Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2024

Nhà văn Trương Thị Thanh Hiền và "Ngôi sao xanh"

Nhà văn Trương Thị
Thanh Hiền và "Ngôi sao xanh"

Trong số các tác giả nữ ở An Giang, tiểu sử văn học của Trương Thị Thanh Hiền khá gây ấn tượng. Chị được chú ý với số lượng các tuyển tập truyện ngắn và tiểu thuyết được xuất bản từ năm 2002 đến 2020, với nhiều giải thưởng văn học uy tín. Khá ngạc nhiên từ học vấn ban đầu ngành y dược, cô dược sĩ đam mê văn chương, chuyển hướng ngoạn mục và gặt hái thành công.
Tưởng niệm 100 ngày nhà văn Trương Thị Thanh Hiền về miền mây trắng
Tác phẩm “Ngôi sao xanh” do Nhà xuất bản Văn hoá – Văn nghệ TP Hồ Chí Minh phát hành năm 2011, tập hợp từ 12 truyện ngắn, trong đó có truyện “Đò ơi” được nhiều người biết, đoạt giải thưởng. Với 12 truyện này có thể thấy được độ chín, sức viết khoẻ của cây bút nữ, cùng với Nguyễn Lập Em, Võ Diệu Thanh, Trần Mỹ Hiền… đã đồng hành với văn chương cả nước và miền Tây, An Giang nói riêng.
Trong tập “Ngôi sao xanh”, Trương Thị Thanh Hiền viết về nhiều đề tài, xây dựng nhiều tình huống truyện hấp dẫn gắn với số phận, cuộc đời mỗi con người, ở từng hoàn cảnh cụ thể, thuộc nhiều thành phần xã hội, nhiều lứa tuổi, với những quan hệ và cách ứng xử khác nhau như chính cuộc sống thật bấy giờ. Đặc biệt là lớp trẻ, đang sống trong một guồng quay nghiệt ngã, buộc phải lựa chọn một hướng đi, ngả rẽ, trước bao co kéo, đưa đẩy, những cám dỗ của tiền bạc, lợi danh, quyền lực trong đời sống đương đại, vốn luôn đối mặt nhiều thách thức (qua các truyện Đò ơi; Đám tang bên bờ sông phượng; Con gái, con bao nhiêu tuổi?; Ngôi sao xanh…).
Thanh Hiền còn chọn lọc những huyền thoại xưa, viết lại những truyện kể lịch sử nhằm chở mang, gửi gắm một triết lý nhân sinh cho cuộc sống hôm qua và hôm nay (Cô gái hái dâu, Mặt trời gác núi, Có ai từ Nam sang). Cả những ký ức về một thời chiến tranh (qua truyện Đêm mộng mơ), phê phán hành vi vô nhân tính, thái độ tắc trách trong y học (Tâm hồn trẻ thơ, Sóng lăn tăn)…
Người đọc ngạc nhiên trước vốn sống phong phú, cách nhìn đa chiều và khả năng khái quát, phản ánh hiện thực đa dạng trên các trang viết của Thanh Hiền. Một cây bút am tường về các vương triều phong kiến, mà chỉ những ai đọc nhiều, đam mê mới có thể tả, kể tường tận, hoá thân, tưởng tượng, làm sống lại bao huyền tích một thời. Có lẽ từ các truyện ngắn mô phỏng lịch sử đã in trong tập “Ngôi sao xanh”, bước đầu giúp tác giả tự tin, viết dài hơi, xuất bản thêm tiểu thuyết “Mệnh đế vương” (Nxb. Hội Nhà văn) cũng trong năm 2011. Tác phẩm này về sau mang về cho chị Giải Nhì – Giải thưởng Tiểu thuyết Hội Nhà văn Việt Nam.
Tập truyện “Ngôi sao xanh”, truyện “Đò ơi” nổi trội, cuốn hút người đọc đến trang cuối. Thành công của truyện trước hết, do người viết lấy bối cảnh từ đời sống nông dân miền Tây – với nhiều nghịch cảnh, nhiều bi kịch, chính mảnh đất nông thôn An Giang, quê hương tác giả, sau ngày giải phóng còn rất nhiều khó khăn. Truyện đề cập nhiều chi tiết sống động từ chiếc xe lôi đạp đến cảnh vật phố thị Long Xuyên, bến phà An Hoà, sự đổi mới của đèn Bốn ngọn thành chùm đèn nhiều bóng, rồi chiếc cầu Duy Tân song song, thay cho ngày xưa chỉ có mỗi cầu Hoàng Diệu đơn lẻ…
Tác giả dẫn dắt người đọc đến với những đổi thay sau 30 năm giải phóng. Từ cảnh vật bên ngoài đến đời sống sản xuất nông nghiệp, và sự đổi đời của nhiều số phận nơi vùng quê nghèo xưa, qua hành trình trở về, từ mắt nhìn quan sát vừa kiếm tìm, hoài niệm quá khứ, vừa ngỡ ngàng trước sự phát triển, thay da đổi thịt, thoát đời tối tăm của một làng quê bên sông Hậu, mà nhân vật xưng tôi, nhà báo Cần đã từng đau buồn rời bỏ, biệt xứ lưu lạc nhiều năm.
Truyện thu hút người đọc khi khám phá dần quá khứ của Cần. Anh trở lại quê nhà cùng với một nữ đồng nghiệp, phóng viên Kiều Nga, nhưng chẳng hiểu sao anh khá khó chịu với chữ Kiều, lót tên cô ấy, lại còn luôn mang tâm trạng u uất “lờ đờ như người chết rồi” (qua nhận xét của Kiều Nga). Suốt chuyến đi kết hợp lấy tin với về thăm lại miền quê này. Truyện dần hé lộ qua dòng hồi tưởng của Cần. Ngần ấy năm anh biệt xứ không quay về vì một niềm đau trĩu nặng – tình yêu đầu dở dang, lai lịch cha mẹ mờ mịt của Cần khi lưu lạc đến miền quê này, được kể một cách cố ý để làm tôn thêm tính cách trọng nhân nghĩa của nhân vật ông Thiên.
Một lão nông chân chất, từng gửi gắm ước mơ đổi đời qua chuyện đặt tên cho năm “thị mẹt” của mình: Thời, Thế, Tạo, Anh, Thư (thay vì là năm thằng con trai ông sẽ đặt tên: Thời, Thế, Tạo, Anh, Hùng như mong ước được làm cha của các con trai). Gia đình ông Thiên đã bảo bọc, cưu mang tuổi thơ côi cút của Cần, chẳng may người mẹ bị chết đuối trong gió giông, mưa lụt giữa đồng. Rồi đến người cha đau buồn mòn mỏi. Trước khi chết trao gửi gánh nặng con thơ dại côi cút, nhờ ông Thiên nuôi giúp con trai ăn học.
Là người Nam Bộ trọng nghĩa khinh tài, gia đình ông Thiên sống chết chỉ trông vào cây lúa, thế mà ruộng nương thất bát, lũ dữ tràn đồng, nợ nần chồng chất, không gồng gánh nổi gia đình đông miệng ăn, ông đành gả con gái lớn sang Đài Loan. Âm thầm giúp Cần ăn học, thực hiện lời hứa năm nào với người đã khuất. Để rồi tự ông ray rứt dày vò bản thân, trở thành con sâu rượu kể từ ngày gả con gái. Cần biết chuyện cũng bỏ đi biền biệt. Thưc tế khá quen thuộc, rộ lên một dạo “phong trào” gả con gái sang nước ngoài, ở nhiều vùng nông thôn trên cả nước mong đổi đời…
Một hiện thực nao lòng! Người đọc như chứng kiến, bắt gặp đâu đó nhiều mảnh đời thật của những cô Kiều rời quê, sống chìm nổi bọt bèo ở Đài Loan, Hàn Quốc… mong gửi ít tiền về giúp gia đình. Truyện hấp dẫn hơn ở tình tiết: Cô em từng là chứng nhân cho tình yêu của chị hai mình và anh Cần, cô bé hay đứng bên bờ kinh gọi với qua nhà Cần kêu “Đò ơi!”, lại tự nguyện làm Thuý Vân để an ủi anh rể hụt đang đau buồn tuyệt vọng năm nào, nay không ngờ cô em đã trở thanh kỹ sư thuỷ sản lừng danh, dẫn đầu nông dân đổi đời, bằng nghề nuôi tôm, nuôi cá… là đối tượng cho Kiều Nga tìm phỏng vấn, viết phóng sự. Cô bé từng ao ước lớn lên sẽ học cách sống chung với lũ cho gia đình và bà con nông dân đỡ khổ, nay biết biến ước mơ không tưởng xưa, để cùng nông dân vươn thoát nghèo, làm giàu ngay bằng phương cách hoà hợp, tận dụng môi trường tự nhiên.
Từ dòng hồi ức ngổn ngang của Cần, truyện kết thúc trở lại thực tại trong đêm Cần và Kiều Nga về thăm nông trại của ông Thiên, Cần cảm nhận được dưới đồng nước những chú tôm đang rùng mình lột vỏ và tự nhiên anh mong ngóng tiếng gọi đò tha thiết năm nào. Những chú tôm đang lột vỏ hay chính con người nơi quê nghèo xưa đang lột xác từng ngày, nhờ hiểu thấu đồng đất quê mình, biết thay đổi sản xuất ăn nên làm ra. Người đọc hài lòng với cách kết thúc bỏ lửng mà vẫn có hậu. Truyện thành công nhờ kết cấu theo dòng hồi ức của nhân vật chính. Mạch ngầm trong so sánh quá khứ và hiện tại làm nổi rõ chủ đề, góp tiếng nói khẳng định những thành tựu của đông đảo bà con nông dân miền Tây – đồng tứ giác đã đi lên, thoát nghèo nhờ vào sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi thuỷ sản – thế mạnh chủ lực sản xuất và nuôi trồng lúc bấy giờ, ở nông thôn An Giang và Tây Nam bộ.
Nhà văn Trương Thị Thanh Hiền sinh ngày 12.7.1970, quê quán An Giang, tốt nghiệp dược sĩ, vừa làm ngành y vừa viết văn. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 2012. Các tác phẩm của Trương Thị Thanh Hiền đã xuất bản: Những ngọn đèn (tiểu thuyết – 2003); Lời thề (tập truyện ngắn – 2004); Hạt cam thảo (truyện – 2004); Chị Cả (truyện – 2007); Ngôi sao xanh (tập truyện ngắn – 2011); Mệnh đế vương (tiểu thuyết – 2011); Tội lỗi nàng Eva (tập truyện ngắn – 2014); Giấc mơ bay (tập truyện ngắn). Vì bệnh nan y, Trương Thị Thanh Hiền đã qua đời lúc 13h40 ngày 05.5.2024 (nhằm ngày 27 tháng 3 năm Giáp Thìn) tại An Giang hưởng dương 55 tuổi.
Qua truyện “Đò ơi” cùng các truyện trong tập “Ngôi sao xanh”, có thể thấy sở trường của Trương Thị Thanh Hiền ở mảng truyện ngắn, chị viết cả truyện cho tuổi mới lớn. Hầu như khi viết cho các đối tượng khác nhau tác phẩm của chị đều có giải thưởng, chạm đến cảm xúc người đọc.
Có thể thấy từ năm 2002 sau truyện ngắn “Nhà tư vấn” được Giải Khuyến khích của Cuộc thi Truyện ngắn Đồng bằng sông Cửu Long, Thanh Hiền liên tiếp gặt hái thành công. Truyện ngắn “Hai chị em” đạt giải Ba Cuộc thi sáng tác cho tuổi mới lớn, báo Mực Tím năm 2003. Năm 2004, tập truyện “Lời thề” nhận giải Tác giả trẻ của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Năm 2005, truyện “Đò ơi!” nhận giải Nhất Cuộc thi sáng tác kỷ niệm 30 năm giải phóng miền Nam của tỉnh An Giang. Năm 2008, chị được giải Khuyến khích Cuộc thi truyện ngắn Đồng bằng sông Cửu Long với truyện “Vẫn còn sống”. Năm 2009, truyện ngắn “Giấc mơ bay” nhận giải Ba Cuộc thi sáng tác về nông nghiệp, nông thôn Việt Nam. Năm 2019, “Người nghệ sĩ giữa dòng trôi” giúp Thanh Hiền đoạt giải Nhì Cuộc thi truyện ngắn Đồng bằng sông Cửu Long năm 2019.
Có thể thấy thành công đã được khẳng định của Trương Thị Thanh Hiền với các truyện ngắn về đề tài nông thôn, nông nghiệp – những con người nơi quê nhà, từ quan sát, trải nghiệm của chính tác giả.
Dù chị đã ra đi nhưng đã khẳng định được tài năng qua những trang viết để lại. Chắc chắn tác phẩm của Trương Thị Thanh Hiền sẽ còn neo đậu trong lòng công chúng, bạn đọc.
24/8/2024
Lê Huỳnh Diệu
Theo 
https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Hoa Ngày luân chuyển theo nhịp điệu của trời đất. Sài gòn sớm mai mờ hơi sương trong se lạnh mùa noel. Thời gian như muốn tạo một dấu...