Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2024

Se sắt vùng cao

Se sắt vùng cao

Với giọng văn nhẹ nhàng, hiền lành, mộc mạc, đậm chất thơ và có phần trầm buồn nhưng gợi mở nhiều suy ngẫm, truyện của Nông Quang Khiêm thường hướng đến vẻ đẹp, số phận người miền núi trong mối quan hệ với làng bản, quê hương. Đặt họ trong những đối cực, những xung đột giữa thế sự và đời tư, giữa truyền thống và hiện đại, anh đã thể hiện được cốt cách giản dị, chân thành, đáng yêu, sức sống mãnh liệt, bền bỉ cũng như giá trị văn hóa đặc sắc của người miền núi. Vanvn giới thiệu đến bạn đọc truyện ngắn “Se sắt vùng cao”, một trong những truyện ngắn đậm màu sắc riêng biệt về người miền núi của anh. (HTA)
Dung nhớ, ngày đầu lên Yên Lai, một xã người Tày xa tít tắp, nhìn đâu cũng thấy đồi núi, mây mù và rặt một loại cây dân địa phương gọi là chó đẻ, Dung được nhà trường phân về phân hiệu Bản Lồ nằm tít trên núi cao, cách trung tâm xã ba giờ đi bộ bằng đường đất. Phân hiệu chỉ có ba lớp học và hai cô giáo đã lấy chồng ở bản, sáng đi chiều về. Sát bên lớp học là phòng ở dành cho giáo viên. Căn phòng nhỏ xíu, mái lợp prô, vách làm bằng khung tre, trát bùn trộn rơm, bên ngoài phủ một lớp xi măng mỏng đã tróc lở. Nắng chiều nhờn nhợt kéo mây mù dưới thung lũng bay lên cuồn cuộn, tràn vào trường học một lớp khói mơ màng. Ở đây trời tối nhanh. Học sinh và hai cô giáo đã về. Một mình Dung dọn dẹp lại phòng, mấy cái nồi nhôm méo mó để cạnh bếp củi, không có nước, lũ chuột làm ổ trong cái tải dứa để ở gầm giường, gặp người chạy loạn xạ.
Dung hét toáng: “Cứu với!”, nhưng ở đây có ai đâu. Dung tự trấn tĩnh mình, vớ lấy cây chổi khua khoắng như một chiến binh dũng cảm xung trận, mặt đầy căng thẳng và quyết liệt. Vô tình Dung thấy tờ giấy với những dòng chữ nắn nót rơi ra từ ngăn bàn, có lẽ là nhật ký của cô giáo vừa bỏ nghề từng sống ở phòng này. Dung cầm lên đọc: “Thời xuân sắc của mình vùi lấp ở Yên Lai, tuổi trẻ thì nề hà gì? Chỉ sợ mỗi đêm về, vắng vẻ và lạnh lẽo vô cùng. Niềm vui công việc không sao khoả lấp được nỗi cô đơn thiếu vắng. Liên lạc của người yêu cũng thưa dần rồi vắng hẳn, phải chăng mình ở rừng quá lâu nên người ấy không chờ được nữa…  Mùa đông ở Yên Lai tuyết rơi nhiều, chỉ biết lấy thêm chăn về đắp thôi. Đêm đêm mình vẫn thầm mơ có một vì sao rơi, lớ ngớ sẽ vướng phải trái tim mình…”. Tự dưng Dung thấy buồn thăm thẳm, nghĩ ngợi vẩn vơ về những ngày dài trước mặt. Tối về Dung đóng kín cửa, cổng ngoài buộc mấy lượt dây thừng. Không có ai để trò chuyện, đêm chỉ biết nằm nghe sương rơi lạch tạch ngoài mái hiên, thỉnh thoảng phía rừng xa vẳng lại tiếng “Khô…ố…c… khô… ố…c…” của con hươu gọi bạn mà buồn đến nao lòng. Nỗi nhớ quê, nhớ nhà ập đến, chỉ muốn bỏ Yên Lai về luôn.
Lớp của Dung dạy lèo tèo hơn chục học sinh, toàn người Tày, đứa nào đứa nấy tóc cháy nắng vàng khè, quần áo lem nhem, có lẽ chúng phải hứng cái đói, cái nghèo cùng cha mẹ nên trông đứa nào cũng rất thương. Buổi đầu tiên dạy học, giờ ra chơi, đám học sinh của Dung xô ra cổng, chỉ tay về phía một gã đàn ông chừng 40 tuổi, thấp đậm, râu ria lởm chởm, thi nhau hò hét: “Pú è!… Pú è!…”. Dung chạy ra quát đám học sinh vào lớp. Gã đàn ông đứng đó nhìn Dung, mắt sáng rực hấp háy, liếm mép cười hềnh hệch. Vào lớp lúc lâu Dung mới hỏi học sinh: “Pú è là gì?”. “È là nát rượu, pú è là ông nát rượu cô ạ”. “Cô ơi, em nghe người lớn bảo Pú è nghiện rượu, bị vợ bỏ nên mắc bệnh thèm gái, cứ say rượu là Pú è tìm đến nhà các bà nải (1) chồng chết hoặc chồng bỏ, cả các cô giáo cắm bản ở một mình nữa đấy”.
Dung thấy sởn gai ốc. Đám học sinh nói không sai, đêm ấy Pú è say khướt, loạng choạng vào cổng: “Cô ơi, mở cửa cho tôi vào”. Dung chốt chặt cửa lại, leo lên giường chùm chăn kín mít. Pú è đã mở được cổng, vào gõ cửa phòng cộc cộc: “Cô ơi, mở cửa cho tôi vào”. Dung cố trấn tĩnh, quát ra: “Anh về đi, nếu vào tôi lấy dao chém đấy”. Pú è thò cổ chai rượu vào khe cửa, bẩy mạnh. Cánh cửa bật mở. Người Dung run lẩy bẩy nép vào góc giường. “Cô ơi, cô đẹp lắm, cô cho tôi ở đây với nhé, có sao đâu…”. Pú è loạng choạng đến giường, kéo chăn, hơi rượu sực lên nồng nặc. Bỗng hự! Pú è ngã chổng vó trước cú đá phạt ngang của một thanh niên chừng hai lăm tuổi, có đôi mắt sáng, nếu da không ngăm ngăm đen có thể người ấy sẽ rất đẹp trai. Pú è lồm cồm bò dậy, kêu ôi ối: “Thằng Éng đánh tôi Bản Lồ ơi, thằng Éng đánh tôi…”. “Cô giáo là người yêu của tôi, anh không được đến đây nữa, rõ chưa”. Pú è khật khừ ra cổng, vừa đi vừa lẩm bẩm: “Yêu à, nhanh không thể chịu được, lạy mày đấy Éng ạ, lạy mày”. Người thanh niên đóng cửa cho Dung, buộc lại cổng rồi đi. Dung gục mặt xuống gối, tiếng khóc bật lên thành tiếng: “Mẹ ơi con muốn về…”.
Học sinh của Dung rất nhiều em chưa biết tiếng phổ thông, Dung lập kế hoạch học tiếng Tày. Ngày hai lần Dung xuống nhà ềm(2) Lùng, cách trường độ hơn trăm mét cõng nước lên. Lần nào Dung cũng nán lại nhờ ềm dạy tiếng Tày. Mỗi lần Dung xuống chơi, ềm Lùng vui lắm. Ềm dịch hẳn tiếng Tày sang tiếng phổ thông bằng thơ cho Dung dễ học: “Tua ma là con chó, ăn mỏ là cái nồi, tua hoi là con ốc, tua nộc là con chim, tua lình là con khỉ, mác mị là quả mít…”. Ềm dụi đôi mắt kèm nhèm, ghé sát Dung, bảo: “Nhiều giáo viên lên đây dạy, một thời gian rồi bỏ đi, có người bỏ nghề, có người chuyển công tác, ềm chưa thấy ai vừa trẻ đẹp lại vừa thông minh, hiền lành như con”. Vốn tiếng tày của Dung đã kha khá. Lúc giảng bài Dung dùng luôn cả hai thứ tiếng. Có cán bộ dưới phòng Giáo dục lên dự giờ bảo Dung lạm dụng tiếng địa phương, làm việc sai nguyên tắc. Còn Dung, Dung chỉ muốn làm sao cho học sinh hiểu bài nhanh nhất, truyền thụ được nhiều kiến thức nhất. Những lúc rảnh, Dung thường xuống nhà ềm Lùng chơi. Bàn tay như cái rễ cây khô của ềm kéo Dung lại gần: “Kinh à, con làm người Tày của Bản Lồ được rồi đấy. Nếu không chê con ềm thì làm dâu ềm nhé”. “Dạ con…”. Dung bối rối. Mấy lần xuống xin nước nhà ềm, Dung đã gặp Éng, con trai của ềm, chính là người thanh niên đánh đuổi Pú è hôm ấy. Mấy lần Éng nhìn trộm Dung, ánh mắt có lửa. Dung quay mặt đi, không dám nhìn thẳng, lạ thế, tim cứ đập loạn.
Vậy mà đã năm năm Dung dạy học ở Bản Lồ. Lời hứa của phòng Giáo dục sau ba năm sẽ chuyển Dung xuống vùng thấp vẫn chỉ là lời hứa suông bởi lý do chưa có giáo viên thay thế. Năm năm Éng âm thầm dõi theo Dung. Nhiều đêm Éng lẳng lặng đứng ở cổng nhưng chưa lần nào Dung mở cửa. Mẹ Dung bảo ở quê mùa này hay lũ lụt, có lần nước ngập nửa căn nhà, lợn gà trôi sạch. Hôm nay điện về mẹ lại bảo: “Người ta vừa xây dựng xong nhà máy thuỷ điện to lắm, tuần trước nhà máy xả lũ, nước tràn vào ruộng nhà mình lúc lúa đang trổ đòng, lại mất mùa rồi con ạ…”. Dung nghe, thấy lòng nóng như có lửa đốt. Ước muốn được về gần nhà dạy học có dịp trỗi lên, cấu xé. Con bạn nhắn tin: “Bạn định giết chết tương lai ở nơi mù mịt tối tăm ấy à?”. “Nhưng tớ biết phải làm sao?”. “Sao bạn ngốc thế chứ, tớ nói bao lần rồi, mình không có tiền thì có thứ khác, có sao đâu, xinh đẹp như bạn thì lo gì. Để tớ thiết kế cho, ông trưởng phòng giáo dục huyện bạn ấy, thân thiết tất cả lãnh đạo sở và lãnh đạo tỉnh lại có ô tận trên Trung ương, chuyển xuống vùng thấp hay về quê dạy chỉ là chuyện trong tầm tay”. Dung đã gặp ông trưởng phòng Giáo dục đó rồi, trông ông độ bốn mươi tuổi, bụng hơi phệ, mặt đỏ găng nhìn Dung không chớp mắt, cái yết hầu trồi lên hạ xuống hôm
Dung đến nộp hồ sơ xin việc. Hôm ấy ông ngó vào trong túi quà lúc lâu mới ngập ngừng: “Hiện tại chưa có chỉ tiêu. Em cứ để hồ sơ ở đây, có gì… anh sẽ xem xét”. Vậy mà một tuần, một tháng, một năm Dung chờ đợi trong vô vọng. Lần ấy con bạn cũng nhắn tin na ná như vậy: “Bắn đạn đi”. “Nhà tớ lấy đâu ra đạn”. “Không có đạn thì có thứ khác, xinh đẹp như bạn lo gì”. Không. Dung không làm cái chuyện hèn mạt, nhục nhã ấy được. Vậy mà hôm nay Dung đã đồng ý. Dung cũng không hiểu nổi Dung nữa. Dung không thể đánh mất tuổi xuân, đánh mất tương lai ở Bản Lồ heo hút này. Bố mẹ chỉ có mỗi mình Dung, Dung phải là chỗ dựa của cả nhà những lúc khó khăn. Không biết con bạn nói với tay Trưởng phòng Giáo dục huyện những gì, người ấy hứa như đinh đóng cột là sẽ chuyển công tác cho Dung về quê. Tay trưởng phòng hẹn ba ngày nữa sẽ đánh xe lên đón Dung về chỗ Cỏ May gì đó. Dung nhốt mình trong phòng, lặng câm như người mất vía. Sự đánh đổi quá lớn, nhưng đành phải đưa chân thôi.
Đêm. Gió heo hút thổi, sương rơi lạch tạch ngoài mái hiên. Dung co mình lại, vẫn thấy cái lạnh luồn sâu trong áo, thấm vào da thịt. Dung nhắm mắt nhưng không tài nào ngủ được, lòng Dung như cuộn chỉ rối. Dung biết ngoài kia Éng vẫn ngồi đợi. Đã mấy đêm liền Éng ngồi đợi như thế. Éng bảo sẽ đợi đến khi Dung mở cửa. Éng muốn năm ngày nữa đưa Dung về làm Nàng hương(3) trong lễ cúng vía cho mẹ và ra mắt họ hàng. Người miền núi không nói dối, Éng lại càng không, Dung tin như thế. Đã khuya lắm, sương rơi mỗi lúc một nhiều. Gió, thứ gió miền rừng cồn cào se sắt như thốc thẳng vào lòng Dung. Hãy về đi, về đi Éng!… Dung không được mở cửa, không được nhận lời yêu. Càng yêu Éng, thương Éng, Dung càng phải chốt chặt cửa lại. Mấy ngày nữa Dung sẽ mãi dời xa nơi này, mãi mãi.
Ngoài kia gió vẫn se sắt thổi…
Hửng sáng, sương mơ màng phủ lên mọi cảnh vật. Dung ra mở cổng, bần thần đứng bên bờ rào đá. Bờ rào còn vương hơi ấm của Éng. Dung chạy về phía chân đồi. Bóng Éng thấp thoáng trong màn sương ướt đẫm. Dung bật tiếng  gọi: “Anh Éng!”. Éng quay lại, khuôn mặt bừng sáng: “Kìa Dung!…”. “Anh Éng, tối nay Dung sẽ qua nhà anh”. “Dung nói thật đấy nhé? Thật nhé!”. Éng vui lắm. Tối Éng bắt con gà to nhất để mổ. Ềm Lùng đang ốm cố dậy, ngồi sát lại bên Dung, những nếp nhăn giãn dần trên mặt: “Làm dâu ềm nhé?”. “Dạ… ềm…”. Cổ Dung ngẹn lại, sống mũi cay xè. Đêm ở Bản Lồ sao mà lặng lẽ. Ềm Lùng đi ngủ sớm. Dung nắm chặt tay Éng như sợ Éng sẽ biến mất trong chốc lát. “Tối nay Dung đợi”. Dường như hạnh phúc đến quá bất ngờ, Éng luống cuống: “Dung đợi nhé, Éng sẽ sang”. Đêm khuya. Chỉ có tiếng sương đêm rơi buồn. Dung nằm thao thức. Căn nhà sàn rung lên thật nhẹ. “ke…ẹt… ke…ẹt… co… ọt!…”. Tiếng dát ván sít vào nhau nghe rõ mồn một rồi im bặt. Có lẽ sợ mẹ thức giấc nên Éng đã quay lại gian của mình. Chỉ còn đêm nay nữa thôi, thứ thiêng liêng quý giá nhất của người con gái phải thuộc về người Dung yêu thương, không thể cho tên trưởng phòng giáo dục đốn mạt ấy cướp đi được.
Đêm tối om. Dung nhỏm dậy, bước thật nhẹ theo dầm sàn, đi trên đó sẽ không tạo ra tiếng động. “két… k…ọt…”, vì quá tối, không định hướng được, Dung bước chệch ra ngoài, lại tiếng dát ván sít vào nhau. Người Dung run bắn, tim muốn bật ra ngoài. Gian trong, ềm Lùng trở mình. Không được, Dung quay lại buồng, nằm xuống, nghe trống ngực đập thình thịch. Đời sao quá nực cười. Từng giọt nước mắt âm thầm rơi vào bóng đêm. Không kìm được lòng mình nữa, tiếng khóc nấc lên. Ềm Lùng lục cục trở dậy, bật đèn, vào buồng sờ lên trán Dung hốt hoảng: “Làm sao thế con? Phạ(4) ơi, sốt rồi này!”. Dung gục đầu vào bộ ngực khô héo của ềm Lùng, nức nở. “Con không sao đâu ềm”. “Người nóng rực thế này còn bảo không sao. Để ềm lên Tát Trò hái thuốc đắp lên trán là khỏi ngay thôi”. Ềm Lùng lộc cộc bước vội xuống cầu thang, mất hút vào màn đêm. Chỉ có Éng lặng im ngồi cạnh. Dung vội kéo tay Éng: “Cùng Dung ra ngoài nhé, đi anh, nhanh lên, nếu không….”. “Dung cứ nghỉ đi, ềm hái lá thuốc về bây giờ đấy”. “Éng không hiểu gì cả… Éng ngốc lắm… nếu không… ngày mai…”. Ềm Lùng đã về, xuống bếp lạch cạnh giã thuốc. Éng về gian của mình. Ềm Lùng đắp thuốc cho Dung rồi tắt đèn đi ngủ. Dung lẳng lặng bỏ nắm thuốc sang bên cạnh.
Đêm ấy là một đêm thức trắng…
Sáng dậy, Éng ngẩn ngơ ngồi ở bậc cửa. Dung đã bỏ về từ lúc nào. Éng chạy lên trường, hai cô giáo dạy cùng Dung bảo: “Dung ngồi xe Trưởng phòng Giáo dục huyện đi làm thủ tục chuyển trường rồi”. Hai hôm sau Dung về, đầu tóc bơ phờ, mặt thất thần cúi xuống đất. Dung về phòng, đóng kín cửa. Ngoài kia trời nổi gió, mây đen kéo về u ám. Rồi mưa, mưa ở Yên Lai âm thầm, dai dẳng. Éng chạy qua tìm Dung, mưa đánh lộp độp vào lá cọ cầm trên tay. “Kìa Dung! Sao thế?… Hôm nay làm lễ cúng vía cho mẹ, Éng qua đón Dung về làm Nàng hương”. “Không. Éng về đi. Dung không làm được đâu”. “Sao thế?”. “Dung… Dung không thể…”. “Éng biết mà”. “Éng biết gì?”. “Éng biết rồi Dung cũng bỏ Bản Lồ, bỏ Éng mà đi thôi”. Dung cúi mặt, thấy hổ thẹn với Éng, với học sinh và cả ềm Lùng nữa. “Con gái Bản Lồ chưa kịp lớn đã lấy chồng, không còn ai để làm Nàng hương. Dung hãy vì Éng một lần… rồi mai Dung về xuôi”. Dung biết, ở Yên Lai mỗi khi có người già ốm yếu, gia chủ thường đón thầy Pựt(5) về làm lễ cúng vía. Tục người Tày truyền rằng, người thắp hương trong lễ cúng vía gọi là Nàng hương. Nàng hương phải là con gái còn trinh tiết, trong sạch, không vướng bẩn bụi trần, như thế Pựt mới thiêng. “Đi thôi! Gái Bản Lồ thành đàn bà hết rồi”. Éng kéo tay, Dung đi theo sau như một cái bóng.
Thầy Pựt trịnh trọng ngồi xuống chiếu trước mâm cúng giữa gian thờ. Thầy mặc áo bằng vải gấm có dệt hình hoa lá và chữ nho cách điệu, đầu đội mũ tam kim. Chuông đồng, xóc nhạc, khăn đệm, túi vóc, quạt giấy được lấy ra. Lúc này anh em, họ hàng và người cùng bản đã xong việc về ngồi quây quanh. Thầy Pựt xướng một đoạn rồi hát. Bộ xóc nhạc đeo ở ngón chân cái rung theo từng nhịp tài tình. Mùi hương trầm bay phảng phất, những hình giấy được cắt và trang trí cầu kỳ cộng với ánh đèn đêm huyền ảo càng làm cho lễ hát Pựt cúng vía cho ềm Lùng trở nên linh thiêng, huyền bí. Dung ngồi phía dưới thầy Pựt, cạnh mâm lễ, đầu hơi cúi, mắt mông lung nhìn vào những que hương đang cháy dở. Thầy Pựt cất lời hát hùng hồn, nhộn nhịp, đôi lúc tiếng hát lại khoan thai dìu dặt. Mọi người ngồi quanh gật gù, có người ngồi xích lại gần hơn lẩm nhẩm hát theo. “Kìa Nàng hương, Nàng hương đâu? Chuẩn bị thắp hương thôi”. Có ai đó nhắc. Dung sực tỉnh. Chuông điện thoại bỗng réo vang, giọng con bạn cuống quýt: “Chết rồi Dung ơi! Tay Trưởng phòng Giáo dục huyện bị bắt rồi, vì nhận hợp đồng ngoài biên chế sai nguyên tắc và gì gì đó. Dung ơi, tớ hại bạn rồi”. “Kìa Nàng hương, thắp hương đi”. Lại có ai đó nhắc. Dung cầm bó hương, tay run run châm lửa, cắm vào bát thứ nhất một nén. Thầy Pựt bỗng đổ kềnh ra giữa gian thờ, mắt trợn trừng, ú ớ. Mọi người ngơ ngác, hốt hoảng: “Sao thế? Sao thế?”. “Tổ tiên trừng phạt đấy”. “Pựt không thiêng”. Mọi ánh mắt đổ dồn về phía Dung. “Giấu được người trần chứ làm giấu được thần thánh”. “Tại Nàng hương không còn trong sạch, không còn trinh tiết đấy mà”. Nắm hương trên tay Dung rơi lả tả xuống chiếu lễ. Dung bỏ chạy ra cầu thang, lao vào màn đêm đen kịt. Chỉ có dòng thác Tát Trò mới rửa hết nỗi nhục nhã và lỗi lầm của Dung. Một cú gieo mình, Dung thấy người nhẹ bẫng. Dòng nước mát lạnh ôm Dung vào lòng rồi cuốn riết về hạ nguồn. Nước ập vào miệng, tức ngực, khó thở nhưng Dung thấy lòng thanh thản vô cùng.
Tỉnh lại, Dung thấy mình đang tựa vào vòng tay khô héo của ềm Lùng, bên cạnh là Éng với bộ quần áo ướt sũng. Thầy Pựt ngồi trên mâm lễ, mắt trợn trừng nhìn Dung. Dung vùng dậy, định bỏ chạy một lần nữa nhưng giọng nói của ềm Lùng làm Dung khựng lại. “Có lỗi lầm thì đứng lên mà sửa để làm người chứ sao lại muốn làm ma hả con?…”. Có ai đó nói: “Ngồi xuống lạy đi! Tổ tiên, Pựt sẽ tha thứ”. Éng bỗng quỳ xụp trước mâm lễ, dõng dạc và quả quyết: “Thưa ềm, thưa mọi người, Nàng hương không còn trong sạch là tại con. Tại con muốn cô ấy sớm là dâu của nhà ta. Con xin lạy!”. Dung quay lại, thấy hai giọt nước đùng đục lăn ra trên khóe mắt nhăn nheo của ềm Lùng. Dung chạy đến, đẩy Éng ra. “Con xin lạy! Con xin lạy!…”. Dung quỳ xuống lạy lia lịa, nước mắt lã chã rơi. Con gà cất tiếng gáy sang canh. Ngoài kia gió bắt đầu thôi se sắt.
Chú thích:
(1) Góa chồng; (2) Mẹ; (3) Người con gái thắp hương trong lễ hát Pựt; (4) Trời; (5) Bụt. 26/3/2023
26/3/2023
Nông Quang Khiêm
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...