Thứ Ba, 24 tháng 5, 2022

Ký ức làng không quá xa xôiXXXX

Ký ức làng không quá xa xôi...

Một người không có ký ức tuổi thơ, không có ánh sao lấp lánh trên nền trời tưởng niệm sẽ có cuộc sống giống thực vật chăng? Trong xã hội như guồng máy cơ học vĩ mô, dần dần, nhiều người không may phải “chuyển động” trong thời gian “cơ học” và không gian “cơ giới tốc hành”  không sống thực vật nhưng cũng bị “chuyển hóa cơ học” từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây.  Xã hội chuyển động, phát triển, hiện đại hóa, mà ngược lại, nó tạo nên những người “bất động” về tâm hồn. Ấy là khi họ không còn cảm nhận rõ những ký ức đẹp hồn nhiên, lãng mạn về cuộc sống, về tuổi thơ, về dấu ấn đời người giữa dòng chảy miệt mài trầy xước.

Khi ta chào cuộc đời này bằng tiếng khóc rất trong trẻo của Thiên Thần vừa rời Thiên Giới là đã cất bước trên đường trần gió bụi, sẽ gồng gánh suy tư, trăn trở có lúc niềm vui đến như cơn gió, như cành hoa thắm ta bắt lấy, rồi xem lại và suy nghĩ về chính dấu ấn đời mình. Dấu ấn đó lung linh thành kỷ niệm. Vết thời gian hằn nẻo về cho kỷ niệm. Có thể ta từng có nhiều kỷ niệm vui. hoặc cũng có thể có những trang nhật ký dặt dặt kỷ niệm buồn, hoặc cũng có thể xen kẽ vui và buồn. Nhưng dù ta có là ai, đã từng sống theo cách nào thì đó phải là những kỉ niệm đặc sắc, gây ấn tượng sâu sắc trong lòng. Khi cuộc đời quá nỗi truân chuyên, ta thấy cần miêu tả lại dấu ấn kỷ niệm xưa ấy, để sống và để ru giấc quên đời. Kỷ niệm có gì đặc biệt mà khiến cho ta nhớ mãi?
Thời gian sao trôi qua nhanh thật đấy. Mới tung tăng vui chơi, vô tư thì giờ đây đã đi qua hơn nửa cuộc đời người. Tôi thực sự rất nhớ những chuyến vui chơi của tôi lúc nhỏ trên cánh đồng làng có chúng bạn tung tăng nghịch ngợm. Nhớ hình ảnh con trâu, cánh đồng lúa vàng ngày xưa… Lúc ấy, chẳng cần phải suy nghĩ gì nhiều và tuổi thơ của tôi là những chuỗi ngày đáng nhớ. Đó là dấu ấn, là kỷ niệm đã nun đúc con người tôi, cho tôi những bước chập chững vào đời rất hồn nhiên…
Với tôi, tuổi thơ đó là quãng kí ức đẹp nhất. Dù là kỷ niệm thường là sân ga nhỏ trên trường trình thiên lý, dẫu vui hay buồn, mỗi khi nhớ về ký ức tuổi thơ, trong lòng lại rộn lên niềm vui man mác, nụ cười mãn nguyện nở trên môi. Tôi nhớ nắng vàng ươm rót mật xuống vạn vật, nhớ những sớm quê trên cành cây, chim ca ríu rít… 
Lâu rồi, hình ảnh con trâu già nằm nhai cỏ, những chiếc xe gỗ trâu kéo lúa về nhà đã mất dần. Trong văn hóa đại chúng, hình tượng con trâu phổ biến trong văn hóa phương Đông và gắn bó với cuộc sống người dân ở vùng Đông Nam Á và Nam Á, đặc biệt là trong văn hóa Việt Nam. Hàng ngàn năm nay, con trâu không chỉ gắn bó với đời sống vật chất mà còn gắn bó với đời sông tinh thần của người nông dân Việt Nam. Với người làng, con trâu là đầu cơ nghiệp. Cảnh “trên đồng cạn, dưới đồng sâu/ chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa…” là bức tranh sinh hoạt quen thuộc ở nông thôn.
Khắp các làng quê Việt Nam trong mỗi vụ mùa, lại thấy bóng dáng của những chú trâu chăm chỉ làm việc trên những cánh đồng. Những con trâu đã giúp cho công việc cày bừa, thu hoạch lúa thóc trong mỗi vụ mùa của các bác nông dân được dễ dàng hơn. Trâu không chỉ gánh vác một phần không nhỏ vào việc đồng áng mà trâu còn đem lại rất nhiều lợi ích về mặt vật chất và tinh thần cho người nông dân chất phác thật thà…
Con trâu như người bạn rất thân thiết với tuổi thơ của tôi. Mỗi bờ cỏ, bãi đê đều in dấu chân trâu. Những ngày hè thanh bình, bỗng trên cao vút lên tiếng sáo diều của lũ trẻ chăn trâu thì thật là thú vị. Các chú bé ngồi trêbn lưng trâu vừa cho trâu ăn vừa thả diều và thả hồn vào tiếng sáo réo rắt trên không trung. Hay những buổi chiều, chơi trò trận giả. Ngồi trên lưng trâu, đứa nào đứa nấy đều rất oai vệ và chú tâm để xông vào đối phương.
Khi tôi rưng rưng nhớ những buổi trưa hè, óng dáng những chú trâu dường như vẫn in đậm trong tâm khảm. Cũng vì lẽ đó, mà bất kì ai có xuất thân từ làng quê như tôi khi đi xa cũng không thể quên hình ảnh những chú trâu, những buổi chiều ngồi trên lưng trâu mà thả diều.
Ở làng tôi khi xưa, hầu như nhà nào cũng nuôi trâu để kéo cày, bừa đất, đạp lúa và thu hoạch lúa từ ruộng kéo về nhà. Đàn trâu nhà ông Bảy nổi tiếng là khoẻ và đẹp nhất. Sáng sớm tinh mơ, mặt trời chưa mọc, mấy người con ông đã dong trâu ra đồng cày ruộng để kịp làm đất gieo cấy vụ mùa. Con trâu đực bốn tuổi, thân hình to lớn, nước da đen bóng, lưng rộng như cánh phản, bốn chân vững chãi bước đi thong thả trên con đường làng đất ướt sương và ven lộ là những dải cỏ non mềm sương sau một đêm dài. Đằng sau, ông Bảy vai vác cày, tay xách ấm nước cùng điếu thuốc rê phì phèo trên môi, miệng í ới gọi người làng ra đồng làm vụ. Chiếc nùn rơm ngún khói tỏa những đốm lửa li ti treo toòng teng đầu cán cày.
Trời rạng, buổi làm việc bắt đầu. Mấy chú trâu đứng yên, mắt lim dim, ngoan ngoãn để cho chủ mắc ách vào vai. Theo lệnh chủ, nó bước xuống ruộng. Khi lưỡi cày đã cắm sâu vào đất, nó cúi đầu, vai nhô cao, gò lưng mà kéo. Đôi tai to cùng chiếc đuôi dài phe phẩy theo mỗi bước chân. Nó hiểu từng hiệu lệnh của chủ qua tiếng vắt, vắt và chiếc roi tre khe khẽ điểm nhịp trên mông. Cứ thế, theo bước chân trâu, lưỡi cày lật đất thành từng luống đều tăm tắp, trông thật thích mắt. Đến đầu bờ, nghe tiếng chủ kêu “họ…họ…”, nó lập tức dừng lại, chờ bác nông dân nhấc cày lên rồi quay đầu, tiếp tục công việc.
Trâu đã gắn bó với người nông dân tần tảo sớm khuya, giữa buổi trưa hè hay trong cái rét buốt sương tháng giêng, trâu vẫn cần cù nhẫn nại mải miết cày ruộng, kéo xe. Trâu gò lưng kéo cày, thong thả theo nhịp bước và tiếng chỉ huy của bác nông dân, ngoan ngoãn, chăm chỉ. Hết thửa ruộng nọ đến thửa ruộng kia, trâu cày bừa nhuần nhuyễn để những cây mạ non đặt xuống lớp bùn sếnh sang màu mỡ hứa hẹn một mùa bội thu. Đến mùa gặt, người và trâu hăm hở đón những bông lúa vàng. Trâu kéo xe đi trước, người đẩy phía sau cùng vui vẻ, phấn khởi trước một mùa bội thu.
Người và trâu cặm cụi cày cho tới gần trưa, mặt trời tỏa ánh nắng chói chang xuống mặt đất. Chiếc áo nâu bạc màu của mấy bác nông phu ướt đẫm và lưng trâu cũng bóng nhẫy mồ hôi. Thửa ruộng khá rộng đã cày xong một nửa. Người nông dân tháo cày, dong trâu vào gốc cây trâm bầu cổ thụ trên gò đất cao giữa đồng rồi đi cắt cho trâu một ôm cỏ. Chú trâu đưa lưỡi liếm từng nạm cỏ tươi non rồi nhai sồn sột ngon lành. Bác nông dân gần đấy mới nới dây cột trâu dưới rặng bạch đàn lề ruộng, rồi bác cởi áo, lội xuống mương rửa mặt, lau người, sau đó, ngồi dưới bóng cây giở cơm ra ăn. Gió mát lồng lộng thổi, chú trâu bất chợt kêu to lên một tiếng “ngọ…ò..ò…ọ.”, vẻ khoan khoái lắm…
Những đứa trẻ con bọn tôi khi ấy đã phải phụ giúp gia đình trong việc chăn trâu. Với chúng tôi, chăn trâu không phải là việc nặng nhọc. “Công việc chăn trâu” của tuổi nhỏ đã đem lại cho tôi nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Ký ức tuổi thơ khi nhớ về quê hương thôn quê ai chẳng nhớ một thời chăn trâu cắt cỏ ấy. Chăn trâu, ngồi trên lưng trâu thổi sáo hay thả diều, đuổi bướm bẫy chim, rồi thoả thích tắm mát ở bờ sông quê nhà... những hình ảnh đó in sâu trong tâm khảm, trở thành kỉ niệm ngọt ngào dịu mát lòng ta trước cuộc đời đầy những lo toan mệt mỏi. Chẳng thế mà hình ảnh cậu bé ngồi trên lưng trâu thổi sáo giữa cánh đồng lúa bát ngát xanh đã đi vào bức tranh dân gian tự nhiên, đẹp đẽ như một mảnh tâm hồn đất Việt.
Ngày nay, dẫu máy cày kéo, máy liên hợp đã thay sức trâu rất nhiều nhưng nó mãi là vật yêu, vật thiêng trong sâu thẳm tâm hồn tôi, như người bạn xa xăm mà rất đỗi gần gũi thân thương. 
7/3/2017
Nguyễn Văn Thượng
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bến lở - Truyện ngắn của Nguyễn Thảo Nguyên Nhà văn Nguyễn Thảo Nguyên ở Bến Tre, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, vừa đoạt Giải nhất Cuộc...