Thứ Tư, 27 tháng 11, 2024

Đêm góa phụ - Truyện ngắn của Nguyễn Minh Ngọc

Đêm góa phụ - Truyện ngắn
của Nguyễn Minh Ngọc

Trần Phụng lắc đầu. Dường như có bàn tay vô hình nào đó đang bóp nghẹt tim anh. Từ sâu thẳm miền ký ức, tiếng rên của thiếu phụ dội về: “Chết em rồi, Tư ơi!”. Khoảnh khắc hạnh phúc và đớn đau hòa trộn 
1. Thằng nhỏ bận quần cụt, phơi mảng bụng và tấm lưng trần mốc cời, loang lổ. Từ trong nhà, nó nhảy cò cò ra sân rồi nhót về phía cuối vườn, nơi có đám khói mỏng ngoằn ngoèo bò loang trong nắng sớm. Thiếu phụ vận bà ba đen, tóc buộc sợi thun đỏ, dáng cân đối, khỏe mạnh. Lum khum trước cửa lò đắp nổi, hai tay chị cầm que cời chọc qua, kéo lại. Lửa cháy phực lên. Bên trên là chiếc nồi bự có gắn cái thùng được trét kỹ quanh miệng, nối với bình ngưng ngùn ngụt tỏa hơi. Dưới đất, ngổn ngang củi cành, lủ khủ đồ đựng, phễu… Hơi nóng phả ra, điểm lên vừng trán thiếu phụ lấm tấm những giọt mồ hôi. Đôi gò má chín ửng như vừa nếm thử ly rượu gốc. Nghe bước chạy lấp vấp, chị đưa tay quyệt ngang trán rồi ngửng lên trìu mến nhìn con. Một gương mặt trái xoan đầy đặn, mặn mòi. Như sợ ai đó nghe thấy, đứa nhỏ xáp vô ôm ngang lưng mẹ nó, thì thào:
– Ổng thức rồi má ơi!
– Thiệt hả? Con nghe ổng kêu gì hông?
Thằng bé lắc đầu. Thiếu phụ gỡ con ra rồi đưa tay xoa mớ tóc dựng rễ tre của nó. Chị quày quả đứng lên.
– Coi lửa giùm má. Có ai đến, con nhớ kêu liền nghen! Kêu to…
– Dạ, con biết rồi!
Thiếu phụ đi chân không kịp bén đất. Tới khoảng sân, chị dừng lại, đưa mắt ngó nhanh giáp vòng. Nhắm chừng êm, mới bước vô nhà. Tới gần cửa buồng, thiếu phụ dặng hắng. Bên trong có tiếng trở mình, chị khẽ lòn tay rút chốt gài. Bóng người đàn ông nhỏm dậy.
– Tui đây. Bộ đội… thấy giò cẳng sao rồi?
– Đội ơn chị và cháu đã cứu mạng.
– Ơn huệ chi. Tụi em nghèo, nhưng đã vô đây thì khỏi lo.
Thiếu phụ chưa nói dứt câu, đã nghe tiếng con vện hậm hực, sủa nhấm nhẳng từ xa. Liền đó, thằng nhỏ chỏi giọng:
– Má ơi, ông xếp hỏi mua rượu nè.
Thấy người trên giường đưa tay lần xuống mé chiếu, tính móc súng, thiếu phụ vội ra dấu ngăn lại.
– Đừng! Nhà cất đế, nên khách ghé mua lai rai.
Chị lẹ làng chốt cửa, rồi trở bước. Đụng khách quen. Một lính áo đen miệng cười khả ố, gã tính chụp ôm vai người đàn bà.
– Mẹ nội, làm gì trỏng mà lâu dữ? Bộ vừa ôm ấp thằng nào phải hông?
Thiếu phụ né cánh tay chờm bơm, hứ cái tróc:
– Chớ sao, chẳng lẽ cám treo, heo nhịn đói?
– Biểu làm “phòng nhì” của người ta thì ngùng ngoằng! Vừa được lên tiên, lại vừa có tiền xài…?
– Hổng dám đâu! Được dăm bữa nửa tháng, bà chằn dưới quê lóng chuyện xách dao bầu kiếm tui thì anh tính sao?
– Thằng này dám bắn bỏ ba thứ ghen tuông, à nha.
– Ai tin cho nổi người tình điên điển mấy cha.
Hai bên chọt qua đấu lại một lúc rồi tạnh. Bị trúng tẩy, gã lính kẹp nách bìnhton rượu, tiện chân đá văng cái chai nhựa. Trong lò, than củi nổ tí tách. Lửa reo.
Đứa nhỏ bỏ đi chơi từ lúc mẹ ra. Con vện lửng tửng chạy tới nằm mọp cạnh chân thiếu phụ, chị đưa tay vuốt nhẹ lên đầu nó.
– Vện ngoan, ra ngoải canh chừng heng. Trưa má phần cho cái đầu cá lóc.
Con vật dụi dụi mõm vô chân người, tỏ vẻ hiểu ý. Nó le lưỡi, ngoáy tít đuôi rồi nhủi ra vị trí quen thuộc, duỗi hai cẳng trước, kê đầu nằm chận ngõ.
2.… Hồi hôm, súng nổ liên tu bất tận ngoài chi khu Cầu Dừa, rồi loang về phía đồn kênh xáng. Tới tận khuya thì ắng được hồi lâu. Gần sáng, không gian lại rung chuyển bởi tiếng pháo, trực thăng vũ trang rà thấp xả đạn như vãi trấu dọc theo mé lộ và hai bên bờ kênh. Ngủ chập chờn, thiếu phụ ra sân đứng chép miệng, điệu nầy mấy ổng đằng mình hết đường lui rồi!
Tiểu đoàn phó Trần Phụng và cậu Hà liên lạc lúp xúp chạy băng ra đồng. Chỉ một khúc dao quăng nữa là họ đã tới vạt lúa. Đột nhiên, Phụng chới với té nhủi xuống đất. Bên chân trái của anh đầm đìa máu. Hai người ngồi thụp xuống, Hà móc cuộn băng cá nhân. Miểng pháo văng chém trúng xương gót chân, khiến Phụng buốt thốn tận óc.
Ngó ra trước mặt, cánh đồng trải rộng mênh mông. Sau lưng, tiếng gà nhộn nhạo gáy. Phụng trực nhớ cái hồi nhờ du kích xác định địa tiêu trên bản đồ, họ kêu đây là “xóm bà góa” hay “ấp bà góa” chi đó. Hà dìu người chỉ huy nặng nhọc lê từng bước một. Trời sáng bét, Phụng gỡ tay liên lạc. “Cậu chạy ngay đi, để tôi ở lại. Chứ dính chùm thế này thì toi!”. Hà còn dùng dắng, Phụng lừ mắt quát: “Mau!”.
Còn lại một mình, Phụng nghiến răng, chống tay phải, nghiêng người lết vào giữa ruộng lúa bời bời. Đồng nước cạn trợt.
Nắng lên cao, mất nhiều máu, người lính vật vã trong cơn khát cháy cổ, nhưng anh vẫn ráng di chuyển. Thấy có chỗ còn lắp xắp nước, Phụng vẹt lúa bươn tới. Vươn cần cổ, anh thè lưỡi liếm láp. Tanh ói. Nhưng có chút nước cũng đỡ. Kiểu gì rồi cũng phải lần vô xóm kiếm dân, gặp dân là sống. Từ tối hôm qua tới giờ chưa có miếng gì dằn bụng. Cái bao tử lép xẹp sôi ục từng cơn. Mắt hoa, đầu váng, tay chân bải hoải, xụi lơ. Cơn đau tê dại khiến anh nằm bẹp dí, đôi môi nhóp nhép…
Trong cơn mê, như có trực giác mách bảo, Phụng hé mắt. Quá trưa, từ rìa ấp xuất hiện cái bóng nhỏ trồi trụt. Ánh nhìn chập chờn song cũng đủ giúp anh nhận biết một bé trai mặc quần đùi, ở trần. Nó bước chậm, thi thoảng cúi chụp hốt gì đó dọc bờ ruộng, rồi cười ré lên. Chờ đứa trẻ tới gần, Phụng đánh bạo gọi:
– Cháu ơi!…
Thằng bé khựng lại, tay cầm xâu cào cào đong đưa. Nhướn mắt dòm, nó dè dặt bước về nơi có tiếng nói. Phụng nhỏm lên. Phát hiện thấy người bận đồ giải phóng lấm mem, nó nhìn chằm bặp. Rồi bỗng rút giò chạy.
Hành động của cậu nhóc khiến cho tim Phụng loạn nhịp, nhưng anh kịp trấn tĩnh rất nhanh. Đằng nào thì cũng chết, nếu nó về báo cho lính. Lúc này không cách gì có thể thoát được. Rút khẩu K54, ổ đạn vẫn đầy nhóc, anh đẩy một viên lên nòng và khóa lại đặt trước tầm với.
Thời gian ngưng đọng. Gió tắt lịm, rũ rượi nóng. Không thể đoán trước điều gì, chốc chốc Phụng lại ngó khẩu súng, rồi liếc qua hai bên ước lượng khoảng cách. Anh mắm môi trù liệu phương án xấu nhất, quyết ăn thua đủ một phen chứ không để bị tóm dễ như một con gà què!
Bóng chiều đã xê xế. Thoáng từ xa, hình như có người lội ra ruộng. Phụng dụi mắt coi mình có bị ảo giác lừa không. Đúng thằng nhỏ hồi trưa rồi, nó đi một mình, mắt dáo dác ngó nhìn hai bên. Đến gần chỗ hồi sáng, đứa trẻ dừng lại, nó nghiêng vai hạ đặt chiếc giỏ lên bờ ruộng. Rồi đạp mạnh chân, đưa tay dứ dứ xuống đất, bụm miệng:
– Ông đội ơi!…
Ngó mông lung để ghi nhớ, chốc xíu, thằng bé biến mất. Cơn đói lủi mờ cả mắt, khiến Phụng phải bò nhanh. Một cái giỏ bàng. Mở ra, bên trong có gói xôi, cặp đùi gà luộc và một chai nước. Cha mẹ ơi! Vậy là trời, Phật còn thương mình! Phụng tụt xuống bờ, nửa nằm nửa ngồi, bốc thức ăn đưa lên miệng ngấu nghiến.
Hoàng hôn chùng chình. Bóng tối đen thẫm như xắn được. Lơ mơ, anh nghe có tiếng chân thập thững, rồi giọng lào thào.
– Con nhớ đúng hôn?
– Dạ, ngay chóc, má à.
Chợt bừng tỉnh, Phụng lên tiếng.
– Tôi ở đây…
Hai mẹ con cùng chạy đến. Không nhìn rõ mặt nhau. Ở giữa, ngọn gió nhẹ mơn man. Người đàn bà cúi xốc nách người đàn ông.
– Tui đưa cán bộ về nhà.
Chị nói với đứa nhỏ.
– Con chạy trước. Nếu gặp lính hay người lạ thì giả tiếng cúm núm kêu báo cho má biết, nghen.
Nặng nhọc lê từng bước. Rồi chị cũng đưa được người bị thương về tới nhà. Tối thui, tối thùi. Thằng bé lui cui châm ngọn đèn hột vịt. Ánh sáng leo lét đủ soi trong một vạt nhỏ. Thiếu phụ dìu người đàn ông ra phía chiếc lu trữ nước mưa sau nhà. Chị kéo ghế, đỡ anh ngồi để tắm, lo vết thương làm độc, thì nguy. Tay múc từng gáo nước dội, chị nói như phân trần:
– Nghe nhỏ về nói, tui biết liền à. Ngặt nỗi, lính sục khắp mọi nơi. Nôn ruột lắm, nhưng đành chờ tối.
– Cảm ơn chị và cháu nhiều.
– Xin đừng nói vậy. May sao nhà vẫn còn ít thuốc trụ sinh.
Chờ người đàn bà quấn xong lượt băng cuối, Phụng bảo:
– Chị coi có chỗ nào để tôi chém vè. Vết thương khá lên, tôi đi ngay. Ở đây, e lụy đến hai mẹ con.
– Hổng được. Anh cứ ở yên trong buồng tui. Dưới giường có hầm đụt pháo. Trước vườn có con vện canh chừng.
Thôi đành thuận theo. Thay bộ đồ khô ráo, Phụng thấy nhẹ người. Chị choàng tay dìu anh vào giường. Vô tình, tay Phụng đụng nhằm bộ ngực căng mẩy của thiếu phụ. Chị để yên và cúi nâng chân trái của anh lên, sửa lại tư thế nằm cho thẳng thớm. Trước khi ra, thiếu phụ thổi phụt ngọn đèn. Bóng đêm thắc thỏm…
3. Máu đã cầm, song vết thương sưng tấy. Nén đau, Phụng xoay người nằm nghiêng. Mùi bông bưởi thoảng nơi gối len vào mũi khiến anh nôn nao. Cả ngàn ngày biền biệt xa vợ, anh hầu như quên tiệt mùi đàn bà. Chuyện ái ân giờ chỉ còn lại trong ký ức vời vợi. Thi thoảng, anh gặp những giấc mơ đêm ướt đẫm… Mệt và rầu thúi ruột. Từ ngoài Bắc, đơn vị Phụng vào miền Tây Nam bộ. Còn nhớ dạo về Sóc Trăng, một bà má đập vai anh, nửa giỡn nửa thật:
– Bộ tụi bây, đứa nào cũng bị thiến phải hôn?
– Ủa, má hỏi chi lạ vậy?
– Sao cứ thấy đàn bà, con gái là tụi bây né?
– Dạ, quân kỷ đó má ơi.
– Kỷ với nhơn chi, ai cũng như ai.
Bà má tỉnh rụi:
– Qua nói thiệt, bây cứ để lính đồn quơ hết mấy đứa con gái, là thua à nghen. Không ai bảo bọc đàn ông được như đàn bà…
Mấy đêm liền, Phụng trằn trọc nghĩ cách tìm về đơn vị, nhưng tình thế tiến thoái lưỡng nan. Thi thoảng cứ nghe rộ lên từng tràng súng liên thanh xen lẫn tiếng pháo bầy, pháo chụp. Hằng ngày, thiếu phụ vẫn lau rửa cho anh, làm thuốc rồi mang đồ ăn, nước uống. Mọi sinh hoạt diễn ra trong căn buồng. Hai bên nói với nhau đủ nghe. Lắm khi không hiểu tiếng địa phương, nhưng Phụng cũng gật. Trong bóng tối, anh cảm nhận tia nhìn của người khác giới. Dường như có điều chi đang đè nặng lên tâm khảm khiến chị ấy tha thỏm?
Ban ngày, gia chủ quẩn quanh ngoài lò rượu. Chẳng mấy khi vắng khách hỏi mua xị đế, cả đám ma men nữa. Có kẻ ngang nhiên vặt ổi, hái xoài trong vườn, ngồi nhậu. Lại có gã thả dê, uống chán rồi quẹt mỏ bỏ đi. Thiếu phụ nhịn thua.
Đêm thứ năm.
Bốn bề lặng phắc, lặng đến rợn người. Trên vách, con thằn lằn ném lưỡi vào đêm. Có tiếng kẹt cửa nhẹ. Phụng dợm mình. Cánh mũi anh phập phồng. Chao trời, cái mùi thơm nưng nức tỏa ra từ cơ thể đàn bà vừa tắm gội, sao mà quyến rũ đến vậy? Anh dịch vào chừa chỗ cho chị ngồi. Hít hà. Thiếu phụ cầm tay Phụng.
– Lúc này, anh thấy sao?
Phụng thấy như được an ủi.
– Đau không ngủ được, chị à.
– Lại “chị” nữa rồi. Bộ tui quá đát heng?
– Tôi xin lỗi, tụi này quen miệng.
Đang xoa nhẹ lên chân trái người đàn ông, chị nhéo đùi anh một cái rõ đau.
– Anh nhớ nắm xôi với cặp đùi gà bữa trước hông?
– Làm sao tôi quên được!
Ngoài vườn, chợt có tiếng con vện. Nó sủa bóng vu vơ.
Im lặng.
Thiếu phụ nấc nghẹn.
… Bữa đó nhằm ngày cúng cơm thứ 10 của cha đứa nhỏ. Ảnh đi du kích, bị tụi nó phục bắn chết rồi quăng mất xác.
Vườn nầy, vuông đất của tía má em để lại. Bom đạn mù trời khiến ổng bả chịu hết nổi mới dạt về tuốt dưới mạn U Minh lánh nạn. Tía em bảo sống gởi, thác về. Hai mẹ con bây nhắm thấy chừng không êm thì xuống sau.
Rồi cha con, ông cháu chia ngánh tách ngọn. Em nghĩ bom đạn vầy, nhưng con người ta đều có bổn mạng. Thôi thì thiên hạ sao, mình vậy. Mẹ con cui cút rau cháo lần hồi qua ngày. Cả ấp hơn ba chục nóc gia, thì khắp lượt đều rơi vào cảnh mẹ góa, con côi. Mấy chị lớn tuổi thì kể như đành phận, lỡ dở cỡ tụi em mới cực. Có đứa tuổi còn nhỏ thua em mà đã ba lượt đội tang chồng. Một đàn con nheo nhóc, cùng mẹ nhưng khác cha. Thôi thì gặp người ngó được xíu là ráp liền. Bom rơi đạn lạc, biết thế nào mà tính. Có chị lấy người của cả hai phía làm chồng, nhưng chẳng hiểu cắc cớ gì mà trời cứ nhè cánh đàn ông để hốt mạng. Đàn bà con gái đâu có thể kén chọn, chỉ là kiếm chỗ để nương tựa và nuôi con cũng không xong. Để yên thân, em đành dặm nan rổ quảu với một lính địa phương quân. Một bữa nghe người nhắn về kêu ổng đạp mìn banh xác lúc đi càn…
Phụng thở hắt ra. Thiếu phụ bùi ngùi.
– Biết chừng nào thì mới hết đụng độ hả anh?
– Rồi sẽ yên hàn thôi, chị. À, em.
Bàn tay của thiếu phụ truyền hơi ấm sang người đàn ông.
– Ở ngoải, anh thứ mấy? Em tên Hậu, tía má kêu Út Hậu.
– Tôi thứ ba, tên Phụng, trên tôi có hai chị, dưới còn đứa em.
– Trong nầy kêu anh Tư, chị nhà chắc bảnh gái?
– Về phép, cưới xong là đi liền. Đâu đã kịp bén hơi.
– Anh Tư biết câu ca của xứ này hông?
– Út đọc nghe.
Thiếu phụ hắng giọng:
“Cá bống đi tu.
Cá thu nó khóc.
Cá lóc nó rầu.
Phải chi anh có phép mầu.
Hóa con cá trắng lội hầu bên em”.
Phụng cảm thấy vị mặn chát của giọt nước mắt rớt trúng miệng anh. Thiếu phụ bỏ ra ngoài. Trước sân, mảnh trăng hạ huyền mỏng te như lá lúa ngoi ngóp giữa làn mây màu nước gạo, khi tỏ khi lu. Gió khua đám lá chạy xào xạc.
Lót hai tay dưới ót, Phụng ngó đăm đăm lên nóc mùng, cơ hồ như nuối tiếc. Cơ thể người đàn ông như con sư tử giam hãm lâu ngày trong cái lồng chật hẹp vừa chợt sổng ra, thì đà bị chụp nhốt lại. Toàn thân anh oằn oại, nhức nhối.
Đột nhiên, nghe tiếng bước chân trần rất nhẹ. Chưa kịp định thần, đã thấy Hậu hé cửa lách vào. Một “tòa thiên nhiên” hiện ra nõn nà. Cặp vú bánh giầy căng mọng khiến Phụng ngất ngây, nuốt nước miếng. Bất thần, thiếu phụ đổ ập xuống. Mùi da thịt đàn bà thơm ngây ngất khiến người bị thương mụ mị. Hai cơ thể khao khát quấn riết lấy nhau. Quên hết đớn đau, quên mọi sự trên đời. Chiếc giường nhỏ rung lên từng chặp như gặp cơn địa chấn. Chợt phòng ngoài có tiếng giãy đạp, ú ớ. Người đàn ông vuốt nhẹ hai bên lườn eo thiếu phụ, lưỡng lự. Chị rướn lên dán vô miệng anh một nụ hôn dài, ẩm ướt.
– Con nó ngủ mớ…
Bàn tay Phụng vừa chạm đến mảng bụng dưới của thiếu phụ, rồi dừng lại chỗ ấm sực và mướt rượt, thì con “sư tử” trong anh bất thần chồm dậy. Họ tan chảy vào trong nhau. Hồi lâu, chị cong người, rùng mình:
– Chết em rồi, Tư ơi!
4
Mười hai năm sau.
Một buổi chiều vàng xuộm gió. Bụi cuốn cuộn như lốc. Chiếc xe UAZ đỗ xịch trên cầu kênh xáng. Phía trước, dọc theo con lộ, đoàn xe cơ giới chở bộ đội cùng vũ khí vẫn rùng rùng lăn bánh. Họ được lệnh chốt giữ tuyến biên giới Tây Nam, ngăn tụi lính Polpot tràn qua cướp bóc. Từ trên xe bước xuống hai người đàn ông lấm đỏ bụi đường. Một người là chỉ huy sư đoàn bộ binh, còn người kia là dân trinh sát. Cả hai đeo súng ngắn trễ nải bên hông. Người trẻ hơn dụi mắt, lia ống nhòm rồi từ tốn:
– Thủ trưởng nhớ đúng quãng này chứ?
Người đứng tuổi đập tay chắc cú.
– Làm sao tôi quên được?
– Dạ, em sợ lâu ngày…
– Con lộ kia, kênh xáng đây, cái ấp ở mé tay mặt, giữa cánh đồng.
Sư trưởng Trần Phụng và đại đội trưởng Hà sải chân, bước dài. Vừa nhác bóng một cụ già từ trong xóm đi ra, hai người vội vã tiến đến chào:
– Bác cho hỏi đây có phải là “ấp bà góa” ngày trước không ạ?
– Thưa đúng, nhưng tui mới về đây. Hai chú vô kiếm mấy người cũ, hỏi thêm.
Trần Phụng đưa Hà trở lại mảnh vườn xưa. Cây cối xác xơ, héo rũ. Lá rụng vương đầy khắp lối đi. Một căn nhà gạch được dựng trên nền đất cũ. Chủ nhân ngơ ngác bước ra, lạ hoắc. Thấy bộ đội, dân ùa tới liền. Vài chị sồn sồn dọ hỏi quan hệ, Phụng nói có người quen nhờ gởi quà cho Út Hậu, giờ tìm chỉ ở đâu? Một người nhanh nhẩu, biểu cổ đùm túm đưa con về dưới miệt U Minh với ông già. Người khác gạt đi, bậy, ba mẹ con đi kinh tế mới hồi nẳm. Chả biết nghe ai. Phụng hỏi một chị cứng tuổi:
– Chị nói ba mẹ con Út Hậu?
– Ừa, thì con Út với sắp nhỏ. Đứa gái thua thằng anh đến chục tuổi lận.
Người đàn ông loạng choạng, đưa tay ôm lấy ngực. Suýt nữa, anh buột miêng kêu trời. Lo vết thương của sư trưởng tái phát, Hà hỏi:
– Thủ trưởng có cần thuốc không, ạ?
Trần Phụng lắc đầu. Dường như có bàn tay vô hình nào đó đang bóp nghẹt tim anh. Từ sâu thẳm miền ký ức, tiếng rên của thiếu phụ dội về: “Chết em rồi, Tư ơi!”. Khoảnh khắc hạnh phúc và đớn đau hòa trộn…
Chân trời phía tây vẫn ửng lựng bởi chớp đạn. Hà xốc bao da súng ngắn.
– Dạ, nếu cô bác nào ki được địa chỉ của mẹ con chị Út thì lên báo giùm cho ấp, xã. Chúng tôi xin trở lại sau.
Từ xa, tiếng trọng pháo vẫn ầm ì xé toạc hoàng hôn màu lửa. Hai người lính bước như chạy. Trần Phụng ngoái nhìn cái ấp đang mờ dần. Nuốt sâu một tiếng thở dài, anh bước lẹ lên xe.
– Ta đi, các cậu.
20/11/2022
Nguyễn Minh Ngọc
Nguồn: Tạp chí Văn Nghệ TP. HCM số Xuân Quý Mão 2023
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...