Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2024

 

Từ ‘Đề cương văn hóa Việt Nam’ đến nhận thức mối quan hệ giữa chính trị và văn nghệ thời kỳ đổi mới, hội nhập

Lý luận văn học thời đổi mới, hội nhập đã xác định nguyên tắc: Tự do của người nghệ sĩ phải đi cùng với tuân thủ luật pháp, tự do gắn liền với trách nhiệm của công dân với cộng đồng dân tộc. Không có tự do vượt lên luật pháp, vượt lên quyền dân chủ và quyền con người. Và chỉ có trên nguyên tắc này vấn đề tự do dân chủ mới tránh được sự lạm dụng, đời sống văn hoá, văn nghệ mới được quản lý một cách khoa học và hợp lý.

1. Đề cương văn hóa Việt Nam do cố Tổng Bí thư Trường Chinh thay mặt Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam soạn thảo năm 1943 đã hành trình cùng sự phát triển của đời sống văn hóa dân tộc tròn 80 mươi năm. Giá trị của bản đề cương được vận dụng linh hoạt vào thực tiễn, tạo ra những chuyển biến sâu sắc trong quá trình xây dựng và phát triển văn hóa nói chung và văn học nghệ thuật nói riêng. Tám mươi năm đã đi qua, hoàn cảnh lịch sử đất nước và thế giới nhiều thay đổi nhưng tinh thần căn bản của Đề cương Văn hóa Việt Nam còn nguyên giá trị.

Từ sau 1986 đến nay, trong bối cảnh đất nước đổi mới toàn diện, hội nhập phát triển theo xu hướng toàn cầu hóa, việc hiểu, phát huy và vận dụng nội dung cơ bản của đề cương như thế nào để mang lại hiệu quả trong phát triển đời sống văn hóa, văn nghệ nước nhà là những vấn đề cần được nghiên cứu thấu đáo để có thể rút ra bài học kinh nghiệm cho phù hợp với sự nghiệp xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ở giai đoạn mới.

Trong giới hạn của tham luận này, chúng tôi tập trung luận giải vấn đề: Từ Đề cương văn hóa Việt Nam 1943 đến nhận thức vấn đề mối quan hệ giữa chính trị và văn nghệ trong thời kỳ đổi mới, hội nhập. Từ đó góp phần khẳng định, dưới ánh sáng của Đề cương văn hóa và đường lối đổi mới quản lý văn hóa văn nghệ của Đảng, các nhà nghiên cứu văn học Việt Nam đã “khoa học hóa” nội hàm vấn đề mối quan hệ giữa chính trị và văn nghệ để đáp ứng nhu cầu phát triển nền văn học nghệ thuật dân tộc trước yêu cầu thời đại mới đặt ra.

 2. Với Đề cương văn hóa Việt Nam năm, lần đầu tiên Đảng Cộng sản Việt Nam công bố quan niệm của mình về văn hóa theo quan điểm mác – xít, văn hóa được xác định là một trong ba mặt trận (cùng với mặt trận chính trị và kinh tế), sự thắng lợi của cách mạng chính trị là cơ sở đảm bảo thành công của cách mạng văn hóa. Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 trở đi, mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị được quán triệt tinh thần: “Chính trị lãnh đạo văn nghệ và văn nghệ phục vụ chính trị”(1).

Nền văn nghệ Việt Nam thế kỷ XX là nền văn nghệ gắn bó mật thiết với đời sống chính trị của dân tộc. Xu hướng dân tộc, dân chủ mà nổi bật nhất là dân chủ vô sản hay gọi là dân chủ xã hội chủ nghĩa là trào lưu cách mạng to lớn, có sức ảnh hưởng, lôi cuốn, thu hút mạnh mẽ đối với hàng trăm dân tộc, hàng triệu người trên thế giới. Trong dòng chảy của thời đại, văn nghệ Việt Nam hiện đại đã theo sát và phản ánh tinh thần dân tộc và dân chủ theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa, tham gia tích cực vào quá trình vận động chính trị của dân tộc trong suốt hành trình thế kỷ XX. Đây là một nền văn nghệ thiên về biểu hiện những tình cảm chính trị nhiệt thành.

Trong Thư gửi anh em văn hóa và trí thức Nam Bộ (25/5/1947), chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà, và anh em văn hóa và trí thức phải làm cũng như là những chiến sĩ anh dũng trong công cuộc kháng chiến để tranh lại quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc”(2). Quan điểm văn nghệ gắn liền chính trị còn được Hồ Chí Minh nhấn mạnh hơn trong Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa 1951: “Văn hóa văn nghệ là một mặt trận/ Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.

Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ làm nghệ thuật có nhiệm vụ phục vụ kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, trước hết là công, nông, binh. Để làm tròn nhiệm vụ, mỗi nghệ sĩ cần có lập trường vững, tư tưởng đúng, phải đặt lợi ích của kháng chiến, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết. Tính nhất quán trong quan điểm chỉ đạo của Đảng Cộng sản về văn hóa văn hóa văn nghệ là coi văn hóa nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, phải ở trong kinh tế và chính trị. Đến thời kỳ chống Mỹ cứu nước, tư tưởng chỉ đạo này càng được quán triệt hơn. Văn nghệ lúc này luôn bám sát tình hình thời sự và các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng để phản ánh hiện thực cách mạng. Trung thành tuyệt đối với lý tưởng cách mạng, bảo vệ và xây dựng đất nước được coi là phẩm chất chính trị quan trọng của văn học, và tất nhiên đây cũng là tiêu chí hàng đầu để xem xét và định giá mỗi tác phẩm nghệ thuật.

Trải qua suốt ba chục năm kháng chiến trường kỳ, định hướng văn nghệ gắn liền với chính trị, là “công cụ” phục vụ chính trị đã giúp văn nghệ nhiệt tình nhập cuộc vào cơn lốc cách mạng của dân tộc, góp phần không nhỏ trong việc huy động sức mạnh đoàn kết toàn dân, để phục vụ xã hội, phục vụ con người. Đó là một quan điểm tiến bộ về văn nghệ của nhân loại đã có từ thời cổ xưa và đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Trong tình thế của cuộc sống, định hướng cách mạng nhằm vào sự nghiệp giải phóng dân tộc đòi hỏi văn nghệ cần nghiêng hẳn về chức năng “vũ khí” – về hệ tư tưởng, đây là biểu hiện của quy luật thống nhất giữa văn nghệ và chính trị, giữa nghệ thuật chân chính và chính trị chân chính.

Tuy nhiên, sau 1975 lịch sử dân tộc đã sang trang, hoàn cảnh không bình thường đối với đời sống dân tộc kết thúc, thời đại mới đặt ra cho văn nghệ nhiều vấn đề cần giải quyết. Vấn đề mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị cũng cần phải nhìn nhận lại cho phù hợp với bước đi của lịch sử. Bởi vì văn nghệ đặt trong điều kiện chiến tranh giữ nước và văn nghệ đặt trong điều kiện xã hội thời bình có hai sắc thái hết sức khác nhau. Hơn nữa, trong quá trình vận dụng nguyên tắc văn nghệ chịu sự quản lý của chính trị để phục vụ kháng chiến đã nảy sinh không ít những quan điểm cực đoan, hiểu không đúng về vấn đề này khiến cụm từ “văn học là công cụ phục vụ chính trị” gây nhiều khó khăn, cản trở sự phát triển của văn học nghệ thuật. Vì vậy thời kỳ đổi mới và hội nhập (sau 1986 đến nay), các nhà khoa học Việt Nam dựa trên nền tảng chỉ đường của Đề cương Văn hóa, dưới ánh sáng đổi mới về đường lối văn nghệ của Đảng đã bổ sung nhiều hướng tiếp cận xung quanh mối quan hệ văn nghệ và chính trị.

Lý luận về quan hệ giữa văn nghệ và chính trị có ý nghĩa then chốt vì nếu không được nhìn nhận một cách biện chứng, khách quan, toàn diện sẽ làm lệch lạc các nguyên lý lý luận khác. Nếu giải quyết được vấn đề một cách triệt để thì sẽ tháo gỡ được những gì còn bức xúc của đời sống văn học nghệ thuật. Chính vì vậy ngay từ ngày đầu đổi mới, vấn đề mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị đã thu hút sự quan tâm của nhiều văn nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu và các nhà quản lý xã hội. Nhiều nhà nghiên cứu lý luận và nhiều văn nghệ sĩ thống nhất ý kiến: “Cần xác định lại cho đúng mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị cả về mặt nhận thức, quan niệm, cả về mặt tổ chức lãnh đạo và quản lý văn nghệ (3).

Trước hết các ý kiến tập trung xem xét lại quan niệm đồng nhất văn nghệ và chính trị, sự chi phối thái quá của chính trị đối với văn nghệ: “Thời gian qua xu hướng đồng nhất lại là xu hướng chủ đạo (…) Cũng vì đồng nhất như thế nên văn nghệ không đào sâu vào phương diện nhân cách, chỉ chú ý nói công đức mà quên tư đức”(4). Các nhà nghiên cứu cho rằng việc đồng nhất văn nghệ với chính trị đã không những làm yếu văn nghệ, mà còn làm yếu chung sự nghiệp cách mạng. Biểu hiện cụ thể là “chính trị nói gì, văn nghệ ca hát theo nấy”(5). Do phụ thuộc vào chính trị nên nghệ thuật luôn bị biến thành “công cụ” giải thích và tuyên truyền cho công tác vận động chính trị. Lấy lý thuyết thay cho hình tượng, lấy tiếng nói của nguyên tắc, của lý trí thay cho tiếng nói xuất phát từ tâm hồn, tình cảm, coi thường quy luật đặc thù và đặc tính vốn có của văn học nghệ thuật. Quan điểm phiến diện, sai lầm trên là cơ sở nảy sinh thái độ ứng xử thiếu công bằng, khách quan với văn học nghệ thuật, khiến văn học nghệ thuật không còn được là chính nó.

Cùng với vấn đề trên, tư duy lý luận đổi mới còn đào sâu nhận thức về quan hệ giữa ý thức chính trị và ý thức nghệ thuật, đặc biệt phân biệt rõ bản chất đặc thù của mỗi hình thái.

Theo triết học mácxit, văn nghệ, khoa học cũng như chính trị,… là các hình thái ý thức xã hội. Chúng có những chức năng và hình thức biểu hiện riêng biệt, có quan hệ tương tác với nhau chứ không lệ thuộc vào nhau. Song, dường như trước đổi mới điều này đã bị lãng quên, mọi giá trị nghệ thuật đều được đo bằng tư tưởng, lập trường chính trị.

Đến thời đổi mới và hội nhập, tư duy lý luận nhận thức đầy đủ hơn về quan hệ giữa văn nghệ và chính trị. Đây “là hai hình thái độc lập, tuy có quan hệ tác động qua lại chặt chẽ, nhưng giữa chúng chỉ có tính thống nhất, chứ không có tính đồng nhất, như một số người đã quan niệm”(6). Lê Ngọc Trà trong bài viết gây nhiều tranh luận với nhan đề Văn nghệ và chính trị đã phân biệt hai vấn đề: a/Quan hệ giữa văn nghệ và một chế độ chính trị cụ thể; b/ Quan hệ giữa văn nghệ và chính trị như hai lĩnh vực của hình thái ý thức. “Ý thức nghệ thuật không phải là sản phẩm hay nội dung đặc biệt của ý thức chính trị mà là một hình thái ý thức xã hội đặc thù, phát triển song song với ý thức chính trị và các kiểu ý thức khác”(7).

Lê Ngọc Trà nhấn mạnh hai hình thái ý thức xã hội này bình đẳng với nhau trong việc thực hiện vai trò đối với xã hội, ông cho rằng ý thức chính trị và ý thức văn nghệ là những người bạn đồng hành trên con đường nhân loại đi tìm hạnh phúc. Tiếng nói chính trị và tiếng nói nghệ thuật bổ sung cho nhau, làm thăng bằng đời sống tinh thần của xã hội, chúng có đặc thù tư duy khác nhau, đối tượng phản ánh khác nhau,… cần thừa nhận sự độc lập cho văn nghệ vì ý thức văn nghệ có nội dung riêng, là tiếng nói về số phận con người là câu chuyện về đời người.

Nhiều nhà nghiên cứu khác như Nguyên Ngọc, Hồ Ngọc, Phong Lê, Nguyễn Đăng Mạnh,… cũng đồng quan điểm với Lê Ngọc Trà. Trong bài viết với nhan đề Vấn đề mối quan hệ giữa văn nghệ với chính trị  tác giả Nguyễn Văn Dân cho rằng chính trị là một hình thái ý thức xã hội: “Có một vị trí rất đặc biệt (…) các lý thuyết chính trị được sinh ra là để trở thành lực lượng quản lý và cai trị xã hội”(8). Chính vì thế, chính trị khi biến thành quyền lực thì nó không chỉ đơn thuần là hình thái ý thức xã hội mà nó trở thành một lực lượng quản lý có chức năng điều chỉnh mọi lĩnh vực xã hội. Và cũng vì thế, vai trò chi phối của nó đối với mọi lĩnh vực xã hội, trong đó có  các hình thái ý thức xã hội khác, là một điều hiển nhiên không thể tránh khỏi.

Tư duy lý luận văn nghệ đổi mới cũng khẳng định không chỉ có chính trị mới có thể tác động đến văn nghệ mà văn nghệ cũng có những tác động nhất định đến chính trị, làm phong phú thêm cho chính trị. Trong thực tiễn, không phải chỉ có nhà chính trị mới có ý thức chính trị mà chính trong bản thân mỗi nghệ sĩ vốn cũng mang sẵn những ý thức chính trị sâu sắc. Ý thức chính trị này được thể hiện vào sáng tác, đó là tư tưởng riêng, tư tưởng thẩm mỹ của nghệ sĩ, và như một hệ quả tất yếu, từ những tư tưởng nhân đạo lành mạnh, cởi mở sẽ sinh ra những ý thức chính trị lành mạnh, hiện thực. Các nhà nghiên cứu cũng chứng minh mọi thời đại trong lịch sử phát triển của nhân loại, khi đã có nhà nước thì văn nghệ luôn luôn đặt dưới sự quản lý của thiết chế chính trị. Đó là một quan hệ đã có truyền thống từ thời xa xưa và kéo dài cho tới ngày nay ở bất cứ nơi nào và ở bất cứ xã hội nào.

Những phân tích trên cho thấy từ sau đổi mới (1986) đến những năm đầu của thế kỷ XXI, nhận thức về vấn đề mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị phát triển thêm một bước mới: Các nhà nghiên cứu lý luận một mặt đi sâu lý giải cụ thể sự tác động lẫn nhau của hai hình thái ý thức xã hội đồng thời mặt khác phân biệt rõ văn nghệ chỉ phụ thuộc vào chính trị, liên quan đến chính trị ở phương diện thiết chế chính trị với tư cách là nhà nước quản lý.

Ở phương diện quản lý văn nghệ, các nhà nghiên cứu cho rằng đường lối lãnh đạo văn học nghệ thuật phải dựa trên sự hiểu biết về đặc thù của văn học nghệ thuật, hiểu biết về sự sáng tạo của người nghệ sĩ, tránh quan niệm cực đoan, đi tìm văn nghệ thuần túy, hoặc xem văn nghệ chỉ là “vũ khí” phục vụ thô thiển cho chính trị. “Đối với chúng ta hiện nay, điều rất quan trọng và thiết thực là thể chế hóa sự lãnh đạo chính trị của Đảng đối với văn nghệ chứ không phải là chỉ cần dừng lại ở cách nói chung chung về “quyền lãnh đạo của chính trị đối với văn nghệ”(10).

Từ những ý kiến đề xuất của nhiều nhà khoa học và văn nghệ sĩ, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chú trọng đổi mới nhận thức, đưa ra những quan điểm mới về lãnh đạo và quản lý văn nghệ mà tinh thần cốt yếu là phải làm sao tạo điều kiện, khuyến khích và phát huy được cao nhất tính sáng tạo của người nghệ sĩ nhằm tạo nên những giá trị mới cho nền văn học nước nhà. (Thể hiện qua NQ 05 của Bộ Chính trị khóa IV; NQ TW5 khóa VIII năm 1988; NQ23 – NQ/TW ngày 16/6/2008).

Tự do sáng tác nằm trong quyền tự do văn hoá và tự do diễn đạt, vì thế tự do sáng tác cũng là một trong những quyền quan trọng nhất của con người. Ngay từ đầu đổi mới vấn đề này đã được quan tâm bởi lẽ tác phẩm văn nghệ là sản phẩm tinh thần đặc biệt, do sự thôi thúc bên trong của người nghệ sĩ tạo ra và là mục đích tự thân của họ, chứ không phải là một phương tiện, một công cụ có thể sử dụng bất kỳ. Do đó “nó mang đậm cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ trong điều kiện tự do sáng tác – một điều kiện cực kỳ quan trọng, không thể thiếu được của người nghệ sĩ” (11).

Lý luận đổi mới đã ý thức rõ tự do chính là khởi điểm cho sáng tạo. Tuy vậy, không có tự do vô giới hạn, không thể có bất cứ quyền tự do nào mà lại không thực hiện với một trách nhiệm tương xứng. Đó là chân lý mà nhân loại đã thừa nhận từ lâu. Trong tư duy triết học kinh điển mácxit, tự do và tất yếu là một cặp phạm trù biện chứng. Con người chỉ có được tự do thật sự khi hiểu được các quy luật của tất yếu khách quan. “Đối với những người viết chân chính – đó là tự do trong giới hạn của một lẽ sống chân chính, của mục tiêu cao quý của nghệ thuật vì hạnh phúc của nhân dân, vì lẽ công bằng cho con người và tiến bộ xã hội”(12).

Như vậy, lý luận thời đổi mới, hội nhập đã xác định nguyên tắc: Tự do của người nghệ sĩ phải đi cùng với tuân thủ luật pháp, tự do gắn liền với trách nhiệm của công dân với cộng đồng dân tộc. Không có tự do vượt lên luật pháp, vượt lên quyền dân chủ và quyền con người. Và chỉ có trên nguyên tắc này vấn đề tự do dân chủ mới tránh được sự lạm dụng, đời sống văn hoá, văn nghệ mới được quản lý một cách khoa học và hợp lý. Các nhà lý luận cũng đã chứng minh và khẳng định: “Việc văn nghệ chịu sự quản lý của chính trị để phục vụ con người không có gì là vô lý, thậm chí việc đó còn góp phần phát huy hiệu quả tác động xã hội của văn nghệ”(13). Tuy nhiên cũng lưu ý rằng xét từ góc độ lý thuyết nói chung, bất cứ ở đâu, thời đại nào khi xã hội xuất hiện sự “cai trị” văn nghệ bằng mệnh lệnh chủ quan áp đặt, buộc các văn nghệ sĩ phục tùng chế độ chính trị tàn bạo, mất dân chủ thì việc xung đột giữa văn nghệ với chính trị là tất yếu. Văn nghệ chân chính luôn chống lại thứ chính trị thoái hóa, nhưng lại thống nhất với chính trị chân chính.

Việc lý luận đổi mới phân biệt rõ đặc thù của hai hình thái ý thức xã hội là quan điểm khoa học đúng đắn. Bởi vì chỉ có trên cơ sở như vậy lý luận mới có thể tiếp tục giải quyết nhiều câu hỏi khác đặt ra xung quanh mối quan hệ giữa văn học và chính trị, đặc biệt nhất là câu hỏi: Trong thời đại ngày nay cần quan niệm văn nghệ phục vụ chính trị theo cách như thế nào?

Chúng tôi đồng tình và chia sẻ với Lê Ngọc Trà khi trong bài viết Văn nghệ và chính trị ông đã phân biệt khác với chính trị và đạo đức, sức tác động mạnh mẽ của văn nghệ thể hiện chủ yếu không phải ở chỗ nó tuyên truyền và răn dạy, mà ở khả năng khêu gợi, đánh thức lương tri của mỗi người, kích thích quá trình tự giáo dục ở họ: “Nghệ thuật như tấm gương lớn xã hội đặt ra trước mặt, mỗi người đến tự soi mình, nhận diện, đối thoại với chính bản thân mình, tự phán xử, kiêu hãnh với những gì tốt đẹp có ở mình, ở cuộc đời, đồng thời cũng hổ thẹn vì những gì trái với lương tâm, đau đớn với tội lỗi, bất công trong xã hội”(14). Lê Ngọc Trà cũng như nhiều nhà khoa học khác đã đánh giá cao chức năng giáo dục con người của văn nghệ, song đó không phải là sự giáo dục theo công thức giáo điều buộc người ta phải tuân thủ mà ở đây mang ý thức tự giác cao. Thiết nghĩ, muốn “phục vụ” được chính trị, thúc đẩy sự tiến bộ xã hội thì trước hết văn nghệ phải ý thức được đầy đủ thiên chức của mình. Đó không đơn thuần chỉ là chức năng tuyên truyền mà quan trọng hơn hết đối với ý nghĩa sự tồn tại của văn học nghệ thuật là thiên chức đánh thức tâm hồn, tình cảm của con người.

Hơn bao giờ hết, thời đại hội nhập hôm nay của dân tộc với thế giới đòi hỏi ở lý luận một sự lý giải thỏa đáng cho câu hỏi: nằm trong sự quản lý của thiết chế chính trị, văn nghệ sẽ phục vụ cho sự phát triển của xã hội và con người như thế nào?

Có thể thấy, để phát huy tốt chức năng xã hội của mình văn nghệ không thể sáng tác chạy theo giáo điều, rao giảng đạo đức một cách khô khan, sống sượng, cũng không thể hô hào tình yêu Tổ quốc một cách chung chung, sáo rỗng. Văn nghệ hoàn toàn không phải là một thứ “công cụ” như khẩu súng, máy bay, tàu thủy, để sử dụng nó như một thứ vũ khí vật chất vào mục đích vụ lợi của một số người, phe phái, cục bộ địa phương. Nghệ thuật là một hoạt động tinh thần có sức mạnh kỳ diệu, nhưng sức mạnh của nghệ thuật không phải là thứ sức mạnh nhờ vào quyền lực chính trị mang lại. Sức mạnh lôi cuốn thuyết phục của  nghệ thuật tỏa ra từ chính tác phẩm – điểm hội tụ tài năng, trí tuệ, tâm huyết và bản lĩnh của người nghệ sĩ. Từ hơn sáu trăm năm trước, Nguyễn Trãi – danh nhân văn hóa thế giới – đã từng dùng những trang viết sắc sảo, thấu lý đạt tình để “mưu phạt tâm công” (đánh vào lòng người), và nhờ vậy ông đã để lại cho đời những áng văn chương có “sức mạnh hơn mười vạn quân” (Phan Huy Chú).

Muốn có được sức mạnh lay chuyển lòng người như vậy, nghệ thuật phải được bộc bạch tất cả những gì riêng tư nhất, khát vọng tha thiết nhất thuộc về bản thể con người, nó đánh thức tình yêu và tiềm năng sáng tạo của họ, nó khiến con người ý thức được niềm hạnh phúc và trách nhiệm lớn lao của quyền và nghĩa vụ của Con Người theo nghĩa đúng nhất của từ này. Phải được nói lên nhiều mặt cả cái xấu và cái tốt, cao thượng và thấp hèn, cái ác và cái thiện, cái được và cái mất,… Văn học phải được đi đến tận cùng những số phận con người với những trang viết thấu đáo về đời sống và con người. “Nó chỉ làm cái việc của nó, riêng nó, riêng nó mới có thể làm được (…) giữ cho con người mãi mãi là con người, không phải là con thú vô nhân tính, mà cũng không thành ông thánh cao vời, vô duyên và cũng vô nhân tính nốt. Nó chăm lo cho con người mãi mãi thật là người”(15). Văn học chân chính (cũng như chính trị tiên tiến) nằm ngoài những băng hoại do thời gian. Sự sàng lọc nghiệt ngã qua thời gian khiến những tác phẩm văn học có giá trị đích thực như những viên ngọc quý phát lộ hào quang. Đó cũng chính là những tế bào  góp phần cấu tạo nên văn hóa của một dân tộc. Và câu hỏi những tác phẩm văn học như vậy “phục vụ” chính trị ở chỗ nào đồng nghĩa với lời giải đáp cho câu hỏi: những tác phẩm ấy có giá trị làm cho cuộc sống tinh thần, tâm hồn của con người ở thời đại mà nó tỏa sáng phong phú tốt đẹp lên ra sao?

3. “Như ngọn đuốc soi đường”, ở mỗi chặng đường lịch sử, Đề cương Văn hóa Việt Nam (1943) đã định hướng cho công cuộc xây dựng và phát triển nền văn hóa mới của đất nước đạt nhiều thành tựu. Giá trị cốt lõi của Đề cương vẫn phát huy tinh thần ở thời đổi mới, hội nhập theo xu hướng toàn cầu hóa; Trên nền tảng tinh thần của Đề cương cùng các Nghị quyết Đại hội VIII, Hội nghị lần thứ năm BCH Trung ương khóa VIII (tháng 7 năm 1998) Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nghị quyết 23-QĐ/TW (ngày 16 tháng 6 năm 2008) của Bộ Chính trị Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới… việc nhận thức vấn đề mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị được các nhà nghiên cứu lý luận văn học Việt Nam từng bước có những phát hiện, bổ sung, mở rộng nội hàm khái niệm ở nhiều phương diện, cấp độ khác nhau và đã mang lại giá trị khoa học, góp phần thúc đẩy sự phát triển của văn học nghệ thuật nói riêng và văn hóa nói chung trong thời kỳ đất nước đổi mới và hội nhập.

Quan sát thực tiễn xã hội, có thể thấy những tư tưởng mới, tiến bộ đã và đang tiếp tục được khẳng định – Đó là tinh thần khắc phục những hạn chế trong nhận thức về vai trò của văn nghệ và chính trị, khôi phục lại quan hệ  gắn bó mà đẳng lập của hai hình thái ý thức xã hội làm cho chúng phát triển trong tương quan một cách biện chứng. Văn nghệ với chức năng có tính đặc thù nghệ thuật sẽ cùng với chính trị hướng đến mục tiêu cao đẹp: làm cho xã hội ổn định, con người trở nên người hơn, sống nhân ái, nhân văn, và hướng về những khát vọng chân chính.

Tài liệu tham khảo:

(1), (2). Hồ Chí Minh, Lê Duẩn,… (1976), Về văn hóa văn nghệ, (tái bản lần thứ tư), Nxb. Văn hóa, Hà Nội, tr.189, 53.

(3), (4), (5), (6), (11).  Lại Nguyên Ân, Nguyễn Thị Bình (Sưu tầm và biên soạn) (2006), Tư liệu văn học đổi mới (từ 1985 – 2995), http://www.vietstudies.info/NhaVanDoiMoi

(7), (14).  Lê Ngọc Trà (2005), Lý luận và văn học, Nxb Trẻ, TP Hồ Chí Minh, tr.21, 27.

(8), (9). Nguyễn Văn Dân (2009), “Vấn đề mối quan hệ giữa văn nghệ  với  chính trị”, Nghiên cứu Văn học, (4), tr.11, 12.

(10). Lại Nguyên Ân (2003), Sống với văn học cùng thời, Nxb Thanh niên, Hà Nội, tr.297.

(12). Phong Lê (chủ biên), (1990), Văn học và hiện thực, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.137

(13). Nguyễn Văn Dân (2009), tài liệu đd, tr. 13. 

(15). Nguyên Ngọc (2009), “Đôi ý kiến về văn học hiện nay’’, Tạp chí Nghệ thuật biểu diễn (Tháng 1), tr.36.

24/2/2023

Cao Thị Hồng

Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...