Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2024

Trộm chó - Truyện ngắn của Bình Địa Mộc

Trộm chó - Truyện ngắn
của Bình Địa Mộc

Tháng ba. Khu phố 5B xôn xao câu chuyện trộm chó. Thiên hạ đồn rằng kẻ trộm từ khu đô thị mới lén lút mò sang. Phần lớn họ là những thanh niên lỡ nghiện ma túy, mê chơi game nên thiếu tiền, đành bấm bụng làm liều. Đối tượng thứ hai được cập nhật trong nhóm trộm chó là nông dân sống ở ngôi làng bên sông Giang Hà, nhân lúc nông nhàn tranh thủ làm thêm nghề bắt chó trộm để bán kiếm tiền tiêu xài hoang phí.
Một đêm bọn họ thu nhập cả chục triệu đồng chia cho hai đối tượng, mỗi đối tượng bỏ túi khoản tiền bất chính tương đương suất lương cán bộ biên chế Nhà nước có bằng đại học. Mặc dầu đó là hành động không đúng với bản chất thật thà, nhân hậu từ ngàn đời nay vốn dĩ dành cho người nông dân. Song người nuôi chó quay lại trộm chó, khác gì “chó ăn cứt chó” như các cụ ngày xưa răn dạy.
– Mà thôi, thời buổi này mấy ai còn quan tâm đến đạo lý.
Ông Khâu – Tổ trưởng khu phố 5B động viên bà con bị mất chó. Ông hứa sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, các đoàn thể quần chúng truy bắt kẻ trộm và, nếu lấy lại được tang vật sẽ trao trả tận tay người mất. Nghe vậy một số người tiếc của không khỏi thắc mắc.
– Kẻ trộm bán tang vật cho các quán thịt cầy, khách ăn nhậu nuốt hết vào bụng họ rồi, chẳng lẻ moi ra trả lại. Buồn cười thật!
Còn nhớ cách đây không lâu ở miền Bắc có phố thịt chó Nhật Tân, mệnh danh là Thủ phủ Thịt Cầy nổi tiếng khắp cả nước. Một dãy phố sầm uất với mấy chục quán nhậu nằm san sát bên nhau, quán nào cũng đông nghẹt người. Thời hoàng kim nơi đây ầm ỉ suốt ngày lẫn đêm, đến mức khách đến ăn đông không còn chỗ ngồi, đành phải đứng chờ hoặc tranh thủ tự bưng bê, dọn dẹp bàn ghế mới đủ chỗ chén thù chén tạc. Thế nhưng giữa lúc công việc kinh doanh đang phát triển rầm rộ, nguồn tiền thu về như thác đổ thì. Đùng một cái những quán thịt chó ở Nhật Tân bất ngờ đóng cửa hàng loạt. Thương hiệu Thịt chó Nhật Tân lùi vào dĩ vãng không hẹn ngày tái ngộ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến quán xá nơi này đóng cửa như nhiều quán thịt cầy khác trong cả nước bỏ cuộc. Song nguyên nhân cơ bản vẫn là hậu quả khôn lường của việc các ông lớn thịt cầy chuyển sang buôn đất, buôn nhà vốn dĩ ngành nghề này mang tính bền vững “sống cái nhà, già cái mồ”; không thể chụp giựt, đẩy đưa được. Người mua chọn lựa kỹ càng, đối chiếu so sánh giá cả hợp lý mới đưa ra quyết định cuối cùng. Thời gian khá lâu mới bán được sản phẩm, đủ để lãi suất ngân hàng tăng vọt; lãi vay cộng dồn vào vốn vay, mất cân đối thanh khoản dẫn đến lỗ tất tay.
Không phải ai buôn bán bất động sản cũng giàu có tức thì, cũng trở thành đại gia tức khắc mà có thể phải trả giá, không ít người khuynh gia bại sản, tù đày, gia đình ly tán. Ngoài ra giết chó cũng làm ảnh hưởng đến ngành du lịch địa phương bởi, sự phảm cảm đến ghẻ lạnh của người ăn cũng như người bán. Không những vậy việc ăn thịt chó không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng tiềm ẩn nguy cơ truyền nhiễm các loại bệnh dại, bệnh xoắn khuẩn, bệnh tả khiến không ít người quay lưng lại với món ăn giàu chất đạm vào loại bậc nhất này. Tuy nhiên việc đóng cửa quán thịt cầy còn mang yếu tố tâm linh, lan truyền trong cộng đồng lâu nay rằng. Chó là vật nuôi linh thiêng, nó vừa khôn ngoan vừa tuyệt đối trung thành với chủ; giết chó chẳng khác gì chặt đứt cánh tay, đánh gãy cái chân chủ nhà. Linh hồn chó khó siêu thoát, quanh quẩn mãi với người ra tay sát hại nó khiến họ dằng vặt, hối hận, ám ảnh mãi không làm ăn gì được trong suốt thời gian dài sau đó. Hơn nữa đồng tiền thu nhập từ nghề này sẽ lần lượt ra đi, tiêu tốn một cách vô lối. Kể cả con cái hư hỏng, vợ chồng vô cớ cãi nhau dẫn đến ly hôn. Một số người yếu bóng vía đâm ra sợ hãi, hoảng loạn tâm thần bèn nghỉ bán, nghỉ giết chó. Thậm chí có sợ báo ứng về tội sát sanh nên quy y cửa Phật, còn Phật có mở lượng từ bi hỷ xả hay không thì không ai biết!
Câu chuyện trộm chó, thịt chó, bán chó đúng sai như thế nào hạ hồi phân giải. Trước mắt ông Khâu suy nghĩ những phản ảnh của người dân về việc trộm chó xảy ra liên tiếp trong thời gian gần đây quá nan giải, quá cấp bách không thể không quan tâm giải quyết. Cuối cùng ông cũng tìm được nút thắt “có cung ắt có cầu”.
– Phải có người ăn thịt chó, có quán bán thịt chó thì mới có người trộm chó chứ. Chó bắt trộm một đêm mấy chục con chẳng lẽ một người ăn sao hết.
Ông Khâu tự giải đáp thắc mắc của mình bằng cách tự điều tra. Ai bán thịt chó, bán ở đâu, quán nào bán? Nguồn chó nguyên liệu mua của ai, đối tượng nào bán? Cần phải làm rõ. Nhưng bắt đầu từ đâu lại là một câu hỏi khó trả lời bởi, ông đâu phải công an. Ông chỉ là một Tổ trưởng, đại diện cho mấy trăm hộ dân khu phố 5B này thôi. Có chăng, người ta biết ông trước đây là bộ đội chiến trường K phục viên; ông mang trên người màu áo lính xanh xanh, gắn trên ngực chiếc huân chương dũng sĩ đỏ đỏ, giấu trong trái tim có ngọn lửa hồng hồng. Ngọn lửa nhiệt tình cống hiến, bất chấp tuổi tác, bất kể thời gian cháy lên nguồn ngụt. Đường vào khu phố 5B gần bờ sông có quán thịt cầy Hạnh Lùn lụp xụp, phía trước treo tòn ten chục bánh tráng bọc trong bao nilong nhàu bấn, mấy chục nem, mấy chục tré nhưng không thấy ghi chú nem này gói bằng thịt gì? Phía dưới kê một cái bàn 3 chân xiêu vẹo, chân thứ 4 nương nhờ gốc cột được khóa bởi, sợi kẻm 2 ly cột chéo góc bàn. Trên bàn bày khoản 10 chai rượu gạo và 2 can nhựa tái sinh ố vàng cũng không thấy chú thích rượu gì? Phía trên gắn tấm bảng Thịt cầy 7 món khá khiêm tốn. Quan sát xong phần quảng bá hình ảnh, ông Khâu tự tin.
– Rượu gì uống với thịt chó chả được, nó chỉ giúp tiêu hóa thức ăn nhanh thôi mà.
Rồi ông kéo ghế ngồi xuống quán chờ đợi. Bà chủ tuổi tầm 50, dáng người thấp, dễ nhìn. Điểm nổi bật của bà là nhanh nhẹn, hoạt bát. Thoáng thấy khách bà liền bước đến chào hỏi.
– Chào bác, bác dùng mồi gì? Quán em có luộc, nướng, mận, xáo và dồi.
– Ồ không, tôi xin lỗi. Bữa nay bụng hơi khó chịu, cho tôi mấy cái nem chua và chai rượu gạo. Mà nem nhà mình gói bằng thịt gì vậy?
– Dạ, nem Thanh Hóa đấy bác. Nem gói bằng thịt heo nạc, lọc rất kỷ, không dính mỡ, dính gân. Bảo đảm bác nhậu với rượu gạo nhà nấu ngon hết cở luôn.
– Rượu nhà nấu là nấu thế nào?
– Rượu nhà em nấu bằng gạo sạch, men gia truyền. Loại men ướt để chuyển hóa hết tinh bột và đường, nên rượu uống rất đằm, đã.
Ông Khâu vừa uống rượu với nem chua, vừa lân la trò chuyện với chủ quán. Cũng may dạo này món thịt cầy ế ẩm, khách ít quan tâm; còn chủ thì bán cầm chừng, nhằm kiếm sống qua ngày chứ không mong đắt đỏ như mọi năm. Bà chia sẻ.
– Trước đây ngày bán cũng được vài con, bây giờ còn khoản một con, có hôm không hết, phải đông lạnh sang ngày mai.
– Chị mua chó của ai?
– Của chú Kim làng bên.
– Chị có biết lý do tại sao lại ế ẩm vậy không?
– Biết chứ, chả là mạng xã hội bây giờ lên án sát sanh dữ quá. Nhất là giết chó được coi là hành động man rợ, độc ác nên họ sợ. Hơn nữa chó trở thành thú cưng, có con cả chục triệu đồng. Nuôi chó giữ nhà, trang trí chứ không ai nghĩ nuôi chó để ăn thịt hoặc bán kiếm tiền.
Câu chuyện tìm hiểu việc mua chó, bán chó, ăn thịt chó đi được một nửa chặng đường, ông Khâu mừng thầm. Còn nửa chặng đường sau không kém phần quan trọng nên bắt buộc ông Khâu phải thận trọng, không được phép chủ quan kẻo thành công cốc. Ông kêu chủ quán tính tiền và, tung chiêu cuối cùng.
– Hết bao nhiêu chị ơi?
– Dạ 80.000 đồng.
– Rẻ vậy.
Nói xong ông rút tờ 200.000 đồng đưa cho chủ quán và ghé tai nói nhỏ.
– Chị cho tôi xin số điện thoại của anh Kim bán chó.
– Chi vậy bác?
– Chuyện là thằng cháu có làm cái rẫy trồng cây ăn trái, nuôi heo ở doi đất cuối bờ sông Giang Hà. Chỗ đó hơi vắng, nên nó muốn nuôi vài con chó bầu bạn lúc đêm hôm khuya khoắt.
– Ra vậy, số của ông Kim đây.
Bà chủ Hạnh Lùn vừa móc điện thoại, vừa tra số anh Kim để đọc cho ông Khâu lưu, vừa tính thừa tiền thối lại, nhưng ông Khâu khoát tay bảo “thôi”. Chị ngạc nhiên.
– Sao thế bác?
– Xin phép biếu chị chút tiền mọn thay lời cảm ơn vì chị đã cho tôi biết địa chỉ người bán chó.
– Ồ, bác trai hào phóng quá!
Lối vào nhà ông Kim bán chó, hai bên trồng 2 hàng chè tàu cắt tỉa gọn gàng, vuông vức. Trên ngọn chè tàu vài chiếc lá không tên rụng xuống vàng vọt, yên tĩnh. Ông Khâu dựng xe, ngó nghiêng bên phải bỗng phát hiện một chuồng chó 2 tầng làm bằng lưới sắt B40, trong đó nhốt hơn chục con chó thương phẩm. Chuồng được đặt bên hông nhà, mái chuồng lợp tôn màu xanh vồng tròn, hoen gỉ. Dưới đất một thau nước đục ngầu hình như để làm mát, hoặc múc cho chó uống. Ông Khâu tằng hắng cốt để đánh động chủ nhà.
– Anh Kim có nhà không?
– Có đây, chờ chút.
– Chào anh, anh cho tôi hỏi thăm ở làng mình có ai bán đất nền làm nhà không vậy?
– Có đấy bác, sau lưng nhà tôi bà Bốn cũng định bán bớt vài trăm mét lấy tiền sửa nhà; phía trước ông Tám cũng định nhường vài sào cho con ít vốn mang lên thành phố làm ăn. Chung quanh đây còn vài hộ nữa, nghe đâu cũng treo bảng mấy tháng nay.
– Ủa, làng mình có quy hoạch, quy huyết gì không mà chộn rộn việc mua bán đất vậy anh?
– Ôi, ngày nào cũng rộ tin làm đường, mở khu công nghiệp, xây trường đại học. Quận ngoại thành mà bác.
– Tin tức ấy có chính xác không hay chỉ đồn đoán linh tinh?
– Chả biết đúng sai thế nào, mà khắp làng cứ nháo nhào. Chỗ này xây dựng khu đô thị, chỗ kia mở rộng khu dân cư. Chỗ nọ triển khai dự án siêu thị, trung tâm ngoại ngữ loạn cào cào. Đất đai cứ thế lao theo vùn vụt những mấy chục triệu một mét vuông, khối người lo lắng mất ăn mất ngủ.
– Vui nhỉ!
– Vui buồn gì bác, chỉ thêm phiền phức. Vài ba hôm lại có người ghé hỏi mua đất, mua nhà. Rồi xin coi sổ hồng, xin phô tô bìa đỏ phát mệt.
Ông Khâu đã biết cách bắt cầu thông tin từ câu chuyện đất đai sôi động, thường trực ở những vùng nông thôn ngoại thành như hiện nay vốn chưa có hồi kết, vốn đang xáo trộn sự bình yên của làng quê Việt Nam do một số doanh nghiệp bất động sản thiếu tâm, thiếu tầm kích hoạt nhằm chờ thời. Theo đó ông Khâu đã khôn khéo lái sang câu chuyện trộm chó một cách khá tự nhiên khiến anh Kim tin tưởng, phó mặc cho tình hình khách quan mà không phải đắn đo, cân nhắc.
Hôm sau. Hôm sau nữa ông Khâu lại đến. Ông mang theo con gà nướng lu làm mồi. Phía anh Kim đối ứng lại chai rượu Làng Vân – Danh tửu Kinh Bắc trong veo. Cứ thế một chủ, một khách bắt đầu uống rượu; bắt đầu làm bạn, bắt đầu nói chuyện về đất đai; nhà cửa đến chuyện nuôi chó, mất chó, thương chó, ghét chó. Cả hai trải lòng một cách thỏa mái, không giữ kẻ, giữ miếng gì. Song ông Khâu không vội vàng kết luận mà khai thác từ từ từng tình tiết nhỏ nhất đến hành vi lớn nhất để xâu chuổi câu chuyện hoàn hảo, hợp lý hợp tình.
– Anh Kim biết quán cầy tơ 7 món Hạnh Lùn không?
– Biết chứ, tôi bán chó cho bà Hạnh mà.
– Vậy chó anh bắt ở đâu nhiều thế?
– Chuyện này dài dòng lắm, bác chả cần biết làm đếch gì cho mệt. Bác đến đây rồi coi như duyên kỳ ngộ, cứ nhậu với em cho đã đời dân đen. Mà nè, lần sau bác không cần mang mồi đến làm gì, em lo tất.
– Vâng anh.
Có lúc tưởng chừng anh Kim kể hết đầu đuôi câu chuyện trộm chó ngay và luôn cho ông Khâu nghe. Song cứ gần đến đích anh lại dừng lại như có ai đó mách bảo.
– Đừng kể, ông ta báo công an bắt anh đấy!
Kỳ thực ông Khâu không nghĩ nhiều như vậy đâu. Trước mắt ông chỉ cần biết anh Kim có trộm chó ở khu phố 5B của ông không? Có làm cho người dân tức tối, căm ghét kể cả nếu bắt được thủ phạm họ sẵn sàng manh động không? Rồi sau đó từ từ tính tiếp, nhưng để chu toàn việc này ông cần phải ghi âm lại tất cả câu chuyện giữa ông và anh Kim. Ông bắt đầu tìm hiểu tiện ích ghi âm lời nói trên điện thoại di động một cách chính xác để lần sau tác nghiệp đạt hiệu quả. Ông cười, nụ cười đầy trăn trở của một người lính từng mang súng sang tận nước bạn Campuchia chiến đấu bảo vệ hòa bình thế giới, bây giờ có mỗi tên trộm chó cũng bắt không được là sao? Câu hỏi tự nhiên treo lơ lửng như vầng trăng thượng tuần.
Trưa xế. Ông Khâu và anh Kim uống gần hết chai rượu Làng Vân, nhìn kỷ dưới đáy chai chỉ còn mỗi cái “lông đền” sóng sánh. Cũng có nghĩa rượu bắt đầu ngấm vào 2 đệ tử lưu linh; chân tay họ bắt đầu quýnh quáng, miệng nói lắp. Có điều họ rất đoàn kết, thấu hiểu chứ không căng thẳng hay đố kỵ. Họ nắm tay nhau dắt ra vườn, ra ao, ra chuồng chó để tham quan. Anh Kim chỉ tay vào con lông vàng, kể lể.
– Con này gần 7kg, nó khỏe lắm. Lúc bắt nó thằng cháu chở tôi ngồi sau xe máy; tôi cầm cái thòng lọng bằng inox dài hơn 1 mét, quàng vào cổ chó cái rẹt rồi kéo lê đến hơn 10 mét mới tóm được. Bấy giờ nó gần như kiệt sức nhưng miệng cứ sủa oang oang, tôi phải dùng băng keo bịt kín mõm nó lại. Sau đó cột luôn 4 chân và bỏ vào bao tải mà nó vẫn giãy đành đạch. Đúng là đồ chó!
– Anh tìm đâu ra cái thòng lòng inox?
– Mua trên mạng thiếu gì. Trên đó bây giờ bán đủ các loại dụng cụ; kể cả dụng cụ bẫy cá, bẫy gà, bẫy rắn, bẫy lươn tất tần tật có hết.
Ông Khâu phấn khởi khi nghe anh Kim mở lòng kể hết câu chuyện bắt chó. Ông tự nhũ phải hết sức thận trọng, từ tốn, không nông nón bởi, cơ hội không đến 2 lần. Ông chỉ tay vào con chó lông đen.
– Còn con này thì sao?
– Con đó không khỏe bằng con lông vàng, nhưng nó rất khôn. Tôi phải dùng súng điện tự chế mới bắt được nó.
– Súng điện tự chế là sao?
– Đơn giản thôi. Mài 2 mũi tên bằng sắt thật nhọn, nối mũi tên với khúc dây điện dài khoản 10 mét với bình ắc quy gắn liền bộ phận xung điện mạnh hàng trăm Vol giấu dưới yên xe máy. Bắn một phát nằm ngay đơ, chó mèo nào chịu nổi bác.
– Còn mấy con kia?
– Ồ, lâu quá tôi cũng quên mất. Có con tôi đánh bằng bả chó nhưng bả chó độc lắm vì làm bằng chất độc xyanua trộn với bột lưu quỳnh, chỉ cần một lượng nhỏ đủ hạ gục một con chó trên 10kg.
– Làm sao chó ngấm độc dược này được hả anh?
– Chiên đùi gà thật vàng, thật thơm hoặc kho thị heo thật ngon, rắc bả chó vào bên trong các thức ăn này, rồi quăng cho chó ăn. Ăn xong chó chết ngay tức khắc.
– Còn nếu chó ăn ít không đủ lượng?
– Thì cũng vật vờ, xỉu lên xỉu xuống mình cũng bắt luôn, như con này.
Anh Kim vừa giải thích vừa chỉ tay vào chuồng chó ngay con vện đang nằm thè lưỡi thở ra mệt mỏi. Anh Kim tiếp tục.
– Hiện nay ở thị trường người ta có bán loại bả chó tinh chế như viên kẹo mút, vớ phải thứ này chết nhanh hơn, kể cả con người. Nhất là các em học sinh bất cẩn dễ mua nhầm lắm.
– Còn cách bắt chó nào nữa?
– Còn nhiều cách nhưng tôi không áp dụng như đánh bằng gậy ngay mang tai chó, xịt hơi cay, dùng dao chém, dùng kiếm đâm rất dã man.
Ông Khâu thoáng rùng mình nhưng cố trấn tỉnh, giả vờ lắc lắc chuồng chó rồi hỏi anh Kim.
– Chừng này chó cân được trăm kg không anh?
– Chắc hơn. Tổng cộng cả chuồng gồm 17 con. Bình quân mỗi con 12 kg, vị chi khoản 200 kg. Bữa nay giá mỗi kg chừng 60.000 đồng, nếu bán hết thu về hơn 12 triệu. Dạo này quán xá ế ẩm, vài ba ngày mới xuất 1 con mấy trăm ngàn, đủ tiêu chứ không dư dả gì.
– Số chó này anh bắt ở đâu vậy?
– Nhiều nơi, nhưng tập trung nhất là khu phố 5B.
– Lý do?
– Dân ở đây ghiền nuôi chó lắm, hơn nữa chó cũng rất hiền, dễ bắt. Gặp người lạ nó thường cúp đuôi, biểu hiện phấn khích chứ không sợ hãi.
– Sao anh Kim không chọn việc khác làm, đỡ mang tội.
– Cũng đang tính đổi nghề, nhưng chưa biết nghề gì khấm khá hơn trộm chó. Biết rằng nghề này vừa ác, vừa nguy hiểm lỡ bị bắt dân chúng có thể đánh tới chết. Có khi đốt xác chung với phương tiện gây án là xe máy, súng điện, thòng lọng.
– Đồng thời cũng để lại tiếng xấu suốt mấy đời, ảnh hưởng đến tương lai con cháu sau này đúng không anh?
– Đúng vậy, nhưng mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh bác ơi!
– Anh có thể kể cho tôi nghe “mỗi cảnh” của nhà anh được không?
Anh Kim nửa lắc nửa gật cái đầu gần như trĩu nặng bởi, câu chuyện làm ăn, câu chuyện trộm cướp bất đắc dĩ do ông Khâu chủ đạo khơi lại hơn một tháng nay. Bất giác anh lặng người, nắm tay kéo ông Khâu vào nhà, ngồi xuống bàn nhậu, rót rượu vào ly. Chiều xuống, những đám mây phiêu bồng bắt đầu vần vũ, hội tụ. Bầu trời trở nên xám xịt, sắp sửa ập đến một cơn giông, một trận cuồng phong bão tố chăng? Ông Khâu bấm đốt tay nhẩm tính.
– Anh Kim trộm 17 con chó, tổng giá trị 12 triệu đồng ước tính, phạm vào tội trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên; hành vi gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội; phạm tội có tính chuyên nghiệp sẽ bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Đó là luật.
Tang chứng, vật chứng đủ rồi kể cả lời thú nhận của đương sự qua phần ghi âm trong điện thoại. Ông Khâu yên tâm ra về, coi như hoàn thành phân nửa nhiệm vụ, song hoàn cảnh xuất phát nghề trộm chó của anh Kim quá sức bi đát, ngoài sức chịu đựng của người bình thường khiến ông Khâu mủi lòng, định chùn bước.
– Hay tiếp tục đấu tranh?
Cuối cùng những bất cập trong lãnh vực bất động sản ở ngôi làng bên sông Giang Hà, đối diện với khu phố 5B đã được giải quyết thấu đáo thông qua phản ảnh của giới báo chí trung thực, trả lại sự bình yên cho người dân; ổn định cuộc sống cho bà Bảy, ông Chín về giá trị ảo trên từng mét vuông đất của cha ông để lại từ bao đời nay. Theo đó, câu chuyện trộm chó của khu phố 5B cũng đồng thời khép lại. Chó không những không bị ăn cắp mà còn được nuôi dưỡng nhiều hơn, nhưng không được thả rông.
– Phải chích ngừa thường xuyên nếu có hiện tượng bệnh dại, người dân không phải canh cánh giữ chó thay vì chó giữ nhà cho dân an tâm nghỉ ngơi.
Đọc xong đoạn phóng sự này ông Khâu gấp tờ báo Nhân Dân lại và hớp ngụm trà Thái Nguyên thơm ngát, mở lại đoạn ghi âm trong điện thoại. Giọng anh Kim nghẹn ngào.
– Con trai tôi không may bị chính con chó tôi nuôi cắn chết, nên tôi quyết tâm trả thù bằng cách bắt chó bán cho người ta làm thịt, chớ thật tình tôi hoàn toàn không biết ăn thịt chó, cũng như không có ý định trộm chó bán kiếm tiền.
Ngừng một lát, anh Kim nói tiếp vẫn cái giọng thều thào đáng thương.
– Ban đầu tôi toàn bắt trộm chó về cho bợm nhậu, nhưng dần dần bợm nhậu cho lại tôi tiền xăng xe, chi phí. Lâu ngày thành thói quen, họ quy ra kg, tính bằng tiền sòng phẳng để khỏi mang ơn.
Đó là lý do hành nghề trộm chó của anh Kim, tất nhiên không ai chấp nhận. Có điều sau khi biết ông Khâu – Tổ trưởng khu phố 5B điều tra về hành vi trộm chó của mình có ghi âm điện thoại hẳn hoi; anh Kim không những không giận ông Khâu, mà không bắt trộm chó ở địa bàn ông Khâu quản lý nữa. Thay vào đó anh Kim trở thành bạn thân với ông Khâu, hai người thường rủ nhau đi nhậu. Mồi nhậu có lúc một đĩa lòng heo xào củ nghệ, có khi búp chuối trộn với nhộng, hoặc lát cá khô nướng vàng chấm nước tương đạm bạc. Tuyệt nhiên không có luộc, nướng, mận, xáo và dồi trong menu cầy tơ 7 món.
Sài Gòn, 21/2/2023
Bình Địa Mộc
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...