Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2024

 

Say mê và kiên trì với thơ tối giản

Trong khoảng thời gian ngắn, nhà thơ Trần Lê Khánh công bố đều đặn mỗi năm một tập thơ. Tại NXB Hội Nhà văn: “Lục bát múa” (2016), “Dòng sông không vội” (2017), “Ngày như chiếc lá” (2018), “Giọt nắng tràn ly” (2019), “Xứ – rung một ngọn mây” (2020). Tại NXB White Pine Press (Hoa Kỳ): “The beginning of water”. Một gia tài thi ca đáng kể, ít ra là về mặt số/ khối lượng.

Nhưng đó chưa phải là tất cả, vẫn còn những phần khác trong gia tài thi ca của Trần Lê Khánh, và nhà thơ đã chứng minh những phần khác ấy qua việc công bố “Ngàn bài thơ khác” (NXB Hội Nhà văn, 2022), tập thơ vừa giành giải thưởng thơ của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022.

“Ngàn bài thơ khác”, theo đúng nhan đề của nó, là tập thơ gồm một nghìn bài, được cấu trúc thành ba phần. Phần 1: “Con đường nhân loại”, phần 2: “Cánh én bay chậm hơn mùa xuân”, và phần 3: “Sự gọn gàng của tỉnh thức”. Một nghìn bài thơ, đây là con số vượt ngưỡng đối mọi tập thơ, một con số có thể khiến nhiều độc giả phải choáng váng, hoa mắt đau đầu nếu cầm nó trên tay và đọc một cách thật nghiêm túc. Nhất là, một nghìn bài thơ ấy lại theo khuôn khổ giống nhau gần như chằn chặn: kiểu bài thơ ít câu thưa lời, mỗi bài thường chỉ ba bốn câu, năm câu là nhiều, mỗi câu cũng thường chỉ dăm chữ, và vần ở đây thì rõ ràng được/ bị xem như một điều không hề đáng kể. Nhiều người đọc ắt sẽ mệt mỏi. Thế nhưng, xét ở phương diện khác, khuôn khổ của một nghìn bài thơ ấy lại chính là một trong những dấu hiệu hình thức của một dòng thơ, tuy không thuộc dòng chủ lưu, nhưng vẫn luôn tồn tại trong thi ca Việt Nam hiện đại và đương đại: thơ tối giản, với nhiều cái tên tác giả khá đặc sắc. Vậy nên một nghìn bài thơ, nội điều đó có lẽ cũng đủ cho thấy nhà thơ Trần Lê Khánh đã say mê và nỗ lực kiên trì với thơ tối giản đến thế nào.

Những đặc điểm nào làm nên chất tối giản cho “Ngàn bài thơ khác” của Trần Lê Khánh? Những bài thơ hiện diện như là kết quả của nỗ lực giản lược, rút/ hút gọn đến kiệt cùng văn bản, khiến chúng không còn có thể gọn hơn được nữa. Hay nói một cách khác, tất cả những gì thừa thãi, rườm rà, vướng víu – hoặc có thể gây cảm giác về sự thừa thãi, rườm rà, vướng víu – thì đều đã bị các tác giả – bằng thao tác lựa chọn – cắt gọt, vứt bỏ bằng hết. Không ngữ khí từ. Không hư từ. Không vần (để tránh lan tỏa vọng âm, tuy nhiên vẫn bảo đảm tính nhạc cho thơ qua chủ ý giữ nhịp). Không bày tỏ cảm xúc (chủ thể giữ thái độ khách quan nhất đến mức có thể). Chỉ duy nhất một cái nhìn, một phát hiện, một nhận thức, một suy tư, một chiêm nghiệm, một hành động (như trong bi kịch cổ điển). Rất ít miêu tả (bởi vì có rất ít đối tượng trong trường nhìn của chủ thể). Thời gian cũng được nén đến tối đa, để chỉ còn là một khoảnh khắc, hoặc nói theo giọng nhà Phật, là một sat-na: một sat-na của sự đốn ngộ đối với tác giả và một sat-na của sự bùng nổ nhận thức văn bản đối với độc giả. Văn bản thơ trở nên ngắn, ngắn đến hết mức, là vì thế. Tóm lại, với những thi phẩm kiểu này, thì ưu tiên hàng đầu với tác giả và cũng là điều kiện hàng đầu đặt ra mà anh ta buộc phải vượt qua, là xoay xở với tối thiểu các phương tiện và vật liệu để đạt được đến tối đa ý đồ sáng tạo và hiệu quả thẩm mỹ của bài thơ.

Một đặc điểm nữa, khá thú vị, như nó được thể hiện ở thơ tối giản của Trần Lê Khánh qua tập “Ngàn bài thơ khác”, là mối quan hệ, sự tương tác giữa cái nhan đề của bài thơ với phần chính văn. Mặt trời của thi ca Nga, Alexander Pushkin từng đoan quyết rằng tác phẩm văn học bắt đầu từ cái nhan đề của nó. Trần Lê Khánh có biết điều này hay không thì tôi không chắc, nhưng tôi chắc chắn trong đại đa số trường hợp, nhà thơ khó, hoặc không thể làm ra bài thơ nếu không, hoặc chưa có cái nhan đề. Bởi vì, trong đại đa số trường hợp, cái nhan đề chính là cái mang ý nghĩa luận đề, là “đề bài”: chúng chạm vào người sáng tạo, khiến ý tưởng trong anh ta bật ra, chúng bắt anh ta triển khai ý tưởng ấy và hoàn thiện nó theo một cách tốt nhất, bằng chữ, bằng nhịp và sự liên kết hình ảnh. Ví dụ: một khái niệm thời gian trừu tượng như “bây giờ và lúc này” (nhan đề bài thơ) đã được Trần Lê Khánh cụ thể hóa một cách rất thơ, và tối giản: “bình hoa vỡ/ tiếng động/ đã sống trong căn phòng/ một cách trọn vẹn”. Hay, với một điều vô cùng cần thiết trong đời sống của con người là “tâm hồn cứu chữa tâm hồn”, Trần Lê Khánh viết: “mưa/ tắm cho mưa/ trên vũng nước đầu ngõ”. Hoặc, trước một tình huống đời thường mà nói chung cánh đàn ông đa phần rất ngại, là “cãi nhau với phụ nữ”, Trần Lê Khánh cũng có cách hình dung rất riêng của mình: “ta cướp/ ngụm capuchino nóng/ ngay trên miệng/ của chiếc ly”.

Nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh Tâm từng khẳng định: “Thơ Việt Nam đương đại đang chứng kiến nhiều khuynh hướng thể nghiệm. Mỹ học tối giản là một khuynh hướng, dựa trên nhận thức, thái độ sống, phong cách sống của chủ thể sáng tạo đang gây được nhiều cảm hứng cho công chúng đương đại”. Tôi chỉ chia sẻ một nửa sự khẳng định này. Bởi lẽ tôi tin rằng thơ, thơ nói chung, đang càng ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc được công chúng chân thành và háo hức tìm đến (chứ không phải là “thơ tìm đến với công chúng” như nhiều người vẫn nói). Thơ theo “dòng truyền thống”, tức là thơ nghiêng về tính chất “thậm phồn” bởi sự du nhập của các sự kiện, truyện kể, bởi nhu cầu giãi bày cảm xúc cá nhân và vẫy gọi sự đồng điệu đồng cảm của người đọc, mà còn thế, thì nói gì đến thơ tối giản. Thế nhưng dẫu sao thì thơ vẫn đang và sẽ luôn vận động, bởi thế vẫn đang và sẽ luôn xuất hiện nhiều khuynh hướng thể nghiệm. Thơ tối giản nói chung và thơ tối giản nói riêng của Trần Lê Khánh trong “Ngàn bài thơ khác” chính là một trong những khuynh hướng đó. Trần Lê Khánh, người kiên trì với thơ tối giản, như chính sự đinh ninh của nhà thơ khi viết:

“em áp bàn chân

lên mặt địa cầu

lúc mà mình

chẳng biết đi đâu”

(Bài thơ cuối)

HOÀI NAM

_____________

Sau đây là bốn bài thơ của Trần Lê Khánh:

Tranh của họa sĩ Nguyễn Quang Thiều

Chờ đợi

 

mưa tạnh

trên ghế đá công viên

đọng lại một người

như giọt nước không rơi.

 

Hết tháng mười

 

em đuổi những con kiến lửa

ra khỏi cơn sốt

của chiếc lá vàng mùa thu.

 

Nirvana

 

hạt sương

ngủ trên chiếc lá

giật mình thức giấc

thấy mình màu xanh.

 

Cây si đầu làng

 

chiến tranh kết thúc

đám lá ôm chầm lấy nhau

có những chiếc lá

mất đi chiếc bóng của mình.

23/2/2023

Trần Lê Khánh

Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...