Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2024

Bộn bề cuộc sống trong thơ Phan Hoàng

Bộn bề cuộc sống
trong thơ Phan Hoàng

Giải thưởng Nghệ thuật Danube năm 2023 đã trao cho tập thơ “Chất vấn thói quen” của nhà thơ Phan Hoàng. Tập thơ được nhà thơ – dịch giả Halmosi Sandor chuyển ngữ từ bản tiếng Anh sang tiếng Hungary, nhà thơ – dịch giả Attila F Balázs hiệu đính, Nhà xuất bản AB Art ấn hành. Tiến sĩ văn học Hoàng Thị Thu Thủy từ Đại học Sư phạm – Đại học Quốc gia Huế đã có bài nghiên cứu phê bình sâu sắc về tập thơ “Chất vấn thói quen”, xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Tôi biết anh khi có biết bao nhiêu bài viết, bao nhiêu ồn ào về thơ anh. Tôi tìm đọc anh – Phan Hoàng – nhà báo hay nhà thơ?
Anh viết báo rồi sáng tác thơ hay ngược lại? Dù gì thì hơi thở báo chí vẫn in rõ dấu ấn trong thơ anh. Tập thơ “Chất vấn thói quen” (xuất bản năm 2012, tái bản năm 2015) chỉ có 36 bài, mỗi bài như một mảng màu của cuộc sống, như 36 lát cắt về hiện thực, hiện thực trong cái nhìn thẳng thắn, chân thực của nhà thơ. Thơ anh xem như là chứng nhân của một giai đoạn lịch sử.
Thông thường, thi nhân chọn thơ trữ tình nhằm chuyển tải cảm xúc, và đối tượng trữ tình dù là ai thì đại từ “em” vẫn là chủ đạo. Thế nhưng, khi đọc tập thơ “Chất vấn thói quen” của Phan Hoàng, đối tượng trữ tình trong thơ anh là bức tranh hiện thực đa chiều với cái bộn bề của cuộc sống mà đâu đó có những giá trị đang bị đảo lộn. Phải chăng đây là những trải nghiệm, suy nghiệm của anh được viết bằng thơ?
“và còn những nỗi đau mà ta không bao giờ chạm được/ dưới tầng sâu cánh rừng thiêng ngập mặn/ có bữa ăn cầm hơi chiến thuyền mang thơ mở cõi/ có chỗ nằm nửa nước nửa đất ngư dân hò bả trạo khẩn hoang/ có bình gốm nuôi đứa trẻ mãi mãi không chào đời/ và còn những nỗi đau mà ta không bao giờ chạm được/ nỗi đau đau đến lặng im” (Cần Giờ lặng im)
“Cần Giờ bất lực”, “Cần Giờ ngơ ngác”, “Cần Giờ lặng im”… liên tiếp những bài thơ viết về một vùng đất duyên hải, vùng đất có nhiều dấu ấn lịch sử “Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” (Huỳnh Văn Nghệ), vùng đất khá xa với trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, cho nên dù có sáp nhập với thành phố thì cũng còn nhiều bộn bề, lo toan về cuộc sống và con người nơi đó. Chất phóng sự trong ba bài thơ liên tiếp về Cần Giờ khá rõ. Cái nhìn trực diện, cái nhìn chất vấn của nhà thơ khiến chúng ta khi đọc bất chợt lại thấy trong mình “xuất hiện một vùng đau mới”, bởi “và còn những nỗi đau mà ta không bao giờ chạm được”. Anh đã cảm thông, chia sẻ nỗi nhọc nhằn, cơ cực, kể cả nỗi bất lực, ngơ ngác và rồi lặng im của con người nơi vùng đất đầu sóng ngọn gió này. Lời thơ như kể, như tả, như cảm thông, như thấu cảm… Đó là vị trí tiên phong của thi nhân. Anh không nhìn cuộc sống bằng cái nhìn thi vị của thơ ca, mà nhìn cuộc sống trong cái bộn bề lo toan, bộn bề đau khổ, bộn bề ẩn ức.
“Trong giấc mơ đêm đêm/ tôi như nhà vô địch điền kinh/ mang đôi hài vạn dặm rạ rơm/ chạy và chạy/ Chạy giữa gầm gừ dã thú đói khát hoả hoạn/ chạy giữa ầm ào sóng thần vây bủa vũ khí hạt nhân/ chạy giữa là đà văn bản mới viết đã cũ/ chạy giữa nhập nhoạng mặt người mới mở mắt đã gian manh” (Bóng tối đang nuốt chúng ta)
Hoảng hốt, lo sợ trước thiên tai, địch họa, trước sự tha hóa xuống cấp của đạo đức con người, khiến thi nhân cảm giác như mình là vận động viên điền dã hụt hơi. Hụt hơi, bất lực là đương nhiên, bởi làm sao có thể che đậy được cái hiện thực về con người tham lam, con người tha hóa, con người tàn phá cả tài nguyên, môi trường… đang phơi bày trên báo chí mỗi ngày. Nào là phủ nọ, lâu đài kia; nào là biệt thự, là sân gôn… đất nước ta vốn là “rừng vàng, biển bạc” mà nay chỉ còn “rừng trọc”, chỉ một trận mưa thôi là lũ ống, lũ quét, là thiên tai tàn khốc và những người nông dân nghèo khổ sẽ trắng tay, thậm chí còn bị nhấn chìm trong bão lũ:
“Những vân gỗ quí/ trong ngôi nhà sang trọng/ như những con mắt lửa giấu kín hờn căm/ chờ ngày phát hoả/ Ở đâu đó có cánh rừng già đang hấp hối/ ở đâu đó có người kiểm lâm mới bị trả thù/ ở đâu đó có ngọn núi trọc xói mòn vừa ngã sập/ ở đâu đó có cơn lũ quét thất thanh tiếng thú tiếng người” (Mắt gỗ).
Đọc những vần thơ này, tôi trân quý anh, anh nhìn hiện thực bằng con mắt của nhà thơ, những điệp ngữ “ở đâu đó” liên tiếp trong những câu thơ như chất vấn, như buộc tội, như lên án… Tính thời sự nóng bỏng. Tính nhân văn thấm đẫm.
Người nông dân vốn thật thà, chất phác, quen làm nông ở một đất nước có văn hóa gốc nông nghiệp, nay: “Người nông dân/ lững đững/ ngoảnh lại cánh đồng/ bước chân nặng nề chậm chạp/ như làn mây xám mệt mỏi trôi qua rặng núi chiều đông/ sau lưng đất đai sấm chớp” bởi vì “màu cỏ sân gôn sẽ thay màu lúa tình tự ngàn đời/ dãy dãy tường cao sẽ thay bờ vùng bờ thửa/ từng dải khói đen sẽ thay những đàn cò trắng/ tiếng máy buốt đêm sẽ thay tiếng nhạc côn trùng…” (Khi người nông dân để lại cánh đồng).
“Chất vấn thói quen” của Phan Hoàng xuất bản bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Hungary
Khi mà thú vui của người này lại là nỗi đau khổ của người kia, thì cái hiện thực trần trụi này trong cái nhìn của nhà thơ trở nên ám ảnh. Phận người thật nhỏ bé, quá trình đô thị hóa chưa đúng thời điểm sẽ để lại những khổ đau cho phận người “thấp cổ bé họng”. Cảm giác như Phan Hoàng đang làm một phóng sự bằng thơ thấm đẫm chất hiện thực và cái nhìn của thi nhân trực diện, nhìn như bóc hết cái lõi của sự thật. Với cái nhìn đó thì thi ca đâu cần ngôn từ mĩ miều, trau chuốt, tứ bài thơ cứ theo ý mà triển khai, và rồi người đọc thẩm thấu nó rất nhanh, bởi thơ khác văn xuôi ở ưu điểm là câu ngắn, lại xuống dòng:
“Những đàn chim di cư tìm bầu trời mới
hay chờ chết?
Những đàn cá di cư tìm nguồn nước mới
hay chờ chết?
Những đàn thú di cư tìm cánh rừng mới
hay chờ chết?”
(Em nóng dần lên)
Lợi thế của nhà ngôn ngữ học đã phát huy tối đa, anh biết sức nặng của điệp ngữ, nên những câu hỏi tu từ, điệp ngữ “hay chờ chết?” như những mũi khoan xoáy vào tâm thức độc giả. Trái đất nóng dần lên cũng bởi con người. Lũ lụt, bão giông cũng bởi con người.
Con người – hai tiếng ấy mới thiêng liêng làm sao! Con người – cũng thật đáng sợ làm sao, khi mà: “Đoạn phim buồn hơn cơn địa chấn/ xô nghiêng những bảng vàng thành tích giáo dục hư danh/ đóng băng những cái lưỡi robot giáo điều đạo đức giả/ còn bao nhiêu gương mặt lẩn khuất tối tăm khuyết tật tâm hồn?” (Về một đoạn phim buồn).
Khi mà vấn nạn về học thuật đang phơi bày ra đó: “Ôi những tiến sĩ, kỹ sư, luật sư học vấn tới chân răng/ bước ra từ gánh thóc mồ côi lướt giông đội bão/ bước ra từ gánh bánh rán tảo tần còng mình bụi khói/ bước ra từ người mẹ nghèo quắt queo mù chữ động kinh/ có khi nào trong giấc mơ các ngươi rùng mình nghe con khẽ hỏi: bao giờ con lớn giống mẹ giống cha? (Bao giờ con lớn?).
Tôi gọi đây là những bài thơ chất vấn con người, chứ không chỉ còn “chất vấn thói quen”. Những mảng màu sáng tối hiện lên trên trang thơ của anh. Cái nhìn đa chiều, bạo liệt đã hình thành những ý thơ trong anh, rồi dẫu anh biết là “chữ nghĩa thị trường” thì anh vẫn cứ viết. Người cầm bút lúc này cũng là người lính trên mặt trận chống lại cái dốt nát, cái tham lam, cái độc ác của con người. Cuộc sống trong thơ anh cũng vì thế mà bộn bề, có chiều sâu về hiện thực, có cái nhìn soi chiếu trong những đổi thay của thiên nhiên, kinh tế, con người, xã hội. Những giá trị về đạo đức, nhân văn cũng nhờ thế mà soi tỏ. Không mù mờ, không õng ẹo, cũng không vuốt ve bằng ngôn từ để đánh bóng thơ ca.
Ở một cái nhìn khác, ta nhận ra trái tim đa cảm của anh; khi viết về mẹ, về em và về con, hình tượng thơ của anh chan chứa tình cảm biết ơn, trân trọng và thương yêu: “Mẹ gánh ước mơ/ Mặt trời trong ngôi nhà thân thuộc/ Ly hương gió/ Ký ức hoa hồng/ Uống bóng/ Chữ nghĩa thị trường/ Tiếng thì thầm/ Cơn bão ký tự mới/ Văn bản dở dang/ Hoa của đá” (Văn bản dở dang); “Tuổi thơ tôi trên thúng gióng tản cư/ mẹ gánh ước mơ chạy qua mùa loạn lạc/ tiếng khóc con thơ/ mạnh hơn/ tiếng gầm đại bác” (Mẹ gánh ước mơ); “có lúc tưởng chừng mặt trời/ mọc/ từ hướng tây/ đôi khi/ ngỡ/ từ hướng bắc/ tiếng oa oa con thơ cất lên/ tôi biết mặt trời đang mọc trong ngôi nhà thân thuộc của mình” (Mặt trời trong ngôi nhà thân thuộc)…
Tôi rất thích cái nhìn của anh về cái đẹp của người phụ nữ: “Tất cả nguồn năng lượng mặt trời dường như thu hết vào lồng ngực nàng/ tất cả mọi dòng sông dường như trôi hết vào cơ thể nàng/ tất cả mọi bông hoa dường như khép mình bên từng đường cong giới tính của nàng/ tất cả vui buồn cuộc đời dường như gom hết vào ánh mắt nàng/ Đừng hỏi nàng là ai và từ đâu đến/ nàng chưa bao giờ bước vào giấc mơ của tôi và bạn/ nhưng nàng có thể là người đang ở cạnh bạn và tôi/ nàng không hiện hữu trên thế giới này/ nhưng nàng có thể ẩn hiện trong trái tim mỗi con người” (Một người đàn bà đích thực). Cái nhìn của anh sâu sắc về cái đẹp trong sự hòa quyện giữa nội dung và hình thức. Và anh cũng nhận ra hiếm có người phụ nữ nào có vẻ đẹp toàn bích như thế. Có lẽ sự từng trải, sự chững chạc của cuộc đời, khiến anh nhận chân giá trị đích thực của người phụ nữ đẹp là vừa có trí tuệ, vừa xinh tươi hồn hậu… đó chính là nỗi khao khát về cái đẹp của con người.
Với những bài thơ viết về cái tôi trữ tình của thi nhân thì ý tứ thơ thật đáng nhớ, đáng để suy ngẫm bởi vì nó chân thật, như là lời tự bạch: “Nhiều khi mắc cười tôi chất vấn tôi/ tại sao con người cứ tự đánh lừa mình bằng những thói quen/ không học nổi con sông biết thích nghi đổi dòng băng băng về phía trước?” (Chất vấn thói quen); “Tôi đang ở đâu cây bút mang đầy danh hiệu sứ mệnh?/ Cây bút vô cảm trước thân phận dân nghèo, im lặng trước lãnh thổ đe doạ ngoại xâm, bất lực trước cái ác trá hình nhũng nhiễu!/ Tôi đang ở đâu cây bút mang đầy danh hiệu sứ mệnh?/ Tôi đang ở đâu?/ Ở đâu?” (Tôi đang ở đâu?)
Vẫn là điệp ngữ và câu hỏi tu từ, nếu hướng cái nhìn về tha nhân thì anh chất vấn về những vấn đề nóng bỏng của xã hội và con người; còn hướng cái nhìn vào chính cái tôi thi nhân thì anh chất vấn chính cái thói quen vốn đã thành lệ, thành lối mòn khó bỏ của mỗi con người; càng chất vấn càng nhận ra bản thân vẫn còn nhiều khiếm khuyết; và rồi anh cảm nhận được cái bất lực của chữ nghĩa trong thời kì không thiếu những nhiễu nhương; anh thú nhận sự gục ngã của mình trong cái “nhiễu loạn” mà nhiều khi con người không tìm ra lối thoát: “Gục đầu lên máy vi tính/ tôi thèm đứt ruột/ được làm ngọn gió không đồng phục/ không điện thoại/ không internet/ bay về mái tranh vách đất của mẹ” (Thèm làm ngọn gió tự do).
Biết là vậy mà không hẳn là vậy, bởi khi con người khao khát tự do, anh ta sẽ tự do; tự do khi anh nắm vững quy luật: hãy bỏ đi thói quen nhàm chán mỗi ngày, hãy thay đổi mình trước khi nói đến sự đổi thay của nhân loại. Đó là tín hiệu tích cực từ một nhà văn, nhà thơ, nhà báo… Phan Hoàng.
Tôi đọc tập thơ “Chất vấn thói quen” của anh khá muộn (từ khi xuất bản đến nay đã 7 năm), nhưng ý tứ thơ anh vẫn còn mới trong tôi, bởi mỗi ai biết tự chất vấn mình, thì sẽ có những đổi thay tích cực đối với con người, cộng đồng. Đó là vẻ đẹp tư tưởng trong thơ, khi nhà thơ không sử dụng mỹ từ để ca tụng, mà viết về hiện thực chân thực, khách quan. Tính chân thực có độ gia tăng, khi nhà thơ tự nhìn nhận chính mình, rồi nhìn trực diện những vấn đề nóng bỏng, hiện hữu trong đời sống hiện thực; những câu hỏi, những điệp ngữ trong mỗi bài thơ mang tầm tư tưởng của anh, khiến độc giả không khỏi trở trăn, suy nghĩ.
20/2/2023
Hoàng Thị Thu Thủy
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...