Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2024

Văn học Nga và Xô viết còn được đọc ở các nước nào khác

Văn học Nga và Xô viết còn được
đọc ở các nước nào khác?

Những kẻ thích bông phèng nói rằng có hai chủ đề mà mọi người đều hiểu: chính trị và bóng đá. Tuy nhiên, đã đến lúc nên bổ sung thêm một điều nữa – chương trình giảng dạy văn học ở trường sẽ như thế nào…
Năm nay, tại Nga một làn sóng tranh cãi mới đã nổ ra. Một nghị viên Duma Quốc gia, ông Dmitry Vyatkin đã đưa ra ý kiến cần loại bỏ cuốn “Quần đảo Guag” của Alexander Solzhenitsyn ra khỏi chương trình văn học nhà trường. Tựa như, nhà văn này đã “hút nhiều máu của sự thật ra khỏi ngón tay của mình” và “bôi nhọ Tổ quốc Nga” để nhận được giải thưởng quốc tế.
Solzhenitsyn đứng đầu bảng các tác giả Nga được lựa chọn ở nhiều nước nhưng mới đây tại Nga có ý kiến cho rằng cần loại bỏ cuốn “Quần đảo Guag” của ông ra khỏi chương trình văn học nhà trường.
Mặt khác, có những nghị viên yêu cầu đưa “Đội thanh niên cận vệ” của Alexander Fadeev và “Tuyết nóng” của Yuri Bondarev vào danh sách các tác phẩm bắt buộc học trong nhà trường. Bộ Giáo dục đã có hồi đáp khi thêm vào chương trình giảng dạy không chỉ những cuốn sách kể trên mà còn cả “Thép đã tôi thế đấy” của Nikolai Ostrovsky, truyện “Tính cách Nga” của Alexei Tolstoy và truyện “Pháo đài Brest” của Sergei Smirnov.
Hãy cùng tìm hiểu xem các tác phẩm kinh điển của Liên Xô vẫn đang được nghiên cứu ở những nước nào khác.
Với các nước thuộc Liên Xô cũ
Văn học Nga vẫn được chú ý đặc biệt ở các nước hậu Xô viết. Tiêu chuẩn giáo dục ở Belarus có lẽ giống với tiêu chuẩn của Nga nhất. Học sinh tiểu học được giới thiệu các đoạn trích trong sách của Kir Bulychev, “Chuồng đựng thức ăn của mặt trời” của Prishvin, truyện ngắn của Paustovsky, truyện vừa “Ba người đàn ông béo” của Olesha. Thanh thiếu niên nghiên cứu về Gorky, “Sa hoàng Cá” của Astafiev, những bài thơ của Tvardovsky, “Số phận con người”của Sholokhov… Vào năm 2021, các tác phẩm của Nabokov và Solzhenitsyn đã bị loại khỏi chương trình bắt buộc.
Ở Kazakhstan, tình hình cũng tương tự, nhưng ở đây nền văn học dân tộc được chú ý hơn. Ở trường trung học, việc nghiên cứu các tác phẩm của các tác giả Liên Xô chỉ còn mang tính chất giới thiệu. Phần lớn được khuyến khích dành cho đọc ngoại khóa. Một lần nữa, có thể gặp Gorky và Tvardovsky, những truyện ngắn của Zakhoder, “Timur và đồng đội ” của Gaidar, “Cô giáo cát” của Platonov, “Vasily và Vasilisa” của Rasputin, truyện ngắn của Shukshin và Aitmatov, cũng như thơ trữ tình và văn xuôi về Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại.
Thời hoàng kim
Ở hầu hết các nước phương Tây, chương trình giảng dạy ở trường tập trung vào văn học dân tộc của nước họ. Điều này đặc biệt nổi trội ở Đức, Áo và Pháp. Những tác phẩm kinh điển phổ biến trên thế giới như “1984”và “Trại súc vật” của Orwell, “Thế giới mới hoang dại” của Huxley hay các vở kịch của Shakespeare là cực kỳ hiếm ở Anh hoặc Mỹ trong chương trình đọc tham khảo. “Hài kịch thánh thần” của Dante có thể được tìm thấy trong các trường học ở Ý và Hy Lạp.
Việc nghiên cứu các tác phẩm của các nhà văn Nga ở nước ngoài trong các trường học (và điều này không phổ biến lắm) thường chỉ giới hạn trong các tiểu thuyết được lựa chọn của Dostoevsky và Tolstoy. Thông thường đó là “Tội ác và Trừng phạt” và “Anna Karenina”. Đôi khi các tổ chức giáo dục cá nhân cũng đưa vào chương trình truyện ngắn và kịch của Chekhov.
Việc nghiên cứu thêm các tác phẩm của thế kỷ XX và các tác phẩm kinh điển của Liên Xô thường được thiết kế cho sinh viên tại các trường đại học. Các khóa học về văn học Nga được giảng dạy tại các trường rất đa dạng: “Bác sĩ Zhivago” của Pasternak, truyện và thơ trữ tình của Bunin, thơ của “Kỷ nguyên Bạc”(Akhmatova, Blok, Belưi, Yesenin, Tsvetaeva) và nhà thơ cách mạng Mayakovsky, truyện của Nabokov, “Thợ cả và Margarita” của Bulgakov, “Cuộc đời và số phận” của Grossman, “Một ngày trong đời của Ivan Denisovich” của Solzhenitsyn.
Như nhiều người nước ngoài thừa nhận, việc làm quen văn học Nga của họ không phải ở trường phổ thông hay trường đại học, mà thường do ý thích. Solzhenitsyn đứng đầu bảng các tác giả được lựa chọn.
Tại Hoa Kỳ, nơi không có tiêu chuẩn giáo dục của một bang duy nhất và mỗi bang đặt ra những yêu cầu riêng, thì ngoài Tolstoy, Dostoevsky, Turgenev và Chekhov, người ta có thể tìm thấy tiểu thuyết “Một ngày trong đời của Ivan Denisovich” của Solzhenitsyn, cũng như tiểu thuyết “Bác sĩ Zhivago” của Pasternak. Người Mỹ bị cuốn hút tới các tác phẩm này trước hết bởi số phận nổi nênh của các nhân vật chứ không phải bởi bối cảnh lịch sử. Cách mạng, Nội chiến, sự đàn áp và cuộc sống trong các trại cải tạo – điều này lui xuống hàng thứ hai đối với sinh viên Mỹ.
Ở Vương quốc Anh, nơi có chương trình giảng dạy quốc gia, thì một số trường đại học cũng nghiên cứu về Solzhenitsyn. Nhưng trọng tâm là văn học dân tộc của họ và một số nhà văn Mỹ.
Những chuẩn mực phương Đông
Nếu Solzhenitsyn chỉ có thể tạm được gọi là một tác giả Liên Xô (đúng hơn là một tác giả chống Liên Xô), thì Nikolai Ostrovsky là một hình mẫu của Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Vào những năm 1990 ở Nga, cuốn tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” của ông bị loại khỏi chương trình giảng dạy ở trường, thì ở Trung Quốc, số phận của anh lính trẻ Hồng quân Pavka Korchagin vẫn làm cho  các cậu các cô học sinh xúc động. Ở một số trường, cho tới nay cuốn tiểu thuyết này vẫn được học ở cấp trung học.
Cách đây vài năm, ở các trường học Việt Nam, trong các tiết học văn, học sinh đọc những truyện ngắn của Maxim Gorky, ở cấp tiểu học các em đọc các đoạn trích trong tác phẩm của nhà giáo, nhà văn Liên Xô Vasily Sukhomlinsky.
Ở Nhật Bản, mặc dù họ không coi văn học Nga như một phần của chương trình giáo dục, nhưng trong các thư viện nhà trường, bạn có thể tìm thấy truyện vừa “Một” của Nikolai Vnukov kể về một thiếu niên 14 tuổi bị lạc trên một hoang đảo ở Thái Bình Dương. Tác phẩm này của nhà văn Liên Xô đã nhận được một cái tên khác ở đây – “Cuộc phiêu lưu trên đảo”.
Ở Thổ Nhĩ Kỳ, những truyện ngắn, truyện vừa  của Chingiz Aitmatov, chẳng hạn như “Con tàu trắng” và “Cánh đồng của mẹ”, đã được đưa vào chương trình giảng dạy bắt buộc ở trường.
Nhận xét thêm của chuyên gia
Yegor Kholmogorov – nhà báo, hội viên Hội Nhà văn Nga cho rằng: Ở nước Nga văn học kinh điển Nga thậm chí được phục vụ lộn ngược.
Chúng ta cần xác định rõ mục tiêu: Chúng ta đang muốn tạo dựng nên những công dân, những người yêu nước biết chiến đấu vì Tổ quốc,mà văn học sẽ rèn luyện cho họ lòng dũng cảm và sức chịu đựng sao đây? Vậy tất cả các tác phẩm phải được lựa chọn theo yêu cầu này. Giờ đây, trong các tiết học về văn học và lịch sử, vẫn còn sót lại từ thời Xô Viết, chúng ta đang tạo dựng một người cộng sản cách mạng sôi nổi hoặc một trí thức tự do hay than vãn.
Chúng ta cần phải cải thiện triệt để chương trình học văn học ở nhà trường, nhưng điều đó không cần phải theo hướng “hãy đả phá các tác phẩm thời Xô Viết”, mà hầu hết thời thơ bé học sinh không được đọc; ngay kể cả chính tác giả của những “sáng kiến” ​​​​như thế cũng chưa từng ngó mắt tới. Những người ấy đơn giản chỉ dựa trên một tập hợp các tên tuổi.
Theo tôi, sự xuất hiện của cuốn tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” trong chương trình học ở trường là không thể được. Ý nghĩa của tác phẩm là sự ngợi ca cuộc nội chiến, sự đối lập của phần này với phần kia của đất nước, là lòng thù hận giai cấp. Ví như trong sách còn có cả cảnh hạ nhục các linh mục. Trong tác phẩm này không tạo dựng lý tưởng yêu nước, mà là sự chia rẽ nhân quần.
Dường như có ích hơn một chút là các cuốn tiểu thuyết “Số phận con người” của Solokhov, “Chuyện về một người chân chính” của Polevoy – với hai tác phẩm này còn có thể tìm được sự kế thừa của các thế hệ (từ phi công của quân đội đế quốc, người đã bay mà không cần chân). Nếu bạn muốn thông cảm với chính quyền Liên Xô, bạn có thể đưa “Con đường đau khổ” của Alexei Tolstoy vào chương trình, trong sách các nhân vật sỹ quan đã chọn lựa phe đỏ. Có liên quan về mặt tư tưởng là tiểu thuyết “Bạch vệ” của Bulgakov, hiện đang được học ở trường. Cuốn tiểu thuyết này thể hiện rõ ràng bản chất của chủ nghĩa ly khai Ukraine. “Vasily Terkin” của Tvardovsky cũng rất quan trọng.
Nhưng ở nước Nga vẫn chưa thực sự đọc các tác phẩm kinh điển của mình. Nó được phục vụ ngược lại: họ không đọc các tác phẩm của Leskov, những vần thơ yêu nước của Tyutchev. Chúng ta cần ngừng tập trung vào Blok và bài thơ “Mười hai” của ông ta, mà nên có những nghiên cứu sâu sắc hơn về thơ của Gumilyov.
25/3/2023
Mikhain Solokhov
Tô Hoàng dịch
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...