Chắt chiu những ngụm đời
Thơ ca đích thực theo Nguyễn Bảo Chân, luôn gắn với những
gì chân thực nhất của nỗi lòng, của tâm trạng con người. Thơ mang vẻ đẹp tự
thân và và thấm vào lòng người một cách tự nhiên như suối tưới, dù có viết về bất
cứ cung bậc nào trong đời sống này.
1. Hành trình thơ Nguyễn Bảo Chân suốt gần 30 năm qua; từ khi
chị in tập thơ đầu tiên Dòng sông cháy (NXB Thanh niên, 1994) và nhận
giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm ấy; là giọng
thơ nữ sớm định hình một tiếng nói riêng, một cách viết riêng không lẫn với bất
kỳ ai. Kín đáo và tinh tế, hài hòa giữa bung nở và tiết chế, có nhiều dụng công
trong việc tạo dựng thi ảnh, trau chuốt ngôn ngữ thơ.
Thơ tình của chị ngay từ thuở ban đầu đã có nhiều câu thật hay, chỉ cần đọc một lần là găm lại trong trí nhớ: Dấu chân còn ấm lá còn đau (Lời ru), Anh là cơn mưa nôn nóng/ Để ướt hết tơ vàng em hong (Im lặng). Hay như câu lục bát sau đây, chỉ với mười bốn chữ thôi mà tràn ngập tu từ, là một diễn đạt độc đáo về sự cô đơn cùng nỗi khát khao: Cồn cào nỗi gió cứ lay/ Khép lòng mà sợi khói gầy vẫn nghiêng (Còn chút má hồng)… Hai câu thơ, một câu nói gió, một câu nói khói mà thực chất là bộc bạch lòng mình…
Sau tập đầu tay, chị đã có hai tập tiếp theo là Chân trần
qua vệt rét (NXB Hội Nhà văn, 1999) và Những chiếc gai trong mơ (NXB
Thế giới, 2010). Thơ Bảo Chân càng ngày càng chín đằm thắm, sâu lắng và da diết
nhiều hơn. Mới đây, sau 12 năm vắng bóng, tập thơ thứ tư của chị, tập thơ song
ngữ Anh – Việt Bóng của ý nghĩ gồm 35 bài vừa được Hội Nhà văn Việt
Nam trao Giải thưởng năm 2022. Tập thơ này, như tự bạch của chị trong lời mở đầu
sách, các bài thơ hầu hết được ra đời trong vòng 12 năm trở lại đây, lại cũng
có đôi ba bài viết từ thời còn khá trẻ. Tác giả chủ định “đặt chúng hài hòa bên
nhau như bè cao và bè trầm của một tổng phổ âm nhạc; như các sắc độ màu trên một
bức tranh. Chúng là những cái cây nhỏ hết mình xanh, cùng làm nên một khu vườn”.
Và khu vườn ấy chính là thế giới tâm hồn của Nguyễn Bảo Chân, được hiện lên một
cách chân thực, sống động và nhất quán như hành trình thơ ca của chị suốt ba chục
năm qua. Đã đi qua biết bao biến cố thăng trầm, những hạnh phúc và cả những
dang dở tan vỡ trong tình yêu, Nguyễn Bảo Chân càng ngày càng tỏ rõ một ý thức
chắt chiu đời sống trong từng khoảnh khắc, trong từng câu chữ. Những câu chuyện
về thời gian xuyên suốt tập thơ Bóng của ý nghĩ, làm thành một hồn cốt, một
xương sống, một sợi kim tuyến liên kết tất cả những giăng mắc bộn bề.
2. Nguyễn Bảo Chân có nhiều câu thơ cảm động về tình cảm gia
đình, về những kỷ niệm với cha mẹ, về những ký ức tuổi thơ. Đọc thơ chị, ta hiểu
rằng gia đình có một vai trò quan trọng vô cùng trong hành trang của mỗi đời
người: Cha tôi khói sương/ bay phía hoàng hôn/ mẹ tôi ngược gió mùa/ buồn
lén đầy áo mỏng/ tôi náu vào khoảng lặng/ giữa cuồn cuộn mưa giông/ bên kia cầu
vồng/ bóng bà ngoại tôi/ vấn áng mây ngũ sắc (Chuyến tàu). Nhưng rồi tất cả
những người thân yêu nhất sẽ không còn ở bên ta, từng người cứ lần lượt xa dần,
thứ còn lại chỉ là nỗi nhớ: dây đàn đứt hộp đàn đã vỡ/ con gẩy câm từng kỷ
niệm vang/ mẹ gom đến giờ chưa hết/ khóc cười nhan sắc còn vương (Hải
Phòng, mẹ và tôi). Xa dần những người thân, mỗi con người phải tự bước đi bằng
đôi chân của mình, tự mình chọn những con đường và xác lập những giá trị trong
cuộc đời.
Trong cuộc hành trình vô tận ấy, nhiều lúc ta thấm thía phải
chăng cô đơn là bản chất của cõi người: Ta vấp sông để lỡ/ Tan nhòa vào
bóng cây/ Ta vớt ta mà vỡ/ Đầy sông Đáy trên tay (Sông Đáy). Nguyễn Bảo
Chân có nhiều chuyến đi đến các vùng đất khác nhau, cả gần và cả xa. Và ở tất cả
những miền không gian ấy chị đều có thơ ghi lại, có những câu chuyện để kể cùng
ta bằng một giọng điệu thủ thỉ tâm tình. Chị có thơ ở Hội An, thơ ở Berlin, thơ
ở Đan Mạch, ở Paris… Và dù ở bất kỳ đâu, nhà thơ cũng không ngừng có những suy
tư về thời gian, nói về những câu chuyện và con người, lịch sử của các đất nước
xa xôi nhưng rồi sau cùng thế nào cũng dẫn về một câu chuyện riêng tư của mình.
Vì thế mà người đọc cảm nhận được sự gần gũi của một tâm hồn Việt giàu tình cảm: Tôi
ngụp lặn trong nước mắt/ Bơi về phía đại dương (Nàng tiên cá), Đạp xe
một mình/ hun hút ban mai/ góc phố tinh khôi/ vỉa hè xiên nắng/ sao nhói đau/
sao thân thuộc/ như gặp tuổi thơ/ cây bừng lá thắp (Đạp xe một mình ở
Paris). Có những rung động mong manh, tinh tế của một hồn thơ nhạy cảm, nâng
niu và thiết tha với từng vẻ đẹp của đời sống quanh mình: Có đôi bồ câu/
nhặt từng tiếng yêu về/ làm tổ ở chậu hoa nhà ai/ hoa vừa héo/ chim non mới nở/
ta không dám thở/ sợ cánh hoa rơi/ ngày mai giật mình (Paris trong nhớ)…
3. Nguyễn Bảo Chân không che giấu nỗi cô đơn và sự khát khao
tình cảm. Nhưng chị giãi bày tất cả những điều ấy một cách thật kín đáo và luôn
có một hoài niệm thật đẹp về tình yêu đã qua, dù trong nó có cả những đắng
cay: Anh hãy châm một điếu thuốc từ vệt môi em (Vắng), Hơi thở gần/
bỏng rãy một với tay/ chạm vào anh/ cuối cơn mơ ngày (Cuối cơn mơ
ngày), Oải hương đã ngủ yên/ trên chiếc giường ký ức/ trễ nải mùi yêu/ hơi
thở mờ rêu/ giấc mơ trượt ngã nơi nào chẳng rõ (Chân dung một giấc mơ
cũ), chạng vạng nhớ nắng/ nhớ rối rít hoa/ nhớ anh/ gai cứa thịt da (Hồng
vàng mùa Vọng).
Vẻ đẹp của người nữ trong thơ Nguyễn Bảo Chân cô đơn trong sự
kiêu hãnh và hơn thế nữa là một tâm hồn cao thượng, nhận về mình sự hy sinh.
Mây trong thơ chị đã trở thành thân phận của người phụ nữ trong tình yêu. Đây
là một đóng góp rất mới về ẩn dụ và xây dựng hình tượng: Cũng đành mắc nợ
trời xanh/ trả bao nước mắt chẳng thành trăm năm/ phải duyên thì ngược lên
ngàn/ vấn vương với núi thở than với rừng/ rời non an ủi cánh đồng/ hóa mưa
tình tự nặng lòng đất đai/ đền cho biển thẳm sông dài/ phận mây dù có lạt phai
cũng đành (Phận mây). Nhiều bài thơ khác của Nguyễn Bảo Chân cũng thể hiện
chất thanh cao kiêu hãnh đó, chẳng hạn các bài viết về hoa sen như Sen
mình, Tơ lòng. Trong những nỗi niềm của chị, cùng với những đa đoan trong thân
phận và tình yêu, tôi còn nhận thấy luôn có một bí mật chưa bao giờ nói hết.
Sau những chuyến viễn du xa xôi, Nguyễn Bảo Chân trở về Hà Nội,
nơi hàng ngày gắn bó chị với công việc, bạn bè. Hà Nội một ngày là bài thơ có cấu
trúc độc đáo. Một cảm thức thời gian gắn với các khoảnh khắc/ vẻ đẹp khác
nhau của Hà Nội, từ Hà Nội sương đến Hà Nội nắng, từ Hà Nội mây đến Hà Nội
trăng. Bài thơ mở ra bằng hành động đan áo (áo chưa xong/ người đan áo mỏi)
và cũng kết thúc bằng hành động đan áo (hơi ấm còn vương/ áo ai vừa đan xong/
đã sờn). Một hành động tưởng như hoàn tất bỗng chốc thành dang dở. Một ngày của
Hà Nội như thế phải chăng cũng là câu chuyện của một đời người.
4. Tập thơ Bóng của ý nghĩ được khép lại bằng bài
thơ mang tên Trở về, như một tuyên ngôn của tác giả về thơ. Thơ ca đích thực
theo Nguyễn Bảo Chân, luôn gắn với những gì chân thực nhất của nỗi lòng, của
tâm trạng con người. Thơ mang vẻ đẹp tự thân và và thấm vào lòng người một cách
tự nhiên như suối tưới, dù có viết về bất cứ cung bậc nào trong đời sống
này: Những câu thơ cay đắng/ trở về từ ảo ảnh xanh rờn/ của tàn cây héo
úa/ Những câu thơ tươi/ tự chín âm thầm/ Những câu thơ kiêu hãnh/ trở về căn
phòng nhớ/ bước khua vang từng góc quên/ những câu thơ đối thoại/ với tiếng vọng
của mình. Và như thế, thơ cũng chính là cái đẹp còn đồng hành mãi mãi cùng
đời sống của chúng ta mà Nguyễn Bảo Chân là một trong những người nâng niu trao
gửi cái đẹp ấy đến bạn đọc.
22/2/2023
Đỗ Anh Vũ
Nguồn: Văn Nghệ số 7/2023
Theo https://vanvn.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét