Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2024

Xem phim bãi ở làng

Xem phim bãi ở làng

Từ nhà tôi, tính theo dọc đường tàu về phía ga có hai xóm. Đấy là xóm Cầu Đất và xóm Cầu Tây. Cái tên nó đã chỉ chính xác tình hình địa lí giao thông rồi. Xóm Cầu Đất có cây cầu lát bằng thân cây cọ rồi đổ đất lên. Còn xóm Cầu Tây là xóm ở gần cây cầu trên đường tàu hỏa. Cầu này Pháp xây dựng đường tàu hỏa mà có cầu. Đích thị là cái cầu thằng Tây làm.
Người hai xóm tính tình khác nhau rõ rệt. Xóm Cầu đất rặt những nhà chuyên đơm đó đánh dậm. Mùa đông thì soi cá ngủ cá cóng. Mùa hè thì be bờ lại đơm đó. Chuyện đơm đó là cả một thú vui mà khoa học đáo để. Thời ấy những ruộng sâu chỉ cấy một vụ mùa. Từ tháng 11 dương trở đi bỏ trắng. Cá tôm nhiều lắm, đỉa cũng nhiều như cá. Sang mùa hè nắng oi ruộng rạ đã thối ai muốn be cái ruộng nào chỉ cắm cây nêu lên đó xí phần. Xí phần rồi là không ai xâm chiếm nữa.
Chuyện này thành lệ từ hàng trăm năm. Thường thì tháng tư tháng năm ngập nước bốc bùn be bờ cho cao rồi mở 4 cái chổ bốn góc chừng một mét. Rang thính bằng cám gạo cho thơm, chập tối trộn với đất khô ném xuống ruộng. Mà rắc thính cũng phải nhẹ nhàng đừng có ùm ùm động nước là cá đi hết. Cá theo bốn cái cửa vào ăn rất nhiều. Nửa đêm bịt bốn cửa lại đặt cái đó ở đấy. Cá tôm muốn chuồn ra là chui vào đó. Đúng là đơm đó.
Đơm đó có cái thú vui là ngủ ngoài bờ ruộng mà trông đó. Đêm khuya đừng có mà ngủ quên. Ngủ quên rất dễ bị người khác đi đổ đó của họ tiện thể họ đổ luôn của mình. Hồi tôi lên chín lên mười tuổi đã có ruộng đó đơm riêng rồi. Mẹ tôi không cho đi ngủ đêm trông đó, nhưng tôi thích đi theo các anh lớn ra ngoài đình đầm Hà.
Đêm, trải mấy tầu lá cọ trên bờ đầm nghe các giai làng tán phét, nghe lõm tõm cá quẫy vui đáo để. Đi ngủ ngoài đồng trông đó chỉ để nghe các anh lớn nói chuyện đàn bà, chuyện tiếu lâm. Có nhiều chuyện tôi nhớ đến tận bây giờ, có những chuyện nghe mãi đến lớn mới hiểu.
Người Xóm Cầu đất hiền hơn xóm Cầu Tây. Bố tôi bảo, xóm Cầu Tây là xóm ngụ cư tứ chiếng. Họ dưới xuôi lên, quen chạ người nên họ khôn. Hỏi chạ người là thế nào? Bố tôi bảo là đông người thì phải va chạm nhiều mà va chạm nhiều thì phải chống chọi nhiều nên khôn. Ra thế, sau này về Hà Nội thấy đúng. Hà Nội chạ người nên họ khôn thật. Càng chạ người, người càng khôn. Giống như người hàng chợ mà nhất là chợ to như Bắc Qua, Đồng Xuân thì họ khôn dã man. Khi bố tôi còn sống có lần bố bảo tôi, may mà “thằng cu” ra Hà Nội sống chứ không thì đen đủi cóc cáy như thế này sao mà mở mặt ra được.
Hòa bình mới lập lại vài năm là dân quê được xem phim. Điện ảnh đi về vùng sâu vùng xa. Tôi nhớ lắm, lần đầu tiên tôi được xem chớp bóng, bộ phim đầu tiên tôi xem là phim Liên Xô (cũ). “Ngọn lửa không bao giờ bị dập tắt”?!
Từ vài hôm trước loa loa váng cả xóm làng. Tôi nhớ như in giọng anh chớp bóng đi phát thanh các làng… “Alô alô. Thưa toàn thể đồng bào, Đội Chiếu bóng lưu động số 20 chúng tôi về đây phục vụ đồng bào hai bộ phim. Bộ phim thứ nhất: “Ánh bình minh”. Bộ phim thứ hai “Ngọn lửa không bao giờ bị dập tắt”. Phim chiến đấu của Liên xô. Giá vé người lớn một hào, trẻ em năm xu. Alô alô”. Thế là hôm sau thanh niên làng cử người đi khiêng máy nổ.
Cảnh xem phim bãi ngày xưa.
Chao ôi, máy nổ nó chạy xình xịch phả khói mùi khen khét thích thế. Mấy ngày đó làng xóm chộn rộn nôn nao, chỉ mong chóng đến tối. Hôm chiếu phim, các ngả đường làng trên xóm dưới người gìa trẻ em tấp nập. Họ đến sớm lắm. Trẻ con mang cả đóm nứa đã dập sẵn để lúc về soi đường. Người lớn mang cả chai nước cho con lại còn lôi cả tàu lá cọ kê đít ngồi. Nhà tôi giữa làng chả phải đi xa.
Nhìn lũ bạn xóm xa cũng thấy tự hào. Tự hào vì nhà ở gần bãi chớp bóng. Khi máy nổ xình xịch rồi đèn bật lóe sáng cùng với tiếng reo òa lên của dân làng. Họ căng dây khoanh bãi để soát vé. Một vé năm xu phải mất một giỏ cua bán ở chợ Đan Thượng mới có. Đứa nào không bắt cua thì một gánh củi. Dậm dịch kiếm tiền từ hôm trước. Tôi nhớ cái ánh đèn điện ở cổng xé vé bãi chiếu bóng làng tôi thủa xưa như một sự khai sáng. Nó khai phá những cái đầu u mê của làng mình, nó bắt đầu cho sự ước mơ thèm khát ra đi của tôi và các em tôi.
Thú thật nhờ có cái đội chớp bóng nên mới bé tôi đã thuộc những bài hát thuộc loại “đi cùng năm tháng”. Từ lúc còn ban chiều họ đã mở thật to những bài hát trên 2 cái loa to như cái thùng tôn treo trên lưng chừng một cây tre. Nào là “Chiếc khăn Piêu”, rồi “Buổi sáng trên nông trường”, lại cả “Bên ven bờ Hiền lương”; “Tình trong lá thiếp”… mấy năm sau có bài “Tình ca” của nhạc sỹ Hoàng Việt… cả làng tôi thuộc. Mấy chị thanh nữ đi cấy ruộng đít chổng lên trời í ửn hát “Tình trong lá thiếp”, hát “Chiếc khăn Piêu”. Trông mấy chị nhấp nhổm theo nhịp hát nghe mà si mê. Nhờ có chiếu phim mà chúng tôi biết được đàn ông đàn bà họ hôn nhau thế nào. Chính xác là năm ấy tám tuổi, nhìn họ hôn nhau trên màn ảnh cũng đần cả mặt. Lạ thế.
Cho tới bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao quê mình có truyền thống hát Xoan mà mình chả biết tí Xoan ghẹo nào cả.
Chả nhẽ Xoan nó chỉ đến Hưng Hóa là hết đường đi ngược? Nhưng mười tuổi tôi đã biết hát chèo. Chèo chả riêng cho một tỉnh nào, nó sống với sự phát triển của lúa nước đồng bằng Bắc bộ lâu lắm rồi nên người quê tôi biết cũng là dễ hiểu. Nhưng, cho tới năm 1962 khi có chủ trương đưa người vùng xuôi lên khai hoang miền ngược thì chèo mới rộ lên ở quê tôi. Thế là hát chèo như tự thân trong mỗi con người làm ruộng miền bắc phải có. Ngày ấy đồng bào Duy Tiên, Hà Nam di dân lên quê tôi. Đảng đưa họ đi chứ không phải họ tự đi. Người người lớp lớp bồng bế đìu ríu đến là thương. Nhưng sự khổ ải với họ không lâu. Họ lao vào làm đồi rừng, làm ruộng với quyết tâm phi thường. Dân quê tôi từ ngạc nhiên đến dần dần bị cuốn hút theo cái tính chịu khó của họ mà làm ăn.
Những bà con dưới xuôi lên dần thành khá giả cả. Khai hoang thật là sáng suốt.
Dù khổ ải lam lũ đến mấy, tối tối các bác các chị người gốc Duy Tiên lại tập trung ra sân kho hợp tác xã để hát chèo. Tập diễn những vở chèo cổ mang từ dưới xuôi lên. Lần đầu tiên quê tôi được ngồi xem “Trương Chi”, xem “Lưu Bình Dương lễ”, xem “Cây đa bến Cốc”… nước mắt cứ giàn giụa ở sân kho. Những chị những bà ban ngày làm đồng làm nương hóa thân vào vai diễn cảm động đến thế. Lũ trẻ con chúng tôi bây giờ cũng biết hát điệu: “Gà rừng”, hát “Sẩm soan”. Tụi con gái thì thích mấy điệu “Lới lơ”, “Đào liễu”, “Sắp qua cầu”… Buồn buồn thì hát “Sa lệch chênh”, hát “Sắp dựng” hay điệu “Sử dầu”…
Lớn lên đi bộ đội trên đường Trường Sơn cứ nghe hát chèo đêm khuya là nhớ quê đến nao lòng. Lúc ấy hình ảnh các chị áo cánh nâu ngực căng thấm mồ hôi mê mải diễn chèo cả trong lúc máy bay Mĩ gầm gào trên đầu. Lúc ấy mới thấy quê mình thiêng liêng trìu mến biết bao. Chả biết những người đi tận bên trời Tây sống biền biệt có nhớ về làng giống như tôi không? Với tôi, chuyện làng như một liều thuốc bổ cho người lính vượt Trường Sơn đầy những bom đạn ngày xưa và cả đến bây giờ khi tôi cư ngụ ở nơi phố thị.
18/3/2023
Nguyễn Trọng Luân
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...