Thứ Tư, 27 tháng 11, 2024

Cô gái che chiếc dù hoa nắng

Cô gái che chiếc dù hoa nắng

Năm tháng qua đi, nhiều khi ngồi nhìn lại… Ước mơ nào trọn vẹn, ước mơ nào dang dở nửa chừng. Tất cả rồi cũng bị quy luật thời gian dồn hết phía sau. Nhưng những khi trời đất đổi mùa, xuân về tết đến…
Mùa thu của em – Là vàng hoa cúc.
Không, thành phố nơi tôi sống hoa cúc nở quanh năm. Đó là loài cúc giản dị nhất. Cúc vàng. Quầy hàng hoa chợ nào cũng có một ô rực lên màu hoa cúc. Ngày rằm, mồng một trên tay các bà, các chị thường cầm thêm một bó cúc vàng để về thắp nhang cho bàn thờ ấm áp. Cúc quá đỗi đời thường và dung dị. Nhưng cứ mỗi độ gió chuyển mùa heo heo lạnh, con đường phủ loáng thoáng lá khô, màu nắng chợt chớm lên một chút vàng xao xuyến thì mùa cúc vàng trong tôi như khóac lên người màu áo mới náo nức, hân hoan đẹp đến ngỡ ngàng.
Ngay cả những tháng năm cơ cực nhất, với tôi, mùa xuân vẫn về rất sớm. Những buổi học cuối năm thật khó mà giữ yên bầy học trò nhỏ lao xao. Cô thì cũng còn quá trẻ, chỉ mới ngoài hai mươi. Đồng lương ít ỏi, tháng tháng đem về cho mẹ phụ giúp gia đình, lo cho mấy đứa em đang còn tuổi ăn tuổi học. Buổi liên hoan chia tay về ăn tết thường vào chiều xâm xẩm tối. Mà khoảng thời gian này bóng chiều buông nhanh lắm. Khí trời lành lạnh. Mấy chậu hoa trường mới mua về xếp ngay ngắn trong sân. Bạn bè vừa ăn uống chuyện trò vừa tất bật gọi nhau chia hàng nhu yếu phẩm. Phòng căng-tin sáng đèn. Mọi người tranh thủ ghé qua. Vậy là khi tan tiệc ra về trong chiếc giỏ xách có thêm ký đường, hộp sữa, ít bánh mứt và đôi khi gặp hàng hiếm là một chiếc lốp xe. Có vậy thôi mà lòng tôi vui sướng lắm vì thấy mình cũng có cái gì đó góp phần vào cái Tết của gia đình. Những ngọn đèn đường hắt ánh sáng vàng vọt lên vĩa hè. Tự nhiên hình ảnh cô hàng xén của Thạch Lam chợt hiện về. Tôi thấy hiện ra cái cổng làng, tôi nghe tiếng kĩu kịt của đôi quang gánh nhịp nhàng trên đường về chợ…
Chiếc giỏ nằng nặng trên tay, tôi mỉm cười vừa đi vừa nhẩm tính. Thịt thì vài bữa nữa mới có hàng. Cọng thêm phần tiêu chuẩn của ba, tùng tiệm thì hai mẹ con cũng xoay xở được. Thế nào cũng phải có nồi bánh tét nấu chung với mấy cậu. Còn đường, nhất là đường. Mấy chị em đang tuổi hảo ngọt. Cả năm trời dè sẻn giờ mới được dịp bung ra. Mà tết nhất cái gì đụng đến cũng cần đường. Năm nay nhất định phải có mứt quất như mọi năm. Mấy trái quất mua về ươm vàng tươi roi rói, được gọt vỏ tỉ mỉ cẩn thận, rồi xoi hột, rồi ngâm nước muối, nước vôi. Công việc này mất hết cả buổi tối. Cho đến khi bắc thau mứt lên bếp, nhìn trái quất uống no nước đường tròn căng, từ từ vàng óng mượt mà trong nước đường sóng sánh màu hổ phách mới thấy hết hương vị của những ngày cận tết.
Mứt quất thì phải làm bằng đường cát trắng. Nó thuộc loại “cao cấp” mà. Còn bịch đường vàng thì mẹ đã mua cho một mớ khoai lang tha hồ chế biến, tha hồ nhâm nhi từ trong tết đến ngoài tết cho đã cơn thèm. Nói vậy chứ đường vàng mẹ cũng quý lắm. Cũng tính toan dè sẻn. Ra năm, khi không khí rộn rã tết nhất qua đi, chuyện thiếu thốn trở về thường nhật, chén cơm không dám đơm đầy, mẹ sẽ mở hủ đường vàng ra. Thêm một ít đậu phộng, mấy miếng lá chuối xin ngoài chợ mẹ loay hoay làm kẹo. Những thỏi kẹo nho nhỏ xếp gọn gàng vào lon Guigoz. Kẹo đậu phộng của mẹ là hàng hiếm, không phải ai cũng có phần. Tiêu chuẩn hẳn hòi đấy nhé. Chỉ có đứa nào thi cử, học khuya, thức đêm đèn sách mới được một hai thỏi nhâm nhi cho đỡ đói lòng. Cái hủ kẹo của mẹ đã âm thầm tiếp sức cho bầy cá chép vượt vũ môn.
Vui nhất vẫn là những ngày cận tết. Cứ ra chợ mà xem. Hàng hóa bắt đầu khởi sắc. Có nhiều nhặn gì đâu mà sao vẫn ồn ào náo nức. Tôi vẫn dừng chân rất lâu trước “mẹt” hàng bán đồ trang diểm. Không, chị không bày hàng trên cái mẹt nhưng gọi gian hàng không đúng, quầy hàng cũng không phải vì tất cả hàng họ chỉ được bày trên một tấm vải nhựa khiêm nhường trải ngay dưới đất. Vậy mà hôm nào ra chợ tôi cũng dừng chân ngắm nghía. Những thỏi son be bé, hộp phấn hồng xinh xinh. Rồi gương, rồi lược, rồi nước hoa, rồi chì kẻ mắt… Suy đi nghĩ lại mấy hôm mới dám chọn cho mình một thỏi son ưng ý. Khúc vải quốc doanh tiêu chuẩn ba mua về đem ra chắp bên này, nối bên kia, bày kiếu này kiểu nọ, xoay xở toát mồ hôi mới được hai chị em hai bộ áo quần. Đó là ưu tiên phụ nữ.
Sáng ba mươi tết dậy thật sớm chuẩn bị mâm cúng tất niên. Mẹ giao cho một rỗ rau củ, cắm cúi cắt tỉa vừa nhấp nhổm vì sốt ruột. Mẹ nhận sản phẩm ngó qua ngó lại rồi buông một câu: “Thôi được rồi. Đi chợ hoa đi” . Chỉ chờ có thế tôi cầm vội nắm tiền lẻ. Một khoản tiền rất nhỏ trong ngân sách hạn hẹp mẹ quản lý. Với mẹ, cuộc sống là cơm ăn áo mặc. Ở đó mà hoa hoét. Dẹp hết đi. Đói thì hoa cỏ nuôi sống được ai. Mẹ vẫn nhìn thẳng vào thực tế như vậy đó. Chưa bao giờ tôi thấy mẹ mơ mộng. Không, đúng ra thì có một lần mà tôi còn nhớ mãi. Chiều cuối năm, ở Huế mưa lâm thâm rét đến cắt da, mẹ nhìn tôi, đôi mắt bỗng xa xăm: “Lớn lên, con gái mẹ sẽ làm cô giáo. Trời mưa, con che dù, khoác áo manteau…” Mưa ở Huế lê thê nhưng thường là mưa bụi. Cái áo manteau vừa ấm vừa đủ sức che mưa. thêm cái dù các cô đủng đỉnh yểu điệu thả bước đến trường. Nhưng rồi liền sau đó mẹ lôi phút giây mơ mộng của mình về ngay thực tại. “Đàn bà đi dạy là nhất. Vừa có môi trường giao thiệp bên ngoài, vừa có thời gian chăm sóc chồng con.” Rồi thì bằng cách này cách khác mẹ cũng biến được ước mơ thành hiện thực. Tôi làm cô giáo. Chỉ có điều tôi là cô giáo thời bao cấp, không dù, không áo manteau. Trời Sài Gòn mưa rồi chợt nắng, áo quần lỡ ướt thì tự nó khô. Cô giáo như tôi bước thấp bước cao chật vật xoay xở còn không đủ sống. Một bữa, căng- tin chia cho được con cá lóc, mừng húm. Gói ghém, dấu giếm cẩn thận rồi đem vào lớp. Đang cao giọng giảng bài, con cá bỗng vùng lên, quẫy một cái phóng ra của lớp. Tụi học trò nhanh như chớp phóng theo. Đứa chặn, đứa chộp. Bắt lại con cá cho cô tụi nó cười hể hả. Nghĩ mà thương, thương rất nhiều lũ học trò lấm láp ngày tháng xa xưa…
Cứ nghĩ mà coi, nếu không tính toán, không vững vàng như mẹ thì làm sao đưa được bầy con đến bờ đến bến. Chỉ có điều dẫu mẹ ra công rèn cặp, dẫu tôi cũng thiện chí tập tành mà sao tôi vẫn thấy từ trong sâu thẳm mình không thể nào theo kịp mẹ. Và mẹ, mẹ vẫn giấu đâu đó tiếng thở dài khi biết sinh con ra nhưng con gái chẳng thể giống mình. Thì rành rành ra đó, chỉ cần một câu: “Đi chợ hoa đi” là con bé quăng dao quăng thớt vừa đi vừa chạy.
Cũng phải vậy thôi. Gần trưa rồi. Chợ hoa giờ này còn gì nữa. Tôi xen ngay vào chỗ bán hoa hồng. Người mua đã vãn. Hoa cũng bầm dập hết rồi. Chỉ còn vài bông lả tả, vài nụ quá non nhưng giá cả thì chấp nhận được. Kệ, thôi thì tiền nào của nấy. Tôi chọn một bông, chỉ một bông thôi. Mê nhất là bông hồng nhung đỏ thắm đẹp kiêu sa vươn cao trong cốc thủy tinh trong veo lấp lánh. Có được nụ hồng trong tay tôi lê la đến các quầy khác. Hoa “cao cấp” vẫn còn và bình thản giữ nguyên giá trị. Mà dẫu có xuống giá đi nữa thì chút tiền còm cõi của tôi cũng chẳng thể nào với được. Tôi nhẩn nha nhìn ngắm cho đã mắt. Lượn qua lượn lại rồi cuối cùng cũng tìm về góc chợ. Nơi đó rực lên màu vàng hoa cúc. Cúc thì tràn lan trong tay kẻ mua người bán từ đầu đến cuối buổi chợ. Tôi dễ dàng chọn cho mình một bó đang độ nở vừa nụ vừa hoa.
Màu vàng hoa cúc làm căn phòng nhỏ sáng rực lên bên khay mứt bánh tươm tất mời khách ba ngày tết. Hoa nở thấy thương. Tươi tắn, bền bỉ đến hết mấy ngày xuân rồi vẫn không nở vứt đi. Nụ hồng tiểu thư thì không thế. Vì tiểu thư hạ cố xuống nhà nghèo nên hôm đầu còn miễn cưỡng vươn vài ngọn lá kiêu hãnh đứng ngay ngắn trong ly nước trong veo. Bật đèn lên ánh sáng lấp lánh trên ly thủy tinh và màu đỏ nhung cũng đầy vẻ kiêu sa quý phái. Nhưng nhiều lắm cũng chỉ được hôm mồng một, chưa đến mồng hai là màu đỏ nhung đã sẫm xuống. Bông hoa như lả đi. Mệt mỏi lắm rồi, không sức đâu mà kiêu hãnh với kiểu cách. Nó gục xuống thảm thương mà chưa bung được cánh nào. Ô, có gì đâu. Nó đẹp. Dẫu một phút, một giây thôi thì cũng đã từng là cái đẹp. Mùa xuân vẫn còn đó, tưng bừng trong nhà, ngoài ngõ…
Mồng một, vào ra khuôn phép vì là ngày của gia đình, của bà con nội ngoại. Hoàn tất hết mọi thủ tục và bổn phận đến mồng hai, mồng ba tha hồ bay nhảy bạn bè. Bạn đến nhà mình, mình thăm nhà bạn. Cây son được đem ra, trân trọng và có phần âu yếm, tô nhẹ một lớp lên môi. Cầm cái gương xoay qua xoay lại, mím môi, mỉm cười rồi chớp mắt. Coi bộ cũng khá hài lòng. Đến nhà nhỏ bạn thân trước nhất. Gặp nhau, cái đầu tiên đập vào mắt hai đứa là đôi môi. Hai màu son chỉ là một. Cùng một lô, một lố không sai chạy vào đâu được. Bởi thời buổi kinh tế khó khăn hàng hóa đâu có dồi dào. Chừng đó nhãn hiệu, chừng đó mẫu mã. Chợ này bán thì chợ kia cũng bán dẫu hai cái chợ cách xa nhau mút mùa. Nhưng ấn tượng là màu son. Nhìn kỹ lại thấy có gì hơi thái quá. Không phải đỏ rực, không phải hồng sen. Nó có cái gì vừa quê vừa sến. Một màu son đủ khả năng biến nụ cười e lệ đến đâu cũng trở thành toe toét. Bây giờ nghĩ lại mới thấy rùng mình nhưng ngày ấy thì không. Can đảm và hãnh diện đem nụ cười thoa son đó tung tăng chào hỏi khắp nơi, cả nhà bạn trai, cả nhà bạn gái.
Dạo đó, thời gian nghỉ tết ngắn lắm. Có mấy ngày thôi. Vậy nên khi trở lại trường không khí vẫn còn náo nức. Ngày đầu tiên đến lớp hầu như cũng chỉ để chúc tụng nhau. Có một năm, chỉ có hai tiết dạy đầu tiên, tôi không ở lại đàn đúm bạn bè mà đi thẳng ra cổng đến thăm một người bạn. Không gần, cũng không quá xa trường. Ngẫu hứng? Không phải. Một cái gì đó như một niềm vui nho nhỏ, lặng thầm mình để dành cho những ngày xuân sắp cạn. Gió thổi bay bay tà áo dài đang mặc. Màu sắc nhẹ nhàng đan xen nhau mà mình gọi đùa là hoa cỏ mùa xuân. Đôi giày mới hơi đau chân một chút nhưng không sao. Khí trời mát mẻ, cứ bước thong dong. Mình đến, bạn không có nhà. Bởi mình đâu có hẹn trước. Có lẽ cũng là buổi đến trường đầu năm của bạn. Đâu có sao. Tết nhất mà. Vắng bạn thì gia đình bạn. Cũng trà, cũng mứt, cũng thân tình ấm áp. Một không khí tết đơn sơ đạm bạc như gia đình mình. Gần như hết tết rồi nên cũng chẳng còn khách khứa. Câu chuyện có thể dài hơn một chút, riêng tư hơn một chút chứ không hẳn chỉ quanh đi quẩn lại lời chúc tụng xã giao. Thế rồi mình chào ra về. Ngoái lại mình thấy khung cửa mở và mẹ bạn gởi theo mình nụ cười ấm áp dịu dàng.
Nắng đã lên cao. Cái nắng miền Nam không mỏng manh sắt se như mùa xuân xứ Huế. Đường về thì không xa nhưng cũng không phải là gần. Tôi đủng đỉnh đứng lại mở dù. Chiếc dù như một bông hoa bung xòe bóng râm mát rượi. Và cứ thế, tôi thong thả bước đi. Hai hàng cây lao xao bóng lá. Con đường trải dài trước mặt thênh thang. Ngước nhìn lên, chiếc dù trong tay lung linh màu nắng óng vàng. Tôi thấy mình như vừa bước ra từ giấc mơ của mẹ. Nhưng trời thì đẹp quá, mà lòng mình cũng đẹp quá. Tôi đã bỏ quên đâu đó cô hàng xén của Thạch Lam, bỏ quên đâu đó những lo toan vén khéo, bỏ quên đâu đó hình ảnh cô giáo cúi đầu che chiếc dù đi về dưới làn mưa bụi lê thê. Tôi thả hồn tôi bay bỗng. Mùa xuân phương Nam đất trời rộng lượng bao dung. Con đường trải dài trước mắt và tôi, tôi cầm chiếc dù hoa nắng mà đi.
Năm tháng qua đi, nhiều khi ngồi nhìn lại… Ước mơ nào trọn vẹn, ước mơ nào dang dở nửa chừng. Tất cả rồi cũng bị quy luật thời gian dồn hết phía sau. Nhưng những khi trời đất đổi mùa, xuân về tết đến…
Bây giờ thì bánh mứt không cần làm. Hồng nhung ôm từng bó. Bông nào cũng bung đến cánh cuối cùng. Những ngày cuối năm tôi vẫn nhẩn nha chợ tết, vẫn dừng chân tần ngần trước những mặt hàng mỹ phẩm bày trên tấm vải nhựa trải sát đất. Mặc dù giờ đây tôi không hề đụng đến mấy thứ mỹ phẩm nổi trôi này. Cận tết, tôi vẫn giữ thói quen len vào những con hẻm nhỏ. Ở đó người ta vệ sinh nhà cửa đón xuân. Những căn nhà củ kỷ, nhỏ xíu, đồ đạc lôm côm đang cố gắng dọn cho mình một bộ mặt tinh tươm tươi tỉnh. Nước lau rửa chảy ướt sàn nhà, chảy tràn ra hẻm. Đâu đó trên bàn thờ trang trọng một bình cúc vàng hoe. Ơi, cái màu hoa thương khó, lẻo đẻo theo nhau về xóm nhỏ, rạo rực sắc hương bừng lên thắp một mùa vui. Ngày xưa đó, ngày xưa lại trở vê… Nên  thương hoài cái thời khốn khó mà tưởng như không có gì khốn khó, thương những ngày thành phố chuyển mùa loáng thoáng lá khô bay, thương màu cúc vàng dịu dàng nhẫn nại. Và cả em nữa, sao tôi cứ thương hoài hình ảnh em, cô gái bước ra từ giấc mơ của mẹ, của tôi, cô gái che chiếc dù hoa nắng.
16/1/2023
Ngô Thị Ý Nhi
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...