Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2024

Phạm Trọng Thanh nhà thơ chính danh

Phạm Trọng Thanh
nhà thơ chính danh

Như tin đã đưa, vừa qua Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Nam Định đã tổ chức hội thảo văn học, giới thiệu tác giả tác phẩm của hai nhà thơ Phạm Trọng Thanh và Phạm Trường Thi tại thành phố Nam Định. Nhà văn Phạm Ngọc Chiểu từ Hà Nội đã có tham luận Phạm Trọng Thanh nhà thơ chính danh, Vanvn.vn trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
1. Ông là người thật xứng với danh xưng này – Nhà thơ Chính danh! Có hai căn cứ thuyết phục để khẳng định. Căn cứ thứ nhất mang tính lý luận: Nhà thơ có Phẩm chất thi sĩ? Phẩm chất này chính là tài năng bẩm sinh, là thứ trời cho, không thể rèn luyện mà có được, biểu hiện trong cung cách làm thơ, về tài năng sáng tạo ngôn ngữ, hình ảnh, nhạc điệu. Nói rõ hơn, người này làm thơ “nhẹ như không” về bất cứ đề tài nào, với những hình ảnh, chữ nghĩa mê hoặc người đọc, kiểu như “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc/ Lá trúc che ngang mặt chữ điền” và “Chị ấy năm nay còn gánh thóc/ Dọc bờ sông trắng nắng chang chang” của thi sĩ Hàn Mặc Tử. Một tài thơ thiên bẩm nữa cần được nêu lên đó là thi nhân Nguyễn Bính.
Ông bước vào Thi đàn Việt Nam với thi phẩm “Lỡ bước sang ngang”, và sau đó là nhiều tập thơ khác với những câu thơ, bài thơ mê hoặc lòng người từ bậc thi nhân đến cô hàng xén và bà nông dân: “Nhà nàng ở cạnh nhà tôi/ Cách nhau cái giậu mùng tơi xanh rờn” (Người hàng xóm); “Anh đi đấy, anh về đâu/ Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm…(Không đề); “Giời mưa ở Huế sao buồn thế/ Cứ kéo dài ra đến mấy ngày…Thuốc lào hút mãi người ra khói/ Thơ đọc suông tình hết cả hay” (Giời mưa ở Huế). Còn có thể dẫn ra nhiều câu, nhiều bài thơ nữa của thi sĩ tài danh này, nhưng xin vào dịp khác. Giờ xin nói thêm về một Thần đồng Thơ xuất hiện vào đầu những năm 60 thế kỷ trước. Chỉ mới bảy – tám tuổi mà chú bé Thần đồng Trần Đăng Khoa đã viết được những bài thơ “Mưa”, “Đám ma bác Giun”, “Sao không về Vàng ơi” và nhất là bài “Hạt gạo làng ta” hay và đẹp như khúc đồng dao nghe vài lần là thuộc, giống như câu thơ lạ lùng này:“Ngoài thềm rơi cái lá đa/ Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng”.
Tất nhiên, tài năng trời cho sẽ có thực trạng người được nhiều, người được ít, nhưng ít nhiều gì vẫn phải có, không có không thể là Nhà thơ chính danh trong đánh giá của người đọc; họ chỉ được coi là những tác giả thơ có kỹ năng và nhiệt thành, và trong sản phẩm thơ họ viết ra không có bài nào, đoạn nào, thậm chí câu chữ nào lấp lánh tài năng thi sĩ. Ông – Nhà thơ Phạm Trọng Thanh, trong thi phẩm và trong lối sống có phẩm chất quý này. Về thi phẩm, phẩm chất thi sĩ của Phạm Trọng Thanh tập trung rõ nhất trong tập “Gió trầm” ông xuất bản theo nhãn mác nhà xuất bản Văn học năm 1997, và cũng biểu hiện khi ít khi nhiều trong 9 tập thơ ông đã xuất bản trong những năm qua với giấy phép của nhiều nhà xuất bản khác.
Xin nói có sách. Mời mọi người đọc thi phẩm “Gió trầm” của ông.
“Gió trầm”, với 72 trang giấy xỉn màu đất của thời kỳ xuất bản khó khăn in 38 bài thơ của Phạm Trọng Thanh, thật sự là một viên ngọc trong gia tài thơ của nhà thơ sinh ra và gắn bó cả đời với miền đất Sơn Nam Hạ nổi tiếng từ thời nhà Trần này. Một “Trưa làng” mở đầu tập thơ với “Sông Ninh lại tắm trời xanh ngát/ Nhẹ cánh buồm nâu mở gió lên/ Lối rực hoa vàng cây trúc đứng/ Ai bên trưa kén né tằm nghiêng” đã bộc lộ chất thi sĩ của tác giả và tạo hứng cho người đọc. Tiếp theo là “Nắng”, giây phút “Ngoảnh lại Giang Đình” với những cảm nhận tinh tế về đất trời quê hương cụ Nguyễn Du và mối giao cảm của tác giả với bậc đ ại thi hào: “Cỏ thơm vạt áo Tiên Điền/ Thi nhân chừng mới vừa biền biệt đây/ Chiều tà buộc nắng lưng cây/ Biết đâu mây trắng còn ngây theo Người”. Cái “Đêm thật trăng” của nhà thơ thật tinh tế và rất riêng: “Và tôi thong thả trên thềm phố cũ/ Đêm rộng vô cùng trời ngủ hay chưa/ Mà trăng nghiêng xuống hiên nhà máy Dệt/ Chòng chành trong vùng tiếng thoi như mưa”.
Cũng như mọi người, Phạm Trọng Thanh ôm nỗi đau khi phải tiễn biệt các đấng sinh thành rời xa cõi Người, và đã ghi lại niềm đau ấy với những câu chữ người đọc khó quên: “Trên vai làng nước mình đây/ Cha đi bến lặng sông đầy diễu qua/ Bay nghiêng hạt sáng thiên hà/ Đường quê bỗng hóa đường xa tận trời!” (Con đường rắc vỏ trấu vàng). Và: “Mẹ ơi, lối này mẹ đi, vầng trăng khuất bóng, cầu kiều bắc qua một miền nhân thế, giọt sáng rưng rưng tiếng trúc tiếng bầu, nhịp chấp hiệu giáng vào con từng nhát, sông Ninh buồn sóng chạy khuất bờ dâu…/ Chỉ vuông đất chưa hồi ngọn cỏ, chỉ cánh đồng dập dờn như bể, con giật mình tóc bạc đã mồ côi” (Lặng lẽ cánh đồng). Vẫn lối viết nhẹ như không này, vừa đầy cảm hứng vừa sành nhạc điệu và tu từ, Phạm Trọng Thanh viết về mọi điều ông nhìn thấy, đọc thấy, cảm thấy và khiến người đọc càng đọc càng hào hứng. Ông viết về phút giây “Thăm người tương tư” (trong tưởng tượng), về cái “Vạt áo” trong buổi chia xa người thương với những câu thơ thế này: “Mai mốt nữa tha hồ sương lãng đãng/ Từng mảnh ưu tư thả xuống vai gầy/ Vâng, tôi biết có một người người ngoảnh lại/ Thương cháy lòng vạt áo của mình đây!”
Cứ một giọng thơ đa cảm ấy, Phạm Trọng Thanh viết về sự “Chuyển mùa”, về làm bạn với nỗi buồn “Ta làm bạn với nỗi buồn được đấy”; về “Ngày thương khó”, về “Bến Hạc chiều xa”, về “Muối”. về “Cồn Lu”, về môt buổi “Đi chợ Cầu Vồng” vừa hư vừa thực: “Trời đang mở chợ Cầu Vồng / Con sông đi trước cánh đồng theo sau/ Chùng chình buôn đâu bán đâu/ Theo em thì đứng bên cầu chờ em”, và: “Họp về bãi thẳm triều xa/ Bào ngư ngóng mực, hến hà chờ ngao/ Buồm lựa vải, lưới trông phao/ Trầu thơm đợi quế, rượu đào chờ môi”.
Người đọc cũng khó quên một “Ngày trở gió” của nhà thơ khi ông chợt nhớ người bạn nhà giáo liệt sĩ và các bạn đi chiến đấu nằm lại ở chiến trường không trở về: “Đi ngược nửa đời tìm lại ngày tiễn nhau, tiếng còi cháy sân ga, hoa phượng rắc cổng trường như lửa/ Trang giáo án với bài thơ viết dở trao tay người thân, hành quân, nghìn dặm đất nghe bàn chân máu ứa/ Bạn ơi, có cách nào tìm thấy nhau đây…”
Đọc đến bài in cuối tập thơ: “Viết ở Phủ Lý” sát với đời hơn cả, Phạm Trọng Thanh vẫn có câu thơ lạ ở cuối bài: “Tôi ghé nhà Bưu điện/ Muốn gửi đi nụ cười!”
Vậy có nghĩa là, như đã viết ở dòng đầu về “Gió trầm”, tập thơ đã tỏ rõ Phẩm chất thi sĩ của ông khi ông làm thơ về đề tài ông cảm nhận, chứ không hề nhằm mục đích tuyên truyền, với cảm xúc tinh tế, với chữ nghĩa nằm sẵn trong đầu chảy ra theo ngọn bút thành những câu thơ hay và lạ, cuốn hút tâm trí người đọc.
2. Phẩm chất thi sĩ, như đã dẫn ngay đầu bài viết, là cái đầu tiên cần có của người làm thơ, không có phẩm chất trời cho này, một tác giả thơ khó trở thành một Nhà thơ chính danh. Tuy nhiên, đó không phải là tất cả, mà cần một phẩm chất thứ hai: Phẩm chất nhà thơ công dân. Đây là phẩm chất ghi dấu ấn rèn luyện và sự dấn thân của nhà thơ, góp phần quan trọng ghi nhận sự đóng góp (bằng thơ) của tác giả cho cuộc sống hiện hữu của nhà thơ thời nhà thơ sống và viết. Đã không ít trường hợp người làm thơ được trời phú tài năng, nhưng họ, hoặc ỷ vào vốn quý trời cho ấy vào việc rong chơi khoe mẽ, hoặc không để tâm vào việc học và đọc để bổ sung và nâng cao tài năng cùng kiến văn của mình, dẫn đến kết cục: Tài thơ cạn dần và đóng góp của họ cho Thi đàn không bao nhiêu, để lại một chân dung thơ khiêm tốn, thậm chí èo uột!
Ông - Nhà thơ Phạm Trọng Thanh, không thế. Và theo tôi, với hành trình thơ dài hơn nửa thế kỷ, góp cho Thi đàn Việt Nam nhiều tập thơ, nhận Giải thưởng thơ của các tỉnh Hà Nam Ninh, Nam Hà, Nam Định cùng những Giải thưởng thơ ông nhận được từ Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, từ tạp chí Văn nghệ quân đội, báo Tiền phong và một số báo khác; các Giải thưởng này, bên cạnh sự ghi nhận tài năng thi sĩ của tập thơ “Gió trầm” (được cả hai cơ quan
Văn nghệ của Tỉnh và Trung ương trao giải), các Giải thơ còn lại ông được nhận đều nằm trong phần thơ thuộc phẩm chất Nhà thơ – công dân. Sự thật này chỉ rõ: Phạm Trọng Thanh ý thức được và kiên trì phấn đấu để đắp bồi cho năng lực thơ được trời ban phú trong suốt hành trình thơ mình, đặng có thể đóng góp cho Thi đàn và cho đời sống nhiều tập thơ hữu ích, được ghi nhận xứng đáng. Tôi đã đọc 9 bài thơ lẻ được tặng Giải thưởng và các tập thơ được các cấp trao Giải thơ cuả ông, thấy rõ điều này.
Câu hỏi đặt ra: Vì đâu nhà thơ Phạm Trọng Thanh có được năng lực thơ thứ hai trên đây, thứ năng lực do tự mình kiên trì rèn luyện mà có?
Là bạn cầm bút cùng thời, qua tâm sự của Phạm Trọng Thanh, cũng là người đồng cảnh ngộ, tôi giải mã được năng lực thơ thứ hai của ông. Có hai sự thúc đẩy ông gắng gỏi vượt lên.
Gắng gỏi thứ nhất: Vượt qua số phận éo le để khẳng định mình.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình “có chữ”, ông nội và bố đều được học chữ Nho, mẹ chăn tằm dệt cửi siêng năng nên nhà có bát ăn bát để, gia thế ấy, ở vào thời chủ nghĩa lý lịch hoành hành, Phạm Trọng Thanh phải bỏ dở học hành, xin đi làm thợ từ năm 1960 tại xí nghiệp Gỗ Nam Định. Còn may là ông được đào tạo thành cán bộ kế hoạch và được trưng dụng làm giáo viên bổ túc văn hóa. Đầu năm 1975, ông nhập ngũ, ở đơn vị phối thuộc H4, Đoàn 770 miền Đông Nam Bộ. Cuối năm 1976, nhờ tặng phẩm về Thơ của tạp chí Văn nghệ quân đội cho bài “Thác trời”, ông xuất ngũ về nhận công tác tại Ban Vận động thành lập Hội VHNT tỉnh Hà Nam Ninh, sau đó công tác tại Văn phòng Hội, chính thức thành một cán bộ văn nghệ, được giao dần trọng trách cùng những sức ép, khiến ông tự đặt mình phải gắng tự vượt về nghề, về trang bị kiến văn và cả trong lối sống. Cuộc “tự vượt” này để lại dấu ấn rất rõ trong những sáng tác sau thi phẩm “Gió trầm”.
Gắng gỏi thứ hai: Lòng tự trọng của kẻ sĩ thôi thúc ông kiên trì vượt qua sức ép về trách nhiệm được giao ở cơ quan Hội Văn nghệ: Trưởng bộ môn Thơ, Thư ký Tòa soạn tạp chí Văn nghệ Hà Nam Ninh, ủy viên Thường trực Hội, thêm vào đó cả chủ quan và khách quan khiến ông thấy cần phải phấn đấu để xóa được cái điểm xuất phát có phần “ít học” của mình. Ông học chữ Hán và các sách lý luận nhiều lĩnh vực, tìm đọc thơ Đông – Tây – Kim – Cổ, Việt Nam và Thế giới, học và đọc một cách nghiêm túc và ghi lại bằng thơ, vì vậy mới có thơ ông viết (và trích dẫn tỉ mỉ) về Hải Thượng Lãn Ông, về thi hào Nguyễn Tiên Điền, về Nguyễn Gia Thiều, về Phan Chu Trinh, về Nguyễn Bính… Trên cơ sở đó, ông mở rộng sự học và đọc ra Văn hóa Thế giới và đều ghi chép về các tác gia, tác phẩm đó. Thơ ông viết về nhạc sĩ thiên tài người Áo, về nhân vật của nhà tiểu thuyết Nga M.Sôlôkhốp lừng lẫy tiếng tăm, về nhà thơ Bungari Blaga Đimitrôva nổi tiếng tấm lòng nhiệt thành với Việt Nam suốt cuộc đánh Mỹ… Công tác ở Hội, Phạm Trọng Thanh được đồng hành với đội ngũ các tác giả địa phương trong các chuyến đi thực tế, các trại sáng tác nên dễ hiểu ông làm thơ về nhiều con người, nhiều vùng đất, làm nên phần thơ thuộc phẩm chất Nhà thơ – Công dân dày dặn của thơ ông, và chính phần thơ này đã tạo nên dáng vẻ đầy đặn, vững chãi chân dung một Nhà thơ chính danh mang tên Phạm Trọng Thanh!
Lại xin được “nói có sách” về kết luận này.
Có thể nói, Phạm Trọng Thanh đi đâu, đến đâu cũng làm thơ ghi lại. Nói cách khác, qua thơ ông, người đọc thấy sức đi, sức viết của ông thật đáng nể. Hai năm làm chiến sĩ miền Đông Nam Bộ, ông đã có phần thơ chính yếu mang tên “Dọc cánh rừng tuổi trẻ” trong tập “Thơ Phạm Trọng Thanh” đậm chất hùng ca.
Ở Vĩnh Linh, trước ngày ngược thượng nguồn Bến Hải, ông có “Ghi chép thơ ở một làng binh trạm” với những câu thơ mang dáng nét riêng: “ Bom trộn pháo cát trộn trời gió lửa”; “Ở đây như không có câu nói thừa/ Đất chất chứa những lời bình tĩnh nhất”/“Ừ, có thể mai này chẳng gặp/ Vách hầm sâu cất giữ dải Ngân hà/ Tiếng gà gáy gọi mặt trời trong cát/ Bát canh nghèo mạ chăm chút cho ta”. Qua đất bạn Lào để vào tập kết ở miền Đông Nam Bộ, ông viết “Chào bản Na khu”, “Trong bóng rừng nguyên sinh”: “Bồng bềnh ngàn cây sương buông/ Ẩn hiện những người lính trẻ/ Mặc đồng phục mà mối người mỗi vẻ/ Tựa vai nhau thành cốt cách đại ngàn”. Qua một “Thác trời” để thần tốc xuống đồng bằng, ông kịp ghi những dòng thơ hào sảng: “Dây mây leo quấn xác trực thăng/ Chân bến Cự lũ xuồng bay vỡ vụn/ Tiếng thác đầy nòng súng/ Chiến sĩ miền Đông đánh vỗ mặt quân thù”…
Thơ thời chiến thì vậy, còn thơ thời bình, kể từ ngày Phạm Trọng Thanh chuyển về làm cán bộ văn nghệ? Như trên đã nói, ông đi nhiều, viết nhiểu, thử: bút ở nhiều thể nghiệm. Viết về người quai đê lấn biển, ông giữ nguyên giọng hào sảng; “Đào và đắp/ bước chân sải trên bậc thềm đất nước/ Đứng với con đê áp mặt biển đầy/ hỡi từng hạt của đất đai thương mến/ hãy nảy mầm và bén rễ như cây”.
Nhưng, thực tế thời bình – kể từ sau 30/4/1975 đến những năm tháng này của thế kỷ XXI, đất nước trải bao thăng trầm, thơ Phạm Trọng Thanh không giữ mãi giọng hùng ca hào sảng nữa, mà uyển chuyển biến đổi theo kịp thực tế đời sống và mạnh dạn thử nghiệm các kiểu thơ mới. Ông học cha ông để có thơ lục bát đằm chất dân ca, ca dao và mạnh dạn sáng tạo trong cách thức tạo nhịp (sẽ viết kỹ hơn ở phần sau). Ông thử áp dụng sự mới lạ trong thơ nước ngoài trong “Không đề theo kiểu Ru-bai” : “Một bông hồng vừa dâng hương đêm qua – vầng trăng nói thế/ Một bông hồng vừa hôn tôi sáng nay – lời ngọn gió kể/ Nhưng em biết không…se sắt nắng chiều rơi/ Người lỗi hẹn hoa chỉ còn ngấn lệ….”
Những học hỏi, sáng tạo bền bỉ ấy có kết quả khác nhau, không phải lúc nào cũng thành công. Chẳng hạn, viết về những con người và đơn vị, vùng đất cụ thể, đọc thơ ông, tôi cứ thầm mong có những dòng thơ như “Tây tiến”, “Những làng trung đoàn ta đi qua”, “Đôi mắt người Sơn Tây”…của nhà thơ Quang Dũng, với những câu thơ đọc một lần nhớ mãi; “Tây tiến đoàn binh không mọc tóc/ Quân xanh màu lá dữ oai hùm/ Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” (Tây tiến). Và: “Sông Đáy chậm nguồn qua phủ Quốc/ Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng” (Đôi mắt người Sơn Tây). Nhưng không thấy. Âu cũng là cái tham lam của một người thưởng thức thơ, biết là vô lý vì thơ mỗi người mỗi tạng, mỗi tài, có ai giống ai, mà vẫn liên tưởng ước ao.
3. Sẽ không trọn vẹn khi viết về thơ Phạm Trọng Thanh mà không có phần viết về thơ lục bát và thơ văn xuôi của ông.
Nhà thơ Phạm Trọng Thanh viết thơ lục bát tôi đồ chừng quãng một phần tư số lượng thi phẩm của mình. Chừng ấy cũng đủ để có nhận xét về một thể loại thơ của cây bút thơ, xem hay dở thế nào, ông có nên viết tiếp thể loại thơ này?
Ai cũng biết lục bát là thể thơ cổ điển của Việt Nam, người Việt Nam rất ưa chuộng, dễ làm nhưng không dễ hay, rất dễ thành vè. Một lưu ý nữa: Người viết phải hết sức cảnh giác, kẻo thơ mình viết ra sẽ là cái đã có của ca dao, tục ngữ và bị cái bóng của nhà thơ nào đó ôm trùm mà không biết. Thơ lục bát của Phạm Trọng Thanh tránh được hai cái bẫy này, và vì thế để lại được cảm tình của người đọc. Thấy rõ ông lựa chọn đề tài khi áp dụng lục bát. Những thơ viết về nông thôn với làng quê yên ả, thơ tiễn biệt mẹ, cha, ông dùng lục bát làm phương tiện. Những bài “Chợ Cầu”, “Hát Mụa làng ta”, “Gặp chàng Xã Lãi”, “Mẹ”…là ví dụ. “Hôm qua tôi đi chợ Cầu/ Một nghìn cái thúng nghiêng đầu hỏi ai/ Một nghìn chiếc nón tua quai/ Chợ làng vừa rộng vừa dài vừa đông/ Hỏi cầu có biết em không/ Cái cô thắt mảnh khăn hồng làm nơ…” (Chợ Cầu). “Buộc con diều đại vào mây/ Chàng giong trâu mộng đường cày phăng phăng/ Đêm thì cày nứt mặt trăng/ Ngày thì trâu giẫm vỡ băng mặt trời…” (Gặp chàng Xã Lãi). “Nhà mình mỗi đứa mỗi phương/ Cái sân đã rộng, con đường càng xa/ Cây cau bể nước vại cà/ Tuổi già ở với tuổi già hôm mai…” (Mẹ).
Phạm Trọng Thanh không viết nhiều thơ văn xuôi, nhưng vẫn lưu giữ được thể thơ này trong bạn đọc khi có dịp đọc thơ ông. Không phải ông có phát kiến gì mới mẻ khi viết thơ văn xuôi, vẫn là những khổ thơ được viết liền mạch, nối nhau bởi các dấu chấm, dấu phảy. Nhưng ông để lại hứng thú cho người đọc trong việc tạo ra nhạc thơ. Đọc thơ văn xuôi của của Phạm Trọng Thanh, kể cả đọc bằng mắt, người đọc cứ thấy nhạc đệm cho từng câu, từng đoạn vang lên trong tâm tưởng, khiến họ ngất ngây với trang thơ: “Mẹ sinh chúng con thương mến thốt nên lời, đất nước bi bô ấy là tiếng trẻ. Mẹ dạy ngọn đèn thức sáng, sợi nắng đưa văng, mở cửa chân trời gió chơi gió chạy, tiếng sấm ù ì cối xay nặng nhọc, vụng Vọng mây lồng cá tôm trẩy hội, sông Hồng dựng vũ môn thác trắng đầu nguồn…”
(Lặng lẽ cánh đồng). “Bạn ơi, có cách nào tìm thấy nhau đây, dòng địa chỉ xanh xanh dấu hòm thư cũ. Trận đánh ngày nào, vỏ đạn lẫn vỏ cây tầng tầng đá vỡ/ Ngôi nhà xưa mỗi mùa xuân qua trắng muốt nhánh ngọc trâm, cầu thang cũ dâng dâng từng bậc, vời vợi bước chân năm tháng xa dần…” (Ngày trở gió)
4. Năm nay, Phạm Trọng Thanh bước qua tuổi 80, với gần sáu mươi năm đường đời, đường thơ dằng dặc tháng năm công sức sáng tạo, học hành, ôn luyện, dâng cho Thi đàn và bạn đọc 10 tập thơ gói ghém tinh túy và sức lực để được nhận 11 Giải thưởng Thơ và một Giải thưởng Văn xuôi. Cùng với đó là nhiều năm ông được tín nhiệm giao nhiệm vụ và hoàn thành tốt trọng trách từ Trưởng bộ môn Thơ đến các công việc quan trọng của tạp chí và của Hội Văn nghệ ở miền đất cồn nổi tên tuổi những thi nhân như cụ Tú Xương, nhà thơ Nguyễn Bính, nhà thơ Vũ Hoàng Chương, nhà thơ Đoàn Văn Cừ…; bạn thơ cùng thời có Nguyễn Đức Mậu, Trần Mạnh Hảo, Phạm Như Hà, Phạm Trường Thi… Ông trở thành Nhà thơ – Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1998. Nhà thơ Phạm Trọng Thanh đã thực sự gắn được tên tuổi mình không chỉ trên miền đất thơ quê hương Nam Định mà còn cả trên Thi đàn Việt Nam hiện đại, xứng với danh xưng giản dị mà cao quý trong lòng bạn viết, bạn đọc gần xa: Nhà thơ chính danh!.
Xin chúc mừng ông!
Hà Nội, 25/9/2022
Phạm Ngọc Chiểu
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...