Thứ Tư, 27 tháng 11, 2024

Nhân đọc lại "Con mèo của Foujita" của Nguyễn Quang Sáng

Nhân đọc lại "Con mèo của
Foujita" của Nguyễn Quang Sáng

“Con mèo của Foujita” có vẻ như là một truyện ngắn “đặc biệt” của Nguyễn Quang Sáng (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1994 với tập truyện cùng tên).
Chỉ với hơn 5.800 chữ, truyện mở ra một không – thời gian rộng lớn với những “câu chuyện lớn” vượt khỏi tầm vóc của một truyện ngắn, mang dáng dấp của một tiểu thuyết.
Ở đây, thủ pháp đồng hiện đã được sử dụng tài tình. Chỉ vài nét chấm phá, Nguyễn Quang Sáng đã “ghi” lại nhiều câu chuyện của đất nước cùng những biến động của thời cuộc kéo dài 80 năm. Những “câu chuyện lớn” của đất nước: Về những người kháng chiến ở lại miền Nam sau 1954, những biến động của cuộc sống ở Sài Gòn trước năm 1975, câu chuyện thời bao cấp, những khó khăn kéo dài sau những ngày đất nước thống nhất rồi đến cả nhưng câu chuyện về nghệ thuật, về giới mua tranh, về họa sĩ tài danh Foujita và các những tác phẩm nổi tiếng của ông, qua câu chuyện, “nghệ thuật vẫn không thể tách rời khỏi chính trị” (chi tiết Nam mua hết tranh trong phòng tranh vì Nam biết người Mỹ sắp rút, tiền Sài Gòn để trong nhà làm gì? Và đúng như nhận định của Nam, những bức tranh kia sau này đã trở nên rất có giá!).
Truyện được bắt đầu từ cuộc săn lùng bức tranh con mèo của danh họa người Nhật Foujita nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất của ông. Khi giới săn tranh cả thế giới gần như bế tắc thì xuất hiện Nam với thông tin sốt dẻo: Bức tranh “Con mèo” đang nằm trong tay Nam! Nam có được bức tranh chỉ sau một chuyến đi Hà Nội! Và, kiểu mua tranh của Nam quả thật có một không hai. Nam của cuộc kháng chiến chống Pháp, năm 1948, ở rừng U Minh chỉ là một cậu bé 16 tuổi, tuy nhỏ bé không mang nổi cây súng nhưng đã học qua xéc-ti-fi-ca (tiểu học) và làm nhiệm vụ quan trọng “truyền tin của chỉ huy, làm liên lạc”.
Truyện ngắn đan xen chuyện cũ, chuyện mới nhờ thủ pháp đồng hiện. Với nhận định rằng ngày trước, khi Foujita đến Hà Nội phải chơi với vài họa sĩ đất Hà Thành, Nam đã tìm đến những bức tranh nổi tiếng của Foujita. Câu chuyện trở về với năm 1954, Nam không đi tập kết như nhân vật xưng tôi. Ở đó Nam gặp phải những rắc rối của người kháng chiến cũ phải sống trong lòng chế độ Sài Gòn, lấy vợ rồi bỏ vợ, thân phận người nhập cư Sài Gòn sau chiến tranh, câu chuyện làm giàu…
Nam ra Hà Nội đi tìm dấu vết của họa sĩ Foujita. Trên chuyến xe “tự lái”, Nam đã mua được ba chiếc bình cổ bằng cách đổi lấy chính chiếc xe mình đang đi. Phi vụ ấy giúp Nam lãi đến… bốn chiếc xe! Từ chuyện mua đồ cổ dẫn đến việc Nam học chuyên môn về đồ cổ trong tù. Vì sao Nam bị bắt? Vì Nam từng đi theo kháng chiến. Trong tù, Nam học được đủ thứ, trong đó có việc… buôn tranh.
Và, khi ra tù, Nam đã “thực hành” bằng một phi vụ cực lớn: Mua hết tranh trong phòng trước sự ngạc nhiên tột độ của ông chủ ở Chợ Lớn. Phi vụ ấy, Nam lời to. Nhưng buôn đồ cổ chỉ là một trong những cú “làm ăn lớn” của Nam, ở đây, lại buôn tranh. Nhưng ngoài những thủ thuật để lần ra dấu vết hành tung của họa sĩ tài danh năm xưa, Nam lại có con mắt xanh đánh giá nghệ thuật không kém các chuyên gia, các nhà nghiên cứu lịch sử hội hoạ. Nam còn rất rõ lý do vì sao Foujita lại thích vẽ mèo, một con vật vốn không được người Nhật coi trọng. Nam nhận ra sự độc đáo của bức tranh vẽ mèo chẳng kém các nhà phê bình hội hoạ. Và, Nam không hề ra mặt, để phi vụ mua kỳ được bức tranh con mèo của Foujita qua tay một cô gái vốn là cộng sự của Nam.
Bức tranh quả đúng là tuyệt tác qua ngòi bút của Nguyễn Quang Sáng: “Con mèo với thế đứng đang nhìn lại. Tôi như nghe tiếng “meo” từ trong nét vẽ của cái thế đứng con mèo. Đôi mắt của con mèo vừa trong, vừa xanh, vừa lung linh. Đôi mắt lim dim như đang nghĩ ngợi đến điều gì sâu xa lắm và bộ râu của nó như nhúc nhích với đôi môi chúm chím như cười..”.
“Nam bán bức tranh thiếu nữ Hà Nội với giá hai cây. Còn bức cô gái người Âu, Nam gởi ra nước ngoài, nghe nói để bán đấu giá. Còn bức con mèo, Nam vẫn giữ lại””. Rõ ràng, Nam đã rất đúng khi chọn, dành riêng cho mình bức họa ấy như cái kết của câu chuyện: “- Đêm qua tao nằm mơ một giấc mơ rất kỳ lạ. Có lẽ uống rượu nhiều quá. Tao mơ thấy con mèo của Foujita từ trong tranh vọt ra. Tao giật mình choàng dậy. Đúng là con mèo vừa vọt ra cửa sổ. Tưởng là nó thật. Hốt hoảng, tao bật đèn, mở tủ. Bức tranh vẫn còn, tao vội vàng trải ra. Con mèo bỗng hóa ra Foujita- Foujita chúm chím nhìn tao: Cười”.
“Con mèo của Foujita” của Nguyễn Quang Sáng hoàn toàn có thể “viết lại” thành một tiểu thuyết hay, hấp dẫn hoặc có thể chuyển thành một bộ phim xuất sắc. Nhưng trước tiên, nó là một truyện ngắn hay, khó lẫn với các truyện ngắn khác của Nguyễn Quang Sáng.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng (1932 – 2014; bút danh Nguyễn Sáng), Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật đợt II năm 2000. Ông được biết nhiều với vai trò tác giả và biên kịch của hai tác phẩm nổi tiếng là truyện ngắn “Chiếc lược ngà” và phim “Cánh đồng hoang”. Văn xuôi: “Con chim vàng” (tập truyện ngắn, 1956), “Người quê hương” (tập truyện ngắn, 1968), “Nhật ký người ở lại” (tiểu thuyết, 1961), “Đất lửa” (tiểu thuyết, 1963), “Câu chuyện bên trận địa pháo” (truyện vừa, 1966), “Chiếc lược ngà” (tập truyện ngắn, 1966), “Bông cẩm thạch” (tập truyện ngắn, 1969)… Kịch bản phim: “Mùa gió chướng” (1977), “Cánh đồng hoang” (1978), “Pho tượng” (1981), “Giữa dòng” (1995), “Như một huyền thoại” (1995)… Giải thưởng: – “Tư Quắn” – giải thưởng cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn nghệ quân đội (1959); – “Dòng sông thơ ấu” – giải thưởng Hội đồng văn học thiếu nhi Hội Nhà văn (1985); – “Con mèo của Foujita” – tập truyện ngắn, giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1994, – “Cánh đồng hoang” (kịch bản phim): Huy chương vàng liên hoan phim toàn quốc (1980), Huy chương vàng liên hoan phim quốc tế ở Moskva (1981) – “Mùa gió chướng” (kịch bản phim): Huy chương bạc liên hoan phim toàn quốc (Hà Nội 1980) – Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật đợt II năm 2001. – Giải Mai vàng cho Nhà thơ xuất sắc năm 1997. 
23/1/2023
Lê Trâm
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...