Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2024

Xuân bay trên động hoa vàng

Xuân bay trên động hoa vàng

Trường ca Động hoa vàng được Phạm Thiên Thư sáng tạo năm 1971, trong thời gian tác giả tạm lánh bụi trần, vô Tu viện Pháp Vân (Sài Gòn) làm tu sĩ gần mười năm (1964 – 1973). Đúng như lời tác giả nói, ông vô chùa để tu theo lối riêng mình. Động hoa vàng là một trong những lối tu riêng ấy: làm Thơ để trình bày Đạo mà người đời gọi là ông “thi hóa kinh Phật”.
Động hoa vàng gồm 100 khổ thơ lục bát, mỗi khổ 4 dòng, tổng cộng 400 dòng. Có khá nhiều dòng thơ được ngắt thành hai, ba, thậm chí bốn chỗ xuống dòng:
Chim từ bỏ động hoa thưa
người từ
tóc biếc đôi bờ
hạ
đông
lên non kiếm hạt tơ hồng
đập ra chợt thấy
đôi dòng
hạc bay
Ý thức làm mới hình thể thơ lục bát như vậy cũng làm cho ý thơ vừa nhẹ hơn, vừa sâu hơn, trong trường hợp này càng hợp hơn, làm cho thơ tỏa chất Thiền. Sau này, nhiều thi sĩ cũng làm lối lục bát như vậy, họ gọi đó là sự cách tân thơ lục bát truyền thống.
Một bản trường thi chen lẫn yếu tố tự sự là sự tiếp nối thành tựu thơ Việt trên con đường hiện đại hóa. Động hoa vàng mở ra là hiện tại-vô tướng:
Mười con nhạn trắng về tha
Như Lai
thường trụ trên tà áo xuân
vai nghiêng nghiêng suối tơ huyền
đôi gò đào
nở
trên miền tuyết thơm
Tiếp nối mạch trữ tình là hồi cố về một thời hoa mộng:
Con khuyên nó hót trên bờ
em thay áo tím thờ ơ giang đầu
tưởng xưa có kẻ trên lầu
ngày xuân gieo nhẹ trái cầu gấm hoa
Tóc dài cuối nội mây xa
vàng con bướm nhụy lẫn tà huy bay
dùng dằng tay lại cầm tay
trao nhau khăn lụa nhớ ngày sầu đưa
Trước nghiệt ngã của sự đời ly tan, ta chọn Đạo, chọn “trăng khuya: pháp bảo, trăng tà: vô ngôn”, chọn “khói trầm thơm tụng kinh hiền” để giải thoát sầu bi, để đạt tới cõi tâm không:
Sư lên chót đỉnh rừng thiền
trong tim chợt thắp một viền tà dương
ngón tay nở nụ đào hương
cầm nghiêng tịnh độ một phương diệu vời
Để rồi cuối cùng, tập thơ đọng lại mãi mãi sự thanh thoát của “động hoa vàng” chân như:
Đưa em tìm Động Hoa Vàng
then mây khóa một niết bàn bên khe
mai sau viễn khách nào nghe
tìm lên xin hỏi một bè mây xanh
Thế giới nghệ thuật Động Hoa vàng có Như Lai, có Phật, có thiền sư (“thiền sư ngắt cỏ cúng dường Phật thân”, “động nam hoa có thiền sư”, “mặc chi cởi áo thiền sư ỡm ờ”,…) nhưng cũng có một câu chuyện tình yêu không thành:
Ngày xưa em chửa theo chồng
mùa xuân em mặc áo hồng đào rơi
mùa thu áo biếc da trời
sang đông lại khoác lên vời áo hoa
Chính yếu tố lãng mạn đó làm cho Động hoa vàng hữu sự lại hữu tình, kéo dài 100 khổ thơ đánh vào trí tò mò của người thưởng thơ, nhất là bản trường ca này được biết nhiều qua bản nhạc của Phạm Duy có cái tựa càng lãng mạn hơn: Đưa em tìm động hoa vàng!
Thi sĩ Phạm Thiên Thư khéo léo đan cài một câu chuyện đẫm màu sắc Đạo giáo nữa vào bản “thi hóa kinh Phật” của mình: câu chuyện Từ Thức tiên hôn lục (Từ Thức lấy vợ tiên) được Nguyễn Dữ ghi chép lại trong Truyền kỳ mạn lục. Chuyện kể quan tri huyện Từ Thức tính tình phóng khoáng, hòa hoa đã cởi áo gấm đền cho người giữ hoa mà cứu người con gái  sơ ý làm gãy cành hoa mẫu đơn. Sau, Từ Thức từ quan đi chu du, lạc đến Thiên Thai, gặp lại người con gái làm gãy cành hoa mẫu đơn ngày trước. Hai người thành vợ chồng, sống với nhau chừng một năm, Từ Thức nhớ quê, nhớ cõi trần, xin được trở lại quê cũ. Nào ngờ, một năm cõi tiên bằng trăm năm cõi trần. Không còn ai nhớ chàng nữa, chàng bèn tìm đường trở lại động Phù Lai nhưng tất cả đã khép:
Cửa động
Đầu non
Đường lối cũ
Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi
(Tống biệt – Tản Đà)
Nhạc sĩ Phạm Duy mở đầu bản nhạc Đưa em tìm động hoa vàng bằng  hai câu cuối của khổ thơ thứ 41:
rằng xưa có gã từ quan
lên non tìm động hoa vàng ngủ say
Điều đó có nghĩa là tác phẩm của nhạc sĩ họ Phạm bắt đầu bằng chuyện của quá khứ, kể câu chuyện bằng âm thanh theo dòng thời gian. Còn câu chuyện bằng thơ của thi sĩ họ Phạm là sự đan xen hiện tại-quá khứ-hiện tại. Quá khứ là một vị quan không màng lợi danh, lại gặp chuyện buồn (người yêu đi lấy chồng) bèn “từ quan” “lên non”, “vào non” để tu thân-tu tánh-tu tâm (tìm động hoa vàng ngủ say).
Nhân vật trữ tình xưng “anh”, “tôi”, chính là “gã từ quan” – kẻ chán chuyện công danh, chán giấc mộng hòe, đi tìm và đã đạt tới quán chiếu:
Hoa vàng ta để chờ anh
hiện thân ca hát trên nhành tâm mai
trần gian chào cõi mộng này
sông Ngân tìm một bến ngoài hóa duyên
Chia xa “em” mười năm trước, ta nhỏ lệ, xuống tóc từ giã phù vân, “lên chót đỉnh rừng thiền”. Nào ngờ, trong giấc chiêm bao, em vẫn trở về, ta “giả bộ hờ hững” mà “nao nao” sương khói mộng mị:
Tình cờ như núi gặp mây
như sương đậu cánh hoa gầy tiêu dao
tỉnh ra thì giấc chiêm bao
chuyện mười năm cũ lại nao nao lòng
Và rồi, đến em, em cũng lại nương nhờ tay Phật:
– Ni về khép cửa chùa tu
sớm mai mở cổng quét thu vườn hồng
– áo em phất cõi di đà
ngón chân em nở cánh hoa đại từ
để trong giấc mộng, “người tiền kiếp” từng làm ta thẫn thờ “trèo lên cây bưởi” “bước xuống vườn cà”, nay tất cả chỉ còn lại một cõi không hư nhẹ nhàng, thanh thoát:
Một đêm nằm ngủ trong mây
nhớ người tiền kiếp cỏ cây hương trời
cây bưởi trắng ngát hương dời
nụ là tay Phật chỉ người qua sông
Quả là, Đạo trong Động hoa vàng thật đời, rất đời. Đậm đời mà vẫn vô tướng, chân như.
Nếu lược bỏ các yếu tố tự sự làm cớ cho mạch thơ thì toàn bộ thi hứng của Động hoa vàng chính là cảm thức thiền môn, hình sắc thiền tính. Triết cảm của thiền sư Tuệ Không (pháp danh của Phạm Thiên Thư) là một khi đã rũ bỏ tham dục, nương nhờ di đà thì toàn thế giới đọng kết lại một mùa xuân vĩnh viễn. Có thể thấy, hình tượng “xuân” xuất hiện khá nhiều (16 lần) trên 100 khổ thơ. Có thể kể ra như sau:
(1) Như Lai thường trụ trên tà áo xuân
(4) ngày xuân gieo nhẹ trái cầu gấm hoa
(8) mùa xuân em mặc áo hồng đào rơi
(20) em về hong tóc mùa xuân
(21) tay ươm nụ hạ hoa dời gót xuân
(25) áo xuân hạ nọ xanh hoài thu đông
(26) cũng bay rời rã trong dòng xuân thu
(31) bầu khô cất nậm rượu hồng uống xuân
(34) Mùa xuân bỏ suối vào chơi
(46) xuân sau mọc giữa chân thường cội hoa
(49) Mùa xuân mặc lá trên ngàn
(56) bơi lên nguồn cội tắm nhành suối xuân
(65) Cuối xuân ta lại tìm qua
(66) mùa xuân cắp rổ ra đồng vớt hoa
(69) bãi xuân sớm đậu chiều dời khói thu
(70) máu xuân mạch lạnh trong miền xương da
“Xuân” trước hết là mùa, mùa đầu tiên của năm, cũng là mùa đẹp nhất của năm, mùa của vẻ đẹp, sức sống, tình yêu. “Xuân” còn ẩn dụ cho vẻ đẹp vừa thanh tân, thanh tao, thanh xuân vừa tươi thắm, tươi tắn, tươi trẻ lại vừa nồng nàn, nồng say, nồng thắm… Trong 16 lần xuất hiện đó, “xuân” đa nghĩa như thế, đưa đến một thế giới hoài niệm tha thiết, bồi hồi. Song, những vẻ đẹp trần thế dẫu thánh thiện ấy vẫn tan loãng rồi tan biến đi. Từ ca khúc thứ 71 cho đến hết, từ “xuân” không còn xuất hiện nữa. Nhưng, 30 thi khúc cuối cùng của Động hoa vàng là xuân vĩnh cửu bởi nó đã vượt qua, vượt lên trên dòng dịch hóa để đạt tới trạng thái xuân bất biến. Tâm đạt tới chánh niệm, trí nghiệm tới tánh không thì thân an tịnh, an nhiên trên con đường giải thoát.
Đi cùng với triết cảm “xuân” đầy chất Đạo như thế, trong Động hoa vàng, thiền sư Phạm Thiên Thư thường dùng động từ “bay”: “chim bay” (3 lần), “tà huy bay”, “dòng nhạn bay”, “sương bay”, “đôi uyên ương bay”, “cờ lau bay”, “lời thề gió bay”, “tóc bay”, “hạc bay”, “hoa bay”, “áo em bay”, “khói bay”, “chim điểm hồng bay”, “mây bay”.
Cùng với điệp từ “bay”, những động từ “qua” (mây qua), “rơi”, “di” (chim di), “xuôi”, “dời”, “dốc” (nậm ngọc dốc tà huy), “đổ”, “trôi”, “sa” (2 lần), “buông”, “rụng” (2 lần)… dễ hình dung dòng dịch hóa vô thường, sắc không, hư ảo.
Khi đã vượt qua được nỗi tiếc – tiếc tình, tiếc đời, khi đã vượt qua tướng sắc, khi đã đạt đến quán chiếu thì Thiền môn “động hoa vàng” hiện ra, mở ra – cực lạc vô biên, màu nhiệm bất biến…
Trường ca Động hoa vàng là con đường chiêm nghiệm, thể hiện và viên mãn của thi sĩ Phạm Thiên Thư dụng tâm, dụng công phổ kinh Phật bằng thơ. Nó thật đẹp, thật lạ, thật tài; nó thật độc đáo! Nó không phải là kinh, vì nó dễ tiếp cận, dễ thụ cảm hơn kinh. Nó dường như một bài kệ, nhưng dung lượng bài kệ này đáng nể! Nó thâm trầm, triết lý, đầy Thiền vị, được biểu đạt bằng hình tượng-biểu tượng tuyệt kỹ và nhất là bằng một thế giới nghệ thuật vừa Đạo vừa Đời, vừa gần gũi, thân quen vừa bay bổng, thanh thoát kỳ lạ!
“Thơ và đạo không cùng biên giới mà như có biên giới – biên giới tìm không ra, đó là chỗ khó của người tu làm thơ. […] Thành ra Phạm Thiên Thư là người độc đáo – có một không có hai.” (Tam Ích, Lời bạt Động hoa vàng, NXB Văn hóa-Văn nghệ, 2012).
17/3/2023
Chế Diễm Trâm
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...