Thứ Hai, 23 tháng 5, 2022

Huyền sử 1XXXXXX

Huyền sử 1

Lời nhà xuất bản 
Trung Tâm Văn Hóa Nguyễn-Trường-Tộ
13 g rue de l’ILL
67116 Reichstett, France 
Kính quý độc giả, 
Trước ngày tạ thế, Lm Gs Nguyễn Văn Thành đã ủy thác cho Trung Tâm Văn Hóa Nguyễn-Trường Tộ và Tu Viện Xitô VN ở Orsonnens, Thụy-sĩ, sắp xếp, bảo tồn và phát hành các tác phẩm của GS.
 
Sau gần một năm làm việc, TTVH Nguyễn-Trường-Tộ đã tập hợp hầu như  toàn bộ công trình sáng tác của GS Thành, và đã phối trí, phân loại tài liệu theo những đề mục khác nhau.
 
Chúng tôi đã xếp thành bốn (4) đế mục sau đây:
 
A.         Các nội dung liên quan đến bộ môn Tâm-Lý-Học, đặc biệt là về tâm lý trị liệu liên quan đến việc chăm sóc các trẻ em tự-bế, và những nội dung về tính tình và phát triển nhân cách. Đề mục nầy có mười một (11) tài liệu :
 
-   A1   Trẻ em tự bế
-   A 2   Trẻ em chậm phát triển : phương thức giáo dục và dạy dỗ
-   A 3   Nguy cơ tự bế nơi trẻ em từ 0 đến 7 tuổi
-  A 4    Quan hệ mẹ-con
-  A 5    Phát huy quan hệ xã hội trong vấn đề giáo dục trẻ em tự kỷ
-  A 6    Tính tình và đời sống
-  A 7    Bản câu hỏi về tính tình
-  A 8    Lòng tự tin
-  A 9    Tư duy và hành động
-  A 10  Bản đồ tâm lý và tư duy sáu màu
-  A 11  Nguyễn Trải và vấn đề giáo dục con cái
 
B.  Các nội dung liên quan đến văn hóa tổng quát gồm bảy (7) cuốn sách:
 
-  B 1  Huyền sử
-  B 2  Sơn Tinh và Thủy Tinh
-  B 3  Nguyễn Trải, một tấm lòng Vạn Xuân và Đại Việt
-  B 4  Đối thoại, một quê hương tình người
-  B 5  Khung trời mở rộng bằng con đường thuyên giải
-  B 6  Con đường bao dung trong văn hóa và huyền sử Việt nam
-  B 7  Lắng nghe, một quà vô giá
 
C.  Các nội dung tôn giáo gồm bốn (4)  tác phẩm :
 
-  C 1  Chúng ta sống lại
-  C 2  Trong Đức Kitô
-  C 3  Suy niệm về Đức Mẹ
-  C 4  Lắng nghe Chúa Thánh Thần
 
D.  Phần phụ thêm
 
-  D1  Hãy thắp lên ngọn đuốc, xuất bản sau khi GS tạ thế (nội dung tôn giáo và tang lễ GS Thành)
-  D 2   Những bản văn RỜI, không xuất bản thành sách
-  D 3  Viết về LmGs Nguyễn Văn Thành
-  D 4  Các hình ảnh về Gs Lm Nguyễn Văn Thành
 
Chúng tôi đã chia thành đề mục, xếp lại theo khổ A 4, đánh số trang, không những để việc nghiên cứu, trính dẫn được dễ dàng, nhưng bảm đảm đuợc bản gốc không bị thêm bớt.
 
Một số tác phẩm, đặc biệt các cuốn liên quan đến nội dung Tâm-lý-học được xuất bản trong thời gian từ 1971 đến 1975, lúc GS Nguyễn-Văn-Thành là GS trường ban Tâm Lý Phân Khoa Nhân Văn Và Nghệ Thuật ĐH, Minh Đức, cũng như các tài liệu bằng ngoại ngữ, chưa được xuất bản lần nầy, vì chúng tôi chưa tìm ra được bản gốc. Trong đó có các tác phẩm quan trọng là:
 
1.-  Đường vào Nội Tâm với Phân Tâm Học của S. FREUD – 1997
2.-  Le projet pédago-éducatif – 1997
3.-  Phát huy Nhân Lực – 1998
4.-  Đối thoại với các tơn giáo – 1998           
 
Chúng tôi trông chờ vào sự hợp tác của bằng hữu và độc giả để sớm tập hợp được toàn bộ sáng tác của GS Nguyễn-Văn-Thành và phổ biến cho mọi người được đọc.
 
Trân trọng.
 
Ngày 22 tháng 06 năm 2009
 
Nguyễn Đăng Trúc
Hội trưởng
 
 
 
 
Nội Dung
 
Lời mở đường: « Tôi nhìn tôi trên vách »
 
Chương Một:  Nguồn gốc Rồng Tiên
Chương Hai:   Khi Mặt Hồ nổi sóng, Thần Kim Qui xuất hiện
Chương Ba:  Thánh Gióng và con đường « đi lên » của con Rồng cháu Tiên
Chương Bốn:   Sơn Tinh và Thủy Tinh : Hai con Đường, Một Nước Non
Chương Năm: "Tấm và Cám" trong nội tâm của Chúng ta
Chương Sáu: « Thằng Bờm » trong cõi lòng của Người Việt Nam
Chương Bảy: Đối Thoại : Bắc lại Nhịp Cầu Hiểu Biết và Tình Thương
Chương Tám: Con Đường Luyện Vàng
Chương Chín: Xây dựng Quan Hệ và Quan Hệ Xây Dựng
Chương Mười: Hạnh Phúc và  Khổ Đau Trong lòng Cuộc đời
Chương Mười Một: Khi nào một cơ cấu tổ chức trở nên bệnh hoạn ?
Chương Mười Hai: Chuyển hóa thực trạng ngày hôm nay ?
Thay lời Kết Luận: Chiếc Bè để qua sông
 
 
Cùng một tác giả
 
Lời mở đường
Tôi nhìn tôi trên vách
 
 
 
 
 
 
Một trong những cuốn sách của nữ văn sĩ Túy Hồng mang tựa đề là : « Tôi nhìn tôi trên vách». Hẳn thực, phóng mình lên trên một màn ảnh để nhìn xem mình, lắng nghe mình ăn nói làm sao, cư xử và đãi ngộ thế nào với người anh chị em đồng bào, trong cuộc sống thường ngày... phải chăng đó là một khả năng đã giúp Túy Hồng xác định mình là ai, không thả mình cuốn trôi theo dòng thác lũ, như một ngọn lá bấp bênh và vô hồn, vô giá trị và vô nghĩa ?
 
Tâm lý học đương đại đặt tên cho khả năng « thấy mình đang sống » như vậy, là PHẢN TỈNH, có nghĩa là thức tỉnh, sáng suốt về những gì chúng ta đang làm, đang nói và đang suy tư. Theo lối nói của Thiền học, khi ăn tôi biết tôi đang ăn. Khi làm tôi biết tôi đang làm. Khi đi, tôi biết tôi đang đi. Khi dừng lại, tôi biết tôi đang dừng lại. Làm được những điều ấy, tôi sẽ là một con người có ý thức, chứ không phải là chiếc máy tự động và vô hồn, ngày ngày nhai đi nhai lại, những gì mà người khác đã lên kế hoạch hay là lập sẵn những chương trình cho tôi, từ trên hoặc từ ngoài.
 
 
Một cách cụ thể, mỗi lần tôi tiếp xúc và trao đổi với anh chị em đồng bào, phải chăng khi nói, tôi biết tôi ĐANG NÓI với tư cách là một chủ thể toàn phần, đang có những quan hệ năng động và hài hòa với bao nhiêu chủ thể khác ? Tôi tìm cách diễn tả, chia sẻ con người trung thực của tôi, thay vì lên tiếng tố cáo, mạ lị, đàn áp và bốc lột con người ở trước mặt tôi ? Tôi cố quyết làm người và đồng thời tôi tôn trọng quyền làm người của những ai đang chung sống với tôi, trong môi trường xã hội và Quê Hương. Tôi cố quyết tạo cho họ, bằng cách này hoặc cách khác, tùy vào thực tế cụ thể của mình, những điều kiện thuận lợi, khả dĩ giúp đỡ, kêu mời họ cũng ngày ngày vươn mình lên, làm người với tôi. Ai còn bị ức hiếp, mà lòng tôi không quặn đau ? Ai còn vất vã, lam lũ, chưa thể kiếm ra được mỗi ngày một loong gạo, mà lòng tôi không cảm thấy trăn trở và bồi hồi ? Bao lâu tôi còn « bịt tai, bịt mắt, đóng kín cửa lòng » trước tình trạng «người bốc lột người», trong lòng Quê Hương và Đất Nước, sau hơn «bốn nghìn năm văn hiến...», liệu tôi có biết rõ « tôi thực sự là ai » hay chưa ? Phải chăng tôi đang dám nhìn mình hiện nguyên hình một cách rõ rệt, trên một màn ảnh ở trước mặt ?
 
Đồng cảm và đồng hành với anh chị em đồng bào, như tôi vừa giới thiệu một vài đường nét chấm phá, phải chăng đó là những chủ đề được xoáy lui xoáy tới, trong những câu chuyện Huyền Sử, mà Tổ Tiên và Cha Ông đã trối trăng lại cho chúng ta, từ đời nầy qua đời khác, cho đến ngày hôm nay ? Một cách nào đó, các vị đang kêu mời chúng ta hãy làm người, bằng cách đặt ra những câu hỏi sau đây :
-    Con là ai ?
-    Con đang mang trong mình những giá trị nào ?
-    Sở trường mà con cần phát huy, vun tưới là gì ?
-    Sở đoản mà con cần khắc phục và hóa giải bao gồm những điều nào ?
-    Con đang thực thi trách nhiệm thế nào, với mỗi người anh chị em đồng bào, nhất là với những thế hệ của ngày mai đang từ từ lớn lên ?
-    Nói tóm lại, bao nhiêu THÁCH ĐỐ đang đợi chờ con là gì, trên mỗi tấc đất của Quê Hương ?
 
Thách đố có nghĩa là những vấn đề ắt có, tất yếu thuộc thân phân và điều kiện làm người. Nếu chúng ta biết đối diện và nhận diện, bằng cách chuyển biến hoặc hóa giải, chúng ta sẽ có rất nhiều cơ may, để vươn mình lên, thăng tiến trên con đường làm người. Trái lại, nếu chúng ta ù lì, bị động, xuôi tay hay đầu hàng, chính chúng ta đang chuốc vào mình thân phận làm nạn nhân, đồ vật hay là công cụ của người khác. Lúc bấy giờ, thay vì sáng tạo mình, với tư cách là một chủ thể biết đảm nhiệm bản thân và cuộc đời, chúng ta chỉ PHẢN ỨNG, với những thái độ chua cay, phàn nàn, trách móc, hận đời. Hay là chúng ta trở nên con người phản động, chống đối, phá hoại, bạo động... xây dựng cuộc đời của mình, với hai bàn tay thấm máu, luôn luôn hành hạ, sát hại, thủ tiêu hay là lạm dụng kẻ khác, cho dù đó là những trẻ em non dại hay là những người dân đơn sơ, mộc mạc, vô tội...
 
Trong một số bài chia sẻ, được đăng tải đó đây trên nhiều Tờ Báo trong và ngoài Nước, tôi đã khảo sát những vấn đề được đặt ra trên đây, với tất cả thực chất, thực hữu và bao nhiêu giới hạn ắt có thuộc con người xương máu và cụ thể của tôi. Hôm nay, sau một cuộc đời nghiên cứu và học hỏi, tham khảo và lắng nghe nhiều vị thầy ở Đông cũng như ở Tây, trên Bắc cũng như dưới Nam, tôi tạm thời đúc kết, góp lại thành một cuốn sách, với tựa đề : « Huyền Sử Việt Nam : Con đường LUYỆN VÀNG của Con Rồng Cháu Tiên ».
Xuyên qua tác phẩm nầy, tôi muốn nhấn mạnh những trọng điểm sau đây :
 
-    Thứ nhất, trong lòng Quê Hương, từ Ải Nam Quan cho  đến Mũi Cà Mau, tất cả chúng ta không trừ sót một ai, đều là anh chị em đồng bào, phát xuất từ một Cha và một Mẹ. Chúng ta tất cả mang hai dòng máu Lạc Hồng, trong quả tim.
-    Thứ hai, tuy là anh chị em, chúng ta khác nhau, trong nhiều địa hạt. Không có hai người hoàn toàn giống nhau, như hai hạt nước. Mặc dù vậy, chúng ta đang cần nhau. Chúng ta có thể bổ túc, kiện toàn và xây dựng cho nhau.
-    Thứ ba, thách đố lớn lao và kỳ hùng, đang có mặt trong con tim và cuộc đời của mỗi người, là con đường Đối Thoại, làm bằng chất liệu Tình Thương và Hiểu Biết, Đồng Cảm và Đồng Hành, Thức Tỉnh và Tha Thứ. Một cách cụ thể, quan hệ Đối thoại là ngày ngày ngồi lại với nhau, trao đổi qua lại hai chiều, biết cho và biết nhận, biết xin và biết từ chối một cách sáng suốt và tự do, vừa có tình và vừa có lý. Để xây dựng và bồi đắp con đường ấy, mỗi người diễn tả thực tế của chính mình, đồng thời tôn trọng tư cách làm chủ thể của người anh chị em đang chung sống hai bên cạnh.
-    Thứ bốn, con đường trao đổi và chia sẻ ấy là một tiến trình liên tục bao gồm ba chiều kích « ngày qua, hôm nay và ngày mai », và sẽ chẳng bao giờ chấm dứt. Mỗi người có trách nhiệm đóng góp phần mình, để không ngừng xây dựng, củng cố, đổi mới con đường đang đi.
-    Thứ năm, nếu chúng ta thiếu Tỉnh Thức và Lòng Tha Thứ, mỗi giây mỗi phút, con đường Đối Thoại ấy có thể lập tức trở thành « Một Đại Lộ Kinh Hoàng », làm bằng chết chóc, kỳ thị, hận thù và chiến tranh... đang chạy xuyên qua quả tim của từng người trong chúng ta, và đang xé nát Quê Hương thành nhiều mảnh vụn. Lúc bấy giờ, chúng ta sẽ phản bội Tổ Tiên và Cha Ông. Đồng thời, chúng ta chỉ có một gia tài đổ nát và tang thương, để trối trăng lại cho các thế hệ con cái và cháu chắt sau này.  
 
Năm điều tâm niệm trên đây đã được kết tinh và kết tụ, trong quả tim của tôi, sau môt cuộc đời học hỏi, nghiên cứu, khổ đau và tu luyện. Tuy nhiên, phải chăng đó cũng là thực tế và thực tại của mỗi người đang mang dòng máu Rồng Tiên, trong từng huyết quản, giống như tôi ? Tôi thắp hương khấn vái Tổ Tiên và chờ đợi câu trả lời của mỗi người anh chị em đồng hương, đồng bào, bất phân nguồn gốc xã hội, chủng tộc, địa phương, chính kiến và Đức Tin Tôn Giáo.     
Mùa Hè năm 2004
 
 
 
 
Chương Một
 
Nguồn gốc Rồng Tiên
                                                                                          
 
Con thân thương, hỡi con cháu Lạc Hồng,
Làn da con màu vàng đồng lúa chín,
Mái tóc con nhắc lại những dòng sông :
Sông Hồng, Sông Hương, Cửu Long cuồn cuộn,
Mang phù sa nuôi sống những mầm non,
Chuyên chở nước tưới mát những cánh đồng.
 
Quên sao được : Bàn tay con huyền nhiệm,
Tay Bà Trưng, Bà Triệu cứu Non Sông,
Tay sáng tạo bao chiến công xán lạn,
Tay Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Quang Trung…
Tay oanh liệt của cháu chắt Vua Hùng,
Mang dòng máu Rồng Tiên trong huyết quản.
 
Con thân thương, hỡi con cháu Lạc Hồng,
Hãy đứng thẳng, cho lòng người cường tráng,
Giữa dòng đời, ôm mãi vững niềm tin,
Đường con đi, hy vọng ở đáy lòng.
Trong đêm tối, ánh mắt tràn ánh sáng,
Người phản bội, mở rộng lòng tha thứ,
Dù té ngã, vẫn bước trọn con đường,
Giờ truân chiên, nở nụ cười tỏa rạng.
 
Con trọng đại, vì con là tất cả :
Là mảnh đất mầu mỡ của Quê Hương,
Một khu vườn ươm lại giống Tình Thương,
Xây Non Sông, làm tươi đẹp khóm phường.
Con bồi đắp cho ngày mai, tuổi trẻ,
Trồng rừng xanh phủ hết đất tang thương,
Cưu mang Trời, chiếu rạng vùng tăm tối,
Hạt Tình Người gieo vãi khắp mười phương.
 
Mục đích của chương nầy khai sáng một số vấn đề cụ thể như sau :
 
Xuyên qua những câu chuyện huyền sử về “nguồn gốc Rồng Tiên” của người Việt Nam, Tổ Tiên muốn nhắn lại cho chúng ta và con cháu sau này những điều gì quan trọng ? Sứ điệp của các vị bao gồm những nội dung như thế nào ? Giá trị của các sứ điệp ấy, trong những điều kiện sinh sống của chúng ta ngày hôm nay, còn mang tính hiện thực và thời sự nữa hay không ? Hay đó chỉ là những chiếc áo đã lỗi thời, cũ kỹ, không còn thích hợp với con nguời có tinh thần khoa học, thuộc thời đại Nghìn Năm Thứ Ba ?
 
Để tháo mở một phần nào bao nhiêu vấn nạn ấy, chúng ta sẽ lần lượt khảo sát hai loại trọng điểm sau đây :
 
Trong phần Một, với kỹ thuật “Sáu chiếc Mũ” của tác giả Ed. De Bono, chúng ta sẽ khám phá sáu tầng lớp ý nghĩa khác nhau của mỗi câu chuyện huyền sử.
 
Trong phần Hai, xuyên qua những thành quả được phát hiện, chúng ta sẽ ý thức được rằng : mỗi câu chuyện huyền sử có mục đích đáp ứng và thỏa mãn bốn nhu cầu làm người có mặt trong bản thân của chúng ta. Đồng thời, những kết quả ấy cũng làm nổi bật ba chiều kích trọng yếu có mặt trong bản sắc làm người của chúng ta.
 
 
 
Phần Một
 
Sáu tầng lớp ý nghĩa của Huyền sử
 
Để tránh những ngộ nhận và sai lầm, trong cách sử dụng từ ngữ, tôi xin đưa ra một số phân biệt quan trọng sau đây :
-  Thứ nhất, Huyền sử không phải là lịch sử. Khi tôi chép lịch sử của một dân tộc hay xứ sở, tôi ghi lại những sự kiện và biến cố, một cách khách quan và xác thực được chừng nào hay chừng ấy. Những sự kiện và biến cố ấy được chính tôi chứng kiến, mục kích trực tiếp. Hay là tôi đã tham khảo và trích dẫn những tài liệu có giá trị, được các nhà chép sử khác công nhận. Tuy nhiên, với bao nhiêu nỗ lực có tính khoa học ấy, tôi còn phải thú nhận rằng : không bao giờ và không có chi là hoàn toàn khách quan một trăm phần trăm. Khi sao chép, ghi nhận một sự kiện, tôi đã làm công việc chọn lựa, chắt lọc, cân nhắc, nghĩa là tôi đã vận dụng bao nhiêu ý kiến và lập trường chủ quan của tôi. Sau khi ghi nhận những sự kiện, tôi còn phải “thuyên giải”, nghĩa là xếp đặt lại, tìm ra ý nghĩa và xác định phương hướng hành động. Riêng trong hoàn cảnh Việt Nam, công việc chép sử chỉ mới khai sinh ở dưới Triều Lý (1010-1225), được kiện toàn ở dưới Triều Trần (1225-1400), và tương đối hoàn chỉnh ở dưới triều Lê (1418-1527). Tuy nhiên, vì chiến tranh xảy ra liên miên, nhiều tài liệu lịch sử đã bị tiêu hủy, đốt cháy và thất lạc. Từ Triều Lý trở lên về trước, trong vòng gần bốn ngàn năm, lịch sử của đất nước tuyệt đối không được ghi chép thành văn bản. Thay vào đó, chúng ta có những lời truyền tụng, những di tích và những hiện vật như cung tên, khí giới, trống đồng, đồ gốm… Những phương tiện nầy cho phép các sử gia thiết lập một số điểm mốc quan trọng, khả dĩ đánh dấu những giai đoạn phát triển của dân tộc Việt Nam từ thời Hồng Bàng (2879-258 trước công nguyên) cho đến ngày hôm nay.
 
-       Khác với lịch sử, như chúng ta vừa trình bày ý nghĩa, Huyền sử bao gồm nhiều câu chuyện vừa thực vừa mơ, “bàn về” nguồn gốc của Đất Nước và Dân tộc, do tổ tiên và cha ông chúng ta thừa kế từ đời trước và truyền lại cho các đời sau, qua bao nhiêu tầng lớp thế hệ nối đuôi nhau. Tác giả Trần Thế Pháp là người đầu tiên, vào cuối thế kỷ 14, dưới thời Trần Nghệ Tông làm Thượng Hoàng, đã lượm lặt, sưu tầm những câu chuyện ấy và chép lại thành văn bản, với tựa đề “Lĩnh Nam Chích Quái”. Tác phẩm nầy, gần 100 năm sau, vào cuối thế kỷ 15, chung quanh thời điểm là năm 1492, đã được tác giả Vũ Quỳnh sắp xếp lại, thay đổi thứ tự và lập thành một văn bản mới. Phải đợi đến năm 1973, chúng ta mới có được một tác phẩm bằng quốc ngữ, do “Tiếng Đông Phương” xuất bản tại Sài gòn và “Sống Mới” phát hành. Sách dày 665 trang, mang tựa đề là        “Việt Nam Văn Học Toàn Thư, thần thoại, cổ tích”. Tác giả là Hoàng Trọng Miên đã sưu tầm, bổ túc bằng cách thêm vào nhiều câu chuyện của các dân tộc thiểu số.
-       Thông thường, khi nói đến nguồn gốc “Rồng-Tiên” của người Việt Nam, rất nhiều tác giả chỉ đề cập đến câu chuyện “Lạc Long Quân thuộc giống Rồng kết hôn với Bà Âu Cơ thuộc giống Tiên. Từ liên hệ vợ chồng nầy, một trăm đứa con được sinh ra cùng một lúc, trong cùng một bọc trứng. Cho nên bây giờ, chúng ta gọi nhau là ĐỒNG BÀO, có nghĩa là anh chị em cùng chia sẻ với nhau một bào thai”. Vì vô tình hay hữu ý, khi quá nhấn mạnh câu chuyện nầy, các tác giả ấy đã bỏ quên vai trò và ý nghĩa của nhiều câu chuyện khác không kém phần quan trọng, như :
 
- Ba công trình vĩ đại của Lạc Long Quân là diệt tan Ngư tinh, Mộc tinh và Hồ tinh,
- Thánh Gióng đi đánh giặc Ân, lúc lên ba tuổi,
- Bánh dày và bánh chưng của Lang Liệu,
- Cuộc tranh chấp sống mái giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh,
- Thần Kim Qui giúp Vua An Dương Vương xây dựng Thành Cổ Loa,
- Trọng Thủy lấy Mỵ Châu làm vợ và cướp mất chiếc nỏ thần bảo quốc đem về Tàu.
-       Cũng vì lý do thiếu khả năng phân biệt một cách rõ ràng giữa lịch sử và huyền sử, nhiều cuộc trao đổi giữa chúng ta, chung quanh vấn đề Huyền sử, đã dễ dàng thoái hóa thành những vụ tranh chấp, xung đột, mang đầy tính chất bạo động và nhị nguyên như :
- Tôi đúng-kẻ khác sai,
- Tôi có lý-kẻ khác vô lý,
- Tôi hơn-kẻ khác thua,
- Tôi có óc khoa học-kẻ khác vô học.
 
Và khi tinh thần nhị nguyên đã khống chế tâm tư và cuộc đời, với những nhu cầu phân biệt trắng-đen rõ rệt, bạn-thù quang minh, chúng ta trở nên mù quáng. Vô minh tràn ngập mọi hang cùng ngõ hẻm của tâm hồn. Đôi mắt chúng ta không còn có đầy đủ ánh sáng, để nhận ra khuôn mặt thân thương của người anh chị em. Dòng máu luân chuyển trong cơ thể của họ, phải chăng cũng là dòng máu Rồng Tiên đang đập nhịp trong quả tim của chúng ta ?
 
Thế mà trong lịch sử của nước nhà, cứ mỗi lần một triều đại mới lên nắm chính quyền, lại xảy ra quang cảnh thanh trừng, đổ máu, thịt nát, xương rơi, nồi da xáo thịt. Đã một thời, Trần Thủ Độ, vị công thần khai nguyên Nhà Trần,  đào hầm, gài bẫy, chôn sống nhiều con cháu của Nhà Lý. Vào cuối đời Trần, Hồ Quí Ly lại tìm cách tận diệt những viên chức trung tín với Nhà Trần. Nhà Nguyễn, sau khi đánh thắng Tây Sơn, đã đào mồ, quật mã, mạ lị hài cốt của tổ tiên họ. Vào những năm 1940, nhiều người cũng đã bị thủ tiêu, khi chưa có án lệnh rõ rệt...
Cho đến bao giờ, người Việt Nam, trong cũng như ngoài Nước, mới có khả năng lắng nghe sứ điệp của Tổ Tiên và Cha Ông ? Qua các câu chuyện huyền sử, phải chăng các vị hôm nay vẫn đang còn nhắn nhủ chúng ta rằng : hai người Việt Nam có thể khác nhau như Trời và Biển, như Rồng và Tiên. Vâng, chúng ta đang bộc lộ những sắc thái khác nhau, trên nhiều phương diện. Nhưng khác mà không khai trừ, loại thải nhau. Khác, mới có thể bổ túc, kiện toàn cho nhau, cùng nhau làm nên những kỳ công trọng đại cho quê hương và anh chị em đồng bào, giống như Lạc Long Quân đã làm, cách đây hơn bốn ngàn năm về trước.
 
Có người đòi hỏi những sự kiện cụ thể, khách quan trong các câu chuyện huyền sử ? Chúng ta chỉ cần can đảm nhìn mình, nhìn cuộc sống hai bên cạnh, chúng ta sẽ khám phá một cách dễ dàng: những hiện tượng xung đột giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh không phải là những câu chuyện hoang tưởng, bịa đặt. Nhưng đó là những hiện thực hoàn toàn khách quan, đang xảy ra hôm nay, ở đây và bây giờ, trước mắt chứng kiến của chúng ta. Ngay cả trong tâm hồn và cuộc đời của chúng ta.
 
Câu nói của Thần Kim Qui, trả lời cho Vua An Dương Vương : “Kẻ thù đang ngồi ở sau lưng Nhà Vua” còn mang rất nhiều tính thời sự, trong hoàn cảnh của Đất Nước, ngày hôm nay.
 
Nói tóm lại, con đường tư duy độc lộ chỉ dẫn đưa chúng ta đến một ngõ cụt : đó là tình trạng bạo động hận thù, kỳ thị chiến tranh, chết chóc và lầm than. Thay vào đó, tác giả Ed. De Bono đề nghị chúng ta học hỏi và tôi luyện một lối nhìn đa năng đa diện, mang tên là “kỹ thuật SÁU CHIẾC MŨ”. Mỗi lần nói về mình, về người khác, hay là cùng nhau khảo sát một vấn đề – chẳng hạn như tìm hiểu ý nghĩa của Nguồn gốc Rồng Tiên – chúng ta hãy lần lượt đội lên đầu sáu chiếc mũ Trắng, Đen, Vàng, Đỏ, Xanh da trời và Xanh lá cây.
 
Với chiếc mũ màu trắng, chúng ta làm công việc ghi nhận sự kiện cụ thể và khách quan, được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Chúng ta nghe làm sao, chúng ta nói lại y nguyên, không thêm không bớt. Chúng ta thấy gì, chúng ta trình bày lại, một cách trung thực, cơ hồ tấm gương soi phản ảnh tất cả những gì đang xảy ra ở đằng trước.
 
Với chiếc mũ màu đen, chúng ta rút ra một cách có ý thức những sự kiện, mà chúng ta đánh giá là tiêu cực, có những hạn chế rõ rệt. Tuy nhiên, chúng ta phải có can đảm nêu lên những lý do giải thích thể thức đánh giá của chúng ta. Sau đó, chúng ta lắng nghe và cho phép kẻ khác phát biểu, biện hộ, nêu lên những thắc mắc của mình.
 
Với chiếc mũ màu vàng mặt trời, chúng ta cố gắng phát hiện những khía cạnh tích cực, năng động… – nếu tìm, thế nào cũng có – trong bao nhiêu ý kiến mà chúng ta vừa phê bình và đánh giá.      
 
Với chiếc mũ màu đỏ, chúng ta diễn tả những xúc động hoàn toàn chủ quan của mình, như buồn, lo, tức giận, sợ hãi. Vì đây là những phản ứng hoàn toàn chủ quan, chúng ta hãy dùng sứ điệp ngôi thứ nhất TÔI, để phát biểu và đảm nhận ý kiến của mình, một cách chân thành và sáng suốt. Không ném đá giấu tay. Không vơ đũa cả nắm. Không giận cá chém thớt. Chúng ta bộc lộ nhu cầu và nguyện vọng của mình. Đồng thời chúng ta cho phép kẻ khác từ chối, không thỏa mãn chúng ta, vì đó cũng là quyền lợi riêng tư của họ.
 
Với chiếc mũ màu xanh da trời, chúng ta đúc kết, rút ra ý nghĩa từ những sự kiện, mà chúng ta đã thu lượm, với bốn chiếc mũ trước đây. Giai đoạn nầy mang tên là THUYÊN GIẢI, bao gồm ba công việc khác nhau nhưng bổ túc cho nhau. Thứ nhất là tóm lược quá khứ, rút ra những kết luận, sau khi đề xuất và kiểm chứng một cách nghiêm chỉnh những giả thuyết hay là những hướng đi giả định. Công việc thứ hai là xác định những công việc cần thực hiện, trong hiện tại. Thứ ba là dự phóng, tiên liệu hay là chuẩn bị con đường cho tương lai. 
 
Khi nhiều ý nghĩa được đề xuất cùng một lúc, chúng ta phải xếp đặt thành thứ tự ưu tiên. Và chương trình nào quan trọng nhất, phải được chúng ta giải quyết và thực hiện, truớc tất cả mọi dự phóng khác được đề xuất, nhưng hiện thời, đó chưa phải là những điều cấp thiết và khẩn trương.
 
Nói tóm lại, chiếc mũ xanh da trời kêu mời, thúc giục chúng ta đi lên, mở rộng tầm nhìn, đúng như câu thơ của Thi sĩ Trụ Vũ đã diễn tả :
 
“ Bởi vì mắt thấy trời xanh,
“ Cho nên mắt cũng long lanh màu trời.
“ Bởi vì mắt thấy bể khơi,
“ Cho nên mắt cũng xa vời đại dương ”.
 
Sau cùng, với chiếc mũ màu xanh lá cây, chúng ta bắt tay vào việc, “làm nên mùa xuân” trong lòng đất nước, thực hiện những gì đã được đề xuất, thay vì chỉ hô hào, tuyên truyền láo khoét. Hơn ai hết, chính Nguyễn Trãi đã yêu cầu chúng ta, cách đây hơn năm thế kỷ :
 
“ Lấy Đại Nghĩa mà thắng hung tàn,
“ Lấy Chí Nhân mà thay cường bạo ”.
 
Nếu mỗi người trong chúng ta, ai ai cũng có khả năng sử dụng sáu chiếc mũ, để nhìn lại, ngẫm lại nguồn gốc RỒNG TIÊN của mình và dạy lại cho con cái biết làm như chúng ta, tôi chăc chắn rằng : bản thân chúng ta ĐÃ và SẼ viết được những trang sử kỳ hùng cho quê hương và anh chị em đồng bào, giống như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Hoàng hậu Ỷ Lan, cách đây hơn 10 thế kỷ.
Phần Hai
Bốn NHU CẦU sinh hoạt và Ba chiều kích làm người của chúng ta
 
Phần Hai
Dựa vào kỹ thuật « Sáu chiếc mũ » của Ed. de Bono, mỗi người có thể phát hiện trong những câu chuyện huyền sử, những hướng đi, những ý nghĩa độc đáo cho cuộc sống làm người.  Điều cốt yếu cần ghi nhận trong cách làm nầy, là chúng ta tạo ra những cơ hội, để chia sẻ với người khác những khám phá riêng tư của mình. Và đồng thời, chúng ta lắng nghe kẻ khác một cách cẩn trọng – nhất là những ai thuộc giới trẻ – khuyến khích và kêu mời họ diễn tả ý kiến của mình, cho phép họ nói về bản thân, quê hương và anh chị em đồng bào, một cách chân thành và cởi mở. Trong lòng đất nước, mỗi người trong chúng ta – bất kể là ai, thuộc thành phần nào – đều là một Thánh Gióng, hay là một Phù Đổng Thiên vương. Trước ba tuổi, chúng ta chỉ là một đứa bé khuyết tật, không biết đi, không biết nói. Nhờ bà con họ hàng cho ăn, cho mặc, cho ngựa, cho gươm, Thánh Gióng ba tuổi trở thành một chiến sĩ 30 tuổi, có khả năng lên đường, dẹp tan giặc Ân, đem lại thanh bình cho quê hương và xứ sở. Sau cuộc chiến thắng, Thánh Gióng, 30 tuổi, đã trở thành một thần linh của Đất Nước có tầm cỡ 3.000 tuổi và có khả năng tự mình bay lên trời, trở về với Mẹ Âu Cơ. Câu chuyên về Thánh Gióng được trình bày như vậy không phải là hoàn toàn hoang tưởng và bịa đặt. Trái lại, qua cách nói đầy hình tượng ấy, Tổ Tiên muốn gây ý thức rằng :  trong tâm hồn của mỗi người, có một Thánh Gióng nho nhỏ đang còn nằm ngủ, chờ đợi chúng ta đánh thức dậy, cho ăn, cho mặc  – về mặt vật chất cũng như tinh thần – để có thể đứng dậy, lên đường, nghe theo tiếng gọi của quê hương.   
Thay vì đồng hóa với Thánh Gióng, chúng ta có thể đội chiếc mũ ĐEN lên đầu, để thấy mình mang da thịt và tâm hồn của Mỵ Châu. Trong một phút giây điên dại và mất tỉnh thức, chúng ta đã tạo ra cơ hội, để cho ngoai bang phương Bắc đánh cắp chiếc nỏ thần bảo quốc mà Tổ Tiên đã trối trăng lại, từ bao nhiêu đời. Câu chuyện « Sơn Tinh và Thủy Tinh » cũng có một ý nghĩa tương tự : chính chúng ta đã tạo nên những tai ương hoạn nạn cho đất nước của chúng ta. Chúng ta làm «  gà một nhà bôi mặt đá nhau ». Ngược lại, nếu Sơn và Thủy biết chấp nhận và nhìn nhận  nhau, họ có dư thừa mọi tài năng, khả dĩ làm cho Nước Non vui hưởng thanh bình và Núi Sông trở nên thịnh vượng.
Trong khuôn khổ của phần nầy, thay vì trình bày quá nhiều chi tiết, tôi chỉ mạo muội khảo sát hai vấn đề thiết yếu được nêu ra trong câu chuyện huyền sử về nguồn gốc Rồng Tiên của người Việt Nam.
Thứ nhất, đâu là vấn đề muôn thuở, người Việt Nam phải đương đầu, nhận diện qua các thời đại khác nhau ?
Thứ hai, Tổ Tiên đề nghị cho chúng ta những phương hướng hóa giải như thế nào ?
Tất cả cốt lõi của vấn đề và phương cách giải quyết được thu tóm trong câu nói trao đổi giữa Lạc Long Quân và Bà Âu Cơ như sau : 
« Ta thuộc giống Rồng, nàng là giống Tiên, thủy hỏa khác nhau, người thích ở cạn, người ưa ở nước, tính tình đôi bên khác nhau… không cùng ở chung với nhau một nơi lâu được. Bây giờ một nửa các con theo tôi về Thủy phủ, còn một nửa thì ở lại với mẹ. Tuy đôi bên, kẻ ở rừng, người ở biển, song đến khi có việc gì, thì tin cho nhau, không được bỏ nhau ».
Sứ điệp nầy chuyển tải ở bên trong rất nhiều hình tượng, cô động lại với nhau và chồng chéo lên nhau, thậm chí mang nhiều chi tiết mâu thuẫn với nhau. Tuy nhiên, khi dùng kỹ thuật « Sáu chiếc mũ », để nghiên cứu, khảo sát và nghiền ngẫm sứ điệp ấy, chúng ta có thể khám phá ít nhất ba tầng lớp ý nghĩa sau đây :
Tầng thứ nhất, KHÁC BIỆT là nét đặc trưng nổi bật nhất của người Việt Nam. Hẳn thực, khi người Việt Nam có dịp chung sống với một người khác, điều đầu tiên được họ khẳng định một cách nhanh chóng và quyết liệt, trong mọi quan hệ tiếp xúc và trao đổi, là : Tôi khác bạn, bạn khác tôi. Chính nhờ tư cách đặc biệt nầy, người Việt Nam đã có khả năng xua đuổi quân Hán, quân Tống, quân Nguyên, quân Minh và quân Thanh ra khỏi đất nước của mình. Thêm vào đó, sau một ngàn năm bị ngoại bang đô hộ, chúng ta vẫn duy trì tiếng nói, y phục, phong tục và văn hóa độc đáo của mình. Khi khẳng định nét khác biệt như vậy, người Việt Nam khẳng định chính bản sắc hay là chân tướng của mình.
Tầng thứ hai, chính nét KHÁC BIỆT ấy cũng là đầu dây mối nhợ phát sinh mọi xung đột và hận thù, chia rẽ và chiến tranh, trong lòng quê hương đất nước. Chính vì nét khác biệt ấy, đã bao nhiêu lần, chúng ta không chấp nhận ngồi lại với nhau. Thay vào đó, chúng ta đã tạo nên những con sông Gianh, những vĩ tuyến chia cắt, trong quả tim của chúng ta.    
Tầng thứ ba, khi nào người Việt Nam thấy được nét KHÁC BIỆT ấy là một THÁCH ĐỐ kỳ hùng, một TÀI NGUYÊN  phong phú và một CƠ MAY diệu vợi, họ có thể thực hiện những kỳ công trọng đại cho đất nước và anh chị em đồng bào. Lúc bấy giờ, họ sẽ trở nên như Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo và Nguyễn Trãi… có khả năng « biến không thành có, chuyển luân Rác nuôi sống những cánh đồng, giữa sa mạc làm tuôn chảy dòng sông, trong chết chóc vun trồng hạt mầm sống ». Nói khác đi, NHỜ khác biệt, chúng ta có thể bổ túc, kiện toàn cho nhau. Làm phong phú cho nhau. Sinh thành nhau. Chúng ta trở thành « NHẤT TÂM », theo lối nói của Nguyễn Trãi, nghĩa là mang trong mình một quả tim có khả năng tác động cơ hồ trăm quả tim. Và một trăm quả tim kết hợp nhau lại làm nên một quả tim duy nhất. 
Để thu gặt những thành quả ấy, điều kiện tiên quyết là chúng ta phải hội nhập một cách nhuần nhuyễn ba bài học trên đây, trong bốn sinh hoạt khác nhau của đời sống tâm lý :
-   Sinh hoạt thứ nhất là Hành Động thực tiển : chấp nhận sự khác biệt giữa ta và người là một thực thể tất yếu. Từ đó, chúng ta cho phép kẻ khác có quyền khác chúng ta, thay vì đàn áp, thanh trừng, loại thải… thậm chí kẻ khác đó đang là một trẻ em hay là con cái của chúng ta.
-   Sinh hoạt thứ hai là phát huy một lối nhìn tích cực về người anh chị em đồng hương, đồng bào. Dù với bất cứ nét khác biệt nào, trong lãnh vực chính trị cũng như tôn giáo, họ có quyền được chúng ta lắng nghe, tìm hiểu và tôn trọng. Vì một lý do nào đó, họ có thể sai lầm, vi phạm những hành vi bán nước hại dân. Nhưng chúng ta không có quyền truất phế phẩm giá làm người của họ. Nói theo ngôn ngữ của tổ tiên và cha ông chúng ta, họ vẫn « mang dòng máu RỒNG TIÊN trong huyết quản ».
-   Sinh hoạt thứ ba là tìm mọi cách sẵn có trong tầm tay, để hóa giải và chuyển biến những xúc động đau buồn và tiêu cực, đang thúc ép, cưỡng chế chúng ta  dấn bước vào con đường bạo động, hận thù, chia rẽ và chiến tranh.
-   Sinh hoạt thứ tư là học tập, tôi luyện những quan hệ hài hòa, lúc tiếp xúc và trao đổi. Chúng ta chọn lựa con đường giáo dục và đối thoại, thay vì thanh trừng, đe dọa, đàn áp, thủ tiêu và ám sát, khi có người không đồng ý với chúng ta. Con đường giáo dục và đối thoại nầy phải bắt đầu được sử dụng trong khuôn khổ gia đình, giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái, mới có thể trở nên một phương thức hành động hữu hiệu trong địa hạt xã hội, chính trị và phục vụ đất nước. Nói tóm lại, trong lòng đất nước và quê hương, không có kẻ thắng người thua. Không có chủ ông và người nô lệ. Chúng ta là anh chị em. Khi hai người Việt Nam hợp tác với nhau, họ có khả năng làm nên Đại dương bao la và Bầu Trời cao cả.
Đó là bốn con đường thể hiện bản sắc « Làm con Rồng cháu Tiên » của chúng ta. Không làm và sống như vậy, chúng ta chỉ là con nộm đa ngôn, hay là con vẹt lặp lại lời nói của người khác, mà không biết mình đang nói gì, không ý thức mình là ai.
***
Xuyên qua tất cả những phân tích và nhận định trên đây, khi chúng ta nhắc lại hay nhớ lại nguồn gốc Rồng Tiên của chúng ta, chúng ta không chỉ làm công việc hồi tưởng một quá khứ xa xưa mà thôi. Chúng ta còn có bổn phận trở về với chính mình, bằng cách chuyển biến sứ điệp của Tổ Tiên thành hiện thực hay là thực tế « ở đây và bây giờ », trong chính con người xương máu của chúng ta.
Nói theo ngôn ngữ của tác giả E. Berne, chúng ta đang thể hiện ba chiều kích kết tạo nên bản sắc của con người chúng ta :
Thứ nhất là chiều dọc : Mỗi người trong chúng ta vừa là đứa con đang thừa kế từ Tổ Tiên một gia tài phong phú. Đó là một giang sơn gấm vóc chạy dài từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau. Đồng thời, chúng ta cũng là người cha mẹ, có bổn phận trối trăng lại cho các thế hệ sau này, một quê hương toàn vẹn và một nền văn hóa đặt nền móng trên Tình Thương, Thứ Tha và Lòng Bao dung. Không nhớ kẻ trồng cây, lúc ăn quả, và không tiếp tục mở mang những vườn cây mới, liệu chúng ta còn là những người có tinh thần trách nhiệm không ? 
Thứ hai là chiều ngang : Chúng ta tất cả đều là anh chị em cùng sinh ra từ một cha và một mẹ, là Lạc Long Quân và Bà Âu Cơ. Cho nên “Đồng Hành và Chia sẻ” là con đường tất yếu, chúng ta cần xây đắp và can đảm dấn bước mỗi ngày, cùng với anh chị em đồng bào trên khắp mọi nẻo đường của quê hương.  
Thứ ba là chiều sâu của nội tâm : Hai chất liệu kết tạo nên tâm hồn của người Việt Nam, theo truyền thống Rồng Tiên, là Trọng Đại, Cao Cả như Bầu Trời của Bà Âu Cơ, và Bao Dung, Cởi Mở, Đón Nhận mọi người trong lòng Đại Dương bao la giống như Lạc Long Quân. Hơn ai hết, chính Nguyễn Trãi đã nhận thức được chiều sâu nầy, trong lời dạy sau đây:
“ Mở rộng cửa NHÂN, mời khách đến,
  Vun trồng cây ĐỨC, nuôi con ăn ”.
Trong tinh thần và ý nghĩa ấy, chúng ta hãy lắng nghe một cách cẩn trọng và đón nhận làm của mình những lời trăn trối sau đây của Tổ Tiên và Cha Ông chúng ta:
Con hãy lấy Hạnh của Đất mà sống : Bị người người khạc nhổ, nhưng vẫn kết sinh hoa lợi, cho người người ấm no.
Con hãy lấy Hạnh của Nước mà sống : Chấp nhận mang vào mình vết nhơ của bao nhiêu bàn tay, để đem về tẩy luyện trong lòng Biển Mặn.
Con hãy lấy Hạnh của Khí mà sống : Đi vào bên trong lòng mỗi người, để mang dưỡng sinh cho từng tế bào, từng hạt máu, không quên sót một ai.
Con hãy lấy Hạnh của Trời mà sống : Ở trên cao thật cao. Nhưng đồng thời, ở dưới thấp thật thấp. Không có Trời, Con không có chi hết. Nhưng Trời cũng không có chi hết. Trống Không.
Con hãy lấy Hạnh của Lửa mà sống : Ai ấm áp cho bằng Lửa ? Nhưng ai khinh thường Lửa, tự khắc người ấy rước họa vào mình. Lửa không phải là Trời. Nhưng Lửa thay thế Trời, khi Con ở trong đêm tối, và trải qua những ngày đông lạnh lẽo.
Con hãy lấy Hạnh của Đêm mà sống : Nhờ Đêm, một ngày mới bắt đầu trở lại, sau khi nhọc lụy được giấc mơ ủi an, ấp ủ và chuyển hóa. Nhờ Đêm, mắt Con mới thấy được rằng : Tên Con đã được viết sẵn, bằng ánh sao lấp lánh, giữa Đại Dương Ngân Hà của Vũ Trụ.
 
Sách tham khảo
1.  Ed. DE BONO – Six thinking hats – Penguin Books, London 1986.
2.  HOÀNG TRỌNG MIÊN – Việt Nam Văn Học toàn thư : Thần thoại và Cổ tích – Tiếng Đông Phương, Saigon 1973.
3.  NGUYỄN ĐĂNG TRÚC – Bách Nam là Thủy Tổ của Bách Việt – TT Nguyễn Trường Tộ, 1998.
4.  TRẦN TRỌNG KIM – Việt Nam sử lược – Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội 1999.
5.  MỘT NHÓM GÍAO SƯ – Việt Sử – Inst. De l’Asie du Sud-Est Paris, 1983, tome 1 và 2.
6.  NGUYỄN VĂN THÀNH – Phát Huy Nhân Lực – Tủ Sách Tình Người, Lausanne 1998.
7.  NGUYỄN VĂN THÀNH – Nguyễn Trãi – Định Hướng 2001.
8.  E. BERNE – Analyse transactionnelle et Psychothérapie  – PB Payot, Paris 1971.
9.  NGUYỄN VĂN THÀNH –  Sơn Tinh và Thủy Tinh : Hai con đường, MỘT Nước Non – Tình Người, Lausanne 2003.
 
 
Chương Hai
 
Khi Mặt Hồ nổi sóng, Thần Kim Qui xuất hiện
 
Trong kho tàng Huyền Sử Việt Nam, hình tượng « Thần Kim Qui » xuất hiện nhiều lần, xuyên qua nhiều câu chuyện khác nhau :
-   Lần thứ nhất, với danh hiệu là sứ giả Thanh Giang – xuất phát từ Dòng Sông Xanh – Thần đã hiện ra, giúp Vua An Dương Vương xây dựng Đền Tháp Cổ Loa [1].
-   Lần thứ hai, sau khi hoàn tất công trình xây cất, Thần lại hiện nguyên hình là con rùa vàng rất lớn. Thần rút một cái móng chân của mình, trao cho Vua An Dương Vương, và dặn rằng : « Nhà Vua giữ lấy móng chân nầy để làm lẫy nỏ. Khi có giặc, hãy đem ra bắn. Mỗi một phát có thể tiêu diệt được hằng nghìn quân giặc» [2] .
-   Lần thứ ba, sự việc xảy ra, sau khi Trọng Thủy, con trai của Triệu Đà, đã dùng kế cầu hôn, để đánh cắp chiếc nỏ thần đem về Tàu. Nhờ đó, Phương Bắc lập tức xua quân sang chiếm cứ Nước Âu Lạc. Nhận thấy phương tiện đề phòng thành lũy đã trở thành vô hiệu, Vua An Dương Vương vội vàng lên ngựa, đèo sau lưng đứa con gái của mình là Mỵ Châu, trốn thoát ra ngoài, bằng cửa sau. Trên đường chạy loạn, Vua An Dương Vương đã mở lời khấn vái, cầu xin trời đất phù hộ. Thần Kim Qui lại xuất hiện và bảo Nhà Vua rằng :     « Giặc ở đằng sau lưng ». Vua An Dương Vương giật mình, rút thanh gươm chém Mỵ Châu, rồi nhảy xuống biển tự vẫn [3].
-   Từ lần thứ tư trở lui, dưới hai triều Lý và Lê, sau khi đã hoàn tất công việc bình định đất nước Đại Việt, ở phía bắc cũng như ở phía nam, các Nhà Vua thường lập đàn tế thần trên Hồ Tây ở Thăng Long. Mỗi lần có những cuộc lễ như vậy, Thần Kim Qui đều hiện ra và thu hồi chiếc gươm « bảo quốc », mà Thần đã trao ban cho các ngài, trước khi họ lên đường dẹp loạn [4]. Chính vì lý do nầy, Hồ Tây còn mang một danh hiệu khác là Hồ Gươm hay là Hồ Hoàn Kiếm có nghĩa là Nơi Hoàn Trả Thanh Gươm Cứu Nước cho Thần Kim Qui.    
Mỗi câu chuyện Huyền sử, vừa được kể lại như vậy, cơ hồ một giấc chiêm bao hiện về vào lúc ban đêm, chỉ trình bày cho chúng ta một vài đường nét chấm phá hay là một vài tin tức rất thô thiển và mơ hồ. Dựa vào đó, làm sao chúng ta có thể giải đáp một cách rốt ráo, những thắc mắc chính đáng và quan trọng do những câu chuyện nêu lên ?
-   Thứ nhất, Thần Kim Qui là ai, mang ý nghĩa gì, trong lòng Đất Nước Việt Nam xưa và nay ? Tại sao Thần xuất hiện dưới hình hài của một con rùa vàng ? Nguồn gốc của Thần là nơi đâu ?
-   Thứ hai, vai trò của Thần là gì, trong môi trường sinh hoạt hằng ngày của chúng ta ?
-   Thứ ba, qua những câu chuyện Huyền sử, được kể lại đó đây về Thần Kim Qui, Tổ Tiên và Cha Ông muốn  trao gửi cho chúng ta những sứ điệp quan trọng như thế nào ?
Nhằm tháo mở và soi sáng những loại vấn đề như vậy, chương nầy sẽ lần lượt khảo sát và trình bày những đề mục sau đây:
-   Trong phần Một,  Phân Tâm Học của Freud đề nghị cho chúng ta những chìa khóa nào, có hiệu năng « THUYÊN GIẢI » những giấc mơ, trong đời sống cá nhân của mỗi người, cũng như những câu chuyện Huyền sử có liên hệ đến vận mệnh của cả một dân tộc ?
-   Trong phần Hai, làm sao chúng ta có thể xác định nguồn gốc của Thần Kim Qui : Thần đến từ nơi đâu ? Thần đi về chỗ nào, sau khi hoàn thành nhiệm vụ của mình ? Nói cách khác, Thần Kim Qui là ai, đối với chúng ta ? Giữa Thần và những ai mang trong mình dòng máu Rồng Tiên, có những quan hệ như thế nào ?
-   Trong phần Ba, chiếc Nỏ Thần hay là Thanh Kiếm của Thần Kim Qui có chức năng và phần vụ nào,  trong đời sống hằng ngày của mỗi người ?
-   Trong phần Bốn, kỹ năng « Luyện Vàng » mà Thần Kim Qui trao gửi cho chúng ta, bao gồm những bước đi lên như thế nào, trên tiến trình hóa giải những tâm trạng lo âu, khắc khoải và khổ đau đang khống chế bản thân và cuộc đời ?
 
Phần Một 
Phương Pháp THUYÊN GIẢI
những câu chuyện Huyền sử,theo Phân Tâm Học[5]
 
Trong cuộc sống hằng ngày, khi chúng ta có những vấn đề như đau đầu, khó tiêu hóa, nhức mỏi, bần thần trong cơ thể... chúng ta có xu thế coi thường, xem như không có, hay là cố tình dồn nén, dìm xuống trong đáy sâu của quên lãng và vô thức, những tình huống hay là hiện tượng ấy. Chúng ta lầm tưởng rằng : những vấn đề có mặt trong cuộc sống cũng giống như những đám mây đen trên bầu trời, đã tình cờ xuất hiện và rồi sẽ tình cờ biến đi, không chờ đợi, đòi hỏi chúng ta đưa ra những quyết định chuyển hóa thích ứng và sáng suốt. Tình trạng này kéo dài cho đến một hôm sẽ trở nên nghiêm trọng và tràn ngập. Lúc bấy giờ, không còn có một lối giải quyết nào hữu hiệu, khả dĩ giúp chúng ta trở về với tình trạng sức khỏe lúc ban đầu.
Đối với những giấc chiêm bao hay là những câu chuyện Huyền sử, chúng ta cũng thường nuôi dưỡng những thái độ tương tự như vậy. Chúng ta xem đó là những mẫu chuyện hoang đường, bịa đặt, dành cho trẻ con. Vừa nghe xong, chúng ta đã bỏ qua, lãng quên, KHÔNG tôn trọng, lắng nghe, tìm hiểu một cách đứng đắn và nghiêm chỉnh. Cho nên, những vấn đề xảy ra trong lòng cuộc sống, vẫn luôn luôn tồn tại, từ thế hệ nầy qua thế hệ khác. Chẳng hạn, vì không biết rút tỉa và chắt lọc những bài học làm người, từ câu chuyện Huyền sử Sơn Tinh và Thủy Tinh, cho nên trong « suốt bốn nghìn năm văn hiến », chúng ta mãi hoài làm « gà một nhà bôi mặt đá nhau ». Từ kiếp nầy qua kiếp nọ, chúng ta luôn luôn vòng vo luẩn quẩn trong khô đau, hận thù, bạo động, thanh trừng và đổ máu...
Cũng vậy, vì không biết lắng nghe Thần Kim Qui, từ đời An Dương Vương cho đến ngày hôm nay, thuộc thời đại Nghìn Năm Thứ Ba, chúng ta vẫn chưa có kế sách xây dựng MỘT ĐỀN THÁP CỔ LOA kiên cường và bất diệt, trong lòng Đất Nước và trong tâm hồn của mỗi người.
Những con yêu tinh ma quái vẫn còn ngang tàng ngự trị và lan tràn khắp mọi nơi, trên mỗi nẻo đường của Quê Hương, Đất Nước, giống như vào thời nguyên thủy của Lạc Long Quân :
-   Hồ Tinh, với những chiêu bài « yêu Nước, thương dân », đang chà đạp và ức hiếp con Hồng cháu Lạc, nhất là những người anh chị em ngày ngày lam lũ trên những cánh đồng của cả ba miền Đất Nước. Hối lộ, tham tàn, mua chức, bán tước... đang len lỏi, nằm vùng, trong mọi quan hệ giữa người với người...
-   Mộc Tinh đang làm cho con cháu chúng ta càng ngày càng trở nên vong thân, vong bản, với những loại văn hóa lai căng, mất gốc, nhập khẩu từ Nga, Tàu, Mỹ và Pháp... trước khi chưa được một ai tìm cách tiêu hóa, hội nhập, biến thành của ăn nuôi sống anh chị em đồng bào.
-   Ngư Tinh đang đầu độc giới trẻ, với những chất liệu xi-đa, xì ke, ma túy, phòng trà, cà phê ôm... và bao nhiêu tệ hại buôn bán chữ nghĩa, bằng cấp, tiểu luận ra trường, ở mọi cấp bậc trung học cũng như Đại học.
-   Sơn Tinh và Thủy Tinh đang phân chia và xếp hàng dân tộc thành hai phe, hai chiến tuyến trắng đen rõ rệt... bằng cách ngày ngày lải nhải những khẩu hiệu nặc mùi hận thù, kỳ thị, bạo động như  «  Tao hơn, mày thua, Tao yêu Nước, mày bán Nước, Tao chánh, mày tà... ».
Những khổ đau lai láng, tràn trề ấy phải chăng đang có khả năng làm nên một tiếng còi báo động, để mỗi người trong chúng ta biết « tri chỉ », dừng lại, cùng ngồi lại với nhau, lắng nghe nhau? Phải chăng hôm nay đã là thời điểm thuận lợi, khả dĩ thúc giục chúng ta tìm hiểu những câu chuyện Huyền sử, do Tổ Tiên trối trăng lại, từ những ngày xa xưa ? Chúng ta hãy cùng nhau chắt lọc những bài học cho mình và cho đời. Cho tiền đồ của Quê Hương và con cháu của chúng ta. Một cách đặc biệt, chúng ta hãy đánh thức và thắp sáng trở lại ngọn đèn lương tri của Dân tộc Việt Nam : Đó là Tiếng Nói của Thần Kim Qui đang có mặt và thầm thì, trong cõi lòng của mỗi người.  
Để có khả năng thuyên giải những sứ điệp, mà Thần đã chia sẻ cho chúng ta, nghĩa là tìm ra những đường hướng xây dựng Quê Hương và cuộc đời làm người, chúng ta hãy sử dụng những chìa khóa, mà Freud đã đề xuất, khi sáng tạo Khoa Phân Tâm Học, vào đầu Thế Kỷ 2O.
 
Chìa khóa thứ nhất là ngôn ngữ hình tượng, không lời
Cũng giống như trong giấc chiêm bao, mỗi câu chuyện Huyền sử chỉ trình bày cho chúng ta những hình ảnh tiếp nối với nhau. Theo thuật ngữ của Tâm lý đương đại, đó là một loại ngôn ngữ hình tượng, không lời. Chúng ta chỉ thấy những hình ảnh diễn biến và di động trước mắt chúng ta, cơ hồ từ trên một ngọn đồi nhìn xuống, chúng ta đang chứng kiến trước mắt, quang cảnh một ngày làm việc của người nông dân, giữa một cánh đồng bao la, bát ngát. Hai người cùng đứng nhìn với nhau, có thể ghi nhận hai bức tranh hoàn toàn khác nhau.
Cho nên, khi kể lại một giấc chiêm bao, cũng như khi chia sẻ một câu chuyện Huyền sử, mỗi người trong chúng ta đã « thêm mắm, thêm muối, thêm chanh, thêm đường » có sẵn trong kho tàng tâm hồn và kinh nghiệm riêng tư của mình.
Một cách cụ thể, trong những câu chuyện về Thần Kim Qui, nhiều người đã gán cho Thần những câu nói, những nhận xét, những lời phát biểu, những cách đánh giá, thậm chí những ý đồ và tác phong bạo động... Nhưng thực ra, chính cá nhân chúng ta đề xuất những ý nghĩa chủ quan ấy, tùy vào tâm trạng vui buồn, hạnh phúc hay khổ đau hiện tại của chúng ta, cũng như tùy vào bao nhiêu tin tưởng, tập tục và kinh nghiệm, mà chúng ta đã tiếp thu, ghi nhận suốt thời kỳ thơ ấu.
Nói khác đi, khi kể lại một câu chuyện huyền sử, dù muốn dù không, mỗi người đã bắt đầu THUYÊN GIẢI, nghĩa là gán vào đó những ý nghĩa chủ quan, do chính họ sáng tạo, với bao nhiêu nguyên liệu có sẵn trong cuộc đời làm người. Mỗi hình tượng không bao giờ CHỈ có một ý nghĩa. Cho nên, hình tượng là một loại ngôn ngữ đa năng, đa diện, cưu mang nhiều ý nghĩa cùng một lúc. Ngôn ngữ độc lộ, trái lại, được chúng ta sử dụng trong những quan hệ trao đổi hằng ngày, thường thường chỉ có một ý nghĩa mà thôi.
Trong tinh thần và ý nghĩa ấy, Huyền sử không phải là sở hữu riêng tư của một người. Trái lại, đó là gia bảo của tất cả những ai mang trong mình dòng máu Rồng Tiên. Cho nên, mỗi câu chuyện phải được trình bày, kể ra và chia sẻ với anh chị em từ đời nầy qua đời khác. Nói khác đi, mỗi câu chuyện Huyền sử bao gồm ba loại câu chuyện khác nhau :
 - câu chuyện của TÔI,
 - câu chuyện của BẠN, là người đang nói chuyện với tôi,
 - và câu chuyện của CHÚNG TA, trong đó có ít nhất hai ba người đang cùng nhau ĐI chung một con đường. Đang cùng nhau chọn lựa và quyết định một thực tế hoặc thực tại sinh sống. Và nhất là đang cùng nhau chia sẻ một mối tình yêu thương và gắn bó. ĐANG LÀM NÊN và TRỰC THUỘC MỘT QUÊ HƯƠNG. Nhờ vào quan hệ gắn bó nầy, hai chúng ta - Tôi và Bạn - đang THƯƠNG nhau khi gần nhau, và NHỚ nhau khi xa nhau. Chính mối tình thương nhớ nầy làm cho chúng ta CÓ MẶT với nhau, thậm chí cả những lúc chúng ta VẮNG MẶT. Nói một cách vắn gọn, trong giai đoạn và câu chuyện CHÚNG TA, thực tại và ý nghĩa chủ quan hẹp hòi, một chiều... nhường bước cho ý nghĩa liên chủ quan càng ngày càng mở rộng trong nhiều chiều kích và đường hướng. Cái Tôi ích kỷ, nhỏ bé[6] từ từ biến tan, nhường chỗ, nhường lời cho cái Chúng Ta cao cả và trọng đại, vượt ra ngoài mọi biên cương, bờ cõi của cá nhân chủ nghĩa.
Trong những câu chuyện Huyền sử, những lối nói như Trời và Đại dương, diễn tả con đường thuyên giải mở rộng, vượt ra ngoài mọi biên cương, giới hạn chủ quan ấy. Phải chăng Thần Kim Qui luôn luôn xuất phát từ lòng Đại dương và trở về trong lòng Đại dương, mỗi lần được con cháu Lạc Hồng khấn vái kêu cầu, trong một tình huống khẩn trương và nghiêm trọng ? Thêm vào đó, Trời và Đại Dương không phải là những thực tại Ở TRÊN hay là Ở NGOÀI. Những thực tại bao la, kỳ hùng nầy đang có mặt TRONG tâm hồn của mỗi người Việt Nam, vì họ mang dòng máu Rồng Tiên trong huyết quản.
***
Chìa khóa thứ hai là ba cơ chế kết cấu và hình thành, có mặt trong mỗi hình tượng của câu chuyện Huyền sử
Mỗi hình tượng như Con Rùa Vàng, Đền Tháp Cổ Loa... cưu mang và tập trung trong mình, nhiều hình ảnh và ý nghĩa, có khi rất khác biệt và mâu thuẫn với nhau. Đó là cơ chế Cô Đọng. Chẳng hạn, cái MU trên lưng của Thần Kim Qui vừa tượng trưng Bầu Trời luôn luôn có mặt, trong đời sống và quả tim của Thần. Cái MU ấy cũng là dấu hiệu bên ngoài diễn tả hai loại quan hệ trực thuộc và máu mủ giữa con người của Thần và Mẹ Âu Cơ.  
Thêm vào đó, khi cưu mang Trời trong quả tim và cuộc đời, giống như Thần Kim Qui, chúng ta sẽ có hai khả năng « làm người » : một là chuyển hóa mọi yêu tinh ma quái đang tung hoành ngang dọc, trong đời sống xúc động và tình cảm của chúng ta. Khả năng thứ hai là xây dựng Ngôi Nhà Tâm linh, giống như Đền Tháp Cổ Loa, trên mỗi chặng đường tiến hóa của Quê Hương. Ngược lại, khi không có Trời, trong lối nhìn và quả tim, chúng ta sẽ làm cho Đất Nước lạc hậu, thoái trào, trở lui với thời kỳ đồ đá. Không cưu mang Trời trong lòng, chúng ta sẽ hối lộ, tham tàn, ức hiếp anh chị em đồng bào. Hay là chúng ta bán đứng Quê Hưông cho ngoại bang, để lãnh nhận áo quần, vàng bạc, đô la, chức tước, súng ống, bom đạn, kèm theo những tước hiệu đánh giá như « côn đồ, mất dạy, thiếu lương tâm », từ miệng lưỡi của những người đã thực dân và sử dụng chúng ta như con múa rối, trên chính trường quốc tế.  
Cơ chế thứ hai, được sử dụng trong ngôn ngữ hình tượng là DỜI CHỖ. Ý nghĩa có mặt trong hình ảnh nầy được di chuyển qua chỗ khác, áp dụng cho một hình ảnh khác. Chẳng hạn Vàng là một kim loại quí giá và được trọng dụng, trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Ngoài ra, màu vàng trong truyền thống văn hóa của Việt Nam là màu của Trời. Màu của Ánh Sáng. Màu của Nguồn Gốc Sự Sống. Màu của Thời đại Hoàng Kim an bình và thịnh vượng.   
Trong tinh thần và lăng kính ấy, Con Rùa Vàng hay là Thần Kim Qui không phải là ai xa lạ hay là một tin tưởng dị đoan, một hình ảnh hoang tưởng bịa đặt. Đó là hình tượng của một con người đích thực. Đó cũng là một viễn tượng kỳ hùng, một lý tưởng cao đẹp, để kêu mời chúng ta cần vươn tới.
Hẳn thực, khi mỗi người trong chúng ta sống thức tỉnh và ý thức mình đang mang dòng máu của Âu Cơ và Lạc Long Quân, tự khắc chúng ta động viên mình để vươn tới. Chúng ta hóa thân thành Thần Kim Qui, mang Bầu Trời trong tâm hồn và cuộc đời. Đồng thời, chúng ta có khả năng bơi lội trong Dòng Sông Xanh phản chiếu bầu trời,  hay là trong lòng Đại Dương bao la, hùng vĩ... 
Trong đời sống nội tâm, Trời tượng trưng cho Lối Nhìn của Tư Duy có khả năng soi sáng con đường tìm sự thật, khám phá lẽ phải. Nước, dòng sông hay Đại Dương, trái lại, tượng trưng cho đời sống Xúc Động và Tình Cảm. Chính vì lý do nầy, khi làm chủ hay là hóa giải được đời sống tình cảm, giống như Lạc Long Quân và Thần Kim Qui, chúng ta có khả năng làm nơi nương tựa an toàn cho anh chị em đồng bào. Trái lại, khi bị tràn ngập và tê liệt, trong đời sống xúc động và tình cảm, chính chúng ta sẽ trở nên những ngư tinh, mộc tinh và hồ tinh gây tai ương, hoạn nạn cho mọi người, thậm chí cho những ai mà chúng ta có trách nhiệm nuôi dưỡng, phục vụ, nâng đỡ và hướng dẫn...
Cũng vậy, khi nói đến nỏ thần, hay là thanh kiếm cứu nước, cứu nhà... một cách hình tượng, Huyền sử đã nói đến những khả năng khám phá sự thật và chuyển hóa những khổ đau, trong lòng cuộc đời. Thiếu những kỹ năng nầy, làm sao chúng ta xây dựng Quê Hương, phục vụ anh chị em đồng bào ?
Ngoài hai cơ chế Cô Đọng và Dời Chỗ vừa được trình bày và giải thích, một cơ chế quan trọng thứ ba là Diễn Kịch một cách câm điếc, còn mang tên là Diễn Xuất vô ngôn, không lời. Trong lịch sử của Đất Nước Việt Nam, những thiền sư hay là những nhân vật kỳ lạ mang tên là Ông Trạng thường sử dụng những cách diễn tả không lời nầy. Họ chỉ làm một bộ điệu hay một tác phong bên ngoài, khi có người đến trình bày một vấn đề hay là thỉnh cầu một lời khuyên bảo.
Chẳng hạn, trên đường chạy trốn, Vua An Dương mở lời khấn vái, cầu Trời. Và Thần Kim Qui đã xuất hiện, đứng đối diện với Nhà Vua, không nói, đưa tay chỉ ra đằng trước, hướng về Nhà Vua.
Tức thì sau đó, trong một tình huống hoảng loạn, lo sợ, nghi kỵ, Nhà vua đã sử dụng bạo động với đứa con gái của mình là Mỵ Châu. Ở giữa tình huống bị khổ đau tràn ngập và khống chế tâm hồn, Vua An Dương Vương cũng như chúng ta, có khuynh hướng phản ứng bốc đồng, máy móc, tự động, tuân theo những sức thúc ép của Vô thức, như tố cáo, tìm nạn nhân, qui lỗi, trừng phạt, loại trừ...
Trong câu chuyện Huyền sử, cũng giống như trong một giấc chiêm bao, những nhân vật chỉ diễn xuất. Sau nầy, khi viết lại thành văn bản, các tác giả đã đưa ra những lối thuyên giải riêng tư của mình. Và khi giết đứa con thân yêu của mình, Vua An Dương cũng đã thuyên giải cử chỉ của Thần Kim Qui, theo tâm trạng và lối nhìn của một người đang đánh mất tâm hồn an lạc.
Tôi không phải là tên phù thủy toàn năng, để tự cho mình có khả năng xác định ý nghĩa đích thực trong cử chỉ của Thần Kim Qui lúc ấy. Tôi chỉ khiêm cung đưa ra những câu hỏi gợi ý:        
-   Việc gì sẽ xảy ra, nếu Vua An Dương thay đổi lộ trình, trở lui Đằng Sau, để đối đầu với Trọng Thủy, đứa con rể của mình, sau phút gặp gỡ với Thần Kim Qui ? Chắc hẳn, khi gặp lại được Mỵ Châu trên đường tìm kiếm, Trọng Thủy sẽ không tự tử, như đã xảy ra trong thực tế của câu chuyện.
-   Việc gì sẽ xảy ra, nếu Vua An Dương Vương thuyên giải cử chỉ của Thần Kim Qui, như một lối gợi ý « Hãy nhìn chính mình » ? Hẳn thực, khi có một sự việc xảy ra, tất cả những người có mặt trong cuộc, đều đồng trách nhiệm, trong đó có Vua An Dương Vương.
-   Việc gì sẽ xảy ra, nếu chính Vua An Dương Vương đảm nhận trách nhiệm của mình, không lơ là, xao lãng, bỏ bê khả năng thức tỉnh và tin vào kẻ khác, một cách vô điều kiện, để rồi Trọng Thủy đã có cơ hội đánh cắp chiếc nỏ thần ?
-   Sau cùng, việc gì sẽ xảy ra, nếu chính khi Thần Kim Qui làm cử điệu « chỉ tay về phía Nhà Vua », thay vì có phản ứng bạo động bốc đồng bột phát, Vua An Dương Vương dừng lại suy nghĩ và hỏi Thần :  « Vậy, kính thưa Thần, Trẫm phải làm gì cụ thể ? ». Trước đây, Vua đã hỏi Thần một cách cặn kẻ về việc xây đắp Đền Tháp Cổ Loa, và Thần đã trả lời. Hôm nay, trước một tình thế mới, chắc hẳn Thần cũng sẽ trả lời, hướng dẫn, soi sáng... với tất cả tấm lòng, như trước đây.
Tất cả bao nhiêu nhận xét ấy muốn nhấn mạnh một ý nghĩa, do câu chuyện Huyền sử đề xuất : Thần Kim Qui đang có mặt trong tâm hồn của chúng ta. Nếu chúng ta gọi, Thần sẽ xuất hiện. Nếu chúng ta hỏi, Thần sẽ trả lời. Nếu chúng ta trình bày nhu cầu, Thần sẽ đáp ứng. Thần Kim Qui không phải là ai khác, ngoài con người thức tỉnh, có khả năng nhìn thấu suốt, với trăm con mắt, đang hiện diện trong chúng ta, với chúng ta. Thần là Biển. Thần là Trời. Thần là người bạn. Và Thần cũng là Vị Thầy, nếu chúng ta muốn học. Thần là Ánh Sáng, nếu chúng ta muốn tìm con đường giải thoát.  
« Hãy gọi Biển về, lòng ai thao thức sóng vỗ.
« Hãy lắng nghe Trời, khi cuộc đời đầy giông tố.
« Giữa bão táp, hồn Đại Dương vẫn lặng.
« Ngày sương mù, lòng Trời cao cứ nắng ».
 
Chìa khóa thứ ba là BA CHUẨN MỰC, trong vấn đề thuyên giải những câu chuyện Huyền sử.
Trong nhiều tác phẩm đã được xuất bản, từ năm 1994,[7] như « Khung Trời Mở Rộng , Đồng Cảm để Đồng Hành, Sơn Tinh và Thủy Tinh : hai con đường, một Nước Non »... tôi đã trình bày ba tiêu chuẩn hay là ba chuẩn mực do Phân Tâm Học đề nghị, nhằm thuyên giải mọi giấc chiêm bao hay là những câu chuyện Huyền sử.
- Chuẩn mực thứ nhất là EROS, Tình Thương Vô Điều Kiện trong lối nhìn về mình và về người khác.
- Chuẩn mực thứ hai là ANANKÉ, Thực tế tất yếu là qui luật, là con đường cần khám phá và noi theo, mỗi khi chúng ta cần đánh giá một hoàn cảnh, một tình huống.
- Chuẩn mực thứ ba là THANATOS, từ bỏ những con đường vong thân vong bản, sau khi đã chọn lựa con đường tất yếu kết dệt bằng Tình Anh Em đồng bào, Tình Nước tình Non.

Đó là những tiêu chuẩn của câu chuyện CHÚNG TA      - mà tôi đã nói tới trên đây - có khả năng nối kết những chủ thể biết ngồi lại với nhau, lắng nghe nhau, tìm hiểu nhau và đồng cảm với nhau, để có thể đồng hành, trên những nẻo đường xuôi ngược của Quê Hương. Nói khác đi, khi đã chọn lựa con đường Yêu Thương, chúng ta không còn lo sợ. Con đường tất yếu của những ai mang dòng máu Rồng Tiên là cùng nhau xây dựng những quan hệ hài hòa và bổ túc « Tôi thắng, Bạn thắng, Chúng Ta cùng thắng với nhau. Chúng ta sinh thành, xây dựng, nuôi dưỡng nhau ». Và khi đã NHẤT TÂM, một lòng như vậy, chúng ta không thể không từ bỏ những tư duy độc lộ, những lối nhìn một chiều, những quan hệ thống trị Tao hơn-Mày thua.


[1] THÁI ĐẮC XUÂN - 100 Truyện cổ tích Việt Nam - Nhà Xb Hà Nội, 2000, tr. 383 số 82.
[2] Sđd tr. 386.
[3] Sđd tr. 63 số 13.
[4] FERAY YVELINE  - Vạn Xuân -  dịch giả : NGUYỄN KHẮC DƯƠNG - Nhà Xb Văn Học và Sudestasie 1996, tr. 1000.
[5] NGUYỄN VĂN THÀNH - Đường vào Nội Tâm, với Phân Tâm Học - Lausanne, Tình Người 1997.
[6] "Cái tôi nhỏ bé, hẹp hòi và thiển cận, chỉ phản ứng" ngược lại với "cái Bản Thể cao cả, đại lượng, biết nhìn xa thấy rộng và sáng tạo". Bên này là "the Ego" trong tiếng Anh, và bên kia là "the Self", trong tiến trình làm người, từ giai đoạn lệ thuộc, ấu trĩ đến giai đoạn trưởng thành, có tinh thần liên đới, đồng trách nhiệm với tha nhân
[7] NGUYÊN VĂN THÀNH
-  Khung Trời Mở Rộng - Lausanne, Tình Người, 2000.
-  Đồng Cảm để Đồng Hành - Lausanne, Tình Người, 2003.
- Sơn Tinh và Thủy Tinh : hai con đường, MỘT Nước Non - Lausanne, Tình Người, 2003.
Phần Hai 
Thần Kim Qui là ai ?
Trong phần vừa qua, tôi đã dựa vào phương pháp Phân Tâm Học, để thuyên giải một số yếu tố trong các câu chuyện Huyền sử. Xuyên qua tất cả những nhận định đã được khám phá và trình bày, Nhân Vật Thần Kim Qui cưu mang trong mình những tư cách và đặc điểm quan trọng sau đây :
-   Thứ nhất : Thần Kim Qui luôn luôn có mặt và xuất hiện, trong mọi tình huống của cuộc đời, mỗi lần chúng ta biết dừng lại, gọi Thần trở về.
-   Thứ hai : Nơi xuất phát của Thần là Dòng Sông Xanh hay là Biển Cả bao la, không bến bờ. Đó cũng là quê hương muôn thuở của Lạc Long Quân, Người Cha của toàn thể con Hồng cháu Lạc. Thần là sứ giả được sai phái, mỗi lần chúng ta lâm nguy, cần cứu giúp.
-   Thứ ba : Mỗi lần đến thăm viếng chúng ta, hành trang Thần mang theo trên mình, là Bầu Trời của Mẹ Âu Cơ. Thần đến, để che chở, đùm bọc. Nhưng đồng thời, Thần cũng có phần vụ soi sáng, chỉ đường, để chúng ta biết mở mắt để nhìn, mở tai để nghe, mở lòng để đón nhận, chuẩn bị hai chân để bước tới, giăng hai tay để đón nhận, tha thứ. Thiếu Bầu Trời trong cuộc đời và tâm hồn, chúng ta sẽ có xu thế thao tác bạo hành và bạo động trên bản thân mình hay là trên cơ thể của người khác. Phải chăng đó là con đường tất yếu - là Ananké - của những ai mang dòng máu Rồng Tiên trong huyết quản, giống như Thần Kim Qui ?
-   Thứ bốn : Với một ngôn ngữ không lời như « đưa tay chỉ vào quả tim của Vua An Dương Vương », Thần kêu mời mỗi người trong chúng ta hãy nhìn vào tấm lòng của mình. Đó là nơi xuất phát của mọi chương trình, mọi dự phóng, mọi kế hoạch, mọi toan tính. Trời của Bà Âu Cơ và Đại Dương của Lạc Long Quân đang có mặt ở đó. Cho nên mọi con đường, chúng ta chọn lựa và quyết định, trong bất cứ tình huống nào, không thể không mang tính chất trọng đại và cao cả, bát ngát và bao la.  
-   Thứ năm : Thần Kim Qui không mang đến từ ngoài hoặc từ trên, một bài học, một ánh sáng, một con đường hay là một kế sách... Thần chỉ gợi ý, để chúng ta thấy được rằng : chúng ta đang cưu mang Trời và Đại Dương trong tâm hồn. Và khi vun trồng, tưới tẩm Tình Yêu Thương trong lối nhìn cũng như trong đời sống quan hệ và tình cảm, chúng ta sẽ có mọi kỹ năng « biết sống, biết làm và biết cảm ».
« Con là ai ? Hạt bụi giữa trời đất, vũ trụ.
« Nhưng đời con gây động chuyển hằng ngàn tinh tú.
« Ánh mắt con là cả một bầu trời...
« Quả tim con : nguồn suối không cạn vơi.
« Con là nước tưới ngày mai tuổi trẻ,
« Trồng rừng xanh, phủ hết đất tang thương,
« Mang mặt trời chiếu rạng vùng tăm tối,
« Hạt Tình Người gieo vãi khắp mười phương. »
- Thứ sáu : Khi Thần Kim Qui đưa tay chỉ vào Vua An Dương Vương, Thần đang gây ý thức cho Nhà Vua cũng như cho mỗi người chúng ta thấy được rằng :    « Mình với Ta, tuy hai mà một, Ta với Mình sao một mà hai ». Nói cách khác, mỗi người trong chúng ta đều là Thần Kim Qui cho người khác, cho mỗi anh chị em đồng bào. Chúng ta hãy đến với họ, như là một Thần Kim Qui, khi họ kêu cứu và cần sự giúp đỡ của chúng ta. Chúng ta cũng là sứ giả « Thanh Giang » mang hơi ấm, ánh sáng và con đường cho mỗi anh chị em đồng bào, trên khắp mọi nẻo đường của quê hương.
Chỗ nào đang có hận thù, chúng ta mang đến yêu thương và hiểu biết.
Chỗ nào đang còn nghèo đói, chúng ta tạo ra công ăn và việc làm.
Chỗ nào đang còn những hiện tượng đàn áp, bốc lột, hối lộ, tham tàn, chúng ta mang đến những quan hệ đồng cảm và đồng hành.
Chỗ nào chỉ có ngôn từ quảng cáo và tuyên truyền láo khoét, chúng ta chia sẻ một miếng cơm, manh áo, giống như Thần Kim Qui đã trao ban « một móng chân ». Nhưng móng chân ấy sẽ trở nên chiếc nỏ thần, có khả năng cứu Nước và độ dân.
Một cách đặc biệt, chỗ nào tâm hồn của anh chị em đồng bào còn loạn động, xao xuyến, bất an, bất ổn và bất hạnh, mặc dù của cải vật chất lan tràn, tích tụ và chất đống... hãy cùng với họ « xây đắp Đền Tháp Cổ Loa » hay là một Ngôi Nhà Tình Thương và Hòa Bình, trong tâm hồn và cuộc đời.  
Trong tinh thần và lăng kính ấy, không một ai trong chúng ta có thể tự hào rằng : Tôi là Thần Kim Qui, một cách đơn thương độc mả. Chúng ta tất cả, không loại trừ một ai, họp nhau lại, làm nên một Thần Kim Qui duy nhất, « có trăm con mắt để thấy, có trăm đôi tai để lắng nghe, có trăm cánh tay để làm, có trăm đôi chân để bước tới, và nhất là có một trăm quả tim để yêu thương, đùm bọc anh chị em đồng bào ». Chúng ta cùng nhau xây dựng một Quê Hương Thanh Bình và Hạnh Phúc. Chúng ta là những viên gạch xây dựng Đền Tháp Cổ Loa. Và công trình kiến trúc ấy không bao giờ chấm dứt và hoàn thành, bao lâu chúng ta còn mang thân phận và điều kiện làm người.
« Con là điệu nhạc làm nên bản hoan ca,
« Con là trang sách đắp bồi nên tác phẩm,
« Con là bếp lửa tặng cho đời hơi ấm,
« Con là viên gạch dựng xây lại ngôi nhà.
« Con là ché lúa đưa tin mùa gặt mới,
« Con là dòng suối gọi lòng người tắm gội,
« Con là hạt nước trở về nuôi Đại Dương,
« Con là ngón tay chỉ hướng ngả ba đường ».
                                                
 
 
Phần Ba
 
Công trình của Thần Kim Qui là Hóa Giải
những con Yêu Tinh Ma Quái và xây dựng Đền Tháp Cổ Loa
 
Tất cả những câu chuyện Huyền sử có liên hệ xa gần với Thần Kim Qui, đều trao gửi và nhấn mạnh lui tới những sứ điệp cơ bản sau đây :
Sứ điệp thứ nhất : Tâm hồn và cuộc sống của chúng ta tất cả, không trừ sót một ai, luôn luôn bị những con yêu tinh ma quái rình rập và đe dọa.
Con yêu tinh thứ nhất là Ngư Tinh. Khi bị con yêu tinh nầy khống chế, tâm hồn chúng ta bị đầu độc. Lúc bấy giờ, mọi quan hệ giữa chúng ta và người anh chị em hai bên cạnh đều bị ô nhiễm. Ngư Tinh là những xúc động có khả năng tàn phá và làm băng hoại tâm hồn an lạc của chúng ta, như giận hờn, lo sợ, buồn chán, thất vọng, thù hận... Chính những con ngư tinh độc hại nầy tạo nên khổ đau và tiêu diệt mọi năng lực cũng như sức sống vươn lên của chúng ta.
Con yêu tinh thứ hai là Mộc Tinh. Khi con yêu tinh nầy tung hoành và trấn ngự nội tâm, chúng ta không còn có một lối nhìn đứng đắn và khách quan về thực tế bao quanh chúng ta. Trong đó có thực tế về người khác và về mọi sự cố xảy ra trong môi trường. Chúng ta có xu thế bóp méo hoặc xuyên tạc tất cả. Chúng ta bắt râu ông nọ đặt cằm bà kia. Có ít, chúng ta xít ra cho nhiều. Chúng ta vơ đũa cả nắm. Chúng ta giận cá, chém thớt...
Con yêu tinh thứ ba là Hồ Tinh. Khi cưu mang con Hồ Tinh trong cõi lòng, chúng ta sẽ dùng nhiều chiêu bài khác nhau, để bốc lột, đàn áp anh chị em đồng bào, như hối lộ, độc tài, lạm dụng chức quyền, chạy theo ngoại bang...
Con yêu tinh sau cùng là Sơn Tinh và Thủy Tinh. Chúng nó đội lốt những tư duy độc lộ, những lối nhìn kỳ thị, phe phái, hận thù và chiến tranh... để làm băng hoại mọi tình tự dân tộc hay là quan hệ giữa anh chị em đồng bào.
Bao lâu chúng ta không học cách hóa giải hay là chuyển biến bốn loại yêu tinh ma quái nầy, những câu nói như « yêu Nước, xây dựng Quê Hương, phục vụ đồng bào » chỉ là tuyên truyền láo khoét, bịp bợm mà thôi.
Sứ điệp thứ hai : Xây dựng Đền Tháp Cổ Loa có nghĩa là học hỏi, thực tập, tôi luyện cho bản thân và cuộc đời của mình một khả năng THỨC TỈNH. Với khả năng nầy, khi ăn, tôi biết tôi đang ăn. Khi làm, tôi biết tôi đang làm. Khi phục vụ đồng bào, tôi biết phục vụ ở đâu, làm gì, cách nào. Tôi không ba hoa chích chòe, nói láo ăn tiền, hay là chỉ phục vụ ở đầu môi chót lưỡi mà thôi.
Có khả năng xây dựng Đền Tháp Cổ Loa, những ai biết trả lời cho mình những câu hỏi thiết yếu và quan trọng sau đây :
- Một : Tôi là ai ? Bản sắc của tôi là gì ? (Who ?).
- Hai : Mục đích tối hậu của đời tôi là gì ? Những giá trị soi sáng cuộc đời bao gồm những điểm nào ? Giấc mơ trọng đại điều hướng và thúc đẩy tôi can trường bước tới mỗi ngày, hệ tại vào đâu ? (Why ?).
- Ba : Tôi có những kỹ năng, những cách biết làm nào, để chuyển biến lý tưởng hoặc giấc mơ thành hiện thực ? (How ?).
- Bốn : Chính ngày hôm nay tôi thực hiện những động tác cụ thể nào, để khoảng cách giữa lý tưởng và thực tế càng ngày càng thu gọn và rút ngắn lại ? (What next ?).
- Năm : tôi làm với ai ? Ai là bạn đồng hành, trên con đường vươn tới lý tưởng ? (With whom ?).
Nói một cách vắn gọn, con người Thức Tỉnh, đằng sau những xúc động đang hiện hình trong tâm hồn, nhận biết một cách sáng suốt đâu là nhu cầu cơ bản và chính đáng của mình. Đồng thời, trong quan hệ với tha nhân, con người Tỉnh Thức cũng biết khám phá nhu cầu của người đối diện, để đáp ứng một cách hữu hiệu, tùy vào thực tại của mình. Nhờ vào một lối nhìn sáng suốt và toàn diện như vậy, con người Thức Tỉnh biết mình hiện tại đang ở đâu ? Hướng đến đích điểm nào ? Sử dụng con đường nào ? Khi nào dừng lại ? Khi nào chuyển đổi hướng đi ?
- Sứ điệp thứ ba : Con người Thức Tỉnh không bao giờ mê muội, mất khả năng cảnh giác và đề phòng. Trong một phút giây lãng quên của chúng ta, bốn con yêu tinh ma quái có thể trở về, phá hoại Ngôi Nhà An Lạc và Đền Tháp Tình Thương. Chiếc Nỏ Thần hay là Thanh Gươm Thức Tỉnh có thể bị đánh mất, bất kỳ vào lúc nào. Thần Kim Qui luôn luôn nhắc nhủ chúng ta về hiểm họa « Mót củi ba năm, thiêu trong một giờ ». 
- Sứ điệp sau cùng của Thần Kim Qui có liên hệ trực tiếp với Hận thù, Bạo động. Đó là những dấu hiệu rõ ràng và cụ thể nhất, cho phép chúng ta nhận thấy rằng : những ai dấn bước vào con đường nầy, đối với bản thân mình cũng như đối với anh chị em đồng bào, không còn là con người Thức Tỉnh, theo mẫu thức của Thần Kim Qui. Vì thiếu tỉnh thức, Vua An Dương đã không còn hiểu ngôn ngữ không lời của Thần Kim Qui. Cho nên Nhà Vua đã rút kiếm, giết đứa con gái của mình là Mỵ Châu, và cuối cùng nhảy vào lòng Biển, để tự vẫn.
Hơn ai hết, Nguyễn Trãi đã thấm nhuần bài học ấy. Sau khi Lê Lợi bình định Sơn Hà, chính ông đã can đảm thỉnh nguyện vị lãnh đạo nầy « dừng lại, biết tri chỉ », cung cấp thuyền bè và lương thực, để những tướng tá, binh lính còn sống sót thuộc quân Minh, có thể trở về quê nhà của mình, trong an bình và tự do. Nguyễn Trãi cũng như Thần Kim Qui không bao giờ chỉa súng bắn vào lưng một người đã bị trói tay...
Trên đây, tôi đã phân biệt hai công trình của Thân Kim Qui : Một là chuyển biến và hóa giải những xúc động, trước khi chúng nó tràn ngập, tung hoành ngang dọc, làm băng hoại đời sống an lạc. Hai là ngày ngày, không ngừng xây dựng, phát huy và bảo vệ khả năng thức tỉnh, trong đời sống nội tâm. Nhưng thực ra, đó chỉ là hai bộ mặt thuộc về một công trình duy nhất mà thôi.
Hẳn thực, chừng nào chúng ta sống an lạc, lúc bấy giờ chúng ta cũng có khả năng tỉnh thức, biết hóa giải những xúc động tiêu cực, vừa đang thành hình trong nội tâm. 
Ngược lại, khi chúng ta biết hóa giải mọi tình huống dao động vừa hiện hình trong nội tâm, trước khi chúng nó dẫn đến tình trạng rối loạn, mất quân bình, đó là dấu hiệu chứng tỏ: chúng ta đang tỉnh thức và an lạc.
Theo lối nói của văn hào Paulo Cuelho, khi thành tựu hai khả năng ấy, chúng ta đang là người LUYỆN VÀNG. Đồng, chì, sắt, thép... đụng đến Nhân Vật Thần Kim Qui có mặt trong chúng ta, tự khắc sẽ biến thành VÀNG nguyên chất. Trong những quan hệ tiếp xúc và trao đổi hằng ngày, nhờ khả năng luyện vàng ấy đang sáng soi và tác động, chúng ta có thể mang đến cho anh chị em đồng bào, những con đường ánh sáng, cũng như một cuộc sống an bình và sung mãn.
 
 
 
Phần Bốn 
 
Kỹ Thuật « LUYỆN VÀNG », theo tinh thầncủa Thần Kim Qui
 
Nhằm cung ứng cho anh chị em đồng bào những kỹ năng hóa giải đời sống xúc động, sau đây tôi xin giới thiệu con đường LUYỆN VÀNG, theo tinh thần của Thần Kim Qui.
Con đường nầy cần được thực tập và tôi luyện, mỗi ngày hai lần.
Một cách đặc biệt, khi có một xúc động đang hiện hình, khả dĩ mang đến tình trạng hỗn loạn, trong đời sống nội tâm, lập tức chúng ta dừng lại, khởi động Con Đường Luyện Vàng, với Bước Một.
Chúng ta thực tập mỗi ngày tất cả năm bước đi lên, cho đến lúc trở nên dễ dàng, thoải mái, hồn nhiên và trôi chảy. Lúc bấy giờ, con đường Luyện Vàng sẽ trở thành một nhu cầu tâm linh. Sau khi thành tựu kỹ năng đến độ nhuần nhuyễn, tự nhiên, chúng ta chỉ cần chọn lựa một trong năm bước đi lên. Khi ấy, chúng ta đã có thể tái lập tình trạng an lạc, cho toàn thể đời sống nội tâm. Cơ hồ, chỉ cần đụng đến một dây leo nho nhỏ, chúng ta đã có thể tác động trên toàn diện khu rừng lớn lao.
Sau đây tôi xin lần lượt trình bày, một cách súc tích và vắn gọn, năm bước đi lên của con đường Luyện Vàng :
- Bước Một : Chấp hai tay thành hình chéo, chữ X, đằng trước ngực, tôi làm nên một MU RÙA. Đó là một hình tượng nhắc nhủ tôi ý thức rằng :  « Tôi đang cưu mang Bầu Trời, trong con tim ». Hẳn thực, hiện giờ tôi đang có một vài triệu chứng xao xuyến, trầm cảm, bực bội, khổ đau... Cho nên tôi trở về nương tựa dưới mái nhà thân yêu, ấm áp, che chở của Mẹ Âu Cơ.  
Khi thở ra, tôi theo dõi hơi thở và đồng thời tôi ý thức rằng : tôi đang thở ra.
Khi thở vào, tôi cũng theo dõi hơi thở và ý thức rằng : tôi đang thở vào.
Khi thở ra, tôi gửi cho Mẹ những gì đang làm cho lòng tôi xao xuyến, vọng động.
Khi thở vào, tôi đón nhận và sở hữu hóa tấm lòng đồng cảm và cao cả của Mẹ.
Khi làm bấy nhiêu động tác thở và ý thức, tôi chú niệm câu thơ :
« Hãy gọi Biển về, lòng ai thao thức sóng vỗ.
« Hay lắng nghe Trời, khi cuộc đời đầy giông tố.
« Giữa bão táp, Hồn Đại Dương vẫn lặng,
« Ngày sương mù, Lòng Trời Cao cứ nắng ».
- Bước Hai : Tôi đưa hai bàn tay lên ngang tầm lỗ tai, làm thành hai chiếc loa. Tôi lắng nghe tiếng gọi vươn lên, hướng thượng của Bầu Trời.
Vừa thực thi những động tác ấy, tôi vừa chú niệm một trong những câu thơ sau đây :
« Con là ai ? - Hạt bụi, giữa Đất Trời, Vũ Trụ.
« Nhưng đời con gây động chuyển hằng ngàn tinh tú.
« Con trọng đại, vì con là tất cả :
« Là Mẹ, là mảnh đất của Quê Hương,
« Một khu vườn ươm lại giống Tình Thương,
« Xây Non Sông, làm tươi đẹp khóm phường ».
- Bước Ba : Tôi đưa hai ngón tay trỏ lên ngang tầm đôi mắt. Tôi mở mắt nhìn Đất, cũng như tất cả những gì bao quanh tôi. Tôi nhận ra rằng : Nhiều người đang khổ đau và mong chờ tôi mang tới một chút ít niềm vui và lương thực tâm linh.
« Ánh mắt con là cả một bầu trời,
« Bàn tay con huyền nhiệm thấu tầng mây,
« Bước chân con gieo hạnh phúc cho Đời,
« Quả tim con : nguồn suối không cạn vơi ».
- Bước Bốn : Tôi đưa hai tay ra phía trước, làm một cử chỉ đón nhận. Tôi muốn ôm vào lòng tất cả những ai đang ngã quị dưới gánh nặng khổ đau, trong cuộc đời.
« Con là Nước tưới ngày mai tuổi trẻ,
« Trồng Rừng Xanh phủ hết đất tang thương,
« Mang Mặt Trời chiếu rạng vùng tăm tối,
« Hạt Tình Người gieo vãi khắp mười phương ».
- Bước Năm : Tôi dùng hai tay làm cử chỉ bơi lội, trở về trong lòng Đại Dương, cùng với Thần Kim Qui. Nơi đó, tôi gặp lại Người Cha của Quê Hương là Lạc Long Quân. Cùng với Người, tôi đi ra thăm viếng mọi nẻo đường của Đất Nước.
« Từng bước đi, đường Non Sông diệu vợi,
« Quyết ấn mạnh dấu chân Con Người Mới,
« Lo băng bó vết thương còn lở lói,
« Gieo An Lạc vào lòng ai mòn mỏi,
« Ngày ngày cưu mang Biển Trời cao cả,
« Thở gió mát, biến đời thành phép lạ...
« Con đi ra, mở rộng nhiều chân trời Tình Bạn,
« Con mang về Hạnh Phúc tròn đầy và viên mãn ».
Đối với trẻ em, chúng ta sử dụng phương thức rút gọn sau đây:
- Một : Vòng tay chéo hình chữ X trước ngực. Cùng với Thần Kim Qui, chúng ta trở về nương tựa dưới mái nhà thân  yêu, an bình và thinh lặng của Bà Âu Cơ.
- Hai : Với hai bàn tay làm thành hai chiếc loa nối dài hai lỗ tai. Chúng ta lắng nghe Trời đang gọi mời, nhắn nhủ chúng ta : Hãy trở nên cao cả và trọng đại.
- Ba : Đưa hai ngón tay trỏ lên ngang tầm hai con mắt. Chúng ta đoái thương nhìn cuộc đời tràn đầy những người đang khổ đau và bất hạnh.
- Bốn : Hai tay ôm choàng anh chị em đồng bào, đồng loại.  Chúng ta bao bọc, che chở cho những ai bị đàn áp và bốc lột...
- Năm : Với hai tay làm cử điệu bơi lội. Chúng ta ra đi, mang hơi ấm tình người, cho anh chị em đồng bào, trên khắp mọi nẻo đường của Quê Hương.
***
Để kết thúc những giây phút « Thực tập Luyện Vàng », chúng ta có thể chú niệm :
« Con là Hạt Nước hay Đại Dương ?
« Cả hai làm một, TÌNH THƯƠNG nối liền,
« Con là bùn đất hay Thần Tiên ?
« Chính con chọn lựa : Vươn lên hay trầm mình.
« Trầm mình dẫn đến Vô Minh,
« Vươn lên thắp sáng Thần Linh cho Đời. ».
Chương  Ba
Thánh Gióng và con đường « đi lên »
của con Rồng cháu Tiên
 
Xuyên qua nhiều câu chuyện Huyền Sử, Tổ Tiên và Cha Ông từ đời các Vua Hùng, đã trối trăng lại cho chúng ta những sứ điệp LÀM NGƯỜI. Với một thái độ khiêm cung và lắng nghe, học hỏi và tìm kiếm, chúng ta có thể rút tỉa từ những sứ điệp nầy, những bài học giữ Nước và dựng Nước, nhất là khi có những hiểm họa trầm trọng xảy ra trong lòng Quê Hương và khả dĩ làm băng hoại tiền đồ của dân tộc.
Trong các bài chia sẻ, được đăng tải đó đây, trên nhiều tờ báo ở trong và ngoài Nước, tôi đã lần lượt trình bày và khảo sát một số sự việc quan trọng như  sau :
 
-   Thứ nhất, nguồn gốc rồng tiên của người Việt Nam đã được đề cập, trong câu chuyện kết duyên giữa Lạc Long Quân và Bà Âu Cơ. Từ đó, một trăm đứa con được cưu mang trong cùng một bọc trứng. Cho nên ngày hôm nay, chúng ta có tập tục gọi nhau là anh chị em ĐỒNG BÀO, bất chấp những nét khác biệt giữa người ở Bắc và kẻ ở Nam, giữa người làm ăn ở vùng sơn cước và kẻ sinh sống ở miền đồng bằng...
 
-   Thứ hai, vào những ngày tháng đầu tiên của dân tộc, Lạc Long Quân đã đích thân thực hiện ba công trình kỳ vĩ là diệt tan Ngư Tinh, Mộc Tinh và Hồ Tinh, để cho con cháu có thể an cư lạc nghiệp, trên mọi vùng trời, vùng biển và vùng đất của Quê Hương. Tuy nhiên, ba con yêu tinh ma quái ấy vẫn luôn luôn tồn đọng và tìm cách tái sinh trong quả tim của từng người, từ đời nầy qua đời nọ, dưới nhiều hình thức ngụy trang khác nhau.
-   Thứ ba, mỗi lần con cái, cháu chắt đối diện một vấn đề và lên tiếng cầu cứu, nếu Lạc Long Quân không đích thân xuất hiện, Ngài thường sai phái Thần Kim Qui, đến hỗ trợ những công trình xây dựng và bảo vệ Non Sông.
 
-   Thứ tư, chừng nào con Hồng cháu Lạc đoàn kết và nhất tâm với nhau, họ có khả năng vượt thắng mọi trở ngại và đánh tan mọi kẻ thù, cho dù xuất phát từ phương bắc, phương nam hoặc phương tây. Trái lại, tình trạng « nồi da xáo thịt » hay là « gà một nhà bội mặt đá nhau » là tên nội thù độc ác và nguy hiểm, đã từng làm băng hoại Non Sông, trong nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Mặc dù câu chuyện Sơn Tinh và Thủy Tinh đã cảnh tỉnh về tai ương hoạn nạn ấy, ngày hôm nay, vào thời đại Nghìn Năm Thứ Ba, chúng ta vẫn còn duy trì thái độ « bịt tai nhắm mắt, đóng kín mọi cửa lòng », nghĩa là ngoan cố, tiếp tục xếp hàng thành hai phe, tố cáo và kết án lẫn nhau. Chính vì lý do nầy, bạo động và hận thù đang còn bám trụ trong tâm tư và ngôn ngữ hằng ngày của mỗi người Việt Nam.
 
Câu chuyện về Thánh Gióng bổ túc và kiện toàn những bài học « giữ Nước và dựng Nước » trên đây, bằng cách thêm vào ba chi tiết mới lạ :
-   Thánh Gióng là người thần dân của Nước Trời. Ngài được sai phái đến đầu thai ở Làng Phù Đổng thuộc Quận Vũ Ninh, trong tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Khi lên ba tuổi, Ngài đã đi ra chiến trận, đánh tan giặc Ân và mang lại thanh bình cho Đất Nước, vào một giai đoạn rất đen tối và ngặt nghèo của lịch sử Nước Nhà.
-    Sở dĩ Thánh Gióng đã thành công một cách nhanh chóng và dễ dàng, là vì nhờ được bà con xa gần trong xóm làng đã tích cực nuôi nấng và đóng góp : cho ăn cho mặc, cho ngựa cho gươm... cho Tình Thương và Lòng Hiểu Biết.
 
-    Sau khi hoàn tất công việc « dẹp loạn giặc Ân », Thánh Gióng đã tức khắc và can đảm tìm đường trở về trời, chỉ để lại một vài dấu chân đậm nét trên vùng đất sơn cước và còn tồn tại cho đến ngày hôm nay.
 
Câu chuyện nầy được kết cấu một cách rất đơn sơ, với vài ba chi tiết thô thiển và mộc mạc. Bộ mặt bên ngoài xem ra có vẽ hoang đường và loạn tưởng, theo kiểu « bắt râu ông nọ đặt cằm bà kia », cơ hồ một giấc chiêm bao thoáng qua và vô nghĩa, xuất hiện và biến tan, trong tâm tư của mỗi người.  Tuy nhiên, nếu chúng ta biết dừng lại, đào bới, lắng nghe, tìm hiểu một cách khiêm cung và cẩn trọng... Hồn Nước, Hồn Non sẽ từ từ hiện về, trong cõi lòng của những ai đang sẵn sàng chờ đợi và đón nhận, biết nhìn và biết nghe.
 
Trong khuôn khổ của bài chia sẻ nầy, tôi sẽ lần lượt trình bày con đường khám phá mà tôi đã đi qua, những vấn nạn mà tôi đã cưu mang ấp ủ, trong bao nhiêu ngày tháng, cũng như những câu trả lời mà tôi đã thừa kế, từ khi bước vào tuổi đời « lục thập nhi nhĩ thuận », có nghĩa là biết thức tỉnh và lắng nghe những loại ngôn ngữ không lời và hình tượng của các bậc tiền bối.
 
Nói cách khác, ba câu hỏi sẽ được đề cập và khảo sát một cách tường tận, trong các phần sau đây :
-    Thứ nhất, giặc ÂN là ai ? Là gì ? Phát xuất từ nơi đâu ? Ở vào giai đoạn nào ?
-    Thứ hai, Thánh Gióng đã đối ứng và khắc phục tên địch thù nầy, với những hành trang và khí giới nào ?
 
-   Bí quyết thành công của Thánh Gióng  bắt nguồn từ những động cơ và khả năng nào ?
 
***
1.  Giặc ÂN trong tác phong và ngôn ngữ hằng ngày của chúng ta
 
Từ đời các Vua Hùng cho đến những triều đại cuối cùng của Nhà Nguyễn, Đất Nước Việt Nam đã phải đối đầu với nhiều loại giặc khác nhau, xuất phát từ phương Bắc. Đó là giặc Hán, giặc Tống, giặc Nguyên, giặc Minh và giặc Thanh. Không một lần, sử sách chính thức nói đến sự kiện giặc Ân tràn vào xâm chiếm Đất Nước của chúng ta, tuy dù trong lịch sử của Trung Hoa, theo ý kiến của Đào Duy Anh, vào những năm 700 sau Công Nguyên, có một đời Vua mang tên là ÂN.
 
Sau nhiều năm nghiên cứu, học hỏi và tìm kiếm, tôi nhận thấy rằng : những câu chuyện Huyền Sử, cho dù được sáng tác trong nhiều hoàn cảnh và giai đoạn hoàn toàn khác nhau, vẫn có liên hệ chặt chẽ và mật thiết với nhau. Câu chuyện đến trước có thể chỉ nêu lên vấn đề một cách sơ phác. Những câu chuyện đến sau, sẽ bổ túc và soi sáng hay là từ từ đề nghị những lề lối giải quyết, thích ứng với từng hoàn cảnh cụ thể. Tuy nhiên, lề lối thuyên giải      - nghĩa là khám phá ý nghĩa và hướng đi trong cuộc đời - vẫn tùy thuộc cảm nghiệm của mỗi người, nhất là sau khi họ biết ngồi lại, lắng nghe, trao đổi, đón nhận những ý kiến đóng góp của kẻ khác.
 
Trong tinh thần và lăng kính vừa được đề xuất như vậy, câu chuyện về Thánh Gióng được xem là một tia nắng mặt trời đang từ từ xóa tan những đám mây mù ảm đạm, phát xuất từ những xung đột sống mái giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh. Đàng khác, chúng ta cũng còn có thể mạnh dạn khẳng quyết thêm rằng : Thánh Gióng là người thừa kế trực tiếp công trình của Lạc Long Quân. Công việc của Ngài là ngày ngày tiếp tục dẹp tan Ngư Tinh, Mộc Tinh và Hồ Tinh, trên những vùng đất khô cằn của Quê Hương cũng như trong cõi lòng sỏi đá của mỗi người. Chính trong giờ phút hiện tại nầy, phải chăng Thánh Gióng cũng như Thần Kim Qui đang hiện hình trở về với chúng ta, để giúp chúng ta « dẹp tan giặc ÂN », trong những quan hệ giữa chúng ta và anh chị em đồng bào ?
 
Nói khác đi, giặc ÂN là « giặc TÌNH », « giặc NGHĨA » hay là « giặc QUAN HỆ » giữa cha mẹ và con cái. Giữa vợ và chồng. Giữa anh và em. Giữa những người đã cùng nhau chia sẻ những nỗi niềm ưu tư và hy vọng, cũng như những đắng cay và trăn trở hoàn toàn giống nhau. Hẳn thực, khi giặc ÂN len lỏi nằm vùng trong tâm tư và thái độ, tác phong và ngôn ngữ hằng ngày, tự khắc bầu khí quan hệ giữa những người cùng chung sống trong môi trường, sẽ bị đầu độc và ô nhiễm. Họ đánh mất khả năng đồng hành và đồng cảm trên con đường giữ Nước và dựng Nước. Tình đồng bào cũng do đó, bị hoen ố, chà đạp và phản bội. 
 
Trước đây, như người xưa thường dạy bảo, « bên ướt mẹ nằm, bên ráo con nằm ». Bây giờ đây, trong một số trường hợp, những câu nói trao đổi giữa hai mẹ con đã trở thành « tên bay đạn lửa » có đầu ngòi tự động, đi tìm đường sát hại lẫn nhau. Trước đây, khi chưa cưới nhau, hai anh chị đã cùng nhau thề thốt : « chúng ta yêu nhau, từ kiếp nầy qua kiếp khác ». Không ngờ, sau khi đã trở thành vợ chồng, chính hai người ấy lại lên tiếng nguyền rủa nhau : « mầy và tao không thể nào đội trời chung », hay là « mày phải chết, để cho tao sống ».
Tệ hại biết chừng nào cho Đất Nước và Dân Tộc, nếu từ hai hay ba tuổi trở lên, khi con cái, cháu chắt chúng ta bắt đầu học nói, chúng nó đã ngày ngày ngụp lặn trong những quan hệ chưởi bới, tố cáo và mạt sát lẫn nhau trong thế giới của người lớn. Làm sao chúng nó có thể trở thành những thế hệ Thánh Gióng, luôn luôn « COI DÂN LÀ TRỌNG » nếu trước mặt và chung quanh chỉ được trình bày những bài học đàn áp, bốc lột, hối lộ, tham tàn, hống hách và quan liêu ?
 
Hẳn thực, với câu chuyện Huyền Sử về Thánh Gióng, Tổ Tiên và Cha Ông đang nêu ra cho chúng ta duy một câu hỏi chính yếu : chúng ta đang dạy con cái thế nào, xuyên qua tác phong và ngôn ngữ hằng ngày của chúng ta ? Có lẽ chúng ta có xu thế ta thán về một số hiện tượng đau buồn đang có mặt trong lòng Quê Hương, như bụi đời, xi đa, xì ke, ma túy của giới trẻ ? Thế nhưng, mấy người ý thức được một cách sáng suốt rằng : Không ai ngoài chúng ta là nguyên nhân đã tạo sinh giặc ÂN trong môi trường gia đình và học đường. Do đó, phải chăng chính chúng ta là người đầu tiên có trách nhiệm và sứ mệnh dẹp tan giặc ÂN đang khống chế tâm tư và đời sống tình cảm, bằng cách  ngày ngày thay đổi lối nhìn của mình ? Không cố gắng tôi luyện lại lời ăn tiếng nói, khi tiếp xúc và trao đổi với con cái, cũng như khi làm việc với bạn bè xa gần, chính chúng ta đang phản bội Đất Nước và bôi nhọ nguồn gốc Rồng Tiên của chúng ta.
 
2. Từ bỏ những phản ứng máy móc tự động và sáng tạo những kỹ năng tương sinh, tương thành
 
Trong phần sau đây, chúng ta sẽ cùng nhau lần lượt phát hiện những điểm tiêu cực cần đề phòng, cũng như những điểm tích cực cần phát huy và học tập, trong mỗi quan hệ hằng ngày giữa người với người.
 
2.1. Những tập tục phá hoại 
 
Trong khuôn khổ của chương nầy, thay vì trình bày và giải thích dài dòng, tôi chỉ liệt kê một cách vắn gọn những tập tục tiêu cực và phá hoại, cần được đề phòng và xa lánh, trong những tình huống tiếp xúc và trao đổi hằng ngày.
 
-    Tập tục tai hại đầu tiên là sử dụng tư tưởng nhị nguyên « Tao đúng mày sai, tao có lý, mày vô lý, tao tốt mày xấu », trong các hình thức giao tế với anh chị em đồng bào.
 
-    Chính vì tư tưởng nhị nguyên nầy, chúng ta cố quyết áp đặt cho kẻ khác lối nhìn, quan điểm, cách nhận thức của chúng ta. Với sứ điệp « ngôi thứ hai », cũng như với những loại động từ như « phải, nên, cần... », chúng ta rót ra những mệnh lệnh từ trên và từ ngoài, đòi buộc kẻ khác tuân hành hay là xa lánh. Ví dụ : « Mày phải câm miệng lại và nghe tao nói », hay là « mày không được trả lời với tao như thế »...
 
-    Trong những cách truyền lệnh hay là áp đặt một lối cư xử và hành động, như vừa được trình bày, ý đồ sâu xa của chúng ta là « THAY ĐỔI kẻ khác tận gốc rễ, từ đen qua trắng », phủ nhận quyền tự quyết và quyền làm chủ thể cũng như tính khác biệt và độc đáo của họ. Bằng cách này hay cách nọ, chúng ta không cho phép kẻ khác « khẳng định bản sắc làm người của mình ». Họ chỉ là công cụ, đồ vật, phương tiện, trong tầm tay sử dụng và ảnh hưởng của chúng ta.
 
-   Trường hợp họ chống đối, phản động, không tuân phục, nghĩa là từ khước trở thành lệ thuộc... chúng ta sẽ có phản ứng như tố cáo, phê phán, la mắng, chửi rủa, kết án, qui lỗi và loại trừ...
 
-    Với những ai đã kết dệt những quan hệ gắn bó và thân tình, như con cái, vợ chồng, bạn bè thiết cốt... chúng ta sẽ sử dụng tình cảm để tạo áp lực, như khóc la, tuyệt thực, ngã bệnh, cắt đứt liên lạc, đóng kín cửa phòng, hay là cố thủ trong một thái độ câm nín suốt ngày, với bất kỳ ai...
 
-    Một cách đặc biệt, khi nói về kẻ khác, chúng ta dễ dàng sa vào ba loại cạm bẫy máy móc và tự động. Thứ nhất là xu thế tổng quát hóa, còn được gọi là cường điệu, có ít xít ra cho nhiều. Thứ hai là xu thế gạn lọc, nghĩa là chỉ giữ lại những tin tức có khả năng củng cố lập trường có sẵn của chúng ta. Đồng thời, chúng ta loại trừ, không ghi nhận những tin tức không có lợi cho chúng ta. Thứ ba là xu thế bóp méo và xuyên tạc. Chúng ta giải thích thực tế, theo lối nhìn chủ quan hay là những định kiến đã có sẵn từ bao nhiêu đời, trong nội tâm và lòng tin tưởng của chúng ta. Chính vì những lý do nầy, khi phê phán và kết án kẻ khác, chúng ta dễ dàng gán cho họ những nhãn hiệu rất hồ đồ. Ví dụ : « Người Nam của các ông thì luôn luôn ba hoa chích chòe. Còn người Trung của chúng tôi thì không bao giờ tiêu xài phung phí... ». Có bao giờ chúng ta biết dừng lại, lắng nghe mình, để đặt ra những câu hỏi phản tỉnh : « Người Nam » là ai ? « Người Trung » ở vùng nào ? Cách nói « Luôn luôn » phải hiểu như thế nào ? « Không bao giờ » có ý nghĩa làm sao ? Có những ngoại lệ hay là không, khi bạn dùng lối nói « Không bao giờ » ?
 
-    Ở bên dưới bao nhiêu thái độ, tác phong và lời nói, mà tôi vừa liệt kê và khảo sát trên đây, tư duy quá khích « HOẶC CÓ HOẶC KHÔNG » là nguyên tắc và động cơ nền tảng, khả dĩ lèo lái mọi đường đi nẻo về của chúng ta, khi tiếp xúc và trao đổi với kẻ khác, nhất là với giới trẻ. Thực tế cụ thể, trái lại, trong bất cứ hoàn cảnh nào, luôn luôn là một hiện tượng « VỪA CÓ VỪA KHÔNG ». Giữa trắng và đen, giữa tốt và xấu, giữa sự thật và gian dối... còn có bao nhiêu sắc độ từ mạnh xuống yếu, đang ở chung với nhau, ở sát cạnh nhau, hòa trộn vào nhau, trong thân phận và điều kiện làm người của chúng ta, cũng như trong tác phong và ý định của kẻ khác. Hiểu được điều cơ bản nầy, chúng ta sẽ biết thức tỉnh, không cho phép mình « nói về, nói thay hoặc nói thế » kẻ khác, theo kiểu « cả vú lấp miệng em ». Thay vào đó, chúng ta sẽ tôi luyện kỹ năng sử dụng sứ điệp « TÔI », để nói về mình. Diễn tả con người của mình. Sẵn sàng chia sẻ lối nhìn, quan điểm và lập trường chủ quan đang có mặt trong tâm hồn.
 
Trung thực và liêm chính phải chăng là hành trang của Thánh Gióng, và tất cả những ai có kế sách xây dựng và phát huy những quan hệ đồng hành và đồng cảm, trong lòng Quê Hương và Dân Tộc ?
 
2.2.  Những kỹ năng và động tác cụ thể cần phát huy, khi thiết lập những quan hệ tôn trọng và hài hòa với anh chị em đồng bào
 
Những loại giặc từ Trung Hoa, Pháp quốc và Bắc Mỹ đã nhất loạt nêu cao ngọn cờ Nhân Nghĩa, để xâm lăng Đất Nước của chúng ta và áp đặt cho anh chị em đồng bào những hình thức nô lệ kiểu cũ và kiểu mới. Với khí thế hào hùng và tinh thần đoàn kết, dân tộc chúng ta đã sử dụng mọi loại khí giới, để thủ tiêu, tàn sát và ép buộc họ rút ra khỏi biên thùy. Sau một ngàn năm « nô lệ giặc Tàu », sau một trăm năm « đô hộ giặc Tây », chúng ta vẫn có thể vùng đứng lên, lật đổ chế độ thực dân xâm lược.
 

Tuy nhiên, khi cha mẹ, anh chị em, bà con xa gần... là giặc ÂN, giặc TÌNH, giặc NGHĨA, giặc QUAN HỆ... đang áp đặt cho chúng ta lối nhìn, quan điểm, lập trường của họ, chúng ta sẽ có những con đường đi như thế nào ? Xung đột, hận thù... như Sơn Tinh và Thủy Tinh đã từng chọn lựa ? Với cách làm nầy, chúng ta chỉ trối lại cho con cái và cháu chắt một gia tài đổ nát và tang thương. Nếu Tổ Tiên và Cha Ông hiện về và hỏi chúng ta : chúng ta đang làm gì với « dòng máu Rồng Tiên trong huyết quản », câu trả lời của chúng ta sẽ như thế nào ?
 
Chính Lạc Long Quân và Bà Âu Cơ đã gặp những khó khăn tương tự, trong địa hạt quan hệ, từ ngày lập Nước và khai Quốc. Hai vị đã chọn lựa con đường « VỪA ra đi mỗi người một ngả, VỪA trở về với nhau », trong mỗi giây mỗi phút của cuộc đời.   
 
Trong nền văn hóa Âu Tây ngày nay, nhan nhản khắp nơi, theo thiển ý của tôi, hình như đó cũng là con đường có xu thế tập hợp nhiều người. Chẳng hạn, trong lãnh vực vợ chồng, họ ra tòa ly dị. Nhưng họ vẫn duy trì quan hệ bạn bè với nhau. Vì lợi ích của con cái, họ vẫn trao đổi và tiếp xúc với nhau.   
 
Trong lãnh vực chính trị, từ hai vị trí đối lập Tả và Hữu, họ dùng ngôn ngữ, để mạt sát lẫn nhau một cách thậm tệ. Nhưng họ biết tri chỉ, dừng lại, không đâm đầu vào con đường bạo động hay là thủ tiêu, ám sát và khủng bố. Họ tôn trọng luật pháp và chọn lựa con đường luật pháp, với những chuẩn mực khách quan và công bình, đối với mọi người.
 
Trong câu chuyện Huyền Sử, Thánh Gióng đã đề nghị và giới thiệu cho chúng ta một con đường hoàn toàn mới lạ và độc đáo, không hẳn hoàn toàn đồng ý với cách hành động của Lạc Long Quân và Bà Âu Cơ. Đó là con đường « can thiệp sớm », trong địa hạt giáo dục.  
Hẳn thực, trên một tiến trình làm người, bao gồm nhiều giai đoạn khác nhau như A, B, C, D, E... Khi có một vấn đề trầm trọng xảy ra ở giai đoạn C hoặc D, nếu chúng ta chỉ giải quyết vấn đề ở C hoặc D mà thôi, cách giải quyết vấn đề của chúng ta sẽ bị thui chột, không hoàn toàn hữu hiệu, nếu không nói là đã và sẽ thất bại hoàn toàn.
 
Lý do là khi một vấn đề bùng nổ, xuất hiện ra bên ngoài ở giai đoạn C, trước đôi mắt chứng kiến của mọi người có mặt, chính vấn đề ấy đã được cưu mang thai nghén, dưới thể hạt mầm, trong các giai đoạn sớm hơn, như ở A và B chẳng hạn. Không can thiệp từ đầu và tìm cách giải quyết vấn đề, khi còn ở trong thể trạng trứng nước, chúng ta chỉ hoài công : « Tiếc công đan giỏ bỏ cà, giỏ thưa, cà lọt, công đà uổng công ».
Trở về với câu chuyện Thánh Gióng, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy rằng : Khi vừa lên ba tuổi, Thánh Gióng đã được Mẹ và bà con xa gần « cho ăn, cho mặc... cho ngựa, cho gươm... » Không được nuôi dưỡng, cư xử và đãi ngộ như một Thần Dân của Nước Trời, từ khi đầu thai trong lòng Mẹ, không được lắng nghe, kính trọng, trả lời... lúc lên ba tuổi, Thánh Gióng sẽ suốt đời chỉ là « một đứa bé khuyết tật, không biết đi, không biết nói... ».
 
Thể theo lối nhìn của tác giả Donald Winnicott, nhờ được bồng bế thương yêu (Holding), nhờ được cư xử và đối đãi như một con người quan trọng, có giá trị (Handling), cũng như nhờ được nuôi nấng, dạy dỗ theo từng cấp độ phát triển và tăng trưởng (Object presenting), một đứa bé mới có khả năng từ từ trở thành một con người TỰ TIN. Khi lớn khôn, nó sẽ ý thức mình là con người có giá trị, được thương yêu và kính trọng. Đồng thời, tùy vào những giai đọan học tập và phát triển, nó sẽ hội nhập những kỹ năng, nghĩa là biết làm, biết sống, biết tiếp xúc và trao đổi, biết thích ứng với mỗi người và mỗi hoàn cảnh, trong đời sống giao tế.
 
Trong lăng kính ấy, khi tự tin, tôi biết : Tôi là ai ? Tôi xuất phát từ đâu ? Tận điểm của cuộc đời tôi là gì ? Ở vào vị trí hiện tại, tôi có những khả năng và khuyết điểm nào ? Tôi có những ước mơ và hoài bảo như thế nào ? Để biến ước mơ thành hiện thực, tôi cần thực hiện những động tác cụ thể nào ? Và khi hoạt động, tôi biết đánh giá những thành quả khách quan theo ba chiều hướng : Trường hợp tôi thành công, tôi biết rõ con đường cần tiếp tục đi tới là đâu. Khi thất bại, tôi biết chuyển hướng như thế nào. Khi sai lầm, tôi biết can đảm dừng lại, rút tỉa những bài học và kinh nghiệm.
 
Nói tóm lại, trong quan hệ giữa người với người, tôi chỉ lo tập luyện làm người về phía tôi. Tôi không đánh mất tính người và tình người, cho dù người bên kia chưa làm người. Thậm chí, họ còn làm muông thú, ở một khía cạnh nào đó, đối với tôi.
 
Nhằm sáng tạo và xây dựng những « quan hệ tốt đẹp và hài hòa » với anh chị em đồng bào, trong môi trường sinh sống và hoạt động thường nhật, tôi cần ngày ngày học tập, tôi luyện và thực hiện những động tác cơ bản sau đây :
 
- Động tác một, tôi dùng sứ điệp ngôi thứ nhất, để nói về những thực tại đang có mặt trong nội tâm : Lối nhìn, xúc động, nhu cầu, sở thích và yêu cầu. Tôi nói về tôi, một cách trung thực, thay vì bói đoán, tưởng tượng ý định và ý kiến của kẻ khác. Nói cách khác, tôi không nói thay, nói thế, nhất là áp đặt cho kẻ khác những ý đồ chủ quan của tôi.
 
- Động tác hai, khi trình bày lối nhìn, tôi nêu rõ những sự kiện cụ thể và khách quan được dùng làm cứ điểm cho những kết luận của tôi. Sự kiện có nghĩa là những điều chính tôi thấy và nghe, chứ không phải là những dư luận hay là lời đồn thổi.
- Động tác ba, khi nói về xúc động, tôi phân biệt một cách rành mạch : hoàn cảnh khách quan, nhu cầu, tên gọi của xúc động, và lời yêu cầu của tôi xuất phát từ xúc động ấy. Tôi không lẫn lộn yêu cầu với đòi hỏi, ép buộc. Ngoài ra, nhu cầu là một điều chính yếu cho sự sống còn của tôi. Trái lại, sở thích hay là nguyện vọng có thể được hoán chuyển, thay đổi và trì hoãn hay là không bao giờ được thỏa mãn và thực hiện.
 
- Động tác bốn : Khi thiết lập và xây dựng quan hệ, tôi di chuyển, một cách linh động và thoáng thoát, tùy trường hợp, giữa bốn hướng chọn lựa sau đây : Cho, Nhận, Xin và Từ Chối. Cho có nghĩa là hiến tặng, chứ không phải là ép buộc, áp đặt. Nhận là đón lấy từ tay của người khác, một cách thanh thản, sung sướng và tự do, chứ không phải là tước đoạt hay là chịu đựng, lệ thuộc. Xin là cầu mong một ân huệ, chứ không phải là đòi hỏi hay là cướp lấy trên tay của người khác. Trường hợp điều người khác trao tặng cho tôi, nếu không thích hợp với nhu cầu của tôi, hay là khi điều họ xin tôi, tôi còn cần dùng và muốn giữ lại... tôi có khả năng từ chối, một cách tự do và an lạc, thanh thản và hài hòa. Một cách đặc biệt, khi kẻ khác áp đặt cho tôi một nhãn hiệu, một lời tố cáo, một cách làm không thích hợp... thay vì phản công hoặc chống đối, giận hờn hay là trầm cảm, đặt mình trong tình huống xung đột, tôi chỉ cần thanh thản TRẢ LUI cho tác giả « tác phẩm » của họ. Ví dụ :  « Tôi vừa nghe bạn nói : tôi là "thằng nói láo". Nhãn hiệu ấy không đúng và không thích hợp với con người thực sự của tôi. Vậy tôi trả về cho bạn lời bạn nói. Tôi không nhận quà tặng đã bị đầu độc và ô nhiễm như vậy ».
 
- Động tác năm : Khi chọn cách làm « Trả lui » ấy, tôi chỉ nhắm khẳng định chính mình, thay vì có thái độ tấn công hoặc phản kích hay là đánh mất an lạc của lòng mình. Tôi đang cố quyết LÀM NGƯỜI về phía tôi.
 
-Động tác sáu : Khẳng định mình mà thôi chưa đủ. Khi trao đổi với người đối diện, tôi còn phải kêu mời và tạo mọi điều kiện thuận lợi, để giúp họ cũng khẳng định mình, như tôi, với tôi, bằng cách lắng nghe, tìm hiểu thực tại, lối nhìn, quan điểm, khung qui chiếu của họ.
- Động tác bảy : Tôi nêu lên những nhận xét « phản hồi » và những câu hỏi mở, để thúc giục họ diễn tả con người của mình, một cách sâu sát và cởi mở,  trong sáng và toàn diện. Nói khác đi, tôi giúp họ bổ túc và kiện toàn, đào sâu và mở rộng những điều chỉ mới hàm tiếu, trong lời phát biểu của họ. Công việc khai sáng và mở đường nầy đòi hỏi ở chúng ta nhiều tỉnh thức và kiên nhẫn, bởi vì vô thức hay là vô minh đang len lỏi nằm vùng trong nội tâm của mỗi người. Thêm vào đó, khi khổ đau tràn ngập và khống chế tư duy, chúng ta « có mắt nhưng không thấy, có tai nhưng không nghe ».
 
- Động tác tám : Ở đây tôi nhắc lại điều mà tôi đã trình bày trước đây. Khi người đối diện nêu ra những nhận xét hoàn toàn tiêu cực và vô bổ, có tính xúc phạm đến bản sắc làm người của tôi, tôi chỉ cần sử dụng kỹ thuật « Trả Lui », một cách bình tĩnh và hồn nhiên, thông suốt và trôi chảy, cơ hồ một con sông uốn mình giữa đồng cỏ xanh.
 
- Động tác chín : Con người - hay là chủ thể trao đổi - có giá trị và tầm mức quan trọng HƠN đối tượng hoặc nội dung được trình bày. Cho nên, khi lắng nghe và tìm hiểu ai, chúng ta đặt trọng tâm vào chính con người của họ. Qua lời nói bên ngoài của họ, có lẽ chúng ta đang bị tấn công, kết án, tố cáo, xuyên tạc, mạ lị, khinh thường... Nhưng nếu chúng ta sáng suốt ý thức rằng : người ấy đang khổ đau, người ấy chưa bao giờ có cơ may học như chúng ta đã học... chúng ta sẽ thương hơn là loại trừ. Còn hơn thế nữa, nếu người ấy là « ĐỒNG BÀO », phát xuất từ một cung lòng của Mẹ như chúng ta, chúng ta chỉ có một câu trả lời : Tình Thương vô điều kiện. Với một tấm lòng bao la như Đại Dương của Lạc Long Quân, với một lối nhìn cao cả như Bầu Trời của Mẹ Âu Cơ, cho dù người đồng bào là gì gì chăng nữa, họ là « Một mảnh đất của QUÊ HƯƠNG ».
- Cho nên, sau đây là động tác mười. Lắng nghe ai là NHÌN NHẬN vô điều kiện. Đằng sau một bộ mặt hống hách, ở bên dưới những lời tuyên bố sắc nhọn, gai gốc và độc ác, nếu chúng ta biết lắng nghe và có một lối nhìn xuyên thấu, chúng ta sẽ dễ dàng khám phá trong con người ấy, một vết thương lòng đang rướm máu và chưa bao giờ được ai băng bó, thoa dịu. Có lẽ chúng ta là người đầu tiên đang mang đến cho họ một chút hơi ấm tình người... Người ấy đang cần được NHÌN NHẬN, với những câu nói phản hồi như : « Qua những lời anh vừa phát biểu, tôi ghi nhận rằng : anh đang tức bực và lo buồn... anh đang gợi lại một thời thơ ấu mồ côi mẹ... anh đang lo sợ trong môi trường sinh hoạt ngày nay, giới trẻ đang phanh phui mọi chuyện trong đời tư của anh... »
 
3. Bí quyết thành công của Thánh Gióng
 
Như trước đây tôi đã gợi ý, câu chuyện Huyền Sử về Thánh Gióng có một « bề mặt » hoang đường và vô tưởng. Những chiến công oanh liệt của Ngài « xem ra » chỉ là điều bịa đặt dành cho trẻ con. Tuy nhiên, đối với những ai biết lắng nghe ngôn ngữ hình tượng của Tổ Tiên, Thánh Gióng không phải là ai xa lạ. Thánh Gióng là tôi, là anh, là chị, là em... đang trực diện với những vấn đề sôi bỏng của thế giới ngày hôm nay. Giặc quan hệ đang bủa vây chúng ta, ở khắp nơi, trong cũng như ngoài Nước. Tại một số gia đình, chẳng hạn, cha mẹ và con cái vào lứa tuổi mười sáu, đôi mươi... là hai đường song song vạn kiếp, không bao giờ có điểm hội tụ. Trong các đô thị đại công nghiệp, mái ấm gia đình đã trở thành một quán trọ, một nơi để qua đêm, không hơn không kém. Có dịp chứng kiến cảnh tượng cha mẹ và con cái trao đổi với nhau, tôi có cảm tưởng rằng họ là hai vị dân biểu thuộc phe tả và phe hữu đang chửi rủa lẫn nhau một cách thậm tệ, thiếu văn minh, trước mặt toàn dân có tiếng là văn minh và tiến bộ.
 
Với điều kiện và hành trang nào, chúng ta có thể xây dựng lại Ngôi Đền Cổ Loa, trong địa hạt quan hệ giữa người với người, giữa anh chị em đồng bào ?
 
Câu chuyện Huyền Sử về Thánh Gióng đã đề nghị câu trả lời trong ba chiều hướng khác nhau :
Thứ nhất, bài học về Quan Hệ phải được học và phải được dạy cho trẻ em, từ khi chúng nó lọt lòng mẹ. Trên đây, trong phần 2, tôi đã mạo muội sơ phác những gì nên tránh và những động tác nào cần tôi luyện. Bài học này cần trở nên một kế sách « giữ Nước và dựng Nước » của toàn dân. Khi người lớn ý thức mình cần phải dạy, họ sẽ học một cách chu đáo hơn. Dạy phải chăng có giá trị tương đương như ba lần học ?
 
Thứ hai, duy những ai có « CHẤT TRỜI » trong lòng mình, giống như Thánh Gióng, mới có khả năng thấm nhuần bài học về quan hệ. Hẳn thực, không ý thức về tình Anh em, tình đồng bào, làm sao chúng ta có thể « ĐI LÊN », hướng thượng ? Làm sao chúng ta có thể NHÌN NHẬN vô điều kiện « chủ thể làm người » của anh chị em đồng bào, trong lòng Quê Hương, thậm chí khi họ có những hành vi sai trái, phản bội... Chia sẻ, đối thoại, giáo dục là con đường duy nhất tất yếu phải đi, nếu Con Rồng Cháu Lạc muốn tồn tại. Mỗi người, cho dù là tội phạm, vẫn mang « chất Trời » trong lòng mình. Cho nên, hướng đi lên vẫn luôn luôn ở trong tầm tay của mỗi người được cư xử là người anh chị em.
 
Thứ ba, « lưỡi gươm » hay là dụng cụ tác động của chúng ta, trong lãnh vực xây dựng và phát huy quan hệ, có thể cùn mòn và gãy đổ. Nhưng sáng tạo là gia tài và gia sản của chúng ta, trong mọi tình huống. Sau khi lưỡi gươm đã trở thành vô hiệu, phải chăng Thánh Gióng đã nhổ bứt lên cả một bụi tre vàng, để xua đuổi địch thù ra khỏi Đất Nước ?
Cái gì Thánh Gióng đã làm được, tôi cũng có khả năng làm như Ngài ngày hôm nay.
 
Sách tham khảo 
1. NGUYỄN VĂN THÀNH - Sơn Tinh và Thủy Tinh : hai con đường, một Nước Non - Tình Người, Lausanne 2003.
2. STONES D. - Difficult conversations - Michael Joseph, London 1999.
3. SALOMÉ J. - Pour ne plus vivre sur la planète Taire : Une méthode pour mieux communiquer  -  Albin Michel, Paris 2003.
4. NGUYỄN LANG - Văn Lang Dị Sử  - Lá Bối, Sunnyvale CA 1982.
5. HOÀNG TRỌNG MIÊN - Thần thoại Cổ tích - Tiếng Phương Đông, Sàigon 1973.
6. THÁI ĐẮC XUÂN - 100 truyện cổ tích Việt Nam - Nhà XB Hà Nội 2000.
7. WINNICOTT D. W.  -  L'enfant et sa famille  -  Petite Bibl. Payot, Paris 1957.
 
 
Chương Bốn
 
Sơn Tinh và Thủy Tinh
Hai con Đường, Một Nước Non
 
 
« Ra đi, biết đó biết đây,
« Ở Nhà với Mẹ, biết ngày nào khôn ? »
« Ra đi ngó trước, ngó sau,
« Ngó Nhà mấy cột, ngó cau mấy buồng ? »
 
Một đàng, ra đi để thu hoạch một vài « mớ » khôn, trên những con đường xuôi ngược, thuộc năm châu bốn bể...
Nhưng đồng thời, chúng ta phải ở lại, để trông nom Nhà Cửa và khai khẩn ruộng vườn.
 
Phải chăng đó là hai điệp khúc, thường được nhắc đi nhắc lại, trong kho tàng ca dao, tục ngữ, cũng như trong nhiều câu chuyện huyền sử, được tổ tiên và cha ông trối trăng lại, từ đời các Vua Hùng. Và qua mỗi thời, càng được sáng tạo thêm và phong phú hóa, một cách đặc biệt, dưới ba triều đại phồn vinh của Đất Nước là Lý, Trần và Lê.
 
Thường xuyên ra đi, như Lạc Long Quân và Thủy Tinh, cơ hồ những dòng sông và con nước không ngừng chảy ra Biển Đông. Ở lại như Mẹ Âu Cơ và Sơn Tinh, trên Đỉnh Núi Tản Viên, thuộc khu vực Sơn Tây Ba Vì, để ngăn chận mọi hiểm họa tấn công và xâm lược, từ phía bắc cũng như từ phía tây nam.
 
Vào thời khai nguyên, khi Cha Mẹ còn có mặt, hai vị này đã sống xa nhau, người ở núi, kẻ ở biển. Một đàng vì nhu cầu làm ăn, phát triển, tiến bộ. Nhưng đàng khác, vì hai ông bà có nguồn gốc khác nhau. Có tính tình khác nhau. Có những sở thích, nguyện vọng và nhu cầu khác nhau. Theo lối dùng từ ngữ, ngày hôm nay, chúng ta có thể khẳng định, mà không sợ xuyên tạc hoặc sai lầm : hai nguyên tổ của chúng ta đã có những « lối nhìn » khác nhau. Có « quan điểm » khác nhau. Có « cách thế ở đời » khác nhau. Có « chiều nhạy cảm » khác nhau. Thực tế « khác biệt » ấy đã được nhận diện và đối diện, một cách can trường, trung thực, không bao giờ bị ém nhẹm và xuyên tạc, cho dù với mục đích gì.
 
Thế nhưng, nhờ quả tim và trí óc của người nầy tràn đầy và thấm nhuần chất lượng « Cao Cả », giống như bầu trời, tấm lòng của người kia thì « Bát Ngát, Bao La », như đại dương... cho nên, hai vị biết « gọi nhau về », khi bên nầy có vấn đề, và khi bên kia gặp hiểm nguy, trắc trở.
Cái biết của các vị vừa có tình, vừa có lý. Vừa có tài, vừa có đức. Cho nên, khi những nét khác biệt nhau tạo nên vấn đề, họ biết bổ túc, kiện toàn, hay là sáng tạo con đường ở giữa, « trung dung ». Khi quá giống nhau, họ cũng biết ra đi, tiếp xúc và chia sẻ với những người ngoài gia đình, ngoài biên thùy, nhất là với những bộ lạc và dân tộc không có nhiều cơ may, như chúng ta.
 
Trái lại, khi hai người cần nhau, họ có « những bước chân vạn dặm », để về lại với nhau. Khi sự sống còn của con cái bị đe dọa, họ có kỹ năng giống như « một trăm cánh tay » biết làm. Cho nên, bao nhiêu nguy cơ trầm trọng, như « Ngư tinh, Mộc tinh và Hồ tinh », đều được giải quyết, một cách gọn nhẹ và êm thắm, tuy dù đòi hỏi nhiều hy sinh xương máu, cũng như nhiều hiểu biết và tình thương...
- Ngư tinh là những vấn đề xúc động và tình cảm bị tràn ngập, thiếu khả năng tự chủ và hóa giải những gây hấn nội tâm.
- Mộc tinh bắt nguồn từ những loại cây « văn hóa mất gốc », tinh thần « vọng ngoại », hay là khuynh hướng « đua đòi vật chất », và « phủ nhận nguồn gốc TRỜI », trong dòng máu Rồng Tiên.
 
- Hồ tinh bao gồm những chất độc làm ô nhiễm cuộc sống, phát xuất từ « Dục vọng mù quáng ». Lúc bấy giờ, trong lối nhìn và cách cư xử của chúng ta, người anh chị em đồng bào « bị biến thành công cụ, đồ vật tiêu xài, bị vắt chanh bỏ vỏ, hay còn tệ hại hơn nữa, là bị đồng hóa với bộ phận sinh dục ». Theo quan điểm của Phân Tâm Học, thuộc trường phái của Freud, nguy cơ Hồ tinh xảy ra, khi « Vô Thức khống chế Ý Thức ». Khi dục vọng thay thế tình yêu chân chính. Khi hiểm họa « vô minh » hay là « ý đồ ngu xuẩn » chỉ đạo tư duy, cũng như mọi đường đi nẻo về, thuộc cuộc sống làm người, nhất là trong lãnh vực quan hệ giữa người với người.
 
Oái oăm làm sao, vừa khi Âu Cơ và Lạc Long Quân khuất bóng, đi vào một kiếp khác, không còn « có mặt » bằng cách này hay cách khác, trong lòng Đất Nước Lạc Việt, chính hai đứa con của các vị, phát xuất từ một bào thai duy nhất, mang tên là Sơn và Thủy, đã đối đãi, cư xử với nhau như « YÊU TINH, MA QUÁI ». Cho nên, người đời sau gọi họ là Sơn Tinh và Thủy Tinh, có nghĩa là một con yêu tinh ở núi, một con khác ở biển, giống hệt ba con Yêu Tinh ác độc, vào thời khai nguyên.
 
***
Theo lối giáo dục của các Thiền sư, nhất là những vị đã đóng góp phần mình, một cách năng động, vào guồng máy lãnh đạo Đất Nước, ở dưới ba triều đại Lý, Trần và Lê, mỗi câu chuyện huyền sử là một bài học tâm lý, được trình bày dưới hình thức « một CÔNG ÁN », trong tầm tay của con cháu và các thế hệ tiếp nối nhau, từ thời nguyên thủy cho đến ngày hôm nay và trong tương lai. Xuyên qua mỗi công án, thay vì giải thích một cách dài dòng, với đầy đủ chi tiết, các vị chỉ nêu lên một vài nét chấm phá mà thôi. Thay vì « thuyên giải », nghĩa là đưa ra những ý nghĩa và hướng đi của câu chuyện, các vị « chỉ kể chuyện », với niềm hy vọng và xác tín rằng : câu chuyện sẽ lan chảy, như vết dầu loang, từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau, từ đồi núi xuống miền đồng bằng. Mỗi người kể lại, có thể thêm vào « mắm muối, tiêu hành... », cho vừa khẩu vị của người nghe. Không phải chỉ một hay hai người sáng tạo câu chuyện về Nước Non. Nhưng toàn thể anh chị em đồng bào, từ người giàu đến người nghèo, từ một bà mẹ già đến một trẻ em bi bô học nói... ai ai cũng góp phần, tùy tấm lòng của mình, từ thế hệ nầy qua thế hệ sau.
 
Xu thế giáo dục và cách dạy dỗ như vậy trùng hợp với ảnh hưởng và sức tác động của khoa Phân Tâm Học ngày hôm nay, là luôn luôn dùng ngôn ngữ, để trao đổi qua lại, gọi ra ánh sáng của ý thức những gì đang còn úp úp, mở mở, mờ mờ, ảo ảo... trong nội tâm của từng người. Và trong cách kể chuyện về Nước Non như vậy, tất cả mọi tiếng nói đều được trân trọng, đón nhận. Không ai bị loại trừ và phê phán, vì « đã kể sai ». Trong địa hạt huyền sử, không có sai, có đúng. Chỉ có những tấm lòng chia sẻ bao nhiêu hoài vọng, trăn trở, mơ ước và nhớ thương...
Cũng trong lối nhìn và hoài bão của các Thiền sư, mỗi người dân được cư xử, đãi ngộ như một thiền sinh. Công án, cơ hồ một loại kích thích, hay là một yếu tố dẫn khởi, gợi ý, có mục đích giúp mọi người tự mình « động não », sáng tạo con đường đi cho chính mình, trong lòng Quê Hương. Câu nói thường được nhắc đi nhắc lại trong các bài thuyết pháp của hầu hết các Thiền sư là : « Trùng Phật, sát Phật », có nghĩa là « gặp Phật thì hãy lo giết Phật đi », để tự mình có khả năng thành Phật. Câu nói ấy tóm gọn, một cách tuyệt diệu và súc tích, thế nào là DẠY, thế nào là HỌC, với phương pháp sử dụng Công Án. Không ai có thể làm thầy cho tôi. Chính tôi tự làm thầy cho tôi mà thôi.
Trong tinh thần và đường hướng ấy, khi đi tìm đường, người thiền sinh không sợ sai lầm. Lúc nào nhận thấy mình lầm đường, lọt vào một ngõ hẻm không có lối thoát, lập tức họ can đảm và sáng suốt trở lui, đi tìm những chọn lựa khác bên trái, bên phải, ở dưới, ở trên, đằng trước, đằng sau. Tìm cho đến khi mình « ngộ », nghĩa là gặp. Hay là có khả năng bước đi một cách tự do, thoải mái, hạnh phúc, trên những con đường xuôi ngược thênh thang, bát ngát. Không ai lèo lái, cưỡng chế. Một chiếc áo - vật chất hoặc tinh thần - cho dù rất vừa với khuôn khổ của một người xuất sắc, một vị thầy lỗi lạc, đạo hạnh... chưa hẳn sẽ vừa với khuôn khổ của tôi.
 
Trở lại với câu chuyện Sơn Tinh và Thủy Tinh, chúng ta sẽ chứng nghiệm một phần nào lý nghĩa của « cách gây ý thức bằng huyền sử ». Trước tiên, cách dùng từ đã là một chuẩn mực. Trong phong tục trước đây của người Việt Nam, nhất là trước thời kỳ Pháp thuộc, những ai có đức độ và địa vị trọng vọng, thường được gọi là Thần. Thậm chí sau khi qua đời, Thần vẫn còn được tôn kính, dâng hương, dâng đèn và các loại phẩm vật, trong các đình chùa, lăng miếu. Các quan chức phục vụ trong triều đình cũng được gọi là Thần. Nói tóm lại, những ai bênh vực, bảo vệ người dân, đều được quần chúng tôn phong là Thần. Họ có tài. Nhưng một cách đặc biệt, họ có đức.
 
Sơn Tinh và Thủy Tinh đáng lý phải được phong làm Thần. Nhưng từ đời nầy qua đời nọ, họ chỉ làm « TINH », trong cõi lòng của nguời dân. Thể theo nội dung của câu chuyện, Thủy Tinh có tài « làm mây làm mưa ». Sơn Tinh, trái lại, có tài « làm đá bay đất chuyển, nâng cao các tầng núi đến tận bầu trời ». Thế nhưng, đúng như thi sĩ Nguyễn Du, tác giả của « Đoạn Trường Tân Thanh », đã bình phẩm, « Chữ Tài liền với chữ Tai một vần ». Hẳn thực, hai chàng Sơn và Thủy không có Đức, vì họ làm « gà một nhà bôi mặt đá nhau », từ đời nầy qua đời khác, gây ra tai ương hoạn nạn, lụt bão, mất mùa, đói khát cho người dân. Cho nên, trong tâm tưởng của quần chúng, họ chỉ làm « yêu tinh ma quái ». Nơi mà hồn thiêng của họ cư ngụ không phải là đình chùa, lăng miếu. Họ lang thang, phiêu bạt, bám trụ ở những gốc cây cổ thụ, nằm giữa đồng áng, hay là bên bờ sông ngòi, khe suối, để đe dọa, khủng bố, ức hiếp những ông già bà lão ốm yếu bệnh tật, cũng như các trẻ em thiếu khôn ngoan, không vâng lời cha mẹ...
 
Như trên đây tôi đã nhấn mạnh, huyền sử không giải thích chi tiết, hay là phân định một cách rõ ràng : điều nào nên làm, điều gì nên tránh. Những câu chuyện huyền sử, được kể ra ở chỗ nầy hoặc chỗ khác, thực ra có liên hệ khắng khít, bổ túc hoặc điều hướng lẫn nhau. Câu chuyện nầy tiếp nối câu chuyện khác. Câu chuyện được kể ra hôm nay có thể giải thích, hoặc trả lời những câu hỏi do những câu chuyện khác nêu ra. Chính người kể, cũng như người nghe, sẽ dùng lương tri và ý thức, để tự mình tìm ra những con đường chọn lựa và quyết định. Để thêm vào hay là bớt đi một vài chi tiết. Hay là để sửa chữa những sai lầm, trong hành động của các nhân vật thuộc câu chuyện.
Chẳng hạn, bên cạnh « Sơn Tinh và Thủy Tinh », các bà mẹ cũng thường kể ra cho con cái câu chuyện « Trầu Cau » hay là « Tấm và Cám »... Kho tàng huyền sử giới thiệu mọi « mẫu hình » trắng, đen, vàng, đỏ, xanh màu trời và xanh lá cây...
 
Trong câu chuyện Trầu Cau, có hai anh em rất thương nhau, đùm bọc nhau, luôn luôn sống chung với nhau dưới một mái nhà. Những người bên ngoài thường lẫn lộn người nầy với người kia. Vào một buổi chiều, lúc trời nhá nhem tối, người vợ của ông Anh cũng đã lầm lẫn người Em với chồng mình đi làm về, nên có hành vi tay bắt mặt mừng, đi ra đón chào với nét mặt âu yếm... Sau sự cố đó, vì tế nhị và kính trọng Anh mình, người Em bỏ nhà ra đi, biệt tăm biệt tích. Cuối cùng đã nằm chết, bên một bờ sông, vì đói và lạnh, biến thành một tảng đá vôi trắng.
 
Thấy em lâu ngày không trở về, người Anh tên Cao, rảo khắp đó đây tìm em. Vào một đêm khuya, sau bao ngày lang thang phiêu bạt, cũng đã chết vì lạnh và đói, bên cạnh tảng đá ở bờ sông. Ngày hôm sau, khách buôn bán qua đường nhìn thấy một cây Cau mọc lên, bên cạnh tảng đá.
 
Người vợ tên Lưu, trên đường đi tìm chồng cũng đã dừng lại nghỉ chân và qua đêm, bên cạnh cây cau và tảng đá. Sau một đêm dài, ngồi khóc nhớ chồng, và nhớ em chồng, dưới cơn mưa tầm tã, đã biến thành một dây trầu, quấn quít chung quanh thân cây cau.
 
Với người đời sau, từ thời Vua Hùng Thứ Hai trở lui, một phần tư trái cau, một phần năm lá trầu với một chút ít vôi, đã trở thành một « miếng cau trầu làm đầu câu chuyện », có khả năng tạo nên « những mối tình nồng thắm và ấm áp », cho những người « biết ngồi lại, chuyện trò, trao đổi qua lại với nhau, lắng nghe nhau, tôn trọng lời nói của nhau, lưu tâm đến con người của nhau » .
 
Mối tình nồng thắm ấy lại thiếu vắng, một cách trầm trọng, trong câu chuyện « Tấm và Cám ». Ở đây, cô Tấm bị bà dì ghẻ hành hạ suốt ngày. Đứa em ghẻ, cũng bắt chước mẹ, sai khiến, truyền lệnh cho Tấm phục vụ mình, từ việc lớn đến việc nhỏ. Vậy, trọng tâm của câu chuyện nầy, muốn bổ túc hai câu chuyện trước đây, ở tại những điểm then chốt nào ?
 
Nhân vật rất quan trọng, trong câu chuyện Tấm và Cám, là người Cha. Ông đã lâm bệnh và qua đời, một vài tháng, sau ngày tái hôn. Nhưng trong tâm hồn của Tấm, người Cha vẫn luôn luôn có mặt, một cách năng động. Lời của Cha vẫn còn đó, làm mặt trời và con đường, soi sáng và hướng dẫn mỗi bước đi của Tấm. Trong tâm tưởng của  nàng, người mà Cha đã yêu thương và chọn lựa làm vợ và làm con, nàng vẫn luôn luôn chọn lựa làm Mẹ và làm Em. Cho dù họ có tác phong như thế nào chăng nữa, về phía mình Tấm chỉ bảo tồn và phát huy một loại quan hệ và lối nhìn : đó là yêu thương và thứ tha, một cách đơn phương và vô điều kiện. Cách sống của Tấm vẫn trước sau NHƯ MỘT, không thay đổi, không tùy thuộc vào cách ứng xử của những người đang sống với mình.
 
Trong câu chuyện « Bánh Dày và Bánh Chưng », Lang Liệu - sau này được tấn phong làm Vua Hùng Thứ Hai - cũng có một lối nhìn, lối cảm, hoàn toàn giống như cô Tấm. Hẳn thực, khi có Trời, có Đất, trong tư duy và tình cảm của mình, cái rất tầm thường, trong cuộc sống hằng ngày, đã biến thành cái lạ thường, cái khác thường. Cái « vô vị » trở nên « có ý vị ».
 
« Ngày ngày cưu mang Đất Trời Cao Cả,
« Lấy Tình Thương biến đời thành Phép Lạ. »
 
Lang Liệu, cách đây hơn bốn nghìn năm, đã làm được điều ấy. Gạo và nếp, trên những cánh đồng của Đất Nước, trong hai bàn tay của chàng, đã biến thành Của Lễ Cao Quí, trên bàn thờ của Tổ Tiên. Và đó cũng là mồ hôi, nuớc mắt của mỗi người, có khả năng nuôi sống tình anh em đồng bào, tình Quê Hương Nước Non đậm đà, từ thế hệ nầy qua thế hệ khác.
 
***
Hởi những người Em, mang tên là Sơn và Thủy,
 
Bây giờ và trong tương lai, hoài vọng của tôi là các em  hãy học tập ngồi lại với nhau, kể cho nhau nghe những câu chuyện huyền sử. Sau đó, mỗi em thuyên giải câu chuyện, theo nhịp điệu tư duy và tấm lòng của mình. Ai ai cũng có tiếng nói. Ai ai cũng có quyền được lắng nghe, một cách trân trọng.
 
Hẳn thực, ai ai cũng có một câu chuyện của lòng mình, cần kể ra. Theo lối dùng từ ngữ của tôi, đó là câu chuyện « Ngôi Thứ Nhất ». Sau khi kể xong, em lắng nghe câu chuyện « Ngôi Thứ Hai » của mỗi người bạn, hai bên cạnh. Hãy đón nhận câu chuyện, như một mảnh vườn trinh nguyên. Lắng nghe với vành tai xôn xao, hiếu kỳ, hiếu học và khao khát. Cơ hồ lắng nghe người tình, ngày gặp gỡ lần đầu tiên. Không phê phán. Không cười chê. Chỉ phản hồi và đặt câu hỏi, để cố gắng tìm hiểu người mà mình thương mến.
Em có thể phản hồi, với lời lẽ tương tự như sau :
 
« Nếu tôi không nghe lầm, bạn đã nói rằng : " ...... ". Vậy, xin bạn nói thêm cho rõ hơn, để tôi có thể hiểu ý của bạn, trong câu nói đó ».
Chừng nào giữa hai người bắt đầu kết dệt những quan hệ « Tâm đầu ý hợp », câu chuyện « Ngôi Thứ Ba » sẽ xuất hiện. Đó là câu chuyện của « Nước Non », có khả năng làm cho hai người cùng nhau thực hiện những kỳ công trọng đại, trong lòng Quê Hương. Trong câu chuyện ấy, « thương nhớ một người » có nghĩa là « nhớ đến MỌI NGƯỜI ». Cưu mang « một trăm người », trong cõi lòng của mình.
Trong một bài chia sẻ trước đây, tôi đã mạo muội đề xuất ba đường hướng thuyên giải, nghĩa là nêu ra ý nghĩa của câu chuyện, và những phương hướng ứng dụng, trong cuộc sống cụ thể, hằng ngày. Bài chia sẻ mang tên là « Nguồn gốc Rồng Tiên ». Nhiều tờ báo trong và ngoài Nước đã đón nhận và đăng tải một cách rộng rãi, như tờ Chính Luận ở Mỹ, tờ Định Hướng ở Strasbourg, tờ Thời Mới ở Paris, tờ Công Giáo và Dân Tộc ở Việt Nam.
Thay vì lặp lại y nguyên ở đây, những phương pháp tiếp cận một câu chuyện huyền sử, tôi thỉnh cầu mỗi độc giả hãy tìm lại, tham cứu những tờ báo trên đây. Trong khuôn khổ của bài trình bày này, tôi chỉ xin nhắc lại, một cách vắn gọn, ba cách làm tuy đơn sơ, nhưng rất hữu hiệu, thích hợp với giới trẻ thuộc thời đại khoa học của Nghìn Năm Thứ Ba :[1]
 
- Thứ nhất, lần lượt đội lên đầu sáu chiếc mũ trắng, đen, vàng, đỏ, xanh dương và xanh lá cây, để khám phá sáu tầng lớp ý nghĩa khác nhau của mỗi câu chuyện được lắng nghe. Màu trắng : sự kiện khách quan. Màu đen : những thiếu sót cụ thể. Màu vàng : điểm tích cực, xây dựng. Màu đỏ : những xúc động phát khởi trong nội tâm và tràn ra ngoài. Màu xanh dương : ý nghĩa của câu chuyện. Màu xanh lá cây : những động tác cụ thể, thuộc tầm tay, cần thực hiện, từ bây giờ và ngày hôm nay.
 
- Thứ hai, theo hướng đi của câu chuyện, trong vai trò làm cha mẹ, chính tôi cần làm gì cụ thể, cho thế hệ con cái, cháu chắt bây giờ và sau này ? Đối với những người đương thời, cùng ở trong một lứa tuổi, với tinh thần đồng hành, tôi có khả năng chia sẻ những lối nhìn nào, những tâm tình gì ? Sau hết, trong đời sống tâm linh, đâu là những giá trị và nhu cầu « quan trọng bậc nhất », trong hiện tình của Quê Hương Việt Nam ?
- Thứ ba, phát hiện những động tác cụ thể, cần thực hiện, không chờ đợi, hẹn rày hẹn mai, trong bốn loại sinh hoạt thuộc đời sống hiện tại của tôi. Sinh hoạt thứ nhất : hành động thực tiễn. Sinh hoạt thứ hai : Lối nhìn tích cực về anh chị em đồng bào. Sinh hoạt thứ ba : những xúc động tiêu cực, tê liệt, cần được hóa giải. Sinh hoạt thứ bốn : quan hệ cần phát huy và nuôi dưỡng, trong gia đình, làng xã, khu phố...
Một bài chia sẻ khác, mang tựa đề « Tấm và Cám trong nội tâm của chúng ta », bổ túc thêm những đề nghị, về phương pháp tiếp cận một câu chuyện huyền sử. Trong bài ấy, tôi đã nhận xét về chính mình tôi như sau :
 
« Tôi về phe Tấm. Đó là lẽ thường tình và tự nhiên, vì Tấm là con người dễ thương và đáng thương. Tuy nhiên, có bao giờ tôi giật mình, tĩnh thức, nhận ra rằng : tôi cũng là Cám, trong cuộc sống thường ngày ? Nếu tôi loại trừ Cám, phải chăng tôi cũng loại trừ một phần của chính mình tôi ? Làm như vậy là tự lường gạt. Tôi khư khư giữ cho mình phần tốt, mặt sáng. Đồng thời, tôi phóng chiếu lên khuôn mặt của kẻ khác, phần xấu và mặt đen. Nếu ai ai cũng hành động với đầu óc kỳ thị như tôi, xã hội, Quê Hương và nhân loại sẽ biến thành một bãi chiến trường đầy máu và tang thương, luôn luôn nặc mùi hận thù và tử khí. »[2]
 
Tội nghiệp biết chừng nào cho Quê Hương, nếu liên tục trong bốn nghìn năm văn hiến, chúng ta « Sắp Hàng » thành hai phe. Chúng ta hô hào « Tao hơn, mày thua », « Tao tốt mày xấu »... như Sơn Tinh và Thủy Tinh đã làm và đang còn làm, trên từng tất đất của Quê Hương.
 
Vậy, chúng ta cần làm gì ?
 
Theo phương pháp của các Thiền Sư, trong giờ Thiền Định, chúng ta hãy theo dõi hơi thở. Trở về tình trạng bình tâm, thanh thản và an lạc. Chúng ta hãy mỉm một nụ cười bao dung, nhìn vào tấm lòng của mình, cho thấu và suốt. Những đợt sóng xao xuyến, vọng động sẽ từ từ lắng xuống. Lúc bấy giờ, soi gương vào mặt hồ phẳng lặng của tâm hồn, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra mặt mũi đích thực, uyên nguyên của chúng ta. Đó là mặt mũi của một người con của Quê Hương. Một người anh chị em đồng bào, cùng có mặt với chín mươi chín anh chị em khác, trong cung lòng thương mến và ấm áp của Mẹ Âu Cơ. Sơn và Thủy, lúc bấy giờ, không còn là hai bến bờ, có hàng rào kẽm gai và bom đạn nằm ở giữa. Nhưng một bên là tả ngạn, bên kia là hữu ngạn, đang cùng nhau dẫn đưa dòng chảy của Quê Hương đi vào lòng Biển Cả, biến thành mây mưa, nuôi sống và tắm gội những nguồn sông, ngọn suối, chuyển tải phù sa bồi đắp cho ruộng đồng, núi đồi, trên cả ba miền Đất Nước. Sơn và Thủy sẵn sàng chia cơm sẻ áo cho nhau. Còn hơn thế nữa, theo lối nhìn của Nguyễn Trãi, Sơn và Thủy trở thành « nhất tâm », một tấm lòng.
 
Hơn ai hết, Thi sĩ Tản Đà đã thấy được « NGÀY HỘI NGỘ » ấy :
 
« Dù cho sông cạn đá mòn,
« Còn non còn nước, hãy còn thề xưa.
« Non cao đã biết hay chưa :
« Nước đi ra Bể, lại mưa về nguồn ?
« Nước non hội ngộ còn luôn,
« Bảo cho non : chớ có buồn làm chi.
« Nước kia dù hãy còn đi,
« Ngàn dâu xanh tốt, non thì cứ vui.
« Nghìn năm giao ước kết đôi,
« Non Non Nước Nước không nguôi Lời Thề ».
 
Theo lối nhìn của Tản Đà, được gói ghém trong bài thơ Non Nuớc trên đây, Sơn có con đường riêng biệt của Sơn. Thủy có con đường riêng biệt của Thủy. Nơi gặp gỡ, hội ngộ của hai người là Núi Sông, Đất Nước. Nhờ có Quê Hương, Sơn mới có thể trở thành Sơn, và Thủy mới có thể trở thành Thủy. Nhờ Sơn, Thủy không phải là dòng chảy lang thang, phiêu bạt vô gia cư... Nhờ Thủy, Sơn không còn là những núi đồi hoang vu, đá sạn khô cằn... Trong lòng Quê Hương, mọi khó khăn đều vượt qua, mọi trở ngại đều khắc phục, nếu Thủy « biết nhớ » Sơn khi ra đi xuôi ngược giữa dòng đời, và nếu Sơn « biết chờ » Thủy, trong cô liêu thanh vắng của lòng mình.
 
Nữ triết gia Simone Weil người Pháp, gốc Do Thái, đã nhắn nhủ chúng ta : « Không phải con đường chúng ta đi là khó. Cái khó chính là con đường đi của chúng ta ». Hẳn thực, trên chính con đường khó khăn đó, chúng ta dấn bước và tiến lên, làm nên Quê Hương, Đất Nước.
 
Sách Tham khảo 
 
1. NGUYỄN LANG - Văn Lang Dị Sử - Lá Bối, Paris 1976.
2. THÁI ĐỨC XUÂN - Truyện cổ tích - Nhà Xb Hà Nội, 2000.
3. PHẠM XUÂN THẠCH tuyển chọn  - Thơ Tản Đà : Lời Bình - Nhà Xb Văn Hóa và Thông Tin, Hà Nội, 2000.
4. NGUYỄN VĂN THÀNH - Le projet pédago-éducatif - Tình Người, Été 1997.
5. NGUYỄN VĂN THÀNH  -  Bản đồ Tâm lý và Tư duy sáu màu  -  Tình Người, Lausanne Hè 2002.
 
Chú thích:

[1] ĐỊNH HƯỚNG, tập san nghiên cứu Số 31, Ma H 2002, tr. 109 Nguồn gốc Rồng Tiên. 
[2] NGUYỄN VĂN THÀNH - Tấm và Cám - xem tập sách «Trong Đức Kitơ» - Định Hướng Trung Thư, Xuân 2001, tr 47. 
10/9/2012
Nguyễn Văn Thành
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Trời mưa bong bóng

Trời mưa bong bóng Từ đường Cao Thắng tôi cho xe rẽ vào Trần Quý Cáp. Con đường chạy đến công trường Con Rùa với hàng cây thẳng tấp, rơp b...