Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2024

Văn Hồng người bạn đồng hành của văn học thiếu nhi

Văn Hồng người bạn đồng hành
của văn học thiếu nhi

Nhà văn Văn Hồng (1931- 2012) từng là Tổng biên tập NXB Kim Đồng. Trong tập sách “Văn học thiếu nhi Việt Nam khảo luận và chân dung” của tác giả Nguyên An có in lại bài viết về nhà văn Văn Hồng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vốn đã đăng trên Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 11.8.2007. Xin trân trọng giới thiệu lại bài viết này nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi để tưởng nhớ một nhà văn đã từng hết lòng với văn học thiếu nhi…
Nhà văn Văn Hồng, tên thật là Bùi Văn Hồng (1931 – 2012) quê quán Thạch Hà, Hà Tĩnh. Ông là tác giả của nhiều truyện ngắn, truyện ký, phê bình tiểu luận như: “Trên đất Cẩm Bình” (truyện ký, 1968); “Cá rô ron không vâng lời mẹ” (truyện đồng thoại, 1969); “Hoa trái mùa đầu” (phê bình tiểu luận, 1987); “Mười năm ghi nhận” (phê bình tiểu luận, 1996); “Cô gái bướng bỉnh” (truyện ký, 2001); “Hương cây – mối tình của tôi” (truyện ngắn, 2002); “Từ mục đồng đến Kim Đồng” (2002)… Ông được Uỷ ban thiếu niên nhi đồng và Hội Nhà văn Việt Nam tặng giải thưởng cho tập “Trên đất Cẩm Bình” năm 1968.
1. Tôi gặp ông lần đầu vào năm 1984, lúc tôi đang chuẩn bị in tập truyện thiếu nhi đầu tay Cú phạt đền ở Nhà xuất bản Kim Đồng. Nhà văn Thy Ngọc giới thiệu với tôi đây là Tổng biên tập của nhà xuất bản, mới từ Hà Nội vào: nhà văn Văn Hồng. Đó là một người đàn ông trung niên vóc dáng cao lớn, hơi dềnh dàng, nói giọng Nghệ Tĩnh, trầm tĩnh nhưng sẵn sàng tranh biện.
Ông thông minh và thẳng thắn, cuộc gặp đầu tiên giữa tôi và ông đánh dấu bằng cuộc tranh cãi quyết liệt về từ “thằng” và “con” tôi dùng khá nhiều trong truyện. Tôi nhớ đại khái ông bảo các từ đó nghe nó “sỗ sàng” quá. Tôi cãi đó là từ Nam Bộ dùng để chỉ giới tính: “ngoài Bắc gọi cái Huệ thì trong Nam gọi con Huệ”, “ miền Bắc thấy sỗ sàng nhưng miền Nam không thấy như vậy”. Ông thẳng thắn nhưng không áp đặt. Ông nói “Tùy cậu. Nhưng mình vẫn bảo lưu ý kiến của mình”.
Tôi cãi rất hăng, nhưng về nhà giở bản thảo coi lại, thấy chữ “thằng” và “con” trong truyện có vẻ bị lạm dụng. Thế là tôi lẳng lặng gạch bớt những từ đó, chỉ chừa lại ở những chỗ cần thiết. Đọc lại, thấy dễ chịu hơn hẳn. Sách in ra, tình cờ gặp lại ông, ông ngạc nhiên “Sao đọc bản thảo của cậu, mình thấy “chói” quá, nhưng lúc in thành sách, mình không bắt gặp cảm giác đó, lạ thật! Cậu có “táy máy” gì trong bản thảo không?”. Tôi cười khì khì, thú thật là tôi đã nghe lời ông “thanh lọc” khá nhiều những từ ông nói.
2. Mãi về sau này, lúc ông đã nghỉ hưu, tôi mới biết ông còn là nhà nghiên cứu Văn học thiếu nhi. Hèn gì mà ông đọc kĩ và góp ý thiệt thấu đáo, tỉ mỉ. Ông bệnh đã nhiều năm nay, đi lại khó khăn, vậy mà ông vẫn không bỏ thói quen đọc. Trò chuyện với ông, tôi ngạc nhiên phát hiện ông đọc rất nhiều, không chỉ sách thiếu nhi. Sau này, khi Internet phát triển, ông còn đọc miệt mài trên mạng. Lúc viết Kính vạn hoa và Chuyện xứ Lang Biang, tôi gửi sách tặng ông, tưởng truyện dài cả mấy ngàn trang, ông chỉ đọc qua loa. Nào ngờ ông đọc hết, không chỉ đọc mà còn gọi điện thoại nhận xét chi tiết và cụ thể, còn viết cả bài giới thiệu. Ở tuổi của ông, đọc nhiều đã là đáng nể, nhưng ông còn viết khỏe, thiệt là bái phục. Bây giờ ông vẫn rất minh mẫn, nhưng có lẽ sức khỏe đã yếu nên không còn viết nhiều, còn khoảng một năm trở về trước cứ lâu lâu tôi lại thấy ông khoe một bài viết mới. Về Đoàn Giỏi, về Xuân Sách, về Thy Ngọc, về Hoàng Lại Giang… Gần đây, ông thích viết chân dung văn học, có lẽ đã đến tuổi ông ngồi mơ màng hoài niệm lại những gương mặt bạn bè mà hầu hết đã quá tuổi thất thập cổ lai hy…
3. Là một tổng biên tập lâu năm của Nhà xuất bản Kim Đồng, hằng ngày đọc và thẩm định tác phẩm, thường xuyên gần gũi tiếp xúc với các nhà văn viết cho thiếu nhi, dĩ nhiên mối quan tâm lớn nhất của ông vẫn là mảng văn học thiếu nhi, không những thế ông luôn theo dõi và trăn trở về quá trình vận động và phát triển của mảng văn học này. Nghe ông say sưa nói về Phạm Hổ, Trần Hoài Dương, Trần Đăng Khoa cho đến Đặng Hấn, Trần Quốc Toàn, Quách Liêu, nhận xét cả về J. Rowling – tác giả của Harry Potter, tôi không có cảm giác ông là người đã nghỉ hưu nhiều năm. Ai đụng đến đề tài này, giống như đụng vào chỗ nhạy cảm nhất trong tâm hồn ông, lúc đó mắt ông sáng lên và ông nói thao thao như một nhà hùng biện. Ông đọc nhiều, biết nhiều, nói nhiều nhưng cần khắc họa chân dung một ai, ông chỉ tóm trong vài từ then chốt: Nguyễn Khắc Viện, đó là “dân chủ và khoa học”, Đoàn Giỏi là “du ký và phong tục”, Võ Quảng “dân gian và khác lạ” v.v… Giống như một nhiếp ảnh gia lành nghề, sự tinh tường cho phép ông chọn đúng khoảnh khắc xuất thần nhất của đối tượng để bấm máy.
4. Nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Nhà xuất bản Kim Đồng, ông cho ấn hành tác phẩm mới nhất của mình: Mai kia đi hết con đường. Đây là tác phẩm nối tiếp mạch nghiên cứu văn học thiếu nhi của ông từ Hoa trái mùa đầu, Mười năm ghi nhận, Từ mục đồng đến Kim Đồng và các bài viết khác in trong bộ Bách khoa thư về văn học thiếu nhi Việt Nam. Đọc ông, cảm động thấy ông rất tâm huyết với mảng văn học này: ông không những trân trọng những cây đại thụ như Tô Hoài, Phạm Hổ, Võ Quảng, mà còn dành rất nhiều thiện cảm đối với những cây bút mới như Nguyễn Ngọc Thuần hay với những nhà văn thỉnh thoảng rẽ ngang qua mạng văn học thiếu nhi như Nguyễn Quang Thiều. Những dấu mốc của quá trình phát triển nền văn học thiếu nhi được ông ghi nhận và đánh giá khá đầy đủ nên đọc ông có cảm giác đang đọc một bộ biên niên sử về văn học thiếu nhi.
Đến nay, đã có rất nhiều các cuộc hội thảo, các phương tiện truyền thông đại chúng đặt vấn đề: Tại sao văn học thiếu nhi Việt Nam cứ bị lép vế trước truyện dịch nước ngoài? Tất nhiên có nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi một nguyên nhân khá quan trọng là nền phê bình văn học Việt Nam quá hiếm những người tâm huyết thực sự với trẻ em và với văn học cho trẻ em, cũng như có hiểu biết sâu sắc về mảng văn học này như Văn Hồng, Vân Thanh, Vũ Ngọc Bình, Lã Thị Bắc Lý.
Để “kích hoạt” nền văn học viết cho trẻ em phải cần nhiều thứ, trong đó cần có cú hích của nhà nghiên cứu, phê bình, như những bài viết sắc sảo, điềm tĩnh và đầy gửi gắm của ông – một người bạn đồng hành đáng tin cậy của trẻ thơ và của những người viết cho trẻ thơ. Để mai kia ông có đi hết con đường đẹp đẽ mà ông đã chọn, vẫn còn nhiều người nối gót ông…
3/6/2023
Nguyễn Nhật Ánh
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Hoa Ngày luân chuyển theo nhịp điệu của trời đất. Sài gòn sớm mai mờ hơi sương trong se lạnh mùa noel. Thời gian như muốn tạo một dấu...