Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2024

Tổ ấm bằng đất

Tổ ấm bằng đất

B…ụ… p… ru…ột…. rộ….t …! Làm mọi người hốt hoảng.
Con mèo Mun cào vuốt móng vào thân bồ lúa, nó nhảy thót ngồi trên bao lúa giống p…h….ì … p…h…ì phòng vệ. Con Ky không làm gì được, đứng dưới chồm lên sủa ….ă… n…g…. ẳng. Màn rượt đuổi làm bụi bặm mù mịt, Mẹ nhanh tay vơ cái quạt cau phẩy phẩy để xua đi làn bụi đang phủ xuống mâm cơm.
– Cha bố hai cái con này… bữa cơm cũng không yên với chúng nó. Mẹ quát lên khiến chúng lảng đi nới khác.
– Xong mùa màng, gần Tết phải làm lại cái nhà thôi ông ạ! Nát hết rồi. Mẹ nói và hát x…ì… bởi bụi phả vào mặt y như vệt khói.
– Ừm! Lúc ấy có rơm, vớt ít tràm ngâm lên làm nóng, sậy già mọc dại ngoài liếp nên cũng tiện. Bố trả lời rồi bỏ bát đũa xuống mâm.
– Ăn nhanh đi các con, dọn dẹp rồi ra đồng….! Mẹ nói rồi tiếp tục bảo vệ bữa ăn cho anh em chúng tôi bằng cái quạt mo.
Tôi cúi xuống dò xét, thì ra Ky rượt Mun để cướp con chuột. Mun chui qua lỗ chó thoát thân, Ky nhào vô truy sát; nhưng thân nó to cộng thêm tốc độ nhanh quá làm rung lắc vách nhà khiến rơm mục, đất khô rơi lả chả tạo nên một làn bụi chùm bữa cơm của cả nhà. Nghe nói nhà này Bố làm từ năm 1981, khi gia đình mới về đây lập nghiệp.
Các anh tôi móc bùn sình dưới sông đổ lên sân, các chị bốc rơm để bên cạnh, Bố loay hoay với khung vách, bộ xương sống Bố dùng cây tràm xem kẽ là sậy và cây mua… rồi tạo thành vỉ tường chắc bao quanh nhà, cứ một sải tay Bố làm cái ô cửa sổ.
Rơm và sình trộn với nhau thành “hợp chất” sệt sệt. Mùi tanh của sình, mùi rơm chín dưới cái nắng bỏng lưng khiến không gian nồng nặc khó thở. Đón từng gánh “hợp chất” từ các anh gánh đến, Bố trét rơm lên vách, đôi tay xoa sình trên bề mặt cho nhẵn, cứ vậy từ nền xây lên thành một bức “tường thành bằng đất”. Mùi đặc trưng khó chịu là vậy, khi trét xong thành vách thì không gian trong nhà mát rượi, nhưng “công trường” lầy lội, ướt át…
Công trình vất vả, tỉ mỉ…. bởi Bố kết hợp “công nghệ” vét bùn dưới ao ở ngoài miền Bắc trộn với rơm lúa mùa của miền Nam để “trưng cất” ra vật liệu xây dựng. Vật liệu cũng bền, chịu được mưa nắng, che được gió, ngăn được muỗi, rắn rết vào nhà, phù hợp với khí hậu ôn hòa miệt U Minh hạ này. Thêm nữa, nó rất nhẹ về thiết kế bởi “trình độ kiến trúc” đơn giản, nhà được làm từ những tài nguyên sẵn có và cây tạp địa phương nên nhanh gọn, tiết kiệm. Nhờ vậy mà đã có một không gian ấm áp, quây quần cho cả nhà, tạm vượt qua khó khăn trong lúc đất nước đổi mới.
“Xây xong” khoảng 3 ngày thì ráo mặt, vách có mùi “thơm và thân thiện” hơn, Bố dùng viên gạch nện nhẵn mặt tường, chúng tôi chặt sậy về để Bố pha ra đan thành miếng liếp làm mành che cửa. Những “cánh cửa” thô sơ đơn giản, có vẻ dễ làm nhưng không phải vậy; nó chi tiết, tốn thời gian công sức và khiến đôi bàn tay Bố Mẹ rỉ máu bởi sậy cắt vào da thịt.
Đón mãi thì Mẹ cũng mua được mấy trăm lá trầm đóp, vậy là Bố hoàn thiện cái dại (mái hiên) hè để tránh mùa nắng không bị hắt, mưa không bị tạt vào trong. Căn nhà hoàn thành khâu cuối cùng là phủ lên lớp cỏ tranh khô, dùng lá dừa nước sóc nóc. Tất cả đều mới…… riêng cột kèo thì không.
Nhà được Bố Mẹ “mua cho tấm áo mới” nên trở nên tươi tắn khang trang, nắng mưa bớt lo, Tết năm ấy sum vầy náo nhiệt. Con Ky có rượt đổi cả đàn mèo cũng không rung lắc…. bụi bặm.
Ở mảnh đất Minh Hà được 15 năm thì gia đình chuyển đến Đội 7 – Nông trường U Minh. Đến đây Bố Mẹ không xây dựng nhà trộn sình trét rơm, thay vào đó là lá; sau nâng cấp lót gạch tàu, lợp tol proximan, vách gỗ. Được sạch đẹp thông thoáng như vậy thỏa mong ước bao năm vươn lên xóa đói giảm nghèo.
Nhưng với tôi, chắc Bố Mẹ cũng vậy! Ngôi nhà “sệt sệt tanh tanh” Bố Mẹ khởi xướng năm ấy mãi mãi như “huyền thoại”; ăn sâu giá trị vào lòng người thuở đi “mở cõi” trên vùng kinh tế mới. Trong mái lá vách đất đó, Bố Mẹ giúp chúng tôi “lột xác” vươn ra thoát cảnh “cơm không có ăn, dầu không có thắp, muỗi vắt bủa vây”.
Căn nhà gỗ hiện nay không còn dùng
Nhìn Mẹ nhấp nhô trên cánh đồng heo hút, anh trai lặn ngụp móc từng gàu sình đổ lầy lội trên nền nhà, Bố gột lên bức vách tường rơm… đó là động lực cho cả gia đình. Đến nay tôi còn nhớ mãi hai dòng chữ Bố ghi trên hai cây quá dang “Cần cù lao động tạo nên cơ”- “Tha phương cầu thực vực tương lai”. Chưa bao giờ tôi quên mùi Tết trong ngôi nhà năm ấy.
Sản phẩm “trét rơm đắp sình” của Bố như cuốn sách dạy con cái sống mạnh mẽ, kiên cường hơn khi đối đầu với khó khăn; dìu dắt nhau để có những căn nhà đẹp, được xây dựng bằng công nghệ hiện đại, kiến trúc sang trọng trong thế kỷ 21 này.
Vài lần Bố Mẹ chuyển nơi ở, lần nào cũng tiến bộ hơn một chút, cơ ngơi nhà cửa giá trị hơn. Nhưng “tổ ấm bằng đất” tôi chứng kiến đầu đời hôm ấy… mãi là giá trị to lớn nhất, không thể phai với những đứa con như tôi. Tôi thèm khát và thờ ơ với những ngôi biệt phủ sang trọng trên đời này. Tổ ấm đó, có cái đòn bẩy giúp chúng tôi bật lên trưởng thành, thoát ra khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Bố mẹ cũng vậy, trở về nơi “chôn nhau cắt rốn” với ngôi nhà khang trang do cơ cầu mà có.
Gần bốn mươi năm rồi, hương vị Tết trong ngôi nhà mà Bố Mẹ tôi gieo hạt, ươm mầm tương lai… trên mảnh đất phương Nam vẫn mới như ngày hôm qua. Nằm trên chiếc giường lót nệm ấm áp, bật điều hòa mát lạnh lim dim đôi mắt… tôi như đang nằm trên chiếc võng mẹ đan bằng đay khi xưa, Bố mắc nó bên hiên nhà để mỗi buổi trưa anh em chúng tôi trốn ngủ quây quần.
21/3/2023
Văn Lê Tám
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...