội con đến ngàn thu!? Nỗi buồn đó cứ âm ỉ, bóp nát trái tim cha. Ngay sau khi lo cho ông nội con mồ yên mả đẹp, bà nội con đã nói với cha: “Chuyện mất vàng ngày ấy, đêm qua nằm nghĩ lại, má mới hiểu ra tất cả. Con là đứa con có hiếu, có tình. Có lẽ, ba con đã báo mộng về. Ba má quá vì chữ tín với người ta, vì danh dự của mình mà đánh mất lòng tin vào con, dồn ép con phải chịu oan…”. Cha được an ủi phần nào, nhưng không thể nguôi được nỗi đau, vẫn thầm nghĩ chỉ khi nào chết mới có thể dãi bày cùng ông nội của con. Nếu cuộc đời không ban tặng mẹ con cho cha, người đã yêu thương cha hết lòng, nếu cha mẹ không có con, có lẽ cha không còn tồn tại trên đời cho đến ngày hôm nay. Vườn mai này cũng chính là nơi chia sẻ với cha những tâm sự mà cha không dễ gì nói được cùng ai. Bây giờ con đã lớn rồi, cha muốn con biết và hiểu những điều vô thường ở đời, mong rằng con luôn sáng suốt và có niểm tin trong cuộc sống…
 
*
Chuyện của cha đã gieo vào lòng tôi niềm trắc ẩn. Tuổi hai mươi chưa hiểu hết ngay ý nghĩa sâu xa mà ông muốn nói với tôi. Ba năm trôi đi vùn vụt, tôi không ngờ đó là câu chuyện cuối cùng cha nói với tôi trong vườn mai. Khi tôi tốt nghiệp đại học sư phạm thì cha tôi cũng qua đời, ông mang theo vào lòng đất một nỗi buồn u uất. Mẹ tôi đã nghỉ hưu. Theo lời dặn của cha, sau ngày mãn tang ông, hàng năm tết đến, mẹ chặt mai bán lấy tiền lo hương hỏa và giúp đỡ người nghèo trong xóm. Tôi xin về dạy học gần nhà để có điều kiện nâng giấc mẹ lúc tuổi già. Khi gặp những khúc mắ trong cuộc sống, tôi thường thả hồn mình trong vườn mai mà suy ngẫm và tôi hiểu ra được nhiều điều. Ở đời, ranh giới giữa cái thật cái giả, giữa ngay thẳng và lọc lừa, giữa nhân từ bác ái và vị kỷ nhỏ nhen không phải lúc nào cũng rõ ràng, rành mạch. Bởi vậy lòng tin của con người với con người luôn là thước đo giá trị. Có niềm tin, người ta sẽ sáng suốt để xử sự với nhau thấu tình đạt lý, tránh sự áp đặt hay ngộ nhận mù quáng. Ngẫm lại chuyện của cha, tôi càng hiểu sâu xa câu ngạn ngữ “Một mất mười ngờ” mà người xưa đã nói.
 
Cho đến một ngày, người ta đem đến cho cha tôi một lá thư. Họ ngỡ ngàng khi biết ông đã qua đời. Thư có đoạn “ …Hồi ấy, bác có 200 lượng vàng chia thành mười gói, ngoài chín gói phân tán gửi đi nhiều nơi, bác còn chôn tại nhà một gói. Con người ta làm ăn có thời, sau này nhà bác liên tục bị thua lỗ, tiền vốn cứ hụt dần. Tuổi càng cao, sức càng yếu, bác gái cũng đã mất…bác quyết định đào gói vàng cuối cùng chôn ở nhà lên để trang trải cho tuổi già của mình. Bác giật mình thấy hai chục lượng vàng có dư một lượng!? Nhớ lại chuyện xưa, bác chết lặng và vô cùng xót xa, ân hận. Bác thật có lỗi với cháu và ông bà bên đó. Bác hy vọng, lá thư này cùng số vàng bác gửi lại cháu sẽ giúp bác phần nào thanh thản từ nay cho đến cuối đời, chắc là cũng chẳng được bao lâu nữa. Sự hy sinh và lòng hiếu thảo của cháu chắc trời sẽ thấu, chỉ tiếc rằng khi bác nhận ra thì không thể làm gì được nữa. Mong cháu nhận lại lời thỉnh cầu và xin lỗi muộn màng của bác. Bác nay đã quá yếu, không thể đến tạ lỗi trước bàn thờ ba má cháu…”
 
Mẹ con tôi nhận lá thư đặt lên bàn thờ, thắp một nén nhang, khấn báo với hương hồn ông bà nội và cha tôi về nỗi oan khuất của họ nay đã được thấu tỏ. Còn số vàng năm lượng, mẹ con tôi nhất định không nhận. Chắc ông bà nội và cha tôi nơi chín suối đã mãn nguyện rồi. Tôi nhìn ra vườn mai đang nhú nụ mà như thấy hình bóng cha đâu đây. Cha ơi! Xuân đang về, tết sắp đến, mai nhà mình lại sẽ nở kín vườn. Con tin là vậy. 
Nha Trang, 29/7/1998
Minh Hương
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...