Thứ Tư, 20 tháng 11, 2024

 

Ta còn chút vốn rau dưa…

Chợt nhớ hai câu thơ Nguyễn Khoa Điềm mà tôi chọn làm đầu đề cho bài viết này: “Ta còn chút vốn rau dưa/đặt cược trên tờ giấy trắng”. Tôi chẳng biết mình có thể đặt cược như thế không nhưng hai câu thơ của anh Điềm khiến tôi có hẳn một khoảng lặng.

“Vốn rau dưa” là vốn của người nghèo. Tôi luôn là người nghèo, luôn đứng cùng phe với người nghèo khó, dù tôi không đứng về phe nước mắt.

“Trái đất ba phần tư nước mắt/Trôi như giọt lệ giữa không trung”, tôi thích hai câu thơ ấy của Xuân Diệu, nhưng tôi chọn cả nước mắt lẫn nụ cười, cả đau đớn và hài hước.

Khi người ta theo trend này trend khác thì tôi đứng một mình. Ngay từ khi mới làm thơ, tôi đã tự biết thơ mình không có nhiều người đọc. Tôi chẳng dấy lên một phong trào nào cả. Nhưng tôi cũng biết, ai đã đọc và thích thơ tôi, người ta có thể thích khá dài. Vì thơ tôi luôn tìm đến từng người đọc một, chia sẻ cảm xúc với từng người đọc đơn lẻ, bình tĩnh và không cồn cào vì danh vọng, dù là danh vọng thật hay danh vọng ảo.

Người ta nói tôi cách tân thơ, tôi lại quay về cổ điển. Còn khi người ta chê thơ ấy cũ, tôi đột nhiên thấy mình tơ non trở lại. Tôi vắt tâm hồn mình làm ra thơ, không vắt óc. Tôi không phải người thông minh khi làm thơ, và cũng không đánh giá cao trí thông minh trong thơ. Với tôi, thơ từ cảm xúc đi tới cảm giác, từ cảm giác đi tới linh cảm. Và khi tới được linh cảm, thơ có thể tự hài lòng với mình. Bởi thơ thật sự là câu chuyện của thân phận người làm thơ. Và khi người làm thơ biết kết nối thân phận mình với thân phận nhân dân mình, thì khi đó, thơ của họ có ích với cuộc sống, có ích ngay với những người dân không đọc hay chưa đọc thơ họ.

“Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi/Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu” (Những đêm hành quân – thơ Xuân Diệu). Bài thơ ấy Xuân Diệu viết từ năm 1966, khi ông đạp xe đạp vào chiến trường Khu Bốn, chủ yếu đạp xe ban đêm, cùng chiều với những đơn vị bộ đội hành quân.

Bài thơ ấy thật giản dị, rất mộc mạc và nói rất thật những tình cảm chân thành nhất của Xuân Diệu với nhân dân mình, khi nhà thơ cùng đồng cam cộng khổ với nhân dân. Chiến tranh, bom đạn, chết chóc, đau khổ, nhưng đó là lúc nhân dân lặng lẽ đón nhận tất cả những tai ương ấy, và nhà thơ nhìn rõ gương mặt của nhân dân lúc đó. Một cam kết thầm lặng giữa nhà thơ với nhân dân, giữa thơ ca với lòng yêu nước đã xảy ra.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm (trái) và nhà thơ Thanh Thảo

Sau 57 năm, vào mùa xuân năm 2023, khi chính thức nhận chức Chủ tịch nước, anh Võ Văn Thưởng trong bài diễn văn nhậm chức của mình đã trích lại 4 câu thơ trong bài thơ từ 57 năm trước của nhà thơ Xuân Diệu, mà anh Thưởng nói mình đã thuộc từ những năm học trung học. Khi 4 câu thơ ấy vang lên từ giọng đọc đầy xúc động của tân Chủ tịch nước, người dân cả nước ta đã xúc động. Họ tin đây là lời cam kết với nhân dân của Chủ tịch nước, dù nguyên là lời cam kết của nhà thơ với nhân dân của mình. Thơ ấy lặng lẽ sống hơn nửa thế kỷ, rồi đột ngột nó vang lên từ bài diễn văn nhậm chức Chủ tịch nước của một vị tân Chủ tịch 53 tuổi, trẻ nhất từ trước tới nay. Vì khi nhận chức Chủ tịch nước trước quốc dân đồng bào vào ngày 2.9.1945, Bác Hồ cũng đã 55 tuổi.

Và nhà thơ Xuân Diệu thân yêu của chúng ta cũng đã qua đời tròn 38 năm (tháng 12.1985). Thơ bắt đầu từ nhà thơ, và nếu nó sống được, nó sống trong tâm hồn người đọc mà thời gian sống ấy chưa biết bao giờ thì kết thúc. Dĩ nhiên, nó sống lâu hơn nhà thơ là tác giả sinh ra nó.

Có lần tôi đã viết, bây giờ rất ít người đọc thơ và thơ của nhà thơ cũng chỉ là “chút vốn rau dưa” thôi, nhưng có thể vào một lúc nào đó, thơ sẽ trở lại. Vì thơ là minh chứng cho sự sống của tâm hồn con người. Mà tâm hồn con người có thể nhiều khi chịu khuất lấp, nhưng không bao giờ chết.

17/4/2023

Thanh Thảo

Nguồn: Báo Thanh Niên

Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những chuyến đò mưa

Những chuyến đò mưa Đò chở những bà mẹ nghèo sang chợ Than bên kia sông bán những thứ của nhà làm ra hoặc buôn thúng bán mẹt. Năm ngày 2 p...