Thứ Tư, 20 tháng 11, 2024

Thầy giáo Năm của tôi

Thầy giáo Năm của tôi

Cha khom người để tôi toài xuống đứng trước cửa lớp. Lớp học của tôi là một gian thờ Mẫu của chùa làng. Các bức tượng phật đều đã được người ta dọn đi gần hết, chỉ còn lại mỗi một bức tượng Mẫu là vẫn còn ngồi nguyên một cách linh thiêng và huyền bí ngay trên ban thờ.
Thấy tôi xuất hiện, cả lũ bạn trong lớp nhốn nháo hẳn lên. Lũ bạn cùng học nhìn bộ dạng của tôi, từ quần áo tới đôi guốc đỏ có một không hai trong lớp, thì tỏ ra vừa như trầm trồ thán phục vừa như ghen tỵ với tôi. Ngay cả mấy thằng bạn có xuất thân từ thành phần phú nông, địa chủ trong làng, đến những đứa có xuất thân từ thành phần gia đình bần, cố nông, cũng đều chỉ đến lớp trong bộ quần áo màu nâu sồng, chân không giày dép. Niềm tự hào, thậm chí còn là niềm kiêu hãnh về cái vẻ bề ngoài hơn người của tôi vừa mới lóe lên trong chốc lát, bỗng đã vụt tắt. Tôi như kẻ xa lạ, lẻ loi, chơi trội hơn người khiến lũ bạn xa lánh hết.
Một buổi sáng đầu tháng Chín, trời âm u, mây mù xà xuống bay là là trên lưng chừng lũy tre xanh bao quanh ngôi làng tôi. Trời vẫn rả rich mưa thu. Tôi ăn vội bát cơm nguội bu tôi để dành trong chiếc chạn đóng bằng những khúc tre đực để trong căn bếp nhỏ lợp rạ, ám màu bụ hóng đen bóng nom như sừng, rồi quăng vội cái bát có một miếng lẹo ngay dưới chôn, chắc là do lúc nung, lò lửa cháy không đều mà tạo thành, vào chiếc cối đá ngay góc sân giếng, đựng dầy nước vo gạo, lềnh bềnh nổi lên vài mẩu cọng rau muống đã úa màu. Tôi chạy ra ngoài ngõ. Bùn đất dưới chân tôi lép nhép. Ngoài ngõ không một bóng người. Tôi chạy xuống nhà thằng Khiển, gọi tôi bằng anh, vì tôi là con bác họ nó, mặc dù nó sinh ra vào tháng ba, còn tôi sinh cùng năm với nó, nhưng sinh ra tận mãi tháng Năm. Vừa chạy xuống đến sân nhà nó, tôi đã thấy thằng Khiển mặc bộ quần áo nâu mới sồn sột, tay xách một cái túi giả da chuẩn bị đi đâu đó.
– Mày không đi học à, Khang ơi? – Thằng Khiển nhìn tôi với bộ dạng thật hãnh diện: – Hôm nay chú tao đưa tao đi học. Sao mày không bảo bác mày cho đi học? (Cha tôi là trưởng họ, nên tôi thường gọi là bác, còn cha thằng Khiển là em cha tôi, nên nó gọi là chú thay cho tiếng gọi là cha)
-Tôi lặng người đi trong giây lát, rồi chẫn tĩnh lại, đoạn quay ngoắt chạy một mạch về nhà tìm cha. Căn nhà tôi vắng ngắt, chỉ có thằng Tuất em trai tôi đang lê la ngoài vườn tập trồng cây. Tôi hỏi cha đâu, nó chỉ lắc đầu, bảo là không biết. Tôi buồn rầu ra ngõ. Mưa thu vẫn rả rich rơi. Đường làng lầy lội. Mấy đứa cùng tuổi tôi như thằng Chín, anh em thằng Công, thằng Trình, thằng Tuấn Ba Sẹo đều đi học cả. Tôi đảo qua cổng nhà cái Y cũng không thấy chị em nhà nó đâu sất. Tôi buồn bã quay về nhà, ra vườn, đội mưa chơi trò cấy hái trồng cây với thằng cu em cho đỡ buồn. Mãi đến gần trưa cha tôi mới đi họp bên xã về. Tôi chạy lại nì nèo, nói cha cho tôi đi học. Cha tôi cười thật tươi, để lộ hàm răng chắc khỏe và đen nhánh.
– Mai bác sẽ cho em đi học. Bác sợ em ho hen, yếu ớt, không dám cho đi học Vỡ lòng năm nay thôi mà. – Cha tôi xoa đầu tôi, khẽ nói. – Để bác kiếm thanh gỗ bào cho em cái thước kẻ, đỡ phải mua, em nhá.
Sáng hôm sau, tôi xách một cái túi xách giống y hệt cái túi có hai quai giả da như của thằng Khiển, nhưng lại không màu cứt ngựa như cái túi của nó mà là màu đỏ như màu ớt chín. Cha tôi đã để sẵn trong túi cho tôi một quyển vở ô ly, một cái bút chì, một cái thước kẻ mà cha tôi bảo nó được cha tôi làm từ một thanh gỗ vàng tâm, vừa nhẹ, lại không cong vênh, và một quyển sách học Vỡ lòng. Tôi mặc chiếc quần đùi màu đỏ, chiếc áo Đông Xuân kẻ ngang, chân đi một đôi guốc gỗ sơn màu đỏ bóng lộn được đóng miếng da mềm màu nâu làm quai, nom thật thích mắt.
Trời vẫn rả rich mưa. Cha tôi khom người cho tôi ngồi trên lưng, trùm một manh áo tơi bằng lá đã cũ che mưa cho tôi rồi rảo bước đưa tôi đến lớp học.
Cha khom người để tôi toài xuống đứng trước cửa lớp. Lớp học của tôi là một gian thờ Mẫu của chùa làng. Các bức tượng phật đều đã được người ta dọn đi gần hết, chỉ còn lại mỗi một bức tượng Mẫu là vẫn còn ngồi nguyên một cách linh thiêng và huyền bí ngay trên ban thờ. Thấy tôi xuất hiện, cả lũ bạn trong lớp nhốn nháo hẳn lên. Lũ bạn cùng học nhìn bộ dạng của tôi, từ quần áo tới đôi guốc đỏ có một không hai trong lớp, thì tỏ ra vừa như trầm trồ thán phục vừa như ghen tỵ với tôi. Ngay cả mấy thằng bạn có xuất thân từ thành phần phú nông, địa chủ trong làng, đến những đứa có xuất thân từ thành phần gia đình bần, cố nông, cũng đều chỉ đến lớp trong bộ quần áo màu nâu sồng, chân không giày dép. Niềm tự hào, thậm chí còn là niềm kiêu hãnh về cái vẻ bề ngoài hơn người của tôi vừa mới lóe lên trong chốc lát, bỗng đã vụt tắt. Tôi như kẻ xa lạ, lẻ loi, chơi trội hơn người khiến lũ bạn xa lánh hết.
Thày giáo dạy tôi những nét chữ đầu tiên của cái ngày đầu tiên tôi đi học ấy là thày Năm, người bên làng Đề Trụ. Thày nói với cha tôi một điều gì đó, rồi khi cha tôi đã rời khỏi nơi lớp học, thì thày cầm tay, dẫn tôi vào cái chỗ cuối cùng còn lại của lớp, ngay dưới đít tượng Thánh Mẫu. Tôi khép nép, lòng đầy lo âu và sợ hãi, đặt cái túi xách đỏ màu ớt chín xuống mặt chiếc bàn còn mới được đóng bằng thứ gỗ gì đó ngả mùi hăng hắc như mùi hoa soan cuối xuân rụng tím đầy góc sân nhà tôi tỏa ra trong mưa xuân giăng bụi trắng đục, giống một chiếc khăn voan màu trắng ngà mỏng tang phủ vắt ngang từ trên cây soan đào to một người ôm xuống tận góc sân, giáp ngay rặng cúc tần vàng xuộm một màu vàng của những bối dây tơ hồng xuyên bám chằng chịt. Tôi bước qua chiếc ghế băng dài mới, hơi cập kênh, hình như có một góc chân ghế hơi hụt một chút thì phải, rồi ngồi xuống, khoanh hai tay lên bàn. Lũ bạn cùng lớp thỉnh thoảng lại một vài đứa ngó nghiêng nhìn tôi như dò hỏi, như dè bỉu, hay thách thức tôi một điều gì đó. Tôi cảm thấy bất an vì sự khác biệt của mình với các bạn trong lớp. Tôi muốn lột phăng cái quần đùi đỏ, cởi phăng cái áo Đông Xuân kẻ ngang còn thơm phưng phức đang mặc trên người, quẳng đôi guốc màu đỏ ngay lập tức xuống cái ao chùa phía bên kia khoảng sân gạch vương đầy những bông hoa đại màu trắng đục như ngà, và muốn có một bộ quần áo nâu sồng như lũ bạn tôi đang mặc mỗi khi khi đến lớp học.
Sau mỗi tiết học của buổi học đầu tiên ấy, thày Năm lại cho chúng tôi ra chơi. Mấy thằng bạn trai dân xóm Tây, xóm Bắc khinh khỉnh nhìn tôi. Mấy đứa con gái thì ngấm nga ngấm nguýt. Chỉ có mỗi thằng Khiển, thằng Chín là đến gần bắt chuyện với tôi thôi.
– Anh đừng sợ! – Thằng Khiển thì thầm vào tai tôi: – Chúng nó thường hay bắt nạt những đứa mới vào lớp học. Một vài hôm là quen hết ý mà anh!
– Có bọn tao, mày sợ gì! – Cơ mà nom mày oách thế này, chúng nó khó chịu là đúng thôi. – Thằng Chín nói.
-Mấy thằng này tao biết hết. Chúng nó gần ngay nhà bà ngoại tao, lạ gì…- Tôi làm ra vẻ tự tin, đáp lại. Thực lòng tôi rất khó chịu với mấy thằng ở xóm Tây, xóm Bắc này…
Tiết học cuối cùng sáng hôm ấy, thày Năm gọi tôi lên bảng, bắt tôi đọc ghép vần mấy chữ O và A. Tôi vốn sợ phải nói trước chỗ đông người, nên lên đến gần chiếc bảng đen là đầu óc rối tinh lên, miệng ấp a, ấp úng như ngậm hạt thị, chẳng biết đọc lấy một chữ. Thày Năm phải đọc từng vần một rồi yêu cầu tôi đọc theo. Tôi cũng chẳng biết mình có đọc được chữ nào hay không nữa. Mặt mũi tôi nóng bừng lên. Cơ thể tôi râm ran ngứa như có hàng ngàn, hàng vạn con rôm đang cắn rưn rứt trên da thịt. Tôi nhớ, cả lớp cười ầm lên mỗi khi tôi đọc sai một âm thày Năm bắt tôi đọc theo. Trong hơn hai mươi đứa bạn cùng lớp, tôi bất giác chỉ nhận ra mỗi cái Yến con thày giáo Côn, người xóm Tây là ngồi lặng thinh không hề có thái độ chế nhạo tôi. Đôi mắt nó không nhìn về phía tôi, mà nhìn về một nơi nào đó xa xăm ngoài kia sau ô cửa sổ…
Khoảng gần trưa thì thày Năm cho chúng tôi nghỉ. Tôi lẻn nhanh ra cửa lớp. Cha tôi đã kịp đến đón tôi từ lúc nào không rõ. Ông khẽ khom lưng ngôi xuống để tôi nhảy lên lưng, cho ông cõng tôi về nhà.
– Em không thích bác cõng em đâu…- Tôi vừa vùng vằng nói nhỏ vào tai cha tôi, vừa ngoái lại nhìn lũ bạn cùng lớp. Bây giờ mà tôi ngồi lên lưng để cha cõng như buổi sáng nay thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra đây. Tôi nắm chặt lấy tay cha rồi băng băng kéo cha rảo bước qua sân chùa, ra con đường cái chạy từ đầu đình dọc theo dãy ao dài trước làng về xóm Đông, xanh thẫm những bè bèo tây, thỉnh thoảng điểm những chùm hoa mong manh tím ngắt, thoang thoảng trong gió nam là mùi nước mát lạnh từ dãy ao phả lên, phảng phất mùi tanh tanh không rõ là của bùn ao hay mùi tôm cá bay lên.
Về đến nhà, việc đầu tiên tôi làm là cởi phăng bộ quần áo đẹp đẽ và sang trọng nhất lớp mà sáng nay cha đã mặc cho tôi đến lớp. Tôi nói với cha, hãy cho tôi ăn mặc như lũ bạn cùng lứa. Mặc quần áo nâu sồng và đi chân đất. Tất cả bọn chúng đều như thế, thì có sao đâu…
Những ngày sau đến lớp, tôi ăn mặc quần áo nâu sồng như chúng bạn trong lớp. Bọn bạn tôi không còn sét nét nhìn tôi như buổi đầu mới đi học nữa. Tôi được thày Năm chuyển sang chỗ ngồi khác, bàn thứ hai từ trên xuống. Ngồi ngay bàn dưới thẳng lưng tôi xuống là cái Yến. Cái Yến là con gái thày giáo Côn nên học giỏi và chữ đẹp nhất lớp. Tôi nhớ mãi đến tận bây giờ, khi đang ngồi viết những dòng này. Buổi học hôm đó, cái Yến bỗng phát hiện ra tôi có cái bảng đen và cái thước kẻ kỳ lạ nhất lớp. Bọn bạn tôi đều được bố mẹ chúng mua cho những cái bảng đen làm bằng giấy nện, sơn màu đen. Trên mặt bảng có những đường kẻ ca rô màu trắng mờ, do nhà máy sản xuất, còn thơm thơm mùi sơn. Mỗi đứa có một chiếc thước kẻ dài chừng một gang tay người lớn, có cái màu xanh. Có cái màu đỏ, thậm chí có cả màu vàng. Cái bảng đen và cái thước kẻ của tôi thì khác hoàn toàn. Chúng đều được cha tôi làm từ gỗ vàng tâm, khi mới bào đi lớp vỏ cũ kỹ bên ngoài là lộ ra một màu vàng như còn tươi roi rói. Chiếc thước kẻ làm bằng gỗ vàng tâm của tôi có tiết diện hình chữ nhật, chứ không là hình vuông bé con như những cái thước kẻ mua ở cửa hàng văn phòng phẩm mà lũ bạn tôi đang có. Đã thế, cái thước kẻ của tôi không hề được sơn một màu sơn nào, mà vẫn để mộc một màu vàng óng ánh như màu vàng lông tơ của chú gà con vừa mới nở chui ra từ chiếc vỏ trứng. Cha tôi khắc tên tôi vào đầu cái thước kẻ để đánh dấu. Còn cái bảng đen của tôi, dù cũng đã là bảng đen, nhưng không phải được sơn bằng thứ sơn hóa chất, mà nó được cha tôi kỳ công đánh bóng và bôi đen bằng lá cây khoai nước hái ngoài bờ ao đem về, vấn thành từng bối, rồi cọ đi cọ laị vào cái đít nồi đen xì, cho đến khi lá khoai nước và nhọ nồi hòa quện vào nhau, tạo thành một thứ màu đen óng ánh, cha tôi dùng cả nắm lá khoai nước quện với nhọ nồi, đánh bóng lên mặt bảng. Cha tôi kỳ khu làm cho tôi chiếc bảng đen ấy, rồi cũng kẻ những ô vuông trắng mờ giống như một chiếc bảng bán ngoài cửa hàng, nhưng bền hơn và không sợ ngấm nước mưa. Cả lớp phát hiện ra điều khác lạ của cái bảng đen và chiếc thước kẻ của tôi. Có đứa trầm trồ khen đẹp, có đứa chê bai là xấu, là cục mịch, chẳng giống ai. Tôi bỏ ngoài tai những lời xì xèo bàn tán của chúng bạn, chạy ra ngoài chơi cho khuây khỏa. Sáu tiếng trống cái vang lên. Tất cả chúng tôi, ai về chỗ người nấy. Ngồi xuống chiếc băng dài cập kênh, tôi phát hiện ra cái thước kẻ của tôi đã không cánh mà bay. Tôi ngáo ngơ, ngó trước, nhìn sau, ngó ngang, ngó dọc mà không sao tim thấy cái bảng đen và cái thước kẻ gỗ vàng tâm vàng óng ánh của mình. Tôi quay hẳn người về phía sau, với tay lôi ngược từ ngăn bàn cái Yến ra cái thước của mình. Tôi đang giằng co để lấy lại cái thước kẻ thì một cái gì đó giáng thật mạnh vào lưng tôi, khiến tôi có cảm giác muốn nằm lăn quay ra vì đau đến thấu xương.
– Đ. Mẹ thằng nào đánh bố! – Một phản xạ tự nhiên buột ra từ cổ họng tôi thành câu chửi, trong tiếng mếu máo vì vừa bị quật vào lưng, mà tôi đồ là bị quật bằng một chiếc thước gỗ lim to và dài. Tôi quay lại, thì bỗng nhận ra thày Năm, mặt hằm hằm, tay cầm cái thước kẻ gỗ lim dài và đen như một thanh thép.
Thày Năm đã dùng chiếc thước gỗ lim có bản to bẹt chừng bốn đến năm phân, dài đến một mét quật vào lưng tôi một cái quật nặng như trời giáng. Tôi sợ hãi vì vừa buột miệng chửi thày. Khuôn mặt trắng bệch của thày như méo xệch đi. Đôi môi mỏng, luôn đỏ như môi con gái của thày mím chặt. Đôi mắt to, lòng trắng vàng ệch của thày Năm hằn lên những tia máu đỏ hung dữ.
– Cút!
Thày Năm nghiến rắng rít lên. Tôi run lên vì sợ hãi. Tôi chạy vội ra phía ngoài cửa lớp. Tiếng chiếc túi đựng sách vở, bảng đen và thước kẻ của tôi rơi lẹt xẹt phía sau lưng tôi. Cái thước kẻ gỗ vàng tâm màu vàng óng ánh của tôi bị văng ra mãi tận gốc cây đại trước gian tam bảo của ngôi chùa làng rụng đầy hoa màu vàng sữa. Tôi cảm giác thấy một cái gì đó, hình như là nước, ướt nhênh nhếc dưới đũng chiếc quần nâu tôi đang mặc, lòng thòng chiếc dải dút đút sâu trong đũng quần.
Tôi kịp trấn tĩnh lại, ren rén nhặt cái túi giả da, cái thước kẻ và sách vở bỏ vào trong túi, rồi lủi thủi ra về. Tôi đi trong trạng thái bàng hoàng, không biết đâu là đúng sai, đâu là thật, đâu là giả. Lòng tôi như con sóng bồng bềnh nhấp nhô trong lẻ loi, đơn côi, và đầy sợ hãi.
Tôi trở về nhà, thu mình nằm trên chiếc chõng tre, kéo chiếc chiếu cũ sực nức mùi ẩm mốc đắp kín người rồi lặng đi. Mũi tôi tắc nghẹn. Nước mắt tôi giàn giụa, Từ bé đến giờ, tôi chưa bao giờ bị ai đánh, vậy mà lần này tôi bị thày giáo tôi đánh tôi đau đến thế. Tôi thiếp đi trong vô thức.
– Con ơi, dậy đi con! – Có tiếng bu tôi gọi.
Tôi bừng tỉnh dậy. Ngoài sân, trời đã hoe lên thứ ánh nắng giữa thu dìu dịu. Bóng cây xoan đào đã đổ tròn xuống góc sân nhà tôi. Tôi vừa ngồi bệt xuống bậc thềm thì cha tôi hớt hải từ ngõ chạy về.
– Sao em tự về một mình, không chờ bác?
Nghe cha tôi hỏi, tôi òa lên khóc nức nở. Tôi cởi chiếc áo nâu rồi quay lưng lại cho cha tôi xem. Tôi thấy một cảm giác rát bỏng khi bất chợt bàn tay cha tôi chạm phải vết thương trên lưng tôi. Bu tôi rít lên:
– Giời ơi, chả học hành gì nữa. Ở nhà…Học để sống hay học để chết…hả…
– Bình tĩnh bà ơi, – cha tôi nhẹ nhàng, giọng bình tĩnh một cách lạ lùng: – Chắc em nghịch ngợm gì nên mới bị thày giáo đánh chứ! Lớp bao nhiêu bạn, sao thày chỉ đánh mình em?
Sau bữa cơm trưa hôm ấy, cha tôi hái một nắm lá đu đủ, một nắm lá bưởi, lôi tôi xuống bếp, đốt lửa, hơ nóng từng mảnh lá đu đủ, từng chiếc lá bưởi rồi áp vào, khe khẽ ấn nhẹ lên những đoạn da thịt phồng rộp trên cái lưng gày gò, mấp mô những xương xẩu của tôi. Tôi cảm thấy từng tế bào da thịt của tôi như được ràn rãn ra, sau mỗi lần cái nóng đến xém da thịt từ miếng lá đu đủ hơ nóng truyền sang, râm ran khắp cơ thể…
Tối hôm ấy, chừng bảy tám giờ tối gì đó, tôi và thằng Tuất đang nằm cạnh bu tôi trên chiếc giường kê trong gian buồng đầy chum vại, ẩm thấp, nghe bu kể chuyện cổ tích Tấm Cám, thì có tiếng người gọi cổng. Cha tôi ra mở cổng. Tôi nghe phía nhà ngoài có tiếng thày Năm rì rầm nói chuyện với cha tôi. Tôi nằm im lặng như dán mình, bẹp chặt xuống chiếc giát giường bằng tre, nhẵn thín, mát lạnh, cố lắng nghe câu chuyện lúc rì rầm lúc to nhỏ giữa cha tôi và thày Năm, trong sự sợ hãi thày đến vô cùng. Rồi tôi thiếp đi, ngủ một giấc cho đến sáng…
Sáng hôm ấy. cha tôi vẫn đưa tôi đi học như lệ thường. Chúng tôi vào lớp ngồi chờ thày Năm. Thời gian vào lớp trôi đi dễ đã gần nửa tiếng, thày Năm vẫn chưa đến. Mãi một lúc sau, chúng tôi thấy một thày giáo trẻ hơn, nói tiếng làng tôi vào lớp. Thày giới thiệu với cả lớp, thày tên là Lưu, người xóm Tây làng tôi, sẽ thay thày Năm dạy lớp chúng tôi từ buổi học hôm nay. Lý do thày Năm không dạy lớp tôi nữa là thày Năm được gọi tái ngũ vào quân đội, chuẩn bị đi chiến trường miền Nam chiến đấu. Cả lớp chúng tôi lặng đi. Đứa nào cũng thương thày Năm. Riêng tôi, mặc dù vừa mới hôm qua vừa bị thày Năm đánh cho một cái đau tưởng có thể chết đi được, thì cứ băn khoăn tự hỏi, liệu có phải do thày đánh tôi mà bị kỷ luật không được dạy lớp chúng tôi nữa hay không? Tôi thấy thương thày Năm một cách kỳ lạ. Cả buổi học hôm ấy, tâm trí tôi như hoảng loạn và lo âu. Nếu quả thật vì thày đánh tôi một cái, rồi thày không được dạy lớp tôi nữa, không được làm thày giáo nữa thì thật khổ cho thày. Buổi trưa hôm ấy, trong bữa cơm, tôi đã kể lại cho bu tôi, và cho cha tôi chuyện thày Năm không dạy lớp tôi nữa mà phải tái ngũ, vào Nam chiến đấu. Bu tôi đặt bát cơm xuống, nhìn cha tôi, hỏi:
– Hay ông lại phản ánh việc thày ấy đánh con nhà mình? Người ta nóng nảy, nhất thời, dạy dỗ con mình, có đánh nó đau một chút thì có sao mà phải phản ảnh, làm mất nghiệp người ta!
– Sao bà nói vậy! Từ hôm qua đến giờ tôi chỉ quanh quẩn ở nhà, có phản ảnh gì đâu. Vả lại, tối qua thày giáo cũng đã đến nhà mình, gặp tôi, xin lỗi rồi. Tôi đâu cố chấp thế, dung túng để con cái nó hư thì chết à?
Bu tôi thở dài. Cha tôi bưng bát cơm lên, ngoay ngoáy đôi đũa và vội cho hết bát cơm rồi quáng quàng đứng dậy, lấy cái mũ cát đội lên đầu, vội vàng đi ra khỏi nhà. Chừng một giờ sau cha tôi trở lại nhà, treo cái mũ cát móc vào chiếc đinh tre trên vách nhà, đoạn quay sang phía bu tôi, nói một cách bâng quơ:
– Đợt này cả xã có năm người tái ngũ, trong đó có thày Năm. Sáng mai họ lên huyện đội tập trung rồi…
Bu tôi thở dài. Tôi lén chạy ra ngoài ngõ, vào nhà thằng Chín rủ nó ra đồng chơi trò đắp lò đốt lửa. Cả buổi chiều hôm ấy, lòng dạ tôi cứ nao nao, thấp thỏm nhớ và thương thày Năm đến lạ lùng…
Ba tháng sau, vào một buổi sáng đầu đông, trời se lạnh, cả lớp chúng tôi đang nô đuà trong những phút ra chơi ngắn ngủi giữa giờ, thì bất ngờ có một người mặc quần áo bộ đội, rảo bước qua sân chùa, tiến về phía lớp chúng tôi. Cả bọn bạn cùng lớp reo lên:
– Chúng mày ơi, chúng mày, thày Năm đấy! Anh bộ đội là thày Năm đấy!
Cả lớp bao quanh lấy thày Năm, chỉ có mỗi mình tôi là lặng lẽ lảng tránh thày. Tôi đứng thật xa, cố để thày không nhìn thấy. Thày Năm xoa đầu từng đứa, rồi bất chợt, thày đưa mắt nhìn về phía tôi. Đôi mắt thày hồn hậu, và nụ cười của thày thật rạng rỡ nở trên đôi môi đỏ như môi con gái. Thày Năm tiến lại chỗ tôi, cúi xuống, đưa cánh tay phải vòng qua ngang lưng, nhấc bổng tôi lên, như thì thầm:
– Đừng giận thày nữa em nhé, thày đã nóng nảy. Cho thày xin lỗi …
Tôi nhìn sâu vào đôi mắt thày Năm. Một thứ ánh sáng kỳ lạ phát ra, chiếu sâu vào tâm khảm tôi. Ánh mắt của thày Năm rực sáng cứ ám ảnh tôi mãi suốt bao nhiêu năm ngồi trên ghế nhà trường. Chúng tôi, những đứa học trò nhỏ dại của thày không ai có thể ngờ được, đó là lần cuối cùng chúng tôi gặp thầy…
20/4/2023
Đào Quốc Vịnh
Nguồn: Trích tiểu thuyết “Những đôi mắt khoảng trời”, NXBHNV năm 2023
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những chuyến đò mưa

Những chuyến đò mưa Đò chở những bà mẹ nghèo sang chợ Than bên kia sông bán những thứ của nhà làm ra hoặc buôn thúng bán mẹt. Năm ngày 2 p...