Thứ Tư, 20 tháng 11, 2024

Về nguồn… xứ Thanh

Về nguồn… xứ Thanh

“Về nguồn”, đó là tên gọi cuộc hành trình về quê lần này của văn nghệ sĩ, nhà báo xứ Thanh tại Hà Nội. Nếu không có đại dịch covit vừa rồi thì chuyến đi có lẽ đã được thực hiện sớm hơn. Nhưng chẳng sao, bất kỳ khi nào, cứ được về thăm quê, nơi chôn nhau cắt rốn, nơi ắp đầy những kỷ niệm xưa, là chúng tôi thích lắm rồi.
Đoàn chúng tôi có trên 40 người, kể cả những người đi bằng phương tiện riêng thì tổng cộng trên 60 người. Họ là các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ và các nhà báo Thanh Hóa công tác và sinh sống tại Hà Nội.
Đúng 6 giờ sáng ngày 28 tháng 3 năm 2023, trời se se lạnh, chiếc xe buýt chở đoàn chúng tôi chuyển bánh, xuất phát từ rạp xiếc trung ương. Sáng sớm, đường thông thoáng, xe chúng tôi chạy bon bon trên đường, không hề gặp tắc đường ở bất kỳ nơi nào. Đoạn đường cao tốc êm thuận, gần trăm cây số, từ Pháp Vân đến Mai Sơn, càng làm cho cuộc hành trình của chúng tôi thuận buồm xuôi gió. Ở nơi kết thúc đoạn đường cao tốc, chúng tôi dừng xe, vào “Trạm dừng nghỉ Xuân Khiêm”.  Tôi thật sự ngạc nhiên trước công trình rất hoành tráng, rất hiện đại, tầm cỡ 5 sao này. Sân đỗ xe rộng mênh mông, chia ô rạch ròi cho xe đỗ. Khu dịch vụ rộng như một đại siêu thị, với đầy đủ các chủng loại mặt hàng, các đặc sản vùng miền. Đặc biệt, các mặt hàng bày bán tại đây đều thuộc loại hàng “sạch”, nhất là thực phẩm.
Tôi thực sự ngỡ ngàng khi vào khu vệ sinh. Tất cả mọi thiết bị đều hiện đại, sạch sẽ, bóng loáng, rất tiện lợi cho khách sử dụng. Khu vực nhà vệ sinh thơm mùi hương liệu, cho cảm giác dễ chịu. Tôi được biết, gần đây báo chí kêu ca rất nhiều về nhà vệ sinh công cộng, đến nỗi người ta bảo rằng, cái yếu, cái thiếu, sự nhếch nhác của nhà vệ sinh công cộng ở nước ta đã ảnh hưởng đến cả lượng khách du lịch vào Việt Nam?!. Tuy nhiên, tôi có thể mạnh dạn nói rằng, “Trạm dừng nghỉ Xuân Khiêm” và đặc biệt khu vực nhà vệ sinh ở đây rất đẳng cấp, tầm cỡ 5 sao, có thể chọn làm công trình mẫu cho các công trình tương tự loại này dọc theo các đường cao tốc của Việt Nam. Tôi dám chắc, khi làm được như vậy thì sẽ không một du khách nước ngoài nào, không một việt kiều nào và không một người Việt Nam nào còn chê bai nhà vệ sinh công cộng của chúng ta nữa.
Sau cuộc dừng nghỉ ngắn ngủi, đoàn chúng tôi tiếp tục di chuyển về Thanh Hóa, và 9 giờ 30 sáng đến nhà khách tỉnh ủy. Từ Hà Nội vào đây chúng tôi đi mất 3 tiếng rưỡi đồng hồ.  Tôi chạnh nhớ, hồi những năm gian khó trước đây, có lần tôi đi xe lửa từ Hà Nội về Thanh Hóa mất 12 giờ đồng hồ, xuất phát lúc 8 giờ sáng mà mãi 20 giờ tối mới đến nơi.
Mở đầu chương trình “Về nguồn” là buổi gặp mặt giữa lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và đoàn  văn nghệ sĩ, nhà báo xứ Thanh tại Hà Nội. Sự hiện diện của các vị lãnh đạo cao nhất của tỉnh tại cuộc gặp mặt thể hiện sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đối với đội ngũ văn nghệ sĩ, nhà báo xứ Thanh đang công tác, sinh sống tại Hà Nội. Đó là các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh; Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Đào Xuân Yên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh. Các vị lãnh đạo Hội đồng hương Thanh Hóa tại Hà Nội, đứng đầu là Chủ tịch Lê Huy Ngọ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, nguyên Bí thư Tỉnh Thanh Hóa đã thân chinh về quê tham dự cuộc gặp mặt trang trọng này. Thường trực Hội Văn nghệ sĩ, nhà báo xứ Thanh tại Hà Nội cùng hơn 60 hội viên Hội văn nghệ sĩ, nhà báo xứ Thanh tại Hà Nội, những người tham gia cuộc hành trình “Về nguồn” hiện diện tại hội trường.
Tại buổi gặp mặt, thay mặt lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, đã phát biểu, bày tỏ vui mừng được đón tiếp Ban liên lạc đồng hương Thanh Hóa tại Hà Nội; các văn nghệ sĩ, nhà báo xứ Thanh tại Hà Nội trở về quê hương trong thời điểm Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh nhà đang nỗ lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023, đồng chí đã thông tin đến các văn nghệ sĩ, nhà báo tình hình phát triển kinh tế – xã hội, những kết quả nổi bật tỉnh đã đạt được trong thời gian qua.
Thông báo định hướng phát triển của tỉnh trong thời gian tới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng mong muốn các văn nghệ sỹ, nhà báo xứ Thanh tại Hà Nội bằng tình cảm, trí tuệ, tài năng của mình, tiếp tục hướng về quê hương, tập trung quan tâm phản ánh, khắc họa, làm nổi bật 5 vấn đề lớn, đó là: truyền thống cách mạng, văn hóa, lịch sử hào hùng của quê hương, vẻ đẹp của đất và người Thanh Hóa; đề tài về công nghiệp, công nhân; đề tài nông nghiệp – nông dân và nông thôn; vấn đề giữ gìn, khai thác, phát huy các giá trị văn hóa và phát triển du lịch; đề tài phát triển đô thị, kinh tế đô thị trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mong rằng, các văn nghệ sĩ và nhà báo xứ Thanh sẽ có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí có giá trị về quê hương Thanh Hóa, góp phần khơi dậy, phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng vẻ vang của quê hương, những giá trị văn hóa, lịch sử tốt đẹp của vùng đất và con người Thanh Hóa; xây dựng quê hương Thanh Hóa ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Đại diện Hội văn nghệ sĩ, nhà báo xứ Thanh tại Hà Nội, tiến sỹ, nhà thơ Lê Tuấn Lộc, đã phát biểu, trân trọng cảm ơn tình cảm, sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh dành cho các văn nghệ sĩ, nhà báo và các hoạt động của Hội; đồng thời báo cáo khái quát về kết quả hoạt động của Hội trong 7 năm qua, kể từ khi Hội tổ chức chuyến đi “Về nguồn” lần thứ nhất vào năm 2016. Sau chuyến đi này, các hội viên đã có nhiều chương trình, tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí, tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về quê Thanh. Trong khuôn khổ chuyến đi “Về nguồn” lần thứ 2 này, các hội viên sẽ đi thực tế tại một số địa phương trong tỉnh; nhằm có thêm thông tin phục vụ sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí có nội dung phong phú, giá trị về quê hương Thanh Hóa.
Bài phát biểu giàu tính thuyết phục của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đã gây ấn tượng mạnh mẽ đối với những người tham dự cuộc gặp gỡ. Riêng tôi, tôi thật sự ngỡ ngàng và vô cùng xúc động khi đồng chí Bí thư nói rằng, tác phẩm “Tôi và làng tôi” đã để lại cho đồng chí nhiều cảm xúc từ những câu chuyện kể trong truyện, khiến cho người đọc có cảm giác họ như được gặp lại, được thấy lại những hình của chính mình thời thơ ấu ở làng. Tôi ngỡ ngàng và xúc động còn là vì, tuy bận trăm công ngàn việc nhưng đồng chí Bí thư vẫn dành thời gian đọc các tác phẩm văn học của văn nghệ sĩ.
Nhân dịp này, Hội Văn nghệ sĩ, Nhà báo xứ Thanh tại Hà Nội đã trao tặng phác thảo tượng Mẹ Tơm cho huyện Hậu Lộc; đồng chí Lê Huy Ngọ, Chủ tịch Hội đồng hương Thanh Hóa tại Hà Nội và các hội viên Hội Văn nghệ sỹ, Nhà báo xứ Thanh tại Hà hội đã trao tặng sách cho lãnh đạo tỉnh và Thư viện tỉnh Thanh Hóa.
Tối ngày 28 tháng 3 năm 2023 đêm giao lưu nghệ thuật chủ đề “Về nguồn” đã được tổ chức trang trọng tại Nhà hát Ca múa Kịch Lam Sơn tp. Thanh Hóa, với sự hiện diện của Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đào Xuân Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đầu Thanh Tùng và Chủ tịch Hội đồng hương Thanh Hóa tại Hà Nội, Lê Huy Ngọ. Đúng 8 giờ tối, nhà hát với sức chứa trên 600 chỗ ngồi không còn một chỗ trống. Đại gia đình tôi – các em, các cháu tôi, từ huyện Thiệu Hóa, cách nhà hát 16km, cũng hồ hởi về đây xem chương ca nhạc.
Trong lời phát biểu khai mạc chương trình nghệ thuật, ông Phạm Nguyên Hồng , Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lich nhấn mạnh:
Trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMT Tổ quốc tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm đến sự nghiệp văn học nghệ thuật; trân trọng, ghi nhận, đặt niềm tin vào đội ngũ văn nghệ sĩ là con em của tỉnh nhà đang công tác, sinh sống trên mọi miền Tổ quốc, có nhiều cống hiến, sáng tạo, sáng tác các tác phẩm văn học – nghệ thuật có giá trị tư tưởng, giá trị nghệ thuật cao, xứng tầm với vùng đất cách mạng của quê hương Thanh Hóa anh hùng; thể hiện trách nhiệm công dân của văn nghệ sĩ với tiến trình xây dựng tỉnh Thanh Hóa ngày càng trở nên giàu đẹp.
Hội Văn Nghệ sĩ – Nhà báo xứ Thanh tại Hà Nội là nơi tập hợp, giao lưu của các văn nghệ sĩ, những người con Thanh Hóa đã thành danh, có người đã khẳng định được tài năng, đạt được nhiều danh hiệu, giải thưởng cao quý của Nhà nước trong lĩnh vực Văn học, nghệ thuật. Bằng tình yêu quê hương, đất nước và tâm hồn nghệ sỹ, các văn nghệ sỹ đã sáng tạo nhiều tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật có giá trị, góp phần bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách con người trong thời đại mới, định hướng dư luận xã hội, xây dựng đời sống, môi trường văn hóa lành mạnh; góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng quê hương Thanh Hóa giàu đẹp.
Việc tổ chức Chương trình “Về nguồn” của Hội Văn nghệ sĩ – Nhà báo Xứ Thanh tại Hà Nội là biểu hiện sinh động tình cảm của các Văn nghệ sĩ – Nhà báo xứ Thanh với quê hương Thanh Hóa; đồng thời, khẳng định sự quan tâm, ghi nhận của lãnh đạo tỉnh đối với những đóng góp của các văn nghệ sĩ, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng của tỉnh.
Đêm giao lưu nghệ thuật là sự kết nối của các nghệ sỹ đang hoạt động nghệ thuật tại Thanh Hoá và Hà Nội, nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất và người xứ Thanh. Sau 7 năm, đây là lần thứ 2 chương trình được tổ chức tại Thanh Hoá. Nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc về quê hương xứ Thanh đã được trình diễn trong chương trình, mang lại nhiều ấn tượng, cảm xúc sâu lắng cho khán giả.
Trong đêm giao lưu văn nghệ này tôi cũng được đóng góp một tiết mục. Bài thơ “Nơi sông Mã sông Chu” của tôi, viết về quê Thanh, vùng đất địa linh nhân kiệt, được NSƯT Thu Hài trình diễn rất thành công. Khổ thơ cuối cùng của bài thơ (phù hợp với chủ đề “Về nguồn”), tôi viết: Trời tỉnh Thanh hôm nay nắng chói chang/ Tắm mát hồn tôi sông Chu sông Mã/ Người quê tôi dù có đi muôn ngả/ Nhớ sông Chu sông Mã lại muốn về.
Đoàn “Về nguồn” tham quan Nhà máy thép Nghi Sơn
Sáng ngày 29 tháng 3 năm 2023 đoàn chúng tôi đến thăm Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tại đây. Khu kinh tế Nghi Sơn được thành lập năm 2006, với diện tích 18.611,8 ha, bao gồm 12 xã phía Nam của huyện Tĩnh Gia (nay là thị trấn Nghi Sơn). Ngày 07/12/2018 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung, xây dựng KKT Nghi Sơn đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, theo đó Nghi Sơn được mở rộng từ 18.611,8 h lên 106.000 ha, gồm toàn bộ thị xã Nghi Sơn và 06 xã thuộc huyện Như Thanh và Nông Cống. Theo quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Thanh Hóa sẽ có 19 khu công nghiệp với diện tích đự kiến đến năm 2030 là 6.045 ha và sau năm 2030 là 6.809ha.
Mục tiêu cụ thể năm 2023: Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 265.000 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đật 5.700 triệu USD, thu ngân sách nhà nước đạt 26.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 10.000 người.
Định hướng xây dựng và phát triển KKT Nghi Sơn và các KCN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong thời gian tới ghi rõ:
Xây dựng và phát triển  KKT Nghi Sơn trở thành một trong những trung tâm đô thị, công nghiệp và dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước, với các tổ hợp công nghiệp mũi nhọn là: lọc hóa dầu, nhiệt điện, luyện cán thép, xi măng, chế biến hàng xuất khẩu, gắn với khai thác có hiệu quả cảng biển Nghi Sơn, hình thành trung tâm cảng biển, dịch vụ thương mại, logistics, cùng với các đô thị hiện đại, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh, khu vực và cả nước.
Chúng tôi thật sự bị choáng ngợp khi đến thăm nhà máy luyện phôi và cán thép hiện đại,  thuộc Tập đoàn VAS Nghi Sơn, với công suất mỗi năm: 4.350.000 tấn phôi thép vuông và 2.550.000 tấn thép xây dựng. Sản phẩm thép VAS đã được chứng nhận đáp ứng các tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), tiêu chuẩn Nhật Bản (JIS), và tiêu chuẩn Hoa Kỳ (ASTM).
Hệ thống cảng biển do VAS tự đầu tư xây dựng tạo nên một hệ sinh thái hoàn chỉnh phục vụ cho chiến lược kinh doanh bền vững của VAS. Hệ thống cảng biển, bến bãi, có khả năng xếp dỡ và lưu thông hàng hóa qua cảng với năng lực: Trên 15.000.000 tấn/năm đối với hàng hóa rời và trên 100.000 tấn/năm đối với hang hóa container. Một đặc điểm của VAS là thực hiện công nghiệp xanh, sản xuất và bảo vệ môi trường luôn luôn song hành. Quả vậy, đi trong khu vực các nhà máy thép của VAS chúng tôi thấy có rất nhiều cây xanh, không khí mát lành, rất “sinh thái”.
Đoàn chúng tôi đến thăm thành phố Sầm Sơn vào một buổi sáng mưa phùn, trời se se lạnh, đúng lúc lãnh đạo thành phố đang khẩn trương chuẩn bị Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập đô thị Sầm Sơn (19/4/1963 – 19/4/2023), khánh thành quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội thành phố Sầm Sơn và khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2023.
Được thành lập năm 2017, thành phố Sầm Sơn năm 2023 đã trở thành một thành phố du lịch biển hiện đại với đường phố rộng thênh thang, sạch đẹp; khách sạn, chung cư cao tầng mọc lên san sát. Thành phố có bờ biển dài 12,8km, biển Sầm Sơn nước trong xanh, chứa nhiều khoáng chất, khi hậu trong lành, mát mẻ. Bãi biển Sầm Sơn thoải đều từ tây sang đông, trong đó có 7km bãi cát trắng mịn, bằng phẳng, là một trong những bãi tắm đẹp nhất cả nước. Về thăm Sầm Sơn lần này tôi lấy làm ngạc nhiên khi được đi trên quảng trường, truc cảnh quan lễ hội, rộng mênh mông, dài đến 2,6km, với nhiều cây cối mới trồng và hàng loạt tháp trống đồng. Quảng trường này sẽ được cắt băng khánh thành trong một ngày gần đây. Có lẽ ở Việt Nam ta không có thành phố, địa phương nào lại có quảng trường dài rộng mênh mông như thế này. Công trình này chắc chắn sẽ làm hài hài lòng khách du lịch thập phương đến nghỉ dưỡng tại đây, từ mùa hè năm 2023.
Tôi còn nhớ, hè những năm tôi học Trường cấp III Lam Sơn, tỉnh đoàn Thanh Hóa thường tổ chức trại hè ở đây. Hồi đó Sầm Sơn hoang vắng, nhà cửa thưa thớt, chỉ lác đác vài căn nhà cấp bốn thuộc các cơ quan tỉnh, ven biển là bãi cát dài với loài cây độc nhất là cây sa mộc. Ngày hè hồi đó ở Sầm Sơn chẳng thấy có người tắm biển, bãi biển vắng tanh, sóng biển vỗ một mình, chỉ thấy có dân chài kéo lưới. Bây giờ Sầm Sơn đã hoàn toàn thay da đổi thịt, biến đổi từng ngày. Có thể nói Sầm Sơn  đã thay đổi đến từng mét vuông, duy chỉ có một thứ không thay đổi, không suy suyển, vẫn “trơ gan cùng nguyệt”, đó là: Hòn Trống Mái, kiệt tác cuả thiên nhiên, tượng đài vĩnh cữu của tình yêu chung thủy.
Về thăm huyện Đông Sơn chúng tôi được ông Lê Thế Sơn, Phó Chủ tịch huyện nồng nhiệt tiếp đón và thông báo tình hình mọi mặt của huyện nhà. Diện tích tự nhiên của huyện là 82,87 cây số vuông, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 4.600 ha; dân số trên 78 ngàn người, có 13 xã và 01 thị trấn. Có thể khẳng định, hiện nay diện mạo nông thôn Đông Sơn đã có sự thay đổi toàn diện. Năm 2022 tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất của huyện đạt 18,3% (đứng thứ 5 toàn tỉnh); thu nhập bình quân đầu người đạt 54,68 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 0,34% (đứng thứ 2 toàn tỉnh); có 62/85 thôn đạt tiêu chuẩn nông thôn kiểu mẫu, 5 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới nâng cao, 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đông Sơn là huyện dẫn đầu phong trào xây dựng nông thôn mới của cả tỉnh. Đường giao thông của các xã trên địa bàn huyện được nhựa hóa, cứng hóa, đảm bảo tiêu chuẩn của Bộ Giao thông vận tải; Có 42,8/42,8 km đường xã được nhựa hóa, bê tông hóa đạt chuẩn, đảm bảo ô tô đi lại quanh năm. Đạt 100%. Có 47,33/47,33 km đường thôn, trục thôn được bê tông hóa đạt chuẩn, đảm bảo báo ô tô đi lại quanh năm. Đạt 100%. Có 62,5/64,87 km đường ngõ xóm được bê tông hóa đạt chuẩn, sạch và không lầy lội vào mùa mưa. Đạt 96,5 %. Có 70,5/76,5 km đường trục chính nội đồng được bê tông hóa, cứng hóa đạt chuẩn, đảm bảo vận chuyển hàng  hóa thuận tiện quanh năm. Đạt 92%. Ban Thường vụ Huyện ủy  xác định, việc hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn là cuộc cách mạng cuối cùng, do đó  các tuyến đường giao thông nông thôn trước đây chỉ rộng 3-4m, thậm chí chí 2m và không có rãnh thoát nước thì nay nhiều tuyến đường được mở rộng từ 5,5 – 7,5m, có rãnh thoát nước dọc hai bên đường. Từ năm 2020, tại các thôn trên địa bàn huyện, nhân dân đã hiến trên 142.812 mét vuông đất, trong đó có nhiều gia đình tháo dỡ nhà cửa, công trình kiến trúc để mở rộng đường giao thông, giao thông nội đồng… Xe ô tô của đoàn chúng tôi chạy bon bon trên đường làng sạch đẹp là minh chứng cho thành quả phát triển giao thông nói trên của huyện Đông Sơn…
Thăm huyện Đông Sơn, chúng tôi lấy làm mừng khi tận mắt chứng kiến nông thôn nước ta ngày nay đã hoàn toàn thay da đổi thịt về mọi phương diện, chất lượng sống của người dân được nâng cao rõ rêt, cái đói, cái nghèo đã lui vào dĩ vãng.
Chuyến đi “Về nguồn” lần này là chuyến đi thật sự bổ ích đối với giới văn nghệ sĩ, nhà báo chúng tôi. Những gì tai nghe mắt thấy, những thông tin, tư liệu thu thập được sẽ là những chất liệu quý giá giúp chúng tôi cho ra đời những tác phẩm văn thơ mới, viết về quê Thanh yêu dấu, đáp lại sự  quan tâm và chăm sóc chu đáo của lãnh đạo tỉnh nhà đối với văn nghệ sĩ và nhà báo xứ Thanh tại Hà Nội.
Hà Nội, 2/4/2023
Lê Bá Thự
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những chuyến đò mưa

Những chuyến đò mưa Đò chở những bà mẹ nghèo sang chợ Than bên kia sông bán những thứ của nhà làm ra hoặc buôn thúng bán mẹt. Năm ngày 2 p...