Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2024

Cái chân gỗ - Truyện ngắn của Nguyễn Duy Hiến

Cái chân gỗ - Truyện ngắn
của Nguyễn Duy Hiến

Người thanh niên đó không chịu, cầm ly rượu đầy hắt vào mặt tôi. Tôi ức lắm nhưng nể mặt Tám Mừng và không muốn cuộc nhậu mất vui nên ngồi im lặng. Tám Mừng ngồi uống trà ở bàn bên cạnh nhìn thấy, đứng dậy trừng mắt, bước lại gần bàn nhậu, chân trái làm trụ, cái chân gỗ giơ cao xoay một vòng đánh gót xuống mặt bàn nghe rầm! Cốc chén trên bàn nảy tung lên.
Tôi đi qua con đường nhỏ vòng vèo đến nhà Tám Mừng nằm ở đầu vàm bên con kênh Rạch Lá. Ngôi nhà lá thấp tè lọt thỏm giữa bốn công đất mía. Quân sáu tuổi, con trai Tám Mừng đang ngồi chơi một mình giữa sân. Mẹ nó đã bỏ nhà đi, còn lại hai cha con. Nó buồn. Tối ngày luẩn quẩn trong nhà, ngoài sân, chẳng biết đi chơi đâu cả. Chỉ có bà Bảy Trầu, vợ của một liệt sĩ hy sinh thời chống Mỹ thường ghé qua thăm cha con nó. Bà mang qua cho thằng Quân khi thì củ khoai, củ mì, khi thì cái bánh, chiếc kẹo. Bà xem nó như cháu nội của mình. Tám Mừng cưới vợ khi còn chưa đi nghĩa vụ quân sự. Gần bốn năm chiến đấu tại chiến trường nước bạn Cam-pu-chia, Tám Mừng trở về không lành lặn như trước. Một phần xương thịt của anh nằm lại ở cánh rừng đất bạn. Vợ Tám Mừng là cô gái cùng quê đẹp chân chất, hiền lành, chịu khó. Thấy cảnh gia đình túng thiếu, tiền trợ cấp hằng tháng của Tám Mừng không đủ ăn, lại còn ốm đau hôm sớm lia chia, cô xin Tám Mừng theo mấy người trong ấp lên Đồng Nai làm mướn. Sau mấy lần đi hái cà phê thuê, cô ở luôn với ông chủ vườn giàu có. Mấy người đi làm chung về kể lại, Tám Mừng vẫn im re, không thèm tìm kiếm, cũng không lấy làm nuối tiếc trước sự bội bạc vong tình của người đàn bà một thời đầu gối tay ấp. Anh quyết định ở vậy, nuôi con ăn học.
– Cha con đâu? – Tôi ngồi xuống âu yếm hỏi.
– Dạ. Cha con đang bắt cá kèo, chú ra cửa nhà sau nhìn thấy.
Tôi bước xuống mé kênh. Từ xa đã nhìn thấy Tám Mừng mặt mày bê bết bùn. Cái chân gỗ lết từng nấc một, ngực dán xuống mặt bùn, mặt nghển lên, hai ngón tay thụt vào lần theo hang cá kèo, hai ngón tay kia chặn lại. Tôi đứng trên bờ dõi theo từng động tác một, thán phục tài bắt cá kèo của Tám Mừng. Nhận ra tôi, Tám Mừng cười tít mắt đưa con cá kèo vừa mới bắt được lên khoe:
– Chút nữa ở lại nướng cá kèo, dầm nước mắm tỏi ớt nghen. Anh ra góc vườn bẻ bắp chuối, ngắt ít lá ngò gai… anh em mình làm “bậy” xị chơi.
Tôi làm theo lời Tám Mừng, xong quay xuống bờ kênh. Tám Mừng bơi ra mí sâu nơi chỗ gần mấy gốc keo già cỗi. Đoạn eo kênh này nghe bà Bảy Trầu kể lại, sau cái Tết Mậu Thân, địch bắt được ba ông Việt Cộng giải về xử bắn tại gốc mấy cây keo già. Bọn chúng không cho dân đến lấy xác. Bắn xong, chúng chặt dây đạp ba người xuống kênh. Nước đang ròng, bà Bảy Trầu cho người đón đầu dòng kênh Rạch Lá vớt xác, tối đưa về chôn cất…
Tôi quen biết Tám Mừng trong một lần tại Đại hội đại biểu Hội Cựu chiến binh xã Thạnh Phú Đông. Tôi quê miền Trung, trước đây là lính biên phòng, giờ về sống, làm ăn ở gia đình bên vợ tại ấp 2A, xã Thạnh Phú Đông của huyện Giồng Trôm tỉnh Bến Tre. Cơ duyên cho hai thằng từng là lính chúng tôi gặp gỡ rồi thân thiết nhau. Tám Mừng thuộc lính trinh sát Sư đoàn 339. Trong một lần đánh đuổi tàn quân Pôn Pốt tại cánh rừng thuộc tỉnh Xiêm Riệp, anh bị dính mìn của bọn chúng gài, bị thương chân phải. Đơn vị chuyển anh về điều trị ở bệnh viện Quân khu 9. Ra viện, Tám Mừng được giải quyết phục viên, trở về cuộc sống đời thường với cái thẻ thương binh bậc ba trên bốn. Trước đó, từ năm 1976 đến 1979, đất nước Cam-pu-chia dính họa diệt chủng của bọn Khơ Me đỏ. Theo lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia, quân đội ta sang giúp bạn thoát họa diệt chủng. Cũng là lúc ở cái vùng xẻo lá thuộc ấp 3 của xã Thạnh Phú Đông, chỉ có mình Tám Mừng tình nguyện đi bộ đội. Trong khi đó có một số thanh niên được gọi tên, sợ nhập ngũ, trốn chui lủi ngoài bờ kênh bãi mía.
Vào một đêm mồng 2 của Tết Nguyên đán, tôi lò dò tìm đến Tám Mừng, sau khi đã nhậu với mấy đứa bạn cùng ấp.
– Em đưa anh đến nhà mấy người bà con chơi, gần đây thôi. – Tám Mừng nói.
– Được. Nhưng mà mấy người đó có dễ tính không? Anh dân miền Trung nói năng hơi nặng, không biết họ ưa không ?
– Không sao đâu. Đi với em, anh yên tâm, nhậu vào chỉ có… văn nghệ thôi.
Hôm đó tôi thấy trong người hơi mệt do uống nhiều rượu và cũng vì tửu lượng của mình yếu, tôi xin nghỉ. Trong bàn nhậu có một thanh niên cỡ nhỏ hơn tôi vài tuổi, khuôn mặt cau cau, giở chứng không cho tôi nghỉ, bắt ép phải uống. Hắn nhìn tôi, cất giọng nhừa nhựa:
– Ông vào trong này được bao nhiêu “nghề” trong người, “đi” thử cho tụi này coi. Không thì tôi đá anh đỡ…
Nói xong, người thanh đó cởi quần dài giẫm chân xuống nền nhà đất bịch bịch.
Tôi năn nỉ:
– Anh vào đây chỉ có một mình, các em thương dùm.
Người thanh niên đó không chịu, cầm ly rượu đầy hắt vào mặt tôi. Tôi ức lắm nhưng nể mặt Tám Mừng và không muốn cuộc nhậu mất vui nên ngồi im lặng. Tám Mừng ngồi uống trà ở bàn bên cạnh nhìn thấy, đứng dậy trừng mắt, bước lại gần bàn nhậu, chân trái làm trụ, cái chân gỗ giơ cao xoay một vòng đánh gót xuống mặt bàn nghe rầm! Cốc chén trên bàn nảy tung lên.
– Thằng nào dám quậy anh tao thì có ngon bước qua xác chết của Tám Mừng này nghen!
Người thanh niên sợ tái mặt vòng cửa sau rút êm.
Từ đó tôi càng quý Tám Mừng hơn, “tình của lính” ở đâu cũng có. Chúng tôi đã được thử thách rèn luyện trong môi trường quân đội. Tình đoàn kết luôn gắn bó trong cuộc sống đời thường. Sau này vợ chồng tôi đi cắt lúa ở đâu cũng có Tám Mừng bên cạnh.
Làng quê tôi là vậy, quanh năm đi làm mướn, làm thuê chỗ này chỗ kia mới đủ sống. Nhà nghèo kiếm tiền, kiếm lúa về nuôi sống gia đình. Nhà khá thì đi làm thêm về sắm sửa đồ đạc trong nhà. Vả lại vườn tược không nhiều, ở nhà cũng chả có việc gì làm. Hôm vợ chồng tôi đi cắt lúa ở gần chợ Cả Cá của huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, Tám Mừng xin đi theo. Cánh đồng lúa Vĩnh Long thuộc vùng chiêm trũng, bùn sình quá đầu gối, tôi nhìn Tám Mừng thật ái ngại. Nhận hai công lúa cắt trong ngày, tôi cắt ở góc ruộng bên kia, Tám Mừng cùng vợ tôi cắt góc bên này. Bố trí như vậy để tiện cho vợ tôi cắt gồng và mở lối cho Tám Mừng dễ dàng hơn. Được cái cùng cảnh là lính, vợ tôi một thời là thanh niên xung phong của đội vận tải thủy hậu cần Tỉnh đội Bến Tre, nên cô ấy biết sẻ chia và thông cảm. Từ góc bên kia tôi cắt lúa, lâu lâu lại nghe tiếng oạp… ùng! Tưởng có cá lóc quẫy, tôi chạy lại phụ bắt. Tám Mừng nhìn tôi mặt ngượng nghịu, vợ tôi xót xa chớp chớp mắt. Thì ra, cái chân gỗ của Tám Mừng lún sâu dưới bùn. Mỗi lần nhấc bước tạo tiếng kêu y như cá lóc quẫy.
Lần khác vào vụ lúa đông xuân, nghe tin cánh đồng Hồng Ngự của tỉnh Đồng Tháp trúng mùa, tôi và Tám Mừng quá giang ghe của chú Ba Giai đi cắt mướn. Lần này đi xa, Tám Mừng dẫn thằng Quân theo luôn. Ghe của chú Ba Giai chạy tành tạch ngược dòng lên xã Hồng Cộc của huyện Hồng Ngự. Ở đó ông có người quen qua mấy mùa cắt lúa mướn trước. Trong khoang mui, thằng Quân nằm ngủ đắp cái mền mỏng, tay hua hua đập muỗi dày như trấu. Tám Mừng ngồi đầu mũi ghe tay vấn thuốc lá đốt liên tục. Anh lo ngại xếp thêm mấy mảnh vải để phòng đầu gối bị nhức. Tới nơi, tôi nhập cuộc vào số người vác lúa mướn ăn theo bao từ ghe máy lên nhà chủ ruộng. Tám Mừng chuẩn bị chỗ ăn nghỉ, bếp núc cho những ngày cắt lúa sắp đến. Buổi trưa, tôi và Tám Mừng lội xuống sông Hồng Ngự bắt chem chép. Nước ngang bụng, hai chân rà qua rà lại thấy cấn ở bàn chân ngụp xuống lấy lên. Chem chép có ba cánh, phần thịt nằm trong hai cánh dưới dày hơn. Ở trên cánh phụ, chà rửa sạch bùn cát, luộc lên lấy nước nấu canh.
Những ngày cắt lúa ở huyện Hồng Ngự, tôi, Tám Mừng và chú Ba Giai thay nhau dậy sớm nấu cơm. Từ nơi “đóng quân” ra đến ruộng ít nhất cũng gần hai cây số. Tôi và chú Ba Giai đi trước lâu lâu phải dừng lại chờ đợi Tám Mừng. Đồng lúa mênh mông, bờ gò nhỏ mấp mô đất phèn bạc trắng. Tiếng chân gỗ của Tám Mừng gõ cộc cộc theo nhịp bước. Ra đến chỗ cắt lúa thì trời sáng bửng. Ruộng ở Đồng Tháp không như ở Bến Tre, một công phải đủ một ngàn mét vuông, (Bến Tre một công 900 mét vuông). Đó là chưa kể đến người chủ ruộng đo sào “nhảy ngựa” thêm đất, thì xem như ngày đó cắt bã người đến chiều mới xong. Đến tuần sau, vết sẹo nhăn nhúm chỗ cùi xương chân sưng tấy đỏ chót, Tám Mừng đi ra ruộng, chiều quay về dừng lại nghỉ nhiều hơn. Anh ngồi bệt xuống mí ruộng, mồ hôi ướt đẫm mình mẩy.
Vụ đó Tám Mừng cắt được mười hai giạ lúa, cộng với số tiền trợ cấp thương binh, hai cha con ăn cũng được trên sáu tháng lại vừa có tiền cho thằng Quân ăn học. Tám Mừng theo ghe chú Ba Giai về quê. Tôi ở lại làm thêm do một số bà con ở đó yêu cầu.
Sau một thời gian dài bỏ chồng con, sống bên cạnh gã chủ vườn tối ngày chỉ biết uống rượu vào rồi kiếm chuyện hắt hủi, cảm nhận được những lỗi lầm do mình gây ra, vợ Tám Mừng khăn gói trở về quê xin tha thứ. Cô ta năn nỉ:
– Từ nay trở về sau đến chết em cũng không dám tái phạm nữa!
Nhìn vợ gầy rộc, ốm yếu, biết nhận ra lỗi lầm, Tám Mừng tỏ lòng thương cảm. Anh vấn điếu thuốc rít một hơi dài khập khễnh bước ra cửa, chậm rãi nói:
– Cô đi hơn chục năm trời, bỏ cha con tui. Chừng ấy thời gian, thằng Quân sống thiếu tình thương chăm sóc của mẹ nó. Cô đi làm rồi bén rễ ở luôn với người ta trên đó. Những năm tháng qua, chỉ vì thương con, tui phải gồng mình chịu đựng để vượt qua tất cả. Cô làm vậy không sợ xấu hổ tai tiếng à…?
Vợ Tám Mừng úp mặt vào hai bàn tay khóc hưng hức. Hai mắt đỏ hoe, nhòe ướt…
– Quân…! Con tha thứ cho mẹ… Anh… Anh ơi! Em biết lỗi rồi mà…
– Có nói gì nữa chuyện cũng đã rồi! -Tám Mừng lặng lẽ đi xuống bờ kênh, lòng nặng trịch, anh gieo mình trên đám cỏ mắt nhìn mấy gốc keo già. Ký ức cứ hiện về rõ mồn một. Trên dòng kênh Rạch Lá, anh đứng đầu mũi xuồng tung chài, vợ anh nhặt tép, cá để riêng. Mớ để ăn, mớ đem chợ bán mua gạo, rau, mắm muối. Đôi khi chài trúng tôm hoặc cá to đem bán mua áo quần, đồ chơi cho thằng Quân, lúc đó nó mới lẫm chẫm biết đi. Chiều đến vợ chồng con cái quây quần bên mâm cơm đạm bạc mà lòng xốn xang hạnh phúc vô cùng. Mới đó đã hơn mười năm…
Tám Mừng khẽ rùng mình, một ngọn gió lạnh từ con sông Rạch Heo thổi vào, rặng dừa nước dồn rì rào như sóng. Đã bước qua mùa gió chướng, con đường nhỏ trước cửa nhà Tám Mừng mấp mé nước. Anh cảm thấy có cái gì đó vừa mơ hồ, vừa thực tại đang lan dần bấu xé trong máu thịt của anh. Cái cảm giác đuối sức đang hiện rõ dần lên. Có thể vì miếng cơm manh áo của con, anh phải làm việc cật lực, cùng với những năm chịu đựng khí hậu khắc nghiệt ở Cam-pu-chia… Anh với tay nhặt miếng đá mỏng trong đám cỏ lia ra giữa dòng kênh. Miếng đá nhảy tênh tênh ba lần trên mặt nước. Ba con chim chèo bẻo đậu trên ba ngọn keo già giật mình bay lên rồi đáp lại vỗ cánh cất tiếng kêu lảnh lót. Anh đứng dậy bước vào nhà, lòng chừng dễ chịu hơn.
Vợ Tám Mừng nãy giờ vẫn ngồi im lặng chờ “phán quyết” của chồng. Cô dõi theo từng bước đi của anh hồi hộp chờ đợi. Căn nhà im ắng lạ thường, chỉ có tiếng vo vo của con ong đục lỗ trên cây kèo nhà làm bằng cây so đũa, tiếng chắc lưỡi của con thạch sùng, tiếng tách tách của những con cá thòi lòi chuyền bục lá cạnh mé nhà. Tám Mừng bật ho khù khụ, anh bước ra cửa thấy xây xẩm, tối tăm trời đất. Tám Mừng lảo đảo ngã vào tay vợ. Cô lấy hết sức nghiêng người hất Tám Mừng lên vai chạy một mạch đến nhà bà Bảy Trầu. Đằng sau mọi người tí tóe chạy theo…
Tám Mừng tỉnh dậy, mở to mắt nhìn mọi người. Vợ Tám Mừng bưng sẵn chén cháo tròng đỏ hột gà rắc tiêu và hành củ thái mỏng để bên “Anh tỉnh rồi! Ráng ngồi dậy ăn chén cháo nóng đi anh”. Thằng Quân cũng sà đến ngồi bên mẹ nó, nhìn cha ăn từng thìa cháo qua bàn tay gầy của mẹ, nó mừng rơi nước mắt. Bà Bảy Trầu lấy chéo khăn rằn vắt vai chùi nước trầu ứa dính nơi khóe miệng, nhìn Tám Mừng chậm rãi nói:
– Chuyện tụi bay tao biết hết cả rồi! Thằng Tám, thôi đi con! Vợ mày nó đã biết lỗi. Người đời có câu “Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại”. Còn vợ thằng Tám, không ai thương yêu mình bằng chồng con đâu! Lần này vợ chồng chí cố làm ăn, ráng nhịn nhục. Không có chuyện gì mà không vượt qua nổi đâu nghen các con!
Cho đến năm 1997, vợ chồng tôi rời quê lên Bình Phước lập nghiệp. Nghe tin vợ chồng Tám Mừng sang bốn công đất vườn vào Sóc Trăng mua lại năm công sen sinh sống. Ở đó có người chị ruột của Tám Mừng. Bận lo làm kinh tế nuôi con ăn học, lâu lắm, vợ chồng tôi mới trở về quê thăm họ hàng bà con ruột thịt. Tôi trở lại ấp 3, tìm về Xẻo Lá đến nhà bà Bảy Trầu hỏi thăm tình hình làm ăn và sức khỏe của Tám Mừng, thì được bà cho biết:
– Thằng Tám Mừng nó chết rồi! Năm ngoái vợ nó và thằng Quân có về đây thăm tao và báo cho biết. Hình như nó bị bệnh ung thư phổi.
Tôi nghe bàng hoàng, lắc đầu thở dài, không tin những gì bà Bảy Trầu mới cho hay.
Tôi bước xuống bờ kênh Rạch Lá, sóng lăn tăn. Bóng Tám Mừng đang bơi về phía mấy gốc keo già. Nhìn thấy tôi, Tám Mừng há miệng nheo mắt cười, để lộ hàm răng sún…Tôi gọi to:
– Tám ơi! Mình về… thăm đây. Xem có cái chi nhậu bậy chơi nghen?
– Cá lóc nướng trui nhậu với rượu đế nghen.
Hình như tiếng Tám Mừng văng vẳng bên tai tôi.
16/3/2023
Nguyễn Duy Hiến
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...