Thứ Ba, 10 tháng 9, 2024

Nghệ thuật trong thế giới phiền não 2

Nghệ thuật trong
thế giới phiền não 2

TIẾP XÚC CÁ NHÂN
Ý tưởng về sự tiếp xúc cá nhân giữa những nhóm khác nhau có thể giảm thiểu thiên vị và thành kiến đã có các tài liệu khoa học từ những năm 1930, và đến những năm 1940 đã có những quan tâm lớn mạnh trong việc tiến hành những nghiên cứu trong việc giao tiếp và thành kiến chủng tộc, được khuyến khích trong bộ phận những quân nhân trở về từ Thế Chiến Thứ Hai. Bất chấp chính sách phân ly chủng tộc tổng quát trong quân đội thời gian Thế Chiến Thứ Hai, một vài thí nghiệm hạn chế trong sự dành quyền bình đẳng được thực hiện rất trễ trong chiến tranh, chẳng hạn như mở rộng những Học Viện Sĩ Quan Dự Bị cho mọi chủng tộc đã không có được sự chú ý của những nhà khoa học xã hội, nhưng người ta khám phá ra rằng trong nhiều trường hợp, sự hợp thành một hệ thống thống nhất trong những trường huấn luyện và những kinh nghiệm chiến đấu đã làm giảm thiểu thành kiến.
Trong năm 1954, một trong những người khai sáng lĩnh vực tâm lý xã hội, Muzafer Sherif, điều khiển một cuộc nghiên cứu tác động cao độ với vợ ông ta, Carolyn Wood, gọi là Thí Nghiệm Robbers Cave(2). Đấy là một nghiên cứu cổ điển không chỉ là hình thức dễ dàng thành kiến và khích động giữa hai nhóm như thế nào, mà trên những lợi ích khả dĩ của việc tiếp xúc trong việc vượt thắng thành kiến và xung đột. Đây là một trong những nguyên tắc mà đức Đạt Lai Lạt Ma đã thấy là lợi lạc trong đời sống của chính ngài.
2. Một công viên của tiểu bang Oklahoma, rộng hơn tám nghìn mẫu Anh.
Nghiên cứu được điều khiển khi những thiếu niên cắm trại gần Công viên Robbers Cave ở Oklahoma, với Muzafer Sherif đóng vai trò như người gác cổng của trại. Cuộc nghiên cứu bao gồm chương trình ba giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, hai mươi hai thiếu niên mười một tuổi với quá khứ tương tự như nhau được chọn lựa và phân chia thành hai nhóm. Mỗi nhóm được một xe buýt đón riêng biệt và đưa đến trại, nơi chúng được ấn định sống trong khu nhà ở xa cách đủ để mỗi nhóm hoàn toàn không biết sự hiện diện của nhóm kia trong vài ngày đầu. Giai đoạn này tạo điều kiện thuận lợi cho sự gắn bó trong mỗi nhóm và để tăng cường nhanh chóng đặc tính mạnh mẽ trong-nhóm. Những thiếu niên chọn những cái tên “Những cái lục lạc” hay “Những con đại bàng” cho nhóm của chúng, và như dự đoán chúng nối kết với nhau một cách nhanh chóng, củng cố những cấp bậc xã hội nội bộ chỉ trong hai hay ba ngày.
Giai đoạn thứ hai được phác thảo để đem lại “sự va chạm” giữa hai nhóm. Sau khi sắp xếp để cho hai nhóm trở nên cảnh giác về mỗi bên, những nhà thể nghiệm tổ chức một cuộc thi đấu thể thao tranh tài cao độ giữa hai nhóm, thúc đẩy một sự hăng hái bao gồm cả sự làm thất vọng trong phương cách mà những trò chơi được xếp đặt và vận hành. Những nhà thể nghiệm đã thành công hơn là họ mong đợi; sự khích động đã bắt đầu hầu như ngay lập tức, ngay cả trước khi cuộc gặp gở đầu tiên, chỉ đơn thuần bằng việc tham gia cuộc tranh tài. Sự khích động đã gia tăng một cách rất nhanh chóng, từ một trò chơi gọi tên, “những cuộc tấn công bất ngờ” đối với những phòng ngủ của đối phương với sự tàn phá vật dụng, đến điểm mà hai nhóm thậm chí không muốn ăn chung trong cùng một quán ăn tự phục vụ. Trong thực tế, những nhà thể nghiệm phải chấm dứt Giai đoạn hai một cách vội vã, vì e sợ cho sự an toàn của những thiếu niên sau những cuộc đánh nhau xảy ra giữa những thành viên của hai nhóm.
Thời gian then chốt cho cuộc thí nghiệm này là giai đoạn ba và bốn, mà trong ấy những nhà nghiên cứu trình bày một phương pháp để chấm dứt những tình trạng thù địch và thúc đẩy sự hòa giải qua sự tiếp xúc giữa các nhóm. Họ đã bất ngờ đưa ra “các rắc rối” và những nhiệm vụ đòi hỏi sự hợp tác giữa các nhóm - những nhiệm vụ đòi hỏi sự chú ý và giải pháp của chúng, nhưng những điều ấy không nhóm nào có thể làm một mình. Đây là những vấn nạn vượt quá sự xung đột giữa các nhóm. Những thử thách được đề ra bởi những nhà nghiên cứu bao gồm vấn đề thiếu nước; một chiếc xe tải của trại “bị hư” cần đủ “sức lực của con người” để kéo về trại, đòi hỏi tất cả hai nhóm cùng kéo với nhau, và tìm ra một bộ phim để chiếu. Những điều này và những hợp tác cần thiết khác đã làm cho thái độ thù địch lắng xuống một cách kỳ diệu. Hai nhóm đã vượt thắng thành kiến của chúng với nhau và liên hệ chặc chẽ đến mức độ mà vào lúc kết thúc cuộc thí nghiệm này, những đứa trẻ nhất trí khăng khăng đòi cho chúng được về nhà trên cùng một chiếc xe buýt.
Bất chấp những thí nghiệm này, Gordon Allport thường được ghi nhận với việc thực hiện công trình khởi đầu khảo sát phương pháp giảm thiểu thành kiến và xung đột giữa các nhóm này, giới thiệu Giả Thuyết Giao Tiếp trong quyển sách Bản Chất của Thành Kiến của ông. Trong việc nghiên cứu ý tưởng giao tiếp giảm thiểu thành kiến, rất rõ ràng rằng mặt-đối-mặt, tiếp xúc cá nhân đơn thuần sẽ không nhất thiết đưa đến một sự giảm thiểu thành kiến. Những người chủ nô lệ ở miền Nam Cũ thường tiếp xúc với những người nô lệ mỗi ngày trong đời sống của họ, thậm chí được nuôi nấng bởi những bà bảo mẫu người da đen, nhưng điều ấy đã không xóa bỏ thành kiến. Allport xác định một vài nhân tố mà ông cảm thấy phải hiện diện nhằm để cho sự giao tiếp thành công trong việc giảm thiểu xung đột giữa những nhóm và đạt được sự hòa hiệp giữa những nhóm: Thứ nhất, ông luận rằng những nỗ lực phải được thực hiện để tạo nên một cảm giác bình đẳng trong vị thế xã hội, hay nhiệm vụ. Sự hợp tác liên nhóm là một thành phần quan trọng khác nữa, mà trong ấy những nhóm liên hệ phụ thuộc hỗ tương vào nhau. Một cách lý tưởng, sự giao tiếp có ý nghĩa thông thường, tránh một cảm giác giả tạo không tự nhiên. Cuối cùng, nếu có thể, sự giao tiếp nhóm và làm việc với nhau phải được hỗ trợ bởi cộng đồng mà họ hiện diện - được thừa nhận bởi những người có thẩm quyền, luật pháp, hay phong tục địa phương.
HỌC HỎI VÀ GIÁO DỤC
Một sách lược khác được khuyến nghị bởi đức Đạt Lai Lạt Ma là giáo dục. Đức Đạt Lai Lạt Ma cho rằng học hỏi nghiên cứu về những nhóm khác sẽ làm cho thành kiến suy giảm và đi đến xóa bỏ nó trải qua thời gian được hỗ trợ bởi cả cảm nhận thông thường lẫn những chứng cứ khoa học thực tế.
Điều này có thể xảy ra trong ba cách chính: Đầu tiên, càng có nhiều thông tin về những nhóm khác, chúng ta càng có thể thấy người khác trong những cung cách cá tính hóa và cá nhân hóa, như những con người đặc thù thay vì là những đại diện trong một - không gian của một nhóm. Thứ hai, càng hiểu biết về người khác có thể giảm thiểu về việc tương tác không chắc chắn với người khác, là điều có thể làm giảm thiểu sự có thể đúng về các việc những thành viên của những nhóm khác tránh [xa] và giảm thiểu sự khó chịu trong những tương tác thật sự xảy ra. Thứ ba, tăng cường sự thấu hiểu liên văn hóa, trong dạng thức của quá khứ lịch sử đẹp đẽ hơn hay gia tăng tính nhạy cảm văn hóa, có thể giảm thiểu thành kiến bằng gia tăng việc nhận ra bất công. Học hỏi nghiên cứu về những khổ đau và phân biệt của một nhóm trong khi thấu cảm với những nạn nhân có thể đưa con người đi đến tin tưởng rằng những nạn nhân không đáng phải chịu những đối xử sai lầm như thế. Nếu những nạn nhân không đáng chịu những đối xử bất công này, có thể không còn biện hộ được cho việc giữ những thái độ tiêu cực về họ.
Để thấu hiểu việc giáo dục có thể vượt thắng thành kiến một cách chân thành như thế nào, thật hữu ích để có một cái nhìn khác vào những yếu tố thần kinh tương liên về thành kiến và những gì xảy ra trong não bộ khi chúng ta nghiên cứu về một nhóm bị áp bức. Lúc trước, chúng tôi đã đề cập về vấn đề thành kiến như là một kết quả của những con đường thần kinh được bổ sung trong não bộ con người - trong ý nghĩa chúng ta ra đời được trang bị với một tình trạng đặc trưng dễ thiên về thành kiến. Như chúng tôi đã thảo luận, đây là một đặc trưng rất xưa cũ của chức năng não bộ thông thường, gợi lại những bộ phận nguyên sơ hơn của não bộ - chẳng hạn như hệ thống phản ứng, và kẻ tinh nghịch amygdala(3), thủ phạm trong việc sản sinh ra những phản ứng cảm xúc tiêu cực đến những nhóm-ngoài.
3. Amygdala một bộ phận của hệ thống báo động nguy hiểm của não bộ, có trách nhiệm cho việc gợi lên những cảm giác như sợ hãi và giận dữ, những đáp ứng cảm xúc mạnh mẽ hỗ trợ trong những tình cảnh đe dọa đời sống.
Điều này có thể dường như là một sự kiện đáng buồn cho sự hiện hữu của con người, nhưng may mắn thay, đấy chỉ là phân nửa của câu chuyện. Não bộ của chúng ta cũng nối kết với khả năng để vượt thắng thành kiến. Điều này là có thể bởi vì có những lối mòn thần kinh chạy giữa những khu vực mới hơn, tiến bộ hơn của não bộ, vỏ não phía trước trán - vị trí của những suy tư cao cấp - và những khu vực cổ xưa, nguyên sơ hơn như amygdala. Những đường thần kinh vòng quanh này cho phép những khu vực của tư duy dựa trên lý trí và những khu vực của cảm xúc trong não bộ truyền thông với nhau. Do vậy, việc sử dụng khả năng của chúng ta cho lý trí, lý luận (logic), và phân tích phê bình để chiến đấu với những niềm tin sai lầm, những quan niệm bị bóp méo, và thành kiến có thể kết quả trong những thông điệp được gởi ra từ vỏ não trước trán du hành dọc theo những lối mòn thần kinh đến amygdala, trong việc kiềm chế sự khởi động của amygdala. Điều này là cơ cấu cho phép học hỏi và giáo dục để điều chỉnh sự đáp ứng tiêu cực bẩm sinh đến những nhóm-ngoài và vì thế vượt thắng thành kiến.
Sự tiếp xúc với những thành viên nhóm-ngoài càng nhiều, chúng ta sẽ càng đạt được những sự thấu hiểu hơn về họ. Càng có nhiều thông tin hơn, chúng ta càng có thể thấy những người khác trong những cung cách cá tính hóa và cá nhân hóa hơn, như những con người đặc thù thay vì như là một đại diện trong không gian của một nhóm. Điều này đưa đến sự tiếp cận tiếp theo của đức Đạt Lai Lạt Ma để vượt thắng thành kiến: Nhìn những thành viên của ‘nhóm-ngoài với ấn tượng cố hữu rập khuôn’ như những cá nhân.
NHẬN THỨC NHỮNG CÁ NHÂN: PHƯƠNG PHÁP THỰC VẬT
Cho đến mới gần đây những nhà khoa học vẫn nghĩ rằng những định kiến thiên vị tiêu cực của chúng ta được gợi lên khi chạm trán thành viên một nhóm-ngoài, nhưng rằng sự đáp ứng này có thể được giảm thiểu qua học hỏi, giáo dục, và những phương pháp như thử thách những niềm tin sai lầm của chúng ta về nhóm. Nhưng người ta tin rằng không có điều gì có thể làm để ngăn ngừa sự đáp ứng tiêu cực khỏi sinh khởi ngay lập tức - nó xảy ra quá nhanh. Nói cách khác, một khi những định kiến thiên vị hay những niềm tin công thức hóa được khởi động, thì có những phương pháp để vô hiệu hóa nó và để ngăn ngừa những hành vi thành kiến hay phân biệt công khai. Nhưng không có điều gì có thể hoàn tất để ngăn ngừa nó khỏi khời động một cách tự nhiên.
Tại sao? Những khu vực cổ xưa hơn của não bộ gợi lên cảm xúc, chẳng hạn như amygdala được xây dựng một cách tự nhiên để hỗ trợ chúng ta đáp ứng đến những đe dọa hay nguy hiểm một cách nhanh chóng và hiệu quả. Vì vậy, khi chúng ta chạm trán với một người khác, sự phân tích của cá nhân xảy ra trong những khu vực ấy của não bộ là thô sơ, nhìn vào một nét duy nhất - thù hay bạn, trong-nhóm hay ngoài-nhóm. Điều này xảy ra rất nhanh, trong một phần mười của giây. Nếu đã phân loại như “kẻ thù”, báo động được ban ra, gợi lên những cảm xúc tiêu cực như thái độ sợ hãi hay thù địch. Trái lại, khu vực “suy nghĩ” của não bộ, tân vỏ não, khu vực sản sinh những tư duy ý thức, niềm tin, ý tưởng, lý trí, v.v... phân tích con người trong chiều sâu xa hơn, lượng định những điểm đa dạng hơn, và những thuộc tính của con người, không chỉ một điểm. Do vậy, một cách hợp lý, sự phân tích phức tạp hơn cần nhiều thời gian hơn. Vì vậy, khi chúng ta cảnh giác một cách tỉnh thức về con người, và những ấn tượng cố hữu công thức hóa và những niềm tin của chúng ta về con người ấy nổi lên trong tâm ý chúng ta, những phản ứng cảm xúc đã xảy ra rồi.
Cho đến mới gần đây, chúng ta dường như phải đối diện với một thử thách không vượt qua được: Không chỉ là những phản ứng thành kiến tự động và tự phát, mà chúng cũng có thể là hoàn toàn vô ý thức. Chúng ta có thể chất chứa những thành kiến bẩm sinh chống lại những nhóm khác đúng cùng lúc tin rằng chúng ta hoàn toàn không có thành kiến và vô tư. Chúng ta thích nghĩ về chính mình như công bằng và không định kiến, và tuy thế chúng ta đã bị điều kiện hóa bởi xã hội chung quanh chúng ta, đôi khi ngay cả không tỉnh thức về nó. Điều kiện hay nhân duyên mà chúng ta thấm nhuần với chúng không nhất thiết đến từ tuyên truyền mù quáng hay thành kiến rõ ràng hay những thông điệp thúc đẩy từ nền văn hóa của chúng ta, chẳng hạn như trong những thế hệ quá khứ. Những đáp ứng thành kiến ngay cả có thể được học hỏi qua những dấu hiệu xã hội vi tế được truyền đạt bởi những người khác - thí dụ, một cách đơn giản bằng việc nhận định những biểu hiện sợ hãi trên khuôn mặt của con người khi chạm trán thành viên của một nhóm ngoài. Dĩ nhiên, rắc rối là những biểu hiện vô thức theo bản năng có thể vẫn có những hệ quả thù nghịch vi tế trong sự phán xét, tương tác, và các mối quan hệ với những thành viên của chủng tộc khác hay nhóm khác.
Nếu chúng ta ngay cả không cảnh giác về những định kiến thiên vị của chúng ta, làm sao chúng ta có thể chiến đấu với chúng? Có phải đấy là trường hợp mà một trình độ nào đấy của những định kiến tiêu cực chống lại những nhóm khác là luôn luôn không thể tránh được?
Khi hóa ra rằng, những thành kiến của chúng ta thì dễ chữa trị hơn như được tin tưởng trước đây và hiệu quả của một kỹ thuật đơn giản (đã được đức Đạt Lai Lạt Ma đề cập một lần: Thấy thành viên của một ‘nhóm ấn tượng cố hữu công thức hóa’ như những cá nhân) đã hoàn toàn lật đổ sự thấu hiểu khoa học trước đây.
Những thí nghiệm khởi đầu trong lĩnh vực này đã từng được điều khiển bởi nhà tâm lý học Susan Fiske và những đồng nghiệp của bà tại Đại học Princeton sử dụng fMRI(4) hình dung não bộ và thử nghiệm điện từ. Hình ảnh cộng hưởng chức năng điện trường (fMRI) là một loại chiếu quang tuyến X của não bộ cho thấy những vùng nào của não bộ là năng động nhất tại bất cứ một thời điểm đề ra nào đấy. Nằm trên một chiếc bàn, đối tượng được trượt nhẹ nhàng vào trong một máy ra-đa quan sát não bộ, bao quanh đầu như một cái bánh vòng doughnut khổng lồ. Máy fMRI cho thấy một loạt những hình ảnh tinh tế cao độ những vùng lướt qua bên trong não bộ, mà có thể được xem trên một màn ảnh. Vượt xa những tấm ảnh bất động của não bộ giải phẩu, máy fMRI cũng có thể cho thấy những hình ảnh sống động của chức năng não bộ, khi những khu vực của não bộ “chiếu sáng” trong những màu sắc khác nhau phù hợp đến vùng nào của não bộ được khởi động tại thời điểm ấy.
4. fMRI: Functional magnetic resonance imaging.
Trong một loạt thí nghiệm nổi bật, Fiske và những đồng nghiệp đã bắt đầu bằng việc đưa ra một nhóm những đối tượng da trắng, một loạt những tấm ảnh của những khuôn mặt không quen biết, bao gồm cả những người da trắng và da đen. Điều khiển những đối tượng, sử dụng máy fMRI quan sát não bộ, họ thấy rằng amygdala được khởi động khi các đối tượng thấy những khuôn mặt da đen, nhưng bất động khi họ được cho thấy những tấm hình của những người cùng chủng tộc của họ. Những nghiên cứu trước đây đã thấy rằng amygdala càng “sáng lên”, người ấy càng đạt điểm cao hơn trong một thử nghiệm mức độ cho thành kiến phân biệt chủng tộc. Một cách thích thú, amygdala được khởi động tối thiểu ở một mức độ nào đấy, cho thấy một đáp ứng định kiến thiên vị hay quan điểm mù quáng hoàn toàn, nhấn mạnh bản chất tự động và vô thức của những phản ứng này.
Nghiên cứu này chỉ có thể ước định phần hợp thành cảm xúc thành kiến, những định kiến tiêu cực, mà không phải phần cấu thành nhận thức, những ấn tượng công thức hóa và các tin tưởng sai lầm. Sự quan sát của não bộ không thể đọc những tư tưởng hay niềm tin. Do vậy, những nhà tâm lý xã hội khai triển sự thử nghiệm nhận thức để ước định những niềm tin ấn tượng cố hữu công thức hóa của một người. Loại thử nghiệm này liên hệ những gì được gọi là kỹ thuật nhử mồi. Đầu tiên họ làm cho đối tượng nghĩ về một nhóm-ngoài bằng những phương pháp như là cho họ thấy một tấm ảnh của một thành viên nhóm-ngoài, được gọi là bước sơ khai. Trong bước thứ hai, tổng quát những đối tượng được cho xem một loạt từ ngữ, một số ấy trình bày những nét ấn tượng cố hữu tiêu cực dặc biệt liên hệ với nhóm-ngoài. Đối tượng có thể được hỏi, thí dụ, đọc những chữ ấy to lên và nhanh tối đa mà họ có thể làm. Nghiên cứu ban đầu chứng minh rằng nếu đối tượng chấp giữ những niềm tin ấn tượng cố hữu về nhóm-ngoài, họ sẽ có thể nhận ra và phát âm những nét ấn tượng cố hữu nhanh hơn đo lường được so với việc họ có thể phát âm một nét trung tính hay tích cực. Qua những phương pháp như vậy, có thể cho những nhà nghiên cứu quyết định sự thành kiến có hiện diện hay không, ngay cả khi đối tượng có thể không cảnh giác một cách ý thức về việc thành kiến của người ấy.
Câu hỏi căn bản ở đây là, có cách nào để loại trừ thành kiến hay không? Những thí nghiệm khởi đầu của Fiske đã cung ứng một câu trả lời ấn tượng và kinh ngạc đến câu hỏi ấy. Trong thí nghiệm này, những nhà khảo sát đã ước định cả những cấu trúc cảm xúc và nhận thức của thành kiến trong môt nhóm những đối tượng, sử dụng máy fMRI quán sát và những kỹ thuật thử nghiệm nhận thức như đã diễn tả ở trên. Sự đánh giá này được lập lại dưới hai điều kiện khác nhau, với những hướng dẫn khác nhau.
Trong một phần của cuộc thí nghiệm, những đối tượng da trắng được yêu cầu nhìn vào những tấm ảnh người da đen và phán đoán người trong ảnh có phải trên hai mươi mốt tuổi hay không. Sự chỉ dẫn này khuyến khích đối tượng nhìn vào những khuôn mặt trên căn bản những đặc trưng xã hội, thực hiện một sự phán đoán nhanh gọn về việc khuôn mặt ấy có thuộc vào nhóm “trên hai mươi mốt” hay nhóm “dưới hai mươi mốt”. Giống như chủng tộc và giới tính, “nhóm tuổi tác”, đặc trưng căn cứ trên “già” hay “trẻ”, là một trong những đặc trưng hay nhóm phân biệt xã hội mà chúng ta có thể nhận ra ngay lập tức trong văn hóa của chúng ta. Nhìn những tấm ảnh trong dạng thức của tư cách thành viên trong một nhóm làm chán nản việc nhìn vào họ như những cá nhân, là điều đòi hỏi những sự phân tích chi tiết hơn về những đặc trưng cá nhân trên khuôn mặt ấy. Dưới những điều kiện này, khi những đối tượng da trắng lượng định những khuôn mặt da đen trên căn bản của vấn đề “trên hay dưới hai mươi mốt”, những thành kiến chủng tộc của các đối tượng được gợi ra - phát sinh cả những sự thiên vị cảm xúc tiêu cực (khởi động amygdala căn cứ trên máy fMRI) và những ấn tượng kỳ thị chủng tộc cố hữu (được quyết định bằng thử nghiệm nhận thức).
Trong giai đoạn thứ hai của thí nghiệm, những đối tượng được khuyến khích để nhìn đến những người trong ảnh như một cá nhân, hơn là trên căn bản tư cách thành viên của họ trong một nhóm (chẳng hạn như nhóm tuổi tác, giới tính, hay chủng tộc). Điều này được hoàn tất bằng việc chiếu lên tên một loại rau cải trên màn ảnh trước khi đưa ra mỗi tấm ảnh, và hỏi những đối tượng nghĩ về cá nhân trong tấm ảnh và quyết định xem người ấy có thích rau cải không. Nhiệm vụ này được bố trí để làm cho đối tượng nghĩ về mỗi khuôn mặt như một cá nhân đặc thù với những sở thích và đặc trưng cá nhân. Lạ lùng thay, và ngạc nhiên hơn thay đối với nhiều nhà nghiên cứu, khuynh hướng cố ý để nhìn con người ấy như một cá nhân đã loại trừ đáp ứng thành kiến một cách hoàn toàn trên một trình độ căn bản đến nổi mà amygdala không khởi động mà những ấn tượng kỳ thị chủng tộc cố hữu cũng không gợi lên! Thành kiến một cách đơn giản đã biến mất!
Sự khám phá này đã đánh đổ một cách hoàn toàn những ý kiến bảo thủ mạnh mẽ trước đây rằng thành kiến là một đặc trưng không thể tránh khỏi trong sự hiện hữu nhân loại, và rằng chúng ta không có năng lực để ngăn ngừa những phản ứng “tự động” và “vô thức” này xảy ra. Rõ ràng các nhà tâm lý học và khoa học đã đánh giá vô cùng thấp khả năng của con người để thấy người khác như họ thật sự là những cá nhân giống như “chúng ta”, hơn là phản ứng một cách tự động với một cảnh báo-nguy hiểm, đáp ứng đến những người xa lạ giống như họ là những thành viên của của một bộ lạc nhỏ thù địch ở hang sâu núi thẳm nào đấy, những kẻ không muốn gì hơn là đánh chúng ta với một cây búa đá và cướp bóc những nguồn cung cấp hoa trái và những miếng sườn voi [khổng tượng] của chúng ta.
Thật đáng sửng sốt! Những đối tượng này đã cho thấy có sự thành kiến phân biệt chủng tộc tối thiểu ở một mức độ nào đấy. Và ngay cả nếu một người không có những niềm tin tượng cố hữu được nghĩ là có cảm xúc thiên vị tiêu cực chống lại những nhóm khác là một phản ứng thâm căn cố đế tự động một cách sâu xa của loài người, điều gì đấy vượt ngoài sự kiểm soát của ý thức. Nhưng bây giờ, dường như là sự phản ứng bẩm sinh nền tảng của con người này, một sự đáp ứng có gốc rễ của thành kiến, thù hận, xung đột, và ngay cả bạo động - phản ứng Chúng Ta chống lại Họ - có thể được tiêu trừ một cách dễ dàng và nhanh chóng. Trong thực tế, tất cả chúng ta cần là khuynh hướng cẩn trọng nhìn người khác như những cá nhân: “Hmm... tôi tự hỏi loại rau cải nào mà người này thích?”.
Kỹ thuật này quá dễ dàng để thực hiện và thật hiệu quả, rằng nó đưa những nhà nghiên cứu tự hỏi mọi thứ có dễ dàng như thế không. Vì thế họ quyết định hướng đến việc đánh cuộc. Căn cứ trên những nghiên cứu trước, họ lưu trữ hồ sơ những phản ứng thành kiến đến một sự đa dạng thông thường “ngoài-nhóm”: Những nhóm dựa trên tuổi tác, giới tính, tàn tật, hay giàu sang. Giống như những tấm ảnh của những nhóm chủng tộc, những tấm ảnh này cũng gợi ra những phản ứng cảm xúc tự động đa dạng. Người ta bây giờ quyết định thử “kỹ thuật rau cải” với những nhóm-ngoài “khắc nghiệt”, những nhóm bị bêu xấu cao độ trong xã hội chúng ta chẳng hạn như vô gia cư và nghiện ngập.
Việc làm trước đây của họ với những nhóm-ngoài “khắc nghiệt” đã khơi mở một vài khám phá không ngờ. Sử dụng cùng kỹ thuật fMRI, người ta thấy rằng việc nhìn những tấm hình của nhóm-ngoài “khắc nghiệt” tức thời đã khởi động một khu vực của não bộ được biết như ‘thùy nhỏ’ ở não trước (insula), một khu vực phối hợp với thái độ né tránh và những cảm giác chán ghét - một cách nổi bật, trong những nghiên cứu trước kiểu mẫu này của não bộ hoạt động đã được thấy trong các phản ứng của những đối tượng đến những vật thể như rác rưởi, người tàn tật, và vật thải của con người. Sự khám phá nổi bật nhất trong nghiên cứu này là cái nhìn những hình ảnh của người vô gia cư cũng thất bại trong việc khởi động một vùng não bộ được biết như mặt sau vỏ não phía trước trán (mPFC(5)), một vùng của não bộ đáp ứng đến tác dụng kích thích xã hội nổi bật và bật sáng bất cứ khi nào người ta nghĩ về những con người khác hay chính họ. Sự liên can đến khám phá này? Những nhà nghiên cứu báo cáo rằng sự đáp ứng của não bộ là “giống như người ta trượt chân trên một đống rác”.
5. mPFC: The dorsomedial prefrontal cortex.
Sử dụng “phương pháp rau cải” với hình ảnh “rác rưởi của con người”, Fiske cũng có thể đảo ngược lại những phản ứng thành kiến đến các tấm ảnh ấy - với kết quả là vùng nhận thức của “con người”, mặt sau vỏ não phía trước trán (mPFC) được khởi động, và phản ứng “rác rưởi ghê tởm” không khởi động. Giản dị một cách không thể ngờ rằng: “Loại rau cải nào bạn nghĩ người hành khất thích?” cho phép đối tượng thấy một con người thật sự thay vì một đống rác vô tri vô giác.
Thêm nữa để giúp những cá nhân vượt thắng thành kiến chống lại những nhóm khác, nguyên tắc nền tảng của kỹ thuật rau cải có thể giúp loại trừ một cách năng động sự lan tỏa những rắc rối xã hội khác mà chúng ta đã xác định trước đây: Sự đe dọa của ấn tượng rập khuôn cố hữu. Đặc trưng nổi bật của kỹ thuật rau cải là cố ý thấy người nào đấy như một cá nhân thay vì như một đại biểu của một nhóm. Áp dụng cùng nguyên tắc, nhà tâm lý học Geoffry Cohen thuộc Đại học Colorado và nhóm nghiên cứu của ông điểu khiển một thí nghiệm với những liên hệ khổng lồ cho hệ thống giáo dục của chúng ta và khoảng cách thành tích chủng tộc - sự khám phá được biết đến nhiều rằng, trên mức độ trung bình, những học sinh da đen chậm trể phía sau những học sinh da trắng trong những thành tích chuyên môn. Khoảng cách này được suy nghĩ rộng rãi qua đe dọa của ấn tượng rập khuôn cố hữu.
Trong thí nghiệm này, các nhà nghiên cứu đã chọn một lớp Bảy bao gồm phỏng chừng phân nửa học sinh da trắng và phân nửa học sinh da đen. Vào đầu học kỳ, giáo viên đưa cho học sinh một danh sách của những giá trị (thí dụ, duy trì mối quan hệ với bạn bè hay gia đình, hành động tốt với nghệ thuật, trau dồi khả năng thể thao). Nhưng nhà nghiên cứu sau đó phân chia một cách ngẫu nhiên lớp học thành hai nhóm. Trong nhóm thể nghiệm, giáo viên hỏi học sinh chọn lựa giá trị quan trọng nhất đối với chúng và viết một bài tiểu luận giải thích tại sao chúng xem giá trị ấy là quan trọng. Những học sinh trong điều kiện kiểm soát được yêu cầu biểu lộ giá trị kém quan trọng nhất của chúng và viết một bài luận tại sao giá trị này có thể là quan trọng đối với người khác. Một khi chúng viết xong, chúng sẽ đặt bài viết trong một bao thư và đưa cho giáo viên. Sau đó giáo viên sẽ tiếp tục với chương trình thường lệ hằng ngày. Toàn bộ tiến trình mất khoảng mười lăm phút.
Vào cuối học kỳ, Cohen và những đồng nghiệp của ông được phép tham khảo mọi dữ liệu của các học sinh. Kết quả thật đáng sửng sốt: Như được dự đoán trước, về trung bình, học sinh da đen đã làm bài yếu kém hơn những học sinh da trắng, tuy nhiên, những học sinh da đen trong nhóm thể nghiệm đã làm tốt hơn trên mức độ trung bình khoảng 25 phần trăm của điểm học kỳ, tương ứng khoảng 40 phần trăm giảm thiểu trong khoảng cách thành tích do chủng tộc.
Kết quả của nghiên cứu này thật quá sốc, trong thực tế, người ta đã có một lúc khó tin vào điều ấy. Họ đã lập lại thí nghiệm với một nhóm học sinh khác - với cùng những kết quả (sự chênh lệch tình cờ là khoảng 1 trên 5.000). Những tác giả của nghiên cứu lý luận rằng chỉ viết một bài luận này đã có sự tác động tái khẳng định tính tự trọng, làm nổi bật giá trị bản thân của chúng, và khẳng định giá trị cá nhân của chúng. Vì vậy, việc viết bài, làm bài đã xuất hiện để cách ly những học sinh thiểu số chống lại những đe dọa ấn tượng cố hữu và những hậu quả của chúng.
Dĩ nhiên, đây chỉ là nghiên cứu khởi đầu nhưng những liên hệ rất rộng rãi - khoảng cách thành tích đã từng là một trong những vấn đề thử thách nhất trong xã hội chúng ta cho những nhà giáo dục, và không nghi ngờ gì có những nguyên nhân phức tạp. Nhưng quan tâm đến hàng triệu đô la dành cho mỗi năm cố gắng để khép lại khoảng cách này, và vô số giờ làm việc đã bỏ ra trong rất nhiều chương trình đặc biệt cố gắng để thu hẹp khoảng cách, thì một sự can dự chỉ mất một số phút nào đấy mà thôi có thể có giá trị vô vàn - sự lan rộng vượt xa thành tích chuyên môn.
TÍNH BÌNH ĐẲNG NỀN TẢNG CỦA CHÚNG TA
“Thưa Đức Thánh Thiện, ôn lại phương pháp của ngài để vượt thắng thành kiến, ngài đã đề cập là chúng ta cần những phương pháp đa dạng, chẳng hạn như tiếp xúc cá nhân, hay xem những người khác như những cá nhân hơn là những đại biểu đơn thuần của một nhóm. Nhưng phương pháp chính của ngài dường như là đang vượt thắng những điều kiện tiêu cực của chúng ta, bằng việc thử thách và vượt thắng những tin tưởng sai lầm của chúng ta, chẳng hạn như sự ưu thắng và hạ liệt cố hữu của chính nhóm chúng ta hay của những nhóm khác..”
“Đúng như thế,” ngài khẳng định.
“Thế thì, ngài có những suy nghĩ nào xa hơn về một số chi tiết đặc biệt của lý trí mà chúng ta có thể áp dụng ở đây để giúp cho việc chiến thắng những điều kiện tiêu cực hay những tin tưởng sai lầm hay không?”
“Vâng,” ngài nói, “phương cách để làm điều ấy là qua việc phản chiếu trên tính bình đẳng nền tảng của chúng ta như những con người. Tôi nghĩ càng gia tăng tỉnh thức, thúc đẩy một cách năng động những ý tưởng tích cực chẳng hạn như tính bình đẳng nền tảng trong tất cả mọi người, thành kiến càng giảm trong xã hội.”
“Ngài có thể đề xuất những phương cách có thể giúp chúng ta củng cố một sự đánh giá đúng hơn về nền tảng bình đẳng như những con người hay không?” tôi hỏi.
“Thí dụ,” ngài giải thích, “sinh học và di truyền học hiện đại đã minh chứng một cách đầy năng lực có một ít khác biệt thật sự thế nào giữa con người. Do thế, tranh luận có thể thực hiện trên căn bản khoa học, chỉ ra, thí dụ, trên bình diện di truyền học những loại chủng tộc phân biệt ra thế nào, đưa đến khẳng định về tính ưu việt hay hạ liệt, một cách đơn giản không hiện hữu. Khảo sát những khám phá khoa học này một cách sâu sắc hơn có thể hỗ trợ. Trong thực tế, có thể ông có thể khảo sát điều này và bao hàm nó trong quyển sách của chúng ta. Cũng có những nhận thức trong tư tưởng thế gian và chính trị nhấn mạnh sự bình đẳng của con người, chẳng hạn như khái niệm về những quyền tự nhiên cũng như quan điểm xã hội chủ nghĩa về tình huynh đệ của giai cấp vô sản đã vượt khỏi biên giới quốc gia. Trong những hệ thống dân chủ tự do cũng thế, có ý tưởng rằng ‘tất cả mọi người sinh ra bình đẳng’(6). Thêm nữa, tiền đề cơ bản làm nền tảng hệ thống công lý là tất cả chúng ta bình đẳng trong đôi mắt của luật pháp...”
6. Trích từ Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ do Thomas Jefferson soạn.
“Thưa Đức Thánh Thiện, ở đây ngài đang thực sự đề xuất về sự phân tích và phản chiếu một cách thật sâu sắc trên sự bình đẳng cơ bản như những con người. Tôi chú ý rằng những dòng lý trí mà ngài đề xuất tất cả đều từ khái niệm của phương Tây. Nhưng những gì là từ quan điểm của đạo Phật? Không có những sự thực tập nào đấy có thể hỗ trợ để tạo nên cảm nhận bình đẳng nền tảng này chứ?" tôi hỏi.
“Dĩ nhiên, có sự thực tập trau dồi hành xả trong Phật giáo có thể giúp để giảm thiểu những định kiến thiên vị của chúng ta.”
“Ngài có thể diễn tả sự thực hành ấy không?”
“Vâng. Sự thực hành thiền quán này liên hệ việc quán tưởng một người bạn, một kẻ thù, và một người trung tính và rồi thì đầu tiên cho phép tâm thức chúng ta phản ứng đến một trong những người này trong cách thông thường của chúng ta: Quán chiếu ta cảm xúc dính mắc đến người thương, cảm giác thù hận đối với người ta không thích, và cảm nhận dửng dưng hay không xúc cảm đến một người lạ. Bước tiếp theo là tự hỏi mình, ‘Tại sao tôi cảm thấy những xúc cảm như vậy đến ba cá nhân này?’ Ta sẽ tìm thấy một số nền tảng, như bạn ta đã làm những điều này hay điều nọ cho ta, đã biểu lộ sự tử tế cho ta, v.v... Nhưng rồi thì ta bắt đầu khảo sát, phân tích, sử dụng lý trí của ta, để thấy những điều này có phải là những nền tảng đúng đắn hay không, chúng có hợp lý hay không. Phân tích trong cách này chúng ta sẽ khám phá rằng những lý do, căn bản cho việc gọi một người là bạn, người nọ là thù, hay cảm giác dững dưng đối với người thứ ba, không phải là những điều kiện thường hằng, và điều này có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Bạn ta có thể gây tai hại cho ta và có thể trở thành kẻ thù, kẻ thù ta có thể biểu lộ sự ân cần đối với ta và trở thành bạn, và người xa lạ có thể trở thành bạn hay kẻ thù trong tương lai. Do thế, phản chiếu một cách sâu sắc trong cách này chúng ta sẽ nhận ra rằng không có nền tảng nào có thể chứng minh là đúng cho việc phân biệt giữa họ trong cách này và cảm nhận những xúc cảm mạnh mẽ như vậy. Chúng ta sẽ thấy rằng sự mệnh danh hay nhãn hiệu của ‘bạn’, ‘thù’, hay ‘người lạ’ là vô thường và là đối tượng thay đổi bất cứ lúc nào.
“Thế nên, Howard, loại thực hành quán tưởng này giúp giảm thiểu định kiến thiên vị hay chống lại kẻ khác, và cân bằng những sự dao động cực đoan bất thường này của cảm xúc mà chúng ta cảm nhận đối với người khác. Mục tiêu cho một sự thực tập như vậy là để thiết lập một căn bản vững vàng vì thế chúng ta có thể trau dồi một mức độ của thân cận và quan tâm đối với tất cả mọi người - từ bi giống như thế."
“Dĩ nhiên”, đức Đạt Lai Lạt Ma nói thêm, “sự thực tập này có thể đầy năng lực một cách đặc biệt theo quan điểm nhà Phật, khi chúng ta đưa sự giải thích nhiều đời sống quá khứ, thế thì bạn ta có thể từng là kẻ thù ta trong quá khứ, kẻ thù ta có thể đã từng là người thân yêu nhất trong nhiều lần, v.v... Đây là tại sao rất lợi ích để có những tuyến đa dạng, khác biệt của lý trí - một tuyến của lý trí có thể hiệu quả hơn cho một người, một tuyến khác của lý trí cho người nào khác. Nhưng cho dù nó là từ quan điểm của khoa học, hay từ nhận thức thực hành của đạo Phật, vấn đề chính vẫn là phản chiếu trên những sự thật này một cách sâu sắc, vì thế nó sẽ trở thành một bộ phận của quan điểm nền tảng của chúng ta, và việc chúng ta liên hệ đến người khác như thế nào.”
HUYỀN BÍ CHỦNG TỘC
À, tối thiểu có một việc mà con người thật sự tốt đẹp: Những tưởng tượng của chúng ta là bất tận khi nhìn lên để thấy chính chúng ta như khác biệt với những thứ khác. Bất chấp những đặc trưng gì mà chúng ta sử dụng như một căn bản để tự phân biệt với những người khác thành những nhóm, cùng những đặc tính ấy có thể có khả năng được sử dụng như một căn bản cho thành kiến, phân biệt, hay thù hận. Trong thế giới ngày nay chúng ta có thể thấy những thành kiến căn cứ trên giới tính, quốc tịch, sức nặng, tuổi tác, tầm quan trọng, mức độ giàu sang, đảng phái chính trị, mức độ hấp dẫn thân thể, tôn giáo, và vô số những tượng trưng khác.
Trong việc phản chiếu trên những ảnh hưởng tàn phá của nhiều hình thức thành kiến, không nghi ngờ gì thành kiến chủng tộc là một trong những cội nguồn khổ đau và khốn đốn nhất của nhân loại. Do vậy, thật đáng giá để thẩm sát sâu xa hơn sự phân biệt chủng tộc và khái niệm về chủng tộc.
Theo thống kê năm 1990, thí dụ, người Mỹ nói rằng họ thuộc khoảng ba trăm chủng tộc hay nhóm thiểu số. Chúng đang lẫn tránh nơi nào? Tôi chưa từng thấy họ. Người Mỹ La tinh tự phân chia họ thành bảy mươi đặc tính khác nhau. Người Mỹ bản địa tự chia họ ra thành sáu trăm bộ lạc. Chúng ta nói chủng tộc là sinh học, nhưng chúng ta chưa nói đến tôn giáo và gọi nó là một chủng tộc (người Do Thái), hay chúng ta liên hệ đến những người đến từ chủng tộc ‘Ái Nhĩ Lan’ thí dụ thế, mệnh danh thành viên đến từ một quốc gia như một dân tộc, hay có lẽ điều thích thú nhất của tôi, ‘chủng tộc thượng đẳng’ (Aryan): Chủng tộc đứng đầu của Đức Quốc xã và những người trọc đầu (skin-heads). Theo lịch sử, chủng tộc Aryan liên hệ đến những người đa dạng Ấn-Âu sống ở Ba Tư, A Phú Hãn, và Ấn Độ khoảng 4.000 năm trước Tây Lịch, trong những vùng đất sau này được định cư bởi những người cổ Hittite(7), được phân biệt bằng ngôn ngữ Tiền-Ấn-Âu. À, có thể tôi quá đa nghi, nhưng nếu tôi phải dự đoán, tôi cam đoan rằng không quá 60 phần trăm người Đức Quốc xã và những người trọc đầu đã lớn lên trong vùng đất cổ Hittite và nói tiếng Tiền-Ấn-Âu, một cách trôi chảy cách nào đấy, và tôi cam đoan rằng thậm chí ít người hơn biết đọc và viết ngôn ngữ ấy!
7. Những người cổ sống ở vùng đất Bắc Syria và Á Tế Á (Thổ Nhĩ Kỳ phần Á châu).
Trong chương này, chúng tôi đang đàm luận về vấn đề con người sinh ra với những định kiến thiên vị bẩm sinh như thế nào, và chúng ta có khuynh hướng phản ứng với những chủng tộc khác với một định kiến cảm xúc tiêu cực như thế nào. Nhưng bằng việc nhìn vào vấn đề này một cách sâu sát hơn, con người không có một định kiến thiên vị bản năng chống lại những chủng tộc khác. Những gì chúng ta thật dường như có là khuynh hướng có một định kiến chống lại những nhóm khác trong tổng quát, như đã được bàn thảo trước đây - những người dường như khác biệt, những người chúng ta xác định như những nhóm-ngoài. Đây không phải là một vấn đề chủng tộc. Trong thực tế, trong thời điểm khi những năng lực tiến hóa tạo hình cấu trúc nền tảng não bộ của chúng ta, những chủng tộc khác nhau mà chúng ta thấy trên Trái Đất ngày nay thậm chí không hiện hữu. “Những chủng tộc” khác biệt đã không xuất hiện trên sân khấu cho đến một trăm nghìn năm hay hai trăm nghìn năm về trước, và qua thời gian ấy não bộ đã đảm đương hầu hết tất cả những thay đổi tiến hóa của chúng.
Kể từ khi Dự Án Di Truyền Học Nhân Loại tuyên bố những kết quả bẩm sinh của nó trong năm 2.000 trong việc giải mã sự liên tục của khoảng hai mươi lăm nghìn gene, đã có một cuộc tranh luận tiếp tục lại về bản chất của chủng tộc. Ba tỉ “cặp nhiễm sắc thể” khác nhau (một sự phối hợp đa dạng của bốn đơn vị hóa học căn bản của phân tử DNA(8) giống như “những mẫu tự” của “bảng chữ cái” di truyền học), làm nên DNA của loài người. Hầu như mỗi tế bào trong thân thể chứa đựng một bộ hoàn toàn của hai bện dài xoắn nhau của những phân tử DNA, phân ra thành những vùng riêng biệt được biết như gene, mỗi gene chứa công thức để làm một hay hơn những khối chất đạm. Đây là bản thiết kế nền tảng của sự sống, mang những cấu trúc đầy đủ để thiết lập và chuyển vận một thân thể con người. Giải mã sự liên tục của những gene này là một thành tích phi thường, mất hơn một thập niên nghiên cứu chuyên sâu, với sự hợp tác và cung ứng của những nhà khoa học trên toàn thế giới.
8. Acid Deoxyribo Nucleic (viết tắt ADN theo tiếng Pháp hay DNA theo tiếng Anh) là một phân tử acid nucleic mang thông tin di truyền mã hóa cho hoạt động sinh trưởng và phát triển của các dạng sống bao gồm cả một số virus. ADN thường được coi là vật liệu di truyền ở cấp độ phân tử tham gia quyết định các tính trạng. Trong quá trình sinh sản, phân tử ADN được nhân đôi và truyền cho thế hệ sau.
Sự quán sát này vào mật mã của đời sống khởi động một sự quan tâm được làm mới lại trong việc đem một cái nhìn vào vấn đề chúng ta là ai, và là loài người có ý nghĩa gì cùng những khác biệt và tương đồng trong những chủng tộc khác nhau. Như được báo cáo trên phương tiện truyền thông rằng mỗi con người là khoảng 99,9 phần trăm giống nhau và có sự đa dạng hơn trong sự cấu tạo di truyền của mỗi người trong mỗi sắc tộc giữa những chủng tộc. Sự khám phá này làm nhiều người kết luận rằng loài người giống nhau một cách hết sức căn bản và khái niệm chủng tộc là lỗi thời, một cách thiết yếu là một huyền bí, một sự phóng chiếu tinh thần, tối thiểu từ quan điểm sinh học. Thí dụ, chúng ta đặt một tầm quan trọng trên màu da trong xã hội chúng ta như vậy, tuy thế sự khác biệt giữa hai con người căn cứ trên màu da là rất nhỏ, hầu như không tồn tại; trong thực tế, thí dụ như được báo cáo rằng da trắng được sản sinh bằng sự thay đổi của một “mẫu tự” DNA trong ba tỉ chữ cái! Chúng ta nghĩ chúng ta biết chủng tộc là gì - trong thực tế, “mọi người đều biết” - tuy thế khi để đi đến xác định nó thật sự, chúng ta lạc lối. Càng nhìn sâu sát hơn thực chất của mỗi chủng tộc, tìm kiếm một người chúng ta có thể chỉ ra như một thí dụ của chủng tộc “thuần túy” sinh học và di truyền, dường như nó càng chi ở trong sự tưởng tượng của chúng ta mà thôi.
Chẳng bao lâu những sự khám phá như vậy bắt đầu lan truyền khắp nơi, như thường lệ, một số nhà khoa học bắt đầu bác bẻ. Thí dụ, họ chỉ ra rằng có một số sự khác biệt gene giữa những quần thể khi người ta nhìn vào một số “gene tương ứng”, các sự đa dạng của những gene khác biệt. Tuy thế, sự thật vẫn duy trì rằng không có sự phân chia khác biệt giữa những chủng tộc, vì chúng ta luôn thấy những thành viên của những quần thể hay chủng tộc khác hay nhóm thiểu số khác mang gene tương ứng “đặc biệt” ấy mà được nghĩ là chỉ thuộc một nhóm cư dân nào đó mà thôi.
Những nhà nghiên cứu khoa học cũng nhắc chúng ta rằng tất cả chúng ta là cùng gia đình - một cách lý thuyết. Chúng ta có cùng tổ tiên, và tổ tiên chung phụ nữ mới gần đây nhất của chúng ta, của mọi người sống ngày hôm nay, một cách phổ thông được biết đến là Mitochondrial Eve(9). Bà sống ở Phi châu khoảng 140.000 năm về trước (không phải là Eve trong Thánh Kinh, vì Eve này không là người đàn bà duy nhất trên Trái Đất, bà cũng có gia đình và bè bạn cùng thời, và chúng ta cũng thừa kế một số nét nào đấy của họ). Những nhà khoa học theo dấu tổ tiên của chúng ta đến bà Eve như một kết quả của một chút DNA đặc biệt, một thành phần nhỏ được tìm thấy trong phức hợp gene mitochondria, những cấu trúc nhỏ hình xúc xích bên trong tế bào, “ngôi nhà năng lực” của tế bào sản sinh ra năng lượng. Hầu hết DNA của chúng ta là một hổn hợp DNA từ cả cha mẹ chúng ta, nhưng DNA mitochondria được truyền xuống chỉ qua những bà mẹ, và nó không thay đổi. Do vậy, sử dụng những tính toán phân tích chi ly, các nhà khoa học đã theo dấu ngược đến tổ chung của chúng ta đến một người đàn bà.
9. Nghiên cứu sử dụng một phức hợp gene đặc biệt là mitochondrial DNA, được truyền từ mẹ sang con, để theo dấu từ con người hiện đại lần về một người độc thân gọi là “Mitochondrial Eve” sống ở Châu Phi khoảng 200.000 năm trước.
Từ dữ kiện ấy, tất cả con người là anh em với nhau - ô, tối thiểu tất cả những người đàn ông có một tổ tiên nam giới chung. Y-chromosomal Adam, người đã sống ở Phi châu khoảng 60.000 năm trước đây. Điều này được quyết định trong cùng cách sử dụng những mãnh DNA trên nhiễm sắc thể Y chỉ truyền xuống cho nam giới và không lẫn lộn với những phân tử DNA khác; nó giống như họ (tên) di truyền cho phép nam giới theo dấu những dòng truyền thừa tổ phụ ngược lại xuyên qua thời gian.
Chủng tộc có thể xuất hiện như những gì cụ thể, bởi vì chúng ta có thể thấy những khác biệt trước đôi mắt của chính chúng ta - quá hiếm hoi hỏi về vấn đề thật sự là gì. Đối với hầu hết mọi người, sự quan trọng vô hạn của con người đặt trên chủng tộc dường như quá đầy đủ chứng cứ rằng nhân loại có thể phân biệt một cách rõ ràng trên căn bản của chủng tộc - thật đầy đủ rằng chúng ta dường như “biết” một cách trực giác trong ruột gan của chúng ta là phải có những khác biệt nền tảng và chức năng sinh học. Nhưng những sự khác biệt này là gì?
Những nhà khoa học đã lý luận rằng những biểu hiện khác biệt chủng tộc của loài người đã xuất phát từ những sự cô lập dân cư nào đấy sống trong một vùng địa lý riêng biệt trong nhiều nghìn năm - con người càng sống trong những vùng khí hậu nắng nóng chói chang, chúng ta càng cần hắc tố melanin để bảo vệ chúng ta, và thân tướng có thể cao hơn hay được tạo hình một cách khác biệt cho phép nhiều bề mặt của chúng ta làm bay hơi. Hay nếu chúng ta sống trong những vùng khí hậu ít ánh nắng hơn, chúng ta cần ít hắc tố hơn, với nhiều chất béo hơn để bảo tồn hơi ấm. Nhưng dường như sẽ là bi kịch khi nhấn mạnh quá nhiều lên những gì đấy không gì nổi bật hơn là sự che phủ thân thể họ do thời tiết của nơi họ sinh trưởng.
Tiếp tục với sự đàm luận của chúng tôi về sự kỳ thị chủng tộc và thành kiến. Tôi nói, “Thưa Đức Thánh Thiện, ngài nói những phương cách tích cực như thế nào về tư tưởng có thể thúc đẩy trong một xã hội mà nó có thể tăng cường sự tin tưởng tính bình đẳng căn bản của chúng ta và giúp chúng ta vượt thắng phân biệt chủng tộc, thành kiến như thế nào. Nhưng tôi vừa mới suy nghĩ sau khi bộ gene của con người vỡ ra thì như thế nào, có rất nhiều dữ liệu thông tin về 99,9 phần trăm DNA của chúng ta như thế nào, những thiết kế cho việc xây dựng thân thể con người, là giống nhau một cách chính xác như mỗi người chúng ta từng gặp. Đối với tôi đấy là một thống kê thật kinh ngạc! Tôi cảm thấy rằng điều ấy là chứng cứ thật thuyết phục cho thấy chúng ta giống nhau như thế nào. (Vì thế, trên căn bản di truyền học chúng ta giống nhau nhiều hơn là khác nhau, và sự khác nhau là không đáng kể.) Thậm chí Tổng thống Clinton đã lên truyền hình và đề cập đặc trưng này, và đã tiếp tục nêu điều này ngay cả sau khi ông ta đã mãn nhiệm.
“Thêm nữa, sự thật là những giá trị hay ý tưởng này chẳng hạn như dân chủ, bình đẳng, v.v..., đã được khuyến khích trong xã hội chúng ta rồi. Tuy thế, sự tỉnh thức ấy dường như không có một tác động lớn trong xã hội. Mọi người trên khắp thế giới đang khai thác lẫn nhau, chiến đấu với nhau, và hành động nói chung giống như là những khác biệt giữa chúng ta là khổng lồ, hầu như chúng ta là những chủng loại khác nhau. Do vậy, tôi đang tự hỏi rằng điều gì đang thiếu vắng...”
“Howard, tôi nghĩ nếu ông nhìn từ viễn tượng rộng rãi hơn, ông sẽ thấy rằng sự thúc đẩy những giá trị này đang hoạt động, có hiệu quả. Từ quan điểm của lịch sử loài người, đã có những tiến bộ to lớn trên thế giới, với một sự tỉnh giác lớn lao hơn về những giá trị này, những ý tưởng về bình đẳng và thật lan rộng khắp thế giới. Hãy nhìn những tiến bộ chỉ trong vài trăm năm trở lại đây.”
“À, điều đấy có thể đúng,” tôi thừa nhận, “nhưng tôi không biết, dường như cho một số người nào đấy tối thiểu vẫn khó khăn cho họ đảo ngược quan điểm và nhận thức của họ, để mở rộng biên cương cho những ai mà với những người ấy họ là giống nhau, để bao gồm những người khác như một bộ phận của “chúng ta”, căn cứ trên một ý nghĩa sâu sắc về nền tảng bình đẳng của chúng ta.”
“Vâng, có thể khó khăn,” Đức Thánh Thiện đáp lời, “và mặc dù trong vài trường hợp có thể khó khăn, tôi nghĩ rằng có thể thay đổi. Hãy nhìn vào thí dụ của ông về Hoa Kỳ và những hiện tượng văn hóa ở Mỹ về cuộc vận động quyền dân sự. Đã có thời gian có những cộng đồng hoàn toàn tách biệt. Nhưng trong những trường hợp nơi mà cộng đồng thiểu số da đen được trao cho cơ hội bình đẳng như một kết quả của cuộc vận động này, đạt được cùng trình độ kinh tế xã hội và sống trong cùng những người láng giềng như những người khác chùng tộc, chia sẻ cùng những rắc rối xã hội cộng đồng, chẳng hạn như sự giáo dục con cái của họ, tôi nghĩ sẽ có ít sự phân chia Chúng Ta và Họ hơn. Mặt khác, trong những cộng đồng nào mà những người da đen được ban cho những quyền dân sự ít hơn, sống một cách riêng biệt, sẽ có nhiều sự nghi ngờ hơn giữa hai chủng tộc. Vì thế tôi nghĩ điều này cho thấy rằng sẽ có rất ít khả năng để giảm thiểu những loại phân chia này; không thể.”
“Điều ấy đúng,” tôi nói lại lần nữa. Ngài đang bắt đầu thuyết phục tôi. Tuy nhiên, khi tôi đang tự hỏi về khả năng cho sự thay đổi chân thành trong những cuộc xung đột khó chạy chữa nhất giữa những nhóm chủng tộc, thiểu số và những thứ khác nữa, ngài tiếp tục, giống như cảm nhận được sự nghi ngờ của tôi. “Howard, ở đây chúng ta đang nói về thành kiến và xung đột giữa những nhóm, và điều này nhắc tôi về một câu chuyện cảm động mà tôi đã nghe trong một lần tôi viếng Do Thái. Tôi đã gặp những người nào đấy liên hệ trong một cuộc vận động hòa bình của những người dân thường ở đấy mà đã đem tất cả những thiếu niên Do Thái và Palestine lại với nhau. Những thiếu niên này được dạy để thấy hình ảnh của Thượng đế trong mỗi đứa khác. Chúng được thực tập để tự nhắc nhở rằng Thượng đế ở trong những đứa trẻ phía bên kia, trong cùng cách ấy Ngài ở trong chúng. Đây là một loại thực tập tâm bình đẳng (một loại hành xả hay buông bỏ: Cởi bỏ những điều ràng buộc trong tâm thức.”  
"Tôi nghe nói rằng bất cứ khi nào cuộc xung đột được hâm nóng lại, những đứa trẻ này, những thiếu niên đã từng rèn luyện để thấy Thượng đế trên khuôn mặt của những đứa trẻ thuộc phía bên kia, đã thấy là hầu như không thể phát triển sự thù hận đối với những đứa trẻ khác. Người ta không thể khiến cho những đứa trẻ này ở dưới đặc tính liên tưởng suy rộng về ‘kẻ thù’. Tôi nghĩ điều này thật là tuyệt vời!” Đức Đạt Lai Lạt Ma kêu lên một cách nhiệt tình.
“Do vậy, tôi thật sự tin tưởng rằng sự thay đổi chân thành là có thể,” ngài kết luận, “nhưng dĩ nhiên, thay đổi cần thời gian. Như chúng ta đề cập, những thái độ này căn cứ trên sự tin tưởng sai lầm và vọng tưởng điên đảo của tư duy, và bất cứ sự thay đổi nào trong xã hội trước nhất phải bắt đầu trong tâm thức và trái tim của con người, với một sự chuyển hóa về quan điểm của người ấy. Sự thay đổi này xảy ra trong một người vào một lúc nào đấy.”
Nguyên tác: Overcoming Prejudice
Ẩn Tâm Lộ - Ngày 13/07/2011
Chương 5
Chủ nghĩa quốc gia cục đoan
A, tuần này chúng ta đang nói về những sự phân chia Chúng Ta chống lại Họ, và những hiểm họa của sự tiến triển này đến thành kiến, xung đột, và bạo động. Tôi vừa mới nghĩ rằng việc xác định với xứ sở hay quốc gia của một người dường như cũng là những thí dụ đầy sức thuyết phục về Chúng Ta. Dường như rằng đi theo một thời điểm khủng hoảng của một quốc gia, ở đấy luôn luôn dường như là sự sống lại của chủ nghĩa yêu nước hay chủ nghĩa quốc gia. Dĩ nhiên, nhiều lúc chủ nghĩa quốc gia này tự tuyên bố như một loại chủ nghĩa yêu nước đầy âm thinh, những biểu hiện hỗ trợ cho xứ sở một người, nhiều sự vung vẫy cờ xí, v.v... Nhưng một cách lịch sử, khuynh hướng của loại chủ nghĩa quốc gia này càng nhiều, hiểm họa rơi vào những kiểu thức tàn phá càng lớn, và không có nhiều khoảng cách để đi từ một loại nhiệt huyết yêu nước đến sự thù địch công khai đối với những quốc gia khác. Sự việc thứ này đã hành động như một loại nhiên liệu cho nhiều xung đột trong lịch sử.
“Tôi vừa tự hỏi, chính ngài nắm giữ gì về chủ nghĩa quốc gia, lợi ích của nó chống lại những bất lợi hay khả năng tàn phá của chủ nghĩa quốc gia?”
Đức Đạt Lai Lạt Ma nói, “Tôi không nghĩ rằng chủ nghĩa quốc gia trong tự nó là tàn phá. Là một thành viên của một quốc gia nào đấy có thể là một bộ phận cảm giác nhận biết của một người. Do vậy, chủ nghĩa quốc gia có thể hữu ích, cho chúng ta một cảm nhận thuộc về, và chúng ta có thể có một cảm giác tự hào trong đặc tính quốc gia của chúng ta. Điều này là tốt. Tôi nghĩ chủ nghĩa quốc gia như một loại khí cụ hay như khoa học - nếu chúng ta sử dụng khoa học trong một cách sai lạc, sau đó nó có thể đem thảm họa. Nếu chúng ta sử dụng nó một cách thích đáng, nó sẽ mang đến lợi ích. Thế nên, nó tùy thuộc vào việc chúng ta sử dụng nó trong phương pháp đúng đắn hay không.
“Bây giờ khi chúng ta nói về chủ nghĩa quốc gia, chúng ta đang nói về những sự khác nhau căn cứ trên đặc tính quốc gia, một phần then chốt mà đấy là những khác biệt trong di sản văn hóa, và quá khứ lịch sử. Mỗi quốc gia có đặc trưng văn hóa hay nhóm văn hóa, một di sản văn hóa. Dĩ nhiên, cũng có những biên giới địa lý giữa các quốc gia. Đấy là một phần của nó. Nhưng tôi nghĩ văn hóa là vấn đề chính. Và, dĩ nhiên, mỗi cộng đồng phải có quyền để bảo tồn nền văn hóa của chính họ, kể cả ngôn ngữ, phong tục, và áo quần,v.v..."
Tôi hỏi, “Ngài đề cập những lợi ích của chủ nghĩa quốc gia và tầm quan trọng của việc duy trì một nền văn hóa hay đặc tính dân tộc, nhưng ngài cũng đồng ý rằng có thể có những bất lợi của chủ nghĩa quốc gia, những khía cạnh phá hoại chứ?”.  
“Ở đây, tôi muốn phân biệt giữa một chủ nghĩa quốc gia lành mạnh và chủ nghĩa quốc gia cực đoan,” đức Đạt Lai Lạt Ma đáp lại. “Khi chủ nghĩa quốc gia trở nên cực đoan, nó trở thành một ý tưởng nguy hiểm, quá mạnh có thể khích động dân chúng tiến hành những hành động khiêu khích. Điều này có thể xảy ra như thế nào, chúng ta đã thấy một cách rất rõ ràng trong câu chuyện thảm kịch ở bán đảo Balkan vào cuối thế kỷ hai mươi, với thuật ngữ ‘làm sạch dân tộc’ và ‘Balkan hóa’ xâm nhập vào ngữ vựng hàng ngày của chúng ta. Những gì chúng ta chứng kiến trong thảm kịch này là những đặc tính cực đoan quốc gia đã đưa đến một chu kỳ tội ác của bạo động giữa người Serbia, Croatia, và Bosnia. Ở đây là một thí dụ về những tác động đặc tính quốc của con người đã dày xéo những khía cạnh đặc tính quốc gia của dân tộc khác mà nếu khác đi đã có thể cung ứng một căn bản cho việc đi đến với nhau.”
“Do thế, như một xã hội, ngài nghĩ chúng ta có thể học hỏi điều gì từ kinh nghiệm của thảm họa đó ở Đông Âu?” tôi hỏi.
“Rõ ràng một bài học quan trọng mà chúng ta cần học là những đặc tính quốc gia dân tộc rất quan trọng đối với họ và phải nên tôn trọng. Trong chi tiết, điều này nói với chúng ta là khi những đặc tính quốc gia dân tộc cùng tồn tại trong một nhóm rộng lớn, cho dù trong một liên hiệp quốc gia như Liên Hiệp Âu châu, hay một quốc gia riêng lẻ, chúng ta cần bảo đảm rằng những tính chất quốc gia dân tộc được quan tâm tôn trọng và làm cho hòa hiệp chân giá trị. Dĩ nhiên, nếu chúng ta có một sự đa dạng văn hóa khác biệt trong một quốc gia, nhằm để cho tất cả phát triển lớn mạnh, tôi nghĩ tự do là rất quan trọng và một thể chế công bằng hữu hảo, với những nguyên tắc của luật lệ.”
Ngay lúc đức Đạt Lai Lạt Ma nói về những vấn đề này - tự do, nguyên tắc luật lệ, sự tôn trọng tất cả những nền văn hóa, tất cả mọi quốc gia - truyền thống văn hóa Tây Tạng, và vị trí lịch sử Tây Tạng như một quốc gia, đang ở trong những gọng kìm của một cuộc đấu tranh sinh tử mà có thể quyết định sự sống còn của một truyền thống và di sản cổ xưa. Đối với ngài, đây là một vấn đề sống động, không chỉ là một triết lý trừu tượng - những thuật ngữ như “tự do”, “tôn trọng những nền văn hóa con người”, và “nguyên tắc luật lệ” không chỉ là những khẩu hiệu đối với ngài, hay một mẫu tin tức buổi tối. Bị kích thích bởi cảm xúc mạnh mẽ nội tại và đánh dấu với một cái nhìn kiên quyết trong đôi mắt ngài, những ngôn từ của đức Đạt Lai Lạt Ma chuyên chở một cảm giác chân thành cấp bách. Có ý nghĩa rằng khổ đau của con người thật sự bị đe dọa, và rằng sự cống hiến của đức Đạt Lai Lạt Ma đối với những nguyên tắc và những biên giới này trong sự quan tâm của ngài không chỉ dành cho nền văn hóa Tây Tạng mà thôi nhưng được mở rộng đến tất cả những nền văn hóa trên thế giới. Tôi không thể cầm lòng được với sự xúc động.
Dù sao đi nữa, tôi nghĩ rằng thảm kịch ở Balkan có thể dạy chúng ta một bài học quan trọng về những gì có thể xảy ra khi loại tôn trọng căn bản ấy vắng bóng...” Ngài dừng lại, rồi thì thêm một cách nhanh chóng, “Tôn trọng truyền thống người khác là rất quan trọng trong thế giới ngày nay.”
Suy nghĩ khoảng một giây về bình luận mà tôi đã nghe đức Đạt Lai Lạt Ma nói trước đây, ý tưởng rằng hòa bình thật sự không chỉ đơn thuần là sự vắng bóng chiến tranh, đối với tôi là sự vắng bóng đơn thuần của thành kiến không giống như sự tôn trọng thật sự. Tôi nhận xét, “Cho đến lúc này, chúng ta đã đang nói về sự vượt thắng thành kiến, nhưng bây giờ dường như chúng ta đang nói nó một bước xa hơn hay trở nên chủ động hơn, nói về việc trau dồi một ý thức tôn trọng đối với những nhóm khác. Nhưng câu hỏi hợp lý logic là, ngài có bất cứ suy tư nào về việc làm thế nào gia tăng hay trau dồi một ý thức tôn trọng rộng lớn hơn đối với những nền văn hóa hay dân tộc khác hay không?”
“Vâng, tôi nghĩ rằng chúng ta đã thảo luận về vấn đề một số cá nhân có thể có trình độ học vấn hơn hay giàu có hơn, v.v..., và một số có thể yếu kém hơn, nhưng mặc cho những loại khác biệt này, họ vẫn là những con người, và đáng trọng với phẩm giá con người và tôn trọng trên trình độ căn bản ấy. Cùng nguyên tắc áp dụng trên trình độ văn hóa và dân tộc - có thể có những người khác dị biệt, lối sống của họ hay lối ăn mặc của họ mà chúng ta có thể không hiểu được, nhưng chúng ta vẫn có thể duy trì sự tôn trọng phù hợp với chân giá trị con người họ căn cứ trên lòng nhân đạo thông thường của chúng ta.
“Nhưng ở đây,” ngài tiếp, “có một vấn đề khác. Điều gì đấy rất quan trọng trên nhiều trình độ: Học hỏi để biết thưởng thức sự đa dạng, thật sự phản chiếu trên giá trị của nó, khảo sát những niềm tin của nó. Càng có thể đánh giá đúng sự đa dạng, chúng ta sẽ càng dễ dàng tôn trọng hơn những ai có thể là khác biệt. Thí dụ, từ quan điểm nhân loại là một thể thống nhất, tôi nghĩ sự đa dạng văn hóa, đa dạng những nhóm chủng tộc có thể làm giàu cho nhân loại. Nên vấn đề thật sự là nhằm để cho tập thể nhân loại phát triển lớn mạnh, những cá nhân thành viên của tập thể ấy phải thịnh vượng. Tốt lành như một ngôi vườn. Nhằm để cho một ngôi vườn xinh đẹp và kỳ diệu, ở đấy cần có sự đa dạng của bông hoa trong ngôi vườn, cây cỏ, và sự phối hợp của nhiều kích cỡ, hình dạng, và màu sắc khác nhau bổ sung cho ngôi vườn, và mỗi thứ cần phát triển trong môi trường riêng của chúng.  Trái lại, nếu chúng ta chỉ có một loại hoa trong vườn ấy, chì trong một sưu tập, điều ấy sẽ đơn điệu nhàm chán. Chính sự đa dạng đã cho ngôi vườn sự xinh đẹp của nó.”
Thời gian cho buổi gặp gỡ của chúng tôi đã hết. Nhưng bị thu hút với những ngôn từ của đức Đạt Lai Lạt Ma, tôi đã không chú ý sự bối rối bất thường trong hành động của các cộng sự và thị giả của ngài đến và đi ở hàng hiên bên ngoài trong việc hướng dẫn một người khách ra và một người khác vào. Nhưng bây giờ lãng vãng chung quanh tấm bình phong, dấu hiệu được báo bởi thư ký của đức Đạt Lai Lạt Ma và tôi nhanh chóng chuẩn bị để rời khỏi phòng tiếp kiến.
Khi tôi bước ra hành lang, được trang trí bởi một sự sắp xếp dày đặc những bụi cây màu tía treo trên rào lưới, tôi nhìn người khách kế tiếp của đức Đạt Lai Lạt Ma được hướng dẫn vào trong phòng và gặp ngài. Đấy là một nhóm nhỏ những người nam nữ, và tôi chú ý rằng những thành viên của nhóm đại diện cho vài quốc tịch khác nhau và tất cả dường như được thống nhất trong sự sôi nổi của họ để diện kiến đức Đạt Lai Lạt Ma - một sự kết thúc thích hợp cho buổi thảo luận của chúng tôi về sự hòa hiệp giữa tất cả các dân tộc. Khi tôi bước xuống lối đi hướng tới cổng chính khu phức hợp nơi cư ngụ của đức Đạt Lai Lạt Ma, tôi thích thú với sự tươi tốt xum xuê của cây cỏ trên mặt đất - những hàng trúc và bụi rậm dày đặc, cây sồi, cây linh sam, cây đổ quyên, những bông hoa trong chậu đủ màu sắc rộ nở - tím, vàng, đỏ, cam,... Khi tôi chậm rãi bước xuống đồi, sung sướng với sự đa dạng của một ngôi vườn trong khi vẫn nghĩ về ẩn dụ ngôi vườn của đức Đạt Lai Lạt Ma với cái hay cái đẹp trong sự đa dạng của con người, tôi đang say sưa với sự an bình, cảm giác hy vọng như thể có lẽ một ngày nào đấy viễn tượng của đức Đạt Lai Lạt Ma có thể đạt đến để xuyên qua ngôi vườn trong hiện thực.
Người ta không cần nhìn quá xa trong quá khứ để bắt gặp những thí dụ dễ sợ nhất của sức mạnh tàn phá do chủ nghĩa quốc gia cực đoan hay thành kiến dân tộc và thù hận. Thí dụ được chọn lựa bởi đức Đạt Lai Lạt Ma, Cuộc Chiến Bosnia, không quá lâu về trước. Gần như ngay lập tức sau khi Cộng Hòa Bosnia và Herzegovina tuyên bố độc lập khỏi cựu Liên Bang Nam Tư năm 1991, thế giới bắt đầu chứng kiến ngay chính phía tệ hại nhất của chủ nghĩa quốc gia cực đoan, khi ba nhóm dân tộc truyền thống sống trong vùng (Chính Thống Serbia, Thiên Chúa Croatia, và Hồi giáo Bosnia) bắt đầu một cuộc chiến tranh ác liệt căn cứ trên quốc gia dân tộc, mỗi phía chiến đấu để đạt được sự kiểm soát chính trị đối với quốc gia mới hay những bộ phận của nó. Vào lúc cuộc chiến chấm dứt với Thỏa Thuận Dayton 1995, hơn một trăm nghìn người đã bị giết và hai triệu người phải ly tán - kết quả của cuộc chiến tàn phá quá nhiều cho khu vực, để lại thảm họa của nó với sáu mươi phần trăm nhà cửa, phân nửa trường học, và một phần ba nhà thương bị hư hao hay phá hủy; cùng với sự tàn phá hệ thống điện lực, hệ thống đường xá, hệ thống dẫn nước; tra tấn; binh lính hãm hiếp phụ nữ trước mặt gia đình họ, ở công trường, đôi khi sự lạm dụng và những bè lũ hãm hiếp họ với nhau, hàng ngày hay ngay cả hàng tuần vào lúc ấy. Cả ba phe đều dự phần. Người Serbia đặc biệt tàn nhẫn trong những nỗ lực “làm sạch dân tộc” của họ, đốt rụi nhà cửa, giam những người đàn ông trong những trại tập trung nơi mà một số bị tra tấn hay đói khát đến chết, sử dụng chiến thuật để loại trừ thành viên của những nhóm khác sống trong những khu vực địa lý của họ.
Với khổ đau trong một mức độ rộng lớn và không thể tưởng tượng như thế, đôi khi thật dễ dàng để xem những chiến tranh nhận thấy như vậy là “những sự kiện thế giới” và đánh mất ý thức tác động của chủ nghĩa quốc gia cực đoan trong đời sống thường nhật của con người. Nhưng có lẽ câu chuyện của ba đời sống sẽ là một thí dụ năng động cho thảm kịch của suy nghĩ Chúng Ta và Họ.
Trong thảo luận trước đây của chúng tôi, đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói về mối quan hệ giữa cá nhân và nhóm - một người có thể có một ý thức mạnh mẽ về đặc tính cá nhân, của sự độc lập, của sự tự tin và sự mạnh mẽ của cá nhân như thế nào và cùng lúc ấy có một ý thức sâu sắc về việc thuộc vào một nhóm, “Không phải là Tôi hay Chúng Ta, nhưng là Tôi và Chúng Ta.” Ở đây, ngài mở rộng cùng nguyên tắc ấy đến những nhóm: Sự tin tưởng khả năng của nhiều nhóm sống trong một xứ sở, mỗi nhóm ca ngợi đặc thù của họ, vinh danh truyền thống của họ trong khi cùng lúc ấy trau dồi một ý thức của việc thuộc vào một đặc tính quốc gia.
Một kiểu mẫu như thế, sự cân bằng lý tưởng của đặc tính cá nhân và tập thể, đã được thấy một lần trong một nhóm thiếu niên mười sáu và mười bảy tuổi, Bosnia, Croatia, và Serbia, những thiếu niên đã đến với nhau trong năm 1984 để thi đấu cho đội bóng rổ thiếu niên quốc gia của Nam Tư, một đội bóng đã trở thành huyền thoại. Trong bốn năm, đội này là vô địch, một đội bóng ước mơ của những đấu thủ trẻ, những người chưa bao giờ thua trận trong những cuộc thi đấu quốc gia trên sân, và những người trưởng thành với nhau ngoài sân, tiến tới vững vàng trong tình bạn sâu sắc khi chúng du hành với nhau, sống trong phòng với nhau, rèn luyện cần mẫn, và chia sẻ đời sống với nhau. Ý thức tình bạn thân thiết cá nhân và sự tự tin thi đấu của chúng là không thể lay chuyển trong những năm tháng ấy, đến mức độ mà đêm trước của trận thi đấu quan trọng nhất của chúng, Vô Địch Thế Giới 1987 cho Nam Thiếu Niên, chúng đã cùng nhau lẻn ra khỏi khách sạn của chúng để nhảy nhót, nhào lộn trên những tấm bạt lò xo cả đêm. Và chúng vẫn chiến thắng nổi bật, đánh bại đội Hoa Kỳ tại trận thi đấu vào ngày hôm sau, 86-87.
Sau khi chiến thắng trận thi đấu vô địch thế giới thiếu niên, nhiều ngôi sao trẻ tương lai - NBA(1) này tiến tới thi đấu cho đội trưởng thành quốc gia của Nam Tư. Tình bạn thân thiết đã duy trì một cách kiên cố giữa những đấu thủ Serbia như Vlade Divac hay Aleksander Djordjevic và đấu thủ Croatia như Dino Radja hay Toni Kukoc, những người tiếp tục thi đấu với nhau qua chiến thắng giải Vô Địch Châu Âu 1991 ở thủ đô Roma, Ý Đại Lợi.
1. National Basketball Association: Hiệp Hội Bóng Rổ Quốc Gia.
Dấu hiệu đầu tiên cho sự chấm dứt Đội Ước Mơ trẻ đã đến vào buổi trưa cuối cùng của loạt thi đấu vô địch, chỉ ngày trước khi Slovania tuyên bố độc lập khỏi liên bang Nam Tư. Bộ trưởng Thể thao của quốc gia mới đã gọi một người phòng thủ trẻ của đội nói với cậu ta rằng nếu cậu thi đấu đêm ấy, cậu sẽ bị xem như người phản bội quốc gia của cậu.
Khi vùng Balkan nhanh chóng vỡ ra thành từng mảng và trở thành nóng bỏng trong xung đột, đột nhiên những đặc tính mới nổi lên. Không còn là những người Nam Tư nữa, những vận động viên bây giờ có những đội mới và nhãn hiệu mới, người Croatia, người Serbia, người Bosnia. Quá nhiều, những nhãn hiệu này dường như che khuất tất cả những phương diện khác về đặc tính của họ. Thành viên của đội Hồi giáo Bosnia, Teo Slibegovic đã nói, “Bạn biết không, tôi chưa từng biết dân tộc của bất cứ người nào là gì khi chúng tôi thi đấu với nhau. Và tôi cam đoan với bạn rằng họ chưa từng biết tôi thuộc dân tộc nào. Ô, bây giờ chúng tôi biết rồi.” Tình bạn, đã từng một lần nghĩ rằng không gì phá vỡ được, bây giờ dường như tan ra mây khói dưới sức ép. Khó khăn đặc biệt đối với hai vận động viên ngôi sao, Serbia Divac và Croatia Kukoc, những người đã trở thành đôi bạn rất thân thiết trải qua bao năm tháng. Divac đã cố gắng giữ sự liên lạc với người đồng đội năm xưa, và mặc dù họ không hoàn toàn đổ vỡ hẳn liên lạc, anh vẫn rắc rối sâu xa bởi bản chất gượng ép của tình bạn; anh ta ngay cả bật khóc trong cuộc phỏng vấn năm 1996 khi anh nói về những diễn biến của thảm kịch. Kukoc trong khi ấy kể lại rằng, “Mùa hè vừa qua, tôi đã đi thăm viếng các bệnh viện để thấy nỗi đau thương. Một khi người ta thấy những thanh niên mười chín, hai mươi không tay, không chân, người ta không nghĩ đến bóng rổ nữa.”
May mắn thay, khi năm tháng trôi qua, vết thương đã lành lại trong hầu hết những đồng đội cũ, và hôm nay hai người bạn này, một lần nữa, hoạt động với nhau ở bán đảo Balkan trong những nỗ lực nhân bản và dạy sự bao dung đến những trẻ em qua bóng rổ.
Khi chúng ta thấy một đội như thế trong hoạt động, nó vượt khỏi thể thao; nó có thể trở thành một ẩn dụ cho đỉnh cao của khả năng con người (như triều đại Celtic Boston những năm 1960, được hướng dẫn bởi ngôi sao lớn của bóng rổ kể cả Bill Russell, John Havlicek, và Sam Jones)! Đấy là một sự quân bình toàn hảo, nơi chúng ta có thể thấy sự phát triển tột đỉnh của nỗ lực con người, chủ nghĩa cá nhân ở chỗ tuyệt diệu nhất của nó, và cùng lúc ấy là đại diện tuyệt đỉnh của nỗ lực tập thể. Trong những đội thật sự tầm vóc này, chúng ta sẽ thấy năm cá nhân riêng rẻ, mỗi người với đặc điểm thông minh riêng của họ, mỗi phác họa rõ ràng, với cá tính riêng của họ; một người có thể là kẻ tung pháo chắc chắn, người khác dữ dội trong việc phòng thủ và phá chặn đối phương, người thứ ba là một nhân vật lèo lái làm bàn cần mẫn. Không một người nào có thể làm tất cả mọi việc, nhưng mỗi người đã phát triển sự thông minh riêng của mình, trong khi biết thế mạnh của mỗi người kia, và khi họ đến với nhau, họ ở trong sự hòa hiệp hoàn toàn với một loại sức mạnh tổng hợp giống như họ thật sự là một cơ thể, với tổng thể lớn hơn tổng số các bộ phận.
Tôi không thể nghĩ về một sự diễn tả thích hợp hơn những ý tưởng của đức Đạt Lai Lạt Ma về khả năng của việc có một đặc tính cá nhân mạnh mẽ và một đặc tính tập thể mạnh mẽ cùng một lúc, cũng như một ẩn dụ thích hợp về những lợi ích của việc có sự đa dạng cá thể trong một tổng thể rộng lớn - cho dù đấy là những đấu thủ bóng rổ trong một đội hay những nhóm chủng tộc trong một liên bang rộng lớn hơn.
Đức Thánh Thiện đề nghị một sự phản chiếu sâu sắc trong những lợi ích của đa dạng như một chiến thuật thực tiễn đầy năng lực để giúp cho việc trau dồi sự tôn trọng cho những ai mà họ có thể là khác biệt. Trong khi một đội như vậy cung ứng cả một sự minh họa và một ẩn dụ rộng rãi hơn cho những lợi ích của đa dạng, cũng có một đáp ứng tuyệt vời của nghiên cứu khoa học cung cấp những chứng cứ cụ thể hơn cho lợi ích của đa dạng mà nó đáng giá để quán chiếu.
NHỮNG LỢI ÍCH CỦA SỰ ĐA DẠNG
Trong quyển sách của ông, Tuệ Trí Đám Đông(2), tác giả James Surowiecki(3) mở màn với câu chuyện của một nhà khoa học tám mươi lăm tuổi, Francis Galton(4), một chuyên gia trong khoa học di truyền, người đã quyết định đi đến một hội chợ và một cuộc triển lãm thú nuôi một ngày nọ vào năm 1906. Ông có một sự quan tâm lâu dài với việc gây giống và hiếu kỳ để thấy những kết quả của việc gây giống thú vật ngày hôm ấy. Tác giả thuật lại chi tiết việc Galton đi qua một cuộc thi phỏng đoán sức nặng của con vật trong hội chợ, mà trong ấy người ta đánh cuộc trên trọng lượng của một con bò béo mập đang diễn ra, “sau khi nó được ‘giết và xả thịt’”. Với những phần thưởng cho những ai đoán đúng nhất, khoảng chừng tám trăm người đang dự cuộc. Trong khi có một số những đồ tể và nhà chăn nuôi giỏi giang trong số tám trăm người thi đoán ấy, toàn bộ những người ấy khác nhau rất nhiều, với khá ít người không có một kiến thức gì về súc vật. Galton phỏng đoán rằng mặc dù có một số nhà chuyên môn trong đám đông, hầu hết mọi người sẽ không có ý kiến gì về trọng lượng sau cùng sẽ là bao nhiêu, và dự đoán trung bình chắc chắn sẽ là cách kết thúc cuộc thi. Sau khi cuộc thi qua rồi, Galton mượn tất cả những phiếu dự thi từ những người tham dự và phân tích chúng. Sau khi trung bình tính tất cả những sự phỏng đoán để đi đến một kết luận duy nhất, đại biểu cho “tuệ trí tập thể” của đám đông trong ngày ấy, Galton đã sửng sốt với những kết quả: Sự phán đoán của đám đông là toàn hảo một cách cơ bản!” Sau khi bị giết và xẻ thịt, con bò nặng 1.198 cân Anh. Đám đông đoán là 1.197.
2. Tuệ Trí Đám Đông đưa ra một giả thuyết đơn giản đến mức có người cho là kỳ quặc, đó là: Nếu để đưa ra một quyết định đúng đắn hay giải quyết một vấn đề nào đó, thì đám đông luôn tỏ ra thông minh hơn một vài chuyên gia riêng lẻ.
3. James Surowiecki sinh năm 1967, tốt nghiệp tiến sĩ Lịch sử Hoa Kỳ tại Đại học Yale trước khi là phóng viên tài chính, viết cho Trang tài chính của tờ The New Yorker. Tác phẩm của ông đã xuất hiện trên các tờ New York Times, Wall Street Journal, Wired và Slate.
4. Francis Galton (1822-1911) là một nhà khoa học xuất chúng, người Anh, thường được xem là “cha đẻ” của phương pháp khoa học hiện đại mà chúng ta sử dụng ngày nay. Sở trường nghiên cứu của ông là di truyền học, và ông rất nổi tiếng qua những nghiên cứu về những đặc tính và yếu tố liên quan đến thông minh và mối liên hệ giữa thông minh và danh tiếng. Những công trình này có ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ của nhiều người thuộc giai cấp quí tộc ngày xưa và giới trung lưu ngày nay.
Surowiecki tiếp tục trong quyển sách của ông để cho một thí dụ về những câu chuyện tương tự, và thêm những lý thuyết và nghiên cứu khoa học, minh chứng chủ đề căn bản của quyển sách ấy: “Dưới những hoàn cảnh đúng đắn, ông viết, những tập thể là thông minh một cách nổi bật, và thường sáng suốt hơn người thông minh nhất trong đám ấy.” Ông lập luận trái ngược với trực giác hay cảm nhận thông thường rằng những nhóm người khá hơn trong việc giải quyết những rắc rối và đưa ra những quyết định tốt đẹp hơn so với ngay cả người chuyên môn hàng đầu trong nhóm.
Dĩ nhiên, tất cả chúng ta biết là con người ta có thể rồ dại vô cùng như thế nào vào những lúc tụ họp trong đám đông, có thiên hướng về tính ngu ngốc tuần tự từ việc săn lùng những phù thủy đến những hành vi ác độc không thể tưởng được (thí dụ việc hành hình vì sự cuồng tín). Do vậy, chìa khóa ở đây là việc xác định “những hoàn cảnh đúng đắn’’ Surowiecki liên hệ đến những hoàn cảnh cho phép tuệ trí của tập thể ló dạng. Những điều kiện được xác định bởi Surowiecki hỗ trợ thêm cho biện luận của đức Đạt Lai Lạt Ma rằng sự đa dạng - cho dù là sự đa dạng của những cá thể trong đám đông, sự đa dạng văn hóa trong một quốc gia, hay sự đa dạng quốc gia trong hành tinh của chúng ta - đôi khi có thể cống hiến những lợi ích lớn lao. Lần theo nhiều nghiên cứu khoa học, và sự phong phú của những thí dụ thực tiễn, Surowiecki kết luận rằng “những điều kiện cần thiết cho sự thông tuệ của đám đông là: Đa dạng, độc lập, và một loại phân quyền đặc thù.”
Vì vậy chúng ta đi đến một lợi ích khác của đa dạng: Sự đa dạng làm nổi bật tuệ trí của một nhóm, cải thiện việc giải quyết vấn đề và khả năng tạo ra quyết định của chúng ta. Với quá nhiều rắc rối trên thế giới ngày nay, đây là một lợi ích không được bàn luận một cách qua loa. Nếu một nhóm người đang tìm cách giải quyết một vấn đề hay đi đến một sự đồng tâm nhất trí trong một quyết định quan trọng, một sự đa dạng của những viễn tượng mới mẻ, một nguồn tin tức mới, và những kho tàng khác nhau của kiến thức tất cả cống hiến đến tuệ giác và sức mạnh của một tập thể. Trong một ý nghĩa, người ta có thể phác họa ra một nét tương tự đến câu chuyện “Con Voi và những Người Mù”, nơi mà một nhóm người mù được yêu cầu diễn tả con voi. Một người cảm nhận cái đuôi con voi giống như một sợi dây, người khác cảm nhận cái chân và diễn tả nó như cây cột, v.v... Hành động đơn độc, những người mù là đủ cả dấu hiệu, nhưng nếu những người mù được tập họp trong một nhóm, mỗi người cống hiến đến bức tranh, cuối cùng họ sẽ có thể đi đến một sự diễn tả thật tuyệt về con voi.
Một cuộc nghiên cứu then chốt 2004 tại Đại học Stanford đã minh chứng một cách trực tiếp lợi ích của sự đa dạng trong việc cải thiện khả năng suy nghĩ của một nhóm. Những nhà nghiên cứu Anthony Antonio(5) và Kenji Hakuta(6) phân chia một nhóm sinh viên da trắng thành những nhóm nhỏ được bố trí để thảo luận một vài vấn đề xã hội tranh cãi, chẳng hạn như án tử hình. Những sinh viên không biết nhau, họ được họp thành nhóm vì thế tất cả chia sẻ cùng những quan điểm, căn cứ trên một cuộc phỏng vấn thể nghiệm. Cũng không biết đến những đối tượng là một trong những “sinh viên” trong mỗi nhóm là một “người gài vào”, hợp tác với những nhà nghiên cứu. Phân nửa người gài vào là da đen, phân nửa là da trắng. Thêm nửa, một số người gài vào được hướng dẫn để đồng ý và một số được yêu cầu không đồng ý với những người khác trong nhóm.
5. Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ giáo dục tại Đại học Los Angeles (UCLA) 1998, Anthony Antonio đã bắt đầu giảng dạy và tiến hành nghiên cứu tại trường Giáo Dục Stanford.
6. Kenji Hakuta tốt nghiệp tiến sĩ tâm lý học tại Đại học Harvard, 1975-1979.
 Trong việc phân tích một cách kỹ lưỡng nội dung những đề tài thực tập mười lăm phút trước và sau khi thảo luận, những nhà nghiên cứu thấy chứng cứ kết luận rằng trong những nhóm này đã có những ảnh hưởng lợi ích trên vấn đề suy nghĩ của những thành viên trong nhóm, đặc biệt cải thiện một loại suy nghĩ được biết như “sự phức tạp để hợp thành một thể thống nhất” (integrative complexity - IC). IC là thước đo của sự suy nghĩ thông tuệ trình độ cao cấp, đại khái liên hệ khả năng để nhìn vào vấn đề từ một sự đa dạng của nhận thức, và có thể hợp nhất những sự đa dạng này trong việc trở thành một kết luận. IC có giá trị lớn trong việc giải quyết vấn đề và làm nên quyết định. Những lợi ích trong việc nghiên cứu được thấy khi một nhóm bao gồm một thành viên của một chủng tộc khác, cho dù sinh viên da đen đồng ý với đa số hay không. Trong cùng cách ấy, lợi ích được thấy khi nhóm bao gồm một thành viên với một ý kiến khác, cho dù ý kiến khác biệt này được bày tỏ bởi một “kẻ gài vào” da trắng hay đen.
Vì rằng đây chỉ là một thí dụ trong nhiều lợi ích của tính đa dạng, người ta có thể nói, “Ô, nếu đa dạng là quá tuyệt vời, và đám đông là quá thông minh như thế, tại sao không có sự đa dạng hơn trong những ‘đám đông’ trong khắp mọi trình độ của xã hội, với nhiều người lựa chọn để làm việc và sống trong những môi trường đa dạng hơn một cách tự nhiên?”. Câu trả lời, như thông thường, là, ô, mọi thứ không đơn giản như vậy, có nhiều biến thiên trong việc đối phó với thái độ con người. Vì vậy, mặc dù những lợi ích của đa dạng, nhưng có một sự ngầm hiểu rằng - tập thể cũng phải được động viên để hoạt động với nhau và không để những sự dị biệt làm cho cải vã vặt vãnh hay xung đột làm ngăn ngừa việc hoạt động với nhau phát sinh. Nhằm để hưởng thụ những lợi ích của đa dạng, những ai từ các nhóm chủng tộc và dân tộc vốn khác biệt đầu tiên phải có cơ hội để hình thành một sự tiếp xúc với nhau, và rồi thì phải bắt đầu phá vỡ những thái độ đã tạo nên các rào cản trong những nhóm khác nhau.
Nhằm để giải quyết vấn đề này, thật quan trọng để thấu hiểu rằng giống như có những lợi ích đối với những tập thể đa dạng, cũng có những lợi ích đối với những nhóm thuần nhất, chẳng hạn như hiệu quả sản xuất lớn hơn phát sinh từ một tập thể đoàn kết và thống nhất. Nghiên cứu gần đây xác nhận một cách rõ ràng rằng con người tin tưởng nhau hơn, có một ý thức cộng đồng cao hơn, tỉ lệ tội ác thấp, và giảm thiểu những mức độ chán nản và sự bừa bãi băn khoăn khi sống trong những cộng đồng thuần nhất hơn, hay nơi mà tập thể của người ấy là đa số. Do vậy, thế nào ấy chúng ta phải điều hòa sự kiện rằng người ta cảm thấy hạnh phúc hơn khi sống giữa những người cùng chủng tộc và sắc tộc với một nhu cầu tuyệt đối cho một ý nghĩa của hòa hiệp và hợp tác giữa những nhóm khác nhau, nhu cầu để cảm thấy thoải mái với những ai thuộc chủng tộc và dân tộc khác trong những xã hội đa văn hóa gia tăng. Vấn đề này nhạy cảm hơn trong xã hội phương Tây ngày nay bởi xu hướng tranh luận giữa những ai cảm thấy chúng ta nên ăn mừng những sự khác biệt chủng tộc và sắc tộc của chúng ta, thấy không có gì sai với “việc giữ gìn những gì riêng biệt của chúng ta”, và những ai biện luận chấp thuận hội nhập những xã hội đa văn hóa, ngay cả hoàn toàn đồng hóa vào trong một đại gia đình hạnh phúc của nhân loại.
Phần trước đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói về nhu cầu cho một tâm linh cộng đồng lớn hơn, cho việc trau dồi một ý thức liên hệ, của nối kết xã hội gần gũi hơn, nhưng ở đây chúng ta có thể chia thành hai loại nối kết xã hội: Một loại nối kết con người lại với nhau trong một nhóm, trên căn bản của những nét chung như cùng chủng tộc, sắc tộc, hay cùng tôn giáo. Thứ hai là tạo nên sự liên kết chặc chẽ giữa những thành viên của những nhóm khác nhau, điều thường được gọi là sự bắt cầu những liên kết xã hội. Hầu hết những nhà khoa học xã hội hiện nay đồng ý rằng những liên kết xã hội bắt cầu là cần thiết một cách hệ trọng trong xã hội đương đại phương Tây, loại thiếu vắng một cách bi thảm ở bán đảo Balkan giữa những người Serbia, Croatia, và Bosnia. Thử thách dĩ nhiên là làm thế nào để xây dựng những liên kết xã hội bắt cầu - làm thế nào để tạo nên một loại ý thức nối kết đến một cộng đồng rộng rãi hơn trong khi vẫn duy trì những đặc trưng văn hóa hay sắc tộc.
Những nghiên cứu cho thấy rằng con người cảm thấy hạnh phúc hơn nếu họ sống với những người giống với chính họ. Những gì có nghĩa là “giống với chính họ”? Điều này dường như là điểm then chốt của vấn đề - một vấn đề cũng được xác định một cách rõ ràng bởi đức Đạt Lai Lạt Ma khi nói về những khía cạnh tàn phá của suy nghĩ Chúng Ta và Họ, kết luận, “Chúng ta cần thúc đẩy một cung cách toàn bộ hơn của việc liên hệ với người khác. Điều ấy là chắc chắn.” Chúng ta cần tìm ra một phương cách để nhìn vào những người khác từ những nhóm khác biệt chủng tộc, dân tộc, hay quốc gia và nhận thức tất cả họ là những bộ phận của cái “chúng ta” rộng lớn hơn, toàn bộ hơn.
Trong chương này, đức Đạt Lai Lạt Ma đã trình bày một số dự án hợp lý để giúp chúng ta vượt thắng thành kiến, thiên vị, và thù hận có thể biểu hiện như những chướng ngại để trau dồi ‘cung cách toàn bộ hơn’ này của việc nhận thức người khác. Trong phần ba của quyển sách này, chúng tôi sẽ trở lại phần thảo luận về việc liên hệ với người khác trong một cung cách toàn bộ hơn như thế nào, cho thấy làm thế nào điều này có thể đưa đến sự hạnh phúc cá nhân rộng lớn hơn cũng như giúp để vượt thắng nhiều vấn nạn xã hội trong thế giới ngày nay. Tuy thế, trước khi chuyển sự chú ý của chúng tôi đến những chủ đề ấy, những sự kiện trên thế giới nhắc nhở chúng ta rằng vẫn còn những vấn đề quan trọng để thảo luận trong nhu cầu tìm kiếm hạnh phúc trong thế giới rắc rối của chúng ta.
Phần II - Bạo động chống lại đối thoại - Chương 6
Thăm lại bản chất con người
Vào buổi sáng ngày 11 tháng Chín năm 2001, những sự kiện hiện ra đã thay đổi thế giới. Khi Trung Tâm Thương Mại Thế Giới sụp đổ ở New York, đức Đạt Lai Lạt Ma ngủ yên bình trong phòng ngủ bình dị của ngài trên ngọn đồi của núi non vùng Bắc Ấn. Buổi sáng ấy, ngài đã dậy vào giờ giấc thường lệ của ngài lúc 3:30 sáng, nhẹ nhàng rũ bỏ giấc ngủ trong tâm tư của ngài, và lúc 4 giờ sáng bắt đầu nghi thức hàng ngày như một thầy tu Phật giáo, với bốn giờ liền cho cầu nguyện và thiền quán. Vì vậy khi lời kêu gọi oang oang cho một cuộc chiến tranh mới đang vang động ở Hoa Kỳ, thì đức Đạt Lai Lạt Ma đang thiền tọa sâu lắng, âm thinh duy nhất là tiếng lộp độp của cơn mưa mùa nhẹ nhàng rơi trên mái thiếc trong khu tịnh thất của ngài, trong khi bên ngoài một không khí hòa bình và tĩnh lặng bao phủ khắp ngôi làng miền núi xa xôi này, vẫn trùm trong bóng đêm của thời khắc ấy.
Không lâu sau ngày 11/9, tôi đã trở lại Dharamsala để tái tục những thảo luận của chúng tôi. Gần một năm từ khi chúng tôi gặp gỡ nhau trong phòng này, và dường như không có gì thay đổi trong thời gian qua. Trong thực tế, không có gì dường như thay đổi trong hai thập niên qua mà tôi đã và đang viếng ở đấy: Nó có cùng cảm giác rộng rãi và hòa bình, cùng phẩm chất của cởi mở được tạo nên bởi những cánh cửa sổ rộng lớn, một phía đối diện những ngọn núi phủ tuyết, phía kia giáp mặt Thung Lũng Kanga xum xuê mở rộng phía xa bên dưới. Cùng những bức tranh Thangka, những cuốn thư họa Phật giáo về bồ tát Tara, trong khung thêu kim tuyến, treo trên những bức tường màu vàng vây quanh. Cùng bức bản đồ Tây Tạng từ sàn lên tới trần nhà bao phủ trên tường, và cùng điện Phật trang hoàng với những biểu tượng, Phật tượng, bát cúng đẹp đẽ, và đèn bơ, duy trì nơi đây luôn luôn là như thế. Ngay cả chiếc ghế bọc nhung giản dị của đức Đạt Lai Lạt Ma và chiếc ghế dài đối xứng mà tôi ngồi trên đấy, cả hai được bố trí chung quanh một chiếc bàn cà phê dài, rộng sơn đỏ, hiện hữu cũng giống như bấy lâu nay.
Không, không có thay đổi gì nhiều ở đây, tôi nghĩ, khi tôi nhìn chung quanh căn phòng. Trong thực tế, khi những thập niên trôi qua, như mà tôi có thể nói, những thay đổi duy nhất có thể thấy đã xảy ra trong phòng kế bên, phòng dành riêng cho những vị khách chờ đợi để diện kiến đức Đạt Lai Lạt Ma - khi năm tháng trôi qua, những bức tường đã được phủ đầy ngày càng nhiều với những phần thưởng, bằng đại học danh dự, bằng danh dự, huy chương và thẻ bài.
Nhưng thế giới bên ngoài đã thay đổi. Những tháng từ cuộc gặp gỡ sau cùng của tôi với đức Đạt Lai Lạt Ma, cuộc tấn công khủng bố 11 tháng Chín đã xảy ra - và một lần nữa những sự kiện thế giới đã nhắc nhở chúng ta về những thứ ác độc dữ đội và kinh khủng mà con người có thể thực hiện thứ này đến thứ khác cho nhau.
Chúng tôi bắt tay vào buổi sáng ấy trong một khảo sát về phía đen tối của thái độ con người, những hành vi bạo động, sự thù hận, sự tàn bạo mà con người có thể giáng xuống cho nhau. Trong loạt thảo luận sau cùng, chúng tôi đã khảo sát về nguồn gốc của cung cách suy nghĩ nhị nguyên Chúng Ta chống lại Họ mà có thể đem đến việc phát sinh thành kiến và xung đột. Bây giờ chúng tôi trở lại sự chú ý của chúng tôi về những nguyên nhân của bạo động. Trong cố gắng để truy tìm nguyên nhân của những hành động xấu ác này đến cội nguồn của chúng, chúng tôi đã bắt đầu với câu hỏi nền tảng: Có phải bạo động và kích động chỉ là một bộ phận tự nhiên cơ bản của con người hay không?
CÓ PHẢI CĂN BẢN TỰ NHIÊN CỦA CHÚNG TA LÀ BẠO ĐỘNG HAY KHÔNG?
“Buổi sáng ấy,” đức Đạt Lai Lạt Ma thuật lại chi tiết, nói về sự kiện 11 tháng Chín, “sau buổi thiền quán của tôi, người thị giả, Lobsang Gawa, đến phòng và báo cho tôi biết rằng Trung Tâm Thương Mại Thế Giới ở New York đã bị tấn công. Ông nói với tôi rằng tòa nhà đã hoàn toàn bị sụp đổ!”
“Phản ứng đầu tiên của ngài là gì?” tôi hỏi.
“Không tin. Tôi đã nghĩ như thế. Điều này không thể là sự thật! Tôi nghĩ ai đấy đang kể cho tôi một câu chuyện. Vì thế, tôi mở đài truyền thanh BBC và nghe khi họ thông tin về điều này. Rồi tôi mở sang đài truyền hình BBC và xem những máy bay đâm vào tòa nhà và tòa nhà sụp đổ trong lửa. Sau đó tôi biết đấy là sự thật. Tôi đã thấy người ta cố gắng tuyệt vọng để tránh bị thiêu sống, nhảy từ cửa sổ. Thật là đau buồn! Một sự tàn phá kinh khiếp như vậy! Thật là không thể nghĩ nổi. Không thể nghĩ nổi.”
“Thế thì phản ứng thứ đến của ngài là gì, sau khi ngài vượt qua khỏi sự không tin của ngài?”
Đức Đạt Lai Lạt Ma lắc đầu một cách buồn bã. “Nó tạo nên một sự nhắc nhở đầy uy lực về khả năng tàn phá của con người. Một sự thù hận kinh khủng như thế! Gần như vượt khỏi sự tưởng tượng của con người. Sau đó tôi cầu nguyện cho tất cả những nạn nhân vô tội và gia đình của họ.”
Nghĩ lại phản ứng của Hoa Kỳ đến cuộc tấn công ngày ấy - một sự giận dữ, một quyết định nhanh chóng, năng động để đem thủ phạm ra công lý - tôi hỏi, “A! Khi người ta lưu tâm đến những khổ đau mà những kẻ khủng bố đó và những người như Bin Laden đã đem đến cho hàng nghìn người vô tội, rằng con người có thể làm điều này đến những người khác, đôi khi nó có xói mòn niềm tin căn bản của ngài về tính tốt đẹp của con người, về bản chất tự nhiên của nhân loại không?"  
“Không,” đức Đạt Lai Lạt Ma đáp lại, không mất một giây nào, “hoàn toàn không. Bởi vì mặc dù những hành vi kinh khiếp như vậy được thực hiện bởi một nhúm người, tôi vẫn tin tưởng vững chắc trên căn bản thánh thiện của con người, và ở cấp độ nền tảng, bản chất tự nhiên của chúng ta là tế nhị và không bạo động.” Đây không phải là lần đầu tiên chúng tôi nói về bản chất tự nhiên của con người. Tôi nghĩ lại ngay lần đầu tiên mà chúng tôi đã thảo luận về chủ đề này, hơn một thập niên trước đây(1). Tôi nhớ lại cái nhìn trực tiếp, sắc sảo và giọng nói nhất quán rõ rệt khi ngài nói, “Niềm tin vững chắc của tôi là bản chất tự nhiên của con người là yêu thương, tế nhị một cách thực chất. Đấy là đặc trưng ưu thế của bản chất con người.” Quan điểm của ngài về đề tài này rõ ràng không thay đổi.
1. Nghệ thuật tạo hạnh phúc (New York, Riverhead Books, 1998), quyển sách đã được Tỳ kheo Tâm Quang dịch, chùa Tam Bảo Fresno ấn hành, có đăng trong Thư Viện Hoa Sen.
Mặc dù tôi đã cảnh giác trước về quan điểm lạc quan một cách căn bản của đức Đạt Lai Lạt Ma về bản chất của con người, tôi vẫn hơi ngạc nhiên bởi âm điệu kiên định của một niềm tin vững chắc khi ngài nói về những sự kiện 11 tháng Chín, vẫn còn quá mới mẽ, đã không khuấy động lòng tin của ngài trong nền tảng thánh thiện của con người. Ngay cả đối diện một cách trực tiếp với vụ giết hại tàn bạo và vô cảm hàng nghìn người vô tội đã không làm cho ngài dừng lại chút nào dù trong khoảnh khắc, và trong sự thực niềm tin của ngài dường như mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Muốn thấu hiểu sức mạnh tự tin của ngài đến từ chốn nào, tôi hỏi, “A, khi chúng ta thấy những sự tàn bạo kinh khủng mà người ta thực hiện cho nhau, tại sao điều ấy không có bất cứ tác động nào trong niềm tin của ngài về nền tảng thánh thiện của bản chất loài người, của con người, mà điều ấy ngay cả bao gồm những thủ phạm hung ác như vụ 11 tháng Chín?”.  
Đức Đạt Lai Lạt Ma suy nghĩ trong giây lát. “Có lẽ, một điều là tôi nhìn những sự kiện từ một viễn tượng rộng lớn hơn. Khi những thứ như vậy xảy ra, chúng ta thường có khuynh hướng tìm kiếm một người hay một nhóm người để quy tội. Nhưng tôi nghĩ thật là sai lầm nếu chỉ nhìn vào một cá nhân hay một nhóm người và cô lập họ như một nguyên nhân duy nhất. Nếu ông tiếp nhận một quan điểm rộng rãi hơn, ông sẽ thấy rằng có thể có nhiều nguyên nhân của bạo động. Và có thể có nhiều nhân tố góp phần cho những sự kiện như thế. Rất nhiều nhân tố. Trong trường hợp này, thí dụ, tôi nghĩ niềm tin tôn giáo cũng liên hệ.
“Vì vậy, nếu ông phản chiếu trên sự kiện này một cách sâu sắc hơn, “ngài giải thích, “ông sẽ nhận ra rằng có nhiều nhân tố góp phần cho thảm kịch đó. Đối với tôi, điều này củng cố một sự kiện căn bản: Nó cho tôi thấy rằng kỹ thuật hiện đại phối hợp với sự thông minh của con người và được hướng dẫn bởi những cảm xúc tiêu cực - đây là những thảm họa không thể nghĩ đến như vậy đã xảy ra như thế nào”.  
“Ngài có thể nói thêm chi tiết về những gì ngài muốn nói qua điều ấy không?”
Ngài trả lời, “Ông thấy rằng những kẻ khủng bố này phải có một sự quyết tâm gần như không thể tưởng tượng được để hy sinh mạng sống của họ để thực hiện một hành vi như vậy. Điều đó không thể xảy ra mà không có những cảm xúc mạnh mẽ, những cảm xúc tiêu cực. Điều ấy cung ứng động cơ. Nhưng rồi thì chỉ động cơ mà thôi, cảm xúc tiêu cực bởi chính họ mà thôi, không thể phát sinh ra những sự kiện như vậy. Nếu ông nghĩ về nó, ông nhận ra rằng nhiều dự tính phải được hoàn tất cho vụ tấn công này, hàng tháng nếu không phải là hàng năm của những chương trình tỉ mỉ. Thí dụ, nó được tính toán vì thế những chiếc máy bay chứa đầy nhiên liệu. Những chương trình chính xác này đòi hỏi việc sử dụng trí thông minh của con người. Và rồi họ cần những phương tiện đề hoàn thành một hành động như vậy. Trong trường hợp này, máy bay được sử dụng, một kết quả của kỹ thuật hiện đại. Đấy, điều này là những gì tôi muốn nói.
“Ông biết không, “ngài tiếp tục, với một tiếng thở dài, “trong thực tế, thật nhiều nhân tố góp phần cho những hành động kinh khiếp như vậy. Thí dụ, những cá nhân này bị thúc đẩy bởi thù hận. Trong thực tế, khi tôi lần đầu tiên thấy những tòa nhà sụp đổ vào ngày 11 tháng Chín, tôi đã nghĩ, Thù Hận - đó là thủ phạm chính!”
“Thưa Đức Thánh Thiện, tôi có thể hiểu quan điểm của ngài về vấn đề có thể có tất cả những nhân tố này góp phần cho những hành vi kinh khiếp ấy như thế nào. Nhưng sự kiện là một cách căn bản nó đi đến khiến một cá nhân hay một nhóm người hạ thủ những hành vi bạo động và khổ đau trên những người khác. Vậy thì ngài không nghĩ là có thể rằng, nếu đặt qua một bên tất cả những nhân tố phức tạp và nguyên nhân này mà ngài đã đề cập, thì một số người nào đấy đúng thật sự là xấu xa, rằng bản chất của họ là độc ác hay không?”
Lắc đầu, đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời, “Khái niệm xấu ác, ngay cả chữ ‘xấu ác’, có thể là có vấn đề. Như chúng ta đã thảo luận trước đây, dường như ở phương Tây, đôi khi có một khuynh hướng để thấy mọi thứ trong những dạng thức tuyệt đối, để thấy những thứ như trắng hay đen, tất cả hay không có gì. Trên tất cả những thứ ấy, dưới ảnh hưởng của những thể trạng tinh thần như sân hận, khuynh hướng này thậm chí trở nên mạnh mẽ hơn. Một loại bóp méo tư duy của người ta, nhận thức của con người, chiếm lĩnh vị trí. Do thế, như tôi đã đề cập, khi chúng ta nghĩ về những sự kiện như vậy, chúng ta lập tức tìm một mục tiêu, kiếm một cá nhân hay một nhóm người để quy trách nhiệm, điều gì đấy cụ thể mà chúng ta có thể hướng trực tiếp tất cả những sự sân hận và giận dữ của chúng ta. Và trong tình trạng ấy, chúng ta thấy mọi thứ trong dạng thức của tất cả xấu hay hoàn toàn tốt, thấy mọi người là hiền lương hay bất lương. Thế nên, từ nhận thức ấy, chúng ta có thể thấy một người như thuần xấu ác.
“Nhưng theo quan điểm của đạo Phật, chúng tôi không có khái niệm xấu ác tuyệt đối, trong ý nghĩa xấu ác như điều gì đấy tồn tại một cách độc lập - điều gì đấy không được làm ra bởi những nhân tố khác, điều đó không thể bị tác động bởi những nhân tố khác, và không thể được thay đổi hay điều chỉnh bởi những điều kiện khác. ‘Tuyệt đối’ xấu ác có một cảm nhận thường hằng. Do vậy, chúng tôi không chấp nhận ý tưởng ‘con người xấu ác, trong ý nghĩa rằng bản chất tự nhiên của một người đặc thù nào đó là một trăm phần trăm xấu ác, và họ sẽ vẫn duy trì cung cách ấy bởi vì nó là tính chất căn bản không thay đổi của họ.
“Bây giờ, trong nhận thức của đạo Phật chúng ta thật sự có khái niệm về một con người hành động trong một cung cách xấu ác, làm những việc xấu ác, dưới sự ảnh hưởng của những cảm xúc tiêu cực và động cơ bất thiện, v.v... - nhưng chúng ta thấy thái độ xấu ác này sinh khởi như một kết quả của những nguyên nhân và điều kiện nào đấy. Chúng ta cảm thấy những sự kiện như vậy có thể được giải thích mà không diện dẫn một năng lực siêu hình như xấu ác.
“Thế nên, một cách căn bản,” ngài tóm tắt, “nếu một người thực hiện một hành vi vô cùng tàn phá, chúng ta có thể nói hành vi ấy là xấu ác. Không thắc mắc gì. Và chúng ta nên luôn luôn đối kháng hành vi ấy, như một hành vi xấu ác. Chúng ta phải có một vị thế vô cùng mạnh mẽ. Và hãy nói rằng động cơ của con người cho hành động là thù hận. Rồi thì chúng ta có thể nói rằng cả động cơ, và hành động đưa tới là xấu ác, do bởi bản chất tàn phá của chúng. Nhưng chúng ta vẫn không thể xem cá nhân ấy như ‘một con người xấu ác’, một sự xấu ác bản chất và thường hằng, bởi vì luôn luôn có tiềm lực hay khả năng mà một loạt những điều kiện mới sẽ hình thành hiển hiện và chính cùng con người ấy có thể không còn dấn thân trong thái độ xấu ác nữa.”
“A, tôi có thể hiểu những gì ngài đang nói,” tôi nói, “nhưng nếu ngài nhìn vào hành vi ấy như sinh khởi từ những nguyên nhân và điều kiện đa dạng, và nhìn thủ phạm như chỉ ở dưới sự khống chế của tất cả những nhân tố khác này, và rằng những nhân tố này là những gì thật sự làm nên thái độ, không có một hiểm họa của việc dường như để tha thứ hay bào chữa cho thái độ của con người, giống như nó không phải là lỗi lầm của họ chứ? Dường như rằng ngài càng nhìn vào những nguyên nhân và điều kiện đa dạng đưa đến hành động, ngài dường như càng để những thủ phạm ra khỏi lưỡi hái [trách nhiệm].
“Này nhé,” ngài nói, “nói rằng không có ai xấu ác bản chất, sự xấu ác là một tình trạng tương đối tùy thuộc trên những nhân tố khác, nhưng không cho ai đấy một sự tha thứ để thực hiện những hành vi xấu ác ấy. Chỉ bởi vì ông cho phép khả năng của những động cơ và thái độ của người ta có cơ hội thay đổi trong tương lai, điều này không có nghĩa là ông thế nào đấy tha thứ hay bỏ qua hành vi ấy, hay rằng ông không bắt họ chịu trách nhiệm giống như họ không có làm gì với điều ấy”.  
“À,” tôi cướp lời, “bất chấp hoặc là những hành vi kinh khiếp này của bạo động là kết quả của những nguyên nhân và điều kiện có thể nhận ra, hay họ đã bị quy cho là những người xấu ác, sự thực vẫn là con người có khả năng để thực hiện những hành vi này; chúng ta đã rình rập và giáng khổ đau xuống cho nhau suốt khắp lịch sử nhân loại. Tôi muốn nói là ngay cả ngài đề cập rằng phản ứng thứ hai của ngài khi nghe về sự kiện 11/9, sau khi ngài nhận ra rằng nó là sự thật, là nó là một ‘sự nhắc nhở đầy năng lực về khả năng tàn phá của con người.’ Và có quá nhiều nhắc nhở... những hành vi tàn phá như sự Diệt Chủng Người Do Thái, quá kinh khiếp quá khó để mà tưởng tượng! Tôi không biết, nhưng dường như rằng những sự nhắc nhở khắc nghiệt ấy về khả năng tàn phá, tiềm năng giáng xuống những sự tổn thương và làm cho những người khác khổ đau, có lẽ ít nhất làm cho người ta phải dừng lại để quán sát phía đen tối của bản chất loài người”.  
Với một cái gật đầu nghiêm nghị, ngài đáp lời một cách chậm rãi, “Vâng, khi chúng ta đối diện với những những nổi kinh hoàng như sự Diệt Chủng Người Do Thái, nó có thể làm giao động niềm tin của chúng ta đối với chính loài người. Ông biết không, tôi sẽ không bao giờ quên lần viếng thăm đầu tiên của tôi đến Auschwitz(2). Có vài thứ mà tôi thấy ở đấy đã gây ấn tượng cho tôi rất mạnh, và một trong những thứ ấy là một sự thu góp khổng lồ về giày. Giày của những nạn nhân. Và điều đã làm cho tôi chú ý với một sự khiếp đảm hoàn toàn và đau buồn sâu sắc khi tôi thấy nhiều đôi giày nhỏ bé, những đôi giày của con nít! Tôi cảm nhận một cách mạnh mẽ về những thiếu niên vô tội này. Chúng thậm chí không biết những gì đang xảy ra. Tôi thật sự cảm thấy, “Ai có thể làm một việc kinh khủng như vậy?” Và tôi đã cầu nguyện ở đấy”.  
2. Môt thành phố kỹ nghệ ở miền Nam Ba Lan, Đức Quốc xã đã dựng một trại tập trung ở đấy trong Thế Chiến Thứ Hai, tên Ba Lan là Oświȩcim.
Những từ ngữ sau cùng này được nói một cách mềm dịu, và những lời của ngài đi vào im lặng, nhưng lời tuyên bố u buồn của ngài làm tôi phải chờ đợi một lúc trước khi tiếp tục. Đức Đạt Lai Lạt Ma không tin tường khái niệm tuyệt đối xấu ác. Ngài dường như không có sự ép buộc để cô lập Hitler và những tay chân ác độc của ông ta như nguyên nhân duy nhất của vụ Tàn Sát Người Do Thái (Holocaust), để hướng toàn lực nổi sân hận và ý thức của ngài trong việc làm tổn thương họ. Tuy nhiên, khi nói về những trải nghiệm như cuộc viếng thăm Auschwitz, người ta có thể thấy trong âm điệu giọng nói và thái độ của ngài bị tác động sâu sắc như thế nào và người ta không cảm thấy vắng bóng một sự tổn thương đạo đức. Điều này không phải là vấn đề ngài quên lãng nỗi kinh khiếp của những thảm họa như vậy, cũng không phải ngài không cảnh giác về những thứ xấu ác mà con người có thể thực hiện đối với nhau. Tuy vậy, với sự tỉnh thức trọn vẹn trong khả năng của con người đối với sự xấu ác, niềm tin của ngài trong nền tảng tốt đẹp của con người vẫn không lay chuyển.
Tiếp tục cuộc đàm luận của chúng tôi, tôi nói, “Thưa Đức Thánh Thiện, tôi cho rằng vấn đề của tôi là bất cứ khi nào người ta quan tâm đến vụ Tàn Sát Người Do Thái, hay những sự kiện tương tự như vậy trên một mức độ nhỏ hơn, dường như không chỉ là một sự thừa nhận rằng có sự xấu ác trên thế gian, nhưng dường như để thử thách quan điểm nhân ái tự nhiên của loài người.”
“Vả chăng,” ngài nói, “tôi nghĩ, sẽ là một sai lầm để nhìn vào những sự kiện như vậy và kết luận rằng những thứ này đại biểu cho bản chất tự nhiên của loài người, giống như không biết làm sao chúng ta bị bắt buộc phải hành động như thế đó. Chúng ta phải nhớ rằng những hoàn cảnh loại này không phải là tiêu chuẩn, không đại diện cho đời sống bình thường hằng ngày của chúng ta. Thí dụ, trong đạo đức nhà Phật, chúng tôi có một danh sách của những gì chúng tôi gọi là “các tội ác ghê gớm(3)”. Những điều này bao gồm việc giết hại cha và mẹ của mình, tạo sự bất hòa trong cộng đồng, v.v... Nhưng không phải chỉ vì những thứ này hiện hữu thì có nghĩa là con người không thể tiếp nhận một lối sống đạo đức.”
3. Ngũ nghịch tội: Năm ngũ nghịch đại tội, tức là giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán, làm thân Phật chảy máu và chia rẻ Tăng.
“Vâng, điều ấy có thể đúng, nhưng...”
“Howard,” ngài tiếp tục, “tôi nghĩ chúng ta nên nhớ rằng những gì chúng ta đang đề xuất là một kiểu thái độ được đặt nền tảng trên nhận thức về sự tốt đẹp căn bản tự nhiên của con người. Và với sự tỉnh thức trọn vẹn đó, tiếp nhận cẩn trọng một lối sống để biểu lộ điều này. Đấy là mục tiêu của chúng ta, ý định của chúng ta. Đó là tại sao chúng ta đang cố gắng để rèn luyện, giáo hóa nhân loại. Chúng ta đang cố gắng để thúc đẩy ý tưởng rằng căn bản tự nhiên của con người là tích cực, nên đó là khả năng để khuyến khích ý thức cộng đồng của chúng ta, ý thức quan tâm của chúng ta. Và đây không phải là một vấn đề tôn giáo tín ngưỡng. Điều này cũng không chỉ đơn giản là vấn đề triết lý. Đó là tương lai của chúng ta...”.
Khi đức Đạt Lai Lạt Ma nói, có một loại từ bi vô biên trong giọng nói của ngài, giống như ngài thấy với sự trong sáng hoàn toàn và một nỗi buồn mênh mông với nỗi khổ đau vô hạn của con người giáng xuống cho nhau như một kết quả của vô minh - u mê về bản chất chân thật của chính chúng ta, một sự si ám che mờ cái thấy của chúng ta, chướng ngại sự thấu hiểu về bản chất thánh thiện và khả năng rộng lớn cho ân cần tử tế của chúng ta, làm cho chúng ta sống trong bóng tối và hãi, với nghi ngờ và thù hận với nhau.
Cùng một lúc, lòng từ bi của đức Đạt Lai Lạt Ma dường như không bao giờ ủy mị hay triết lý. Trong thực tế, dường như nó tương đồng với tính chất của cương quyết, một quyết tâm sâu sắc để giáo hóa con người trong khả năng tuyệt hảo nhất của ngài, để giúp con người thấy chính họ là ai và những gì họ thật sự là, để thấy họ như ngài thấy họ, như thánh thiện và tử tế từ bản chất. Bây giờ, một lần nữa, đức Đạt Lai Lạt Ma đi đến tóm tắt lại một số tranh luận then chốt như ngài đã làm những năm trước đây, trình bày những biện luận cẩn thận, hợp lý ủng hộ cho quan điểm của ngài về bản chất tự nhiên của con người, căn cứ không chỉ trên luận điểm Phật Tính(4) của Đạo Phật, nhưng chính yếu trên sinh học. Đầu tiên, ngài đã chỉ đến những lợi ích của sức khỏe thân thể và cảm xúc phát xuất từ bi mẫn và ân cần cũng như nhiều ảnh hưởng tàn phá của sự thù địch và gây hấn, đem lại như chứng tim mạch - sau đó ngài trở lại với lý do và ý nghĩa thông thường, và hỏi: “Bản chất tự nhiên” nào là thích hợp hơn cho tâm thức và thân thể của con người, để tô điểm cho cuộc sống loài người - hung bạo hay hiền lành?
4. Trong triết lý Phật giáo, Phật Tính liên hệ đến bản chất tự nhiên nền tảng căn bản, vi tế nhất của tâm. Thể trạng này của tâm hiện hữu trong mỗi chúng sinh, mỗi con người, hoàn toàn không bị nhiễm ô bởi những cảm xúc hay tư tưởng tiêu cực. Phật Tính, đôi khi gọi là “Linh Quang nguyên sơ của tâm”, là điều ban cho mỗi chúng sinh khả năng để giác ngộ.
Tôi chú ý rằng ngài đã thêm vào những thí dụ phức tạp hơn và đưa ra những kiến thức sâu rộng hơn từ một quan điểm khoa học hơn so với những cuộc đàm luận đầu tiên về đề tài này những năm trước, bây giờ bao gồm những tranh luận như, “Theo y khoa, một trong những nhân tố quan yếu cho việc mở rộng não bộ vật lý trải qua vài tuần ngay sau khi sinh là một sự tiếp xúc thân thể giản dị bởi bà mẹ, hay một người nuôi nấng nào đấy.” Mặc dù bản chất hợp lý của luận điểm, nhưng cung cách của ngài vượt xa một nhà nhân chủng học phân tích hay một nhà sinh học lạnh lùng và vô cảm; trong thực tế, ngài nói với một lòng nồng nàn và quan tâm ấm áp, giống như sự sống bị đe dọa ngay tại giờ phút này.
Mặc dù quan điểm của đức Đạt Lai Lạt Ma về bản chất con người là sâu sắc và lạc quan, nhưng nó không phải là một loại lạc quan mù quáng, và vì vậy luôn luôn như thế, ngài làm dịu quan điểm của ngài với ý nghĩa và lý trí thông thường, ngài kết luận, “Dĩ nhiên, căn bản thánh thiện của con người không loại trừ rằng sẽ có những hành vi tàn phá như chúng ta đã thấy vào ngày 9/11. Chúng ta không tiên liệu rằng mỗi con người sẽ sống phù hợp với những nguyên tắc phản chiếu bản chất tự nhiên của loài người. Rốt cuộc, tất cả những vị thầy tâm linh đã thất bại trong việc biến toàn bộ nhân loại thành điều gì đấy thánh thiện. Đức Phật thất bại, Chúa Giê-su thất bại. Nhưng sau đó sẽ đi đến nói rằng vì tất cả những bậc thầy vĩ đại của quá khứ đã thất bại, nên chúng ta cũng phải thất bại, à thế thì, tại sao phải bận lòng? Sự tiếp cận thế đó cũng là ngớ ngẫn. Chúng ta phải làm những gì chúng ta có thể làm”.
ĐÁNH GIÁ LẠI BẢN CHẤT TỰ NHIÊN CỦA CHÚNG TA
Qua vài thập niên gần đây, dường như có một cuộc cách mạng đang diễn ra trong cộng đồng khoa học trong việc khảo sát đề tài trường tồn của bản chất con người: Có phải bản chất con người chủ yếu là gây hấn và bạo động, hay tử tế và hiền lành? Trong vài thế kỷ qua, đúng hơn là một quan điểm đen tối, bi quan về bản chất con người - như gây hấn, ích kỷ, và địa phương một cách bẩm sinh - đã bén rễ một cách sâu rộng trong văn hóa Tây phương, được gieo rắc bởi một loạt những nhà tư tưởng, từ các triết gia như Thomas Hobbes và George Santayana đến những nhà phong tục học như Robert Ardrey và Konrad Lorenze. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, một con số lớn mạnh theo cấp số nhân của những nhà khoa học chủ đạo đã từ bỏ nhận thức bi quan về bản chất con người. Hình ảnh từ phía đối kháng của một quan điểm truyền thống cứng nhắc hơn về bản chất con người như gây hấn và bạo động, là quan điểm của đức Đạt Lai Lạt Ma về bản chất con người - một trong những điều ấy được đặc trưng một cách nổi bật bởi những thể trạng tích cực của tử tế, ân cần, từ bi, thậm chí hiền lành.
Sự thay đổi lập trường phát triển đối với quan điểm của đức Đạt Lai Lạt Ma đưa hầu hết những nhà tư tưởng và nghiên cứu một nơi nào đó ở giữa hai thái cực này: Càng ngày càng nhiều người đi đến kết luận rằng trong khi chúng ta có bộ máy thần kinh cho chúng ta khả năng để hành động một cách bạo động, thì không có thứ gì trong sinh học thần kinh hay bản chất tự nhiên của con người thúc ép chúng ta làm như thế. Như một kết quả, đại đa số nghiên cứu khoa học những năm gần đây, ngày càng nhiều chứng cứ đã và đang thu thập, bàn cải về bản chất bẩm sinh bạo động của con người và khuyến nghị rằng trong khi chúng ta có thể có khả năng cho việc biểu lộ những nét tích cực hay tiêu cực, thì một điều căn yếu được biểu lộ qua thái độ của chúng ta - cho dù chúng ta hành động thân ái hay bạo động - tùy thuộc phần lớn trong việc rèn luyện, điều kiện tác động, và những tình huống hoàn cảnh của chúng ta.
Dĩ nhiên, trong khi nhiều người đang di chuyển gần hơn với quan điểm của đức Đạt Lai Lạt Ma về bản chất loài người, thì vấn đề vượt khỏi những tư tưởng trong những nhà khoa học hiện đại, và trong quan điểm công cộng về bản chất hung hăng của loài người vẫn tiếp tục bám chặc một cách sâu đậm. Vậy thì, sự thật là thế nào?
Trong trường hợp này, năng động tìm kiếm sự thật về bản chất loài người có thể khơi dậy một bức tranh ảm đảm, có lẽ hầu như vô vọng. Những sự kiện là khó khăn để tranh cãi: Chỉ trong thế kỷ trước mà thôi, hai cuộc thế chiến mà gần như cả hành tinh đều liên hệ; trong nửa đầu thế kỷ, vụ Diệt Chủng Người Do Thái (Holocaust); vào cuối thế kỷ những sự kiện như sự diệt chủng ở Rwanda.(5) Rõ ràng chúng ta đã học quá ít. Và bạo động đến trong nhiều hình thức, không chỉ là tai họa của chiến tranh. Bạo động gia đình là loại đơn độc thông thường nhất làm tổn thương phụ nữ. Hàng triệu người ở khắp thế giới là nạn nhân của hãm hiếp, ám sát, và hành hung. Những tội ác như thế lan truyền như bệnh dịch trong nhiều quốc gia, đặc biệt ở Hoa Kỳ. Chỉ trong vòng hai mươi năm sau Thế Chiến thứ I, “Cuộc Chiến để Chấm Dứt tất cả Những Cuộc Chiến”, hành tinh chúng ta lại một lần nữa lao vào một cuộc chiến toàn cầu. Số người bị chết trong Thế Chiến thứ II: Bảy mươi hai triệu người, binh sĩ và thường dân.
5. Và vụ diệt chủng của Campuchia Dân Chủ do tập đoàn Polpot chủ trương từ 1975-1979.
Sau cuộc thất bại cuối cùng của sức mạnh Phe Trục(6), đã có một tâm linh lạc quan chân thành. Thế giới đã có một cơ hội để bắt đầu một lần nữa, một cơ hội để giải quyết những cuộc tranh chấp qua những khối liên minh và những tổ chức như Liên Hiệp Quốc. Đó là hy vọng. Nhưng thực tế? Năm mươi năm sau Thế Chiến thứ II, một nghiên cứu công bố trên trang mạng của NATO(7) báo cáo rằng trong khoảng năm mươi năm ấy, đã có 150 vụ xung đột quân sự, với khoảng 25 đến 30 triệu người chết, chưa kể những cái chết qua nạn đói hay dịch bệnh hay những ảnh hưởng gián tiếp của những cuộc xung đột. Và có bao nhiêu ngày không có chiến tranh trong thời gian năm mươi năm ấy? Bao nhiêu ngày có hòa bình trên trái đất? HAI MƯƠI SÁU NGÀY!!!
6. Phe phát xít Ý.
7. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương.
Với những “sự thật” như thế này, không phải là bắt buộc cốt yếu để kết luận rằng bản chất của loài người là hung hăng một cách nền tảng chứ?
May mắn thay câu trả lời cho điều đó là, Không!
Nếu chúng ta theo dõi đề nghị thông thường của đức Đạt Lai Lạt Ma đến sự khảo sát một cách thận trọng thái độ con người từ một quan điểm rộng rãi hơn và bao hàm toàn diện, nhìn vào tác động lẫn nhau của những sự kiện có thể góp phần cho bất cứ hoàn cảnh nào đấy, và thẩm tra tỉ lệ của thái độ hung hăng, bạo động của chủng loại chúng ta, từ một nhận thức lâu dài, một chiều hướng rất khác biệt của những sự kiện nổi bật, trình bày một bức tranh hoàn toàn khác biệt của nhân loại. Theo những nhà nghiên cứu, trong thời kỳ của những xã hội săn bắt - hái lượm, 30 phần trăm dân số nam giới bị chết bởi những biện pháp bạo động, vì bàn tay của những người khác. Số phần trăm ra sao trong thế kỷ hai mươi đẫm máu, thậm chí với những cuộc chiến, các vụ diệt chủng, những vụ xung đột liên tục? Ít hơn một phần trăm! Và khi thể kỷ mới và thiên niên kỷ mới ló dạng, tỉ lệ này tiếp tục sụt giảm một cách đáng kể. Trong việc tìm kiếm cho một chứng cứ bổ sung của khuynh hướng này. Nhà tâm lý và tác giả của Đại học Harvard, Steven Pinker, đã lưu ý rằng thậm chí trong những khu vực tệ hại nhất tỉ lệ giết chóc ngày nay là thấp hơn hai mươi lần so với những xã hội bản địa.
Trải qua những thiên niên kỷ, luôn luôn có sự lên, xuống và chu kỳ trong tỉ lệ của sự hung hăng và bạo động của con người; nhưng phương hướng rõ ràng một cách chắc chắn: Khuynh hướng đối với bạo động và giết chóc giảm thiểu một cách chậm chạp, để ngỏ cho hy vọng chân thành mà sau cùng đức Đạt Lai Lạt Ma có thể hiệu chỉnh về bản chất con người.
Chúng ta không cần so sánh hạnh kiểm của những người sống trong xã hội hiện đại ở phương Tây với những tổ tiên tiền sử của chúng ta nhằm để tìm ra những thống kê có sức thuyết phục cho thấy ưu thế thân ái đối với sự hung bạo của loài người. Thí dụ, trong năm 2004, một cuộc thăm dò rộng rãi được Trung Tâm Quốc Gia Nghiên Cứu Ý Tưởng tiến hành đã thấy rằng những người Mỹ trưởng thành thực hiện trung bình 109 hành động vị tha một năm. Nhân con số này với dân số trưởng thành vào thời điểm tiết lộ rằng đã có 23.980.000.000 hành vi vị tha được thực hiện ở Hoa Kỳ năm ấy! Cùng năm ấy, cơ quan FBI(8) báo cáo phỏng đoán có 1.376.009 hành động tội phạm đủ loại, toàn quốc. Thực hiện một chút tính toán biểu lộ một thống kê lạc quan: Đối với mỗi hành vi bạo động ở Hoa Kỳ năm ấy, thì có khoảng 17.540 (mười bảy nghìn năm trăm bốn mươi) hành động vị tha!
8. Cục Điều tra Liên bang (Tên gốc: Federal Bureau of Investigation) (FBI) cơ quan trực thuộc Bộ Tư pháp Hoa Kỳ có nhiệm vụ thực hiện điều tra tội phạm ở cấp độ liên bang và tình báo nội địa. FBI có quyền hạn điều tra về các vi phạm trong hơn 200 danh mục về tội ác liên bang.[1] Khẩu hiệu của Cục là “Trung thành, Quả cảm, Liêm chính’’.
So sánh thống kê tuyệt vời tích cực này với quan điểm vị kỷ và hung hăng của bản chất con người được thúc đẩy một cách rộng rãi trong xã hội chúng ta, thật không ngạc nhiên chút nào rằng hầu hết mọi người chúng ta có một quan kiến thiên lệch thế nào ấy về bản chất con người. Thí dụ, theo FBI, từ 1990 đến 1998, tỉ lệ giết người toàn quốc Hoa Kỳ giảm 32,9 phần trăm. Cùng thời gian ấy, hành động giết người trên các mạng lưới truyền thông tăng 473 phần trăm! Điều này không phải tình cờ. Theo một quan điểm tiến hóa, có những lý do tại sao chúng ta thích thú trong việc xem những hành vi bạo động trên truyền hình nhiều hơn những hành động thân ái ân cần hằng ngày. Chúng tôi đã đề cập phía trước rằng não bộ của chúng ta chuyển động để kiểm tra cẩn thận môi trường của chúng ta về những hiểm họa hay đe dọa đến sự sống còn của chúng ta, cho phép chúng ta với những gì mà một số người gọi là những thay đổi bất ngờ hay thảm họa của não bộ, những điều khiến nó nắm bắt tuyệt vời những thứ sai lạc trong môi trường - nhưng quá lõng lẽo trong việc lưu ý khi mọi việc diễn tiến đúng đắn. Với sự chú ý và thích thú của chúng ta bị lôi cuốn đến những hành vi bạo động hơn là những hành vi tốt đẹp, những tin tức trên mạng lưới truyền thông không hứa hẹn sẽ đột nhiên áp dụng một chính sách chương trình mới, miêu tả bản chất con người một cách chính xác, bằng việc phổ biến 17.540 câu chuyện vị tha cho mỗi câu chuyện bạo động.
Tùy thuộc chúng ta thực hiện một nỗ lực đặc biệt, khảo sát và quán chiếu một cách năng động thế giới chúng ta, tìm kiếm những chứng cứ về lòng ân cần của con người và phía tích cực của loài người. Một trong những mảng năng lực và thúc ép nhất của chứng cứ là một sự nghiên cứu làm sửng sốt nổi lên trong hậu quả của Thế Chiến Thứ II. Một hình thái làm choáng váng của bảy mươi hai triệu người bị giết trong cuộc chiến ấy là kết quả của nhiều phương pháp giết người: Bom rơi trên trời xuống, ngư lôi dưới nước, mìn trên đất, những trại tàn sát, và những phản ảnh của chiến tranh như nạn đói. Nhưng trong tất cả những phương pháp giết người này, có lẽ chỉ dẫn gần nhất về sự hung hăng bẩm sinh của con người là sự sốt sắng của những cá nhân chiến binh trên mặt trận để giết những đồng loại, binh sĩ thù địch. Ở đây là một trong vài thí dụ về sự giết hại được sự phê chuẩn hợp pháp, nơi mà thái độ bạo động thù địch không chỉ là dung túng, thậm chí là khuyến khích, dưới những điều kiện dự kiến để miễn trách cho binh sĩ khỏi tội lỗi - và trên tất cả, trong nhiều trường hợp là sự sống còn của chiến binh đang lâm nguy.
Sau Thế Chiến Thứ II, Sử gia quân đội Hoa Kỳ, Chuẩn Tướng S.L.A. Marshall đã điều khiển một cuộc nghiên cứu có ảnh hưởng sâu xa. Lần đầu tiên trong lịch sử, ông đã khảo sát một cách có hệ thống tỉ lệ bắn súng của binh sĩ ở chiến trận. Những kết quả không phải là điều gì đấy có ấn tượng ngắn hạn. Ông thấy rằng chỉ có mười lăm đến hai mươi phần trăm binh sĩ muốn nổ súng của họ vào kẻ thù trong trận địa! Đặc trưng này xác nhận và tái xác nhận, với những kết quả phù hợp nhất quán. Điều này không phải qua những hành vi hèn nhát, khi những chiến binh hiện diện tại chiến địa và thường muốn liều mạng sống của họ để cứu những người khác. Không phải thiếu sự dũng cảm. Đấy là hoang mang. Sau sự khảo sát rộng rãi hiện tượng này, kết luận rõ ràng: Loài người đơn giản có bẩm tính không thích thú đối với việc giết hại người khác, ngay cả khi ở dưới sự đe dọa cho chính họ. Buồn thay, sự khám phá này đưa quân đội nhìn vào các cung cách để quy định những chiến sĩ giết hại kẻ thù, và tỉ lệ nổ súng trong cuộc chiến Đại Hàn và Việt Nam leo thang một cách nhanh chóng. Nhưng những khám phá ban đầu có giá trị như một chứng cứ cho quan điểm của đức Đạt Lai Lạt Ma về một loài người nhân từ, nơi mà sự ân cần thắng thế đối với giết hại, và hiền lương chiếm ưu thế so với hung hăng.
Trong việc tìm kiếm sự thật về bản chất loài người, có thể đáng để nhìn vào những quan điểm của một cá nhân, người mà dư luận rộng rãi xem như là một nhân vật duy nhất có ảnh hưởng nhất trong việc quyết định nhận thức hiện đại về bản chất loài người, ít ra trong ấn tượng phổ quát: Charles Darwin, những lý thuyết của ông về tiến hóa, chọn lọc thiên nhiên, và “sự tồn tại thích hợp nhất” (đấu tranh sinh tồn) đã cách mạng hóa vấn đề chúng ta nghĩ về chính mình như thế nào. Nhiều người trong xã hội ngày nay chỉ có những thấu hiểu mơ hồ về những quan niệm của Darwin. Khái niệm về sự chọn lọc tự nhiên và sự tồn tại thích hợp nhất đã đưa nhiều người củng cố một ý thức rằng những năng lực tiến hóa được chọn lọc một cách tự nhiên những con người hung hăng, mạnh mẽ, địa phương, bạo động, vì đây là những đặc trưng có thể cho phép người ta chiến đấu vì những tài nguyên khan hiếm và tồn tại để trao truyền lại những gene của họ.
Khái niệm này là vượt xa sự thật. Trong tác phẩm viết về con người và sự tiến hóa trong Nguồn Gốc Loài Người, Darwin nói rằng tình cảm mạnh mẽ nhất của chúng ta, những cống hiến chính cốt lõi bản chất của con người, kể cả những năng khiếu xã hội, lòng trắc ẩn, ân cần đối với người khác, và hoan hỷ với lợi ích của người khác, là giống với những đặc trưng nền tảng được tranh luận bởi đức Đạt Lai Lạt Ma! Quan điểm của Charles Darwin về bản chất của con người đến từ những nghiên cứu cẩn thận của ông về những chủng loại khác, những quán sát phong phú và chi tiết của ông về con người, và ngay cả nghiên cứu về mười đứa con của ông ta. Trong những năm gần đây, những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tư tưởng tiến hóa đang trở lại một số những điều quan sát ban đầu của Darwin, và thực hiện một cái nhìn mới mẽ vào những đặc trưng nào đấy của con người, chẳng hạn như tầm quan trọng lớn lao của việc ân cần liên hệ trong vấn đề nuôi dưỡng con cháu. Như một kết quả, những nhà khoa học này đang làm mới quan điểm của họ về bản chất con người để trở nên song hành gần gũi nhiều hơn với quan điểm của đức Đạt Lai Lạt Ma.
Có lẽ, có thể là vào cuối ngày, một quan điểm về bản chất con người của một cá nhân nào đấy không phải tích cực cũng không tiêu cực có thể là một vấn đề chọn lựa - tùy thuộc trên hoặc là người ấy chọn để tập trung trên lịch sử loài người của chúng ta bạo động và thù địch, hay tập trung trên chứng cứ của lòng tử tế và nhân từ của con người. Sự lựa chọn này không đơn giản như một bài tập không thực tế, một vấn đề triết lý; mà nó có tầm quan trọng thiết yếu, với những liên can và tác động sâu xa trên cả những cấp độ cá nhân và xã hội. Trên cấp độ xã hội, thí dụ, vấn đề bản chất con người tiếp cận ngay chính trung tâm sự thảo luận trước đây về ý nghĩa của cộng đồng, săn sóc, và quan tâm cho người khác - sự tin tưởng của đức Đạt Lai Lạt Ma trong khả năng của việc hình thành và chứng minh những mối ràng buộc đầy đủ ý nghĩa giữa cá nhân với nhau và những mối quan hệ xã hội là căn cứ trên niềm tin của ngài rằng bản chất con người là tích cực một cách nền tảng.
Nhận thức của chúng ta về bản chất con người cũng có những liên hệ quan trọng và những ảnh hưởng sâu sắc một cách bình đẳng trên cấp độ cá nhân. Căn bản, mục tiêu của chúng ta là để tìm ra hạnh phúc trong thế giới phiền toái của chúng ta. Và có những chứng cứ bắt buộc cho thấy chúng ta nhận thức thế giới chung quanh có thể tác động đến hạnh phúc của chúng ta như thế nào. Một cuộc nghiên cứu rộng rãi hơn mười một nghìn người Mỹ dưới sự điều khiển của giáo sư xã hội học Abbott Ferris tại Đại học Emory thừa nhận những gì mà chúng ta có thể phỏng đoán một cách trực giác: Nhận thức về thế giới chúng ta, và bằng việc mở rộng bản chất con người, không phải tốt cũng không phải xấu có thể tác động trực tiếp đến những mức độ hạnh phúc của chúng ta. Ferris thấy rằng những người có khuynh hướng nhận thức xấu xa nhiều hơn trong thế giới thì ít hạnh phúc một cách nổi bật hơn những ai thấy thế giới, và loài người căn bản vốn là tốt lành.
Trong việc nối kết những liên hệ sâu xa này, đức Đạt Lai Lạt Ma đã giải thích, “Những sự khác biệt trong cái nhìn của một người về bản chất nhân loại có thể muốn nói lên sự khác biệt giữa sự sống trong một thế giới đầy dẫy những con người được nhận định như thù địch, bạo động và nguy hiểm, hay như một cách chủ yếu là ân cần, hỗ trợ, và hiền lành. Một sự tỉnh thức sâu sắc về bản chất tốt đẹp của loài người có thể cho chúng ta lòng can đảm và hy vọng. Trên cấp độ cá nhân cũng thế, một cái nhìn về bản chất loài người có thể giúp thúc đẩy một cảm nhận to lớn hơn về cát tường và mối liên hệ với những người khác.
“Ngay cả những sự kiện khách quan, lịch sử và khoa học, không hỗ trợ bất cứ quan điểm nào một cách quyết định nó vẫn do sự quan tâm tuyệt hảo nhất của chúng ta để nắm lấy một quan điểm tích cực hơn về bản chất của loài người. Rốt cuộc, những con người chúng ta có một khuynh hướng để làm thành hiện thực những gì chúng ta chọn lựa để tin tưởng, một phần nào trong thái độ của một đáp ứng tự tiên liệu.”
Chương 7
Những nguyên nhân của bạo động
Trong khi đức Đạt Lai Lạt Ma và tôi điểm qua nhiều chủ đề trong tiến trình thảo luận của chúng tôi, vẫn còn một vấn đề đơn độc được đan kết lại suốt tất cả những thảo luận của chúng tôi, câu hỏi của việc làm thế nào tìm thấy hạnh phúc trong thế giới phiền não của chúng ta. Vì vậy, trong việc nhìn vào những nhân tố đa dạng ngầm phá hạnh phúc nhân loại suốt chiều dài của lịch sử, những nhân tố đã tạo nên khổ đau và khốn cùng trong một mức độ rộng lớn, không nghi ngờ gì nữa, chính là bạo động ở trong những nhân tố chủ yếu.
Hướng chú ý của chúng tôi đến một sự khảo sát sâu xa hơn về bạo động, tôi nói, “Thưa Đức Thánh Thiện, trong việc cố gắng xác định những nguyên nhân cho những hành động xấu ác hay bạo động trong xã hội, ngài đã biểu lộ quan điểm rằng ngài không thể chỉ quy nó cho bản chất tự nhiên xấu ác của thủ phạm và - ”.
“Vâng. Đúng đấy,” đức Đạt Lai Lạt Ma chen vào. “Nếu chúng ta muốn đi đến tận gốc rễ của vấn đề, thì không thể chỉ quy nguyên nhân cho một cá nhân đơn lẻ hay một nhóm và rồi chỉ dừng ở đấy, nhưng đúng hơn rất quan trọng để thấu hiểu những nguyên nhân sâu xa hơn của những hành vi bạo động này. Bởi vì để vượt thắng bạo động đầu tiên chúng ta cần thấu hiểu những gì là nguyên nhân của chúng.”
“À, thế thì tại điểm này, tôi đang tự hỏi, chúng ta có thể bắt đầu khám phá một vài nguyên nhân này chứ. Và tôi đoán rằng câu hỏi căn bản là, ngài có bất cứ ý nghĩ nào về những nguyên nhân của bạo động một cách tổng quát không?”
“Điều này rất phức tạp,” đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời với một tiếng thở dài nhẹ, “Có thể có nhiều nguyên nhân và điều kiện có thể đưa đến bạo động và xung đột. Chúng ta không thể chỉ hướng đến một hay hai nhân tố và nói, “Đây là nguyên nhân.” Theo một nhận thức Phật giáo, chúng ta thấy bản chất của thực tại như tùy thuộc, tương liên, vì thế đối với bất cứ sự kiện hay khủng hoảng nào hiện hữu, có rất, rất nhiều nhân tố góp phần đến rắc rối, trên nhiều mức độ. Mỗi trường hợp có một loạt những hoàn cảnh đặc biệt riêng của nó góp phần cho vấn nạn.”
“Ngài có thể xác định một số ‘cấp độ’ khác nhau mà ngài liên hệ đến và liệt kê một ít nguyên nhân không?” tôi hỏi. Sau đó, hy vọng tránh một đáp ứng mơ hồ khác về vấn đề nó hoàn toàn tùy thuộc trong những hoàn cảnh như thế nào, và cố gắng gợi ra một câu trả lời cụ thể hơn, tôi thêm, “Có lẽ ngài có thể sử dụng một trường hợp khủng bố đặc thù nào đó hay như vụ 11 tháng Chín để làm sáng tỏ ý nghĩa của ngài.”
“Dĩ nhiên, vì chúng ta đang nói về những rắc rối của con người, những sự xung đột và bạo động này được tạo ra bởi con người. Vì thế, gốc rễ của những rắc rối này ở trong cảm xúc và cung cách suy nghĩ của con người, những cảm xúc phiền não - giận dữ, thù hận, tham lam và si mê. Và đây là những suy nghĩ vọng tưởng điên đảo đồng hành với những cảm xúc phiền não này. Vì vậy, đó là một mức độ, những nhân tố nội tại. Điều này liên hệ đến động cơ nội tại của con người, và trong trường hợp này, động cơ của những sự khủng bố này có thể là thù hận. Nhưng rồi thì trên một mức độ khác có thể có những nhân tố văn hóa rộng rãi hơn, chẳng hạn như những giá trị được khuyến khích trong một xã hội. Trong trường hợp này, thí dụ, tôi nghĩ niềm tin tôn giáo cũng liên hệ. Vì thế, đấy là một mức độ khác...”.
Ngài dừng lại để quán chiếu trong im lặng một lúc, điều không có gì kinh ngạc, lưu tâm đến phạm vi rộng lớn của câu hỏi, rồi thì ngài trở lại, “Ông biết không, trong việc nói về những nguyên nhân của thù hận và bạo động, điều kiện đóng một vai trò rất lớn. Điều kiện có thể đến từ nhiều mức độ...”.  
“Mức độ?”
“Vâng,” ngài giải thích; “thí dụ, điều kiện có thể đến từ những giá trị hay thông điệp mà chúng ta nhận từ mức độ rộng hơn của xã hội, từ những lĩnh tụ, truyền thông, hay hệ thống giáo dục. Rồi thì điều kiện cũng có thể đến từ gia đình chúng ta, v.v...".  
“Vì thế, có thể có nhiều sự ảnh hưởng từ những môi trường đặc thù chung quanh chúng ta. Những kẻ khủng bố này, những con người này, đã không hành động thuần túy cho những lý do cá nhân. Họ đã lớn lên từ những cộng đồng, những người có thể ôm ấp những sự phẫn uất lâu dài, căn cứ trên những nhận thức của họ về Hoa Kỳ hay phương Tây. Có lẽ trong quá khứ, họ đã nghe thấy Hoa Kỳ hay phương Tây như thế nào đó khai thác, bóc lột những phần nào đó của thế giới. Có lẽ họ có thể nuôi dưỡng những gì họ tin tưởng là những nỗi bất bình chính đáng và đã cảm thấy rằng không có nơi nào để biểu lộ nổi bất bình của họ, không ai nghe đến những quan tâm của họ. Và dần dần những nỗi phẩn uất nung nấu, và biến thành thù hận."  
“Dĩ nhiên, những cá nhân cũng có thể bị ảnh hưởng bởi những thành viên của nhóm mà họ là một bộ phận, vì thế những hoàn cảnh tình thế là một mức độ khác nữa. Và thêm vào đó, trong vài trường hợp bạo động có thể thậm chí có những nguyên nhân lịch sử - trong trường hợp này, mặc dù động cơ có thể là thù hận, những gốc rễ hay những cội rễ nhận thức của thù hận có thể thuộc về quá khứ - một số có thể đi ngược ngay cả về những thế kỷ trước."  
“Nên trong thực tế,” ngài kết luận, nếu chúng ta tiếp nhận một quan điểm rộng hơn, chúng ta sẽ thấy rằng vô số những nhân tố đã góp phần cho những hành vi khủng khiếp như vậy.”
Làm một mẻ bắp rang mới và ấm, các gia đình khắp vùng Trung Đông thường ngồi lại trong một buổi tối để xem truyền hình...
Tối nay trên truyền hình Ả Rập Saudi, chúng ta thấy một chương trình nói chuyện vời một nữ điều khiển chương trình thu hút, chuẩn bị kỹ càng, ăn mặc thời trang, đội một chiếc khăn hijab(1) truyền thống. Nói tiếng Ả Rập với một “giọng truyền thông” ấm áp, vừa phải, bình tĩnh được sử dụng bởi những người phát thanh trong mọi quốc gia, cô báo tin cho khán giả rằng họ sẽ làm điều đấy khác thường ngày hôm ấy. Cô nói về tầm quan trọng của giáo dục đối với thế hệ tới, và vì thế cô ta sẽ phỏng vấn một bé gái ba tuổi rưỡi trong ‘chương trình ngày hôm nay.’
“Xin Thượng đế sẵn lòng ban cho con cái chúng con cùng một sự giáo dục để cho thế hệ tới của con trẻ sẽ đều là những người Hồi giáo chân thật, những người biết kẻ thù của chúng là ai,” người phát ngôn nói thế. Sau đó, cô ta giới thiệu một đứa bé chập chững tên là Basmallah, một đứa bé ba tuổi rưỡi với một khuôn mặt thiên thần, ăn mặc trong một áo sơ mi điểm trắng và một áo khoác trắng hồng, trùm đầu theo truyền thống - một đứa bé xinh đẹp, một bức ảnh của ngây thơ và dễ thương.
Sau khi hỏi tên cô bé và tuổi tác, người phỏng vấn đi ngay vào vấn đề. “Con có biết người Do Thái không?” cô ta hỏi.
“Vâng,” Basmallah nói, với đặc trưng của “giọng nói bé con” cao hất lên, và sự tự tin vui tươi của một đứa bé không sợ sệt.
“Con có thích họ không?”
“Không!” đứa bé nói một cách nhấn mạnh.
“Tại sao con không thích họ?” người phỏng vấn thúc giục.
“Bởi vì họ là những con khỉ hình người và là những con lợn,” cô bé nói với một giọng tin tưởng và vô cảm, giống như cô bé là một nhà động vật học tí hon, đúng là diễn tả một chủng loại thú vật kỳ lạ nào đấy.
Người phỏng vấn mỉm cười và gật đầu thừa nhận, và hỏi, “Ai nói điều này?”
“Thượng đế của chúng ta!”
“Ngài nói điều này ở đâu?”
“Kinh Koran.”
“Đúng đấy!” người phỏng vấn khóc một cách mừng rỡ, vui sướng với trí tuệ của con nít. “Ngài đã nói trong kinh Koran!”
Người phỏng vấn tiếp tục. “Basmallah, người Do Thái làm gì?”
Ở đây đứa bé bắt đầu hơi bối rối, “Gì?” cô bé hỏi.
Người phỏng vấn lập lại, “Họ làm gì?”
Rõ ràng có một chút sợ hãi trong biểu lộ của đứa bé, nhưng cô bé vẫn trả lời: "Hãng Pepsi!”
Người phỏng vấn hơi ngượng ngùng, nhưng nói với khán giả, “Ô, cô bé biết tất cả về vụ tẩy chay!” Sau đó, cô ta tiếp tục thúc giục đứa bé. “Những người Do Thái đã làm gì với nhà Tiên Tri Muhammad của chúng ta?”
Đứa bé lãnh lấy một nhát nữa với câu hỏi, “Ngài giết ai đấy!”
Một lần nữa, người phỏng vấn thêm một vòng xoay cho câu trả lời sai của đứa bé bằng việc nói với nó, “Dĩ nhiên, nhà Tiên Tri Muhammad của chúng ta mạnh mẽ và có thể giết chúng [người Do Thái]!”
Người phỏng vấn tiếp tục thúc ép đứa bé nói những gì xấu xa mà người Do Thái đã làm, cho đến khi đứa bé chạm đúng vào câu chuyện, và với sự động viên của người phỏng vấn để nói với chúng ta về những gì “người Do Thái” đã làm, đứa bé lập lại câu chuyện về một người phụ nữ Do Thái đã bỏ thuốc độc trong thức ăn của nhà Tiên Tri, kết luận câu chuyện với “... và ngài nói với những người đồng hành với ngài, ‘Ta sẽ giết người đàn bà này...’”.
Vào cuối buổi phỏng vấn người nữ phát thanh viên kết luận, “Không ai có thể mong ước hơn ở một cô bé ngoan đạo thế này!... Thế hệ những trẻ em tới phải là những người Hồi giáo thật sự!”
Thí dụ về đời sống thật sự cung ứng một minh họa thảm kịch cho quan điểm của đức Đạt Lai Lạt Ma rằng điều kiện (nhân duyên) có thể đóng một vai trò trong thù hận và bạo động. Không cần phải mở rộng sự tưởng tượng để hình dung cô bé Basmallah ở tuổi mười bảy, gắn đầy bom đầy những đinh vít hen rỉ trên ngực cô ta, bước vào trong một trường tiểu học ở Do Thái hay có lẽ ở Hoa Kỳ, một nụ cười ban phúc trên khuôn mặt cô và một viễn kiến xuất thần về sự vĩnh cửu ở Thiên Đàng, nổ tung cô ta cùng với số lượng tối đa những trẻ em vô tội Do Thái mà cô có thể làm - trẻ em với sự ngây thơ mà cô đã có lần như thế vào một ngày vui vẻ khi cô ta ăn mặc áo hồng điểm trắng và cô cầu nguyện trên đài truyền hình quốc gia cho việc trở thành một tín đồ Hồi giáo ngoan đạo.
Đức Đạt Lai Lạt Ma không lay động trong sự tin tưởng của ngài rằng những hành vi bạo động và xấu ác của con người không được tạo nên một cách đơn giản bởi một nhóm người mà đặc chất căn bản của họ là xấu ác và bạo động. Việc nhận ra rằng những hành vi như vậy được sinh khởi từ nhiều nguyên nhân khác nhau trên những mức độ phức tạp, sự tiếp cận của ngài trong việc chiến thắng những hành vi xấu ác và bạo động bắt đầu bằng việc khảo sát cẩn thận những nguyên nhân tiềm ẩn bên dưới. Quan điểm này về xấu ác khi được sinh khởi từ những nguyên nhân và điều kiện có thể nhận biết được chia sẻ bởi khoa học hiện đại và đi ngược lại với vô số nghiên cứu khoa học hơn năm hay sáu thập niên trước đây. Trong thực tế, một loạt những thẩm nghiệm phôi thai ngược lại những năm 1960, được tiến hành bởi vài nhân vật vô cùng nổi tiếng trong tâm lý học xã hội, khởi đầu những gì có thể được thấy như thời kỳ Hoàng Kim của nghiên cứu khoa học khảo sát “những nguyên nhân và điều kiện” đưa đến thái độ xấu ác.
Trong một cách nào đấy, thời đại Hoàng Kim này của việc nghiên cứu nguyên nhân của xấu ác có thể lùi lại 1961, đến những gì có thể được xem là sự kiện đường phân nước trong sự khảo sát khoa học hiện đại về tính xấu ác của con người: Vụ xử Adolf Eichmann, một trong những kiến trúc sư chính của cuộc diệt chủng người Do Thái (Holocaust), Giải Pháp Sau Cùng của Hitler. Như một vụ xử án đầu tiên trên truyền hình trong lịch sử, vụ xử đã làm sống lại những kinh khiếp của cuộc diệt chủng đến những khán giả kinh hoàng khắp thế giới, những khán giả trước đây chưa từng cảnh giác về phạm vi và cường độ của sự tàn bạo. Vụ xử không chỉ làm sốc công chúng phổ quát mà cũng đưa nhiều nhà khoa học xã hội nổi tiếng khắp thế giới hướng sự chú ý của họ đến hành vi diệt chủng độc ác rộng lớn và hỏi một câu hỏi căn bản: Làm thế nào mà những sự kiện như vậy đã có thể hiện hữu(2)? Dường như không thể hiểu nổi!
Cùng lúc ấy một nhà tâm lý học xã hội Yale hai mươi tám tuổi, Stanley Milgram, xem cùng với cả thế giới khi Eichmann, bây giờ là một công nhân hãng chế tạo xe hơi ở độ trung niên, ngồi trong một lồng kính chống đạn suốt mười sáu tuần, cuối cùng được đem ra xét xử trong một vụ xử án dấu kín hàng năm, trong một vụ xử cho những sự tàn ác không tiếng nói. Chuyển động rất ít ngoại trừ đôi mắt quắc lên và đôi môi mỏng im lặng xoắn lên và cau mày giống như ông đang cố gắng để loại bỏ một vị nếm tệ hại trong miệng của ông ta, Eichmann đã ngồi trong lồng kính của ông ta, thường biểu lộ đúng hơn là hờ hững khi hàng chục nạn nhân của ông ta diễn tả những hành vi hung ác tệ hại và không thể tưởng tượng được của ông. Ông ta thông thường duy trì sự ngây đơ, không có tinh thần trong khi chứng kiến hết nhân chứng này đến nhân chứng khác kể lại chi tiết Eichmann đã thực hiện việc làm của ông như thế nào với sự cống hiến và lòng hăng hái. Đối với tất cả những lời buộc tội, ông ta đã chỉ nhún vai và trả lời, “Thú nhận gì ở đấy? Tôi chỉ thi hành mệnh lệnh.”
Đối với nhiều người, một trong phương diện ngạc nhiên và rắc rối nhất là hiện tướng tầm thường, sự xúc động dịu dàng, và tính chất bình dị lạ thường của Eichmann. Ông ta đã xuất hiện như một người đàn ông loại trung bình, không có gì đáng chú ý trong một bộ đồ lớn một màu đậm, đầu hói, nước da xam xám, và mang một đôi kính gọng sừng. Thay vì là một kẻ tàn bạo ác độc của những chiều kích chưa từng có, một kẻ với bản chất phi nhân dị thường, nhưng ông ta dường như giống hơn là một công chức buồn tẻ, một quan lại, một người với khả năng trung bình. Lý thuyết chính trị gia và nhà văn Hannah Arendt, người theo dõi vụ án, đã rất ngạc nhiên với những đặc trưng này mà bà đã mô tả Eichmann như hiện thân của “Sự Độc Ác Vô Vị"(3).
Theo dõi vụ xử án một cách sâu sát, Milgram bị kích thích bởi những quán chiếu của Arendt và bị thu hút bởi một câu hỏi dai dẳng: Có thể thật sự xác nhận rằng Eichmann vô vị một cách điên tiết ngây dại, “Tôi chỉ làm theo mệnh lệnh,”, thật sự là trách nhiệm cho việc hủy diệt có hệ thống sáu triệu người Do Thái hay không?
Cảm nhận một nhu cầu cá nhân bức bách như một người Do Thái, cùng với một sự thích thú chuyên môn thúc đẩy như một nhà khoa học, Milgram quyết định đi tìm một câu trả lời cho câu hỏi khó hiểu này - một câu hỏi đã đưa đến một trong những thẩm nghiệm tác động, tranh cãi, và rắc rối nhất trong thế kỷ hai mươi.
Sự thẩm nghiệm này đã bắt đầu như một nhóm người tự nguyện có thù lao, và được nói rằng họ đang giúp những nhà khoa học tìm ra những phương cách mới để cải thiện trí nhớ, họ được chia một cách ngẫu nhiên thành những vai trò của các Cán Bộ và Học Viên. Những Học Viên sẽ nhớ một danh sách những từ ngữ phối hợp trong khi những Cán Bộ sẽ trông nôm và kiểm tra. Trong thực tế, những Học Viên không phải được lựa chọn những chủ đề hoàn toàn một cách ngẫu nhiên - họ thật sự là “những kẻ được cài vào” - những diễn viên hoạt động một cách bí mật liên kết với Milgram, người Chủ Trì cuộc thí nghiệm.
Những vị Cán Bộ được nói rằng trách nhiệm của họ là cho biết những câu trả lời đúng bằng lời nói và một cách nổi bật hơn, lập tức cho một cú điện sẽ được tăng lên mỗi lần 15 volt cho mỗi câu trả lời sai, cho đến 450 volt. Bảng điều khiển của máy quan sát cảm xúc khi bị điện giật được đặt với 30 nút bấm, đi từ GIẬT NHẸ đến NGUY HIỂM: Giật Dữ Dội - và cuối cùng, tại 430 và 450 volt, một cách đơn giản đánh dấu tệ hại đáng ngại XXX.
Cán Bộ quan sát khi Học Viên được đưa vào phòng kế bên, cài dây nịch vào một “ghế điện” và nối kết vào một “máy phát điện”. Trước khi bắt đầu Cán Bộ được cho thử một “cú sốc nhẹ” khó chịu 45 volt, chỉ để chứng minh việc cảm nhận dòng điện hiện tại ra sao. Cán Bộ và Người Chủ Trì Thí Nghiệm sau đó được di chuyển đến một phòng kế bên, nơi họ có thể giao tiếp bằng lời nói với Học Viên qua một hệ thống liên lạc, nhưng không thấy người ấy.
“Học Viên” trả lời những số câu hỏi đầu một cách đúng đắn, nhưng nhanh chóng bắt đầu đi vào những câu trả lời sai. Sau một vài lần gia tăng cường độ volt điện, Học Viên bắt đầu phàn nàn về những cú điện giật. (Dĩ nhiên, tất cả những câu trả lời của Học Viên đã được viết ra một cách cẩn thận, và người ấy không bị điện giật trong thực tế.) Khi khuynh hướng của những cú điện giật gia tăng, từng bước một những câu trả lời của Học Viên leo thang từ một tiếng kêu lầm bầm hay rên rỉ đến lồng lộn đấm mạnh vào tường, la lên “Tôi không thể chịu nổi đau đớn nữa, cho tôi ra khỏi đây!” đến hét lên quằn quại khổ sở và ngay cả phàn nàn ầm ĩ về tình trạng tim mạch. Vào khoảng 300 volt, Học Viên đấm mạnh vào tường một cách dữ dội, từ chối trả lời bất cứ câu hỏi nào nữa, và đòi hỏi chấm dứt việc thí nghiệm. Người Chủ Trì chỉ nhắc nhở Cán Bộ những quy luật: Không trả lời được xem như một lỗi sai - người kia phải tiếp tục. Sau đấy, những câu trả lời đến những câu hỏi chỉ là những tiếng la hét đau đớn. Sau 375 volt, có một tiếng hét lớn cuối cùng của đớn đau, và một cú đấm tuyệt vọng, và đột nhiên tất cả những câu trả lời ngừng bặt - không còn gì nữa ngoài một sự im lặng chết chóc sau đấy. Tuy nhiên, thiếu một sự trả lời được xử trí như một sai sót, và Cán Bộ được chỉ đạo tiếp tục cho đến khi đạt đến mức cuối cùng 450 volt.
Nếu Cán Bộ mong muốn chấm dứt cuộc thí nghiệm, người Chủ Trì bảo đảm với Cán Bộ, “Tôi lãnh lấy mọi trách nhiệm,” nhắc nhở Cán Bộ về sự thỏa thuận giúp đỡ trong cuộc nghiên cứu này, và “thúc giục” Cán Bộ tiếp tục với sự gia tăng cường độ, đi từ “Xin vui lòng tiếp tục” đến “Bạn không có lựa chọn nào khác, bạn phải tiếp tục!”. Nếu Cán Bộ vẫn mong muốn chấm dứt sau bốn lần “thúc giục”, cuộc thí nghiệm được dừng lại. Bằng khác đi, nó được tiến hành cho đến khi Cán Bộ đã thực hiện thành công ba cú điện giật tối đa 450 volt.
Bây giờ, trước khi tiến hành cuộc thí nghiệm, Milgram đã cho bỏ phiếu cả những sinh viên tâm lý học năm cuối tại Đại Học Yale, cũng như đến rộng rãi những đồng nghiệp chuyên môn, yêu cầu họ dự đoán, có bao nhiêu đối tượng sẽ tiếp tục cho điện giật những người tình nguyện của họ đến tận cùng của dòng điện tối đa 450 volt. Những sinh viên tiên đoán, trong trung bình, chỉ khoảng một phần trăm. Những nhà tâm lý trị liệu, chuyên gia trong dự đoán thái độ con người, phỏng đoán một phần mười của một phần trăm - giới hạn chỉ một ít cá nhân thật sự tàn bạo, bệnh hoạn, hay “độc ác” như Eichmann(4).
Những dự đoán đã sai. Hai phần ba những Cán Bộ đã tiếp tục cho đến ngay chỗ chấm dứt sau cùng! Hai phần ba đối tượng - những người bình thường, tử tế - đã tiếp tục cho điện giật những người tình nguyện giống như chính họ trong khi nghe đến những tiếng kêu thét của đau đớn quằn quại, rên la về tình trạng tim mạch, và thậm chí trong sự im lặng chết chóc, chỗ mà người ta có thể kết luận một cách hợp lý rằng “người tình nguyện” kia đã chết! Và đây là điều không may mắn gì cả: Trải qua hàng năm, cuộc thí nghiệm này đã tái diễn nhiều lần trong các nước khắp thế giới, và tỉ lệ của những người tuân lệnh trong việc thi hành những cú điện giật đến mức độ “chết chóc” đã duy trì một cách nổi bật tương tự như cuộc nghiên cứu ban sơ của Milgram.
Cuộc thí nghiệm này đã cho nhiều nhà khảo sát cái nhìn thoáng qua vào trong những điều kiện tâm lý học có thể đưa đến những sự diệt chủng đã thực hiện trong Thế Chiến Thứ Hai, vén mở chứng cứ của việc ngay cả những người tử tế bình thường có thể bị đưa đến gây ra những hành vi “độc ác” của bạo động và tàn nhẫn. Những đối tượng này không thích thú những trò tàn ác, lập dị hay bệnh hoạn: Như Milgram đã kết luận tại thời điểm ấy, “Những người bình thường, chỉ đơn giản thực hiện công việc của họ, và không có bất cứ thái độ thù địch nào trong họ, có thể trở thành một tác nhân hay cán bộ trong một tiến trình tàn phá kinh khủng”.  
Thế thì, đâu là “nguyên nhân và điều kiện” đã đưa những đối tượng phục tùng mệnh lệnh đến việc tra tấn một cách cần thiết những đồng bạn tình nguyện của họ? Chuyện gì đang xảy ra ở đây? Khi hóa ra là, những đối tượng này đã không bất chợt đánh mất tất cả những cảm nhận đạo đức hay trách nhiệm - nó chỉ bị cướp mất trong một lúc. Hay, một cách chính xác hơn, họ chỉ đơn giản trao nó cho người có thẩm quyền. Milgram lý luận rằng hoàn cảnh đã tạo nên những điều kiện mà trong ấy người chủ trì thí nghiệm được nhận thức bởi những đối tượng như là một người “có thẩm quyền hợp pháp”, người nào đấy được cho là đại diện cho sự Tiến Bộ và Tiến Trình Khoa Học - một thứ lương thiện không nghi ngờ gì nữa. Những hoàn cảnh này đã tạo một điều kiện tâm lý mà trong ấy các đối tượng tạm thời trút ý thức trách nhiệm cá nhân lên một người thẩm quyền hợp pháp. Đáng sợ là, tất cả những thứ cần thiết đề hợp pháp hóa người “có thẩm quyền” này như một áo choàng thí nghiệm trắng, tập hồ sơ, và một thái độ lạnh lùng, lãnh đạm.
Trong thực tế, những đối tượng vâng lời không phải đột nhiên trở thành những cá nhân thờ ơ không có lòng lương thiện. Tất cả các người ấy đã trải qua những mức độ nào đấy của đau khổ, thường biểu lộ những dấu hiệu cực kỳ căng thẳng, băn khoăn, và miễn cưỡng. Nhưng một khi họ đã chuyển ý thức trách nhiệm đạo đức của họ sang người chủ trì thí nghiệm, tại thời điểm ấy họ thấy chính họ đơn thuần là một tác nhân hành động cho người có thẩm quyền. Một cách tâm lý, giống như họ chỉ đơn thuần là một người thay thế, ở đấy thực thi ý thức đạo đức trách nhiệm của người chủ trì, chứ không phải của chính họ.
Thí nghiệm vâng lệnh của Milgram thật không ngờ và quá bận tâm đã gây nên một làn sóng của những nghiên cứu và thí nghiệm mới, bắt đầu vào những năm 1960, tìm kiếm để nhận dạng những nguyên nhân và điều kiện đa dạng đã tạo nên những hành vi bạo động và xấu ác. Milgram và những người khác đi đến nhận ra nhiều điều kiện hoàn cảnh và biến số khác có thể tác động đến thái độ của đối tượng và bằng lòng để giật điện [Học Viên tình nguyện]. Thí dụ, Milgram thấy rằng việc cung cấp một mô hình xã hội tích cực - một “Cán Bộ tình nguyện” khác (trong trường hợp này là một đồng mưu của cuộc nghiên cứu) người chống đối - đã giảm thiểu sự ưng thuận của đối tượng xuống còn ít hơn 10 phần trăm. Mặt khác, việc làm cho đối tượng là một bộ phận của “đội ngũ” thí nghiệm, một bộ phận của nhóm tiến hành cuộc thí nghiệm, kết quả là 90 phần trăm đối tượng chỉ đạo “Cán Bộ” (một lần nữa là người đồng mưu) thực hiện những cú giật điện tối đa.
Bên cạnh việc vâng lệnh giới thẩm quyền, những nhà nghiên cứu đã đi đến xác định nhiều nhân tố khác có thể tác động sự bằng lòng của một người để giáng sự tổn hại lên những con người đồng loại của họ - những nhân tố khác này, thí dụ, có thể được liên hệ đến bản chất của việc xếp đặt, vai trò của cá nhân trong một hoàn cảnh, hay sự phù hợp với những áp lực của nhóm.
Ngày nay, sau gần năm mươi năm nghiên cứu, bộ phận của chứng cứ minh chứng quyền lực và các điều kiện của những hoàn cảnh xã hội để thay đổi sự suy nghĩ hay thái độ của các cá nhân, những nhóm, và các quốc gia là tràn ngập, át hẳn hay không thể cưởng lại được. Tràn ngập như thế nào? Trong tài liệu lưu trử trình độ ủng hộ khoa học, giáo sư Đại Học Princeton, Susan T. Fiske tiết lộ rằng, “Năng lực của phạm vi xã hội ảnh hưởng những hành động đã từng được chứng minh trong khoảng 25.000 nghiên cứu bao gồm 8.000.0000 người tham dự.” Với chứng cứ rộng rãi như vậy, những nhà tâm lý học hàng đầu dường như ở trong sự đồng thuận chung với Stanley Milgram, người kết luận rằng, “Tâm lý học xã hội của thế kỷ này đã khám phá ra một bài học quan trọng: Thường thường không có nhiều loại người cùng như loại hoàn cảnh mà trong ấy người ấy tự thấy mình quyết định phải hành động như thế nào".
Qua sự phong phú của những nghiên cứu có thẩm quyền, hầu hết những nhà tâm lý học xã hội hàng đầu ngày nay đã tiếp nhận một quan điểm mạnh mẽ “về hoàn cảnh” cho thái độ xấu ác ban đầu. Về mặt khác, khái niệm rằng “con người xấu ác” - những người bản chất bẩm sinh là hoàn toàn tệ hại - là nguyên nhân độc nhất của xấu ác vẫn khó ghi vào trong trí tưởng tượng, sáng tạo phổ thông ở phương Tây. Như đức Đạt Lai Lạt Ma đã từng nói, khi những sự kiện tệ hại xảy ra, thường có khuynh hướng lựa chọn một số ít những cá nhân và đổ vấy tất cả trách nhiệm cho họ. Đây là ý kiến đơn giản - rằng những người xấu ác là “nguyên nhân” của bạo động hay điều tệ hại - không thể giúp chúng ta thật sự thấu hiểu về bản chất của bạo động và điều tai họa hay tìm ra những giải pháp thật sự. Quan điểm này cũng hữu ích như lý thuyết cho rằng có một người tí hon xấu ác đồng thời sinh trưởng bên trong hộp sọ của người xấu ác cho đến khi nó vọt ra lỗ tai của một người vào buổi tối, phát âm trọn vẹn, sẵn sàng gieo rắc những hạt giống xấu ác của nó vào thế gian.
Tuy nhiên, trong khi không nghi ngờ gì những hoàn cảnh tình thế có thể tác động đến thái độ của chúng ta, ý kiến cho rằng điều xấu ác chỉ đơn thuần là kết quả của những năng lực hoàn cảnh tạm thời hay những điều kiện hoạt động trên những con người lành mạnh bình thường có thể là một cực đoan khác, với một phạm vi giới hạn của hiểu biết. Những năng lực và điều kiện hoàn cảnh tình thế, là những nhân tố trên một trình độ. Nhưng khi đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ ra, cũng có thể có những nguyên nhân của những trình độ khác. Thí dụ, trong thời gian sự diệt chủng người Do Thái xảy ra, có thể có những biến thể quan trọng trong việc tiến hành điều “độc ác”: Một số cai ngục trại tập trung nào đấy được biết như đập một cách có chủ tâm những đứa bé vào tường đến chết trong khi bắt những bà mẹ phải xem những cảnh ấy, bắt những đứa con gái làm tình với cha nó, bắt phụ nữ làm tình với những con ngựa, quẳng bạn tù vào nhà vệ sinh, và nhấn họ trong phẩn,... những cảnh kinh khủng là vô giới hạn. Nhưng không phải tất cả các cai ngục đều làm những hành vi tàn nhẫn như vậy. Những hành động như vậy rõ ràng đã đi quá xa sự vâng lệnh giản dị, vượt khỏi những gì người ta tiên liệu về những sức mạnh của hoàn cảnh hành động trên một người lương thiện bình thường.
Để thấu hiểu trọn vẹn nguồn gốc của xấu ác trong những trường hợp đó, chúng ta phải nhìn vượt khỏi những điều kiện tình thế đơn thuần và cũng nhìn vào trình độ cá nhân, nhận ra vai trò của những sức mạnh nội tại đầy quyền năng đã thúc đẩy những hành vi như vậy: Sự thù hận thuần túy. Dĩ nhiên, những người không sinh ra với thù hận, những điều kiện xã hội rộng rãi hơn có thể đóng một vai trò ở đây - như chủ nghĩa độc ác bài Do Thái(5) trong trường hợp này đòi hỏi từ những điều kiện xã hội, tuyên truyền, giáo dục, và những nguồn gốc khác.
Tuy nhiên, khi nhìn vào những nguyên nhân của bạo động trên những trình độ khác nhau, đức Đạt Lai Lạt Ma đã bắt đầu sự thảo luận bằng việc chỉ ra rằng tại nền tảng căn bản nhất người ta có thể truy ra gốc rễ của bạo động đến tâm thức loài người, đến những cảm xúc tàn phá và những tư duy điên đảo đã liên kết với những cảm xúc này. Đây là chủ đề mà bây giờ chúng tôi tiếp tục phát biểu.
Chú thích:
1. Hijab (Khăn che đầu) và Burka (áo trùm từ đầu đến chân) của những phụ nữ Hồi giáo.
2. Còn vụ diệt chủng ở Campuchia dưới thời Polpot thì thế nào?
3. The Banality of Evil - Luận điểm cho rằng những kẻ độc ác tầm cở trong lịch sử nói chung, và vụ diệt chủng người Do Thái nói riêng không phải được tiến hành bởi những kẻ cuồng tín hay rối loạn nhân cách chống đối xã hội (sociopaths), nhưng đúng hơn là bởi những người bình thường chấp nhận những tư tưởng tiền đề của quốc gia, tôn giáo hay đảng phái của họ và tham gia với nhận thức rằng những hành động của họ là bình thường.
4. Adolf Eichmann (sinh 19 tháng 3 1906 – tử hình ngày 31 tháng 5 1962) là trung tá lực lượng vũ trang SS Đức Quốc xã. Vì ông có đầu óc tổ chức và có lý tưởng quốc xã sâu đậm, Eichmann được cấp trên là Reinhard Heydrich trao trách nhiệm chính trong kế hoạch thủ tiêu người Do Thái ở Châu Âu. Sau khi Đệ nhị thế chiến chấm dứt, ông bị Đồng Minh truy lùng gắt gao, phải giả giấy thông hành hội Chữ thập đỏ chạy trốn sang sinh sống tại Argentina với cái tên giả là Ricardo Clemento. Đến năm 1960, nhân viên cục tình báo Mossad của Israel bắt được Adolf Eichmann, đưa về Israel xét xử. Năm 1962, Eichmann bị tòa án Israel kết án và xử tử hình.
5. Chủ nghĩa bài Do Thái (tiếng Đức Antisemitismus) là sự thù địch hoặc thành kiến đối với người Do Thái với danh nghĩa một nhóm chủng tộc hoặc tôn giáo. Nó có thể ở nhiều mức độ, từ sự căm ghét cá nhân cho đến các hành động khủng bố bạo lực được thể chế hóa. Ví dụ cực đoan nhất của hiện tượng này là hệ tư tưởng của chủ nghĩa Phát xít của Adolf Hitler – cái đã dẫn đến cuộc diệt chủng người Do Thái ở châu Âu.
Chương 8
Những nguyên nhân của bạo động
NHỮNG CẢM XÚC CỦA CHÚNG TA VÀ SỰ BÓP MÉO THỰC TẠI
Vì chiến tranh bắt đầu từ trong tâm thức con người, nên đấy là từ tâm thức con người mà chúng ta phải xây dựng lên những thành lũy của hòa bình. - HIẾN CHƯƠNG CỦA TỔ CHỨC GIÁO DỤC LIÊN HIỆP QUỐC - UNESCO.
Thưa Đức Thánh Thiện, trong việc xác định những nguyên nhân của bạo động, chúng ta đã từng thảo luận về việc có thể có nhiều nguyên nhân và điều kiện trên những trình độ khác nhau như thế nào. Ngài đã đề cập, thí dụ, một số những nguyên nhân rộng rãi hơn nào đấy chẳng hạn như điều kiện xã hội, là thứ có thể làm cho một xã hội hướng về việc thực thi với bạo động hơn. Hay, trên một trình độ khác, ngài đã đề cập về những nhân tố chẳng hạn như những hoàn cảnh tình thế hay những sự ảnh hưởng của một cộng đồng hay gia đình đặc thù của một người. Những loại nguyên nhân này có thể xem một cách tổng quát như là những nhân tố ngoại tại. Nhưng ngài đã bắt đầu bằng việc nói rằng những gốc rễ của bạo động có thể truy nguyên đến tâm thức con người, những cảm xúc tàn phá, và sự bóp méo tư duy hay vọng tưởng điên đảo.”
“Đúng đấy,” đức Đạt Lai Lạt Ma khẳng định.
“Vậy thì bây giờ, tôi muốn hướng đến một số nhân tố ngoại tại, những cảm xúc và những lối suy nghĩ đặc trưng có thể đóng một vai trò ở đây.”
“Vâng. Tốt đấy. Có lẽ, một trong những điều căn bản nhất để nhận ra tại gốc rễ của nhiều sự xung đột bạo động của con người là những tình trạng tàn phá của tâm thức. Thí dụ, khi chúng ta ở dưới sự tác động của những cảm xúc phiền não như giận dữ, thù hận, sợ hãi, dính mắc cực đoan, và tham lam, điều này phục vụ để mở cho chúng ta đến những phóng chiếu và bóp méo tinh thần của suy tư hay vọng tưởng điên đảo là điều làm chướng ngại chúng ta với sự thấu hiểu chân thật về thực tế của hoàn cảnh, và điều này có thể đưa đến xung đột lớn lao.”
“Quan tâm đến những cảm xúc phiền não này, tôi chắc chắn có thể thấu hiểu nó quan trọng như thế nào để phát biểu về những điều này nhằm để tìm ra gốc rễ của bạo động,” tôi đồng ý. “Cuối cùng, những cảm xúc như giận dữ và thù hận là cốt lõi chính của bạo động, và những cảm xúc như sợ hãi quện chặc những loại rắc rối này không thể tháo ra được - trong thực tế, sợ hãi không chỉ là tình trạng thâm nhập khắp tâm thức trong thế giới không đáng tin cậy ngày nay, như một kết quả của mọi thứ như đe dọa khủng bố, nhưng cũng đóng một vai trò trong việc phát sinh ra bạo động. Thí dụ, sự gây hấn là một cách mà con người có thể phản ứng đến sợ hãi.
“Nhưng khi mà ngài gợi ý rằng chúng ta không thấy thực tế một cách rõ ràng trong những tình trạng xung đột, tôi không hoàn toàn chắc về điều ấy,” tôi tranh luận, “bởi vì trong một ý nghĩa, khi ngài nhìn vào những tình trạng xung đột, ngài có thể thấy một hay cả hay bộ phận đang nhìn vào thực tế. Tôi muốn nói “thực tế” một cách căn bản là giống với những sự kiện khách quan. Và ngài có thể có những vụ xung đột mà trong ấy các phe phái đang nhìn vào những gì đã xảy ra, một cách khách quan, và phản ứng căn cứ trên đấy. Thí dụ, một kẻ ôm bom tự sát chủ tâm nổ tung và sát hại những em bé và học sinh ngây thơ. Hay, trên một trình độ cá nhân, có thể ai đấy bị làm tổn hại bởi một người khác, hành hung, hiếp dâm, hay có thể ai đấy bị cướp giật hay lừa đảo hay bất cứ điều gì. Nạn nhân có thể phản ứng với giận dữ và bạo động có lẽ thế, nhưng cùng lúc họ vẫn có thể nhìn vào chính những sự kiện thật sự và khách quan, của những gì mà người khác đã làm, bao nhiêu người họ đã giết hay bất cứ điều gì - tôi nghĩ không nhất thiết có một sự bóp méo của vọng tưởng về thực tế của hoàn cảnh. Nói cách khác, đôi khi thực tế của hoàn cảnh là nó là một tình trạng tệ hại. Đó là thực tế.”
“A, này Howard, những tình trạng này có thể rất là phức tạp, là tại sao, nếu chúng ta đang thảo luận về những thứ này, đôi khi tốt nhất là căn cứ trên căn bản từng trường hợp một. Nhưng thế nào đi nữa, những gì ông đang nói có thể là đúng. Nhưng trong thí dụ của ông, mặc dù người ta có thể đang nhìn vào những sự kiện khách quan, nhưng họ vẫn chỉ đang nhìn vào một số sự kiện, chỉ những bộ phận của toàn bộ bức tranh. Trong khi chứng cứ họ có thể đang nhìn vào có thể là đúng hay chính xác, nhìn vào chỉ một số sự kiện và phớt lờ những thứ khác tiêu biểu cho một loại bóp méo toàn thể thực tại. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, có nhiều trình độ, nhiều khía cạnh, nhiều nguyên nhân và điều kiện liên hệ đến một sự kiện đặc thù - và để thấy thực tế chân thật, chúng ta phải quan tâm đến tất cả những sự kiện then chốt.”
“Điều ấy đúng,” tôi thừa nhận.
“Vậy thì,” ngài tiếp tục, “nếu chúng ta thật sự thẩm tra những tình trạng xung đột này liên hệ đến bạo động, tôi nghĩ rằng chúng ta thường thấy rằng người ta không thấy vấn đề rắc rối một cách thật sự. Một loại quan kiến hẹp hòi chiếm cứ, giống như việc thấy vấn đề qua một bộ lọc tinh thần nào đấy. Và người ta nghĩ rằng dường như đúng là những cảm xúc mạnh mẽ đưa đến sự suy nghĩ không thực tế. Trong thực tế, tất cả những cảm xúc phiền não hay tàn phá có khả năng trở thành những chướng ngại để thấy thực tế một cách rõ ràng.”
“Sự liên kết này giữa cái thấy điên đảo và những cảm xúc tàn phá nhắc tôi về một phương pháp nhận thức của tâm lý họ, là điều căn cứ trên ý tưởng này,” tôi nhận xét. “Thí dụ, dễ dàng để nhận ra rằng những phương cách suy tư méo mó hay không hợp lý có thể đưa đến chán nản. Vì vậy, tôi chỉ đang tự hỏi - ngài đề cập việc những cảm xúc tàn phá có thể đưa đến những tư duy vọng tưởng điên đảo, nhưng ngài có cảm thấy rằng nó cũng hoạt động trong một phương cách khác không? Nói cách khác, ngài có nghĩ rằng vọng tưởng điên đảo hay nhận thức sai lạc trong suy tư có thể đưa đến những sự xáo trộn của cảm xúc không - và có thể tạo nên hay góp phần cho giận dữ, thù hận, sợ hãi, tham đắm, v.v... không?
“Ô, vâng. Nó cả hoạt động cả hai chiều,” ngài nói. “Trong thực tế, thù hận và tất cả những cảm xúc phiền não căn cứ trên một sự méo mó hay điên đảo về thực tại; chúng là những thể trạng của tâm thức sinh khởi trên căn bản của nhận thức sai lầm về thực tại của hoàn cảnh...”
“Thí dụ?”
“Thí dụ... tôi có kinh nghiệm cá nhân đầu tiên về việc thấy điều này bộc lộ như thế nào. Và những năm bảy mươi, tôi đã thăm Liên Bang Xô Viết và tôi nhận thấy rằng ngay cả những người bình thường ở đấy tin tưởng một cách chân thành rằng phương Tây rất ghét họ và đã sẵn sàng tấn công bất cứ lúc nào. Lúc ấy tôi đã từng ở những quốc gia Tây Âu rồi. Và tôi biết rằng điều này không đúng - đấy là một sự bóp méo hay xuyên tạc về thực tế. Nhưng nhận thức về phương Tây như một đe dọa thật sự đã làm họ thành một đối tượng chính đáng của thù hận.”
Điều gì đấy về thí dụ của ngài dường như thiếu chứng cứ đối với tôi. “Tôi không biết, thưa Đức Thánh Thiện, dường như rằng thí dụ của ngài liên hệ sợ hãi và thù hận sinh khởi từ một sai lầm thật sự, một niềm tin sai lầm về động cơ và xu hướng của phương Tây. Nhưng ở đây chúng ta đang nói về những cảm xúc tàn phá và những vọng tưởng về suy nghĩ như những nguyên nhân của bạo động. Và thế nào đấy dường như đối với tôi là vấn đề rắc rối hoạt động sâu hơn là một sai lầm đơn thuần trong thực tế, rằng những cảm xúc phiền não và những bóp méo của tư duy là một nguyên nhân của bạo động trên một mức độ rộng lớn hơn và căn bản hơn của nhân loại...”.
Gật đầu đồng ý ngài nói một cách chậm rãi, “Vâng, điều ấy đúng.” Rồi thì trong một cung cách phân tích thứ tự, đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục giải thích. “Thí dụ, một phương diện mà con người khác biệt với thú vật là chúng ta có óc thông minh tuyệt vời của nhân loại. Sự thông minh này có thể được sử dụng trong những cung cách kỳ diệu, xây dựng. Nhưng vào những lúc khác, nó có thể đưa chúng ta vào rắc rối. Vì vậy, thí dụ, khi so sánh với những động vật khác, con người chúng ta có một khả năng to lớn hơn nhiều để lập trình cho tương lai. Chúng ta cũng có một trí nhớ phát triển cao độ, khả năng để nghĩ về quá khứ xa xưa. A, trong nhiều hoàn cảnh xung đột, chúng ta có thể thấy con người phản ứng căn cứ trên những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ, đôi khi nhiều thế kỷ trước. Người ta không có thiện ý để nhìn vào thực tế của hoàn cảnh hiện tại, bám víu một cách mạnh mẽ đến những điều kiện thậm chí không còn hiện hữu nữa. Điều này biểu lộ cho một loại bóp méo tư duy hay vọng tưởng, một sự thu hẹp nhận thức của con người...”.
“Trong cách nào mà những cảm xúc tàn phá liên hệ đến loại vọng tưởng điên đảo này?” tôi hỏi.
“Thí dụ, thù hận là một loại nhiên liệu mãnh liệt nhất cho những hoàn cảnh này. Giận tức là một thành phần của cảm nhận thù hận, nhưng thù hận dường như có một thành phần khác - nó khuyến khích một bám víu vào một sự kiện quá khứ, một loại nhận thức sai lạc nào đấy. Điều này tạo nên một mối ác cảm, và khao khát cho một loại báo thù nào đấy. Do vậy, đôi khi tôi đề cập rằng thù hận ngăn cản chúng ta tiến tới - nó xích chúng ta với quá khứ. Trong thực tế, một chìa khóa coi như tiền đề mà trên ấy khái niệm hòa giải căn cứ là không phản ứng với sự giận tức mạnh mẽ đến những sự kiện đã qua rồi.”
Khi đức Đạt Lai Lạt Ma nói, tôi không thể nào không nghĩ đến khả năng hầu như vô hạn của con người trong việc nắm chặc lấy những nổi bất bình quá khứ. Dường như nó không có giới hạn. Sau này, khi từ Dharamsala trở về nhà, tôi bắt đầu chú ý, thí dụ, trong những sự tàn bạo như thế nào, trong thế kỷ hai mươi mốt, những người Hồi giáo cực đoan thường dạy đi dạy lại vào những sự kiện đã xảy ra nhiều thế kỷ trước như một phần của việc biện hộ cho sự giết hại những thường dân vô tội ngày nay. Mặc dù tôi đã không chú ý nhiều về điều này trước đây, nhưng tôi đã bắt đầu chú ý những sự thực tập thông thường trong những nhóm Hồi giáo khủng bố và những nhóm vũ trang thường viện cớ đến những cuộc Thập Tự Chinh để khích động thù hận và bạo động, sử dụng thuật ngữ “thập tự chinh” để liên hệ đến tất cả những quốc gia phương Tây cũng như tất cả những người Ki Tô giáo...
Trong thực tế, nhiều lãnh tụ Hồi giáo đã trở nên rất thành thạo trong việc gợi lên quá khứ để hoàn thành những mục tiêu của họ. Slobodan Milosevic, thí dụ, lãnh tụ Serbia đã bị truy tố vì tội ác chống lại nhân loại và diệt chủng, đánh dấu sự nổi lên như một năng lực chính trị đầy quyền lực bằng việc thực hiện một hành động chắc chắn gây nên một sự đáp ứng cảm xúc và dấy động thù hận trong những người Serbia. Ông ta đã thận trọng đến Kosovo thực hiện một buổi diễn thuyết khuấy động tại Chiến Trường Kosovo Polje, địa điểm mà người Serbia đã bị đánh bại bởi quân của Đế quốc Ottoman của Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1389. Bằng việc vận dụng vào sự sợ hãi sâu xa của người Serbia về việc bị đánh bại và nô dịch hóa, ông ta có thể làm quyền lực của ông ta mạnh lên, và sau này đẩy người ta thực hiện những hành động mà nếu khác đi họ có thể từ chối thi hành.
Đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ ra những vấn đề lịch sử thường đóng một vai trò trong những xung đột ở mức độ rộng lớn, các vấn đề gợi lên những cảm xúc tàn phá chẳng hạn như thù hận và sợ hãi - một hay cả hai nhóm phản ứng trong hiện tại căn cứ trên việc bị làm tổn thương hay xúc phạm trong quá khứ, phản ứng căn cứ trên những đe dọa lịch sử đến sự tồn tại của họ, những hoàn cảnh mà bây giờ chỉ hiện hữu trong sự tưởng tượng của những chiến binh. Tất cả những cảm xúc tàn phá chẳng hạn như thù hận và sợ hãi có gốc rễ trong xã hội, xâm nhập tinh thần tập thể của dân chúng, sự phán đoán trở nên nhiễm độc, làm cho dân chúng dễ nhạy cảm đến những quyết định căn cứ trên suy tư bị bóp méo, thổi phồng, và lừa dối - và dễ xúc cảm hơn đến sự lôi kéo của những lãnh tụ hay sự tuyên truyền của chính quyền.
Về sau trong chương này, chúng tôi sẽ chỉ ra những cảm xúc tàn phá không chỉ làm thay đổi cung cách suy nghĩ của chúng ta mà chúng cũng làm nên những sự thay đổi đặc trưng trong thân thể chúng ta như thế nào. Những nhà nghiên cứu mới đây khám phá những kích thích tố (hormone) như epinephrine (adrenaline), được tiết ra khi chúng ta cảm thấy sợ hãi có thể làm những ký ức tiềm tàng trở nên sinh động hơn nhiều, mạnh mẽ hơn nhiều, và nhiều những ký ức ngoan cố hơn là những ký ức không cảm xúc. Dĩ nhiên, điều này có ý nghĩa bởi vì những chức năng sợ hãi cảnh báo chúng ta những sự đe dọa hay nguy hiểm, và nó thích nghi để chất chứa những ký ức mạnh mẽ những sự kiện là một sự đe dọa đến sự tồn tại của chúng ta. Nhưng khi những sợ hãi lan rộng sinh ra bởi chiến tranh, khủng bố, những sự tàn bạo, và ngay cả diệt chủng trở nên được chất chứa trong ký ức chung của toàn thể dân chúng, chúng cũng trở nên mạnh mẽ hơn và dẽo dai hơn - đấy là tại sao rất dễ dàng để cho những lãnh tụ lôi kéo dư luận công cộng bằng việc khơi lại những ký ức lịch sử, tại sao Osama bin Laden liên tục viện dẫn đến “những cuộc thập tự chinh’’, tại sao Slobodan Milosevic đã đi đến Chiến Trường Kosovo Polje để khuấy động những sợ hãi và thù hận chủng tộc.
Vì vậy, sử dụng thuật hùng biện để khuấy động sợ hãi căn cứ trên những sự kiện lịch sử này, những lãnh tụ có thể lôi kéo quần chúng chuyển động theo lối mòn đến chiến tranh, đến khủng bố, đến tàn bạo - không có sự xấu ác nào vượt khỏi mục tiêu của những ai bị đưa lối bởi rượu nhiễm độc của sợ hãi, thù hận, và thành kiến. Những bạo động như vậy thậm chí có thể trở thành một bộ phận của một vòng xoay bất tận truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác, với sợ hãi làm nên khích động và bạo động, bạo động tạo nên nhiều sợ hãi hơn, là điều hóa ra lại tạo nên nhiều bạo động hơn nữa.
Nhận ra điều này, một cách căn bản phương pháp duy nhất để ngăn ngừa bạo động như vậy là nhổ gốc rễ của chúng tại cội nguồn của nó, chúng tôi tiếp tục sự khảo sát của chúng tôi, theo vết sự tiến triển của bạo động ngược lại căn nguyên của nó trong tâm thức con người, đến những cảm xúc tàn phá và những bóp méo của vọng tưởng.
“Ngài biết không, thưa Đức Thánh Thiện, khi thảo luận về những gốc rễ của bạo động trên trình độ nội tại, thật dễ dàng để thấy những cảm xúc tiêu cực có thể đưa đến bạo động như thế nào - không chỉ những cảm xúc như giận tức, thù hận, và sợ hãi, mà những cảm xúc như ganh tỵ và tham đắm cũng thường ở phía sau những hành vi của bạo động. Nhưng giống như có sự đa dạng của những cảm xúc tiêu cực có thể liên hệ trong bạo động, cũng có thể có một sự đa đạng của những phương cách mà tư duy chúng ta có thể bị bóp méo, những phuong pháp khác nhau mà nhận thức chúng ta có thể trở nên hẹp hòi. Thí dụ, ngài vừa đề cập một cách - xu hướng tập trung một cách hạn hẹp về quá khứ, vì thế chúng ta đánh mất cái nhìn vào thực tế hiện tại và tương lai. Tôi tự hỏi ngài có thể thảo luận về một số những phương cách khác về sự suy nghĩ hay nhận thức của chúng ta có thể trở nên bị bóp méo, hay vọng tưởng điên đảo không.”
“Vâng,” ngài trả lời. “Bây giờ điều này là rất quan trọng. Sự hẹp hòi của nhận thức, thí dụ, có thể phối hợp với thất bại để thấy hoàn cảnh trong một phạm vi rộng rãi hơn, và không có khả năng để tiếp nhận một viễn kiến lâu dài. Điều này có thể hạn chế khả năng của chúng ta tìm ra giải pháp thích hợp nhất cho một vấn đề. Dĩ nhiên, khuynh hướng để thấy mọi thứ trong những dạng thức tuyệt đối, như trắng hay đen, những điều thông thường ở phương Tây, là điều gì đấy mà chúng ta đã thảo luận trước đây. Những xu hướng này thường đưa đến sự không uyển chuyển trong quan điểm của chúng ta và sự thất bại để thấy bất cứ nền tảng trung đạo khả dĩ nào. Cũng có thể có một sự thiếu vắng ý chí để tìm kiếm sự quan tâm chung trong một hoàn cảnh, chỗ mà chúng ta đang cố gắng để giải quyết những xung đột qua đối thoại.”
Vấn đề trở nên sôi nổi hơn khi ngài thảo luận những vọng tưởng đa dạng, ngài giải thích, “tôi nghĩ một trong những biểu hiện nguy hiểm nhất của loại nhận thức hẹp hòi này là khuynh hướng của chúng ta để đơn giản hóa và tổng quát hóa, là điều thông thường một cách đặc thù những thời điểm của khủng hoảng. Tôi nhớ tại một cuộc họp báo, tôi được hỏi rằng tôi có thấy những gì xảy ra trong ngày 11 tháng Chín như biểu hiện của một xung đột nền tảng của hai nền văn minh không. Vì thế, tôi đã hỏi, “ông đang nói về hai nền văn minh nào?” Ông ta trả lời rằng một là nền Văn Minh Ki Tô giáo phương Tây và thứ kia là nền Văn Minh Hồi giáo. Và tôi lập tức nói với ông, ‘Chắc chắn là không!’ đó không phải là việc tôi thấy sự kiện như thế nào. Đối với tôi, Bin Laden là một cá nhân, ông ta là một người Ả Rập, và ông ta cũng là một người Hồi giáo, vâng, nhưng cùng lúc ông ta không thể đại diện cho toàn thể nền Văn Minh Hồi giáo. Đối với tôi, những gì xảy ra trong ngày 11 tháng Chín là phạm vi mở rộng một hậu quả của một cá nhân đặc thù và hành động của nhóm ông ta cũng như động cơ của họ, sự oán giận và thù hận của họ. Vì thế nó không đại diện cho một sự xung đột của những nền văn minh!”
Luôn luôn như thế, sự trong sáng tâm thức và lý trí của đức Đạt Lai Lạt Ma là hoàn mỹ. Nhưng buồn thay, tôi nghĩ, luôn luôn có những người khác không đồng ý: “Trong một cuộc chiến của những nền văn minh,” Osama Bin Laden đã từng nói, “mục tiêu của chúng tôi là vì quốc gia của chúng tôi để thống nhất trong diện mạo của cuộc thập tự chinh Ki Tô giáo... Đây là một cuộc chiến tranh tái diễn.”
Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục, “tôi nghĩ ‘sự xung đột của những nền văn minh” là một ngôn ngữ rất nguy hiểm. Nếu chúng ta bắt đầu thấy những cuộc xung đột trong nhãn quan của một sự xung đột những nền văn minh, sau đó chúng ta sẽ bắt đầu tin tưởng rằng những nền văn minh là cố hữu trong việc xung đột với nhau, vì thế chúng ta bắt đầu để cư xử thích hợp với quan điểm ấy - làm khó khăn hơn để đồng nhất hóa với những nhóm khác.”
 Thở dài, ngài tiếp tục. “Nhưng dường như rằng người ta sẽ có khuynh hướng này để tổng quát hóa và đơn giản hóa mọi thứ. Và tôi nghĩ rằng một trong những nhân tố then chốt của việc đơn giản hóa này, như tôi đã đề cập, là một sự bóp méo hay vọng tưởng về thực tại. Trong trường hợp này, vọng tưởng liên hệ chính yếu về một sự thổi phồng - thổi phồng về bản chất và phạm vi của một sự kiện đặc thù, thí dụ thế, mà cũng là khuynh hướng nguy hiểm để thổi phồng những sự khác nhau của chúng ta, như đối kháng đến những gì liên kết chúng ta lại với nhau.
“Trong thực tế, chúng ta thấy rằng sự việc thứ này là ở khắp nơi. Ở Ấn Độ đây, thí dụ, đôi khi ông có thể có một vụ bạo động nào đấy xảy ra trong một cộng đồng. Nhưng thay vì tập trung trên việc giải quyết tình trạng đặc thù ấy và đối phó với những cá nhân đặc biệt chịu trách nhiệm cho hành động, một lãnh tụ Ấn giáo nào đấy có thể tuyên bố rằng, ‘Hãy nhìn xem, đây là những gì mà các người Hồi giáo đã làm đối với những người Ấn giáo!’ Hay một số lãnh tụ Hồi giáo nào đấy có thể nói tương tự, ‘Hãy nhìn xem những gì người Ấn giáo đã làm với chúng ta!’ Và lúc mà họ tổng quát quá đáng và thổi phồng trong cách này, nó gợi lên một loại đáp ứng khác, tạo nên tình trạng bất ổn trong những cộng đồng này. Tôi cảm thấy rằng điều này không tốt, nó hoàn toàn sai. Thật sự, nó là một loại kích động.”
Đột nhiên ngài bắt đầu cười khúc khích. “Ông biết không, nói về khuynh hướng thổi phồng của chúng ta, điều này làm tôi nhớ lại một câu chuyện. Tôi nhớ lại một lần nọ, một bà lão từ miền Tây của Tây Tạng đến gặp tôi và bà nói với tôi về kinh nghiệm của bà đối với việc ngược đãi của Trung Cộng. Dĩ nhiên, những gì bà nói với tôi là một vấn đề rất nghiêm trọng và thảm thương, nhưng khi bà kể chuyện, giọng nói và cử chỉ của bà trở nên càng lúc càng thổi phồng, cho đến kết thúc câu chuyện, bà la lên, “Và tất cả chúng tôi đã bị cầm tù, và tất cả chúng tôi đã chết!” Đức Đạt Lai Lạt Ma cười. “Tôi muốn nói, ở đây là bà đang đứng ngay chỗ đấy trước mặt tôi, và trong một giọng điệu thật sự cường điệu, nói với tôi rằng bà đã chết!”
Giọng cười của ngài phai dần khi ngài nói, “Một cách nghiêm trọng hơn, tôi nghĩ rằng thật sự có một cách khác là khuynh hướng để đơn giản hóa và tổng quát hóa có thể rất nguy hiểm. Bây giờ đôi khi chúng ta sẽ thấy rằng những lãnh tụ, cho dù là chính trị hay tôn giáo, thích dùng những nhãn hiệu đơn giản nào đấy như “Nhóm này là xấu ác” hay “Nhóm đó là xấu ác” để khuấy động quần chúng. Có thể ngay cả có một loại vận động cân nhắc. Tôi nghĩ khuynh hướng này để thấy mọi chuyện là trắng hay đen, như hoàn toàn tốt hay hoàn toàn xấu, thật sự có thể đưa đến nhiều rắc rối.”
“Những rắc rối như...?”
“Nếu chúng ta xem một người vốn thực chất là xấu ác, như một bộ phận thường trực và không thể thay đổi trong bản chất của họ, sẽ có một khuynh hướng to lớn hơn để thấy việc loại bỏ người ấy như giải pháp duy nhất. Trong đạo Phật, chỗ mà chúng ta nhận ra nguyên nhân và hệ quả, và thấu hiểu rằng có những nguyên nhân và điều kiện nào đấy đã đưa con người ấy hành động trong một cách tiêu cực hay tàn phá, và vì thế nhận ra nó có thể là một điều kiện tạm thời, nó mở ra khả năng để thay đổi.”
Ngài tiếp tục. “Vì thế, một cách căn bản, nếu chúng ta đang nhìn vào những nguy hiểm của loại người mang nhãn nhiệu “xấu ác”, tôi thấy hai hiểm họa chính. Thứ nhất, khi chúng ta phân định người nào đấy như xấu ác bản chất và giải thích thái độ của họ trên căn bản ấy, nó ngăn trở chúng ta trong việc nhìn vào chiều sâu bên trong những gốc rễ và nguyên nhân thật sự của thái độ đó. Nó có thể ngay cả có kết quả trong việc lẫn tránh vấn đề rắc rối thật sự một cách thận trọng. Khi điều này xảy ra, bất hạnh thay chúng ta sẽ thất bại để nghiên cứu làm thế nào để ngăn ngừa những hành động tương tự trong tương lai. Đó là cái giá. Bằng việc đổ lỗi cho Hitler như một năng lực độc ác phía sau tất cả những sự tàn bạo thực thi trong Thế Chiến Thứ Hai, thí dụ, có thể có một khuynh hướng để không tìm kiếm những nguyên nhân khác, vì thế chúng ta có thể quên đi vai trò của người Đức thể hiện và những điều kiện chính trị cũng như văn hóa của xã hội trong thời kỳ Quốc Xã.
“Hiểm họa thứ hai”, đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục, “là khi nhãn hiệu ‘xấu ác’ được dán lên cho một cá nhân hay một nhóm người, thì tự nhiên hầu như biến cá nhân ấy hay nhóm ấy thành hung ác dã man. Một khi loại nhận thức này bén rễ, một tiến trình của việc làm cho trở nên vô nhân đạo xảy ra. Họ được thấy như không phải con người. Và nếu chúng ta không còn thấy một cá nhân như một con người, khi ai đó như chính chúng ta, rồi thì chúng ta sẽ không có một nền tảng chung. Họ được xem như không phải loài người. Và với việc không có căn bản chung, sẽ không có cơ sở cho cảm thông phát sinh. Kết quả sau cùng của điều này là nó mở ra cánh cửa để biện minh cho bất cứ sự bất công nào được thực thi để chống lại họ, bất cứ sự kinh khiếp nào, bất cứ sự tàn nhẫn nào, ngay cả diệt chủng.”
Lắc đầu, ngài thở dài và nói thêm một cách nhẹ nhàng, “Ông biết không, Howard, khi mà nó đi đến chỗ những cảm xúc phiền não và vọng tưởng điên đảo phối hợp với nhau, những thứ này có thể trở thành nguồn gốc không chỉ của bạo động mà cũng của nhiều thứ rắc rối. Chúng ta thấy rằng những tư tưởng méo mó này, loại hậu quả của hẹp hòi trong suy tư hay nhận thức, có thể biểu hiện trong rất nhiều cung cách để làm khốn đốn và đục khoét nền tảng hạnh phúc của chúng ta.”
“A, thưa Đức Thánh Thiện, bây giờ chúng ta có được loại chẩn đoán vấn nạn, xác định những cảm xúc tàn phá này, những cung cách suy nghĩ vọng tưởng hẹp hòi như gốc rễ làm nên bạo động, chúng ta có thể tiêp tục để nói về việc chữa trị ngày mai, đối phó với những cảm xúc và vượt thắng những cung cách suy nghĩ hẹp hòi.”
“Tốt lắm”, đức Đạt Lai Lạt Ma nói, với một nụ cười mỉm ấm áp, cởi mở. “Vậy thì tôi sẽ gặp ông vào ngày mai.”
Khi hóa ra là, chừng nào chúng tôi thật sự kết thúc việc thẩm tra một cảm xúc quan trọng - sợ hãi - trong chiều sâu tuyệt vời vào tuần ấy, sẽ là một lúc nào đấy khá sớm hơn, trước khi chúng tôi trở lại một cuộc thảo luận về việc vượt thắng những cảm xúc tiêu cực và những cung cách suy tư vọng tưởng hẹp hòi mà có thể đưa đến hành động như cả nguyên nhân và kết quả của những cảm xúc tiêu cực.
Đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ ra rằng những gốc rễ của bạo động có thể truy nguyên một cách căn bản từ những cảm xúc tàn phá của chúng ta và khả năng của chúng để bóp méo nhận thức của chúng ta về thực tại. Nhằm để thấu hiểu vài trò của những cảm xúc tiêu cực và suy tư điên đảo như nguyên nhân của bạo động, có thể rất lợi ích để ôn lại tóm tắt những gì là cảm xúc, tại sao chúng ta có chúng, và tại sao chúng phối hợp với vọng tưởng. Đầu tiên, mặc dù chúng ta phân loại những cảm xúc nào đấy như tiêu cực hay tàn phá, thật quan trọng để nhớ rằng mỗi cảm xúc của con người tiến triển cho một mục tiêu kiến tạo - từ quan điểm tiến hóa rộng rãi, mọi cảm xúc được kết cấu để giúp chúng ta tồn tại và sinh sôi nẩy nở. Những cảm xúc tiến hóa đã tiến hóa để chuẩn bị cho chúng ta đối phó một cách rất nhanh chóng với những sự kiện sống còn trong đời sống của chúng ta. Thuật ngữ tiếng Anh “cảm xúc” đến từ một danh từ La-tinh phát biểu ý tưởng “chuyển động”, và những cảm xúc trong phổ quát là những cơ cấu hiệu quả cao độ để làm cho chúng ta đặt sự chú ý đến một hoàn cảnh và chuyển chúng ta trong một phương hướng quan trọng cho lợi ích và sự sống còn của chúng ta. Những cảm xúc “tàn phá” nói chung thật sự là được kết cấu để giúp chúng ta lập tức phản ứng đến những hiểm nguy hay những hoàn cảnh đe dọa đời sống và đáp ứng trong một cung cách sẽ gia tăng những đặc dị của chúng ta cho sự sống còn. Chúng nói với chúng ta rằng điều gì đấy “xấu” đã xảy ra hay sắp xảy ra, và gợi ra một đường lối hành động giải quyết. Trong thực tế, chúng khuyến nghị mạnh mẽ một cung cách cư xử nào đấy. Dĩ nhiên, những cảm xúc cũng có những vai trò hữu ích khác - một cách đặc biệt trong giao tiếp, nơi mà chúng hỗ trợ sự truyền đạt tình trạng nội tại của chúng ta đến người khác, qua những biểu hiện đặc trưng trên khuôn mặt hay tư thế của thân thể. Trong những năm gần đây, cũng đã có một số lý thuyết về những chức năng của những cảm xúc tích cực, là những điều chúng tôi sẽ khám phá sau này.
Như chúng tôi đã thảo luận trước đây, bộ xương căn bản của não bộ tiến hóa trong kỷ nguyên Canh Tân (Pleistocene), một thời điểm khi môi trường của chúng dường như sản xuất vượt xa hơn những hoàn cảnh có khả năng chết người như ngày nay. Những cảm xúc tiêu cực căn bản - thí dụ: Sợ hãi, ghê tởm, giận tức, buồn đau - tiến triển như chính giải pháp đầy đủ để đối phó với những vấn nạn lập đi lập lại mà những tổ tiên xa xưa của chúng ta phải đối diện. Mỗi thứ cảm xúc này có chức năng thích ứng của chính chúng. Thí dụ, sợ hãi giúp chúng ta đáp ứng đến những đe dọa hay nguy hiểm; ghê tởm với sự thôi thúc chính của nó để xua tan, được kết cấu để giúp chúng ta tránh sự ô uế hay từ chối những thực phẩm nhiễm độc tiềm tàng; giận tức giúp chúng ta chuẩn bị để chiến đấu hay tấn công, dĩ nhiên, nhưng cũng có thể phục vụ như một dấu hiệu hay cảnh báo khi điều gì đấy ngăn trở chúng ta; và buồn đau dường như động viên chúng ta có một thời gian ngơi nghĩ cần thiết để tái tập họp sau một sự tổn thất, để thận trọng, để duy trì năng lượng, và không nghi ngờ gì nó cũng đánh thức sự giúp đỡ từ những người khác. Vì thế, mỗi cảm xúc có mục tiêu riêng của nó, vì thế mỗi thứ phối hợp với những cung cách đặc trưng của cảm giác, suy nghĩ, và hành động được kết cấu theo tập quán để giúp chúng ta hoàn thành những mục tiêu ấy.
Vì hầu hết những cảm xúc tiêu cực này được thiết lập để giúp chúng ta đối phó với những sự kiện nghiêm trọng hay de dọa sự sống, nơi mà sự phân tâm trong một giây có thể làm nên một sự khác biệt, chúng phải đưa chúng ta chuyển động một cách nhanh chóng và chính xác. Trong những loại hoàn cảnh nguy hiểm này, không có thời gian để phân tích một cách ý thức vấn đề trong chiều sâu, vì thế các cảm xúc kích động vào ngay cả trước khi thông tin được tiến triển đầy đủ ở vỏ não, trung tâm suy tư của não bộ. Như chúng tôi đã đề cập trước đây, vị trí biểu hiện của những cảm xúc tiêu cực là ở trong hệ thống phía bờ rìa của não bộ, trong những cấu trúc như amygdala(1), là thứ có trách nhiệm cho việc sản xuất những cảm xúc như sợ hãi hay hung bạo. Âm hưởng cảm giác khó chịu của một cảm xúc tiêu cực có thể không thú vị lắm, nhưng nó phục vụ chúng ta rất tốt bằng việc kêu gọi một sự chú ý đến những gì đang xảy ra, làm cho chúng ta ở vào tư thế sẵn sàng và “chuyển dịch” chúng ta hướng tới việc đối phó với tình trạng. Cảm nhận của sự kiện không may sắp xảy ra biểu thị đặc điểm của cảm giác sợ hãi, thí dụ thế, có thể hoàn toàn không dễ chịu, nhưng chính sự khó chịu ấy bảo đảm sự chú tâm hoàn toàn của chúng ta, động viên chúng ta không nên chần chừ và kích động chúng ta thực hiện những hành động ngăn ngừa.
Dĩ nhiên, những cảm xúc không chỉ phối hợp với một “cảm giác”; mỗi cảm xúc cũng phối hợp với những thay đổi trong cung cách suy nghĩ của chúng ta và những đặc trưng thay đổi trong thân thể. Những thông điệp gởi ra theo những lối mòn thần kinh từ hệ thống một nhóm cấu trúc bên trong não bộ đến vỏ não có thể ảnh hưởng những cung cách suy nghĩ của chúng ta. Cũng có những liên hệ phức tạp giữa hệ thống bên trong não bộ và những phần khác của não bộ cũng như những cơ quan trong thân thể. Những thông điệp chuyển giao theo những lối mòn thần kinh hay vòng quanh có thể tạo nên những thay đổi nhanh chóng suốt khắp thân thể. Trong sự quan tâm đến những thay đổi vật lý này, mỗi cảm xúc tiêu cực phối hợp với một “xu hướng hành động” đặc thù, một loạt những thay đổi tâm lý huy động sự hỗ trợ cho những hành vi đặc thù - những hành vi có ý nghĩa chuẩn bị chúng ta đáp ứng đến hiểm họa hay giúp chúng ta bảo đảm cho sự sống còn của chúng ta.
Để thấu hiểu tiến trình này tốt hơn, chúng ta có thể sử dụng “sợ hãi” như một thí dụ. Sợ hãi là cơ cấu bảo vệ cảnh báo chúng ta đến hiểm họa, đặc biệt những hoàn cảnh đe dọa đời sống, và giống như những cảm giác khác, nó chuẩn bị cho chúng ta để đáp ứng nhanh chóng trong một cung cách sẽ giúp chúng ta bảo đảm cho sự sống còn của chính mình. Vì vậy, nó làm điều này như thế nào? Sau khi những cơ quan cảm giác của chúng ta nhận thức khả năng đe dọa, thông tin cảm giác được truyền tới amygdala, là điều đầu tiên bảo đảm chúng ta được khuyến khích để thực hiện một hành động nào đó bằng việc tạo nên cảm giác khó chịu về hiểm họa sắp xảy đến. Sau đó nó làm cho thân thể chúng ta sẵn sàng để hành động: Những thông tin lập tức được gởi ra qua những mạch thần kinh liên hệ, thực hiện sự tiếp xúc trực tiếp với những giác quan mục tiêu trong một vài trường hợp, và trong những trường hợp khác là những tuyến kích thích để phát ra những sứ giả hóa học chẳng hạn như những kích thích tố (hormone), là những thứ du hành qua dòng chảy của máu đến những cơ quan mục tiêu khác.
Những thông điệp làm nên một đợt những sự kiện suốt khắp thân thể, tất cả những điều này chuẩn bị thân thể làm những gì mà nó cần thiết phải làm nhằm để tồn tại: Nhịp đập của tim và áp huyết gia tăng, chuẩn bị cho chúng ta hành động. Tốc độ của hơi thở tăng lên, phân bố thêm dưỡng khí oxygen. Cơ bắp căng thẳng. Nhận thức sắc bén. Mồ hôi bắt đầu đổ ra, trong trường hợp thân thể cần một tí bốc hơi làm mát sau khi hoạt động khẩn trương. Những kích thích tố căng thẳng chẳng hạn như adrenalin và cortisol dâng lên khắp thân thể. Những kích thích tố này hoạt động làm nổi bật những chức năng căn bản, trực tiếp sự tuôn chảy máu đến các cơ bắp, đặc biệt những cơ lớn ở tay và chân, chuẩn bị để chạy hay chiến đấu. Chúng huy động những dự trữ năng lượng bằng việc tiết ra glucose(2) từ gan cho năng lượng nhanh, và ngay cả làm thay đổi những tiểu huyết cầu trong máu để bảo đảm máu đông đặc lại một cách nhanh chóng nếu thân thể bị thương. Cùng một lúc, những thông điệp được gửi để đóng lại những chức năng không cần thiết, đình chỉ tạm thời hoạt động của chức năng tiêu hóa, hệ thống tái sản xuất, hay hệ thống miễn nhiễm - cuối cùng, nếu chúng ta đang bị đuổi bắt bởi một kẻ giết người điên cuồng với một cây búa bữa củi, não bộ của chúng ta có thể tính toán rằng thời gian không phải là tốt nhất cho việc ngơi nghĩ cho một cuộc làm tình nhỏ buổi trưa, hay tính toán một bửa ăn dễ thương và cất chứa một số chất béo cho mùa đông, hay làm một chút công chuyện quản lý nội tại để chống lại sự nhiễm trùng.
Những thay đổi sinh lý học thường kêu gọi sự đáp ứng căng thẳng hay phản ứng đánh-hay-chạy. Chúng có thể giúp chúng ta chuẩn bị một hành động tự vệ tổng quát hay những loại đặc thù hơn của những thái độ đáp ứng tùy thuộc vào bản chất của hiểm họa. Những đáp ứng như vậy có thể bao gồm việc tẩu thoát, hay xung đột nếu người ấy không thể trốn thoát. Lạnh lùng hay bất động là một khả năng khác nữa để đáp ứng đến sợ hãi, là điều sẽ thích đáng nếu người ấy sắp đi qua một vách đá [một sự căng thẳng cực độ], hay nếu phương tiện tốt nhất của việc sống còn là lẫn trốn, và trong vài trường hợp điều này thậm chí có thể là ngăn chặn sự tấn công phản xạ của một số thú săn mồi.
Chúng ta có thể thấy việc những thay đổi vật lý này phối hợp với những cảm xúc tiêu cực có thể là hoàn toàn hữu ích trong những hoàn cảnh đe dọa đời sống mà chúng được được kết cấu để thích nghi. Tuy nhiên, trong một ý nghĩa, những sự thay đổi này có thể được thấy như có một hiệu quả giới hạn hay ‘hạn hẹp’ trong thái độ của chúng ta. Những ‘xu hướng hành động’, những thay đổi sinh lý được lập trình trước trong thân thể phối hợp với những cảm xúc, đang khuyến khích người ta thực hiện một phạm vi đặc thù của hành động, chẳng hạn như chiến đấu, chạy, ói mửa (với cảm giác ghê tởm), v.v... Chúng ta vẫn có thể chọn lựa bất cứ hành động nào mà chúng ta muốn - mặc dù cảm giác sợ hãi, thí dụ thế, có thể chuẩn bị thân thể để đào thoát, nhưng chúng ta không bị bắt buộc phải bỏ chạy, và có thể vẫn còn quyết định hát một bản nhạc solo opera hay nằm xuống và ngủ một giấc. Nhưng phạm vi hành động của người ấy ở đây là ‘hạn hẹp’ trong ý nghĩa rằng thân thể được ‘chỉ dẫn’ cho một phạm vi giới hạn hơn và đặc thù hơn của hành động.
Dĩ nhiên, cộng thêm với những ảnh hưởng vật lý, những cảm xúc tiêu cực cũng có thể tác động trong cung cách suy nghĩ của chúng ta. Sự phối hợp những ảnh hưởng trên thân thể và tâm thức đôi khi được gọi là những khuynh hướng tư tưởng hoạt động. Đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ ra rằng những cảm xúc tiêu cực có khuynh hướng bóp méo sự suy nghĩ của chúng ta, có một loại ảnh hưởng ‘thu hẹp’ trong những nhận thức của chúng ta, giống như là chúng có một tác động làm hạn hẹp trên thái độ của chúng ta. Vì vậy, chúng ta có thể nói rằng những cảm xúc tiêu cực này có một ảnh hưởng làm hạn hẹp toàn bộ trên những khuynh hướng tư tưởng hoạt động.
Câu hỏi căn bản là, những cảm xúc tiêu cực và những cung cách làm thu hẹp suy tư của chúng, là những điều làm cho chúng ta bóp méo và nhận thức sai lầm thực tại, dẫn đến bạo động và thái độ tàn phá như thế nào? Cuối cùng, đấy là điều tiên liệu chính yếu của đức Đạt Lai Lạt Ma ở đây. Để trả lời điều này, thật hữu ích để trước nhất thực hiện một sự quan sát gần hơn tại những thay đổi đặc biệt trong suy nghĩ được tạo nên bởi những cảm xúc tàn phá.
Nghiên cứu khoa học đã cung cấp chứng cứ khẳng định rằng những cảm xúc tiêu cực nói chung có khuynh hướng để có một ảnh hưởng “làm hẹp hòi” trên sự suy nghĩ của chúng ta. Điều này có ý nghĩa nếu một lần nữa chúng ta nhìn lại lý do tại sao những cảm xúc tiêu cực tiến triển. Trong những tình cảnh đe dọa đời sống, những thuận lợi của việc sống còn là lớn nhất nếu chúng ta có thể sử dụng tất cả những cội nguồn nhận thức để đối phó với vấn đề rắc rối trong tầm tay - nếu chúng ta tập trung tất cả sự chú ý của chúng ta, tất cả năng lực não bộ và khả năng suy nghĩ của chúng ta, trên việc chúng ta sống sót như thế nào trong một tình thế đặc thù vào ngay chính thời điểm ấy. Do vậy, bởi bản chất của nó, sự suy nghĩ và nhận thức của chúng ta bị hạn hẹp trong những tình cảnh như vậy - giới hạn đến vấn đề trong tầm tay, tập trung trên thời khắc hiện tại.
Bây giờ, trong những hoàn cảnh hiểm nguy, nơi mà ngay cả một phần của giây có thể làm nên một sự khác biệt, tốc độ và tính kiên quyết trong việc đối phó với hoàn cảnh là nghiêm trọng. Để làm tối đa cho sự sống còn của chúng ta, không có thời gian cho não bộ chuyển thông tin lên trên đến những trung tâm suy nghĩ cao hơn của vỏ não, cần thời gian để phân tích, thận trọng và quyết định một cách ý thức những gì là cách giải quyết tốt nhất của hành động - thay vì thế, chúng ta tự động lập trình để phản ứng sử dụng một số cơ cấu não bộ nguyên sơ hơn mà chúng tôi đã thảo luận phía trước trong phạm vi của thành kiến và ấn tượng rập khuôn cố hữu. Não bộ chúng ta muốn phân loại một cách nhanh chóng những gì chúng ta đang đối phó với, dựa trên những đặc trưng nhị nguyên đơn giản, suy nghĩ “đen hay trắng” - an toàn hay nguy hiểm, v.v... Loại suy nghĩ này sẽ bảo tồn những phương sách nhận thức, bảo đảm chúng ta hành động một cách nhanh chóng và hiệu quả, v.v..., nhưng điều này sẽ xảy ra với một cái giá: Chúng ta sẽ tập trung sự suy nghĩ của chúng ta trên sự đe dọa trước mặt của chúng ta, sự gia tăng lợi thế sống còn của chúng ta, nhưng đòi hỏi mở rộng sự suy nghĩ dài hạn. Suy nghĩ trắng hay đen sẽ cho phép chúng ta phản ứng một cách nhanh chóng, nhưng ở chỗ mở rộng của việc thấy những “vùng xám” (vùng trung gian).
Những loại bóp méo hay vọng tưởng này sẽ giới hạn sự tỉnh thức của chúng ta về bất cứ vấn đề nào rộng lớn hơn liên hệ trong những rắc rối mà chúng ta đang đối phó. Bất hạnh thay, loại suy nghĩ này đánh cướp suy tư lý trí, sự hợp lý (logic), và căn bản bởi việc đi vòng một cách lan man qua những trung tâm suy tư cao cấp hơn trong não bộ. Điều này giải thích tại sao những thay đổi trong cung cách suy nghĩ của chúng ta tạo ra bởi những cảm xúc tiêu cực làm giới hạn khả năng của chúng ta trong việc tìm ra những giải pháp cho các vấn đề rắc rối của chúng ta. Nó giải thích tại sao loại suy nghĩ này ngăn trở chúng ta trong việc tìm ra một căn bản chung hay những vị thế thỏa hiệp khi cố gắng để giải quyết thành công những xung đột của chúng ta mà không dùng đến bạo động - cả hai loại này là những thứ được đức Đạt Lai Lạt Ma quan tâm trong cuộc đàm luận của chúng tôi.
Những loại suy nghĩ “hẹp hòi” này là thông thường đối với tất cả những cảm xúc tiêu cực, nhưng như chúng tôi đã đề cập, mỗi cảm xúc tiêu cực được cấu thành theo tập quán để hỗ trợ trong việc đối phó với một loại hiểm họa đặc thù. Vì thế, bổ sung cho những ảnh hưởng tổng quát làm hẹp hòi của những cảm xúc tiêu cực, mỗi cảm xúc tiêu cực có những bóp méo đặc trưng của chính nó về suy tư, những ảnh hưởng đặc thù trên sự phán đoán và làm nên quyết định của một người có thể được phân biệt từ những cảm xúc tiêu cực còn lại. Vì mỗi cảm xúc được phối hợp với một cung cách phán đoán đặc thù đến những gì đang xảy ra, và một khuynh hướng đặc trưng để làm nên một loại lựa chọn hay quyết định, điều này có thể được thấy như một loại vọng tưởng khác, hay làm hạn hẹp suy tư.
Những đặc trưng vọng tưởng của suy tư bị tạo nên bởi giận tức được cung cấp tư liệu kỹ càng, và có thể phục vụ như một thí dụ tốt của những tác động làm hạn hẹp và bóp méo hơn những cảm xúc tiêu cực. Nghiên cứu bao quát đã củng cố những quán chiếu của đức Đạt Lai Lạt Ma rằng khi những người giận tức nghĩ về một hoàn cảnh hay một người, hay khi họ truy tầm để giải quyết một vấn nạn, họ có khuynh hướng quá đơn giản hóa những sự kiện, nghĩ một cách rất nhanh chóng và nông cạn, và đi đến những phán đoán nhanh chóng. Sự suy nghĩ của họ bị hạn hẹp hay giới hạn như vậy, bằng việc gạn lọc những chi tiết và tránh việc khảo sát hay phân tích sâu hơn. Điều này có thể được phân tích, thí dụ, từ những ảnh hưởng vọng tưởng của đau buồn, như những người buồn rầu quy trình tin tức bằng việc tập trung trên những chi tiết, và họ có thể tiến hành trong sự phân tích mở rộng hơn, nhưng họ lại gạn bỏ những sự việc lớn hơn, và có thể tập trung một cách chọn lọc trên những thông tin làm gia tăng tâm trạng buồn rầu của họ.
Khi thực hiện những quyết định, những người giận tức cũng có khuynh hướng có một cảm giác nền tảng của điều chắc chắn về những sự kiện hay ý kiến của họ, là những điều có thể đưa đến một cảm giác tin tưởng hay lạc quan nhưng cũng có thể làm suy yếu khả năng khách quan và sáng suốt của họ.
Những xu hướng này có thể truy ngược lại chức năng căn bản nhất của giận tức - khi chúng ta thất vọng hay ngang trái trong việc đạt đến một mục tiêu, giận tức góp phần loại trừ chướng ngại. Nguyên nhân được thấy như điều gì đấy ngoại tại mà chúng ta phải chiến đấu chống lại hay vượt thắng. Vì thế, thí dụ, sự định hướng phổ thông đối với việc đối phó với một loại đe dọa hay chướng ngại nào đấy phối hợp với khuynh hướng để thấy những tác nhân ngoại tại như nguyên nhân của rắc rối, và với khuynh hướng đặc trưng để phàn nàn người khác bất cứ khi nào giận tức bị gợi ra. Trong thực tế, những nghiên cứu đã cho thấy rằng kinh nghiệm đơn thuần của giận tức có thể khởi động một cách tự phát những cung cách suy tư đưa đến thành kiến.
Những cung cách đặc trưng suy tư này cũng làm những người sân hận trở nên khắc nghiệt hơn khi được có cơ hội để giáng những sự tổn hại trên kẻ khác. Thí dụ, trong một nghiên cứu, giận tức được gây ra trong một nhóm những đối tượng thí nghiệm, rồi thì sau đó họ được yêu cầu ước định một loạt những vụ án tưởng tượng, không có gì để làm với vấn đề đã làm cho họ giận dữ - những cá nhân giận tức đã hướng đến khiển trách các bị cáo nhiều hơn và đề nghị trừng phạt khe khắc hơn.
Thí nghiệm cũng chỉ ra một khía cạnh rất rắc rối khác của những cảm xúc tàn phá: Những ảnh hưởng trên sự suy nghĩ và thái độ của chúng ta có khuynh hướng dai dẳng và không được kiểm soát, chúng sẽ mang tới những trường hợp khác không có liên hệ gì với sự kiện ban đầu đã châm ngòi cho những cảm xúc. Có một số lượng lớn những chứng cứ khoa học cho thấy sự phán đoán hay những quyết định sau này của chúng ta có thể bị ảnh hưởng bởi một cảm xúc tiêu cực - ngay cả khi con người không hay về điều này. Những nghiên cứu đã được hoàn tất trên những công nhân trong các nơi được bố trí, thí dụ thế, cho thấy sự giận tức của một đối tượng đã thấm qua việc phán đoán đến những đồng nghiệp hay những người quen biết như thế nào, rằng những tham dự viên giận tức như vậy thì ít tin tưởng những cá nhân này hơn, mặc dù những người ấy chẳng làm gì với lý do cho sự giận tức của những người kia. Trong những trường hợp như vậy, cho đến khi cảm xúc được tiêu tan, sẽ có một khuynh hướng, hay “thiên kiến nhận thức”, để thấy những sự kiện sau này qua một mắt kính nhận định vô ý thức - nơi mà chúng ta sẽ diễn dịch những sự kiện trong một cung cách bóp méo của vọng tưởng, là điều sẽ ảnh hưởng đến phán xét và các quyết định của chúng ta một cách đương nhiên.
Trong cuộc đàm luận của chúng tôi, đức Đạt Lai Lạt Ma đã giải thích những cảm xúc tàn phá có thể làm thay đổi trong sự suy nghĩ mà có khuynh hướng bóp méo hay che khuất thực tại. Ngài đã giải thích việc một suy nghĩ nào đấy của những vọng tưởng thông thường chẳng hạn như thiếu tỉnh thức về những hậu quả lâu dài đối với những hành vi của chúng ta, những suy nghĩ trắng hay đen, sự thất bại để nhìn vào những vấn đề rộng rãi hơn góp phần đến một vấn nạn, v.v..., là cội nguồn của những bất hạnh và khổ đau của nhân loại. Trong việc thảo luận đến mối liên kết giữa những cảm xúc tàn phá và những suy nghĩ vọng tưởng, ngài cũng chỉ ra một vấn đề quan yếu khác: Không chỉ những cảm xúc tàn phá có thể làm nên những sự bóp méo suy tư mà những sự bóp méo suy tư cũng có thể làm nên các cảm xúc tàn phá; nó có thể hoạt động cả hai chiều, vọng tưởng làm nên cảm xúc phiền não và ngược lại phiền não làm nên vọng tưởng điên đảo. Điều này nổi bật cao độ, bởi vì nếu những nhân tố như điều kiện xã hội, sự tuyên truyền, sự thúc đẩy của các lĩnh tụ, hay những hoàn cảnh nhân duyên hoạt động bóp méo sự suy nghĩ và nhận thức của con người trong xã hội liên đới, dưới một số điều kiện việc này có thể phát sinh hay tăng cường những cảm xúc tàn phá chẳng hạn như giận tức và thù hận, với những hậu quả có khả năng thảm khốc.
Trong việc thừa nhận nguyên nhân khả dĩ tạo ra bạo động này, đức Đạt Lai Lạt Ma đã đem đến một thí dụ của việc sử dụng những thuật ngữ tu từ như “tốt lành và xấu ác”, là những thứ thúc đẩy mọi người quá đơn giản hóa và bóp méo thực tại, để lôi kéo con người hành động một cách hung hăng hay bạo động. Trong thực tế, điều đó đã là một chiến lược thông thường được sử dụng bởi những lĩnh tụ đủ loại xuyên suốt chiều dài của lịch sử trong mọi ngõ ngách của thế giới. Trong những giờ khắc theo sau thảm họa 9/11, thí dụ thế, khi chính quyền Hoa Kỳ tung hứng lung tung để nhận diện thủ phạm của hành động tàn bạo và Osama Bin Laden được khám phá ra là kẻ chủ mưu, người Mỹ đã kinh khủng đòi hỏi tin tức về nhân vật không được biết đến này. Trong sự đáp lại, Tổng thống George W. Bush đã nói, “Điều duy nhất tôi biết về kẻ ấy một cách chắc chắn rằng hắn ta là xấu ác!”
Bây giờ, chúng ta phỏng đoán rằng có thể có một vài thứ mà ngài tổng thống lập tức muốn biết về Bin Laden, một vài sự kiện hữu ích để chia sẻ. Và Bin Laden đã không được những cơ quan thực thi luật pháp của chính quyền biết đến vào lúc ấy, và đã từng ở trên màn ảnh radar ngay cả trong những chính quyền trước. Nhưng Tổng thống Bush biết hoàn toàn chắc chắn rằng người đàn ông ấy là “xấu ác”. Rõ ràng rằng đấy là tất cả những gì chúng ta cần biết đến.
Trong những ngày tiếp theo, thế giới sẽ nghe về al Qaeda, là thứ mà Bush cũng phân định như “xấu ác”. Không bao lâu sau đó, chúng ta được biết rằng al Qaeda đang được hỗ trợ bởi chính quyền Taliban của Afghanistan. Taliban bây giờ là “xấu ác”. Những tuần lễ trôi qua, ngôn ngữ của Tổng thống Bush đột nhiên trở nên tự do hơn với những thuật ngữ tu từ của Tốt Đẹp và Xấu Ác - sự kiện được xác nhận bởi một nghiên cứu của Đại Học Washington phân tích kỹ lưỡng những phát biểu của ông cả trước và sau sự kiện 9/11. Và vì thế sự xấu ác đã lớn lên - trong tuyên bố tại lưỡng viện quốc hội của tổng thống bốn tháng sau đó, toàn bộ những quốc gia được thêm vào danh sách: Iraq, Iran, và Bắc Hàn đã trở thành “một trục xấu ác”. Đây là một loại ngôn ngữ hùng biện mà các lĩnh tụ đã thường dùng để huy động dân chúng hổ trợ cho một cuộc chiến tranh - những cuộc chiến như ở Afghanishtan và Iraq, là những chiến tranh theo sau vụ tấn công khủng bố 11 tháng Chín.
Vào lúc cuối cuộc thảo luận của chúng tôi, đức Đạt Lai Lạt Ma đã chỉ ra việc những cảm xúc tàn phá và những phương cách bóp méo suy tư có thể làm nên những khốn khó và khổ đau vô hạn. Do bởi điều này, thật thiết yếu để phát triển các chiến lược để giảm thiểu những cảm xúc tàn phá và điều chỉnh những vọng tưởng điên đảo của chúng ta. Trước khi chuyển sang một buổi thảo luận rộng rãi hơn về những đối trị đối với những cảm xúc tiêu cực và các phương cách suy tư vọng tưởng, cuộc mạn đàm của chúng tôi đầu tiên thực hiện một khúc ngoặt gần gũi hơn để khảo sát làm thế nào đối phó với một cảm xúc tiêu cực đặc thù - một cảm xúc quan trọng đặc biệt trong mối quan hệ đến nhiều vấn nạn của thế giới ngày nay.
Nguyên tác: The Roots of Violence
Trích từ quyển The Art of Happiness in a Troubled World.
Ẩn Tâm Lộ ngày 22/11/2011
Chú thích:
1. Amygdala một bộ phận của hệ thống báo động nguy hiểm của não bộ, có trách nhiệm cho việc gợi lên những cảm giác như sợ hãi và giận dữ, những đáp ứng cảm xúc mạnh mẽ hỗ trợ trong những tình cảnh đe dọa đời sống.
2. Glucose là một loại đường đơn giản (monosaccarit), là một carbohydrat quan trọng trong sinh học, có công thức phân tử là C6 H12O6. Glucose được tạo ra do thủy phân đường saccharose với chất xúc tác là axit (đây chính là quá trình xảy ra trong dạ dày con người khi ăn đường saccharose hoặc các sản phẩm chứa saccharose).
Chương 9
Đối phó với sợ hãi
THƯA ĐỨC THÁNH THIỆN, chúng ta đang thảo luận về những gốc rễ của bạo động, truy ngược nó lại từ những cảm xúc của con người và cung cách suy tư. Trong phạm vi này, tôi nghĩ có một cảm xúc đặc biệt mà rất quan yếu để khám phá trong một chiều sâu rộng rãi hơn: Sợ hãi. Bên cạnh thù hận và bạo động, tôi nghĩ sợ hãi có lẽ là kẻ tàn phá hạnh phúc to lớn nhất của nhân loại. Trong thực tế, trong tất cả những cảm xúc tiêu cực, tôi phỏng đoán rằng sợ hãi chịu trách nhiệm cho hầu hết những khổ đau của nhân loại, đặc biệt trong khả năng của nó tạo nên bạo động trong một quy mô rộng lớn - một cách chắc chắn nổi bật hơn ngay cả giận tức trong sự quan tâm ấy, vì các cuộc chiến tranh căn cứ trên sợ hãi nhiều hơn giận tức. Và nó có thể trở thành một vòng xoay xấu ác - không chỉ sợ hãi có khả năng tạo nên bạo động, mà bạo động trong xã hội dĩ nhiên tạo nên sợ hãi. Trong thực tế, mục tiêu của khủng bố là để tạo nên nỗi khiếp sợ, không chỉ làm tổn hại người khác với bạo động.
“Do vậy, tôi đang tự hỏi ngài có bất cứ tư tưởng nào về việc đối phó với loại sợ hãi có thể bám rễ trong xã hội theo sau những sự kiện như 11 tháng Chín không,” tôi hỏi. Nhưng rồi thì như một suy nghĩ lại, tôi thêm, “À, đi đến việc suy nghĩ về nó, phạm vi sự thảo luận của chúng ta không cần phải giới hạn trong sự sợ hãi khủng bố mà thôi. Bởi vì vấn đề tôi thật sự tự hỏi là về việc đối phó với sợ hãi như thế nào trong tổng quát, bất chấp nguồn gốc của nó là gì - thí dụ, có thể có lan rộng sợ hãi trong những thời gian của kinh tế hay tài chính không ổn định hay khủng hoảng, v.v...”
Đức Đạt Lai Lạt Ma đáp lại, “Vâng, tôi nghĩ rằng nếu chúng ta thật sự muốn phát triển cung cách hiệu quả nhất để đối phó với loại sợ hãi ấy, chúng ta cần bắt đầu với việc xác định những đặc trưng khác nhau của sợ hãi, vì thế chúng ta có thể áp dụng từng phương pháp thích ứng trong việc đối phó với mỗi thứ...”.
“Những đặc trưng khác biệt trong ý nghĩa nào?” tôi hỏi.
“Một đặc trưng đấy là sợ hãi là có giá trị. Những sự sợ hãi thực tế, nơi mà có một đe dọa hay hiểm họa thật sự. Sự đáp ứng thích đáng đến loại sợ hãi chính đáng này là có một cảm giác của sự phòng ngừa và thực hiện một hành động liệu chừng để tự bảo vệ, đến bất cứ phạm vi nào có thể.”
“Ngài biết không, thưa Đức Thánh Thiện, điều này nhắc tôi nhớ rằng chúng ta đang nói về bản chất của sợ hãi, nhưng dĩ nhiên sợ hãi và lo lắng cũng có một chức năng tích cực. Tôi muốn nói rằng từ nhận thức sinh học và tiến hóa, trung tâm sợ hãi trong não bộ được cấu thành như một hệ thống báo động, để cảnh giác chúng ta về những hoàn cảnh đe dọa hay nguy hiểm đến sự sống.”
“Điều ấy đúng,” ngài đồng ý. Trong thực tế, bên cạnh mang đến một thái độ thận trọng hay cảnh giác hơn, có thể có những chức năng tích cực khác của sợ hãi, tùy thuộc những hoàn cảnh. Thí dụ, chúng ta có thể xem sợ hãi khủng bố như tàn phá từ một nhận thức, nhưng trái lại, loại sợ hãi đó lại thậm chí đem cộng đồng đến với nhau gần gũi hơn, làm chúng ta cảm thấy hiểu rõ giá trị láng giềng của chúng ta hơn. Điều ấy là có thể.”
Ngài đột nhiên chắc lưỡi và bình luận, “Rất nhiều khả năng! Dường như rằng tư tưởng, nhận thức, và viễn tượng của con người là vô tận!”
“Dĩ nhiên,” tôi chỉ ra, “hệ thống báo động này trong não bộ xoay nhanh đáp ứng đánh - hay - chạy trong thân thể - chuẩn bị thân thể hoặc là bỏ chạy và thoát thân hay hành động một cách hung hăng, nhằm để bảo đảm cho sự sống còn của chúng ta. Nhưng một vấn nạn là trong thế giới hiện đại, hầu hết chúng ta không thường xuyên chạm trán với những hoàn cảnh đe dọa sự sống - tuy thế não bộ của chúng ta vẫn đang hành động giống như chúng ta đang bị đe dọa.”
“Vâng, chính xác như thế,” ngài nói, “điều này đưa chúng ta đến một đặc trưng khác của sợ hãi - những sợ hãi không thực tế hay vô lý. Những loại sợ hãi này căn cứ trên sự thổi phồng, phóng chiếu tinh thần hay vọng tưởng điên đảo, và những tin tưởng sai lạc. Điều này có thể rất thường thấy, bởi vì giống như những cảm xúc tiêu cực khác mà chúng ta đã thảo luận, sợ hãi cũng có một năng lực mạnh để bóp méo thực tại và che mờ sự thấu hiểu của chúng ta đối với hoàn cảnh trong cung cách đúng đắn.
“Vậy thì, sự tiếp cận chính ở đây là để khảo sát những điều kiện căn cứ cho sự sinh khởi sợ hãi, khảo sát đến những phạm vi nào sự đe dọa là thật và sắp xảy ra, hay một sự phóng chiếu không thực căn cứ trên sự thổi phồng và bóp méo của vọng tưởng. Chúng ta cần có thể nhận ra tại thời điểm nào một sự sợ hãi có lý do trở nên vô lý, điểm mà tại đấy những phản ứng cảm xúc của chúng ta trở nên thừa thải và ẩn tàng chướng ngại, hơn là một sự phản ứng thích đáng đến hiểm họa.”
“Dĩ nhiên,” tôi nói, “ngay cả nếu một cá nhân có thể phân biệt thực tế từ những sợ hãi thổi phồng hay tưởng tượng, chúng ta vẫn còn cần phải tìm ra những phương cách để đương đầu với những sợ hãi thật sự. Tôi muốn nói, chúng ta đối phó với một sợ hãi có căn cứ, căn cứ trên những hiểm họa thật sự, và tuy thế không có đề phòng nào chúng ta có thể thực hiện, không có điều gì chúng ta có thể làm như thế nào? Thí dụ, ở Hoa Kỳ theo sau vụ 11 tháng Chín, chính quyền tung ra khắp nơi một hệ thống báo động khủng bố, chẳng hạn như vàng, cam, và đỏ. Nhưng ngay cả nếu một mức độ đe dọa là cao, thật sự không có điều gì mà một người có thể làm về điều ấy. Nó chỉ tạo ra một không khí sợ hãi.”
“Này đây, điều này có thể hơi phức tạp,” ngài nói, “tôi nghĩ rằng một cách tổng quát trong những hoàn cảnh, nơi mà một người trải nghiệm sợ hãi, ngay cả khi có một sự đe dọa nào đó ở đấy, một loại vọng tưởng về thực tại sẽ xảy ra, và sự sợ hãi này sẽ thường bị thổi phồng nhận thức về hiểm họa. Vì vậy, trong trường hợp này hệ thống báo động có thể tạo nên một ấn tượng đe dọa tăng lên mọi nơi khắp đất nước. Bây giờ, sự tiếp cận căn bản của chúng ta đến sự sợ hãi đầu tiên là khảo sát thực tế của hoàn cảnh. Thế nên, hiểm họa thực tế có thể như thế nào, nếu chúng ta khảo sát mức độ của đe dọa có thể không giống nhau khắp Hoa Kỳ - nó có thể không quá lớn trong một làng quê nào đấy, thí dụ thế. Rồi thì chúng ta có thể đáp ứng tùy theo thực tế hoàn cảnh của chúng ta. Tôi nghĩ rằng ngay cả một yếu tố qua loa của sự thổi phồng cũng có thể góp phần cho một sự sợ hãi to rộng hơn. Do vậy, sự tiếp cận này tối thiểu có thể giảm thiểu hay loại trừ bất cứ thành phần nào của sợ hãi mà nó được tạo nên bởi sự tưởng tượng của chúng ta qua sự thổi phồng hay vọng tưởng về thực tại. Vì thế, tôi nghĩ rằng chúng ta càng tỉnh thức về thực tại, nghiên cứu để phân biệt những sợ hãi thật sự và tưởng tượng hay phóng chiếu của vọng tưởng, trở nên tỉnh thức hơn về việc chúng ta có thể thổi phồng hay bóp méo thực tại như thế nào, chúng ta sẽ càng đối phó với sợ hãi hiệu quả hơn.”
Đã thảo luận căn bản tiến hóa của những cảm xúc tàn phá, chúng ta có thể thấu hiểu các lý do hậu quả hẹp hòi của những cảm xúc tiêu cực. Giống như những cảm xúc tiêu cực hay tàn phá khác, sợ hãi có các loại hậu quả vọng tưởng hay hẹp hòi đặc thù của nó trên sự suy nghĩ hay nhận thức của chúng ta. Một cách đặc biệt, khi đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ ra, sợ hãi tạo nên một khuynh hướng mạnh mẽ để quá đơn giản hóa hay tổng quát hóa. Dĩ nhiên, điều này không có gì ngạc nhiên, vì nếu có bất cứ lúc nào chúng ta muốn làm một sự phán đoán nhanh chóng về những gì chúng ta đang đối phó, mau lẹ liệt một người hay một hoàn cảnh đặc biệt thuộc vào một “đặc trưng” đại cương tổng quát, một loại mà chúng ta đã quen thuộc, đấy là thời gian khi mà đời sống chúng ta có thể ở trong một hiểm họa sắp xảy đến. Và, trong những hoàn cảnh sống - hay - chết này, nơi mà sự tồn tại bị đe dọa, chúng ta lập tức đơn giản hóa những gì đang chạm trán, xem xét chỉ trên những yếu tố cần thiết tối thiểu - thí dụ, thứ này là tốt hay xấu? và rồi thì rời khỏi đấy một cách nhanh chóng nhất, nếu nó là xấu - là một kế hoạch không tệ lắm. 
Chúng ta có thể thấy nó thích nghi để tổng quát hóa như thế nào, ngay cả quá tổng quát hóa, trong quá khứ xa xưa như một chủng loại - thí dụ, nếu chúng ta thấy một con rắn, nó sẽ giúp chúng ta sống còn nếu chúng ta nhanh chóng đặt loại “thú vật” này vào loại “rắn” và hoặc là bỏ chạy đi hay là đập nó với một cây chày hơn là thong thả để phân tích một cách ý thức những biểu hiện của con rắn để quyết định nó có phải rắn độc hay không. Người nào thất bại trong việc phân loại và dán nhãn những con rắn một cách nhanh chóng thường là bị cắn, và có lẽ không thể sống sót để trao truyền lại những loại gene ấy của họ. Trái lại, nếu chúng ta thấy một đoạn dây leo hay một que cong giống như một con rắn, và chúng ta hiểu lầm nó với một con rắn và nhảy lùi lại một cách nhanh chóng, nói cách khác, nếu chúng ta “quá tổng quát hóa” và quá nhanh chóng đặt đối tượng đó vào loại “rắn” và cảm thấy sợ hãi một cách sai lầm, sau đó cũng chẳng có hại gì - chúng ta sẽ vẫn sống còn. Do vậy, chúng ta được thiết lập để quá tổng quát hóa để bắt đầu với - để thấy những que cong như những con rắn, và đôi khi cảm thấy sợ hãi trong phản ứng đến những ảo giác hay vọng tưởng về thực tại.
Tuy nhiên, trong thế giới hiện đại, chúng ta không đang đối phó một cách tổng quát với những con rắn và những cây que cong, và sự ảnh hưởng của những loại vọng tưởng này về suy tư có thể là sâu sắc. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đề cập, thí dụ thế, sợ hãi có thể đưa chúng ta đến những hiểm họa thổi phồng như thế nào. Điều này được xác nhận với một thí nghiệm bất thường trong những cảm xúc sau vụ 11 tháng Chín, được điều khiển bởi những nhà nghiên cứu tại Đại Học Carnegie Mellon. Không giống hầu hết những nghiên cứu khoa học khác, thường dùng những số lượng nhỏ các đối tượng thí nghiệm, lôi cuốn họ từ nguồn cung cấp thuận tiện nhất cho những cuộc thí nghiệm khoa học - những sinh viên đại học chưa tốt nghiệp - cuộc nghiên cứu này đã sử dụng mẫu đại diện của một nghìn người Mỹ của tất cả mọi lứa tuổi và quá khứ, việc đo lường những phản ứng cảm xúc của họ chỉ những ngày sau vụ 11 tháng Chín và rồi một lần nữa vài tuần sau đó. Cuộc nghiên cứu đã tiết lộ rằng, thứ nhất, truyền thông có thể có một ảnh hưởng mạnh mẽ trên những cảm xúc nào mà người ta trải nghiệm - các câu chuyện cho thấy những người trong các xứ Hồi giáo hoan hô với sự vui sướng sau vụ 11 tháng Chín đã gợi ra giận tức, và những câu chuyện cho thấy những lá thư chứa khuẩn than gửi qua hệ thống bưu điện Hoa Kỳ đã gây ra sợ hãi, như người ta có thể dự đoán. Cuộc nghiên cứu cũng khuyến nghị rằng giận tức hay sợ hãi có thể được gợi ra bởi những phương tiện khác, chẳng hạn như việc sử dụng những loại thuật ngữ tu từ hùng biện nào đó của các lĩnh tụ.
Nhưng cuộc nghiên cứu cũng cho thấy việc các cảm xúc này có thể làm nên những suy tư vọng tưởng điên đảo như thế nào - chẳng hạn như sự thổi phồng. Các khảo sát thấy rằng những cá nhân phản ứng với sợ hãi có khuynh hướng không chỉ đánh giá quá mức về sự to lớn của hiểm họa cho chính họ trong việc trở thành một nạn nhân của khủng bố trong những năm theo sau đấy mà cũng đưa họ đến việc đánh giá quá mức những loại đe dọa và hiểm họa khác (mặc dù liên tục phỏng đoán họ là ít nguy hiểm hơn người Mỹ bình thường). Trong thực tế, những nhà nghiên cứu cảm thấy rằng sợ hãi có thể cung cấp năng lượng cho cảm giác bi quan đã góp phần đến sự suy thoái kinh tế quốc gia sau vụ 11 tháng Chín. Mặc dù sợ hãi có khuynh hướng làm cho con người thêm thắt mức độ thật sự của đe dọa, nhưng nó cũng đưa đến việc kêu gọi cho sự an ninh chặc chẽ hơn ở Hoa Kỳ và một ý chí lớn hơn để từ bỏ những quyền tự do nào đấy nhân danh “an ninh”.
Vì thế, chúng ta có thể thấy rằng tuyên truyền sợ hãi trong một xã hội có thể làm lan rộng ảnh hưởng trên thái độ con người cũng như chính sách công cộng. Sợ hãi có thể đưa đến những cơn rùng mình vượt xa tưởng tượng, vì nó có thể là một nhân tố trong việc huy động dân chúng ủng hộ các cuộc chiến tranh, những hành vi diệt chủng, và tàn bạo nhẫn tâm đủ mọi hình thức. Như chúng ta đã từng thấy, sợ hãi sinh khởi từ những thôi thúc nguyên thỉ kết quả từ sự khởi động của amygdala. Cơ cấu nguyên sơ của não bộ liên hệ ở đây bao gồm sự đơn giản hóa, tổng quát hóa, và đặc trưng Chúng Ta và Họ - tất cả những thành tố nguyên sơ cho ấn tượng cố hữu rập khuôn. Bây giờ, khi các sự phân chia thượng đẳng/ hạ liệt và thù hận được thảy vào trong sự trộn lẫn, tất cả những gì chúng thực hiện là cho sự tuyên truyền của một lĩnh tụ hay một chính quyền nào đấy gieo rắc ý tưởng rằng sự sống còn của chúng ta bị đe dọa trong một cách nào đó bởi một nhóm “thấp kém”, để khởi động một loại sợ hãi mà nó đưa đến sự bạo động ồ ạt.
Những năm trước đây, một chính trị gia đã thẳng thắn trong việc diễn tả năng lực sử dụng sự sợ hãi: “Dĩ nhiên, quần chúng không muốn chiến tranh,” ông ấy nói, “nhưng cuối cùng thì các lãnh đạo của quốc gia là những người quyết định chính sách, và luôn luôn là một vấn đề đơn giản để lôi kéo người dân theo cho dù nó là một chế độ dân chủ, một nền độc tài, hay một chính thể đại nghị, hay thể chế cộng sản. Có tiếng nói hay không có tiếng nói, người dân có thể luôn luôn bị đưa tới mệnh lệnh của những lĩnh tụ. Điều đó là dễ dàng. Tất cả những gì chúng ta cần làm là nói với họ rằng họ đang bị tấn công, và lên án những người theo chủ nghĩa hòa bình vì thiếu sự yêu nước và đưa đất nước đến hiểm họa to lớn hơn. Phương pháp này hoạt động hữu hiệu trong bất cứ xứ sở nào.”
Chính trị gia, người nói điều này là một lĩnh tụ Quốc Xã, Hermann Göring, nói trong xà lim của ông ta tại tòa án Nuremberg với một nhà tâm lý tòa án Hoa Kỳ. Đây là một phần trong sự bác bỏ của Göring đến nhà tâm lý học, người nói rằng một khác biệt giữa những chế độ dân chủ và độc tài là ở Hoa Kỳ, thí dụ thế, chỉ có Quốc Hội mới có thể quyết định với tuyên bố chiến tranh. Sợ hãi đã tiến hóa như hệ thống báo động nguy hiểm của chúng ta. Nó phục vụ tốt đẹp cho tổ tiên của chúng ta, giúp họ đối phó với những hiểm họa hằng ngày mà họ thường gặp.
Sợ hãi tiếp tục phục vụ trung thành với chúng ta trong những trường hợp hiểm nguy hay đe dọa. Nhưng cùng lúc, sợ hãi có thể đưa chúng ta vào trong những rắc rối nghiêm trọng - sự thật rằng đôi khi não bộ con người không quá tốt trong việc phản ứng với sợ hãi đến những vấn đề đúng đắn, với những hậu quả thảm khốc. Kết cấu cho một thời điểm sớm sủa trong sự tiến hóa của nhân loại, trong thế giới hiện đại sợ hãi thường hoạt động trong việc đáp ứng đến những thứ sai sót, vào những lúc sai lầm, dưới những điều kiện sai lạc.
Những thí nghiệm này mà trong ấy các hợp tác viên bị điều kiện hóa để phản ứng với sợ hãi để chụp hình với những đối tượng khác nhau (cả sống động và vô tri giác). Bằng hai tấm hình đầu tiên với những cú điện giật trung bình, đã cho thấy rằng não bộ con người đã được bổ sung những vòng xoay thần kinh dễ dàng bị điều kiện hóa để sợ hãi những con rắn, nhền nhện, hay độ cao - những hiểm nguy thông thường mà tổ tiên chúng ta có thể có rắc rối với - hơn là những thứ ít gây hại hơn như những con chim và bươm bướm. Kém may mắn thay, kết cấu não bộ và những vòng xoay thần kinh của chúng ta chưa theo kịp với thế giới hiện đại. Chúng ta có khuynh hướng sợ hãi những con rắn, nhền nhện, hay cá mập, chứ không phải thuốc hút hay xe cộ, là những thứ có thể giết người nhiều hơn nhưng chưa ở bên chúng ta đủ lâu để tạo nên sự sợ hãi đi đến việc hình thành những mạng lưới thần kinh trong não bộ con người. Những nghiên cứu đã cho thấy rằng não bộ của chúng ta đã phản ứng đến những đối tượng hiện đại thật sự nguy hiểm - thí dụ như, súng, dao, hay những que chất nổ - giống như cách chúng đáp ứng đến những con bươm bướm.
Chúng ta trở nên dễ dàng bị điều kiện hóa để sợ hãi tất cả những loại vốn không nguy hiểm cố hữu, đôi khi căn cứ trên những niềm tin sai lầm và đôi khi là lừa dối. Như chúng ta đã thấy trong thảo luận về thành kiến, chúng ta một cách khái quát quá vẫn bị lập trình để phản ứng với sợ hãi khi chạm trán đến những người nào thuộc chủng tộc hay những nhóm xã hội khác, những thứ là nguồn gốc của khổ đau vô tận trong thế giới tương liên và hổ tương ngày nay mà trong ấy sự hợp tác với những nhóm khác là cần yếu cho sự sống còn của chúng ta.
Như chúng ta đã từng thấy với trí nhớ và óc tưởng tượng rộng lớn, chúng ta có thể bị lôi kéo để đáp ứng với sợ hãi trong việc phản ứng đến những sự kiện đã xảy ra hàng thế kỷ trước. Khi chúng ta đáp ứng đến những sự kiện với sợ hãi căn cứ trên các tiền đề và niềm tin sai lầm, không có giới hạn đến những thảm họa của con người mà chúng có thể đưa đến.
Do vậy, bởi vì chúng ta không thể tin tưởng rằng sợ hãi sẽ luôn luôn bảo vệ chúng ta khỏi nguy hiểm nữa - và trong thực tế do bởi khả năng làm nên những thảm họa của nó; khả năng của chúng ta bị lôi kéo bởi sợ hãi; khả năng cho sợ hãi sinh khởi căn cứ trên những bóp méo hay vọng tưởng, thổi phồng, và lừa dối về thực tại; khả năng vì sợ hãi làm xói mòn hạnh phúc của con người; khả năng cho nó trổi dậy và tiêu diệt chúng ta - nên thật cần thiết để duy trì sự cẩn trọng. Chúng ta sử dụng lý trí, phán đoán và tư duy phê phán để giám sát những sự sợ hãi của chúng ta, để bảo đảm rằng chúng ta nhìn vào sự sợ hãi của chúng ta một cách thực tế, như đức Đạt Lai Lạt Ma khuyến nghị, để phản ứng với sợ hãi căn cứ trên những đe dọa thật sự hơn là trên sự tưởng tượng, thổi phồng và lừa dối.
“Thưa Đức Thánh Thiện, trong việc nhìn về khả năng cho sợ hãi sinh khởi trên căn bản của những đe dọa tưởng tượng hay thổi phồng, và khả năng của sợ hãi tạo nên bạo động, tôi đồng ý với đề nghị của ngài để trước nhất khảo sát để thấy sự sợ hãi của chúng ta có căn cứ trên thực tế hay không. Và rồi nếu chúng ta thấy rằng chúng ta đang thổi phồng mức độ của nguy hiểm, sau đó điều này sẽ giảm thiểu mức độ sự sợ hãi của chúng ta và hạ thấp khả năng của bạo động...”
“Đúng đấy.”
“Nhưng, câu hỏi của tôi là, con người nên đáp ứng như thế nào khi thật sự có hiểm nguy rộng khắp trong xã hội của chúng ta? Những địa điểm như Do Thái thì như thế nào, thí dụ thế? Đã từng có những thời gian, nơi mà những cuộc tấn công khủng bố của người Palestine dường như xảy ra hầu như hằng ngày, với việc những kẻ khủng bố chủ tâm nhắm vào những khu vực công cộng, những địa điểm nơi mà người dân đi mua sắm hay ăn uống, giết hại cùng làm thương tật một cách đặc biệt và cố ý những thường dân, gia đình, lứa đôi trẻ tuổi, trẻ con... vô tội.”
“Trong trường hợp này,” ngài nói, “nguy hiểm là thật sự, rất thật. Và nếu chúng ta sống dưới những hoàn cảnh hiểm nguy như vậy, thế thì sự sợ hãi là có căn cứ và một sự đáp ứng thích đáng...”
“Vâng, đấy là câu hỏi của tôi: Chúng ta đối phó với cảm giác về nỗi sợ hãi lan tỏa cùng khắp này như thế nào trong đời sống hằng ngày của chúng ta? Chúng ta không thể ở nhà mãi. Chúng ta phải đi ra ngoài và sống đời sống của chúng ta, nhưng có nỗi lo sợ tiềm tàng này.”
“Không thể có câu trả lời dễ dàng ở đây,” đức Đạt Lai Lạt Ma thừa nhận. “Đời sống đôi khi hiện diện những tình trạng nguy hiểm. Tôi nghĩ chính vị thế trước tiên để bắt đầu khi nghiên cứu để đối phó với những tình trạng như vậy là với quan điểm căn bản của chúng ta, nhận ra rằng đời sống sẽ không bao giờ hoàn toàn không có rắc rối, không bao giờ hoàn toàn không có nguy hiểm. Đấy là điều chúng ta phải chấp nhận. Vì thế, những hoàn cảnh nguy hiểm hiện lên vào những lúc có hay không báo trước. Thí dụ, trong khu vực nơi tôi sống ở Ấn Độ, gần đấy đã có dấu hiệu của hiểm họa liên hệ đến xung đột giữa Pakistan và Ấn Độ. Bây giờ thực tế là nếu trong một cuộc chiến, Pakistan rõ ràng dễ dàng bị đánh bại. Ấn Độ là một quốc gia lớn hơn nhiều, có một quân đội gấp ba lần số quân hai trăm năm chục nghìn của Pakistan. Ấn Độ có sức mạnh hơn gấp đôi, vì thế tự nhiên Pakistan sẽ bị đánh bại. Căn cứ trên thực tế quân sự, rõ ràng có thể do sự liều lĩnh tuyệt vọng và không có chỗ cho việc quan tâm đến đạo đức hay phẩm hạnh, Pakistan có thể chọn để sử dụng vũ khí hạt nhân để chống lại Ấn Độ. Delhi là thủ đô, sẽ hầu như chắc chắn là đứng đầu danh sách. Khi tình trạng leo thang chiến tranh, những thứ bom khác có thể được thả xuống, với phóng xạ đến gần Dharamsala, nơi tôi ở.”
Ngài đang nói trong một giọng điệu thực tế mà tôi không thể nào không hỏi, “Vậy thì, ngài không sợ hãi chứ khi có một sự leo thang căng thẳng giữa hai quốc gia ấy?”
“Howard, sống không sợ hãi dưới những khả năng hiểm họa thật sự như vậy có thể nguy hiểm.”
“Vâng, nhưng một người có thể làm gì về nó? Con người ở Dharamsala không thể kiểm soát đối với việc người nào đang gởi bom nguyên tử. Nó không như, ‘Okay, tôi sẽ thận trọng, tôi sẽ tránh để bị trúng bom nếu chúng tôi bị tấn công!’”
Ngài đáp, “Dưới những hoàn cảnh như vậy, chúng ta đơn giản phải chấp nhận khả năng của điều gì đấy xảy ra. Cộng đồng Dharamsala không thể tăng tốc và tản cư nơi khác. Có thể cả cộng đồng thì không thể di tản, nhưng những cá nhân có thể...”.  
“Một số người bạn của tôi ở Delhi khuyến nghị rằng Dharamsala là rất nguy hiểm do bởi sự gần gũi của nó với Pakistan và vì thế tôi nên di tản và ở Delhi. Nhưng tôi cảm thấy rằng đề nghị ấy thậm chí ngớ ngẫn hơn bởi vì Delhi ngay cả là một mục tiêu quan yếu hơn Dharamsala. Trong quá khứ khi có những sự xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan, tôi thường đi xuống những khu định cư của Tây Tạng ở Nam Ấn, nhưng bây giờ do sự gần gũi của chúng với Bangalore, một thành phố trung tâm rất quan trọng, lựa chọn ấy một cách đặc biệt cũng không đứng vững được,” ngài nói.
“Nhưng vẫn phải có những lựa chọn cho ngài và những người khác...”
Đức Đạt Lai Lạt Ma đáp lại một cách kiên định, “Dharamsala là nhà tôi. Luôn luôn có rủi ro nào đó. Chúng ta không thể loại trừ tất cả mọi hiểm họa trong đời sống, việc ấy đúng là thực tế”.  
Cảm thấy rằng ngài né tránh câu hỏi của tôi về việc xua tan những sợ hãi có căn cứ như thế nào, hay có lẽ hy vọng cho một phương pháp hay một lời đáp cụ thể hơn, tối thiểu là điều gì đấy thực tế khuyến khích hơn chỉ là “đời sống thì gay go”, tôi thúc thêm một nhát nữa vào việc ấy.
“Tôi chỉ đang tự hỏi, ngài có nghĩ về bất cứ những hoàn cảnh nào khác, chỗ mà ngài cảm thấy lo sợ không?”
“Vâng, thỉnh thoảng tôi từng cảm thấy sự sợ hãi nào đấy,” ngài nói một cách bộc trực.
Với sự thôi thúc của tôi, ngài tiếp tục kể cho tôi nghe về lúc các giới chức thẩm quyền đã khám phá một có chứng cứ cho thấy rằng ngài có thể đã từng ở trong một sự nguy hiểm thân thể nào đấy từ một ít thành viên bạo động, cấp tiến của một tổ chức. Thật hơi khó khăn cho tôi để tưởng tượng ngài khổ sở vì sợ hãi hay băn khoăn,vì thế tôi đã hỏi, “Vậy thì, ngài đã có kinh nghiệm về những triệu chứng thông thường của sợ hãi, như một cảm nhận bực dọc v.v... hay không?“
"Dĩ nhiên, như một con người, thế thường. Tuy nhiên, nó không ảnh hưởng tôi nhiều. Thí dụ, nó không quấy rầy giấc ngủ của tôi, ngay cả trong một đêm, hay sự ngon miệng của tôi. Nhưng tôi vẫn cảnh giác về khả năng của một hiểm họa nào đấy.”
“Vậy thì, ngài đã giải quyết sự sợ hãi ấy như thế nào?” tôi hỏi.
“Bây giờ ở đây, vả chăng, đấy là một trường hợp của sự sợ hãi có căn cứ. Có khả năng của một loại đe dọa nào đấy đến đời sống của tôi, vì thế có một số nền tảng đáng tin cho sợ hãi. Như chúng ta đã đề cập, với đặc trưng của sợ hãi căn cứ trên những sự phóng chiếu tinh thần, nhận thức sai lạc hay vọng tưởng điên đảo về thực tại, chúng ta có thể xua tan sợ hãi bằng việc chấp nhận một sự thấu hiểu chính xác hơn về hoàng cảnh. Nhưng trong trường hợp này đấy là loại sợ hãi, nơi mà có sự quan tâm chính đáng. Vì vậy, chúng ta cần chuẩn bị chính mình cho khả năng ấy. Nên ở đây, dĩ nhiên, như một đáp ứng cho điều này là chúng ta đã có các giới hữu trách thực hiện những chuyện phải lo về an ninh một cách nghiêm túc hơn nhiều và cẩn trọng hơn nhiều.”
Như tôi hy vọng khám phá với ngài một phương pháp đối phó với sợ hãi mà có thể được sử dụng bởi những ai như chúng ta, những người không có nhân viên bảo vệ, tôi nhấn mạnh, “Ngài biết không, tôi vẫn đang tự hỏi có một sự tiếp cận để đối phó nào không với những loại sợ hãi có cơ sở rõ rệt, chỗ mà có thể không có những bước ngay lập tức mà chúng ta có thể thực hiện để giảm thiểu đe dọa. Điều gì đấy giúp chúng ta xúc tiến với đời sống hằng ngày của chúng ta, mà không bị ức chế bởi sợ hãi.”
Ngài nói rằng, “Trong trường hợp này, chúng ta có thể duy trì sự thăng bằng và tiếp tục cẩn trọng, khác hơn thì không có gì nhiều mà chúng ta có thể làm...”.  
Có lẽ cảm nhận sự không hài lòng của tôi với câu trả lời, ngài bật cười, và thêm, “À này Howard, tôi cho rằng luôn luôn có thể có một số cá nhân nào đấy, những người đơn giản không phản chiếu đầy đủ để có bất cứ nỗi lo sợ nào. Những người tiếp tục không tỉnh thức, si mê, quên lãng đến những nguy hiểm, và tiếp tục vui vẻ đời sống của họ, không sợ hãi...”.
“Ô, ngài muốn nói đến những người may mắn?” tôi đùa.
“Đúng đấy, những người may mắn đó!” ngài lập lại, cười.
Tôi cảm thấy, ngài phải có điều gì đấy để cống hiến hơn nữa, việc biết khả năng của ngài để duy trì thể trạng tâm thức tích cực trong mọi hoàn cảnh. Ngài dường như nói về khả năng của sự tàn phá về chính ngài và người khác mà không có một chút nào lo lắng trong giọng nói hay thái độ của ngài, với một cảm giác hoàn toàn vô úy và chấp nhận, nhưng không có một cảm giác chối bỏ, giống như ngài đang tĩnh lặng với ý tưởng ấy, mà với một âm điệu của từ bi, không phải một giọng bất cần. Tôi nghĩ, chắc chắn rằng, loại thái độ ấy không phải được phát ra một cách tự ý; phải có một phương pháp để trau dồi nó.
Tôi quyết định tung thêm một chiêu nữa, trở nên cụ thể hơn, vẫn trong hy vọng của một giải pháp nào đấy, một tuệ giác nào đấy. “A, hãy để tôi hỏi ngài điều này: Đã có bất cứ người nào ở Dharamsala nói với ngài về nổi sợ hãi của họ đối với chiến tranh nguyên tử không?”
“Vâng”.
“Và ngài dã nói gì với họ? Ngài đã khuyên bảo họ thế nào, khi họ đến với ngài và nói rằng họ lo lắng về khả năng của chiến tranh hạt nhân?”
“Tôi nói với họ và kể cho họ rằng tôi cũng chia sẻ những quan tâm của họ.”
Vẫn thế nào đấy không thể hay không bằng lòng để chấp nhận câu trả lời của ngài, tôi tiếp tục giục giả lên giống như ngài có một loại giải pháp thần kỳ nào đấy mà ngài chưa khai mở: “A, khi người ta đến với ngài, thân hữu hay quyến thuộc của ngài, và họ biểu lộ với ngài nỗi lo sợ của họ về chiến tranh hạch tâm, không có gì thêm mà ngài có thể nói với họ hơn là chia sẻ mối quan tâm của họ chứ? Tôi muốn nói... có bất cứ điều gì ngài có thể nói sẽ giúp để làm khuây khỏa nỗi lo sợ hay băn khoăn của họ? Không có từ ngữ an ủi nào mà ngài có thể ban bố cho họ à?".  
Lắc đầu một cách buồn bã và với một sự cam chịu hoàn toàn một cách êm ả ngài nói, “Không có nhiều. Trong bất cứ trường hợp nào đi nữa, Howard này, chúng ta không được quên rằng thường thường những gì cho con người thanh thản và tự tin là hành động chia sẻ những nỗi sợ hãi của họ với người nào đó mà họ thương mến. Điều đó có thể rất quan trọng.”
Khi những bóng mát trải dài bên ngoài phòng của đức Đạt Lai Lạt Ma, thì rõ ràng là thời khắc đã xế chiều lắm rồi. Thư ký của đức Đạt Lai Lạt Ma và các thị giả của ngài đang đợi chờ ngoài cửa. Buổi đàm luận của ngày hôm ấy đã chấm dứt.
Trong việc thảo luận một phương pháp để đối phó với những sợ hãi thực tiễn, căn cứ trên những đe dọa chính đáng, đức Đạt Lai Lạt Ma đã bắt đầu với một hành động đơn giản của việc chấp nhận một mức độ nào đấy của nguy hiểm là một phần tự nhiên trong việc hiện hữu của loài người. Ý tưởng này là một điều mà ngài đã thường đem lại từ trong quá khứ như một chiến lược phổ thông để đối phó một cách thực tế với bất cứ loại rắc rối nào hay bất cứ hình thức khổ đau nào của con người. Ngài đã giải thích trong quá khứ đối với thái độ nền tảng của chúng ta về những khổ đau và rắc rối có thể tác động đến việc chúng ta đương đầu với những thứ này như thế nào khi chúng phát sinh một cách không thể tránh khỏi. Việc chấp nhận khổ đau như một sự thật tự nhiên trong sự hiện hữu của con người cho phép chúng ta tập trung hơn trên việc tìm kiếm một giải pháp của những vấn nạn, và ít có cảm giác rằng cuộc sống thì không công bằng, rằng một người nào đấy bị chọn lựa ra cho bất hạnh một cách bất công và vô lý, trở nên ít bị vướng bận trong một sự việc có tính cách kịch tính của vai trò “nạn nhân.”
Nhưng trong phạm vi này, tôi đang tìm kiếm cho một sách lược để đối phó với những sợ hãi thực tiễn một cách đặc biệt hơn, và tôi đã thấy rằng sự khuyên bảo của ngài trong trường hợp này là khá thất vọng! Với một không khí cam chịu, tối thiểu khi dường như đối với tôi vào lúc ấy, ngài không có cống hiến gì hơn ngoại trừ một sự khuyên bảo đơn giản để nói về những sợ hãi và quan tâm của mình, chia sẻ chúng với người khác. Như một phương pháp thực tế và hiệu quả để giảm thiểu nỗi sợ hãi của con người, tôi đã có một thời gian khó khăn để mà nuốt trôi ý tưởng rằng sự chia sẻ đơn thuần nỗi sợ hãi của mình với người khác có thể có nhiều lợi ích. Dĩ nhiên, tôi nghĩ, luôn luôn dễ thương khi có người khác để chúng ta nói chuyện với. Nhưng như một phương pháp để chiến đấu với những nỗi sợ hãi và để đối phó với những đe dọa chính dáng, đối với tôi dường như kết quả của việc chia sẻ sự sợ hãi của chúng ta với một người khác có thể chỉ dễ dàng là thay vì giảm thiểu sự sợ hãi của chúng ta thì chúng ta lại làm gia tăng những nỗi lo sợ của người kia, vì thế bây giờ chúng ta có hai người cảm thấy sợ hãi, thay vì một. Việc ấy có thể giúp đở như thế nào?
Trong việc suy nghĩ về lời khuyên bảo của ngài như có lẽ là nông cạn, có ít điều đã bị che khuất không xảy ra trong tôi. Thí dụ, khi chạy chữa tâm lý trị liệu cho những bệnh nhân trong quá khứ, tôi đã chú ý rằng một số bệnh nhân báo cáo là họ đã cảm thấy ít băn khoăn hơn nhiều và khá hơn nhiều sau chỉ một hay hai lần mà trong ấy một cách chính yếu tất cả những gì mà tôi đã làm là lắng nghe họ, gật đầu, cùng bày tỏ một sự chú ý sáng láng và sâu sắc “à há...”. Thường thường tôi gạt bỏ và khinh rẻ những sự tiến bộ nhanh chóng này như một sự “bay bổng hóa ra sức khỏe(1)” một cách giản dị, một hiện tượng đã được các nhà tâm lý trị liệu xác nhận từ lâu trong việc mà bệnh nhân trở nên khả quan hơn nhiều một cách rất nhanh chóng, giản dị sau khi nói về những rắc rối của họ, điều mà các nhà tâm lý trị liệu đôi khi diễn dịch đơn thuần như một loại cơ cấu phủ nhận, một cách tránh né đào sâu thêm những vấn đề đau khổ của họ. Nhưng gần đây hơn, một số nhà lý luận đang thấy hiện tượng này trong một cung cách mới, như đại diện sự tiến bộ chính đáng. Và bên cạnh điều ấy, chia sẻ nỗi lo sợ và băn khoăn của một người trong tâm lý trị liệu có thể tự chính nó đôi khi cung cấp một sự thư thái đầy năng lực, tối thiểu một lớp lo lắng hay băn khoăn, một cách đơn giản bằng việc bệnh nhân khám phá ra rằng họ thì “bình thường”, rằng người khác chia sẻ những lo lắng tương tự, rằng họ không đặc biệt hay đơn độc trong những nỗi lo sợ của họ. Từ viễn tượng ấy, vấn đề gợi ý rằng việc chia sẻ những nỗi lo âu của một người có thể giúp làm yên lòng một sự sợ hãi nào đấy, ngay cả trong những hoàn cảnh thật sự nguy hiểm, dường như không là một chiến lược yếu kém một cách đột ngột.
Khởi đầu khuyến nghị của đức Đạt Lai Lạt Ma nói về những sự sợ hãi của một người và chia sẻ chúng với những người khác như một sách lược để vượt thắng những nỗi lo sợ rất thật trong những hoàn cảnh nguy hiểm nghiêm trọng đã điểm vào tôi như ở cùng trình độ phức tạp của một cái bánh may mắn. Bởi vì tôi cho rằng tôi đã thất vọng cho đến khi mà mỗi một lý thuyết và quan điểm của ngài đã được hỗ trợ bởi chứng cứ khoa học, và cảm thấy rằng lời khuyên bảo này rõ ràng dưới mức bình thường, tôi không tiên liệu có thể tìm ra cùng trình độ với những giá trị của khoa học. Tuy nhiên, trong việc nhìn vào hành động tự biểu lộ (2) từ những viễn tượng khác và trong một chiều sâu rộng rãi hơn, tôi đã thấy rằng hoàn toàn là một bức tranh khác biệt đã bắt đầu hiện lên.
Trong thực tế, kiến thức khoa học đã cung ứng các chứng cứ rằng việc chia sẻ một cách đơn giản những nỗi sợ hãi và quan tâm của một người về các sự kiện chấn thương và nguy hiểm có thể có một giá trị thênh thang. Những nhà tâm lý học xã hội tại các trường đại học khắp thế giới đã tiến hành các cuộc nghiên cứu để khảo sát những phương pháp hiệu quả nhất để đối phó với sợ hãi sau những thảm họa do cả thiên nhiên hay con người tạo ra - sau động đất, chiến tranh vùng vịnh Ba Tư, những vụ tấn công khủng bố ở Do Thái, thảm họa ở Bosnia - và đã đi đến một kết số kết luận về những phương cách hiệu quả nhất để ứng phó trong những tình trạng nơi mà chúng ta không thể kiểm soát đối với những sự kiện rộng lớn hơn. Sự nhất trí, được ủng hộ bởi các nhà chuyên môn trong tâm lý học, tâm lý trị liệu, chỉ đến tầm quan trọng của việc nối kết một cách đơn giản với người khác và chia sẻ những quan tâm của họ.
Dalai Lama
Tuệ Uyển dịch
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Hoài Vũ - Đau đáu về một ‘miền xanh’ Nói đến nhà thơ Hoài Vũ, có thể ít người biết, nhưng nói đến bài hát Vàm Cỏ Đông thì ngược lại. Vàm...