Thứ Tư, 20 tháng 11, 2024

Chổi rơm bà ngoại

Chổi rơm bà ngoại

Bà ngoại tôi lưng còng, tóc bạc, nặng tai. Bà hay ăn trầu và làm chổi rơm.
Tôi sống xa bà ngoại, năm chỉ đôi lần bà xuống chơi hay tôi về quê nghỉ hè, nghỉ Tết. Nhưng tôi luôn thân thuộc đến thế hương trầu và mùi rơm thơm ấm từ những cái chổi bà làm. Để sớm nay, qua một quán nhỏ, thấy người ta treo mấy cái chổi óng vàng mới bện, mắt tôi rơm rớm. Tưởng sắp nhìn thấy dáng còng bước ra từ bậc thềm nơi ô cửa nhỏ, dù bà đã đi xa 10 năm có lẻ.
Không bận nào xuống nhà tôi bà không làm chổi. Những chiếc chổi ngắn quét nhà trên, nhà dưới. Chổi cán dài dành quét sân, cổng, ngõ.
Mùa gặt nào mẹ tôi cũng chọn để dành những bó rơm nếp óng ả, sáng ngà. Cẩn thận từ khâu gặt, bó rồi về làm đai, phơi phóng. Tay mẹ chuốt từng nhánh rơm nên con rơm nếp nào cũng nhỏ nhắn, nuột nà chứ không rườm rà, nặng nề như những con rơm tẻ. Chỗ phơi cũng được mẹ ngắm nghía, chọn trịa kỹ càng. Phải là bãi đất rộng rãi, thoáng đãng nhưng không tráng nắng. Mẹ không tin tưởng bàn tay nhuếnh nhoáng, đểnh đoảng của mấy anh em tôi nên luôn tự tay xếp, tẽ từng con rơm nếp mỗi buổi sớm mai trước khi đi làm, trưa về lại lật giở. Thành quả là những bó rơm xinh xẻo tích từ mùa này sang mùa khác. Mẹ sẽ dành để bó rau mang ra chợ bán, buộc mạ, buộc hành… Mỗi lần mang ra đồng chỉ một bó con con và chi chút, tiết kiệm từng sợi một. Mẹ bảo, rơm nếp phơi đủ độ vừa óng, dẻo, dai, lại mềm mại, nuột nà, buộc gì cũng thích. Và mẹ còn để dành đợi bà ngoại xuống làm chổi.
Mỗi lần bà xuống chơi lòng tôi như mở hội. Ngày đầu tiên, các bà trong xóm sẽ xuống hỏi han và “giao lưu trầu vỏ”. Người nọ, người kia khoe mua được miếng vỏ ngon, lá trầu vừa hái vườn nhà, mấy trái cau tươi ăn chắc hạt. Bác tôi biếu bà cả cái bình vôi còn xăm xắp. Bà nheo nheo mắt trong nắng sớm, sắp đặt đồ trầu vỏ vào góc bàn, từng thứ một, mái tóc bạc ánh lên lấp loáng.
Sang ngày thứ hai, mẹ sẽ mang những bó rơm nếp trên gác chuồng lợn xuống. Trước khi đi làm, mẹ lấy dao chặt hết phần đốt dưới của những nhánh rơm. Chúng tôi sẽ tuốt lấy sợi vàng óng bên trong, bỏ phần vỏ bao ngoài.
Công việc nhẹ nhàng nhưng rát tay và tốn không ít thời gian nên chỉ được một lúc là mấy đứa chạy vù đi chơi. Chiều về, đã thấy bà ngồi bên những bó rơm óng vàng nho nhỏ. Em gái tôi luôn thắc mắc, chắc bà là bà tiên nên ngồi lâu thế mà không biết mỏi.
Tôi rất thích ngồi ngắm bà vặn chổi. Đôi tay gầy guộc mà bà xếp, xiết từng con rơm nhỏ đều đặn, chặt tay đến lạ! Bà xoắn những đầu rơm phía trên thành từng lọn để quấn quanh thân, vòng nào, vòng nấy đều đặn, tăm tắp. Cuối cùng thu lại là một vòng nhỏ xíu trên cùng. Bà đóng một thanh tre nhỏ vào chính giữa, chốt lại và buộc một đường thành chỗ móc. Có loại chổi xếp ngắn dần, phần tay cầm dài, chắc, gọn gàng tôi gọi chổi con trai. Loại kia xếp đều, phần tay cầm nhỏ xíu nhưng có một hàng rèm phía dưới như chiếc váy điệu đà, tôi gọi chổi con gái. Bà vặn thêm chiếc chổi như thế nhưng nhỏ bằng một phần ba để quét ban thờ. Loại chổi cán dài không phải tuốt rơm, làm nhanh nhưng xếp phải thật đều đặn, siết thật đằm. Loại chổi nào bà làm cũng đẹp, cũng bền. Làm cho nhà bác một cái, bác gái bảo quét mòn rồi mà vẫn đâu ra đấy, đẹp từ nút buộc đến đường vặn.
Tôi vào quán mua một chiếc chổi rơm dù nhà tôi lâu rồi không dùng chổi ấy. Cô bán hàng không ăn trầu, sao tôi thấy hương trầu phảng phất đâu đây. Có sợi rơm ram ráp cọ vào tay, tôi tưởng bàn tay ấm áp của bà đang chạm vào tay tôi thủ thỉ!.
16/4/2023
Nhất Mạt Hương
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những chuyến đò mưa

Những chuyến đò mưa Đò chở những bà mẹ nghèo sang chợ Than bên kia sông bán những thứ của nhà làm ra hoặc buôn thúng bán mẹt. Năm ngày 2 p...