Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2024

Cánh đồng xanh

Cánh đồng xanh

Tôi cùng người yêu rời khỏi phòng hòa nhạc mang theo thế giới âm thanh ra ngoài đường, định vào thăm thế giới màu sắc của anh bạn. Quá tin ở “tay trong tay nắm vững”, mải vui nhìn nhựa đời chan hòa, vừa tới cửa phòng triễn lãm, tôi lạc mất người yêu!
Niềm vui thơ ấu cùng nụ cười ngợp hào quang vụt tắt. Không khóc mà nghẹn ngào nơi cổ. Thoáng có dáng ai thon thon nghiêng nón ngả người, thoáng có đôi mắt đẹp nào đen láy hoang vu, thoáng có đôi bàn tay nào hiền nhỏ, trắng muốt và ngỡ ngàng trong nắng nhòa. Đi giữa đường trưa mà sao gió trăng hờ hững, vẫn chạm vai người đô hội mà sao hoa cỏ ngậm ngùi? Tôi còn đứng giữa dòng đời mà tưởng như đã về nằm thao thức mấy đêm trường chờ mong nửa cuộc đời thất lạc.
Tôi bước vào phòng triển lãm cô độc vô cùng. Nhưng tôi bắt đầu mở hết giác quan để thăm dò các bức tranh của bạn.
Ánh sáng xanh biếc của hàng trăm chiếc đèn lẩn theo dọc tường mà sao vẫn âm u? Có lẽ ánh đèn đã bị át bởi những đường ánh sáng đan nhau, thoát ra từ những bức họa.
Thoạt tiên tôi vào khu ấn tượng, sắc màu hòa hợp, cành cây nghiêng ngả thổi gió vào hồn.
Tôi sang khu biểu tượng. Ở đây màu sắc đương cựa mình muốn thoát khỏi lý trí để tìm cách hòa mình vào siêu hình.
Tôi bước sang khu trừu tượng. Muôn vàn đường ánh sáng giao nhau trên những cửa sổ của tâm hồn.
Sang khu siêu thực, tôi thấy bớt choáng váng. Tâm hồn tôi trầm tĩnh hơn khi ngắm bức họa một nông phu chợt nhỏ bé, nằm giữa rừng hoa cỏ vút cao như những rừng cổ thụ. Tôi ngắm bức họa một người đứng giữa không trung, trước hai trang sách lớn trắng xóa không có chữ, bên dưới là hình đám đông nghiêng ngả. Tôi ngắm bức họa một người đàn bà mặc váy có gai, ngồi trên một chiếc xe bánh vuông, đằng sau có con hươu sao, cổ đương bốc cháy.
Tôi trở về cô quạnh. Cái đau khổ thoạt tiên dằn vặt, sau đó kích thích cân não khiến tư tưởng của tôi như vỗ cánh điên cuồng trong hy vọng và khi ngẩng nhìn trời tôi nuốt chửng hết các vì sao. Tôi thấy sung mãn trong trạng thái bay bổng chơi vơi đó, và trí tưởng tượng thần kỳ của tôi sáng tạo… sáng tạo… như một tiểu thiên thần thơ dại sáng tạo một cái gì nhỏ mọn theo gương sáng tạo của Thượng Đế. Quá khứ, hiện tại, vị lai mờ ảo… lẫn lộn. Tôi thấy mình biến thành một hoàng tử của thời xưa, đi lang thang trên một cánh đồng xanh, một màu xanh thơ ngây và gặp một đôi trai gái dắt tay nhau đi trong ân tình. Họ bước khoan thai, nhịp nhàng. Họ không nhận thấy tôi, hình như họ mải nhìn một cái gì vô hình. Thốt nhiên họ reo cười vì họ gặp trên đường đi một cụm hoa tầm xuân. Tôi thoáng thấy đôi má người con gái ánh đỏ màu ráng chiều, đôi mắt thì đen láy thơ ngây như mắt chim khuyên. Nhớ câu ca dao đã thuộc thuở nào:
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc, Em có chồng anh tiếc lắm thay.
Chợt đôi trai gái - đúng lúc họ cúi xuống nhìn hoa - biến thành hai bông tầm xuân.
Tiếng cười khanh khách! Họ đã trở lại thành người và quanh vào một lối mòn đất đỏ, dưới hàng thông cao vút.
Tôi theo họ - đúng hơn, tôi theo tiếng cười khanh khách của người con gái - mỗi khi họ dừng lại cúi xuống ngắm cụm hoa nào, lập tức họ biến thành thứ hoa đó.
Tôi theo tiếng cười đi sâu vào một cánh đồng xanh khác có người nông phu đương vừa cất tiếng hát hồn nhiên vừa miết mải cuốc đất làm mùa. Quanh tôi mùi hương cau quyện với hương lúa, hương tre thành một hương phấn đồng quê thanh khiết vô ngần.
Sau một lúc làm việc mệt, người nông phu quẳng cuốc ra giữa ruộng, lại nằm xoài trên bãi mất rồi. Không còn nghe thấy tiếng hát cùng tiếng cười trong trẻo, tôi thấy cô đơn. Tôi muốn tiếp tục được nghe tiếng người. Tôi tiến nhanh về phía bờ cỏ, định bụng làm quen với người nông phu, nhưng khi tới nơi chỉ thấy bãi xanh bát ngát, ánh sáng xuyên qua cỏ non thành từng vùng hào quang màu ngọc thạch lồng lộng. Các hoa cỏ xinh như những tiểu thiên thần đương đùa với gió. Tôi biết rằng người nông phu đã biến thành một trong những hoa cỏ đó. Nhìn ra thửa ruộng đương làm dở, các cuốc vẫn còn kia.
Tôi ngao ngán tiến theo đường dốc, leo lên sườn núi tới trước một cửa động có ông già kỳ dị, vẻ mặt lầm lì. Tôi toan quay trở về cánh đồng xanh nhưng thấy hình động là lạ bèn ở lại ngắm. Cả một vùng cao ngất đá xếp thành từng lớp xòe ra, lấp lánh như vẩy rồng. Xung quanh động, phần ngoài cùng là khoảng đá màu nâu tía, phần dưới là đá bạch ngọc, rờn rờn tỏa hào quang. Đứng chính giữa động nhìn thấy các nhánh dài cẩm thạch nối nhau vào sâu thăm thẳm, xung quanh tua tủa hiện hình những kim lớn trong suốt, đầu có nạm vàng. Ánh sáng lùi vào sâu để rồi mờ dần trong một vũ trụ kỳ ảo khác. Có mùi hương lạ phiêu diêu, có tiếng gì trong như tiếng hạc. Tôi tiến lên hỏi ông cụ xem có được vào động chăng? Ông cụ trao cho một chiếc đèn lồng, ánh sáng tỏa ra như một viên ngọc, gọi là “đèn sao” và nói cho tôi hay ai cũng vào thăm Động Hoa Quỳnh được nhưng phải ra bằng lối khác.
Tôi cầm đèn lách qua khe nhỏ những kim trong suốt đầu nạm vàng, đồng thời phải lấy tay rẽ những lá gai cỏ sắt bên dưới mới tiến được vào động. Tiếng hạc trong văng vẳng trước đây đã biến thành một tiếng hỗn loạn như thác vỡ bờ. Tôi muốn lùi ra, nhưng mũi nhọn của lá gai cỏ sắt hướng vào trong động cả, nên đành dùng ánh sáng cây đèn lồng tìm lối ra cửa khác. Rõ ràng tôi vào một thế giới kỳ lạ. Trong tiếng ồn ào tôi đã phân biệt được tiếng cười tiếng nói. Ánh sáng thanh thiên bạch nhật không còn, chỉ còn ánh sáng lờ mờ của thạch nhũ làm nền cho hằng hà sa số những điểm sáng nhỏ khác tụ nhau thành từng khoảng. Sao trên trời cũng chỉ nhiều đến thế là cùng. Tôi tiến tới một vùng chấm ánh sáng gần nhất. Thì ra đó là những ngọn đèn lưu ly như ngọn đèn tôi cầm. Tôi thấy một đám đông hình người hư ảo. Xung quanh đám đông và trên các thạch nhũ rủ xuống, đều có treo đèn lưu ly. Đứng chính giữa đám đông là một người đàn ông không ra già không ra trẻ, đầu bù tóc rối, mặt mũi hốc hác, tay cầm một cuốn sách.
Thấy tôi cầm đèn tới, ông rẽ đám đông tiến lại nói:
- Bạn vừa ở chốn thế nhân vào đây? Ha ha, hay lắm! Bạn hãy nhập bọn này nghe tôi đọc thơ, lời thơ muôn thuở, sáng như sao băng.
A! – Tôi nghĩ thầm – Thì ra vị này là thi sĩ! nắm lấy tay người, nhưng chỉ thấy mình nắm vào khoảng không.
Thi sĩ cười rồi giải thích:
- Tôi và tất cả những người yêu thơ ở đây không còn là hình hài nữa, cho nên những ngọn đèn lưu ly đều để xung quanh hay treo trên nhũ đá. Nhưng nguồn cảm hứng cũng như tình yêu thơ của chúng tôi bất diệt. Bạn hãy nghe đây.
Thi sĩ mở sách đọc cho tôi nghe một bài thơ. Cứ dứt mỗi câu, đám đông đồng thanh nhắc lại, nghe như bài thánh ca. Lời thơ thanh cao nhưng ý thơ lơ lửng giữa rừng mây. Tôi nghe không thấy một câu nào bắt nguồn ở cuộc đời.
Tôi nghĩ thầm: “Mình nhập bọn này, treo ngọn đèn lưu ly trên nhũ đá, rồi linh hồn thoát xác, rồi vĩnh viễn nghe lời thơ vẽ mây gió trong không, vẽ trăng sao trên trời, thì chẳng hóa buồn lắm ru!”
Và tôi xách đèn đi vội như chạy.
Tôi sang vùng đèn lưu ly khác. Ở đây có một triết nhân râu tóc bạc phơ nằm trên một quyển sách lớn. Vừa lúc đó, ông mở sách viết thêm một dòng tư tưởng rồi cao giọng đọc, tiếng vang sang sảng. Đám đông lớn tiếng đọc theo rồi rì rầm nhắc đi nhắc lại cho kỳ đến thuộc lòng. Thoáng thấy tôi, triết nhân vắt chân chữ ngũ, vẻ mặt càng thêm kiêu kỳ.
Ông hất hàm hỏi:
- Người ở chốn thế nhân vừa tới kia, hãy nhập bọn môn đồ mà học lấy những tư tưởng hoa gấm của ta.
Tôi thưa lại:
- Dám hỏi ngài ngồi đây thì làm sao mà tư tưởng của ngài giúp ích cho đời được?
Triết nhân kiêu kỳ đáp:
- Tư tưởng ta siêu thời gian, siêu không gian. Ta nghĩ ở đây, nhưng luồng tư tưởng đi thẳng về cuộc đời. Mai đây tất cả thế nhân đều thuộc lòng từng trang sách của ta.
Tôi xách đèn lẳng lặng ra đi sang một vùng ánh sáng khác. Ở đây mọi người đều ăn mặc tề chỉnh đứng xúm quanh một người dáng uy nghi chững chạc hơn cả.
Người đó giơ tay về phía tôi nói bằng một giọng nghiêm trọng:
- Hỡi người ở chốn thế nhân vừa tới kia, hãy dừng đấy, vuốt lại nếp quần, xốc lại tấm áo cho tề chỉnh. Người không biết rằng người đương tiến vào khu vực của Đạo Đức?
Tôi nghĩ thầm: “Ở chốn thế nhân, cảnh người cha lam lũ, người mẹ cực nhọc để nuôi con, hay cảnh những trẻ thơ lam lũ để nuôi cha mẹ tàn tật, còn đẹp gấp vạn lần khu Đạo Đức này.”
Tôi lẳng lặng xách đèn đi sang vùng lưu ly khác. Tôi gặp một ông già mắt sáng quắc đứng trên một chồng sách dầy, tay cầm một quyển sách đang viết dở.
Thấy tôi đến, ông vẫy tay gọi:
- Người ở chốn thế nhân vừa lên kia, hãy kể lại cho ta nghe những việc vừa xảy ra nơi người ở. Ta chép sử muôn đời của nhân loại.
Tôi thưa lại:
- Dám hỏi, ngài chỉ việc ngồi đây mà ghi được sử muôn đời của nhân loại?
- Chứ sao! Mỗi đồ đệ quanh ta đều có mang vết tích của thời đại.
Có tiếng hô “Đả đảo! Muôn năm!” ở gần đây. đệ:
Sử gia chú ý lắng nghe rồi nói với các môn
- Các con ơi, bao giờ xã hội nhân loại được tổ chức khéo như thế thì mới có hòa bình vĩnh cửu được.
Tôi vội đi sang phía đó để xem gương mẫu của Hòa Bình vĩnh cửu.
Khu vực ánh sáng lưu ly này rộng mênh mông. Ở đây người ta phân chia ra từng toán nhỏ để học tập. Một toán học về cách sử dụng từ ngữ mâu thuẫn. Tôi nghe loáng thoáng những tiếng:
- Hãy bảo vệ hòa bình bằng chiến tranh!
- Hãy giết tất cả để bảo vệ sự sống! v.v…
- Hãy đề cao lãnh tụ để phục vụ nhân dân
Một toán khác đương tập diễn thuyết. Họ vung tay đá chân, họ quay sang tả, quay sang hữu, họ phùng má trợn mép ghép những lời mâu thuẫn thành một bài diễn văn.
Một toán khác tập cười. Một toán khác tập khóc. Một toán khác tập giận dữ.
Đứng vào khoảng giữa đám người mênh mông đó là một tên to đầu, mắt sâu râu rậm. Tay hắn cầm một chùm còi. Hắn đưa mắt kiểm soát. Thỉnh thoảng hắn rảo bước tới một toán, chỉ dẫn chỗ sai lầm và bắt tập lại. Nhiều khi hắn vừa tới gần một toán nào, mọi người trong toán đó cùng giơ tay hô “Muôn năm!” để hoan nghênh hắn. Tôi thấy hắn giật mình, dừng lại ngơ ngác một giây rồi mới đi. Tôi thừa biết hắn giả vờ thế. Hắn nhìn tôi một cách dửng dưng chứ không có thái độ chèo quéo như những người tôi đã gặp trên.
Hắn bỗng vuốt râu mép, lẩm bẩm (hắn đứng ở xa thế mà tôi cũng nghe rõ):
- Đời là thế đó, rồi chúng bay phải gia nhập nơi này hết, các con ạ!
Rồi như để tỏ uy quyền của chính mình, hắn đưa chùm còi lên miệng thổi một tiếng dài. Cả đám đông lẳng lặng cúi đầu. Những tiếng thở dài cùng thoát ra một lúc nghe như gió tự âm ti thoảng lên. Hắn thay cái còi khác, tiếng còi lanh lảnh liên tiếp như tiếng tiền đồng gieo xuống một mâm thau. Lập tức đoàn người hung hăng khoa chân múa tay, phùng má trợn mép làm điệu như chửi rủa ai. Bọt mép sùi trắng xóa, nước dãi bắn ra như mưa. Tôi hoảng hốt sờ lại người, thấy vẫn khô ráo mới yên lòng.
Một tiếng còi lanh lảnh khác kéo dài, lập tức đoàn người vỗ tay, co chân, nghiêng người vừa ca vừa nhảy theo một nhịp liên hoan…
Đó là cái xã hội trật tự gương mẫu cho nhân loại theo lời giới thiệu của sử gia. Tôi xách đèn sang khu có bầu không khí yên tĩnh hơn. Đó là khu tôn giáo. Những người cầm đầu các giáo phái thay phiên nhau đứng lên thuyết phục tín đồ. Cuộc tranh chấp trên giáo lý nhiều khi đưa đến xô xát lớn. Những lúc đó thì tiếng ồn ào của khu này có thể to gần bằng khu “xã hội gương mẫu”.
Còn nhiều khu đèn lưu ly nhỏ khác, nhưng vì đã quá mệt mỏi chán chường tôi chẳng thiết tạt vào thăm họ nữa. Tôi nghĩ cái động bao ngành trí thức này đâu phải nơi mình dừng chân để chết gí ở đó. Tôi tìm ra khỏi động để trở về với cánh đồng xanh, thầm ao ước các vị thi sĩ, triết nhân, sử gia cũng làm như vậy. Cái kiêu hãnh nặng nề, ngu muội đã xui họ ở lì vĩnh viễn nơi đây kết nạp môn đồ mà xưng hùng xưng bá. Đến tên đầu đảng lưu manh cầm còi cũng đặt đại bản doanh trong động, thực mỉa mai thay!
Tiến theo một lối mòn rộng dần, tôi đã thấy cửa ra. Cánh đồng xanh ban nãy hiện lên trước cửa động, êm ả như tình quê hương. Thành thử tuy khác đường mà lối ra cửa động cùng một hướng với lối vào. Có một đôi tiên đồng, ngọc nữ đương vừa múa, vừa ca. Họ bỗng dừng lại, nhường lối cho hai vị thánh nhân, kẻ trước người sau vội vã bước vào. Xa tít ngoài cửa động có một thánh nhân khác đứng trên một bông hoa sen, hai tay từ tại chắp trước ngực. Tôi tiến lên hỏi tiên đồng, ngọc nữ xem hai vị vừa vào là ai, và vị đứng ngoài là ai. Tiên đồng cho biết hai vị tối cao pháp chủ vào động để ngăn các tín đồ xô xát, còn vị đứng ngoài xa chỉ là đứng chờ các đạo hữu vừa vào.
Vừa lúc đó hai vị thánh nhân đi ra, bước nhanh như gió. Khi ba vị gặp nhau thì một vùng hào quang xuất hiện, cả ba cùng nắm tay nhau đi vào rồi biến mất. Rõ ràng các đạo lý đều quy về một mối.
Tiên đồng, ngọc nữ tiếp tục múa hát. Tôi điềm nhiên lách người tiến ra mong chóng trở về cánh đồng xanh, nghe lại tiếng cười của đôi trai gái cùng tiếng hát của bác nông phu. Tôi vừa nhô khỏi cửa động, một luồng gió mạnh liệt như dòng thác vô hình quật tôi ngã sóng soài trở lại. Tôi đứng dậy kinh hoàng. Tiên đồng nhìn tôi mỉm cười hỏi:
- Người tưởng ra khỏi động dễ dàng lắm sao?
- Dám hỏi đó là cơn gió gì mà mãnh liệt vậy?
- Đó là sức hút thường xuyên của Động Hoa Quỳnh!
- Sao các vị thánh nhân ra vào dễ thế?
- Người có phải là thánh nhân chăng?
Tôi chợt tỉnh ngộ nhưng nghĩ thầm: “Tuy không phải là thánh nhân, nhưng tôi quyết sẽ trở về cánh đồng xanh.”
Tiên đồng hỏi:
- Người muốn nghe chuyện tôi chăng? Đương lúc mệt mỏi cần nghỉ để lấy sức, lại được tiên đồng kể truyện cho nghe thì còn gì bằng. Tôi ngoan ngoãn ngồi xuống.
Tại nước tôi – lời tiên đồng – kể từ ngày lập quốc, đã mấy ngàn năm qua, chỉ có một dòng vua trị vì: dòng vua Hồng Quang. Theo sử sách ghi chép thì dòng vua Hồng Quang là con cháu Mặt Trời. Tương truyền hồi mới khai thiên lập địa, Mặt Trời, Mặt Trăng ít khi gặp nhau. Thảng hoặc có đôi khi chạm mặt thì chỉ lướt qua mà không hề ai để ý đến ai. Trái đất thuở đó nấu nung như một khối nghẹn ngào không biết bao giờ nguôi.
Có một ngày kia Thần Mặt Trời mặt đỏ gay, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, đến trước Ngọc Hoàng Thượng
Đế tâu rằng:
- Muôn tâu Thượng Đế, xin ngài cho con dừng bước. Phải lừng lững đi mãi trên con đường vinh quang bất tuyệt con thấy mệt mỏi quá chừng.
Ngọc Hoàng gật đầu, suy nghĩ, rồi nói:
- Ta hiểu con lắm! Đi trên đường vinh quang mà cô độc, thực là một hình phạt chứ đâu có là vinh dự!
Ngọc Hoàng đưa mắt nhìn Hằng Nga đẹp lạnh lùng trong mây bạc, bèn gả cho Mặt Trời. Từ đấy đôi bên tháng tháng gặp nhau một lần vào buổi trăng tròn. Mặt Trăng xa Mặt Trời sầu muộn vào những đêm hạ tuần. Mặt Trăng e thẹn nhưng sáng ngời hy vọng chờ buổi gặp mới vào những đêm thượng tuần. Đức Thái Tổ dòng vua Hồng Quang chính là do tinh hoa Mặt Trời, Mặt Trăng kết tụ mà sinh ra. Tôi thay vua cha lên ngôi báu từ năm mười hai tuổi, là vua Hồng Quang thứ mười ba. Tôi cố giữ vẻ cực kỳ uy nghi đạo mạo, vì tự nghĩ mình là dòng dõi Mặt Trời.
Chân tôi bước nặng nề. Lũ quần thần ngu si kính cẩn thì thầm bảo nhau:
- Bước chân đi của Hoàng Đế dòng dõi Mặt
Trời làm rung chuyển cả trái đất.
Lời tôi nói oang oang như xói vào tai. Lũ quần thần ngu si kính cẩn thì thầm bảo nhau:
- Tiếng nói của Hoàng Đế dòng dõi Mặt Trời nghe như tiếng khánh vàng.
Sau tám năm trị vì tôi vừa hai mươi tuổi xuân. Đời sống kiêu kỳ giả dối càng làm bước chân tôi thêm nặng, giọng nói thêm oang oang. Linh hồn tôi vùng vẫy đòi thoát khỏi xác.
Một ngày kia tôi đương đi bách bộ ngoài sân điện Thái Hòa, bỗng đứng sững lại. Hồn tôi đã thoát xác tiến ra phía bờ sông gặp bông hoa tầm xuân vừa hé nở. Tôi gọi hồn hoa và đóa tầm xuân hiện thành dáng một thiếu nữ nhỏ bé, thướt tha, kiều diễm. Chúng tôi nô giỡn bên bờ con sông sáng ánh sao, rồi đưa nhau vào ruộng dâu tận hưởng niềm hoan lạc.
Nàng vịn cành dâu, chỉ con sông xuôi dòng lấp lánh nói với tôi:
- Tình chúng ta cùng thiên nhiên hòa hợp, con chúng ta đã là thi sĩ ngay từ trong lòng mẹ.
Rồi chúng tôi chia tay.
Tỉnh lại, được triều thần tâu cho hay là tôi đã xuất thần trong ba ngày liền, xác tôi đứng nguyên như tượng đá giữa sân điện, quần thần phải thay phiên nhau đến quỳ túc trực xung quanh.
Sau giấc mơ êm ái, bước chân tôi vẫn nặng nề, giọng nói vẫn oang oang chói tai. Rồi một hôm vào buổi thiết triều, tôi lại xuất thần. Hồn tôi đi ngược lên thượng lưu con sông và gặp bông cúc vàng vừa nở. Hồn hoa hiển hiện thành một thiếu nữ yêu kiều dáng cao và thon. Nàng theo tôi ra bờ sông vừa đi vừa cất tiếng hát trong trẻo. Tôi nương theo nàng mà cùng vui hát, giọng tôi trở lại thanh dần. Tôi uốn mình múa theo nàng, bước tôi đi nhẹ nhàng dần. Rồi chúng tôi lạc vào một bãi dâu. Tôi giữ nàng lại, cùng nhau tận hưởng niềm hoan lạc.
Nàng vịn một cành dâu, chỉ con sông xuôi dòng lấp lánh, nói thoảng bên tai tôi:
- Tình chúng ta cùng thiên nhiên hòa hợp, con chúng ta sẽ thông minh, dĩnh ngộ và hồn nhiên trở thành thi sĩ của ca dao.
Rồi chúng tôi chia tay. Tỉnh dậy, tôi thấy mình vẫn uy nghi ngồi trên ngai vàng, xung quanh, quần thần thay phiên nhau túc trực từ ba ngày qua, kính cẩn thì thầm bảo nhau:
- Đức Hoàng Đế dòng dõi Mặt Trời xuất thần nhập diệu để suy tìm quốc kế dân sinh.
Vào dịp này quần thần tuyển nhiều cung phi tùy tôi chọn hoàng hậu. Thân thể lũ phi tần nặng nề, ô trọc làm tôi khinh ghét. Họ đâu có thơm và nhẹ như hồn hoa, tôi dậm chân quát tháo. Trái đất dường như rung chuyển. Quần thần càng muôn phần khiếp phục và các cung nữ len lét nép mình bên lối tôi qua.
Năm đó nước tôi không còn mưa thuận gió hòa.
Mùa xuân mà mưa nhiều, như thể thần linh muốn quở trách tôi là ông vua nhu nhược. Mùa hạ nắng nhiều, như thể tôi là ông vua tàn bạo; mùa thu gió nhiều, như thể tôi là ông vua u mê; mùa đông rét nhiều như thể tôi là ông vua đê hèn bội bạc…
Cho đến một ngày kia tôi gặp được Hoàng Hậu hái dâu (Tiên đồng hướng về Ngọc Nữ khẽ cúi đầu).
Tôi quay sang xin Ngọc Nữ (Hoàng Hậu hái dâu) kể nốt câu chuyện.
Ngọc Nữ kể rằng:
- Tôi sống ở miền có đồi, có ruộng, có rừng. Người dân làm việc công việc đồng áng trong sáu tháng liền. Sang sáu tháng sau đời sống họ khác hẳn: ngày, chèo thuyền đánh cá; tối, trai gái đốt đuốc tìm gặp nhau trên bờ sông. Người con trai tiến lên trước người con gái dập tắt đuốc. Người con gái nếu ưng ý thì dập đuốc theo. Rồi hai người ngồi xuống bắt đầu hát đối. Nếu qua lời ca mà đôi bên tâm đầu ý hợp thì thành vợ chồng. Tôi là cô gái hái dâu, đêm trước có gặp một bà tiên. Bà trao cho tôi một cái vòng cổ tết bằng dây leo, một bên cài bông tầm xuân, một bên cài bông cúc vàng. Bà tiên dặn tôi: “Ngày mai con đi hái dâu sẽ gặp Vua dòng Mặt Trời. Nếu được đức vua vời về cung, con sẽ làm như thế… như thế.” Quả nhiên hôm sau, đức vua cùng quần thần tuần du qua đấy. Đức vua chợt dừng lại, lặng yên suy nghĩ nhìn tôi xách giỏ hái dâu. Quần thần cho là Ngài ưng ý bèn bắt tôi theo về làm cung phi.
Đêm đầu tiên, ngài đến với tôi, nhưng khi vừa nắm tay tôi thì ngài xuất thần. Tôi quàng vội vòng dây leo vào cổ rồi niệm chú hóa thành con bướm bay theo hồn vua. Vòng dây leo cũng trở thành nhỏ xíu mà tôi vẫn mang theo ở cổ.
Hồn vua tiến đến đóa tầm xuân bên sông. Một dáng nhỏ nhắn yêu kiều bước ra.
Tôi bay tới lấy chiếc hoa tầm xuân ở vòng dây sông vừa nở. Dáng hoa yêu kiều vụt biến, Đức Vua kêu lên đau thương. Nhưng mặt rồng lại hớn hở ngay vì chính tôi khi đó vừa biến thành nàng Tầm Xuân. Tôi cùng Đức Vua nô giỡn bên sông. Sau đó tôi cũng vịn cành dâu nhìn con sông xuôi dòng, lấp lánh ánh sao và nói: “Tình chúng ta cùng thiên nhiên hòa hợp, con chúng ta đã là thi sĩ ngay từ trong lòng mẹ.”
Tối hôm sau Đức Vua có đến với tôi, nhưng cũng đúng khi nắm tay tôi thì Ngài xuất thần. Tôi vội đeo vòng dây leo, niệm chú hóa thành bướm bay theo. Đức vua ngược lên thượng lưu dòng sông tìm đến bông cúc vàng hàm tiếu để rồi cùng múa hát với hồn hoa. Tôi lại lấy bông cúc vàng ở vòng dây leo thấm hết sương đêm ở bông cúc vàng hàm tiếu. Sau một tiếng kêu ngạc nhiên, Vua trở lại vui mừng nhảy múa vui ca cùng tôi. Ngài vẫn tưởng tôi là nàng tiên cúc vàng. Rồi sau đó tôi cũng say sưa vịn cành dâu nhìn dòng sông lấp lánh ánh sao và nói với quân vương: “Tình chúng ta cùng thiên nhiên hòa hợp, con chúng ta sẽ thông minh dĩnh ngộ và hồn nhiên trở thành thi sĩ của ca dao.”
Tới đêm thứ ba, Đức Vua có đến. Tôi đeo vòng dây leo để lộ bông hoa tầm xuân về phía trước. Đức Vua cùng tôi nô đùa trong phòng mà cùng tưởng như đương nô đùa bên sông.
Tôi xoay vòng dây leo, để lộ bông cúc vàng trước ngực. Đức Vua cất tiếng hát trước rồi cùng tôi nhảy múa…
(Tới đây cả hai Tiên Đồng, Ngọc Nữ cùng nhìn nhau mỉm cười.)
Tiên Đồng kể cho tôi nghe nốt đoạn kết:
- Từ đó bước chân tôi nhẹ nhàng, giọng tôi thanh thanh. Tôi thường múa hát trước quần thần và quần thần cũng theo tôi múa hát. Chúng không còn kính cẩn thì thầm với nhau. Hình như chúng quên rằng tôi là Hoàng Đế dòng dõi Mặt Trời, và tôi thấy khuôn mặt chúng ngày một sáng sủa đáng yêu chứ không ngu muội như trước nữa. Chúng tôi sinh hạ được một Hoàng Tử. Con tôi quả đã là thi sĩ của ca dao. Dân chúng theo gương Hoàng Tử mà tình ca ngày một phong phú cùng thảo mộc. Con cháu tôi kế tiếp nhau trị vì, còn chúng tôi được Ngọc Hoàng cho đến đây canh động Hoa Quỳnh.
Dứt câu chuyện, cả hai lại vui ca nhảy múa. Tôi thấy lòng sảng khoái. Cánh đồng xanh hiện ra xanh hơn bao giờ hết trước cửa động. Vẳng như có tiếng cười trong trẻo của đôi trai gái đi dưới rặng thông xa. Vẳng như có điệu ca bát ngát của người nông phu ngừng cuốc đất. Tôi vùng chạy vút, hy vọng bất chợt thoát được ra ngoài cửa động. Dòng thác gió vô hình lạnh như băng, rắn như thép, dữ dội như mãnh thú hất ngược tôi lại, đầu đập vào đá…
Hình như vì thế mà tôi tỉnh dậy, nhưng dù tỉnh dậy thì tôi vẫn thấy rằng mình còn bị giữ trong động Hoa Quỳnh. Dù tỉnh dậy tôi vẫn thấy rõ ràng trước đây tôi đã từng sống trên cánh đồng xanh với đôi trai gái yêu nhau, với người nông phu thơm phức hương đồng.
“Người có phải là thánh nhân chăng?” Và tự kiểm soát: Trước những kẻ thù cưỡng hiếp tư tưởng nhân loại, tôi vẫn còn gầm thét như con thú bị thương, mặc dầu trong thâm tâm, tôi vẫn tin rằng tư tưởng nhân loại, như ngọn lửa kia, chỉ bị uốn mình trước cơn lốc, mà bao giờ ngọn cũng bốc lên cao. Tôi còn nhiều dục vọng lắm!
Tôi vẫn phải cắn răng mới nhẫn nại nổi để khỏi khinh những gì là giả dối, ti tiện, tầm thường, ích kỷ. Tôi còn hẹp hòi lắm!
Tôi phải luôn cố gắng lắm mới giữ được quân bình trong lòng để nhớ rằng con người không phải vạn năng mà tha thứ cho đồng loại. Tôi còn thiển cận lắm!
Tôi vẫn dè dặt khép lòng trước người lạ, e sợ con mắt soi mói của họ đốt cháy những gì là tế vi của tình cảm. Tôi còn hèn yếu lắm!
Tôi lao mình đến giữ những người thân, nằm êm ấm như người lính bị thương và mở tung cửa sổ tâm hồn, thái độ cuồng nhiệt tưởng như trong đời chỉ còn mấy người đó là tri kỷ, tri âm. Tôi còn lạc lầm nhiều về bản ngã!
Từ thuở xa xưa tôi rời khỏi cánh đồng xanh, cầm ngọn đèn trí thức đi vào động suy tưởng. Tôi biết lắm, vào cái động quyến rũ đẹp như hoa quỳnh này đâu có phải là một lỗi lầm. Tiếc thay vào dễ mà ra khó! Từ trước tới nay, tôi vẫn có huyễn tượng đã xóa được “cái tôi” bằng tư tưởng vị tha, bằng thái độ nhũn nhặn, bằng hành động mềm dẻo, để trở nên thanh thoát, nhẹ nhõm. Tôi đã lầm! Tôi còn nặng nề lắm… nặng nề lắm!
Trời ơi! Tôi nhớ cánh đồng xanh, tôi nhớ tiếng cười của đôi trai gái, tôi nhớ tiếng hát của người nông phu hiền hòa, tôi nhớ cảnh những người đó cúi xuống hoa cỏ thì biến thành hoa cỏ.
Tôi nhớ cánh đồng xanh! Tôi nhớ cánh đồng xanh!
Kìa, may sao, người yêu tôi đã lại! Nàng khóc từ xa và bước nàng lật đật. Tôi biết nàng sẽ hờn giận bắt đền sao đã để lạc nàng giữa đám đông. Nàng gục đầu xuống vai tôi, khóc rưng rức được một lúc khá lâu mà vẫn chưa vơi nỗi sầu hiu quạnh.
Tôi nhắm nghiền mắt lại. Tuy chỉ có hơi thở người yêu ấm má, mà rõ ràng tôi nghe thấy tiếng nàng: “Tình yêu chúng ta cùng thiên nhiên hòa hợp, con chúng ta sẽ thông minh dĩnh ngộ và hồn nhiên trở thành thi sĩ của ca dao.”
Tôi ôm chặt nàng vào lòng, vừa nắm lấy đôi tay nàng trìu mến như nắm tay ân nhân, vừa thiết tha áp môi trên má nói khẽ với nàng:
- “Em yêu dấu, anh là Mặt Trời, em là Hằng Nga, anh là Tiên Đồng, em là Ngọc Nữ, anh là hoàng đế Hồng Quang, em là Hoàng Hậu Hái Dâu. Em hãy đưa anh về cánh đồng!”.
Doãn Quốc Sỹ
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...