Thứ Tư, 27 tháng 11, 2024

Nhớ tết - Tản văn của Cao Xuân Thái

Nhớ tết - Tản văn
của Cao Xuân Thái

Mưa giăng như rây bột trắng trời, trắng đất, gió bấc lạnh lẽo thổi về từng đợt. Tôi nhớ nhất hình ảnh bố đứng trước bàn thờ Tổ tiên, cẩn thận lau từng đồ thờ, chuẩn bị vàng hương, bày mâm ngũ quả. Còn mẹ ngả cái nia giữa nhà, phía trên đặt chiếc mâm đồng, lau chùi cẩn thận từng chiếc lá dong, xếp ra để gói bánh chưng.
Từ khi bố mẹ tôi về già, anh em ruột thịt tản mát mỗi người một phương, cái sự đi lại, thăm viếng cứ thưa vắng dần… Sống giữa một thành phố rộng lớn hoa lệ, với đèn màu cửa gương, nhưng quá xô bồ, lúc nào cũng sôi sục như ong vỡ tổ. Tôi bỗng thấy lẻ loi cô đơn, nhất là vào những ngày áp tết, thành phố bỗng trở nên nhộn nhịp khác thường, dòng người, xe xuôi ngược như mắc cửi. Con đường ngày nào giờ trở nên quá tải, trên mỗi gương mặt người đều mang một tâm trạng buồn vui lẫn lộn, ai cũng chạy vạy lo cho gia đình một cái tết sung túc. Tôi rưng rưng nhớ quê, nhớ anh chị em đến se thắt lòng dạ và cái tết của tuổi thơ bỗng trở nên xa lắc…
Vào thời mở cửa, đời sống của người dân khá lên rõ rệt. Sắm tết cũng không mất nhiều thời gian lắm. Điều quan trọng là tiền. Có tiền là có tất cả. Theo truyền thống của người Việt mình, tết trong nhà phải có hoa đào hoặc quất cảnh. Chỉ cần một cú điện thoại là chủ vườn mang đến, giá cả tuỳ theo kiểu dáng mỗi gốc đào. Rồi bánh chưng, giò, chả, nem mọc, dưa hành, rượu ngoại, cà phê, bánh mứt… cũng vậy, được phục vụ tận nhà. Cuối cùng là mâm ngũ quả bày trên bàn thờ, ra chợ không thiếu. Tết ở thành phố bây giờ là vậy.
Giữa đủ đầy bao nhiêu, thì tôi càng nhớ tết quê bấy nhiêu… Khi mấy sào ruộng chiêm xuân đã cấy xong. Đỗ lạc đang chờ nảy mầm… Cả đất trời nồng nàn trong hương bưởi tháng giêng. Cái làng quê nhỏ bé của tôi lại náo nức đón tết. Tiếng lợn kêu váng lên từng hồi, nhà nào cũng um tùm khói bếp, đường làng nhộn nhịp người qua lại, gánh gồng lễ mễ đủ thứ. Mưa giăng như rây bột trắng trời, trắng đất, gió bấc lạnh lẽo thổi về từng đợt. Tôi nhớ nhất hình ảnh bố đứng trước bàn thờ Tổ tiên, cẩn thận lau từng đồ thờ, chuẩn bị vàng hương, bày mâm ngũ quả. Còn mẹ ngả cái nia giữa nhà, phía trên đặt chiếc mâm đồng, lau chùi cẩn thận từng chiếc lá dong, xếp ra để gói bánh chưng. Chị tôi sau khi nấu chín đỗ xanh, giã nhuyễn, nắm lại từng nắm đặt lên chiếc đĩa để bên mẹ. Nhân thịt lợn ướp hành, muối tiêu vừa đủ, lạt giang đã sẵn sàng. Mẹ dùng chiếc bát ăn cơm, thong thả đong đầy một bát gạo nếp đã ráo, đổ xuống vuông lá, gạt phẳng, bóp vụn nắm đỗ rắc đều lên trên, xếp nhân thịt cho đều. Lại một lớp nhân đỗ, một bát gạo nếp nữa phủ kín phần nhân bánh… Không cần khuôn gỗ, mẹ gói thoăn thoắt, chiếc bánh vuông thành sắc cạnh thật đẹp, chúng tôi ngồi xem mẹ gói bánh thật thích. Có lúc mẹ bảo lấy giúp mẹ bó lạt giang, đuổi con mèo ngồi chồm hỗm, chỉ cần sơ ý là nó tha ngay miếng thịt mang đi…Và mẹ không quên gói cho chúng tôi mấy cái bánh “Rùa rùa” bé như nắm xôi, xâu lại thành một chùm để dễ vớt.
Hồi ấy gia đình tôi nghèo lắm, nồi bánh cũng chỉ trên dưới dăm cân gạo, mẹ gói một lúc là xong. Nồi luộc bánh đã sẵn sàng, mẹ cẩn thận lót cuống lá già xuống đáy nồi, xếp bánh lần lượt, ngâm nước độ 30 phút thì nổi lửa. Mẹ dặn cả năm mới có nồi bánh nên đun nấu phải đều lửa, năm nào mà bánh “Hấy” (Chưa chín kỹ hoặc chín không đều) là năm gặp trục trặc trong làm ăn. Do vậy bên cạnh nồi bánh, lúc nào mẹ cũng vần một ấm nước đầy, hễ nồi bánh cạn nước, mẹ lại chế thêm vào. Nghĩa là nồi bánh lúc nào cũng phải đủ nước, đủ nhiệt. Ngang chiều thì bánh chín, mẹ vớt từng cái ra rổ, rửa từng chiếc trong nước sạch, để lên một tấm ván dày, phía trên cũng đặt một tấm ván, mẹ lấy cối đá giã cua, nồi nước đầy đặt lên hai đầu tấm ván để ép bánh. Chúng tôi nhận từ tay mẹ tấm bánh “Rùa rùa” bóc ra thơm phức, béo ngậy, tôi chưa từng bao giờ được ăn miếng bánh nào ngon lành đến vậy.
Bếp than còn đỏ rực, chị tôi rửa sạch nồi luộc bánh, đổ đầy nước tiếp tục đun sôi để cả gia đình tắm gội. Mẹ lấy cây mùi già trên gác bếp, hương nhu, lá bưởi… bỏ vào, mùi thơm ngào ngạt bay ra cả ngõ. Tắm gội cuối năm cũng là nét văn hóa, với mong muốn rũ hết mọi bụi bặm, rủi ro của năm cũ, để tâm hồn thư thái, nhẹ nhõm đón xuân mới.
Khi mọi công việc tương đối hoàn tất, thì trời cũng đã quá chiều, đường làng có vẻ thưa thớt bóng người. Bố thành kính thắp một tuần hương nữa, mời Tổ tiên, ông bà về ăn tết với con cháu… Chúng tôi quây quần bên bố mẹ, những người ruột thịt dùng bữa tất niên. Đúng là  “No ba ngày tết”, bữa cơm thật thịnh soạn, có: Thịt gà, xôi gấc, bánh chưng, dưa hành, nem rán… toàn những thứ ngon lành, nóng sốt. Bố khề khà chén rượu “Quốc lủi” gương mặt bỗng hồng lên, tôi ít khi thấy bố vui như bữa cơm chiều nay, còn mẹ thì lặng lẽ gắp cho chúng tôi thức ăn, hoặc nắm những nắm xôi be bé cho đứa em út. Tôi nhận ra mái tóc mẹ đã không còn xanh như trước. Vì cuộc sống gia đình mà bố mẹ lênh đênh chân trờí góc bể, trải đắng cay đủ bề… Bữa tất niên xong thì trời tối hẳn, kim đồng hồ đang nhích dần về thời khắc giao thừa, nhà ai cũng sáng đèn. Không gian yên tĩnh đến lạ lùng, thi thoảng có tiếng chó sủa rộ lên ở đâu đó, đất trời tối đen như mực, đúng là “Tối như đêm ba mươi”. Mưa lất phất bay, bố mẹ ngồi bên ngọn đèn dầu, to nhỏ bàn chuyện làm ăn, còn tôi thì thiếp đi lúc nào không rõ. Đang ngon giấc, mẹ lay tôi dậy để đón giao thừa. Tôi dụi mắt nhìn ra cửa, đã thấy bố đặt một cái bàn nhỏ giữa sân, bày trên mâm con gà dò luộc cả con, lọ hoa, vàng hương, trầu cau, đĩa muối, đĩa xôi, nậm rượu, cây đèn dầu… Mẹ bảo đây là lễ cúng sang canh, nhà ta đều làm vào lúc giao thừa. Bố đốt một bó hương to, vái lạy bốn phương trời đất, cầu mong cho một năm mới tốt lành. Một nửa bó hương bố cắm ở bàn lễ, một nửa còn lại bố cắm vào gốc mít, gốc bưởi, gốc nhãn, cắm ở sau nhà, sau bếp… Rồi bố đi thẳng ra giếng, múc về một thùng nước đầy đổ vào cái chậu nhôm, dùng cành lá nhỏ nhúng vào chậu nước vẩy nhẹ khắp sân, trước hiên nhà, hiên bếp. Mẹ bảo làm như vậy để nhà cửa mát mẻ quanh năm, làm ăn thuận lợi. Xong xuôi bố vào nhà chúc tết cả gia đình, phát vốn cho mẹ và mừng tuổi chúng tôi những đồng tiền lẻ. Tôi nhớ mãi câu mẹ nói: Sáng được tằm, tối rầm được lúa. Đó là kinh nghiệm dân gian đã được đúc kết, Khi trời đất giao hòa năm cũ, năm mới, ở làng quê cảm nhận điều này thật rõ. Tôi hỏi mẹ, năm nay được mùa hay mất mùa hả mẹ. Mẹ bảo, lúc giao thừa trời đất tối rầm như thế là năm nay được mùa, để thóc gạo chật bồ, lợn gà đầy sân, sang năm cả nhà ta lại đón cái tết to hơn, vui hơn…
Bây giờ mỗi độ tết, xuân về, nhất là vào chiều ba mươi, lúc giao thừa. Tôi lại bồi hồi thắp hương trước bàn thờ Tổ tiên, ông bà, đứng lặng hồi lâu, lòng  rưng rưng nhớ về cái tết đầm ấm một thời thơ bé…
18/1/2023
Cao Xuân Thái
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...