Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2024

Mấy cảm nhận về thơ Phạm Trường Thi

Mấy cảm nhận
về thơ Phạm Trường Thi

Vừa qua tại hội thảo văn học, giới thiệu tác giả tác phẩm của hai nhà thơ Phạm Trọng Thanh và Phạm Trường Thi tại thành phố Nam Định do Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Nam Định tổ chức, nhà thơ Lê Huy Hòa đã có tham luận Mấy cảm nhận về thơ Phạm Trường Thi, Vanvn.vn trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Nhà thơ Phạm Trường Thi có một bút lực đáng nể. Anh đã cho xuất bản tới 13 đầu sách gồm: 9 tập thơ, 4 tập văn xuôi gồm truyện ký, truyện ngắn, kịch. Trong 9 tập thơ, chỉ có tập thơ đầu tiên in chung. Tập thơ mới nhất là tập “Thơ Lục bát Phạm Trường Thi” (NXB Hội Nhà văn, 2022).
Trong 9 tập thơ của Phạm Trường Thi, tôi chỉ được đọc 5 tập thơ anh mới gửi tặng (theo thứ tự năm xuất bản) là: “Không thể không có lửa” (NXB Văn học, 2001); “Người qua bên ấy” (NXB Hội Nhà văn, 2004); “Khi bước chân ra cửa” (NXB Hội Nhà văn, 2014); “Mênh mông cát trắng” (NXB Hội Nhà văn, 2020); “Thơ Lục bát Phạm Trường Thi” (NXB Hội Nhà văn, 2022).
Về tập thơ Lục bát của Phạm Trường Thi, anh cho biết đã có người viết bài tham luận. Bài của tôi chỉ nêu một vài cảm nhận khi đọc 4 tập thơ (đã kể tên ở trên). Tôi nói là cảm nhận, vì chưa được đọc tất cả các tập thơ của Phạm Trường Thi, sợ rằng chưa có được một cái nhìn hệ thống trọn vẹn, mà chỉ là những cảm nhận thiên về cảm xúc cũng của một người làm thơ và có viết phê bình thơ, giới thiệu tác phẩm thơ, chứ tuyệt nhiên không phải là một chuyên luận về thơ Phạm Trường Thi, với nghĩa là một bài nghiên cứu.
Nhận xét tổng quát về thơ Phạm Trường Thi là anh viết theo kiểu truyền thống. Đa phần hình thức thơ là những kiểu thơ đã ổn định (thơ lục bát, thơ 5 chữ, 7 chữ,…) có một số bài thơ tự do, thơ ngắn. Ở những bài thơ này có thể tìm thấy một sự cách tân, “quẫy cựa”, tuy chưa thật sắc sảo và ám ảnh.
Về đề tài, thơ Phạm Trường Thi vô cùng phong phú. Anh viết về những cái rất nhỏ như hạt cát, ngọn cỏ ở sân vận động giữa hai hiệp bóng đá, đến hạt muối, ngọn gió vô hình, giọt mồ hôi trên đá… cho tới rộng xa những miền đất mà nhà thơ – người lính – công dân Phạm Trường Thi đã sống, đã đi qua: miền Trung, xứ Huế, Cà Mau, Đà Lạt, biên giới phía Bắc nơi xảy ra cuộc chiến của quân dân ta chống xâm lược phía Bắc. Anh viết về đất nước Lào, Campuchia,…Biên độ cảm xúc thơ Phạm Trường Thi rất rộng, không những chỉ gắn liền với những vùng đất, con người anh đã gặp và thương mến mà anh còn thể hiện lòng trắc ẩn, rung động thơ cả với những nhân vật điển hình trong văn học của những nhà văn nổi tiếng như: Chí Phèo của Nam Cao, Xuân Tóc đỏ của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Hay các nhân vật trong truyền thuyết dân gian như: Mẫu Liễu, Trạng Quỳnh…
Tôi thường có cảm giác e ngại khi đọc những tập thơ có nhiều bài viết theo kiểu “ký sự thơ”, “thấy gì ghi nấy” (chữ của nhà văn Nguyễn Công Hoan). Những bài thơ này thường rất nóng hổi hơi thở của cuộc sống, có bài đáp ứng tính thời sự,…mà thiếu đi cảm xúc thơ, thiếu đi tư tưởng và đặc biệt là không có tứ thơ.
Nỗi e ngại của tôi bị tiêu tan ngay từ đầu khi tiếp cận thơ Phạm Trường Thi. Thơ anh đề tài đa dạng phong phú (như đã nêu ở trên) nhưng anh không dễ dãi khi xử lí các đề tài, mà luôn phả vào đó cảm xúc thơ lúc nồng ấn, khi yêu thương da diết, lúc đớn đau nhân hậu. Và tính tư tưởng rất rõ. Ở mức độ khác nhau, những bài thơ đều có cái mà người ta quen gọi là tứ thơ.
Hãy bắt đầu bằng hai bài thơ anh viết về những vật nhỏ xíu: bài “Hạt cát” Hạt cát/ Tôi dẫm lên hàng ngày/ Đi khắp đó đây/ Cũng khi/ Rơi vào bát cơm/ Rơi vào chén nước/ Tôi ăn uống hàng ngày/ Hạt cát/ Đặt giữa lòng bàn tay/ Lóng lánh bao khuôn mặt người/ Trong cát.
Cảm xúc thơ được dẫn dụ từ những câu thơ đầu và dồn nén để tứ thơ, tính tư tưởng bài thơ bật ra từ ba câu cuối: Đặt giữa lòng bàn tay/ Lung linh khuôn mặt người/ Trong cát.
Một thông điệp gửi đến chúng ta: Trong cuộc đời chúng ta đừng vô tâm, coi thường những cái bình thường hàng ngày gần gũi mà phải biết nâng niu, quý trọng những giá trị nhân bản, giá trị lao động và trên hết là cái đẹp thuộc về con người. Cái tốt đẹp ấy lung linh, sáng láng trong cuộc sống rất đỗi bình thường. Mỹ cảm thơ ở đây được khơi gợi bằng một vật nhỏ nhoi nhất.
Bài thứ hai: Lời cỏ trên sân bóng đá (Trong tập Khi bước chân ra cửa, NXB Hội Nhà văn, 2014). Bài thơ có 5 khổ, mỗi khổ 4 câu. Từ khổ thứ nhất đến khổ thứ tư nhà thơ (nói hộ cỏ) nói về những buồn vui của cỏ khi được chứng kiến những trận cầu hấp dẫn, có khi sứt đầu, trẹo gối, được gặp những ngôi sao bóng đá, rồi thót tim khi chứng kiến quả phạt đền,…Đó là những khổ thơ bình thường, chưa có gì để nói. Và chỉ có thế thì đúng là chẳng có gì phải bàn. Nhưng, hãy đọc và ngẫm ngợi khổ cuối bài thơ: Năm bốn mùa ít khi ngơi nghỉ/ Tôi nâng gót giày cho chuẩn xác đường ban/ Tranh thủ lúc giải lao giữa hai hiệp đấu/ Cỏ chúng tôi nảy mầm trên đất râm ran.
Lại một thông điệp, một lời nhắn gửi mang ý nghĩa lớn trong lời một vật rất nhỏ, là ngọn cỏ. Rằng trong cuộc đời, mỗi thành công đều có sự góp sức của mọi người, của những gì bình thường nhất. Đừng bao giờ quên điều đó. Và những con người thầm lặng ít khi phô trương nói về mình, dù có lúc họ bị quên lãng. Nhưng họ luôn sống lạc quan, yêu đời, dù còn nhiều ganh đua, dẫm đạp.
Tôi đã dẫn ra 2 bài thơ của nhà thơ Phạm Trường Thi viết về sự vật nhỏ nhoi nhất.
Bây giờ tôi xin phép điểm xuyết thơ của anh về những đề tài rộng xa (tôi đã kể ở trên). Anh có hẳn những chùm thơ về Huế, về Đà Lạt, về miền Tây và những bài thơ viết về mẹ, về đồng đội đã hy sinh, về cánh đồng Chum (Lào), về những người lính Trung Quốc bị chết trong chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979 ở biên giới phía Bắc nước ta…
Ở chùm thơ viết về Huế, về Đà Lạt hay một số địa danh nổi tiếng, Phạm Trường Thi không sa vào kể tả mà anh luôn gửi gắm vào đó những nỗi niềm, tâm sự. Đọc thơ về Huế của anh: Huế buồn, buồn đã bao đời/ Còn tôi buồn từ cái hồi vào kinh.
Làm tôi chợt nhớ Nguyễn Bính: Giời mưa ở Huế sao buồn thế/ Cứ kéo dài ra suốt mấy ngày, Rồi: Thuốc lào hút mãi người ra khói/ Thơ đọc suông tình hết cả hay.
Phạm Trường Thi cũng đồng điệu nỗi buồn như các thi sĩ trước anh khi tới cố đô. Nhưng anh ngộ ra một điều rất nồng ấm: Mới hay ly rượu nồng say/ Không nguôi buồn nhớ vơi đầy cố đô.
Buồn đẹp và sáng tươi. Tôi thích bài lục bát Làm Vua của anh: Làm vua tưởng sướng một đời/ Hóa ra lại khổ hơn người thường dân…
Có cả thảy 7 thứ sợ: sợ áo quần như trói buộc, sợ cằm không râu, sợ yến tiệc linh đình,… Thứ tư sợ phải thiết triều/ Trước quan văn võ nói điều gì đây/ Thứ năm sợ đám chân tay/ Miệng thì bẩm dạ bụng đầy gươm đao/ Thứ sáu, sợ món tào lao/ Hơn trăm cung nữ cô nào cũng ngon.
Bài thơ ngắn mà nhà thơ đã “gài” được bao nhiêu ý tứ, làm người đọc phải liên tưởng, ngẫm ngợi và sau đó là một nụ cười thú vị. Phạm Trường Thi còn bài thơ Thử làm Vua cũng thú vị không kém bài này
Chùm thơ viết về Đà Lạt vẫn một điệu tâm hồn ấy. Trước một Đà Lạt với nhiều tiểu cảnh mê hồn: Đồi Thông, Thác Cam Ly, Hồ Than Thở, Những tòa biệt thự Pháp, Phạm Trường Thi vẫn tự nhắc mình là nhà thơ, chứ không phải người viết ký sự, ham tả cảnh. Thiên nhiên Đà Lạt chỉ là cái cớ để thi sĩ gửi gắm nỗi niềm. Trong Hội thảo “Thơ hiện nay với hôm nay” do Hội nhà văn Việt Nam tổ chức sáng ngày Rằm tháng Giêng năm Quý Mão vừa qua, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến quả quyết: Thơ (đích thực) phải có 3 yếu tố: cảm xúc, tư tưởng và tứ thơ. Soi vào Phạm Trường Thi ở thơ chung và những chùm thơ về Huế, về Đà Lạt, về miền Trung, về những vùng đất anh đã đi qua đã viết (tôi tạm gọi là Thơ địa danh), Phạm Trường Thi đều có 3 yếu tố căn cốt đó. Thơ anh giàu cảm xúc, đều ẩn chứa tư tưởng và bài thơ đều được lập tứ. Có bài thơ tứ thơ bộc lộ rất rõ. Có bài thơ, tứ thơ lặn vào câu chữ toàn bài.
Đọc Phạm Trường Thi, tôi ít gặp những câu thơ tài hoa thi sĩ, kiểu như: Đèo
cao cho suối ngập ngừng/ Nắng thoai thoải nắng, chiều lưng lửng chiều. (Nguyễn Bính), Trời cứ xanh như rút ruột mà xanh/ Cây cứ biếc như vặn mình mà biếc. (Thi Hoàng), Hay: Đất trời hồi hộp cùng anh/ Có em về nữa là thành mùa thu. (Bế Kiến Quốc)
Nhưng bù lại, anh được người đọc thơ anh yêu mến bằng sự nồng hậu chân thành trong cảm xúc, sự vững vàng trong thao tác thơ. Không tỉa tót, uốn éo kỹ thuật. Phạm Trường Thi không sa vào chữ nghĩa cầu kỳ. Thơ anh giản dị hiền lành, ít đột phá, nhưng có một số bài hay. Đó là những bài anh viết về mẹ, về đồng đội đã hy sinh, về những người lính Trung Quốc đã chết trong cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Việt Nam tháng 2 năm 1979.
Tôi bị ám ảnh bởi hai bài thơ anh viết về sự kiện này. Bài Những ngôi sao tôi nhặt và bài Ở nghĩa trang bên kia biên giới. Xin dẫn bài Những ngôi sao tôi nhặt. Những ngôi sao nhà thơ nhặt ở dọc biên giới là những ngôi sao màu đỏ của những người lính Trung Quốc chết trận: Những người lính lứa tuổi khác nhau/ Khuôn mặt khác nhau/ Mang ngôi sao màu đỏ trên đầu/ Với khát vọng của Lầu Trung Nam – Hải/ Họ đã đến mảnh đất này Vùi thây dưới tầng cỏ dại/ Đi dọc chiều nghĩ suy mê mải/ Nhặt những ngôi sao/ Sắc máu/ Trái tim tôi nhói đau.
Thể bài thơ tự do, cấu tứ rõ ràng, chặt chẽ. Hình tượng thơ (những ngôi sao đỏ nhuốm máu) gây ấn tượng mạnh. Tôi đã đọc nhiều bài thơ viết về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới nước ta, đánh bại cuộc xâm lược của lính Trung Quốc năm 1979, nhưng hình như chưa có ai viết về những người lính phía bên kia. Phạm Trường Thi không né tránh. Anh viết về cái chết của những người lính bị đẩy vào cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam: Những người ấy đã một thời giương cao cờ Bát Nhất/ Đã một thời gặp ta mặt mừng tay bắt/ Giờ đâu?
Trái tim tác giả nhói đau. Sự đau đớn không phải dành cho kẻ thù, mà dành cho những con người nông dân hiền lành bị Lầu Trung Nam – Hải đẩy vào chỗ chết. Trái tim nhói đau còn trước sự phản bội của một quốc gia, từng là thành viên trong phe Xã hội Chủ nghĩa với Việt Nam, giờ lại xua quân sang xâm lược Việt Nam. Bài thơ có giá trị nhân văn sâu sắc và tiếng nói phản chiến đối với những cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa. Một bài thơ hay, gây ấn tượng sâu sắc ở người đọc.
Cuối cùng, tôi muốn nói tới một bài thơ hay khác của Phạm Trường Thi, bài Xưa mẹ tôi. Xin trích dẫn một đoạn: …Đường đi xa nhất đến chùa/ Vịn tay Bồ Tát gió đưa thân cò/ Mỗi bước vững mỗi bước lo/ Con giun cái kiến có bò dưới không/ Một nách con, hai vai chồng/ Kiếp người trôi giữa mênh mông kiếp người./ Chỉ một lần mẹ khóc thôi/ Chiến trường Quảng Trị ngày tôi trở về.
Có thể nói đây là bài thơ lục bát hay viết về người mẹ trong thơ ca đương
đại Việt Nam. Cùng với một số bài thơ hay như Bờ sông vẫn gió của nhà thơ Trúc Thông, hay Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa của Nguyễn Duy, xong ở bài thơ Xưa mẹ tôi, hình ảnh người mẹ hiện lên thật thương cảm: Tiền không túi áo cũng không/ Miếng nâu miếng gụ vá chồng lên nhau/ … Da tím tái dáng hao gầy/ Quanh năm bó với cuốc cày nắng mưa.
Những nỗi cơ cực ấy mẹ có thể chịu đựng và vượt qua. Còn nỗi đau mất con (con trai lớn hy sinh) thì mẹ không thể đứng vững. Mẹ khóc chỉ một lần khi đón đứa con còn sống trở về từ chiến trường. Mẹ khóc vì nhớ đứa con đã hy sinh cùng bao đồng đội. Bài thơ nặng ở câu kết, tạo được khoảng trống liên tưởng (chữ của Nhà thơ Hữu Thỉnh) bắt người đọc phải ngẫm ngợi, kiểu như: Từ ngày đưa mẹ ra đồng/ Qua hàng trầu vỏ con không dám nhìn. (Nguyễn Thị Mai)
Từ bài thơ này và một số bài thơ lục bát rải rác trong 4 tập thơ tôi được đọc.
Tôi mạnh dạn đưa ra một nhận xét: thế mạnh và nhiều thành công hơn ở Phạm Trường Thi chính là ở thơ lục bát. Thơ ngắn của anh không nhiều nhưng cũng ít thành công. Có những bài anh viết như chơi chơi, tự nhiên hơi thật thà, hay là tại tôi hay bị ám ảnh bởi những bài thơ ngắn ngắn sắc sảo như: Em là muối/ Ướp nỗi đau tươi mãi. (Nguyễn Hoa)
Kết thúc bài viết này, tôi cũng ao ước được đọc những câu thơ hay của Phạm Trường Thi (trong các tập thơ sau).
Tôi đồng ý với nhà văn Phạm Ngọc Chiểu rằng tài thơ là do trời cho người này nhiều, người kia ít nên thơ mỗi người mỗi vẻ. Nhưng cụ Nguyễn Du cũng từng nói: Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều. Và nói như nhà thơ Hữu Thỉnh tâm niệm: “Thơ là kinh nghiệm sống”.
Nhà thơ Vũ Quần Phương nói: “Thơ hiện nay không thua kém thơ thời trước, có khi còn nhỉnh hơn, nhưng những tập thơ hay, những bài thơ, câu thơ hay bị chìm khuất trong cái bề bộn bạt ngàn của hàng ngàn tập thơ yếu kém, nên thơ hay ít đến được với bạn đọc thơ tâm huyết, chính hiệu”.
Nhưng rất may là một bộ phận bạn đọc thơ “chính hiệu” yêu thơ, có mỹ cảm thơ, biết nhận chân giá trị thơ đích thực vẫn lục tìm bằng nhiều cách để được đọc những nhà thơ đích thực tài năng và các tập thơ của họ.
Tôi nghĩ Phạm Trường Thi với những tập thơ đã và sẽ xuất bản, thơ anh sẽ có đông đảo bạn đọc chân thành nghiêm túc và đồng cảm sẻ chia.
Bằng sự từng trải của mình, sự tâm huyết với thơ, với văn chương ở một nền tảng văn hiến của đất Sơn Nam hạ với những tài văn kiệt xuất, lại được tỉnh quan tâm tạo điều kiện, đội ngũ văn nghệ sĩ Nam Định, trong đó có Phạm Trường Thi sẽ tiến những bước tiến mới trong sự nghiệp văn chương của mình.
Hà Nội, 25/3/2023
25/3/2023
Lê Huy Hòa
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...