Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2024

Con về hứng gió quạt mo

Con về hứng gió quạt mo

Phạm Thùy Ngân là cây bút trẻ của Quảng Bình. Đến với văn chương bằng tình yêu, niềm đam mê, sự cần mẫn, chăm chút nên dù làm thơ hay viết văn, những con chữ của chị luôn đẹp, giàu có sự sống động của tâm hồn. Giữ riêng mình làn gió quạt mo, tản văn “Con về hứng gió quạt mo” của chị như nhắc nhở chúng ta về những điều tốt đẹp: “giữa cuộc sống đầy đủ tiện nghi cái mo cau cắt tròn ấy lại có ý nghĩa hơn cả một chiếc quạt, nó như người bạn tri kỷ, như một nét đẹp truyền thống”. Vanvn.vn trân trọng giới thiệu đến bạn đọc tác phẩm “Con về hứng gió quạt mo” của chị. (HTA)
Nghỉ hè mẹ con tôi lại khăn gói quả mướp về quê. Phần tranh thủ thăm ông bà ngoại, phần muốn cho tụi nhỏ thay đổi môi trường sống. Dải đất miền Trung này hẹp thật, buổi sáng còn hóng gió biển, buổi trưa đã hứng mây ngàn. Ở cái vùng quê được bao bọc bởi núi đá vôi này thời tiết ngày và đêm thay đổi rõ rệt. Ban ngày tưởng chừng bao nhiêu sức nóng của mặt trời đều được hấp thụ vào đá rồi phả xuống từng nóc nhà bé nhỏ nép mình dưới chân núi. Nhưng ban đêm gió từ sông lồng lộng thổi vào mát lạnh.
Những ngày đỉnh điểm của nóng, mọi người dường như cuồng lên tìm cách hạ nhiệt. Vậy mà mẹ tôi lại chẳng dùng quạt điện lấy một lần. Có lẽ người đàn bà sinh ra và lớn lên trong nghèo khó vốn đã quen với sự giản tiện. Dù nóng đến đâu cũng chỉ dùng mỗi quạt mo. Đôi tay xương xẩu ấy chẳng bao giờ để yên kể cả lúc ngủ. Như chiếc máy được cài đặt sẵn, cứ vài phút là mẹ lại đưa quạt lên phe phẩy. Hai đứa con tôi lần đầu tiên nhìn thấy một chiếc quạt lạ kì, không sặc sỡ như quạt giấy, không quay tít như quạt điện nhưng lại có rất nhiều công dụng. Khi nóng thì dùng để quạt, khi ngứa lưng bà dùng để gãi, khi vội không kịp đi lấy rổ thì dùng đựng cái rau, củ khoai thậm chí còn dùng để xúc đậu, xúc ngô đổ vào bao…Mẹ vẫn đùa hai đứa cháu, đó là “quạt thằng Bờm”. Nhưng trong cổ tích, quạt mo là tài sản duy nhất Bờm có vậy mà cuối cùng Bờm vẫn đổi lấy xôi ăn. Còn mẹ, giữa cuộc sống đầy đủ tiện nghi cái mo cau cắt tròn ấy lại có ý nghĩa hơn cả một chiếc quạt, nó như người bạn tri kỷ, như một nét đẹp truyền thống mà mẹ luôn cố gắng giữ gìn. Và chiếc quạt mo hiện hữu giữa hàng loạt phương tiện thông minh hiện đại như lời nhắc nhở ta nhớ và lưu giữ những điều tốt đẹp.
Với tụi nhỏ, “Quạt thằng Bờm” có sức hút ghê gớm. Cứ mỗi lần thấy bà cầm quạt là tụi nó lại giành nhau ngồi cạnh để vừa nghe kể chuyện vừa được bà quạt mát. Những lúc ấy sao tôi thấy mẹ giống bà tiên trong câu chuyện cổ tích quá, mỗi lần phẩy quạt là bao nhiêu phép màu nhiệm hiện ra trước mắt tôi…
… Phép màu ấy đưa tôi trở về cái đêm rằm tháng mười khi mà trăng vừa bứt ra khỏi đỉnh núi sáng vằng vặc; trong hương lúa vụ mười thơm lựng ngoài sân ba mới gánh về; có đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời ngằn ngặt trong nỗi vui mừng của những người chứng kiến. Cuộc đời này đã đón tôi như thế, sáng sủa, thơm tho và no đủ. Ai cũng tin đó là điềm lành, là sự báo hiệu một số phận an nhàn. Lớn lên tôi nghe người ta bảo “trai mồng một, gái đêm rằm”, những đứa con gái sinh vào đêm rằm vừa khó nuôi lại vừa ương bướng. Có lẽ đó là một phần lí do tạo nên cá tính trong con người tôi chăng?
Những năm tháng ấu thơ của tôi gắn liền với chiếc quạt mo, nhịp võng đong đưa và tiếng à ơi ru hời của mẹ. Những câu hát ru mà sau này tôi đã hát lại để ru em tôi, con tôi ngon giấc.
”à ơ…
chàng ơi phụ thiếp làm chi
Thiếp là cơm nguội đỡ khi đói lòng”;
”à ơ…
Ra đi lòng đã dặn rằng
Cam chua chớ phụ ngọt bòng chớ ham”
”à ơ…
Lên non thiếp cũng lên theo
Xuống thuyền thiếp cũng đập đeo mạn thuyền…”
Những câu ca dao như nỗi lòng nức nở của người thiếu phụ đã ăn vào tiềm thức đến nỗi chỉ cần mở miệng là nó bật ra một cách vô thức. Không biết những đứa trẻ có hiểu gì không mà chỉ sau vài câu hát là đã ngủ say sưa. Giấc ngủ lắc lư theo nhịp võng và bàn tay phẩy quạt. Khi làm mẹ rồi những câu hát ru ấy mới thấm vào tiếng à ơi mặn đắng của tôi “à ơ…chiều chiều ra đứng ngõ sau/ trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”….
Tay mẹ tôi vẫn phe phẩy đều đều, mấy sợi tóc bạc loà xoà trước trán lật qua lật lại theo từng lượt quạt. Mẹ già thật rồi. Lòng tôi nhoi nhói đau “Mẹ già như chuối chín cây…”, tôi lắc đầu không dám nghĩ đến câu sau bởi tôi vẫn tin và tự đánh lừa mình rằng “mẹ đang còn trẻ”. Tôi muốn lao tới ôm chầm lấy mẹ, vùi đầu vào lòng mẹ mà nức nở rằng “Mẹ ơi con sợ, con buồn, con hoang mang lắm”. Thế mà khi mẹ đưa ánh mắt hướng về phía tôi, tôi lại cố né cái nhìn của mẹ, miệng cứng đờ và theo thói quen lại ngụy trang gương mặt mình bằng một nụ cười vui vẻ. Chiếc quạt mo trên tay dừng lại, đôi mắt mẹ nhìn xa xăm, phải chăng mẹ cũng đang “trông về quê mẹ…”? Gần cuối cuộc đời rồi, mẹ đã xem nơi này là quê vì ở đây có tình yêu của ba và chúng tôi. Mẹ cũng đã bao lần ngụy trang nỗi “đau chín chiều” của mình bằng nụ cười viên mãn để những người xung quanh yên lòng. Và khi ấy chiếc quạt mo trên tay mẹ lại phẩy liên tục như muốn xua đi khoảnh khắc nặng nề. Tôi nhìn mẹ, mẹ không nhìn tôi nữa vì hơn ai hết mẹ hiểu tâm tư con gái mẹ.
Mẹ ơi cuộc đời này đã đón con bằng đêm trăng tròn nhất, hương thơm no đủ và niềm hy vọng tràn đầy nhất. Vậy nên, con cũng sẽ chỉ mang đến cho cuộc đời những điều hạnh phúc, những năng lượng tích cực. Những gì còn lại con xin ích kỷ giữ cho riêng mình. Như mẹ, suốt đời dành sự đủ đầy cho người khác, riêng mình chỉ giữ làn gió quạt mo.
22/3/2023
Phạm Thùy Ngân
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...