Thứ Ba, 10 tháng 9, 2024

Nghệ thuật trong thế giới phiền não 1

Nghệ thuật trong
thế giới phiền não 1

MỤC LỤC
nguyên tác '' the art of happines in a troubled world
Lời người dịch
Lưu ý của tác giả
Giới thiệu 
Phần một: Tôi, chúng ta và họ
Chương 1: Tôi chống với chúng ta
Chương 2: Tôi và chúng ta
Chương 3: Thành kiến (chúng ta chống lại họ)  
Chương 4: Vượt thắng thành kiến
Chương 5: Chủ nghĩa quốc gia cực đoan
Phần hai: Bạo động chống lại đối thoại 
Chương 6: Thăm lại bản chất con người
Chương 7: Những nguyên nhân của bạo động 
Chương 8: Những gốc rễ của bạo động 
Chương 9: Đối phó với sợ hãi
Phần ba: Hạnh phúc trong thế giới phiền não
Chương 10: Đương đầu với một thế giới phiền não
Chương 11: Hy vọng, lạc quan và khả năng phục hồi
Chương 12: Hạnh phúc nội tại, hạnh phúc ngoại tại và niềm tin
Chương 13: Những cảm xúc tích cực và việc xây dựng một thế giới mới
Chương 14: Tìm ra tính nhân bản chung của chúng ta 
Chương 15: Sự thấu cảm, bi mẫn và việc tìm kiếm hạnh phúc trong thế giới phiền não
Tác giả và dịch giả
Lời người dịch
"Tất cả chúng ta là giống nhau" đức Đạt Lai Lạt Ma nói như thế, nhưng giống nhau ở chỗ nào, mọi người đều muốn hạnh phúc và không ai mong đợi khổ đau. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đặt ra vấn đề và trả lời như thế. Nhưng tại sao mọi người đều muốn hạnh phúc và không muốn đau khổ, nhưng thế giới chúng ta lại toàn là đau khổ và đau khổ lại là do con người tạo ra nhiều hơn cả.
Chúng ta mong muốn hạnh phúc, nhưng lại chỉ muốn hạnh phúc dành riêng cho chúng ta, còn những người khác với chúng ta thì sao? Những khổ đau hiện hữu là ở chỗ nào? Chúng ta chỉ muốn hạnh phúc cho chúng ta nhưng bất chấp kẻ khác. Vì họ là khác với chúng ta, dù họ vẫn là những con người, chúng ta biết thế. Nhưng chúng ta đang đi tìm hạnh phúc cho chúng ta, chứ không phải cho họ. Và họ cũng đi tìm hạnh phúc cho họ, chứ không phải hạnh phúc cho chúng ta. Và hạnh phúc của chúng ta và hạnh phúc của họ đối kháng với nhau. Chúng ta triệt phá hạnh phúc của họ, và họ triệt phá hạnh phúc của chúng ta để tìm hạnh phúc cho mọi phía.
Thế là vì đi tìm hạnh phúc mà chúng ta gây khổ đau cho nhau. Đức Đạt Lai Lạt Ma từng nói rằng, nếu nói khổ đau là cái giá của nhân loại thì chúng ta sẽ trở nên dửng dưng với khổ đau của kẻ khác. Nhưng chúng ta cũng thấy rằng ngược lại, họ cũng sẽ dửng dưng với khổ đau của chúng ta. Họ là ai? Chúng ta là ai?
Họ là những con người, chúng ta cũng là những con người. Nhưng có lằn phân cách giữa chúng ta và họ. Họ là những người khác chúng ta và chúng ta là những người khác họ.  
Có thể nói rằng tất cả các tôn giáo dù có thờ đấng tạo hóa hay không, tất cả các chủ nghĩa kể cả chủ nghĩa duy vật đều hiện hữu trên trái đất này để giải quyết vấn đề mà tất cả mọi người đều mong muốn: Hạnh phúc. Và hãy xét lại trong chiều dài lịch sử, tất cả đã mong đem lại hạnh phúc cho nhân loại bằng cách nào?  
Nhưng rồi tất cả các tôn giáo, tất cả các chủ nghĩa lại trở thành những đối tượng để làm đổ vỡ hạnh phúc cho nhau vì cái lằn phân cách ấy.  
Cái lằn phân cách ấy là gì? Là tôn giáo, là chủng tộc, là sắc thái chính trị, là địa lý.
Những cuộc Thập Tự Chinh, những cuộc Thánh Chiến,... trong thời Trung Cổ. Những lời kêu gọi Thánh Chiến trong thời hiện đại,... Các cuộc thế giới chiến tranh,... Những cuộc tàn sát vì chủng tộc như của Hitler đối với người Do Thái, của người Hutu đối với người Tutsi. Và lạ thay có cả vụ tàn sát người đồng chủng như Polpot ở Campuchia,... Bao nhiêu người đã chết vì chiến tranh tôn giáo, bao nhiêu người đã chết vì chủng tộc, bao nhiêu người đã chết vì các cuộc cách mạng tư sản lẫn cách mạng vô sản, hay cách mạng văn hóa,... Bao nhiêu người đã khổ đau vì những thứ ấy? Có phải tất cả đều nhân danh hạnh phúc? Và cho đến bây giờ thứ nào đã đem lại hạnh phúc chân thật cho con người mà không gây khổ đau cho kẻ khác? Dù biết rằng đi tìm hạnh phúc, đi mang lại hạnh phúc, và để hưởng thụ hạnh phúc không phải là vấn đề đơn giản, nhưng có phải vì thế mà dẫm đạp lên hạnh phúc của kẻ khác để mang lại hạnh phúc cho chúng ta, và rồi người khác đi tìm hạnh phúc sẽ làm thế nào?
Làm thế nào để có hạnh phúc khi chúng ta và người ta cùng đi tìm hạnh phúc? Chúng ta và người ta cùng là những con người cùng có cùng mục tiêu đi tìm hạnh phúc. Thế thì mặc dù nói là đi tìm hạnh phúc nhưng chúng ta đang gây thảm họa, phá hoại hạnh phúc của nhau.
Vậy thì bao giờ chúng ta có hạnh phúc khắp nơi trên trái đất này? Chúng ta có thể thấy những từ ngữ như "Tịnh độ nhân gian", "Thiên đàng tại thế", "Thiên đường cộng sản", những mong ước mà trong tôn giáo cũng như những nhà làm chính trị đã đề cập bao giờ chúng ta có được? Thật sự nếu tại nhân gian, tại thế gian, tại trái đất này, nếu chúng ta muốn mang lại hạnh phúc cho chúng ta, nhưng chà đạp hạnh phúc kẻ khác, gây đau khổ cho kẻ khác thì chúng ta sẽ có một chỗ ở Cực lạc, Niết bàn hay Thiên đàng không, hay chúng ta sẽ được hưởng hạnh phúc vạn tuế trên trái đất này không?
Nói bao la thế giới thì chúng ta chẳng biết dựa vào chỗ nào để tìm hạnh phúc, nhưng như bác sĩ Howard C. Cutler, thì ít ra chúng ta cũng có một cơ sở, một điểm khởi đầu để đi tìm hạnh phúc trong thế giới phiền não này, đây là những phương pháp thực tiễn của đức Đạt Lai Lạt Ma đã chỉ ra trong những quyển sách Nghệ Thuật Hạnh Phúc mà cụ thể trong quyển sách này Nghệ Thuật Hạnh Phúc trong Thế Giới Phiền Não.  
Ẩn Tâm Lộ, ngày 30/11/2011
Tuệ Uyển
Lưu ý của tác giả
Trong quyển sách này, những cuộc đối thoại rộng rãi với đức Đạt Lai Lạt Ma được thuật lại chi tiết. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã rộng lượng cho phép tôi chọn lựa bất cứ sự biên soạn nào cho quyển sách mà tôi cảm thấy chuyển tải ý tưởng của ngài một cách tác động nhất. Tôi cảm thấy rằng cách bố cục tự thuật thấy trong những trang sách này sẽ dễ đọc nhất và cùng lúc ấy truyền đạt một cảm nhận việc đức Đạt Lai Lạt Ma kết hợp chặt chẽ ý tưởng của ngài trong đời sống hằng ngày của ngài như thế nào. Với sự chấp thuận của ngài, tôi đã xếp đặt quyển sách này thành những chủ đề nội dung, và trong việc làm này, tôi đã phải lựa chọn phối hợp và hòa nhập những dự kiện có thể được rút ra từ những cuộc đối thoại khác nhau. Thông dịch viên của đức Đạt Lai Lạt Ma là tiến sĩ Thupten Jinpa, đã ân cần duyệt lại bản thảo cuối cùng để đoan chắc với tôi là không có những sự sơ xuất làm lệch lạc ý tưởng của đức Đạt Lai Lạt Ma như kết quả của tiến trình nhuận sắc.  
Nhiều trường hợp lịch sử và giai thoại cá nhân đã được trình bày để làm sáng tỏ những ý kiến qua sự thảo luận. Nhằm để duy trì sự bảo mật và bảo vệ sự riêng tư cá nhân, trong mỗi thí dụ (ngoại trừ được chỉ định khác) tôi đã phải thay đổi tên và chuyển dịch chi tiết cũng như những đặc trưng phân biệt để ngăn ngừa sự xác minh những cá nhân đặc thù nào đấy.
Giới thiệu
Vào lúc trước, tôi đã được mời đến Úc Đại Lợi để phát biểu khai mạc tại một hội nghị quốc tế về hạnh phúc con người. Đây là một sự kiện to lớn lạ thường đã tập họp năm mươi nhà chuyên môn hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới để nói về hạnh phúc, hàng nghìn người tham dự, và ngay cả đức Đạt Lai Lạt Ma, người xuất hiện vào ngày thứ hai như một diễn giả đặc trưng đáng chú ý.
Với quá nhiều đồng nghiệp chuyên môn tập hợp trong một địa điểm, có vô số thảo luận sống động trong những đề tài thuộc phạm vi rộng rãi. Trong buổi nghỉ cho bữa ăn trưa, tôi đã nghe trộm vài đồng nghiệp tranh luận về giá trị của một vài đầu đề gần đây trên báo chí Úc Đại Lợi, liên quan đến một tranh luận xảy ra trên những nhóm tâm lý tích cực. Tâm lý tích cực là một ngành mới của tâm lý học thường được liên hệ đến như "khoa học về hạnh phúc con người". Câu hỏi được tranh luận là: Nếu mục tiêu là để gia tăng hạnh phúc con người, điều nào tiếp cận tốt hơn - tập trung trên sự phát triển nội tại hay phúc lợi xã hội? Nói cách khác, có phải những nỗ lực cống hiến một cách chính yếu cho việc phát triển kỹ thuật mà con người có thể thực hành để tăng cường hạnh phúc của con người hay không, hay là chúng ta phải tập trung trên việc phát triển những điều kiện xã hội, tạo điều kiện cho phép những thành viên của xã hội lớn mạnh và dẫn đến hạnh phúc lớn hơn cho toàn thể dân cư?
Dường như cuộc tranh luận có thể là hoàn toàn lôi thôi vào các thời điểm ấy. Một số bênh vực cho sự tiếp cận xã hội đã mô tả đặc điểm của tâm lý học tích cực, là điều đã tập trung rộng rãi trên việc tìm kiếm những phương pháp hiệu quả cho việc gia tăng hạnh phúc con người, trong khi một số ít hơn tự đam mê những thích thú tâm lý nhất thời, chỉ quan tâm với sự theo đuổi vị kỷ hài lòng cá nhân. Dĩ nhiên, cuộc vận động tâm lý tích cực đã có những cuộc tranh luận bác bỏ đầy năng lực. Trong khi không phủ nhận rằng nhu cầu tồn tại của con người đương đầu là một điều kiện tiên quyết cho hạnh phúc, người ta đi đến việc chỉ ra rằng vì hạnh phúc là một thể trạng chủ quan, liên hệ đến thái độ, nhận thức, cảm xúc con người, và v.v... một cách căn bản nó cần thiết tập trung trên thể trạng nội tại của con người, trên cấp độ cá nhân, để tăng trưởng hạnh phúc. Thêm nữa, bày tỏ với phiền trách rằng hành động cho việc tăng cường hạnh phúc cá nhân là tự cho mình là trung tâm, theo đuổi vị kỷ, thì người ta đưa ra những sự nghiên cứu cho thấy rằng gia tăng hạnh phúc cá nhân làm cho con người từ tâm hơn, rộng lượng hơn, quyết chí hơn để vươn ra và giúp đỡ kẻ khác, và những kẻ kém hạnh phúc là những người tập trung vào chính họ hơn, và ích kỷ hơn.
Cho đến thời điểm ấy tôi đã không để ý về mức độ của cuộc tranh luận này, mà nó có thể cô đọng thành một câu hỏi ưa thích căn bản của con người: "Tôi" hay "Chúng tôi"? Do vậy, khi lần đầu tiên tôi nghe người ta tranh luận về vấn đề này, tôi đã tập trung sự chú ý. Khi hóa ra rằng, đức Đạt Lai Lạt Ma và tôi đã nói về cùng một vấn đề trong tiến trình của một số cuộc thảo luận gần đây, chúng tôi đang có mối quan hệ giữa cá nhân, xã hội rộng lớn hơn, và hạnh phúc con người, tìm kiếm cho những câu trả lời như: Tác động của xã hội trên hạnh phúc con người là gì? Trách nhiệm của cá nhân trong việc cố gắng đem đến sự thay đổi xã hội là gì? Và mỗi cá nhân đơn độc có thể làm là bao nhiêu, đại khái?
Những cuộc thảo luận này, bao gồm một số trao đổi ghi chép trong quyển sách này, là một bộ phận của cuộc đối thoại đang tiếp diễn về hạnh phúc con người mà chúng tôi đã mở màn lần đầu tiên vào năm 1993. Nhằm để đặt những cuộc đối thoại này trong những phạm vi thích đáng, tôi nghĩ sẽ ích lợi để quay lại và ôn lại vắn tắt lượt trình của loạt sách Nghệ Thuật của Hạnh Phúc(1) và những thay đổi căn bản đã xảy ra trong cả cộng đồng khoa học lẫn công chúng phổ thông với sự quan tâm đến nhận thức và thấu hiểu của chúng ta về hạnh phúc.  
1. Đã được Thượng tọa Tâm Quang dịch và chùa Tam Bảo Fresno ấn hành năm 2003, với tựa đề Nghệ Thuật tạo Hạnh Phúc, có đăng trong Thư Viện Hoa Sen phiên bản cũ.
LƯỢC TRÌNH NGHỆ THUẬT HẠNH PHÚC
Vào đầu những năm 1990, lần đầu tiên tôi bắt đầu nghĩ về việc hợp tác với đức Đạt Lai Lạt Ma để hình thành một quyển sách nói về hạnh phúc. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã viết hơn ba mươi quyển sách đến thời điểm ấy, nhưng vì chúng chỉ áp dụng một cách chính yếu cho những sinh viên hay hành giả Phật giáo, nên những quyển sách của ngài đã thất bại trong việc gặp gỡ giới độc giả rộng rãi thuộc quần chúng Tây phương. Vào lúc ấy, tôi đã biết đức Đạt Lai Lạt Ma khoảng một thập niên, đủ thời gian để nhận biết rằng ngài có tuệ trí phong phú để cống hiến cho những người không thuộc đạo Phật cũng như những hàng Phật tử. Thế là, tôi đã bắt đầu hình dung về một quyển sách viết cho quảng đại quần chúng Tây phương, chắt lọc những tinh hoa căn bản đã làm cho ngài đạt đến hạnh phúc. Bằng vào việc tập trung trên sự áp dụng thực tiễn những ý tưởng của ngài vào đời sống hằng ngày và qua việc trình bày quan điểm của ngài trong phạm trù của khoa học và tâm lý học Tây phương, tôi hy vọng đem đến một sự tiếp cận căn bản để tìm ra hạnh phúc qua sự phối hợp một cách tuyệt hảo nhất giữa phương Đông và phương Tây. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã sẵn lòng với đề xuất của tôi, và cuối cùng chúng tôi đã bắt đầu dự án vào năm 1993, trong cuộc viếng thăm lần đầu tiên của ngài đến tiểu bang quê nhà của tôi là Arizona.
Được truyền cảm hứng và hấp dẫn với dự án, tôi đã quyết định tạm thời đình chỉ việc thực hành tâm lý trị liệu nhằm để cống hiến toàn bộ sự chú tâm của tôi vào việc viết sách. Tôi dự đoán sẽ mất khoảng sáu tháng để hoàn thành quyển sách và với đức Đạt Lai Lạt Ma đồng tác giả, tôi đã chắc chắn rằng tôi sẽ được chọn lựa bởi những công ty xuất bản hàng đầu.
Tôi đã tính toán sai lầm. Năm năm sau, tôi vẫn đang làm việc với quyển sách và vẫn tiếp tục thêm vào bề dày của sự ngã lòng nản chí về những bức thư từ chối trên bàn của tôi - những lá thư từ các người chuyên môn văn học và các nhà xuất bản, họ nhất loạt tin tưởng rằng không có những dòng độc giả chủ đạo cho những sách vở của đức Đạt Lai Lạt Ma, không có thị trường cho một sự hợp tác giữa ngài và tâm lý trị liệu Tây phương, và không có sự thích thú công cộng trong chủ đề về hạnh phúc. Với nguồn tài chính của tôi suy kiệt, dường như tôi có quá ít sự lựa chọn, và tôi suýt ở trên bờ của việc tự xuất bản quyển sách với số lượng ít ỏi và trở lại việc hành nghề tâm lý trị liệu khi cuối cùng sự may mắn của tôi đã bị đột quỵ. Chính vào lúc ấy, một lời nhận xét vô cùng tự nhiên của một bà mẹ một người bạn thân của tôi với một người lạ mặt ở đường xe điện ngầm New York - người lạ mặt ấy hóa ra ở trong một công ty xuất bản - khởi đầu một loạt những liên kết không nghĩ đến cuối cùng đã đưa đến sự bảo đảm của người đại lý và một nhà xuất bản chủ đạo. Và thế là vào năm 1998, với một ấn bản nhỏ bé lần đầu tiên và một dự đoán khiêm nhường, Nghệ Thuật của Hạnh Phúc: Cẩm Nang cho Đời Sống cuối cùng đã được xuất bản.
Cuộc sống thật không thể ngờ được. Chúng tôi ngạc nhiên kinh khủng vì quyển sách đã vui mừng được đáp ứng ngập tràn tích cực. Dường như nó đã đánh trúng vào tình cảm của độc giả, tiếng vang của nó đi sâu vào trong trái tim của thật nhiều người đang khao khát điều gì đấy tốt đẹp hơn cho cuộc sống. Quyển sách đã nhanh chóng xuất hiện trên danh sách những quyển sách bán chạy nhất trên toàn thế giới, kẻ cả 97 tuần trên danh sách những sách bán chạy nhất của Nữu Ước Thời Báo. Nó cuối cùng được diễn dịch ra 50 ngôn ngữ và trở thành một tác phẩm kinh điển bất hủ với số độc giả lên đến hàng triệu người.
Như kết quả của một quyển sách nổi tiếng, chúng tôi đã nhận được nhiều bức thư tuyệt vời và cảm động, một số đã bày tỏ lời yêu cầu cho một sự tiếp tục, chỉ ra những đề tài đã bị lượt bỏ khỏi quyển sách thứ nhất. Thí dụ, trong việc tập trung cho sự phát triển nội tại một cách chính yếu như con đường đưa đến hạnh phúc, kể cả việc thảo luận đến những chướng ngại nội tại đối với hạnh phúc nhưng né tránh một cách rộng rãi bất cứ đề cập nào đến những vấn nạn xã hội rộng rãi mặc dù đức Đạt Lai Lạt Ma nêu lên những vấn đề này trong những cuộc thảo luận riêng tư và trong những buổi thuyết giảng công cộng của ngài.
Nhưng bây giờ là lúc để đối diện với thực tế rằng con người không phải sống trong chân không trống rỗng - chúng ta sống trong một xã hội, và xã hội ấy có nhiều vấn nạn có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc của chúng ta. Thế nên, mong ước khám phá những vấn đề xã hội và toàn cầu này trong sự sâu xa hơn với đức Đạt Lai Lạt Ma - và cùng lúc ấy đáp ứng yêu cầu của độc giả - tôi đã tiếp xúc để đặt vấn đề với ngài về ý tưởng của sự hợp tác cho một sự tiếp tục, tìm kiếm để trả lời câu hỏi căn bản: Làm thế nào chúng ta tìm thấy hạnh phúc trong một thế giới phiền não như vậy? Và ngài đã nhất trí.
Mặc dù ban đầu tôi định đặt câu hỏi bao quát này trong kết luận của một quyển đơn độc Nghệ Thuật của Hạnh Phúc: Cẩm Nang cho Đời Sống, nhưng chúng tôi nhanh chóng nhận ra rằng chủ đề quá rộng rãi và bao hàm quá nhiều đề tài xa xôi không thể chứa đựng cả trong một quyển sách mà thôi, vì thế chúng tôi đã chia thành những đề tài thành một loạt sách nhiều quyển. Quyển sách thứ hai trong loạt sách, Nghệ Thuật của Hạnh Phúc tại Sở Làm, xuất bản năm 2003, áp dụng những nguyên tắc của Nghệ Thuật của Hạnh Phúc để sắp đặt nơi mà hầu hết chúng ta đã dành phần lớn những giờ giấc lúc thức trong tuổi trưởng thành - sở làm. Giống như quyển sách thứ nhất, Nghệ Thuật của Hạnh Phúc tại Sở Làm đã được đón nhận rất nồng nhiệt và đã là một quyển sách bán chạy nhất của Nữu Ước Thời Báo - nhưng cũng như quyển sách đầu tiên, nó chỉ tập trung một cách chính yếu trên mức độ của cá nhân.
Trong quyển sách này, cuối cùng chúng tôi đã hướng những vấn đề rộng rãi hơn của xã hội vốn là nền tảng cho hạnh phúc của con người. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã bắt đầu bằng việc xác định sự thiếu vắng một cảm nhận cộng đồng cũng như sự mòn mõi của niềm tin trong nhiều xã hội ngày nay và khi những cuộc đối thoại của chúng tôi tiếp tục, chúng tôi đã đi đến việc thảo luận những vấn đề như thành kiến, chủng tộc, khủng bố, bạo động, và sợ hãi. Loạt sách Nghệ Thuật của Hạnh Phúc tiếp tục là một hoạt động trong tiến trình, với ba quyển sách nữa dự tính ướm thử để hoàn thành loạt sách. Một quyển sẽ nói về bạo động trong chiều sâu xa hơn, bao gồm nguyên nhân của nó, biện pháp đối trị, và quan kiến của đức Đạt Lai Lạt Ma đối với thế kỷ XXI như "Thế Kỷ của Đối Thoại". Một quyển nữa sẽ bao gồm những đề tài liên hệ đến lối sống cá nhân, giàu sang, nghèo nàn, chủ nghĩa tiêu thụ, những vấn đề kinh tế, giáo dục, và đức Đạt Lai Lạt Ma đã kêu gọi chúng ta phát triển một cảm nhận "Trách Nhiệm Toàn Cầu". Và, cuối cùng sẽ có một quyển sách thực hành thực tiễn, cống hiến một chương trình căn cứ hiệu quả khoa học cho việc rèn luyện trong hạnh phúc, phối hợp những nguyên tắc của đạo Phật với khoa học và tâm lý học Tây phương.  
CÁCH MẠNG HẠNH PHÚC
Nhận thức của đức Đạt Lai Lạt Ma về hạnh phúc như một mục tiêu có thể đạt được, điều gì đấy chúng ta có thể trau dồi thận trọng có chủ tâm qua thực hành và nỗ lực rất giống bất cứ một kỹ năng nào khác, là nền tảng đối với quan điểm của đạo Phật về hạnh phúc. Trong thực tế, ý tưởng rèn luyện tâm thức đã từng là viên đá tảng trong sự thực hành của Phật giáo qua hàng thiên niên kỷ. Một cách ngẫu nhiên, sau khi xuất bản Nghệ Thuật của Hạnh Phúc chẳng bao lâu, cùng ý tưởng này đã bắt đầu bén rễ trong xã hội từ một chiều hướng khác - như một khám phá khoa học "mới" - hướng dẫn đến một phương kế nền tảng trong nhận thức của nhiều người về hạnh phúc như điều gì đấy chỉ đơn thuần như một sản phẩm phụ của những hoàn cảnh ngoại tại của chúng ta, trong sự chiếu cố của việc thấy hạnh phúc như điều gì đấy có thể được phát triển một cách có hệ thống. Sự thay đổi này như một bộ phận của cuộc Cách Mạng Hạnh Phúc toàn cầu, được định rõ đặc điểm bởi việc bùng nổ đột nhiên của sự hấp dẫn trong chủ đề hạnh phúc của con người trong cả cộng đồng khoa học và công chúng phổ thông.
Mặc dù luôn luôn có những nhân tố phức tạp cung cấp năng lượng cho sự lớn mạnh nhanh chóng của một cuộc vận động mới như Cách Mạng Hạnh Phúc, trong trường hợp này thậm chí ranh giới xuất hiện là sự thiết lập chính thức một lĩnh vực tâm lý học mới tập trung trên những cảm xúc tích cực, sức mạnh của con người, và sự thành công. Bác sĩ Martin Seligman, một nhà tâm lý trị liệu nổi tiếng, được dư luận rộng rãi xem như người khai sinh lĩnh vực mới này đã dành nhiệm kỳ như chủ tịch của Hiệp Hội Tâm Lý Học Hoa Kỳ để xúc tiến lãnh vực nghiên cứu mới này, mà ông gọi là "tâm lý học tích cực". Seligman hợp sức với một nhà nghiên cứu sáng giá khác, bác sĩ Mihaly Csikszentmihalyi, để dặt nền tảng hoạt động cho lĩnh vực mới này, và hai người đã nhanh chóng được kết giao bởi một nhóm cốt lỗi những nhà nghiên cứu hàng đầu từ những trường đại học khác nhau ở Hoa Kỳ và Âu Châu, những người chia sẻ một sự hấp dẫn to lớn trong sức mạnh và đạo đức của con người hơn là sự yếu đuối và bệnh học của nhân loại.
Khi Nghệ Thuật của Hạnh Phúc: Cẩm Nang cho Đời Sống đang được viết, có rất ít ỏi những nghiên cứu hiện hữu liên quan đến hạnh phúc của con người và những cảm xúc tích cực, cùng những thứ không khác hơn một nhúm không chính quy, lẻ tẻ những nhà nghiên cứu thích thú trong việc khảo sát những chủ đề quá lạc lõng (?) này. Tuy nhiên, với sự khởi đầu của tâm lý học tích cực, không khí đã thay đổi đột ngột - Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, hạnh phúc cuối cùng đã trở thành một lĩnh vực thẩm tra chính thống. Như một kết quả, chúng tôi đã thấy sự lớn mạnh cấp lũy thừa của sự nghiên cứu mới về hạnh phúc hơn một thập niên qua. Và xuyên qua thời điểm này thật hài lòng cho tôi để thấy rằng khối lượng bằng chứng khoa học lớn mạnh một cách nhanh chóng đã hỗ trợ kiên định và làm cho có giá trị những quan điểm của đức Đạt Lai Lạt Ma. Khi tính hiển nhiên tiếp tục tăng lên, chúng tôi đang thấy những nguyên tắc Phật giáo và khoa học Tây phương bắt đầu để truyền đạt trong nhiều cung cách.
NHỮNG LỢI ÍCH CỦA HẠNH PHÚC 
Một trong những nhân tố chính yếu cung cấp năng lượng cho Cách Mạng Hạnh Phúc đã là sự nghiên cứu khích động phơi bày nhiều lợi ích của hạnh phúc - nhưng hạnh phúc trải rộng vượt xa "cảm giác tốt đẹp" đơn thuần. Trong thực tế, việc trau dồi hạnh phúc lớn hơn có thể được thấy như việc "mua sắm một chỗ" cho những ai tìm cầu niềm hạnh phúc lớn hơn trong mọi lĩnh vực quan trọng của đời sống: Hạnh phúc đưa đến thành công trong việc tìm kiếm một người bạn trợ lực, những cuộc hôn nhân tốt đẹp hơn, những mối quan hệ mạnh mẽ hơn, sức khỏe vật lý và tâm lý tốt hơn, một tuổi thọ dài hơn (lên đến mười năm!). Nó tăng trưởng sự sáng tạo, khả năng nhận thức và khả năng phục hồi nhanh (sức bật). Con người hạnh phúc cũng thành công vượt xa hơn tại sở làm và thu nhập tài chính về căn bản cao hơn. Trong thực tế, các tổ chức với những công nhân vui tươi cũng thành công hơn và minh chứng thu thập lợi nhuận to lớn hơn một cách có hệ thống.
Mặc dù phần thưởng cá nhân thực tế của việc trau dồi hạnh phúc thật thú vị, nhưng sự phê bình cho thấy rằng nuôi dưỡng hạnh phúc to lớn hơn không chỉ ích lợi cho tự thân, mà cũng cho gia đình, cộng đồng, và toàn thể xã hội của chúng ta. Trong thực tế, đây là một trong những nguyên tắc then chốt làm nền tảng cho Nghệ Thuật của Hạnh Phúc. Trong khi yếu tố cơ bản này đã được giới thiệu trong quyển đầu tiên của loạt sách này, thì nó đảm nhiệm một ý nghĩa thâm sâu mới trong phạm vi của quyển sách này và những nghiên cứu khoa học gần đây về cảm xúc tích cực.
Lúc trước, tôi đã đề cập cuộc tranh luận về những sự tiếp cận nào đối với hạnh phúc là "giá trị" hơn, lộ trình của việc phát triển nội tại hay con đường của sự thay đổi xã hội - đấy là, chúng ta nên hành động đối với hạnh phúc cá nhân hay hạnh phúc xã hội? Không ai bận lòng khẩn khoản ý kiến của đức Đạt Lai Lạt Ma trong cuộc tranh luận vào tuần ấy tại Úc Đại Lợi, nhưng đây là một câu hỏi mà ngài đã trả lời trong đợt đối thoại của chúng tôi - và câu trả lời của ngài là điều mà tôi chưa từng nghe tuyên bố một cách rộng rãi cho đến lúc ấy bởi những người của cả hai phía về câu hỏi. Câu trả lời của ngài đến cuộc tranh luận? Không có tranh luận! Sự tiếp cận tốt nhất? Cả hai! Nó không phải là một hoàn cảnh, nơi mà chúng ta cần phải lựa chọn thứ này hoặc thứ kia. Ngài cảm thấy rằng chúng ta có thể và nên hành động đối với hạnh phúc cá nhân cùng một lúc với hạnh phúc của xã hội.
Trong việc quan tâm đến sự trau dồi hạnh phúc cá nhân lớn mạnh, đức Đạt Lai Lạt Ma cống hiến một vài phương pháp. Thí dụ trong phần III của quyển sách này, ngài bắt đầu khơi mở một sự tiếp cận thực tiễn để đương đầu với những vấn nạn của thế giới ngày nay trong khi nuôi dưỡng một ý thức của hy vọng, lạc quan, tin cậy, và những thể trạng khác của tâm thức. Vì những cảm xúc tích cực và thể trạng của tâm thức có những hiệu quả khác nhau trong việc tăng trưởng toàn bộ những trình độ của hạnh phúc, một cách căn bản điều này cho chúng ta thấy làm thế nào để tìm thấy hạnh phúc trong thế giới rắc rối của chúng ta.
Khi đi đến việc gia tăng "hạnh phúc của xã hội", dĩ nhiên, có vô số hành vi mà chúng ta có thể đoan chắc để giúp cho việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn - những hành vi đặc thù mà chúng ta chọn lựa một cách tổng quát được quyết định bởi sự thích thú, nguồn gốc, khả năng, hoàn cảnh,... của mỗi cá nhân chúng ta. Những hành vi đặc biệt giúp để làm giảm thiểu những vấn nạn xã hội như nghèo nàn hay môi trường sẽ được thảo luận trong quyển sách kế tiếp của loạt sách Nghệ Thuật của Hạnh Phúc, cùng với việc thảo luận những chủ đề như lòng vị tha và ủng hộ xã hội hay thái độ giúp đỡ.
GIAO ĐIỂM CỦA HẠNH PHÚC CÁ NHÂN VÀ XÃ HỘI
Tuy nhiên, trong quyển này chúng tôi mở đầu bằng việc đề xuất một sự tiếp cận khác biệt, một sự tiếp cận đầy năng lực hay đúng hơn là một sự tiếp cận căn bản để hành động một cách đồng thời đối với hạnh phúc nội tại và vượt thắng những vấn nạn của xã hội: Trong chương kết thúc của quyển sách này, chúng tôi trình bày điểm tranh luận then chốt của chúng tôi, những cảm xúc tích cực trong phổ quát - và những "cảm xúc tích cực" siêu việt của từ bi và cảm thông một cách đặc thù - dựa trên giao điểm giữa hạnh phúc nội tại và ngoại tại với khả năng tiếp thu để đồng thời đem đến hạnh phúc cá nhân và cung cấp một giải pháp tiềm tàng mạnh mẽ đến nhiều vấn nạn gây tai hại cho xã hội ngày nay (tối thiểu như bước đầu tiên trong việc chiến thắng những rắc rối xã hội này).
Thí dụ, chúng tôi cung cấp chứng cớ khoa học trực tiếp minh chứng việc nuôi dưỡng từ bị có thể là kỹ năng tác động đến việc gia tăng hạnh phúc cá nhân như thế nào. Thêm nữa, chúng tôi cho thấy sự thông cảm và từ bi làm nên những sự thay đổi đặc biệt trong chức năng của não bộ như thế nào mà đã điều chỉnh cung cách chúng ta lĩnh hội và giao tiếp với người khác - thí dụ, làm cho chúng ta nhận thức người khác như là tương đồng hơn với chính chúng ta. Những sự thay đổi này đưa đến kết quả là sự liên hệ với người khác được căn cứ trên những sự giống nhau của chúng ta hơn là những sự khác biệt, xóa đi những hàng rào ngăn cách giữa "chúng ta" và "người ta". Điều này cũng phát sinh những cung cách đặc trưng về suy nghĩ và hành động mà dường như là "tùy chỉnh thiết kế" hay một tập quán như những sự đối trị đến một số vấn nạn xã hội mà chúng ta sẽ khám phá trong những chương sau này - ngay cả những thành kiến bẩm sinh, "tự động và vô ý thức" mà con người trải nghiệm đối với những ai chúng ta nhận định là khác biệt, là điều mãi cho đến gần đây vẫn được xem như là không thể ngăn ngừa. Cuối cùng, chúng tôi sẽ giải thích làm thế nào sự tiếp cận này chiến thắng những vấn nạn xã hội, thậm chí có thể có một vài thuận lợi đặc biệt qua những tiếp cận quy ước hơn, qua những yếu tố như bản chất lan truyền tự nhiên của những cảm xúc tích cực và hạnh phúc.
Trong chương kết thúc của quyển sách này, chúng tôi giải thích, có những rèn luyện hay những kỹ năng mà mọi người có thể thực tập để trau dồi một cách cẩn trọng một năng lực lớn hơn cho thấu cảm và từ bi - chúng ta không nhất thiết phải là một người đồng cảm hay "nhiệt tâm" một cách tự nhiên nhằm để trải nghiệm những cấp độ cao hơn để thấu cam và từ bi. Vì thế, bất cứ người nào cũng có thể sử dụng các kỹ năng này để tăng cường mức độ thông thường của hạnh phúc ngày - qua - ngày. Tuy thế, nhằm để sử dụng phương pháp này cho việc vượt thắng những vấn nạn xã hội lan tràn, một phần quan trọng qua dân số có thể cần phải thực tập những kỹ năng này. Điều này có thể được hoàn thành, thí dụ, bằng việc cung ứng giáo dục và rèn luyện trong những kỹ năng này như một bộ phận hằng ngày trong việc nuôi dạy thiếu nhi thuộc hệ thống trường học công cộng, cùng với việc thúc đẩy sự chú ý sâu rộng hơn về những lợi ích của những kỹ năng này qua truyền thông, và v.v...
Trước khi điều này có thể xảy ra, có thể rằng nhiều người hơn cần trở nên đồng thuận với quan điểm của đức Đạt Lai Lạt Ma về từ bi: Nhận thức từ bi như nguồn gốc của hạnh phúc cá nhân, là điều gì đấy làm lợi cho chúng ta một cách chân thành chứ không phải chỉ cho "người nào khác". Nó đòi hỏi việc nhìn thấy từ bi như điều gì đấy có giá trị thực tiễn to lớn và quan trọng, với những lợi ích cụ thể thật sự, chứ không chỉ là một nhận thức triết lý trừu tượng "yếu ớt và lờ mờ" hoặc một đề tài "hòa dịu" của tôn giáo, tâm linh hay đạo đức trong bản chất. Trong thực tế, thậm chí nó nên được thấy như một sự cần thiết, điều gì đấy cấp thiết cho sự sống còn của chúng ta, chứ không phải là một thứ xa xí phẩm hay điều gì đấy mà chúng ta chỉ thực hành trong chùa viện ngày lễ, trong thánh đường ngày chủ nhật hay sau khi chúng ta về hưu ở Florida với hàng triệu đô la trong tài khoản ngân hàng của chúng ta.
Không cần phải nói, tiếp nhận những sự giáo dục rộng rãi khởi đầu sẽ bao gồm việc rèn luyện khắp cả nước trong những phương pháp này có thể là một tiến trình chậm chạp. Trong khi những vấn nạn của thế giới chúng ta ngày nay là đa dạng và phức tạp, và không có những công thức bí mật hay những hạt đậu thần thoại, những viên đạn thần kỳ bỗng nhiên trừ tiệt tất cả mọi rắc rối của nhân loai, cả cá nhân và toàn cầu qua một đêm. Nhưng tối thiểu, chúng ta có nơi để bắt đầu. Khi đức Đạt Lai Lạt Ma khơi mở trong những trang sách sau đây, có những bước thực tiễn mà chúng ta có thể đối phó với thế giới phiền toái của chúng ta, những chiến lược mà chúng ta có thể sử dụng để duy trì hạnh phúc ngày - qua - ngày trong khi chúng ta đang tìm kiếm những giải pháp cho những rắc rối to rộng hơn. Một cách căn bản, chúng ta sẽ thấy rằng thông điệp của đức Đạt Lai Lạt Ma là một trong những niềm hy vọng, căn cứ trên một niềm tin chắc chắn trong nền tảng thánh thiện trung thực của con người, và tri giác hòa bình nội tại đến từ sự hiểu biết rằng có một con đường được vạch rõ ràng đến hạnh phúc - trong thực tế, nhiều lộ trình.  
Trích từ quyển The Art of Happiness in a Troubled World
Ẩn Tâm Lộ - 15/05/2011
Phần I - Tôi, chúng ta và họ - Chương 1
Tôi chống với chúng ta
Tôi nghĩ rằng đây là lần đầu tiên mà tôi gặp gỡ với hầu hết quý vị. Nhưng cho dù đây là một người bạn mới hay là một người bạn cũ, dù sao đi nữa cũng không có gì khác biệt nhiều, bởi vì tôi luôn luôn tin tưởng là chúng ta giống nhau. Tất cả chúng ta thật đúng là những con người. - ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA NÓI CHUYỆN VỚI ĐÁM ĐÔNG HÀNG NGHÌN NGƯỜI.  
THỜI GIAN TRÔI ĐI. Thế giới thay đổi. Nhưng có một sự không thay đổi mà tôi đã trưởng thành quen thuộc trải qua hàng năm, trong việc du hành thỉnh thoảng cho những cuộc diễn thuyết với đức Đạt Lai Lạt Ma: Khi nói chuyện đến một thính chúng phổ thông, ngài mở lời một cách không thay đổi, "Tất cả chúng ta là giống nhau...".
Một khi thiết lập một mối quan hệ với mỗi thành viên của thính chúng bằng cách ấy, sau đó ngài tiếp tục đề tài đặc thù của buổi tối ấy. Nhưng trải qua hàng năm, tôi đã từng chứng kiến một hiện tượng đáng chú ý: Cho dù ngài nói chuyện đến một cuộc họp mặt nhỏ theo nghi thức của những lĩnh đạo ở điện Capitol, diễn thuyết trong một cuộc tập họp của hàng nghìn người ở Central Park, một cuộc đối thoại liên tôn ở Úc Đại Lợi, hay một hội nghị khoa học ở Thụy Sĩ, hay giảng dạy hai mươi nghìn tu sĩ ở Ấn Độ, người ta có thể cảm nhận một tác động rõ ràng không thể nghi ngờ được. Ngài dường như đã tạo nên một cảm giác trong thính chúng của ngài, không chỉ của sự nối kết với ngài, mà của sự liên hệ đến mỗi người với nhau, một mối quan hệ nhân bảng nền tảng.
Đây là một buổi sáng sớm của Thứ Hai và tôi đã trở lại Dharamsala, thời khóa của một cuộc gặp gỡ ngắn hạn với đức Đạt Lai Lạt Ma cho cuộc họp mặt lần đầu tiên trong một loạt thảo luận mới. Tổ ấm của cộng đồng Tây Tạng lớn mạnh, Dharamsala là một làng quê yên tĩnh xây dựng gắn liền vào ngọn của dãy núi Dauladar, những ngọn đồi thấp của rặng Hy Mã Lạp Sơn, miền bắc Ấn Độ. Tôi đã đến một vài ngày trước, cùng khoảng đồng thời với đức Đạt Lai Lạt Ma, người vừa trở lai nhà sau ba tuần diễn giảng ở Hoa Kỳ.
Tôi dùng xong bữa điểm tâm sớm, và vì nơi cư ngụ của đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ năm phút đi bộ theo những con đường núi từ khách sạn nơi tôi ở, nên tôi lùi về một phòng công cộng để dùng xong ly cà phê của tôi và xem lại những ghi chép chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ của chúng tôi. Mặc dù căn phòng vắng vẻ, ai đấy đã để một chương trình tin tức thế giới trên truyền hình. Chăm chú vào tập ghi chép, tôi đã không để ý nhiều đến tin tức và trong vài phút, khổ đau của thế giới không gì hơn là những tiếng ồn phía sau.
Tuy nhiên, không bao lâu trước khi ngẫu nhiên tôi ngước lên và một câu chuyện làm tôi chú ý. Một người Palestine ôm bom tự sát đã làm nổ một quả bom ở câu lạc bộ âm nhạc disco, thành phố Tel Aviv, một mục tiêu cố tính nhắm đến những thanh thiếu niên. Hơn hai mươi nam nữ Do Thái lứa "tuổi mười mấy"(1) đã chết. Nhưng sự giết người rõ ràng không đủ hài lòng đối với những kẻ khủng bố. Hắn ta đã trộn lẫn trong chất nổ với những đinh ốc rỉ sét cho mức độ ác liệt hơn, nhằm để làm thương tật và biến dạng mặt mày những ai mà hắn không thể giết được.
1. Teenage: Lứa tuổi từ 13 đến 19.
Trước khi hành động tàn bạo vô cũng như vậy có thể hoàn toàn lắng xuống, những tin tức khác đã nhanh chóng tiếp tục - một sự trộn lẫn ảm đạm những thảm họa thiên nhiên và những hành động xu hướng bạo lực... Thái tử Nepal đã sát hại toàn bộ gia đình ông ta... những người sống sót của trận động đất Gujarat vẫn vật vã hồi phục.
Mới từ cuộc tháp tùng với đức Đạt Lai Lạt Ma trong chuyến vừa qua, tôi đã thấy rằng lời của ngài "Tất cả chúng ta giống nhau" reo trong đầu tôi như tôi xem những câu chuyện kinh khiếp của khổ đau và nghèo cùng đột ngột. Rồi thì tôi nhận ra rằng, tôi đang lắng nghe những báo cáo này giống như những nạn nhân là những thực thể mơ hồ, vô danh, trừu tượng, không phải là một nhóm người "giống như tôi". Dường như rằng cái cảm giác xa cách càng lớn hơn giữa tôi và những nạn nhân, thực tế càng giảm đi, càng giảm đi sự sống, thở của con người. Nhưng bây giờ, trong một khoảnh khắc, tôi cố gắng tưởng tượng, sẽ ra sao nếu là một trong những nạn nhân của vụ động đất, tiếp cận công việc thương ngày của tôi một cách khoảnh khắc và bảy mươi lăm giây sau không còn gia đình, nhà cửa, hay tài sản, đột nhiên trở thành một người không đồng xu dính túi và trơ trọi một mình.  
"Tất cả chúng ta giống nhau". Đây là một nguyên tắc đầy năng lực, và là một điều mà tôi tin chắc có thể thay đổi thế giới.
"Thưa Đức Thánh Thiện", tôi bắt đầu, "tôi muốn nói với ngài trong buổi sáng hôm nay về ý tưởng rằng tất cả chúng ta giống nhau. Ngài biết đấy, trong thế giới ngày nay, có một cảm giác cô lập và bất hòa lan tràn khắp trong con người, một cảm giác riêng rẽ, ngay cả nghi ngờ. Đối với tôi dường như là nếu chúng ta thế nào đấy có thể trau dồi cảm nhận liên kết này với người khác, một cảm giác nối kết thật sự trong một mức độ sâu xa, một mối ràng buộc phổ biến, tôi nghĩ nó có thể chuyển hóa xã hội một cách hoàn toàn. Nó có thể loại trừ rất nhiều vấn nạn rắc rối đối diện với thế giới ngày nay. Do vậy, buổi sáng hôm nay, tôi muốn nói về nguyên tắc này: Tất cả chúng ta giống nhau, và -"
"Tất cả chúng ta giống nhau?" Đức Đạt Lai Lạt Ma lập lại.  
"Vâng, và -"  
"Ông đã lấy ý tưởng này ở đâu thế?" ngài hỏi.  
"Hả?"  
"Ai cho ông ý tưởng này?"  
"Ngài... ngài chứ ai", tôi lắp bắp, hơi bối rối.  
"Howard", ngài nói thẳng, "tất cả chúng ta không giống nhau. Chúng ta khác nhau! Mọi người là khác nhau".
"Vâng, dĩ nhiên," tôi tự chữa lại một cách nhanh chóng, "tất cả chúng ta có những sự khác biệt ở bề mặt, nhưng ý tôi muốn nói là -". 
"Những phân biệt của chúng ta không hẳn là nông cạn," ngài khăng khăng. "Thí dụ, có một trưởng lão Lạt Ma người Ladakh. Bây giờ nhé, tôi rất gần gũi với vị này, nhưng cùng lúc, tôi biết cụ là người Ladakh. Bất kể tôi cảm thấy thân thiết thế nào với con người này đi nữa, nhưng không bao giờ có thể làm cụ ấy trở thành người Tây Tạng. Sự thực vẫn hiện hữu rằng cụ là người Ladakh."
Tôi đã từng nghe đức Đạt Lai Lạt Ma mở lời buổi diễn thuyết của ngài với "Tất cả chúng ta giống nhau" rất thường xuyên qua hàng năm mà lần trao đổi này đã bắt đầu làm tôi choáng váng.
" Ô, trong những chuyến thuyết giảng của ngài hàng năm qua, bất cứ khi nào nói với một thính chúng đông đảo, và ngay cả lần gần đây nhất, ngài luôn luôn nói, "Tất cả chúng ta giống nhau". Điều ấy giống như một chủ đề mạnh mẽ thật sự trong những buổi nói chuyện công cộng của ngài. Thí dụ, ngài nói về việc người ta có xu hướng tập trung trên những khác biệt như thế nào, nhưng tất cả chúng ta giống nhau trong dạng thức khát vọng về hạnh phúc và né tránh khổ đau của chúng ta và -" 
"Ah, vâng. Vâng", ngài nhận ra. "Và chúng ta cũng có cùng khả năng con người. Vâng, tôi thường bắt đầu buổi nói chuyện của tôi với những thứ này. Đấy là vì nhiều người khác nhau đến để gặp tôi. Bây giờ tôi là một thầy tu đạo Phật. Tôi là người Tây Tạng. Có thể người ta có quá khứ xuất xứ khác nhau. Vì vậy, nếu chúng ta không có căn bản giống nhau, nếu chúng ta không có những đặc trưng mà chúng ta chia sẻ, rồi thì không có vấn đề nào trong buổi nói chuyện của tôi, không có phương diện nào để chia sẻ quan điểm của tôi. Nhưng thực tế rằng tất cả chúng ta là những con người. Điều ấy là rất căn bản mà trên ấy tôi chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của tôi với họ."
" Đấy là loại ý tưởng mà tôi đang hướng tới - ý tưởng này, tất cả chúng ta là những con người," tôi giải thích, an tâm rằng chúng tôi cuối cùng ở trên cùng trang sách. "Tôi nghĩ, nếu người ta thật sự có một cảm giác chân thành bên trong, rằng tất cả mọi người là giống nhau và họ thì giống như những người khác, điều ấy sẽ chuyển hóa xã hội một cách hoàn toàn... Ý tôi muốn nói trong một cung cách chân thật. Do thế, tôi hy vọng chúng ta có thể khám phá vấn đề này một chút ".
Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời, "Thế thì để thật sự cố gắng thấu hiểu điều này, chúng ta cần khảo sát, chúng ta đi đến suy nghĩ về chính chúng ta như độc lập, cô lập, hay riêng biệt như sao, và chúng ta nhìn người khác như khác biệt hay riêng biệt như thế nào, và chúng ta có thể đi đến một sự thông hiểu sâu xa hơn hay không. Nhưng chúng ta không thể bắt đầu từ lập trường của việc đơn giản nói rằng tất cả chúng ta giống nhau và phủ nhận rằng không có những sự khác biệt".
"Ồ, đấy là loại quan điểm của tôi. Tôi nghĩ chúng ta có thể đồng ý rằng nếu con người liên hệ đến mỗi người khác như những thành viên nhân loại, nếu mọi người liên hệ đến người khác như ngài làm, trên mức độ căn bản của con người, giống như những anh chị em, như tôi đã từng nghe ngài ám chỉ đến mọi người, thế giới sẽ là một nơi tốt đẹp hơn vô vàn. Chúng ta sẽ không có tất cả những vấn nạn mà tôi muốn nói đến với ngài sau này, và thay vì thế ngài cùng tôi có thể nói chuyện về những trận bóng cà na hay phim ảnh!"
"Vì vậy, tôi không biết," tôi tiếp tục, "nhưng dường như rằng sự tiếp cận của ngài để xây dựng một cảm giác liên hệ giữa con người với nhau là để nhắc nhở người ta nhớ về những đặc trưng mà họ cùng chia sẻ như những con người. Cung cách ngài thực hiện bất cứ khi nào ngài có cơ hội để nói đến một thính chúng đông đảo".  
"Vâng." Ngài gật đầu.
"Tôi không biết..." tôi lập lại một lần nữa. "Đấy là một đề tài quan trọng, vì thế đơn giản như một ý tưởng dù sao cũng quá khó khăn trong thực tế, mà tôi vừa mới tự hỏi rằng, có bất cứ phương pháp nào khác hay không làm cho tiến trình ấy thuận tiện hơn, giống như làm cho nó nhanh hơn, hay việc động viên mọi người quán sát mọi thứ từ nhận thức ấy, đến nhiều vấn đề rắc rối trong thế giới ngày nay".
"Những phương pháp khác..." ngài nói một cách chậm rãi, dành một khoảnh khắc để quán chiếu câu hỏi một cách cẩn thận trong khi xem xét trước một cách thiết tha với sự thẩm thấu bên trong và tuệ trí của ngài. Đột nhiên ngài bắt đầu cười. Giống như ngài có một sự hiện thân bất ngờ, ngài la lên, "Vâng! Bây giờ nếu chúng ta có thể làm cho những người ở Sao Hỏa đi xuống trái đất này, và đưa ra một loại đe dọa nào đấy, sau đó, tôi nghĩ ông sẽ thấy tất cả mọi người trên Trái Đất sẽ thống nhất rất nhanh chóng! Người ta sẽ họp lại với nhau, và nói, "Chúng ta, những con người của địa cầu!". Ngài tiếp tục cười.
Không thể cưỡng lại nụ cười thú vị của ngài, tôi cũng bắt đầu cười. "Vâng, tôi đoán rằng người ta sẽ làm như thế," tôi đồng ý. "Và tôi sẽ thấy những gì tôi có thể làm để nói với Hội Đồng Liên Hành Tinh về nó. Nhưng trong lúc ấy, khi tất cả chúng ta chờ đợi Phi Thuyền Mẹ đến, có bất cứ ý kiến nào không?".
Do vậy, chúng tôi đã bắt đầu một loạt các cuộc đàm luận tiếp diễn một cách không liên tục trong vài năm. Sự thảo luận đã bắt đầu buổi sáng hôm ấy với sự trăn trở thất thường của tôi chung quanh mệnh đề "Tất cả chúng ta giống nhau" giống như tôi đang nêu lên một khẩu hiệu cho một quảng cáo nước giải khát mà nó sẽ thống nhất thế giới. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đáp ứng với sự từ chối hạ thấp các câu hỏi quan trọng thành những công thức đơn giản. Đây là những câu hỏi cấp bách của nhân loại: Làm thế nào chúng ta thiết lập một cảm nhận sâu xa của việc liên hệ với người khác, một mối quan hệ chân thành, kể cả những ai có thể là rất khác biệt? Thậm chí có thể nhìn kẻ thù của chúng ta một cách cơ bản là một người giống như chính chúng ta hay không? Có thể thật sự thấy tất cả chúng sinh như anh chị em của chúng ta không, hay đó chỉ là một giấc mơ không tưởng?
Sự thảo luận của chúng tôi chẳng bao lâu đã mở rộng để lưu tâm đến một nền tảng khác là khẩn khoản đối phó với mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội. Những vấn đề nghiêm trọng đang bị đe dọa: Có thể có một niềm vui thật sự không, khi những rắc rối của xã hội tác động một cách cố định đến hạnh phúc cá nhân của chúng ta? Trong việc tìm kiếm hạnh phúc, chúng ta chọn lộ trình phát triển nội tại hay thay đổi xã hội?
Khi cuộc thảo luận của chúng tôi tiến hành, đức Đạt Lai Lạt Ma đã tuyên bố, những câu hỏi này không phải là những khái niệm trừu tượng khó hiểu hay sự ức đoán triết lý mà là những thực tế trong phạm vi đời sống hàng ngày của chúng ta, vấn đề đã nhanh chóng bộc lộ rằng những câu hỏi này liên hệ một cách trực tiếp đến những rắc rối và quan tâm vô cùng thực tế như thế nào.
Trong những buổi đàm luận đầu tiên này ở Dharamsala, chúng tôi đã đối diện với thử thách của việc làm thế nào thay đổi sự định hướng của con người từ Tôi đến Chúng Ta. Không đầy một năm sau đó, tôi đã trở lại Dharamsala cho loạt đối thoại lần thứ hai của chúng tôi - vụ 11 tháng Chín đã xảy ra trong khi ấy làm khởi đầu cuộc Chiến Chống Khủng Bố toàn cầu. Rõ ràng rằng sự nuôi dưỡng một định hướng Chúng Ta thì không đủ. Một cách chính xác nhắc nhở rằng nơi nào có "chúng ta" thì cũng có "họ" (hay có "người ta") ở đấy, chúng ta bây giờ phải đối diện với những vấn nạn tiềm tàng bị phát sinh bởi trạng huống tình thần "chúng ta chống lại họ": Thành kiến, nghi ngờ, dửng dưng, phân biệt chủng tộc, xung đột, bạo động, tàn nhẫn, một hình ảnh bao quát của những thái độ xấu xa và kinh khủng với những điều mà con người có thể đối xử với người khác.
Khi chúng tôi gặp gỡ ở Tucson, Arizona, một vài năm sau đó, đức Đạt Lai Lạt Ma bắt đầu đan kết những ý tưởng lại với nhau từ nhiều cuộc đàm luận của chúng tôi về những đề tài này, trình bày một sự tiếp cận mạch lạc chặc chẽ để đương đầu với thế giới rắc rối của chúng ta, giải thích làm thế nào để duy trì một cảm nhận hy vọng và thậm chí hạnh phúc mặc cho nhiều vấn nạn của thế giới ngày nay.
Nhưng buổi sáng thứ Hai hôm ấy, chúng tôi đã bắt đầu trên mức độ căn bản nhất, khám phá những khái niệm thông thường về vấn đề chúng ta là ai và chúng ta liên hệ đến thế giới chung quanh chúng ta như thế nào, bắt đầu với việc chúng ta liên hệ đến những người trong chính cộng động của chúng ta như thế nào và vai trò đã thể hiện trong hạnh phúc cá nhân và xã hội của chúng ta.  
"KHÔNG CÓ Ý THỨC CỘNG ĐỒNG, KHÔNG NƠI NƯƠNG TỰA"
Trong một buổi trưa thứ Sáu gần đây, một người thất nghiệp hai mươi tuổi đăng một mẫu tin trên YouTube, đơn giản đưa ra đề nghị để "đến đấy" cho bất cứ ai cần người để nói chuyện. "Tôi chưa bao giờ gặp bạn, nhưng tôi thật sự quan tâm", chàng trai ấy nói như thế.  
Khi kết thúc những ngày cuối tuần ấy, chàng trai đã nhận hơn năm nghìn cú điện thoại và tin nhắn từ những người xa lạ tiếp nhận lời đề nghị của cậu ta.
Tiếp tục cuộc đàm luận, tôi ôn lại, "Ngài biết không, thưa Đức Thánh Thiện, những cuộc thảo luận của chúng ta trải qua hàng năm đã xoay chung quanh chủ đề hạnh phúc của con người. Trong quá khứ chúng ta đã thảo luận hạnh phúc từ lập trường cá nhân, từ quan điểm của việc phát triển nội tại. Nhưng bây giờ, chúng ta đang nói về hạnh phúc của con người ở mức độ xã hội, khám phá một số nhân tố xã hội có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc loài người. Dĩ nhiên tôi biết ngài có cơ hội để du hành chung quanh thế giới nhiều lần, thăm viếng nhiều xứ sở khác nhau, rất nhiều nền văn hóa khác nhau, cũng như gặp gỡ với nhiều loại người và các nhà chuyên môn trong thật nhiều lãnh vực".
"Vâng."
"Vì vậy, tôi chỉ tự hỏi - trong quá trình diễn biến của các cuộc du hành của ngài, có bất cứ một khía cạnh đặc thù nào của xã hội hiện đại mà ngài đã từng chú ý rằng ngài cảm thấy nó hoạt động như một chướng ngại quan trọng đến sự biểu hiện trọn vẹn niềm hạnh phúc của con người không? Dĩ nhiên, có nhiều vấn nạn đặc trưng trong thế giới ngày nay, như bạo động, phân biệt chủng tộc, khủng bố, khoảng cách giữa giàu và nghèo, môi trường, v.v... Nhưng ở đây tôi đang tự hỏi có thêm một đặc trưng nào nữa của xã hội nổi bật lên trong tâm khảm của ngài như đáng chú ý một cách đặc thù hay không?
Ngồi trên một chiếc ghế nệm rộng, cúi xuống cởi dây giày màu nâu giản dị của ngài trong khi phản chiếu một cách im lặng đối với câu hỏi. Sau đó, thu bàn chân phía dưới ngài trong tư thế xếp bằng, trở nên thoải mái cho một cuộc đàm luận sâu sắc hơn, ngài trả lời, "Vâng, tôi vừa nghĩ về một điều mà tôi đã chú ý, điều gì đấy rất quan trọng. Tôi nghĩ nó có thể là đặc trưng nhất như một sự thiếu vắng ý thức cộng đồng. Người Tây Tạng luôn luôn bị sốc khi nghe về những trường hợp nơi mà người ta sống gần gũi, có hàng xóm, và họ đã là láng giềng với nhau đã hàng tháng hay thậm chí hàng năm, nhưng người ta hầu như không có tiếp xúc với nhau! Vì vậy, họ có thể chỉ đơn giản chào hỏi với nhau khi gặp gỡ, nhưng về mặt khác người ta không biết nhau. Không có sự liên kết thật sự. Không có ý thức cộng đồng. Những tình cảnh này chúng tôi luôn luôn cảm thấy rất ngạc nhiên, bởi vì trong truyền thống xã hội Tây Tạng, ý thức cộng đồng là rất mạnh mẽ."
Lời bình luận của đức Đạt Lai Lạt Ma đánh trúng vào tôi - theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tôi nghĩ, không loại trừ một sự thẹn thùng nào đấy, rằng chính tôi không biết danh tính những người hàng xóm của tôi. Tôi cũng chẳng từng biết tên tuổi của họ trong nhiều năm.  
Dĩ nhiên, tôi không định thú nhận chuyện ấy bây giờ. "Vâng," tôi nói, "ngài chắc chắn sẽ thấy những loại tình cảnh thế đấy".
Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục giải thích, "Trong thế giới ngày nay, thỉnh thoảng chúng ta thấy những cộng đồng hay xã hội này, nơi mà mọi người không có sự chung sức, không có cảm nhận liên hệ. Rồi thì chúng ta sẽ thấy sự cô độc lan rộng ăn sâu vào. Tôi cảm thấy rằng ý thức cộng đồng là rất quan trọng. Tôi muốn nói là ngay cả mặc dù chúng ta rất giàu có, nhưng nếu chúng ta không có thân hữu hay bè bạn để chia sẻ tình thương với chúng ta, đôi khi cuối cùng chúng ta phải đơn thuần chia sẻ với con vật nuôi, con thú nuôi, mà điều ấy còn hơn là không có gì. Tuy nhiên, nếu ông ở trong một cộng đồng nghèo nàn, người nghèo sẽ có với nhau. Do thế, có một cảm giác thật sự rằng chúng ta có một loại nương tựa, một loại nương tựa cảm xúc. Trái lại, nếu một cộng đồng thiếu vắng cảm nhận này, rồi thì khi chúng ta cảm thấy đơn độc, khi chúng ta có niềm đau, thì không có ai thật sự chia sẻ với chúng ta. Tôi nghĩ loại cô đơn này chắc chắn là một vấn đề quan trọng trong thế giới ngày nay, và chắc chắn có thể ảnh hưởng hạnh phúc cá nhân ngày - qua - ngày.
"Bây giờ khi chúng ta nói về cô đơn," ngài thêm, "tôi nghĩ chúng ta nên cẩn trọng về những gì chúng ta muốn nói. Ở đây tôi không nhất thiết muốn nói đến cô độc duy nhất như cảm giác nhớ nhung người nào đấy, hay muốn có một người bạn để nói chuyện, hay điều gì đấy giống như thế. Bởi vì chúng ta có thể có một gia đình có một sự ràng buộc gần gũi, vì thế chúng ta có thể không có một mức đơn côi cao độ, nhưng chúng ta có thể cảm thấy xa lánh khỏi xã hội rộng lớn. Do vậy ở đây, tôi đang nói về sự cô đơn nhiều hơn là một loại rộng lớn hơn của sự cô lập hay cảm giác tách biệt giữa con người hay những nhóm người."
Sự suy sụp của ý thức cộng đồng đã gia tăng trở thành một đề tài luận nghị phổ biến trong thập niên vừa qua, qua những phần trong các quyển sách như Ném Bóng Một Mình (Bowling Alone) của Robert D. Putnam, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Harvard. Putnam đã rút ra kết luận rằng ý thức cộng đồng và cam kết công dân đã giảm giá trị một cách đột ngột hơn ba mươi năm qua - nhận thấy với sự mất tinh thần suy giảm rõ rệt của mối quan hệ hàng xóm láng giềng, tiệc tùng ban đêm, những thảo luận nhóm, thành viên câu lạc bộ, hội đồng nhà thờ, sự tham gia chính trị, và một cách căn bản tất cả những liên quan làm nên hoạt động dân chủ.
Theo những nhà tâm lý học Miller McPherson và Matthew E. Brashears của Đại học Arizona và Lynn Smith-Lovin của Đại học Duke, trong hai thập niên vừa qua số người được báo cáo là họ không có ai để nói chuyện về những vấn đề quan trọng đã tăng lên gần gấp ba lần. Căn cứ trên những dữ liệu rộng rãi thu thập trong sự Thăm Dò Xã Hội Tổng Quát của Đại học Chicago, tỉ lệ của những cá nhân không có bạn thân hay người tâm tình là choáng người, 25 phần trăm trong tổng số dân chúng Hoa Kỳ. Con số này là quá kinh ngạc, nó làm cho những nhà nghiên cứu tự hỏi điều này có thật sự là số lượng chính xác hay không? Cùng tổ chức ấy chỉ đạo một cuộc thăm dò toàn quốc vào năm 1985, lúc ấy đã làm sốc người Hoa Kỳ qua việc cho biết rằng, trung bình, mọi người trong xã hội chúng ta chỉ có ba người bạn thân. Qua năm 2005, con số này đã giảm xuống một phần ba - hầu hết mọi người chỉ có hai người bạn thân hay người tâm tình.
Những sự điều tra không chỉ thấy rằng người ta có ít những sự nối kết với xã hội hơn trong hai thập niên qua mà cũng khám phá ra rằng khuôn thức của những mối liên hệ công cộng cũng thay đổi. Càng ngày người ta càng dựa trên những thành viên của gia đình như nền tảng chính của sự liên hệ xã hội. Những nhà nghiên cứu, chú ý rằng người ta đáng tin cậy ít hơn qua tình bằng hữu trong cộng đồng rộng rãi, đã kết luận, "Những loại quan hệ nối kết chúng ta với cộng đồng và láng giềng đã héo hắt đi". 
Trong khi sự nghiên cứu không xác định những lý do cho sự suy sụp này trong những mối quan hệ xã hội và cộng đồng, những cuộc điều tra khác đã nhận ra con số những nhân tố đóng góp đến xu hướng báo động này. Về phương diện lịch sử, những tiến bộ trong giao thông hiện đại đã tạo nên một xã hội di động gia tăng; khi ngày càng nhiều gia đình hơn đã rời quê hương và di chuyển đến những thành phố mới trong việc tìm kiếm nghề nghiệp hay điều kiện sinh sống khấm khá hơn. Khi xã hội trở nên thịnh vượng hơn, nó cũng trở thành một sự thực hành thông thường trong bộ phận dân cư cho thanh thiếu niên lìa gia đình để đi đến những trường đại học trong những thành phố hay tiểu bang khác. Du lịch và giao thiệp dễ dàng hơn đã cho phép những người trẻ tuổi di chuyển xa nhà cửa của cha mẹ hơn bao giờ hết, trong việc tìm kiếm những cơ hội nghề nghiệp tốt đẹp hơn.
Những nghiên cứu gần đây hơn cho thấy rằng giờ giấc và di chuyển về việc làm đều dài hơn, kết quả làm cho người ta có ít thời gian để tương tác với cộng đồng của họ. Những sự thay đổi này trong giờ giấc làm việc và sự dàn trải địa lý của gia đình có thể khuyến khích cho một mạng lưới phóng khoáng hơn, và nông cạn hơn đối với vấn đề gắn bó, hơn là những mối ràng buộc gần gũi cần thiết cho việc đáp ứng nhu cầu của con người đối với việc liên hệ.
Xem truyền hình và sử dụng máy điện toán một mình, gia tăng mãi, cũng góp phần đến sự cô lập xã hội. Sự lớn mạnh của Internet như một dụng cụ giao tiếp có thể cũng đóng một vai trò cho vấn đề này. Trong khi Internet có thể giúp chúng ta nối kết với bè bạn, gia đình và hàng xóm, nó cũng có thể giảm bớt nhu cầu để chúng ta thật sự gặp gỡ nhau làm cho những mối quan hệ này gần gũi hơn. Những nhà nghiên cứu chỉ ra rằng trong khi giao tiếp qua những khí cụ như Internet và tin nhắn thật sự tạo nên những mối liên kết giữa con người với nhau, thì những loại ràng buộc này cũng tạo nên những quan hệ xã hội lỏng lẽo hơn những sự giao thiệp gặp mặt trực tiếp giữa người với người. Ngôn ngữ đôi khi là những phương tiện nghèo nàn để biểu lộ và truyền đạt cảm xúc; một sự đối diện hiệu quả cho truyền thông nhân loại được chuyển tải qua những tín hiệu thị giác tế nhị có thể được nhận thức tốt hơn trong những cuộc chạm trán mặt đối mặt.
Bất cứ nguyên nhân là gì, rõ ràng rằng sự suy giảm trong ý thức cộng đồng và sự cô lập xã hội gia tăng có những sự liên đới toàn diện trên mọi mức độ - cá nhân, công cộng, xã hội và toàn cầu. Với tuệ trí và cái nhìn thẩm thấu bên trong đặc trưng của mình, đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhanh chóng chỉ ra tầm quan trọng của vấn đề này, và tác động của nó đối với hạnh phúc nhân loại cả trên mức độ cá nhân lẫn trên mức độ rộng rãi của xã hội. Ở đây những quan điểm của đức Đạt Lai Lạt Ma và khoa học Tây phương gặp gỡ nhau. Thực tế, việc phản chiếu quan điểm của đức Đạt Lai Lạt Ma, và tổng hợp những nghiên cứu khoa học gần đây nhất từ nhiều nguồn gốc, Robin Dunbar, giáo sư tâm lý học tại Đại học Liverpool, Anh quốc, thừa nhận, "Sự thiếu vắng giao tiếp xã hội, sự thiếu vắng ý thức cộng đồng, có thể là vấn nạn xã hội thúc bách nhất của thiên niên kỷ mới."  
XÂY DỰNG TÂM LINH CỦA XÃ HỘI: BƯỚC THỨ NHẤT 
"À, thế đấy, thuốc men cuối cùng đã có tác dụng!" David nói, một người trai trẻ ăn mặc tề chỉnh bảnh bao ngồi trong văn phòng của tôi ở Phoenix. "Sự chán chường của tôi đã hoàn toàn biến mất, và bây giờ tôi trở lại trạng thái phiền muộn bình thường của tôi." Cậu ta đùa bởn nửa vời - nhưng chỉ phân nửa thôi. Một kỹ sư sáng sủa, thành công, độc thân ba mươi hai tuổi, David đã hiện diện để chữa trị khoảng một tháng trước đây với một chuỗi triệu chứng quen thuộc: Đột nhiên mất thích thú trong những hành vi thường lệ, mệt mỏi, mất ngủ, sụt cân, tập trung khó khăn - tóm lại, một chứng trầm cảm nhiều nguyên nhân rất thông thường. Không cần nhiều thời gian để khám phá ra rằng cậu ta vừa mới đổi đến Phoenix để nhận một nghiệp vụ mới và những sự căng thẳng liên hệ đến sự thay đổi đã gây nên sự suy nhược của chàng kỹ sư trẻ.
Đấy là một năm trước đây, khi tôi đang hành nghề như một nhà tâm lý trị liệu, tôi bắt đầu với cậu ta trong cách giải quyết tiêu chuẩn của thuốc men chóng suy nhược, và những triệu chứng cấp tính của sự trầm cảm nghiêm trọng được giải quyết trong vòng ít tuần. Tuy nhiên, chẳng bao lâu khi hồi phục lại tình trạng bình thường, cậu ta lại báo cáo một vấn đề lâu xa hơn, một quá trình nhiều năm của "một loại phiền muộn kinh niên", một cảm giác mung lung không thể giải thích được của việc bất mãn với đời sống," một sự thiếu vắng phổ biến của nhiệt tình hay "thích thú" cho đời sống. Hy vọng khám phá nguồn gốc và ra khỏi trạng thái đang diễn biến này, cậu ta yêu cầu tiếp tục với việc tâm lý trị liệu. Tôi đã vui vẻ để giúp đỡ. Thế nên, sau khi chẩn đoán cậu ta với tâm trạng rối loạn tính khí, chúng tôi bắt đầu trong thái độ nghiêm chỉnh, khám phá những vấn đề "căn nguyên của gia đình" thông thường - thời thơ ấu, bà mẹ kiểm soát quá mức, người cha cảm giác xa vời - cùng với những khuôn mẫu quan hệ quá khứ của cậu ta và những động lực giữa cá nhân với nhau hiện tại. Chất liệu chuẩn mực thú vị.
Tuần này qua tuần nọ, David có mặt một cách thường lệ, cho đến khi chấm dứt chữa trị ít tháng sau đấy do phải di chuyển vì một công việc khác. Trải qua hàng tháng chứng trầm cảm quan trọng của cậu ta đã chẳng bao giờ trở lại, nhưng chúng tôi đã chỉ có thể làm được một chút hoặc không tiến bộ gì đối với tình trạng bất mãn kinh niên của cậu ta.
Nhớ lại bệnh nhân này bây giờ, người chẳng có gì đặc biệt, tôi gợi lại một khía cạnh cá nhân quá khứ của cậu ta mà dường như không có gì nổi bật đúng hơn là lúc ấy. Công việc thường làm hằng ngày gồm có đến sở năm hay sáu ngày mỗi tuần, tối thiểu tám giờ một ngày, rồi thì trở lại nhà. Tổng quát là như thế. Tại nhà, thông thường những buổi tối và cuối tuần, cậu xem truyền hình, chơi các trò video, có thể đọc một ít. Đôi khi cậu ta đi đến quán rượu hay xem phim với một người bạn, thường thì với một người nào đấy cùng sở làm. Cũng có những ngày đặc biệt nào đấy, nhưng chủ yếu thì cậu ta ở nhà. Những hoạt động thường ngày này đã duy trì không thay đổi một cách cơ bản trong nhiều năm.
Nhìn lại sự chữa trị của tôi cho David, tôi chỉ có thể tự hỏi một điều: Tôi đã nghĩ gì trên đời này?! Trong hằng tháng, tôi chữa trị cậu ta vì sự phàn nàn của cậu về một cảm giác bất mãn ("Tôi k-h-ô-n-g biết, chỉ là điều gì đấy thiếu vắng từ cuộc đời tôi..."), khám phá thời thơ ấu của cậu, tìm những khuôn thức trong các mối quan hệ quá khứ, nhưng ngay phía trước chúng ta, cuộc sống của cậu ta có tối thiểu một khoảng cách nổi bật, một kẽ hở mà chúng ta không thể để nhận ra. Không phải một lỗ hổng nhỏ bé, mờ tối, hay tế nhị, nhưng đúng hơn là một hang động khổng lồ - cậu ta là một người đàn ông không có cộng đồng, không có ý thức quan hệ rộng rãi hơn.
Trong những năm làm việc như một nhà tâm lý trị liệu, hiếm khi tôi nhìn vượt khỏi cấp độ cá nhân trong việc chữa trị cho bệnh nhân. Thậm chí chưa từng xảy ra đối với tôi trong việc nhìn xa hơn cấp độ gia đình và bạn hữu đến mối quan hệ của bệnh nhân cùng cộng đồng rộng lớn hơn. Điều này nhắc nhở tôi về nữ Thủ tướng Anh quốc Margaret Thatcher vào lúc mà bà đang ở cực điểm của quyền lực và ảnh hưởng, phát biểu, "Ai là xã hội? Không có điều gì như thế! Chỉ có những người đàn ông cùng đàn bà và có gia đình của họ". Nhìn lại điều ấy bây giờ, xem ra hầu như tôi đã thực hành nhãn hiệu của trường phái Margaret Thatcher về Tâm lý trị liệu.
Từ nhận thức hiện tại của tôi, tôi đã phải nên cống hiến cho người cựu bệnh nhân David của tôi một sự phục vụ tuyệt vời hơn, là đưa cho cậu ta một toa thuốc: "Chữa trị: Một hành động liên hệ với cộng động mỗi tuần. Gia tăng liều lượng dung nạp. Để thật nhiều thời gian nghỉ ngơi, uống thật nhiều chất lỏng, và làm như vậy trong một tháng".
Trong việc tìm kiếm sự trị liệu hiệu quả để chữa trị những căn bệnh của xã hội chúng ta, như đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ khai mở, tiến lên một ý thức sâu xa hơn của việc nối kết với những người khác, và xây dựng một ý thức cộng đồng rộng lớn hơn, có thể là một nơi tuyệt vời để bắt đầu.
Đã xác định chỗ khiếm khuyết này của liên hệ cộng đồng như một vấn nạn nổi bật, bây giờ chúng ta hướng đến vấn đề của việc làm gì với nó.
“Thưa Đức Thánh Thiện, ngài đã đề cập rằng sự thiếu vắng ý thức cộng đồng này là một vấn nạn lớn trong xã hội hiện tại. Ngài có bất cứ suy nghĩ nào về việc làm thế nào đề gia tăng ý thức xã hội, củng cố những mối quan hệ này của con người không?”
“Vâng,” đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời. “Tôi nghĩ phương pháp giải quyết phải bắt đầu với việc trau dồi tỉnh thức…”
“Tỉnh thức một cách đặc biệt về điều gì?" Tôi hỏi.
“Dĩ nhiên, việc trước nhất, chúng ta cần có tỉnh thức về sự nghiêm trọng của chính vấn đề, sự tàn phá của nó có thể là như thế nào. Rồi thì chúng ta cần tỉnh thức sâu xa hơn về những cung cách mà chúng ta liên hệ với người khác, phản chiếu trên những đặc trưng mà chúng ta chia sẻ với người khác. Và cuối cùng, chúng ta cần chuyển hóa tỉnh thức vào trong hành động. Tôi nghĩ đấy là vấn đề chính. Điều này có nghĩa là thực hiện một nỗ lực thận trọng để gia tăng sự tiếp xúc cá nhân trong những thành viên khác nhau của cộng đồng. Vì vậy, đấy là việc làm thể nào để gia tăng cảm nhận quan hệ của chúng ta, tăng cường mối liên hệ trong cộng đồng!”
“Vậy thì, nếu được, tôi tự hỏi ngài có thể đề cập một cách vắn tắt trên mỗi bước hay sách lược này hơi chi tiết hơn, chỉ để phác họa chúng một cách rõ ràng hay không?”
“Vâng, được chứ,” ngài nói một cách dễ thương, trong lúc ngài bắt đầu phác thảo phương pháp của ngài. “Bây giờ, việc quan tâm, trau dồi sự tỉnh thức mạnh mẽ hơn. Bất kể vấn đề là gì, mà chúng ta đang đối phó, chúng ta cần thể hiện một nỗ lực để thay đổi mọi thứ - rắc rối sẽ tự thu xếp. Chúng ta cần có một quyết tâm mạnh mẽ để thay đổi vấn đề. Sự quyết tâm này đến từ việc chúng ta nhận thức rằng vấn đề là nghiêm trọng, và nó sẽ có hậu quả nghiêm trọng. Và cung cách để phát sinh nhận thức này là bằng việc nghiên cứu vấn đề, khảo sát, và dùng giác quan cùng lý trí thông thường. Đây là những gì tôi muốn nói về tỉnh thức ở đây. Tôi nghĩ chúng ta đã từng thảo luận loại tiếp cận phổ quát này trong quá khứ. Nhưng ở đây, chúng ta không chỉ nói về việc trở nên cảnh giác hơn về những hậu quả tàn phá của việc thiếu vắng cộng đồng và sự cô đơn lan rộng, nhưng chúng ta cũng nói về những lợi ích tích cực của một ý thức cộng đồng mạnh mẽ.”
“Những lợi ích như là…?”
“Như tôi đã đề cập – có nguồn cảm xúc nương tựa tin cậy, những người mà chúng ta có thể chia sẻ những rắc rối của chúng ta với họ,v.v…”
“Ô, tôi lại nghĩ nhiều hơn trong những hình thức của những sự việc như ít tội phạm hơn, hay có thể là những lợi ích lành mạnh của việc liên kết đến một cộng đồng rộng rãi hơn…”
“Howard, những thứ đó tôi không biết. Ở đây, chúng ta nên lưu ý đến một chuyên môn, hãy thấy có loại bằng chứng nào, bằng chứng khoa học. Tôi không phải là người chuyên môn về những thứ này. Nhưng ngay cả không nhìn vào sự nghiên cứu, thì tôi nghĩ bất cứ ai cũng có thể thực hiện việc khảo sát của chính họ, giữ đôi mắt của họ mở ra và phản chiếu trên những thứ này."
“Thí dụ, ngay cả trong cùng một thành phố hay một cộng đồng, chúng ta có thể tìm thấy hai loại láng giềng khác nhau. Hãy nói trong loại những người hàng xóm không thật sự hòa hiệp với nhau, những láng giềng không thật sự giao thiệp với nhau, và không ai quan tâm nhiều đến cộng đồng phổ biến. Rồi thì so sánh với loại hàng xóm khác, nơi mà người ta nói chuyện với nhau, nơi mà có một ý thức thân hữu và cộng đồng, vì vậy khi có điều gì đấy xảy ra, dù tốt hay xấu, người ta họp lại và chia sẻ nó. So sánh hai loại này, chúng ta chắc chắn sẽ thấy rằng những người sống trong loại hàng xóm định hướng cộng đồng hơn sẽ hạnh phúc nhiều hơn và sẽ có một cảm giác bảo đảm, an toàn hơn. Đấy chỉ là cảm nhận thông thường.”
Ngừng lại trong giây lát, đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục. “Ông biết không, Howard, tôi nghĩ rằng trong những thời gian khó khăn, như khi gia đình đau khổ vì một thảm kịch, đặc biệt với cái chết của người thân, thế thì đấy là lúc một cộng đồng trở nên rất quan trọng. Đấy là trong những lúc đau buồn như vậy mà chúng ta thật sự thấy giá trị của cộng đồng… Điều này nhắc tôi. Thí dụ, tôi đã nghe trong một số khu định cư của người Tây Tạng ở Nam Ấn Độ, khi có một người chết trong gia đình, tất cả những gia đình khác cùng một trại tụ tập lại để giúp đỡ và an ủi họ, ngay cả mang củi đến để làm lễ hỏa táng cho thi thể người quá cố."
“Ngài muốn nói gì về “trại” ở đây?” Tôi hỏi.
“Ô, có nhiều khu định cư này, ban đầu được tổ chức thành những trại với khoảng một trăm hay sáu mươi người, khi sơ khởi được thành lập,” ngài trả lời.
“Trong những trại này,” đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục, “láng giềng cũng quan sát nhau, đặc biệt đối với những người già cả mà có thể con cháu không sống lân cận. Nếu họ bệnh hoạn hoặc không thể tự săn sóc cho chính họ hay bởi những người trong gia đình, cộng đồng cũng sẽ chắc chắn rằng những người ấy được săn sóc một cách thích hợp. Điều này thật là tuyệt, có phải không?”
“Thế thì, ngài đã nhận ra rằng có những lợi ích rõ ràng từ việc liên kết với cộng đồng, vậy ngài có thể giải thích sách lược tiếp theo mà ngài đã đề cập, gợi ý của ngài để gia tăng tỉnh thức trong những cung cách mà chúng ta được nối kết với người khác không?”
Đức Đạt Lai Lạt Ma trầm ngâm về câu hỏi trong một lúc. “Vâng. Bây giờ có một điều. Khi chúng ta nói về ý thức cộng đồng, một cách căn bản chúng ta nói về một cảm nhận nối kết với người khác, một cảm giác lôi cuốn đến một nhóm người rộng lớn hơn chính mình, nơi mà chúng ta cảm thấy một ý thức cộng đồng, làm mạnh quan hệ cộng đồng, chúng ta cần tìm ra một cách để nối kết với người khác, thiết lập một cảm giác liên hệ. Vấn đề ở đây là chúng ta phải trở nên tỉnh thức về những gì căn bản mà chúng ta liên hệ với người khác, và nghiên cứu những cung cách đa dạng mà chúng ta có thể nối kết, hay liên hệ với họ. Hãy xem xét một cách cẩn thận. Hãy phân tích. Hãy hỏi chính mình, những đặc trưng gì khác biệt mà chúng ta chia sẻ với người khác? Những ràng buộc thông thường là gì?”
“Vậy thì ở đây,” tôi làm sáng tỏ, “ngài nói về những thứ, thí dụ, các thành viên của cộng đồng Tây Tạng liên hệ trên căn bản của cùng một nền văn hóa và tâm linh như thế nào, và điều ấy sáng tạo những mối liên hệ cộng đồng mạnh mẽ ra sao?"
“Đúng đấy. Nhưng hãy nhớ rằng, một quá trình văn hóa hay tâm linh hay truyền thống chung không là căn bản duy nhất cho mối quan hệ cộng đồng mạnh mẽ, ý thức cộng đồng này. Đây là một trình độ. Nhưng người ta có thể cũng liên hệ đến những người khác trên những trình độ khác, chẳng hạn như tùy thuộc cùng một gia đình, hay căn cứ trên việc cùng là láng giềng, hay một địa phương, hay chúng ta có thể thấy những người khác chia sẻ cùng sự quan tâm hay sở thích riêng. Mỗi thứ này có thể xem như một loại ‘cộng đồng’ khác nhau. Nó là vấn đề nền tảng ý thức thuộc về một nhóm rộng lớn hơn. Đấy là những gì quan trọng.”
“Thế thì, điều này đưa chúng ta đến bước sau cùng,” tôi nói, “hay có thể nó thật sự là bước đầu tiên: Hành động – thực hiện nỗ lực để thiết lập sự tiếp xúc cá nhân với những người khác trong cộng đồng của chúng ta, tuy thế, chúng ta nhận thức hay định rõ tính cách về cộng đồng của chúng ta.”
“Đúng đấy.”
“Ngài biết không, thưa Đức Thánh Thiện, tôi vừa nghĩ rằng có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau của việc phá hỏng ý thức cộng đồng của chúng ta, và nhiều thứ này không nghi ngờ gì nữa phải phối hợp với những đặc trưng căn bản của xã hội hiện đại. Thí dụ, một trong những nhân tố của xã hội Tây phương có thể ảnh hưởng điều này là tính linh động. Người ta thường di chuyển từ một thành phố hay tiểu bang đến một nơi khác để cải thiện chính họ trong cách nào đấy, vì một nghề nghiệp tốt hơn, để làm ra nhiều tiền hơn, hay cố gắng để cải thiện điều kiện sinh sống của họ. Ý tưởng bật gốc để linh động trong việc tìm kiếm những cơ hội tốt hơn được xúc tiến thật sự trong xã hội chúng ta.”
“Vâng,” đức Đạt Lai Lạt Ma nhất trí, “tính linh động này có thể đóng một vai trò nào đấy. Thí dụ, sẽ có một sự đồng cảm cho những người khác và một ý thức cộng đồng lớn hơn nếu chúng ta sống với những người mà chúng ta sinh trưởng với họ, đến trường với họ,v.v… Và trong xã hội hiện đại, với những người di chuyển quá thường xuyên, chúng ta không luôn luôn có những hoàn cảnh như thế.”
“Vậy thì, đấy là một nguyên nhân của vấn đề,” tôi kết luận. “Nhưng ý tôi muốn nói là, làm thế nào chúng ta có thể xây dựng một ý thức cộng đồng khi người ta luôn luôn được khuyến khích để khăn gói lên và di chuyển đi nơi khác, căn cứ trên… ‘Ô, công việc ở đấy khá hơn’, và v.v…?”
“Howard, tôi không nghĩ rằng di chuyển tự động làm người ta mất đi ý thức cộng đồng,” ngài đáp lời một cách chắc chắn, “bởi vì nếu một người mới đến một cộng đồng, người ấy có thể nỗ lực để tìm hiểu những người hàng xóm. Ngay cả nếu chúng ta di chuyển đến một vùng mới, chúng ta cũng có thể tạo nên một cộng đồng ở đấy. Ý thức cộng đồng này được căn cứ trên những cá nhân và các gia đình thực hiện một nỗ lực để gặp gỡ và để quen biết nhau. Chúng ta có thể luôn luôn làm một cố gắng để biết những người chúng ta sống với nhau trong tính cách địa phương, tham gia những tổ chức địa phương, dự vào những công việc cộng đồng, và v.v…"
“Vì vậy, thường thường chỉ đơn giản là một vấn đề của ý chí. Và làm thế nào để hỗ trợ cho việc tăng trưởng ý chí này? Thì lại là qua tỉnh thức, qua nhận thức tầm quan trọng thật sự của ý thức cộng đồng, của việc làm thế nào điều ấy có thể có một tác động trực tiếp trong hạnh phúc của chính chúng ta, và hạnh phúc của gia đình chúng ta."
“Sự thực rằng bất cứ nơi nào chúng ta đến, chúng ta cũng không thể lánh xa cộng đồng, có phải thế không? Đấy là như thế. Ngoại trừ chúng ta muốn tự cô lập. Muốn mình trở nên dửng dưng. Không muốn có sự cống hiến. Điều ấy tùy thuộc vào cá nhân chúng ta.”
Đúng vào lúc ấy, những thị giả của đức Đạt Lai Lạt Ma thấp thoáng bên khung cửa ngay ngoài hành lang, ra dấu báo hiệu đã hết giờ. “Thôi, tôi nghĩ chúng ta phải chấm dứt hôm nay bây giờ,” ngài nói một cách vui vẻ. “Chúng ta sẽ gặp nhau một lần nữa ngày mai.” Với lời ấy, ngài xỏ chân vào giày và nhanh chóng rời khỏi phòng.
Thế là chúng tôi bắt đầu nghiên cứu về xã hội và hạnh phúc nhân loại với một vài tiền đề căn bản. Đầu tiên, không nghi ngờ gì, những nhân tố xã hội có thể ảnh hưởng hạnh phúc của cá nhân. Thứ hai, trong việc nhìn vào những nhân tố có thể ảnh hưởng hạnh phúc nhân loại, không nghi ngờ gì nữa, một ý thức liên kết đến những người khác và một ý thức cộng đồng rộng lớn hơn đóng một vài trò then chốt trong hạnh phúc nhân loại. Thứ ba, trong việc nhìn vào những xu hướng của xã hội hiện đại, như đức Đạt Lai Lạt Ma đã chỉ ra, không nghi ngờ gì nữa, có vấn đề làm giảm giá trị ý thức cộng đồng, sự cô lập xã giao gia tăng, và sự thiếu vắng một cảm nhận sâu xa về việc nối kết giữa những con người.
Trong khi tôi chưa từng nghĩ nhiều đến xu hướng này trước đây, khi đức Đạt Lai Lạt Ma nêu bật sự vắng bóng ý thức cộng đồng lớn mạnh trong xã hội hiện đại, tôi trở nên tỉnh thức một cách sâu xa hơn về sự lan rộng và nghiêm trọng của vấn đề này. Càng quán chiếu hơn về vấn đề cốt yếu này, dường như khuynh hướng của toàn bộ nền văn minh hiện đại đã bị bao phủ bởi vấn nạn này, tạo nên nó, nuôi dưỡng nó, và đẩy nó đi tới – và đưa chúng ta đến những rắc rối to lớn hơn, rộng lớn hơn và một cách tiềm tàng ngay cả là thảm họa. Bên dưới sự hao mòn những liên kết xã hội này là những lực lượng xã hội phức tạp, những lực lượng của một năng lực kinh khủng và thâm nhập khắp như vậy như kỹ thuật hiện đại và ngay cả những giá trị nền tảng của xã hội chúng ta. Trong một xã hội đang chuyển động ngày càng nhanh hơn, những lực lượng xã hội này dường như đang tạo nên một luồng mãnh lực lôi cuốn chúng ta một cách ngoài ý muốn. Làm thế nào để chúng ta giảm tốc độ luồng mãnh lực của dòng sông dễ sợ này mà dường như đang mang chúng ta đến những nổi khốn khổ to lớn hơn và thậm chí có thể là tình trạng bị tàn phá?”
May mắn thay, đức Đạt Lai Lạt Ma đã cống hiến cho chúng ta một phương pháp minh bạch để tái thiết lập những mối liên hệ xã hội, và luôn luôn như thế, phương pháp của ngài là vô cùng thực tiễn. Với tuệ trí tự tại tự nhiên, ngài đã giải thích việc tạo nên một cộng đồng tâm linh như thế nào trong ba bước căn bản…
BƯỚC THỨ NHẤT: TỈNH THỨC VỀ NHỮNG LỢI ÍCH
Nếu một người xa lạ kỳ bí len lén đi đến bên cạnh chúng ta và thì thầm, “Tôi có thể cống hiến cho bạn một phương pháp bí mật để cắt đi một nửa định mệnh về cái chết của bạn trong năm tới – mà không cần phải bỏ hút thuốc, Big Mac, bia rượu, không cần một cái hít đất nào, hay một phút nào cho thể dục!” tin tức ấy sẽ có giá trị như thế nào? Thế đấy, đối với những ai khổ sở vì sự cô lập và sự ghét bỏ lan tràn khắp của xã hội hiện đại, một phương pháp như vậy thực sự hiện hữu. “Những chủ đề liên hệ thật sự,” Robert Putnam đã giải thích tại một hội nghị ở tòa Bạch Ốc. “Những sự nghiên cứu tuyệt diệu, kiểm soát cơ cấu máu huyết của bạn và bạn già như thế nào và giới tính của bạn và cho dù bạn có chạy bộ hay không, và cho dù bạn có hút thuốc hay không, và v.v…, cho thấy rằng nguy cơ của cái chết trong năm tới sẽ được bớt đi một nửa bằng việc tham gia một nhóm nào đấy. Bớt đi một phần tư nếu tham gia hai nhóm,” Putnam cho hay.
Trong việc phác thảo phương pháp của ngài để xây dựng một ý thức cộng đồng mạnh mẽ hơn, đức Đạt Lai Lạt Ma khuyến cáo chúng ta bắt đầu bằng việc thẩm tra những lợi ích của việc liên kết đến một nhóm rộng rãi hơn. Căn cứ trên nhiều nghiên cứu, không có nghi ngờ gì rằng những lợi ích sức khỏe thân thể, tinh thần, và cảm xúc của những mối liên hệ mật thiết và quan hệ xã hội là vô số: Tỉ lệ chết giảm xuống, hồi phục nhanh chóng hơn từ bệnh tật, sức khỏe tinh thần tốt hơn, và chức năng miễn nhiễm cũng tốt hơn chỉ là một ít trong số ấy. Những bằng chứng khoa học đến từ nhiều nguồn gốc, xếp loại từ những hàng nghìn cuộc thăm dò rộng rãi, đến phạm vi giới hạn của những nhà chuyên môn trong phòng thí nghiệm. – Chẳng hạn sự nghiên cứu rối loạn nhẹ nhàng tiến hành tại Đại học Carnegie Mellon mà ở đấy những mẫu vi rút lạnh được tiêm trực tiếp vào trong lỗ mũi của một ít đối tượng can đảm, và đã thấy rằng những ai với những mạng lưới liên hệ xã hội phong phú thì bị nhiễm bệnh bốn lần ít hơn những người ít liên hệ với xã hội!
Thêm nữa đối với những lợi ích sức khỏe cá nhân của những mối quan hệ gần gũi, chứng cớ đã được thu thập rằng một ý thức liên hệ đến một cộng đồng rộng lớn hơn, mở rộng vượt khỏi chu vi những người bạn thân thiết hay gia đình, có những lợi ích tương đồng thuyết phục mà có thể biểu hiện trong nhiều cách khác nhau. Như Robert Putnam chỉ ra rằng, “Những cộng đồng có các mối liên hệ xã hội chặc chẽ có tỉ lệ tội phạm thấp hơn và số tử vong thấp hơn và ít thối nát hơn và chính quyền hiệu quả hơn và ít trốn thuế hơn.”
Mục tiêu căn bản những cuộc đối thoại của tôi với đức Đạt Lai Lạt Ma là để khám phá một sự tiếp cận nhằm tìm ra hạnh phúc trong một phạm vi rộng rãi hơn của đời sống trong xã hội hiện đại. Do thế, trong việc lượng định những lợi ích của việc có ý thức cộng đồng, thật quan trọng để nhìn vào vai trò (nếu có) của điều này thể hiện trong hạnh phúc của con người. Trong quyển sách Tuyệt diệu Hạnh Phúc: Những Bài Học từ Khoa Học Mới, nhà chỉ đạo kinh tế Lord Richard Layard phác họa sáu nhân tố có thể được giải thích một cách rộng rãi những khác biệt trong những trình độ trung bình của hạnh phúc giữa một quốc gia và một nước khác. Một trong những điều ấy là tỉ lệ của dân số thuộc vào một tổ chức xã hội.
BƯỚC THỨ HAI: TỈNH THỨC VỀ NHỮNG CUNG CÁCH MÀ CHÚNG TA NỐI KẾT
Theo đức Đạt Lai Lạt Ma, cung cách để xây dựng một ý thức cộng đồng mạnh mẽ hơn là phát triển một sự tỉnh thức sâu xa hơn về những cung cách mà chúng ta nối kết với người khác. Sự tỉnh thức như thế có thể được phát triển bởi sự phản chiếu cẩn trọng trên những đặc trưng chúng ta chia sẻ với những người khác, những mối quan tâm thông thường của chúng ta, quá trình từ trước, và kinh nghiệm dự phần. Đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ ra, thí dụ, người Tây Tạng đã kết hợp chặc chẽ như thế nào bởi một di sản văn hóa và tâm linh thông thường, cho dù sống ở Ấn Độ hay những quốc gia khác. Những mối ràng buộc này có gốc rễ sâu xa với di sản tâm linh ngược lại từ thế kỷ thứ bảy, khi đạo Phật bắt đầu lan rộng khắp Tây Tạng, và di sản văn hóa mở rộng ngược lại còn lâu xa hơn. Dường như hợp lý để cho rằng gốc rễ của di sản chia sẻ càng sâu, ý thức về sự đồng nhất hay tâm linh của cộng đồng càng mạnh. Nhưng đức Đạt Lai Lạt Ma cũng nhắc nhở chúng ta rằng có nhiều đặc tính khác mà qua đấy chúng ta trui rèn ý thức liên kết. Nếu chúng ta khảo sát một cách cẩn thận, chúng ta luôn luôn có thể tìm ra một số đặc trưng hay kinh nghiệm mà chúng ta chia sẻ với người khác, một sự ràng buộc nào đấy.
Trong việc nghĩ về sự tiếp cận này để trau dồi về một ý thức cộng đồng sâu sắc hơn, tôi không thể không tự hỏi những đặc trưng của cư dân thành phố quê tôi là gì. Phoenix, – xa hơn việc cùng ở chung trong một thành phố, có thể có điểm chung là dường như không hứa hẹn nuôi dưỡng một mối liên kết toàn thể của chính nó. Cái di sản chung hay mối ràng buộc để đem lại một ý thức thống nhất trong những cư dân đa dạng của thành phố này là gì?
Giống như con chim phượng hoàng huyền thoại mà nó được mang tên, lại sinh ra từ đống tro tàn của nó, thành phố này vươn lên từ sa mạc Sonoran khô khan trên những tàn tích của một cộng đồng cổ xưa không ai biết. Một thành phố với hơn hai triệu dân hiện nay, thậm chí nó đã không hiện hữu cho chí đến 150 năm trước đây. Thành phố đã bừng dậy chính yếu qua đêm, với hầu hết dân chúng di trú đến đây chỉ trong vài thập niên trước. Một sự trái ngược rõ rệt đến mối liên kết mạnh mẽ căn cứ trong gốc rễ di sản phong phú sâu đậm của người Tây Tạng, dường như chỉ có những ràng buộc yếu ớt có thể hình thành được bởi nguồn gốc lịch sử cạn cợt trong trường hợp này. Điều gì có thể cung cấp cho con người Phoenix một nền tảng chung để quét đi dấu hiệu đáng ngại đầu tiên của cộng đồng?
Tìm câu trả lời cho câu hỏi này, tôi đã tự tiến hành một cuộc thăm dò nho nhỏ ý kiến của những cư dân lâu năm. Di sản văn hóa chung mà tôi đã khám phá ra là gì? Trong ba mươi lăm năm, hầu như mỗi thiếu niên học sinh ở Phoenix cùng chia sẻ chung một kinh nghiệm giống in cùng một thời gian, năm ngày một tuần – xem phim hoạt họa thiếu nhi địa phương trên truyền hình gọi là ‘Wallace và Ladmo’, với vai chính là một gã béo mập mặc áo sơ mi lấm tấm, đội nón rơm (sau này đổi thành mũ quả dưa và đeo nơ) và một chàng gầy ốm cao nhồng đội mũ chóp cao, mang cà vạt khổng lồ. Như nhà làm phim sinh trưởng ở Phoenix, Steven Spielberg giải thích, “Khi mẹ tôi thấy tôi và ba chị em gái của tôi ngồi phía trước truyền hình xem ‘Wallace và Ladmo’, bà biết rằng, ngoại trừ đi vào nhà vệ sinh, chúng tôi sẽ không đi nơi nào khác.” Một lời tuyên bố tương tự như vậy có thể được thốt ra bởi một thế hệ cư dân Phoenix, cắt ngang những rào cản của đạo đức, chủng tộc, giới tính, tôn giáo hay kinh tế xã hội – một thế hệ chia sẻ cùng những từ ngữ và cùng những hình ảnh giống hệt nhau được ghi nhớ và chứa đựng trong não bộ của họ cùng vào một thời gian hàng giờ mỗi tuần.
Tốt thôi, được thôi, có lẽ đây không phải là cơ sở mạnh mẽ nhất để trui rèn một nền tảng chung, nhưng tối thiểu nó cũng cho thấy rằng nếu chúng ta đào đủ sâu, chúng ta sẽ nẩy bật để lộ ra điều gì đấy là kinh nghiệm cùng chia sẻ, một nền tảng cho sự thân thiết. Khi cuộc đối thoại của tôi với đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp diễn, ngài sẽ khơi mở một cung cách để hình thành mối ràng buộc trên trình độ căn bản hơn, bao gồm một mảng rộng rãi hơn của nhân loại hơn là một thành phố của những đứa trẻ ở thành phố, những người ngay trong phút chốc đang hòa tan trong tuệ trí của Popeye: “Tôi là những gì là tôi và đấy là tất cả những gì tôi là.”
BƯỚC THỨ BA: THỰC HIỆN HÀNH ĐỘNG: TĂNG CƯỜNG TIẾP XÚC CÁ NHÂN
Bước cuối cùng: Thực hiện hành động. Một cách rõ ràng, hai bước đầu tiên trong phương pháp của đức Đạt Lai Lạt Ma về việc xây dựng ý thức cộng đồng, liên hệ sự phát triển tâm tỉnh thức lớn hơn, không có nghĩa gì cả ngoại trừ ý thức tỉnh giác ấy được biến thành hành động. Nhiều năm sau này khi tôi ôn lại buổi đàm luận ấy, tôi đã đi đến những bình luận của ngài về việc không biết những người hàng xóm của chúng ta. Trong khi tỉnh thức một cách đúng đắn rằng những lời của ngài được liên hệ đến cho tôi lúc ấy, tôi đã mau chóng quên đi. Thực tế bây giờ đây, hàng năm sau đó, tôi đã nhận ra rằng tôi vẫn không buồn để tìm hiểu tên tuổi những người hàng xóm của tôi. Dĩ nhiên, tôi đã không tảng lờ họ sau nhiều năm, nhưng bất cứ khi nào tôi thấy một người hàng xóm, phản ứng luôn luôn hạn chế đến một cái gật đầu, có lẽ một nụ cười mỉm, đôi khi một lời xã giao “Khỏe chứ?” hay hiếm khi có một cuộc trao đổi ngắn ngủi về thời tiết. Nhưng không bao giờ có một cố gắng để liên hệ trong một cung cách đầy đủ ý nghĩa.
Khi tôi đọc những lời của đức Đạt Lai Lạt Ma ghi lại “đơn giản chỉ là một vấn đề của ý chí” và gợi nhớ lại cuộc đàm luận của chúng tôi, tôi đột nhiên đứng lên khỏi máy điện toán của tôi. “Trễ còn hơn là không bao giờ”, tôi nghĩ, và đi ra ngoài, quyết định để gặp ít nhất một người hàng xóm của tôi. May mắn, tôi thấy một người đang gặp rắc rối với xe cộ. Tôi bước tới để tỏ lời giúp đỡ. Chúng tôi giới thiệu lẫn nhau và khi hóa ra sau đấy chúng tôi đã có một cuộc đàm thoại vô cùng hứng thú. Tôi bước vào trong nhà, trở lại máy điện toán của tôi, và làm việc lại.
Những đồng nghiệp chuyên môn của tôi có thể liệt điều này một cách gièm pha như “báo cáo vặt vãnh” và gạt bỏ những sự theo dõi của tôi như thiên kiến và không có giá trị minh chứng cho bất cứ điều gì. Tốt thôi, không sao. Nhưng tôi quả quyết rằng chỉ thực hiện một bước nho nhỏ, hành động đơn giản của việc nối kết với những người láng giềng, đã cho tôi một sự cổ vũ và gây ấn tượng mạnh mẽ trong tâm trạng, mức độ nghị lực, và ngay cả sự trong sáng tinh thần, như tôi có thể trở lại làm việc với sự tươi mát và nhiệt tình mới mẻ, giống như mới trở lại làm việc sau những ngày nghỉ cuối tuần thay vì một buổi nói chuyện ngắn ngủi với người hàng xóm của tôi.
Khi quán chiếu về sự suy thoái ý thức cộng đồng của chúng ta, sự xa lánh gia tăng trong xã hội của chúng ta, và những năng lực tàn phá làm ra chúng, những điều này ban đầu dường như là những vấn nạn thực sự không thể giải quyết. Nhưng bây giờ, chúng dường như có thể giải quyết được. Trong việc trình bày những vấn đề xã hội phức tạp và dường như đang lan tràn với đức Đạt Lai Lạt Ma, ngài dường như cắt xuyên qua chúng ra từng miếng mỏng như A Lịch Sơn Đại Đế giải quyết những vấn đề hắc búa. Những câu trả lời của ngài vô cùng căn bản, chúng bị tước hết khả năng làm rắc rối. Nếu chúng ta dời đến một chỗ mới thì sao? Chỉ đơn giản tham gia một nhóm người. Nếu chúng ta cảm thấy chẳng có lý do gì? Hãy thông hiểu hơn về những lợi ích. Nếu chúng ta cảm thấy bị cô lập, bị xa lánh, và không liên hệ với bất cứ cộng đồng nào thì sao? Hãy lưu tâm đến những thích thú riêng của mình, và liên hệ với những người khác có cùng sở thích tương tự.
Chỉ cho chúng ta cung cách bắt đầu để xây dựng một ý thức làm mới cộng đồng, một cảm giác liên đới, ngài chỉ ra lẽ thật với sự trong sáng hoàn toàn. Tùy vào chúng ta mà thôi. Ngài đặt trách nhiệm một cách dứt khoát vào trong tay của chính chúng ta thay vì trong bàn tay của những năng lực tràn ngập xã hội. Chúng ta không phải điều chỉnh đồng hồ ngược lại những ngày nào đấy trước đây; chúng ta không phải trở lại những xã hội thời nông nghiệp. Chúng ta không cần phải thay đổi dòng chuyển biến của xã hội hiện đại nhằm để tạo ra một ý thức cộng đồng lớn hơn. Chúng ta chỉ cần hành động, từ mỗi người, từ mỗi lúc, vươn ra để nối kết với những người khác với những thích thú tương tự.
Nhưng trong khi những nguyên tắc của đức Đạt Lai Lạt Ma tuyên bố là đơn giản, nhưng chúng không phải quá giản dị, chúng cũng không nhất thiết là dễ dàng để đạt đến. Khi tôi khám phá ra, nhưng ý tưởng mà ngài đã trình bày vô cùng sâu sắc và tế nhị hơn, và sự tiếp cận của ngài quá thẳng thắn dường như ngay trên cái nhìn đầu tiên. Điều này chỉ là bước đầu tiên trong việc khám phá mối quan hệ giữa cá nhân, xã hội, và việc theo đuổi hạnh phúc của con người.
Nguyên tác: Me Vesus We
Trích từ quyển The Art of Happiness in a Troubled World
Ẩn Tâm Lộ ngày 23/05/2011
Chương 2
Tôi và chúng ta và 
mối quan hệ trên trình độ căn bản của con người
Buổi sáng ngày hôm sau, chúng tôi đã tiếp tục thảo luận về cộng đồng.
“Thưa Đức Thánh Thiện, hôm qua, chúng ta đã nói về vấn đề những người cảm thấy bị cô lập và những lợi ích của ý thức cộng đồng này,” tôi bắt đầu, “do thế, một cách căn bản, những gì chúng ta đang nói đến ở đây là đang đồng nhất với một nhóm rộng hơn, một loại hướng từ việc tập trung trên “tôi” đến tập trung trên “chúng ta”.
“Đúng đấy.”
“Bây giờ, những lợi ích cho điều này làm cho sự định hướng rất rõ rệt. Có những lợi ích cho cá nhân chẳng hạn như sức khỏe tốt hơn, cũng như lợi ích cho phúc lợi của cộng đồng và xã hội mà chúng ta đang sinh sống. Cũng thế, không nghi ngờ gì nữa rằng những mối quan hệ giữa cá nhân, mạng lưới xã hội, v.v… cung cấp nguồn gốc năng lực to lớn nhất cho hạnh phúc con người. Trong các buổi thảo luận của chúng ta những năm qua, thậm chí trước khi nhận ra tầm quan trọng của ý thức cộng đồng, ngài thường đề cập, ngài cảm nhận thế nào rằng sự nối kết của chúng ta với người khác, liên hệ đến người khác với ảnh hưởng của nhân loại, một nhận thức của ân cần và từ bi, v.v…, là toàn bộ đến hạnh phúc của cá nhân…”
“Đúng như thế,” ngài tái khẳng định.
“Tốt vậy,” tôi tiếp tục, “tôi nghĩ có thể có một khả năng rắc rối ở đây. Một cách chắc chắn là tự nhiên rằng người ta có thể đồng nhất một cách mạnh mẽ với một nhóm đặc thù hay cộng đồng nào đấy. Nhưng điều này có thể làm nổi bật những sự khác biệt của chúng ta với những nhóm khác, điều thường đưa đến tính ưu việt. Sự xác chứng căn cước mạnh mẽ của một nhóm không chỉ sản sinh ra tự hào của nhóm mình mà cũng tạo nên khả năng thực sự của việc phát triển xu hướng hay thành kiến (chấp trước) chống lại những nhóm khác. Và rồi tất cả những loại rắc rối có thể nảy sinh như một hệ quả. Vì vậy, câu hỏi là, Làm thế nào chúng ta nhiệt tâm với sự chuyển tiếp từ “Tôi” đến “Chúng ta”, chuyển hướng từ một cảm giác cô lập đến một cảm nhận đồng nhất với một nhóm, nhưng ngăn ngừa điều ấy khỏi tiến trình đưa đến “Chúng ta” chống với “Họ”. Dường như rằng loài người có một lịch sử lâu dài của loại sự việc xãy ra, và từ đấy nó là một bước rất ngắn để xung đột và thậm chí bạo động.”
“Đây là sự thật”, đức Đạt Lai Lạt Ma đồng ý; “đó là tại sao thật là quan trọng để nhận ra, như tôi đã đề cập hôm qua, rằng có thể có những trình độ khác nhau của khái niệm “cộng đồng” – và tôi nghĩ điều quan trọng là đặc tính văn hóa hay quốc gia của cá nhân, hay bất cứ điều gì đi nữa, không nên phủ lấp căn cước của một con người, cũng là một thành viên của cộng đồng nhân loại. Điều này là quan yếu.”
“À, tôi nghĩ ở đây chúng ta đang nói về việc nối kết trên một trình độ sâu xa hơn, trình độ căn bản con người, việc nối kết với những người khác được căn cứ trên sự liên hệ nền tảng nhân loại ấy. Và tôi nghĩ vấn đề là nhiều người vẫn thiếu vắng ý thức nền tảng sâu xa của sự nối kết với người khác. Sự vắng mặt mối ràng buộc nền tảng của con người có thể tạo nên cảm nhận dửng dưng, sự thiếu vắng mối quan tâm đến lợi ích của người khác có thể lần lượt đưa đến những vấn nạn thứ tự từ nghèo đói đến tàn phá môi trường. Cũng thế, không có sự liên kết sâu sắc thì có cảm nhận xa cách, một cảm giác rằng những người kia khác biệt một cách căn bản, là điều có thể mở ra cánh cửa của thành kiến và thậm chí có thể đi đến những loại vô nhân đạo mà có thể đưa đến những hành động hung bạo không thể tưởng tượng. Lịch sử nhân loại thì đầy ấp những thí dụ như thế này. Do vậy, vì điều này dường như là ngay tại cốt lõi của vô số rắc rối của nhân loại, làm thế nào ngài đề nghị việc trau dồi một ý thức rộng lớn hơn của việc nối kết với người khác, thậm chí toàn nhân loại?”
“Dĩ nhiên, có thể có nhiều nguyên nhân, nhiều thành phần đối với những vấn đề ông đề cập,” ngài nhắc tôi. “Nhưng bây giờ trong việc trả lời câu hỏi của ông về việc trau dồi một cảm nhận sâu xa hơn về sự nối kết, tôi nghĩ chìa khóa là việc chúng ta liên hệ với nhau như thế nào. Nó đi xuống quan điểm căn bản của chúng ta, trên những gì nền tảng mà chúng ta liên hệ đến những người chung quanh chúng ta.”
“Chỉ để cho rõ hơn, khi ông nói, ‘trên căn bản nào’, ông muốn nói…?”
“Câu hỏi là chúng ta liên hệ đến người khác căn cứ trên những gì phân biệt chúng ta hay trên những đặc trưng mà chúng ta cùng chia sẻ. Điều này có thể quyết định chúng ta có một ý thức cơ bản của sự phân biệt với những người khác, hay cảm nhận quan hệ thân thuộc và mối ràng buộc với cộng đồng rộng lớn hơn.”
“Tôi cho rằng điều ấy đúng,” tôi đồng ý, “nhưng tôi nghĩ rằng con người tự nhiên có khuynh hướng nhìn người khác căn cứ nhiều hơn trên những sự khác biệt của họ. Trong thực tế, tôi nghĩ chúng ta thích nhìn chính chúng ta như đặc biệt, như khác biệt với người khác. Tôi không nghĩ rằng sẽ dễ dàng thay đổi cung cách chúng ta liên hệ như thế.”
“Điều ấy đúng,” ngài nói. “Để có một cảm nhận thật sự của tình huynh đệ, anh chị em, căn cứ trên sự xác định rõ chính mình trước nhất và trên tất cả như một con người là không dễ dàng. Nó không xãy ra qua một đêm. Nhưng tôi cảm thấy rằng một bộ phận của vấn đề là trong đời sống ngày qua ngày, đại đa số con người không đặt một tư duy nghiêm chỉnh cho mối quan hệ chung nhất đến tất cả những con người khác. Người ta không dành nhiều thời gian để phản chiếu điều này. Tôi nghĩ trong phổ quát trong xã hội có sự nhấn mạnh to lớn hơn trên những khác biệt cá nhân của chúng ta. Do vậy, đối với nhiều người, sự nối kết của họ đến những người khác là thông thường không quá hiển nhiên. Nhưng mối ràng buộc nhân loại luôn luôn ở đấy.”
Đức Đạt Lai Lạt Ma cầm lên cái ca bằng gốm mà ngài để trên bàn bên cạnh ngài và mở nắp. Nhắp một ngụm nước nóng, thức uống thông thường của ngài, rồi tiếp tục. “Tôi chỉ nghĩ – có thể ông không thể tưởng tượng một hoàn cảnh khi một người nào đấy bị mắc cạn trên một hòn đảo không có người ở một thời gian dài, và nếu ông ngẫu nhiên đi ngang qua một người khác, thậm chí nếu người ấy vô cùng khác biệt với ông và hoàn toàn xa lạ, ông sẽ lập tức cảm thấy một mối đồng cảm với người ấy. Sau đó mối ràng buộc thông thường như những con người sẽ trở nên rất rõ ràng.”
“À,” tôi nói, “tôi nghĩ ngài đang chỉ ra một trong những vấn nạn chính – chúng ta không thường nghĩ đến những vấn đề này. Xét cho cùng, chúng ta không bị mắc cạn trên một hoang đảo! Vì thế, trong đời sống hằng ngày, chúng ta bị tiêm nhiễm trong những vấn đề cá nhân của chúng ta và chúng ta có khuynh hướng quên lãng mối liên hệ và ràng buộc căn bản của chúng ta như những con người. Nếu chúng ta thật sự muốn thay đổi nhận thức của chúng ta, và phát triển ý thức nối kết chân thành ấy với những người khác, đến tất cả nhân loại, chúng ta bắt đầu từ chỗ nào?”
“Một lần nữa, nó đi đến chỗ thức tỉnh – việc trau dồi một sự thức tỉnh đều đặn rộng rãi hơn của những cung cách mà chúng ta nối kết, những đặc trưng mà chúng ta chia sẻ như những con người, và việc khuyến khích cẩn trọng những ý tưởng này trong xã hội của chúng ta.”
“Ngài biết không, thưa Đức Thánh Thiện, tôi không chắc nếu chỉ ‘tỉnh thức’ không mà thôi sẽ làm nên một sự khác biệt lớn trong việc vượt thắng ý thức riêng lẽ của chúng ta. Ý tôi muốn nói là đã có đủ bằng chứng có giá trị của những cung cách mà trong ấy chúng ta quá giống nhau như những con người, chẳng hạn như ‘Công Trình Nghiên Cứu Hệ Gene Nhân Loại’ đã hoàn thành. Có những câu chuyện trên truyền thông khắp nơi về việc chúng ta chia sẻ 99,9 phần trăm mã gene với mọi người trên hành tinh này.”
“Vâng, nhưng tôi nghĩ rằng nghiên cứu điều gì đấy chỉ mới là bước đầu tiên,” ngài nhắc nhở tôi. “Chúng ta cần thẩm tra, phân tích, và suy nghĩ thật sự về điều này nhiều lần, cho đến khi chúng ta phát triển một sự thuyết phục sâu xa, cho đến khi điều này trở thành một bộ phận trong quan điểm căn bản của chúng ta, cung cách tự nhiên của sự đáp ứng đến thế giới chung quanh chúng ta. Và sau đó, một khi chúng ta có lòng tin sâu sắc này chúng ta cần hành động trên việc thay đổi thái độ của chúng ta – hơn nữa, điều này đòi hỏi nỗ lực.
“Nhưng tất cả điều này bắt đầu với việc đơn giản học hỏi nghiên cứu, đơn giản trở nên tỉnh thức với một vài sự kiện, qua đọc hay qua nghe về điều gì đấy – rồi thì chúng ta có thể thực hiện bước tiếp theo, vận dụng nỗ lực để làm sâu sắc hơn sự thấu hiểu của chúng ta và củng cố những gì chúng ta đã học hỏi và nghiên cứu.”
Quả thực chúng tôi thật sự hướng tập trung trên những khác biệt của chúng ta hơn là những sự tương đồng. Tuy thế, đức Đạt Lai Lạt Ma xác định rõ “tỉnh thức” về các sự tương đồng, những đặc trưng, các phẩm chất, và những nét mà chúng ta cùng chia sẻ, như bước đầu tiên trong việc trau dồi một cảm nhận sâu xa của “mối đồng cảm và liên hệ” với những người khác – và không chỉ từ một người đến cộng đồng, văn hóa, tôn giáo, hay phe phái chính trị của riêng người ấy, mà đến toàn thể nhân loại. Không ngạc nhiên gì khi ngài cũng chỉ ra rằng điều này sẽ không dễ dàng, rằng nó cần có thời gian vì nó liên hệ một sự thay đổi nền tảng trong cung cách mà chúng ta nhận thức và đáp ứng đến người khác. Không hứa hẹn rằng chỉ bằng việc suy tư về vấn đề này một hay hai lần, rồi đột nhiên chúng ta sẽ bắt đầu cảm thấy có cùng ý thức gần gũi và đồng cảm với mọi người mà chúng ta có thể cảm nhận cho những vận động viên đội nhà của chúng ta trong liên đoàn dã cầu chiều Thứ Bảy.
Đức Đạt Lai Lạt Ma công nhận rằng chúng ta sẽ cần phản chiếu trên những đặc trưng chung như những con người, quán xét như vậy nhiều lần, cho đến khi chúng ta suy nghĩ như thói quen về những người khác trong một cung cách mới – cuối cùng, mỗi con người không phải được cấp một chiếc áo xứng hợp khi sinh ra, có in dòng chữ “Đội ngũ Nhân loại”. Nhưng với tác động sâu thẩm của một quan điểm có thể giảm thiểu thành kiến, thù hận, và bạo động trên thế giới, không mảy may nghi ngờ gì về giá trị cho nỗ lực tiếp nhận một quan điểm mới – hay tối thiểu quan tâm về trách nhiệm mà chúng ta có thể nghiên cứu để liên hệ đến người khác trong một cung cách mới.
Nhưng chúng ta sẽ không tránh khỏi gặp phải một sự đề kháng nội tại nào đấy khi chúng ta gắng sức tiếp nhận một cái nhìn mới. Trong cuộc nghiên cứu này đến cuộc nghiên cứu khác cho thấy, người ta cố thổi phồng những khác biệt của họ với người khác, cũng như làm giảm thiếu tối đa các tương đồng trong nhân loại một cách tổng quát. Chúng ta đã đánh giá quá cao tính độc nhất của mỗi người, không chỉ của riêng chính chúng ta. Trong quyển "Trượt Chân trên Hạnh Phúc”, nhà tâm lý xã hội của Harvard, Daliel Gilbert, kết luận, “Nếu chúng ta giống như hầu hết mọi người, rồi thì giống như hầu hết mọi người, chúng ta không biết chúng ta giống như hầu hết mọi người.”
Trong việc tìm kiếm những lý do cho đặc trưng này của chính con người, ngài chỉ ra đời sống xã hội hằng ngày của chúng ta liên hệ lập tức đến những chọn lọc – tuyển lựa những cá nhân đặc thù “để là người tình chăn gối, đồng nghiệp thương mại, bè bạn ném bóng, và hơn nữa.” Vì đòi hỏi này “mà chúng ta tập trung trên những thứ phân biệt người này với người nọ chứ không phải trên những thứ mà tất cả mọi người cùng chia sẻ.” Điều ẩn ý đã rõ: Cả cuộc đời dành để tập trung trên những thứ khác biệt giữa con người đưa đến kết quả trong một sự xuyên tạc nền tảng, trong sự thổi phồng cấp độ đến những điều mà con người là đồng nhất hay khác biệt. Sau cùng, trong quá trình diễn biến của đời sống ngày qua ngày, không có nhiều kêu gọi để khảo sát hay phản chiếu trên những đặc trưng mà chúng ta cùng sẻ chia – cần thiết một ít để suy nghĩ về việc toàn thể nhân loại cùng thở dưỡng khí oxy như thế nào mà thôi, hay toàn thể cùng chia sẻ những đáp ứng và mô hình cảm xúc đặc trưng của thái độ, hay tất cả đều ước muốn hạnh phúc và xa lánh khổ đau – ngoại trừ, đó là, người ấy là một nhà sinh vật học, tâm lý học, hay một thầy tu Phật giáo. Sự thật là dưới những điều kiện bình thường, người ta thích nghĩ về chính họ như đặc biệt và khác biệt với những người khác. Như Gilbert báo cáo, “Nghiên cứu cho thấy rằng khi người ta được làm cho cảm thấy quá giống với người khác, tính tình họ nhanh chóng trở nên cáu gắt và họ cố gắng để xa cách và phân biệt chính họ với người khác trong những cung cách bất đồng.”
Chúng ta ấp ủ các khác biệt của chúng ta, những đặc biệt của chúng ta. Chính đặc trưng tâm lý này của con người mà Gilbert đã than van trong thông điệp kết luận cuốn sách của ông, khi chiến lược không đề cập và bất thường to lớn nhất này của chúng ta đưa chúng ta đến hạnh phúc to lớn hơn. Suốt đời sống của chúng ta, chúng ta tiếp tục lựa chọn và quyết định, căn cứ trên những gì chúng ta tin tưởng sẽ làm cho chúng ta hạnh phúc. Vấn nạn là, đối với những lý do cụ thể và đa dạng, những sự thừa nhận và tin tưởng nền tảng về những gì sẽ làm cho chúng ta hạnh phúc thường đơn giản là không đúng. Tuy nhiên, do bởi con người là quá giống nhau trong nhiều cung cách, chúng ta có sự tùy ý sử dụng một phương pháp đáng tin cậy và hiệu quả để giúp chúng ta dự đoán một cách chính xác tiến trình nào của hành động sẽ làm cho hay không làm cho chúng ta hạnh phúc trong tương lai: Quán sát những người khác, những người đang thực hiện cùng quyết định mà chúng ta đang quán chiếu, những người đã vẽ đồ thị tiến trình này trước đây, và hăng hái quán sát những cá nhân ấy hạnh phúc như thế nào dưới cùng những hoàn cảnh chính xác như vậy. Tuy thế, buồn thay, do bởi tin tưởng của chúng ta rằng chúng ta là đặc biệt, rằng tâm thức chúng ta là quá khác biệt với nhau từ người này đến người nọ, và rằng tất cả mọi người thì quá khác biệt với nhau, chúng ta thường phủ nhận những bài học mà chúng ta có thể học hỏi từ những người khác về những gì sẽ mang đến hạnh phúc chân thật cho chúng ta.
Không nghi ngờ gì nếu chúng ta phát triển một sự tỉnh thức sâu xa về những tương đồng của chúng ta như những con người, chúng ta có thể thiết lập một tiến trình trực tiếp đối với niềm hạnh phúc lớn hơn bằng việc quán chiếu mối quan hệ giữa thái độ của những người khác và trải nghiệm của họ với hạnh phúc hay khốn cùng. Ý nghĩa của sự tương đồng này cũng có thể cung cấp căn bản cho việc trau dồi một sự thấu cảm sâu sắc cho tất cả những chúng sinh khác mà có thể hoạt động như một loại đối trị đối với thành kiến, thù hận và xung đột bạo động.
Tuy vậy, nếu chúng ta tôn trọng triệt để ý kiến của đức Đạt Lai Lạt Ma để nhìn những kẻ khác trên căn bản của những đức tính nền tảng nhất của nhân loại mà chúng ta cùng chia sẻ, chúng ta phân biệt một người với những người khác như thế nào? Làm thế nào chúng ta thực hiện những quyết định về người nào được chọn làm bạn nghề, người phối ngẫu hay công nhân nào nên mướn?
Nó sẽ giống như thế nào nếu chúng ta đang liên hệ đến những người khác chỉ trên căn bản của những điểm mà chúng ta cùng sẻ chia, nhìn người khác chỉ đơn thuần như những “con người”? Đúng là nếu chúng ta làm như thế, sẽ không có căn bản cho việc thành kiến, cũng không có việc chống lại bất cứ con người đặc thù nào, không cơ sở cho định kiến, phân biệt hay thù ghét sinh khởi. Nhưng có phải nó cũng giống như khi liên hệ đến sự đa dạng rộng rãi của việc nếm những món ăn đơn thuần như “thức ăn”? Như một thí dụ, hãy nói rằng một người nào đấy đi vào nhà hàng và được đưa cho một thực đơn với nhiều thức ăn đặc sắc, mỗi thứ có đối trọng tốt và có cùng phần trăm chất đạm, chất béo, đường (carbohydrate). Nếu chúng ta nhìn những thức ăn này thuần túy trên căn bản của những điểm mà chúng chia sẻ - chẳng hạn tất cả đều cấu thành từ những nguyên tử carbon, hydrogen, và oxygen – rồi thì trên căn bản nào chúng ta có thể lựa chọn món ăn cho chúng ta? Từ nhận thức này, tất cả những thứ ấy phải là giống hệt nhau.
May mắn thay, chúng ta không phải làm một sự lựa chọn giữa việc nhìn những người khác duy nhất trong những dạng thức khác nhau của chúng ta, từ nhận thức của những gì phân biệt chúng ta, hay nhìn kẻ khác đơn thuần từ lập trường những nền tảng con người mà chúng ta chia sẻ. Khi những cuộc thảo luận của chúng tôi tiến triển, đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ tiếp tục giải thích việc chúng ta thực hiện cả hai như thế nào, việc tiếp nhận quan điểm căn bản mới mà trong ấy chúng ta giữ cả những nhận thức và sự chuyển hóa cái nhìn cùng thái độ của chúng ta về người khác – nhưng không phải không có một ít cố gắng trước tiên, khi cố gắng hòa hiệp những lập trường khác biệt của chúng tôi.
CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN CỰC ĐOAN
Mỗi đêm, hàng triệu người Hoa Kỳ dành ba giờ rỗi rãnh của họ để xem truyền hình hơn là tham gia trong bất cứ hình thức nào của hoạt động tương tác xã hội. Người ta xem gì? Trong những năm gần đây, chúng ta đã thấy truyền hình thực tế trở thành hình thức phổ thông nhất của truyền hình lập trình. Để khám phá bản chất “thực tế” hiện tại của chúng ta, chúng ta có thể quan tâm những thí dụ như Sống Sót (Survivor), loạt chương trình giúp đem lại cuộc cách mạng truyền hình thực tế. Mỗi tuần hàng chục triệu khán giả đã xem một nhóm người bình thường bị bỏ trong một nơi cô lập nào đấy vật lộn để gặp đủ thứ những thử thách và chịu đựng những điều kiện khắc nghiệt. À, người ta có thể nghĩ, ở đây chúng ta sẽ thấy nhóm người này làm việc hợp tác với nhau, giống như tổ tiên cổ xưa của chúng ta, hoạt động cộng tác nhằm để “chiến thắng”! Nhưng “thực tế” thì rất khác biệt. Những điều kiện của trò chơi được chuẩn bị, vâng, vì thế họ phải hành động hợp tác với nhau, nhưng bản chất của sự liên minh chỉ là tạm thời và quy ước, khi những đấu thủ mưu tính và vạch kế hoạch để chống lại nhau để thắng trò chơi và rời cuộc thi với Giải thưởng Lớn: Một triệu đô la! Mục tiêu là loại bỏ từng đối thủ một khỏi một hoang đảo không người ở qua một cuộc bỏ phiếu của nhóm, loại trừ từng đối thủ khác cho đến khi chỉ còn một cá nhân đơn độc – “người sống sót duy nhất.” Chấm dứt trò chơi là ý tưởng người Mỹ kỳ quặc tối đa trong Thời đại Chủ Nghĩa Cá Nhân của chúng ta: Bị bỏ lại hoàn toàn một mình, ngồi trên một núi tiền!
Trong khi Sống Sót là một thí dụ hiển nhiên về định hướng có tính chất chủ nghĩa cá nhân, chắc chắn nó không phải là duy nhất trong sự tô điểm của tấm chăn thô kệch của chủ nghĩa cá nhân của nó trên truyền hình Hoa Kỳ. Ngay cả những phút thương mại xen kẽ cung cấp những thí dụ bắt buộc tương tự, với những quảng cáo như Burger King, tuyên bố HÃY CÓ NÓ TRONG PHONG CÁCH CỦA BẠN! Thông điệp? Mỹ Quốc, mãnh đất duy không phải mỗi người đàn ông hay mỗi người đàn bà là một cá nhân riêng lẻ nhưng cũng là nơi mà mỗi cái bánh mì tròn nhân thịt hamburger là một vật riêng biệt!
Con người không sống giữa khoảng không; chúng ta sống trong một xã hội. Vì thế điều quan trọng là hãy nhìn vào những giá trị được thúc đẩy và ca tụng trong một xã hội quy định và lượng định những gì tác động đến điều kiện này có trong cảm nhận của chúng ta về độc lập hay của sự liên hệ hỗ tương duyên sinh.
Thật dễ dàng để thấy những xã hội Tây phương thúc đẩy các giá trị của Chủ Nghĩa Cá Nhân như thế nào. Tuy vậy, có nhiều xã hội trên thế giới, chính yếu ở Á châu, đã khuyến khích một quan điểm khác, những gì mà các nhà nghiên cứu một cách tổng quát liên hệ như Chủ Nghĩa Tập Thể, căn bản chống lại Chủ Nghĩa Cá Nhân. Chủ Nghĩa Tập Thể trong phạm vi này không liên hệ đến một loại triết lý chính trị nào đấy, như Chủ Nghĩa Cộng Sản chẳng hạn, nhưng thay vì thế liên hệ đến một định hướng căn bản tập trung trên mối quan hệ duyên sinh và tương tác với người khác.
Người ta có thể thường xác định những giá trị nền tảng mà một nền văn hóa đặc thù thúc đẩy bằng việc nhìn vào những châm ngôn truyền thống trong nền văn hóa ấy – trong trường hợp này, thí dụ, chúng ta thấy châm ngôn đó như “bánh xe kêu cót két cần dầu mở” có gốc rễ ở phương Tây, ca ngợi một cá nhân đứng bên ngoài đám đông và nói lên tâm tư của mình, trong khi những nền văn hóa Á châu như Nhật Bản chẳng hạn, người ta sẽ thấy những câu châm ngôn như “cây đinh lộ ra ngoài phải được đóng xuống”, ám chỉ đến sự tiếp thu mà người ta có thể dự đoán cho việc bước ra khỏi nhóm, một cách kiêu kỳ.
Câu hỏi nền tảng là, giá trị của nền văn hóa nào - Chủ Nghĩa Cá Nhân hay Chủ Nghĩa Tập Thể - là thích hợp để thúc đẩy hạnh phúc trong những thành viên của một xã hội, một câu hỏi mà tôi hy vọng đức Đạt Lai Lạt Ma có thể trả lời khi chúng tôi tiếp tục đàm luận.
Vẫn thẩm tra vấn đề Tôi chống lại Chúng Ta, nhưng đưa trình độ của cuộc thảo luận từ mức độ của quan điểm và các thái độ cá nhân đến mức độ của những thái độ và giá trị của xã hội, chúng tôi đã tiếp tục việc đàm luận của chúng tôi.
“Ngài biết không, thưa Đức Thánh Thiện, chúng ta đang thảo luận về khả năng cá nhân để hình thành những mối ràng buộc và nối kết xã hội đến những người khác. Trong việc thiết lập những liên hệ này, ngài không chỉ đề cập sự cần thiết cho một sự tỉnh thức rộng rãi hơn của những cung cách mà chúng ta được nối kết và tầm quan trọng của việc xúc tiến cân nhắc những ý tưởng này trong xã hội của chúng ta. Ngài cũng đề cập trước đây về việc con người có thể được tác động bởi những giá trị được thúc đẩy từ xã hội và văn hóa của họ.
“Tôi đang tự hỏi rằng làm thế nào đến cấp độ nào ý thức cộng đồng của con người mới có thể được tác động bởi những giá trị của xã hội mà con người sống trong ấy. Một cách đặc biệt, tôi tự hỏi về những ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân. Con người sống ở những xã hội chủ nghĩa cá nhân hướng tới có một cảm giác ‘cái tôi’ độc lập hơn so với những quốc gia Á châu nơi người ta hướng tới ý tưởng của Chủ Nghĩa Tập Thể, phối hợp với những giá trị truyền thống hơn và một sự tỉnh thức sâu rộng hơn về duyên sinh tương khởi và tương tác với những người khác.
“Từ một viễn kiến, người ta có thể nói rằng những nền văn hóa cá nhân chủ nghĩa có một định hướng của ‘Tôi’ phổ quát, trong khi những nền văn hóa tập thể chủ nghĩa có một định hướng của ‘Chúng Ta’. Nhưng vấn đề căn bản là xã hội nào sẽ hạnh phúc hơn. Thí dụ, dường như rằng việc thúc đẩy Chủ Nghĩa Cá Nhân, với sự tập trung trên ‘Tôi’, có thể đưa đến ý thức riêng rẻ và thiếu tính cộng đồng như ngài nói đến. Trái lại, dường như có một số lợi ích nào đó của Chủ Nghĩa Cá Nhân: Một ý thức độc lập, tự tin, v.v... Thực tế, tôi nghĩ rằng việc thúc đẩy suy tư độc lập, tự túc, và tự quản có thể đưa đến một sự sáng tạo lớn mạnh hơn, óc sáng kiến, sự hoàn thành, khám phá hơn, và rồi thì -”.
“Bây giờ, một vấn đề là,” đức Đạt Lai Lạt Ma ngắt lời, “khi ông nói ‘Chủ Nghĩa Cá Nhân’, tôi nghĩ điều quan trọng là nhận ra rằng có thể có nhiều trình độ. Một trình độ có thể là vấn đề tích cực, và nó có thể đưa đến sáng tạo, hay một ý thức tự tin, những thứ này là những điều rất tích cực. Nhưng cũng có thể trở nên cực đoan hơn, chỗ mà ông cảm thấy quá độc lập và quá tự mãn, ‘Ô, tôi không cần những người khác.’ Nó có thể trở thành một ý thức tự cho mình là trung tâm, hay vị kỷ, nơi mà chúng ta hoàn toàn không quan tâm đến lợi ích của người khác. Nếu nó trở thành những hình thức cực đoan hơn của Chủ Nghĩa Cá Nhân thì điều ấy có thể làm nên rắc rối.”
Trưởng thành ở Hoa Kỳ, bản chất quá thấm nhuần với ý tưởng của chủ nghĩa cá nhân, chẳng bao giờ xảy đến với tôi cái việc phân tích có những hình thức lành mạnh hay cực đoan hay tìm những thí dụ của bất cứ những hệ quả tiêu cực của điều này trên cá nhân con người. Nhưng khi đức Đạt Lai Lạt Ma nêu ra những sự phân biệt này, thật dễ dàng để đi đến những sự soi sáng về chủ nghĩa cá nhân cực đoan. Tôi nghĩ, thí dụ, Ted Kaczynski(1), một kẻ Unabomber bị tước quyền công dân, trong nhiều năm là một kẻ khủng bố nguy hiểm nhất trong nước - có lẽ là hiện thân của Chủ Nghĩa Cá Nhân cực đoan. Mặc dù có một đầu óc thông minh về toán học. Kaczynski cuối cùng phải sống trong lán trại bẩn thỉu ở một vùng xa xôi hẻo lánh của Montana, tiến hành một cuộc chiến tranh đơn độc chống lại kỹ thuật, công nghệ, xã hội và mọi hình thức của Chủ Nghĩa Tập Thể. Hắn ta đã dành những ngày tháng của y trong cô đơn chế những bức thư bom để giết hại và làm mất tay chân những người hắn không thích.
1. Sinh ngày 22 tháng Năm 1942, từng là giáo sư phụ tá toán học, bị tù chung thân, không được miễn giảm.
Dĩ nhiên, bên cạnh những hiểm họa của chủ nghĩa cá nhân cực đoan, vẫn có một câu hỏi về những ảnh hưởng tiêu cực của những sự đa dạng ít cực đoan hơn đưa tôi đến thắc mắc, “Thưa Đức Thánh Thiện, ngài đề cập Chủ Nghĩa Cá Nhân cực đoan có làm ra những thứ như ích kỷ, nhưng để làm sáng tỏ, ngài có nghĩ rằng việc khuyến khích những hình thức ít cực đoan hơn của Chủ Nghĩa Cá Nhân có thể tạo nên hay góp phần cho sự cô đơn và xa lánh lan rộng như ngài đã đề cập trước đây không?”
Ngài ngưng lại để trầm tư một cách cẩn thận trước khi trả lời. “Tôi nghĩ rằng không có hệ quả nhiều của việc khuyến khích Chủ Nghĩa Cá Nhân này, nhân tố làm cho con người cảm thấy phải xa lánh những người khác. Tôi cảm thấy rằng nó sẽ khá hơn, quan điểm đối kháng không hiện diện. Đấy là yếu tố đang biến mất.
“Cũng vậy, Howard, tôi nghĩ điều quan trọng phải nhớ là có thể có những mức độ khác nhau của Chủ Nghĩa Cá Nhân giữa các quốc gia. Ngay cả ở phương Tây, có thể có những cộng đồng có được việc đánh giá rộng rãi sự liên hệ hổ tương của chúng ta, và hợp tác tâm linh. Mặc dù, có thể không phải là trường hợp ở Hoa Kỳ, các quốc gia Âu châu như Thụy Điển và những nước khác ở bán đảo Scandinavia của Bắc Âu, cũng như phong trào kibbutz(2) ở Do Thái, có một ý tưởng xã hội mạnh mẽ. Tương tự thế, trong mô thức dân chủ nổi tiếng ở Thụy Sĩ, có một sự tự trị rộng rãi ở cấp độ quận, huyện (district), và khi người ta nói về việc sáng tạo những chính sách nó sẽ tác động trực tiếp đến đời sống của họ, tôi nghĩ rằng họ có thể có cảm nhận một ý thức cộng đồng rộng lớn hơn. Và tôi tin rằng những cá nhân sống trong những loại kiểu mẫu xã hội này chắc chắn sẽ hạnh phúc hơn nhiều.
2. Cộng đồng tập thể ở Do Thái, khởi đầu căn bản nông nghiệp. Ngày nay, nông trại là một bộ phận được hỗ trợ bởi những bộ phận khác, kể cả nhà máy công nghiệp và kỹ thuật cao cấp.
Ngài đã đúng. Theo “Bản Đồ Hạnh Phúc của Thế Giới” đầu tiên, được hình thành rõ rệt sau sự dự đoán của đức Đạt Lai Lạt Ma về những mức độ hạnh phúc cao hơn trong những quốc gia này, quốc gia Bắc Âu Đan Mạch được đánh giá là hạnh phúc nhất, Thụy Sĩ thứ hai, và Thụy Điển đứng vào hàng thứ bảy.
“Vậy thì,” đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục, “tôi nghĩ nó đưa đến điều này: Nếu một xã hội thúc đẩy tư tưởng Chủ Nghĩa Cá Nhân hẹp hòi hay Chủ Nghĩa Xã Hội nhỏ nhen, trong trường hợp nào cũng là thiển cận, và một cách căn bản không thúc đẩy một sự hạnh phúc lớn rộng nhất cho những thành viên của xã hội ấy. Thí dụ, nếu một xã hội là quá cực đoan trong sự tiếp cận xã hội chủ nghĩa của nó đến mức độ là sự trả giá của cá nhân (không có chỗ đứng cho cá nhân), và nó sẽ giống như một cái cây chỉ có thân cây mà không có cành cây. Ngoài một chính quyền mạnh mẽ, không có gì khác nữa. Không có tự do cá nhân, không có sự sáng tạo. Không có gì cả. Trái lại, nếu một xã hội quá đặt sự nhấn mạnh trên cá nhân, đến mức người ta cảm thấy quá độc lập, có một cảm giác không cần những người khác, và cảm thấy hoàn toàn tự mãn, rồi thì nó là giống như loại người ngồi trên một cành cây trong khi người ấy tự cưa nó đi. Thật là khờ dại!”
Như với Chủ Nghĩa Cá Nhân cực đoan, thật dễ dàng để thấy những hiểm họa của Chủ Nghĩa Tập Thể cực đoan. Trong thực tế, thế giới quá thường thấy những ảnh hưởng tàn phá của tình trạng dẫm nát trên những quyền của cá nhân nhân danh tập thể: Những trại lao động cải tạo gulag của Liên Xô, những chế độ đàn áp, những sự kinh khiếp xảy ra khi nhân quyền bị tước đoạt khỏi quyền con người của cá nhân. Có điều gì đấy thậm chí những hình thức ôn hòa hơn của Chủ Nghĩa Tập Thể cực đoan dường như dẫm nát óc sáng tạo của con người, sáng kiến cá nhân, và sự phát triển. Tôi nhớ lại lần viếng thăm đầu tiên của tôi đến Trung Hoa năm 1981, lúc mà mọi người chỉ cần đặt chân đến bất cứ một con đường nào ở Bắc Kinh để chứng kiến Chủ Nghĩa Tập Thể được ca ngợi trong xã hội đó như thế nào. Có điều gì đấy làm bối rối với việc đi tản bộ trong một thành phố của hàng triệu cư dân, nơi mà chúng ta thấy mọi người, người nào cũng như người nấy, ăn mặc trong cùng bộ quần áo màu xanh dương đậm của Mao(3) - à, ngoại trừ những kẻ phản động hiếm hoi mới dám biểu lộ thái độ không theo trật tự [cách mạng] của họ bằng việc chưng diện một bộ đồ Mao xám đậm thay vì một bộ đồ xanh dương đậm (có thể nói đây là quốc phục của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa).
3. Còn gọi là đồ đại cán, hay áo Tôn Trung Sơn, Tưởng Giới Thạch cũng mặc bộ đồ này. Các lĩnh tụ cộng sản Trung Hoa, Bắc Hàn, Việt Nam, Lào và Khmer như Polpot, Ieng Sary đều mặc bồ đồ này. Từ Cách mạng Văn hóa 1966, bộ đồ này với chiếc nón công nhân của Lê-nin trở thành đồng phục cho mọi giới ở Hoa Lục từ quân sự đến dân sự, từ lĩnh tụ đến dân thường, nam cũng như nữ, chỉ có khác màu, và lĩnh tụ cùng cán bộ cao cấp thì có thêm chiếc áo sơ mi trắng bên trong. Từ sau Đặng Tiểu Bình, các lĩnh tụ Trung Hoa cùng các nước cộng sản Á châu đều đã thay bằng bộ đồ lớn hay veston với cà vạt.
Khi nhớ lại lần viếng thăm ấy, tôi nghĩ về người hướng dẫn du lịch Trung Hoa của tôi, một chàng thanh niên vui vẻ vừa mới tốt nghiệp đại học cộng đồng (college). Anh ta không phải là một người hướng dẫn chuyên nghiệp, nhưng được phân công cho nhóm du lịch của chúng tôi do bởi khả năng cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp của anh ta, vì nhóm của chúng tôi bao gồm vài người Canada nói tiếng Pháp. Hoàn toàn dự đoán rằng nhóm của chúng tôi tôn trọng triệt để một cách tự động và giống nhau theo chương trình nguyên bản cẩn thận của nhà nước, anh ta không chuẩn bị để đối diện với một nhóm bao gồm những cá nhân với những sự ưa thích của riêng họ về những thứ họ muốn thấy hay làm. Không bao lâu khi chúng tôi đến, nhóm được sắp đặt để khám phá một vài khu vườn địa phương trong vài giờ. Sau khi đồng ý gặp lại trên xe buýt của chúng tôi vào giờ quy định, nhóm chúng tôi chia ra làm những nhóm nhỏ hơn, và vài đôi nam nữ cùng những cá nhân độc thân bắt đầu tự thăm viếng những đặc trưng đa dạng của các khu vườn. Người hướng dẫn của chúng tôi lập tức gọi lớn, “Xin vui lòng tập họp chung với nhau! Xin vui lòng tập họp CHUNG VỚI NHAU!” Anh ta chạy tới chạy lui, cố gắng tập họp chúng tôi lại, nhưng khi những thành viên trong nhóm chia ra nhiều hướng khác nhau, anh ta đã trở nên bối rối thấy rõ hơn. Khi thấy rõ ràng là không thể quy tụ chúng tôi lại được với nhau và đưa chúng tôi qua những khu vườn như tổ chức, anh hoàn toàn hoảng hốt. Lắp bắp và sôi sục với sự giận dữ và điên tiết lên, anh ta hét lên, “QUÝ VỊ LÀ NHỮNG NGƯỜI KHÔNG CÓ TINH THẦN TẬP THỂ ĐÚNG ĐẮN!!!” giống như đấy là một sự lăng mạ xấu xa nhất, hổ thẹn nhất mà anh ta có thể xúc phạm đến chúng tôi.
Tóm tắt lại quan điểm của ngài, đức Đạt Lai Lạt Ma kết luận, “Tôi nghĩ một xã hội có thể khuyến khích phát triển những quyền cá nhân và chấp nhận những quyền cá nhân, trong cùng lúc chú ý đến quyền lợi và hạnh phúc của toàn thể cộng đồng hay xã hội - cần được tuyên bố nhằm để mở rộng tối đa hạnh phúc của con người. Bây giờ, trên mức độ cá nhân, vì hạnh phúc luôn luôn là một tình trạng chủ quan của tâm thức, nhằm để tạo nên một xã hội hạnh phúc hơn, chúng ta cần bắt đầu ở trình độ tâm thức cá nhân. Sau rốt, một xã hội hạnh phúc được viết nên từ những cá nhân hạnh phúc vui tươi. Do vậy, tất cả những sự bàn luận này hỗ trợ sự chú ý đến phúc lợi của những cá nhân.
“Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn vào mức độ xã hội như một tổng thể và chú ý đến những quan tâm của nhóm, để tạo nên những điều kiện nơi mà những cá nhân và những nhóm có thể phát triển lớn mạnh, nơi có một ý thức yên ổn toàn bộ, sự chú ý đến phúc lợi xã hội, v.v... Thế nên, chúng ta cần một nhận thức rộng rãi hơn, thánh thiện hơn bao gồm cả hai sự tiếp cận. Và tất cả sẽ đi đến cân bằng.”
Có thể có vô số nhân tố ảnh hưởng đến mức độ trung bình của hạnh phúc trong một quốc gia, nhưng loại xã hội nào là hạnh phúc hơn? Câu trả lời cho câu hỏi này cho chúng ta trực diện tương ứng với quan điểm của đức Đạt Lai Lạt Ma! Trong việc nhìn vào những nét của các quốc gia hạnh phúc nhất trên trái đất, chúng ta khám phá một mô thức xuất hiện theo sau nguyên tắc chìa khóa của đức Đạt Lai Lạt Ma: Sự cân bằng. Ở đây chúng ta thấy một sự tiếp cận cân bằng tránh những cực đoan của độc lập hay lệ thuộc, Chủ Nghĩa Cá Nhân và Chủ Nghĩa Tập Thể, mà đúng hơn là kết hợp chặc chẽ cả hai nhận thức. Trong những nước ở bán đảo Scandinavia, thí dụ, chúng ta thấy một nền văn hóa công nghiệp Tây phương, một cách truyền thống kỹ nghệ hơn, với tập quán đặc thù Tây phương của việc tôn trọng những quyền cá nhân và suy nghĩ độc lập. Cùng lúc ấy, chúng ta cũng thấy những tiêu chuẩn tập thể, chẳng hạn như giá trị văn hóa mà chúng ta không nên đứng ngoài lề, đạo đức của “cây đinh được đóng xuống”. Một mô thức tương tự hiện hữu trong những xứ sở khác với chính những mức độ hạnh phúc nhất, như Thụy Sĩ, minh chứng sự cân bằng giữa ý thức độc lập và cảm nhận tương liên, quan tâm cho tự do và sáng kiến cá nhân nhưng với một ý thức mạnh mẽ hơn của phúc lợi xã hội và một sự liên hệ năng động hơn trong lợi ích của cộng đồng địa phương được thấy trong những quốc gia ít hạnh phúc hơn ở phương Tây.
Khi đi đến việc xác định loại xã hội mà chúng ta nên tìm cầu để tạo dựng một thế giới hạnh phúc hơn, tất cả những chứng cứ có giá trị dường như hổ trợ cho quan điểm của đức Đạt Lai Lạt Ma: Chúng ta phải hành động đối với việc xây dựng những xã hội duy trì sự tôn trọng quyền con người và chân giá trị của cá nhân, là điều khuyến khích sự phát triển những sức mạnh cá nhân, tính chính trực cá nhân, và sự tự tin tuy thế cùng lúc thúc đẩy ý thức nối kết sâu xa đến người khác và quan tâm đến phúc lợi của người khác. Cân bằng là chìa khóa. 
KHÔNG PHẢI TÔI HAY CHÚNG TA, NHƯNG TÔI VÀ CHÚNG TA
Thị giả, một tu sĩ mặc y áo màu nâu đỏ và vàng nghệ với nụ cười luôn nở trên môi, di chuyển một cách im lặng âm thầm, khiêm tốn đặt trà phục vụ trên một bàn cà phê thấp phía trước chúng tôi. Sau khi rót cho tôi một ít trà và thêm nước nóng vào chiếc ca sứ của đức Đạt Lai Lạt Ma, ông ta dường như biến mất. Phút giải lao với trà ngắn ngủi đã cho phép thư ký riêng của đức Đạt Lai Lạt Ma đi vào phòng và bàn bạc với ngài trong chốc lát, nhưng chúng tôi đã nhanh chóng trở lại đàm đạo.
“Thưa Đức Thánh Thiện, chúng ta đang thảo luận về quan điểm của ngài rằng một xã hội hạnh phúc nhất là một xã hội có sự cân bằng - nơi mà cả phúc lợi của cá nhân và cộng đồng được tôn trọng và thúc đẩy, và là nơi được phản chiếu trong những chính sách xã hội và các giá trị được khuyến khích trong xã hội ấy. Nhưng bây giờ tôi muốn đi ngược trở lại mức độ của cá nhân. Trước đây, chúng ta đã nói về tầm quan trọng của việc thiết lập một ý thức sâu xa trong việc nối kết với người khác, điều ấy có thể mang đến niềm hạnh phúc cá nhân to lớn hơn cũng như hỗ trợ cho việc vượt thắng những vấn nạn của xã hội như thành kiến, xung đột, v.v... Do vậy, một cách cốt yếu chúng ta đang nói về nhiều lợi ích có thể kết quả từ việc chuyển hướng nền tảng trong thiên hướng nội tại của chúng ta từ Tôi đến Chúng Ta. Điều này liên hệ việc tập trung ít hơn trên những sự khác biệt của chúng ta và nhiều hơn trên những sự tương đồng của chúng ta, trên những đặc trưng chung của chúng ta.”
“Vâng.”
“Nhưng bây giờ chúng ta cũng nhận thức những lợi ích của một ý thức lành mạnh của chủ nghĩa cá nhân. Thế nên câu hỏi là, Chúng ta làm hòa hiệp sự xung đột này giữa việc trau dồi ý thức độc lập lành mạnh này, một ý thức của Tôi, với một ý thức của sự nối kết với nhóm, một ý thức của Chúng Ta như thế nào?”
“Tôi không thấy có sự xung đột ở đây,” đức Đạt Lai Lạt Ma tuyên bố dứt khoát.
“Ô, nó là câu hỏi về việc làm thế nào để tìm ra sự cân bằng đúng đắn giữa hai nhận thức khác nhau này. Một phía, chúng ta có một ý thức độc nhất, cá tính của chính mình, và phía khác là một cảm nhận tùy thuộc, đặc tính của nhóm. Vậy thì, vấn đề căn bản một cách thiết yếu là câu hỏi về Tôi Chống Lại Chúng Ta, và làm thế nào chúng ta...”
“Howard,” đức Đạt Lai Lạt Ma cắt ngang, “Tôi nghĩ trong việc thảo luận chủ đề này, trước tiên chúng ta phải làm điều đấy rõ ràng hơn. Bây giờ, chúng ta chú ý rằng đôi khi con người ở phương Tây có khuynh hướng này để thấy mọi thứ trong những dạng thức trắng hay đen, tất cả hay không gì cả. Do vậy, ở đây ông đang nói về điều này, Tôi Chống Lại Chúng Ta, giống như một người cần phải làm một sự lựa chọn, giống như để đạt đến một cảm nhận thống nhất, mục tiêu của chúng ta phải là quên đi những sự khác biệt của chúng ta, và chỉ nhìn vào những khu vực mà chúng ta giống nhau với những người khác."
“Nhưng điều ấy không là mục tiêu ở đây,” ngài nói một cách dứt khoát. “Sự tiếp cận chúng ta đang chủ trương trong việc đem đến những thay đổi tích cực là phát triển một quan điểm thực tế hơn, một nhận thức phù hợp hơn với thực tế. Do thế, chúng ta không đang nói đến việc quên lãng chính mình, những sự quan tâm của riêng mỗi người. Điều ấy không thực tế. Chúng ta đang nói rằng ông có thể nghĩ về cả lợi ích của riêng mình và phúc lợi của những người khác cùng một lúc.”
Tuy nhiên tôi đã khăng khăng với câu hỏi ban đầu của tôi. “Nhưng đối với tôi dường như trên một mức độ nào đấy, nếu chúng ta muốn có một cảm nhận liên kết mạnh mẽ với người khác và một loại xác minh với nhóm của mình, cho dù đấy là một nhóm nhỏ hay cộng đồng địa phương hay xã hội mà chúng ta sống trong ấy, chúng ta vẫn cần điều hòa thế nào ấy đặc tính của cá nhân về một mặt, tính chất cá nhân của chúng ta và cảm giác độc lập, riêng lẻ, và cô lập, với cảm giác đối kháng liên kết, về mặt kia.”
Chúng tôi tiếp tục cùng trên những đường nét ấy trong một lúc nữa, khi tôi khẩn khoản ngài cho một cung cách để đối phó với sự đối kháng những cảm giác của sự định hướng một cái Tôi hay một cái Chúng Ta. Đức Đạt Lai Lạt Ma chà xát một cách lơ đãng lòng bàn tay trên đỉnh đầu tròn trịa của ngài khi tôi nói, một thái độ bức rức mà cũng phản chiếu trong biểu lộ thay đổi một cách nhanh chóng trên khuôn mặt của ngài. Khi sự bày tỏ của ngài ngừng trên một sự phối hợp không lượng định được của ba phần khó xử, một phần khôi hài, và một vẻ mệt mỏi, ngài lắc đầu và cười. “Tôi chưa rõ mâu thuẫn nằm ở chỗ nào! Theo nhận thức của tôi không có sự đối kháng cố hữu ở đây.”
Rõ ràng có một sự khác biệt căn bản về nhận thức đang hoạt động như một rào cản. Dĩ nhiên, điều này không có gì mới. Chúng tôi đã bắt đầu loạt gặp gỡ này với một sự kèn cựa ngắn khi tôi bất chợt loay hoay quanh mệnh đề “Tất cả chúng ta là giống nhau” và đáp ứng duy nhất mà ngài có thể nêu lên cho một nhận thức đơn giản như vậy là đưa ra giả thuyết một cách đùa nghịch về sự xâm lăng của những người Hỏa tinh như một giải pháp cho những vấn nạn của địa cầu chúng ta.
Sự kèn cựa này để điều hòa những quan điểm bất đồng của chúng tôi - ngài như một thầy tu Phật giáo, tôi như một nhà tâm lý trị liệu Tây phương - là điều gì đấy mà chúng tôi đã chạm trán trước tiên trong loạt thảo luận lần thứ nhất của chúng tôi nhiều năm trước, được ghi chép trong tập đầu tiên Nghệ Thuật của Hạnh Phúc. Nó đã tiếp tục một cách định kỳ qua năm tháng, mặc dù điều ấy đã trở nên ít thường xuyên hơn khi chúng tôi đã trở nên quen thuộc hơn với những quan điểm của nhau.
Chứng cứ những quan điểm bất đồng của chúng tôi vẫn thỉnh thoảng nổi lên, tuy thế, khi trong lòng hăng hái của tôi cho những giải pháp rõ ràng, dứt khoát đến những vấn nạn bao la của con người, tôi đã hỏi những điều mà ngài cảm thấy quá bao quát tưởng như không thể trả lời được. Một cách tổng quát, ngài quy cho những câu hỏi loại này là từ suy nghĩ đặc trưng “chuyên chế” Tây phương của tôi, khuynh hướng xem thấy mọi thứ trong những dạng thức của trắng hoặc đen - tương phản với quan điểm tập quán của ngài rằng những vấn nạn của nhân loại thường phức tạp, sắc thái, trầm lặng hơn hầu như khó phân biệt. (Tuy thế, vai trò đôi khi bị đảo ngược khi thỉnh thoảng tôi giải thích một thái độ không thích nghi của cá nhân trong những dạng thức của những động lực tâm lý phức tạp, trong khi ngài có thể quy cho thái độ ấy với quyết định đơn giản: “Ô, họ vừa mới vướng phải thói quen của thái độ đó,” hay ảnh hưởng của những kiếp sống trước.)
Mặc dù những câu hỏi quá sức đơn giản hay tổng quát hóa có thể làm đức Đạt Lai Lat Ma bức xúc trong những lúc nào đấy, nhưng chúng tôi đã phát triển một cung cách đối phó với những loại câu hỏi này: Chúng thường được bỏ qua với một câu nói đùa. Chúng tôi đã có một lối đùa nghịch được đan kết qua những buổi thảo luận của chúng tôi. Chúng tôi đã đặt những loại câu hỏi như thế vào một trong hai đặc trưng: Không Có Thể hay Ngớ Ngẩn. Nếu tôi biết tôi sắp hỏi một câu hỏi mà tôi biết là ngài sẽ phản ứng trong thái độ như thế, nhưng tôi cứ muốn hỏi bất cứ giá nào. Tôi mở đầu câu hỏi tôi bằng cách, “Bây giờ, thưa Đức Thánh Thiện, đây là một câu hỏi thuộc loại Không Có Thể, và câu hỏi là...” Thế đấy, trong cung cách ấy, chúng tôi đã đi qua những quan điểm khác nhau của chúng tôi một cách thật dễ dàng, được hỗ trợ bởi thái độ khôi hài tự nhiên và ung dung của ngài.
Buổi sáng hôm ấy, khi đức Đạt Lai Lat Ma đã bận tâm với sự thấu hiểu rằng tôi không thể nắm bắt một nhận thức đơn giản như vậy ra sao - đấy là chúng ta có thể nối kết với những người khác đồng thời duy trì tính cách cá nhân của chúng ta - ngài chỉ đơn thuần quy cho nó là cái lối suy nghĩ gàn dỡ độc đoán của Tây phương, và bùng vỡ trong cái cười hồn nhiên tự tại của ngài. Tuy nhiên, tôi thú nhận là tôi không từ bỏ ý kiến của tôi rằng chúng ta phải bỏ đi tính cách cá nhân nếu chúng ta muốn ‘hiệp nhất’ với đặc tính của một nhóm, tôi không hoàn toàn chấp nhận quan điểm của ngài, cho đến tận sau này, khi tôi bắt đầu tìm thấy những chứng cứ khoa học hỗ trợ cho ý tưởng của ngài.
Gãy đầu và tiếp tục cười, đức Đạt Lai Lat Ma tiếp tục, “Tôi vừa mới nghĩ... tôi đang nghĩ là sự khác biệt giữa Tạng ngữ và Anh ngữ có thể đưa đến sự khác biệt căn bản về nhận thức. Trong Tạng ngữ, chữ mà chúng tôi dùng cho ‘tôi’ (‘I’ và ‘me’) là ‘nga’ và chữ dùng cho ‘chúng tôi - chúng ta’ (‘we’ và ‘us’) là ‘ngatso’. Thế nên trên cấp độ căn bản của chính từ ngữ do vậy trong Tạng ngữ, có một liên hệ mật thiết giữa ‘tôi’ như một cá nhân và ‘chúng tôi’ như tập thể. ‘Ngatso’ từ ngữ cho ‘chúng tôi’, có nghĩa đen của một điều gì như ‘một tập thể của “tôi”’ hay nhiều cái “tôi”. Vì vậy, loại ý tưởng này, nó giống như nhiều cái tôi. Vì vậy, khi ông đang đồng nhất hóa với một nhóm rộng lớn hơn, trở thành một bộ phận của một nhóm, nó giống như đang mở rộng ý nghĩa của cái tôi, hơn là đánh mất nó. Trái lại thuật ngữ trong tiếng Anh, ‘we’ (chúng tôi) và ‘I’ (tôi) dường như hoàn toàn không liên hệ, căn bản của từ ngữ khác nhau, chúng không liên hệ...Từ ngữ là gì?”
“Từ nguyên, theo từ nguyên?”
“Vâng, theo từ nguyên. Do thế, trong câu hỏi của ông về Tôi Chống với Chúng Ta, có thể điều này chứng tỏ ở phương Tây có một loại cảm giác trong một mức độ nào đấy của Tôi trong sự đối kháng với Chúng Ta. Vì vậy, có thể khi ông hòa đồng với một nhóm, hay trở thành một bộ phận của một nhóm lớn hơn, thì hầu như ông đang đánh mất đặc tính cá nhân của ông. Tôi không biết.” Đức Đạt Lai Lạt Ma thận trọng.
“À,” tôi nói, “dĩ nhiên, tôi có thể thấy những lợi ích của việc phát triển một ý nghĩa lớn hơn của đặc tính một nhóm, cảm nhận là một bộ phận của một nhóm rộng lớn hơn. Nhưng dường như tối thiểu vẫn trên một mức độ nào đấy, rằng nếu chúng ta càng di chuyển vào trong phương hướng ấy, càng có nguy cơ của sự yếu kém đặc tính cá nhân của chúng ta, mà điều ấy phải hành động với một cảm nhận của việc chúng ta đặc biệt như thế nào, chúng ta khác biệt với những người khác như thế nào.”
“Không, không nhất thiết phải là trường hợp ấy,” ngài trả lời. “Và, trong thực tế, tiến trình của việc mở rộng đặc tính này của chúng ta như là một bộ phận của một nhóm có thể thật sự là một tiến trình rất tự nhiên xảy ra mà không đánh mất đặc tính cá nhân của mình. Thí dụ, trong một gia đình, có nhiều cá nhân, và họ khác nhau. Nhưng khi người ta suy nghĩ trong dạng thức của ‘gia đình chúng ta’, thế thì có một tính chất bao gồm, bởi vì chúng ta liên hệ với mỗi người trên căn bản của sự liên hệ. Do vậy, ở đây ông mở rộng đặc tính của ông để bao gồm gia đình, và ông có đặc tính tập thể gia đình này. Nó thật sự là vấn đề mở rộng phạm vi hay mục tiêu, bởi vì nếu người ta không tỏ ý chí để mở rộng điều này, họ có thể thậm chí có một sự phân chia trong chính gia đình họ. Có thể có một gia đình nơi mà họ thực hiện một sự phân chia trong gia đình căn cứ trên đủ thứ việc - quan điểm chính trị khác biệt hay quy trình tài chính hay bất cứ điều gì.
“Rồi thì chúng ta có thể có một gia đình, những người có một đặc trưng tập thể của gia đình, nhưng cảm giác của chúng ta về ‘cộng đồng’ hay mối quan hệ thân thuộc là rất hạn chế đến gia đình hạt nhân ấy. Vì vậy chúng ta có người phối ngẫu, con cái, nhưng nếu chúng ta không thể vươn ra ngoài và mở rộng chu vi vòng tròn của chúng ta, thế thì một lần nữa, nó là thật là hạn hẹp. Gia đình này sẽ tự khác biệt với láng giềng của họ, và giữ chính họ hoàn toàn cắt đứt, và rồi thì sống một cách độc lập. Nhưng chúng ta cũng có thể có những gia đình không chỉ xác định chính họ như một gia đình nhưng cũng đồng nhất chính họ như là một phần của cư dân láng giềng. Và nếu gia đình chúng ta có thể vươn ra, mở rộng vòng tròn ấy vượt khỏi hàng xóm bên cạnh, chúng ta có thể phát triển một sự liên kết và một sự ràng buộc với những người khác căn cứ trên dạng thức ‘chúng ta như một cộng đồng.’ Và điều đó sẽ làm nên một sự khác biệt khổng lồ.
“Nếu những gia đình con người sống trong một cộng đồng có thể thật sự liên hệ với nhau như những thành viên của cùng một cộng đồng, dĩ nhiên, đôi khi có thể có một sự xung đột và tranh luận, v.v... nhưng tối thiểu sẽ có một cảm giác liên quan. Nếu chúng ta cảm thấy đôi khi chúng ta cần nói chuyện với ai đấy, chúng ta chỉ cần gõ cửa nhà người ấy, hay chia sẻ những rắc rối, chia sẻ niềm vui, mời mọc mọi người chung quanh.”
Ngài dừng lại, rồi kết luận. “Vì thế, trong cùng cách này chúng ta có thể mở rộng đặc tính của chúng ta để bao gồm ‘chúng ta như một khu vực’ hay ‘chúng ta như một quốc gia’, v.v... Và căn bản, trong trường hợp của xã hội, cộng đồng nhân loại, chúng ta có thể mở rộng sự thống nhất này để bao gồm mọi người, nên chúng ta có thể nói, ‘chúng ta những con người trên trái đất.’ Do vậy, ở mức độ nhân loại, có những sự khác biệt trong những cá nhân thành viên nhưng cùng lúc chúng ta có thể thấy một ‘sự đồng nhất’, chúng ta có thể liên hệ với người khác trên một căn bản sâu sắc hơn, nền tảng hơn... Ông biết không," ngài thêm, khi ngài chuẩn bị chấm dứt buổi thảo luận, “những ngày này, tôi nhận thấy rằng việc sử dụng từ ngữ “nhân loại” rất nhiều, tôi nghĩ đấy là một tiến triển diệu kỳ - bởi vì điều này rất toàn diện.”
Đặt cái ca nước nóng và với lấy đôi giày, đức Đạt Lai Lạt Ma tóm lược: “Vì thế, vấn đề quan trọng ở đây là một cá nhân vẫn có một sự quan tâm đến lợi ích cho chính mình, để có một ý nghĩa của Tôi (Me), nhưng người ấy có thể mở rộng phạm vi đặc trưng của cá nhân, và sự quan tâm của cá nhân, để bao gồm những người khác - không phải là quên lãng những sự khác biệt của chúng ta quá nhiều, mà đúng hơn là ghi nhớ những sự tương đồng của chúng ta, cho nó một sự chú ý và tầm quan trọng tương ứng. Một cách căn bản, không phải là vấn đề về Tôi hay Chúng Ta mà đúng hơn là Tôi và Chúng Ta.”
Chúng ta bắt đầu thảo luận về hạnh phúc của con người trong phạm vi xã hội bằng việc khảo sát vấn đề nền tảng Tôi Chống lại Chúng Ta - riêng lẻ chống lại nối kết. Đức Đạt Lai Lạt Ma tranh luận rằng con người được phác họa để nối kết với những người khác, giải thích khả năng tình cảm, nồng ấm, thân hữu, và yêu mến của chúng ta là giàu có và những nguồn gốc đáng tin cậy của hạnh phúc nhân loại - giống như tiến trình giả kim nào đấy biến chì thành vàng, sự chuyển hóa Tôi thành Chúng Ta, trau dồi một ý thức liên hệ, đem đến những phần thưởng phong phú cho sự toại nguyện của con người, cùng với sức khỏe thân thể, tinh thần, và cảm xúc tốt đẹp hơn. Cùng lúc, sự nối kết với người khác sẽ giúp để tăng cường cộng đồng rộng lớn hơn và hỗ trợ để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Trong thực tế, cho dù nhìn qua lăng kính từ bi của đạo Phật hay trích dẫn chứng cứ khoa học gần đây, người ta có thể tranh luận một cách hợp lý rằng sự nối kết của nhân loại và những ràng buộc cộng đồng, căn cứ trên ý thức ân cần, có thể là cội nguồn đơn độc to lớn nhất của niềm hạnh phúc và toại nguyện của nhân loại.
Nhưng, khi chúng ta chứng kiến qua lịch sử nhân loại, đôi khi sự việc có thể đi lạc hướng. Sai lầm kinh khiếp. Trong khi cảm nhận liên hệ, ý thức Chúng Ta, có thể đem đến những tưởng thưởng vĩ đại, điều gì xảy ra khi Chúng Ta và Họ trở thành Chúng Ta Chống Lại Họ? Làm thế nào chỉ khái niệm về Chúng Ta và Họ leo thang thành thành kiến, thù hận, xung đột, và bạo động? Đây là những vấn đề thiết yếu mà chúng tôi phải đối diện khi những đàm luận của chúng tôi tiếp tục.
Nguyên tác: Me and We
Trích từ quyển The Art of Happiness in a Troubled World
Ẩn Tâm Lộ ngày 07/06/2011
Chương 3
Thành kiến
(Chúng ta chống lại họ)
Vào năm 1992, một nông dân Croatia tên là Adem đã kể một câu chuyện kinh hoàng. Trong một cuộc phỏng vấn với một phóng viên và tác giả người Mỹ, Peter Maas, Adem cúi gập người xuống, thì thầm tường thuật về những sự kiện quá tàn nhẫn mà chúng dường như đã làm cạn kiệt sức mạnh và tâm hồn từ thân thể của ông. Thậm chí giọng nói của ông có thể dường như biểu lộ nhiều hơn là thì thầm. Những năm về trước, ông nói, những mối quan hệ giữa những người Serb và Croatia đã thoái hóa. Chỉ trong một năm, họ đã thấy những đặc tính cá nhân tan biến, cuốn hút vào trong một thành kiến không có bất cứ một chức năng phân biệt nào: Chúng Ta chống lại Họ. Và rồi thì một đêm nọ, những thái độ thù địch đã trở thành một cơn ác mộng từ việc mà Adem không thể tỉnh táo lại. Đêm hôm ấy, những người Serb từ một làng láng giềng vây bắt ba mươi lăm người đàn ông trong làng của Adem và cắt cổ họ...
Mùa thu trước, những kẻ giết người đã giúp những nạn nhân của họ thu hoạch mùa màng. Các người Serb này đã từng là những người bạn của họ, những người đã từng chia sẻ đời sống với họ - và bây giờ, đã đem đến cái chết cho họ một cách không thể hiểu nổi.
Hai năm sau, trên một lục địa khác, một mùa xuân dễ thương, và đời sống tốt đẹp cho nhiều người trong một làng quê Phi châu, Nyarubuye. Bạn bè và láng giềng làm việc với nhau trên những cánh đồng, cày cấy mùa màng lúa miến, và, vào những ngày nghĩ, xem lễ ở Thánh đường với nhau. Mặc dù mọi người phân chia khác biệt thành bộ tộc, hoặc là Tutsi hay Hutu, Gitera, một nông dân địa phương nói, “Cuộc sống bình thường. Đối với chúng tôi, cho đến khi nào có một mùa thu hoạch vừa đủ để chúng tôi không phải mua thực phẩm từ cửa hàng, tôi có thể nói là chúng tôi vui mừng.”
Ngôi làng ở Rwanda, một xứ sở của căng thẳng và xung đột lâu dài giữa hai “sắc tộc chính,” Hutu và Tutsi. Vào ngày sáu tháng Tư, 1994, tổng thống người Hutu, Juvénal Habyarimana, bị ám sát, đã làm tan vỡ một cuộc ngừng bắn mong manh đã có từ việc ký kết hiệp định hòa bình giữa hai nhóm vào mùa thu trước. Vụ ám sát châm ngòi sự phẩn uất và thù hận đã sôi sục từ lâu ngay bên dưới bề mặt, giáng xuống sự diệt chủng thiểu số người Tutsi dưới bàn tay những kẻ thống trị Hutu.
Chỉ chín ngày sau, Gitera đã thấy mình sử dụng một chiếc rựa đẫm máu, chém chặt những người láng giềng cạnh nhà đến chết, bà mẹ, những đứa con, mọi người - bên trong thánh đường của làng. Những người Tutsi địa phương đã chạy trốn vào đấy, chắc chắn một nơi tị nạn an toàn có thể được tìm thấy trong một nơi mà họ đã học tập cùng với những người Hutu láng giềng rằng giết người là một tội lỗi. Thay vì thế, bảy nghìn người đàn ông Hutu đã bao vây nhà thờ và tàn sát hầu hết mọi người trong ấy, chém chặt và đánh đập những người hàng xóm cho đến chết với mã tấu và gậy gộc. Gitera đã diễn tả một cảnh kinh khiếp không thể tưởng tượng nổi, thấy “người ta cụt tay cụt chân... lăn lộn chung quanh và la hét trong kinh hoàng cực độ, không tay không chân...” Gitera cuối cùng thêm rằng, “Những người này là láng giềng của tôi.”
Những sự kiện như vậy đã và đang xảy ra khắp mọi nơi ở Rwanda, với vô số sự việc - một đứa bé mười tuổi bị chôn sống, một bà nội trợ Hutu đi bộ qua nhà hàng xóm bên cạnh và chém giết những đứa trẻ từng là bạn thân của con cái bà, những chuyện tra tấn không nói ra - khi những gì được tiến hành với những nhóm vũ trang tổ chức kỹ càng gởi tới những thôn xóm tàn sát những người Tutsi biến thành một cuộc tắm máu điên cuồng, một sự miệt mài chém giết bởi thường dân, những người được khuyến khích bởi chính phủ và triệu tập bởi đài truyền thanh nhà nước Rwanda làm náo động lên liên tục một luồng tuyên truyền vô nhân đạo, liên hệ đến người Tutsi như không phải là những con người mà như những “con gián” phải bị tiêu diệt. Nhiều thường dân đã tham gia trong cuộc tàn sát diệt chủng.
Những con số của cuộc diệt chủng được là đáng kinh ngạc - phỏng đoán khoảng tám trăm nghìn đến một triệu nông dân Tutsi (cũng như những người Hutu ôn hòa) đã bị tàn sát trong một trăm ngày! Không phải với bom, súng máy, hay lò hơi ngạt - mà hầu hết từng người một, gần bên cạnh, cá nhân. Một nhân chứng báo cáo rằng ông ta đã thấy “chồng giết vợ, vợ giết chồng, láng giềng giết hàng xóm, anh em giết chị em, chị em giết anh em, và con cái giết cha mẹ.” Trong một trăm ngày, dường như mọi đặc trưng và mệnh danh xã hội, như chồng, vợ, anh em, chị em, láng giềng, bè bạn, già, trẻ, nông dân, bác sĩ, hay giáo sĩ đều biến mất cả - chỉ còn hai thứ tồn tại: “Chúng ta” và “họ”.
“Thưa Đức Thánh Thiện,” tôi bắt đầu, “trong cuộc đàm luận cuối cùng vừa qua, chúng ta đã tập trung trên tầm quan trọng của sự nối kết với những người khác, của một cảm giác liên hệ, một mối ràng buộc nhân loại căn bản. Ngài đã đề cập làm thế nào chúng ta có thể đồng nhất hóa với một nhóm người mà không đánh mất ý nghĩa tự thân và có nhiều loại nhóm người mà chúng ta có thể đồng cảm với, cho dù nó là với gia đình, hay cộng đồng, hay quốc gia chúng ta, v.v... Và trong thực tế có nhiều nghiên cứu về vấn đề liên hệ xã hội là không chỉ liên kết với hạnh phúc lớn hơn, mà cũng là với sức khỏe thân thể và tinh thần tốt hơn và nhiều phần thưởng khác, ngay cả sự sống lâu.
“Cùng một lúc, chúng ta đã xác định vấn đề rằng một khi chúng ta có một “Chúng Ta” chúng ta cũng sẽ có một cái “Họ”, là điều thành lập nên khả năng cho thành kiến, thù hận, và trong những trường hợp cực đoan nhất của những loại vô nhân đạo nơi mà chúng ta sẽ nhận thức những sự khác nhau giữa nhóm của chúng ta và nhóm khác là quá rộng mà chúng ta thậm chí không thể nhận ra họ như những con người. Và từ đấy không chỉ là một bước ngắn đến những hành động hung bạo và ngay cả sự diệt chủng.”
“Thấy một nhóm khác như ‘những người thấp kém’ là một thí dụ cực độ về những gì là khuynh hướng tự nhiên để tách biệt chính chúng ta thành “Chúng Tôi” và “Họ” đức Đạt Lai Lạt Ma nói. “Vì thế nhằm để ngăn chặn gốc rễ những vấn đề ông đề cập, tôi cảm thấy rằng chúng ta cần nhìn một cách nghiêm khắc vào chính khuynh hướng tự nhiên tách biệt thành những nhóm và nhìn vào thế giới trong dạng thức của Chúng Ta và Họ.”
“Rồi thì hãy để điều này như đề tài đầu tiên mà chúng ta khám phá hôm nay - khuynh hướng tự nhiên của con người để phân chia chính chúng ta thành những nhóm: ‘Trong nhóm’ và ‘ngoài nhóm’”.
Đức Đạt Lai Lạt Ma dường như sảng khoái, sẵn sàng để khám phá. “Vâng. Rất tốt!” Nắm bắt ngài vào buổi sáng luôn luôn là một việc tốt đẹp.
Tôi nói, “A, trong việc bắt đầu trên trình độ căn bản nhất, trước tiên tôi nghĩ có một căn bản sinh vật học, từ quan điểm tiến hóa, tại sao con người có khuynh hướng tự phân chia chính họ trong cách này. Nhưng dĩ nhiên, như ngài thường nhắc nhở tôi, những thứ này có thể là phức tạp. Do vậy, có thể có nhiều nguyên nhân khác về những thứ phân chia này ‘chúng ta và họ’, chẳng hạn những nguyên nhân tâm lý. Thí dụ, ngay bây giờ, Cúp Bóng Đá Thế Giới đang diễn ra. Nếu ngài thích một đội nào đó, ngài là một người hâm mộ, và nếu ai đấy hỏi ngài kết quả của một trận nào đấy, ngài không nói, “Ô, họ thắng.” Ngài nói, “Chúng tôi thắng!” Ngài biết không, ngài đồng hóa với nhóm thành công. Dĩ nhiên, người ta thích cảm giác tốt đẹp về chính họ. Và một cách làm như thế là bằng việc đồng hóa với một nhóm, nhóm thành công.
“Nhưng cũng có thể có một nguy hiểm lớn,” tôi tiếp tục. “Năm ngoái, thí dụ, có một sự kiện mà trong ấy hơn một trăm người đã bị giết trong một vụ náo loạn tại một trận bóng đá ở Phi châu. Ngài biết không, điều này nhắc nhở tôi, một người bạn mới nói với tôi về chiều hướng gia tăng của tính lưu manh gây rối quanh thế giới, với những cuộc đột kích, đâm chém, bắn súng bạo động, những người hâm mộ bị dẫm nát trong sự chạy trốn tán loạn của con người - hàng nghìn trường hợp khắp nơi trên thế giới. Ông ta gọi nó là Tệ Nạn Anh Quốc. Và nếu loại bạo động này có thể chỉ nổ ra qua một cuộc tranh chấp tưởng chừng như ôn hòa như một trận đá bóng, thế thì hy vọng nào ở đấy?” tôi thở dài.
Trong một khoảnh khắc, cả hai chúng tôi cùng im lặng, rồi tôi tiếp tục. “Nhưng tôi phỏng đoán câu hỏi đầu tiên là, tại sao điều này ‘Chúng Ta chống lại Họ’ là một đặc trưng tinh thần mạnh bạo của con người?”
Đức Đạt Lai Lạt Ma im lặng một lúc lâu trong khi ngài xem xét vấn đề, rồi bắt đầu, “Bây giờ, bản ngã và sự dính mắc đến sự hiện hữu của con người dĩ nhiên là một nét rất tự nhiên. Và tôi nghĩ rằng ý nghĩa của Chúng Ta chỉ đơn giản là sự mở rộng cảm nhận này của bản ngã - nó trở nên mở rộng vì thế người khác được bao gồm trong nó, một cách đặc biệt đối với bà con thân thiết. Ông mở rộng phạm vi của sự đồng nhất hóa, của đặc trưng cá nhân, để bao gồm những người khác, những người mà đối với họ ông tìm sự hỗ trợ. Do thế, khi điều này mở rộng, đầu tiên nó mở rộng đến gia đình của ông, rồi nhóm văn hóa của ông, rồi thì quốc gia của ông, bất cứ nơi nào nó liên hệ.
“Trong quá khứ cổ xưa, con người cần hợp quần trong những nhóm gần gũi này để hỗ trợ bảo đảm cho sự tồn tại. Nếu có sự ganh đua cho những tài nguyên hiếm hoi, thế thì có một thuận lợi để đồng nhất hóa một cách gần gũi với một nhóm đặc thù của họ; nhằm để tự tồn tại, người ta cần những người hỗ trợ. Và dĩ nhiên, trong quá khứ, trong những ngày ấy của thế giới là như thế có thể khả dĩ cho những nhóm hay những cộng đồng duy trì cô lập một cách tương đối, để phát triển và lớn mạnh một cách độc lập từ những nhóm khác.”
Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục, “Tuy thế, mặc dù cảm giác Chúng Ta chống lại Họ có thể có một việc tích cực trong quá khứ, hỗ trợ cho sự sống còn, sự thật là thế giới đã thay đổi. Thực tế ngày nay là rất khác biệt. Thế giới ngày nay liên hệ hỗ tương hơn. Nơi mà tinh thần hợp tác là thiết yếu cho sự tồn tại. Do vậy, những gì có lần đã là màu mỡ thì bây giờ thật sự lại phản tác dụng, và rất tàn phá một cách tiềm tàng.
“Thế nên, chỉ bởi vì chúng ta có thể nói rằng ý nghĩa Chúng Ta chống lại Họ này là điểm tự nhiên, điều đó không có nghĩa rằng chúng ta không nên làm bất cứ điều gì về nó. Mặc dù ý nghĩa của tính ích kỷ này và sự mở rộng cho sinh khởi đến cảm giác Chúng Ta chống lại Họ có thể là tự nhiên, nếu nó đưa đến những hậu quả tiêu cực, thế thì chúng ta cần cố gắng một cách năng động để chống lại khuynh hướng này.”
BẠN BÈ VÀ NHỮNG KẺ THÙ ĐỊCH
Sự gợi ý của đức Đạt Lai Lạt Ma để tìm thấy dấu vết của sự phát triển những sự phân chia nhóm này không đơn giản như một vấn đề tò mò thông tuệ. Thấu hiểu căn bản của tiến trình này không chỉ giúp chúng ta thấu hiểu tại sao chúng ta cư xử theo cung cách chúng ta thực hiện mà cũng cung cấp khả năng thay đổi thái độ của chúng ta, của việc sáng tạo một thế giới tốt đẹp hơn, một tương lai tươi sáng hơn cho con cháu chúng ta.
Trong việc tìm kiếm tiến trình của việc con người đã phân chia thành những nhóm đôi khi có thể tìm kiếm để tiêu diệt hay tổn hại những người khác, chúng tôi bắt đầu bằng việc phân loại con người thành hai nhóm đặc trưng, trong nhóm và ngoài nhóm (những gì tôi đang liên hệ đến như Chúng Ta và Họ) - những nhóm ấy mà tôi tự xác định như một thành viên, và những nhóm tôi nhận định là khác biệt với tôi, tôi không thuộc vào những nhóm ấy. Tiến trình để phân chia con người thành hai nhóm, Chúng Ta và Họ, là một thí dụ về sự phân loại. Não bộ thật sự thích phân loại mọi thứ nó có thể làm thành những nhóm - phân loại đối tượng, khái niệm, và con người. Tại sao? Chúng ta sống trong một thế giới vô cùng phức tạp, và khả năng của não bộ ứng tiếp thông tin là giới hạn. Phân loại là một trong những chiến lược sắp xếp theo hệ thống thích thú của não bộ để giúp đơn giản hóa sự tuôn chảy cuồn cuộn của thông tin cảm giác mà chúng ta bị tràn ngập trong mỗi thời khắc.
Biết đặc trưng nào điều ấy liên hệ để nói với chúng ta điều gì đấy về những đặc tính tổng quát của nó và làm thế nào để đáp ứng đến nó mà không phải phân tích tất cả những tính chất đặc thù của đối tượng từ vết xước, giống như chúng ta đang thấy một đối tượng không biết ngay lần đầu tiên. Điều này giúp chúng ta có thể đáp ứng đến thế giới chung quanh chúng ta một cách nhanh chóng và đầy đủ nhất, nâng cao những điểm quan trọng của chúng ta cho sự tồn tại. Hình thành những đặc trưng căn cứ trên những đặc điểm tổng quát đòi hỏi sự phân tích kém phức tạp hơn, và điều này giúp chúng ta duy trì những tiềm lực của não bộ chúng ta và tiêu dùng ít năng lượng của tinh thần.
Loại phân chia quan trọng nhất trong đời sống hằng ngày của chúng ta là cung cách mà chúng ta phân chia con người: Sự phân loại xã hội. Điều này liên hệ sự xác định cá nhân ấy thuộc vào một nhóm chủng tộc, luân lý, giới tính, hay những loại khác, và rồi phân loại cá nhân thuộc Chúng Ta hay Họ.
Những môi trường xã hội trong thế giới hiện đại có thể rất phức tạp, và vì não bộ thích bảo toàn tiềm lực của nó, nó tìm kiếm những phương pháp để đơn giản hóa thế giới chúng ta và làm nó dễ dàng hơn để lèo lái chiều hướng tương tác của chúng ta. Những ấn tượng sâu sắc là một cách của việc làm này. Những ấn tượng sâu sắc là những niềm tin mà chúng ta có về những nét hay những thuộc tính điển hình của những nhóm đặc thù. Một khi não bộ ấn định một người cho một đặc trưng xã hội đặc thù nào đấy, những ấn tượng sâu sắc về đặc trưng ấy được gợi lên. Do thế, thay vì cố gắng để ước định những đặc điểm và thuộc tính duy nhất của mỗi cá nhân mà chúng ta gặp, chúng ta quyết định một cách nhanh chóng đến đặc trưng nào mà người này thuộc vào, rồi thì dựa trên những ấn tượng sâu sắc để nói với chúng ta về người ấy. Những ấn tượng sâu sắc là một thí dụ về những sự khám phá, con đường tắt của tinh thần có thể nhanh chóng cho chúng ta thông tin về việc cư xử như thế nào.
Đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ ra vấn đề Chúng Ta và Họ thành lập những phân chia như thế nào, cùng với những đáp ứng tự nhiên này đến Chúng Ta và Họ, là ở đấy vì một lý do. Vì thế, những đáp ứng này một khi mang tính thích nghi, hỗ trợ những tổ tiên xa xôi của chúng ta sống còn. Nhằm để thấu hiểu tại sao chúng ta phản ứng trong cung cách mà chúng ta thể hiện, điều quan trọng là phải thẩm tra một cách tóm lược sự tiến hóa của não bộ.
Sự định hình và cấu trúc căn bản của não bộ con người tiến hóa dần dần qua hàng triệu năm. Khi não bộ tiến hóa, sự phản ứng tự nhiên và bẩm sinh của con người, được hình thành bởi những năng lực tiến hóa, được bổ sung vào trong những mạch thần kinh. Trong hầu hết thời điểm tiến hóa của con người, những tổ tiên họ hàng con người của chúng ta, với những bà con xa xôi của chúng ta có những niên đại hơn 5 triệu năm về trước, sống như những tập thể săn bắn hay những tập thể ăn xác chết, rong ruỗi trên những lĩnh địa mênh mang trong những nhóm bé nhỏ, hái lượm bất cứ thứ thực phẩm gì mà họ có thể tìm thấy hay những thú vật nào mà họ có thể giết được với những vũ khí bằng đá thô sơ. Loại công việc của họ là để sống còn và trao truyền nhân tố gene của họ cho thế hệ kế tiếp. Suốt thời điểm tiến hóa của não bộ con người, bắt đầu khi giống người hiện đại xuất hiện trên sân khấu của địa cầu đại khái khoảng hai triệu năm trước, con người đã chiến đấu dài theo kỷ nguyên Canh Tân(1), kéo dài cho đến thời kỳ Băng Hà khoảng mười nghìn năm trước đây. Trong thời gian này, não bộ con người đã tiến hóa một cách nhanh chóng, kích thước to hơn ba lần.
1. Thế Pleistocen hay thế Canh Tân là một thế địa chất, theo truyền thống kéo dài từ khoảng 1.806.000 tới 11.550 năm trước ngày nay, tuy nhiên kể từ ngày 30-6-2009, IUGS đã phê chuẩn đề nghị của ICS về việc kéo lùi thời điểm bắt đầu của thế này về 2,588±0,005 triệu năm để bao gồm cả tầng Gelasia[1][2]. Thế Pleistocen là thế được tạo ra có chủ định để bao trùm thời kỳ gần đây nhất của các chu kỳ băng giá lặp đi lặp lại. Tên gọi pleistocen có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp πλεστος (pleistos “nhất, hơn cả”) và καινός (kainos “mới”).
Tổ tiên chúng ta vào buổi ban đầu không có một sự dễ dàng để trải qua với nó. Đây là một kỷ nguyên của những sự thay đổi cực kỳ bất thường về thời tiết, hạn hán, đói kém, và cả những kẻ săn mồi như loài người hay loài thú thỏa mãn hạn hẹp với nó, và một đời sống nhất thời đầy những điều không chắc chắn - ngoại trừ một việc: Có sự ràng buộc đầy dẫy với những thảm họa và nghịch cảnh. Não bộ có tập quán thiết lập để hỗ trợ những tổ tiên xa xôi của chúng ta sống còn, để đáp ứng một cách đầy đủ đến những loại rắc rối của đời sống hằng ngày mà những ai sống trong kỷ nguyên Canh Tân là rất có thể phải chạm trán lần này đến lần nọ, thế hệ này sang thế hệ kia. Điều này đã để lại cho chúng ta một di sản của một bộ não tuyệt vời để vượt qua hiểm họa và những tình trạng đe dọa của đời sống, những điều mà các nhà nghiên cứu gọi là não bộ thảm họa - một bộ não ở trên sự giám sát liên tục đối với những vấn đề có thể xảy ra sai sót, những thứ có thể là một đe dọa đến sự sống còn của chúng ta, một bộ não có thể có khuynh hướng tảng lờ những thứ tốt đẹp trong đời sống, nhưng lại tán đồng những thứ xấu, tốt đẹp ở cảm nhận hòn sỏi bé bỏng trong giày chúng ta nhưng không tốt cho việc đánh giá vẻ đẹp của hoàng hôn hay phong cảnh mà chúng ta bất chợt gặp phải khi tản bộ.
Vì thế, từ quan điểm tiến hóa, thật dễ dàng để thấu hiểu tại sao não bộ của chúng ta được bổ sung để có sự thiên vị trong nhóm. Những tài nguyên không phải luôn luôn dồi dào, và nó bảo đảm để lợi thế của một người thuộc vào một nhóm, tất cả cùng hoạt động hợp tác với nhau để hổ trợ một cách tối đa những lợi thế tồn tại: Hoạt động với nhau để săn bắt thú lớn, tập hợp những thứ hiếm hoi, bảo vệ chống lại những sự tấn công và các loại thú săn mồi. Thêm nữa, một sự thiên vị bản năng trong nhóm sẽ có khuynh hướng lôi kéo chúng ta đến một nhóm giống với chúng ta, mà những quy luật và tiêu chuẩn của họ quen thuộc với chúng ta, và vì vậy bảo đảm thể hiện chức năng xã hội trôi chảy hơn cùng tác động hơn - gia tăng những lợi thế của chúng ta để tìm kiếm thành công một người phối ngẫu, tái sản xuất, và trao truyền những nhân tố gene của chúng ta.
Những lợi ích của việc cảm nhận một cảm giác đặc biệt về mối quan hệ đến một nhóm không giới hạn đến thuận lợi tiến hóa của việc có một đội ngũ riêng của mình để đem về nhà một cái đùi bò rừng mập béo hay hạ sát một con cọp răng nanh bén nhọn, một vấn đề của sự sống còn. Ngay cả ngày nay, thật dễ dàng hơn để hoạt động một cách hợp tác với một nhóm mà chúng ta quen thuộc, một nhóm mà trong ấy chúng ta biết những tiêu chuẩn, những quy tắc thích đáng của thái độ là gì, v.v... Chúng ta cảm thấy thoái mái hơn tin tưởng hơn với những người giống với chúng ta, và như chúng tôi đã đề cập, con người phát triển mạnh và thịnh vượng khi người ta nối kết với một nhóm.
Bây giờ, một cách bình thường thật không có gì sai với việc đơn thuần nhận ra những khác biệt giữa những nhóm, đơn thuần xác định Chúng Ta và Họ. Tương tự thế, không có gì sai với việc chiếu cố nhóm của riêng mình. Nhưng vấn đề là những năng lực và áp lực hành động để tạo hình cấu trúc của não bộ con người không dừng ở đấy - chúng ta không chỉ hình thành một khuynh hướng tích cực tự động đối với nhóm riêng của chúng ta, nhưng chúng ta cũng có một xu hướng tiêu cực bẩm sinh đối với những nhóm khác. Ngay khi mà chúng ta phân chia một cá nhân như thuộc vào Chúng Ta hay Họ, não bộ tiếp tục chế tác thông tin ấy bằng việc phân loại họ như Bạn hay Thù - lập tức đánh dấu hình tượng ấy với một sắc điệu cảm xúc, nhuộm đẫm theo bản năng những đặc trưng này với những cảm giác tiêu cực đối với “những kẻ thù” và những cảm nhận tích cực đối với “những người bạn”. Và như chúng tôi sẽ thảo luận, đấy là điểm mà mọi thứ có thể bắt đầu đi đến sai - rất sai.
THÀNH KIẾN
“Thưa Đức Thánh Thiện, ngài đề cập khả năng để những hậu quả tiêu cực phát khởi từ bên dưới cảm nhận về Chúng Ta chống lại Họ. Tôi chỉ nghĩ mục tiêu của chúng ta là hạnh phúc là thế nào, và dĩ nhiên điều ấy là chủ đề toàn bộ của những thảo luận của chúng ta. Khi đi đến hạnh phúc của con người, nghiên cứu đã cho thấy rằng con người thật sự hạnh phúc hơn khi sống trong những cộng đồng hay xã hội thuần nhất, nơi mà đơn giản là không có nhiều ‘Họ’ ở chung quanh. Là điều mà tôi dự đoán là không có gì ngạc nhiên, nhưng nó hơi chán nản cho những ai trong chúng ta khi sống trong những xã hội đa dạng như Hoa Kỳ.
Ngài biết không, tôi lạ lùng về một số kinh nghiệm của cá nhân ngài trong sự quan tâm này. Dĩ nhiên, một cách truyền thống Tây Tạng là một nền văn hóa rất thuần nhất. Không giống như Hoa Kỳ nơi chúng tôi có đủ loại văn hóa và chủng tộc khác biệt đến với nhau. Tây Tạng theo lịch sử là rất cô lập, thực tế là một trong những quốc gia cô lập nhất trong lịch sử, và hầu như về mặt dân tộc của tất cả những người Tây Tạng. Trong thực tế, khi tôi thăm viếng Tây Tạng lần đầu tiên, ngài có thể đếm số người Tây phương đã từng viếng thăm trong khoảng vài trăm...”
Ngay khi tôi nói điều này, tôi nhớ lại hoàn cảnh bi thảm ở Tây Tạng mà trong ấy Trung Cộng đã hầu như đang bảo đảm sự tàn phá sau cùng nền văn hóa truyền thống của Tây Tạng qua chính sách di dần người Hoa vào Tây Tạng. Tôi cảm thấy rất lúng túng, tự hỏi những lời của tôi có làm cho đức Đạt Lai Lạt Ma cảm thấy sầu thảm hay đau đớn không bằng việc nhắc nhở ngài đến khủng hoảng hiện tại. Nhưng ngài không biểu lộ gì về điều này, thái độ của ngài không thay đổi - cảnh giác, chú ý, lắng nghe.
Cố gắng để che dấu sự lúng túng của tôi, tôi nhanh chóng lướt qua phần tiếp. “Ngài biết không, chúng ta đã nói về việc tại sao con người phân chia một cách tự nhiên thành những nhóm Chúng Ta và Họ. Nhưng vượt qua khỏi sự phân chia đơn thuần con người thành hai đặc trưng này, dường như nó tương đồng tự nhiên để có một thành kiến tự động hay phản ứng tiêu cực đến Họ, một sự sợ hãi bẩm sinh hay nghi ngờ những ai chúng ta nhận định như khác biệt. Và dĩ nhiên điều này có thể đôi khi leo thang thành sự phân biệt, thành kiến, v.v... Do vậy, phát sinh từ sự hiếu kỳ, vì ngài sinh trưởng từ một nền văn hóa đồng nhất, ngài có nhớ ngay lần đầu tiên ngài gặp một người phương Tây hay một người Caucasian(2), hay thành viên thuộc một chủng tộc khác? Ngài có nhớ ngài đã phản ứng như thế nào đến những chủng tộc khác không? Có một cảm giác thành kiến chống lại họ không?”
2. Người thuộc giống da từ trắng đến nâu thuộc Âu châu, Bắc Phi, Tây Á, và Ấn Độ.
Đức Đạt Lai Lạt Ma suy nghĩ một lúc. “Không, tôi không nhớ ngay lần đầu tiên. Nhưng dĩ nhiên -” Bất chợt đức Đạt Lai Lạt Ma dừng lại và ngài bắt đầu cười một cách náo động lên.
“Tôi chỉ nhớ,” ngài nói, vẫn cười, “lần đầu tiên người em trai tôi gặp một người ngoại quốc. Ông lúc ấy là một cậu bé. Có một người đàn ông Hồi giáo trông nổi bật, với bộ râu quai nón màu đỏ. Ông là người Uighur thuộc chủng tộc Đông Turkistan - Tân Cương, Trung Hoa. Tôi không ở đấy vào lúc ấy, nhưng sau này tôi biết rằng người em trai tôi, rất trẻ lúc ấy, đã hoàn toàn choáng váng khi chú ta thấy người đàn ông này! Chú rất kinh hãi gần như ngất đi!” Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục cười, vừa đủ để lấy hơi thở. “Và thậm chí chú không thể nói trong ba hay bốn ngày sau đấy, và người ta rõ ràng phải tiến hành một nghi thức chữa trị để đem chú ta trở lại bình thường!”
Khi tràng cười chấm dứt, ngài tiếp tục, “Trong trường hợp của riêng tôi, dù cho tôi không nhớ lại bất cứ sự kiện, hay phản ứng ngạc nhiên đặc thù nào. Dĩ nhiên, lớn lên tôi đã thấy một số người da trắng sống trong Hội Truyền Giáo Anh Quốc ở Lhasa. Và gần đây chúng tôi có một số người Uighur Hồi giáo ở Tây Tạng, và dĩ nhiên những người Hoa thiểu số. Khi tôi gặp những người này rõ ràng là họ khác biệt, sự nhận thức ấy chắc chắn ở đấy. Nhưng về phần tôi, tôi không nhớ có bất cứ một cảm nhận xa lạ hay cảm giác thành kiến nào trong những việc như thế.”
Một di sản từ quá khứ lâu xa của chúng ta như những chủng loại đã để lại cho chúng ta một thành kiến tự nhiên trong bản chất trong việc chiếu cố đến những ai chúng ta xem như các nhóm trong và chống lại những ai chúng ta cho là thuộc những nhóm ngoài. Điều này lập tức, đáp ứng bẩm sinh cảm xúc trong não bộ đến những nhóm ngoài, một phản ứng sợ hãi và ngay cả thù địch, có thể xếp hạng từ tế nhị đến công khai, từ một sự đáp ứng vô thức bên dưới ngưỡng cửa cảnh giác ý thức của con người đến một cảm giác tràn ngập của sợ hãi hay thù địch. Sự phản ứng tự động của người em trai đức Đạt Lai Lạt Ma như một cậu bé cung ứng như một minh họa sống động để thấy những phản ứng nền tảng này có thể mạnh mẽ như thế nào.
Một lần nữa, giống như những định kiến tích cực, hay sự thiên vị, đối với thành phần trong nhóm của chúng ta, sự thành kiến tiêu cực này đối với những nhóm ngoài tạo nên cảm nhận từ một nhận thức tiến hóa - bởi vì trong thời kỳ khi não bộ con người tiến hóa, tranh đua với những tập đoàn con người láng giềng vì những tài nguyên hiếm hoi là một thao tác gay go. Thao tác nhiệm vụ của ngày tháng là tồn tại, và nhiệm vụ của những người cạnh tranh trong kỷ nguyên Canh Tân (Pleistocene) chắc có lẽ là đánh đối thủ với một cây búa đá thay vì trương lên một quảng cáo khéo léo, hay ngay cả loại kẻ kình địch ra khỏi thương trường - và bằng việc cắt cổ đối phương thay vì cắt giảm giá hàng hóa.
Thế thì, nếu chúng ta nhớ lại rằng não bộ của chúng ta thật sự là tập quán xây dựng để đối phó một cách nhanh chóng và đầy đủ với những hiểm họa và rắc rối thông thường nhất của kỷ nguyên Canh Tân - một thời kỳ khi mà án mạng chính là thứ muộn màng nhất, kỹ thuật hiện đại nhất để giải quyết xung đột và khi những người xa lạ có thể là một số lượng không được biết - thế thì chúng ta có thể thấy rằng sự bổ sung não bộ để phản ứng đến những thành viên của một nhóm khác với một sự cảnh giác hiểm nguy hoàn hảo kiểu cổ điển, để giữ cho chúng ta đứng vững trên bàn chân của mình, không nghi ngờ gì nữa là một vấn đề thông minh để làm.
Thành kiến tiêu cực này dối với những nhóm ngoài đã trở thành căn bản cho việc tạo nên định kiến. Một cung cách thông thường của nhận thức định kiến là như một thái độ phổ quát đối với người khác gồm có hai thành phần: Định kiến bẩm sinh tự động, là sự đáp ứng tiêu cực của cảm giác, như sợ hãi hay thù địch, phối hợp với một hệ thống những niềm tin bất di bất dịch, như lòng tin trong tính siêu việt của bộ phận trong nhóm và tính chất thua thiệt của nhóm ngoài.
NGUỒN GỐC THẦN KINH HỌC CỦA THÀNH KIẾN
Điều gì xảy ra trong não bộ để sản sinh những cung cách bóp méo của tư duy và những cảm xúc tiêu cực phối hợp với thành kiến?
Để truy tầm lối mòn thông tin trong não bộ, chúng ta có thể bắt đầu với những thông tin cảm giác nguyên chất mà chúng ta nhận thức trong môi trường của chúng ta, hình sắc, âm thanh, mùi hương, và những thông tin xúc giác. Thông tin nhãn quan về mọi đối tượng mà chúng ta quán sát được lấy từ võng mạc, một nhóm tế bào bên trong mắt, và thông tin ấy được truyền đến não bộ qua thần kinh thị giác, mang dọc theo một nhúm những sợi thần kinh, di chuyển đến khu xương chẩm, một vùng trong phía sau não bộ thực hiện cái thấy. Con mắt tự nó không biết những gì nó đang thấy; nó chỉ ghi nhận mọi thứ một cách đơn giản trong môi trường của chúng ta không gì hơn những khuôn thức của hình dáng, màu sắc, cùng điều chỉnh tối và sáng. Chính là não bộ quy định một ý nghĩa đến những đối tượng ấy, nói với chúng ta những gì chúng ta đang thấy, đặt tên cho nó. Nó cũng đơn giản hóa những gì chúng ta đang thấy, bằng việc sàng lọc nhiều thứ những gì mắt đang thấy, và phân loại chúng thành những đặc trưng tổng quát, thực hiện một quyết định về những gì quan trọng cho chúng ta cảnh giác đến.
Để thấu hiểu việc não bộ thu thập và diễn giải thế giới chúng ta, sàng lọc nhiều thông tin để tạo nên một sự trình bày đơn giản hóa về thế giới, một sự thẩm nghiệm đơn giản có thể rất tác dụng: Đầu tiên, nhắm mắt lại, chuyển nó về hướng ngược lại, sau đó mở mắt ra khoảng mười giây, nhìn một cách cẩn thận và chú ý mọi thứ chúng ta thấy trong phòng trước mặt chúng ta. Rồi nhìn ngược trở lại chung quanh và viết xuống mọi thứ trong phòng trong phạm vi trực tiếp của cái thấy. Sau đó trở lại một lần nữa và so sánh danh sách của chúng ta với những đối tượng thật sự ở trong phòng - bằng việc thẩm tra mỗi một đối tượng trong phòng qua chi tiết. Chúng ta có thể ngạc nhiên bởi nhiều đối tượng mà chúng ta đã nhìn một cách trực tiếp nhưng chúng ta đã không “thấy”. Mặc dù nhìn chúng một cách rõ ràng với cả hai mắt mở rộng, nhưng não bộ làm cho những đối tượng này vô hình đối với chúng ta.
Đã xác định một đối tượng chúng ta chạm trán thuộc về thể loại “loài người”, chúng ta phân chia xa hơn rằng con người thuộc Chúng Ta hay Họ. Một số thông tin này đi đến những gì được biết như hệ thống phản ứng, một tập họp những cấu trúc sâu bên trong não bộ đóng một vai trò quan trọng trong việc quy định cảm xúc, động cơ, và trí nhớ. Theo quan điểm tiến hóa, hệ thống phản ứng và rất cổ xưa, một bộ phận của những phần nguyên sơ hơn của não bộ cũng có thể tìm thấy ở những động vật thấp hơn. Những cấu trúc trong hệ thống phản ứng có trách vụ cho phản ứng bản năng lập tức của chúng ta đến những thứ hay những người chúng ta chạm trán, sự phản ứng”can đảm” của chúng ta - chúng ta có một cảm giác tích cực hay tiêu cực về đối tượng, một cảm giác tổng quát hấp dẫn hay ác cảm, nó là tốt hay xấu hay không?
Bây giờ, trong hệ thống phản ứng là một cấu trúc hình quả hạnh chôn sâu trong não bộ gọi là amygdala. Amygdala một bộ phận của hệ thống báo động nguy hiểm, có trách nhiệm cho việc gợi lên những cảm giác như sợ hãi và giận dữ, những đáp ứng cảm xúc mạnh mẽ hỗ trợ trong những tình cảnh đe dọa đời sống. Những cảm xúc được sản sinh bời amygdala chuẩn bị chúng ta cho đáp ứng nổi tiếng đánh - hay - chạy, để chiến đấu hay trốn thoát khỏi hoàn cảnh nguy hiểm, thú săn mồi, hay kẻ thù. Amygdala là quan trọng vô cùng trong những phản ứng xã hội của chúng ta.
Có một sự gia tăng số lượng của những chứng cứ khoa học xác định amygdala như thủ phạm sinh học chính yếu chịu trách nhiệm cho thành kiến và thù hận, là những thứ đưa đến vô số xung đột tiếp diễn hiện nay trên thế giới. Hành vi của amygdala đại diện cho nhận thức của một sự khả năng đe dọa và liên hệ trong sự đáp ứng thành kiến hay định kiến trong phạm vi của sự tiến hóa xã hội, phản ứng giống như một sự chuẩn bị cho sợ hãi một cách đặc thù, hay thái độ thù địch chống lại những gì nó nhận thức là những nhóm ngoài. Điều này có thể là thích đáng hay hữu ích cho những tổ tiên tiền sử của chúng ta, nhưng nó dần dần bị gạt bỏ, và ngày nay amygdala có thể sinh khởi những sự báo động sai lạc.
Thông tin về môi trường của chúng ta được gửi đến nhiều phần của não bộ. Cùng lúc thông tin ấy được chuyển đến hệ thống phản ứng, những lối mòn thần kinh mang thông tin đến võ não, sự tiến hóa vẻ vang toàn thiện của nhân loại, dấu xác nhận tiêu chuẩn của loài người. Tọa lạc trên bề mặt phía ngoài và hướng về phía trước của não bộ, và tiêu biểu cho sự phát triển mới nhất trong sự tiến hõa của não bộ, đây là bộ phận của não phối hợp với những chức năng cao cấp của lý trí, phân tích, và luận lý [logic] - vị trí của tư duy có lý trí. Chính ở đây một sự phân tích hoàn hảo hơn về đối tượng hay con người có thể xảy ra, cùng một sự thấu hiểu sắc thái và chính xác có thể nổi bật lên. Đây là phần “suy nghĩ” của não bộ cấu thành tư duy ý thức và niềm tin của chúng ta về người khác. Ở đây nơi những khuôn mẫu ấn tượng sinh khởi. Và khi những khuôn mẫu ấn tượng hay niềm tin sai lạc về một nhóm ngoài được phối hợp với sự đáp ứng cảm xúc tiêu cực được sản sinh bởi amygdala, thành kiến phát sinh. Khi chúng tôi tiếp tục, chúng tôi sẽ thẩm tra những tin tưởng sai lầm này được hình thành như thế nào và vượt thắng chúng như thế nào.
Một vấn đề sau cùng là sự nổi bật ở đây: Những khu vực của tư duy có lý trí trong khu vực mặt lưng của vỏ não và những khu vực của cảm xúc trong hệ thống phản ứng có thể đối thoại với người khác, với những lối mòn thần kinh nối kết với chúng, kết quả trong khả năng điều chỉnh một cách cố tình những phản ứng theo thói quen đến một mức độ nào đấy qua sự học hỏi mới, những kinh nghiệm mới, và những điều kiện mới. Như chúng ta sẽ thấy sau này, chính là mặt lưng của vỏ não có thể là sự bảo vệ của chúng ta, phần ấy của não bộ với khả năng giải thoát chúng ta khỏi những đáp ứng nguyên sơ tác động ngược trở lại về sợ hãi, thù hận, và thành kiến thừa kế từ tổ tiên xa xưa của chúng ta.
ẤN TƯỢNG RẬP KHUÔN VÀ TIN TƯỞNG SAI LẦM
Theo dõi sự tàn phá thành phố New Orleans bởi cơn bảo Katrina, giới truyền thông có đầy dẫy những câu chuyện và hình ảnh sau đấy, thường tập trung trên cảnh ngộ của những người sống sót. Trong nhiều câu chuyện này, những người sống sót da trắng bị áp lực phải rời khỏi nhà họ vì cơn bão được diễn tả bởi một từ ngữ chính xác là “người tản cư”, trong khi người sống sót da đen thường được diễn tả bởi một thuật ngữ sai lạc là “người tị nạn”, một từ ngữ mang một ý nghĩa rộng là bị áp lực bởi những hoàn cảnh phải tìm nơi tị nạn ở một vùng đất ngoại quốc -- nói cách khác, một thành phần của Họ. Trong một tấm hình hiển nhiên ai cũng biết, một người đàn ông da đen mang một túi lớn qua làn nước sâu đến thắt lưng có lời phụ chú với diễn giải “cướp bóc”, một chữ gợi lên những hình ảnh của trộm cướp, bạo động, và nguy hiểm. Một tấm ảnh của hai người da trắng diễn tả cùng một hành vi diễn tả hành động ấy như “tìm tòi”, một từ ngữ liên tưởng đến một hình ảnh rất khác biệt - có lẽ của những con thỏ trắng đi tìm củ cải đỏ hay những con sóc vô hại đang săn lùng quả sồi.
“Thưa Đức Thánh Thiện,” tôi tiếp tục, “trong suy nghĩ về những loại hậu quả đa dạng tiêu cực của thái độ Chúng Ta chống lại Họ, như một người Mỹ sống trong một xã hội đa văn hóa, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc xảy đến tâm tư một cách lập tức. Điều này là một vấn đề nổi bật ở xã hội Hoa Kỳ, nguồn gốc của nhiều khổ đau qua hàng thế kỷ, mặc dù bây giờ ít hơn trong quá khứ.... Vì bây giờ chúng ta đang tập trung trên những nguyên nhân các hậu quả tàn phá của khái niệm Chúng Ta chống lại Họ, ngài có bất cứ suy nghĩ nào về những nguyên nhân đặc thù bổ sung cho vấn đề thành kiến và phân biệt chủng tộc không?”
“Howard, ở đây ông đang hỏi về phân biệt chủng tộc. Nhưng tôi cảm thấy rằng thành kiến không thật sự là một vấn đề của phân biệt chủng tộc chỉ căn cứ trên màu sắc -- thành kiến chống lại màu sắc của làn da -- nó liên hệ rất nhiều với sự hình thành tinh thần cụ thể, tiền đề sai lạc này cho rằng một nhóm nào đấy thấp kém hơn một nhóm khác. “Thí dụ, nếu ông nhìn ngay cả vào một nhóm đơn độc nào đấy rõ ràng là thống nhất, ông sẽ thấy sự phân biệt căn cứ trên những tiền đề đa dạng. Thí dụ, trong chuyến viếng thăm lần đầu tiên của tôi đến Phi châu là Gabon, nơi tôi đi đến để tham gia một buổi họp mặt chính thức tại Trung tâm Albert Schweitzer ở đấy. Trên con đường đi đến trung tâm có một làng mạc rất nghèo nàn, quá lạc hậu. Tôi đã thấy những đứa trẻ, hoàn toàn trần trụi, chạy chung quanh với máu me vung vãi trên chúng từ một những con chim nước chân cao mà chúng vừa giết chết, một con sếu hay có thể là một con hồng hạc. Máu chim nhỏ giọt khắp mọi nơi. Điều ấy làm cho tôi cảm thấy buồn bả vô cùng. Nhưng rồi rất gần những làng mạc này là trung tâm mà tôi sẽ đến, nơi những người ưu tú lĩnh đạo quốc gia, kể cả tổng thống, rõ ràng đang sống trong một lối sống xa hoa. Tôi thật sự có thể cảm thấy một khoảng cách khổng lồ giữa giới lĩnh đạo ưu tú và giới công cộng phổ thông, quần chúng. Thật quá thất vọng. Vì thế ở đây, trong cùng một nhóm con người tôi cũng cảm nhận một thành kiến nào đấy căn cứ trên sự tin tưởng sai lầm hạ liệt chống lại siêu việt này [tự ti chống lại ưu thế].
“Dĩ nhiên, trong việc đối phó với những vấn đề như thành kiến hay phân biệt chủng tộc, luôn luôn có nhiều nhân tố phối hợp, nhiều nhân tố đóng góp. Thí dụ, chúng ta bị điều kiện hóa để chấp giữ những quan điểm sai lầm này, và điều kiện này có thể đến từ trình độ khác nhau -- chúng có thể là quan điểm đã được khuyến khích bởi một gia đình nào đấy trong một số trường hợp, hay một nhóm đặc thù của một người nào đấy, hay những ý tường mà người ta tiếp nhận từ xã hội mà họ lớn lên. Rồi thì có thể thậm chí cũng là những nhân tố lịch sử liên hệ trong một mức độ nào đấy - thí dụ, một lịch sử của chủ nghĩa thực dân có thể cũng đóng một vai trò trong việc cho sinh khởi một số những thành kiến này.
“Vậy thì, có thể có nhiều thứ... và dĩ nhiên có nhiều thứ mà con người có thể căn cứ sự phân biệt trên...”
“Bằng ‘những thứ’, ngài muốn nói...?”
“Thí dụ, những nhân tố chẳng hạn như người ấy có bao nhiêu tiền, hay quyền lực, học lực, hay vị trí xã hội ra sao là tất cả những thứ thông thường được sử dụng như một căn bản cho cảm nhận cảm giác bản chất ưu việt này đối với người khác. Người Anh Quốc dùng những danh xưng như ngài (sir(3)), đức ông (lord(4)), thí dụ thế; điều ấy thiết lập những sự phân chia tầng lớp bao hàm những loại phân biệt này. Một loại ưu việt bẩm sinh, tạo nên một cảm giác tách biệt. Dĩ nhiên, cũng có những tiêu chuẩn khác, chẳng hạn như ý tưởng rằng tôn giáo của mình là ưu việt hơn tôn giáo của người khác hay chân chính hơn tôn giáo của người khác.
3. Sir: Có thể là một hiệp sĩ (knight) hay một vị tòng nam tước (baronet), một tước vị của triều đình Anh Quốc.
4. Lord: Có thể là tương đương với công tước (duke), hầu tước (marquess), bá tước (earl), tử tước (viscount) hay nam tước (baron).
“Do vậy, có thể có nhiều hình thức phân biệt và thành kiến, nhưng các nguyên tắc chính yếu là giống nhau. Và bất chấp tiêu chuẩn người ta có thể chọn lựa là gì cho ý nghĩa ưu việt của một người, nó sẽ bất lợi cho cả hai phía, và nó có thể tạo nên những rắc rối một cách không tránh khỏi.” Nhấn mạnh sâu hơn vào vấn đề, ngài nói, “Bất kể loại thành kiến hay phân biệt là gì, trong gốc rễ ông sẽ thấy một sự bóp méo thực tại, những quan điểm hay tin tưởng sai lạc trong tính ưu việt cố hữu của một nhóm đối với một nhóm khác.”
Đức Đạt Lai Lạt Ma nhìn vào đồng hồ và tôi nhận ra rằng đã sắp hết thời gian cho buổi này. Vì thế kết luận lại, tôi nói, “Vậy thì để tóm lược lại...”.
Ngài nói, “Bất chấp điều gì là căn bản cho thành kiến của một người, trên bất cứ đặc trưng nào người ta đang căn cứ trên cảm giác ưu việt của họ, nó đưa đến những rắc rối về lâu về dài, vì thế chúng ta cần tìm ra những phương cách để giảm thiểu điều này.”
Khi buổi đàm thoại của chúng tôi sắp kết thúc, một câu hỏi cuối cùng xảy đến với tôi: “Thưa Đức Thánh Thiện, chúng ta đang nói về thành kiến và trên nền tảng thế nào mà con người đặt cơ sở của ý tưởng về ưu việt chỉ là sự phóng chiếu tinh thần, tin tưởng sai lầm. Nhưng trong một số trường hợp có những sự khác biệt giữa con người, và những người ưu việt trong những cung cách nào đấy; thí dụ, một số nhóm học vấn thật sự khá hơn. À, nếu người ta đang đặt cơ sở cảm giác ưu việt của họ trên sự kiện rằng họ được học hành tốt đẹp hơn một số người khác, và nếu họ có học vấn khá hơn, thế thì đấy không là một sự tin tưởng sai lầm; nó có một cơ sở đáng tin cậy trong thực tế.”
Đức Đạt Lai Lạt Ma đáp lại, “Howard, như tôi đã đề cập, khi chúng ta đối diện với thái độ và cung cách cư xử của con người, có nhiều nhân tố hiện diện. Đây là một vấn đề thật sự phức tạp.” Ngài thêm, với một sự bực bội nhẹ nhàng, “Và rốt cuộc, những sự thảo luận của chúng ta và quyển sách này mà chúng ta tiến hành sẽ không được phán xét bởi Liên Hiệp Quốc - chúng ta không phải đi đến một giải pháp cho tất cả mọi vấn nạn của thế giới. Do thế, ở đây, không phải những sự tin tưởng sai lầm liên hệ trong những loại thái độ này, nhưng theo quan điểm Phật giáo, căn nguyên của rắc rối thật sự là những phiền não tinh thần. Ông có những thái độ như kiêu hảnh và tự phụ, là những thứ có gốc rễ từ vô minh.
“Thế nên, vâng, một số người có thể có năng lực giỏi giang hơn do bởi sự học vấn khá hơn, một số ít học hơn; một số giàu có hơn, một số nghèo nàn hơn; một số trông xinh đẹp hơn, một số xấu xí hơn. Nhưng một nhân tố to lớn vẫn hiện hữu: Rằng mặc dù những thứ khác biệt này, chúng ta vẫn cần luôn luôn có thể duy trì sự tôn trọng tất cả. Họ là những con người, có chân giá trị của con người và tôn trọng trên trình độ căn bản ấy. Đấy là một sự thật không thể thay đổi.”
Đức Đạt Lai Lạt Ma đặt chân vào giày và kết thúc buổi đàm luận. Sự bàn thảo của chúng tôi về phương cách vượt thắng thành kiến sẽ chờ đến cuộc gặp gỡ tới.
Cuộc chiến Rwanda giữa người Tutsi và Hutu, đề cập phía trước, có lẽ là sự minh họa rõ ràng nhất cho nguyên tắc này từ nửa sau của thế kỷ trước. Tiếp theo cuộc diệt chủng ở Rwanda, một Tòa Án Tội Ác Quốc Tế cho Rwanda được thành lập bởi Liên Hiệp Quốc để xử những thủ phạm của tội ác diệt chủng -- những cố gắng có chủ tâm của các lĩnh đạo Hutu để tiêu diệt nhóm thiểu số Tutsi. Khi trường hợp đầu tiên đến tòa án, thuật ngữ “nhóm thiểu số” được nghiên cứu kỹ lưỡng. “Nhóm thiểu số” được định nghĩa một cách tổng quát như là một nhóm khác biệt mà những thành viên của nó chia sẻ một ngôn ngữ hay văn hóa chung. Vì cả Tutsi và Hutu cũng chia sẻ một ngôn ngữ, tôn giáo và văn hóa, những quan tòa nhanh chóng nhận ra rằng người Tutsi không thể được xem như một nhóm thiểu số riêng biệt. Nhận thức diệt chủng dĩ nhiên cũng áp dụng đến chủng tộc, nhưng người Tutsi cũng không được định nghĩa như một chủng tộc riêng biệt. Các quan tòa khám phá ra rằng họ không thể tiến hành những phiên xử này cho “diệt chủng” ngoại trừ Tutsi là một nhóm thiểu số hay chủng tộc riêng biệt.
Trong hơn một năm, một danh sách thay đổi những quan tòa và các học giả hợp pháp trong ủy ban Tòa Án Rwanda đã đưa ra một sự bối rối về những ý kiến và quyết định -- hoàn toàn thay đổi vị trí của họ và đảo ngược chính họ bốn lần trong một cố gắng để tìm ra một phương thức để nhận định những người Hutu và Tutsi như hai nhóm chủng tộc hay thiểu số khác biệt, nhưng không thành công. Những quan tòa cuối cùng ra lệnh rằng việc định nghĩa một nạn nhân trong những trường hợp này sẽ được hoàn tất trong căn bản từng trường hợp - với kết quả rằng mỗi phiên xử diệt chủng sẽ bắt đầu bằng việc ôn lại cùng sự mập mờ và chứng cớ không đi đến kết luận về đặc tính của Hutu và Tutsi toàn bộ một lần nữa. Dĩ nhiên sự thù hận đã châm ngòi cho cuộc chiến tranh và sự diệt chủng được căn cứ trên sự nhận thức chắc chắn của cả hai phía rằng có một cơ sở thiểu số và ngay cả những sự khác biệt chủng tộc giữa họ. Tuy thế, hiển nhiên không thể chối cải được rằng “những sự khác biệt” chủng tộc và dân tộc này, sự căn cứ cho những điều kinh khiếp và tàn sát con người không thể tưởng tượng được, chỉ đơn thuần là tưởng tượng, mà không có một căn bản nào thực tế.
Những ảo giác và tin tưởng sai lầm như thế sinh khởi như thế nào? Trong trường hợp này, lịch sử lâu dài và phức tạp của Rwanda - với những đảng phái thống trị luân phiên, những chương trình chính trị, và cấu trúc quyền lực -- dần dần tạo nên một niềm tin trong cả người Tutsi và Hutu, rằng họ là những dân tộc khác biệt chủng tộc, nhưng trong thực tế thuật ngữ “Tutsi” và “Hutu” vốn phát xuất từ những đặc tính xã hội và kinh tế, chứ không phải chủng tộc hay dân tộc, và những thuật ngữ thật sự uyển chuyển và hay thay đổi, có nghĩa những thứ khác nhau đến những người khác nhau trong những vùng khác nhau tại những thời điểm khác nhau. Một cách tổng quát, “Tutsi” liên hệ gốc gác đến những người hoặc là vị quý phái, hay những ai có một mức độ quyền lực hay giàu sang nào đấy, trong khi “Hutu” phổ quát liên hệ đến những ai thuộc vị thế “bình dân”. Tuy thế, những thuật ngữ rất hay thay đổi, rằng những dòng dõi Hutu kiếm được sự giàu sang, quyền lực, và ảnh hưởng đầy đủ có thể thật sự trở thành Tutsi, và dần dần nguồn gốc Hutu của họ sẽ bị quên lãng.
Việc “chủng tộc hóa” thuật ngữ “Hutu” và “Tutsi” xảy ra như một cấu trúc chính trị gần đây hơn, là điều mà một số học giả tin là đã được bắt đầu bởi sự thống trị của triều đình Tutsi trong thế kỷ mười tám và mười chín, nhằm để tự cho tính ưu việt của Tutsi đối với Hutu. Sau này những người thực dân Đức và Bỉ đã làm cho cứng nhắc bất cứ sự định nghĩa uyển chuyển trước đây cấu thành một hệ thống phân chia chủng tộc, hoàn toàn với quan điểm của họ về chủng tộc và dân tộc ưu việt và hạ liệt. Đây là một thủ đoạn chính trị nhằm đưa đẩy người Tutsi ủng hộ những kẻ thực dân thống trị -- cùng lúc làm vững chắc sự bất hòa và phân cực giữa hai nhóm. Tuy thế, những sự xác định chính thức tách biệt “chủng tộc” và những nhóm dân tộc rất tùy tiện, trong năm 1933, những người Bỉ đã phân loại, một cá nhân với ít hơn mười con bò là Hutu và một người với hơn mười con bò là Tutsi!
Tình thế lúng túng khó xử mà Tòa Án Rwanda đã đối diện nhấn mạnh khía cạnh thảm họa của sự thù hận và định kiến chủng tộc trong mọi hình thức của nó. Như đức Đạt Lai Lạt Ma đã đề cập, nó thông thường bị căn cứ trên những niềm tin méo mó và sai lầm, cho dù nó là ảo giác khác biệt nền tảng chủng tộc giữa hai nhóm hay những sự tin tưởng sai lầm trong sự hạ liệt hay ưu việt bẩm sinh của nhóm này hay nhóm kia của hai nhóm.
Đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ ra làm sao mà vì gốc rễ của thành kiến chúng ta sẽ thấy hiện hữu những sự tin tưởng sai lầm và một sự méo mó về thực tại. Bằng việc thẩm tra cơ cấu hạ tầng của não bộ trong việc tạo nên thành kiến, thì dễ dàng để thấu hiểu những sự méo mó về thực tại như vậy có thể xảy ra. Phía trước chúng ta đã thấy não bộ, bị tràn ngập với một khối lượng khổng lồ dữ liệu thông tin dồn lại, giống như sắp xếp những đối tượng và con người nó chạm trán thành những loại phổ thông. Xa hơn, một khi con người bị phân chia như thuộc vào một loại hay nhóm xã hội đặc trưng nào đấy, những ấn tượng – về nhóm ấy lập tức gợi lên. Những ấn tượng rập khuôn là một hình thức khám phá và giải quyết vấn đề, một loại tốc ký mà não bộ sử dụng để giúp chúng ta đối phó một cách dễ dàng hơn với một thế giới phức tạp. Trong khi điều này có những sự tiến bộ nào đấy -- chẳng hạn giúp chúng ta phản ứng một cách nhanh chóng đến những sự việc xảy ra chung quanh chúng ta hay giúp chúng ta bảo tồn những kho tàng của não bộ -- có một cái giá lớn mà chúng ta trả cho điều này. Nó có thể kết quả trong một thực tại méo mó, hình thành những tin tưởng sai lạc hay những ấn tượng khuôn sáo về những nhóm khác, và có khả năng đưa đến thành kiến, thù hận, và ngay cả bạo động.
Điều này xảy ra như thế nào? Những sự phân loại xã hội căn cứ trên việc đơn giản hóa thông tin, khái quát hóa, và hình thức hóa những sự phán xét nhanh chóng. Sự méo mó thực tại bắt đầu ở đấy. Nó hầu như không thể hình thành một sự thấu hiểu toàn vẹn và một bức tranh chính xác về một con người phức tạp, đặc tính, thuộc tính, sự thông minh, năng khiếu, giá trị, v.v... của chúng, mà chỉ căn cứ trên một vài điểm chung chung về một nhóm mà chúng ta nghĩ là chúng thuộc về nhóm ấy. Cùng lúc ấy, dễ dàng quá khái quát; đã có nhiều nghiên cứu cho thấy rằng con người có khuynh hướng phóng đại một cách đáng kể các khác biệt giữa những nhóm và đánh giá quá cao những tương đồng trong nhóm của mình, coi nhẹ những đặc trưng khác biệt của những cá nhân trong nhóm - cái hiện tượng “tất cả họ đều trông như nhau”.
Những ấn tượng rập khuôn về một sự phân loại xã hội hay một nhóm đặc thù có thể tích cực hay tiêu cực và chúng có thể đa dạng trong mức độ chính xác của chúng. Tuy nhiên, ngay cả một ấn tượng rập khuôn “chính xác”, là điều có thể phản chiếu một sự khác biệt thật sự trong những tiêu chuẩn bình thường giữa những nhóm, là căn cứ trên sự bóp méo [của vọng tưởng], càng cô đặc một con người phức hệ lại thành một vài thuộc tính chính, nhận định con người ấy đơn giản như thành viên của một nhóm, chúng ta càng không thể tin cậy sự phán đoán của chúng ta về con người ấy chắc chắn là thế nào. Rốt cuộc, sự công thức hóa liên hệ đến việc tạo nên sự phán đoán về một người ngay cả trước khi chúng ta có thể biết người ấy. Trên tất cả, khi chúng ta phán đoán ai đấy căn cứ trên vấn đề là một thành viên của một nhóm xã hội đặc thù, thì chúng ta có khuynh hướng quên rằng con người ấy có thể cũng là thành viên của nhiều nhóm xã hội khác và chúng ta quên lãng tất cả những thứ còn lại.
Rắc rối với thành kiến không đơn giản chỉ là chúng ta có khuynh hướng bóp méo và có những tin tưởng sai lạc về những nhóm khác -- mà những niềm tin sai lạc và thành kiến này có khuynh hướng củng cố hỗ tương mỗi bên. Thành kiến bắt đầu với một đáp ứng cảm xúc tiêu cực đến một nhóm khác, và chúng ta có khuynh hướng tự nhiên để hình thành những niềm tin về nhóm bao hàm với các định kiến cảm xúc, “phản ứng mạnh bạo” của chúng ta. Trong cùng cách như thế, chúng ta có khuynh hướng quy cho những đặc tính tích cực về nhóm của chúng ta - vì vậy có khuynh hướng nhận thức nhóm của chúng ta luôn luôn ưu việt và những nhóm ngoài là hạ liệt. Một nghiên cứu về ba mươi bộ tộc ở Phi châu, thí dụ, đã thấy rằng mỗi bộ tộc đều nghĩ rằng họ là ưu việt hơn những bộ tộc khác.
Dĩ nhiên, những sự tin tưởng này phát triên bất chấp chúng đúng hay không. Buồn thay, một khi chúng ta khuếch trương những sự tin tưởng hay ấn tượng rập khuôn sai lầm này, chúng có khuynh hướng cố định và cứng nhắc. Những nghiên cứu đã cho thấy rằng não bộ có khuynh hướng thâu lượm tin tức từ môi trường tương hợp với những tin tưởng của chúng ta, chẳng hạn như tin tưởng tính hạ liệt bẩm sinh của những nhóm khác, và thải ra những thông tin mâu thuẫn. Khi một thái độ hay chi tiết quán sát là mơ hồ, chúng ta sẽ bóp méo và sàng lọc theo cách mà chúng ta nhận thức mọi thứ phù hợp với những định kiến của chúng ta.
Mặc dù, như đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ ra, những niềm tin sai lạc của chúng ta về những nhóm khác là nguyên nhân trực tiếp của nhiều sự tàn nhẫn trên thế giới, thảm thương thay chúng ta thông thường không cảnh giác ngay cả việc não bộ chúng ta sàng lọc chọn lựa, thu nhỏ hay thổi phồng thông tin như thế nào để làm cho nó vừa vặn với niềm tin của chúng ta.
NGÀY ẤY VÀ BÂY GIỜ
Một vài năm trước đây, một số nhà nghiên cứu đã tiến hành một cuộc thí nghiệm trên sự thiên vị phân biệt trong nhóm. Trong cuộc nghiên cứu ấy, những đối tượng được phân công thành thành viên của một trong hai nhóm chơi một trò chơi trên máy điện toán, và họ có khả năng để đoạt tiền thật sự đối với những tay chơi khác của bất cứ nhóm nào. Tuy thế, những đối tượng được nói là họ sẽ không nhận bất cứ món tiền nào cho chính họ từ bất cứ người nào trong cuộc thí nghiệm này. Sự thiên vị phân biệt trong-nhóm được đo lường bằng số tiền mà đối tượng tặng thưởng cho nhóm của chính người ấy. Như người ta có thể dự đoán, những đối tượng thiên vị và tặng tiền cho nhóm của chính họ. Nhưng đây là phần nổi bật: Đầu tiên, không có thuận lợi vật chất nào cho đối tượng để thiên vị nhóm của mình, không có bất cứ thuận lợi bất cứ loại nào. Thứ hai, đối tượng tuyệt đối không được nói cho nghe bất cứ điều gì về những thành viên của cả hai nhóm -- “trò chơi” được tiến hành bằng cách giấu tên qua máy điện toán. Đối tượng được phân công đến nhóm của người ấy căn cứ trên một đồng xu sấp ngửa. Vì vậy, khuynh hướng của đối tượng biểu lộ sự thiên vị nhóm hay cảm nhận rằng nhóm của người ấy là ưu việt hay khá hơn trong một cách nào đấy, là hoàn toàn tùy ý, chỉ căn cứ trên sự kiện rằng người ấy ở trong nhóm.
Thí nghiệm này nhấn mạnh một điểm quan trọng đã thực hiện trước đây bởi đức Đạt Lai Lạt Ma. Trong quá khứ xa xưa của chúng ta như một chủng loại, thích nghi để thực hành sự thiên vị trong-nhóm và thành kiến hay định kiến ngoài-nhóm. Vào một thời điểm khi những nhóm ngoài có thể thường đe dọa sự tồn tại của chúng ta, sự phản ứng đến những nhóm ngoài với một sự cảnh giác nguy hiểm tự động bản năng có thể cứu cho sự sống của chúng ta. Sự thiên vị nhóm của chúng ta cũng cung ứng những phần thưởng rất thật, giúp chúng ta tồn tại và tái sản xuất. Dĩ nhiên, thảng hoặc ngay cả ngày nay những sự đáp ứng này có thể hữu ích dưới một số hoàn cảnh nào đấy. Thí dụ, một cảm nhận thiên vị đối với nhóm của chính mình có thể đóng góp đến một cảm giác của mối quan hệ và nối kết, một cảm nhận có liên quan tới. Ngay cả những định kiến tiêu cực là một phần của hệ thống cảnh giác của não bộ có thể hữu ích, và ngay cả cứu cho đời sống của chúng ta nếu chúng ta ở trong một hoàn cảnh đời sống bị đe dọa, dưới sự tấn công từ những thành viên của một nhóm khác.
Nhưng rắc rối là bây giờ chúng ta đang bước đi chung quanh với một bộ não đã được phát triển để đối phó với những vấn đề thông thường mà tổ tiên chúng ta đã đối diện trong kỷ nguyên Canh Tân một triệu năm trước đây, những bộ não đã không được thay đổi một cách tự động qua hơn một trăm nghìn năm. Thế giới rất khác biệt, và tuy thế não bộ của chúng ta vẫn tự động, phản ứng một cách bản năng, một cách mù quáng cùng một cách như hàng trăm nghìn năm trước đây, ngay cả khi bây giờ không có giá trị thích ứng cho việc đáp ứng bằng cách ấy, hoàn toàn không có lợi ích gì, chẳng hạn như trong thí nghiệm trò chơi điện toán vừa đề cập.
Dĩ nhiên, như đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ ra, rắc rối ở đây không đơn giản là chúng ta hành động trong những cách không cung ứng bất cứ lợi ích hay thuận tiện gì cho chúng ta, mà hành động trong một số đáp ứng bản năng nguyên sơ nào đấy có thể có khả năng tai hại. Trong thực tế, những sách lược mà não bộ phát triển để đối phó với những rắc rối trong thế giới của kỷ nguyên Canh Tân, thúc đẩy lợi ích con người và sự tồn tại của tổ tiên chúng ta, là giống với những chương trình có thể có khả năng là sự suy sụp của chúng ta ngày nay.
Não bộ của chúng ta là thiện nghệ trong việc phát hiện ra những hiểm họa, đe dọa, và phản ứng một cách nhanh chóng, nhưng khi chúng ta hình thành những khuôn mẫu rập khuôn căn cứ trên những khác biệt vọng tưởng, hình thành những định kiến căn cứ trên những ấn tượng rập khuôn ấy, và hành động một cách mù quáng trên những chương trình phác họa cho tổ tiên xa xưa của chúng ta, và ghi thành mật mã vào trong nếp nhăn não bộ của chúng ta, những kết quả có thể tai hại. Thí dụ, trong thế giới liên hệ hỗ tương ngày nay, với sự tồn tại của chúng ta lệ thuộc trên sự hợp tác với những nhóm khác, sẽ là một sự bất lợi lớn khi hành động một cách tự động đến các nhóm này giống như họ là những kẻ thù. Sự bạo động và tàn ác mà chúng ta đã từng chứng kiến cho đến hiện tại là kết quả phẩn lớn căn cứ trên thái độ của một số cơ cấu não bộ sơ khai này.
Nguyên tác: Prejudice (Us Versus Them)
Ẩn Tâm Lộ - Ngày 22/06/2011
Chương 4
Vượt thắng thành kiến
TRONG THÁNG MƯỜI MỘT năm 2008, người Mỹ công cộng đã bầu lên một vị tổng thống gốc Phi châu đầu tiên, một sự kiện quan trọng mà đã từng được xem là không thể có chỉ trong một thế hệ trước đây. Chỉ hai thế hệ đã qua khi sự phân biệt chủng tộc là một hiện thực phổ biến miền Nam Hoa Kỳ, khi những cá nhân từ tất cả khi mọi tầng lớp của xã hội Hoa Kỳ biểu lộ một cách công khai niềm tin mù quáng và phân biệt chủng tộc. Từ một cái nhìn toàn cầu, đã có ba thế hệ từ khi thế giới chứng kiến những kinh khủng của cuộc tàn sát - Holocaust - thời thế chiến Thứ Hai đối với người Do Thái và những chủng tộc khác, chính là sự biểu lộ tệ hại nhất, không thể tưởng tượng được, của thành kiến và thù hận của con người, một thời điểm xấu xa đau thương nhất của lịch sử. Khi chúng ta nhìn lại sự phân biệt hiển nhiên và niềm tin mù quáng công khai được thấy trong những năm tháng của ông bà chúng ta, dường như những bước dài vô cùng đã được làm nên trong việc giảm thiểu thành kiến, phân biệt đối xử, và kỳ thị chủng tộc.
Tuy nhiên, vì rằng chúng ta trở nên quá tự mãn, nghiên cứu gần đây gợi ý rằng những rắc rối của thành kiến là vượt quá xa. Thiên vị lan rộng nhiều hơn người ta cảnh giác nó. Thay vì biến mất, biểu hiện thành kiến duy chỉ trở nên vi tế hơn. Theo một số ước đoán, tám mươi phần trăm con người của thế giới dân chủ phương Tây cho rằng họ không có quan điểm thành kiến và không biểu hiện thái độ phân biệt đáng chú ý, trong khi chỉ một nhóm nhỏ thiểu số, có lẻ hai phần trăm, những cá nhân nói là họ là những người phân biệt chủng tộc hay thành kiến một cách công khai. Tuy thế, nghiên cứu phát giác rằng ngay cả những ai tự xem là hoàn toàn không thiên vị là thường bị sốc để thấy răng họ vẫn giữ những sự thiên vị vi tế khi họ trải qua những thử nghiệm tâm lý. Mặc dù ít thấy, những ảnh hưởng của những thiên vị vô thức như thế có thể cũng tàn phá, tác động sự phán đoán và thái độ của chúng ta trong những cung cách vi tế hơn nhưng rất thực.
Có một cái nhìn thành kiến phát sinh như thế nào và ghi nhận những ảnh hưởng tai hại của nó, bây giờ là lúc để khám phá những phương thức để vượt thắng thành kiến, tìm ra một sự tiếp cận để xé toang những hàng rào có thể hiện hữu trong những con người và những nhóm người đa dạng -- và hy vọng khám phá ra một cung cách để tiến lên một mối quan hệ nhân loại căn bản ngay cả với những ai mà chúng ta thông thường xem như khác biệt với chúng ta.
Tôi bắt đầu, “Thưa Đức Thánh Thiện, đây là lần gặp cuối cùng cho đợt này. Tuần này chúng ta đã thảo luận về những lợi ích của việc chuyển đổi quan niệm của chúng ta từ Tôi sang Chúng Ta, và thiết lập một cảm nhận của việc thuộc vào một cộng đồng rộng lớn hơn, cũng như khả dĩ hiểm họa khi cảm nhận lành mạnh của Chúng Ta chuyển biến thành quan điểm Chúng Ta Chống lại Họ - là điều có thể đưa đến thành kiến, phân biệt đối xử, và kỳ thị chủng tộc.”
“Đúng đấy.”
“Hôm qua ngài đã nói về sự cần thiết để vượt thắng những thành kiến, phân biệt chủng tộc của chúng ta, và những niềm tin sai lầm về các nhóm khác. Vì thế, điều này đưa chúng ta đến chủ đề sau cùng cho tuần này, đấy là vượt thắng những thành kiến như thế nào.”
“Tốt lắm.”
"Thế thì, câu hỏi là, ngài đề nghị chúng ta sẽ làm thế nào với điều này?” Tôi hỏi.
“Tôi sẽ nói rằng không có một phương pháp đơn lẻ,” ngài trả lời. “Chúng ta cần nhiều sự tiếp cận.”
“À, hãy nói rằng một xã hội đặc thù bị rắc rối bởi một mức độ nào đấy của sự phân biệt chủng tộc và thành kiến - có nhiều cá nhân cảm thấy rằng nhóm đặc thù của họ là ưu việt cùng có một thành kiến và thái độ thù địch mạnh mẽ với một nhóm khác. Vậy thì, chúng ta bắt đầu ở chỗ nào? Chúng ta sẽ bắt đầu để làm cho họ từ bỏ những quan điểm thành kiến và phân biệt chủng tộc của họ như thế nào?”
“Dĩ nhiên,” Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời, “chúng ta luôn luôn sẽ có một trình độ nào đấy của sự ưa thích hơn đối với những thành viên trong nhóm của chúng ta, nhưng ở đây chúng ta nói về việc làm giảm thiểu những định kiến và sự thiên vị của chúng ta chống lại những nhóm khác. Và như tôi đã đề cập, có thể có nhiều phương pháp".
“Nhưng bước đầu tiên là động viên mọi người. Dĩ nhiên, ở đây phải có một sự tự nguyện để nhìn vào những thái độ thành kiến của họ. Điều này là thiết yếu. Rồi thì, phải có một mức độ cởi mở nào đấy để xem lại quan điểm tập quán của họ?”
“Vậy thì, chúng ta bắt đầu động viên mọi người xem lại những thái độ thành kiến của họ như thế nào?” Tôi hỏi.
“Bằng việc củng cố sự tỉnh thức về những bất lợi trong thái độ của họ, để phản chiếu trên những cung cách mà trong ấy coi thường những con người trong cộng đồng nhân loại bất lợi cho chính họ về lâu về dài.”
“Rồi bước tiếp theo?”
“Rồi bước tiếp theo sự thử thách những niềm tin mà thành kiến được tìm thấy, những thành kiến sai lầm này về những nhóm khác, chẳng hạn như tin tưởng trong tính ưu việt cố hữu, v.v... Một cách tổng quát, những thành kiến này, trên bất cứ cơ sở nào, là một kết quả của những điều kiện... được lấy ra từ nền văn hóa của họ, hay gia đình của họ, v.v... Thế nên, chúng ta cần vượt thắng điều kiện này. Điều này được hoàn tất bằng việc tranh luận một cách tích cực về những ý tưởng bị bóp méo và các niềm tin sai lạc, trình bày trong một trường hợp cho việc duyệt xét lại những niềm tin này, bằng việc chỉ ra chỗ nào có những tiền đề sai lầm mà trên ấy chúng làm cơ sở cho niềm tin và sự phóng chiếu ý hướng sai lầm của họ, v.v... Đấy là một vấn đề của việc khám phá thực tại."
"Một cách ngược đời, một phần lý do tại sao đến tám mươi phần trăm những xã hội phương Tây có thể tiếp tục nuôi dưỡng những định kiến tế nhị có thể là không khí của “những cuộc điều chỉnh chính trị” quá thường xuyên trong xã hội chúng ta. Khao khát cho sự tán thành của xã hội và sự lúng túng chân thành đối với quan điểm của họ có thể đưa mọi người đè nén hay phủ nhận những tư tưởng hay cảm nhận thành kiến. Đã có những nghiên cứu cho thấy rằng chỉ cố gắng để đè nén hay che dấu những tư tưởng như vậy, cố gắng một cách nhanh chóng để “quét chúng xuống dưới tấm thảm”, không làm tan biến thành kiến - và trong thực tế có thể làm nó gia tăng."  
Điều này xảy ra, tối thiểu theo một số khảo sát, qua hiện tượng “đừng nghĩ về một con voi”: Chúng ta càng cố gắng để không nghĩ về con voi, có lẽ chúng ta càng nghĩ về con voi nhiều hơn. Điều này có thể giải thích tại sao hầu hết mọi người không tán thành những quan điểm phân biệt chủng tộc trong xã hội Hoa Kỳ ngày nay - trong thực tế rất ít hơn so với thời kỳ của ông bà chúng ta - trong khi cùng lúc xã hội chúng ta vẫn đầy dẫy những sự căng thẳng phân biệt chủng tộc qua những thiên vị tế nhị mà người ta thậm chí có thể không tỉnh thức hoàn toàn về điều này. Nghiên cứu cho thấy rằng khi có một sự lan rộng của những định kiến tế nhị ẩn tàng ngay dưới bề mặt của một xã hội dường như hòa bình và bao dung, một thời điểm của sự lo âu xã hội, kinh tế suy thoái, hay căng thẳng đôi khi có thể phát ra tia lửa làm bùng lên những thành kiến phân biệt chủng tộc và ngay cả xung đột, khi mọi người đi ngược trở lại những phương cách sơ khai hơn của sự tương tác.
Đức Đạt Lai Lạt Ma cống hiến một phương pháp hợp lý để xua tan cả những định kiến vi tế và thành kiến công khai. Ngài bắt đầu bằng việc chỉ ra tầm quan trọng của việc nhận ra và thừa nhận những định kiến và các tin tưởng ấn tượng cố hữu, hơn là che dấu, đè nén, hay phủ nhận chúng. Điều này được tiếp theo bởi sự thử thách và tranh luận một cách tích cực bất cứ sự tin tưởng nào thấy là mâu thuẫn với sự thật. Nghiên cứu đã xác nhận rằng thay vì đè nén những thành kiến, nếu người ta thừa nhận một cách công khai định kiến của mình, và thử thách cùng bác bỏ một cách trực tiếp với chúng, người ta có thể vượt thắng chúng. Và không có vấn đề rằng một số sự tin tưởng sai lầm của chúng ta là quá cần thiết một cách sâu sắc đòi hỏi đến một động cơ mạnh mẽ để vượt thắng chúng, động cơ có thể đến từ một sự thấu hiểu sâu xa về những tai hại của thành kiến ảnh hưởng đến chúng ta về lâu về dài.
Phương pháp này đơn thuần đã đưa ra để giảm thiểu thành kiến của chúng ta - nhưng khi những cuộc thảo luận của chúng tôi tiếp tục, đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục xác định vài sách lược bổ sung để vượt thắng những sự thiên vị, định kiến và thành kiến của chúng ta...
Tiếp tục thảo luận về vấn đề vượt thắng thành kiến, ngài đề nghị rằng chúng ta có thể vượt lên trên thói quen ước định bằng việc thảo luận tích cực về những tin tưởng sai lầm dường như hợp lý. Tuy thế, điều này có thể không quá dễ dàng cho những người trung bình. Rốt cuộc, hầu hết mọi người đã không có những thập niên rèn luyện trong luận lý [logic] và tranh luận cùng sự thực tập cả đời về rèn luyện tâm thức của họ như ngài làm. Vì thế, tôi tiến tới nhận xét, “Nhưng dường như rằng đôi khi loại tập quán quy ước này quá mạnh, rằng khó để mà người ta thay đổi những sự tin tưởng thâm căn cố đế một cách sâu sắc của họ... Thật sự, do tò mò, ngài có bao giờ chứng kiến một cách cá nhân bất cứ người nào sửa đổi sự tư duy của họ về những loại tin tưởng sai lầm này không?”
“Ô, vâng,” ngài nói với lòng nhiệt tình rõ ràng, “Thí dụ, tôi nhớ lại một kinh nghiệm của tôi ở Nam Phi. Thực sự, điều này là một kinh nghiệm rất năng động và xúc động đối với tôi.”
“Ngài có thể kể cho tôi nghe về việc ấy không?”
“Vâng, việc này ở phố cảng Soweto, trong một khu ổ chuột ở Johannesburg(1),  Nam Phi. Một sự bố trí được thực hiện để tôi có thể thăm viếng nhà cửa của một gia đình bình thường. Tôi đã dành hai giờ đồng hồ ở đấy và họ mời tôi trà, và chúng ta có thời gian để trò chuyện với nhau. Một người bạn của gia đình, được giới thiệu với tôi như giáo viên của trường học, tham gia với chúng tôi. Điều này đã xảy ra gần như ngay sau khi chế độ kỳ thị chủng tộc [apartheid ở Nam Phi] được chấm dứt. Vì thế, tôi ngẫu nhiên đề cập với họ, “Bây giờ, xứ sở này đã thay đổi chính quyền và đạt được dân chủ, quý vị có được sự bình đẳng chính trị, do vậy, tôi nghĩ bây giờ tất cả mọi cơ hội được mở ra cho quý vị. Nhưng phải có thời gian để thay đổi tâm tư và thái độ của người dân, thế nên có thể cần một ít thời gian cho một số người nắm lấy sự bình đẳng tâm lý. Thế là người giáo viên nói với tôi, ‘Dù là chúng tôi có những cơ hội bình đẳng, nhưng chúng tôi không thể tranh đua với người da trắng bởi vì bản chất của chúng tôi kém thông minh hơn.’ Ông ấy thật sự tin tưởng rằng người da đen sống ở đấy về mặt di truyền là thấp kém, não bộ của họ không hoàn hảo như người da trắng. Tôi thật buồn rằng ông ta thật sự tin tưởng như vậy. Vì vậy, tôi tranh luận với ông. Tôi đã nói với ông rằng không đúng thế, đây là một ý tưởng sai lầm, nhưng ông ta không tin tôi. Tập quán quy ước cố hữu của ông là quá mạnh rằng ông thật sự tin tưởng trong ý tưởng chủng tộc hạ liệt này."
1. Thành phố lớn nhất của Cộng Hòa Nam Phi, cũng được biết đến như eGoli (nơi ở của trời), nhưng không phải thủ đô của xứ này, và là thành phố duy nhất của Phi châu được công nhận là một trong bốn mươi đô thị lớn nhất của thế giới.
“Thế là, tôi đã ở trong nhà ông rất lâu, nói chuyện với ông, sử dụng những sự tranh luận đa dạng, cố gắng để thuyết phục ông ta rằng ông không thấp kém. Cuối cùng, kết thúc thời gian chúng tôi bên nhau tôi rốt cuộc đã thuyết phục được ông ta. Rồi thì ông thở dài một hơi và nói, ‘Vâng, tôi nghĩ ngài đúng. Bây giờ tôi tin chắc rằng chúng tôi bình đẳng.’ Đấy là một ngày mà tôi vẫn nhớ rất rõ ràng. Tôi cảm thấy rất vui và một cảm giác thư thái. Ông ta đã thay đổi quan điểm. Tôi cảm thấy rằng, ô, tối thiểu ở đây có một người mà tôi đã làm nên một sự khác biệt.”
Trong việc thuật lại câu chuyện này, có một loại xúc cảm mãnh liệt và một sự sôi nổi nào đấy trong giọng nói của đức Đạt Lai Lạt Ma, một cái nhìn nghiêm chỉnh tha thiết chắc chắn trong đôi mắt của ngài đã tạo nên một ấn tượng không thể sai lầm của sự toại nguyện và thú vị sâu xa cùng chuyển tải một ý nghĩa hoàn tất chân thành, giống như ngài đang diễn tả một trong những thành tựu to lớn thật sự trong cuộc đời của ngài. Cuộc đời của ngài là một cuộc đời được đánh dầu bởi những thành tựu to lớn - vô số danh dự và phần thưởng, ngay cả giải Nobel Hòa Bình - và tuy thế trong toàn bộ những năm tháng mà tôi biết đức Đạt Lai Lạt Ma, tôi hiếm khi nghe ngài nói về bất cứ điều gì với cùng nhiệt tình không kềm chế và một cảm nhận rõ ràng về sự tự hào và toại nguyện như ngài đã làm trong việc diễn tả cuộc viếng thăm của ngài đến vị giáo viên người Phi châu ấy.
Tôi hỏi, “Những luận điểm nào ngài đã sử dụng để cố gắng thuyết phục ông ta?”.
“Tôi đã sử dụng vài luận cứ. Đầu tiên, tôi đã cố gắng để chia sẻ kinh nghiệm của chính tôi với ông, kinh nghiệm của tôi với người Trung Hoa. Tôi đã giải thích với ông ta người Hoa đã xem người Tây Tạng chậm tiến như thế nào, thấp kém hơn; có nhận thức rằng người Tây Tạng không bình đẳng ngang hàng. Rồi thì tôi giải thích điều ấy không phải đúng như vậy ra sao, nó là một tin tưởng sai lầm, và nói với ông ta về những kinh nghiệm của chúng tôi như những người tị nạn như thế nào. Tôi đã kể cho ông những câu chuyện về việc qua thử thách gay go của chúng tôi, những việc làm cần mẫn của chúng tôi, chúng tôi có thể trở nên bình đẳng ngang hàng như thế nào, và một khi những cơ hội giáo dục được mở ra cho chúng tôi, chúng tôi cũng thiện nghệ như người Hoa. Tôi đã minh chứng nó chỉ là một vấn đề của cơ hội, lối vào như thế nào, và sự tự tin để nắm lấy những điều này sẽ làm nên sự khác biệt. Rồi thì tôi đã dành một sự lần nào đấy để giải thích rằng theo quan điểm khoa học, khi não bộ được quan tâm, ở mức độ nền tảng, mức độ sinh học, không có những sự khác biệt. Tất cả mọi người có cùng khả năng. Đấy, đây là những loại luận cứ tôi đã sử dụng.”
“Ngài biết không, thưa Đức Thánh Thiện, hoàn cảnh với người giáo viên này là trường hợp khác biệt thế nào đó với những gì chúng ta đang thảo luận. Cho đến bây giờ chúng ta đang nói về việc người ta thiên vị trong - nhóm của họ và cảm thấy thành kiến chống lại những nhóm - ngoài, chẳng hạn như những chủng tộc thiểu số. Như một kết quả, loài người có một lịch sử xấu xí về việc đàn áp những dân tộc thiểu số và những nhóm bị cho là xấu.
“Nhưng ở đây là một trường hợp thảm kịch ở chỗ là một thành viên của nhóm bị áp bức có thể cũng tiếp nhận những tin tưởng sai lầm trong sự hạ liệt của họ. Dĩ nhiên, như chúng ta đã thảo luận, tất cả những người khác nhau là bình đẳng, người ta có khuynh hướng tin tưởng sự ưu việt trong nhóm của chính họ. Nhưng trong trường hợp này những động lực khác làm phức tạp hình ảnh. Và câu chuyện của ngài nhắc tôi nhớ đến một số lý thuyết về những cấu trúc tâm lý ẩn tàng trong những trường hợp như thế này...”  
“Lý thuyết gì?” ngài hỏi.
“Một nhân tố,” tôi trả lời, “là nhóm ấy có thể cần giải thích duy lý sự không công bằng, và có thể dễ dàng hơn cho một số tin tưởng rằng họ, hay nhóm của họ, đã làm điều gì đấy sai lầm hay có một sự yếu kém cố hữu nào đấy, hơn là tin tưởng rằng họ là những nạn nhân vô vọng của một xã hội phân biệt đối xử. Tôi đoán rằng trong một trình độ tâm lý sâu xa nó làm cho ít băn khoăn hơn để tin rằng trong sự hạ liệt cố hữu của nhóm nào đấy hơn là tin tưởng trong một sự không công bằng, độc đoán, và phổ thông vô lối, nơi mà những thứ xấu xa xảy ra mà không có lý do gì. Vì vậy, dường như rằng những ấn tượng cố hữu mà chúng ta sở hữu là thường phục vụ như sự giải thích duy lý, hay cố gắng để làm cho hợp lý trong một thế giới vô lý. Thế thì, nó có thể hoạt động trong cả hai cách - những ấn tượng cố hữu tiêu cực về một nhóm có thể đưa đến những sự không công bằng, và những sự không công bằng này có thể ghi nhớ mãi những ấn tượng cố hữu rập khuôn.
“Dĩ nhiên, “tôi thêm, “loại giải thích duy lý này có thể làm thành kiến vĩnh viễn trong những kẻ áp bức cũng như những kẻ bị áp bức. Đã có những nghiên cứu cho thấy rằng những người không thích tin tưởng một thế giới bất công, và ý kiến về một thế giới mà trong ấy những thứ bất thiện xảy ra một cách bừa bãi đang làm lung lay hầu hết mọi người ở một trình độ sâu xa - ‘Nếu ai đấy đón nhận một sự đối xử tệ hại mà không có lý do, mà không xứng đáng, việc giống như thế có thể xảy ra cho tôi’. Do bởi điều này, nếu điều gì đấy tệ hại xảy ra cho người nào đấy, tối thiểu một bộ phận trong chúng ta muốn tin rằng họ thế nào đấy đáng bị như thế. Vì vậy, khi chúng ta thấy những nhóm bị phân biệt chống lại trong xã hội chúng ta, những người ở vị thế thấp kém, hay những ai ngay cả bị áp bức, chúng ta có khuynh hướng tin tưởng rằng họ phải sở hữu một điểm nào đấy chịu trách nhiệm [cho những bất công].
Đức Đạt Lai Lạt Ma gật đầu một cách ưu tư khi tôi tiếp tục, “Thế nào đi nữa, trường hợp ngài đề cập cũng nhắc tôi về một trong những ảnh hưởng tai hại và bi thảm của thành kiến kỳ thị chủng tộc, khái niệm về ấn tượng đe dọa rập khuôn cố hữu.”
“Điều gì thế?” ngài hỏi.
“Đấy là một trường hợp mà trong ấy những thành viên của một nhóm với ấn tượng xã hội rập khuôn cố hữu sẽ biểu hiện một hành động trong một cung cách bao hàm với những ấn tượng cố hữu tiêu cực. Cơ cấu tiềm tàng được nghĩ là những sự sợ hãi tiềm thức của con người mà thái độ hay sự biểu hiện của họ sẽ xác nhận sự hiện hữu của một ấn tượng cố hữu rập khuôn tồn tại về nhóm ấy. Điều này tạo nên một loại băn khoăn rằng rồi thì sẽ tác động lên những chức năng tinh thần đa dạng, chẳng hạn như ký ức và sự suy nghĩ chỉ trích, và điều đó đưa đến một sự yếu kém hay hư hại trong hiện thực - mà rồi thì làm củng cố thêm những hình ảnh ấn tượng cố hữu rập khuôn tiêu cực mà người ấy có thể có."
“Đã có nhiều nghiên cứu chứng minh bằng tư liệu cho ảnh hưởng này, cho thấy rằng đôi khi chỉ cần đưa một sự nhắc nhở nhỏ bé rằng họ ở trong một nhóm ấn tượng cố hữu để khơi dậy tác động này - thí dụ, chỉ một nhóm học sinh da đen điền đơn mà trong ấy chúng phải đánh dầu xác chứng chủng tộc trước khi thực hiện một cuộc khảo nghiệm tiêu chuẩn là đủ để làm phiền muộn sự biểu hiện của chúng, ấn tượng cố hữu năng động tiềm thức rằng học sinh da đen là kém thông minh và thực hiện những loại kiểm tra này kém hơn. Một cuộc nghiên cứu hấp dẫn nhắc nhở một cách gián tiếp một nhóm nữ sinh Á châu rằng, họ là người châu Á, là đặc điểm biểu hiện làm tốt hơn trong điểm thi môn toán. Rồi thì trong một cuộc kiểm nghiệm sau này - với cùng nhóm - sự nhắc nhở về giới tính của học sinh đã hạ điểm thi của chúng xuống,việc khởi động ấn tượng cố hữu rằng nữ sinh thì kém toán hơn. Những loại nghiên cứu này đã đưa một số nhà nghiên cứu đi đến kết luận rằng sự đe dọa của ấn tượng rập khuôn cố hữu có thể đóng một vai trò nào đấy trong khoảng cách lâu dài trong sự biểu hiện học đường ở Hoa Kỳ giữa những học sinh da trắng và những nhóm chủng tộc thiểu số, như những học sinh da đen và châu Mỹ La tinh (những người từ Mễ Tây Cơ đến Á Căn Đình...)”.
Cảm thấy rằng đức Đạt Lai Lạt Ma có thể trở nên chán nản vì sự độc quyền của tôi trong cuộc đàm luận, và mong muốn nghe quan điểm của ngài, nên tôi đã nói, “Cách nào đi nữa, thưa Đức Thánh Thiện, tôi muốn trở lại để thảo luận về những phương cách làm giảm thiểu thành kiến đối kháng với người khác. Ngài vừa đề cập một số tranh luận chống lại sự kỳ thị chủng tộc mà ngài đã dùng để thuyết phục một thành viên của một nhóm thiểu số rằng họ không yếu kém. Nhưng tôi đang tự hỏi lập luận nào ngài muốn áp dụng cho người nào đó ở phía đối diện, một người nào đó cảm thấy rằng những người khác là hạ liệt trong cung cách nào đó, ngài biết, một người mù quáng trong sự kỳ thị chủng tộc và tôn giáo. Ngài sẽ sử dụng cùng những luận cứ để chống lại sự phân biệt chủng tộc chứ? Ngài sẽ tranh luận với họ như thế nào để giúp họ vượt thắng thành kiến này?”
Đức Đạt Lai Lạt Ma ngừng lại một lúc. “Những lập luận sẽ là giá trị bình đẳng, bất kể người ông đang trình bày sự tranh luận. Nó vẫn là một vấn đề của việc cố gắng để vượt thắng những niềm tin sai lầm rằng có thể là một bộ phận nền văn hóa của người ta quy định - giải thích rằng ý tưởng rằng chủng tộc của người ta là ưu việt hơn những chủng tộc khác, nói tóm lại, đúng là vô minh; chỉ là ngớ ngẫn,” ngài nói với sự tin chắc. “Thực tế là không có căn bản khoa học, không có cơ sở đạo đức, không có nền tảng tinh thần cho những loại phân biệt đối xử. Người ta có thể mạnh mẽ chi ra rằng cảm giác chủng tộc ưu việt của họ thật sự là một hình thức của vọng tưởng. Thí dụ, một số có thể chỉ ra những khoảng cách trong sự giàu sang và tự gán bản chất hạ liệt của những người khác -- nhưng chúng ta có thể chỉ ra rằng nếu cho một cơ hội nào đấy theo thời gian, khoảng cách ấy sẽ biến mất. Bởi vì chúng ta có thể tranh luận với họ một cách hợp lý [logic], rằng nếu chủng tộc đối diện đã được cho cơ hội và thuận tiện để tự chứng tỏ họ cũng có tất cả những khả năng tự nhiên.”
Tôi cải rằng, “Nhưng, tôi vẫn nghĩ sẽ khó khăn hơn để thuyết phục những cá nhân, những người cảm thấy họ ưu việt. Có bất cứ luận cứ nào bổ sung mà ngài có thể sử dụng không?”
Đức Đạt Lai Lạt Ma cân nhắc về câu hỏi đó, “Trong trường hợp ấy, như tôi đã đề cập trước đây, tôi có thể hướng đến tính vị kỷ của họ, chỉ ra những ảnh hưởng có hại hay bất lợi của những tin tưởng ấy. Thí dụ, cho rằng người ấy đang tham gia vào thương trường. Sự thành công về thương trường của ai đấy thường tùy thuộc vào tiếng tăm của người ấy, và một tiếng tăm do thành kiến sẽ có hại cho kết quả tài chính của người ấy. Người ấy cũng mất đi sự tôn trọng của những người cộng tác hay làm việc cho người ấy, và sẽ có ít sự hợp tác hơn. Do vậy, cuối cùng, tự người ấy sẽ khổ đau. Thế nên, người ta có thể thấy sự kỳ thị chủng tộc của họ có thể có những ảnh hưởng tiêu cực trong đời sống cá nhân của một người, tối thiểu về lâu về dài.
“Một vấn đề khác. Tôi muốn yêu con người ấy thật sự phản chiếu trên sự bất an và những căng thẳng mà họ trải nghiệm trong một xã hội kỳ thị chủng tộc. Có một cái giá tâm lý lớn mà người ta phải trả để sống trong một cộng đồng với sự căng thẳng phân biệt chủng tộc như vậy. Và cũng có một cái giá khả năng vật chất, khi những cộng đồng hay các xã hội như vậy có thể rối loạn một cách dễ dàng trong bạo động.”
Đức Đạt Lai Lạt Ma nhấp một hớp nước nóng, rồi thêm, “Ông biết không, điều này nhắc tôi. Trước đây, ông tự hỏi bản chất cảm nhận về Chúng Ta và Họ có thể tiến triển thành những thứ phá hoại, thành bạo động. Một nhân tố quan trọng là thiếu sự tiếp xúc với người khác, những người ở phía bên kia. Và nếu ông phân tích điều này, khảo sát, ông có thể lần ra từng bước từng bước vấn đề điều này có thể đưa đến bạo động như thế nào: Sự thiếu sót tiếp xúc với người khác, hay cô lập với những người khác, là một nhân tố quan trọng ở đây, bởi vì thiếu tiếp xúc hay cô lập tạo nên kết quả trong sự thiếu hiểu biết về những nhóm khác. Sự không hiểu biết này rồi thì có thể đưa đến ‘ấn tượng cố hữu rập khuôn’ mà ông đề cập. Điều này cũng có thể đưa đến việc nghi ngờ hơn về phía kia. Và sự nghi ngờ này dễ dàng biến thành một loại sợ hãi. Và khi người hành động vì sợ hãi, khích động thì đó là một khả năng đáp ứng. Trong thực tế, nó là một trong những đáp ứng thông thường nhất. Vì vậy ông thấy, vì sợ hãi, làm nên sự mất lòng tin, rồi thì thái độ của họ đôi khi trở nên kích động hơn, của một loại bạo động hơn.
“Do thế, bất cứ khi nào ông có những sự phân chia mạnh mẽ giữa những con người, có một khả năng cho bạo động. Tôi nhớ, thí dụ, vài năm trước có một vụ hỗn loạn trong một cộng đồng ở Los Angeles, tại một khu vực mà người Đại Hàn chiếm ưu thế, đấy là một kết quả của việc căng thẳng giữa các chủng tộc. Vì vậy, để được sống trong một xã hội ổn định hơn, một môi trường an ninh hơn là quan tâm hàng đầu của mọi người. Đấy là một cảm nhận chung. Tôi muốn mời mọi người phản chiếu trên cảm giác nghi ngờ, sợ hãi, và lo âu mà người ta có thể trải nghiệm nếu người ta thấy mình bước đi trong một khu dân cư láng giềng cấu thành chủ yếu bởi nhóm thiểu số nào đấy, và hỏi người ta có thấy bất cứ lợi ích nào trong việc sống trong một môi trường mà người ta có thể bước đi bất cứ nơi đâu mà không cảm thấy bất an không”.
“À,” tôi vạch ra, “tôi không biết điều ấy sẽ là một sự tranh luận đủ năng lực cho một số người phân biệt chủng tộc nào đấy không, mặc dù thế, người ta rồi sẽ nói, “Ồ, tôi chỉ tránh đi bộ trên những khu vực ấy thôi.”
Đức Đạt Lai Lạt Ma cười, “Rồi thì sự lựa chọn khác luôn luôn sẽ là có những thành viên của chủng tộc khác gõ cửa nhà ông, và trình bày những tranh luận của họ với gậy bóng chày và gậy đánh gôn!” Ngài cười lần nữa và tiếp tục, “Nhưng luôn luôn có những người mà chúng ta không thể thay đổi. Có rất nhiều sự khác biệt trong những con người. Tuy thế, về phần ông, ông luôn luôn có thể cố gắng để thể hiện một khác biệt nào đấy, thực hiện một lời kêu gọi bằng việc mời họ cố gắng để hình dung việc sống trong một xã hội ít căng thẳng hơn, ít sợ hãi hơn, ít thù địch hơn và điều ấy sẽ tuyệt vời như thế nào; hỏi người ta có muốn con cái của họ sống trong một xã hội đầy dẫy với thù hận và sợ hãi không. Rốt cuộc, mọi người muốn sống trong một môi trường an toàn cho chính họ và cho gia đình của họ.”
“Ngài biết không, thưa Đức Thánh Thiện, tôi vừa mới nghĩ về cuộc đối thoại mà trong ấy tôi đã hỏi ngài về phản ứng của ngài khi ngài gặp một thành viên của một chủng tộc khác lần đầu tiên. Ngài nói rằng ngài không nhớ bất cứ thành kiến hay đáp ứng tiêu cực đối với họ. Nhưng đối với tôi, dĩ nhiên, có thể có nhiều khác biệt giữa những nhóm bên cạnh những khác biệt chủng tộc. Do vậy, tôi chỉ tự hỏi, ngay cả nếu ngài không có sự phân biệt chủng tộc khi ngài lớn lên ở Tây Tạng, một cách chắc chắn phải có những hình thức phân biệt khác biệt trong xã hội ấy. Ngài không bao giờ cảm nhận một cảm giác của thành kiến chống lại những nhóm khác trong một cách nào đấy chứ?”
Đức Đạt Lai Lạt Ma xem xét câu hỏi. “Vâng, có thể tôi đã cảm nhận một thành kiến nào đấy trên căn bản tôn giáo.”
“Trong cách nào?”
“Trong quá khứ, tôi đã có một cảm nhận xa cách nào đấy, ngay cả thiên vị, chống lại những truyền thống khác. Thí dụ, ở Tây Tạng có một số người thực hành theo Hồi giáo, và cũng thế tôn giáo bản thổ của chúng tôi trước Phật giáo là đạo Bon. Do vậy, tôi thật sự nhớ lại có một cảm giác xa cách nào đấy như thế này, nhưng sau này trải qua thời gian tôi đã chiến thắng những thứ định kiến này.”
“Và ngài đã vượt thắng những định kiến ấy như thế nào?”
“Như một kết quả của việc nghiên cứu nhiều hơn về những quan điểm của người khác, phát triển một sự thấu hiểu sâu rộng hơn về họ.
“Để cho rõ ràng, trong việc nhận ra sự nghiên cứu như một phương chước để giúp vượt thắng thành kiến, ngài có phải muốn nói học hỏi qua những loại chính thức hơn của giáo dục chuyên môn, như nghiên cứu về những nhóm người khác, v.v...? Tôi hỏi.
“Vâng, điều này có thể rất lợi ích,” đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời. “Nhưng ở đây, tôi đang liên hệ đến một sự thấu hiểu, được mang đến một cách đặc biệt qua sự tiếp xúc cá nhân với những người của các truyền thống khác này. Đấy là một nhân tố quan trọng nhất.
“Bây giờ, trong trường hợp của những người Tây Tạng, thí dụ, có thể nói nhiều về người Hoa, và đôi khi vào lúc đầu, khi họ nghĩ về người Hoa, trên bề mặt có thể có một cảm giác đấy, vâng, đây là một người Hoa, và họ cảm thấy một cảm giác xa cách và đối lập. Nhưng khi họ thật sự gặp một người Hoa với tư cách cá nhân, rồi thì có thể có ít cảm giác như vậy hơn nếu người Tây Tạng có thể liên hệ đến người ấy như một con người khác. Sau đó điều trở nên rõ ràng với họ để thật sự tỉnh thức về sự khác biệt giữa những ai chịu trách nhiệm cho việc gây ra những hành động tàn bạo chống lại người Tây Tạng, như đối lập với người Hoa trên bình diện chung. Vì vậy trong trường hợp này, thí dụ, ngày nay, thật sự tôi thích thú gặp gỡ với người Hoa.
Thế nên, nói chung, thật là quan trọng để liên hệ với những thành viên của những chủng tộc khác, đặc biệt những ai mà nhóm của họ hay quốc gia của họ mà chúng ta đang có xung đột, đừng đơn giản thấy họ như một đại diện của toàn thể nhóm ấy. Nhưng tốt hơn thấy họ như một cá thể của con người.”
Không ai trong chúng ta sinh ra mà không có định kiến. Kể cả đức Đạt Lai Lạt Ma. Sự thừa nhận dấu vết thiên vị và thành kiến khi ngài còn trẻ - định kiến chống lại những truyền thống tôn giáo khác - ngài tiến tới xác định những nhân tố làm cho ngài có khả năng loại trừ định kiến ấy. Những bình luận của ngài về vấn đề ngài vượt thắng những thành kiến của ngài như thế nào, được thố lộ với một sự hồn nhiên và ngẫu nhiên như vậy, sẽ dễ dàng để bị gạt bỏ như một vài nét đại cương ngắn gọn, ngay cả tầm thường hay sáo rỗng. Nhưng trong những lời bình luận súc tích này, được trích ra từ một khoảnh khắc thu gọn trong tiến trình diễn biến đàm luận dài đăng đẳng của chúng tôi, đức Đạt Lai Lạt Ma cống hiến những sự thật sâu sắc, xác định ba sách lược riêng rẽ và phân biệt đầy năng lực để chiến thắng thành kiến, những sách lược với khả năng để chuyển hóa xã hội: Sự tiếp xúc cá nhân, giáo dục, và thấy những người khác như những cá nhân. Mỗi phương cách này có một cấu trúc chứng cứ khoa học minh chứng những ảnh hưởng của nó, kể cả một sự nghiên cứu kinh ngạc nào đấy mới gần đây đã mở rộng sự thấu hiểu của chúng ta về thành kiến và khả năng để loại trừ nó. Do thế, thật hấp dẫn và đáng bỏ công để quán chiếu qua mỗi thứ này.
Dalai Lama
Tuệ Uyển dịch
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXVăn học miền Nam: Tổng quan 3

Văn học miền Nam: Tổng quan 3 Phần 15 Văn học Từ giai đoạn trước sang giai đoạn sau 1963 người ta có thể ghi nhận nhiều chuyển biến quan...