Thứ Tư, 20 tháng 11, 2024

Trời cao cúi xuống

Trời cao cúi xuống

Trần Quốc Toàn dạy học, làm báo, viết văn, đặc biệt ông là một trong những tên tuổi nổi bật của văn học thiếu nhi nước ta mấy mươi năm qua.
Từ ngoài Bắc hành phương Nam, cuối cùng trụ lại TPHCM tiếp tục sống và sáng tác một cách say mê, đắm đuối, nghiêm cẩn, những trang văn dành cho thế giới trẻ thơ của Trần Quốc Toàn cuộn trào cảm hứng và “xanh” một cách trong trẻo, hồn nhiên và hóm hỉnh khác với cái vẻ đạo mạo của một nhà giáo vẫn chi phối phong thái bề ngoài của ông.
Trại Sáng tác Văn học thiếu nhi do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ở thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên mà nhà văn Trần Quốc Toàn được tín nhiệm làm trưởng trại đang diễn ra thật tươi vui, sinh động. Và từ đất Phú trời Yên ông gửi về truyện ngắn mới thể hiện tình cảm thắm thiết với xứ sở hoa vàng cỏ xanh, Vanvn xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Nép rời khỏi lớp học là đi như chạy ra biển, nó đã mười hai nhưng mới học lớp năm trường làng. Từ trường tiểu học núp trong rừng dương, ra tới biển phải vượt nhiều đồi cát cao, những lúc vượt dốc, đi mà như lùi, chậm hẳn lại. Muốn nhanh, chỉ còn cách lên đến đỉnh đồi thì không đi, không chạy nữa, mà thả mình trượt xuống chân dốc để tăng tốc, bù lại sự chậm trễ lúc leo dốc bên kia. Mỗi khi trượt, Nép ngồi bệt xuống, cái cặp sách để trước bụng mình, hai tay ôm lấy hai ống quyển, tự mình tựa vào mình mà lao xuống băng băng, vượt cả trăm mét đường, chỉ trong vài chớp mắt. Những đứa bé làng này, đứa nào cũng biết trượt như thế, vì những đồi cát là thứ đồ chơi khổng lồ ông trời tặng riêng trẻ nghèo làng biển. Chơi trượt cát đã gì đâu! Lúc ấy trời cao như cúi xuống nói liến thoắng tiếng gió vào tai mình, chẳng hiểu ổng nói gì, nhưng nghe thiệt vui, ào ào chứ không ầm ầm, ì ì tiếng gió lẫn trong tiếng biển, kêu đến nhàm tai suốt ngày ở vùng cát cháy này. Trượt ngồi chưa đã thì trượt đứng. Muốn trượt đứng bọn trẻ kiếm những mo cau còn nguyên tàu lá, đứng lên mo, tay bám vào cuống lá mà trượt. Nếu hai đứa trượt kình, đứa thua phải dùng tàu cau kéo đứa thắng lên đỉnh đồi, lại khởi tranh một cuộc đua mới.
Trên đấu trường cát, bao giờ Nép cũng tới đích trước nhất. Những đứa thua tự an ủi nhau, thằng Nép ốm nhách, xẹp lép như con khô mực, nó chỉ cần nghiêng người, gió nào cản được. Nói thế cũng đúng phần nào, đúng hơn là, chẳng gío nào cản được thằng Nép vì với nó, quen rồi, cuối đường trượt là miếng ăn, không trượt nhanh dành lấy thì đói. Không nhanh, ra được tới bến cá thì hết việc làm.
Mỗi chiều mẹ Nép đã ra bến từ trước, nhận việc với chủ vựa. Tàu về, những cần xé cá từ vai ngư phủ đổ xuống bãi cát, bà cùng những người mẹ khác xúm vào lựa cá, phân loại. Nép  giúp mẹ việc này, nó lựa bằng hai tay, những con lớn, hồng, nục, bạc má… thì lựa ra, thứ nào vứt vào thứ ấy, chờ lên xe lạnh chạy thâu đêm ra chợ thủy sản Phạm Thế Hiển trên Thành phố Hồ Chí Minh, cá nhỏ cá vụn làm mắm thì để nằm lại. Có ngày mải mê công việc, cá lựa xong thì cái cặp sách biến mất.
Chẳng ai khùng, ăn cắp cái cặp rách ấy, nó biến mất vì bị cá biển lấp kín, phải chờ tới khi người chủ vựa cân cá để trả công người lựa, thì mới ló mặt ra. Bà chủ vựa ú nu, trả mẹ con Nép cái cặp, lại còn chọc quê:
– Bằng nầy quyển tập mà ủ mắm, cũng thêm khối độ đạm! Nước mắm Phan Thiết đã hiếu học từ thời ông Liên Thành nhà nầy mờ!
Thật may, cả làng sống bằng nghề biển, mùi cá là mùi cá vậy thôi, chẳng tanh tưởi gì, cái cặp của Nép từ đống cá chượp mắm lại vào lớp học, cũng chẳng ai biết. Người làng chài bận lắm, đàn ông chài lưới, đàn bà bếp núc, chợ búa, chẳng dư thời gian để mà biết những chuyện chẳng cần biết. Như chuyện bố Nép là ai? Mãi tới ngày Ủy ban bắt buộc Nép đi học, để xã được công nhận phổ cập giáo dục tiểu học, thì mẹ phải khai sinh cho nó. Trong khai sinh của Nép, ở dòng tên họ người cha là chữ vô danh. Nép không có cha, nó thành người đàn ông nhỏ tuổi, sống với mẹ trong ngôi nhà nhỏ dưới chân đồi cát, phần đất của dân ngụ cư. Mẹ làm việc gì, nó tiếp mẹ việc ấy, nếu không ra bến lựa cá thì vô rừng đào gốc dương bán cho người ta làm củi chụm. Chỉ có việc học là nó làm mình ên, cứ lúi cúi bên ngọn đèn dầu, mẹ chẳng giúp được con vì mẹ mù chữ. Nép sáng dạ, học gì nhớ nấy, luôn dẫn đầu lớp. Nhân ngày nhà giáo 20 tháng 11, mẹ nó mang mớ cá biếu thầy, ông giáo già đang dạy Nép lớp năm, nhận món quà quê rồi khen, làm bà mẹ trẻ đỏ mặt:
– Con chị học như người thành phố! Học lực ấy vào đại học khó gì. Người làng này, tôi chỉ hi vọng mình nó! Chị đừng tiếc sức!
Mẹ nào tiếc gì con! Nhưng ông trời chẳng để mẹ sống nuôi con ăn học. Trưa hôm ấy cơm nước xong, hai mẹ con chia tay. Con tới trường, mẹ ra bến cá, giá như mẹ đi ngay thì đã thoát chết, nhưng bà còn tham việc, rửa chén đĩa, quét nhà, quét sân… chưa kịp ra khỏi nhà thì trời đổ mưa lớn, mưa như trút nước, trong vòng chưa đầy nửa giờ đồng hồ, mương thoát nước đã ngập đầy cát, nước tràn vào nhà, nước chảy đến đâu cát xuống tới đó, cát tràn vào nhà. Mẹ Nép đứng ngay cửa nhà mưa hắt, vừa cào cát ra vừa kêu cứu, nhà ở ké chân đồi lại đang giữa cơn mưa, sấm chớp ầm ầm, chẳng ai nghe. Cát ngập tới gối. còn rút được một chân lên, cát ngập tới bụng thì cứ đứng giữa mưa mà gào thét chịu trận. Cát chôn sông mẹ Nép bữa ấy cùng mái ấm gia đình của nó. Hết mưa, bà con trong làng giúp Nép bới tìm được mẹ, thì mẹ đã chết không nhắm mắt, không mím miệng. Nép dùng những ngón tay móc hết cát trong miệng mẹ, cái miệng ấy vẫn há ra kêu cứu. Làm sao cứu, sức người địch sao lại sức trời, trước mưa có ác như thế bao giờ, mới đây có xe ủi tới san đồi cát làm sân gôn, san mãi đẩu đâu mà động mạch cát, cát tức giận ra đòn thù. Giận quá mất khôn, thằng có tiền thuê người san đồi, cát chẳng đánh, lại đánh chết bà lựa cá nhà nghèo!
Nép bỏ học, vào đời từ ngày ấy. Tiền ăn, tiền học lúc còn sống, mẹ Nép kiếm ở bến cá, Nép lại ra bến cá tự kiếm miếng ăn cho mình. Bà chủ vựa thấy nó được việc lại thật thà thì cho làm thêm lơ xe lam. Mỗi chiều lựa cá xong Nép xúc lên xe đống cá vụn làm chượp mắm, rồi theo xe vào thành phố Phan Thiết. Xe chạy thẳng vào nhà mắm, Nép xuống cá, ướp muối rồi mới ăn và ngủ. Cũng ngay trong nhà mắm, để hôm sau lại theo xe lam ra bến cá. Nó không về làng nữa, nhà đâu mà về, cứ bến cá – nhà mắm, nhà mắm – bến cá mà nối ngày vào đêm, chuyển đêm sang ngày. Nép như bị bỏ tù trong vòng tròn công việc nặng hơn tuổi nó rất nhiều.
Công việc oằn vai bởi những thúng cá, thúng nuối nhưng thằng bé ấy dù còi cọc vẫn phải lớn lên. Nép đã mười ba. Mười ba thì vẫn con nít, vẫn thèm được chơi, vẫn có quyền được chơi. Từ nhà mắm lẻn ra hè phố Phan Thiết, Nép đánh bạn với cánh bụi đời. Đủ hạng bụi đời, bán báo, đánh giày, ăn xin…thứ bụi nào cũng có vẻ… thơm hơn cái chân lơ xe cá mắm của nó! Những kẻ bụi lành nghề còn xúi, chẳng cần một cắc tiền vốn, chỉ cần biết đạp cát là có thể ra Đồi Hồng, Mũi Né bán nước la – vi  cho du khách, vừa kiếm tiền vừa chơi, chẳng sướng hớn là ngủ nhà mắm cho muỗi chích hay sao!
Nghe tới cát Nép lại nôn nao. Nó đã từng là tay trượt cát vô địch. Nó thấy nhớ cát! Nép bỏ nhà mắm, bám xe đò tìm lên Đồi Hồng, bắt đầu cuộc sống lang thang.
Lang thang trên hè phố còn có các mái hiên che chở. Lang thang trên các trảng cát, muốn có chút bóng râm chỉ còn cách xòe tay mình mà che lấy đầu mình. Da bàn chân dày cui. Chai không từ chỗ nào. Nóng như rang. Có chịu rang, chịu đốt thì mới kiếm được đồng tiền. Nép phơi nắng, phơi gió từ nhỏ lại “ngâm” mắm một năm, sức chịu đứng có phần hơn chúng bạn. Nó nhận những chai nước suối của của dì Ba La Vi có quán nước dưới chân đồi, chạy theo chân du khách bán tận tay, mỗi chai năm nghìn, Nép được hai trăm. Nhưng kiếm được hai trăm không dễ, giang sơn nào bụi đời nấy, cánh lang thang tại chỗ đã hùng cứ trước rồi. Nơi bến xe đổ khách Nép đừng bén mảng, nếu không muốn lỗ mũi ăn trầu! Nhất cử nhất động của đội lang thang Đồi Hồng không lọt khỏi tầm mắt của bà nữ chúa mía lạnh tên Ngọt. Nữ chúa cũng chỉ bằng tuổi Nép, nhưng ra đời sớm, lớn trước tuổi. Ngọt đã ngon mắt lại khéo cắt đạt công việc, biết xếp mặt hàng, xếp bến khách cho trẻ lang thang như xếp tài xe ôm, như ghim mía, nhờ vậy nó được phong tước vương từ khi Nép còn là thằng nhỏ lựa cá. Nép biết phận mình, chỉ dám đứng từ xa đeo bám khách đi lẻ.
Một vài người khách lẻ với Nép đã là vốn quý. Khách không mua nó cũng không bỏ, kiên trì bám theo. Nép bám khách mà không làm phiền họ. Nó im lặng theo khách để chờ cơ hội giúp đỡ. Khi thì  chạy ngược dốc, lấy lại cho chị kia cái nón bị gió cuốn đi. Khi thả xuôi xuống chân đồi mua giúp cho anh nọ cuộn phim kodak mà không cần lấy tiền trước, mua đúng giá chợ, không xin thêm một đồng. Trong một lần mua giúp cho đôi thực khách nam nữ kia, cô gái thấy nó đưa cuốn phim mà thở hổn hển thì tội nghiệp hỏi nó có bán mía lạnh không? Nó “chuyên trách” la vi, mía lạnh là độc quyền của con nhỏ Ngọt xếp xòng. Nhưng Nép vẫn lao xuống chân đồi tìm Ngọt, kiếm mía lạnh cho khách. Từ đỉnh đồi, nó trượt cái vèo đã xuống chân đồi, chạy tới mối của nó:
– Cái Ngọt Mía Lạnh đâu dì Ba La Vi?
– Nó trúng mối lớn mày ơi. Khi không thằng lơ xe biển số 62 kiếm con mía lạnh hỏi mua những mười chai la vi. Chắc con nhỏ đang lấy tiến trên xe.
Nép chạy tới cái xe biển 62 đậu ngoài cùng. Cửa xe đóng kín. Cái mẹt mía lạnh còn để dưới xe. Nó nhảy lên tính nhìn vào trong xe nhưng nhảy không tới cửa sổ. Mà có nhảy tới cũng chẳng nhìn xuyên được loại kính đen chống nắng chỉ dành cho người trong xe nhìn ra. Tâm sinh nghi, nó nhớ lời nhắc nhở của mấy anh chị trong nhóm Gia đình Phật tử hay tới phát qùa và phát những tờ rơi, nói chuyện hỗ trợ trẻ em bị xâm hại tình dục. Nó đấm thùm thụp vào thành xe, không dám kêu “hãm con nít bớ người ta” nó chỉ rao lớn, gọi lớn “Mua nước chú ơi! Ngọt ơi có người kêu mía lạnh”. Nép gọi cho tới khi cửa xe phải mở ra. Cái Ngọt mặt xám ngoét bước xuống. Những chai la vi ném xuống theo, con nhỏ lượm chai nước ế, quên cả cài những nút áo bị bung ra từ lúc nào!
Nép được kết bạn với bà chúa Đồi Hồng sau ngày ấy, nhờ vậy cánh lang thang ma cũ  nơi này đã chấp nhận nó. Riêng Ngọt đã tin và truyền ngay cho cho Nét những ngón nghề rất cần cho người lang thang ở vùng cát du lịch này và bản thân Nép cũng đóng góp vào cái nghề cực khổ giữa nắng và gió những kinh nghiệm sống, có được từ cát. Cái bắt tay giữa Nép và Ngọt, đã dẫn tới một thay đổi lớn cho dân lang thang Đồi Hồng, kể từ câu chuyện dưới đây…
Trông quê một cục, vậy mà đứa bụi đời nào ở Đồi Hồng cũng biết sử dụng máy chụp hình, kể cả máy kĩ thuật số. Du khách nào cũng muốn có mặt trong những tấm hình và không phải ai cũng mang theo chân máy để chụp tự động. Đấy là cơ hội để những trẻ lang thang có thể bấm máy giúp. Đấy là một việc tốt không thể không làm ở vùng thắng cảnh tuyệt đẹp này! Thiếu việc tốt miễn phí ấy, nhiều đôi vợ chồng mới cưới sẽ chẳng có hình chụp đôi để mà sau này khoe với con cháu về tuần trăng mật Đồi Hồng của mình.
Một lần mười mấy tay máy nữ câu lạc bộ Chim Yến tới chụp hình Đồi Hồng. Các nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyên nghiệp thì thiếu gì đồ nghề xịn, kể chi chân máy. Vậy mà Nép, theo sự cắt đặt của Ngọt vẫn kiên trì đeo bám  để tới được lúc cô trưởng đoàn trao máy cho nó nhờ bấm giúp, cô còn bận chỉ chỗ đứng, chỗ ngồi cho từng con chim yến của mình. Nép cầm cái máy kĩ thuật số đưa thẳng tay, ra lệnh “Mai! Oẳn…tù…tì!” (Smile!One…two…three!) * rồi mới bấm máy.
Mọi người cười ồ về câu Tây bồi của thằng nhà quê. Sau tràng cười ấy, quan hệ thân mật khác thường. Cô đoàn trưỏng chính thức thuê nó dẫn đường đi săn lùng những đồi cát khác ngoài Đồi Hồng ai cũng đã biết. Trúng mánh rồi. Cát là bạn nó. Nó thuộc cát như thuộc bài hồi con học trong trường.
Vừa đưa dù che nắng cho cô trưởng đoàn Nép vừa thủ thỉ:
– Các cô phải đến đồi cát vàng Tuy Phong hay đồi cát trắng Trinh Nữ. Lạ lắm cô ơi chúng con gặp từng ngày mà nhìn vẫn không quen mặt. Gió thổi cát bay, những khu đồi ấy mỗi ngày mỗi khác. Vẫn Trinh Nữ vậy thôi, mà hôm ốm, hôm mập. Có ngày cát đổ mất eo.
– Sao con rành về cát vậy?
– Thì con sinh trong cát mờ! Cô biết không, khi còn ướt, cát vàng mịn như đường chảy, gió đẩy cát lên động để hong nắng. Được phơi khô, cát có màu trắng như đường cát. Cô nhìn đồi Trinh Nữ kia! Ngọt dáng không!
– Cát mà ngọt à?
– Thiệt mờ! Ấm nữa. Có hôm ra biển sớm quá, mặt trời chưa lên, lạnh không chịu được, má con khoét một cái nôi cát, hai mẹ con nằm chờ sáng. Con nằm vậy quen rồi. Cát che gió, như manh áo ấm. Cô biết tại sao vùng này gọi là Mũi Né không?
–  Tại sao?
– Tại vì khi biển động tàu bè nép vào mũi đất này né bão. Những ngày né bão, không có cá mà lựa. Biển êm thì dù nắng hay mưa, má con cũng phải ra bến lựa cá. Ngày bể bàu sanh con, má vẫn ngoài bến. Con là đứa, má đẻ rơi trên cát cô ơi.
– Má con bây giờ còn lựa cá không?
– Má con chết rồi! Cát vùi  má con!
Những bà mẹ, những cô gái trong câu lạc bộ Chim Yến biết hoàn cảnh của Nép thì không thể bỏ mặc cậu bé. Họ xin số điện thoại nhà dì Ba La Vi để sau này mỗi khi cần thì nhờ dì Ba gọi Nép tới nói chuyện. Câu lạc bộ mặc nhiên coi Nép như đứa con nuôi mà họ cưu mang, lại như một đồng nghiệp trẻ, biết cách chụp những khuôn mặt thật tươi. Từ mối quan hệ thân tình này Chim Yến, nhận đỡ đầu tất cả những trẻ lang thanh Đồi Hồng. Họ muốn truyền nghề, bắt đầu bằng việc từ danh sách mà Ngọt gửi ra Hội nhiếp ảnh Thành phố Hồ Chí Minh, Chim Yến tặng mỗi trẻ lang thang một áo gi-lê nhiếp ảnh, thứ áo có rất nhiều túi để chúng nó quảy hàng bán dạo, vừa bán vừa quảng cáo cho câu lạc bộ. Vải may áo ấy mua bằng một phần tiền giải thưởng bức Nàng tiên cá chụp đồi Trinh Nữ nơi Nép dẫn Chim Yến tới hôm ấy. Những tấm áo rất mốt kia là phần thưởng cho những đứa bé có góc nhìn đẹp. Và khi Hội bảo trợ trẻ em nghèo Thành phố Hồ Chí Minh xin được một số máy chụp hình dành cho việc đào tạo nghề cho trẻ lang thang, thì qua Chim Yến máy chụp đã đến với trẻ lang thang Đồi Hông. Sau một khóa học với những chiếc máy từ thiện ấy, nhiều đứa thôi bán la vi, thôi đánh giày chuyển qua hành nghề phó nháy chụp dạo. Vẫn lang thang đấy, nhưng lang thang một cách nghệ sĩ để kịp ghi lại những khoảnh khắc đẹp trong cuộc đời này.
Đẹp nhất với trẻ lang thang Đồi Hồng là khi chúng được đổi đời, thôi làm đứa bán thuê mà làm ông bà chủ. Biến đổi đáng nhớ này xảy ra sau ngày Nép về thăm mộ mẹ. Lúc trở lại Đồi Hồng nó mang tới mấy cái mo cau, tính để rủ chúng bạn chơi trượt cát như hồi nào chơi trên đồi cát làng mình. Ai dè du khách thấy mấy đứa trượt mo cau thì thích quá xin mượn để trượt thử, rồi hào phóng trả tiền mượn mo! Cái mo mà làm ra tiền thì…ngon rồi! Dân lang thang Đồi Hồng tìm về các làng gần đây xin mo cau cho du khách thuê. Nghề cho thuê đồ trượt cát ra đời. Làm chủ thì sướng quá đi! Làm chủ những chiếc mo cau đã nổi tiếng từ thời thằng Bờm, càng sướng!
Bây giờ nếu tới Đồi Hồng, vừa bước xuống xe, du khách sẽ gặp ngay một đội trẻ lang thang mời thuê tấm trượt cát bằng nhựa có quy chuẩn đàng hoàng. Có đứa mời thành bài hẳn hoi, không đi không biết Đồi Hồng/ đi rồi trượt cát thành rồng phi thân!Ai cũng được mời, nhưng ít ai được cho biết, ban đầu tấm trượt cát chỉ là những cái mo cau. Lại càng ít người biết rộng hơn, ông tổ nghề trượt cát là một trẻ lang thang cơ nhỡ. Một ông tổ nghề mười ba tuổi!.  
Chú thích:
* Cười nào! Một… hai… ba!.
11/4/2023
Trần Quốc Toàn
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những chuyến đò mưa

Những chuyến đò mưa Đò chở những bà mẹ nghèo sang chợ Than bên kia sông bán những thứ của nhà làm ra hoặc buôn thúng bán mẹt. Năm ngày 2 p...