Thứ Tư, 11 tháng 9, 2024

Tiễn đưa nhà văn - Nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký

Tiễn đưa nhà văn
Nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký

Nhà văn, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký đã qua đời vào lúc 02h5 phút ngày 28.9.2022 (nhằm ngày 3.9 năm Nhâm Dần) hưởng thọ 76 tuổi; linh cữu quàn tại tư gia số 12 đường 623D khu dân cư Nam Long, phường Phước Long B, TP Thủ Đức, TPHCM; lễ động quan vào hồi 14h ngày 29.9.2022 (nhằm ngày 4.9 năm Nhâm Dần), linh cữu được đưa đi hỏa táng cùng ngày tại Phước Lạc Viên, tỉnh Bình Dương. Tưởng nhớ một nhân cách nghị lực phi thường, VHSG trân trọng giới thiệu bài viết về ông của nhà thơ, nhà giáo Lê Lệ Thủy.
Tôi đã quen biết ông như người thân, người cha của mình thuở còn niên thiếu. Khi ấy tôi còn học cấp một. Nhờ anh chị mình, tôi được sở hữu và đọc văn ông qua tác phẩm: “Tôi đi học”. Không biết vì câu chuyện và lời văn của ông rất gần gũi hay vì tôi là một cô bé nhạy cảm mà cuốn tự truyện như một luồng cảm xúc ngọt ngào chảy vào tâm hồn tôi. Trong sáng và thuần khiết vô cùng. Sách không dày nhưng vì hay và nghiện sách, tôi đã đọc nhiều lần bất cứ lúc nào có thể. Có lúc đi chăn bò cũng lén ba nhét vào trong vạt áo mang theo.
Những năm tháng thời tuổi thơ tôi có những câu văn và mạch cảm xúc của ông nuôi dưỡng. Lời văn của ông vô cùng giản dị trong sáng cứ như dòng suối tự nhiên ở quê tôi. Róc rách chảy mà thấm vào tâm hồn tôi những giọt ngọt ngào lắng đọng. Không hiểu sao còn bé mà tôi đã nghẹn ngào ràn rụa nước mắt khi đôi tay của ông bị liệt và không cử động sau cơn sốt. Tôi lén khóc không để cho ai biết. Trong tâm trí tôi, tấm hình minh hoạ trong truyện chính là cậu bé Nguyễn Ngọc Ký với khuôn mặt hiền hậu và thơ ngây như vậy mà. Tôi mặc định hình vẽ trong tuyện đó là ông – là Nguyễn Ngọc Ký thơ ngây tội nghiệp. Đọc tự truyện của ông mà tôi như thấy mình, thấy gia đình và cả xóm làng của mình cũng ở trong ấy.
Một luồng cảm xúc nghèn nghẹn trào dâng trong tim tôi khi các bạn gọi Ký là “thằng què”. Tôi tội nghiệp cho Ký đến nỗi nghe tim mình đau như nhìn thấy Ký đứng bên ngoài sân đình nhìn bạn bè trang lứa chơi các trò chơi mà bản thân mình không thể tham gia được. Tôi thấm cái nỗi đau đó của Ký như của mình để rồi tôi lại khóc.
Tôi cảm nhận nỗi cô đơn và tủi thân ghê gớm của Ký khi mà tất cả các bạn đều được đến trường, được vào học lớp một. Một mình Nguyễn Ngọc Ký như chú chim non không bay được, đứng ngậm ngùi lặng lẽ phía xa xa để nhìn theo bạn đến trường. Cái thế giới của Ký nó bơ vơ đơn độc đến đau lòng. Tôi đau như là chính mình chứ không phải Ký. Ngày Ký lén học qua khung cửa sổ lớp, để rồi bị cô giáo phát hiện. Lần phát hiện ấy đã làm cho con tim bé nhỏ của Ký như bị bóp nghẹt khi mà cô Cương nhìn em ái ngại: ” em về nhà chơi để cho các bạn học”. Nước mắt tôi lại nhạt nhoè trên từng trang sách ấy.
Sự thương cảm Nguyễn Ngọc Ký trong tự truyện qua từng chương đã lôi cuốn tôi ghê gớm. Tôi đọc đi đọc lại những đoạn đẫm nước mắt như thể là đọc để Ký lành lặn lại như khi chưa bị sốt. Sau này lớn lên tôi mới biết là tâm hồn mình đa cảm lắm. Tôi vui mừng khi Ký được cô Cương nhận vào lớp học.
Nhà văn, nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký với cuốn tự truyện nổi tiếng và đôi chân huyền thoại tạo cảm hứng cho nhiều thế hệ học trò
Các nhân vật của “Tôi đi học”cũng đầy hấp dẫn. Tôi nhớ như in cô Cương, bạn Oánh, Tam, Bằng của Ký. Trong đó tôi thương nhất là Bằng. Bằng như một nghĩa hiệp luôn che chở và giúp đỡ Ký.
Tôi đồng cảm với Ký ở nghị lực. Con người khi sinh ra trong một hoàn cảnh không thuận lợi, nghèo khó hay khiếm khuyết luôn có một nghị lực vươn lên thật kì diệu. Cảm phục vô cùng khi Ký đã liên tưởng đến chú chim dùng mỏ để vẽ trên lá, gà dùng chân để tìm mồi mà hình dung ra mình sẽ tập viết như chú chim vẽ trên lá, như con gà bới rác ngoài sân.
Những ngày Ký tập viết từ bằng miệng rồi đến bằng chân thật đáng thương và vô cùng thú vị. Tôi nhớ những lần rơi bút khi tập viết với những giọt mồ  hôi của Ký. Thậm chí tôi xót xa nghĩ: ” chắc là Ký đau và mỏi chân biết nhường nào”. Tôi mong cho Ký thành công.
Rồi Nguyễn Ngọc Ký đã thành công không những là viết bằng chân mà còn bằng những thành tích học tập vô cùng đáng nể, khi mà những học sinh khác lành lặn phải mơ ước.
Ký liên tục là học sinh giỏi ở phổ thông, học sinh giỏi toán lớp 7 của miền Bắc. Ký vào đại học. Tôi ngưỡng mộ Ký khi hai lần được gặp Bác Hồ và được người tặng huy hiệu. Kết thúc câu chuyện “Tôi Đi Học” tôi bỗng nhẹ bẵng người và vui với niềm vui hạnh phúc của tác giả.
Trên bước đường thành công, Nguyễn Ngọc Ký đã không quên công ơn của người đã từng giúp đỡ. Tác giả đã tri ân, cảm ơn người thân, bạn bè, thầy cô… bằng thành quả của mình, là sự truyền lửa đến mọi người. Ai đã từng bên Ký lúc khó khăn, ai đã biết hay chỉ cần đọc tác phẩm của ông, cũng sẽ thấy cảm thương tự hào và xúc động.
Cuộc đời ông và tự truyện “Tôi đi học”như một cơ duyên kết nối tôi và ông dù chưa được gặp. Đồng thời như một một dòng suối văn chương chảy trong tâm hồn tôi bằng lời văn dung dị, gần gũi mà đầy cảm xúc.
Sáng nay lướt phây, bất chợt thấy buồn quá khi đọc được tin nhà văn, nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký qua đời.
Ông đã đi sau một hành trình đầy những thử thách và những nổ lực không mệt mỏi. Ông đã để lại sự ngọt ngào ấm áp tình người,  một nghị lực phi thường cho những số phận không may mắn, nguồn cảm xúc đầy trìu mến trong dòng chảy văn học Việt Nam.
Ông đã ra đi vào cuối mùa thu nay. Chợt nhớ lời thơ của cố thi sĩ Xuân Quỳnh:
“Phải chăng lá về rừng
Mùa thu đi cùng lá
Mùa thu ra biển cả
Theo dòng nước mênh mông…”
Sáng thu nay, một chiếc lá của văn học Việt Nam đủ vàng để bay về miền an lạc. Ngoài trời cơn bão Noru còn sót lại những cơn mưa như thương người đưa tiễn.
Tận đáy lòng xin gửi theo giấc ngủ của ông nén tâm hương thành kính.
Thành kính tiễn đưa ông!!!.
28/9/2022
Lê Lệ Thủy
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Hoa Ngày luân chuyển theo nhịp điệu của trời đất. Sài gòn sớm mai mờ hơi sương trong se lạnh mùa noel. Thời gian như muốn tạo một dấu...