Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2024

Bướm nào thì cũng bần thần trước hoa

Bướm nào thì cũng bần thần trước hoa

Mưa nào mà chẳng là mưa/ Nhưng phải mưa bụi mới vừa lòng xuân/ Hoa nào cũng lắm vân vân/ Bướm nào thì cũng bần thần trước hoa/ Trông bướm lại ngắm đến ta/ Càng nhiều càng ít, nghĩa là tham, sân/ Còn “si” tức là còn xuân/ Hết si có nghĩa đã gần thành ma/ Già thì nguýt bướm, lườm hoa/ Có ai hay chỉ mình ta… biết buồn?.
THÁNG GIÊNG TỨC CẢNH
Lợn tháng mười, người tháng giêng
(Tục ngữ)
Bỏ qua tháng một hanh hao
Rẽ ngang tháng chạp mà vào tháng giêng
Tháng giêng là tháng đầu tiên
Mới vừa qua tết còn nguyên sắc đào
Mưa bụi cho cỏ xốn xao
Gió nhẹ vừa đủ thì thào lộc xuân
Gái tơ bạn với giai tân
Tháng giêng diễu hết hội gần, hội xa
Ngậm ngùi cho cái thân già
Chống gậy ra ngõ để mà… nhìn giêng.
NGẪU HỨNG XUÂN
Mưa nào mà chẳng là mưa
Nhưng phải mưa bụi mới vừa lòng xuân
Hoa nào cũng lắm vân vân
Bướm nào thì cũng bần thần trước hoa
Trông bướm lại ngắm đến ta
Càng nhiều càng ít, nghĩa là tham, sân
Còn “si” tức là còn xuân
Hết si có nghĩa đã gần thành ma
Già thì nguýt bướm, lườm hoa
Có ai hay chỉ mình ta… biết buồn?
GIÃ BIỆT GIÊNG HAI
Vẫy tay giã biệt giêng hai
Thế là rét lộc rét đài thành xưa
Bướm hoa thoáng chốc bơ vơ
Nệm chăn bỗng hóa ra thừa, buồn không
Tháng ba như gái chưa chồng
Chỉ tơ tưởng những mặn nồng tháng tư
Tháng tư thì vẫn chần chừ
Mong gì cái nóng lừ đừ tháng năm
Đom đóm dưới cỏ mừng thầm
Chờ rụng bông gạo ri rầm bay ra
Bọn sen nấp dưới ao nhà
Đợi sau tiếng sấm khoe hoa của mình
Gió mùa về bất thình lình
Tháng ba một thoáng rập rình giêng hai
Để rơi chút lộc, chút đài
Ngắn như một tiếng thở dài… rồi đi.
HỘI
Mùa xuân thì trẩy hội xuân
Người ta trẩy hội nhân quần… người ta
Hội xuân là hội của hoa
Hội người hội của lụa là, phấn son
Hội xuân một tháng thì tròn
Hội người một tháng vẫn còn… người ơi!
Hội xuân hai tháng gầy vơi
Hội người hai tháng ve vôi lại hồng
Hội xuân ba tháng về không
Hội người ba tháng về “trồng cây si”
Hẹn nhau xanh cỏ bờ đê
Đỏ hoa bờ dậu, lại về hội xuân
LỘC
Chúa xuân ban lộc khắp nơi
Lộc đất thì rộng, lộc trời thì cao
Con cá nó ở dưới ao
Nghe nói đến lộc thao lao mắt tròn
Con chim nó ở trên non
Nghe nói đến lộc thòn lòn mắt chim
Con người thời đại thông tin
Nghe nói đến lộc lim dim mắt người. 
XUÂN KHÚC 
Nàng xuân chẳng hé môi
Mà đi đâu cũng thấy
Trên đầu bụi mưa nảy
Dưới chân cỏ đâm mầm
Tí tách hạt nói thầm
Thì thào cây gọi gió
Bướm giục hoa mau nở
Chim gọi mặt trời lên
Qua tết là vào giêng
Nàng xuân đang dung dẻ
Tung tăng cùng con trẻ
Trong rét ngọt rét đài
Quá giêng thì sang hai
Rét đài thay rét lộc
Tháng ba phô mặt mộc
Nàng xuân hóa nàng Bân
Thế cũng vừa vãn xuân.
CA TRÙ ĐẦU XUÂN
Tặng ca nương T.H.
Đầu xuân đến với ca trù
Ngất ngư kẻ hát, gật gù người nghe
Chiếu hoa khăn đóng, áo the
Hòa đồng cà vạt, com lê cùng ngồi
Tom tom… chát đã điểm rồi
Tửng tưng… đàn đáy rước mời đào nương
Mắt đen, môi đỏ, má hường
Cổ kiêu khăn vấn giải buông đuôi gà
Nhịp nhàng tay gõ, miệng ca
Buồn vui từ thuở ông cha tìm về
Lỡ làng như cụ Dương Khuê
Cụ chê Tuyết bé, Tuyết chê cụ già
Nguyền thề thương bác Tản Đà
Non còn nhớ nước, nước mà quên non
Tam nguyên tay vuốt râu chòm
Ậm ờ giả điếc cụ còn lắng tai
Nghe Chu tiến sĩ trổ tài
Bầu Trời, cảnh Bụt họa bài Hương Sơn
Đầu trần kìa cụ Tú Xương
Từ ngày ô mất cụ dường khỏe ra
Nguyễn Công một gánh sơn hà
Dối già còn hỏi tình là chi chi?
Tình từ Hà Nội tình đi
Tình qua Hồng Lĩnh, tình về Tầm Dương
Tình trầm mình cửa Tiền Đường
Tình phục sinh ở văn chương ca trù
Giao hoan giữa nhạc và thơ
Giữa “tom” và “chát”, giữa mơ và đời
Tàn canh xuân rắc đầy trời
Khuya về lại nhớ cái người ứ ư…
Xuân sau còn hát ca trù?.
13/3/2023
Phạm Công Trứ
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...